Cách làm BÁNH PHỒNG TÔM

Bánh phồng tôm là món bánh ăn chơi thú vị, trong dân gian bánh này thường dùng vào dịp cỗ, đám, tiệc. Bánh hấp dẫn bởi kết cấu giòn tan, vị mặn dịu thơm thoang thoảng mùi tôm. Công thức làm bánh này không khó.

Nguyên liệu:

  • Tôm: 500g
  • Bột năng: 500g
  • Hột vịt: 2 lòng trắng (không dùng lòng đỏ)
  • Tỏi: 2 tép
  • Hành lá: 5 cây
  • Muối: 2 muỗng cafe
  • Tiêu hột trắng: 1/2 muỗng cafe
  • Bột ngọt: 1/2 muỗng cafe
  • Đường phèn: 1 muỗng cafe
  • Miếng vải thưa để gói.

Thực hiện:

– Tôm lột vỏ, rửa sạch, chà muối cho trắng. Bóc hết màng quanh tôm. Thấm tôm cho ráo rồi đập dập.

– Hành tỏi cho vào cối giã nát rồi cho tôm vào giã chung cho nhuyễn. Sau đó cho bột ngọt, muối, tiêu, đường vào giã quết tiếp cho mịn.

– Tiếp theo cho lòng trắng trứng và bột năng vào hỗn hợp, dùng tay nhào đều rồi tiếp tục quết cho thật đều.

– Trút hỗn hợp bột tôm ra mặt phẳng, se thành cây hình lăng trụ tròn dài (đường kính khoảng 6 cm). Nhớ se cho kĩ, chắc. Dùng vải bọc lại như bọc bánh tét.

– Bắc xửng hấp cách thủy. Cho đòn bột vào hấp khoảng 1 giờ, rồi lấy ra để nguội rồi cho vào tủ lạnh khoảng 5 tiếng đồng hồ. Sau đó lấy ra cắt thành từng lát thật mỏng.

– Cắt xong thì đem phơi dưới nắng to. Nếu không có nắng thì cất vào tủ lạnh đợi có nắng.

– Bánh phơi xong, chiên giòn nở xốp là ăn được. Có thể ăn với GỎI NGÓ SEN rất ngon. Xem Cách làm Gỏi ngó sen

Bảo Tố

Cách làm TƯƠNG GAN HEO

Tương gan heo là loại nước chấm ưa thích với món bánh xèo ở Đà Nẵng, Huế. Cách làm khá là phức tạp so với nước chấm chua ngọt, bù lại cho ra loại nước chấm hấp dẫn đặc biệt.

Nguyên liệu:

  • Gan heo
  • Sữa tươi
  • Chút thịt xay
  • Hành củ, tỏi băm nhuyễn
  • Dầu điều
  • Gia vị ướp: 1/2 muỗng cafe muối + 1 muỗng cafe đường + 1,5 muỗng cafe nước mắm
  • Tương bần: 1 chén
  • Bột năng: 1 muỗng cafe
  • Đậu phộng & mè rang giã nhỏ.

Cách làm:

– Bột năng đem hòa với chút nước cho tan.
– Gan heo rửa sạch, ngâm trong sữa tươi 30 phút rồi vớt ra để ráo. Giã nát hoặc xay lợn cợn, trộn chung với hành tỏi băm, thịt xay cho đều, ướp với muối + đường + nước mắm trong 20 phút.
– Bắc chảo phi thơm hành củ, rồi cho hỗn hợp trên vào xào nhanh tay, thấy gan chuyển màu thì đổ vào 1 chén tương bần và 1 chén nước sôi, khuấy đều. Nấu tiếp cho sôi.
– Hỗn hợp sôi rồi thì cho thêm đậu phộng vào, đun nhỏ lửa, nêm nếm lại vừa miệng. Cuối cùng cho bột năng đã hòa tan vào, quấy đều. Tắt bếp.
– Khi ăn cho tương ra chén, rắc đậu phộng và mè rang lên trên, thêm chút dầu điều cho hấp dẫn.

Bảo Tố, , theo hướng dẫn của PT2012@webtretho

Cách làm BÁNH XÈO MIỀN TRUNG

Bánh xèo là món nhiều người ưa thích. Bánh xèo ăn ngon nhất là lúc trời mưa, tiết mát mẻ, sướng nhất là cả nhà ngồi gần chảo, tráng bánh nghe xèo xèo, ăn nóng tại chỗ.

Bánh xèo miền Trung cũng tương tự bánh xèo miền Nam, khác nhau về kích cỡ và cách ăn. Bánh xèo miền Trung thường đổ trong chảo riêng loại nhỏ, bánh làm nhỏ hơn rất nhiều so với bánh xèo miền tây, và có thể bỏ gọn vô cái bánh tráng để cuộn với rau sống như gỏi cuốn dễ dàng.

Cách làm bánh trong bài này nhìn thì dài nhưng thực ra chỉ có vài công đoạn, chủ yếu là khâu chuẩn bị.

Nguyên liệu:

Phần bột: 1 chén bột gạo + 2 chén nước lọc + chút muối + 1 củ nghệ nhỏ hoặc chút bột nghệ
Phần nhân:

  • Tôm bạc: 1 chén
  • Giá: 1 chén
  • Nấm rơm: 1 chén
  • Thịt ba rọi: 1 chén
  • Đậu xanh: 1 chén
  • Hành lá

(Phần nhân này ngoại trừ hành lá, giá, tôm thịt thì cái gì không thích có thể bỏ qua)
Rau sống ăn kèm: Xà lách (rau diếp), khế, dưa leo, đồ chua, ngò, rau thơm.

Chảo tráng bánh: lựa loại nhỏ đường kính khoảng 15 – 20cm

Nước chấm:

Cách làm:

Làm bột: Nghệ giã nhuyễn hòa với 1/2 chén nước, sau đó hòa chung với 1 chén bột gạo, 2 chén nước, 1/2 muỗng cafe muối. Quấy đều rồi dùng rây lọc sạch. Để đó khoảng 1 giờ đồng hồ cho bột nở hết.

Làm nhân:
– Thịt ba rọi xắt miếng nhỏ, mỏng.
– Hành lá xắt cọng 2cm.
– Giá rửa sạch, bỏ rễ.
– Nấm gọt hết phấn, ngâm nước muối vài phút, rửa sạch rồi xắt lát mỏng hoặc chẻ tư.
– Đậu xanh ngâm nước đãi vỏ, luộc chín rồi để đó.
– Tôm bỏ râu ria, bỏ phân nơi đầu. Để nguyên vỏ, rửa sạch rồi để ráo, ướp với chút muối tiêu.

Đổ bánh:

– Bắc chảo loại nhỏ lên bếp, tráng ít dầu hoặc mỡ cho đều mặt chảo, sau đó cho vài lát thịt vào xào săn, tiếp theo xếp vài con tôm vào rồi đổ một muôi bột vào.  Tráng cho bột trải tròn đều trong lòng chảo. Sau đó rải thêm nấm, nhúm giá, nhúm đậu xanh, hành lá vào. Đậy nắp lại vài phút cho bánh chín. Mở nắp ra thấy bánh chín giòn, dùng vá dẹt gấp đôi bánh lại lấy ra khỏi chảo.

– Lần lượt làm cho hết bột.

Pha nước chấm chua ngọt hoặc tương (đã có link ở phần nguyên liệu) .

Chuẩn bị ăn:

– Chế nước mắm chua ngọt hoặc tương đã pha vào chén, bỏ thêm ít đồ chua vào.

– Bánh xèo miền Trung có thể tráng hơi dày, khi ăn dùng kéo cắt ngang làm ba rồi dùng đũa gắp ăn kèm rau sống. Hoặc tráng mỏng rồi cuốn với bánh tráng, rau sống ăn.

Lưu ý: Lúc tráng bánh coi chừng cháy.

Bảo Tố

Cách làm SUNG MUỐI

 Sung muối là món ăn quen thuộc với các tín đồ ốc nóng miền Bắc. Vị chua ngọt, chát chát và kết cấu giòn của quả sung khiến không ai chê được. Món này rất dễ làm, ngoài ốc ra, có thể ăn kèm thịt luộc, hay cơm nóng đều ngon.

Công thức làm Sung muối:

Nguyên liệu:

  • Quả sung (khoảng 1 ký)
  • Ớt, tỏi: 2 thứ này đập dập
  • Giấm
  • Đường, muối
  • Nước

* Sung nếu hái được thì tốt, không thì ra chợ lựa sung không bị dập, còn nguyên chùm, trái vừa to, đều nhau.

Cách làm:

– Cắt bỏ cuống sung, sau đó ngâm vào nước dấm loãng để ít nhất 5 tiếng. Vớt ra rửa lại bằng nước rồi để ráo.

– Bắc chảo cho vào 1 lít nước, 2 muỗng canh đường, 3 muỗng canh muối, đun sôi rồi tắt bếp.

– Khi hỗn hợp này còn ấm thì cho tỏi và ớt vào, để nguội hẳn.

– Xếp sung vào lọ, keo thủy tinh. Rồi đổ hỗn hợp nói trên vào cho ngập mặt sung, dùng đồ chèn cho sung khỏi nổi lên (có thể dùng 1 túi nilon nước cột lại, hoặc xếp vài thanh tre thành nan để nén). Để sung ở chỗ thoáng mát, khoảng 2 -3 ngày sau là ăn được.

* Bảo quản sung muối trong tủ lạnh.

* Khi ăn để nguyên trái hoặc xắt lát, có thể pha thêm nước mắm chua ngọt.

Bé Thúi

Cách làm TÔM CHẤY

Tôm chấy là nguyên liệu tuyệt vời, giữ vai trò quyết định cho sự thơm ngon của các món như Bánh bèo Huế, bánh ít trần, bánh ướt, bánh hỏi…Có 2 cách làm, làm bằng tôm tươi và làm bằng tôm khô.  

  1. CÔNG THỨC 1: LÀM BẰNG TÔM TƯƠI

Nguyên liệu:

  • 350g tôm bạc tươi
  • Muối, tiêu
  • Nước của 2 trái dừa khô

Cách làm:

– Tôm làm sạch, bỏ chân và râu.

– Bắc nồi đổ vào 1 chén nước dừa, nấu sôi với nửa muỗng cafe muối. Sau đó cho tôm vào luộc chín. Tắt bếp, lấy tôm ra lột vỏ bỏ đầu.

– Cho tiếp vào nồi 1 chén nước dừa tươi, rồi cho tôm vào nấu tiếp với lửa nhỏ. Đến khi cạn còn 2/3 nước thì tắt bếp. Lấy tôm ra ngoài để nguội.

– Cho tôm vào máy xay sinh tố hoặc cho vào cối giã từ từ, thật nhuyễn.

– Bắc chảo chống dính lên bếp (không bỏ dầu ăn), vặn lửa vừa. Cho tôm đã giã nát vào rang đều tay, thêm chút xíu muối. Tôm vừa khô thì nhắc xuống, lấy cái chén ăn cơm hoặc vá chà khi tôm còn nóng để tôm được bấy ra.

– Sau đó lại bỏ chảo lên, rang tôm lại lần 2 với lửa nhỏ, đảo đều tay tới khi tôm khô hẳn thì tắt bếp. Để nguội là dùng được.

  1. CÔNG THỨC 2: LÀM BẰNG TÔM KHÔ

Nếu làm bằng tôm khô thì bạn ngâm tôm khô cho mềm, rồi cho vào máy xay sinh tố hoặc dùng cối giã nát với chút bột ngọt (cho đỡ mặn). Sau đó cho lên chảo không bỏ dầu, rang trên lửa nhỏ (coi chừng cháy) cho tới khi khô vụn rời ra là được.

Bảo Tố.

Cách làm THỊT KHO NƯỚC DỪA HỘT VỊT

Thịt kho nước dừa hột vịt là kiểu thịt kho trứng của miền Nam, với nguyên liệu đặc trưng của miền đất này là nước dừa. Món này thường được ăn vào dịp Tết nguyên đán, nhưng cũng rất quen thuộc vào những ngày thường. Thịt kho nước dừa có đủ vị ngọt của dừa, mặn của nước mắm, béo bở của mỡ, dai thơm của nạc, và cái kết cấu giòn chắc, bùi bùi của trứng vịt khi được nước dừa ngấm vào.

Có một số người thích chiên hột vịt trước khi kho. Chiên như vậy thì hột vịt sẽ có lớp vỏ mỏng giòn thơm và nhanh thấm hơn, nhưng phần bên trong lớp vỏ mỏng giòn này thì khó thấm. Nếu không chiên, bạn chịu khó kho trứng vịt lâu một chút, có thể là kho đi kho lại, để có miếng trứng vịt giòn thấm tuyệt hảo.

NGUYÊN LIỆU:

  • 1 ký thịt ba chỉ hoặc thịt bắp đùi (chọn thịt da mỏng, thịt mỡ dính liền nhau)
  • 2 trái dừa xiêm
  • 2 chén dấm trắng
  • 6 quả trứng vịt (hoặc trứng gà)
  • Tỏi, ớt
  • Đường cát, nước mắm, muối, bột ngọt

CÁCH LÀM:

– Trứng vịt luộc chín kỹ, lột vỏ (cẩn thận đừng để bể trứng nhiều quá làm xịt lòng đỏ ra ngoài khi kho, hư nồi thịt).

– Thịt heo cạo nhổ cho sạch lông, rửa sạch. Sau đó xắt miếng vuông to bằng 1 nửa cái iphone 😀 (nhỏ hơn cũng được). Dùng dây chỉ cột lại cho nạc với mỡ dính chắc (không cần kỹ quá thì khỏi cột cũng được).

– Chuẩn bị nồi vừa, cho dấm vào nấu sôi rồi cho thịt vào nấu qua khoảng 1 phút rồi vớt ra, để ráo. Đổ dấm bỏ đi, rửa lại nồi chút nữa kho thịt.

– Ướp thịt với: 4 muỗng canh đường cát, 1/2 muỗng cafe muối, 1 muỗng cafe tỏi băm, 1/2 muỗng cafe bột ngọt, để ít nhất 1 giờ cho ngấm.

– Bắc nồi lên bếp, cho nước dừa vào nấu sôi rồi nêm 1/2 muỗng cafe bột ngọt, 1/2 chén (bát) nước mắm vào, nếm lại thử vị ngọt mặn dịu là vừa.

– Tiếp theo, cho thịt vào nấu. Nếu nước dừa chưa ngập thịt thì cho thêm nước sôi vào cho ngập. Vặn lửa vừa nấu sôi lại, để ý hớt bọt. Khi nước cạn còn phân nửa thì vặn lửa nhỏ riu riu, cho trứng và vài trái ớt đỏ vào kho cùng. Kho tới khi nào trứng thấm, thịt chín mềm thì nêm nếm lại cho vừa miệng là xong.

– Trước khi ăn rắc chút tiêu. Ăn nóng với cơm hoặc bánh chưng. Với dưa giá nữa thì càng đúng điệu.

*** Nếu không có nước dừa hoặc có quá ít, bạn có thể thay bằng nước lã, nhưng khi kho thịt nên cho thêm nước màu để thịt có màu hấp dẫn hơn. Còn nếu có nước dừa đủ thì khỏi bỏ nước màu, vì nước dừa kho xong cũng lên màu rất hấp dẫn.

*** Nếu bạn muốn kho để lâu vài tuần thì thay nước dừa bằng nước lã, vì kho nước dừa không để lâu được.

*** Món này ăn với DƯA GIÁ mới hợp, xem CÁCH LÀM DƯA GIÁ

Bảo Tố

Cách làm LẠP XƯỞNG HEO

Lạp xưởng (lạp sườn, lạp) là món ăn truyền thống không thể thiếu vào những dịp cỗ, đám, và cũng là nguyên liệu thường thấy trong bánh mì, xôi hay trong bữa ăn hàng ngày.

Tuy vậy ở thời điểm hiện tại khó mà đảm bảo được chất lượng các loại lạp xưởng bán ngoài thị trường. Trong khi lạp xưởng về cơ bản cũng không khó làm (làm ngon bán được mới khó), chi bằng hãy tự làm cho yên tâm.

CÔNG THỨC LÀM LẠP XƯỞNG

Nguyên liệu

– 1kg thịt nạc heo xay nhuyễn
– 300 – 500gr mỡ heo chưa xay (tùy thích mỡ ít hay nhiều)
– 3 mét ruột heo khô
– 80g rượu Mai Quế Lộ
– 50g nước tương.
– Rượu trắng để rửa ruột heo.

Gia vị:

– 1 muỗng cafe muối diêm
– 1 muỗng canh muối
– 100-150g đường
– 1 muỗng canh tiêu hột chưa xay.

Cách làm:

– Mỡ heo xắt hạt lựu, trộn với đường rồi phơi nắng 3-5 tiếng hoặc không có nắng thì để chỗ thoáng 1 ngày.
– Sau đó đem nạc và mỡ đã ướp vào trộn chung trong một cái tô, cho tất cả gia vị còn lại như rượu Mai Quế Lộ, xì dầu, bột ngọt, muối, muối diêm, tiêu hột, ướp trong 2 tiếng cho thấm. Nhớ trộn cho kỹ.
– Ruột heo rửa bằng rượu cho sạch, sau đó để cho ráo rượu.
– Cột túm kỹ lại một đầu. Đầu kia ta nhồi hỗn hợp nguyên liệu thịt vào (bắc ống, phễu vào nhồi cho dễ). Khi nhồi nhớ nhồi, vuốt kỹ, ráng đừng chừa chỗ cho không khí lọt vào.
– Nhồi tới khi nào gần đầy khúc ruột thì ta bắt đầu dùng dây nilon buộc ngăn ra thành từng khúc, ngăn từ dưới lên trên. Ngăn hết thì cột túm đầu ruột còn lại lại, ta có một chuỗi lạp xưởng.
– Nhồi xong hết thì kiểm tra lại nếu chỗ nào lọt không khí thì lấy cây kim chích một lỗ cho xẹp
– Sau đó ta chuẩn bị một nồi nước sôi, cho thịt vào trụng sơ qua rồi lấy ra để ráo.
– Xong xuôi thì đem phơi nắng. Hết nắng thì đem vô nhà đậy lại kẻo chó mèo. Đến khi nắng lại thì đem ra phơi, khoảng 4 ngày là ăn được.

lx

*** Làm cách này lạp xưởng sẽ có màu đỏ nâu tự nhiên, ai muốn đỏ thấy ghê thì bỏ màu thực phẩm vào.

Bé Thúi.

Cách làm Hành chua ngọt xứ Quảng

Hành chua là một nguyên liệu không thể thiếu trong các quán ăn của người Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi. Thứ này cho vào bún bò, mì Quảng ăn rất ngon, cắn miếng hành ớt giòn giòn, chua chua, cay cay đã miệng mà hương vị của chúng lại còn bổ trợ cho hương vị món ăn nhiều.

Sau đây là Cách làm hành chua kiểu Quảng Đà:

Chuẩn bị:

  • Hành tím (hành củ nhỏ)
  • Cà rốt (tùy thích)
  • Ớt xanh, ớt đỏ loại to (hai màu cho đẹp, nên cho nhiều ớt xanh hơn vì ớt xanh mới thơm)
  • Dấm (nếu muốn làm xổi ăn ngay)
  • Một hũ đựng, tráng qua nước sôi cho sạch.

Phân lượng là tùy các bạn, tuy nhiên hành nên nhiều hơn mấy cái kia vì chủ yếu là ăn hành.

Thực hiện:

– Hành lột vỏ chẻ làm đôi, làm ba
– Cà rốt xắt hột lựu.
– Ớt cắt miếng nhỏ.
– Cho tất cả vào hũ.

Làm ăn xổi:

Pha một tô nước dấm đường theo tỷ lệ: 2 phần nước, 2 phần giấm, 1 phần đường. Rồi đổ vào hũ cho ngập hành ớt…
Có thể ăn sau 3 tiếng.

Làm để lâu:

Nếu không có gì phải vội thì ta muối theo kiểu lên men tự nhiên,  pha nước theo tỷ lệ: 1 chén nước ấm + 1 muỗng cafe muối + 1 muỗng cafe đường rồi đổ vào ngâm hành. Để chỗ thoán mát. 2 ngày sau là ăn được.

Món này trữ trong tủ lạnh được nhiều tuần.

Bé Thúi.

Cách làm BÁNH ĐÚC MẶN

Bánh đúc mặn / BÁNH ĐÚC TÔM THỊT kiểu miền nam với phần nhân đậm đà hấp dẫn của tôm, thịt, nấm hương, rau củ… phần bánh thơm thơm béo béo mùi nước cốt dừa. Trong trường hợp không thích bánh quá béo thơm mùi nước cốt dừa, bạn có thể điều chỉnh lại lượng nước dừa và tăng lượng nước lọc cho vừa ăn.
Sau đây là công thức làm bánh đúc mặn kiểu nam bộ:

Nguyên liệu:

Phần bánh
– 300g bột gạo
– 50g bột năng
– 500ml nước lọc
– 500ml nước cốt dừa (xem CÁCH LÀM NƯỚC CỐT DỪA)
– chút muối

Phần nhân
– 1/2 củ đậu (củ sắn)
– 1/2 củ cà rốt
– 1/2 củ hành tây
– 200g tôm tươi
– 3 cái nấm hương
– 100g thịt nạc bằm
– vài tép tỏi

Cách làm bánh đúc mặn: 

Sơ chế:

– Củ đậu, củ sắn, hành tây thái hột lựu. Tỏi băm nhuyễn. Nấm hương ngâm nước ấm cho nở mềm, rửa sạch rồi xắt vụn nhỏ.
– Chuẩn bị một cái thau, đổ hết bột mì và bột gạo vào thau sau đó cho nước cốt dừa và nước lọc vào, nêm chút muối, đường cho có vị, rồi quấy cho nhuyễn. Để bột trong 20 phút.

Hấp bánh:

– Cho khay to vào nồi hấp cách thủy. Đổ 1 tô bột vào hấp khoảng 7-10 phút cho đông, rồi đổ tiếp lớp thứ 2, dần dần cho tới khi cảm thấy bánh đủ độ dày thì thôi, lớp cuối cùng chờ khoảng 15 phút cho chín đều.

Làm nhân:

– Bắc chảo nóng, cho dầu vào, phi thơm hành rồi cho nấm hương vào xào.
– Tiếp theo cho thịt vào xào săn rồi đến tôm, cà rốt, củ đậu, hành tây.
– Xào chín, nêm chút mắm, đường, tiêu cho vừa miệng.

Trình bày:

– Nhấc khay bánh đã hấp chín ra, trải nhân lên rồi xắn miếng hoặc cắt ra ăn. Pha thêm tô mắm chua ngọt để chấm.

Bé Thúi.