Cách làm CHÈ TRÔI NƯỚC NHÂN VỪNG ĐEN món ngon gây nghiện

Bát chè trôi nước nóng hổi, bột bánh dai dai, thêm phần nhân vừng đen thơm bùi sẽ là món quà vặt hấp dẫn trong tiết trời lạnh những ngày này. Công thức sau đây sẽ hướng dẫn bạn cách làm chè trôi nước nhân mè đen hấp dẫn, đơn giản mà đúng chuẩn.

Nguyên liệu cần chuẩn bị cho món CHÈ TRÔI NƯỚC NHÂN MÈ ĐEN:

  • Phần nhân: 1 lạng mè (vừng) đen rang chín rồi giã nhỏ. 2 thìa mật ong, 2 thìa đường, 50ml nước.
  • Phần vỏ: 1 lạng bột nếp, 20g bột năng, 130ml nước cốt dừa hâm nóng (hoặc nước ấm nếu không thích mùi dừa)
  • Phần nước nấu chè: 500ml nước lọc, 1 lạng rưỡi đường vàng, vani hoặc tinh dầu bưởi, gừng thái sợi, chút muối
  • Phần rắc kèm: dừa nạo, đậu phộng rang, mè đen rang

Hướng dẫn Cách làm Bánh trôi nhân vừng đen

Bước 1: Nặn bánh:

 

a/ Làm nhân:

– Chuẩn bị cái nồi, cho đường, mật ong và nước vào nồi khuấy đều rồi cho lên bếp nấu nhỏ lửa tới khi nước đường hơi sánh thì cho vừng đen giã nhỏ vào trộn đều lên tới khi nhân dẻo quyện thì tắt bếp.

– Đợi nhân nguội thì vốc ra những viên nhỏ bằng nhau để làm nhân.

 

b/ Làm vỏ:

– Trộn đều bột nếp + bột năng rồi châm khoảng 130ml nước cốt dừa ấm (hoặc nước ấm), dùng tay nhào cho tới khi cảm thấy bột mềm mịn không dính vào tay nữa thì ngưng.

 

– Chia bột ra thành những viên nhỏ bằng nhau, viên to gần gấp rưỡi viên nhân.

Bước 3: Nặn bánh

 

– Lấy viên bột đã vo để làm vỏ ra ấn dẹt rồi cho viên nhân vào giữa, đậy kín lại, lưu ý đậy cho kín không để lọt không khí vào kẻo bánh khi nấu sẽ bị bục. Đậy kín rồi thì vo bánh lại cho tròn đẹp. Làm cho hết bánh và nhân.

Bước 4: Luộc bánh

 

– Bánh nặn xong rồi thì bắc nồi nước sôi, cho từng viên bánh luộc tới khi bánh nổi lên là đã chín hẳn, lúc này bạn vớt bánh ra ngâm vào nước lạnh.

Bước 5: Nấu chè

 

– Tạo hỗn hợp: nước + đường vàng + chút muối, nấu sôi rồi thả gừng thái lát và nước hoa bưởi vào (nếu dùng vani thì đợi nấu xong hẵng rắc). Khi nước đang sôi bạn vớt những viên bánh đã chín ngâm trong nước lạnh ban nãy vào, nấu tiếp lửa vừa khoảng 10 phút cho ngấm nước đường. Vậy là xong món chè trôi nước vừng đen. Khi ăn bạn rắc mè rang, lạc rang và dừa tươi nạo lên ăn kèm.

Bảo Tọa (cách nấu chè ngon)

NẤU SỮA ĐẬU NÀNH NGON CHỈ TRONG 30 PHÚT

Sữa đậu nành thường đứng hàng đầu trong danh sách những thực phẩm lành mạnh và bổ dưỡng cho cơ thể. Tuy vậy không phải ai cũng dễ dàng mua được sữa đậu nành ngon và an toàn, hay mua một máy làm sữa đậu nành. Bài viết sau đây sẽ hướng dẫn bạn làm sữa đậu nành một cách dễ dàng chỉ cần 30 phút.
Nguyên liệu:
140g đậu nành, 2 lít nước sôi để nguội, máy xay sinh tố, xoong nồi, vải màn, ly.

Đầu tiên là ngâm đậu nành trong nước sôi để nguội từ 6-12 tiếng (qua đêm)

.

Ngâm xong thì xả đậu qua nước lạnh vài lần cho sạch và không còn mùi chua.

Sau đó cho đậu vào máy xay, châm nước rồi xay trong 3 phút cho nát.

Trộn đậu lên cho đều rồi châm thêm 1 lít nước lạnh, xay 3 phút cho mịn.

Dùng vải thưa trải lên một cái thau rồi chế đậu nành vào để lọc lấy nước.

Nước sữa lọc ra rồi thì đem đun sôi rồi chờ tiếp 5 phút cho đậu nành chín hẳn, không còn chất độc.

Bây giờ bạn đã có thể pha sữa với đường hoặc sữa tươi, lá dứa, nước cốt dừa để uống, bổ sung dinh dưỡng cho một ngày làm việc.

Cách làm CHUỐI NẾP NƯỚNG

Chuối nếp nướng (CHÈ CHUỐI NƯỚNG) là món ăn vặt hấp dẫn và nổi tiếng đến từ miền Tây Nam Bộ. Món ăn này ngon bởi hương thơm của nếp nướng, vị ngon của  chuối, béo ngọt của nước cốt dừa.

Nguyên liệu:

  • – Nếp: 1/4 chén
  • – Chuối tây: 5 trái
  • – Đường: 2 muỗng súp
  • – Nước cốt dừa: 200ml
  • – Đậu phộng rang giã sơ
  • – Bột năng, muối, đường, bột báng
  • – Lá chuối.

Cách làm chuối nếp nướng nước dừa:

Bước 1:

– Nếp đãi nhiều lần cho sạch, ngâm ít nhất 7 tiếng, sau đó cho ra rổ để ráo nước. Trộn vào nếp 1 muỗng cà phê muối, rồi đem lên xửng hấp chín (hoặc nấu bằng nồi cơm điện). Trong khi hấp thỉnh thoảng xới cho đều, rưới vào đó 50ml nước cốt dừa. Nếp chín thì nêm thêm 2 muỗng canh đường vào rồi trộn nhẹ, đều. Nấu tới khi nếp chín mềm thì nhấc ra để cho nguội, xới ra riêng.

Bước 2:

– Bột báng ngâm nước lạnh 15 phút rồi vớt ra rổ để ráo.

– Phần nước cốt dừa còn lại (150ml) ta đổ ra nồi, nêm đường, chút muối, 1 muỗng cà phê bột năng, cho bột báng đã vớt ra khi nãy vào luôn, vừa nấu vừa quậy cho quyện đều, tới khi hỗn hợp sánh lại, bột báng nổi trong là tắt bếp.

Bước 3:

– Chuối bỏ vỏ, tước gân.

Bước 4:

– Trải miếng nylon lên mặt phẳng rồi lấy vá múc một ít nếp đã hấp chín ban nãy, trét lên mặt nylon.

Bước 5:

– Bỏ một quả chuối vô giữa.

Bước 6:

– Cuộn lại cho nếp bọc lấy chuối, rồi tháo nylon ra.

Bước 7:

– Lá chuối cắt một miếng nhỏ, trải ra mặt phẳng rồi cho chuối bọc nếp lên, cuộn lại.

– Làm lần lượt cho hết nguyên liệu.

Bước 8:

– Đem tất cả chuối nếp bỏ lên vỉ nướng than hoa nướng cho lớp nếp vàng, giòn, phần chuối bên trong chín mềm.

– Có thể nướng lò nướng ở 180 độ trong 30 -40 phút.

Bước 9:

– Nướng chín rồi thì cho ra dĩa, cắt thành miếng vừa ăn. Chan hỗn hợp nước cốt dừa, bột báng, rắc đậu phộng rang sơ lên. Ăn nóng rất ngon.

theo Cún Khang

Cách nấu CHÈ KHOAI MÌ

Khoai mì (củ sắn) là loại nguyên liệu quen thuộc ở nông thôn Việt Nam. Từ nguyên liệu những củ khoai hiền lành, dân dã, người ta đã tạo nên những món ăn ngon lành, hấp dẫn. Chè khoai mì là một trong số đó.

Chuẩn bị:

  • – 300g khoai mì
  • – 1 bó lá dứa (lá nếp)
  • – 2 muỗng súp bột gạo nếp
  • – 1/4 chén đường trắng
  • – 1 muỗng súp bột báng
  • – Đậu phộng rang giã sơ
  • – Dừa bào sợi
  • – 200ml nước cốt dừa
  • – Muối, vani

Cách làm CHÈ CỦ SẮN

Bước 1:

– Lá dứa mua về rửa sạch, xắt khúc, cho vào máy xay mịn, lọc bỏ bã, giữ lại phần nước cốt.

– Bột báng ngâm trong nước lạnh chừng 15 phút cho nở, đổ ra rổ để ráo.

Bước 2:

– Sắn gọt vỏ, bổ đôi, ngâm nước muối ít nhất 7 tiếng cho hết chất độc.

– Bào thật mịn, vắt cho ráo nước.

Bước 3:

– Trộn sắn, nước lá dứa, bột nếp, chút xíu muối, 2,5 muỗng canh đường.

Bước 4:

– Nhào trộn cho đều rồi ngắt ra, vo thành viên tròn bằng nhau. Làm cho hết bột.

Bước 5:

– Bắc nồi cho nước cốt dừa, một chút nước lọc, và lượng đường còn lại vào nấu sôi.

Bước 6:

– Cho mấy viên bột sắn đã làm ban nãy vào, cho tiếp trân châu đã ngâm nở vào nấu tới khi trân châu trong mềm, sắn chín, nêm nếm cho vừa miệng ăn. Cuối cùng rắc vani, tắt bếp.

– Múc chè ra chén, rắc đậu phộng rang, dừa nạo vào. Ăn nóng.

Theo Cún Khang

Cách làm CHÈ MÈ ĐEN

Chè mè đen (xí mà phủ) là món chè không chỉ ngon mà còn là vị thuốc giúp xanh tóc, bổ da. Bài viết sau đây sẽ hướng dẫn bạn làm món chè mè đen thật đơn giản:

 

Nguyên liệu:

–  1,5 lạng mè đen

– 4 muỗng súp đường trắng

– 1 muỗng súp bột sắn dây

Cách làm chè mè đen:

Bước 1:

– Mè đãi nhiều lần cho sạch, để cho thật ráo.

Bước 2:

– Mè ráo nước rồi thì cho vào chảo rang nhỏ lửa 3-5 phút cho thơm. Tắt bếp.

Bước 3:

– Bột sắn dây hòa chút nước cho tan.

Bước 4:

– Mè rang rồi thì đem cho vô máy xay sinh tố, xay cùng 1/2 chén nước lọc cho thật nhuyễn.

– Bắc nồi cho mè đã xay vào, châm thêm nước lọc, đường trắng, nấu nhỏ lửa cho đường tan. Nêm nếm lại vừa miệng.

Bước 5:

– Cuối cùng cho sắn dây đã hòa tan vào, khuấy nhẹ cho tới khi quyện đều sánh đặc, tắt bếp,

– Ăn nóng là ngon nhất.

Theo Cún Khang

GIẢM CÂN, ĐẸP DA VỚI SINH TỐ VỎ THANH LONG

Thanh long là một loại “siêu thực phẩm” bổ dưỡng với tác dụng ngừa ung thư, giải độc và thanh nhiệt cơ thể. Đây cũng là loại quả giảm cân rất tốt. Tuy vậy ít ai sử dụng vỏ thanh long mà chỉ ăn phần ruột. Thực tế vỏ thanh long rất bổ dưỡng và có thể chế biến thành những món ngon.

Món sinh tố vỏ thanh long sau đây là một món ăn không chỉ ngon, bổ mà còn đẹp mắt.

Nguyên liệu: 

– 1 trái thanh long

– 250ml nước lọc

– 2 muỗng canh sữa đặc

Cách làm:

– Thanh long gọt bỏ vảy và lớp vỏ bóng ở ngoài. Sau đó bổ ra, tách lấy ruột ăn dần.

– Phần vỏ đã gọt, ta thái nhỏ.

– Cho vỏ thanh long thái nhỏ vào máy xay, thêm sữa đặc và nước (có thể thêm đá tùy thích).

– Xay nhuyễn. Nêm nếm lại cho vừa miệng và thưởng thức.

Bảo Tố

Cách làm KEM CHIÊN đơn giản mà ngon

Kem chiên là món ăn vặt độc đáo mà ngon miệng. Món bánh có lớp vỏ nóng giòn, trong khi phần nhân bên trong vẫn là kem mát lạnh.

Nguyên liệu:

– Bột mì: 2 thìa súp

– Bánh mì sandwich: 1 bịch

– Kem: 1 hộp to, vị gì tùy bạn

– Dầu ăn.


Hướng dẫn làm kem chiên:

 

Bước 1: Cho bột mì vào chén, pha với chút nước rồi khuấy sánh.


Bước 2:
 Đặt 2 lát bánh mì sandwich lên một cái dĩa hoặc mặt phẳng.

Bước 3: Trét một lớp bột mì vào lớp bánh mì nằm dưới. Sau đó múc kem kẹp vô giữa hai miếng bánh mì. Tiếp theo dùng 1 cái chén nhỏ úp vào giữa thân bánh, ấn mạnh để tạo hình tròn cho miếng kem chiên.

 

Bước 4: Phần bánh mì thừa ta lấy kéo cắt bỏ cho bánh đẹp. Tiếp theo, trét một lớp bột mì ở mép rìa hai lát bánh mì bọc kem để dán miếng bánh mì bọc kem thành một khối kín.

Bước 5: Làm lần lượt cho hết kem. Sau đó cho tất cả viên bánh mì bọc kem vào ngăn đá tủ lạnh cho đông  cứng.

Bước 6: Bắc chảo dầu (nhiều dầu), nấu cho dầu sôi, thật nóng, rồi thả từng cái bánh mì bọc kem vào chiên. Do dầu nóng, bánh sẽ nhanh chóng vàng giòn, ta cũng nhanh chóng vớt ra kẻo kem chảy nước.

 

Bước 7: Vớt bánh ra khỏi chảo dầu, ăn càng nóng càng ngon. Bánh sẽ có lớp vỏ nóng giòn, trong khi phần nhân kem mát lạnh rất ngon miệng.

 

Bếp Gia Đình

Cách nấu CHÈ CHUỐI

Chè chuối là món chè dân dã nhưng ít ai từ chối được trước vị ngon hấp dẫn của nó. Cách nấu món chè này khá đơn giản.

Nguyên liệu:

 

  • 6-8 trái chuối tây, chọn chuối vừa chín tới không dùng chuối sống hoặc chín quá.
  • 1/2 muỗng cà phê muối
  • 400 ml nước cốt dừa đóng hộp (hoặc tự làm theo CÁCH LÀM NƯỚC CỐT DỪA)
  • 1/4 chén đường cát trắng
  • 2 muỗng canh hạt trân châu nhỏ (bột báng)
  • Dừa bào sợi
  • Đậu phộng rang chín, giã sơ

Thực hiện:

 

Lột vỏ chuối, tước bỏ các sợi gân, thái chuối thành các khoanh tròn. Ướp vào chuối chút muối và đường trong vòng 15 – 20 phút.

 

Đậu phộng rang vàng, giã thô.

 

Trân châu đãi qua nhiều lần nước cho thật sạch, ngâm vào âu nước lạnh khoảng 15 phút đến khi trân châu nở, đổ ra rổ cho ráo nước.

 

 

Đổ lon nước cốt dừa ra nồi. Nếu không dùng nước cốt dừa đóng hộp bạn có thể mua dừa về bào vụn, sau đó vắt lấy nước cốt dừa.

 

 

Cho chuối vào đun cùng  trên lửa nhỏ đến khi chuối chín mềm.

 

 

Trút trâu châu vào nấu chung, lấy vá đảo nhẹ tay để chuối không bị nát, đun đến khi hạt trân châu nổi màu trắng trong. Bạn nêm nếm lại tùy theo khẩu vị, tắt bếp, múc ra bát, bên trên rắc một ít lạc và dừa bào sợi, dùng nóng hay lạnh tùy thích.

Chè chuối ăn nóng là ngon nhất

  • Theo CÚN KHANG

Cách làm SỮA CHUA NHA ĐAM, món ăn giúp giảm cân, đẹp da

Sữa chua Nha Đam là món ăn không chỉ bổ dưỡng, hỗ trợ giảm cân, cung cấp canxi, tốt cho tiêu hóa, mà còn rất có ích cho làn da và vẻ tươi trẻ của bạn. 

Sau đây là cách làm Sữa chua nha đam đơn giản mà ngon miệng cho các mẹ:

Nguyên liệu và dụng cụ:

– Sữa đặc có đường: 1 lon ( thông thường người ta sử dụng các lon sữa đặc bán trên thị trường. Ví dụ: sữa Ông Thọ,…)

– Sữa chua: 1 hũ (dùng để làm men cho các hũ sữa chua khác sắp thực hiện)

– Nha đam: 2-3 nhánh (lựa chọn các nhánh nha đam bản to và dày. Các mẹ có thể mua nha đam ở các siêu thị hoặc chợ)

– Hũ đựng: Chuẩn bị hũ đựng đủ với số lượng sữa đã chuẩn bị (Nhiều mẹ phân vân không biết nên dùng loại hũ đựng nhựa hay thủy tinh hay bịch nhỏ. Theo kinh nghiệm của mình thì dùng hũ thủy tinh sẽ đảm bảo chất lượng và an toàn nhất)

Cách làm:

Bước 1: Đầu tiên, các mẹ mở lon sữa đặc ra và đổ hết vào nồi. Dùng nước tráng hết phần sữa con sót lại. Sau đó cho thêm nước, đường với lượng vừa đủ vào nồi đun cho đến lúc hỗn hợp trên bắt đầu sủi bọt.

Bước 2: Nha đam sau khi mua về gọt toàn bộ lớp vỏ bên ngoài. Để sơ chế nha đam khỏi bị đắng và có mùi khó chịu, mẹ có thể pha 1 ca nước muối loãng kèm theo một ít nước cốt chanh. Tránh quá nhiều chanh và muối. Sau khi gọt và cắt nha đam thành từng miếng, mẹ dùng tay xát mẹ các miếng nha đam lại với nhau trong thau có dung dịch muối loãng và chanh để nha đam ra bớt nhựa. Tiếp đến, mẹ rửa sạch nha đam lại với nước lạnh và để cho thật ráo.

Sau khi ráo nước, mẹ thái hạt lựu phần nha đam trên nhé. Khi hỗn hợp sữa đặc-đường-nước bắt đầu xuất hiện bọt, mẹ cho nha đam vào đun cho sôi, sau đó tắt bếp để nguội đến khoảng 40-45 độ C thì cho hũ sữa chua làm men (mồi) vào khuấy đều.

Bước 3: Sau khi hỗn hợp sữa đặc-đường-nha đam-nước này nguội đến nhiệt độ thích hợp thì rót vào các hũ đã chuẩn bị sẵn, sau đó đem ủ khoảng 6-8 tiếng là có thể dùng được.

Các mẹ có thể đặt sữa chua vào tủ lạnh sau khi ủ để ăn ngon hơn.

Chúc các mẹ thành công với cách làm sữa chua nha đam cực dẻo và cực ngon này.

(Sưu tầm)

Cách nấu CHÈ HỘT ME NẤU NẾP

Chè hột me là món ăn rất dân dã của khu vực miền Nam Trung bộ và Nam bộ, tuy vậy ngày nay hiếm thấy món chè này trong các gánh chè. Chè hạt me có hương vị rất riêng, hấp dẫn nhờ kết cấu dẻo  bùi của hạt me, béo thơm của nước cốt dừa.

Nguyên liệu:

  • 100g Hột me già (vỏ nâu cứng)
  • 1/2 chén Nếp
  • Đường cát trắng
  • Nước cốt dừa, bột năng, chút muối, đường (nếu thích ăn kèm nước cốt dừa). Xem CÁCH LÀM NƯỚC CỐT DỪA
  • Tro bếp

Thực hiện

Làm nước cốt dừa:

– Bột năng pha với tí nước cho loãng, sau đó hòa chung với nước cốt dừa, cho thêm tí muối, tí đường, rồi cho lên bếp vừa nấu vừa dùng muỗng khuấy cho hỗn hợp đặc lại.

Làm chè:

– Hột me rửa sạch, rang vàng. Để ra ngoài cho nguội, sau đó lấy vật cứng (chày) đập cho bể vỏ, chỉ lấy phần nhân trắng bên trong.

– Nếp vo vài lần cho sạch, ngâm với nước pha chút muối qua đêm.

– Cho nhân hạt me vào chậu sứ ngâm cùng nước tro ấm qua đêm (7 -8 tiếng).

– Ngâm xong đổ hạt ra rổ, xả bằng nước lạnh cho sạch tro. Để thật ráo.

– Bắc nồi nước, cho hạt me vào rồi vặn lửa nấu sôi, hạ lửa nhỏ riu riu đun 2-3 giờ cho tới khi hạt me mềm, rồi vớt ra, để ráo.

– Đổ nước cũ đi, cho nếp vào, cho thêm nước vào cùng với nếp (mực nước cao hơn mực nếp 3 lóng tay), nấu nhừ như cháo, trong khi nấu nhớ khuấy đều cho khỏi dính nếp. Nếp nhừ thì cho đường vào khuấy tan, cho từ từ để nếm vừa miệng.

– Cho hột me trở lại vào nồi nấu cùng với nếp. Khuấy đều. Chè hột me nấu hơi loãng không nên nấu đặc như chè đậu trắng ăn dễ ngán.

– Múc ra chén ăn ấm hoặc nguội với đá, trước khi ăn rưới nước cốt dừa nếu thích.

*** Chè này làm khá cực, nhất là công đoạn bỏ vỏ hột me, bạn cần kiên trì loại bỏ hết lớp vỏ nâu nếu không chè sẽ bị chát.

Bảo Tố

Cách làm TRÀ SỮA THÁI với RAU CÂU ngon

Trà sữa Thái cũng là một món tráng miệng được nhiều người ưa thích. Bạn cũng có thể làm món này tại nhà với những nguyên liệu có sẵn dễ kiếm và cách thực hiện vô cùng đơn giản.

Nguyên liệu: (cho tổng cộng 6l trà sữa và thạch)

* Thạch: nên làm trước cho đông, khi pha xong trà là đã có thạch

  • – Thạch rau câu con cá dẻo: 1 gói 10 g
  • – Đường: 280 g
  • – Nước: 3 lít

* Trà sữa:

  • – Trà: 40 g
  • – Nước sôi: 2 lít
  • – Nước lọc nguội: 1,5 lít
  • – Sữa đặc: 1 hộp (tuỳ thích điều chỉnh độ ngọt nhưng nhạt quá cũng không ngon)
  • – Đường cát: 200 g.

Cách làm:

* Phần thạch:

– Trộn đều đường với bột thạch (không để riêng đường, riêng bột thạch vì như thế bột thạch gặp nước sôi sẽ vón cục ngay). Đun sôi 3 lít nước, cho hỗn hợp bột thạch đường vào nguấy cho tan, đun sôi 5 phút rồi tắt, để thạch hơi ấm thì vớt màng thạch bỏ đi, cho thạch vào ngăn mát tủ lạnh cho đông, rồi cắt thạch vừa ăn.

– Lưu ý là nếu thích các vị thạch khác nhau thì cho các nguyên liệu tự nhiên (nước dừa, cốt dừa, chanh leo, nước ép hoa quả… các nước này cho sau khi thạch sôi đã tắt bếp).

– Còn nếu thích trân châu thì tự làm trân châu hoặc mua sẵn của các cơ sở có tên tuổi luộc lên, đổ ra khay nước lạnh cho khỏi dính rồi vớt ra trộn với mật ong cho có vị ngọt là được.

* Phần trà sữa:

– Pha trà với 2 lít nước sôi, để 20 phút cho trà ngấm rồi lọc lấy nước cốt. Phần bã trà vò thêm một chút rồi cho 1,5 lít nước nguội vào lọc cho thôi hết trà rồi hoà vào nồi nước cốt trà. Lúc này trà có màu xanh đen đậm. Thêm sữa đặc và đường hoà tan, trà sẽ chuyển sang màu xanh cốm như hình.

– Thêm thạch để lạnh và thưởng thức thôi.

Gói trà sữa xanh của Thái Lan.

Lưu ý: trà xanh đắt gấp đôi trà đỏ (vì ngon hơn). Một gói trà như hình 200 g giá 70.000 đồng pha theo công thức trên được 5 lần (17,5 lít trà).

Theo Quỳnh Nga/Ngoisao.net

Cách nấu CHÈ TRÁI CÂY

Chè trái cây thập cẩm là món chè ngon độc đáo thường thấy ở các tỉnh miền Trung, với công thức này, bạn có thể biến đổi thêm thắt nguyên liệu để cho ra món chè với những loại trái cây ưa thích của bạn.

Chuẩn bị:

  • – Dứa: nửa trái
  • – Mít múi bỏ hột: khoảng 1 chén
  • – Xoài: khoảng 3 trái
  • – Đu đủ: 1 trái
  • – Mãng cầu xiêm: nửa trái
  • – Đường.

Thực hiện:

Bước 1:

– Dứa gọt vỏ bỏ mắt, xắt miếng nhỏ vừa ăn.

Bước 2:

– Mít xé thành từng sợi vừa ăn.

Bước 3:

– Mãng cầu bỏ vỏ, bỏ hạt, tách thành miếng vừa ăn.

Bước 4:

– Đu đủ bỏ vỏ bỏ hột, xắt miếng vừa ăn.

Bước 5:

– Xoài cũng vậy.

Bước 6:

– Bắc nồi cho dứa vào nấu với nước xâm xấp, thêm 1/4 chén đường cát, ninh nhỏ lửa chừng 30 phút cho đường ngấm vào dứa.

Bước 7:

– Tiếp đến cho mít vào nấu chung, nấu sôi trên lửa nhỏ.

Bước 8:

– Nấu tiếp 20 phút nữa thì trút tất cả nguyên liệu còn lại vào nấu chung, nêm nếm đường vừa đủ ngọt theo khẩu vị.

Bước 9:

– Tắt bếp để nguội, khi ăn thêm đá vào dầm trộn lên cho đều. Bảo quản trong tủ lạnh.

Theo Cún Khang

Cách nấu CHÈ ĐẬU XANH CỦ SEN

Chè đậu xanh củ sen không chỉ ngon bởi cái kết cấu giòn của củ sen, bùi bùi của đậu xanh, mà nó còn là món chè thuốc, có tác dụng bổ tỳ, phổi, giải nhiệt rất tốt.

Cách làm chè đỗ xanh củ sen rất đơn giản chỉ với 3 nguyên liệu.

Chuẩn bị:

  • – 4 lạng đậu xanh còn vỏ
  • – 2 củ sen
  • – 150g đường

Thực hiện:

– Đậu xanh mua về đãi sạch, ngâm nước nhặt hạt nổi lềnh bệnh, hạt hỏng vứt đi. Sau đó chuyển đậu qua ngâm trong nước sạch trong ít nhất 5 tiếng.

– Củ sen rửa sạch bùn đất, cạo bỏ vỏ, sau đó cắt thành miếng vừa ăn.

– Cho đậu xanh và củ sen vô nồi, đổ nước ngập mặt nguyên liệu. Bặn lửa nấu sôi rồi vặn lửa vừa, ninh cho đậu thật mềm, rồi mới rắc đường vào khuấy tan, tiếp tục đun lửa nhỏ tới khi đường ngấm vào chè.

– Nêm nếm lại vừa miệng rồi múc ra chén ăn nóng, hoặc để nguội ăn với đá.

Bảo Tố

Cách làm CHÈ ĐẬU VÁN HỘT SEN nấu ĐƯỜNG PHÈN

Chỉ với vài bước đơn giản, bạn sẽ có một nồi chè ngon kết hợp giữa hai loại đậu ngon mát và bổ dưỡng này. 

Chuẩn bị:

  • – Hột sen khô: 3 lạng
  • – Đậu ván khô: 4 lạng
  • – Đường phèn
  • – Muối

Thực hiện:

Bước 1:

– Bắc nồi nước đun sôi già rồi cho đậu ván vào, rắc một nửa muỗng cà phê muối vào khuấy tan. Tắt bếp. Đậy nắp nổi để ít nhất 7 tiếng (Qua đêm) cho đậu nở.

Bước 2:

– Đậu nở rồi thì lột bỏ vỏ lụa, đãi vỏ vứt đi. Đậu vớt ra ngoài để ráo.

Bước 3:

– Đậu ráo rồi thì đem hấp khoảng 5-10 phút cho chín sơ.

Bước 4:

– Bắc nồi nước nấu sôi rồi cho hột sen vô hầmtới khi bở mềm.

Bước 5:

– Hột sen mềm rồi thì thả đường phèn và trút đậu ván vào nấu chung, đun tới khi nào nước sôi lại thì tắt lửa. Đậy nắp nồi 2 giờ để đường ngấm. Nhớ canh lượng đường vừa đủ ngọt tùy khẩu vị.

Bước 6:

– Sau 2 giờ đậy nắp, thì lại bất lửa lên đun tới khi đậu và hạt mềm ngon. Tắt bếp. Ăn ấm hoặc lạnh với đá.

Theo Cún Khang

Cách nấu CHÈ TRÔI NƯỚC KHOAI TÍM

Món chè trôi nước quen thuộc trông thật hấp dẫn với màu tím nhẹ nhàng, và khi ăn thử thì bạn sẽ còn bất ngờ hơn đấy.

Nguyên liệu:

  • – Khoai lang màu tím: 2-3 củ
  • – Bột nếp: 2 lạng
  • – Đường nâu: 1/4 chén
  • – Gừng: 1 nhánh
  • – Mè rang vàng thơm
  • – Nhân: 2 lạng đậu xanh không vỏ, nửa muỗng cafe muối, 1 muỗng súp đường cát trắng, hành khô
  • – Nước cốt dừa pha (tùy thích): 200 ml nước cốt dừa, xem CÁCH LÀM NƯỚC CỐT DỪA, 1/2 muỗng cafe muối, 1 muỗng cafe đường, 1 muỗng cafe bột năng.

Thực hiện:

Bước 1:

– Khoai lang mua về rửa sạch, gọt vỏ, hấp chín rồi nghiền thật nhuyễn.

Bước 2:

– Trộn khoai với bột nếp. Không cần thêm gia vị. Đổ nước ấm vào hỗn hợp bột. Vừa đổ vừa nhồi cho tới khi tay thấy mịn dẻo vừa phải thì ngưng.

Bước 3:

– Đậy bột cho kín, ủ chừng 30 phút cho nở.

Bước 4:

– Đậu xanh mua về đãi qua nhiều nước cho sạch, sau đó đem hấp chín, nghiền hoặc xay thật mịn.

Bước 5:

– Bắc chảo cho vào chút dầu ăn, cho hành khô băm vào phi thơm rồi trút đậu xanh, muối, đường vào xào cho tới khi đậu xanh se khô lại.

Bước 6:

– Tắt lửa, đợi cho đậu xanh nguội thì xoe đậu thành từng viên tròn nhỏ.

Bước 7:

– Bột khoai sau khi ủ thì lấy ra ngoài. Bẹo một nắm nhỏ bột vo tròn, rồi ép cho bẹp, đặt nhân vào giữa, đậy mí bột kín lại rồi xoe lại lần nữa cho tròn. Làm lần lượt cho hết bột và nhân.

Bước 8:

– Bắc nồi nước đun sôi, cho từng viên bột khoai bọc nhân đậu xanh vô luộc cho tới khi viên bột (chè) nổi lên mặt nước là đã chín, ta vớt ra để ra rổ.

Bước 9:

– Bắc nồi khác cho hai chén nước lạnh + đường nâu + gừng xắt sợi vào nấu sôi.

Bước 10:

– Đường tan thì thả từng viên chè khoai vào nồi, ninh lửa nhỏ tới khi khoai thấm đường, nếm nước thấy vừa miệng thì tắt bếp.

Bước 11:

– Nước cốt dừa hòa với muối, bột năng, bỏ lên bếp vừa đun vừa khuấy tới khi nước dừa đặc lại

Bước 12:

– Khi ăn, múc chè ra chén, rưới nước cốt dừa lên và rắc một ít mè rang (có thể thêm đậu phộng rang giã dập). Ăn nóng là ngon nhất.

Cún Khang

Cách làm CHÈ KHOAI LANG MIẾNG

Bản thân khoai lang đã ngon lắm rồi, nên những món ăn nấu từ khoai lang thường không cần quá cầu kì. Chè khoai lang miếng nấu gừng là một món chè giữ được kết cấu và hương vị của khoai lang, nhấn nhá thêm chút vị đường, gừng rất hấp dẫn.

Chuẩn bị:

  • – Khoai lang: 1-2 củ (loại vỏ đỏ ruột vàng)
  • – Gừng: 1 nhánh
  • – Đường nâu hoặc đường vàng.

tuy1-835089-1368124104_500x0.jpg

Cách làm

– Khoai mua về rửa sạch, gọt vỏ, ngâm nước muối loãng 10 phút để khoai không bị thâm. Sau đó xắt thành miếng vừa ăn. Để ra rổ cho ráo nước.

– Gừng rửa sạch, thái sợi nhỏ (đối với gừng, giữ nguyên vỏ sẽ bổ dưỡng hơn).

– Đường đun với nước, nêm nếm sao vừa miệng (ngọt nhẹ), cho gừng vào đun cùng tới khi đường tan thì trút khoai lang vào. Đun lửa liu riu cho tới khi khoai chín mềm (đừng để nát). Nêm nếm lại lần nữa.

– Ăn nóng mới ngon.

Bảo Nhân

Cách nấu CHÈ BÍ ĐỎ ĐẬU XANH

Thường được coi là “nhà vô địch” về hàm lượng sắt, bí đỏ cũng rất giàu vitamin, các acid hữu cơ và muối khoáng. Từ lâu bí đã được dùng trong nấu ăn như một nguyên liệu ngon và bổ dưỡng trong các món: Canh bí, bí xào… và chè bí đỏ đậu xanh cũng là một trong những món siêu ngon từ loại quả siêu bổ này.

Nguyên liệu 

  • + Bí đỏ: 5 – 7 lạng tùy ăn
  • + Nếp cái hoa vàng: 2 lạng, đãi sạch
  • + 1 lạng đậu xanh nguyên vỏ đã bể đôi, đãi cho sạch.
  • + 1 chút muối hạt
  • + Đường mật mía (đường phên, đường thẻ).

 

Thực hiện:
– Bí gọt vỏ, bỏ hột, rửa sạch rồi xắt miếng to cỡ bao diêm.

– Cho bí, nếp, đậu và chút muối vô nồi (nồi thường hoặc nồi cơm điện). Trút nước lọc  vào sao cho nước ngập gấp 2-3 lần lượng cái. Bật lửa vừa đun nấu như nấu cháo. Trong lúc nấu lưu ý nếu nước cạn quá thì châm thêm nước.

– Nếu nấu bằng nồi cơm điện thì khi chè sôi, ta chuyển sang chế độ hâm nóng chừng 1-2 tiếng để ninh cho nguyên liệu mềm nhừ. Sau đó ta mới chuyển sang chế độ nấu cho sôi trở lại một lúc, khuấy chè xem có quá đặc hoặc quá loãng hay không. Lưu ý khuấy nhẹ kẻo nát bí.

– Tiếp tục đun cho tới khi phần cái nềm, nở, ta cho đường phên vào quấy nhẹ cho tan. Nếm lại thấy vừa miệng là được.

– Ăn nóng ngon hơn ăn lạnh.

Theo Huyền Chi

Cách nấu CHÈ BÍ ĐỎ KHOAI TÍM

Bên cạnh cái dẻo thơm của khoai, nếp, bí, thì màu tím của khoai lang và màu vàng của bí đỏ càng khiến món chè thêm hấp dẫn.

Chuẩn bị:

  • 1 lạng bí đỏ (bí ngô, bí rợ), 1 củ khoai tím
  • Nửa chén yến mạch, nửa chén bột nếp
  • 1 nhánh gừng

Bước 1:

Bí mua về gọt bỏ vỏ, hấp cho chín mềm rồi nghiền nhuyễn.

– Khoai lang tím mua về gọt vỏ, xắt miếng cỡ quân cờ.

– Yến mạch ngâm nước cho nở mềm, sau đó gạn bỏ nước đi.

Bước 2: Khoai tím cho vô nồi nhỏ với nước, nấu sôi. Nước sôi thì vặn nhỏ lửa đun chừng 20 phút là vừa. Vớt khoai ra để ráo.

Bước 3: Bí nghiền, bột nếp và yến mạch đã ngâm ta trộn đều thành hỗn hợp bột nhuyễn.

Bước 4: Vo hỗn hợp bột bí thành những viên tròn vừa ăn.

Bước 6:

– Bắc nồi để nấu chè, cho nước vào nấu sôi, rồi thả từng viên bột bí trộn vào nấu tới khi chúng nổi hết lên mặt nước là được. Ta vớt hết viên bí ra ngoài và chuyển ngay vô tô nước đun sôi để nguội.

– Cho khoai lang vào trong nồi, nấu cho chín mềm. Thả vào nồi vài lát gừng đập sơ và lượng đường vừa đủ ăn. Khuấy nhè nhẹ cho đường tan. Tắt bếp.

– Ăn nóng hoặc nguội, thêm đá tùy thích.

 

Cách làm CHÈ NHÃN RAU CÂU

Chè nhãn rau câu nấu đường phèn rất dễ ăn, thích hợp để giải khát và bồi bổ cơ thể trong thời tiết nóng.

Nguyên liệu:

  • – Bột rau câu: 20g
  • – Nước lạnh: 700ml
  • – Đường phèn: 130g
  • – Nhãn sấy khô: 80g

Thực hiện:

– Long nhãn sấy mua về đem rửa sạch, ngâm nước lạnh ít nhất 2 tiếng rồi xả lại bằng nước cho sạch chất bẩn.

– Sau đó để ra rổ cho ráo nước.

– Cho rau câu vào nồi, châm nước lạnh, dùng vá khuấy đều cho tan hết rau câu, đun với lửa riu riu cho tới khi bột rau câu tan hết.

– Đổ tiếp 90g đường phèn vào nồi, nêm nếm cho vừa miệng.

– Đổ rau câu ra tô lớn, để nguội chút rồi cho vào tủ lạnh cho rau câu nhanh đông.

– Rau câu đông rồi thì lấy ra cắt thành miếng vuông nhỏ vừa ăn.

– Bắc nồi với chừng 300ml nước, đun sôi, cho thêm 40g đường phèn vào khuấy tan, sau đó cho nhãn sấy đã ngâm mềm vào. Đợi nồi sôi bùng lên thì tắt bếp.

– Trút nồi nhãn và nước đường phèn ra thố lớn, trộn thêm rau câu đã xắt nhỏ vào.

Ăn nguội hoặc kèm đá lạnh.

Theo Cún Khang

Cách nấu CHÈ ĐẬU PHỘNG

Đậu phộng (lạc) nấu mềm là món ăn ưa thích của nhiều người. Đậu phộng còn là một loại thực phẩm rất bổ dưỡng, giúp giảm nguy cơ bệnh tim, đột quỵ, tăng tuổi thọ. Món chè lạc điểm thêm bột báng, hột lựu, quyện trong vị ngon của nước cốt dừa và khoai mì ngậy bùi sẽ là món ăn chơi ngon miệng hấp dẫn với mọi người.

Nguyên liệu:

  • – 1/4 chén đậu xanh xát vỏ
  • – 1 củ khoai mì (sắn)
  • – 1 muỗng canh hạt lựu khô (bán ở chợ hoặc siêu thị)
  • – 2,5 lạng đậu phộng đã luộc chín và bỏ vỏ.
  • – 2 muỗng súp bột báng
  • – 300ml nước cốt dừa. Xem CÁCH LÀM NƯỚC CỐT DỪA
  • – Đường cát trắng, muối.

Cách làm:

Bước 1:

– Khoai mì bỏ vỏ, ngâm nước qua đêm rồi rửa sạch kĩ nhiều lần cho sạch và hết độc. Xắt thành miếng vừa ăn.

Bước 2:

– Đậu xanh đãi qua nhiều lần nước cho sạch, cho vào nồi nước lạnh, thêm 1/2 muỗng cafe muối, nấu sôi trong lửa nhỏ.

Bước 3:

– Hạt lựu mua về cũng rửa qua nước vài lần cho sạch, rồi bắc nồi nấu sôi lửa nhỏ tầm 10 phút cho nở. Hột lựu nở mềm thì trút ra rỏ, bỏ nước đi, dội nước lạnh vào rà nhẹ cho hột lựu rời ra khỏi bị dính chùm.

Bước 4:

– Đậu phộng đã luộc chín và bóc bỏ vỏ.

Bước 5:

– Ngâm bột báng cho nở

– Đậu xanh nấu nở mềm rồi thì trút khoai mì vô nấu chung tới khi nào khoai mì chín mềm thì trút đậu phộng vào.

Bước 7:

–  Trút đường cát vào nồi chè, nếm cho vừa miệng, nấu lửa nhỏ dùng vá khuấy nhè nhẹ để chè đừng bị dính vô đáy nồi. Đổ tiếp nước cốt dừa vô.

– Cuối cùng cho trân châu, bột báng đã ngâm luộc nở vô nồi chè, vẫn giữ lửa trên bếp, vừa đun vừa quấy nhẹ tay và nêm nếm lại vừa đủ độ ngọt. Nấu tới khi nào bột báng trong nổi lên bề mặt là được. Tắt bếp. Ăn nóng cho ngon.

Theo mẹ Cún Khang