Đẹp da với CANH THỊT NẠC CẢI TRẮNG NẤM HƯƠNG

Món CANH THỊT NẠC CẢI TRẮNG NẤM HƯƠNG không chỉ ngon mà còn có tác dụng tẩm bổ, giải nhiệt, làm cho da dẻ mịn màng đẹp đẽ nếu dùng thường xuyên.

Nguyên liệu:

– 300g thịt nạc
– 6 cái nấm hương
– 75g đậu phộng
– 400g cải trắng
– 3 quả táo đỏ
– 2 lát gừng
– Muối

Cách làm:

– Nấm đem ngâm nước ấm cho mềm, rửa sạch, bỏ cuống.
– Đậu phộng và cải trắng rửa sạch.
– Thịt heo rửa sạch, chần qua nước sôi rồi xả lại nước lạnh.
– Táo đỏ rửa sạch, khoét bỏ hạt.
– Bắc nồi nước, nấu sôi rồi cho nấm, thịt, đậu, cải, táo, gừng vào nấu. Nước sôi thì vặn lửa vừa ninh trong 2 tiếng.
– Nêm muối vào vừa ăn.
– Ăn nóng, có thể dùng với cơm.

Bảo Tố

Cách làm HẠT SEN XÀO GỪNG

Hạt sen xào gừng là món ngon, dễ ăn lại bổ dưỡng, đặc biệt tốt cho người bị mất ngủ.

Nguyên liệu:

– 400g hột sen

– 5 lát gừng

– Vài trái Ớt đỏ

– 1 muỗng canh dầu ăn

– 1 muỗng canh dầu mè

– 1/2 muỗng cafe muối

– 1/2 muỗng cafe bột ngọt

Thực hiện: 

– Hột sen bỏ tim, rửa sạch. Gừng thái nhỏ. Ớt đỏ xắt khúc

– Trụng hạt sen qua nước sôi rồi vớt ra.

– Bắc chảo dầu đun nóng vừa, cho gừng, ớt vào phi thơm rồi cho hạt sen, nêm muối bột ngọt vào xào cho hạt sen chín.

– Rưới dầu mè lên, tắt bếp.

Thiên Kim

4 ĐỐI TƯỢNG KHÔNG NÊN ĂN GỪNG

Gừng thường được coi là loại thuốc bổ giúp phòng chống được nhiều bệnh tật cho cơ thể. Tuy vậy, nếu dùng không đúng nơi, đúng chỗ, gừng có thể mang lại những tác hại không mong muốn.

Việc đầu tiên chúng ta cần nhớ là một người trưởng thành không nên ăn quá 4g gừng mỗi ngày, vì có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, gây ợ chua hoặc buồn nôn.

Ngoài ra, cần tránh ăn gừng nếu bạn nằm trong nhóm đối tượng sau đây:

1. Thai phụ

Tuy rằng gừng có chức năng giảm đau, giảm cảm giác buồn nôn, nhưng thai phụ nên thận trọng ăn Gừng vì nó có tính kích thích mạnh có thể dẫn đến đẻ non. Thai phụ vì vậy nên tránh ăn gừng, hoặc ăn theo chỉ dẫn của bác sĩ.

2. Người muốn lên cân

Trong khi gừng tỏ ra có tác dụng giảm cân với người béo vì nó giúp bớt thèm ăn và đốt cháy chất béo. Chúng ta có thể nhận ra là nó không nên được dùng cho người cần tăng cân, vì lý do trên.

Gừng tốt cho sức khỏe, nhưng cũng tùy đối tượng.

3. Người mắc bệnh máu

Gừng giúp thúc đẩy lưu thông máu, không tốt cho người bị rối loạn máu, vì có thể làm cho sự rối loạn trở nên nặng nề hơn. Bên cạnh đó, tác dụng của gừng còn có thể biến những loại thuốc chữa bệnh về máu trở nên vô dụng.

4. Người đang trị bệnh bằng thuốc

Nếu bạn đang trong thời gian trị tiểu đường hoặc cao huyết áp bằng thuốc, thì nên tránh tự ý dùng gừng để không ảnh hưởng đến tác dung của thuốc. Đáng nói, gừng có thể trở nên nguy hiểm khi kết hợp với thuốc ngăn đông máu, chẹn beta hay các thứ thuốc giành cho người tiểu đường.

Trên đây là 4 đối tượng nên tránh sử dụng gừng nếu không có hướng dẫn của bác sĩ. Nếu cần chút cay nóng, bạn có thể dùng tiêu, tiêu cũng có nhiều tác dụng của gừng, lại lành tính hơn.

Đề Oanh (theo www.santeplusmag.com)

Cách làm món chay NẤM ĐÙI GÀ KHO GỪNG

Nấm đùi gà là một trong những loại nấm ngon và hấp dẫn nhất. Chế biến món nấm này sao cho vẫn giữ được hương vị và kết cấu đặc trưng, là bạn đã có một món ngon cho cả gia đình.

Chuẩn bị

  • Nửa kí nấm đùi gà
  • 1 Mẩu gừng lớn
  • Boa rô (tỏi tây): thái nhỏ
  • Gia vị: hạt nêm chay, dầu điều, nước tương, ngò, muối, đường

Cách nấu

Bước 1: Nấm đùi gà mua về rửa sạch, bỏ chân rồi thái khoanh tròn (hoặc xé sợi vừa ăn) sau đó đem ngâm nước muối. Nhớ rửa sạch lại trước khi chế biến.

Bước 2: Gừng rửa sạch (cạo vỏ nếu thích), thái sợi.

Bước 3: Phi thơm boa rô với ít dầu nóng, sau đó cho gừng vào xào chung.

Bước 4: Trút nấm đùi gà vào đảo đều khoảng 3 phút sau đó cho thêm nước tương và các gia vị vào. Lưu ý, không cần thêm nhiều gia vị vì nấm sẽ tiết nước ra và cho vị đậm đà hơn.

Bước 5: Chờ đến khi nấm cần cạn nước thì tắt bếp và rắc ngò (rau mùi) lên trên trước khi dọn món.

 

(Tú Anh)

Cách làm CHÈ KHOAI LANG MIẾNG

Bản thân khoai lang đã ngon lắm rồi, nên những món ăn nấu từ khoai lang thường không cần quá cầu kì. Chè khoai lang miếng nấu gừng là một món chè giữ được kết cấu và hương vị của khoai lang, nhấn nhá thêm chút vị đường, gừng rất hấp dẫn.

Chuẩn bị:

  • – Khoai lang: 1-2 củ (loại vỏ đỏ ruột vàng)
  • – Gừng: 1 nhánh
  • – Đường nâu hoặc đường vàng.

tuy1-835089-1368124104_500x0.jpg

Cách làm

– Khoai mua về rửa sạch, gọt vỏ, ngâm nước muối loãng 10 phút để khoai không bị thâm. Sau đó xắt thành miếng vừa ăn. Để ra rổ cho ráo nước.

– Gừng rửa sạch, thái sợi nhỏ (đối với gừng, giữ nguyên vỏ sẽ bổ dưỡng hơn).

– Đường đun với nước, nêm nếm sao vừa miệng (ngọt nhẹ), cho gừng vào đun cùng tới khi đường tan thì trút khoai lang vào. Đun lửa liu riu cho tới khi khoai chín mềm (đừng để nát). Nêm nếm lại lần nữa.

– Ăn nóng mới ngon.

Bảo Nhân

Cách làm THỊT BA RỌI KHO GỪNG

Bên cạnh vịt, gà kho gừng, thịt ba chỉ kho gừng cũng là món ăn hấp dẫn không kém với cái béo ngon của thịt ba chỉ hòa trong hương vị kích thích của gừng, tiêu, ớt…

Nguyên liệu:

  • – Thịt ba rọi: 3 lạng
  • – 1 miếng gừng
  • – Đường vàng, muối, nước mắm
  • – Hành củ, ớt màu.

Cách làm:

Bước 1:

– Thịt mua về rửa sạch, để ráo, xắt miếng vừa ăn, ướp với 1 muỗng súp đường vàng, hành củ băm, chút tiêu, trong khoảng 30 phút cho ngấm.

Bước 2:

– Gừng rửa sạch, để nguyên vỏ, xắt thành cọng nhỏ dài.

– Bắc nồi kho cho vào chút dầu ăn, bỏ vào ít hành củ băm phi thơm rồi cho gừng vào xào chừng 2 phút.

Bước 3:

– Tiếp theo trút thịt vào đảo đều, chan thêm 1 muỗng súp nước mắm, 1/2 muỗng cafe muối, 1 muỗng cafe đường vàng, chút ớt màu, đậy nắp kín, vặn lửa vừa đun chừng 15 phút rồi mở nắp nồi, tiếp tục kho lửa vừa.

Bước 4:

–  Sau 20-30 phút thịt đã chín ngấm, bạn nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn. Tắt bếp. Múc ra đĩa Ăn với cơm nóng.

Theo mẹ Cún Khang

12 CÁCH TRỊ ĐAU DẠ DÀY TẠI NHÀ

Nhiều khi trong bếp hoặc tủ lạnh nhà bạn đã có sẵn vài liều thuốc đau dạ dày từ nguyên liệu tự nhiên, có thể áp dụng để giảm đau hữu hiệu.

Theo Boldsky, đau dạ dày có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như khó tiêu, dạ dày tiết quá nhiều axít, táo bón, dị ứng thức ăn, đầy hơi, ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy, loét dạ dày hoặc ruột, viêm ruột thừa, sỏi túi mật, sỏi thận.

Đau dạ dày đôi khi đi kèm với các triệu chứng khác như sốt, ói mửa, đau hoặc sưng bụng. Đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm trùng ở bất kỳ cơ quan nào của bụng. Bạn phải tìm đến sự trợ giúp y tế nếu đau dạ dày đi cùng với các triệu chứng khác như sốt. Nếu lý do đau dạ dày là do khó tiêu, nồng độ axít cao, táo bón, đầy hơi hoặc loét dạ dày, thì hãy thử áp dụng những biện pháp giảm đau đơn giản sau:

1. Gừng

Gừng có đặc tính chống viêm và chống oxy hóa. Bạn có thể dùng một tách trà gừng để làm giảm ngay cơn đau dạ dày. Gừng đồng thời có tác dụng giảm buồn nôn và ói mửa. Có thể thêm một chút mật ong vào trà gừng cho dễ uống.

2. Nước muối ấm

Nước muối ấm được dùng để điều trị rối loạn dạ dày. Trộn một hoặc hai muỗng cà phê muối trong nước ấm rồi khuấy đều. Uống dung dịch này để giảm đau dạ dày và đau bụng. Đây là một trong những cách tự nhiên để trị đau dạ dày hiệu quả.

3. Giấm rượu táo

Một trong những biện pháp tự nhiên trị bệnh đau dạ dày là giấm rượu táo. Nó được dùng để điều trị chứng khó tiêu, hỗ trợ hấp thu các vitamin và khoáng chất, bên cạnh đó là đặc tính kháng khuẩn, rất hiệu quả trong việc làm giảm cơn đau dạ dày. Pha loãng ba muỗng cà phê giấm rượu táo trong một cốc nước ấm, uống ba lần mỗi ngày trước các bữa ăn và chờ xem hiệu quả của nó.

4. Nước ép bạc hà

mav157

Loại nước này được sử dụng để điều trị chứng khó tiêu, buồn nôn và ói mửa. Đây là một trong những biện pháp khắc phục chứng đau bụng và chuột rút tốt nhất. Bạn có thể nhai một vài lá bạc hà hoặc làm nước ép từ lá bạc hà. Nước cốt bạc hà cũng có thể chữa chứng đau dạ dày sau khi ăn.

5. Nước chanh

Nước chanh có tác dụng rất tốt trong việc giảm đau bụng kèm theo chứng buồn nôn và ói mửa. Hãy trộn ba muỗng cà phê nước cốt chanh vào một ly nước ấm, uống ba lần mỗi ngày.

6. Trà hoa cúc

Trà hoa cúc có tác dụng làm dịu bụng, giảm đau bụng và chuột rút rất tốt. Bạn có thể thêm một chút nước cốt chanh vào trà khi uống.

7. Hạt bạch đậu khấu

Hạt bạch đậu khấu có thể trị chứng khó tiêu, buồn nôn, ói mửa và đau bụng. Bạn có thể pha trà từ hạt bạch đậu khấu bằng cách luộc hạt trong nước, đun kèm với một ít hạt thì là, uống ba lần một ngày để có hiệu quả.

8. Nước ép lô hội

Nước ép lô hội có tính chất làm se. Nó giúp điều trị nhiễm trùng ngăn chặn tình trạng chảy máu trong. Hơn nữa, các thành phần trong cây lô hội còn giúp làm dịu dạ dày, cải thiện quá trình tiêu hóa, điều trị táo bón, giảm chứng đau bụng và chuột rút. Hãy uống một cốc nước ép lô hội mỗi sáng để trị đau dạ dày.

9. Hạt carom (ajwain)

Đây là một trong những biện pháp khắc phục tốt nhất cho bệnh đau dạ dày. Đun một ít hạt carom trong nước rồi thêm một chút muối, uống trước khi ăn để có được hiệu quả tốt nhất.

10. Hạt cây thì là

Hạt cây thì là có chức năng làm giảm đau bụng, khó tiêu, đầy hơi và chướng bụng. Đun một ít hạt cây thì là trong nước và thêm một chút nước chanh. Uống trước bữa ăn để hỗ trợ tiêu hóa và ngăn ngừa đau dạ dày.

11. Thực phẩm đơn giản

Bạn nên tránh các loại thực phẩm nhiều gia vị và nhiều dầu mỡ vì chúng là nguyên nhân phổ biến gây bệnh đau dạ dày. Hãy dùng những thực phẩm được chế biến đơn giản, ít gia vị, dễ tiêu hóa và giúp làm dịu dạ dày.

12. Chườm ấm bụng

Lăn nhẹ chai nước nóng trên bụng là cách cứu trợ khẩn cấp khi bị đau dạ dày. Lăn trong vòng năm phút rồi ngưng một thời gian, lặp lại quá trình này nhiều lần, cơn đau dạ dày sẽ giảm nhanh chóng.

Nguồn Tiền phong Online

Cách nấu GÀ KHO GỪNG

Gà kho gừng là món dễ ăn. Vị cay nồng của gừng sẽ làm món gà bớt ngán. Thích hợp nhất vào tiết trời mát, lạnh.

Nguyên liệu:

  •  Thịt gà: 400g
  •  Gừng tươi, già: 15g
  • Hành củ: 20g
  • Gia vị thông thường

Cách làm:

1. Chuẩn bị

– Gừng rửa sạch, xắt dọc thành cọng.

 

– Hành củ lột vỏ băm nhuyễn

– Gà rửa sạch, thấm ráo nước, chặt miếng nhỏ vừa ăn. Sau đó cho gừng và 1/2 chỗ hành băm vào ướp, thêm 1 muỗng cafe muối, 1/2 muỗng cafe bột ngọt. Ướp trong 30 phút.

2. Thực hiện

– Bắc chảo cho dầu và phần hành còn lại vào phi thơm, sau đó cho gà đã ướp vào xào săn, rồi đổ chén nước vào xâm xấp mặt gà. Vặn nhỏ lửa, đậy nắp đun đến khi còn 1/2 nước thì thêm vào 1 muỗng canh nước mắm, chút đường, nêm lại vừa miệng. Cho thêm 1/2 muỗng canh dầu ăn vào rồi đảo đều.

– Kho tiếp khoảng 5 phút, nước còn ít hơi quánh lại thì tắt bếp. Ăn nóng với cơm.

Mỹ Lạo

Ban đêm ăn gừng: “độc như thạch tín”

Người xưa có câu: Sáng sớm ăn gừng, tốt hơn cả uống nước sâm; buổi tối ăn gừng, ngang với ăn thạch tín.

Gừng có chứa tinh dầu dễ bay hơi, có thể làm tăng tuần hoàn máu; đồng thời có chứa gingerose, có tác dụng kích thích tiết dịch dạ dày, làm hưng phấn đường ruột, thúc đẩy tiêu hóa. Ngoài ra gừng còn có chứa gingerol, có thể làm giảm sự phát sinh sỏi mật. 

Song gừng vừa có lợi lại vừa có hại, trong dân gian Trung Quốc từng truyền nhau câu: “Đi ngủ củ cải, ngủ dậy ăn gừng”, nói lên có thể ăn gừng nhưng không nên ăn quá nhiều vào buổi tối. 

Trong các sách y học cổ cũng từng “cảnh báo”: “Trong vòng một năm, mùa thu không ăn gừng; trong vòng một ngày, đêm không ăn gừng”.  

Đặc biệt là vào mùa thu, tốt nhất là không ăn, vì mùa thu thời tiết khô ráo, táo khí (không khí khô) tổn thương phế, cộng thêm ăn gừng cay vào, lại càng dễ làm tổn thương phổi hơn, gây tăng mất nước, khô khan trong cơ thể. 

Xem ra, chuyện mùa thu không ăn hoặc ăn ít gừng cùng các thức cay khác đã được cổ nhân xem trọng từ lâu, điều này đã được phân tích rất khoa học.

Cũng liên quan đến vấn đề này, người xưa có câu: Sáng sớm ăn gừng, tốt hơn cả uống nước sâm; buổi tối ăn gừng, ngang với ăn thạch tín. 

Lý do là gừng có thể tăng cường và thúc đẩy tuần hoàn máu, kích thích tiết dịch dạ dày, làm hưng phấn ruột- dạ dày, thúc đẩy tiêu hóa, ngoài ra còn có tác dụng kháng khuẩn.

Vào buổi sáng, khí trong dạ dày nhiều, ăn một chút gừng vào sẽ kiện tì ôn vị, khích lệ cho dương khí bốc lên. Đến nửa đêm, dương khí trong người thu lại, âm khí thịnh phát, lúc này ăn gừng sẽ vi phạm qui luật sinh lí. 

Ngược lại với gừng, củ cải tính lạnh, hạ hỏa thanh nhiệt, hạ khí tiêu thực (làm hết đầy bụng). Sau cả ngày mệt mỏi, ăn một ít củ cải sẽ có tác dụng nhuận hầu tiêu thực (tốt cho họng trợ giúp tiêu hóa), thanh nhiệt, có lợi cho việc nghỉ ngơi.      

(Theo VTC News)

NHỮNG LƯU Ý KHI SỬ DỤNG GỪNG

Gừng luôn được coi là thảo dược đối với con người. Nhưng để gừng phát huy được hết tác dụng mà không gây hại, bạn cũng cần lưu ý đến những điều sau:

1. Không ăn gừng đã mọc mầm hoặc dập

Gừng tươi mọc mầm sẽ làm cho dạ dày và ruột của bạn hấp thụ được ít chất dinh dưỡng. Khi chế biến có thể sinh ra chất lưu huỳnh làm hại gan, có thể làm gan nhiễm độc, biến tính, tổn hại tới chức năng của gan.
Gừng dập có thể sinh ra một loại độc tố mạnh, làm thay đổi tính chất của gừng, hủy hoại tế bào gan và dẫn đến ung thư gan, ung thư thực quản.

2. Khi ăn gừng đừng gọt vỏ

Nhiều người sợ bẩn nên gọt vỏ gừng, thật ra kỹ quá cũng không tốt. Gừng chỉ phát huy hoàn toàn hiệu năng khi không được gọt vỏ. Bạn chỉ cần rửa sạch là dùng được rồi.

3. Không nên ăn nhiều gừng

Ăn nhiều gừng, cơ thể sẽ bị nhiệt do tính nóng của gừng. Ăn nhiều gừng cũng làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Theo kết luận của Trung tâm y tế trừơng đại học Maryland (Mỹ), nhiều người sẽ bị ợ nóng, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy và kích thích miệng nếu ăn quá nhiều gừng. Bên cạnh đó là nguy cơ tắc nghẽn ruột, viêm ruột đối với người dùng nhiều gừng tươi một lúc.

4. Những trường hợp bệnh nhân không nên ăn gừng thường xuyên

Bao gồm: người bị âm hư, viêm phổi, hạch phổi, phù thũng phổi, mụt nhọt, viêm gan, viêm dạ dày, viêm thận, tiểu đường, bệnh tim.

Nếu bạn từng bị rối loạn chảy máu, thì nên tránh ăn nhiều gừng. Gừng có thể giảm đường trong máu, nên có thể tăng nguy cơ bị tiểu đường hay hạ đường huyết.

5. Bà bầu không nên ăn nhiều gừng

Đôi khi gừng được dùng để chữa ốm nghén, nhưng nếu dùng quá nhiều trong giai đoạn này, có thể khiến trẻ bị dị tật bẩm sinh và nhiều vấn đề khác. Theo Trung tâm Y tế MayoClinic (Hoa Kỳ), dùng nhiều gừng gây ảnh hưởng đến hormone giới tính của trẻ, có thể gây sẩy thai, chảy máu khi mang bầu. Vì vậy, nếu muốn dùng gừng khi mang thai, bà bầu phải hỏi ý kiến bác sĩ.

6. Mùa thu và ban đêm đừng ăn gừng

Y học cổ truyền từng chép: Trong một năm, thì mùa thu đừng ăn gừng. Trong một ngày, thì đêm đừng ăn gừng. Là bởi trời thu khí khô, không tốt cho phổi, nếu ăn thêm gừng cay, tất nhiên sẽ dễ làm thương tổn phổi hơn, khiến người ta thêm mất nước, khô khan trong người. Không ăn gừng vào mùa thu, và cũng không nên ăn những chất cay khác vào mùa này, điều này đã được khoa học từ xưa phân tích và kiểm nghiệm.

Còn ban đêm, âm khí thịnh phát, dương khí thu lại. Ăn gừng sẽ cưỡng chế cho dương khí bốc lên, không đúng với quy luật sinh lý, tổn hại sức khỏe.

7. Không dùng gừng cho người bị trúng nắng.

Nước gừng tươi với đường đỏ chỉ giúp được người bị phong hàn hoặc cảm mạo, hoặc phát nhiệt sau khi mắc mưa, chứ đừng dùng cho những người bị cảm thử nhiệt hoặc cảm phong nhiệt, và nhất là người bị trúng nắng. Uống nước ép gừng tươi có thể giảm buồn nôn do lạnh, nhưng không giảm buồn nôn do những nguyên nhân khác.

 

Mỹ Mạnh tổng hợp.

6 MÓN ĂN ĐƠN GIẢN ĐỂ CHỮA ĐAU HỌNG

Đau họng kéo dài luôn gây khó chịu cho mọi người. Sau đây là những loại thức ăn không những trị đau họng hiệu quả, mà còn dễ nuốt ngay cả khi bạn bị đau họng:

Chanh mật ong: hỗn hợp nước chanh pha mật ong là thuốc giảm đau họng hữu hiệu, không chỉ dùng làm thuốc chữa viêm họng, bạn có thê uống hằng ngày vào buổi sáng sẽ giúp phòng ngừa nhiều loại bệnh.

Chuối: Chuối không có tính a xít, lại là loại quả mềm, dễ nuốt khi bạn bị đau họng. Chuối có chỉ số đường huyết thấp và giàu vitamin B6, kali và vitamin C.

Súp gà: được xem là liệu pháp hữu hiệu để chống viêm họng. Các chuyên gia cho rằng một tô súp gà nóng còn có tác dụng tốt hơn liều thuốc kháng sinh. Súp gà có đặc tính kháng viêm nhẹ và giúp giảm đờm bằng cách ngăn virus tiếp xúc với màng nhầy. Nấu súp gà với cà rốt, hành tây, cần tây, củ cải, khoai lang và tỏi giúp bồi bổ sức khỏe và còn chữa bệnh.

Cà rốt: Cà rốt có đầy đủ các chất dinh dưỡng, chẳng hạn như vitamin A, vitamin C, vitamin K, chất xơ và kali. Cà rốt luộc hoặc hấp có thể giúp bạn chữa bệnh, nhưng nên nhớ đừng ăn sống, kẻo phản tác dụng.

Trứng: dễ tiêu hóa protein, trứng, nhất là phần lòng trắng trứng giúp đối phó với viêm họng và các cơn đau họng. Tuy nhiên, nếu bạn thêm gia vị vào trứng, có thể làm phản tác dụng.

Trà gừng, trà mật ong: một ly trà gừng trà mật ong nóng là cách tốt để xoa dịu cổ họng. Nhâm nhi trà cùng với việc hà hít hơi từ tách trà nóng có thể giúp giảm tắc nghẽn họng và làm dịu cơn đau ngực do ho.

Mỹ Mạnh (MAV.vn)

 

[mẹo] TUYỆT CHIÊU XỬ LÝ THỊT CÁ BẰNG GỪNG

Gừng không chỉ là một thứ gia vị ít khi thiếu trong chế biến món ăn mà nó còn có rất nhiều tác dụng khác, trong đó có khả năng làm thịt đông lạnh tươi ngon trở lại.

Làm tươi thịt đông lạnh

Thịt để trong ngăn đá đem đi rã đông sẽ không có màu sắc tươi, đẹp như thịt mới. Vì vậy, khi đem thịt ra rã đông, chị em có thể thả một ít gừng tươi đập dập vào nước ngâm, thịt sẽ có màu tươi ngon. Và khi chế biến, thật khó lòng để phân biệt được đó là thịt tươi hay thịt đã được để qua đông lạnh.

Với các loại gia cầm, hay hải sản cũng vậy. Rã đông xong cũng làm thao tác tương tự thì thực phẩm cũng tươi ngon như lúc mới mua về nhé.

Khử mùi hôi của vịt

Thịt vịt có mùi hôi khá đặc trưng. Nếu vịt sau khi vặt lông, làm sạch rồi đem chế biến luôn thì chắc chắn món ăn sẽ có mùi khó chịu. Ngoài cách dùng như cho sả, lá na và nước luộc để khử mùi hôi thì chị em có thể sử dụng gừng. Chị em chỉ cần lấy gừng giã nhỏ trộn với rượu trắng và muối chà bên ngoài của miếng thịt vịt và sau đó xả lại bằng nước lạnh thì vịt sẽ bay hết mùi hôi.

Khử mùi gây của thịt bò

Thịt bò có nhiều đạm nên cũng có mùi gây đặc trưng. Vì thế, để giảm mùi gây này,chị em hãy lấy một củ gừng, nướng trên bếp. Sau đó, cạo sạch lớp vỏ cháy đen bên ngoài, giã gừng thật nhuyễn, rắc lên thịt. Mùi gây của thịt bò cũng giảm đi nhiều và trong gừng có men Zingibain phân giải chất đạm vì thế thịt sẽ trở nên mềm và ngon hơn nữa.

Giảm mùi tanh của cá

Ngoài cách sử dụng giấm để rửa thì gừng cũng có tác dụng giảm mùi tanh của cá chị em nhé! Chị em hãy giã một chút gừng, ngâm vào 1 chén rượu rắng. Sau khi rửa cá, dùng rượu gừng xoa lên toàn bộ thân. Gừng sẽ làm cá hết mùi tanh.

Giúp dao sắc hơn

Với những loại như cá khô, cá muối, đồ khô rất khó cắt, chị em có thể chà một ít gừng tươi và dầu vừng lên lưỡi dao là có thể cắt được dễ dàng.

Rán cá không bị dính chảo

Nhiều chị em không thích dùng chảo chống dính vì lo sợ lớp chống dính của chảo bong ra, ngấm vào thực phẩm sẽ không tốt cho cơ thể. Vì thế, với những chiếc chảo thường, khi rán cá để cá không bị dính chảo, gừng cũng được sử dụng. Bằng cách, để chảo nóng, dùng gừng tươi xát mạnh vào đáy và thành chảo sau đó mới cho dầu vào. Dầu và gừng sẽ tạo ra một lớp màng trơn giữa da cá và thành chảo làm da cá không thể bám dính vào.

Bảo quản gừng được tươi lâu

Có nhiều cách để bảo quản gừng được tươi lâu:

– Bảo quản ở nhiệt độ thường: Gừng hoàn toàn có thể bảo quản ở nhiệt độ bình thường, nhất là mùa đông, gừng giữ tươi được khá lâu.

– Bảo quản gừng trong tủ lạnh: Bạn phải nghiền củ gừng tươi với một ít muối, nước chanh và chút xíu đường. Sau đó, cho hỗn hợp gừng đã nghiền nhuyễn này vào trong một chiếc lọ sạch, có nắp kín, không để không khí lọt vào. Sau khi hàn kín nắp lọ, bạn cho lọ gừng vào tủ lạnh. Gừng được nghiền nát sẽ vẫn tươi trong vòng từ 6 tháng đến một năm.

– Bảo quản trong giấy bạc: Bạn cũng có thể dùng giấy bạc quấn chặt củ gừng và để ở nơi thoáng mát.

– Vùi gừng trong cát: Đây là theo cách của dân gian, rất đơn giản, là vùi gừng xuống lớp cát ẩm. Cách này vừa giữ được gừng lâu tránh bị khô.

Tổng hợp

Cách nấu Vịt kho gừng

Vịt kho gừng, món ăn ngon quen thuộc ở tất cả các miền quê. Cực kỳ ngon miệng, hao cơm, tuy nhiên cũng như các món ăn có gừng khác, bạn nên tránh làm món này vào bữa tối để khỏi bị nóng ruột, khó chịu sau khi ăn.

Nguyên liệu:

Cách làm:

– Vịt mua ở chợ bắt họ vặt lông giùm mình. Đem về nhà thì rửa kỹ với rượu trắng để loại bỏ mùi hôi lông. Sau đó chặt ra từng miếng nhỏ vừa ăn.
– Gừng chọn củ nào không non, gọt vỏ, xắt mỏng, chia ra làm 2 phần.
– Hành củ, tỏi băm nhuyễn.
– Ướp thịt vịt + 1 phần gừng + 1/2 thìa canh nước mắm + 2 thìa cà phê đường + hành tỏi băm.
– Bắc chảo lên bếp, cho chút dầu hoặc mỡ, phi thơm 1 tép tỏi rồi cho phần gừng kia vào xào.
– Trút tiếp tô thịt ướp vào chảo, xào lửa lớn và nhanh tay cho thịt săn lại.
– Cho thêm 1 thìa canh nước hàng + 2 thìa canh nước mắm + 1 thìa canh đường, xào tiếp và nêm lại cho vừa ăn.
– Cho nước vào vừa ngập mặt thịt, vặn nhỏ lửa. Cho thêm 3 trái ớt hiểm vào rồi kho riu riu với lửa nhỏ.
Kho tới khi nước sền sệt, thịt đủ mềm là được, nếu chưa mềm mà hết nước thì thêm nước kho tiếp.
– Nếm lại cho vừa ăn.
– Ăn với cơm nóng rất ngon.

Bé Thúi