10 MÓN NGON KHÔNG THỂ BỎ QUA KHI ĐẾN ĐÀ NẴNG

Thành phố Đà Nẵng trong những năm trở lại đây đã trở thành một điểm du lịch lý tưởng với môi trường xanh sạch, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Đến Đà Nẵng cũng là cơ hội để khám phá những món ăn phong phú, hấp dẫn nổi danh từ lâu của miền đất này.

Là tâm điểm của ba di sản thế giới: Cố đô Huế, phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn, Đà Nẵng trở thành nơi du lịch lí tưởng. Dạo quanh một vòng thành phố, tận hưởng không khí của mảnh đất miền Trung sẽ thấy sự khác biệt của một thành phố du lịch thân thiện với môi trường. Chương trình “5 không”: không có hộ đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng, không có giết người cướp của khiến cho bạn và gia đình sẽ khá yên tâm và thoải mái cảm nhận vẻ đẹp phong cảnh, sự thân thiện, hòa đồng của con người và nhất là những món “đặc sản” nơi đây. Bạn cứ yên tâm là đồ ăn ở Đà Nẵng đúng theo tiêu chí ngon – bổ – rẻ, nhất định không sợ “lỗ”.

1. Mì Quảng

Khỏi phải nói thì ai cũng biết mì Quảng là món nổi danh của Đà Thành. Những cọng mì dày, cứng và to thô là nét đặc trưng tạo nên linh hồn của tô mì. Mì Quảng không có công thức “bất di bất dịch” mà rất đa dạng: mì Quảng sườn non, mì Quảng cá lóc, mì Quảng lươn, mì Quảng chả cua… nhưng “truyền thống” nhất là mì Quảng tôm, gà, trứng, thịt. Đặc biệt, thành phần không thể thiếu của mì Quảng là đậu phộng rang và bánh tráng mè nướng giòn. Mì Quảng ăn khô.

Những cọng mì dày, cứng và to thô là nét đặc trưng tạo nên linh hồn của tô mì Quảng (Ảnh: Internet)

Thực khách trộn đều tất cả nguyên liệu vào một tô, bên cạnh là tô nước lèo được ninh từ xương heo ngon cùng phần tôm giã lấy nước, thêm hạt điều tạo nên chất nước sánh và lên màu đẹp mắt. Mì Quảng ăn kèm với rau sống như cải, xà lách tươi, húng quế, giá đỗ, rau răm, ngò rí, bắp chuối sắt mỏng… tất cả trộn lẫn tạo nên mùi vị đậm đà khó quên.

Mì Quảng bán buổi sáng tới tầm 9h – 10h ở đường Hoàng Diệu, Phan Thanh, Trưng Nữ Vương, Hoàng Hoa Thám; một số nơi bán cả ngày như trên đường Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Công Trứ. Giá cả dao động tùy nơi, tùy tô lớn nhỏ khoảng 13.000 – 25.000 đồng/tô, bánh tráng bán kèm 3.000 đồng/cái.

2. Gỏi cá Nam Ô

Ăn rồi là dễ nghiện, nhưng ít người dám thử món này bởi nó làm từ cá sống. Gỏi cá Nam Ô có thể được chế biến từ cá mòi, cá tớp, cá cơm… nhưng ngon và thích hợp nhất là cá trích. Cá trích cỡ lớn hơn ngón tay, cắt đầu, đuôi, bụng, bỏ xương, tách thân làm hai và xắt từng miếng nhỏ, ép nước để ráo rồi đem ướp với gừng, riềng, tỏi băm nhuyễn và thính.

Nước cốt cá được đun sôi, hòa thêm với nước mắm Nam Ô, ớt, bột năng, bột ngọt tạo thành thứ nước chấm đặc trưng cho riêng món gỏi. Rau ăn kèm với gỏi cá Nam Ô rất đa dạng và đặc biệt, là đọt non của các loại cóc rừng, tim lan, lành ngạnh, lá trâm, lá dừng… vốn chỉ mọc trên trên đèo Hải Vân. Tuy nhiên, giờ đây, các món rau khác như dưa chuột, xoài, chuối… được dùng nhiều để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thực khách.

Gỏi cá Nam Ô, thử là dễ nghiện.

Có hai cách ăn gỏi cá: cá với rau các loại cuốn bánh tráng hoặc chỉ việc trộn cá với rau và nước chấm, cứ thế ăn. Cho rau lên bánh tráng, gắp thêm vài miếng cá lấm tấm thính riềng vàng ruộm, cuộn lại, chấm vào bát nước chấm và “cắn”. Thịt cá ngọt mát, nước chấm đậm bùi, vị riềng, ớt cay thơm, quyện với các loại lá mang hương rừng khiến người lâng lâng khó tả khi cái ngon thấm vào từng tế bào lưỡi.

Gỏi cá Nam Ô thì phải tới khu vực Nam Ô để thưởng thức mới đúng điệu. Hoặc nếu không, bạn có thể qua Nguyễn Tất Thành hay cầu Nam Ô và gọi một phần với giá từ 40.000 đồng.

3.Bún chả cá

Thực ra, cứ đến miền Trung là đâu đâu cũng dễ tìm ra quán bán bún chả cá. Nhưng bún chả cá ở Đà Nẵng mới thật đặc biệt. Bún chả cá ngon, khi ăn không có mùi tanh, chỉ nghe hương thơm ngào ngạt của tô bún kết hợp với vị ngọt thanh của rau củ quả và vị đậm đà của nước lèo khiến bất cứ thực khách nào cũng phải xuýt xoa…

Bún chả cá còn được ăn kèm với rau sống, như xà lách, húng, quế, giá đỗ sống. Đặc biệt, không thể thiếu đối với món bún chả cá là ớt tỏi giã và hành ngâm giấm đường. Vị chua chua ngọt ngọt của hành hương cộng với vị cay của ớt tỏi khiến người ăn có những trải nghiệm thú vị không thể nào quên.

Chả cá làm từ cá tươi và nước lèo ngon ngọt làm thành bún chả cá của Đà Nẵng mà hiếm nơi nào có được (Ảnh: Internet)

Ngoài món bún chả cá, người Đà Nẵng còn khoái khẩu với món bún cá lát. Thay vì chả cá thì người ta để nguyên cá tươi, cắt khoanh và kho sơ qua với gia vị cho thấm. Các loại cá này thường là cá thu, cá ngừ hoặc cá cam tùy vào mỗi mùa trong năm tại Đà Nẵng.

Có nhiều quán bún chả cá ở đây, nhưng một số nơi bạn nên ghé qua nếu tiện đường: quán trên đường Hoàng Diệu (ngay bên cạnh tòa nhà Hoàng Anh Gia Lai) bán cả ngày từ 7h – 21h; quán bán suốt đêm trên đường Hùng Vương; quán lại chỉ bán buổi sáng từ 6h – 10h ở đường Trần Cao Vân (đối diện chợ Tam Tòa). Tất cả đều có giá phải chăng vô cùng, chỉ từ 15.000 đồng/tô.

4. Bánh tráng thịt heo

Không đòi hỏi chế biến cầu kì, mà đơn giản và rất dễ ăn. Thịt heo cuốn bánh tráng ở Đà Nẵng nổi tiếng vì nguyên liệu được chọn kỹ càng, khiến hương vị hoàn hảo. Thịt heo chỉ lấy phần mông hoặc vai, sau đó đem hấp hơi để giữ nguyên vị ngọt. Rau đều thuộc loại thông dụng, rất dễ tìm nhưng phải đảm bảo tươi xanh, không héo úa gồm xà lách, húng quế, diếp cá, hành lá, rau thơm, rau đắng, giá, búp chuối trắng, dưa leo, chuối chát…

Món bánh tráng thịt heo đơn giản và rất dễ ăn (Ảnh: Internet)

Tuyệt chiêu của món này phải kể đến mắm nêm, loại nước chấm không thể thay thế. Đây là điều làm ai ai cũng phải nhớ mãi khi thưởng thức món bánh tráng cuốn thịt heo. Qủa vậy, khó thể nào từ chối cái dai dai của bánh tráng kết hợp với vị mềm mại của mì ướt, thêm chút ngọt sắc của thịt, vị tươi mát của rau và cay nồng nàn của mắm nêm.

Để tròn vị, bạn nên chọn quán trên đường Châu Thị Vĩnh Tế hoặc Hải Phòng, Duy Tân, Lê Duẩn, Đỗ Thúc Thịnh… tùy nhà hàng sang trọng hay bình dân với giá khoảng từ 30.000 – 80.000 đồng.

5. Bánh xèo

Bánh xèo Đà Nẵng không nhỏ quá và cũng không lớn quá, chỉ riêng một kích cỡ vừa ăn. Bánh xèo ở Đà Nẵng được làm tự bột gạo xay có thêm lòng đỏ trứng và bột nghệ, đúc trên chảo nóng. Nhân bánh cũng được lựa kỹ, chỉ làm từ tôm còn sống, thịt ba chỉ nửa nạc nửa mỡ và giá đỗ tươi. Rau sống sạch sẽ,  gồm xà lách, húng quế, chuối chát, rau cải con… Nước tương pha chế từ gan heo và đậu phụng xay tạo thành một loại nước chấm có hương vị bùi bùi, béo béo, bên cạnh một chén nước mắm ớt tỏi pha theo kiểu truyền thống.

Chỉ nhỏ bằng bàn tay nhưng thơm ngon và hấp dẫn với nhân thịt, tôm và giá đỗ (Ảnh: Internet)

Bánh xèo ăn nóng, quấn trong bánh tráng mỏng hoặc lá cải to. Từng miếng bánh khi vào trong miệng còn thấy được độ giòn vừa, thêm mùi béo ngậy, vị ngọt của tôm và thịt với man mát các loại rau hòa chút chát chát của chuối xanh. Ăn một lần rồi nhớ mãi. Giá bành xèo cũng “mềm”, chỉ từ 5.000 đồng/cái trên đường Hoàng Diệu, Hải Phòng…

6. Bánh bèo

Thứ bánh dân dã, mộc mạc từ nguyên liệu đến hương vị lại có sức quyến rũ lớn đối với cả dân bản địa và du khách tới Đà Nẵng. Chỉ một tên nhưng bánh bèo có rất nhiều loại, được phân biệt bởi hình dáng và cách ăn. Bánh bèo tai được sắp sẵn lên đĩa, bánh bèo chén được đúc sẵn trong chén tròn nhỏ. Và tất cả đều có nhân bánh hấp dẫn bên trên.

Nhân bánh  làm từ tôm, cá bào ướp gia vị và sấy khô trên than hồng để loại mùi tanh. Hoặc cũng có nhân làm từ thịt nạc, nấm mèo…tạo nên một loại hỗn hợp đặc quánh có màu cam tươi rất đẹp mắt. Bánh bèo còn được ăn kèm với nem chua, chả bò cây. Tuy nhiên, món bánh bèo ngon hay không được quyết định bởi nước mắm ăn kèm. Chỉ là mắm ớt tỏi bằm nhuyễn được pha loãng với nước sôi nguội thêm ít chanh và đường nhưng lại khéo hợp với thứ bánh trắng mềm ấy.

Bánh bèo thanh đạm, dân dã ngon lạ kỳ (Ảnh: Internet)

Đến Đà Nẵng, ngồi quanh gánh bánh, vừa ăn vừa húp thứ nước mắm có vị ngọt thanh và thơm hương chanh mới thật thú! Bạn có thể tìm thấy các quán bánh bèo, bánh ướt bánh lọc ở bất kỳ con phố, ngõ hẻm nào trong thành phố và nhà hàng, khách sạn. Không kể đến những gành hàng rong thì khu bánh bèo ở chợ Cồn (cổng đường Hùng Vương), Hoàng Diệu, Hải Phòng, Ông Ích Khiêm (bán từ trưa, chỉ từ tháng 9 – tháng 2 hàng năm)… là chỗ nên thử. Mỗi chén bánh bèo chỉ khoảng 1.500 đồng.

7. Bê thui Cầu Mống

“Bê thui Cầu Mống” còn được người dân Đà Nẵng gọi với cái tên quen thuộc “bò tái Cầu Mống”. Món này nổi danh ngang hàng với mì Quảng.

Nghệ thuật thui bê gần như là một bí truyền và hiện không còn nhiều người làm được, vì yêu cầu đặc biệt của nó. Miếng thịt bê khi đưa ra khỏi lò phải đạt đủ hai tầng thịt tái, chín rõ rệt, còn bì (da) thì phải chín đến độ trong suốt, đồng thời lại giòn mềm vừa phải. Khi dọn ra, được pha thái khéo léo, từng miếng thái có cả phần thịt lẫn da.

Món bê thui không đâu đặc biệt như ở Cầu Mống (Ảnh: Internet)

Mắm phải là loại mắm cá cơm nguyên con, đem về được gạn lấy nước, thêm đường, ớt tỏi giã nhuyễn, cùng ít gừng và mè rang thơm vàng rất hấp dẫn. Rau ăn kèm với bê thui rất phong phú, bao gồm loại rau Trà Quế, tía tô, xà lách, cải non, khế chua, chuối chát xắt lát mỏng, ngò thơm , húng, quế và giá đỗ…

Trải miếng bánh tráng, đặt lên vài lát thịt bê thui, cuốn chung với rau sống, chấm nước mắm, nhai thật kĩ mới cảm nhận hết vị ngon ngọt của thịt bê cộng với vị mặn đậm đà thơm ngon của mắm quả khiến người ta dễ “quên sầu”. Bê thui Cầu Mống ngon nhất là ở Cầu Mống, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, cách Đà Nẵng 15km.

8. Chè xoa xoa hạt lựu

Xoa xoa nấu từ rau câu, hạt lựu làm từ bột lọc loại ngon, thạch đen được chế từ một loại lá cây mát trên rừng, đặc biệt nước cốt dừa được ép từ dừa nguyên chất…tất cả hợp lại làm nên thức uống ngon, mát lành.

Khi ăn, độ giòn giòn của thạch, nước dừa và đậu xanh đánh béo ngậy cộng thêm cái dai dai của hạt lựu làm cho người ăn quên hết mệt mỏi. Trong những ngày nắng, xoa xoa hat lựu thật là thứ giải khát tuyệt vời.

Ngày nắng mà có ly chè xoa xoa hạt lựu thì còn gì bằng (Ảnh: Internet)

Có nhiều quán xoa xoa hạt lựu nhưng ngon nhất vẫn là ở chợ Cồn, hay một số quán trên đường Trần Bình Trọng (ngay ngã ba Trần Bình Trọng và Ngô Gia Tự), Phan Thanh… với giá chỉ từ 5.000 đồng/ly.

9. Ốc hút

Đến Đà Nẵng bất cứ mùa nào trong năm, bạn đều có cơ hội được thưởng thức món ăn đặc biệt này.

Ốc hút, là tên gọi dân dã người dân Đà Nẵng gọi riêng món ốc xào sả ớt. Ốc gạo, ốc bươu, ốc đắng… đem về ngâm, rửa sạch rồi đợi ráo nước, đem xào với sả ớt, gia vị, công thức không có gì đặc biệt mà vị thì đậm đà. Đến Đà Thành, chiều chiều lê la bên quán vỉa hè cùng người thân, bạn bè, hút ốc bằng tay, vừa ăn vừa hít hà vì cay, gọi thêm bánh tráng rồi chấm chấm nước ốc mặn mặn cay cay thì thật thích.

Đi cùng bạn bè, tắm biển xong, khi lên xuýt xoa, hít hà ốc hút cay xè là trải vị khó quên khi tới Đà Nẵng (Ảnh: Internet)

10. Mít trộn

Mít trộn, chỉ đơn giản là mít non luộc chín vừa tới, xé tơi để trộn gỏi thịt ba rọi hoặc tôm thẻ hay da heo xắt sợi, thêm đậu phộng giã dập, hành phi, nước mắm chua ngọt với ít rau răm và húng lủi. Nhưng lại khiến người ta ngây ngất trong mùi thơm quyến rũ và màu sắc bắt mắt.

Bánh tráng xúc mít non trộn – không thử thì phí ½ chuyến đi (Ảnh: Internet)

Ăn mít trộn cùng bánh tráng mè là “đúng sách”. Bẻ một miếng bánh tráng, xúc một miếng mít trộn, cái giòn rụm của bánh tráng, vị bùi và ngọt của mít non, chút giòn sựt sựt của da heo, thêm vị thơm của đậu phộng, hành phi và chút cay cay của ớt, rau thơm… tất cả tạo nên vị ngon khó cưỡng.

Các quán thường bán chung 2 loại đồ ăn này vào buổi chiều đến tối, ngon nhất là trên đường Ông Ích Đường (đối diện dệt may Hòa Thọ), Phạm Văn Nghị… Giá rất bình dân, chỉ khoảng 25.000 đồng/đĩa ốc, 10.000 đồng/ đĩa mít.

Đà Nẵng ngoài là chốn ẩm thực ngon – bổ – rẻ còn có nhiều chỗ chơi: sông Hàn thơ mộng, Bà Nà Hill, Bán Đảo Sơn Trà, ngũ hành sơn, đèo Hải Vân, bãi biển Mỹ Khê, Bải Bụt, Gềnh Bàng… Đà Thành vừa thích hợp cho du khách thích nghỉ biển, tắm nắng, lại vừa thỏa mãn những người đam mê núi cao. Đó là một điểm đến nhiều lợi ích và khá thú vị cho hè này

Theo Eva

10 MÓN KHÔNG THỂ BỎ QUA KHI ĐI DU LỊCH PHỐ CỔ HỘI AN

Đến Hội An, du khách không chỉ đắm chìm trong vẻ đẹp cổ kính và nếp sống giản dị của khu đô thị di sản thế giới. Bên cạnh đó, du khách còn cần phải khám phá nền ẩm thực đa dạng, độc đáo và rất nổi tiếng của Hội An. 

Cơm gà, cao lầu hay chè là những cái tên luôn biết cách làm thực khách mê mẩn.

Bên cạnh cảnh đẹp nơi phố cổ, Hội An còn thu hút du khách với những món ăn ngon mang hương vị độc đáo và đem lại nỗi nhớ da diết cho người trở về.

Cơm gà

Một trong những món ngon Hội An bạn không nên bỏ qua là cơm gà. Món ăn này được nhiều người yêu thích tới nỗi các tờ rơi du lịch đã dành hẳn một phần để giới thiệu.

Ngoài quán cơm gà bà Buội tại số 22 Phan Chu Trinh nổi tiếng, bạn còn có thể tới quán bà Nga cách đó một đoạn hay cô Hương ở đầu hẻm Sica. Ảnh: Diệu Huyền.

Cơm gà Hội An bắt mắt với màu vàng tươi của cơm, xanh của rau sống và trắng bóng từ thịt gà, người ăn cay thường thêm chút tương đỏ chót. Ban đầu, thực khách có thể thấy món ăn này lạ lẫm và không  mấy hào hứng, nhưng khi nếm thử bạn sẽ nhanh chóng nhận ra nó có một sức hấp dẫn không thể chối từ.

Mì Quảng

Một số địa chỉ có mì Quảng ngon là đường Trần Phú, khu Cẩm Hà, đường Thái Phiên. Ảnh: Trần Việt Anh.

Sau khi lang thang từng con phố, bạn hãy dừng chân ở một tiệm ăn nhỏ để thưởng thức món mì Quảng trứ danh và làm dịu đi cơn đói đã bắt đầu “biểu tình”.

Món này gồm mì gạo, tôm, thịt heo, gà, miếng bánh tráng nướng, rau sống và một chút nước dùng. Bạn nên trộn đều để tất cả các thành phần quyện đều với nhau. Khi ấy, sợi mì trở nên mềm ướt nhưng dai dai, ăn rất ngon.

Cao lầu

Cao lầu được bán nhiều trong chợ Hội An nhưng muốn thưởng thức đúng vị nhất, bạn nên tới số 26 Thái Phiên và 87 Trần Phú. Ảnh: Diệu Huyền.

Đây là tên gọi khác của một loại mì đặc biệt có màu vàng nâu. Món này ít nước dùng giống mì Quảng nhưng lại được ăn cùng giá trần, thịt xá xíu, bì lợn chiên giòn, tóp mỡ. Ngoài các thành phần trên, chủ quán còn cho thêm chút nước tương đặc biệt, bột thơm, rau sống. Thực khách chỉ cần trộn đều để các nguyên liệu hòa quyện cùng nhau và bắt đầu ăn.

Hoành thánh

Địa chỉ có hoành thánh ngon là Bà Triệu và Trần Phú. Ảnh: Quế Lan.

Hoành thánh có ba dạng là súp, chiên và mì. Những loại này đều được ăn nhiều vào tầm giờ chiều để lót dạ trước khi thưởng thức các món chính.

Nguyên liệu chính gồm bột mì, trứng gà và tôm. Bột sau khi đánh cùng trứng và ủ lên men được cán mỏng, cắt thành từng ô nhỏ làm vỏ bánh. Phần nhân gồm tôm ướp gia vị giã nhuyễn. Hoành thánh được chan một chút nước dùng thơm mùi dứa, cà chua và nấm rơm. Bạn sẽ được phục vụ kèm một đĩa rau cải xanh non. Đây chính là sự kết hợp đầy ăn ý của món ăn.

Bánh đập, hến xào

Bánh đập ăn cùng hến xào là sự kết hợp lạ lẫm nhưng vừa vặn về hương vị. Ảnh:Gà Con.

Bánh đập là sự kết hợp của bánh tráng nướng, bánh tráng ướt và một số nguyên liệu khác. Bánh ướt được quệt đậu xanh say nhuyễn rồi đặt vào giữa hai miếng bánh tráng nướng. Sau đó, người làm dùng tay đập nhẹ lên bánh để hai miếng dính lại với nhau. Việc này phải thật khéo léo để phần bánh ướt kết dính phần bánh tráng nướng, giúp hai lớp ngoài không bị vỡ vụn. Khi đã đạt độ mỏng hợp lý, bánh sẽ được gấp đôi lại sau đó dọn ra cùng một đĩa hến xào.

Cách ăn món này đúng điệu là chấm với nước mắm cái. Đây là loại nước chấm được pha từ đường, hành phi, dứa bằm nhỏ, tỏi và ớt sừng xanh. Bạn có thể tới quán Bà Già tại thôn 1, xã Cẩm Nang để thưởng thức.

Bánh bao, bánh vạc

Bạn có thể thưởng thức món này tại số 533 Hai Bà Trưng. Ảnh: Hà Minh.

Bánh bao, bánh vạc là tên hai món khác nhau nhưng thường được phục vụ chung trong một đĩa. Hai loại này có hình dáng nhỏ xinh giống hoa hồng. Do vậy nhiều nơi còn gọi bằng cái tên bánh hoa hồng.

Nguyên liệu làm bánh gồm gạo tẻ, tôm tươi xay nhuyễn trộn với muối, tiêu, hành và các loại gia vị khác. Trong khi đó, thành phần của bánh vạc còn có thêm nấm mèo, giá, hành lá, thịt heo…

Bánh mì

Đường Hoàng Diệu, Trần Cao Vân là hai nơi bạn có thể tìm mua được những ổ bánh mì ngon nhất. Ảnh: Trần Việt Anh.

Hội An là một trong số những địa chỉ của Việt Nam được báo chí quốc tế ngợi ca vì món bánh mì kẹp ngon lạ. Bánh mì ở đây vẫn có phần nhân cơ bản gồm pate, thịt nướng, chả lụa, rau thơm và nước sốt đặc biệt, điều làm nên sự hấp dẫn khác biệt của mỗi ổ bánh. Lớp vỏ giòn rụm, phần nhân béo bùi, không ngấy kết hợp với nhau khiến ai nấy đều thích thú.

Bánh bèo

Hoàng Văn Thụ, Đinh Tiên Hoàng là những con phố bạn có thể mua được chén bánh ngon. Ảnh: Trần Việt Anh.

Món ăn duy nhất không có mặt tại trung tâm phố cổ nhưng vẫn được nhiều người tìm thưởng thức là bánh bèo. Giống nhiều nơi, bánh bèo ở đây được đặt trong các chén nhỏ. Phần trên đặt nhân tôm thịt có màu hồng đỏ, lấm tấm tiêu đen và điểm xanh của hành lá. Tùy khẩu vị, bạn có thể cho thêm nước mắm hay ớt để tăng độ thơm ngon.

Cách ăn món này cũng khá đặc biệt khi không sử dụng đũa hay thìa mà dao tre, một dụng cụ làm từ tre và vót thành hình lưỡi dao. Nhờ vậy, thực khách khi thưởng thức, ai nấy đều thấy hiếu kỳ và lạ lẫm.

Bánh ướt cuốn thịt nướng

Một cuốn bánh ướt thịt nướng có giá 6.000 đồng Ảnh: Diệu Huyền.

Bánh ướt cuốn thịt nướng được bán nhiều nhất ở bờ sông Hoài. Đây là món vặt được cả người lớn và trẻ nhỏ yêu thích. Một phần ăn đầy đủ gồm thịt xiên nướng. bánh ướt, rau sống và không thể thiếu loại nước chấm pha chế cầu kỳ.

Thịt được nướng tại chỗ nên lúc nào cũng nóng và thơm. Khi đặt trong lớp bánh mỏng, thêm rau xanh mát, ăn cùng nước chấm sền sệt tạo ra vị ngon lạ miệng. Do vậy, nhiều người không chỉ dừng lại ở một, hai mà thường gọi thêm vài xiên để ăn cho no mới thôi.

Các loại chè

Không phải món lạ nhưng chè Hội An vẫn rất hấp dẫn. Ảnh: Diệu Huyền.

Chén chè nhỏ trong lòng bàn tay, thơm mùi nước cốt dừa và ánh lên những màu sắc hấp dẫn là điều níu chân du khách. Với người hảo ngọt, chè là món ăn hợp gu nhờ vị ngọt của đường, béo ngậy của nước cốt dừa và thơm ngát của dầu chuối. Bạn có thể chọn nhiều loại khác nhau như bắp, đậu ván, đậu đỏ…

Diệu Huyền (VNexpress.net)

Cách nấu Mì Quảng Gà

Mì Quảng là món ăn nổi tiếng của xứ Quảng miền trung nước Việt. Có nhiều loại mì Quảng: Mì gà, mì cá, mì tôm, mì sườn… trong đó, mì gà có lẽ là được ưa chuộng nhiều vì hương vị mộc mạc đồng quê của nó.

Nấu mì Quảng không cần phải quá rập khuôn thận trọng, bạn có thể tùy biến công đoạn hoặc nguyên liệu, nhưng làm cách nào đi nữa, thì luôn luôn phải có một vài thứ gia vị đặc trưng cho hương vị mì Quảng mà quan trọng nhất là dầu phộng, sau đó là nén. Tại Sài Gòn, hai gia vị này, cùng với sợi mì Quảng, đều có bán ở chợ Bà Hoa (F11, Tân Bình).

Nguyên liệu: (Cho 6 người ăn)

  • Gà ta: 1/2 con hoặc hơn
  • Dầu phộng
  • 1 nắm nén đập dập
  • 1 mẩu nghệ tươi, giã nát
  • 1/2 trái cà chua, trụng nước sôi rồi bóc vỏ, đâmnát.
  • Đậu phộng rang
  • Ớt xanh (loại to càng ngon)
  • Bánh tráng nướng
  • Các gia vị: mắm muối thông thường, tương ớt hột.
  • Rau sống ăn kèm: Hành, ngò (thái nhỏ), bắp chuối sứ (xắt sợi nhỏ), rau xà lách (miền Bắc gọi là rau diếp), rau húng, cải cây, cải con, rau thơm…

Cách làm:

– Gà chia phần cánh, cổ, chân ra riêng, phần còn lại ra riêng. Cả 2 phần đem chặt miếng nhỏ vừa ăn. Ướp cả hai với chút nước mắm, bột nêm, muối, đường, nghệ, ớt trong vòng 30 phút.
– Bắc một cái nồi (đủ nấu nước dùng) lên bếp. Cho dầu phộng vào phi thơm nén, sau đó cho cà chua vào xào cho ra màu. Cho tiếp đầu cổ cánh chân vào xào sơ qua.
– Tiếp theo đổ nước vào nồi một lượng vừa đủ ăn, rồi đậy lại, nấu lửa vừa trong 30 phút. Đây là nước nhưn (nước dùng / nước lèo) để chan vào mì quảng.
– Bắc một cái nồi khác, khử dầu phụng rồi cho phần gà còn lại vào, nêm 1 chút muối, tương ớt để kho trong 10phút. Sau đó nêm nước mắm, đường, tiêu cho vừa đủ mặn, rồi kho tiếp trong khoảng 5 phút cho queo lại.
– Quay trở lại cái nồi bên kia, nêm mắm muối lại cho vừa ăn (hơi mặn), rồi tắt bếp.

Trình bày:

– Lót rau sống phía dưới cùng, rồi cho mì quảng phủ lên trên. Rắc nhúm hành ngò và một ít đậu phộng rang lên. Bẻ bánh tráng vào tô.
– Khi ăn chan nước nhưn ngập 2/5 tô rồi vắt miếng chanh, trộn đều cho nước nhưn thấm bám hết rau lẫn mì, bánh tráng rồi ăn. Mì Quảng phải ăn cay mới đúng vị, nên ăn với ớt xanh hoặc tương ớt kiểu Quảng.

Lưu ý:

– Mì Quảng nên nêm nước nhưn hơi mặn, đó là vì ăn mì Quảng phải chan ít nước (chan nhiều sợi mì bở ra không ngon), mà phải ăn kèm nhiều rau nữa.

Bé Thúi / MAV

Cách nấu Bún bò Đà Nẵng – Quảng Nam

Bên cạnh Bún bò Huế nổi tiếng thì miền Trung còn có bún bò Quảng Nam Đà Nẵng cũng là một món ăn rất đặc sắc. Bún bò Quảng Nam- Đà Nẵng thường ăn bún sợi nhỏ, với thịt tái hoặc bắp bò, thoảng mùi sả và điểm chút hương mắm ruốc, nhưng không dậy mùi như bún bò Huế. Khi ăn cho thêm hành chua, ớt ngâm vào để kích thích khẩu vị.

Cách làm Bún bò giò heo:

Nguyên liệu:

Cho 5 tô:

  • 1 kg xương ống
  • Nửa ký bắp (nếu ăn tái thì mua thịt thăn hoặc mông, thái mỏng, trụng cho tái trước khi ăn)
  • Giò heo, huyết heo đủ ăn.
  • Có thể thêm ít bò gân (loại nấu ragu, bò kho)
  • 5 cây sả
  • Một củ gừng nướng
  • Hành củ, hành lá, tỏi, ớt, tiêu, hạt điều.
  • Mắm ruốc
  • 1/2 trái dứa
  • Bún sợi nhỏ, chanh…

Người Quảng Nam- Đà Nẵng thường ăn món này với Hành chua, xem: CÁCH LÀM HÀNH NGÂM KIỂU QUẢNG NAM – ĐÀ NẴNG.

Thực hiện:

  • Các bước ban đầu:

– Chuẩn bị 1 tô nước, pha 2 muỗng mắm ruốc vào rồi quậy lên cho tan, sau đó để yên cho mắm lắng xuống (khoảng vài giờ).
– Bắc một nồi nước nhỏ nấu sôi, sau đó bỏ giò và xương vào nấu 5-10 phút cho ra chất bẩn. Sau đó đổ nước đi, rửa giò và xương lại bằng nước sạch.
– Chặt giò heo thành khoanh vừa ăn.
– Nồi nhỏ sau khi đổ nước thì cho huyết vào luộc với tí muối, đường. Sau đó đổ nước, vớt cục huyết ra để riêng.
– Tiếp tục cho giò heo đã chặt khúc vào nồi nhỏ, nấu với tí muối cho tới khi nào da heo trong là ok, vớt ra ngoài. (Trong lúc nấu giò heo thì nấu nước bún & bắp bò).

  • Nấu nước bún & bắp bò:

– Bắc một nồi to đủ nấu nước dùng, cho xương ống vào rồi bật lửa nấu sôi.
– Nước sôi, cho tiếp bắp bò vào, kèm theo cục gừng nướng chín (cho thịt đỡ nặng mùi) và nửa trái thơm (cho thịt mau mềm). Nấu cho sôi lại.
– Hầm khoảng 1 tiếng rưỡi đồng hồ trong lửa vừa, không đậy nắp, thỉnh thoảng vớt bọt cho nước trong.

Trong lúc hầm thịt thì làm nước màu.

Làm nước màu điều:
– Chuẩn bị cái chảo, cho ít dầu rồi cho hành, tỏi băm và hạt điều vào xào lên cho có lớp màn màu đỏ. Vớt hết xác hạt điều ra. Phần nước điều đã xào để ra riêng chút nữa dùng tới.

Quay về cái nồi hầm:

– Ta thử dùng cái đũa đâm vào cục bò bắp coi có đâm xuyên được không, xuyên được thì lấy ra cho vào cái thau chứa nước lạnh + vài viên đá lạnh. Chưa được thì hầm tiếp.
– Sau đó cột 5 cây sả đập dập cho vào nồi.
– Vặn nhỏ lửa, bắt đầu nêm:
+ Tô nước pha mắm ruốc hồi nãy chắc lấy phần nước trong, đổ vào nồi nước dùng. Còn phần cặn bỏ đi.
+ Nêm tiếp nước mắm, muối, tiêu cho hơi mặn (tới lúc ăn còn chan nước mắm nữa). Nếu muốn ngòn ngọt thì cho thêm mật ong, hoặc bột ngọt, không cho đường.
– Cắt huyết heo thành miếng vừa ăn cho vào nồi.
– Nấu tiếp 15 phút nữa. Cuối cùng đổ nước dầu điều đã làm lúc nãy vào nồi cho có màu.
– Vậy là xong nồi nước lèo.

  • Chuẩn bị ăn thôi:

– Xắt thịt bò bắp thành từng lát mỏng.
– Hành lá và ngó thái nhỏ.
– Sắp bún vào tô, trải thịt lên, thêm khoanh giò, miếng huyết, rắc hành ngò lên, rồi chan nước dùng vô, vắt miếng chanh cho thơm, là ăn được.

*** Khi ăn cho thêm mấy lát hành chua ngâm ăn cho ngon, nêm thêm tí nước mắm cho dậy mùi.
*** Người Quảng – Đà ăn bún bò không thường bỏ rau sống, tuy nhiên nếu muốn ăn có rau sống thì bỏ thêm rau chuối, xà lách, húng quế, bạc hà… cho ra kiểu miền Trung.
*** Có thể ăn tô nhỏ chấm kèm ổ bánh mì rất ngon. Đây là kiểu ăn bún chỉ có ở miền trung.

Bé Thúi.

Cách làm Hành chua ngọt xứ Quảng

Hành chua là một nguyên liệu không thể thiếu trong các quán ăn của người Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi. Thứ này cho vào bún bò, mì Quảng ăn rất ngon, cắn miếng hành ớt giòn giòn, chua chua, cay cay đã miệng mà hương vị của chúng lại còn bổ trợ cho hương vị món ăn nhiều.

Sau đây là Cách làm hành chua kiểu Quảng Đà:

Chuẩn bị:

  • Hành tím (hành củ nhỏ)
  • Cà rốt (tùy thích)
  • Ớt xanh, ớt đỏ loại to (hai màu cho đẹp, nên cho nhiều ớt xanh hơn vì ớt xanh mới thơm)
  • Dấm (nếu muốn làm xổi ăn ngay)
  • Một hũ đựng, tráng qua nước sôi cho sạch.

Phân lượng là tùy các bạn, tuy nhiên hành nên nhiều hơn mấy cái kia vì chủ yếu là ăn hành.

Thực hiện:

– Hành lột vỏ chẻ làm đôi, làm ba
– Cà rốt xắt hột lựu.
– Ớt cắt miếng nhỏ.
– Cho tất cả vào hũ.

Làm ăn xổi:

Pha một tô nước dấm đường theo tỷ lệ: 2 phần nước, 2 phần giấm, 1 phần đường. Rồi đổ vào hũ cho ngập hành ớt…
Có thể ăn sau 3 tiếng.

Làm để lâu:

Nếu không có gì phải vội thì ta muối theo kiểu lên men tự nhiên,  pha nước theo tỷ lệ: 1 chén nước ấm + 1 muỗng cafe muối + 1 muỗng cafe đường rồi đổ vào ngâm hành. Để chỗ thoán mát. 2 ngày sau là ăn được.

Món này trữ trong tủ lạnh được nhiều tuần.

Bé Thúi.

NHỮNG MÓN BÁNH ĐẶC SẢN NGON NHƯNG ÍT AI BIẾT

Nền ẩm thực của Việt Nam rất phong phú, do đó, bên cạnh những món ăn nổi tiếng, phổ biến, thì còn có những món ăn vì nhiều lý do như: địa lý, hoàn cảnh sống, cách làm cầu kỳ, nguyên liệu khó tìm… mà đã trở nên rất ít phổ biến, rồi dần dần bị thất truyền. 

Sau đây là những món bánh mà khi nhắc đến tên, hiếm ai biết được nó là gì, có hương vị ra sao.

Bánh ngải​ nhân vừng

Bánh ngải là món ăn truyền thống của người Tày, Nùng, nhưng ngày nay ít có ai biết. Đây là loại bánh rất đẹp, khuôn dạng như bánh dày nhưng có màu xanh ngọc. Bánh làm từ lá ngải cứu nấu với nước tro, rồi trộn chung với cơm nếp sau đó giã nhuyễn. Bánh được gói bằng lá “mác rạng” để không bị khô. Bánh có nhân từ đường phên và vừng.

Bánh bảy lửa

Bánh Bảy lửa, ảnh Vũ Phương Thảo.

Tương truyền bánh do 1 người vợ ở Quảng Nam sáng tạo ra như một loại lương khô để chồng đem theo trên đường ra Huế ứng thí.  Nghe tên bảy lửa đủ biết mức độ công phu của món bánh này. Bánh được làm từ bột gạo, đường, gừng, trải qua bảy lần lửa, nhiều công đoạn rang, giã, sấy kĩ… Thành phẩm là món bánh có thể trữ hàng nhiều tháng. Bánh giòn tan và ngon miệng, từng là món ăn tết phổ biến ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Tuy vậy ngày nay còn ít nhà làm bánh này, một phần vì công phu, tốn sức.

Bánh chông Giao Tiến

Bánh chông là một món ăn ngày tết của cư dân ở xã Giao Tiến, huyện Xuân Thủy, Nam Định. Cách nấu bánh có một công đoạn tương tự như xôi gấc, nhưng sau khi chín xôi thì tộn đường vào rồi giã cho nhuyễn. Sau đó ép lại, cắt thành miếng hình thoi cỡ ngón tay, phơi khô, rang giòn lên rồi mới ăn. Do miếng bánh hình thoi nhọn hai đầu giống cây chông nên gọi là bánh chông.

Bánh nghệ

Từ “Nghệ” ở trong món bánh Nghệ là tỉnh Nghệ An, tuy vậy bánh đã thất truyền ở quê hương của nó. Đã có một thời, bánh nghệ phổ biến ở Sài Gòn- Chợ Lớn như một món ăn chơi, nhưng đến nay thì chắc ít dân Sài Gòn nào biết món bánh này. Bánh làm từ bột gạo nguyên chất, quấy lên rồi nén thành sợi như bánh canh, công đoạn này rất cực vì phải dùng cái nia hứng hàng chục cái bánh một đợt. Bánh ăn nguội với mắm pha, tép mỡ, xoài xanh, chả lụa, chả cá… Ngày nay, may mắn là tại đường Trương Gia Mô, thành phố Phan Thiết vẫn có một nhà biết làm món bánh này, đó là gia đình chị Ngọc Minh, với nghề làm bánh nghệ gia truyền đã được 60 năm.

Bánh cơm nếp mật

Một món ăn ngon của người dân quê Nam Định, làm từ gạo nếp nấu chín trộn với mật mía và gừng. Cơm này có thể để nguội rồi cán thành miếng ăn như ăn bánh.

Bánh khổ

Bánh khổ của người Mường rất dễ ăn và có cách làm khá đơn giản. Bánh làm từ xôi nếp giã nhuyễn, vắt ra từng miếng rồi đặt lên lá chuối, hong gió cho khô. Khi ăn, người ta phải chế biến lần nữa: nướng hoặc rán bánh lên cho thơm, dẻo. Bánh rán xong sẽ phồng lên rất ngon mắt. Bánh từng là món lễ vật thông dụng cho ngày cưới hỏi.

Bạnh Bư tổng hợp.

Tiếng đồn MÌ QUẢNG PHÚ CHIÊM…

Ít ai biết rằng “cái nôi” của mì Quảng là ở làng Phú Chiêm, xã Điện Phương (Điện Bàn – Quảng Nam), nơi mà tô mì vẫn giữ nguyên truyền thống, hương sắc dân dã, không lẫn vào đâu được.

Ngày nay, món mì Quảng theo chân các cư dân Quảng Nam – Đà Nẵng lan toả khắp vùng miền đất nước từ Nam chí Bắc. Nhưng ít ai biết rằng “cái nôi” của mì Quảng là ở làng Phú Chiêm, xã Điện Phương (Điện Bàn – Quảng Nam), nơi mà tô mì vẫn giữ nguyên truyền thống, “hương sắc” dân dã, không lẫn vào đâu được. Ai đã một lần ăn thì không thể nào quên.

Chúng tôi đến làng Phú Chiêm vào một ngày cuối tuần, khi nắng vàng trải dài trên ruộng đồng, nơi làng mạc của một miền quê nghèo miền Trung đầy nắng gió. Làng Phú Chiêm nép mình bên con đường nhựa nhỏ, vẫn những hàng cau, khóm chuối, bụi bờ.

Nồi nước nhưn hấp dẫn

Nơi đây, bạn có thể thấy được các bà, các chị với quang gánh quảy đi bán dạo món mì Quảng hoặc ngồi bán ở dưới gốc cây đa hay một quán cóc bên đường. Sau khi dạo một vòng quanh làng, chúng tôi vào “gánh mì” của bà Bà Ngô Thị Tài (78 tuổi) ở bên đường. Miệng đang ăn trầu, bà Tài vui vẻ đọc thơ: “Thương nhau múc chén chè xanh, làm tô mì Quảng để anh ăn cùng”.

Đọc xong, bà cho biết chỉ còn lại 3 tô mì cuối cùng thôi. Trong lúc dọn mì phục vụ, bà Tài tâm sự:

“Tôi theo nghề bán mì từ thời còn con gái, khoảng 60 năm rồi. Lúc bấy giờ, đôi chân còn mạnh khoẻ, tôi gánh mì đi bán tứ xứ: gần thì Điện Thắng, Điện Bàn, Vĩnh Điện xa thì đi ô tô đến Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ để bán.

Nhờ mì Quảng Phú Chiêm có sẵn thương hiệu, giá cả lại bình dân nên được khách hàng ưa chuộng. Hằng ngày, tôi thức dậy lúc 3 giờ sáng, chế biến đến 6 giờ là gánh đi bán, bán đến 10 giờ thì hết mì. Mỗi ngày bán khoảng 8 kg mì, lãi khoảng 70.000 đồng.

Ngày trước, chế biến món mì Quảng khá lâu, bây giờ máy móc, dịch vụ về tới nông thôn, nên mỗi làng có vài nhà chuyên tráng mì để cung ứng cho cả trăm gánh mì trong thôn. Đến rau sống, đậu phụng rang cũng do một người chuyên cung cấp. Chúng tôi chỉ lo nấu nồi nước nhưn cho đậm đà, thi vị mà thôi”.

Nhìn tô mì Phú Chiêm của bà khá đẹp mắt với màu đỏ của nhưn tôm, màu vàng của đậu phụng giã dập, màu nâu của bánh tráng nướng vàng, màu xanh non rau sống và ớt trái… Chúng tôi ăn hết 3 tô mì của bà, mà vẫn còn thòm thèm giữa khung cảnh làng quê. Giá rất đỗi bình dân: 12.000 đồng/tô.

Bà Tài cho biết bí quyết để có tô mì ngon thì khâu đầu tiên là sợi mì được làm từ gạo xay thật mịn và phải là gạo xiệc ngon từ những cánh đồng phù sa ven sông Thu Bồn, khi đúc mì mới có những lá mì mềm mướt, trắng nõn, dai dẻo.


Bà Tài đang giới thiệu mì Quảng Phú Chiêm truyền thống do bà chế biến.

Sau khi tráng một lớp dầu phộng đã khử củ nén cho thơm lên lá mì, gấp lại rồi xắt thành từng cọng như cọng phở; Nồi nước nhưn có thể được nấu bằng nhiều loại nguyên liệu khác nhau như thịt heo, bò, gà vịt, tôm, cá lóc, ếch, mỗi thứ nguyên liệu lại mang đến một hương vị riêng.

Nhưng theo những bậc sành ăn ở xứ Quảng thì nước nhưn mì Quảng truyền thống chỉ nấu với thịt heo (ba chỉ) và tôm. Đó là nét đặc trưng chỉ có làng Phú Chiêm vẫn trung thành với nồi nước nhưng đó; Rau sống ăn kèm với mì khá phong phú, thường là rau muống chẻ mỏng, búp chuối, thân cây chuối non xắt mỏng, các loại rau thơm.

Ăn mì Quảng không thể thiếu ớt xanh, loại ớt sừng trâu phải cắn từng miếng ớt giòn tan, thơm nồng cay đáo để, còn nếu muốn ngon hơn thì phải kèm theo bánh tráng nướng vàng ươm. Bánh tráng được tráng từ bột gạo xay mịn. trộn thêm mè, tỏi, nước mắm, bột ngọt, khi nướng lên thơm lừng hương đồng cỏ nội.

Mì quảng là món có thể ăn bất cứ chỗ nào, lúc nào. Đất Quảng Nam, trong những dịp lễ lạt, cưới hỏi, tang tế, việc làng, tộc họ, đãi thợ thầy, ăn nửa buổi ngoài đồng bao giờ cũng có mì Quảng. Khách đến lúc nào dọn ăn cũng được, không đòi hỏi phải nóng sốt như phở, bún bò.

mi-quang-phu-chiem2Mì Quảng “chính gốc” đã sẵn sàng cho thực khách thưởng thức.

Ăn mì Quảng phải ăn nhanh và càng đông người ăn càng ngon miệng, cách ăn ấy bộc lộ một phần cá tính của người Quảng Nam là bình dị, dân dã và có tính cộng đồng làng, xã rất cao.

Ngày nay, quanh khu vực làng Phú Chiêm như Thanh Chiêm, Triêm Nam, Đông Khương (xã Điện Phương) có gần 200 phụ nữ hằng ngày thức dậy từ 1 giờ khuya để chế biến mì Quảng đến 3giờ sáng, sau đó lên Quốc lộ 1A đón xe ra Đà Nẵng, xuống Hội An, vào Tam Kỳ để bán.

Khoảng 5g sáng là xe ra tới Đà Nẵng. Các bà, các chị lại tỏa xuống chuẩn bị thúng mủng, gióng mây. Họ quảy gánh trên vai, một đầu là thúng đựng sợi mì xắt sẵn, đầu kia là nồi nước nhưn đỏ lửa, tỏa khói và thơm nức, miệng cất tiếng rao lanh lảnh: “Ai “en” mì Quảng Phú Chiêm đây”. Tiếng rao trên đường phố nghe sao mà dân dã, thấm đậm tình quê, khiến những kẻ xa quê thấy cồn cào, nôn nao tất dạ.

Các bà, các chị cho biết: Những gánh mì Phú Chiêm thường chỉ bán mỗi buổi sáng. Hôm nào lời nhiều khoảng 70.000 đồng. Buổi sáng rong ruổi với gánh mì, buổi chiều những người phụ nữ lại trở về tảo tần với bao nhiêu công việc nhà cửa, ruộng đồng, heo quéo. Khuya đến các bà, các chị lại tất bật lo chuẩn bị gánh mì Quảng để ngày mai dậy sớm ra Đà Nẵng rong ruổi gánh đi bán.

Mì Quảng Phú Chiêm bây giờ đã theo chân những người con tha hương của huyện Điện Bàn (Quảng Nam) đến khắp các vùng miền của cả nước, nhiều nhất ở khu vực ngã tư Bảy Hiền (TP.HCM).

Theo Hòa Vang (Dân Việt)