Cách làm MÌ TRỨNG XÀO GIÒN

Thỉnh thoảng đổi các món cơm rau thông thường bằng món xào sẽ làm cho bữa cơm gia đình của bạn trở nên mới mẻ hơn. Mì xào dòn là món ngon, dễ làm mà vẫn cung cấp đầy đủ năng lượng và dưỡng chất cho gia đình.

Chuẩn bị:

  • – Mì trứng: 2 lạng
  • – Mực ống tươi: 2 lạng, làm sạch sau đó xắt khoanh dày 1cm.
  • – Tôm: 3 lạng, lột vỏ, bỏ chỉ đen
  • – Cải bó xôi & cải thảo: nửa kí
  • – Nấm hương: 5-6 cục. Ngâm nước ấm rửa sạch, bỏ cuống. Xắt làm đôi.
  • – Cà rốt: một củ, gọt vỏ, xắt lát dày tầm 5mm
  • – Một mẩu gừng
  • – Dầu hào, tiêu, hột nêm.
  • – Có thể thêm thịt bò nếu thích.

Thực hiện: 

mav188

– Cho tôm và mực đã sơ chế vào ướp với chút hột nêm, tươi và 1 muỗng cafe gừng băm nhuyễn.

– Cải thảo & cải bó xôi rửa sạch, cắt khúc dài tầm 5cm. Cà rốt đem trụng nước sôi 2 phút cho đỡ cứng.

– Mì trụng nước sôi tầm 3 phút cho chín mềm.

– Bắc chảo lên bếp, cho dầu ăn vào làm nóng rồi trút mì đã trụng sôi vào chiên giòn đều 2 mặt, vớt ra để cho ráo dầu.

– Cho nấm, tôm và mực vào chảo xào chín. Sau đó trút cà rốt vào xào cùng (chừng 1 phút). Cuối cùng cho rau vào xào. Nêm 1 thìa súp dầu hào, chút hạt nêm, nếm lại coi vừa miệng chưa. Rau chín thì tắt bếp.

– Xếp rau đã xào lên dĩa, sau đó cho mì xào giòn lên, rồi tới cà rốt, nấm, hải sản lên trên. Ăn nóng.

Bảo Tố

Cách làm MÌ TRỘN KEM

Bạn là tín đồ của mì gói? Bạn là con nghiện kem? Vậy có khi nào bạn muốn thỏa mãn cùng một lúc 2 niềm đam mê đó chưa?

Hãy thử món mì trộn kem kiểu Hàn Quốc sau đây nhé!

 

Nguyên liệu:

  • 1 gói mì ăn liền Hàn Quốc
  • 2 cây kem ốc quế hương vani

 

 

Thực hiện:

– Nấu mì ăn liền với gói gia vị như bình thường (với mì Hàn Quốc loại dai có thể bạn phải cho mì vào nồi nấu nó mới chịu mềm).

– Khi mì chín mềm, bạn nhẹ tay thả hai cây kem vào. Hơi nóng của mì sẽ làm kem tan chảy.

– Chờ cho tới khi kem và ốc quế chảy ra hoàn toàn.

– Lúc này bạn chỉ cần trộn lên và ăn thôi!

*** Nếu muốn bữa ăn thêm giàu dinh dưỡng, bạn có thể cho thêm vào tô mì một ít cơm hoặc pho mát, thịt nguội…

*** Món mì trộn kem có vị ngọt hòa quyện với vị mặn, chút chua cay của gói gia vị sẽ mang đến cho bạn một hương vị rất khác biệt so với ngày thường.

 

Bảo Tố

 

Cách nấu Mì Quảng Gà

Mì Quảng là món ăn nổi tiếng của xứ Quảng miền trung nước Việt. Có nhiều loại mì Quảng: Mì gà, mì cá, mì tôm, mì sườn… trong đó, mì gà có lẽ là được ưa chuộng nhiều vì hương vị mộc mạc đồng quê của nó.

Nấu mì Quảng không cần phải quá rập khuôn thận trọng, bạn có thể tùy biến công đoạn hoặc nguyên liệu, nhưng làm cách nào đi nữa, thì luôn luôn phải có một vài thứ gia vị đặc trưng cho hương vị mì Quảng mà quan trọng nhất là dầu phộng, sau đó là nén. Tại Sài Gòn, hai gia vị này, cùng với sợi mì Quảng, đều có bán ở chợ Bà Hoa (F11, Tân Bình).

Nguyên liệu: (Cho 6 người ăn)

  • Gà ta: 1/2 con hoặc hơn
  • Dầu phộng
  • 1 nắm nén đập dập
  • 1 mẩu nghệ tươi, giã nát
  • 1/2 trái cà chua, trụng nước sôi rồi bóc vỏ, đâmnát.
  • Đậu phộng rang
  • Ớt xanh (loại to càng ngon)
  • Bánh tráng nướng
  • Các gia vị: mắm muối thông thường, tương ớt hột.
  • Rau sống ăn kèm: Hành, ngò (thái nhỏ), bắp chuối sứ (xắt sợi nhỏ), rau xà lách (miền Bắc gọi là rau diếp), rau húng, cải cây, cải con, rau thơm…

Cách làm:

– Gà chia phần cánh, cổ, chân ra riêng, phần còn lại ra riêng. Cả 2 phần đem chặt miếng nhỏ vừa ăn. Ướp cả hai với chút nước mắm, bột nêm, muối, đường, nghệ, ớt trong vòng 30 phút.
– Bắc một cái nồi (đủ nấu nước dùng) lên bếp. Cho dầu phộng vào phi thơm nén, sau đó cho cà chua vào xào cho ra màu. Cho tiếp đầu cổ cánh chân vào xào sơ qua.
– Tiếp theo đổ nước vào nồi một lượng vừa đủ ăn, rồi đậy lại, nấu lửa vừa trong 30 phút. Đây là nước nhưn (nước dùng / nước lèo) để chan vào mì quảng.
– Bắc một cái nồi khác, khử dầu phụng rồi cho phần gà còn lại vào, nêm 1 chút muối, tương ớt để kho trong 10phút. Sau đó nêm nước mắm, đường, tiêu cho vừa đủ mặn, rồi kho tiếp trong khoảng 5 phút cho queo lại.
– Quay trở lại cái nồi bên kia, nêm mắm muối lại cho vừa ăn (hơi mặn), rồi tắt bếp.

Trình bày:

– Lót rau sống phía dưới cùng, rồi cho mì quảng phủ lên trên. Rắc nhúm hành ngò và một ít đậu phộng rang lên. Bẻ bánh tráng vào tô.
– Khi ăn chan nước nhưn ngập 2/5 tô rồi vắt miếng chanh, trộn đều cho nước nhưn thấm bám hết rau lẫn mì, bánh tráng rồi ăn. Mì Quảng phải ăn cay mới đúng vị, nên ăn với ớt xanh hoặc tương ớt kiểu Quảng.

Lưu ý:

– Mì Quảng nên nêm nước nhưn hơi mặn, đó là vì ăn mì Quảng phải chan ít nước (chan nhiều sợi mì bở ra không ngon), mà phải ăn kèm nhiều rau nữa.

Bé Thúi / MAV

Bạn đã ăn Cao Lầu chưa?

Trong thời gian ở Hội An, mình đã gặp khá nhiều khách nước ngoài mê món đặc sản này. Trong khi ngay cả dân Hội An, cũng có người không ăn được.

Hội An bé nhỏ, mà chỉ cần ra khỏi Hội An vài bước thôi đã rất khó kiếm ra quán Cao Lầu. Tức là cả Việt Nam này Cao Lầu chỉ túm tụm ở cái khu phố cổ rêu xanh đèn đỏ tường vàng kia, chứ không thèm quảng cáo ở đâu hết, nhưng cũng rất nổi tiếng.

Muốn nổi tiếng như rứa ắt hẳn nó phải có cái gì đặc biệt.

Và theo mình thì đúng là Cao Lầu mang lại ấn tượng đặc biệt. Không na ná với bất kỳ 1 món ăn Việt Nam nào khác.

Mới ngó qua thì thấy cũng đơn giản: cũng sợi, cũng nước, cũng tương, cũng rau, cũng tô, cũng đũa… Nhưng phải hỏi mới biết thứ sợi gạo xỉn xỉn màu đó hiện nay ở Hội An chỉ có vài nhà làm, với nước ngâm gạo là nước tro; trong đó tro lấy từ củi ở Cù Lao Chàm, còn nước chỉ được lấy ở giếng Bá Lễ (Hội An).

Nghe Cù Lao Chàm, rồi giếng Bá Lễ, là bắt đầu thấy khó dễ rồi.

Nhưng phải đủ quy trình như vậy mới ra sợi Cao Lầu, mới được kêu là Cao Lầu.

Bạn không thể xếp Cao lầu vô thể loại bún, phở, có nước hay khô, trộn này nọ… Cao lầu vừa khô vừa ướt, vừa cứng vừa mềm, vừa mặn vừa lạt, vừa dai vừa giòn, vừa cay vừa ngọt, vừa giản dị vừa cầu kì, vừa rẻ vừa …sang. Bạn chưa ăn thì chưa tin. Ăn rồi, tin rồi, thì sẽ xảy ra 1 trong 2 trường hợp: hoặc là bạn thấy nó rất ngon, hoặc bạn chưa hiểu là mình vừa ăn “cái chi lạ rứa”.

Nhưng theo mình thì trường hợp thứ nhất dễ xảy ra hơn ^ ^

 Mỹ Mạnh (MAV.vn)

Cách làm Mì vịt tiềm

Món mì vịt tiềm vừa đậm đà vừa có vị ngọt dịu đặc trưng, là món ăn ngon miệng mà bạn có thể làm đổi món cho cả gia đình vào cuối tuần.

Nguyên liệu:

– 2 cái đùi vịt làm sạch, 500g xương heo ninh lấy nước dùng.

– 2 hoa hồi, 3 đinh hương, 1 nhánh quế, ít vỏ quýt khô, 10 tai nấm đông cô, nước tương, gừng, hạt nêm, muối, đường.

– 4 vắt mì trứng sợi nhỏ, 1 bó cải thìa hoặc cải ngọt tùy ý thích.

Mì vịt tiềm là món ăn của người Hoa, nó hấp dẫn người ăn bởi hương vị thơm ngon, dịu ngọt rất dễ chịu.

Cách nấu món mì vịt tiềm ngon:

Đùi vịt rửa sạch, chà xát lại với rượu trắng, dùng khăn sạch lau khô. Ướp với tỏi băm, hạt tiêu, nước tương, muối, hạt nêm trong khoảng 30 phút cho thấm. Sau đó chiên vàng.

Nấm đông cô ngâm với nước ấm cho mềm, cắt bỏ cuống. Các hương liệu cho vào chảo rang thơm.

Cải thìa, hành lá rửa sạch.

Xương heo rửa sạch, cho vào ninh lấy nước dùng. Vớt bỏ xương heo, gừng để vỏ, rửa sạch và nướng vàng cho vào nước dùng. Các loại hương liệu sau khi rang cho vào túi vải cột chặt rồi thả vào nước dùng. Sau đó cho đùi vịt đã chiên vàng vào nấu mềm, tiếp đến cho nấm đông cô vào. Nêm lại gia vị cho vừa ăn.

Mì trứng chần sơ qua nước sôi cho mềm rồi vớt ra rổ để ráo. Cải thìa cho vào nồi luộc chín với ít dầu ăn và ít muối để cải bóng. Cải chín vớt ra cho ngay vào nước lạnh để cải giữ được màu xanh đẹp mắt.

Cho mì vào bát, xếp đùi vịt lên trên, thêm cải thìa, tai nấm, hành lá thái nhỏ, chan nước dùng vào là bạn đã có bát mì vịt tiềm thơm ngon, nóng hổi cho cả nhà cùng thưởng thức.

Cuối tuần cả gia đình xum họp cùng ngồi bên nhau thưởng thức tô mì vịt tiềm thơm ngon, bổ dưỡng, cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho một tuần làm việc mệt mỏi. Hương vị đậm đà, mùi thơm của táo thấm vào từng miếng thịt mềm thật ngon không thể nào cưỡng lại được.