Cách làm MỰC XÀO DƯA CHUA

Hãy thay đổi hương vị cho món mực xào bằng cách xào cùng dưa chua, bạn sẽ mang lại một bữa ăn mới lạ, ngon lành cho gia đình.

Nguyên liệu:

– Mực ống: 300g

– Dưa chua: 150g xem CÁCH LÀM DƯA CẢI CHUA

– Cà rốt: 1 củ

– Hành củ, hành lá, tiêu, gia vị…

Cách làm:

Bước 1:

– Mực mua về bỏ túi, nội tạng rồi rửa sạch, cắt khoanh vừa ăn, để ráo. Ướp mực cùng 1/2 muỗng cafe hột nêm, 1/2 muỗng cà phê muối trong 15 phút.

Bước 2:

– Dưa chua rửa vài lần nước cho đỡ vị mặn chua, cắt khúc vừa ăn, bóp nhẹ cho ra nước. Để ráo.

– Cà rốt gọt vỏ, xắt khoanh vừa ăn.

Bước 3:

– Bắc chảo cho vào ít dầu ăn đun nóng rồi phi thơm hành củ băm, cho mực vào xào vừa chín tới thì trút mực và hành tây ra tô để riêng. Lưu ý không xào mực lâu kẻo bị nhũn ăn dở.

Bước 4:

– Cũng cái chảo đó ta cho cà rốt vào xào cùng chút nước mắm.

Bước 5:

– Cà rốt chín thì trút dưa vào xào chung khoảng 8-10 phút cho ngấm và chín đều thì lại trút mực vào, vặn lửa lớn, xào nhanh tay cho mực vừa đủ nóng thì nêm nếm lại cho vừa miệng. Tắt bếp. Rắc hành lá, tiêu vào.

– Ăn nóng với cơm.

theo Cún Khang

Cách làm CANH MỰC NẤU DƯA

 

Tô canh chua dịu hấp dẫn sẽ là món ăn ưa thích cho bữa cơm gia đình bạn.

Chuẩn bị:

– 200g mực
– Dưa chua: 1 chén
– Cà chua, ớt, tỏi, gừng, cần tây

Cách làm
Sơ chế
– Mực rửa sạch, bỏ mắt, yếm, để ráo nước.
– Dưa rửa qua vài lần với nước cho bớt chua. Vắt lấy nước.
– Tỏi gừng đập dập, cà chua bổ múi cau
Thực hiện
– Bắc nồi lên bếp cho vào ít dầu ăn rồi phi thơm tỏi, trút cà chua vào xào sơ rồi trút mực vào xào thật nhanh tay cho mực săn, nêm chút nước mắm và gia vị.
– Đổ vào nồi lượng nước đủ nấu canh rồi đổ tiếp nước dưa chua vào. Nấu tới khi dưa chín mềm.
– Nêm đường vào cho vừa đủ chua ngọt. Xắt thêm vài lát ớt nếu ăn cay.
– Cuối cùng cho gừng và cần tây vào, múc ra tô ăn nóng với cơm.

 

Bảo Tọa (ảnh: Eva.vn)

Cách nấu CANH HẾN DƯA CHUA

Canh hến nấu dưa chua là sự kết hợp giữa vị chua dịu, kết cấu giòn dai của dưa với vị ngọt và độ mềm nhuyễn của hến… thực sự hấp dẫn mọi người trong bữa cơm gia đình.

Nguyên liệu:

  • – 2 lạng thịt hến.
  • – 1,5 lạng cải chua. Xem CÁCH LÀM DƯA CHUA
  • – Hành lá, 1 trái cà chua
  • – Muối, đường, nước mắm.

Cách làm:

Bước 1:

 Hến rửa qua vài lần nước cho sạch, để ráo. Bắc nồi cho vào ít dầu ăn rồi phi thơm hành củ, trút hến vào xào chín rồi trút ra ngoài để đó.

Bước 2:

 Cải chua ngâm nước rửa sạch, vắt rửa vài lần cho bớt chua, xắt miếng vừa ăn.

– Cà chua rửa sạch, thái múi cau.

Bước 3:

 Cho cà chua vào nồi đã dùng xào hến ban nãy để xào chín, ra nước, nêm vào 1 muỗng cafe đường, 1/2 muỗng cafe muối, xào tiếp 2 phút rồi trút vào chừng 2 chén nước lọc để nấu canh.

– Đun nồi canh cho sôi rồi mới trút dưa vào nấu chung từ 4-8 phút.

Dùng lại nồi ở bước 1, cho cà chua vào xào chín, thêm vào nửa thìa nhỏ muối, nửa thìa nhỏ đường, đun khoảng 2 phút thì thêm vào khoảng 2 bát con nước lọc.

 Đun sôi thì cho dưa cải chua vào đun cùng, tiếp tục đun thêm từ 4 đến 8 phút.

Bước 4:

 Nêm nếm vừa miệng, cuối cùng cho hến đã lấy ra ban nãy trở lại nấu cùng cho tới khi nồi sôi lên thì tắt bếp. Ăn nóng với cơm.

Theo Cún Khang

Cách làm BAO TỬ CÁ XÀO DƯA

Thay vì làm lòng xào dưa, bạn có thể đổi khẩu vị cho gia đình bằng món bao tử cá xào dưa, rất ngon và hấp dẫn. Món này có thể ăn trong bữa cơm thường ngày hoặc là trở thành thứ mồi “lạ” rất bén trong bữa nhậu.

Chuẩn bị:

– 4 lạng bao tử cá Basa
– 6 lạng cải chua (xem Cách làm Dưa cải muối)
– 2 trái cà chua (bổ múi cau)
– Ớt, tỏi, đường, các gia vị thông thường

Thực hiện:

– Dưa chua rửa kĩ với nước cho bớt chua, sau đó xắt miếng vừa ăn (không nên xắt nhỏ quá vì khi xào sẽ bị nát)
– Bao tử vò qua với muối, rửa kĩ lại bằng nước sạch rồi để ráo

– Bắc chảo cho dầu vào, phi thơm vài tép tỏi đập dập sau đó cho bao tử cá vào xào cho chín rồi trút ra chén.

– Tiếp tục cho dầu ăn vào chảo, trút cà chua bổ múi cau vào xào cho cà chua ra nước, rồi tiếp tục trút dưa vào xào cho chín. Nêm nếm đường và các gia vị cho chua nhẹ vừa miệng, cho thêm ớt để hương vị được kích thích…

– Cuối cùng trút bao tử cá trở lại chảo đảo đều.

– Ăn nóng.

Bảo Tố

 

 

Cách làm CƠM RANG DƯA BÒ

Cơm Rang Dưa Bò ngoài quán tất nhiên là rất ngon, nhưng không phải lúc nào cũng ra quán được. Vì vậy, với những ai trót yêu món này, thì việc trang bị cho mình một công thức làm món này là điều cần thiết.

*** Cơm rang: cách gọi của miền Bắc. Trong Nam và Trung, gọi là cơm chiên.

Nguyên liệu:(cho một đĩa)

– Một chén cơm nguội

– 1/2 chén dưa cải muối

– Nửa lạng thịt bò (tùy thích)

– Hột vịt: 1 trái

– Tỏi, các gia vị thông thường

Thực hiện:

Bước 1:  Thịt  bò xắt miếng mỏng, ướp với chút dầu ăn cho mềm, nêm thêm tỏi băm, hạt nêm, ướp trong vòng 20 phút.  Dưa chua xắt miếng nhỏ.

Bước 2: Cơm nguội làm cho tơi ra (không vón cục).

Bước 3: Bắc chảo cho chút dầu ăn, phi thơm tỏi rồi cho thịt bò, dưa chua vào xào lửa lớn đến khi bò vừa chín thì trút tất cả ra một bên.

Bước 4: Tiếp tục cho cơm nguội đã bóp tơi vào chảo, tay đảo đều, đập quả trứng vịt vào… Đảo đều tay tới khi cơm tơi, vừa khô. Nêm thêm nước mắm, hạt nêm cho vừa miệng.

Bước 5: Cuối cùng cho thịt bò và dưa vào lại chảo đảo đều cùng cơm (nếu thích đẹp thì bỏ qua bước này, bỏ thịt và dưa xếp lên trên cơm). Sau đó trút ra dĩa, ăn khi còn nóng.

Cách làm DƯA CÀ RỐT ỚT CHUÔNG

Món dưa xổi này có những thành phần chính khá là đặc biệt như ớt chuông, hành tây, cà rốt… Nhưng nhờ sự đa dạng đó món ăn trở nên hấp dẫn và thú vị, rất đưa cơm. Cách làm rất đơn giản.

Nguyên liệu:

 

  • Ớt Đà Lạt xanh: 6 trái, xắt lát nhỏ, bỏ hột
  • Cà rốt: 1 củ, gọt vỏ, xắt thành miếng dày tầm 0,5cm
  • Hành tây: 1 củ, lột vỏ, xắt khoanh
  • Tỏi: 6 củ, bóc vỏ, đập dập.
  • Giấm trắng: nửa chén
  • Nước lọc: nửa chén
  • Quế: 1 lá
  • Muối: 2 muỗng canh
  • Mật ong: 2 muỗng cf
  • Ớt bột: 2 muỗng cf

Cách làm:

  • Cho tất cả nguyên liệu vào chảo, trộn đều rồi bật lửa vừa nấu cho sôi, nấu thêm chút nữa cho chuyển màu rồi tắt bếp, để nguội.
  • Vậy là ăn được rồi. Nếu muốn trữ lâu bạn cho vào lọ thủy tinh sạch đậy nắp lại, rồi bỏ tủ lạnh ăn dần.
  • Món này ăn với cơm, mì gói …đều ngon.

Bảo Tố

Cách làm CÀ PHÁO MUỐI CHUA giòn ngon

Cà muối (dưa cà) ăn với mắm tôm là món ăn độc đáo của Việt Nam. Món ăn hấp dẫn từ vẻ ngoài cho đến kết cấu, hương vị, món ăn cũng tốt cho tiêu hóa nữa. Vào những ngày hè nóng nực, chỉ cần bát cà pháo, tô canh với chén mắm tôm hoặc nước mắm pha là đủ cho một bữa ăn hoàn thiện.

Cách làm Cà muối

Nguyên liệu:

  • Cà pháo: 1 ký (chỉ nên muối tầm 1kg  ăn hết muối tiếp không nên để lâu)
  • Tỏi đập dập, 1 mẩu riềng
  • Muối hột (không phải muối iot)

Cách làm:

Cà pháo chọn quả vừa phải, không quá to hoặc quá nhỏ. Mua về để nguyên quả đem phơi ngoài nắng tầm 3-4h cho cà hơi héo.

 

Đem vào nhà cắt bỏ cuống, lưu ý cắt vừa hết cuống không cắt lẹm vào quả.

 

Ngâm cà pháo qua nước muối thật mặn để ra hết nhựa màu. Ngâm rồi xả, thay nước ngâm, tầm 2-3 lần đến khi thấy nước ngâm xong trong veo là được. Vớt cà ra ngoài để ráo. Ngâm kỹ như vậy để nhựa cà và những chất độc trong cà trôi ra hết.

 

Bắc nồi nước đun sôi, trong lúc đun thì xếp cà:

 

Chuẩn bị keo, hũ hay vại bằng thủy tinh hoặc sành sứ, rửa sạch, tráng qua nước nóng rồi để cho khô ráo. Rắc một lớp muối hột mỏng dưới cùng, rồi trải một lớp cà, rồi lại rắc muối, trải cà cho đến khi hết cà thì rắc tiếp một lớp muối lên trên cùng.

 

Lúc này nước đã sôi thì tắt bếp chờ cho còn âm ấm (tầm 40 độ C) thì pha với 1,5 muỗng cafe đường, 1 muỗng cafe muối). Quậy đều cho đường muối tan.

 

Tiếp theo trút nước vào vại sao cho ngập hết cà. Sau đó thả tỏi và riềng đập dập lên mặt trên cùng.

 

Bước cuối cùng là dùng một cái dĩa nhỏ hoặc một túi nilon nước cột kín đè lên trên mặt cà , bước này quan trọng để cho cà luôn chìm dưới nước không nổi khỏi mặt nước.

 

Để cà muối trong mát khoảng 2-5 ngày là ăn được. Lưu ý khi cà để lâu đã nổi váng trắng thì đổ đi không ăn nữa vì rất độc hại.

Bảo Tố

Cách làm các loại DƯA MUỐI ăn ngày TẾT

Sự đa dạng, khác biệt về mâm cỗ Tết ba miền còn thể hiện qua món dưa ăn giải ngấy cho bánh chưng, bánh Tét. Trong khi miền Bắc có dưa hành chua thanh nhẹ, thì miền Trung và miền Nam có dưa kiệu, dưa món mặn ngọt. Bài viết sau đây sẽ tổng hợp cách chế biến của 4 loại dưa góp ngon lành và phổ biến trong ngày Tết Việt Nam.

1. DƯA HÀNH (phổ biến ở miền Bắc)

Nguyên liệu:

– 2 kg hành củ

– nửa chén giấm

– nửa chén đường

– 1/4 chén muối

Thực hiện: 

Cho 1 chén muối vào thau nước, bỏ vào một cục phèn chua, khuấy đều. Cho hành nguyên cả vỏ vào thau, ngâm. Sau một tiếng đồng hồ vớt cục phèn chua ra. Đậy kín thau và ngâm hành trong 2 ngày. Sau hai ngày thì làm sạch hành: gọt bỏ vỏ, rửa sạch, để ráo nước.

Trong khi đó thì làm nước trộn.

Cho giấm, đường, muối, nước vào một cái nồi (chừng nửa nồi nước). Đặt nó trên bếp lửa và khuấy tan. Chừng nào hỗn hợp sôi thì nhắc xuống, để nguội.

Cho củ hành vào keo. Rồi đổ hỗn hợp (nước đường muối) đó vào ngập củ hành. Lấy miếng ni-lông sạch (hay cái chén nhỏ) ấn trên mặt củ hành cho nó chìm xuống nước. Đậy kín keo hành.

Sau 10 ngày là ăn được.

2. DƯA KIỆU (phổ biến ở miền Trung và miền Nam)

Nguyên liệu:

– 1 kg kiệu Huế làm sạch (có loại làm sẵn bán ở chợ)

– nửa kg đường

– cục phèn chua (bằng 1 lóng tay)

– 1 muỗng cà phê muối

– một củ tỏi lột vỏ

Thực hiện: 

Kiệu rửa sạch rồi ngâm vào nước với cục phèn và 1 bụm tay muối. Chừng một tiếng, vớt cục phèn ra. Đem thau kiệu có nước này phơi nắng 1 ngày.

Sau đó sả sạch, rải kiệu trên mâm và phơi nắng 1 ngày.

Đem kiệu ướp đường và 1 muỗng cà phê muối với tỏi lột.

Ướp 2 tiếng rồi cho vào keo và đổ giấm vào.

Sau 10 ngày ăn được. Có thể ăn dần suốt năm mà không hư.

3. DƯA MÓN (phổ biến ở miền Trung và miền Nam, nhất là miền Trung)

Nguyên liệu: 

– 300g kiệu, 50g ớt hiểm, 2 củ cà rốt, 2 củ cải trắng, 4 trái dưa leo, 2 củ su hào, nửa trái thơm, 2 chén nước mắm, 4 chén đường

Thực hiện: 

– Kiệu cắt bỏ lá, ngâm nước tro để qua đêm, phơi khô cắt rễ, bóc sạch vỏ. Rửa lại bằng nước muối sau đó phơi khô lần nữa.

– Cà rốt, củ cải trắng, su hào gọt sạch vỏ, thơm thái lát mỏng, xóc muối để 30 phút, rửa sạch lại phơi khô.

– Cho đường và nước lạnh vào nước mắm, sao cho ngọt, mặn vừa phải rồi bắc lên bếp để lửa nhỏ, khuấy đều. Khi đường vừa tan nhắc xuống, tiếp tục khuấy đến khi hỗn hợp nguội hẳn.

– Xếp kiệu, ớt, cà rốt, củ cải trắng, su hào, dưa leo, thơm vào keo, rót nước mắm đường vào ngập nguyên liệu. Ngâm khoảng một ngày là dùng được. Nếu muốn để lâu thì bỏ trong tủ lạnh ăn dần  Ăn kèm với bánh chưng, bánh tét rất ngon

 

4. DƯA GIÁ (phổ biến ở miền Nam, thường ăn với thịt kho tàu)

Nguyên liệu:

– 1 kg giá cọng mập ngắn.

– vài cọng hẹ (tuỳ ý) cắt khúc bằng cọng giá

– 1 củ cà rốt, xắt sợi ngắn bằng cọng giá

– chừng một đốt ngón tay củ gừng, xắt sợi (không giã nát vì nó sẽ làm đục nước).

– chút xíu phèn chua (chừng 1 đốt ngón tay út)

– 1 muỗng cà phê muối

– 3 muỗng cà phê đường

– một chén nước dưa kiệu và một ít củ kiệu chẻ nhỏ. (Nếu không có thì thay thế bằng nửa chén giấm).

Thực hiện: 

Giá rửa sạch, nhặt bỏ các vỏ đậu xanh còn bám vào giá. Cho cục phèn vào thau nước và khuấy tan, rồi ngâm giá và cà rốt xắt sợi vào. Chừng 15 phút, vớt ra rổ cho ráo nước. Đổ nước sạch (không cần nấu chín) vào trong thau, cho muối vào đường vào, khuấy tan. Rồi cho giá, cà rốt, gừng, hẹ, nước dưa kiệu và một ít củ kiệu chẻ nhỏ vào trong thau, sâm sấp mặt nước.

Nếu thiếu nước thì đổ thêm nước sạch vào. Lấy cái dĩa bàn đè trên mặt giá cho nó chìm xuống nước. Đậy kín thau, hôm sau là ăn được.

(Có thể dùng cái keo lớn để chứa, thay vì thau. Nhưng trên mặt giá thì lấy cái dĩa nhỏ hơn miệng keo dằn xuống giá xuống. Cũng có thể lấy miếng nhựa sạch dằn nó xuống.)

(tổng hợp)

Cách làm DƯA MÓN

Dưa món là món ăn kèm không thể thiếu trong dịp Tết ở khu vực miền trung và miền nam. Dưa món truyền thống thường có nguyên liệu là đu đủ, kiệu, cà rốt, su hào… nhưng bạn có thể tùy biến một chút theo sở thích của người trong gia đình.

Nguyên liệu:

  • Mua 1KG nguyên liệu gồm những loại sau: Đu đủ, cà rốt, củ kiệu Huế, ớt hiểm, hành tím, su hào (tùy bạn cân chỉnh số lượng hoặc số loại)
  • 600g đường
  • 600ml nước mắm
  • Muối, bột ngọt

Cách làm:
– Hành tím & kiệu ngâm rửa nhiều lần cho sạch, lột lớp ngoài, bỏ rễ. 2 loại này để nguyên củ không thái nhỏ.

– Các nguyên liệu khác gọt vỏ rồi thái đồng tiền, cọng, hoặc dùng đồ xắn nhỏ vừa ăn. Đừng nhỏ quá vì phơi xong sẽ teo lại.

– Cho tất cả nguyên liệu vào ngâm trong nước muối khoảng 20 phút, rồi vớt ra xả cho sạch. Bóp cho ra bớt nước. Làm vậy khoảng 2-3 lần để cho củ quả hết bị hăng.

– Đem tất cả ra phơi 3 nắng (khoảng 20 giờ). Phơi trải mỏng ra cho khô đều. Khi nguyên liệu khô queo, teo tóp lại thì đem vào nhà.

– Bắc nồi nấu 500ml nước mắm với 500g đường cho sôi, rồi nêm thêm 2 muỗng cafe bột ngọt vào, đợi tan hết đường thì tắt bếp. Để nguội hẳn.

– Củ quả phơi khô xong đem vô nhà trụng qua nước sôi để rửa sạch bụi dơ. Sau đó vớt ra để ráo.

– Chuẩn bị hũ thủy tinh có nắp, ngâm tráng qua nước nóng cho sạch rồi xếp nguyên liệu vào, xếp sao cho gắp chỗ nào cũng được nhiều loại, chứ không phải gắp tới nửa hũ rồi mới thấy dưa kiệu.

– Xếp xong thì đổ hỗn hợp nước mắm đường (đã nguội hẳn) vào, dùng bịch nilon nước hoặc nan tre gài lại, chèn sao cho rau củ chìm hẳn xuống nước mắm là được. Đậy nắp lại 2-3 ngày là ngấm, ăn được.

Bảo Tố

CÁCH LÀM DƯA KIỆU KIỂU TRUYỀN THỐNG

Trong khi miền Bắc thường ăn dưa hành, thì miền Trung và miền Nam thường có dưa kiệu vào dịp Tết. Dưa hành có vị thơm thanh nhẹ, chua dịu, còn dưa kiệu vị chua ngọt đậm đà.

Công thức sau đây sẽ hướng dẫn bạn làm Dưa kiệu

Nguyên liệu:

  • Củ Kiệu: 1kg Chọn kiệu Huế ngon hơn các loại khác.
  • Tro bếp: 1 chén
  • Muối: 50gr
  • Đường: 500gr
  • 800ml dấm trắng

Thực hiện:

– Kiệu bỏ lá, để lại phần rễ. Ngâm rửa nhiều lần cho sạch đất cát tới khi nước rửa trong thì thôi.

– Ngâm kiệu vào thau với một lượng nước ngập mặt kiệu. Cho thêm chén tro bếp vào. Ngâm khoảng 1 ngày.

– Xả lại kiệu cho sạch sẽ. Sau đó cắt hết rễ. Phơi nắng 3 lượt cho kiệu khô hẳn.

– Đem vào cắt kĩ đầu kiệu cho hết rễ, lột luôn lớp vỏ lụa. Ngâm ngập kiệu trong nước cùng với 50g muối trong nửa ngày. Sau đó vớt kiệu ra để ráo.

– Bắc nồi đổ dấm, đường và 1 muỗng cafe muối nấu sôi, hớt bọt kĩ, rồi tắt bếp. Để nước này nguội hẳn.

– Chuẩn bị keo thủy tinh, ngâm tráng qua nước nóng cho sạch. Sau đó sắp kiệu vào rồi đổ nước dấm ngập kiệu. Dùng một túi nilon nước cột chặt đè lên mặt ngâm cho kiệu không bị nổi lên khỏi nước.

– Để khoảng 20 ngày là ăn được.

Bảo Tố

Cách nấu THỊT QUAY KHO DƯA CHUA

Thịt heo quay với dưa chua là sự kết hợp được nhiều người ưa thích. Món thịt quay kho dưa chua là một trong những cách làm phổ biến.

Nguyên liệu:

  • 400g heo quay (lựa phần thịt ba chỉ càng ngon)
  • 200g cải chua (xem CÁCH LÀM CẢI CHUA)
  • 1/2 chén nước dừa
  • 1 muỗng canh xì dầu
  • 1 muỗng canh đường
  • 1/3 muỗng cafe muối
  • Vài tép tỏi, băm nhuyễn
  • Tiêu

Cách làm:

– Cải chua lấy ra rửa lại bằng nước nhiều lần cho bớt mặn.

– Thịt quay xắt miếng vừa ăn. Ướp với muối, xì dầu, đường nêu trên trong 15 phút.

– Bắc chảo dầu, phi tỏi cho thơm rồi cho thịt quay vào xào săn nhẹ. Sau đó đổ nước dừa vào nấu sôi, rồi vặn nhỏ lửa cho cải chua vào kho khoảng 10-15 phút cho gia vị thấm là được.

– Trước khi ăn thì rắc tiêu lên. Ăn với cơm nóng. Hơi bị ngon.

Bảo Tố.

Cách làm DƯA GÓP chua ngọt ăn Bún chả

Cách làm này sẽ đem lại hương vị thanh nhẹ của dưa góp miền Bắc, chứ không chua ngọt đậm như kiểu miền Trung hay miền Nam. Loại dưa góp này thích hợp với các món như Bún chả, bánh rán mặn, bánh gối, phở cuốn…

Nguyên liệu:

  • Su hào (hoặc củ cải, đu đủ)
  • Cà rốt
  • Muối tinh
  • Đường vàng
  • Dấm hoa quả (dấm thường cũng được nhưng mùi hơi nặng).
  • Chút tỏi băm.

Cách làm:

– Các loại củ gọt vỏ. Sau đó xắt lát mỏng. Nếu để bỏ vào nước chấm bún chả, bánh gối này nọ… thì xắt bản to bằng đồng xu 1000 – 2000đ (tròn hay tam giác, vuông tùy bạn). Ăn với gà nướng vịt quay gì đó thì xắt lát to mỏng dài cắn cho sướng.

– Cho củ quả vào tô, thêm chút giấm và muối vào trộn lên, ngâm khoảng 15 phút rồi chắt nước đổ đi. Rửa lại bằng nước rồi vắt nhẹ cho ráo.

– Cho vào cái tô, trộn với đường, ớt, dấm, chanh, chút tỏi băm. Nêm nếm lại vừa miệng chua ngọt là được. Nếu làm để thả vào nước chấm (ăn bún chả, bánh rán, bánh gối…) thì làm lạt lạt một chút. Nếu làm dưa góp ăn kèm với gà quay, cút quay thì làm chua ngọt đậm hơn tí.

– Để khoảng 20 phút là ăn được rồi.

Bé Thúi.

Cách làm Hành chua ngọt xứ Quảng

Hành chua là một nguyên liệu không thể thiếu trong các quán ăn của người Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi. Thứ này cho vào bún bò, mì Quảng ăn rất ngon, cắn miếng hành ớt giòn giòn, chua chua, cay cay đã miệng mà hương vị của chúng lại còn bổ trợ cho hương vị món ăn nhiều.

Sau đây là Cách làm hành chua kiểu Quảng Đà:

Chuẩn bị:

  • Hành tím (hành củ nhỏ)
  • Cà rốt (tùy thích)
  • Ớt xanh, ớt đỏ loại to (hai màu cho đẹp, nên cho nhiều ớt xanh hơn vì ớt xanh mới thơm)
  • Dấm (nếu muốn làm xổi ăn ngay)
  • Một hũ đựng, tráng qua nước sôi cho sạch.

Phân lượng là tùy các bạn, tuy nhiên hành nên nhiều hơn mấy cái kia vì chủ yếu là ăn hành.

Thực hiện:

– Hành lột vỏ chẻ làm đôi, làm ba
– Cà rốt xắt hột lựu.
– Ớt cắt miếng nhỏ.
– Cho tất cả vào hũ.

Làm ăn xổi:

Pha một tô nước dấm đường theo tỷ lệ: 2 phần nước, 2 phần giấm, 1 phần đường. Rồi đổ vào hũ cho ngập hành ớt…
Có thể ăn sau 3 tiếng.

Làm để lâu:

Nếu không có gì phải vội thì ta muối theo kiểu lên men tự nhiên,  pha nước theo tỷ lệ: 1 chén nước ấm + 1 muỗng cafe muối + 1 muỗng cafe đường rồi đổ vào ngâm hành. Để chỗ thoán mát. 2 ngày sau là ăn được.

Món này trữ trong tủ lạnh được nhiều tuần.

Bé Thúi.

Cách nấu CANH SƯỜN DƯA CHUA

CANH DƯA CHUA nấu với SƯỜN là món ăn đơn giản dễ làm nhưng lại hấp dẫn bất kỳ cái khẩu vị khó tính nào.

Nguyên liệu:

  • – Cải chua
  • – 1 trái cà chua
  • – Hành lá
  • – 3 lạng thịt sườn thăn
  • – Gia vị thông thường

Cách làm:

Bước 1:

– Cải chua rửa qua vài lần nước và vắt cho sạch, bớt vị chua.

– Hành xắt nhỏ. Cà chua bổ múi cau.

Bước 2:

– Sườn rửa sạch, chần sơ qua nước sôi cho ra bọt bẩn rồi xả lại nước lạnh.

Bước 3:

– Bắc chảo dầu cho cà chua vào xào mềm. Tiếp đó cho sườn vào xào chung.

Bước 4:

– Nêm chút muối và gia vị cho ngấm vào sườn. Khi sườn săn lại, cà chua mềm thì cho dưa vào xào cùng.

Bước 5:

– Đậy vung nấu cho dưa chua chín chuyển qua màu vàng úa. Châm nước vào đủ nấu canh. Nước sôi thì vặn nhỏ lửa nấu tới khi dưa và sườn mềm.

Bước 6:

– Nêm thêm đường, muối cho vừa miệng. Tắt bếp, rắc hành lá vào. Ăn nóng với cơm.

Theo MINH MINH (ngoisao.net)

Canh dưa cải khoai môn nấu sườn

Canh dưa cải khoai môn nấu sườn là món ăn ngon, lạ miệng thích hợp những ngày thời tiết khô nóng.

Nguyên liệu:

Cách làm

Dưa cải rửa qua nước nhiều lần, sau đó cắt khúc ngắn, để ráo.
– Khoai môn gọt vỏ, xắt miêng nhỏ vừa ăn.
– Sườn heo non rửa sạch, chặt thành từng khúc nhỏ, dùng giấy dầu thấm nước hoặc để cho thật ráo. Ướp với 1/2 muỗng cf muối, 1 muỗng cf nước mắm.
– Tỏi băm nhỏ.
– Thơm bỏ lỏi, băm nhỏ.

Thực hiện:

– Bắc chảo dầu nóng, cho khoai môn vào chiên vàng.
– Chuẩn bị 1 cái nồi đủ nấu canh, cho chút dầu ăn vào rồi bỏ tỏi băm vào xào sơ, sau đó trút dứa bằm lúc nãy vào xào cho ra nước.
– Tiếp theo cho sườn vào xào. Sườn săn thì cho cải chua vào xào nhanh tay trong 5 phút.
– Cho nước đủ nấu canh vào nồi. Nấu lửa vừa 20 phút cho sườn chín.
– Trút khoai môn đã chiên vàng vào nồi, nêm thêm đường, muối cho vị chua, mặn, ngọt cân bằng.
– Khoai môn chín thì nêm lại lần nữa cho vừa miệng rồi tắt bếp.
– Múc canh chua ra tô, rắc ít ngò gai, rau om thái nhỏ. Ăn nóng với cơm.

Bé Thúi