HẦU HẾT CHÚNG TA ĐỀU CẮT BÁNH GATO SAI CÁCH

 

Bánh gato là món ăn thông dụng trong những bữa tiệc trên khắp thế giới, tuy vậy hầu hết mọi người đều cắt bánh sai phương pháp.

Cụ thể là cách cắt bánh thành những miếng tam giác thông thường khiến cho bánh bị hở. Sau một thời gian để ngoài không khí hoặc để vào tủ lạnh, không khí, khí lạnh sẽ tiếp xúc với phần trong của bánh khiến cho bánh trở nên khô khốc, mất đi kết cấu mềm xốp mà người làm bánh đã dày công tạo nên.

Không nên áp dụng kiểu cắt bánh này nếu bạn không ăn hết bánh một lần.

Vậy có cách nào cắt bánh mà làm giảm thiểu tối đa nguy cơ làm “dở” phần bánh còn lại khi ăn không hết?

Thực tế, giải pháp đã được đưa ra cách đây…hơn 100 năm, bởi nhà bác học Anh Francis Galton.

Vào năm 1906, Francis Galton đã gửi một bức thư lên tạp chí Nature để đề xuất phương pháp cắt bánh do mình nghiên cứu ra.

Trích lá thư của nhà bác học Francis Galton.

Lá thư được đăng lên báo, sau đó nhiều người đã áp dụng theo, kết quả là những chiếc bánh cắt theo cách này còn giữ được độ mềm ngon trong một thời gian dài sau khi cắt.

Vậy cách cắt đó như thế nào? Hãy nhìn tranh minh họa dưới đây:

Đầu tiên, chúng ta cắt lấy phần giữa dọc theo cái bánh để ăn, sau đó đẩy hai phần hai bên của bánh lại “giáp mí”, khít với nhau, như vậy bánh sẽ không còn một chỗ hở nào.

Nếu muốn ăn tiếp, chúng ta lại cắt lấy phần giữa ngang vuông góc với nhát cắt trước đó, rồi tiếp tục đẩy các phần bánh còn lại cho khít với nhau.

Như vậy, chúng ta sẽ không bao giờ để hở bánh ra quá lâu, điều này giúp bảo vệ kết cấu mềm mại bên trong của bánh, kể cả khi bạn cho vào tủ lạnh cất giữ.

Tất nhiên, nếu bạn ăn hết cái bánh trong một lúc, thì cắt thế nào cũng được. Nhưng nếu ăn không hết, thì tốt nhất là áp dụng cách của nhà khoa học trên để có bánh ngon ăn dài dài!

Bảo Tố

 

MẸO HAY TÁCH QUẢ DỪA NGUYÊN VẸN RA KHỎI VỎ

Nếu không phải là người bán dừa, bạn sẽ cảm thấy rất khó khăn khi phải tách vỏ dừa, nhất là dừa già. Bài viết sau đây sẽ hướng dẫn bạn cách tách vỏ dừa khỏi cùi dừa mà không làm vỡ phần cùi bên trong.

Chuẩn bị:

– Dừa già
– Búa
– Tủ lạnh

Thực hiện:

Bước 1:

– Cho trái dừa vào ngăn đá tủ lạnh trong khoảng 12 giờ đồng hồ.

Bước 2:

– Lấy quả dừa ra khỏi tủ lạnh.

Bước 3:

– Dùng búa gõ nhẹ vào vỏ dừa. Phần vỏ sẽ rạn vỡ dần dần. Bạn xoay vòng quả dừa để gõ cho nứt tách phần vỏ bên ngoài ra.

– Lúc này bạn có thể phối hợp dùng tay để nạy vỏ dừa, tất nhiên là phải cẩn thận một chút.

Bước 4:

– Kết quả là bạn sẽ có một cái cùi dừa hoàn chỉnh, không hề bị vỡ và cũng không còn sót miếng vỏ nào.

Bảo Than (theo WOW Recipes)

16 THÓI QUEN NÊN TRÁNH KHI NẤU ĂN (phần 2)

Sau đây là những thói quen xấu nhiều người mắc khi nấu ăn. Những thói quen này có thể khiến cho bữa ăn mất ngon, hoặc tệ hơn là hại cho sức khỏe.

 

(Tiếp theo PHẦN 1)

 

9. Lúc xào rau không nên bỏ muối sớm sẽ khiến thành phần trong nước rau ra nhiều vừa không xanh, lại lâu chín.

10. Chảo xào rau không nên đun quá nóng dễ bị gây viêm loét dạ day hoặc viêm dạ dày ợ chua.

11. Đậu phụ không cho tỏi. Vì trong tỏi có nhiều axit, sẽ làm cho cơ thể khó hấp thụ canxi.

12. Làm nóng dầu quá mức khi nấu ăn. Mọi người thường có thói quen đổ dầu vào chảo và tranh thủ làm việc khác trong khi chờ dầu nóng lên. Thậm chí, có nhiều người chờ dầu bốc khói lên mới cho thức ăn vào. Điều này hoàn toàn không tốt vì nó không chỉ làm dầu có mùi vị khó chịu mà còn phá hủy tác dụng chống oxy hóa của dầu và nghiêm trọng hơn là hình thành các hợp chất có hại cho sức khỏe.

Vì vậy, đừng chờ dầu quá nóng, hãy cho thức ăn vào lúc dầu bắt đầu nóng để tránh làm mất chất dinh dưỡng của thức ăn và có hại có sức khỏe.

13. Chúng ta có thói quen đảo, khuấy thức ăn liên tục để ngăn ngừa cháy, nhưng khuấy quá nhiều có thể không có lợi cho thức ăn. Nó không những làm giảm giá trị dinh dưỡng trong đồ ăn mà còn làm cho đồ ăn dễ bị nát, mềm nhũn… Điều này thực sự gây bất lợi cho sức khỏe của bạn cũng như khiến bạn không còn cảm giác muốn ăn.

14. Cho quá nhiều thức ăn vào chảo. Nếu bạn muốn xào nhanh bằng cách cho thật nhiều thức ăn vào chảo thì sẽ khiến thức ăn của bạn bị mềm, chín không kỹ và không đều. Điều này dẫn đến hậu quả là nhiều vi trùng, vi khuẩn chưa bị tiêu diệt hết nhờ nhiệt độ. Và việc làm này vô tình “tiếp tay” cho các mầm bệnh phát sinh trong cơ thể.

15. Rửa thịt trong bồn rửa chén – mới nghe quả thật không có vấn đề gì, vì vậy có rất nhiều người giữ thói quen này. Tuy nhiên, bạn có thể rửa sạch thịt nhưng các chất bẩn và vi khuẩn sẽ bám lại trong bồn rửa và sinh sôi, lây lan sang chén đũa nếu bạn rửa không kỹ.

16. Sử dụng chảo chống dính ở nhiệt độ cao sinh ra hợp chất có tên là PFCs (perfluorocarbons) dưới dạng khói. Nhiều nghiên cứu chứng minh rằng chất PFCs có liên quan đến tổn thương gan và các vấn đề về chậm phát triển. Vì vậy, trước khi đun, hãy kiểm tra xem chảo dùng được ở nhiệt độ tốt nhất là bao nhiêu.

 

Hồng Anh tổng hợp.

Theo Giáo dục

 

MẸO DỄ NHỚ GIÚP NẤU MỰC LUÔN NGON

Mực là món ngon, bổ dưỡng và có thể nói những con mực ngon, lớn sẽ là thứ nguyên liệu khá “sang” trong mâm cơm hàng ngày.

Cũng như mọi loại sinh vật biển khác, món mực càng làm đơn giản càng ngon. Tuy vậy không phải lúc nào người ta cũng làm được những món mực như ý.

Mực ngoài chợ mua thường có 2 loại: mực nang là loại mực lớn, có  xương (nang) bên trong thân. Mực ống là loại mực nhỏ, có ống mực.

Mực nào cũng có kết cấu và hương vị đặc trưng của mực. Để giữ cho kết cấu và hương vị của nó tự nhiên và ngon lành nhất, đồng thời loại bỏ những phần dở, hôi, ta có thể sơ chế theo các bước:

Khi sơ chế:

– Khi mua mực về, bỏ nang. Tách đầu ra khỏi thân.

– Phần đầu: bỏ mắt mực, lột bỏ lớp màu đen, bỏ phần ruột mực đi.

– Phần thân: lột bỏ lớp đen quanh thân.

– Tiếp theo, ngâm mực vào nước lã pha chanh hoặc dấm độ 10 phút.

– Vớt mực ra rửa lại bằng nước lã, sau đó vớt mực ra để ráo. Bước này để làm mực trắng giòn.

Khi chế biến:

– Chế biến mực có nhiều cách nhưng nếu mực ngon, đắt tiền thì đem hấp hoặc xào có lý hơn là làm chả hay nhồi thịt, vì hấp, xào là cách chế biến giữ lại tối đa kết cấu và hương vị tuyệt vời của mực.

– Khi nấu mực, bất kể kiểu gì, chỉ nên nấu chín tới, mực sẽ vừa đủ mềm, giòn, ngọt, ngon. Nếu xào lâu mực bị nhũn hoặc dai, ăn cũng không còn ngọt.

Khi thưởng thức:

– Mực hấp sẽ rất ngon nếu ăn với nước mắm gừng hoặc nước sốt chua cay ngọt.

Thái Anh

CÁCH CỨU CHỮA KHI MÓN ĂN BỊ CHÁY

Không ai có thể ưa thích một món ăn bị cháy khét, tuy vậy, nhiều khi do quên, vô tình mà người ta đã để cho món ăn bị cháy. Lúc này, nếu thức ăn đã cháy nặng thì tốt nhất là đem đổ đi, nhưng nếu chỉ mới cháy nhẹ, bạn còn có thể nghĩ đến cách cứu vãn.

Sau đây là một số cách xử lý món ăn khi bị cháy, nếu bạn còn hi vọng chữa cháy nó:

Tắt bếp, nhấc nồi, đậy khăn chờ nguội

Khi thấy thức ăn cháy khét, nhiều người thường tắt bếp, mở vung cho bay khói đi, nhưng cách này không làm bay bớt mùi khét. Tốt hơn, bạn nên tắt bếp, nhấc nồi thức ăn ra khỏi bếp (vẫn đậy nắp), sau đó dùng khăn thấm nước đậy lên nắp nồi / chảo cho đến khi cả nồi thức ăn nguội hoàn toàn, cách này sẽ giúp mùi khét bị hút ra khỏi thức ăn tốt hơn.

Bỏ phần bị cháy đi

Với các món nướng: cách duy nhất là lấy kéo hoặc dao cắt bỏ phần bị cháy và ăn phần còn lại.
Với các món chiên: hãy nhanh tay gắp thức ăn cháy khét khỏi chảo và cắt bỏ phần cháy, đổ bỏ dầu, rửa chảo rồi thay dầu mới vào, sau đó mới tiến hành chiên tiếp thức ăn sau khi cắt bỏ phần cháy (nếu thức ăn chưa chín).
Với các món kho: nhanh chóng vớt những gì chưa bị cháy ra ngoài (nên chắt lọc, đừng tiếc của mà vớt cả phần bị cháy nhẹ). Thay nồi khác và kho lại.
Với các món canh: Hớt lấy phần nào chưa bị ảnh hưởng.

Rửa sạch, lau khô

Với các nguyên liệu chắc khối như thịt, cá, bạn có thể tẩy mùi khét cháy bằng cách rửa sạch bằng nước, sau đó mới cho vào nấu lại. Nhớ là lau khô sau khi rửa.

Châm thêm nước sốt, nêm lại gia vị

Khi nấu lại thức ăn đã được xử lý sau vụ cháy, bạn có thể cho thêm nhiều nước sốt, hoặc nêm các gia vị mạnh như tiêu, ớt để át mùi cháy khét. Với món canh, súp, hầm, bạn có thể cho thịt xông khói vào nấu để giấu vị khét đắng còn sót lại đi. Trước khi ăn, có thể rắc thêm rau gia vị hoặc các loại gia vị khô để giảm tối đa mùi cháy khét.

Nhìn chung, cháy là một tai nạn khó chữa khi nấu ăn. Cách tốt để bỏ mùi cháy khét khỏi bữa ăn của bạn là luôn luôn chú tâm khi thực hiện nấu bất cứ một món gì.

Bảo Lâm (tổng hợp)

TỰ CHẾ 7 DUNG DỊCH LÀM SẠCH NHÀ CỬA

Việc vệ sinh nhà cửa sẽ dễ dàng hơn nếu có các dung dịch tẩy rửa thích hợp. Tuy vậy, việc chọn lựa sản phẩm tẩy rửa đảm bảo tốt và an toàn khá mất thời gian và dĩ nhiên là tốn chi phí. Trong khi đó, bạn hoàn toàn có thể tự tạo ra những dung dịch tẩy rửa rất hiệu quả nhờ vào những nguyên vật liệu có sẵn trong nhà.

1. Tự chế Nước Rửa Kính

Sản phẩm này sử dụng tốt cho cửa sổ, gương và các đồ thuỷ tinh khác.

Nguyên liệu:
– 2 chén nước
– 1/2 chén giấm trắng
– 1/4 chén cồn (cồn y tế, bán tại các nhà thuốc)
– 1-2 giọt tinh dầu để tạo mùi thơm (tùy chọn theo sở thích của bạn)
– Bình Xịt
– Vải sạch

Phương pháp

– Trộn nước, dấm trắng, cồn và tinh dầu lại với nhau và cho vào trong bình xịt.

– Xịt một ít trên một miếng vải sạch, sau đó sử dụng nó để lau kính.

– Để đạt hiệu quả tốt nhất, tránh lau cửa sổ vào ngày nắng nóng, bởi vì nước rửa kính sẽ khô nhanh chóng và để lại vệt trên ô kính.

2. Nước tẩy rửa nhà bếp
Sản phẩm này sử dụng tốt cho nhà bếp, mặt bếp, các đồ gia dụng, và có thể sử dụng để làm sạch mặt trong của tủ lạnh.

Nguyên liệu

– 4 muỗng canh baking soda (1 dạng thuốc muối có thể tìm mua ở nhà thuốc, hay siêu thị, cửa hàng làm bánh)

– 1 lít nước ấm

– Miếng bọt biển hoặc vải mềm

Phương pháp

– Trộn baking soda và nước ấm.

– Nhúng một miếng bọt biển hoặc vải mềm vào dung dịch và lau sạch nhà bếp.

3. Nước tẩy tửa nhà tắm

Sản phẩm này sử dụng tốt cho sàn phòng tắm và gạch

Nguyên liệu

– 1/2 chén baking soda
–  1/4 chén hydrogen peroxide (Oxy già, có thể tìm mua ở nhà thuốc )
– 1 muỗng cà phê xà phòng dạng lỏng
– Miếng bọt biển hoặc vải sạch.

Phương pháp

– Trộn baking soda, hydrogen peroxide và xà phòng lại với nhau.
– Cho một ít hỗn hợp dung dịch lên nơi cần làm sạch và để yên trong năm phút.
– Sử dụng miếng bọt biển hoặc vải sạch để chà rửa vết bẩn, sau đó làm sạch lại với nước.

4. Dung dịch tẩy rửa dầu mỡ, vết keo

Sản phẩm này sử dụng tốt cho những thứ dính, khó chùi giống như dầu mỡ hoặc chất keo dính lại phía sau.

Nguyên liệu

– 2 muỗng canh dầu
– 3 muỗng canh baking soda
– Vải khô

Phương pháp

– Trộn dầu và baking soda với nhau.
– Bôi hỗn hợp này lên vết dầu mỡ hoặc vết nhầy bẩn cần làm sạch và chà xát nó với các ngón tay của bạn.
– Khi vết bẩn đã mất, lau lại bằng vải khô.
– Bạn có thể lưu trữ hỗn hợp còn lại trong lọ kín và sử dụng lại bất cứ khi nào bạn muốn.

5. Dung dịch làm sạch chảo, xoong nồi bị cháy

Sản phẩm này sử dụng tốt cho chảo hay xoong nồi bị cháy đen.

Nguyên liệu

– 1 chén dấm
– 2 muỗng canh baking soda
– 1 chén nước (điều chỉnh tùy thuộc vào kích thước của chảo của bạn)
– Bàn chải cứng

Phương pháp

– Cho nước và dấm vào chảo.
– Đặt chảo trên bếp và đun cho đến khi sôi.
– Lấy xuống và cho baking soda vào. Nó sẽ sùi bọt lên.
– Đợi một lúc, sau đó đổ hổn hợp đi và chà nó như bình thường, thêm một ít baking soda nếu thấy cần thiết.
– Nếu bạn thấy vẫn chưa sạch sẽ, cho tiếp hổn hợp baking soda và nước vào chảo, để đó trong khoảng một vài giờ và sau đó lại chà nó đi.

6. Dung dịch làm sạch vết gỉ sét

Sản phẩm này sử dụng tốt cho bản lề gỉ, cửa gỉ sét và phụ kiện bị gỉ sét khác.

Nguyên liệu

– Muối
– Một vài trái chanh

Phương pháp

– Rắc một chút muối vào chổ gỉ sét.
– Vắt nước chanh lên muối, cho đến khi muối hòa tan vào trong nước chanh, nhưng không vứt các vỏ chanh.
– Chờ 2-3 giờ.
– Sau đó, sử dụng vỏ chanh để chà bỏ rỉ sét.

7. Dung dịch làm sạch đồng thau
Sản phẩm này sử dụng tốt cho cách sản phẩm làm bằng đồng như tay nắm cửa, các phụ kiện phòng tắm, và làm cho chúng sáng bóng hơn.

Nguyên liệu

– Giấm trắng hoặc nước chanh
– Muối ăn
– Miếng bọt biển
– Vải sạch

Phương pháp

– Đổ một ít giấm trắng hoặc nước chanh vào miếng bọt biển.
– Rắc một chút muối lên trên.
– Sử dụng miếng bọt biển để lau sạch các phụ kiện bằng đồng.
– Rửa sạch các phụ kiện bằng nước, sau đó lau khô lại bằng một miếng vải sạch.

Như Ý (Theo indiatimes)

Nguồn: http://phunuonline.com.vn/

13 ỨNG DỤNG HAY TỪ GIẤY BẠC GÓI THỰC PHẨM

 

 

 

 

Khi hỏi giấy bạc dùng để làm gì, hầu hết mọi người sẽ trả lời là để bọc thực phẩm cho vào tủ lạnh, hoặc đem nướng… Tuy vậy giấy bạc còn mang đến những công dụng thú vị khác ít ai ngờ tới.

Giữ sạch lò nướng

Để giảm nhẹ việc vệ sinh lò nướng, trải giấy bạc ở đáy lò trước khi đặt thức ăn lên nướng. Dầu mỡ và gia vị chảy xuống đọng trên giấy bạc, nướng xong đem bỏ giấy bạc, lò vẫn sạch.

Làm bóng bộ đồ ăn bằng bạc

Nếu bộ đồ ăn bằng bạc bị xỉn màu, hãy dùng giấy bạc để đánh bóng. Đặt tấm giấy bạc vào tô thủy tinh, cho thêm hai muỗng muối và baking soda với nước nóng, khuấy tan. Nhúng muỗng nĩa bạc vào tô khoảng 5-10 phút, đồ bạc sẽ sáng bóng.

Làm tơi đường nâu

Nếu đường nâu bị đóng thành cục, gói đường vào giấy bạc rồi đem nướng ở nhiệt độ 3000C khoảng năm phút, đường nâu sẽ mềm tơi, sẵn sàng để dùng.

Rửa sạch nồi chảo, vỉ nướng

Nếu miếng chùi nồi đã dùng hết, vò nhàu vài tờ giấy bạc để chà rửa nồi chảo, vỉ nướng; vết cặn hoặc thức ăn cháy sẽ dễ dàng biến mất. Lưu ý, không dùng cho nồi chảo có lớp chống dính.

Hâm nóng thức ăn giòn

Thức ăn giòn như pizza, bánh pie, khoai tây chiên… rất dễ cháy khi hâm nóng. bọc kín thức ăn trong giấy bạc, cho vào lò nướng hoặc để lên bếp gas với lửa nhỏ, bánh mau nóng và giòn.

Làm sắc kéo

Kéo dùng một thời gian bị cùn, gấp tờ giấy bạc lại vài lớp, sau đó dùng kéo cắt nhiều lần vào giấy bạc, sẽ giúp kéo sắc bén.

Di chuyển đồ gia dụng

Muốn di chuyển bàn, ghế, giường, tủ… lót tấm giấy bạc dưới chân các vật dụng này để tạo mặt phẳng trơn láng, sau đó có thể dễ dàng đẩy chúng đi mà không tốn nhiều công sức, hơn nữa lại không làm trầy xước bề mặt gạch sàn.

Ủi quần áo nhanh

Đặt một tấm giấy bạc phủ lên mặt bàn, sau đó trải quần áo lên ủi, giấy bạc giúp quần áo nóng cả hai mặt, làm phẳng nếp nhăn nhanh chóng và tiết kiệm được nhiều thời gian.

Giúp cây trồng xanh tươi

Khi đặt cây xanh bên cửa sổ, thường chỉ có một bên cây ở phía ngoài hấp thu nhiều ánh nắng. Bạn hãy lấy một hộp giấy carton, bọc ba mặt bên trong và đáy hộp bằng giấy bạc, đặt cây vào, giấy bạc bức xạ nhiệt giúp cây tiếp thu ánh nắng tốt và xanh tươi đều.

Tăng tiếp thu sóng wi-fi

Nếu sóng wi-fi quá yếu, có thể uốn cong một tấm giấy bạc, rồi đặt vào phía sau của router để kết nối mạnh hơn.

Mồi câu cá

Đang câu cá mà hết mồi câu, có thể dùng giấy bạc quấn kín quanh lưỡi câu. Giấy bạc lắc lư trong nước là mồi câu dụ cá rất hiệu quả.

Bảo quản nệm em bé

Để bảo quản nệm trẻ sạch, không bị hôi khi tiểu tiện, dùng giấy bạc bọc kín nệm rồi lót khăn lông lên. Khi làm sạch chỉ giặt khăn lông và thay giấy bạc là được.

Khay đựng màu vẽ

Trẻ con rất thích vẽ tranh nhưng thường làm khay màu dơ và lẫn màu. Dùng bìa carton cắt thành khay, bọc kín giấy bạc rồi để màu vẽ lên. Sau mỗi lần sử dụng lấy giấy bạc ra bỏ, vừa tiện lợi vừa vệ sinh.

 NGUYỄN NGOAN (phunuonline.com.vn)

(Theo brainjet.com)

NHỮNG THÓI QUEN GÂY HẠI CẦN TRÁNH KHI NẤU ĂN

Nấu ăn không phải là một việc gì đó quá phức tạp, nhưng nếu người nấu mắc phải một số lỗi nhỏ nào đó, cũng có thể gây ảnh hưởng không ngờ đến thành quả của một buổi nấu nước, hay trầm trọng hơn là gây hại cho sức khỏe của người thưởng thức.

Sau đây là những điều không nên làm khi nấu ăn, được đúc kết từ kinh nghiệm và kiến thức.

1. Không cho mì chính vào những món món ăn có nhiều vị chua.

Vì mì chính khó hòa tan trong nước chua, đồng thời còn phát sinh ra một loại axít mới có hại cho sức khỏe.

2. Không cho thêm nước lạnh khi đang hầm xương, thịt.

Vì trong thịt, xương có chứa một hàm lượng lớn protein và lipid. Nếu cho thêm nước lạnh, nhiệt độ trong nồi hạ đột ngột, protein và lipid đông lại, món ăn không còn chất bố dưỡng nữa

3. Không nấu chín quá các loại rau củ

Vì sẽ làm mất một lượng vitamin C đáng kể.

4. Luộc trứng xong, không nên cho vào nước lạnh để làm nguội

Vì khi trứng gặp nước lạnh, trứng sẽ co lại, tạo khoáng trống giữa lòng trắng và vỏ trứng. Vi khuẩn trong nước sẽ xâm nhập vào trứng, sẽ không tốt cho sức khỏe.

5. Không nên ngâm lâu rau trong nước, tránh thái nhỏ trước khi rửa (Nếu muốn sạch bạn nên hòa nước muối để rửa).

Vì các chất dinh dưỡng trong rau sẽ tan vào nước.

6. Không ngâm thịt, cá vào chậu nước,

Vì như thế khoáng chất sẽ giảm đi đáng kể.

7. Không dùng nước nóng để rã đông thịt.

Vì các chất ngọt trong thịt sẽ nhanh chóng hòa tan vào nước, thịt không còn mềm và thơm nữa.

8. Không đun dầu sôi sùng sục trên bếp.

Vì khi ở nhiệt độ cao tác dụng oxy hóa tăng nhanh. A-xít lipid trong dầu ăn có thể phát sinh ra những hợp chất mang theo độc tính, ảnh hưởng đến sức khoẻ (có khả năng gây ung thư).

9. Không cho gừng vào cá quá sớm khi kho cá.

Vì chất protein từ cá tiết ra sẽ làm cho gừng không thể phát huy tác dụng khử mùi tanh.

10. Không dùng nước nóng để rã đông thịt.

Vì các chất ngọt trong thịt sẽ nhanh chóng hòa tan vào nước, thịt không còn mềm và thơm nữa. Nên dùng nước lạnh hoặc nước muối để rã đông thịt.

11. Không để lửa quá to khi luộc mì.

Vì sợi mì sẽ bị cứng bên trong, không còn ngon nữa.

NHỮNG ĐIỀU PHẢI BIẾT NẾU BẠN CÓ LÒ VI SÓNG

Lò vi sóng (vi ba – microwave) ngày càng trở nên quen thuộc trong nhiều gia đình Việt. Tuy vậy không phải ai cũng được hướng dẫn kĩ về cách sử dụng cụ thể cho từng loại thức ăn, dẫn đến nhiều trường hợp không mong muốn. Bài viết sau đây sẽ liệt kê những mẹo / cách thức sử dụng lò cho những nguyên liệu phổ biến nhất.

1. Nấu nướng với lò vi sóng:

– Không nên cho vật dụng kim loại vào lò vi sóng. Đây là điều đầu tiên bạn nên nhớ, vì kim loại khi được nấu trong lò thường tạo ra tia lửa điện, tia này gặp dầu mỡ có thể gây ra cháy nổ. Ngoài ra kim loại là chất hấp thụ sóng viba, điều này khiến cho sóng tập trung vào kim loại mà “quên” làm chín thức ăn.

– Với các loại rau củ cần thái miếng thì bạn phải nhớ thái các miếng kích cỡ gần như nhau.

– Nếu bạn nấu nhiều loại rau củ cùng 1 lúc thì hãy sắp những loại miếng to, cứng, khó chín hơn (như: cà rốt, bông cải trắng, bông cải xanh…) ở phía ngoài. Còn những loại mềm như nấm, đậu Hà Lan, ớt ngọt… thì để ở giữa đĩa. Như vậy khi vi sóng xong, tất cả sẽ chín cùng lúc.

Không nên để chồng chất các loại thức ăn lên nhau vì lò vi sóng luôn làm chín đều khi thức ăn được xếp bằng và rời nhau.

– Nên trở mặt thức ăn giữa chừng để đảm bảo vi sóng xuyên đều qua. Đặc biệt với các loại đồ ăn khó chín như khoai tây thái dày và bông cải.

– Các đồ dùng vi sóng như: bát đĩa, hộp… nên chọn loại có hình tròn, thức ăn sẽ nóng nhanh hơn so với dùng các loại đồ hình vuông hay góc cạnh.

Ốp lết trứng trong lò vi sóng thì chỉ cần để mức sóng 50% (trung bình) là thành phẩm sẽ vừa phải. Nếu để mức cao – 100% thì phần viền trứng sẽ bị dai trước khi toàn bộ quả trứng được làm chín. – Thức ăn sau khi lấy ra khỏi lò vẫn sẽ tiếp tục chín vì độ nóng bên trong nó vẫn còn. Do đó hãy bớt chút thời gian lam chín thức ăn trong lò nhé.

2. Đậy vung hay không đậy vung?

– Nếu bạn đã đậy hộp thức ăn khi vi sóng thì sau khi lấy ra khỏi lò lượng nhiệt còn giữ bên trong sẽ nhiều hơn. Còn nếu khi cho vào lò mà bạn không đậy thì sau khi lấy ra khỏi lò nên đậy nắp ngay để giữ nhiệt.

– Đậy nắp khi vi sóng thức ăn sẽ giữ hơi nước bên trong và làm mềm đồ ăn, giữ được độ ẩm và giảm bớt thời gian nấu nướng.

– Nếu hộp đậy quá chặt, kín thì chỉ nên dùng với thức ăn có ít nước hoặc không cho thêm nước. Ví dụ như khi bạn hấp rau củ thì hãy dùng hộp hoặc tô có nắp đậy chặt, bạn cũng có thể dùng màng bọc thực phẩm.

– Với các thức ăn dạng lỏng hoặc thức ăn kết hợp với nước trái cây thì nên để hở 1 góc khi bọc tô thức ăn. Hoặc bạn có thể dùng loại nắp đặc biệt cho lò vi sóng, trên bề mặt có các lỗ, khe rãnh nhỏ.

– Đậy tô bằng 1 tờ giấy ăn khi rang các loại hạt như vừng, hạt mùi, mù tạt… trong lò vi sóng. Giấy ăn sẽ giữ các loại hạt gia vị bên trong và cho phép hơi ẩm thoát ra ngoài.

– Khi vi sóng các loại bánh như bánh bột, bánh rán, bánh gạo… hãy đặt một miếng giấy thấm dầu phía dưới để ngăn bánh bị nhũn do ngấm nước và mỡ. Giấy sẽ thấm hết mỡ và hơi nước tiết ra trong quá trình làm nóng.

– Không phải loại nilon nào cũng an toàn khi sử dụng trong lò vi sóng. Khi mua bạn hãy lưu ý chọn loại màng bọc thực phẩm có khi rõ “Sử dụng được trong lò vi sóng”.

mav021

3. Nên và không nên:

– Nên dùng dĩa đâm thủng bề mặt khoai tây, bí đỏ hoặc bí ngòi trước khi vi sóng. Nếu không làm như vậy hơi nước có thể bị giữ lại ở trong, lớp vỏ sẽ nổ bung ra.

– Tránh cho rượu vào phần nguyên liệu, khi vi sóng nó có thể bắt lửa.

– Nên rắc muối sau khi đã vi sóng chín rau củ, nếu rắc muối trước rau củ có thể ngả màu, có đốm.

– Không nên rán nhiều dầu trong lò vi sóng, lượng chất béo nhiều sẽ rất nguy hiểm.

– Nếu vi sóng 1 lượng thức ăn quá ít thì nên để bên cạnh 1 nửa cốc nước.

– Vi sóng nhiều thức ăn thì nên tăng thời gian nhiều hơn.

4.Lợi ích khác của vi sóng:

– Làm tan chảy socola trong lò vi sóng, bạn sẽ không còn phải đun cách thủy nữa. Chỉ cần chọn mức sóng trung bình và để khoảng 2 phút đến 2 phút rưỡi là được.

– Làm ấm quả cam chừng 1 – 2 phút trong lò vi sóng, bạn sẽ vắt được nhiều nước cam hơn.

– Lò vi sóng rất hữu dụng khi làm chín các loại rau lá xanh như rau cải chẳng hạn.

– Để dễ dàng tách cùi dừa khỏi vỏ cứng, bạn chỉ cần vi sóng chừng 3 – 4 phút

– Khử trùng keo/lọ để trữ các loại bánh, mứt, hoa quả dầm.

– Vi sóng các loại khăn lau bát của bạn trong khoảng 60 giây để loại bỏ các mầm bệnh do vi sinh vật gây nên.

Sưu tầm.

BÍ QUYẾT CHỌN 9 LOẠI QUẢ NGON NGÀY HÈ

Mùa hè tuy tiết trời oi bức, nhưng bù lại, đây cũng là mùa của đủ thứ quả ngon nhất trong năm, trong số đó có thể kể đến sầu riêng, măng cụt, vải, bơ, dưa lê, mận… và điều nhiều người quan tâm là chọn làm sao để có được những quả ngon, không bị hư, sượng, nẫu…

1. Vải

Cách chọn vải ngon không quá khó, chỉ cần bạn để ý một chút khi đi mua là được.

– Màu sắc: Trông màu bên ngoài quả vải phải tươi, ngon, quả to đều nhau.

– Hương vị: Khi nếm, vải có vị ngọt, có hương thơm.

– Hạt: Hạt nhỏ là vải ngon. Hạt dễ tách, đen nhánh là vải vừa chín tới, nên mua. Còn hạt có màu hồng, khó bóc thịt vải chứng tỏ quả còn xanh, ăn sẽ chua.

– Thịt quả: Vỏ mỏng, thịt quả dày, trắng trong, mềm, căng nước. Nếu thịt quả biến sắc, khô, là vải đã để lâu ngày, chất lượng kém. Nếu có mùi rượu, thịt quả vải có màu khác lạ thì tuyệt đối không nên sử dụng.

Vải ngon nhất khi vừa chín tới. Nếu vỏ quả cứng thì là quả xanh; nếu mềm có tính đàn hồi là quả chín tới. Nếu mềm mà không có tính đàn hồi là quả đã quá chín, ăn không ngon. Chị em có thể tham khảo cách chọn vải ngon này để “vận dụng” khi đi mua nhé!

2. Dưa hấu

– Hình dáng: Chọn dưa hấu có quả đủ dài, mình tròn đều, đầu đuôi tương xứng.

– Vỏ dưa: Vỏ căng tròn, láng bóng, các xọc đen phải nổi rõ, dùng ngón tay cái ấn nhẹ vào vỏ thấy cứng là dưa ngon, tốt.

– Cuống dưa: nhỏ, héo khô lại là dưa già. Nếu cuống dưa héo mà do hái non thì cuống thường to, không teo nhiều.

– Núm dưa: tròn đều, hơi lõm xuống.

– Bên dưới dưa: Xem phần dưới quả dưa lớn hay bé (càng bé càng tốt). Đồng thời xem nó có lõm vào hay không, lõm và càng xâu thì càng ngọt. Nhưng với quả dưa hình cầu, nếu nó lõm sâu thì thường là quả đã chín quá, sẽ bị xốp.

– Phần dưa nằm tiếp đất: càng vàng càng tốt, nếu có xanh và hơi vàng là quả dưa còn non.

3. Dưa lê

Theo kinh nghiệm của nhiều bà nội trợ “sành”, dưa lê ngon, ngọt là những quả tròn đều, chắc, da cứng và có phần phía dưới hơi lồi ra.

4. Mận

Quả mận chứa một lựa canxi đáng kể, giúp xương rắn chắc và có hương vị chua, ngon khó cưỡng. Mận ngon là những quả bóp nhẹ có cảm giác cứng chắc, da bóng, mọng, còn nguyên cuống, lá càng tốt.

5. Mơ

– Khi mua quả mơ nên chọn loại quả tròn trịa trông mượt mà lại có màu đỏ ửng hay vàng rộm đều khắp. Những quả mơ như vậy là những quả chín cây hay hái đứng lúc, vừa chín tới, ăn rất ngon.

– Tránh mua những trái mềm nhũn, vì những trái như vậy thường là những trái không được tươi, sắp hư thối.

Khi mua quả mơ nên chọn loại quả tròn trịa trông mượt mà lại có màu đỏ ửng hay vàng rộm đều khắp

– Cũng không nên mua những trái còn cứng có màu tái xanh, vì đó là những trái hãy còn non.

Những trái có vỏ vàng ệch không đáng mua ăn vì đó là những trái chín héo, khi hái chưa chín tới. Loại chín héo ăn không ngon, dễ ngán.

6. Cách chọn bơ

mav004

Xem:

7. Xoài

Các bạn lưu ý khi chọn xoài, hãy chọn quả có da căng bóng, màu vàng sáng, không lấy quả thâm đen, vỏ nhăn, nhũn. Khúc đầu quả chín vàng, cứng, phần bụng phía dưới có một mắt, là hạt nhỏ.

8. Măng cụt

Xem:

9. Sầu riêng

Xem:

(Tổng hợp)

9 TÁC DỤNG TUYỆT VỜI CỦA NƯỚC VO GẠO

Hãy tận dụng nước vo gạo sau mỗi lần thổi cơm để giúp việc nội trợ của bạn tiện lợi hơn như khử mùi tanh hay đánh bóng xoong nhé.

1. Hạn chế độc tố ở rau xanh

Để hạn chế ngộ độc thuốc trừ sâu ở rau, bạn hãy ngâm rau vào nước vo gạo khoảng nửa giờ, sau đó rửa rau lại vài lần bằng nước sạch.

2. Khử mặn cho cá khô

Để món cá khô không bị mặn chát, trước khi chế biến chị em nên rửa chúng bằng nước gạo thay vì sử dụng nước sạch thông thường. Bằng cách này, bạn có thể khiến chúng bớt mặn, giảm tanh, loại bỏ được lớp bụi bẩn bám trên bề mặt lâu ngày.

3. Khử mùi tanh

Rửa cá kỹ vài ba lần, nếu cá có mùi tanh nhiều có thể ngâm cá trong nước vo gạo hoặc nước muối 15 phút, sau đó rửa lại bằng nước sạch, để ráo trước khi nấu.

4. Giải độc măng

Măng chứa hàm lượng cyanide cao (khoảng 230 mg/kg) nên nếu hấp thu nhiều, dưới tác động của các enzym đường tiêu hóa, cyanide sẽ chuyển hóa thành acid cyanhydric gây độc. Để yên tâm sử dụng, các bà nội trợ nên luộc măng khoảng 2 – 3 lần rồi tiếp tục ngâm nước gạo trong vòng hai ngày (lưu ý phải thay nước gạo 2 lần/ngày).

5. Làm sạch nhớt ốc

Cách hay nhất để loại bỏ chất nhờn và bùn đất trong ốc là ngâm chúng trong nước vo gạo. Sử dụng một thau đựng đầy nước vo gạo và ngâm ốc trong khoảng 1 – 2 tiếng, tất cả chất bùn trong miệng ốc sẽ tự động nhả ra và vón thành từng mảng chất nhầy.

6. Đánh bóng xoong nồi

Những chiếc nồi chất liệu nhôm, gang, inox sau thời gian dài sử dụng dễ bị xỉn màu. Để giúp chúng trở nên sáng bóng, bạn không nên dùng cọ sắt vừa mất sức vừa dễ gây xước bề mặt. Thay vào đó, nên dùng nước vo gạo cho vào nồi, đun sôi nhỏ lửa khoảng 10 phút rồi rửa lại là được.

7. Làm sạch vết dầu

Muốn tẩy sạch các vết dầu còn lại trong chai, bạn hãy đổ nước gạo vào ngâm khoảng 5-10 phút, sau đó lắc mạnh chai nhiều lần. Dầu sẽ nhanh chóng hòa tan trong nước gạo giúp chai trở nên sạch bóng mà không cần đến sự trợ giúp của các loại nước tẩy rửa.

8. Rửa bát

Sử dụng nước vo gạo không chỉ có tác dụng làm sạch phần dầu mỡ bám trên bát mà còn giúp khử mùi tanh do thức ăn một cách dễ dàng, không độc hại.

9. Khử độc và tẩy trắng sắn

Muốn sắn trắng và khử bớt chất độc, khi lột vỏ bạn nên ngâm chúng vào nước gạo.

Mimi tổng hợp (NGOISAO.NET)

[mẹo] THÊM 10 MẸO VẶT HAY GIÀNH CHO NGƯỜI LÀM BẾP

Trong công việc nội trợ, bên cạnh những quan niệm chế biến thông  thường  thì những mẹo vặt rút từ kinh nghiệm luôn giúp cho công việc của bạn trở nên hiệu quả và dễ dàng hơn. Sau đây sẽ là 10 mẹo hay giành cho các việc bếp núc thông thường.
1. Nấu cơm bằng nước máy:Nếu nấu cơm với nước máy, nên đun sôi nước trước rồi cho vào với gạo để nấu, vì trong nước máy có chất clo làm phá hủy vitamin B1 trong gạo.

2. Nấu cháo: Cho vào nồi cháo một ít dầu ăn sẽ giúp món cháo ngon hơn, dầu ăn cũng làm cháo không bị trào ra khi sôi.

3. Luộc mì:Thay vì nấu nước sôi ùng ục rồi cho mì vào luộc, bạn nên cho mì vào lúc nước bắt đầu sủi bọt lăn tăn, dùng đũa đảo vài nhát rồi đậy vung tới khi nước sôi, châm thêm nước lạnh, chờ nước sôi lại thì tắt bếp. Bạn sẽ có món mì chín đều.
4. Nêm muối đúng lúc:Với các loại củ, nên nêm muối từ sớm. Với rau, nêm muộn hơn, cụ thể là trước khi tắt bếp, đây là cách để dinh dưỡng trong rau không mất đi đồng thời giữ trạng thái giòn cho rau.

5. Nêm xì dầu đúng lúc:

 

Xì dầu nếu nêm sớm và nấu lâu sẽ khiến lượng đường trong xì dầu bị phân giải, tạo ra vị chua. Hãy nêm xì dầu lúc gần nấu xong.

6. Nêm bột ngọt đúng lúc:Bột ngọt cũng không nên nêm sớm quá vì có thể sinh ra chất có hại cho sức khỏe, tốt nhất là hòa bột ngọt tan ra, rồi nêm khi đã gắp món ăn ra đĩa.
7. Nguyên tắc nêm gia vị:Thông thường, có 1 nguyên tắc là nêm loại lâu ngấm vào trước, theo thứ tự: Đường, muối, dấm, nước tương, nước mắm, cuối cùng mới nêm bột ngọt. Đối với những thứ dễ bị biến đổi mùi vị như xì dầu, nước mắm, nên nêm vào giai đoạn cuối.

8. Chiên, xào với chút nước:Xào thịt nhanh tay đồng thời châm thêm ít nước sẽ giúp thịt mềm, giòn ngon hơn. Đối với món chiên, có thể cho nước vào trước nấu sôi rồi cho dầu vào, chờ cho dầu nổi lên trên nước rồi mới bắt đầu cho đồ vào chiên.
9. Chưng, hấp cá ngon hơn:

Đập quả trứng, hòa tan rồi thoa đều lên mình cá trước khi đem hấp. Trứng sẽ ngấm vào mình cá khi hấp, giúp món ăn bổ và ngon hơn.

10. Xào thức ăn:

Với các nguyên liệu tanh như thịt cá, nên xào bằng dầu thực vật vì dầu này có thể khử tanh. Với rau thì nên xào bằng mỡ heo, giúp món ăn trông hấp dẫn, vị ngon và thơm hơn.

[mẹo] THÊM VÀI CÁCH ĐỂ BẢO QUẢN RAU CỦ ĐƯỢC RẤT LÂU

Rau củ tươi thường rất nhanh hỏng nếu không bị ngâm chất bảo quản. Thật sự thì có nhiều cách để kéo dài hạn sử dụng của các loại rau này. Hôm nay chúng tôi xin giới thiệu thêm vài cách rất hiệu quả.

1. QUẤN BẰNG KHĂN GIẤY VÀ CHO VÀO TÚI NHỰA
Lưu ý là khăn phải còn khô ráo, và rau cũng không nên quá ướt. Có thể thấm khô rau củ trước khi quấn giấy bảo quản theo cách này. Cách này thật sự hiệu quả với rau xà lách (diếp), cần tây. Rau sẽ tươi ít nhất một tuần lễ. Thật tuyệt vời phải không?
– Đối với hành tây, khoai tây, bạn dùng khăn giấy bịt phần mặt cắt, rồi cũng cho vào túi nhựa như thế.

2. BẢO QUẢN CÀ RỐT TRONG TÚI HOẶC HỘP KÍN

Bảo quản cà rốt được vài tuần là không khó nếu như bạn cho nó vào một túi nhựa cột kín, hoặc một hộp nhựa đậy kín. Cách này sẽ ngăn chặn sự bốc hơi của cà rốt.

 


3. BẢO QUẢN KHOAI VÀ CÁC LOẠI CỦ Ở NƠI TỐI

 

Ánh sáng mặt trời có thể khiến cho các loại củ như khoai tây, khoai lang, gừng, tỏi, hành củ, hành tây… bị nảy mầm, biến chất, thậm chí là độc hại. Tốt nhất là dùng bao bì tối màu, cách ly ánh sáng để trữ, hoặc cất vào một nơi tối.


4. TRÁNH XA NƯỚC

Khô, thoáng là điều kiện để cho các loại rau củ còn sử dụng được lâu dài. Vì vậy nếu cần bảo quản chúng nhiều hơn bình thường, hãy làm ráo hết mức có thể (lau khô cả túi, hộp đựng nữa nhé).

Theo Wikihow

10 CHIÊU CẮT GỌT RAU QUẢ NHANH GỌN

Đây đều là những loại rau quả hết sức quen thuộc trong đời sống hàng ngày. Nhưng đến khi bạn điều chỉnh một chút về phương thức sơ chế, việc thưởng thức chúng  sẽ tiện lợi và “nghệ thuật” hơn rất nhiều.

1. Ăn dưa hấu dễ dàng hơn 

Bạn có từng cảm thấy ngần ngại việc đưa một miếng dưa hấu lên miệng và cạp, rồi bị nước dưa hấu bám hết vào mặt mũi? Hãy dùng biện pháp cắt bỏ hai đầu của miếng vỏ dưa hấu như ảnh bên dưới nhé!

 

2. Quả bơ

Quả bơ thường ngon nhất khi ít tẩm ướp hương vị, nên việc lấy thịt bơ ra chỗ khác không có ý nghĩa gì cho lắm ngoài việc làm nó vơi đi chất dinh dưỡng. Hãy dùng muỗng xúc bơ ăn, bạn sẽ thấy ngon hơn đấy. Có thể rưới thêm ít đường, sữa, hoặc nước tương cho món ăn tuyệt hảo, bổ dưỡng này.

 

3. Cà rốt

Gọt cà rốt là việc đơn giản. Có cách nào cho nó đơn giản và nhanh gọn hơn nữa không? Hãy nhìn ảnh ở dưới!

 

4. Chanh

Bạn đi vào tiệm bún, phở và thấy người ta xẻ chanh khó hiểu đến mức phải vận nội  công mới vắt được phần nước chanh bên trong? Hãy gợi ý  chủ quán cắt chanh theo cách sau đây:

 

5. Quả lựu

Bạn đã biết cách bổ lựu đẹp mắt và không bị vỡ hạt chưa? Bí quyết là cắt bỏ 2 đầu rồi khứa những đường quanh vỏ quả lựu, sau đó tách ra và măm măm.

 

6. Cam quýt

Cách này áp dụng được với quýt và một số loại cam dễ tách múi: xắt bỏ hai đầu quả, sau đó khứa vỏ một cạnh của quả và mở quả quýt ra dễ dàng. Thấy giống ảo thuật chưa? Làm vậy thì làm sao mà múi quýt bị dập, rách chảy nước được!

 

7. Hoa atiso

Còn đây là cách lột vỏ hoa atiso chuẩn mà không khiến nó tan nát.

 

8. Cà chua bi

Cà chua bi rất bổ dưỡng với tác dụng phòng chống ung thư, tốt cho máu và làm đẹp da. Nhưng còn cách xắt chúng thì sao? Thật là mỏi mệt nếu phải xắt từng quả một. Hãy để chúng nằm xếp lớp giữa hai cái đáy đĩa, rồi dùng dao lòn qua đó cắt ngang là xong.

 

9. Quả kiwi

Nếu bạn không cần phải chụp ảnh quả kiwi cho đẹp để đăng facebook, thì tội gì mà không dùng muỗng xúc nó ăn cho dễ?

 

10. Hành tây

Thái củ hành tây thành từng miếng nhỏ là điều dễ dàng, nhưng làm sao để thực hiện nó một cách nhanh và chuyên nghiệp nhất?

 

5 CÁCH LÀM MỀM CÁC LOẠI THỊT KHI NẤU ĂN

Thịt bị cứng có thể do nhiều nguyên do khác nhau. Sau đây là 5 cách để làm giảm đi nguy cơ thịt bị cứng.

Món thịt được coi là thành công không chỉ là ở hương vị, mà còn ở kết cấu. Miếng thịt quá cứng sẽ là cực hình đối với người thưởng thức. Bên cạnh việc lấy đi một lượng lớn sức lực để nhai và nuốt thịt, điều này còn tác động lên tinh thần của người ăn vì nỗi lo lắng cho bộ răng cũng như cuống họng của mình…Thực tế, chúng ta có thể tránh tình trạng miếng thịt bị cứng nhờ vào một số cách sau – tốt nhất là áp dụng từ khâu sơ chế.

1. Đu đủ làm mềm thịt

Khả năng làm mềm thịt của đu đủ là nhờ vào chất enzyme có tên gọi là papain. Đây là chất có khả năng phá vỡ các protein thông qua việc bổ sung phân tử nước. Chất papain tập trung nhiều nhất ở lớp vỏ màu xanh của qtrái đu đủ  xanh. Do đó, bạn chỉ cần sử dụng lớp vỏ xanh này. Cứ mỗi 2 muỗng canh vỏ đu đủ xanh xắt nhỏ, bạn cho thêm ¼ muỗng canh muối và nghiền hỗn hợp này thành bột nhão rồi trộn chúng vào phần thịt bị cứng. Chỉ vài phút sau, miếng thịt sẽ mềm mại trở lại.

Bạn cũng có thể bảo quản hỗn hợp vỏ đu đủ và muối này trong ngăn mát của tủ lạnh để dành cho những lần sau.

2. Giấm giúp thịt mềm và kích thích khẩu vị

Nếu dùng thịt để nấu các món súp hoặc món hầm, bạn có thể cho thêm một muỗng canh giấm vào nước dùng trước khi cho thịt vào nồi. Giấm giúp thịt mềm hơn. Đối với món thịt nướng, hãy cho thêm một muỗng canh giấm vào nước ướp thịt trước khi nướng. Món ăn sẽ có mùi thơm và vị chua của giấm nhưng chắc chắn miếng thịt sẽ mềm và dễ ăn hơn.

3. Thơm giúp thịt thơm và mềm

Trong thơm có chứa một loại enzyme là bromelain, là một trong những chất có khả năng làm mềm thịt. Nhờ vào enzyme (nhóm enzyme thủy phân, được sử dụng khá nhiều trong ngành chế biến thực phẩm), các thớ thịt trở nên mềm mại hơn. Để làm mềm thịt, bạn chỉ cần cho một ít lá hoặc phần cuống thơm vào nồi và nấu chung với món ăn. Đối với các món không có nước, bạn xay nhuyễn một ít thơm, vắt lấy nước và ướp vào thịt.

4. Nước ướp thịt giúp thịt mềm

Dùng nước sốt thịt để ướp và làm mềm thịt là lựa chọn phổ biến của nhiều bà nội trợ. Quá trình ướp thịt cũng đồng nghĩa với việc làm thịt mềm hơn. Việc ướp thịt được thực hiện khá đơn giản, chỉ cần cho thịt vào một loại nước sốt được chế biến từ những loại gia vị theo ý thích của bạn. Tuy nhiên, kết quả ướp thịt có thể khác nhau tùy theo loại nước ướp thịt mà bạn sử dụng. Mặt khác, thời gian ướp cũng có thể ảnh hưởng đến hương vị và độ mềm của thịt.

5. Dùng chày, búa làm mềm thịt

Dụng cụ làm mềm thịt không làm ảnh hưởng đến mùi vị của miếng thịt mà chỉ tác động đến cấu trúc của chúng, giúp cho miếng thịt mềm hơn. Dụng cụ làm mềm thịt có nhiều kiểu dáng khác nhau nhưng thông thường, chúng được làm bằng gỗ hoặc kim loại với phần đầu có hình khối vuông, bề mặt khối vuông được khứa thành nhiều rãnh ô vuông, tạo thành những đầu nhọn nhỏ ở cả hai mặt. Để làm mềm miếng thịt, bạn hãy dùng dụng cụ này đập nhẹ lên bề mặt của miếng thịt. Dưới sức ép của động tác đập, những thớ thịt sẽ mềm ra.

Mẹo luộc lòng lợn ngon, trắng giòn

Lòng lợn luộc tuy là món ăn đơn giản, nhưng để có được dĩa lòng luộc ngon, giòn, trắng, người nấu phải có bí quyết. Ngoài ra công đoạn làm lòng sao cho sạch cũng cần phải có ít nhiều kinh nghiệm.

Tuy món lòng lợn ngon là vậy nhưng nhiều chị em mua về rất ngại sơ chế lòng hoặc không biết làm sao để làm lòng cho sạch. Song thực tế, nếu biết cách, làm sạch lòng heo lại cực kỳ đơn giản.

Mẹo làm sạch lòng lợn

– Lòng heo chị em mua về đem lộn trái, lấy hết màng mỡ, sau đó cho một nắm bột mì trộn chút muối vào bóp kỹ, rửa lại bằng nước. Cuối cùng chị em dùng chanh chà xát để những gì còn sót lại sẽ ra hết, rồi xả nước thật mạnh. Với cách này lòng heo vừa sạch và trắng.

– Khi rửa ruột già, chị em cho vào nước một ít dấm ăn và một thìa phèn chua, bóp vài lần rồi rửa kỹ bằng nước sạch.

– Ngoài ra, chị em còn có thể dùng nước gạo để rửa hay nước dưa chua. Cách này có thể khử hết mùi hôi.

Luộc lòng heo sao cho trắng, giòn

Cách 1: Để luộc lòng heo trắng, giòn, sau khi luộc chín, chị em vớt lòng ra ngâm vào một bát nước sôi để nguội đã vắt thêm vài giọt chanh.

Cách 2:

– Khi luộc, chị em không nên thả lòng heo vào vào nồi nước lã ngay từ đầu, mà phải làm sạch, chờ nước thật sôi mới thả lòng vào.

– Trước đó, chị em dùng nước lạnh pha với một chút phèn chua (phèn chua đã được nướng phồng), đun sôi rồi để nguội.

– Khi lòng heo vừa chín tới (khoảng 10 phút sau khi thả lòng vào nước) thì vớt lòng ra, thả ngay vào chậu nước phèn chua đã chuẩn bị. Ngâm cho đến khi lòng nguội thì vớt ra, xắt miếng vừa ăn. Làm như thế, lòng vừa giòn vừa có màu trắng đẹp mắt, không bị thâm đen.

(Tổng hợp)

SỬ DỤNG SỮA TƯƠI HIỆU QUẢ TRONG NẤU ĂN

Bên cạnh việc được sử dụng như một loại thực phẩm “gây nghiện”, với các tác dụng tốt cho cơ thể. Sữa tươi còn có nhiều tác dụng bất ngờ khác mà không phải ai cũng biết hết.

 

– Nấu khoai tây, bắp cải: Khi luộc cho thêm một ít sữa vào, món sẽ vừa ngon, vừa không sợ bị ngả màu vàng.

– Hầm cá: Cho gia vị vào nước nấu sôi, cho cá vào, thêm một thìa canh sữa, vừa khử mùi tanh, cá lại xốp mềm.

– Làm trứng gà cuốn: Cứ 2 quả trứng gà cho thêm một thìa sữa, quấy đều rồi đổ, trứng gà cuốn sẽ mềm mại và ngon ngọt.

Làm bánh: Khi nhào bột cho thêm một chút sữa, bánh sẽ có màu vàng óng

Khử mùi gan bò: Dùng vải ướt lau sạch gan bò, cắt thành từng miếng mỏng, ngâm vào sữa sẽ khử hết mùi.

– Khử mùi lạ cho nồi sắt mới: Nồi sắt mới dùng để xào nấu thường có mùi lạ, có thể đem nấu sơ một ít sữa và khoai tây trước khi dùng, mùi lạ sẽ được khử sạch.

– Khử mùi tủ lạnh: Cho một ly sữa nấu sôi vào tủ, có thể khử hết mùi hôi trong tủ nếu mùi đó không nồng nặc lắm.

– Trong trường hợp làm khoai môn, khoai sọ, dọc mùng, rửa bèo cái… tay bạn hay bị ngứa, bạn có thể dùng sữa bò thoa lên, sau đó rửa lại bằng nước sạch.

– Khi lỡ lấy bánh ra khỏi khuôn mà bánh chưa được chín kỹ, hãy nhúng bánh thật nhanh vào sữa lạnh rồi đặt bánh vào trong lò hấp lại một lúc để bánh chín.

– Dùng sữa giữ gìn đồ nhôm: Đổ vào ấm nửa lít sữa và đem đun sôi lên. Khi ấm sôi,  nhấc xuống để nguội từ từ. Đến khi sữa nguội hẳn, bạn đổ ra và rửa lại bằng nước lã. Ấm sẽ không bị đóng vôi ở đáy.

– Đánh bóng đồ bằng bạc: Những đồ dùng bằng bạc của bạn thường bị cũ. Muốn chúng bóng loáng, mới mẻ trở lại, hãy ngâm những đồ dùng ấy vào sữa chua độ nửa giờ. Sau đó, lấy ra và chải cho thật kỹ, dùng một miếng nỉ đánh bóng lại.

– Đánh bóng đồ bằng da và cây trơn: Bạn có nhiều đồ bằng da như lắc tay, cặp, va ly hay đồ dùng bằng cây không có đánh bóng (verni). Lâu ngày những đồ dùng này bị cũ, mất vẻ bóng loáng lúc đầu. Muốn những đồ vật này bóng trở lại như trước, bạn chỉ việc lấy một miếng nỉ, nhúng sữa tươi chà lên thật mạnh. Sau đó lấy vải khô lau đi.

Cách bảo quản sữa tươi

– Giữ sữa không bị đóng váng: Sữa tươi để từ sáng đến chiều có thể đóng váng vì trong sữa có chất acide lactique. Muốn sữa khỏi bị đóng váng, hãy cho vào chai sữa một ít thuốc muối (Bicarbonate de Soude). Thuốc muối có đặc tính đánh tan chất Acide Lactique.

– Nấu sữa không bị trào: Khi nấu sữa bò, rót một ít nước lên nắp xoong. Khi nước sắp bốc hơi hết là sữa cũng sắp sôi, mở hé vung chờ sữa sôi rồi bỏ hẳn vung ra.

– Nấu sữa không dính xoong: Sữa tươi khi nấu tiệt trùng thường bị dính một lớp dưới đáy, rất dễ khét. Bạn có thể khắc phục bằng cách dùng nước lã tráng qua xoong trước khi nấu.

Không nấu sữa quá lâu và nấu sôi nhiều lần, nếu không protein trong sữa sẽ bị phân rã và các vitamin bị phá hủy. Khi sữa đã sôi, không giữ trên lửa quá 1-2 phút. Khi nấu các thực phẩm khác như bột, gạo, rau… với sữa, trước hết cần nấu những thứ đó trong nước, sau mới đổ sữa tươi vào, đun tiếp đến sôi và bắc ra ngay.

Khánh Hòa (VNexpress.net) tổng hợp

‘Thần dược’ ngay trong tủ lạnh nhà bạn

Bạn có biết rằng, ngay trong tủ lạnh nhà bạn cũng đã chứa sẵn các vị thuốc hiệu quả và an toàn giành cho các vấn đề của cơ thể bạn?

Ớt làm sẹo biến mất

Nếu bạn bị đứt tay, hãy dùng những quả ớt ngọt đỏ để điều trị. Vitamin C trong ớt sẽ giúp các tế bào da nhanh chóng tạo ra chất amino axit, làm cho các vết thương lành lặn mà không để lại sẹo. Nếu không dùng ớt, bạn có thể dùng các loại hoa quả chứa nhiều vitamin C như trái kiwi, nước nho, nước hoa quả… vì vitamin C rất quan trọng trong quá trình chữa lành vết thương, đặc biệt là các vết sẹo.

Nho tươi giúp tóc mọc dày hơn

Để không mắc bệnh hói đầu, bạn cần đánh bại DHT, một hoóc môn làm cho tóc không mọc theo đúng quy luật bình thường. Cách tốt nhất chống lại DHT là ăn nhiều nho và những sản phẩm làm từ nho.

Trái bơ giúp giảm nếp nhăn trên da mặt

Vitamin E có tác dụng ngăn cản sự ôxy hóa, chống lại các nếp nhăn do những tác động mang tính hóa học gây ra. Cơ thể bạn dự trữ nhiều vitamin E sẽ giúp vết sạm nắng lành lặn nhanh chóng. Bạn hãy bổ sung vitamin E cho cơ thể bằng cách ăn nhiều trái bơ, những chất được chiết xuất từ hoa hướng dương và hạt ngũ cốc.

Chống hôi miệng bằng sữa chua

Sữa chua thông thường có thể làm cho miệng thơm tho, theo nghiên cứu trên tạp chí Dental của Mỹ. Nghiên cứu này cho biết ăn sữa chua hằng ngày trong 6 tuần giảm được khoảng 80% hàm lượng các chất gây mùi hôi do vi khuẩn sản sinh ở miệng.

Uống nhiều nước giảm mệt mỏi cho mắt

Mắt cần rất nhiều nước, giống như cơ thể con người vậy. Khi bạn thấy những lớp mô xung quanh mắt sưng lên có nghĩa là mắt bạn đang thiếu nước. Thông thường, nếu bạn làm việc trong phòng có máy điều hòa không khí, mỗi ngày bạn nên uống tối thiểu một lít nước. Còn nếu đang làm những công việc phải đổ mồ hôi nhiều như trong hầm than thì bạn cần uống nhiều hơn bình thường. Tuy nhiên, không nhất thiết phải là nước, hầu hết những loại chất lỏng khác đều rất tốt, chỉ trừ rượu vì rượu làm cho những gian bào trong chất lỏng suy yếu. Để tránh mỏi mắt, bạn cũng nên giảm thời gian làm việc.

Cam tươi giúp bảo vệ răng miệng

Trước khi đánh răng, bạn hãy uống một ngụm nước cam vì nó sẽ bổ sung thêm lượng canxi trong răng bạn. Canxi và vitamin C trong cam có tác dụng bảo vệ răng miệng rất tốt. Nghiên cứu 15.000 người cho thấy, ai uống không đủ 500 mg canxi mỗi ngày thì có nhiều nguy cơ bị các bệnh về lợi, từ đó kéo theo các bệnh về răng miệng. Canxi làm cho xương hàm khỏe hơn, chống lại các vi khuẩn gây bệnh về lợi và vitamin C có trong cam sẽ giúp các lớp da trong miệng khỏe hơn.

Thức ăn chứa nhiều sắt giúp giảm béo

Theo nghiên cứu của các chuyên gia Mỹ, việc tiêu thụ nhiều chất sắt sẽ làm tăng một loại hoóc môn gọi là Leptin. Hoóc môn này sẽ làm bạn cảm thấy no và kiềm chế cảm giác thèm ăn. Nếu cơ thể bạn chứa nhiều Leptin, chắc chắn bạn sẽ trở nên cường tráng, khỏe mạnh hơn cơ thể dự trữ nhiều mỡ. Những thực phẩm thông thường chứa nhiều chất sắt là thịt bò tươi, ngũ cốc…

(Theo Thế Giới Phụ Nữ)

Bí quyết LUỘC THỊT LỢN ngon

Thịt luộc là món ăn đơn giản nhưng không phải ai cũng biết luộc thịt làm sao cho ngon. Một miếng thịt lợn luộc ngon khi có lớp da dòn, chắc, thịt mềm, chín đều không bị dai cũng không bị bở. Nếu muốn  vậy, người luộc phải có một số bí quyết.

Chuẩn bị:

  • Thịt heo
  • Muối, hành tím, gia vị.

Cách luộc thịt heo ngon:

– Thịt rửa sạch.
– Chuẩn bị nồi nước, cho vào 1 nhúm muối nhỏ, 1 chút dấm. Đợi nước sôi thì cho thịt vào luộc cho sôi lại khoảng 2 phút thì vớt thịt ra. Đổ nước luộc đầu đi, rửa sạch thịt.
– Chuẩn bị lại một nồi nước, nấu cho sôi. Cho 1 củ hành tím đập dập vào để thịt luộc được thơm. Cho thịt vào luộc khoảng 10 phút rồi tắt bếp, đậy nắp, một lát thịt sẽ chín hẳn. Lúc này có thể nêm ít gia vị cho thịt có vị.
– Nếu muốn chắc ăn thì đâm cây đũa vào coi không chảy ra nước hồng là chín rồi.
– Thịt chín thì gắp ra, ngâm vào tô nước sôi để nguội, cách này làm thịt không bị chuyển màu.
– Đợi thịt nguội hoàn toàn, thì mới xắt thịt.

Bé Thúi

Tủ lạnh nếu không phải là đang trưng bày ngoài siêu thị điện máy, thì cho dù bạn có kỹ càng tới mấy cũng sẽ không loại bỏ được hết mùi, cách tốt nhất là dùng nguyên liệu khử mùi… Và đây là những nguyên liệu có sẵn trong bếp:

Vỏ cam:

Ăn quýt, bưởi hoặc cam xong đừng bỏ hết vỏ vào thùng rác, mà nên lấy một ít bỏ vào tủ lạnh, như sau vài ngày tủ lạnh của bạn sẽ không những hết hôi mà còn thơm mùi tinh dầu vỏ quýt.

Bánh mì:

Đặt bánh mì vụn trong chén hoặc đơn giản là một lát bánh nhỏ trong góc tủ lạnh, tình trạng hôi sẽ giảm dần.

Than củi:

Một cục than nhỏ hoặc than vụn đặt ở trong tủ lạnh có thể khử mùi hiệu quả.

Sữa tươi:

Một chén sữa tươi không đậy nắp đặt trong tủ lạnh vài giờ có thể “hút” mùi đi hết.

Nước hàng (xem CÁCH LÀM NƯỚC HÀNG):

400-269-bi-quyet-che-bien-caramel-thom-ngon-a87f

Một chén nước hàng cũng có công dụng khử mùi tủ lạnh tương tự như sữa tươi.

Chanh, quất:

Xắt chanh hoặc quất thành lát nhỏ rồi bỏ vào chỗ nào bạn thích, chỗ đó sẽ bay mùi. Kể cả khi đặt vào ngăn đá.

Bột Soda:

Bột Soda hòa vào nước nóng cho tan rồi để vào tủ lạnh. Các chất hóa học trong soda sẽ làm nhiệm vụ hút những mùi khó chịu.

Khăn:

Gấp một cái khăn bông nhỏ cho vào ngăn đá. Khăn bông sẽ hút mùi hiệu quả.

Trà:

Trà túi lọc pha xong thì cho cái túi vào tủ lạnh cũng có thể khử mùi. Khử xong có thể phơi khô rồi dùng tiếp.

Bã cà phê

Bã cà phê cho vào cái chén nhỏ rồi bỏ vào để khử mùi tủ lạnh hiệu quả.

Bé Bủm tổng hợp.