VỊ QUÊ TRONG MIẾNG CHẢ GÀ TIỂU QUAN

Nhắc đến những món ăn đặc sản của đất Hưng Yên, người ta không thể không nhắc đến chả gà Tiểu Quan. Món ăn dân dã mà độc đáo, được tạo nên từ sự tinh tế, tỉ mỉ của những người dân đất Hưng Yên xưa. Để rồi cho đến nay, miếng chả gà vẫn mang đậm hồn phách của một vùng quê có lịch sử lâu đời.

Tiểu Quan là một thôn thuần nông, nay thuộc xã Phùng Hưng, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Tại nơi này hiện nay, đến cả các vị cao tuổi nhất trong làng cũng không ai biết được gốc tích của món chả gà nổi tiếng. Họ chỉ biết rằng từ khi còn bé đã thấy những người trong làng tạo nên và thưởng thức món ăn này vào những dịp lễ hay Tết.

Để có được món chả gà ngon, người dân Tiểu Quan phải kỹ lưỡng ngay từ khâu chọn gà. Khác với món chả thịt lợn, chả gà nướng không để miếng mà là thịt gà nạc tinh. Gà thịt để làm chả phải là loại gà trống tơ nặng khoảng 1,2 – 1,5kg, chưa thiến và chưa đạp mái. Gà làm sạch, chọn chỗ thịt nạc nhất, bỏ hết gân xương rồi thái miếng nhỏ con chì, sau đó cho vào cối giã như giã giò lụa truyền thống. Khi thịt gần nhuyễn thì trộn thêm lòng đỏ trứng gà, nước mắm ngon, bột nêm, hạt tiêu, gừng và một chút mỡ lợn thái hạt lựu rồi giã tiếp.

Chả gà Tiểu Quan

Theo những người có kinh nghiệm thì món chả gà truyền thống, thịt phải được giã bằng cối đá. Nhìn cách giã ai cũng tưởng rất đơn giản nhưng nếu không phải là một người khéo léo, tỉ mẩn “có nghề” thì khó có thể làm tròn được công việc này. Từng nhịp chày đều đặn được đưa lên đưa xuống, nhát nào chắc nịch nhát đấy nhưng thịt gà không hề bị bắn ra ngoài cối chút nào. Trong lúc một người đang giã thịt gà, thì một người khác tìm một chiếc mo cau mới rụng, cắt ra thành các miếng nhỏ.

Giã xong lấy miếng mo cau phết thịt lên phên để nướng. Việc phết thịt lên phên cũng không phải dễ dàng, nếu phết quá mỏng thịt sẽ chảy sệ và rơi xuống hoả lò, nếu dày quá thịt sẽ không chín đều. Chả gà Tiểu Quan phải được nướng bằng than hoa (than củi) và nếu có thêm vài quả thông khô vào thì càng tăng thêm độ thơm. Dùng than của những cành hay gốc nhãn khô (một loại cây đặc sản của mảnh đất Hưng Yên) thì có mùi vị thơm ngon nhất

Ăn chả gà cũng là một cách thưởng thức từ tốn như để cảm nhận hết vị ngon trong từng miếng chả nhất là khi được nhấp cùng chén rượu Trương Xá vào ngày trời thổi cơn gió mát.

Nếu ai có dịp qua nơi đây và thưởng thức món chả gà Tiểu Quan ắt hẳn không thể quên được hương vị đậm đà của món ăn này đem lại. Chả gà Tiểu Quan góp phần làm phong phú đa dạng nền ẩm thực Hưng Yên.

 

 

NHỮNG MÓN ĐANG CHỜ BẠN KHÁM PHÁ TẠI XỨ SỞ THÁP CHÀM

Vùng đất Ninh Thuận, với thành phố Phan Rang và những tòa tháp Chàm lộng lẫy, đón bạn với ‘gió như phang, nắng như rang’, với những bãi biển xanh biêng biếc, thảo nguyên thơ mộng nơi có bầy cừu du mục. Và đất Phan Rang cũng đón bạn bằng những món ăn đầy hấp dẫn từ những sản vật phong phú ở nơi đây.

Sau đây là những món ăn bạn nên khám phá nếu có dịp đi đến xứ sở tháp Chàm.

Bánh căn Phan Rang

Bánh căn là món ăn của người Chăm ở Ninh Thuận. Bánh đổ bằng những khuôn đất làm từ làng gốm Bàu Trúc, phía dưới là lò than hồng. Bánh chế biến từ bột gạo pha với nước, để bánh được giòn người ta thường pha thêm ít cơm nguội khi xay bột. Bột phải pha làm sao cho không đặc quá cũng không loãng quá, vì như thế sẽ làm bánh mất ngon. Bạn có thể ăn bánh với nhân trứng hoặc mực, kèm với nước chấm. Người Phan Rang có cách pha nước chấm khác với các nơi. Ngoài nước mắm thấm ra còn có nước mắm đậu phộng hay mắm nêm pha loãng.

Bánh căn là món ăn của người Chăm ở Ninh Thuận.

Bánh xèo Phan Rang

Bánh xèo được đổ trong khuôn như bánh căn. Khuôn bánh được tráng một lớp dầu, khi khuôn nóng thì người ta đổ một lớp bột vừa đủ, thêm nhân tôm, mực hay thịt, ít giá tươi và đợi bánh chín giòn dùng muỗng dẹt cậy bánh ra. Bánh xèo Phan Rang khác với bánh xèo ở những nơi khác là bánh nhỏ chỉ bằng cái lòng chén, khi ăn cho bánh vào chén ngập nước mắm chín. Đó có thể là mắm đậu phộng giã nhuyễn pha với mắm, tỏi, ớt sao cho hơi nhạt, cũng có thể chấm với mắm nêm.

Phan Rang có nhiều quán bánh xèo ngon tạo nên Phố bánh xèo ở gần Hồ Cá, đường Yên Ninh.

Bánh canh chả cá Phan RAng

Bánh canh chả cá là món ăn rất phổ biến ở Phan Rang. Sợi bánh được làm bằng bột gạo, nước nấu bằng cá biển và người ta dùng cá này để cho vào tô bánh kèm với chả cá. Chả có hai loại chả hấp và chả chiên, chả vừa dai vừa mềm, vị ngon ngọt của cá còn giữ đậm đà. Nước bánh trong, ít béo, thêm ít hành lá, mắm dầm ớt cay vắt chanh là bạn có tô canh nóng hổi. Ở Phan Rang, bánh canh được bày bán khắp nơi. Người Phan Rang kháo nhau rằng bánh canh ngon nhất vẫn là bánh canh Nhường góc ngã ba Ngô Gia Tự – Tô Hiệu.

Bánh canh hấp dẫn với chả dai, mềm và ngọt.

Bánh tráng nướng mỡ hành

Trên nền chiếc bánh tráng nướng, người dân Phan Rang đã biến tấu thành một món ăn tuyệt hảo, dân dã, khó quên đó là bánh tráng mắm ruốc nướng mỡ hành. Bánh tráng được đặt lên lò than nóng sau khi thoa đều hỗn hợp gồm mắm ruốc, mỡ nước, hành phi, tương ớt và một ít ớt bằm nếu ai thích ăn cay. Sau đó nhanh tay đập vỡ một quả trứng rồi dùng cọ tán đều mặt bánh, rải đều hành lá thái nhuyễn lên. Khi trứng bắt đầu phồng lên nhanh nhẹn kẹp và cuộn tròn bánh lại. Bọc thêm một lớp giấy bên ngoài cho khỏi phỏng tay là bạn có thể vừa thổi vừa ăn. Bánh tráng nướng mỡ hành bán nhiều ở bãi biển hay dọc đường 16-4.

Bún mắm nêm Phan Rang

Bún mắm nêm Phan Rang rất đơn giản. Chẳng phải nấu nướng, chẳng phải chuẩn bị cầu kỳ gì cả: bún tươi, một tô mắm nêm vừa đủ mặn, đủ cay, ít rau sống, cà pháo, thế là xong. Có thể ăn thêm chả cá hay chả lụa tùy sở thích. Chắc nhờ đơn giản mà bún mắm nêm có giá tương đối mềm, chỉ 5.000-7.000 đồng/tô, ở các làng quê còn rẻ hơn nữa. Dễ mua, dễ ăn nên bún mắm nêm không kén bất cứ một thực khách nào. Đến Phan Rang, ở bất cứ con đường nào, dù lớn hay nhỏ bạn đều có thể thưởng thức được món này.

Bánh hỏi lòng heo Ninh Thuận

Đã đến Ninh Thuận mà chưa thưởng thức món bánh hỏi Phước Khánh thì xem như chuyến du lịch xứ nắng Phan Rang chưa trọn vẹn. Đó là món ăn gồm: bánh hỏi, lòng heo, bánh tráng mỏng, rau sống và nước chấm. Để có được bánh hỏi vừa ý thực khách, người làm bánh phải chọn gạo tốt ngâm với nước lã một đêm, sau đó vo và xả đi xả lại ba bốn lần, rồi qua các công đoạn tỉ mỉ khác để làm ra từng sợi bánh trắng tinh, ráo hỏi.

Món bánh hỏi lòng heo kết hợp tinh tế của các loại hương vị: vị bùi của bánh hỏi, vị béo của lòng heo, vị giòn của tóp mỡ, mát của rau sống và dậy mùi thơm của mắm nêm.

Rượu nho Ninh Thuận

Những trái nho mọng nước Phan Rang đã làm nên thứ rượu nhỏ tuyệt vời.

Rượu nho là đặc sản phổ biến của Phan Rang được làm từ 100%  nước cốt nho nguyên chất, chế biến theo phương pháp cổ truyền dựa trên sự lên men vi sinh tự nhiên mà không sử dụng bất kỳ loại chất bảo quản hay men nhân tạo. Rượu nho Phan Rang có nồng độ vừa phải, có vị chua chua, ngòn ngọt của trái nho, vừa chan chát của hạt nho, trên cái nền dịu ngọt bởi cuộc phối ngẫu giữa nho và đường mía

Có dịp hãy ghé tham quan vườn nho Ba Mọi, bạn sẽ được chủ vườn mời miễn phí ly rượu nho nguyên chất tuyệt vời.

Paka Jatrang

THƯỞNG THỨC BỮA ĂN SÁNG ĐÚNG ĐIỆU ĐÀ LẠT

Đà Lạt không chỉ nổi tiếng về khí hậu, cảnh quan, mà còn đặc biệt nổi tiếng về những món ăn ngon, nhất là những món ăn vặt. Du lịch tại xứ sở ngàn hoa và thưởng thức ẩm thực quán xá là một thú yêu thích của rất nhiều người. 

Sau đây là một số gợi ý cho bữa ăn sáng của bạn khi đến với thành phố sương mù trong những ngày se lạnh:

 BÚN BÒ ĐÀ LẠT
 (ảnh: Đức Thành)

Ấp Ánh Sáng là nơi để dân tình tìm tới các tô bún bò của Đà Lạt. Bún bò giò Đà Lạt có khẩu vị rất riêng, thanh nhẹ nhưng vẫn rất ngon miệng và hấp dẫn.

Bún bò Đà Lạt ăn kèm với loại rau ‘đặc sản tây nguyên’ là rau sống thái sợi, đảm bảo sự tươi ngon, mềm mại khi thưởng thức chung với bát bún.

 BÁNH CĂN ĐÀ LẠT

Những cái bánh căn giòn, vàng ươm, nóng hổi là lựa chọn quen thuộc cho bữa ăn sáng của người dân xứ lạnh. Món này không dùng dầu mỡ mà được đúc trong loại khuôn riêng bằng đất nung. Bánh căn thường ăn kèm với mắm nêm, hoặc nước mắm, cùng với nguyên liệu tùy chọn là xíu mại, cá kho, tóp mỡ, mỡ hành…BÁNH MÌ XÍU MẠI ĐÀ LẠT

Bánh mì xíu mại là bữa ăn sáng nhẹ nhàng, bình dân nhưng ngon miệng. Một phần bánh gồm bát xíu mai nóng hổi rắc chút hành ngò, ăn cùng bánh mì… Có lẽ chỉ trong không khí lạnh của Đà Lạt người ta mới cảm nhận hết độ ngon của món ăn dân dã này.

Bánh mì cũng được nướng trên lò than để đảm bảo không mất đi cái nóng hổi.( ảnh: Đức Thành)

CÀ PHÊ ĐÀ LẠT

Sau bữa ăn sáng, bạn nên ghé vào một quán cà phê nào đó ở Đà Lạt, thưởng thức bản nhạc Lê Uyên Phương, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn,… bên ly cà phê phin nhỏ những giọt cà phê cao nguyên nồng nàn, ấm áp. Đây là một trong những cái thú mà du khách đến Đà Lạt không thể bỏ qua.

‘PIZZA HỦ TIẾU’, MÓN ĂN ĐỘC ĐÁO CỦA ĐẤT TÂY ĐÔ

Nếu bạn đã từng biết đến món ‘Pizza Đà Lạt’ lừng danh xứ sở ngàn hoa, thì bạn cũng nên biết thêm món ‘Pizza hủ tiếu’ do chính du khách tây đặt tên khi thưởng thức qua món bánh hủ tiếu chiên ở đất Cần Thơ.

Cái tên nửa tây nửa ta xuất hiện là do du khách Tây khi đến tham quan lò sản xuất hủ tíu trên đất Tây Đô, sau khi thưởng thức chiếc bánh hủ tíu chiên giòn thơm ngon đã thốt lên cái tên ngộ nghĩnh và độc đáo đó.

Rời trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 4 km (theo hướng đi Cái Răng), đến dưới chân cầu Rau Răm, các bạn rẽ phải dọc theo con đường nhựa dài khoảng 500 m sẽ đến lò hủ tíu của anh Sáu Hoài. Sở dĩ nổi tiếng với khách du lịch trong và ngoài nước bởi cơ sở của anh đã kết hợp cả kinh tế vườn, kinh tế ngành nghề với du lịch sinh thái, du lịch ẩm thực.

Khách đến nhà anh sẽ được tham quan cơ sở làm hủ tíu truyền thống (từ khâu xay bột, tráng bánh, phơi khô, cắt sợi, vào bao thành phẩm), vườn cây ăn trái và được thưởng thức những món ăn được chế biến từ sản phẩm hủ tíu của lò như: hủ tíu nước thịt heo xương, hủ tíu chiên giòn, hủ tiếu chiên giòn thịt khìa, sữa nước cốt dừa. Trong đó, 2 món được mọi người ưa chuộng nhất khi đến đây vì ngon và lạ, đó là: hủ tíu chiên giòn và hủ tíu chiên giòn thịt khìa, sữa nước cốt dừa.

Phơi khô là một trong những công đoạn làm hủ tíu.

Làm hủ tíu chiên giòn không khó lắm nhưng để cho món ăn được ngon vừa miệng đa số thực khách cần phải có những bí quyết riêng. Trước hết, cho hủ tíu bột lọc ướp với một chút bột nêm cùng một tí tiêu vừa khẩu vị và có mùi thơm. Cho hủ tíu vào ngập trong mỡ (dầu) đang sôi. Dùng xạng trở đều cho 2 mặt chín vàng ươm là vớt ra đĩa. Kế đến, rắc hành lá xắt nhuyễn cùng tương ớt lên, dọn ra bàn là xong.

Chiên hủ tíu.

Bẻ miếng bánh hủ tíu chiên giòn cho vào miệng nhai giòn tan. Vị mặn mặn, béo béo, chua chua, cay cay, lan tỏa trong vòm miệng thất hấp dẫn. Khách du lịch, mỗi khi đến đây, được chủ quán biếu không một đĩa hủ tíu chiên giòn cầm trên tay, vừa đi vừa ăn, vừa dạo quanh khu vườn cây trái xanh tươi rợp bóng.

Riêng món hủ tíu chiên giòn thịt khìa, sữa nước cốt dừa hơi tốn công một chút. Công đoạn chiên giòn hủ tíu cũng giống như ở phần trên (chỉ khác một chút là hủ tíu lạt, không ướp gia vị). Thịt khìa phải chọn loại thịt thăn và khìa với nước dừa xiêm cho có hương vị đậm đà, xắt miếng nhỏ. Nước cốt dừa pha với sữa tươi theo một tỉ lệ nhất định cho nước cốt có độ sệt, vị béo thơm.

Đĩa hủ tíu đầu đủ cả thịt khìa, nước cốt dừa, đậu phụng, rau thơm.

Các công đoạn theo trình tự như sau: Trước hết, hủ tíu khi chiên xong cho vào dĩa. Rắc một ít rau thơm lên trước và kế đến là thịt khìa (hoặc chả chiên), sau cùng là rưới nước cốt dừa sữa, rắc một ít đậu phộng rang giã giập lên. Món này ăn kèm với nước mắm chua cay hoặc tương cay tùy thích. Dùng đũa bẻ một miếng bánh hủ tíu chiên giòn thịt khìa sữa, nước cốt dừa cho vào miệng nhai chậm rãi, bạn sẽ “ngậm mà nghe” cái giòn tan của hủ tíu, vị béo của nước cốt dừa; vị ngọt, dai, đậm đà của thịt thấm dần vào vòm họng như đánh thức mọi giác quan. Giá bán hiện nay: 20.000 – 30.000 đồng/ đĩa.

Nếu có dịp về miền Tây, mời bạn hãy ghé qua lò hủ tíu để tham quan vườn cây ăn trái, phong cảnh sông nước hữu tình và khám phá món “Pizza hủ tíu” đặc sản.

Bài và ảnh: Tương Tâm (VnExpress)

10 MÓN ĐẶC SẢN ‘ĂN QUÊN SẦU’ CỦA TỈNH HẬU GIANG

Hậu Giang là tỉnh mới tách ra từ Cần Thơ vào năm 2004. Từ lâu nay, Hậu Giang vẫn được biết đến như một trong những trung tâm lúa gạo, thủy sản sông nước lớn của miền Tây Nam bộ. Đất Hậu Giang con người chất phát, mộc mạc, là nơi mang lại cho du khách những sản vật ngon quý, những món ăn dân dã mà đậm đà khó quên.

1. Cháo lòng Cái Tắc

Cháo lòng Cái Tắc là món ăn đơn giản, phổ biến ở đồng bằng sông Cửu Long như cháo lòng Cái Tắc (huyện Châu Thành A) lại mang những hương vị độc đáo, đặc trưng của vùng đất này mà những ai một lần thử qua đều rất ấn tượng. Cũng vẫn là tim, gan, phèo, phổi, gia vị, gạo nhưng mỗi cửa hàng lại có cách nêm nếm khác nhau tạo nên sự hấp dẫn của món ăn này. Một tô cháo lòng thơm lừng, nóng hổi ăn kèm với rau đắng biển, bắp chuối, giá sống, chanh ớt tạo nên một bản hòa ca mùi vị mà du khách khó có thể cưỡng lại khi một lần dùng thử.

2. Chả cá thác lác Hậu Giang

Món chả cá thác lác hầu như ở khu vực nào cũng có nhưng từ khi món chả các thác lác cườm ở Hậu Giang xuất hiện thì nó nghiễm nhiên trở thành biểu tượng của món ngon này. Cách làm đơn giản nhất là cá thác lác được chiên với sả ớt, cá được đánh sạch vảy, khứa nhẹ nhiều khứa theo chiều ngang ướp với bột ngọt, sả giã nhuyễn và chiên cá ngập trong chảo dầu. Khi các bốc mùi thơm là du khách có thể thưởng thức được, chả cá ngon nhất là chấm với nước mắm ăn kèm với các loại rau sống cho đỡ ngán. Chả cá thác lác đặc sản Hậu Giang quả thực là một món ngon hấp dẫn du khách.

3. Bưởi Năm roi Phú Hữu

Tại Hậu Giang du khách phải thưởng thức bưởi năm roi Phú Hữu, loại trái cây ngon nhất của tỉnh. Chất lượng bưởi năm roi Phú Hữu được khẳng định từ nhiều năm nay. Muối bưởi đều đặn, không hạt, tép bưởi ráo, vị ngọt thoảng, chua thanh. Ăn bưởi năm roi Phú Hữu phải chấm với muối tiêu sọ hoặc muối ớt cay thì du khách mới cảm nhận hết được hương vị thơm ngon của loại trái cây nổi tiếng này.

4. Bún gỏi già

Nếu một lần ghé thăm Hậu Giang du khách có thể thưởng thức món bún gỏi già, nhìn sơ qua thì du khách có thể nhầm với món mắm bởi nguyên liệu chính cho món ăn này là mắm cá linh. Bún gỏi già phải nấu chung với me mới cho ra vị chua chua ngọt ngọt ăn không ngán và điều đặc biệt là bún gỏi già phải ăn chung với tép thì mới thưởng thức trọn vẹn hương vị của tô bún. Những con tép, tôm luộc đỏ au cùng với màu xanh bắt mắt của các loại rau ăn kèm như: rau muống bông chuối làm cho tô bún vừa đẹp mắt vừa ngon miệng.

5. Cá thác lác cườm

Nhiều người nói rằng: “Đi du lịch Hậu Giang mà không ăn được cá thác lác cườm coi như thiếu sót lớn”. Ở hầu hết các nhà hàng, tiệm ăn lớn ở Hậu Giang đều có các món ăn được chế biến từ cá thác lác. Người dân Hậu Giang lâu nay coi cá thác lác là món đặc sản rất đáng tự hào của tỉnh nhà.

Đơn giản và dễ làm nhất là thác lác chiên sả ớt. Cá được làm sạch, khứa nhẹ rồi ướp muối, bột ngọt, ớt, sả băm nhuyễn cho thấm, sau đó cho vào chảo rán giòn. Khi mặt cá chuyển sang màu vàng ươm, mùi thơm quyện cùng sả, ớt bốc lên là chín. Ngoài ra, món cá thác lác nướng cũng có vị ngọt lan tỏa nơi đầu lưỡi cùng cảm giác cay nồng và vị thơm của sả, ớt.

6. Sỏi mầm

Tên món ăn dễ làm người nghe liên tưởng đến mầm đá của Trạng Quỳnh. Tuy không phải vậy nhưng sỏi mầm – đặc sản Hậu Giang – cũng có cách thưởng thức rất khác biệt. Lần đầu tiên nhìn thấy cách bài trí món ăn hẳn ai cũng phải ngạc nhiên.

Bởi thay vì nồi niêu hay bếp, thì lại có 3 hoặc 4 viên sỏi được nung thật nóng đặt trên đĩa, xung quanh bày rau sống và cải bắp thái nhỏ, rau thơm, ớt tươi, còn thịt heo rừng ướp sẵn gia vị được bày riêng. Người ăn gắp thịt heo rừng mỏng dính để lên hòn sỏi đang nóng rẫy cho đến khi mùi thơm tỏa lan, vàng săn là đạt. Sau đó, gắp thịt từ trên sỏi cùng rau sống và chấm nước mắm chua ngọt rồi thưởng thức.

Cái ngon của sỏi mầm là tổng hợp từ cả vị thịt heo rừng dai thơm, ngọt, rau xanh mát, nước chấm đậm đà với sự thích thú của thực khách khi chờ đợi thịt chín trên sỏi, nghe tiếng thịt reo xèo xèo ngay trước mặt dù không có bếp. Một món ăn đặc biệt như thế này tất nhiên không nên bỏ qua khi thăm thú Hậu Giang.

7. Khóm (dứa) Cầu Đúc

Có nguồn gốc từ Thái Lan, khóm Cầu Đúc dần trở thành loại cây đặc sản của Hậu Giang. Thuộc giống Queen, khóm ở xã Hỏa Tiến, thị xã Vị Thanh này có vị ngọt thanh, ngon nổi tiếng. Vẻ ngoài của khóm cũng đẹp và bắt mắt, quả nào quả nấy to đều, cuống ngắn, lõi nhỏ, mắt lồi, hố mắt hơi sâu. Bổ ra thấy thịt khóm màu vàng đậm, ít xơ, ít nước. Đặc biệt, riêng trái khóm có thể để khoảng 10 – 15 ngày vẫn không bị hỏng.

Khóm Cầu Đúc có thể chế biến thành nhiều món ăn đậm hương vị đồng quê như canh chua khóm cá rô đồng, thịt ba rọi xào khóm chua ngọt, hay khóm kho cá… Hiện nay, khóm Cầu Đúc còn được xuất khẩu sang nước ngoài và trở thành nguyên liệu sản xuất nhiều mặt hàng có giá trị kinh tế như nước khóm ép, khóm sấy khô không tẩm đường, kẹo, mứt, rượu, nước giải khát có ga… rất được ưa chuộng.

8. Ốc len xào dừa

Ốc Len còn được gọi là Linh Hoa vốn là loài ốc biển tự nhiên, chỉ có ở các rừng ngập mặn hay các bãi bồi ven biển. Thường thì ốc Len không quá to chỉ bằng ngón tay trỏ, có màu nâu xen lẫn vân trắng, thân xù xì. Ốc len xào dừa là món ăn quen thuộc của người dân Hậu Giang, để làm món ăn này đúng điệu, đúng vị người Hậu Giang cũng khá tỉ mỉ chứ không hề đơn giản. Vì phổ biến nên rất dễ để tìm được hàng bán ốc len xào dừa ở Hậu Giang nhưng tìm một cửa hàng ăn ngon, đúng điệu lại là việc khác. Những cửa hàng này đều giữ kỹ bí quyết riêng của mình mà chỉ có người trong gia đình mới nắm được.

9. Đọt choại

Đọt choại là một loại rau thuộc họ dương xỉ, mọc nhiều ở vùng vũng như Đồng Tháp Mười, Vị Thanh, Hậu Giang. Đọt choại có hình dáng rất lạ mặt, trên đầu uốn cong, thân mảnh, nếu mới nhìn chắc ít ai có thể nghĩ đây là nguyên liệu để làm nhiều món ăn ngon như vậy. Đọt choại có thể chế biến thành nhiều món nhưng ngon nhất là đọt choại xào. Bởi sự dân dã, bình dị, mang đậm nét quê nên đọt choại được các bà nội trợ miệt vườn chế biến thành rất nhiều món rất đa dạng không chỉ làm hấp dẫn cho bữa cơm gia đình mà còn không thể thiếu trong ẩm thực Hậu Giang.

10. Cá ngát

Cá ngát là loài cá rất tinh ranh chỉ sống ở những nơi nước sâu, thậm chí có khi cá khoét hang sâu tận 2-3m để trú ngụ. Vì thế, việc khai thác cá cũng khá khó khăn.

Có nhiều món ăn hấp dẫn được chế biến từ cá ngát như: nấu canh chua,  nướng bẹ chuối, kho tộ, hấp, hoặc làm món khô ăn với củ kiệu… Tuy nhiên, chế biến đơn giản và dân dã nhất chính là cá ngát cuốn vào bẹ chuối hột, nướng trên bếp than hồng để giữ nguyên vị ngọt của cá đồng thời thơm ngon hơn. Khi cá chín có thể ăn kèm với các loại rau, chấm muối ớt. Món cá ngát kho tộ là món ăn thường nhật của người dân mộc mạc vùng sông nước miền Tây. Sau khi được làm sạch, thì cá được tẩm ướp với nước mắm ngon, thêm chút đường, hạt tiêu, ớt, bột ngọt và đun trên lửa liu riu để cá thấm đều.

Thanh Xuân (tourdulichmientay)

 

KHÁM PHÁ ‘THIÊN ĐƯỜNG’ HẢI SẢN NGON RẺ Ở HÒN ĐẢO NGOẠI Ô SÀI GÒN

Dân Sài Gòn không cần phải đến Vũng Tàu, Phan Thiết, Nha Trang mới có thể thưởng thức hải sản. Ở tại một hòn đảo nằm ở ngoại ô Sài Gòn, thậm chí người ta còn tìm được rất nhiều món hải sản ngon, lạ với giá còn rẻ hơn các điểm du lịch trên.

Đảo Thạnh An thuộc huyện Cần Giờ chính là nơi để bạn làm được điều đó. Sau đây là những món ăn ngon bạn có thể ăn xả láng trên đảo này với giá không thể bình dân hơn:

 

Ốc mỡ

Ốc mỡ trên đảo khá to và béo. Có duy nhất hàng bán hải sản đã luộc sẵn, bán ốc mỡ hấp sả với giá 40.000 đồng một kg. Nếu muốn thử nhiều món, bạn nên gọi đĩa nhỏ với giá chỉ 10.000 đồng mỗi loại. Còn nếu có nhu cầu chế biến các món ngon hơn như ốc mỡ xào sả ớt, ốc mỡ cháy tỏi… bạn hãy mua ốc tươi sống tại chợ trên đảo với giá 25.000 đồng một kg và nhờ chế biến ở nhà người dân.

Ốc cà na

Cũng như ốc mỡ, ốc cà na hấp sả có bán sẵn với giá 80.000 đồng một kg. Nếu muốn cầu kỳ hơn với món ốc cà na xào bơ hay rang phô mai, bạn nên chuẩn bị nguyên liệu mang theo từ đất liền, mua ốc tươi sống ở chợ và nhờ người dân chế biến. Ốc cà na hấp sẵn có giá 16.000 đồng một đĩa.

Nghêu hấp

Món nghêu trên đảo Thạnh An khá ngon, khi ăn cảm nhận được vị ngọt đậm. Nghêu hấp chấm nước mắm tỏi ớt là món ăn đơn giản nhưng không thể bỏ qua khi lên đảo. Giá nghêu sống là 15.000 – 20.000 đồng một kg.

Tôm tít

Nếu đi chợ sớm trên đảo, bạn sẽ mua được tôm tít rất to, một kg chỉ có 2 – 3 con. Sau 9h sáng, chợ tan dần, một số nhà dân có bán tôm tít loại vừa cho du khách, có dịch vụ hấp sả hoặc nấu lẩu hải sản luôn nếu muốn. Giá dao động 80.000 – 150.000 đồng một kg tôm tít tùy loại.

Hải sản nướng

Gần đây, một vài hộ dân trên đảo mở dịch vụ nướng hải sản phục vụ khách đến đảo rất đông, đặc biệt là dịp cuối tuần. Bạch tuộc, mực và tôm là những món hải sản nướng dễ thấy. Với 30.000 – 50.000 đồng một người là bạn có thể ăn hải sản nướng thoải mái trên đảo.

Chân gà nướng, xiên que

Món ăn vặt cũng rất phong phú và giá rẻ. Chân gà nướng và xiên que giá 3.000 đồng một chiếc. Ngoài ra còn có bánh tráng nướng, cá bò, cá chỉ vàng nướng, chuối nếp nướng… với mỗi thứ chỉ có giá 2.000 – 5.000 đồng.

Hủ tiếu, bánh canh

Trên đảo có một quán hủ tiếu trước đây chỉ bán ăn sáng phục vụ dân đảo, nay mở đến 4h chiều phục vụ khách đến thăm. Hủ tiếu có nước lèo ngọt đậm đà, thêm cả tôm bóc vỏ…. giá 15.000 đồng một tô.

Bánh mì nướng

Là vùng nuôi trồng và đánh bắt hải sản, đảo Thạnh An có rất nhiều tôm tươi, tôm khô… Người dân trên đảo đã sáng tạo ra món bánh mì nướng, nhân là tôm khô rang mỡ hành, chấm nước mắm chua cay. Đây là món ăn vặt bán từ trưa đến chiều, giá 3.000 –  5.000 đồng một đĩa.

Nước sâm

Nước sâm lạnh là thức uống thanh nhiệt, được nấu từ mía lau, rễ tranh, rong biển, râu ngô, nhãn nhục, lá dứa, đường phèn… Trên đảo có bà cụ bán nước sâm hơn 10 năm, 2.000 đồng một cốc, được “khuyến mãi” thêm những chỉ dẫn tận tình về việc đi lại, ăn uống trên đảo nếu bạn muốn hỏi thông tin.

Để đến Thạnh An, cách duy nhất là đi tàu từ bến Cần Thạnh (thị trấn của huyện Cần Giờ). Nếu đi xe buýt, bạn bắt xe số 20 – Bến Thành – phà Bình Khánh, sau đó bắt xe số 90 tới Cần Thạnh. Các chuyến tàu từ đây ra đảo lúc 6h30, 9h, 10h30, 12h, 14h, 17h. Các chuyến tàu về lại đất liền lúc 6h30, 7h30, 10h30, 12h, 14h, 17h. Giá vé 10.000 đồng một chiều. Tuy nhiên, giờ tàu có thể thay đổi tùy vào tình hình thời tiết, thủy triều…

Thạnh An chưa có dịch vụ khách sạn, nhà nghỉ. Nếu bạn đi nhóm đông, hãy mua đồ tươi sống rồi ghé nhà dân nhờ chế biến đồng thời xin nghỉ trọ.

Theo depplus

ĐẾN HƯNG YÊN KHÁM PHÁ TỪ MÓN DÂN DÃ TỚI MÓN TIẾN VUA

Đất Hưng Yên, xưa gọi Phố Hiến, là vùng đất có nền văn hóa lịch sử lâu đời. Đến với Hưng Yên là để thả mình vào khung cảnh làng quê mộc mạc, phố phường cổ kính, đến với dấu vết của những truyền thuyết Tiên Dung, Chử Đồng Tử hay những di tích lịch sử quan trọng. Đến Hưng Yên, du khách còn được thưởng thức những món ăn cổ truyền rất độc đáo, trong đó có những món được liệt vào hàng “thượng phẩm” dâng Vua, có những món lại rất dân dã mà đậm đà tình quê.

Sau đây là những món đặc sản du khách có thể tìm ăn khi ghé thăm Hưng Yên:

 

Từ xa xưa tương Bần Hưng Yên là thứ sản vật ngon dùng để tiến vua. Ngày nay, tương Bần vẫn nổi tiếng khắp nơi và trở thành một loại nước chấm đặc sản khiến nhiều người “mê mẩn”. Chỉ cần gạo nếp cái hoa vàng, đỗ tương và muối là đã có thể làm tương. Ba công đoạn chính là lên mốc xôi nếp, ngả đỗ và phơi tương (ủ tương). Tương Bần Hưng Yên có hương vị khó diễn giải. Cái vị ấy ẩn dưới độ sánh rất đậm đà, chìm trong vị ngọt ngon đặc trưng.
Cùng với tương Bần, nhãn lồng trở thành niềm kiêu hãnh của mảnh đất Hưng Yên. Mùa tháng 7, tháng 8 đang là mùa nhãn lồng Hưng Yên chín rộ. Nhãn lồng Hưng Yên quả to tròn, vỏ có màu vàng nâu nhạt, cùi dày, ráo nước, bóc một lớp vỏ mỏng láng để lộ lớp cùi nhãn dày trắng ngà, bên trong là hạt nhỏ màu đen nháy, đưa vào miệng nếm thử có vị ngọt thơm, giòn dai.

Nhắc đến đặc sản Phố Hiến, phải nói đến bún thang lươn. Bát bún như một thang thuốc quý bồi bổ cho sức khỏe và như bức tranh nghệ thuật sống động với đủ màu sắc của bún, lươn, trứng, giò, hành, răm… Người thưởng thức ẩm thực sành điệu sẽ tấm tắc khi cảm nhận vị ngọt đậm đà của nước dùng.
Nhắc đến đặc sản Hưng Yên, người ta sẽ nghĩ ngay đến món giò nổi tiếng – giò bì phố Xuôi. Giò bì có độ giòn và dai đặc trưng nên rất thích hợp để nhâm nhi trên bàn tiệc.
Chè sen long nhãn là sự kết hợp tinh túy giữa hương vị trời và đất, vị ngọt thơm của long nhãn quyện lẫn vị bùi của hạt sen, tạo thành hương vị riêng biệt.
Sẽ thật thiếu sót khi không nhắc đến một món ăn đậm đà hương quê – chả gà Tiểu Quan. Gắp miếng chả gà giòn thơm, nhấp thêm chút rượu cay thực khách sẽ không quên món ăn dân dã này.
Là giống gà quý chỉ có ở huyện Khoái Châu, gà Đông Tảo còn được gọi là gà chân voi đôi chân to sần sùi như chân voi, thân hình chắc nịch. Giống gà này rất khó nuôi, đòi hỏi phải kỳ công chăm sóc và gà càng già càng quý, thịt ăn thường có mùi vị thơm ngon đặc trưng không lẫn với bất kỳ loại gà nào. Gà Đông Tảo có thể được nấu thành nhiều món, nhưng độc đáo nhất là món “vảy rồng hầm thuốc bắc” làm từ đôi chân to quá khổ của chúng.
Không nổi tiếng bằng bánh cuốn Thanh Trì, không ồn ào như bánh cuốn trứng Cao Bằng, bánh cuốn Phú Thị lặng lẽ hơn nhưng đã nếm thử thì không thể quên. Lớp vỏ bánh không bóng bằng nơi khác vì nó không được bôi một lớp mỡ mỏng. Lớp nhân cuộn bên trong lá bánh cũng đặc biệt với thịt lợn nạc băm nhỏ xào với hành khô. Bát nước chấm thêm một chút nhân thịt băm trở nên đậm đà và đẹp mắt hơn. Ăn một lần sẽ nhớ mãi miếng bánh mềm mịn cùng với vị bùi thơm.
Từ bao đời nay, bánh dày làng Gàu đã được xếp ngang với tương Bần. Bánh được làm từ gạo nếp cái hoa vàng, gạo vo kỹ, ngâm với nước sạch và đồ chín. Nhân bánh là đỗ xanh đãi sạch vỏ, thổi chín, giã nhuyễn, nắm thành từng nắm nhỏ. Nếu làm bánh mặn thì dùng nhân thịt nạc, làm bánh ngọt, trộn đỗ xanh với đường cát.
Người Hưng Yên rất tự hào với đặc sản cá mòi. Dù đi làm xa hay khách ẩm thực ở các tỉnh, thành lân cận cứ tháng Hai, tháng Ba âm lịch hàng năm lại tìm về Hưng Yên để được thưởng thức món đặc sản hấp dẫn này.

“Đi thì nhớ vợ cùng con/ Về nhà lại nhớ ếch om Phượng Tường”. Những chú “gà đồng” này có thể dùng để chế biến thành hai món là ếch om và ếch mọc. Nhưng món ếch om mới ngon và làm được nên thương hiệu ở Hưng Yên.

 

theo LINH AN (doisongphapluat)

NHỮNG MÓN ĐẶC SẢN KHÔNG THỂ KHÔNG THỬ KHI ĐẾN SƠN LA

Đến với “xứ Thái” Sơn La, là dịp để bạn tham thú cảnh quan xinh xắn hữu tình của những bản làng, ruộng vườn, nhà sàn…cũng là dịp để khám phá nét ẩm thực nổi tiếng là ngon và độc đáo của đồng bào Thái cũng như những dân tộc miền cao khác.

Sau đây là 9  món đặc sản Sơn La du khách không thể bỏ qua:

Nộm da trâu


Da trâu rất dày, cứng và dai nên thường là nguyên liệu để làm mặt trống. Ở mảnh đất Sơn La, da trâu lại là một món ăn đặc sản vô cùng lạ miệng và độc đáo. Món ăn nổi tiếng của người Thái ở Sơn La là món thấu da trâu và nộm ra trâu.

Người dân Sơn La thường phải sơ chế qua nhiều giai đoạn như hơ qua lửa, ngâm nước lã rồi khéo léo lọc da thật mỏng, thật đều tay mới có thể làm mềm nguyên liệu khó chiều này.

Người vùng cao không dùng chanh hay giấm để bóp nộm mà kết hợp da trâu với nước măng chua tạo thành hương vị khác lạ. Khi thưởng thức, bạn sẽ có cảm nhận, da trâu sần sật, đanh đanh, có hương thơm củ rau mùi tàu, mùi ta, vị bùi bùi của đậu phộng cùng vị chua thanh của măng rừng ngâm ngấu rất thú vị. Nộm da trâu là món nhắm rượu tuyệt vời ở nơi vùng cao này.

Pa pỉnh tộp


Nếu một lần lên Sơn La mà chưa thưởng thức món cá nướng gập, thì cuộc hành trình của bạn thật sự chưa trọn vẹn. Nhiều người thích món cá nướng nổi tiếng này không chỉ bởi giá trị ẩm thực của nó mà còn bởi bàn tay khéo léo của người chế biến.

Để chế biến được món pa pỉnh tộp, người ta cho rất nhiều các loại gia vị như gừng, xả, ớt tươi, rau mùi, rau thơm, hành tươi, húng và nhất thiết không được thiếu mắc khén, một loại gia vị đặc trưng của núi rừng Tây Bắc. Cá chép, cá trắm hoặc cá trôi khoảng vài lạng được mổ dọc sống lưng để nguyên nội tạng, bỏ mật và nhồi vào bụng cá cùng các loại gia vị vào tẩm ướp cho ngấm đều. Sau đó, người ta gập đôi lại, cho cá vào một đoạn tre để kẹp chặt, nướng trên than củi đã hồng.

Người nướng cá phải rất khéo léo để làm sao cho cá chín, không bị ám khói mà vẫn giữ được hương vị tự nhiên. Miếng cá chín vàng đều, tỏa mùi thơm cay cay của mắc khén, vị béo ngọt của cá, vị cay của các loại gia vị nơi đầu lưỡi khiến du khách ăn một lần mà nhớ mãi.

Thịt gác bếp


Món thịt gác bếp vốn là đặc sản của vùng núi Tây Bắc nói chung và Sơn La nói riêng. Đến với Sơn La, bạn có thể được thả mình trong không khí trong lành, dễ chịu. Vào những buổi sáng tươi mát hay buổi tối lạnh se, cả mảnh đất chập chờn trong sương, bên ngọn lửa bập bùng, thưởng thức những miếng thịt gác bếp ngòn ngọt, dai dai, vẫn còn ngai ngái mùi khói thật thú vị.

Thịt gác bếp sơ chế không quá cầu kỳ. Thịt dùng để hun khói chủ yếu là trâu, bò hay heo được thả rông trên các sườn núi, sườn đồi. Khi chế biến, người ta róc các thớ thịt ra thành từng miếng, rồi hun bằng khói của than củi được đốt từ các loại cây mọc trên núi đá. Khi thịt đã thành phẩm, mùi khói gần như vẫn còn nguyên, vương vấn trong từng thớ thịt vậy mà chẳng gây khó chịu. Chính mùi khói ấy đã tạo nên sức hấp dẫn riêng của món ăn trên vùng núi, cao nguyên quanh năm sương phủ, mây mù này.

Cơm lam


Với những người yêu Tây Bắc, không ai lạ lẫm gì món cơm lam, một món ăn đặc trưng của vùng cao. Cơm lam ngon phải được chế biến từ gạo nương, ngon nhất là gạo cẩm và nếp cái hoa vàng sau khi thu hoạch lúa xong vào tháng 9, tháng 10 âm lịch. Gạo cho thêm một chút muối, gừng được ngâm ủ qua đêm, đãi sạch rồi cho vào ống tre, thêm chút nước và nút lại bằng lá chuối, sau đó cho lên bếp lửa đốt.

Khi ăn, người ta nhẹ nhàng tách từng phần tre bó chặt vào từng cây cơm trắng nõn. Mùi thơm của gạo nếp nương mới, lẫn với chút hương vị của tre, của khói bếp, làm cho miếng cơm thật sự mang hương vị của núi rừng.

Cũng tùy từng sở thích của mỗi người mà người ta chọn châm cùng muối vùng hay chẳm chéo, món ăn đặc trưng của dân tộc Thái. Hương thơm, vị bùi của cơm dẻo, vị cay của gừng, vị ngọt của nước ống nứa, vị thanh thanh lá chuối, mùi của khói bếp lửa thật quyến rũ.

Cháo mắc nhung

Sau mùa gặt, quả mắc nhung gieo vãi trên nương bắt đầu chín mọng, bà con hái đem về rửa sạch, thêm gừng xả, trộn với gạo tấm, tưới ít nước đủ chín, túm vào lá chuối buộc chặt vùi trong tro bếp nóng, hoặc đồ xôi, chỉ 30 phút sau sẽ có ngay một món ăn sền sệt, ngăm ngăm đắng, thơm cay là lạ đầy hấp dẫn và chấm với xôi rất hợp khẩu vị.

Ngày nay, cháo mắc nhung đã trở thành món ăn đặc sản được mọi người ưa chuộng. Để có món cháo mắc nhung (tiếng Mường gọi là plải ngố), người chế biến phải biết chọn loại tẻ thơm, nếu được tấm đầu vụ gặt non (như cốm) thì càng tốt. Dùng thịt sương sườn lợn nướng khô hay hun khói, băm nhỏ nấu nhuyễn với cháo tấm. Khi cháo chín tới cho quả mắc nhung vào, đập dập củ gừng, ớt nướng và xả cả củ bỏ vào đáy nồi cháo, khuấy đều. Vài phút sau, đã có ngay món cháo mắc nhung đặc sản thơm nồng, đặc sánh.

Chẳm chéo

Với mùi vị đặc trưng của rất nhiều loại gia vị chỉ có ở núi rừng Tây Bắc, chẳm chéo là một món chấm cổ truyền của người Thái luôn mang đến cho du khách một cảm giác lạ lẫm khi thưởng thức. Đây được coi là “linh hồn ẩm thực của vùng Tây Bắc”.

Người Thái ở Sơn La sử dụng chẳm chéo trong bữa ăn hàng ngày, ngoài ra họ còn dùng để tiếp khách. Nó là món ăn dân dã nhưng cũng là đặc sản của vùng núi rùng.

Chế biến chẳm chéo khá đơn giản với nhiều nguyên liệu quen thuộc như: tỏi, ớt tươi, vài lá tỏi tươi, rau mùi, mắm, đường… và nhất là không thể thiếu bột mắc khén, loại gia vị đặc trưng của người Thái. Tất cả được giã nhuyễn trộn đều vào nhau thành một loại nước chấm sền sệt với dư vị đặc biệt.

Canh mọ

Ngày lễ Tết của người Khơ Mú không thể thiếu được món canh mọ, được chế biến từ các loại thịt chuột, chim, sóc sấy khô băm nhỏ trộn với hoa chuối, các loại rau thơm, ớt chỉ thiên, mắc khén, tấm gạo nếp cho vào ống tre, bương bánh tẻ, đổ nước vào đem đốt (như đốt cơm lam). Khi sôi lấy que tre vót nhọn sọc liên tục đến khi nhuyễn. Khi đổ ra bát nó sền sệt, sánh dùng xôi nếp nắm chấm quệt ăn rất thơm ngon.

Ngoài ra, người Thái cũng thường hay làm món mọ gà, được chế biến từ cổ, cánh, bộ lòng mề gà, băm nhỏ, mắc khén, ớt khô, củ sả giã nhỏ, bột gạo nếp trộn với nhau cho vào lá chuối túm lại bỏ vào chõ xôi sôi lên. Khi chín, vớt ra ta có một món canh đặc sánh, sền sệt, ăn với xôi hoặc cơm lam thì tuyệt vời biết mấy…

Nậm pịa

Nếu như người Mông có món thắng cố được coi là món ăn đặc trưng thì người Thái có món nậm pịa. Vì vậy đến Sơn La, bạn đừng quên thưởng thức món nậm pịa nổi tiếng.

Để chế biến được món này cần có ruột non của con trâu, bò, dê. Người ta đem tuốt hết phần ruột bên trong, dùng vải bông sạch lọc nước lấy từ ruột non sau đó đập gừng, xả, mắc khén, ớt, lá chanh băm thêm một ít thịt bạc nhạc, thái thêm ít tiết tươi, đuôi, dạ dày, cuống tim… của bò hay dê cho vào nồi đun sôi khoảng 5 phút tạo thành món ăn sền sệt.

Nậm pịa thưởng thức khi nóng sẽ rất ngon. Du khách nào mới ăn sẽ thấy có vị đăng đắng nơi cổ họng, nhưng lúc sau lại thấy ngòn ngọt và thơm thơm của mắc khén, của các loại gia vị như xả, lá chanh, gừng, ớt.

Người ta thường thưởng thức nậm pịa với thịt bò hoặc dê luộc, khi chấm những miếng thịt luộc vào bát nậm pịa sẽ cảm nhận được hương vị của các loại gia vị lan tỏa ngào ngạt, tạo nên một món ăn hấp dẫn.

Ốc Suối Bàng

Ốc đá ở Suối Bàng thường chỉ xuất hiện từ tháng 4 đến cuối tháng 8, tức là vào mùa mưa, khi thời tiết ẩm ướt, chúng thường bò ra để ăn lá cây. Những tháng còn lại chúng vùi mình trong những lớp lá dày hoặc nằm im dưới đất. Ốc này thường chỉ có ở những khu rừng rậm, nhiều cây cối, ẩm thấp, vì vậy, lên Sơn La được thưởng thức món ốc Suối Bàng béo ngậy trong ngày rét mướt thì không gì tuyệt bằng.

Món ốc luộc của người Sơn La được chế biến rất đơn giản, nhưng vị ngon ngọt của nó sẽ khiến người ăn một lần nhớ mãi. Ốc rửa sạch, không cần phải hấp cùng lá chanh hay gừng, sả. Nước chấm cũng chỉ cần cho vài lát ớt xanh đỏ, cũng đã đủ tạo nên một món ăn hấp dẫn. Con ốc đá béo ngậy khều ra quệt qua tí nước chấm bỏ vào miệng thấy cay cay đầu lưỡi, ốc chạm vào răng lại thấy giòn giòn. Ăn ốc đá nên nhai chậm và kỹ mới thấm được vị mát lành, vị thơm độc đáo.

Mimi tổng hợp (NGOISAO.NET)

9 MÓN ‘QUAN TRỌNG’ PHẢI KHÁM PHÁ Ở LÀO CAI

Đến với Lào Cai là đến với mảnh đất đầy ắp những sản vật độc đáo từ núi rừng, đến với những phong tục, tập quán từ nhiều dân tộc khác nhau…Những đặc điểm đó tạo nên sự khác biệt đầy hấp dẫn của những món ăn nơi đây.

Sau đây là những món ăn lạ lẫm bạn nên tìm ăn khi đến với mảnh đất Lào Cai:

Phở chua Bắc Hà

Bắc Hà là một huyện vùng cao ở phía Đông Bắc của tỉnh. Đến đây du khách không chỉ được khám phá đời sống thường nhật của các dân tộc miền cao Tây Bắc (chưa bị “du lịch hóa” nhiều như Sapa), mà còn được khám phá những món ăn lạ lẫm, trong đó có phở chua.

Phở chua là một loại phở trộn, dùng sợi phở nóng mới làm, trộn cùng thịt xá xíu, rau sống, lạc, gia vị, trong một hỗn hợp nước chua hơi đặc được chắt lọc từ nước ngâm rau cải.

Cuốn sủi

Cuốn sủi hay phở khan là món ăn độc đáo với sợi phở trắng mềm, điểm thêm những sợi mì củ dong chiên giòn thơm, ăn cùng thịt bò, nước sốt sền sệt là sự cộng hưởng của nhiều hương liệu khác nhau. Các hàng cuốn sủi như vậy có nhiều ở Lào Cai, dễ tìm nhất là quán ở gần ga Lào Cai

.

Quả Tỳ Bà

Tỳ bà hay nhót tây là loại đặc sản khá “hot” của Lào Cai hay Lạng Sơn. Quả này có mùi thơm, vị chua chua ngọt ngọt, hái từ những cây tỳ bà trồng trong vườn của người dân miền cao. Quả này có nhiều công dụng trong đó phổ biến nhất là trị viêm họng, phòng các bệnh cảm lạnh.

Thắng cố ngựa 

Là một món nổi tiếng nhất nhì Lào Cai, tuy vậy không phải ai cũng làm quen được với Thắng Cố ngay, vì món ăn này rất độc đáo từ hình thức, cách làm cho đến hương vị. Tuy vậy, những người có kinh nghiệm đều cho rằng đây là một món ăn tuyệt hảo. Thắng cố thường làm từ nội tạng ngựa, nấu với rất nhiều loại gia vị bổ dưỡng trên rừng núi như địa liền, thảo quả, hạt dổi, củ sả, quế chi…. Một bát thắng cố nóng giữa trời se lạnh nhấm với rượu San Lùng, rượu ngô Bản Phố… là tất cả những gì sẽ khiến bạn nhớ mãi miền đất núi rừng.

Lợn cắp nách

Gọi lợn cắp nách vì đây là giống lợn bé, có thể cắp vào nách mang đi. Lợn được người dân nuôi thả rông ở nơi địa hình phức tạp, tự mò mẫm kiếm ăn, do đó thịt lợn chắc, ngon vô cùng. Từ những con lợn cắp nách như thế, người dân ở miền núi Lào Cai đã tạo ra rất nhiều món: lợn nướng, luộc, quay, hun khói… hay các sản phẩm đặc biệt như dồi, lạp xường… tất cả đều trông rất hấp dẫn, mà đã ăn vào một miếng thì khó mà không ăn cho đến khi no kềnh mới thôi.

Nem măng đắng

Măng đắng là loại măng từ cây vầu, được đồng bào miền cao lấy về nấu chín rồi lột lấy miếng lá bánh tẻ mềm, dai để cuốn với nhân làm từ thịt, xương gà cùng các thứ gia vị. Sau khi cuốn lại thành nem, món này được rán vàng rồi bày ra dĩa. Đây là một món rất độc đáo không thể bỏ qua khi có dịp đến thăm những vùng dân cư trên núi cao Lào Cai.

Nấm chân chim

Một loại nấm có vẻ ngoài đẹp lạ lùng, và hương vị hấp dẫn. Nấm chân chim mọc ở các thân cây trên núi, được người H’mong hái cả gùi đem đến chợ, tập trung lại một dãy để bán. Nấm không chỉ ngon, còn là một loại thuốc chữa bệnh.

Thịt lợn muối

Thịt lợn muối luôn nằm trong sách hướng dẫn về các món ăn phải thử khi đến Lào Cai. Thịt lợn muối khô, dai, có vị mặn đậm đà hòa lẫn với vị chua và nhiều hương vị núi rừng khác rất thơm và lạ miệng, có khả năng ‘lấy lại vị giác’ sau khi người ta đã ăn quá nhiều thứ béo bở khác. Đây là món ăn quen thuộc ở nhiều gia đình các dân tộc tại Lào Cai, đặc biệt là dân tộc Tày ở Bảo Yên.

Rượu San Lùng

Đây là một món rượu đặc sản, được làm rất công phu từ những nguyên liệu tuyển chọn: nếp sữa trồng trên nương, các loại thảo dược quý của núi rừng… Rượu có mùi thơm dễ chịu, vị đậm đà, nhẹ nhàng mà lan tỏa… Không chỉ dùng để đãi khách, làm quà, rượu San Lùng còn được coi là một vị thuốc giúp máu lưu thông tốt, giảm đau nhức.

Táo Tàu tổng hợp

NHỮNG MÓN NGON TRÊN ĐƯỜNG VỀ MIỀN TÂY NAM BỘ

Miền tây không  chỉ nổi tiếng là nơi đất đai trù phú, lòng người rộng mở, chân thành… Miền tây còn là nơi để bạn tha hồ khám phá những món ăn ngon, lạ. Một chuyến hành trình về miền Tây là dịp để bạn bổ sung thêm rất nhiều món hấp dẫn cho kiến thức ăn uống của mình.

Sau đây là danh sách những món hấp dẫn bạn có thể dễ dàng tìm thấy trên hành trình về miền Tây:

1. Bánh xèo chảo

Bánh xèo chảo là món ăn có nguồn gốc từ miền Tây Nam Bộ. Món ăn có thành phần như chiếc bánh xèo miền Trung với tôm, thịt, giá đỗ và bột… Sở dĩ có tên gọi là bánh xèo chảo vì khuôn bánh được làm bằng những chiếc chảo lớn. Nguyên liệu quan trọng nhất để làm bánh xèo chính là bột gạo. Bột được pha với các thành phần khác như bia, nước cốt dừa, muối, bột nghệ… Chiếc chảo được làm nóng, tôm thịt cho vào xào sơ rồi rưới đều bột vào chảo, tráng nhẹ để bột dàn trải đều ra. Khi phần bột vừa chín đến thì cho giá đỗ vào. Bánh xèo chảo được ăn kèm với nước chấm có vị chua ngọt được làm từ nước mắm ngon, pha với chanh, ớt, tỏi, đường… cùng một đĩa rau xà lách, cải bẹ xanh, húng quế, húng thơm..

2. Cháo cá lóc

Cháo cá lóc ở miền Tây thường được chia làm hai loại là cháo cá lóc rau đắng hoặc cháo cá lóc rau mồng tơi. Nguyên liệu chính của món này là cá lóc đồng. Cá lóc đồng sau khi làm sạch, đem luộc chín, lột da và lấy hết xương, thịt cá trắng tinh được xếp gọn gàng trên đĩa. Tùy sở thích mà người ta có thể ăn kèm món này với nấm rơm, thêm rau đắng hoặc rau mồng tơi, cải xanh. Trong những ngày nắng nóng, cháo cá lóc không chỉ là món ăn ngon miệng mà còn có tác dụng giải nhiệt rất tốt.

3. Cơm tấm miền Tây

Không chỉ có món cơm tấm sườn bì như ở Sài Gòn. Nếu có dịp đến An Giang, du khách sẽ được nếm thử món cơm tấm Long Xuyên vừa ngon vừa lạ miệng. Không giữ nguyên miếng sườn to bản, sườn ở đây được thái thành từng lát mỏng, nhỏ vừa miệng. Ngoài thịt, đĩa cơm tấm ở đây còn có trứng kho thái thành từng lát mỏng giúp người ăn không bị ngấy. Ngoài ra, còn có bì, một ít mỡ hành, dưa chua thường làm bằng rau muống, cải, dưa leo… Ăn kèm là nước mắm pha hơi sánh (nước mắm nấu với đường theo một tỷ lệ nhất định cho đến khi đường tan hết là được) có vị cay nhẹ, đậm đà, ngon miệng.

Nếu đến Bạc Liêu, du khách sẽ được thưởng thức món cơm tấm phá lấu rất lạ miệng ở đây. Tuy không có gì đặc biệt, chỉ với một đĩa cơm tấm, bên trên là phá lấu được thái lát vừa ăn, thêm một ít đồ chua, mỡ hành và chén nước chấm, chỉ đơn giản như vậy thôi nhưng khi thưởng thức bạn mới cảm nhận được hết cái ngon của nó. Cái giòn giòn và hơi dai của phá lấu kết hợp với vị chua ngọt của đồ chua, thêm cái béo của mỡ hành tổng hòa vào nhau khiến thực khách mê mẩn khi thưởng thức.

4. Các món hủ tiếu

Như món phở của người miền Bắc hay bún bò của người miền Trung, hủ tiếu là niềm tự hào trong ẩm thực của người dân miền Tây. Món ăn có nguồn gốc của người Hoa, du nhập vào miền Tây Nam bộ. Trải qua thời gian, sự pha trộn, chế biến giữa các nguyên liệu đã hình thành nên ba thương hiệu hủ tiếu nổi tiếng ở miền Nam: Hủ tiếu Mỹ Tho, Nam Vang và Sa Đéc. Mỗi loại hủ tiếu mang đến cho bạn những hương vị khác nhau khi thưởng thức, tuy nhiên cả ba thương hiệu trên đều nổi tiếng và là món ăn quen thuộc với nhiều người.

5. Các món bún

Có thể nói, bún là một món ăn phong phú nhất ở miền Tây, có thể kể ra đây các món bún như: bún mắm, bún nước lèo, bún cá, bún gỏi già, bún tiêu giò, bún bò cay Bạc Liêu… Mỗi món bún có một hương vị khác nhau, vị đậm đà của bún mắm, vị cay của bún bò cay hay vị cay nồng đặc trưng của tiêu trong món bún tiêu giò, thoang thoảng vị mắm của bún nước lèo… mang đến hương vị phong phú cho người ăn.

6. Các món bánh canh

Danh sách của món ăn này khá phong phú với nhiều loại như: Bánh canh giò heo, bò viên, cua, ghẹ, tôm nước cốt dừa… Chính nhờ sự phong phú đó mà món ăn này trở nên quen thuộc đời sống ẩm thực của người miền Tây.

Sợi bánh canh thường được làm từ bột gạo hoặc bột mì. Nước dùng của món ăn này thường nấu sánh, hơi sền sệt có vị đậm đà. Bánh canh là món rất dễ ăn nên người dân miền Tây có thể ăn vào bất cứ thời điểm nào trong ngày.

7. Lẩu cua đồng

Trong thời tiết nắng nóng như hiện nay thì món lẩu cua đồng thích hợp nhất cho du khách trên bước đường khám phá miền Tây của mình. Món ăn là sự kết hợp giữa vị nồng của cua đồng, vị thơm của hành hoa chưng gạch cua, nước dùng có màu nâu đậm được điểm xuyết thêm màu đỏ của cà chua, xanh non của hành lá, thoang thoảng hương thơm của ngò rí. Tùy vào từng địa phương mà món lẩu được kết hợp với các nguyên liệu khác như tôm, ghẹ, mực, cá bống mú, chả cá… các loại rau vườn như đọt nhãn lồng, rau trai, bông bí, rau mồng tơi, nấm… Ăn kèm với lẩu có thể là bún tươi hoặc mì đều thích hợp.

8. Lẩu mắm

Lẩu mắm là món ăn rất nổi tiếng ở Cần Thơ cũng như các tỉnh lân cận. Từ các loại cá đồng, cá sông cùng nhiều loại rau có sẵn trong vườn nhà, người dân xứ miệt vườn đã làm nên món lẩu mắm độc đáo được nhiều người ưa thích. Cái tên gọi đã nói lên thành phần của món ăn, trong đó mắm là hương vị chính, ngoài ra còn có các nguyên liệu khác như: thịt heo, tôm, mực, các loại cá như: cá lóc, cá kèo, cá bông lau…cùng các loại rau vùng miệt vườn như: bông súng, kèo nèo, bắp chuối, cải xanh, rau đắng, cà tím, rau nhút, bông bí…

9. Lẩu cá linh bông điên điển

Đây là món ăn phổ biến vào mùa nước nổi (khoảng từ tháng 8 đến tháng 11 hằng năm). Để làm món ăn này, người ta chọn những con cá linh còn tươi rói, béo tròn, làm sạch mang, móc bỏ ruột, rửa lại bằng nước rồi để ráo. Bông điên điển chọn loại còn tươi, chưa bung cánh, khi ăn vừa giòn vừa có hương thơm nhẹ. Tùy theo từng vùng mà nước dùng của món lẩu này được nấu bằng nhiều cách khác nhau. Có người ninh xương heo, xương cá để lấy vị ngọt, nhưng cũng có nơi nấu bằng nước dừa tươi để nước lẩu vừa trong vừa có vị ngọt thanh dễ chịu. Là món ăn hương đồng gió nội nhưng lẩu cá linh bông điên điển chinh phục người ăn ngay từ màu sắc, hương thơm thoang thoảng cùng vị chua thanh của nước dùng, bên cạnh đó là thịt cá béo ngọt ăn kèm nước mắm nguyên chất, càng làm cho món lẩu này trở nên đậm đà.

10. Các món bánh

Các loại bánh ở miền Tây đươc chia làm hai loại là bánh ngọt và bánh mặn. Về bánh mặn, có cách loại như bánh tằm bì, bánh củ cải, bánh tét lá cẩm, bánh cóng, bánh hỏi, bánh xếp…

Riêng các loại bánh ngọt, nổi tiếng nhất là bánh pía, ngoài ra còn có bánh ống lá dứa, bánh ít, bánh chuối, bánh tai yến… Bên cạnh các món bánh, các món chè của miền Tây cũng rất phong phú như chè bà ba, chè bưởi, chè chuối nước cốt dừa…

Theo Huấn Phan (ngoisao)

NHỮNG MÓN ĂN HẤP DẪN NÊN THỬ Ở HÀ TIÊN

Đất Hà Tiên nổi tiếng với cảnh vật hữu tình, người dân thuần hậu dễ mến… Đất Hà Tiên còn là nơi đón nhận nhiều sản vật ngon từ biển, từ rừng, những thứ đã tạo ra những món ăn hấp dẫn khiến du khách đã ăn một lần là nhớ mãi.

Khi đã nói đến những món ngon ở miền Tây chắc chắn những người sành ăn sẽ không thể bỏ qua các món đặc sản của người dân địa phương tại Hà Tiên. Đây là vùng đất từ lâu nổi tiếng bởi có nhiều thắng cảnh đẹp và có nhiều món ăn ngon, độc đáo, hấp dẫn, với sự kết tinh giữa các dân tộc Việt – Hoa – Khơme.

Nem nướng


Nem được vo dài dọc hoặc tròn và được nướng chín vàng trên bếp than hồng. Có rất nhiều loại nước chấm ăn khi thưởng thức món ngon này, nhưng đặc trưng và nổi tiếng nhất là nước chấm được làm từ tương ngọt nấu chín với nước me chua để tạo thành nước chấm đậm đà. Xà lách, tía tô, húng thơm, dưa chuột, khế, chuối chát… là các loại rau đặc trưng khi ăn nem nướng. Dùng bánh tráng lót phía dưới, cho rau sống, chuối, dưa chuột, dứa lát mỏng, sau đó tách nửa phần nem đã nướng vàng thơm, cuốn tròn lại chấm vào chén tương có một ít lạc rang vàng, ớt băm cay the the… bạn sẽ cảm nhận được mùi vị thơm lừng đặc trưng.

Bánh tằm bì
Bánh tằm bì có nhiều trong thực đơn miền Tây Nam bộ. Chính vị béo, mặn, ngọt và thơm thơm làm cho món ăn thêm hấp dẫn. Nguyên liệu quan trọng của bánh chính là sợi bánh phải hấp sao cho vừa mềm, vừa dai. Những sợi bánh tằm trắng, dai dai vừa được hấp chín thơm hương vị của bột gạo. Món này sẽ ngon đậm đà hơn nhờ vị béo của nước cốt dừa. Nước mắm pha sao cho có độ chua ngọt và cay cay để món ăn thêm phần hấp dẫn, ăn kèm rau sống, bì, giá sống, dưa leo băm mịn.

Cơm gà
Do Hà Tiên là vùng đất có nhiều dân tộc Việt – Hoa –  Khơme sinh sống, nên món cơm gà Hải Nam cũng góp phần làm cho ẩm thực nơi đây thêm phong phú và đặc trưng. Điểm đặc biệt hấp dẫn ở món cơm gà Hải Nam của xứ sở này là gà được ướp với rất nhiều gia vị thơm ngon và nướng vàng (chứ không luộc). Cơm được nấu gạo dẻo thơm nồng. Món ăn còn có sự kết hợp tuyệt vời giữa đồ chua rau củ, xà lách, rau thơm, dưa leo. Thịt gà mềm, dậy mùi thơm với phần da gà giòn ngon tuyệt ăn cùng cơm và nước chấm pha chua cay ngọt rất hài hòa… đã làm nên sự hấp dẫn cho món ăn.

Hủ tiếu hấp
Hủ tiếu hấp là món ăn dân dã có xuất xứ từ Phnom Penh (Campuchia). Khi được du nhập và giao thoa vào miền Tây Nam bộ, món ăn đã chuyển mình phong phú thành một món ăn ngon, đa dạng và hấp dẫn. Nguyên liệu làm hủ tiếu hấp được sử dụng từ sợi hủ tiếu tươi, có độ dai và mềm. Sợi hủ tiếu cho vào xửng hấp. Những sợi hủ tiếu hấp kết hợp kèm bì trộn thính và thịt heo nạc xắt sợi, chả giò chiên hoặc thịt nướng, dưa leo, giá và một ít rau thơm, mỡ hành, ớt băm nhuyễn… Riêng nước mắm chan món bún này phải được pha bằng nước mắm nấu với đường cát, kết hợp cùng tỏi ớt băm nhuyễn và chanh chua sao cho hài hòa.

Bánh lọt xào
Đây là món ăn khá lạ so với người dân Sài Gòn. Tuy nhiên, nếu như bạn từng thưởng thức món bánh lọt xào một lần, chắc hẳn bạn sẽ không thể nào quên hương vị đặc trưng thơm ngon. Ngoài bột để làm thành những sợ bánh, món ăn còn có thêm các thành phần quan trọng như trứng gà, giá hẹ, tôm tươi hoặc có thể thay thế là bò tùy theo sở thích, lạc rang vàng, hành lá, chanh tỏi ớt, và các gia vị nêm… Món bánh lọt xào khi dùng nóng, bạn sẽ cảm nhận hết vị tươi ngon từ thịt tôm băm, vị ngọt từ rau hẹ, giá và hương vị thơm phức từ bánh lọt đã chiên vàng. Món ăn kèm nước mắm pha chua cay ngọt.

Bánh canh hải sản
Một món ăn được xem là ngon không chỉ đánh thức được khứu giác, vị giác mà còn phải thỏa mãn thị giác cho thực khách. Khi đã hội tụ đủ ba yếu tố hương – sắc – vị thì món ăn mới thực sự tinh tế. Chính vì vậy, ngoài loại bột để se nên những sợi bánh canh trắng trong và ngon, không thể thiếu các thành phần phụ như mực, tôm, trứng cút và đặc biệt nước lèo phải đậm đà (nước lèo có thể ninh từ xương hoặc nấu cùng một số hải sản cho ngọt nước và thơm mùi đặc trưng). Tất cả được hòa quyện vào nhau một cách hào hòa và khéo léo, tạo nên một món ăn đặc trưng riêng cho xứ biển Hà Tiên.

Chả cá chiên
Hà Tiên là xứ biển nên rất nhiều tôm cá. Vì vậy, ngoài những món cá ăn thông thường như nấu canh chua, chiên, hấp… chả cá chiên cũng là một món ăn khá thú vị. Món được làm từ cá rựa, cá chai hoặc cá thu quết cùng hành, tiêu cho thật nhuyễn và dai, sau đó cán mỏng, rồi chiên vàng đều. Món chả cá Hà Tiên đặc biệt ở chỗ được kết hợp kèm đu đủ và cà rốt bào thành sợi mỏng, rồi ngâm chua với ớt cay. Chính sự kết hợp khéo léo này đã tạo nên một đặc trưng rất riêng và là điểm nhấn cho những ai có dịp đến Hà Tiên để tham quan cảnh đẹp và thưởng thức món ăn ngon nơi đây.

Xôi
Ẩm thực miền Tây nói chung và ẩm thực Hà Tiên không cầu kỳ nhưng vẫn có sức thu hút và luôn khiến du khách phải nhớ mãi hương vị mà mình đã có dịp thử qua. Những món ăn trên luôn hấp dẫn du khách bởi sự giản dị, mộc mạc vốn có. Vùng đất Hà Tiên xinh đẹp này còn rất nhiều món ngon để thực khách có thể đến thưởng thức và khám phá.
Xôi Hà Tiên có cả xôi mặn và xôi ngọt, được nấu khéo léo với hương vị thơm ngon rất đặc trưng. Người Hà Tiên dùng loại nếp thật ngon để nấu xôi, nên khi xôi vừa chín tới đã lan tỏa mùi thơm nồng khắp nơi. Xôi mặn Hà Tiên rất ít gia vị, chỉ có tôm khô giã rắc trên mặt xôi nhưng vị đậm đà. Với xôi ngọt, thực khách có thể thưởng thức xôi xoài hay xôi hột gà, còn xôi dừa thì vừa béo, vừa ngọt thơm. Điểm đặc biệt của món xôi nơi đây là người bán sẽ dùng bánh phồng cuộn bên ngoài để giữ chặt xôi và ăn ngon miệng hơn. Sự trộn lẫn tất cả hương vị này đã tạo nên nét độc đáo riêng của món xôi Hà Tiên.

Bài & ảnh: Thư Kỳ (Ngoisao)

NHỮNG MÓN ĂN DU KHÁCH KHÔNG THỂ BỎ QUA KHI ĐẾN HUẾ

Đất cố đô gắn liền với những di tích lịch sử quan trọng và những thắng cảnh thiên nhiên xinh đẹp. Đến với Huế, du khách còn được thưởng thức những món ăn đậm đà từ những sản vật độc đáo qua bàn tay khéo léo và trí óc sáng tạo của con người nơi đây.

Sau đây là những món ăn bạn nên thưởng thức nếu có dịp đi ra Huế:


Chè

Chè là món ăn quen thuộc ở mọi địa phương, nhưng nói đến chè Huế, người ta vẫn phấn khích hơn. Đó là vì chè tại các quán chè ở Huế có rất nhiều loại, trình bày bắt mắt, hấp dẫn. Từ chè đậu ván, đậu ngự, đậu xanh, đậu đen, cho đến chè khoai, chè bột lọc, thịt quay… bạn đều có thể tìm thấy trong bất cứ một tiệm chè nhỏ nào. Một ly chè tại Huế thường ít ỏi, dường như là để “chừa bụng” cho bạn gọi thêm vài món chè khác.

Bún bò

Được xem là món ăn tiêu biểu nhất của nền ẩm thực Huế. Bún bò Huế có sức hấp dẫn đặc biệt đối với khách thập phương, trong nước cũng như quốc tế. Sợi bún, rau sống là những thành phần quan trọng, nhưng cái làm nên sự đặc biệt của tô bún bò Huế là ở nước dùng. Nước dùng bún bò là sự phối hợp ăn ý giữa nhiều thứ nguyên liệu với nhau như ớt, sả, được chấm phá thêm vị mặn mà đặc trưng của mắm ruốc Huế. Ăn xong tô bún bò Huế người ta có cảm giác “thỏa mãn” lạ kỳ mà ít món ăn nào mang lại được.

Bánh khoái

Bánh khoái có lẽ liên quan tới bánh xèo ở nhiều địa phương miền Trung, nhưng khi ăn rồi bạn mới thấy nó thật đặc biệt. Bánh khoái vỏ dày, giòn tan, bột vỏ thơm lừng, cộng với đó là phần nhân từ tôm, thịt, một chút rau nhợ. Bánh khoái chấm với tương gan heo pha chế theo công thức đặc biệt, mang lại sự đầy đặn trong vị giác. Tại Huế có nhiều chỗ đổ bánh khoái ngon, trong đó nổi tiếng là bánh khoái Lạc Thiện ở Thượng Tứ.Bánh khoái (ảnh: Dangngoctai)
Bèo nậm lọc ram ít
Bèo, nậm, lọc, ram, ít là tên những loại bánh được bán chung trong những hàng bánh lụp xụp trên vỉa hè Huế. Các món đơn giản chỉ làm từ bột gạo, bột nếp, bộ năng, thêm ít tôm chấy, thịt băm…nhưng khi ăn với phần nước mắm được pha hấp dẫn, món ăn có thể chinh phục bất cứ khẩu vị nào. Có thể nói bèo nậm lọc ram ít là những món bánh được liệt kê đầu tiên trong danh sách những món phải ăn ở Huế của khách du lịch.
Cơm chay
Huế có một “bộ môn” ẩm thực độc đáo đó là cơm chay. Cơm chay Huế được liệt vào dạng “phải ăn” khi đến Huế vì sự đa dạng, phong phú và rất ngon miệng của những món ăn đầy sáng tạo, đẹp mắt được truyền đời từ các nghệ nhân Huế. Đặc biệt, cũng với những nguyên liệu rau, củ, nấm thông thường, nhưng bạn có thể gọi những món giò, chả, nem công, chả phượng, tôm hùm, cá rán… với hương vị ngon lành khó phân biệt với “đồ thật”.
Cơm hến
Cơm hến thường bán với bún hến, là món quà sáng đơn sơ nhưng “ảo diệu” của người Huế. Món ăn chỉ làm từ cơm nguội, một số loại rau rẻ tiền cùng với chút hến, đậu phộng, mắm ruốc… nhưng khi trộn lên, tất cả hương vị như bổ sung cho nhau một cách hoàn hảo, khăng khít. Cơm hến có ở khắp nơi nhưng người ta thường đến khu vực thôn Vĩ Dạ, đường Hàn Mạc Tử bên cồn Hến để ăn món này vì cho là ngon nhất.
Bánh canh Nam Phổ 

Đây là món ăn nổi tiếng từ làng Nam Phổ, huyện Phú Vang. Bánh canh có sợi dai nhẹ từ bột gạo pha bột lọc, ăn với nước xương pha nước luộc tôm có độ sánh cao. Trong tô bánh canh Nam Phổ luôn hấp dẫn bởi màu thịt tôm tươi vàng nổi trội. Nam Phổ cách trung tâm Huế chừng 10km, nhưng bánh canh Nam Phổ thì có ở mọi ngóc ngách của thành phố nhỏ nhắn này.
Nem lụi
Nem lụi là một kiểu nem nướng ăn với các loại rau sống, bánh tráng và tương chấm. Nem ở đây làm từ thịt giã nhuyễn, bì sợi, mỡ heo thái lựu, ướp với thính, gia vị rồi đắp vào que tre sau đó nướng vàng. Nem có vị chua ngọt thơm ngon của thịt lên men, là món ăn hấp dẫn biết bao du khách ngay từ lần đầu dạo qua những con phố ẩm thực của Huế.

MÓN NGON ĐỒNG THÁP MÙA NƯỚC NỔI

Mùa nước nổi miền tây bắt đầu từ khoảng tháng 8 tới tháng 11 Âm lịch. Lúc này, bên cạnh tỉnh An Giang là nơi nước đổ về, thì dân du lịch cũng tìm đến Đồng Tháp, nơi có vùng Đồng tháp Mười mênh mông, để thăm thú cảnh quan nước nổi cũng như thưởng thức những món “quà” khi nước đổ về.

Sau đây là một số món đặc trưng không thể bỏ qua khi có dịp đến với Đồng Tháp vào mùa nước nổi.

Lẩu cá linh bông điên điển


Khoảng thời gian từ tháng 9 đến hết tháng 11 là mùa nước nổi ở Đồng Tháp và cũng là mùa cá linh sinh sôi, mùa bông điên điển nở vàng ven các sông. Cá linh và bông điên điển là đặc sản mùa nước nổi của Đồng Tháp, người dân địa phương thường dùng chúng để chế biến thành rất nhiều món ăn hấp dẫn, trong đó món đặc sản nổi tiếng nhất du lịch Đồng Tháp mùa nước nổi chính là lẩu các linh bông điên điển.

Theo kinh nghiệm ăn uống ngon và rẻ khi du lịch Đồng Tháp mùa nước nổi, thì lẩu cá linh bông điên điển ngon nhất là vào đầu mùa nước nổi, bởi lúc này cá linh chưa lớn hẳn nên xương rất mềm, thịt ngọt, bụng lại có chút mỡ nên ăn rất ngon và béo ngậy. Đặc biệt, bông điên điển đầu mùa cũng thơm, bùi và giòn hơn những thời điểm khác. Sự kết hợp của cá linh và bông điển điển sẽ đem lại một hương vị thơm ngon, thanh mát và lạ miệng mà không món lẩu nào bạn đã từng ăn có được.

Ăn kèm với món ngon đặc sản nổi tiếng phải ăn một lần khi du lịch Đồng Tháp mùa nước nổi này là bún tươi, cơm trắng, mắm ớt và một số loại rau đặc trưng khác. Ngoài ra, bạn đừng quên thưởng thức thêm món lẩu riêu cua đồng đặc biệt của Đồng Tháp nữa nhé.

Các món ăn từ ếch đồng


Mùa nước nổi đã mang đến cho Đồng Tháp rất nhiều món ăn ngon dân dã, trong đó phải kể đến những món ăn ngon từ ếch đồng như: Ếch chiên bơ, ếch xào lăn nước cốt dừa, ếch nướng sả ớt hay nấu cháo ếch….

Ếch vào mùa nước nổi ở Đồng Tháp rất to, béo, đùi căng múp thịt và rắn chắc. Khi chế biến thành món ăn thường rất thơm, ngon và hấp dẫn. Chính vì thế ếch đồng luôn là một trong những món ăn ngon dân dã đặc trưng và hấp dẫn nên thử ăn một lần khi du lịch Đồng Tháp mùa nước nổi.

Bông súng mắm kho


Là một món ăn dân dã đặc trưng và phổ biến ở Đồng Tháp nhất định phải thử một lần. Du lịch Đồng Tháp mùa nước nổi không chỉ là mùa của bông điên điển mà còn là mùa hoa súng. Người dân nơi đây thường chọn những bông súng trắng, cọng nhỏ và mọc ở đìa, bởi đây mới là những bông súng mềm, ngon và ngọt. Còn mắm, họ sẽ lấy loại mắm đỏ, lọc bỏ xác và cho vào nồi nấu chung với nước dừa, thịt ba chỉ, cá rô đồng, cá lóc và sả ớt. Khi nào nồi mắm sôi, người ta sẽ vớt bọt vài lần rồi bỏ ra để ăn nóng cùng bông súng và một số loại rau sống khác.

Vị mắm kho đậm đà, hơi cay kết hợp với vị ngọt và giòn của bông súng đã tạo thành một món ăn dân dã tuyệt vời cho vùng Đồng Tháp mùa nước nổi.

Chuột quay lu


Nhắc đến những món ăn ngon đặc sản không thể không thưởng thức khi du lịch Đồng Tháp mùa nước nổi, chắc chắn không thể bỏ qua món chuột quay lu Cao Lãnh.

Sau mỗi mùa gặt, người dân vùng Cao Lãnh lại bắt đầu săn những con chuột béo múp do ăn nhiều thóc lúa để chế biến thành nhiều món khác nhau như: Chuột xào lăn, xé phay, chuột xối mỡ, luộc cơm mẻ, xào sả ớt gói với rau sống và bánh tráng,…nhưng ngon nhất và nổi tiếng nhất vẫn là món chuột quay lu. Khi nếm miếng thịt chuột đồng có da giòn tan, thịt chín mềm, thơm lừng và đậm đà chẳng kém gì thịt hươu, thịt nai bạn sẽ biết tại sao đây là là một trong những đặc sản nổi tiếng Đồng Tháp không thể bỏ qua.

Tắc kè xào lăn


 

Bên cạnh hai món ngon dân dã đặc trưng và phổ biến ở Đồng Tháp mùa nước nổi nói trên, bạn cũng hãy nếm thử thêm món tắc kè xào lăn nữa nhé. Món này không chỉ thơm ngon, lạ miệng mà còn rất bổ dưỡng, đặc biệt là với nam giới.


Cơm gói lá sen

Thêm một món ăn đặc sản không thể không nếm thử khi du lịch Đồng Tháp là cơm gói lá sen. Đây là một trong những món ăn cung đình chỉ Đồng Tháp mới có và ngon không đâu sánh bằng.

Cơm được nấu bằng gạo huyết rồng (một loại gạo hạt nhỏ, trong, thon dài và màu đỏ), hạt sen và muối mè bọc trong lá sen rồi đem hấp chín. Khi cơm chín, mở lá sen ra, bạn sẽ thấy hạt sen màu trắng, muối mè màu đen nổi bật trên nền cơm đỏ, rất bắt bắt. Không chỉ vậy, cơm lại rất ngon, càng nhai càng ngọt, bùi và thơm mùi sen.

Ngoài ra, bạn cũng hãy để bụng để thưởng thức thêm món cơm rang lá sen nữa nhé. Cơm rang cùng thịt, lạp xường, hạt sen, hạt đậu hà lan, cà rốt, trứng… sau đó bó trong lá và đem ủ nóng, khi nào khách ăn thì sẽ bỏ ra. Vị ngon đậm đà của cơm rang cùng các loại nguyên liệu kết hợp với hương thơm của lá sẽ sẽ làm bạn nhớ mãi không quên món ăn tuyệt vời này.

Hủ tiếu Sa Đéc

Hủ tiếu là một trong những món ngon đặc sản nổi tiếng và phổ biến. Có thể bạn đã ăn món này ở rất nhiều nơi, nhưng đừng vì thế mà bỏ qua nó khi du lịch Đồng Tháp mùa nước nổi.

Hủ tiếu Sa Đéc có sợi mềm, không bở, không dai, màu trắng sữa và rất thơm. Đặc biệt, nước dùng rất thơm, ngọt thanh nhưng không quá béo ngậy. Khi nào khách gọi, đầu bếp sẽ cho hủ tiếu vào tô, rắc chút thịt nạc băm, chả vàng, tim, gan… cùng hành lá và ngò băm nhuyễn lên trên rồi mới chan nước dùng vào.

Mỗi phần hủ tiếu được phục vụ kèm đĩa giò, quẩy, rau sống, xì dầu, ớt sừng trâu xắt lát ngâm giấm. Khi ăn, thực khách trộn tất cả các nguyên liệu lại rồi từ từ thưởng thức, sẽ cảm nhận được hương vị tuyệt vời của hủ tiếu Sa Đéc. Ngoài ra, đừng bỏ qua món hủ tiếu khô độc đáo, lạ miệng nữa nhé.

Theo Dulich9

NHỮNG ĐẶC SẢN KHÔNG THỂ BỎ QUA KHI ĐẾN VỚI HÀ TĨNH

Về quê hương ví dặm Hà Tĩnh, bên cạnh việc chiêm ngưỡng cảnh quan sông nước hữu tình, thưởng thức những làn điệu dân ca mộc mạc ân tình, du khách còn phải nếm trải những hương vị rất riêng từ những món đặc sản phổ biến nơi đây.

 

Cam bù Hương Sơn

Là đặc sản nổi tiếng của huyện Hương Sơn, được trồng chủ yếu ở 12 xã trong huyện, gồm: Sơn Bằng, Sơn Trung, Sơn Phúc, Sơn Phú, Sơn Mai, Sơn Thuỷ, Sơn Trường, Sơn Hàm, Sơn Quang, Sơn Diệm, Sơn Lâm, Sơn Kim. Cam bù khi chín vỏ đỏ, xốp dễ bóc vỏ, múi cam mọng nước, ít hạt, ăn có vị ngọt, hương thơm quyến rũ, giá trị dinh dưỡng cao. Đây là cây bản địa được chọn lọc tự nhiên qua hàng trăm năm. Cam bù Hương Sơn là đặc sản mà du khách thường mang về làm quà cho người thân khi đến Hà Tĩnh.

Hồng Đông Lộ và Hồng Tiến

Có hai loại quý nhất là hồng Đông Lộ (Thạch Hà) và hồng Tiến (Nghi Xuân). Hồng Đông Lộ có quả hình vuông, màu xanh cam hoặc vàng, ruột màu vàng, khi chín ăn vừa ngọt, vừa thơm. Hồng Tiến Nghi Xuân (dùng để cung tiến vua ngày xưa nên gọi là hồng Tiến) khi chín có màu sẫm rất đẹp, mọng, vỏ mỏng (dân địa phương gọi là hồng trứng), ăn mềm ngọt mát và thơm. Cả hai loại hồng đều chín từ cuối hè cho đến hết thu.

Đến Hà Tĩnh, nếm thử quả hồng du khách sẽ thấy khỏe và sảng khoái hẳn lên. Thật thú vị khi được ngồi trên chiếc chõng tre dưới tán cây hồng, nhấm nháp quả ngọt ngon, nghe những câu chuyện lưu truyền trong dân gian về những quả hồng tiến vua, về những cây hồng tổ, nghe hát ca trù Cổ Đạm, hát giặm, hát ví “giận thương”…

Bún bò Đức Thọ

Để có một tô bún bò ngon, ngoài bún được làm từ gạo quê Đức Thọ, sợi bún to tròn và có màu hoa cau, thịt bò cũng phải là thịt của con bò được chăn thả vùng ven đê ở làng quê Đức Thọ, như thế thịt sẽ mềm, ngọt. Nước dùng được hầm từ xương ống, đuôi bò. Trong quá trình chế biến nước dùng, người đầu bếp phải rất tỉ mỉ, xương phải rửa thật sạch cho đến khi hết máu còn dính lại, thường xuyên gạn bỏ bọt trên nồi nước hầm xương để màu nước dùng luôn được trong; thịt bò được thái hơi dày sẽ mềm và ngọt hơn khi ăn. Hành lá, lá mùi tàu, nước mắm ớt, tỏi dầm, tiêu, thêm một múi chanh sẽ là những gia vị ăn kèm cho một tô bún bò hoàn hảo. Để rồi những ai đã một lần thưởng thức phải nhớ mãi!

Hến sông La

Hến là món ăn phổ biến của mọi gia đình ở vùng ven sông La (Đức Thọ, Hà Tĩnh). Từ hến có thể chế biến ra nhiều món ăn để thay đổi hương vị cho bữa cơm thường ngày, như hến xào giá, ăn kèm bánh tráng; canh hến nấu rau tập tàng; cơm nước hến thêm chút gừng cay ăn kèm với cà muối mới thật đậm đà làm sao.

Hến có một hương thơm đặc trưng quyến rũ, bát nước Hến đầu tiên nóng hôi hổi mát, thơm, đậm ngọt, bổ dưỡng, màu trắng sữa như nguồn sống vô tận của dòng sông quê mẹ. Đúng như câu ca ai ví “Dẫu ai đi quanh về quắt – không kẻo nước giắt Kẻ Thượng” (Giắt là loại Hến con sinh sôi rất nhanh vào mùa hè, thích nghi sống ở vùng nước lợ như phía hạ nguồn giáp ranh giữa sông La và sông Lam).

Kẹo cu đơ

Kẹo cu đơ có hình tròn như chiếc gương, nhìn bề ngoài thô ráp và sần sùi nhưng lại rất thơm, có vị đậm đà của mật mía, thơm cay cay của gừng tươi, cái giòn tan của lạc và bánh tráng vừng. Miếng bánh vừa dai, vừa ngọt, vừa thơm lại cay nhẹ… ăn rất lạ miệng.

Đây cũng là đặc sản đặc trưng nhất của người Hà Tĩnh bởi nó chứa hương vị thiên nhiên và hơi thở cuộc sống. Vị ngọt của cu đơ như sự hiền hòa nhân hậu chịu thương chịu khó. Vị chát của chè xanh như những thăng trầm, khắc nghiệt của thiên tai mà con người nơi đây quanh năm phải gánh chịu. Có lẽ vì thế, khắp một dải miền Trung, du khách đi qua vẫn nhớ về kẹo cu đơ, nước chè xanh của người Hà Tĩnh.

Bánh đa vừng

Ở Hà Tĩnh có một món ăn dân dã, rẻ tiền mà thật ngon, đó là bánh đa. Vùng nào, chợ nào, quán nào cũng có nhưng nổi tiếng nhất vẫn là bánh đa Chợ Tỉnh, Chợ Cầy, Chợ Hội… Bánh đa ở những vùng này dầy, to, giòn và đặc biệt là có rất nhiều vừng đen, ăn vừa béo, thơm, vừa giòn, khi đói có thể ăn trừ cơm, chỉ thấy no mà không thấy chán.

Bánh đa ở Hà Tĩnh được làm hoàn toàn bằng gạo ngon, không pha thêm ngô, sắn như ở nhiều nơi khác. Thông thường khi làm bánh đa, nguời ta chọn loại gạo gié vụ mùa, vừa dẻo, vừa thơm, không dùng gạo xay từ các vụ lúa trước, năm trước vì lúa để lâu nên gạo mất chất.

Khách cầm bánh, bẻ từng miếng, chấm với nước mắm cốt pha chanh, ớt cay xè, có vài giọt cà cuống thì càng ngon tuyệt. Ở Hà Tĩnh người ta còn ăn bánh tráng xúc nham (gỏi) bắp chuối, hến xào…

Gỏi cá đục

Về với mảnh đất của đại thi hào Nguyễn Du, là cái nôi của ca trù… chúng ta sẽ được thưởng thức nhiều món ăn được chế biến từ biển, trở thành nét văn hóa riêng của làng biển Xuân Nghi.

Cá đục dài khoảng 13-18 cm, thân to hơn ngón tay cái, sống gần bờ biển, có hình dạng tương tự loài cá bống nước ngọt. Cá đục có thể chế biến được rất nhiều món ngon vì thịt chắc, trắng, có vị ngọt và hầu như mùa nào cũng có.

Ăn gỏi cá đục nhất thiết phải có rau thơm và các loại lá sung, lá đinh lăng, lá xoài non… cùng với xoài xanh, khế chua, chuối xanh thái lát mỏng. Khi ăn dùng bánh đa nem cuộn rau với cá, chấm với nước lèo, bạn sẽ cảm nhận được vị béo của cá, vị bùi của cùi dừa, vị cay, vị chua lẫn vị thanh thanh, ngọt ngọt rất đặc biệt.

Mực nhảy Vũng Áng

Vùng biển Vũng Áng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh là khu kinh tế cảng biển sầm uất, sôi động, non nước hữu tình nổi tiếng với món hải sản có tên là mực nhảy. Vì mực ở đây khá to con, được chế biến ngay sau khi đánh bắt, vẫn giữ nguyên được độ tươi nên người dân địa phương đặt tên là mực nhảy.

Mực nhảy có thể được chế biến thành nhiều món ăn khác như luộc, xào, hấp hay gỏi. Mực nhảy có vị tươi, ngon, thơm rất đặc trưng, khác hoàn toàn so với các loại mực ở vùng biển khác trên cả nước.

Ram bánh mướt

Ram theo tiếng Hà Tĩnh dùng chỉ món nem rán, là món ăn nổi tiếng, góp phần làm nên hương vị ẩm thực Việt Nam. Nhưng ăn ram ở Hà Tĩnh, sẽ cảm nhận một hương vị thật khác. Bánh mướt là cách gọi khác của bánh cuốn, bánh ướt – món ăn ưa dùng của xứ Nghệ. Bánh mướt đơn giản chỉ cần chấm mắm, thường ngày là bánh mướt cuốn chả, sang hơn là canh gà bánh mướt. Người miền Bắc thường cuốn mướt với nhân thịt, khi tráng cho nhiều mỡ, nhưng người miền Trung bánh mướt để không nên khi ăn thưởng thức được hương vị mát lành, thanh đạm.

Ram mướt là thức bánh kết hợp hài hòa hai loại khác nhau, vừa giản dị vừa tinh tế, ăn vào giòn mà dẻo, béo nhưng không ngấy. Cuốn ram với bánh mướt chấm với nước mắm tỏi ớt rồi ăn ta sẽ thấy hương vị không thể chê vào đâu được. Nếu bánh cuốn ram ăn vào buổi sáng sớm thì ram rau sống lại ăn bất cứ khi nào.

Bánh bèo Hà Tĩnh

Bánh bèo là một loại bánh dân dã và không phải là đặc sản riêng của vùng nào, nên có ở khắp các miền đất nước như Huế, Nghệ An, Quảng Bình…. Khác với bánh bèo ở các nơi khác, bánh bèo Hà Tĩnh mang một sắc thái ẩm thực riêng.

Bánh bèo ở Hà Tĩnh được làm từ bột lọc, nhân trong làm từ tôm non bóc vỏ hoặc từ thịt nạc được xào lên cùng với hành khô, sau đó ăn kèm với rau thơm, bánh bèo khi ăn chấm nước mắm chua ngọt pha thêm tương ớt để tạo nên vị vừa cay, vừa chua ngọt.

Bánh bèo dù ăn nóng hay nguội đều ngon và hấp dẫn. Khi ăn nóng, kèm nước mắm cay trong những ngày trời se se lạnh sẽ thấy ấm lòng. Còn khi ăn nguội, bánh hơi dai, giòn mang vị đậm đà.

Bưởi Phúc Trạch

Mời về Phúc Trạch quê em/ Chè thơm bưởi ngọt người quen đợi chờ… Bưởi Phúc Trạch là đặc sản của huyện miền núi Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, được bạn bè gần xa biết đến. Bưởi có dạng hình cầu tròn, nhỏ chứ không to, khi ăn vào có vị thanh chua rồi ngọt hậu tới cổ, thơm nhẹ tự nhiên. Thịt bưởi có màu hồng nhạt hoặc màu trắng trông rất đẹp mắt. Bưởi Phúc Trạch tự hào là một trong 7 loại cây ăn quả quý hiếm của cả nước.

TH (th)/Báo Gia đình & Xã hội

 

18 MÓN ĐẶC SẢN CHỜ BẠN KHÁM PHÁ TẠI BẮC KẠN (PHẦN 2)

Tiếp theo bài trước, mời các bạn đến với những món ăn ngon của Bắc Kạn, miền đất xinh tươi ở miền núi cao phía Bắc của đất Việt.

Phần 1: 18 MÓN ĐẶC SẢN CHỜ BẠN KHÁM PHÁ TẠI BẮC KẠN (PHẦN 1)

Rau dớn

Rau dớn là một loại cây thuộc họ quyết, giống như cây dương xỉ, cành dài lá nhỏ, mặt lá có màu xanh nhẵn, cuống lá có lông. Ở Bắc Kạn, rau dớn thường mọc ở vùng núi cao, nơi ngọn nguồn của các con sông, con suối và thường mọc ở bờ suối, bờ khe, nơi có độ ẩm ướt cao. Rau dớn ăn ngon nhất là sau mùa lụt đến cuối mùa xuân. Lá rau dớn non uốn cong như vòi voi, có nhựa nhớt, cây xanh tươi tốt quanh năm. Đồng bào thường chỉ hái ngọn cong non, lá bánh tẻ để ăn.

Đồng bào dân tộc ở Bắc Kạn có thể chế biến các món ăn độc đáo từ rau dớn như: Rau dớn xào tỏi, rau dớn xào cùng nước măng chua… nhưng món ngon nhất phải kể đến món nộm. Món nộm rau dớn chỉ cần vài mớ rau, lạc rang giã nhỏ, chanh và một số loại rau thơm như húng, mùi tàu, ớt, tỏi và một chút muối, mì chính. Sau khi sơ chế, bỏ rau vào bát to, cho rau thơm, ớt, gừng, tỏi, nước chanh tươi, mì chính và muối trắng trộn đều. Để khoảng 5 phút cho ngấm gia vị, sau đó cho lạc rang giã nhỏ vào là có thể ăn ngay được. Món nộm rau dớn khi ăn sẽ cảm nhận được mùi thơm đặc trưng của các loại rau, vị bùi của rau dớn, vị chua ngọt xen lẫn một chút vị cay của ớt. Rau dớn còn có tính mát, lợi tiểu, chống táo bón, làm ngưng các cơn đau âm ỉ do viêm đại tràng, giúp dễ ngủ, giúp cơ thể khoẻ mạnh.

Rau sắng

Không giống như các loại rau khác chỉ cần trồng ngày một ngày hai là được hái lá, rau sắng từ khi trồng đến khi được hái lá lần đầu tiên phải sau ít nhất là 3-5 năm, và sau 10 năm mới được thu hoạch với số lượng lớn. Cây sắng cao hơn đầu người, cành lá sum sê. Cuối mùa đông cây ngót rụng hết lá già, mùa xuân, khoảng tháng tháng 2, cây bắt đầu ra những đọt lá non đầu tiên, và đến tháng 3 tháng 4 là mùa thu hoạch ngọn, lá và cả những chùm hoa.

Lá rau dùng để nấu canh với thịt hoặc cá. Mùi vị của loại rau này rất đậm đà, chỉ cần một vài cọng cũng đã đủ để có thể nấu bát canh thơm ngon cho 4 người ăn.Theo kinh nghiệm của người dân, phải ăn canh rau sắng nấu suông, nêm một chút muối, chậm rãi nhai kỹ từng chiếc lá nhỏ, thưởng thức thật sâu, thật kỹ vị ngọt, vị bùi khó tả của nó thì mới cảm nhận được hương vị đặc biệt của cây rau sắng. Những cây rau sắng đực cho những chùm rồng rồng. Loại này có thể nấu canh và ngon hơn nữa là xào với thịt bò.

Quả sắng hình bầu dục, to như quả nhót, khi chín có mầu vàng sẫm, ăn có vị ngọt đượm như mật ong. Hạt của quả sắng sau khi bóc vỏ đem ninh với xương rất thơm ngon, có vị ngọt, bùi.

Mèn mén

Mỗi dân tộc đều có những món ăn đặc sắc, mang đậm nét truyền thống của dân tộc mình. Khi nhắc tới những đặc sản truyền thống của đồng bào dân tộc Mông, không thể không kể tới món “Mèn mén”.

Mèn mén khi đã chín có vị thơm, dẻo, rất đậm đà. Ăn mèn mén bao giờ cũng kèm thêm một bát canh. Người Mông thường ăn món này với canh bí để tăng thêm phần hấp dẫn cho món ăn.
Ngày nay, khi cuộc sống của người Mông đã đầy đủ hơn, món Mèn mén đã không còn là món ăn chính trong bữa ăn hàng ngày nhưng mỗi dịp lễ tết, hội hè… vẫn không thể thiếu món ăn truyền thống Mèn mén.

Bánh gio Bắc Kạn

Bánh gio đã có ở Bắc Kạn hàng trăm năm, làm bánh gio cầu kì đòi hỏi người làm phải khéo tay, tinh mắt . Muốn làm bánh được ngon ta phải bắt đầu từ khâu chọn loại cây đốt thành gio trắng mịn đem hoà với nước vôi có nồng độ thích hợp, quan trọng nhất là khâu thử độ đậm nhạt của nước gio trước khi ngâm gạo .Bánh gio ngon là phải mịn, dẻo, dai và có vị đậm đặc trưng, mát, lành và để được rất lâu .Trưa hè oi bức bóc chiếc bánh gio chấm mật mới cảm nhận được hết hương vị của đặc sản này.

Bánh Coóc Mò

Coóc mò cũng là một loại bánh được bà con các dân tộc Bắc Kạn hay làm. Mới nhìn qua nhiều người nhầm là bánh gio vì hình thức bánh coóc mò cũng giống như vậy . Bánh cũng được gói theo hình chóp nhưng lá gói bánh lại là lá chuối . Bánh coóc mò ăn có vị đậm và thơm bởi được làm từ gạo nếp nương và lạc nhân đỏ . Ăn không ngán vì dễ ăn và mùi vị hợp với nhiều người, bánh coóc mò rất hợp với những bữa điểm tâm buổi sáng. Bóc chiếc bánh xanh rền, ăn dẻo, thơm bạn mới thấy hết ý nghĩa của món bánh này. Nếu ghé Bắc Kạn bạn đừng quên thưởng thức món ăn giản dị mà hấp dẫn này.

Bánh Khẩu Thuy

Vào mỗi dịp lễ hội Lồng Tồng, thứ bánh ngon không thể thiếu để dâng lên trời đất, để cúng thần linh cầu mùa màng bội thu, mưa thuận gió hoà là bánh Khẩu Thuy. Bánh tròn như quả trứng chim cút, vàng óng vì được tẩm mật mía, ăn vừa ngọt, vừa thơm, giòn tan nơi đầu lưỡi với hương vị mang bản sắc riêng của người Tày.

Để làm được bánh ngon phải cần nhiều nguyên liệu, nhiều công đoạn và khá cầu kỳ. Họ lấy bèo tây đun lên lấy nước, lại lấy cây vông hoa đỏ đốt lên lấy tro. Dùng nước bèo tây và nước tro để ngâm gạo nếp. Ngâm cho gạo nở to rồi đem lên đồ. Một thứ không thể thiếu được khi làm Khẩu Thuy là khoai sọ. Khoai sọ cũng đồ lên cùng với gạo nếp, cho thêm một chút rượu vào. Bèo tây, tro vông để làm cho bánh nở được to, khoai sọ để bánh lên màu, rượu để bánh có vị thơm.

Tại các hội Lồng Tồng của người Tày, thứ bánh Khẩu Thuy này vẫn được bày bán để khách thập phương mua làm quà cho người thân. Từ lâu, nó đã trở thành một đặc sản dân tộc nói chung và là đặc sản rất riêng của Bắc Kạn.

Bánh Pẻng phạ

Bánh pẻng phạ bên trong dẻo, do tác động nhiệt lớn bột bánh bên trong chưa kịp ngấu nhiệt lớp bên ngoài đã cứng giòn nên bánh giống như có nhân ăn rất thú vị.Bánh pẻng phạ chế biến không cầu kỳ nhưng mùi vị thơm ngon thích hợp với mọi lứa tuổi từ người già cả răng yếu cho tới tụi trẻ con ưa thích quà vặt, do vậy hầu như nhà nào cũng làm món bánh này trong những dịp ăn mừng. Nguyên liệu chính để làm bánh là gạo nếp.

Mỗi túi bánh nếu bảo quản tốt có thể để hơn một tháng mà vẫn giữ được vị thơm, giòn của bột, của chè nên nhân lúc rảnh rỗi hoặc nhà chuẩn bị có việc người ta làm trước bánh rồi cất trong những túi kín để dùng dần hoặc làm quà cho người phương xa. Món quà tính về giá trị vật chất thì không lớn nhưng nó cũng làm cho người con phương xa vơi bớt nỗi nhớ quê nhà.

Bánh ngãi

Mỗi dân tộc đều sáng tạo ra những loại bánh có hương vị khác nhau, có một loại bánh mà chỉ người Tày mới có đó là bánh ngải. Bánh ngải có màu xanh đặc trưng của thiên nhiên, hình thù và cách làm gần giống với bánh dày của người miền xuôi.

Muốn bánh thơm, dẻo phải chọn loại nếp nương và không được lẫn dù chỉ một hạt gạo tẻ. Bánh ngải là thứ bánh rất dễ ăn, mát và không ngấy, nếu ai đã từng ăn một lần sẽ không quên mùi vị của loại bánh dân dã này. Vị hăng hăng, thơm thơm là lạ của lá ngải như dung hòa cái dẻo, cái ngọt của nếp, của đường, miếng bánh có sự tươi non của đồi nương, cái hoang dã của lá rừng như gói cả mùa xuân trong mát.

Mứt mận

Món mứt mận ở Bắc Kạn được người dân coi là đặc sản. Vì nó có những hương vị đặc trưng riêng và rất hấp dẫn. Hầu như người dân Bắc Kạn đi đâu xa đều mang món mứt mận để làm quà biếu và giới thiệu sản phẩm của quê hương mình.

ĐẾN HÒA BÌNH NHỚ ĂN ĐẶC SẢN MIỀN SƠN CƯỚC

Đến với xứ Mường, ngoài việc chiêm ngưỡng những cảnh quan tươi đẹp và làm quen với những con người hiền hòa, mến khách, bạn còn phải thưởng thức những món ăn ngon và độc đáo.

Lợn thui luộc

Ảnh: maichautravel.

Như tên gọi, thịt lợn được thui đều rồi luộc cho chín tới. Điểm đặc biệt là lợn vừa thui vừa làm lông, sau đó rửa sạch, bỏ nội tạng rồi treo lên cho ráo. Lợn ở đây là lợn nuôi thả rông nên thịt rất ngon, mỡ giòn chắc. Món thịt này ngon nhất khi chấm với muối rang hạt dổi và một số loại rau thơm trong rừng. Đây là một trong những món hấp dẫn khách du lịch nhất của xứ Mường.

Rau rừng đồ

Ảnh: dulichthungnai

Vì là miền núi cao, nên Hòa Bình có rất nhiều loại rau rừng rất ngon và bổ dưỡng: rau beo, tầm bóp, đốm, đu đủ, the hởi, hoa chuối, quả quạnh… tất cả đều có thể đem đồ lên làm rau đồ. Món này thường ăn cùng bánh dày, nước chấm.

Cá nướng đồ

Ảnh: eva

Cá ở đây là cá sống ở sông Đà, khỏe mạnh, chắc thịt. Cá được bắt về xiên thành xâu nếu cá nhỏ, và xiên dọc thân nếu cá lớn, sau đó được nướng trên than hồng. Sau khi nướng, cá được rắc muối rồi được gói trong lá chuối, đồ lên như đồ xôi, rồi thưởng thức. Món ăn này kết hợp với cơm lam tạo thành hương vị đặc trưng khó quên đối với những ai ghé qua miền sơn cước.

Thịt trâu nấu lá lồm

Ảnh: dulichhoabinh

Đây là một món ăn cổ truyền của người Mường, hấp dẫn khách thập phương bởi thịt trâu thui hầm nhừ chung với lá lồm (có vị chua) và gạo tấm. Món ăn thường điểm thêm những lát ớt đỏ tạo nên hương vị chua ngọt, cay mặn tự nhiên hấp dẫn.

Măng chua nấu gà

Ảnh: dulichthungnai

Loại gà ngon nhất để nấu món này là gà Lạc Sơn, chuyên sống và kiếm ăn trên núi đá vôi, thịt ngọt thơm và dai. Khi nấu cùng măng chua, gà được chọn là gà nhỡ, nấu với măng cho nhừ rồi nêm thêm hạt từ cây dổi – một loại hạt gia vị độc đáo của tây bắc. Hạt dổi vị rất thơm, khi ăn cùng với thịt nó tạo nên một vị ngon lạ lùng hấp dẫn.

Măng đắng nướng

Ảnh: sinhcafe

Măng ở đây là măng sặt mới nhú, được nướng củi cho cháy xém, queo lại. Chỉ vậy thôi. Khi ăn, người ta lột bỏ lớp vỏ ngoài, cầm từng bẹ măng chấm với “Chẩm chéo”, một loại đồ chấm đậm hương vị tây bắc làm từ muối, mắc khén, ớt, lá gừng, tỏi, lá tỏi… Cái ngon mộc mạc đơn sơ của măng đắng khi kết hợp với chẩm chéo tạo nên một hương vị hấp dẫn khó chối từ.

Chả nướng lá bưởi

Ảnh: dulichthungnai

Chả ở đây là miếng thịt ba chỉ thái nhỏ, nêm với chút mắm, hành rồi cuốn trong lá bưởi sau đó xiên thành xiên, nướng chín trên than hoa. Mộc mạc là vậy nhưng món ăn lại mang một hương vị ấn tượng từ mùi thơm ngọt của thịt quyện với dầu lá bưởi cay nhẹ. Khách đã ăn món này thì khó mà quên được.

Chả rau đáu

Ảnh; dulichdantri

Món ăn được coi là “quý” của người Mường, chỉ giành cho khách quý. Sở dĩ gọi “quý” vì muốn làm món này phải chuẩn bị nhiều ngày trời, chủ yếu là đi tìm lá đáu tươi ngoài suối. Lá đáu được coi là một vị thuốc bổ dưỡng, vị thanh mát, dễ ăn.

Cam Cao Phong

Ảnh: lamchame

Đất Cao Phong trồng được nhiều loại cam ngon, nhưng cam Canh là được đánh giá cao nhất vì vị ngọt sâu hấp dẫn, múi cam mọng căng nước. Đến thị trấn Cao Phong bạn có thể tìm mua loại cam này, tuy nhiên nên tìm mua tại các vườn cam để có cam ngon.

Canh Loóng

Ảnh: vtc

Món canh nghe lạ tai này được làm từ nõn chuối rừng nấu với nước luộc thịt, nêm hạt dổi, điểm thêm vài lá lốt rừng thái nhuyễn. Món ăn giản dị nhưng hấp dẫn bởi mùi hương rừng núi.

Thịt chua

Ảnh: dulichthungnai

Đồng bào miền cao thường có món thịt muối chua, và người Mường Hòa Bình cũng vậy. Món thịt lợn muối làm khá công phu. Khi ăn phải ăn cùng với nhiều loại lá rừng, toàn là lá thuốc, không chỉ ngon mà còn bổ dưỡng.

Bảo Tố (tổng hợp)

ĐỘC ĐÁO CƠM GÀ “ĂN TỚI ĐÂU, TRẢ TỚI ĐÓ” Ở PHAN RANG

Nếu bạn từng có dịp đi đến đất Phan Rang nắng gió, ắt hẳn sẽ biết đến món “Cơm gà Phan Rang”. Cho dù chưa ghé quán ăn nhưng bạn sẽ thấy những bảng hiệu cơm gà lớn nằm ở ngay cửa ngõ thành phố.

Đất Phan Rang – Ninh Thuận nổi tiếng là nơi còn giữ lại nhiều tháp Chàm – kiệt tác kiến trúc của những triều đại Champa từng hùng cứ nơi đây. Phan Rang còn là nơi hấp dẫn du khách bởi những vườn nho rộng lớn, đẹp đẽ cũng như những bãi biển xanh biếc mời gọi. Khách đã đến với Phan Rang lại càng nhớ vùng đất này hơn qua những món đặc sản như Bánh xèo, bánh căn, bánh canh chả cá… cùng một món ăn độc đáo không thể không kể đến đó là cơm gà Phan Rang.

Tháp Chàm Po Klong Garai, di tích Champa nổi tiếng nhất Phan Rang. Ảnh: Trần Khiêm.

Cơm gà Phan Rang là món ăn khá “sang” ở miền đất này. Một phần tạo nên “đẳng cấp” của món ăn đó là nhờ vào sự cầu kỳ trong khâu chọn lựa, chế biến của nó. Theo nhiều người sành ăn, món cơm gà Phan Rang có thể có nguồn gốc từ món cơm gà Hải Nam nổi tiếng của dân đảo Hải Nam, Trung Quốc. Tuy vậy, cơm gà Phan Rang đã tạo ra được những nét riêng đủ để thỏa lòng người muốn khám phá, trải nghiệm.

Cầu kỳ trong chế biến…

Để có vị ngọt, kết cấu mềm, thì món gà trong dĩa cơm gà Phan Rang phải làm từ gà mái đẻ lứa đầu. Gà phải là giống gà ta nuôi thả vườn. Thịt gà được luộc với lượng nước vừa đủ, để khi nấu xong nước đạt độ sánh quyện để dùng làm nước nấu cơm.

Gạo được ướp với tỏi, gừng cho thơm sau đó xào sơ cho bóng màu và chắc hạt, trước khi nấu chung với nước luộc gà đến khi nước vừa cạn. Công đoạn tiếp theo là chuyển cơm qua nồi hấp. Phương pháp nấu khá cầu kỳ này mang lại cho món cơm kết cấu chắc, rời hạt nhưng vẫn mềm mại, và còn có màu vàng ươm bắt mắt.

Một phần quan trọng trong món cơm gà này là nước chấm. Có nhiều loại nước chấm để dùng kèm món gà này tùy theo nơi chế biến. Nhưng thường thấy nhất là muối chiêu chanh, muối ớt hành và nước mắm pha hèm rượu – một loại nước chấm khá đặc biệt.

Thịt gà trong món cơm gà Phan Rang. Ảnh: Huấn Phan.

Khi bạn gọi cơm gà, phục vụ sẽ bưng ra khá nhiều dĩa: Dĩa đựng cơm, dĩa đựng gà, dĩa đựng rau bao gồm rau răm và dưa leo, cùng vài dĩa nhỏ đựng đồ chấm. Sau đó là đến lượt thưởng thức của bạn.

Bạn sẽ cảm nhận sự khác biệt ngay khi cắn miếng gà đầu tiên: phần da gà không dai mà rất mềm, cắn nhẹ là ngập răng ngay, trong khi thịt gà mềm, hơi dai và có vị ngọt rất tự nhiên, hòa quyện với chút vị mặn điểm trên miếng da gà. Chấm gà vào mỗi loại đồ chấm bạn sẽ cảm nhận sự thay đổi về hương vị. Phần cơm có hạt rời nhưng dẻo mềm, thơm thoang thoảng mùi gừng, tỏi và vị ngọt của nước luộc gà. Phần ăn tuy để riêng từng loại, nhưng rất cả đều quan hệ, cộng hưởng với nhau, từ miếng gà, hạt cơm, cọng rau răm hay nước chấm, điều đó tạo nên sự ngon miệng khiến bạn khó mà dừng đũa.

…và độc đáo trong cách phục vụ

Tuy nhiên, có một điều bạn cần lưu ý khi ăn món cơm gà đặc biệt này tại các hàng quán ở Phan Rang. Đó là khi dọn cơm cho khách, trong đĩa gà có nhiều miếng gà chặt vừa vặn, đều đặn, lượng gà hơi nhiều một chút so với khả năng ăn của thực khách. Nhiều người mới ăn lần đầu, thấy vậy không nghĩ gì, cố ăn cho hết, nhưng đến khi tính tiền thì lại giật mình khi phải thanh toán số tiền gấp đôi, gấp ba số tiền một đĩa cơm.

Chủ quán sẽ không đợi bạn nổi nóng, mà nhẹ nhàng giải thích cho bạn rằng cơm gà ở đây bán theo kiểu “ăn tới đâu, trả tới đó”, bạn ăn một miếng thì sẽ tính theo đúng giá ghi trên bảng giá. Nhưng nếu ăn thêm miếng thứ hai, thứ ba, số tiền sẽ được cộng lên, trong khi giá một miếng gà cũng gần bằng đĩa cơm. Nếu bạn chỉ ăn một miếng, phần gà còn lại sẽ không tính tiền, để rồi sau khi bạn ăn xong, phần thịt gà đó được dọn đi để phục vụ người khác.

Một phần cơm gà Phan Rang. Trong đĩa gà có tới 3 miếng gà, ăn tới đâu tính tiền tới đó. Ảnh: Trần Khiêm.

“Quy luật” độc đáo này không hề được giải thích từ đầu hoặc ghi trên bảng giá của quán ăn, khiến cho nhiều khách mới tới ăn lầm tưởng là quán bán rẻ, dọn nhiều gà, bỏ thì tiếc nên phải cố ăn hết, để rồi phải thanh toán giá tiền cao bất ngờ. Nhiều khách du lịch vừa ăn ngon xong lại phải “tức ngực” vì vấn đề này.

Lạ và dễ “hiểu lầm” như vậy, nhưng tìm hiểu nhiều nơi mới biết, đối với món Cơm gà Phan Rang, kiểu bán này là rất bình thường.

Bỏ qua cách phục vụ khá lạ lẫm nhưng cũng khá dễ gây ngộ nhận đối với ai chưa biết, thì cơm gà Phan Rang là một món ăn ngon lành và đặc biệt. Nếu có dịp đến Phan Rang, hãy ghé thử một trong những quán cơm gà nổi danh như Khánh Kỳ, Phước Thành hoặc các quán đông khách nào bạn phát hiện được để thưởng thức món ăn trứ danh này…

Mẹo: Các quán cơm gà thường tập trung ở trên đường Trần Quang Diệu, Phan Rang – Tháp Chàm.

Gia Hân.

NHỮNG MÓN ĐẮT TIỀN ĐƯỢC SĂN LÙNG Ở PHÚ QUỐC

 

“Đảo ngọc” Phú Quốc là vùng đất hoang sơ chứa đựng nhiều điều đặc biệt, thú vị, trong đó có các món đặc sản. Sau đây là những đặc sản từng phổ biến ở Phú Quốc nhưng do tiêu thụ và săn bắt quá mạnh nên chúng ngày càng hiếm hoi, đắt đỏ.

 

Cá ngựa

Cá ngựa (hải mã) là loài vật quý hiếm đặc trưng của Phú Quốc, nhất là ở làng chài Hàm Ninh, xã Hàm Ninh. Giá hải mã cũng đã tăng theo sự cạn kiệt dần của loài này: trước đây khoảng 50.000 đ/ cặp thì nay khoảng 100.000đ/con. Còn cá ngựa khô giá lên tới hàng chục triệu một kí.

Việc giá hải mã tăng cao lại càng khiến người dân đổ xô săn lùng và coi đây là một nghề kiếm sống, điều đó khiến nguồn hải mã ngày càng cạn kiệt và khó bắt.

Hải sâm

Hải sâm được quan niệm là vị thuốc quý từ lâu đời nên không lạ gì khi hải sâm Phú Quốc được người người săn lùng. Dân ở xã Bãi Thơm, Phú Quốc còn có nghề đi săn Hải Sâm mang lại thu nhập tốt. Tuy vậy, nếu như trước kia hải sâm có ở các khu ghềnh đá thì nay thợ săn phải lặn xuống 40-50m ngoài khơi xa mới tìm được con vật quý hiếm này. Điều đó khiến giá hải sâm đã cao lại càng cao hơn: 300 .000 đ tới 900.000 đ cho một kí hải sâm tươi và 3-5 triệu cho một kg hải sâm đã qua chế biến.

Hiện tại, một chuyến đi biển của thợ săn hải sâm dài chừng 10-15 ngày, mang lại thu nhập hơn chục triệu cho mỗi chuyến.

Một sự kiện lạ xuất hiện vào khoảng giữa tháng 9 năm nay, khi ước tính 2 tấn hải sâm bị đánh dạt vào bãi biển Dương Tơ, Cửa Lấp, Dinh Cậu… Nguyên nhân thì chưa biết, nhưng có người đưa ra giả thuyết là do đáy biển Phú Quốc bị đào xới khiến hải sâm phải nổi lên để di cư rồi bị đánh dạt vào bờ.

Bào ngư

Bào ngư không chỉ là một vị thuốc bổ thận, chống suy nhược mà còn là một nguyên liệu hấp dẫn để chế biến các món ăn ngon.

Bào ngư vốn dĩ đắt đỏ, nay càng đắt đỏ hơn vì chúng ngày càng quý hiếm. Hiện tại ở Phú Quốc đã cho nuôi thành công bào ngư, có giá chỉ khoảng vài trăm ngàn / kí, trong khi bào ngư tự nhiên sau khi phơi khô có giá tới 15 triệu đồng một kí.

Nấm Linh chi

Vừa có biển vừa có rừng, Phú Quốc có một sản vật rừng tiêu biểu đó là nấm linh chi rừng. Đây được coi là vị thuốc bổ, loại thảo dược cực quý hiếm và cũng là thứ được người dân Phú Quốc khai thác từ vài chục năm nay. Do tình trạng đổ xô săn nấm, hiện tại lượng nấm đã cạn kiệt, một chuyến đi săn người ta chỉ mang về được vài chục kí, thay vì cả tạ nấm như trước.

Giá cho loại nấm quý này hiện nay khoảng 80 ngàn đồng khi giao đầu mối, 250-300 ngàn đồng khi bán cho dân địa phương và 700-800.000 đồng đối với dân du lịch. Linh chi càng già tuổi, càng nặng kí thì giá càng cao vì càng hiếm (chúng mọc lẩn khuất, khó phát hiện nên mới sống được lâu năm). Tuy vậy Linh chi già tuổi vẫn là loại được nhiều du khách và khách ngoại quốc săn lùng.

Tú Cận (tổng hợp)

MÙA NƯỚC NỔI, PHẢI ĐẾN MIỀN TÂY ĐỂ ĂN NHỮNG MÓN NÀY

 

Mùa nước nổi vào khoảng tháng 10 tới cuối năm là mùa nhiều tỉnh thành ở miền tây nam bộ khoác lên màu áo mới. Đây cũng là mùa mà du khách thích tìm hiểu nhất khi đến với miền đất này. Cùng điểm qua danh sách những món ăn tuyệt vời nhất mà bạn có thể tìm thấy ở miền tây mùa nước nổi.

Cá linh bông điên điển

Có lẽ đây là món ăn đặc trưng nhất của mùa nước nổi. Cá linh là cá hoang từ thượng nguồn sông Mekong. Cùng với bông điên điển, cá linh bắt đầu xuất hiện khi nước bắt đầu nổi cao. Cá linh đầu mùa thịt béo bột, ngọt lịm. Do cá linh rất dễ chết nên chỉ có ăn cá linh tại chính nơi bắt lên nó mới là tươi ngon nhất.

Lẩu điên điển cá linh. Ảnh: cungphuot.info

Tại miền Tây, cá linh kho tộ, kho quẹt, hoặc nấu canh. Nhưng “đúng bài” nhất, vẫn là những món ăn kèm bông điên điển như canh chua bông điên điển cá linh, lẩu cá linh bông điên điển.

Chuột đồng nướng

Chuột đồng nướng lu. Ảnh: vnmedia

Chuột là món đặc sản nổi tiếng của miền tây sông nước, đến mức nhiều tờ báo lớn trên thế giới cũng phải có những bài viết riêng cho món này. Thịt chuột ở đây là chuột đồng. Béo căng do ăn lúa. Chuột được làm đầu, làm ruột, móng, tẩm gia vị rồi neo vào lu sau đó nướng trong lu, vừa nướng vừa nêm quyết gia vị cho thịt được thơm và đẹp hơn, một tiếng thì ăn được. Thịt chuột hấp dẫn bởi mùi thơm, kết cấu chắc vị ngọt của thịt và phần da giòn óng ả.

Bông súng mắm kho

Bông súng mắm kho. Ảnh: yeudulich

“Muốn ăn bông súng mắm kho / Thì về Đồng Tháp ăn cho đã thèm”. Bông súng là hoa súng, không chỉ đẹp mà còn là một món ăn ngon và độc đáo của người dân Đồng Tháp Mười nói riêng và tây nam bộ nói chung. Bông súng làm sạch, tước vỏ, ngắt thành cọng, để ráo. Bông súng được dùng làm loại rau ăn kèm với mắm kho làm từ mắm cá sặt, cá linh. Mắm ngon phải có vị cay ớt, thơm sả, tép, đậm đà của mắm.

CÁ bống dừa

Cá bống dừa kho tiêu xanh. Ảnh: bentre

Cá bống dừa là đặc sản của nhiều tỉnh miền Tây. Ai đã ăn qua món cá bống dừa kho tiêu xanh vào mùa nước ròng ắt sẽ phải có lần quay trở lại để… ăn tiếp. Cá được đánh vảy, làm sạch nhớt, bẩn rồi ướp hành tỏi, gia vị, quan trọng là có chùm tiêu xanh mới hái ngoài vườn. Cá kho trong tộ cho tới khi chín, bóng lên, thịt săn chắc, vàng ươm, lẫn trong nước kho cá kèo kẹo. Món này ăn đơn giản với canh chua, cơm trắng là hết sảy.

Lá sầu đâu

Gỏi sầu đâu khô sặt. Ảnh: mientayquetoi

Mùa nước nổi cũng là mùa sầu đâu thay lá đơm bông, mang lại cho miền tây nam bộ những món ăn cực hấp dẫn đó từ sầu đâu. Sầu đâu đây là lá từ đọt sầu đâu non, thường có nhiều cách ăn. Lá sầu đâu vị đăng đắng ngòn ngọt, có thể ăn sống chấm mắm kho, cá linh kho mẳn, mắm chưng, mắm thái… Nhưng tuyệt chiêu nhất có lẽ là món gỏi sầu đâu. Gỏi sầu đâu trộn được với nhiều nguyên liệu từ tôm, thịt, cá, nhưng ngon nhất là với khô cá sặt, cá lóc, rồi tới cá tra, cá dứa… Gỏi sầu đâu hương vị đặc biệt, mới đầu nghe hơi nhẫn đắng nhưng sau đó lại nghe ngọt ngấm, lại quyện với các vị chua cay của nước trộn, làm ghiền lúc nào không hay.

Bánh xèo bông điên điển

Bánh xèo bông điên điển. Ảnh: cungphuot

Bánh xèo thì lúc nào cũng có, nhưng để ăn bánh xèo bông điên điển thì phải tới miền tây vào mùa nước nổi. Bông điên điển vốn đã ngon, bánh xèo cũng vậy, kết hợp hai món lại, cùng với các loại rau nhà lá vườn độc đáo như đọt xoài, lá mơ, đọt bằng lăng, lá cóc, đọt điều, chấm vô nước chấm cay ngọt, khiến cho người ăn dường như cảm thấy thỏa mãn gấp đôi, gấp ba.

Cá lăng 

Cá lăng kho. Ảnh: cungbandulich

Cá lăng là loài cá da trơn sống ở dưới sâu. Tại miền tây, người ta thường bắt được cá lăng vào mùa nước nổi. Cá lăng có nhiều kiểu kho nhưng phổ biến là kho với thơm (dứa). Cá lăng làm sạch rồi kho với gia vị kỹ càng sau đó mới cho thơm vào kho tới khi da cá nứt ra. Món ăn dân dã, đưa cơm này là một hương vị khó quên trong chuyến khám phá miền tây mùa nước nổi.

Bảo Tố (tổng hợp)

NHỮNG MÓN NGON NÊN KHÁM PHÁ KHI ĐẾN THĂM NINH BÌNH

Ninh Bình nổi danh là vùng đất có bề dày lịch sử, quê hương của ba triều Đinh, Tiền Lê, Lý, cũng là nơi có những thắng cảnh đẹp như tranh thủy mặc được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Ngoài ra, du khách đến Ninh Bình cũng bị hấp dẫn bởi những món ăn ngon mà độc đáo ở vùng đất sơn thủy hữu tình này.

Sau đây là những món ăn không nên bỏ qua khi đến với Ninh Bình:

 

Cơm cháy Ninh Bình

Cơm cháy là một trong hai món đăc sản đầu tiên người ta nghĩ tới khi nói về Ninh Bình (món kia là thịt dê). Cơm cháy Ninh Bình được làm và bán ở khắp thành phố. Món ăn này làm từ gạo chiên giòn, cháy nhẹ. Cơm cháy có thể ăn với nước chấm, hoặc ăn kèm với nhiều loại phụ liệu khác như ruốc, thịt… nhưng vẫn giữ được vị ngọt thơm quyến rũ, kết cấu giòn tan.

 

Cà niễng

 

Cà niễng trông khá giống con Cà cuống, nó chỉ to bằng đầu ngón tay út, màu đen, vỏ hơi cứng. Cà niễng được bắt từ các đồng ruộng, nơi nhiều rong rêu, cỏ lác, cỏ năng. Con vật này được bỏ hết chân, cánh, moi bụng, làm sạch để ráo rồi rang thơm cùng mắm muối. Cách chế biến đơn giản mang lại cho cà niễng một hương vị mộc mạc khó quên, đậm chất đồng quê.

Nem Yên Mạc

Đất Yên Mạc của Ninh Bình có món ăn khoái khẩu là món nem chua từ thịt lợn. Tương truyền món này do Phạm Thị Thư, con quan thượng thư Phạm Thận Duật phát triển từ món nem chua của cung đình Huế. Món nem này nổi bật với màu hồng hào hấp dẫn của thịt lợn thái cọng, được trộn với bì, thính cùng các loại gia vị giúp triệt tiêu mùi tanh của thịt sống. Nem ăn cùng với lá sung, lá ổi, chấm nước mắm chanh tỏi ớt rất hấp dẫn và ngon miệng.

Cua đồng rang lá lốt

Món ăn đầy hấp dẫn này được làm từ cua đồng rang giòn cùng lá lốt thái sợi, ăn cùng nước chấm. Tuy giản dị nhưng cũng chính nhờ cái giản dị đó mà món ăn có hương vị rất đậm đà, thấm thía. Ngày nay, cua đồng rang lá lốt không chỉ là món ăn ở nơi quê nghèo, nó đã trở thành món đặc sản không thể bỏ qua.

Nem dê

 

Dê Ninh Bình được thả sống tự do trên núi, nên thịt dê chắc, ngọt, ít mỡ và rất bổ dưỡng. Dê Ninh Bình được bắt về làm nhiều món, trong đó nem dê là một trong những món độc đáo. Nem dê có kết cấu chắc, vị chua ngọt hấp dẫn, ăn kèm lá ổi, lá sung, đầy đủ hơn thì có khế, mơ, rau thơm, tương gừng… Tạo nên một món ăn đầy đủ hương vị hòa quyện, kích thích.

Gỏi cá nhệch Kim Sơn

Nếu đã từng mê món gỏi cá thì bạn không thể bỏ qua gỏi cá nhệch của Ninh Bình. Cá nhệch là loài cá khỏe mạnh, khó bắt, thường sống ở vùng đầm phá, cửa sông. Cá bắt làm gỏi là cá to khoảng 4 lạng trở lên, được sơ chế kĩ càng rồi bóp thành gỏi cùng với thính, nước chấm, dấm, gừng, tiêu, ớt, sả…Tạo nên một món gỏi cá ngon lành hấp dẫn, không còn chút mùi tanh của cá.

Dê tái ở cố đô Hoa Lư

Ninh Bình có rất nhiều món làm từ những con dê thả rong trên những ngọn núi cao chót vót, trong đó có món dê tái hay còn gọi là tái dê. Tái dê Hoa Lư thường được coi như món dê ngon nhất  trong các món dê. Dê cùng các nguyên liệu ăn kèm được sơ chế và chế biến rất cầu kì, để trở thành món ăn cực ngon và bổ dưỡng sẵn sàng cho du khách thưởng thức.

Canh chua cá rô Tổng Trường

“Đi thì nhớ cậu cùng cô

Khi về lại nhớ cá rô Tổng Trường”

Món canh dân dã nhưng nổi tiếng từ bao đời nay của đất Tổng Trường, đó là món canh cá rô. Tổng Trường là vùng đất có nhiều hang động, khe suối, cá rô bắt ở đây rất ngon, ngọt và chắc. Món cá này được nấu với dưa, cà chua, đậu… tạo nên vị chua ngọt thanh dịu nhưng đày thấm thía, đã ăn rồi thì khó mà quên được.

Xôi trứng kiến Nho Quan

Xôi trứng kiến Nho Quan là món ăn lạ khiến nhiều người phải săn lùng khi đến với đất cố đô. Trứng kiến ở đây là ấu trùng của loài kiến nâu bắt ở các vùng đá vôi lởm chởm của huyện Nho Quan. Trứng được sơ chế, tẩm ướp kĩ để không còn mùi tanh hôi rồi mới được bày ra ăn kèm với xôi nếp thơm dẻo từ những cây lúa nếp trồng ở nơi đây.

Mắm tép Gia Viễn

Mắm tép của đất Gia Viễn làm từ tép riu tươi, ngâm mắm trong ít nhất một tháng rồi mới nấu chín. Món mắm này rất ngon, ngọt và đậm đà khó quên.

Rượu cần Nho Quan

Đất Nho Quan còn một đặc sản khác là rượu cần. Rượu cần Nho Quan xuất xứ từ đồng bào dân tộc Mường tại đây. Rượu làm từ cơm nếp trộn men, ủ trong hũ sành trong ít nhất ba tháng rồi sử dụng chứ không hề chưng cất. Cũng như rượu cần tây nguyên, rượu cần Nho Quan được uống bằng cách hút từ những cần trúc dài cắm vào hũ.

Cá kho gáo

Gáo là loại cây thuốc thường có ở khe suối, chân đồi… Quả gáo chua ngọt, có mùi thơm, được sử dụng như me, sấu trong các món canh, kho, trong đó có kho cá. Gáo giúp món cá hết tanh, khó ngán, tạo nên hương vị hấp dẫn cho món ăn.

 

Bánh trôi

Những chiếc bánh trôi trắng tròn rất quen thuộc với người dân miền Bắc. Nhưng bánh ở Ninh Bình trở nên đặc biệt nhờ phần nhân được làm từ đường mật, đậu phộng giã, lá cúc mốc thái nhỏ… tạo nên một vị ngọt mát, thơm tho lạ lùng.

Miến lươn

Miến lươn cũng nằm trong danh sách đầy ắp món ngon từ Ninh Bình. Lươn trong miến lươn Ninh Bình là lươn cốm, lưng nâu bụng vàng, nhỏ con nhưng thịt chắc thơm, ngọt. Đây sẽ là một hương vị khó quên cho cuộc hành trình khám phá cố đô của du khách.

 

Ốc núi đá Ninh Bình

Ốc núi Ninh Bình cũng chính là loại ốc nổi tiếng ở vùng núi bà Tây Ninh, với thịt chắc ngọt, thơm mùi thuốc bắc. Ốc núi là một đặc sản mới nổi của Ninh Bình. Ốc được bắt từ các dãy núi Tam Điệp, Nho Quan, Yên Mô… và được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn.

Trần Anh tổng hợp

Hình ảnh: sưu tầm.