Cách làm HẾN XÀO LÁ LỐT

Một món ăn kết hợp giữa vị ngọt của thịt hến và mùi thơm hấp dẫn của lá lốt là một lựa chọn hấp dẫn cho mâm cơm gia đình hoặc trong bữa ‘lai rai’ với bạn bè.

Chuẩn bị:

  • – 3 lạng thịt hến (hoặc mua hến sống về gỡ lấy thịt)
  • – 5 cái lá lốt
  • – 1/2 củ hành tây
  • – Hành củ, tiêu, muối, nước mắm, hạt nêm, tương ớt

Thực hiện:

Bước 1:

– Hến nhặt vỏ, sạn cho kĩ. Rửa sạch, để ráo.

Bước 2:

– Lá lốt rửa sạch rồi xắt sợi.

– Hành bỏ vỏ, thái nhỏ.

Bước 3:

– Bắc chảo cho vào 2 muỗng cafe dầu ăn, cho hành củ xắt lát vào phi thơm rồi cho hành tây vào xào chín.

Bước 4:

– Cho hến, tương ớt, 1/2 muỗng cafe muối, chút nước mắm, tiêu, hột nêm vào xào.

Bước 5:

– Xào chừng 5-8 phút là hến sẽ chín tới, ta nêm lại gia vị vừa miệng. Sau đó cho lá lốt vào đảo tới khi lá lốt chín, dậy mùi thơm thì tắt bếp.

– Ăn nóng với cơm hoặc xúc bánh tráng.

Theo mẹ Cún Khang

Cách làm GÀ XÀO LÁ LỐT

Các món ăn với lá lốt thường dậy mùi thơm hấp dẫn. Không chỉ vậy, lá lốt còn có nhiều tác dụng tốt cho cơ thể, nhất là người đang bị đau nhức xương. 

Nguyên liệu:

– Đùi gà: 3-4 cái

– 10 lá lốt

– Hành củ, ớt, tỏi, các gia vị thông thường.

Thực hiện:

Bước 1:

– Gà mua về rửa sạch, chặt miếng vừa ăn. Nếu không muốn ăn béo thì gỡ da bỏ đi.

– Hành củ lột vỏ băm nhuyễn.

– Ướp gà với hành băm, 1 muỗng cafe muối, 1/2 muỗng cafe tiêu, 1 muỗng cafe nước mắm, 1 muỗng cafe đường. Ướp trong 2-3 giờ đồng hồ cho ngấm.

Bước 2:

– Lá lốt rửa sạch, bỏ cuống, xắt sợi.

Bước 3:

– Bắc chảo cho ít dầu vào làm nóng rồi cho gà vào chiên vàng đều.

Bước 4:

– Vớt gà ra dĩa có giấy thấm dầu. Chắt bớt dầu ra khỏi chảo.

– Cho tỏi băm vào phi thơm, cho thêm 2 muỗng cafe nước mắm, ớt bột, 1 muỗng cafe đường, chút nước lọc, hòa cho đều, nấu cho sôi.

Bước 5:

– Cho gà vào trở lại chảo, đảo đều cho mọi thứ trong chảo bám vào thịt gà, nêm nếm cho vừa miệng. Cuối cùng cho lá lốt vào xào cho chín tới, tắt bếp. Ăn nóng với cơm.

Theo  Cún Khang

Cách làm món CHẢ GÀ LÁ LỐT

Món chả hấp dẫn với hương vị và kết cấu đặc trưng của thịt gà hòa lẫn trong mùi thơm của lá lốt sẽ khiến nó trở thành món ăn “đắt khách” trong mâm cơm nhà bạn.

Nguyên liệu:

– 4 lạng thịt gà, lóc lấy thịt xay hoặc băm nhuyễn
– 8 lá lốt
– 3-4 nấm mèo
– Bột năng (hoặc bột mì), hành củ, các loại gia vị thông thường.

Cách làm:

Bước 1:

– Gà ướp với 1 muỗng súp dầu ăn, 1 muỗng súp bột năng, 1 muỗng cafe muối, 1/2 muỗng cafe bột nêm, chút tiêu, 1 muỗng súp nước mắm, 1 muỗng cafe đường trắng.

Bước 2:

– Nấm mèo ngâm nước ấm cho nở rồi rửa sạch, cắt bỏ chân, thái vụn.

– Lá lốt nhặt rửa sạch, thái sợi.

Bước 3:

– Lấy cái tô cho thịt gà, lá lốt, nấm mèo vào trộn đều, lấy muỗng quết cho thịt mịn, dai. Sau đó dùng miếng bọc thực phẩm bịt kín miệng tô lại rồi cho tô vào ngăn đá tủ lạnh 30 phút.

Bước 4:

– Sau 30 phút lấy ra, xoa chút dầu ăn trên tay rồi múc 1 nắm hỗn hợp (vừa ăn), vê thành viên tròn dẹt. Làm lần lượt cho hết.

Bước 5:

– Bắc chảo dầu cho chả gà lá lốt vào rán chín vàng, trở đều hai mặt cho chín đều. Khi rán tỏa ra mùi thơm rất hấp dẫn.

– Ăn nóng với cơm hoặc dùng làm món ăn vặt.

Theo Cún Khang

4 BÀI THUỐC TRỊ DỨT ĐAU LƯNG BẰNG LÁ LỐT

Lá lốt là loại cây nguyên liệu quen thuộc trong các bữa ăn của người Việt Nam. Ngoài công dụng tăng hương vị món ăn, lá lốt còn có những tác dụng tốt cho sức khỏe trong đó có chức năng đẩy lùi chứng đau lưng hiệu nghiệm.

Theo đông y, lá lốt có vị cay, hương thơm, tính cam, giúp ôn trung, tán hàn, chỉ thống, hạ khí. Lá lốt thường dùng trị phong hàn thấp, tê bại, rối loạn tiêu hóa, tay chân lạnh.

Nước sắc từ rễ cây lá lốt

Dùng rễ cây lá lốt sắc ra lấy nước, ngày dùng khoảng 8-12g để chữa đau lưng, tê thấp. Thuốc này thường dùng phối với dây đau xương, củ cốt khí, rễ cỏ xước để tăng hiệu quả.

Thuốc đắp bằng lá cây lá lốt

Giã nát lá lốt cùng ngãi cứu, hy thiêm thảo (phân lượng bằng nhau), đem hấp cho nóng rồi đắp vào chỗ đau lưng ngày 2 lần.

Món ăn chữa đau lưng từ lá lốt

Lấy 1 lạng thịt bò rửa sạch, xắt mỏng, ướp gia vị 10 phút hco ngấm rồi đem xào tái. Cho tiếp 50-70g lá lốt đã ngắt cọng rửa sạch vào xào cùng tới khi thịt bò chín là được. Ăn món này với cơm 2-3 lần trong tuần vừa giảm đau lưng vừa bổ máu.

Bài thuốc sắc từ lá lốt

Lá lốt cùng với rễ các loại cây cỏ xước, vòi voi, bưởi bung, 30g mỗi loại, tất cả còn tươi, thái mỏng, sao lên cho vàng rồi sắc với 600ml nước tới khi còn 200ml  chia đều ra uống 3 lần trong ngày. Uống liên tục trong tuần để chữa đau lưng.

 

Tâm Thị

 

 

[ăn chay] CÁCH LÀM CHẢ LÁ LỐT CHAY

Đậu phụ cuốn lá lốt hay Chả lá lốt chay là món ăn thanh đạm nhưng vẫn rất thơm ngon. Phần nhân ngoài đậu phụ ra còn có các loại nấm, giúp cho món ăn khó bị ngán.

Chuẩn bị:

  • Đậu hũ (đậu phụ / đậu khuôn) sống: 2 miếng
  • Lá lốt: 1 – 2 bó
  • Nấm đông cô, nấm mèo
  • Gia vị chay, dầu ăn

Thực hiện:

– Hai loại nấm ngâm qua nước ấm, rửa sạch. Nấm đông cô (nấm hương) bỏ chân, thái sợi. Nấm mèo thái sợi chỉ.

– Lá lốt lựa lá đẹp để gói, lá xấu để ra một bên rửa sạch rồi thái sợi chỉ.

– Đậu phụ sống nghiền cho nhuyễn, rồi trộn với nấm đông cô, nấm mèo, lá lốt thái chỉ, nêm chút hạt nêm chay cho vừa ăn. Ướp 15 phút cho ngấm.

– Phần lá lốt đẹp để gói, ta rửa sạch rồi nhúng qua nước sôi cho nó bớt giòn, dễ gói (giữ lại cuống lá để gài sau khi cuộn). Sau đó trải lá lốt nằm úp (mặt lưng lá ngửa lên trên) trên mặt phẳng rồi tiến hành cuộn:

– Bốc một nhúm hỗn hợp trộn (đậu phụ, nấm…) đặt lên lưng lá lốt, sau đó cuộn từ mũi nhọn của lá lên trên, rồi gấp hai mí lá còn lại vào, sau đó lấy cây tăm đục một lỗ trên cuộn chả rồi ghim cuống lá vào (giống như cuốn chả giò / nem rán vậy thôi).

– Làm cẩn thận lần lượt cho hết lá.

– Bắc chảo dầu nóng, xếp lần lượt từng miếng chả lá lốt vào rán ngập dầu trong lửa vừa cho chín hơi vàng phần nhân là được.

Bảo Tố

11 BÀI THUỐC CHỮA BỆNH TỪ LÁ LỐT

Lá lốt là loại rau ngon lành và quen thuộc trong nhiều món ăn hấp dẫn. Nhiều người ghiền vị thơm của lá lốt, nhưng ít ai biết đến những công dụng thật tuyệt vời của loại lá rẻ tiền này đối với sức khỏe. 

1. Chữa chứng đau nhức cơ thể

Theo lương y Phạm Như Tá, y học cổ truyền cho rằng, lá lốt có vị cay, thơm, tính ấm, có công dụng trừ thấp (trị đau nhức xương, trị chứng ra mồ hôi…). Lá lốt thường được dân gian dùng nhiều nhất là cuốn thịt bò (được băm nhuyễn cùng các gia vị) rồi đem nướng. Đặc điểm của món này là thơm lựng, nhờ hương của lá lốt.

Để trị đau nhức cơ thể khi trở trời, hoặc để giúp bổ máu cho cơ thể thì dùng 100 gr thịt bò, 50-70 gr lá lốt. Thịt bò (có vị ngọt, bổ máu) rửa sạch, thái mỏng, ướp gia vị mươi phút, rồi xào sơ qua, sau đó cho lá lốt vào, đảo sơ mấy lần là dùng được. Món này dùng 2-3 lần trong tuần, dùng với cơm để có công dụng như trên.

2. Trị chứng ra nhiều mồ hôi ở tay, chân

Lá lốt tươi 30g, rửa sạch, để ráo cho vào 1 lít nước đun sôi khoảng 3 phút, khi sôi cho thêm ít muối, để ấm dùng ngâm hai bàn tay, hai bàn chân thường xuyên trước khi đi ngủ tối. Thực hiện liên tục trong 5-7 ngày.

Hoặc lá lốt 30g, thái nhỏ, sao vàng hạ thổ. Sắc với 3 bát nước còn 1 bát. Chia 2 lần, uống trong ngày. Uống trong 7 ngày liền. Sau khi ngừng uống thuốc 4 đến 5 ngày lại tiếp tục uống một tuần nữa.

3. Chữa bệnh tổ đỉa ở bàn tay

30g lá lốt tươi, rửa sạch, giã nát, vắt lấy 1 bát nước đặc, uống trong ngày. Còn bã cho vào nồi đun với 3 bát nước, đun sôi khoảng 5 phút rồi vớt bã để riêng. Nước dùng để rửa nơi có tổ đỉa, sau đó lau khô lấy bã đắp lên, băng lại. Ngày làm 1-2 lần, liên tục trong 5-7 ngày.

4. Chữa mụn nhọt vỡ mủ lâu ngày không liền miệng

Lá lốt, lá chanh, lá ráy, tía tô, mỗi vị 15g. Cách làm: Trước tiên lấy lớp vỏ trong của cây chanh (bỏ vỏ ngoài) phơi khô, giã nhỏ, rây bột mịn rắc vào vết thương, sau đó các dược liệu trên rửa sạch, giã nhỏ đắp vào nơi có mụn nhọt rồi băng lại. Ngày đắp 1 lần. Đắp trong 3 ngày.

5. Viêm nhiễm âm đạo, ngứa, ra nhiều khí hư

Lấy 50 gr lá lốt, 40 gr nghệ, 20 gr phèn chua, đổ nước ngập thuốc khoảng hai đốt ngón tay, đun sôi thì bớt lửa sôi liu riu khoảng 10 – 15 phút rồi chắt lấy một bát nước, để lắng trong, dùng rửa âm đạo. Số thuốc còn lại đun sôi để xông hơi vào âm đạo, rất hiệu nghiệm.

6. Trẻ bị tiêu chảy nhiều lần

Lá lốt 20g, củ riềng 10g, sắc 2 thứ lấy nước đặc cho trẻ uống 2 – 3 lần liền. Mỗi lần cách nhau 60 phút.

7. Đau bụng do lạnh

Lá lốt tươi 20g, rửa sạch, đun với 300ml nước còn 100ml. Uống trong ngày khi thuốc còn ấm, nên uống trước bữa ăn tối. Dùng liên tục trong 2 ngày.

8. Đầu gối sưng đau

Lá lốt, ngải cứu mỗi vị 20g (tất cả dùng tươi), rửa sạch, giã nát, thêm giấm chưng nóng, đắp, chườm nơi đầu gối sưng đau.

9. Chữa phù thũng do thận

Lá lốt 20g, cà gai leo, rễ mỏ quạ, rễ tầm gai, lá đa lông, mã đề mỗi vị 10g. Sắc với 500ml nước còn 150ml, uống trong ngày. Uống  sau bữa ăn trưa khi thuốc còn ấm. Dùng trong 3-5 ngày.

10. Giải cảm thương hàn

Lấy một nắm 20 lá lốt già (thái sợi), một nắm gạo vo sạch, nửa củ hành tây (hoặc hành tím), 1 tép tỏi, 5 nhánh hành hương nhỏ, 2gr gừng thái lát mỏng, gia vị nêm. Nấu sôi với 150ml nước, sau 15 phút nhấc xuống, bỏ vào 1 quả trứng gà, khuấy đều. Ăn xong, lau mồ hôi sẽ khỏe.

11. Viêm tinh hoàn

Tinh hoàn sưng to, người mệt mỏi, không chịu chơi, ít vận động, hay nằm: lá lốt 12g, lệ chi 12g, bạch truật 12g, trần bì 10g, bạch linh 10g, sinh khương 21g, sơn thù 6g, phòng sâm 6g, hoàng kỳ 5g, cam thảo (chích) 4g. Đổ 600ml nước, sắc còn 200ml, chia nhiều lần cho trẻ uống trong ngày.

Theo MEGAFUN.VN

Cách nấu Canh mít non lá lốt

Canh mít non lá lốt là một món ăn dân dã nhưng rất ngon miệng, tuy công thức này có bỏ thêm tôm và thịt ba chỉ, nhưng vẫn không làm mất đi hương vị cây nhà lá vườn của nó.

Nguyên liệu:

  • 200g mít non
  • 100g tôm
  • 100g thịt ba chỉ
  • Một nắm lá lốt
  • Hành củ, chút hành lá
  • Mắm ruốc, gia vị.


Sơ chế:

– Mít gọt vỏ, bỏ cùi, rửa sạch sẽ sau đó xé ra từng miếng nhỏ vừa ăn.
– Lá lốt xắt sợi 0,5cm.
– Múc 1/2 muỗng canh mắm ruốc hòa với nước cho tan, sau đó dùng rây lọc bỏ cát, bụi, giữ phần nước pha lại.
– Hành củ xắt lát mỏng. Hành lá xắt nhỏ.
– Tôm lột vỏ, bỏ đầu đuôi, rút chỉ đen, sau đó chà qua muối rồi rửa lại bằng nước sạch, để ráo.
– Thịt ba rọi rửa sạch cắt thành miếng nhỏ, dài rộng cỡ 2 đốt ngón tay.
– Sau đó ướp tôm + thịt + chút muối + chút nước mắm + chút bột ngọt trong 15 phút.

Thực hiện:

– Bắc cái nồi lên bếp, cho ít dầu ăn vào đun nóng rồi bỏ hành củ thái lát và hành lá xắt nhỏ vào phi thơm. Sau đó cho thịt và tôm vào xào săn.
– Đổ nước lạnh vào một lượng đủ nấu canh, đổ hết nước mắm ruốc vào, đun cho sôi.
– Nước sôi cho mít vào nấu tới khi chín mềm. Nhỏ lửa, nêm nếm lại bằng nước mắm, bột ngọt (hạt nêm) cho vừa ăn.
– Đun sôi lại lần nữa rồi tắt bếp. Cho lá lốt vào khuấy đều là xong.
– Ăn nóng với cơm. Khi ăn làm chén nước mắm ớt ăn kèm để thêm phần kích thích.

Bé Thúi

Cách làm Ốc bươu xào lá lốt

Ốc kết hợp với lá lốt đã làm điêu đứng khẩu vị của nhiều người bởi vị thơm cay, cái sần sật của nó. Công thức này cho thêm thịt để phong phú.

Nguyên liệu:

  • Ốc bưu: 300g
  • Thịt ba rọi: 150g
  • Lá lốt: 1 bó hoặc 150g
  • Gừng băm: 1/2 muỗng canh
  • Hành củ băm: 1 muỗng canh
  • Tỏi băm: 1 muỗng canh
  • 2 trái ớt hiểm
  • 1 muỗng cafe bột nghệ
  • Nước mắm, muối, bột ngọt

Cách làm:

  • Sơ chế:

– Ốc mua về ngâm nước gạo, cắt thêm 1 chút ớt tươi thả vào để ốc cay nhả hết nhớt và chất bẩn trong 2-3 tiếng. Sau đó cho vào nồi luộc hoặc hấp qua cho chín.

– Lấy thịt ốc, ngắt bỏ phần gan ốc (đuôi ốc). Rửa bóp ốc bằng muối hột sau đó rửa sạch lại qua nước. Để ráo hoặc dùng khăn thấm cho ráo kỹ. Có thể dùng kéo cắt đôi con ốc cho dễ nhai.

– Lá lốt rửa sạch, ngắt bỏ cuống, thái sợi ngang khoảng 0,5cm.

– Thịt ba chỉ thái nhỏ hơn miếng ốc, ướp với chút hành băm, muối, bột ngọt, bột nghệ.

  • Thực hiện:

– Bắc chảo lên bếp, cho dầu vào phi hành tỏi cho thơm, rồi cho thịt ba chỉ đã ướp vào xào lửa to cho săn, cháy cạnh. Sau đó trút ra đĩa.

– Cho tiếp chút dầu ăn vào, phi thơm gừng, rồi cho hành tỏi vào phi vàng. Sau đó trút ốc vào xào khoảng 3-5 phút cho ốc mất nước hơi rút lại, tiếp tục trút thịt vào xào cho thịt và ốc đều chín (khoảng 1 phút, không nên xào lâu kẻo ốc bị dai).

– Nêm lại bằng nước mắm, bột ngọt cho vừa miệng, rồi đổ tiếp lá lốt vào xào, xắt thêm trái ớt cho có vị cay.

*** Ốc xào lá lốt ăn nóng với cơm, bún hoặc dùng để nhậu.

*** Mẹo lấy thịt ốc: Lấy mũi dao nạy miệng ốc ra rồi lấy đầu đũa chọt cho thịt ốc lún vào trong, sau đó một lúc vẩy mạnh là nguyên con văng ra hết.

Bé Thúi 

Cách làm CHẢ LÁ LỐT

Chả lá lốt thịt lợn, món ăn phổ biến ngoài Bắc, dịch ra tiếng miền Nam, là “thịt heo cuốn lá lốt chiên”. Một món ăn dễ làm, nhưng cũng dễ ghiền.

Cách làm món chả lá lốt thịt lợn:

Nguyên liệu:

Cho gia đình 5 người ăn trong 1 bữa:

  • -1 bó lá lốt
  • -350gr thịt lợn ba chỉ (heo ba rọi) xay
  • -Hành lá, hành củ 4 tép, tỏi 1 tép
  • -Tiêu, nước mắm, bột ngọt.

Cách làm:

– Hành lá thái nhỏ. Hành củ và tỏi đem băm nhuyễn
– Thịt lợn ướp với 1,5 thìa súp (muỗng canh) nước mắm, 1/2 thìa cafe bột ngọt + 1/2 thìa cafe tiêu + hành tỏi băm nhuyễn + hành lá thái nhỏ, trộn đều, ướp trong 20 phút.
– Lá lốt rửa sạch. Chọn lá to, đẹp (còn cuống lá) đem chần sơ qua nước nóng cho mềm, rồi bỏ vô nước lạnh.
– Lá xấu, nhỏ ngắt cuống lá bỏ đi, phần lá đem thái chỉ, rồi trộn đều vào phần thịt đã ướp.

Cuốn chả:

– Lá lốt to đẹp đem trải xuống mâm hoặc thớt. Đặt lá nằm úp (phần lưng lá ngửa lên). Cho một ít thịt lên giữa lá, sau đó cuộn từ phần ngọn lá lên cuốn lá, tới gần cuống lá thì gấp hai bên cuốn lá lại cho kín, rồi cuộn tròn lên. Dùng một que tăm đục lỗ vào thân cuộn, rồi đâm cuống lá vào, ghim cho khỏi tuột ra là được (làm vài lần sẽ quen).

  • Nếu lá nhỏ quá, có thể xếp hai, ba lá lại với nhau rồi cuộn.
  • Thật ra là có nhiều kiểu cuộn, có kiểu bịt kín mít, có kiểu hở 2 đầu, các bạn cứ cuộn sao cho ra hình trụ, mà chắc gọn, không bị bung ra là được

– Lần lượt làm cho hết thịt và lá.

Rán chả: Làm xong rồi thì đem rán:

– Bắc một chảo, to càng tốt, đổ dầu vừa phải. Đun nóng dầu (đừng để bốc khói, có hại), rồi xếp thịt vào rán lửa thật nhỏ cho đến khi thấy được thì lật qua mặt kia rán tiếp.

  • Rán ngập dầu sẽ giúp lá lốt có màu đẹp hơn, thịt cũng không bị khô.

– Chín thì gắp ra cho vào đĩa. Chuẩn bị măm măm thôi!

  • Thường thì nếu nêm vừa miệng rồi thì không cần làm nước chấm. Còn nhạt thì chấm nước mắm chua ngọt, ăn với đu đủ chua ngọt.
  • Còn có cách ăn khác, là ăn kết hợp với canh bí đao, chan chút nước mắm ớt lên (đừng nước mắm ớt tỏi, vì tỏi tươi làm ảnh hưởng đến vị thịt và lá lốt, chứ không tôn vị lên như nước mắm)

Yêu cầu: Chả lá lốt thơm, chín đều, thịt còn mềm, lá lốt không bị khô. Màu sắc xanh đen, bóng. Là đạt chuẩn!

  • Đây là món ăn dân dã nhưng cực ngon, rất phổ biến ở ngoài Bắc bộ. Trong khi miền Nam thường làm bò lá lốt nướng chấm mắm nêm, ăn ngon nhưng ngon kiểu khác, không đậm đà và béo bở như chả lá lốt thịt lợn kiểu này.

Chúc các bạn ngon miệng!

Bé Thúi