Sài Gòn, ẩm thực và cà phê trên báo Anh

(DĐDN) – Đây là cà phê, nhưng không phải là cà phê như những gì chúng ta đã biết. Ở TP HCM, Nicola Graydon đã học được cách yêu loại nước uống được xem là nguồn năng lượng của quốc gia này.

Một quán cà phê, hàng ăn uống vỉa hè khiêm tốn luôn là lựa chọn ưa thích của người Việt Nam. Ảnh: Alamy.

 

Điều đầu tiên mà bạn cần phải học khi lần đầu đến TP HCM chính là cách băng qua đường. Đây là một thử thách đầy khó khăn, đòi hỏi bạn phải có một kỹ năng giữ cân bằng tốt trong trạng thái điềm tĩnh, quan sát xung quanh thật tinh tế và bước về phía trước một cách dè chừng.

Thật chóng mặt khi bước xuống dòng xe tấp nập đang di chuyển mà người điều khiển chúng đang giấu gương mặt với những cảm xúc sau cái khẩu trang và mũ bảo hiểm. Phải mất một lúc lâu để bạn khám phá ra đó là điệu nhảy của cho và nhận; Những người lái xe sẽ vây xung quanh bạn. Có lẽ đây chính là bản chất của thành phố này.

Đây là một thành phố – nơi cho bạn cảm giác về tương lai tươi sáng. Những tòa nhà chọc trời nhô lên khỏi mặt đất, phá hủy khu phố truyền thống. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể thấy dưới chân một trong những khối thép và thủy tinh kiên cố ấy có một bà cụ đang ngồi, làn da mỏng manh như bánh tráng đang bán phở từ gánh hàng đã cũ, như thể không có gì thay đổi.

Cách tốt nhất để bạn chiêm ngưỡng sự thú vị này chính là ngồi trên ban-công của vô số quán cà phê nằm rải rác trong thành phố. Bằng cách này, bạn sẽ được nằm ngoài cuộc cạnh tranh nhưng vẫn có thể quan sát dòng người hối hả bên dưới. Bạn cũng sẽ được thưởng thức nước giải khát để bù đắp lại phần nào năng lượng đã bị tiêu hao. Thành phố này là một trong những trung tâm thương mại cao cấp nhất của Đông Nam Á trong 20 năm qua.

Trên sân thượng của quán cà phê L’Usine – một quán cà phê kiểu Pháp nhìn hướng ra Nhà hát Thành Phố, tôi gọi món cà phê truyền thống của Việt Nam được biết với tên “Ca phe sua da” gồm có “ cà phê, sữa và đá”. Đó là loại cà phê đen được nhỏ giọt từ cái phin kim loại đặt bên trên một chiếc cốc có chứa sẵn ¼ sữa đặc có đường, muốn thưởng thức, bạn hãy khấy đều lên và đổ hỗn hợp cà phê và sữa vào ly có đầy đá viên.

Lúc đầu, tôi không thể chịu nổi kiểu ngọt ngấy của nó, nhưng sau ba ngày tôi trở nên nghiện cái vị ngọt theo sau cái cảm giác tươi mát trên đầu lưỡi. Cà phê sữa đá hoàn toàn phù hợp với khí hậu có độ ẩm cao ở thành phố này mà không kiểu pha chế cà phê bình thường khác có được.

Cà phê xuất hiện tại Việt Nam vào cuối thế kỷ 19 do người Pháp đem đến nhưng đất nước này nhanh chóng trở thành quốc gia xuất khẩu cà phê lớn trên thế giới. Vùng đất Tây Nguyên của Việt Nam đã góp phần quan trọng cho thành quả này. Ngày nay, Việt Nam đã đưa cà phê lên tầm cao mới trong lĩnh vưc ẩm thực – thậm chí ngành dược phẩm

Tại quán Cà phê Trung Nguyên – thương hiệu cà phê Việt Nam được ví tương đương với Starbucks có một chuỗi các quán cà phê trong thành phố – bạn có thể chọn cho mình thức uống yêu thích trong thực đơn dài đến 5 trang. Chuỗi quán theo đuổi phong cách sang trọng với những hàng ghế sofa dài mang nét đặc trưng của thập niên bảy mươi và có màu sắc chủ đạo là đỏ nâu. Khách hàng quen thuộc của chuỗi quán Trung Nguyên phần lớn là thanh nhiên trẻ và doanh nhân đến thưởng thức cà phê và mong muốn qua ly cà cà phê khơi dậy cho họ niềm cảm hứng.

Tại chuỗi quán Trung Nguyên, bạn có thể khám phá những nền văn hóa cà phê đặc biệt từ của Ý, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ và Ethiopia. Tuy nhiên, cà phê Việt Nam là điều tuyệt vời, xứng đáng cho chúng ta khám phá hơn cả. Các sản phẩm cà phê được phối trộn từ những loại hạt cà phê khác nhau theo một công thức đặc chế riêng của Trung Nguyên và có những cái tên thực sự đặc biệt như: “Thành công”, “Sáng tạo”, “Khám phá” và “Tư Duy”

Tôi đã chọn “Passiona” – loại cà phê dành riêng cho phái đẹp, được giới thiệu rằng uống thứ cà phê này sẽ duy trì làn da hoàn hảo và một đời sống tinh thần “đầy đam mê và thành công”. Tôi đã uống rất nhiều, không nhất thiết vì lời quảng cáo ban đầu nhưng thực sự vị của cà phê hòa tan Passiona rất ngon. Được biết, Passiona là sản phẩm cà phê được nghiên cứu và phát triển trong suốt 9 năm, bao gồm một số thành phần có lợi cho cơ thể như: collagen, vitamin PP (chống khô da) và các loại thảo mộc Phương Đông quý hiếm.

Không gian quán cà phê Trung Nguyên tại TP HCM. Ảnh: Alamy.

 

Tại một quán ăn lề đường của ông Huỳnh, tôi thưởng thức món phở bò tái dưới ánh đèn neon và nhận ra rằng dù có bao nhiêu tòa nhà cao tầng chọc trời, bao nhiêu sự vận động chuyển hóa đi chăng nữa thì quá khứ của Việt Nam vẫn tồn tại bên những món ăn truyền thống giản dị của đất nước này – trong tô phở bốc khói bên góc phố, tại những khu chợ bày bán cá tươi, trong những quầy hàng gạo với sự hiện diện của hàng chục giống khác nhau và cả trong những cửa hàng bày bán các loại thảo mộc tươi đâng vào mùa thu hoạch. Theo ông Huỳnh giải thích, rất ít người Việt Nam sở hữu tủ lạnh bởi vì họ mua tất cả mọi thứ tươi mới từ chợ. Dù giàu hay nghèo, họ thích ăn tại những quán ăn đường phố, trên những ghế nhỏ và nhất là những quán ăn sử dụng công thức gia truyền qua nhiều thế hệ. Vì vậy, tôi đã được tận mắt chứng kiến hình ảnh những chàng thanh niên hiện đại, tai nghe phone phát ra từ điện thoại di động, đậu xe máy trên vỉa hè, ngồi xuống một chiếc ghế và thưởng thức những món ăn giống như người bà của họ nấu ở nhà.

Những gánh hàng rong. Ảnh: Alamy

 

Tôi mua ly cà phê sữa đá cuối cùng tại một quán cà phê vỉa hè bên ngoài Bảo tàng Chứng Tích Chiến Tranh và uống cạn nó dưới bóng của một chiếc xe tăng cũ với Lou – một phụ nữ Việt Nam vẫn luôn trăn trở vì cuộc chiến. Cô bị thất lạc với gia đình khi còn là một đứa bé và được một người lính Pháp đào ngũ khỏi quân đội Mỹ nhận nuôi. Cô đã theo người đàn ông này đến sống tại Pháp và phải mất 30 năm sau mới tìm thấy con đường để tìm về với gia đình của mình. Các chuyến tham quan đến bảo tàng luôn gợi lại những kỷ niệm buồn trong cô, người ta đã phải đổi tên cô theo giống tên nước ngoài để bảo vệ cô trước những kỳ thị vì cô bị xem là “tạp chủng”. “Mọi người ở đây đều có một câu chuyện để kể”, cô nói với tôi. “Mọi người đều có người thân đã khuất và có nhiều người đã phải sống với sự xấu hổ, mặc cảm. Họ đã chiến đấu và chém giết lẫn nhau. Tại đây không ai nói về chiến tranh nữa, như thể nó đã qua, nhưng nó không phải là sự thật . Nó sống mãi trong sự im lặng. ”

Với cuộc sống ồn ào tại TP HCM, mỗi một người đều có một cuộc sống riêng, vội vã trôi đi giữa những âm thanh náo nhiệt vang lên từ cuộc sống hối hả. Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh và lần lượt bị xâm chiếm bởi Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp & cuối cùng là Mỹ. Do đó, ở thành phố này vẫn tồn tại nhiều bảo tàng lưu giữ những hình ảnh, chiến tích đấu tranh, hoặc qua những lời kể đầy vẻ tự hào của những người đã từng trải qua nhiều cuộc chiến tranh thần kỳ đó.

Tuy nhiên, Lou không nói nhiều về những điều đó. Không làm bất cứ điều gì. Cả hai chúng tôi bắt đầu tận hưởng mùi vị tuyệt vời, ngọt ngào của ly cà phê sữa đá. Từ đó, chúng tôi hiểu được giá trị của sự đau thương, mất mát của họ đã từng trải qua là điều không dễ dàng gì.



You Might Also Like