MÓN TIẾT CANH CƯỚP ĐI MẠNG SỐNG CỦA HÀNG CHỤC NGƯỜI

Tiết canh là món ăn độc đáo của Việt Nam, tuy vậy tình trạng người bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn từ món ăn này hiện đang ở mức báo động.

82 người nhiễm liên cầu khuẩn lợn sau khi ăn tiết canh, 10 người tử vong tính từ đầu năm đến nay, theo thống kê của Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế.

Riêng tại Hà Nội có đến 17 ca mắc liên cầu khuẩn lợn do ăn tiết canh, 2 người đã chết. Tiến sĩ Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, nhiều người dân cho rằng lợn sạch, lợn nhà nuôi thì không sợ bệnh nên thoải mái ăn tiết canh, thịt lợn tái… Tuy nhiên, đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm, nhìn con lợn khỏe mạnh cũng không chắc rằng con lợn đó không mang liên cầu khuẩn. Rất nhiều bệnh nhân ăn thịt lợn chưa nấu chín kỹ, tiết canh do lợn nhà nuôi nhưng vẫn bị bệnh liên cầu khuẩn.

Để phòng bệnh liên cầu lợn, người dân không nên ăn tiết canh, lòng, tim, gan chần tái. Ảnh:N.P. 

Khoảng 70% bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn là do ăn tiết canh, ngoài ra do ăn nem chạo sống và số ít người nhiễm từ việc chăn nuôi lợn bệnh. Một khảo sát năm 2014 trên VnExpress.net “Bạn có ăn tiết canh không” cho thấy trong số hơn 1.000 người thì có đến 7% trả lời ăn thường xuyên, 45% thỉnh thoảng và 48% không ăn.

Người dân không nên chủ quan vì bệnh có thể gây tử vong nếu điều trị muộn. Tỷ lệ tử vong do nhiễm liên cầu lợn khoảng 7%, nếu bệnh nhân được cứu sống, tỷ lệ di chứng cũng rất cao, đến 40%.

Tiến sĩ Bắc khuyến cáo, bệnh xảy ra rải rác quanh năm, nhưng vào những tháng gần cuối năm gắn liền với Tết âm lịch thường có xu hướng gia tăng. Để phòng bệnh, người dân không ăn tiết canh, nội tạng lợn, và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín (lòng, tim, gan, thận chần tái, thịt tái, nem chua, nem chạo…); không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề…

Thời gian ủ bệnh của liên cầu lợn có thể vài tiếng đến 4-5 ngày, tùy cơ địa mỗi người. Khi nhiễm liên cầu lợn, người bệnh có biểu hiện sốt nóng, sốt lạnh, đi ngoài (nhưng không đi nhiều lần) khiến nhiều người lầm tưởng với các rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thông thường. Người bệnh cũng có biểu hiện tri giác lơ mơ, li bì hôn mê, bệnh nhân sốc tụt huyết áp, xuất hiện các ban hoại tử trên da do nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ vì liên cầu lợn. Khi nhiễm liên cầu khuẩn lợn, bệnh sẽ diễn biến cực kỳ nhanh chóng, suy đa phủ tạng.

Ngoài mầm bệnh liên cầu lợn, ăn thịt lợn chưa chế biến kỹ còn tiềm ẩn nguy cơ nhiễm sán, giun xoắn… Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) từng tiếp nhận một bệnh nhân có khoảng 50 ổ sán trên não. Bệnh nhân này thường xuyên ăn lòng lợn tiết canh và rau sống.

Nam Phương (VnExpress.net)

NGƯỜI BỊ TỊCH THU BÌNH TRÀ MIỄN PHÍ ĐƯỢC TRẢ LẠI, XEM XÉT TUYÊN DƯƠNG KHEN THƯỞNG

Sau một thời gian bị tịch thu thùng trà đã miễn phí, gây phản ứng mạnh của cộng đồng mạng, anh Trần Nam Anh đã được trả lại thùng trà, và còn được lãnh đạo phường cho biết sẽ xem xét tuyên dương, khen thưởng.

Chiều ngày 1/8, chủ tịch UBND phường Phương Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) đã bày tỏ sự ủng hộ của ông đối với những hoạt động từ thiện giúp người trên địa bàn từ các cá nhân, doanh nghiệp.

Trước đó, phường đã tịch thu bình trà miễn phí của anh Trần Nam Anh (địa chỉ 1031B đường Giải Phóng), và gặp phản ứng dữ dội của cộng đồng mạng.

Qua xem xét, lãnh đạo phường Phương Liệt cho biết, ông hưởng ứng hành động này. Theo ông, việc làm của anh Trần Nam Anh là tấm gương để mọi người noi theo. Ông Hải cũng cho biết sắp tới sẽ họp xem xét tuyên dương việc làm của anh trước nhân dân. Bên cạnh đó, những người có việc làm tốt tương tự cũng sẽ được xem xét khen thưởng, tuyên dương trước mọi người.

Anh Trần Nam Anh kể chuyện lên phường Phương Liệt nhận lại thùng trà đá bị tịch thu vào chiều ngày 27/7.

Ngày 31/7, anh Trần Nam Anh đã được công an phường Phương Liệt mời đến trụ sở phường viết biên bản nhận lại thùng trà đá đã bị tịch thu vào chiều 27/7.

Trong buổi làm việc này, đại diện phường giải thích nguyên do tịch thu thùng trà miễn phí giành cho người nghèo, người lao động của anh, đó là việc để bình trà ở gốc cây vỉa hè đường Giải Phóng đã vi phạm quy định về vỉa hè, lòng đường.

Bên cạnh đó, đại diện phường cũng cho biết, vì anh Nam Anh để bình trà ở đó, nhiều người xe ôm, hàng rong sẽ để xe ở lòng đường khi ghé uống nước, gây cản trở giao thông.

Theo đó, anh Nam Anh không bị cấm đặt thùng trà đá miễn phí nữa, nhưng được yêu cầu phải để vào nơi hợp lý, đảm bảo không gây cản trở giao thông, lấn chiếm lòng lề đường.

Anh Nam Anh cho biết, sau buổi làm việc, anh được nhận lại bình trà đá và cốc đem về nhà mà không phải đóng phạt.

Ngày 1/8, sau khi đặt lại bình nước miễn phí, một số người thắc mắc vì thấy bình nước lần này là nước lọc. Anh Nam Anh cho biết, do hôm đó trời mưa to, công việc bị trở ngại nên anh không pha trà đổ v ào bình được. Những ngày sau anh sẽ tiếp tục với bình trà đá miễn phí cho người đi đường.

Cái Quan Tổng hợp.

“Nên phạt nặng những người đặt trà đá từ thiện ở vỉa hè”

Bạn Ami Nguyễn mới có bài viết về trà đá từ thiện, cho rằng công an đã thực thi luật một cách cứng nhắc, và rằng việc buộc những người giúp đỡ dân nghèo phải xin phép là hành động quan liêu. Có bạn còn quy kết rằng tịch thu bình trà đá như vậy là “tịch thu lòng tốt”.


Công an, dân phòng, trật tự đô thị sẽ bị ném đá khi tịch thu bình trà, và cũng bị ném đá khi xảy ra tình trạng hỗn loạn nếu không tịch thu – Ảnh: Khả Hòa

Tất nhiên, đó là góc nhìn của riêng các bạn.

Tôi thì lại cho rằng cần phải xử lý đúng pháp luật những người đặt bình trà từ thiện ở vỉa hè, nếu tái phạm, hãy phạt nặng hơn.

Những người chủ cửa hàng đặt bình nước lý luận rằng bình nước không quá lấn chiếm vỉa hè là nói cùn. Thế nào là không quá lấn chiếm? Thực thi pháp luật thì không được tạo ra tiền lệ, ngày nay các bạn đặt bình nước, ngày mai là một quán nước, rồi dần dần sẽ là cái chợ chăng? Chưa kể, bạn đặt được thì người bên cạnh cũng đặt được, và cả phố cũng sẽ làm theo, lúc đó ai sẽ chịu trách nhiệm? Là công an, dân phòng, trật tự đô thị, họ sẽ hứng búa rìu dư luận các bạn ạ, họ bị ném đá khi tịch thu bình trà, và cũng bị ném đá khi xảy ra tình trạng hỗn loạn nếu không tịch thu, thật khôi hài.

Nếu 4, 5 người dừng xe ở lòng đường chen nhau uống nước vào giờ tan tầm, thì việc xảy ra tai nạn thương tâm chỉ là điều sớm muộn. Chưa kể với thời tiết nóng bức như những ngày qua, việc 1.000 cái miệng uống chung một bình nước, sẽ là một ổ dịch tiềm năng của các bệnh tiêu chảy, hô hấp.

Bạn Ami Nguyễn có cái tên hơi Tây, không biết bạn đã từng ở Tây chưa? Hồi tôi còn ở San Francisco (Mỹ), tôi cùng vài gia đình muốn lắp đặt một chiếc ghế bench gỗ trên vỉa hè khuất sâu trong phố phục vụ người đi bộ thì được chính quyền hỗ trợ cho một mẫu đơn, họ yêu cầu chúng tôi chụp ảnh, vẽ sơ đồ chi tiết rồi gửi lên phòng Công trình Công cộng (DPW) kèm với đơn theo mẫu, việc được duyệt hay không phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định chủ quan của giám đốc DPW. Đừng tưởng xứ tự do có nghĩa là thích làm gì cũng được, kể cả là việc công ích.

Ở Mỹ, DPW kiểm soát từ thu gom rác, cào tuyết, phạt xe cho đến chống graffiti (vẽ tường), bạn muốn đặt thùng rác ra vị trí khác thuận tiện hơn cũng phải xin phép, nếu chống đối thì tùy mức độ bạn sẽ bị phạt tiền hoặc vài giờ lao động.

Ở Na Uy, việc cho tiền ăn xin có thể đối mặt với án tù. Luật là luật và không có ngoại lệ. Lý do tốt đẹp (theo cảm tính chủ quan của cá nhân) không thể dùng để bào chữa cho việc vi phạm luật pháp, vì luật pháp phục vụ toàn dân chứ không phục vụ cá nhân, cho dù là cá nhân nghèo, lang thang hay đang trong trạng thái khát nước giữa trưa hè 40 độ của thủ đô Hà Nội.

Có lý do mà tượng thần Libra luôn bịt mắt, tay cầm cân tay cầm kiếm xử phạt công minh bất kể người phạm tội đáng thương đến mức nào. Để có công bằng, thì luật pháp không thể duy tình.

Các bạn nghĩ rằng việc (cố tỏ ra) thương người nghèo chứng tỏ mình văn minh? Khi đặt tình lên trên lý, lấy hoàn cảnh biện minh cho việc phá hoại kỷ cương xã hội, thì các bạn chưa văn minh được đâu.

Chung Nguyên

Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một người làm trong lĩnh vực truyền thông tại Hà Nội

Bí quyết sống lâu của cụ bà cao tuổi nhất thế giới

Cụ bà Nguyễn Thị Trù, ở Bình Chánh, TP HCM đã chính thức được tổ chức kỷ lục thế giới công nhận là người cao tuổi nhất thế giới vào cuối tháng 4 vừa rồi, đây là tin vui không chỉ của bà và gia đình, mà còn là sự bất ngờ, thú vị pha lẫn nể phục của người dân trong cả nước.

Cụ bà Nguyễn Thị Trù 122 tuổi ở TPHCM – người được công nhận cao tuổi nhất thế giới chia sẻ bí quyết sống trường thọ.

Theo đề cử của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) từ năm 2014, ngày 20/4 vừa qua, tại Hong Kong, Hiệp Hội Kỷ lục Thế giới (World Records Association – WRA) đã chính thức công bố: Cụ bà cao tuổi nhất Việt Nam, Nguyễn Thị Trù (sinh năm 1893, tức 122 tuổi), hiện đang cư trú tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TPHCM là cụ bà cao tuổi nhất thế giới.

Cụ Nguyễn Thị Trù – người phụ nữ cao tuổi nhất thế giới.

Liên tiếp lập kỷ lục

 

Sau hai kỷ lục Việt Nam và châu Á, cụ bà Nguyễn Thị Trù tiếp tục xác lập kỷ lục thế giới: “Người phụ nữ cao tuổi nhất Thế giới”. Tính theo thế kỷ, cụ Trù đã sống qua ba thế kỷ (XIX, XX, XXI), tính theo tuổi, nay cụ tròn 122 – cái tuổi mà khó có ai trên đời này hưởng được.

 

Dự kiến, tháng 6/2015, đại diện của Hiệp Hội Kỷ lục Thế giới sẽ đến Việt Nam để trực tiếp trao bằng xác lập kỷ lục thế giới đến cụ bà Nguyễn Thị Trù.

 

Trước đó, theo ghi nhận của thế giới, cụ bà cao tuổi nhất là cụ Misao Okawa (117 tuổi) tại Nhật Bản đã qua đời vào ngày 1/4/2015.

Việt Nam được ghi nhận là đất nước có số lượng người trên 100 tuổi còn sống khỏe mạnh khá nhiều.

Ở cái tuổi cả thế giới phải thèm khát, cụ Trù vẫn luôn tươi cười, nhân hậu.

Bí quyết sống trường thọ

 

Nhà cụ Trù nằm trong con hẻm nhỏ thuộc ấp 5, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh. Khi có khách đến, trên chiếc võng ở góc nhà, cụ nằm đong đưa và đón khách bằng nụ cười móm mém, nhân hậu.

 

Với vóc người nhỏ bé, cụ mặc chiếc áo bà ba (bông tím), quần xa – tanh nâu (trang phục đặc trưng của phụ nữ Nam Bộ). Mái tóc ngắn bạc phơ, gương mặt nhiều vết nhăn nheo in hằn bao thăng trầm của thời gian năm tháng nhưng vẫn còn toát lên vẻ đôn hậu của người phụ nữ Việt Nam. Mặc dù ở tuổi “122 mùa xuân” nhưng đôi mắt cụ vẫn còn linh hoạt, đặc biệt cụ rất hay cười.

 

Cụ có tất cả 11 người con (3 trai, 8 gái) nhưng nay chỉ còn sống 2 người, họ đều đã ngoài 80 tuổi. Bà Nguyễn Thị Ba (76 tuổi) là con dâu út, hiện tại đang sống cùng cụ, sớm hôm phụng dưỡng mẹ chồng với lòng hiếu thảo và sự tôn kính. Những người con của bà Ba (cháu nội của cụ Trù) vẫn thường xuyên về thăm bà với những món quà: bánh, trái cây, sữa…

 

Bà Nguyễn Thị Đê (82 tuổi), con gái thứ 8 của cụ Trù, sau khi tiếp chúng tôi đã đến gần cụ, bóc cho cụ chiếc bánh. Cụ cười, rồi ăn bánh rất ngon lành. Bà Đê cho biết, cụ rất thích ăn bánh và uống sữa. Buổi sáng cụ thường ăn một tô cháo thịt, đến trưa ăn chừng một bát cơm lưng với thức ăn là thịt, cá, rau, củ, quả được nấu mềm và xé nhỏ. Đến chiều cũng thế, xen lẫn trong ba bữa ăn chính luôn có cốc sữa hoặc bánh trái. Cứ như vậy, mấy chục năm nay cụ sống vui cùng con cháu.

 

Bà Đê cho biết thêm, hiện nay cụ Trù không còn nhớ chút gì về thời xưa cũ nữa. “Ba mẹ tôi xưa kia chỉ là những người nông dân thuần túy thôi”, bà Đê tâm sự.

Theo lời kể của bà Đê, thời ấy, hằng ngày, cụ Trù cùng chồng chăm lo mảnh ruộng gần nhà. Sau vụ lúa, cụ lại đi lưới cá dưới sông, cắt bồn bồn, hái rau về ăn và bán. Chính cuộc sống gần gũi thiên nhiên khiến tinh thần của cụ thoải mái và không có nhiều tính toán, lo âu. Bữa ăn của gia đình cụ Trù luôn là những thực phẩm do chính sức lao động của những người trong gia đình làm ra như gạo ở ruộng nhà, rau quả ở trong vườn, cá ở dưới sông… Nhờ vậy mà cụ ít khi bệnh tật, sức khỏe lại được rèn luyện, bồi đắp bởi thói quen lao động hằng ngày.

Bí quyết sống trường thọ của cụ khá đơn giản: không ghen ghét, đố kỵ, không nặng nề toan tính…

Theo bà Ba (con dâu út), điều quan trọng khiến mẹ sống lâu là nhờ tính tình thuần hậu, rộng lượng, không ghen ghét, đố kỵ ai bao giờ. Điều này giúp cụ thanh thản, không nặng nề toan tính với cuộc đời. Cụ cũng không màng đến những thứ xa hoa, vật chất đối với cụ chỉ là vật ngoài thân, lòng cụ nhẹ nhàng, tâm cụ thảnh thơi, thanh thản.

 

Các con cụ cho biết, thời trẻ, cụ là một phụ nữ thôn quê khỏe khoắn, lao động như mấy anh cửu vạn vạm vỡ mà người ta thường thấy ở các bến cảng, khu bốc vác. Hòa chung không khí vừa lao động vừa chiến đấu, cụ cũng tham gia đào hầm, nấu cơm tiếp tế cho bộ đội.

 

Đã 122 tuổi mà răng cụ vẫn còn nhiều cái chưa rụng, chỉ bị mòn, còn lại chân răng. Có lẽ, ngày xưa do cụ nhai trầu nên răng khỏe như vậy. Một điều đặc biệt là từ trước tới nay, cụ chưa một lần nào nhập viện vì bệnh nặng.

Bà con láng giềng xung quanh nơi cụ Trù ở cũng nhận xét, cụ sống rất chan hòa với mọi người, chưa bao giờ thấy cụ bực tức với ai, con cháu trong nhà rất đoàn kết, luôn thương yêu giúp đỡ lẫn nhau. Có lẽ với bí quyết sống giản đơn trong tình yêu thương với mọi người, mà tình cảm đó như sợi dây chắc chắn neo giữ cụ ở lại với gia đình, với cuộc đời cho đến ngày hôm nay.

Theo Dân Trí

Nhận biết tôm bơm tạp chất bằng cách nào?

– Thủy sản nói chung và tôm nói riêng khi bị bơm tạp chất  (đặc biệt tạp chất dạng lỏng) là môi trường phù hợp cho nhiều loại vi khuẩn phát triển. Nếu ăn phải sẽ có nguy cơ ngộ độc, mắc các bệnh nguy hiểm như tả, tiêu chảy, thương hàn, rối loạn tiêu hóa..

Cách nhận biết tôm bị bơm tạp chất

Loại tôm được chọn để bơm tạp chất phần lớn là tôm sú.

Khi chọn tôm, nếu thấy con tôm cứng, thẳng đơ thì đó là tôm đã được bơm tạp chất. Bình thường mình tôm mềm, cong.

Mang tôm bơm tạp chất cứng, phồng căng trong khi mang tôm thường mềm, phẳng.


 

Tôm đã bị bơm hóa chất. Hình minh họa

Về màu sắc, gần như không thể phân biệt được tôm bơm và tôm sạch. Mình tôm bơm tạp chất thường mập, căng bất thường, mập đến nỗi các đốt trên thân tôm gần như bị giãn ra, nhất là đốt nối giữa đầu và thân.

Tôm bơm khi mới chết thường bị phù đầu, gai vểnh, xòe đuôi. Đầu và thân nhanh chóng rời nhau.


 

Tôm bơm tạp chất mình thường căng phồng, mập bất thường. Hình minh họa

Tôm bơm khi nấu chảy nhiều nước, thịt tôm bị teo lại. Khi ăn thịt bở, vị nhạt hơn so với bình thường.

Nếu là tôm bị bơm thạch, khi nấu chín, bóc vỏ tôm ra sẽ dễ dàng thấy lớp rau câu nằm giữa lớp thịt và vỏ tôm. Nhất là ở phần đầu, dưới mang.

Cách chọn tôm tươi ngon

Chắc ăn nhất, bạn hãy tìm mua tôm còn “nhảy tanh tách”, không rớt chân càng, đây là cách an toàn nhất để chắc chắn rằng bạn đang mua tôm tươi sống.

Cách tiếp theo là dành cho tôm đông lạnh hoặc đã hấp, bạn hãy bắt tôm lên, cầm phần đầu và phần đuôi tôm để kéo thẳng tôm ra. Nếu các khớp nối giữa các đốt tôm khít thì là tôm mới, còn nếu các khớp này rộng ra tức là tôm  đã bị để đông lạnh quá lâu.


 

Tôm tươi, ngon là tôm còn sống, vỏ sáng bóng, còn nguyên chân, càng. Hình minh họa

Với tôm sú: Không chọn tôm đã chuyển sang màu hồng vì đó là tôm đã ươn. Với tôm he, ngoài đặc điểm còn sống, bạn nên chọn con nào vỏ có màu hồng trắng, mắt xanh đen. Riêng với tôm sắt, không chọn con có màu hồng đậm vì khi đó tôm đã cũ, không còn tươi ngon.

Về mặt cảm quan, khi mua bạn nên chọn những con tôm có vỏ sáng bóng, tươi tắn. Thịt trong gắn chặt vào vỏ.

Người ta bơm tôm bằng những chất gì?

Dung dịch để bơm tôm nhằm tăng trọng lượng chủ yếu là tinh bột như rau câu, a dao, CMC (chất ổn định dùng để kiểm soát độ nhớt của thủy hải sản)… Các chất này thường được nấu chín hoặc hòa với nước thành dung dịch sền sệt. Sau đó dùng ống tiêm chích trực tiếp vào đầu, thân và đuôi tôm.


 

Tạp chất được bơm vào tôm qua đầu, thân và đuôi. Hình minh họa

Ngoài ra, để giữ được vẻ bề ngoài cho tôm tươi lâu hơn, nhiều thương lái còn dùng hàn the, diêm tiêu, ure… để ướp tôm.

Tôm bơm tạp chất có hại như thế nào?

Theo các chuyên gia về thủy, hải sản, khi tôm, cá có chứa tạp chất lạ, nhất là dạng lỏng sẽ trở thành môi trường thuận lợi cho nhiều loại vi khuẩn nguy hiểm phát triển.

Cụ thể, vi khuẩn vibrio cholarae gây bệnh thổ tả, vi khuẩn salmonella gây bệnh thương hàn, ngộ độc, tiêu chảy, nhiễm trùng máu. Vi khuẩn shigella gây bệnh kiết lị, vi khuẩn escheria coli gây tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa…

Ngoài ra, việc ngâm giữ tôm trong hàn the, ure… cũng  làm tăng khả năng người tiêu dùng bị ngộ độc cấp tính. Ure tích tụ trong cơ thể có thể gây ngộ độc mạn tính, mất ngủ, suy nhược cơ thể, giảm trí nhớ, gây bệnh gan, thận…

THANH GIANG (TH)

Nguồn: http://plo.vn/suc-khoe/dinh-duong/nhan-biet-tom-bom-tap-chat-nhu-the-nao-525647.html

CÓ MỘT ‘XỨ QUẢNG’ NGAY GIỮA LÒNG SÀI GÒN

 

Vùng Bảy Hiền ở Tân Bình, lâu nay được biết tới như một Quảng Nam thu nhỏ giữa lòng Sài Gòn, với làng dệt Bảy Hiền, với chợ Bà Hoa, với mì quảng, bê thui, bánh đập, với những con người tuy sống ở Sài Gòn lâu năm, mà vẫn nói riêng một giọng Quảng Nam khó lẫn lộn.

Địa danh Bảy Hiền có từ xưa. Bảy là thứ bậc trong gia đình, Hiền là tên của một nhân vật, ngày nay chỉ còn được biết tới qua hình tượng một ông cụ nhân hậu, hay giúp đỡ người khác, sống bằng nghề đổi nước sạch tại vùng đất này. Ông Bảy Hiền đã trở thành người thiên cổ từ lâu, nhưng cái cách kêu tên bình dị ấy còn được giữ làm tên đất.

Nếu không tính thời người dân Việt từ Ngũ Quảng vào miền Nam mở đất, do đã quá xa xưa, thì người Quảng hội tụ về vùng Bảy Hiền vào khoảng thập niên 1960 của thế kỉ trước. Họ là cư dân của các vùng Điện Bàn, Duy Xuyên của Quảng Nam, vào Sài Gòn, đem theo nghề dệt truyền thống. Làng dệt Bảy Hiền hình thành từ đó, về sau phát triển mạnh, trở thành một trong những chỗ cung cấp vải vóc chính cho thành phố Sài Gòn. Vùng Bảy Hiền từ một chốn đất rộng người thưa, dần trở nên nhộn nhịp, đông đúc. Người dân từ xứ Quảng, mà nhiều nhất là gốc Quảng Nam, theo đó đổ về đây lập nghiệp, tạo thành một cộng đồng gốc Quảng lớn nhất Sài Gòn, mà có lẽ cũng lớn nhất Việt Nam, nếu không tính xứ Quảng.

 

Ngoài nghề dệt, những con người đất Quảng còn đem tới Bảy Hiền các đặc sản văn hóa của quê mình. Ẩm thực là một điểm mạnh, các tiệm bê thui, mì Quảng mọc lên ngày một nhiều, cạnh tranh nhau về chất lượng. Cho tới nay, tuy mì Quảng đã phổ biến khắp Sài Gòn, nhưng nói ăn mì Quảng người ta vẫn nghĩ tới các tiệm mì Quảng ở khu Bảy Hiền, vì cho rằng mì Quảng ở đây đạt chuẩn, đúng hương vị Quảng nhất. Năm 1967, chợ Bà Hoa thành lập ở trung tâm làng dệt Bảy Hiền, người Quảng nhanh chóng biến chợ này thành một ngôi chợ Quảng Nam, với đầy đủ các đặc sản chính gốc Quảng: bánh tổ, bánh in, bánh đập, kẹo mạch nha, đường phổi, mắm cái, mắm dưa, cá chuồn, dầu phộng, tương ớt Hội An… Chợ Bà Hoa, nhờ giữ phong độ gốc Quảng ấy, cho tới nay đã trở thành điểm mua sắm, tham quan độc đáo của thành phố.

Ngoài văn hóa ẩm thực, các phong tục tập quán của xứ Quảng cũng được cư dân Bảy Hiền gìn giữ và phát huy, tạo thành những điểm nhấn đặc sắc trong một cộng đồng đa văn hóa của thành phố. Tục cúng xóm đầu năm là một ví dụ. Sau tết Nguyên đán, từ ngày mùng 8 tới 12 tháng Giêng, cư dân khu Bảy Hiền cùng đóng góp để làm lễ cúng xóm, với đầy đủ nghi thức trang nghiêm. Bàn cúng được bày ở ngay trên đường, với nhang đèn, cờ hoa, chiêng trống, người làm lễ mặc khăn đóng áo dài truyền thống. Sau lễ, bà con hội tụ với nhau ăn uống liên hoan vui vẻ, thân tình, làm gắn kết thêm tình cảm xóm giềng, mà cũng để chung tay xí xóa những chuyện xích mích lớn nhỏ trong năm cũ. Những sinh hoạt cộng đồng dân gian ấm áp tình làng xóm thế này, thật là hiếm thấy ở giữa Sài thành, nơi nổi tiếng thân thiện, nhưng hầu như nhà nào lo phần nhà nấy.

Bên cạnh các sự kiện lễ cúng, Bảy Hiền còn là nơi để đến tham gia các hoạt động văn nghệ, giải trí dân gian, như hát tuồng, bài chòi. Hấp dẫn nhất trong những ngày tết, đối với cả người lớn lẫn trẻ nhỏ, là lễ hội Bài chòi, thường được tổ chức tại trung tâm văn hóa phường 11. Đây là một trò chơi đậm chất nghệ thuật dân gian của xứ Quảng, người chơi vừa tham gia chơi, vừa được thưởng thức văn nghệ qua những câu hô bài chòi duyên dáng mà hài hước.

Nói đến các đặc sản của xứ Quảng, rồi thì không thể không nói đến giọng Quảng. Người Quảng hiểu rõ sự độc đáo trong chất giọng địa phương của mình, nên cho dẫu tha phương cầu thực, vẫn giữ cho mình cái vốn giọng Quảng đặc trưng, để tự hào về nguồn gốc, mà cũng để nhận đồng hương. Người dân Bảy Hiền, khi giao tiếp với người vùng khác thì tùy cơ ứng biến, nhưng khi nói chuyện với người dân “quê ta”, vẫn dùng giọng Quảng đặc sệt. Đến chợ Bà Hoa, ngoài thưởng thức bê thui, lòng xào nghệ, bánh đập, mì quảng, thì còn được thưởng thức giọng Quảng hiền lành, mộc mạc, không khác gì lạc vào một chợ Quảng Nam cách Sài Gòn gần một ngàn cây số.

Sài Gòn đất lành chim đậu, chuyện người miền trung, miền bắc vào đây sinh cơ lập nghiệp không phải chuyện lạ, nhưng có được một cộng đồng lớn và nhiều ảnh hưởng mà vẫn giữ lại những bản sắc quê hương như ở khu Bảy Hiền, có thể coi là một kì tích. Theo một thống kê, thì cư dân Bảy Hiền có tới 90% là người gốc Quảng, tập trung đông nhất ở các phường 11, 12, 13 của quận Tân Bình. Với đầy đủ các yếu tố về văn hóa, cư dân, ngôn ngữ, nói khu Bảy Hiền là một Quảng Nam thu nhỏ giữa lòng Sài Gòn, không còn là một cách nói ví von bay bổng nữa.

Mỹ Mạnh (MAV.vn)

Hai chàng Tây làm clip ca ngợi Mỳ Quảng

Ca khúc “The Mì Quảng song” kết hợp giữa pop và rap của hai chàng trai tây cùng một số người bạn Việt Nam làm ở Đà Nẵng, sau 1 tuần đăng lên facebook đã thu hút 175 ngàn người xem và con số cũng tiếp tục tăng nhanh mỗi ngày.

Ca khúc do hai chàng Tây trong clip, Jake Schofield và Ashlin Aronin sáng tác, với nội dung bằng tiếng Anh, thỉnh thoảng có vài câu tiếng Việt: đói quá!, cơm, “mì quảng”, chợ, nước mắm, đi ăn sáng phải là mì Quảng ở chợ Phước Mỹ…

Ca khúc, bằng một giọng điệu đầy tinh nghịch, đã ca ngợi món Mỳ Quảng của đất Quảng Nam như một món ăn sáng tuyệt vời, bá đạo, thần thánh nhất nhưng cũng rất rẻ bèo (15 ngàn), dưới góc nhìn của người phương Tây “sành sỏi” các món ăn, nguyên liệu Việt vốn không dễ làm quen.

Tuy nhiên video clip cũng nhận được nhiều chỉ trích khi phần cuối clip, các bạn trêu đùa nhau bằng món ăn và các ý kiến cho rằng điều đó là “lãng phí”, “thô thiển”, thậm chí là “xúc phạm” sợi mì Quảng. Ý kiến phê phán phần cuối clip của Ryan Duy Hùng, một ca sĩ người Mỹ khá nổi tiếng trong cộng đồng youtube, đã nhận được nhiều like đồng tình.

Bên cạnh đó, có những bạn gửi lời cảm ơn đến tác giả ca khúc đã góp phần quảng bá món Mỳ Quảng đến với thế giới.

Mời các bạn cùng xem để đánh giá “The Mì Quảng Song”, có lẽ là ca khúc đầu tiên về món mì nổi tiếng của xứ Quảng:

Bé Thúi (MAV.vn)

Chợ nổi Cái Răng lọt tốp những chợ nổi đẹp nhất châu Á

Chợ nổi có lẽ là một trong những điểm đến thú vị nhất của du lịch miền sông nước. Ở châu Á có nhiều khu chợ nổi khiến du khách đến một lần rồi nhớ mãi, trong đó phải kể đến chợ nổi Cái Răng của Việt Nam.

Những khu chợ nổi ở châu Á dù ở Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar hay Việt Nam đều có điểm chung là cảnh mua bán tấp nập, nhộn nhịp trên sông nước. Những phiên chợ nổi cũng bày bán hàng hóa phong phú như trên bờ, chỉ có điểm khác biệt là các gian hàng chính là những con thuyền nhỏ; mọi người đều đi thuyền để giao dịch bán mua…

Trên chợ nổi cũng có những nhà hàng phục vụ ẩm thực vùng miền cho khách với nhiều món ăn đa dạng, hấp dẫn thực khách.

Dưới đây là một số khu chợ nổi được trang du lịch Youramazingplaces bình chọn nằm trong số những chợ nổi đẹp nhất châu Á:

Chợ nổi Cái Răng, Việt Nam

Chợ nổi Cái Răng là chợ nổi chuyên trao đổi, mua bán nông sản, các loại trái cây, hàng hóa, thực phẩm, ăn uống và là điểm tham quan đặc sắc của quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ.

Nét độc đáo và đặc điểm chính của chợ nổi Cái Răng là chuyên buôn bán các loại trái cây, đặc sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Hòa mình vào không khí nhộn nhịp của buổi chợ, du khách có thể quan sát, tìm hiểu sinh hoạt của nhiều gia đình thương hồ với nhiều thế hệ chung sống trên ghe. Có những chiếc ghe như “căn hộ di động” trên sông nước với những chậu hoa kiểng, các loài vật nuôi, các tiện nghi đầy đủ như ti-vi màu, đầu dĩa, dàn âm thanh… có cả xe gắn máy đậu trên ghe.

Chợ nổi Damnoen Saduak, Thái Lan

Đây là chợ nổi không họp trên sông mà họp trên các kênh rạch chằng chịt thuộc huyện Damnoen Saduak, tỉnh Ratchaburi cách Bangkok 105 km về phía Tây Nam. Đây được xem là ngôi chợ khá sầm uất và đa dạng hàng hóa. Chợ là địa điểm thu hút khách du lịch và là chợ du khách có thể mua hàng lưu niệm cũng như khám phá nét đẹp của cuộc sống người dân Thái trên kênh rạch rõ nét nhất.

Khu chợ bắt đầu hoạt động vào năm 1967 và ngày nay nó phát triển, cuốn hút khách du lịch trên toàn thế giới. Ở đây có tất cả mọi thứ để thu hút khách du lịch, từ hàng thủ công mỹ nghệ đến nông sản, trái cây, gia vị, hoa và ngay cả massage Thái cổ truyền tại chợ.

Chợ nổi trên hồ Dal- Srinagar, Ấn Độ

Đây là chợ rau củ nổi tiếng của Ấn Độ và rau củ gần như là mặt hàng duy nhất được buôn bán ở khu chợ này. Đến đây, du khách sẽ bắt gặp một hình ảnh tấp nập, nhộn nhịp của các hàng quán, các mũi ghe lại gần nhau, va chạm vào nhau; tiếng người mua, kẻ bán mặc cả, thỏa thuận giá…

Chợ nổi Nam Pan Market, Myanmar

Khu chợ nổi này nằm trên hồ Inle, Myanmar, bày bán rất nhiều mặt hàng, từ hoa quả, nước uống đến bát đũa, đồ gia dụng. Địa điểm họp của chợ thường không cố định, mỗi lần họp chợ sẽ ngẫu nhiên chọn một địa điểm ở một khu khác nhau trên hồ. Tuy nhiên, gần đây chợ đã họp cố định hơn để tạo điều kiện cho khách tham quan.

Chợ nổi Taling Chan, Bangkok, Thailand

Nằm ở phía tây Bangkok, khu chợ hấp dẫn du khách với món cá nước, cua hấp ngay trên thuyền. Những người bán hàng, thương nhân thường họp từ 9h-16h, bán các món ăn truyền thống của Thái Lan, món tráng miệng và trái cây trên chính chiếc thuyền của họ.

(Theo Dân trí)

Bộ ảnh Tết Trung thu xưa (phần 1)

Trong phần 1 của loạt ảnh, mời các bạn đến với những hình ảnh ghi lại cảnh vui trung thu xưa lắc xưa lơ…

 

Những ảnh này nằm trong số những bộ sưu tập của Viện Viễn Đông Bác cổ của Pháp (École Francaise d’ Extrême – Orient)

Đám con trẻ hào hức với Tết trung thu xưa

Đèn lồng, đèn cá chép, đèn kéo quân luôn làm những đứa trẻ thèm thuồng

Đèn hình con cua là ước ao của bọn trẻ cả tháng trời trước Tết trung thu

Đủ các món đồ chơi được bày bán ở những khu chợ xưa

Múa lân trung thu xưa

Một cửa hàng thực phẩm thời xưa, nay chỉ còn là dĩ vãng

Mâm cỗ trung thu xưa có đầy đủ các loại trái cây

 

Xem tiếp:
Bộ ảnh tết Trung Thu xưa (phần 2)

 

LƯU Ý KHI ĂN BÁNH TRUNG THU

Trung thu là tết cổ truyền có từ lâu đời và đến nay tết trung thu không chỉ là của trẻ em và cả người lớn cũng vẫn mong đợi ngày này. Trung thu đến trẻ con háo hức chờ đợi được mua quà, người lớn biếu nhau hộp bánh để tỏ tấm lòng.

Tuy nhiên bánh trung thu không có lợi cho sức khoẻ bởi độ béo, độ ngọt và độ mặn của nó. Một số người mắc bệnh tiểu đường, tăng mỡ máu, cao huyết áp hay bệnh mạch vành cần thận trọng khi dùng bánh nướng, bánh dẻo. không nên ăn nhiều bánh trung thu vì:

Thành phần chính của bánh trung thu là bột, đường, bơ, mỡ lợn. Vỏ của các loại bánh trung thu truyền thống cũng như các loại nhân đậu, nhân hạt sen… đều được tẩm ướp rất nhiều mỡ và đường. Chính vì vậy bánh trung thu có độ béo và ngọt rất cao.

Trứng muối và các loại hạt trong nhân bánh cung cấp một lượng cholesterol đáng kể. Hàm lượng muối cao trong bánh cũng có thể trở thành gánh nặng cho thận và hệ tim mạch. Bánh nướng, bánh dẻo là thứ quà ngon nhưng xét về mặt sức khỏe, đây không phải thực phẩm bổ dưỡng và chỉ nên thưởng thức một cách chừng mực.

Người bị bệnh tiểu đường, thừa cân, tăng mỡ máu, cao huyết áp, bệnh mạch vành nên hạn chế hoặc tốt nhất là tránh dùng bánh trung thu. Ăn cùng lúc quá nhiều bánh trung thu có thể khiến bệnh xơ vữa động mạch trở nên tồi tệ hơn, gây đột quỵ hay nhồi máu cơ tim. Trẻ nhỏ và người già cũng không được lợi khi dùng món quà này.

Bánh trung thu không có lợi cho sức khỏe như nhiều người tưởng

Chẳng những không tốt cho sức khỏe nói chung, bánh trung thu còn khiến bạn tăng cân. Trung bình một chiếc bánh tròn cỡ 10×4 cm cung cấp 800-1.200 calo (càng nhiều lòng đỏ trứng, năng lượng càng cao), 5-12 g protein, 60-90 g cacbohydrat và 30-45 g chất béo. Một mẩu bánh trung thu nhân trứng muối nặng 60 g cung cấp khoảng 200 calo. Một phụ nữ cân nặng 55 kg cần đi bộ một giờ để đốt cháy phần năng lượng này.

Để dễ hình dung, có thể lấy ví dụ nam giới độ tuổi 31-50 hoạt động thể lực mức trung bình cần 2.400-2.600 calo mỗi ngày, nữ giới độ tuổi này cần 2.000 calo. Ăn một chiếc bánh trung thu là bạn đã nhận đủ năng lượng cần thiết cho một bữa ăn chính. Tốt nhất là nên chia bánh thành nhiều phần nhỏ và cùng ăn với bạn bè, gia đình, ăn chậm và hạn chế.

Trà là thức uống tốt nhất đi cùng bánh trung thu. Trà xanh hay trà ô long hợp với bánh có vị mặn và trà hoa cúc hợp hơn với bánh có vị ngọt. Những loại trà này chứa axit acetic, giúp tiêu hóa và phân giải chất béo tốt hơn. Tránh dùng cà phê hoặc trà quá đặc khi ăn bánh vì những thức uống này rất giàu caffein. Đồ uống chứa cacbohydrat như cola lại chứa nhiều năng lượng và đường, càng làm trầm trọng thêm tác dụng gây béo của bánh trung thu.

Benh.vn(Theo Bs. Trần Thu Thủy-VNE)

Từ khóa “best banh mi in Vietnam” sẽ cho bạn kết quả về tiệm bánh mì tên “Bánh mì Phượng” ở Hội An. Vậy điều gì làm nên sự đặc biệt trong chiếc bánh mì ngon nhất Việt Nam đó.

Đầu bếp người Canada Cameron Stauch , người đã từng có thời gian nấu ăn cho tổng thống Canada và hiện đang sinh sống tại Hà Nội sẽ cho chúng ta biết những cảm nhận đặc biệt của bản thân khi nếm thử chiếc bánh mì ngon nhất Việt Nam.

Với niềm hứng thú và háo hức đặc biệt, người đầu bếp Canada đã ăn hết chiếc bánh mỳ của mình một cách nhanh chóng, thậm chí thưởng thức tới cả những giọt sốt cuối cùng dính lại trên các ngón tay và yêu cầu thêm một chiếc bánh mỳ nữa. Đó là những điều tuyệt vời mà Cameron Stauch có được khi tới cửa hàng bánh mì Phượng ở Hội An.

Trước khi đến Việt Nam, Cameron Stauch đã từng thử một vài loại bánh mì Việt tại các quầy hàng bánh mỳ ở nước ngoài do người Việt làm chủ sở hữu, nhưng hương vị đó không làm người đầu bếp Canada cảm thấy thỏa mãn. Khi tới Việt Nam, những chiếc bánh mỳ tại Hà Nội cũng như Sài Gòn đều được vị đầu bếp nhận xét là khá ổn, nhưng đều thiếu cá tính và không đủ no bụng. Chỉ khi tới quán “bánh mì ngon nhất Việt Nam” theo cảm nhận của nhiều bạn bè quốc tế khác, ông mới thực sự cảm thấy thỏa mãn. Sau một vài lần lưu lại phố cổ xinh đẹp Hội An, cuối cùng Cameron Stauch đã tìm ra yếu tố khiến những chiếc bánh mỳ ở đây ngon đặc biệt tới như vậy. Đó là do hầu hết các thành phần nguyên liệu đều được chủ tiệm tự chế biến, chứ không phải dùng các nguyên liệu có sẵn như nhiều nơi khác.

Một số điều độc đáo khác tạo nên chiếc bánh mì ngon nhất Việt Nam được người đầu bếp Canada khám phá ra đó là…

Bánh mì giữ ấm trong bếp ủ than hồng

Những chiếc bánh mì ở quán đều khá mỏng, không bị dày như loại bánh mì Pháp cổ điển. Tất cả bánh mì trước khi chế biến đều được giữ ấm trong một khoang tủ gỗ bởi nhiệt độ của một chiếc bếp than hồng.

Nước sốt tự chế

Nước sốt của quán bánh mì Phượng đều được chủ tiệm chế biến kì công, mang vị béo ngậy đậm đà. Thay vì các loại maiyonaise, nước tương, mắm nêm pha sẵn, chủ tiệm đã tự pha chế một loại “siêu sốt” theo cách gọi của đầu bếp Cameron Stauch. Công thức này là bí quyết được giữ kín của chủ tiệm.


Loại “siêu sốt” mang hương vị đặc biệt

Thịt và pate hảo hạng

Thịt ăn kèm bánh mỳ bao gồm một lát mỏng thịt lợn thăn nướng, thịt nguội hoặc chả lụa, xúc xích. Ở quán còn có loại pa te gan đặc biệt mềm và ngậy béo, khi ăn như tan ngay trong khoang miệng góp phần tăng thêm hương vị thơm ngon.



Các loại rau ăn kèm

Tất cả rau ăn kèm đều là rau tươi, kết hợp từ nhiều loại rau sống khác nhau mang hương vị độc đáo như rau mùi, rau húng, hành lá…Một chút cà rốt, dưa chuột muối chua ngọt cũng làm tăng thêm sự mới mẻ và ngon miệng cho chiếc bánh mì tiệm Phượng.


Cách sắp xếp nguyên liệu

Các nhân viên quán đều tuân thủ một cách sắp xếp nguyên liệu thống nhất, khiến thời gian hoàn thành một chiếc bánh mì chỉ mất vài phút ngắn ngủi và hương vị đồng đều cho tất cả. Đầu tiên, một muỗng sốt maiyonaise tự chế được rưới đều trong bánh, tiếp đến là một muồng pate trải đều bên dưới. Hai muỗng nhỏ sốt tiêu được rưới dọc thành bánh, thịt và rau muối được thêm ở bước tiếp theo.

Các loại nguyên liệu chính như thịt, chả lụa được đặt vào bánh; phủ lên trên là chút tương ớt hoặc thêm một chút nước sốt tự chế. Đầu bếp Cameron Stauch chia sẻ, ông tin rằng quy trình phân lớp đặc biệt đó đã tạo nên hương vị hài hòa dễ gây nghiện cho chiếc bánh mì ở đây.

Cameron Stauch yêu thích chiếc bánh mì ở cửa tiệm nhỏ nơi phố cổ Hội An một cách đặc biệt, ông cũng không quên gợi ý cho bạn bè và các du khách quốc tế khác địa điểm lý thú này.

T.H (Depplus.vn/MASK)