Cách làm Hành chua ngọt xứ Quảng

Hành chua là một nguyên liệu không thể thiếu trong các quán ăn của người Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi. Thứ này cho vào bún bò, mì Quảng ăn rất ngon, cắn miếng hành ớt giòn giòn, chua chua, cay cay đã miệng mà hương vị của chúng lại còn bổ trợ cho hương vị món ăn nhiều.

Sau đây là Cách làm hành chua kiểu Quảng Đà:

Chuẩn bị:

  • Hành tím (hành củ nhỏ)
  • Cà rốt (tùy thích)
  • Ớt xanh, ớt đỏ loại to (hai màu cho đẹp, nên cho nhiều ớt xanh hơn vì ớt xanh mới thơm)
  • Dấm (nếu muốn làm xổi ăn ngay)
  • Một hũ đựng, tráng qua nước sôi cho sạch.

Phân lượng là tùy các bạn, tuy nhiên hành nên nhiều hơn mấy cái kia vì chủ yếu là ăn hành.

Thực hiện:

– Hành lột vỏ chẻ làm đôi, làm ba
– Cà rốt xắt hột lựu.
– Ớt cắt miếng nhỏ.
– Cho tất cả vào hũ.

Làm ăn xổi:

Pha một tô nước dấm đường theo tỷ lệ: 2 phần nước, 2 phần giấm, 1 phần đường. Rồi đổ vào hũ cho ngập hành ớt…
Có thể ăn sau 3 tiếng.

Làm để lâu:

Nếu không có gì phải vội thì ta muối theo kiểu lên men tự nhiên,  pha nước theo tỷ lệ: 1 chén nước ấm + 1 muỗng cafe muối + 1 muỗng cafe đường rồi đổ vào ngâm hành. Để chỗ thoán mát. 2 ngày sau là ăn được.

Món này trữ trong tủ lạnh được nhiều tuần.

Bé Thúi.

15 món ăn làm rạng danh ẩm thực Việt trên thế giới

Gỏi cuốn, cơm tấm, phở… lọt vào danh sách những món ăn Việt phải nếm của các tạp chí trên thế giới.

Chuối nếp nướng

Từng được vinh danh trong Lễ hội ẩm thực đường phố thế giới 2013 diễn ra tại Singapore, chuối nếp nướng khiến không ít người ngỡ ngàng vì mức độ thu hút của nó đối với bạn bè quốc tế tại liên hoan này. Vị ngọt từ chuối, bùi từ nếp và beo béo từ nước cốt dừa cùng chút đậu phộng rang đã làm nên một chuối nếp nướng độc đáo, chỉ từ các nguyên liệu đơn giản mà thành.

Bánh khọt Vũng Tàu

Là một trong những món ăn đạt giải thưởng Giá trị ẩm thực Châu Á, bánh khọt Vũng Tàu đã trở thành lựa chọn không thể thiếu đối với nhiều thực khách sành ăn. Bánh ngon phải có độ giòn nhất định, vàng ruộm. Ăn cùng nhiều loại rau tươi, nước mắm pha chua ngọt.

Bánh mì

Sài Gòn được mệnh danh là cái nôi của bánh mì Việt với đủ hương vị từ cơ bản đến biến tấu đa dạng, trong đó có bánh mì gà. Là sự kết tinh của phong cách ẩm thực Âu và Á nhưng mỗi ổ bánh mì lại có giá rất bình dân, chỉ từ 8 – 15k/phần. Mới đây, bánh mì gà cùng bún thịt nướng vinh dự lọt vào top 10 Món ăn siêu ngon tại Đông Nam Á.

Phở

“Pho” trở thành một danh từ riêng trong các tài liệu, từ điển thế giới là điều khiến hết thảy người Việt tự hào. Được xem là nét tinh tuý nhất của nền ẩm thực Việt, phở phù hợp cho việc dùng tại bất cứ thời điểm nào trong ngày mà không gây trở ngại mặc dù phải phục vụ khi món ăn còn nóng đến bốc khói.

Bún chả Hà Nội

Món ăn này là một đặc sản của xứ kinh kì xưa đạt được sự công nhận của quốc tế làm rang danh nền ẩm thực Việt. Bún chả Hà Nội có nguyên liệu tương tự như bún thịt nướng nhưng cách chế biến lại công phu, cầu kì hơn hẳn.

Gỏi cuốn Sài Gòn

Sự kết hợp hài hoà giữa bún tươi, thịt, tôm và các loại rau cùng nước chấm đậm đà khiến không chỉ thực khách Việt Nam mà hết thảy du khách nước ngoài đều lựa chọn gỏi cuốn là món thứ hai phải nếm thử, sau phở.

Cơm tấm

Từ những hạt gạo vỡ bị bỏ đi, cơm tấm dần trở thành món ăn quen thuộc của người dân Sài Gòn, có mặt tại hầu hết các bữa ăn bất kể khuya muộn hay sớm tinh mơ. Linh hồn của món này chính là nước mắm pha sền sệt ngòn ngọt, không quá mặn.

Bún bò Huế

Là đại diện cho nét tinh tuý của ẩm thực Huế trong đại gia đình món ăn Việt, bún bò được xem là “kẻ kế nhiệm” cho món phở trong việc truyền bá văn hoá nước nhà. Tại mỗi vùng miền, bún bò Huế được điều chỉnh hương vị sao cho phù hợp với người dân tại địa phương đó, nhưng vẫn đầy đủ nguyên liệu cơ bản là nước lèo từ xương hầm bò thơm mùi sả.

Mỳ Quảng

Món mì đặc trưng xứ Quảng sẽ khiến teen thổn thức chút đỉnh vì độ ngon khó cưỡng của nó đấy. Với các nguyên liệu phong phú, mỗi tô mì Quảng có thể khác nhau về hình thức một chút nhưng hương vị được quyết định chính hương dầu phộng và nước dùng được nấu sắc lại, vừa ăn. Để trọn hương, trọn vị khi dùng mì Quảng, teen nhớ ăn thêm rau được lấy từ làng Trà Cổ gần đó nhé.

Chả cá Lã Vọng

Là một món đặc sản của Hà Nội, chả thường được làm từ cá lăng, nướng chín trên than, sau đó được rán lại rồi bày ra ăn cùng bún rối hoặc bánh đa, chấm mắm tôm. Để món ăn thêm ngon, mắm tôm sau khi vắt chanh, đánh sủi lên thì cho vào vài giọt tinh dầu cà cuống và rượu trắng, một ít nước mỡ và đường.

Bún cá rô đồng

Xuất xứ từ Hải Dương, bún cá rô đồng được chọn là một trong 22 món ăn Việt tạo nên giá trị ẩm thực Châu Á. Những miếng cá được rút xương và chiên trong chảo dầu đầy khiến chúng giòn rụm trong miệng người ăn, húp cùng muỗng nước dùng thoảng nhẹ mùi gừng là khiến thực khách xuýt xoa không ngơi.

Cao lầu Hội An

Tuy không rõ xuất xứ và tên gọi, cách làm cao lầu vẫn được lưu giữ chính xác. Nếu không dùng nước giếng Bá Lễ cùng tro nấu bởi củi lấy từ Cù Lao Chàm thì không thể làm nên sợi mì dai dai sựt sựt – linh hồn của món ăn này được. Nét tinh tuý và chắt lọc nguyên liệu để được chất lượng tốt nhất khiến cao lầu trở thành một thức đặc sản không chỉ đẹp mắt mà còn ngon miệng của riêng phố cổ.

Hủ tíu Mỹ Tho

Món hủ tíu này  nằm trong danh sách 22 món ăn việt được tôn vinh tại Giá trị ẩm thực Châu Á. Với nước lèo đậm đà và ngọt thơm từ xương hầm, sợi hủ tíu to và trong được làm từ gạo Gò Cát nổi tiếng đã làm nên hương vị đặc trưng khiến món hủ tíu Mỹ Tho khác biệt với hủ tíu Nam Vang (nguồn gốc Campuchia) hoặc hủ tíu người Hoa.

Bún cá Châu Đốc

Bún cá Châu Đốc là món ăn đòi hỏi sự tỉ mỉ và công phu bởi nguyên liệu chính của món này là cá. Món này đòi hỏi nước lèo phải trong, có vị ngọt từ cá và thơm mùi ruốc đặc trưng. Vì thế, khâu chọn nguyên liệu phải kĩ càng bởi cá không tươi sẽ không thể có nước lèo ngon.

Bún suông

Bún suông, hay còn gọi là bún đuông, có xuất xứ từ Trà Vinh. Nhiều người lầm tưởng món này có nguyên liệu từ con đuông (sống trong các đọt hay thân dừa) nhưng thực chất là chả tôm, được tạo hình giống mà thôi. Cũng nằm trong top những món ngon châu Á, bún đuông được xem là đặc sản đáng tự hào của người Trà Vinh. \

Theo Ione.Vnexpress.net

CÓ MỘT ‘XỨ QUẢNG’ NGAY GIỮA LÒNG SÀI GÒN

 

Vùng Bảy Hiền ở Tân Bình, lâu nay được biết tới như một Quảng Nam thu nhỏ giữa lòng Sài Gòn, với làng dệt Bảy Hiền, với chợ Bà Hoa, với mì quảng, bê thui, bánh đập, với những con người tuy sống ở Sài Gòn lâu năm, mà vẫn nói riêng một giọng Quảng Nam khó lẫn lộn.

Địa danh Bảy Hiền có từ xưa. Bảy là thứ bậc trong gia đình, Hiền là tên của một nhân vật, ngày nay chỉ còn được biết tới qua hình tượng một ông cụ nhân hậu, hay giúp đỡ người khác, sống bằng nghề đổi nước sạch tại vùng đất này. Ông Bảy Hiền đã trở thành người thiên cổ từ lâu, nhưng cái cách kêu tên bình dị ấy còn được giữ làm tên đất.

Nếu không tính thời người dân Việt từ Ngũ Quảng vào miền Nam mở đất, do đã quá xa xưa, thì người Quảng hội tụ về vùng Bảy Hiền vào khoảng thập niên 1960 của thế kỉ trước. Họ là cư dân của các vùng Điện Bàn, Duy Xuyên của Quảng Nam, vào Sài Gòn, đem theo nghề dệt truyền thống. Làng dệt Bảy Hiền hình thành từ đó, về sau phát triển mạnh, trở thành một trong những chỗ cung cấp vải vóc chính cho thành phố Sài Gòn. Vùng Bảy Hiền từ một chốn đất rộng người thưa, dần trở nên nhộn nhịp, đông đúc. Người dân từ xứ Quảng, mà nhiều nhất là gốc Quảng Nam, theo đó đổ về đây lập nghiệp, tạo thành một cộng đồng gốc Quảng lớn nhất Sài Gòn, mà có lẽ cũng lớn nhất Việt Nam, nếu không tính xứ Quảng.

 

Ngoài nghề dệt, những con người đất Quảng còn đem tới Bảy Hiền các đặc sản văn hóa của quê mình. Ẩm thực là một điểm mạnh, các tiệm bê thui, mì Quảng mọc lên ngày một nhiều, cạnh tranh nhau về chất lượng. Cho tới nay, tuy mì Quảng đã phổ biến khắp Sài Gòn, nhưng nói ăn mì Quảng người ta vẫn nghĩ tới các tiệm mì Quảng ở khu Bảy Hiền, vì cho rằng mì Quảng ở đây đạt chuẩn, đúng hương vị Quảng nhất. Năm 1967, chợ Bà Hoa thành lập ở trung tâm làng dệt Bảy Hiền, người Quảng nhanh chóng biến chợ này thành một ngôi chợ Quảng Nam, với đầy đủ các đặc sản chính gốc Quảng: bánh tổ, bánh in, bánh đập, kẹo mạch nha, đường phổi, mắm cái, mắm dưa, cá chuồn, dầu phộng, tương ớt Hội An… Chợ Bà Hoa, nhờ giữ phong độ gốc Quảng ấy, cho tới nay đã trở thành điểm mua sắm, tham quan độc đáo của thành phố.

Ngoài văn hóa ẩm thực, các phong tục tập quán của xứ Quảng cũng được cư dân Bảy Hiền gìn giữ và phát huy, tạo thành những điểm nhấn đặc sắc trong một cộng đồng đa văn hóa của thành phố. Tục cúng xóm đầu năm là một ví dụ. Sau tết Nguyên đán, từ ngày mùng 8 tới 12 tháng Giêng, cư dân khu Bảy Hiền cùng đóng góp để làm lễ cúng xóm, với đầy đủ nghi thức trang nghiêm. Bàn cúng được bày ở ngay trên đường, với nhang đèn, cờ hoa, chiêng trống, người làm lễ mặc khăn đóng áo dài truyền thống. Sau lễ, bà con hội tụ với nhau ăn uống liên hoan vui vẻ, thân tình, làm gắn kết thêm tình cảm xóm giềng, mà cũng để chung tay xí xóa những chuyện xích mích lớn nhỏ trong năm cũ. Những sinh hoạt cộng đồng dân gian ấm áp tình làng xóm thế này, thật là hiếm thấy ở giữa Sài thành, nơi nổi tiếng thân thiện, nhưng hầu như nhà nào lo phần nhà nấy.

Bên cạnh các sự kiện lễ cúng, Bảy Hiền còn là nơi để đến tham gia các hoạt động văn nghệ, giải trí dân gian, như hát tuồng, bài chòi. Hấp dẫn nhất trong những ngày tết, đối với cả người lớn lẫn trẻ nhỏ, là lễ hội Bài chòi, thường được tổ chức tại trung tâm văn hóa phường 11. Đây là một trò chơi đậm chất nghệ thuật dân gian của xứ Quảng, người chơi vừa tham gia chơi, vừa được thưởng thức văn nghệ qua những câu hô bài chòi duyên dáng mà hài hước.

Nói đến các đặc sản của xứ Quảng, rồi thì không thể không nói đến giọng Quảng. Người Quảng hiểu rõ sự độc đáo trong chất giọng địa phương của mình, nên cho dẫu tha phương cầu thực, vẫn giữ cho mình cái vốn giọng Quảng đặc trưng, để tự hào về nguồn gốc, mà cũng để nhận đồng hương. Người dân Bảy Hiền, khi giao tiếp với người vùng khác thì tùy cơ ứng biến, nhưng khi nói chuyện với người dân “quê ta”, vẫn dùng giọng Quảng đặc sệt. Đến chợ Bà Hoa, ngoài thưởng thức bê thui, lòng xào nghệ, bánh đập, mì quảng, thì còn được thưởng thức giọng Quảng hiền lành, mộc mạc, không khác gì lạc vào một chợ Quảng Nam cách Sài Gòn gần một ngàn cây số.

Sài Gòn đất lành chim đậu, chuyện người miền trung, miền bắc vào đây sinh cơ lập nghiệp không phải chuyện lạ, nhưng có được một cộng đồng lớn và nhiều ảnh hưởng mà vẫn giữ lại những bản sắc quê hương như ở khu Bảy Hiền, có thể coi là một kì tích. Theo một thống kê, thì cư dân Bảy Hiền có tới 90% là người gốc Quảng, tập trung đông nhất ở các phường 11, 12, 13 của quận Tân Bình. Với đầy đủ các yếu tố về văn hóa, cư dân, ngôn ngữ, nói khu Bảy Hiền là một Quảng Nam thu nhỏ giữa lòng Sài Gòn, không còn là một cách nói ví von bay bổng nữa.

Mỹ Mạnh (MAV.vn)

Hai chàng Tây làm clip ca ngợi Mỳ Quảng

Ca khúc “The Mì Quảng song” kết hợp giữa pop và rap của hai chàng trai tây cùng một số người bạn Việt Nam làm ở Đà Nẵng, sau 1 tuần đăng lên facebook đã thu hút 175 ngàn người xem và con số cũng tiếp tục tăng nhanh mỗi ngày.

Ca khúc do hai chàng Tây trong clip, Jake Schofield và Ashlin Aronin sáng tác, với nội dung bằng tiếng Anh, thỉnh thoảng có vài câu tiếng Việt: đói quá!, cơm, “mì quảng”, chợ, nước mắm, đi ăn sáng phải là mì Quảng ở chợ Phước Mỹ…

Ca khúc, bằng một giọng điệu đầy tinh nghịch, đã ca ngợi món Mỳ Quảng của đất Quảng Nam như một món ăn sáng tuyệt vời, bá đạo, thần thánh nhất nhưng cũng rất rẻ bèo (15 ngàn), dưới góc nhìn của người phương Tây “sành sỏi” các món ăn, nguyên liệu Việt vốn không dễ làm quen.

Tuy nhiên video clip cũng nhận được nhiều chỉ trích khi phần cuối clip, các bạn trêu đùa nhau bằng món ăn và các ý kiến cho rằng điều đó là “lãng phí”, “thô thiển”, thậm chí là “xúc phạm” sợi mì Quảng. Ý kiến phê phán phần cuối clip của Ryan Duy Hùng, một ca sĩ người Mỹ khá nổi tiếng trong cộng đồng youtube, đã nhận được nhiều like đồng tình.

Bên cạnh đó, có những bạn gửi lời cảm ơn đến tác giả ca khúc đã góp phần quảng bá món Mỳ Quảng đến với thế giới.

Mời các bạn cùng xem để đánh giá “The Mì Quảng Song”, có lẽ là ca khúc đầu tiên về món mì nổi tiếng của xứ Quảng:

Bé Thúi (MAV.vn)

Tiếng đồn MÌ QUẢNG PHÚ CHIÊM…

Ít ai biết rằng “cái nôi” của mì Quảng là ở làng Phú Chiêm, xã Điện Phương (Điện Bàn – Quảng Nam), nơi mà tô mì vẫn giữ nguyên truyền thống, hương sắc dân dã, không lẫn vào đâu được.

Ngày nay, món mì Quảng theo chân các cư dân Quảng Nam – Đà Nẵng lan toả khắp vùng miền đất nước từ Nam chí Bắc. Nhưng ít ai biết rằng “cái nôi” của mì Quảng là ở làng Phú Chiêm, xã Điện Phương (Điện Bàn – Quảng Nam), nơi mà tô mì vẫn giữ nguyên truyền thống, “hương sắc” dân dã, không lẫn vào đâu được. Ai đã một lần ăn thì không thể nào quên.

Chúng tôi đến làng Phú Chiêm vào một ngày cuối tuần, khi nắng vàng trải dài trên ruộng đồng, nơi làng mạc của một miền quê nghèo miền Trung đầy nắng gió. Làng Phú Chiêm nép mình bên con đường nhựa nhỏ, vẫn những hàng cau, khóm chuối, bụi bờ.

Nồi nước nhưn hấp dẫn

Nơi đây, bạn có thể thấy được các bà, các chị với quang gánh quảy đi bán dạo món mì Quảng hoặc ngồi bán ở dưới gốc cây đa hay một quán cóc bên đường. Sau khi dạo một vòng quanh làng, chúng tôi vào “gánh mì” của bà Bà Ngô Thị Tài (78 tuổi) ở bên đường. Miệng đang ăn trầu, bà Tài vui vẻ đọc thơ: “Thương nhau múc chén chè xanh, làm tô mì Quảng để anh ăn cùng”.

Đọc xong, bà cho biết chỉ còn lại 3 tô mì cuối cùng thôi. Trong lúc dọn mì phục vụ, bà Tài tâm sự:

“Tôi theo nghề bán mì từ thời còn con gái, khoảng 60 năm rồi. Lúc bấy giờ, đôi chân còn mạnh khoẻ, tôi gánh mì đi bán tứ xứ: gần thì Điện Thắng, Điện Bàn, Vĩnh Điện xa thì đi ô tô đến Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ để bán.

Nhờ mì Quảng Phú Chiêm có sẵn thương hiệu, giá cả lại bình dân nên được khách hàng ưa chuộng. Hằng ngày, tôi thức dậy lúc 3 giờ sáng, chế biến đến 6 giờ là gánh đi bán, bán đến 10 giờ thì hết mì. Mỗi ngày bán khoảng 8 kg mì, lãi khoảng 70.000 đồng.

Ngày trước, chế biến món mì Quảng khá lâu, bây giờ máy móc, dịch vụ về tới nông thôn, nên mỗi làng có vài nhà chuyên tráng mì để cung ứng cho cả trăm gánh mì trong thôn. Đến rau sống, đậu phụng rang cũng do một người chuyên cung cấp. Chúng tôi chỉ lo nấu nồi nước nhưn cho đậm đà, thi vị mà thôi”.

Nhìn tô mì Phú Chiêm của bà khá đẹp mắt với màu đỏ của nhưn tôm, màu vàng của đậu phụng giã dập, màu nâu của bánh tráng nướng vàng, màu xanh non rau sống và ớt trái… Chúng tôi ăn hết 3 tô mì của bà, mà vẫn còn thòm thèm giữa khung cảnh làng quê. Giá rất đỗi bình dân: 12.000 đồng/tô.

Bà Tài cho biết bí quyết để có tô mì ngon thì khâu đầu tiên là sợi mì được làm từ gạo xay thật mịn và phải là gạo xiệc ngon từ những cánh đồng phù sa ven sông Thu Bồn, khi đúc mì mới có những lá mì mềm mướt, trắng nõn, dai dẻo.


Bà Tài đang giới thiệu mì Quảng Phú Chiêm truyền thống do bà chế biến.

Sau khi tráng một lớp dầu phộng đã khử củ nén cho thơm lên lá mì, gấp lại rồi xắt thành từng cọng như cọng phở; Nồi nước nhưn có thể được nấu bằng nhiều loại nguyên liệu khác nhau như thịt heo, bò, gà vịt, tôm, cá lóc, ếch, mỗi thứ nguyên liệu lại mang đến một hương vị riêng.

Nhưng theo những bậc sành ăn ở xứ Quảng thì nước nhưn mì Quảng truyền thống chỉ nấu với thịt heo (ba chỉ) và tôm. Đó là nét đặc trưng chỉ có làng Phú Chiêm vẫn trung thành với nồi nước nhưng đó; Rau sống ăn kèm với mì khá phong phú, thường là rau muống chẻ mỏng, búp chuối, thân cây chuối non xắt mỏng, các loại rau thơm.

Ăn mì Quảng không thể thiếu ớt xanh, loại ớt sừng trâu phải cắn từng miếng ớt giòn tan, thơm nồng cay đáo để, còn nếu muốn ngon hơn thì phải kèm theo bánh tráng nướng vàng ươm. Bánh tráng được tráng từ bột gạo xay mịn. trộn thêm mè, tỏi, nước mắm, bột ngọt, khi nướng lên thơm lừng hương đồng cỏ nội.

Mì quảng là món có thể ăn bất cứ chỗ nào, lúc nào. Đất Quảng Nam, trong những dịp lễ lạt, cưới hỏi, tang tế, việc làng, tộc họ, đãi thợ thầy, ăn nửa buổi ngoài đồng bao giờ cũng có mì Quảng. Khách đến lúc nào dọn ăn cũng được, không đòi hỏi phải nóng sốt như phở, bún bò.

mi-quang-phu-chiem2Mì Quảng “chính gốc” đã sẵn sàng cho thực khách thưởng thức.

Ăn mì Quảng phải ăn nhanh và càng đông người ăn càng ngon miệng, cách ăn ấy bộc lộ một phần cá tính của người Quảng Nam là bình dị, dân dã và có tính cộng đồng làng, xã rất cao.

Ngày nay, quanh khu vực làng Phú Chiêm như Thanh Chiêm, Triêm Nam, Đông Khương (xã Điện Phương) có gần 200 phụ nữ hằng ngày thức dậy từ 1 giờ khuya để chế biến mì Quảng đến 3giờ sáng, sau đó lên Quốc lộ 1A đón xe ra Đà Nẵng, xuống Hội An, vào Tam Kỳ để bán.

Khoảng 5g sáng là xe ra tới Đà Nẵng. Các bà, các chị lại tỏa xuống chuẩn bị thúng mủng, gióng mây. Họ quảy gánh trên vai, một đầu là thúng đựng sợi mì xắt sẵn, đầu kia là nồi nước nhưn đỏ lửa, tỏa khói và thơm nức, miệng cất tiếng rao lanh lảnh: “Ai “en” mì Quảng Phú Chiêm đây”. Tiếng rao trên đường phố nghe sao mà dân dã, thấm đậm tình quê, khiến những kẻ xa quê thấy cồn cào, nôn nao tất dạ.

Các bà, các chị cho biết: Những gánh mì Phú Chiêm thường chỉ bán mỗi buổi sáng. Hôm nào lời nhiều khoảng 70.000 đồng. Buổi sáng rong ruổi với gánh mì, buổi chiều những người phụ nữ lại trở về tảo tần với bao nhiêu công việc nhà cửa, ruộng đồng, heo quéo. Khuya đến các bà, các chị lại tất bật lo chuẩn bị gánh mì Quảng để ngày mai dậy sớm ra Đà Nẵng rong ruổi gánh đi bán.

Mì Quảng Phú Chiêm bây giờ đã theo chân những người con tha hương của huyện Điện Bàn (Quảng Nam) đến khắp các vùng miền của cả nước, nhiều nhất ở khu vực ngã tư Bảy Hiền (TP.HCM).

Theo Hòa Vang (Dân Việt)