Cách làm BÁNH XÈO NAM BỘ

Cũng là bánh xèo từ bột gạo, nhưng bánh xèo Nam bộ khác bánh xèo miền Trung ở một số đặc điểm khác biệt: bánh đổ to, các nguyên liệu cũng đa dạng và tùy biến nhiều hơn, còn nước chấm là nước mắm chua ngọt chứ không phải tương gan heo như nhiều tỉnh miền Trung.

Sau đây là cách làm bánh xèo cơ bản, bạn có thể thay thế một số phụ liệu cho vừa ý.

Nguyên liệu làm BÁNH XÈO MIỀN NAM:

  • 4 lạng bột bánh xèo
  • Bột nghệ
  • Tôm: 1,5 lạng
  • Thịt ba chỉ: 1,5 lạng
  • Nấm hương: 10 cái
  • Hành hoa
  • Giá đỗ: 100 g (hoặc củ sắn)
  • Cà rốt: 1 củ
  • Nước lọc: 500 ml
  • Đỗ xanh cà vỏ: 50 g
  • Dầu ăn, nước mắm, đường, ớt, rau diếp, rau thơm các loại.
  • Đồ chua: xem CÁCH LÀM ĐỒ CHUA

Cách làm :

Làm bánh:

Bước 1:

– Cho gói bột bánh xèo vào âu sạch cùng 1 thìa cà phê bột nghệ. Đổ 500 ml nước vào âu cùng hành lá thái nhỏ. Đánh đều để khoảng 30 phút trước khi đổ bánh.

Bước 2: Tôm, thịt rửa sạch. Sau đó, thịt thái mỏng, nấm hương ngâm nở, cắt bỏ chân thái sợi.

Bước 3: Cho 1 ít dầu ăn vào chảo rồi cho thịt vào xào tiếp đến các mẹ cho tôm vào xào cùng nấm hương. Rồi nêm nếm bột nêm cho vừa ăn sau đó cho tôm thịt ra bát.

Bước 4: Với đậu xanh các mẹ nên vo sạch, ngâm nước khoảng 30 phút rồi cho vào chõ hấp chín. Giá đỗ rửa sạch để ráo, cà rốt gọt vỏ bào sợi.

Bước 5: Đặt chảo lên bếp cho chảo nóng lên, rồi láng đều 2-3 muôi bột bánh xèo. Các mẹ nhớ lắc đều để hỗn hợp bánh xèo trải mỏng khắp chảo.

Bước 6: Các mẹ xếp lên bề mặt bánh một vài con tôm, thịt, thêm đỗ xanh, giá đỗ, cà rốt rồi đậy kín nắp chảo lại.

Bước 7: Đun lửa lớn từ 3-4 phút dùng muôi gấp bánh xèo làm đôi, rán đến khi phần vỏ vừa ý thì tắt bếp gắp bánh xèo ra đĩa.

Bước 8: Lần lượt làm như vậy cho đến khi hết bột bánh và phần nhân nhé các mẹ.

Pha nước mắm chấm bánh xèo:

– ¼ chén đường – ½ chén nước ấm – 3 muỗng canh nước chanh – ¼ chén nước mắm – Ớt chín cắt lát – 1 củ tỏi băm nhuyễn – Cho nước mắm, nước ấm, đường và nước chanh vào một bát nhỏ, trộn đều cho đến khi đường tan hoàn toàn. Thêm tỏi và ớt trộn đều.
– Cuối cùng cho đồ chua vào chén nước chấm.

 

Theo Thùy Trang (các món ăn quê nhà)

Cách làm BÁNH TRUNG THU RƯỢU VANG

Những chiếc bánh trung thu rượu vang đẹp mắt và lạ miệng sẽ là điểm nhấn hấp dẫn cho bữa tiệc trung thu nhà bạn. Bánh này làm rất nhanh chóng và dễ dàng.

Nguyên liệu (cho 4 cái):

Phần vỏ:

  • – 2 lạng bột nếp rang (bột làm bánh dẻo)
  • – 320ml rượu vang
  • – nửa lạng đường
  • – 50g dầu ăn

Phần nhân:

  • -450g hột sen hấp nhừ nghiền nhuyễn
  • – 450g hột sen hấp nhừ nghiền nhuyễn trộn với nước ép hoa hồng hoặc đậu đỏ nghiền, để cho có màu hồng.

Thực hiện:

– Trộn các nguyên liệu làm vỏ bánh lại với nhau, nhồi cho thật dẻo, để khoảng 15 phút sau đó chia bột ra thành 4 viên bằng nhau.

 

– Viên hột sen nghiền thành 4 viên bằng nhau. Hột sen trộn nước hoa hồng  cũng viên thành 4 viên bằng nhau.

 

– Bóp dẹp hột sen trộn hoa hồng, cho viên hột sen nghiền màu vàng vào giữa rồi bọc kín lại.

Sau đó ép viên bột làm vỏ cho dẹt rồi cho viên nhân vào trong, đậy kín lại.

– Cuối cùng cho vào khuôn rồi cho vào lò nướng 200 độ C, nướng tới khi bánh cứng, chín là được.

Bảo Tố 

Cách làm BÁNH TRUNG THU KHOAI TÍM không dùng lò nướng

Bánh trung thu khoai tím là món bánh ngon, hấp dẫn và bổ dưỡng, nhưng cách làm thì rất đơn giản.

 

Nguyên liệu:

  • – Khoai tím: 4,5 lạng
  • – Hột sen tươi: 2 lạng
  • – Đường: 700g
  • – Dầu ăn: 1 muỗng canh
  • Ngoài ra bạn cần có khuôn làm bánh trung thu mua ở chợ.

Thực hiện:

Bước 1:

– Hột sen rửa sạch, tách đôi, bỏ tim rồi đem hầm nhừ. Sau đó trộn với 700g đường rồi đem xay nhuyễn.

Bước 2:

– Bắc chảo lên bếp làm nóng rồi cho nhân hột sen lên xào tới khi dẻo đặc lại, cho tiếp 1 muỗng canh dầu ăn vào, đảo luôn tay. Sau đó nhắc ra để nguội.

Bước 3:

– Khoai hấp chín, bỏ vỏ, nghiền nát. Ép khoai qua rây để bỏ xơ (chỉ lấy bột khoai nhuyễn). Sau đó cho khoai nghiền vào tủ mát 30 – 60 phút.

Bước 4:

– Nhân sen vo thành những viên nhỏ bằng nhau. Khoai chia ra thành từng phần bằng nhau (một phần khoai to gấp hai phần hạt sen.

 

– Ép phần khoai cho dẹt, sau đó đặt viên nhân hạt sen vào giữa, gấp khoai lại cho kín, vo tròn rồi cho vào khuôn ép tạo hình bánh trung thu.

Vậy là xong món bánh trung thu khoai tím nhân sen. Rất đơn giản mà lại ngon miệng!

Bảo Tố

Cách làm SƯỜN KHO DỪA NON

Sườn non vốn đã hấp dẫn nay lại kho chung với miếng cùi dừa non lựt xựt đảm bảo sẽ khiến cho cả nhà bạn gắp “không ngừng đũa”.

NGUYÊN LIỆU

– Sườn non: 4 lạng

– Cùi dừa non (loại dừa uống nước có cùi đã hơi cứng): 2 lạng

– Tỏi băm: 1 muỗng cafe

– Đường: 1 muỗng cafe

– Nước mắm: 2 muỗng cafe

– Hột nêm: 2 muỗng cafe

– Dầu ăn

CÁCH LÀM

– Sườn mua về rửa sạch, chặt thành từng miếng đủ ăn

– Dừa cắt thành miếng vừa ăn

– Bắc chảo cho tí dầu làm nóng, cho tỏi vào phi vàng thơm. Tiếp đến trút sườn và cùi dừa vào xào săn, nêm nước mắm, hột nêm, sau đó châm nước xâm xấp mặt thịt.

– Kho lửa vừa tới khi nước sánh lại còn 1/3 ban đầu.

– Ăn nóng với cơm.

Cái Quan

Cách làm THỊT TẨM BỘT CHIÊN GIÒN SỐT HOA QUẢ

Món thịt tẩm bột chiên giòn đã hấp dẫn, nay thêm sốt hoa quả thơm ngon, sẽ đem lại một món ăn “đắt hàng” cho bữa cơm nhà bạn.

Nguyên liệu:

  • – Thịt 3 rọi hoặc nạc vai: 2,5 lạng
  • – Lòng trắng trứng: 1 cái
  • – Bột bắp: 1 lạng
  • – Cà chua: 1 trái, thái nhỏ
  • – Dứa: 1/2 trái, thái nhỏ
  • – Ớt chuông: 1 trái, thái nhỏ
  • – Hành tây: 1/2 củ, thái nhỏ
  • – Sốt cà chua: 60ml
  • – Xì dầu, muối, tiêu xay

Thực hiện:

– Thịt ướp với tiêu, xì dầu chừng 10 phút rồi trộn với lòng trắng trứng.
– Bắc chảo dầu nóng, gắp miếng thịt đã ướp tẩm qua một lớp bột ngô rồi cho vào chảo chiên vàng, làm lần lượt cho hết thịt. Vớt thịt ra ngoài, chắt bớt dầu ra.
– Cho tất cả rau củ cùng sốt cà vào xào trong chảo cho hơi tái, sau đó trút thịt vào trở lại chảo, đảo cùng cho tới khi tất cả cùng chín và ngấm.
– Nêm nếm lại vừa miệng, tắt bếp, ăn nóng với cơm.

Bảo Tố

Cách làm món THỊT VIÊN TRỨNG CÚT

THỊT VIÊN TRỨNG CÚT là món ăn đặc biệt hấp dẫn với vị ngon của thịt băm và trứng cút. Món này có thể ăn với sốt cùng cơm hoặc chấm tương ớt như món ăn vặt tùy thích.
Nguyên liệu:
  • – 500g thịt ba chỉ
  • – 200g củ sen
  • – Cải xanh
  • – Trứng cút
  • – Hành, gừng
  • – Gia vị: 10ml nước tương, 5ml rượu, 5g muối, 8g đường, nửa lòng trắng trứng, 5g bột mì, một bông hoa hồi.
Các bước làm : 
Bước 1:
– Xay nhỏ thịt ba chỉ và băm nhỏ củ sen.
Bước 2:
– Cho thịt vào bát to rồi thêm hành, gừng băm nhỏ, rượu, xì dầu, muối, đường, lòng trắng trứng và một ít bột mì.
– Sau đó, bạn trộn đều tất cả theo cùng một hướng.
Bước 3:
– Kế đến, bạn cho củ sen băm nhỏ vào rồi tiếp tục trộn đều.
Bước 4:
– Lấy một phần thịt xay, rồi cho trứng cút vào giữa. Sau đó, vo tròn lại, mỗi viên khoảng 200-250g thịt là đủ.
Bước 5:
– Chuẩn bị một chảo dầu nóng rồi cho thịt viên vào, chiên đến khi thịt chuyển vàng thì bạn vớt ra, để ráo.
Bước 6:
– Cho một ít nước vào nồi, thêm hoa hồi, xì dầu và một ít đường.
Bước 7:
– Đun đến khi nước gần sôi thì bạn cho thịt viên chiên vào, đun đến khi nước sôi lần nữa thì bạn chuyển lửa nhỏ. Để om một lúc cho nước trong nồi bắt đầu sệt lại là được.
Bước 8:
– Chuẩn bị một nồi nước sôi rồi cho ít rau cải vào trụng sơ cho chín, để dùng kèm.
Ngoài trứng cút bạn có thể thay bằng lòng đỏ trứng muối cũng rất lạ và ngon đấy!

TheoVy Trân / Pháp Luật Xã Hội

Cách nấu món THỊT BA RỌI KHO NẤM RƠM

Các món từ thịt ba rọi thường hấp dẫn mọi người bởi kết cấu đặc biệt của phần thịt này. Thịt kho nấm rơm với sự kết hợp giữa thịt, nấm cùng hương vị hòa quyện của các loại gia vị sẽ đem lại cho gia đình bạn một bữa ăn hoàn hảo.

Nguyên liệu:

  • – Thịt ba rọi: 300g
  • – Nấm rơm: 150g
  • – Hành củ, hành lá, ớt.
  • – Gia vị: Nước mắm, bột nêm, đường, nước hàng (xem CÁCH LÀM NƯỚC HÀNG), tiêu, muối.

Thực hiện:

Bước 1: Thịt ba chỉ rửa sạch với chút muối, để ráo, thái miếng nhỏ. Chú ý: Khi kho với nấm rơm thì các bạn thái thịt nhỏ hơn một chút so với các món kho khác.

Bước 2: Ướp thịt với hành củ bằm nhỏ, nước mắm, bột nêm, nước màu dừa (hoặc nước hàng), xíu đường để khoảng 15-20 phút cho thịt ngấm. Nếu không quen tỷ lệ các loại gia vị, bạn có thể sử dụng gói gia vị thịt kho mua sẵn.

Bước 3: Nấm rơm cắt bỏ chân, phần dập nát, rửa sạch, ngâm trong nước vo gạo có thêm chút muối khoảng 30 phút cho nấm sạch, trắng.

Nếu không có nước vo gạo bạn sử dụng nước lã có thêm chút muối là được. Sau đó, vớt ra rổ, rửa lại với nước cho sạch, để ráo.

Bước 4: Bắc nồi lên bếp, cho thịt vào đảo cho săn.

Bước 5: Khi thịt săn, thêm chút nước sôi sao cho ngập mặt thịt, kho với lửa vừa đến khi nước gần cạn, thịt chín mềm.

Bước 6: Cho nấm rơm vào đảo kỹ, kho thêm khoảng 5-7 phút nữa. Nêm nếm cho vừa ăn. Tắt bếp, rắc chút hành lá xắt nhỏ, ớt xắt và xíu tiêu là được.

Món này ăn nóng cùng với cơm rất ngon.

Chúc các bạn thành công với món thịt ba chỉ kho nấm rơm mềm ngon cho gia đình!

Theo Chun Chun Mai (Khám phá)

Cách làm BÒ BÍA CHAY

Món bò bía với các nguyên liệu từ thực vật sẽ giúp thực đơn chay của bạn trở nên hấp dẫn và thêm phần phong phú.

Chuẩn bị

– Cho phần cuốn bánh:

  • 1 củ cà rốt: gọt vỏ và thái sợi
  • 1 trái sắn (củ đậu): gọt vỏ và thái sợi
  • 150g ham chay: thái miếng dài bằng ngón tay
  • 1 muỗng cà phê: bột xá xíu, ngũ vị hương
  • 2 thanh mì căn tươi: xé mỏng thành sợi và trụng qua nước sôi có pha ít bột nghệ
  • 1 xấp bánh tráng mỏng
  • 1/2 bát đậu phộng rang
  • 1 muỗng cà phê ớt băm
  • Rau ăn kèm: xà lách, húng quế, rau thơm các loại

– Cho phần nước chấm:

  • 1 chén tương đen (hoisin sauce)
  • 1 chén nước cốt dừa
  • 1/2 chén bơ đậu phộng

– Đồ chua đi kèm nước chấm:

  • 1/2 củ cà rốt : gọt vỏ và thái sợi
  • 1/2 củ cải: gọt vỏ và thái sợi
  • 1/2 chén giấm
  • 1/2 chén đường

Cách làm

– Cho phần cuốn bánh:

Bước 1: Ướp ham chay với bột xá xíu trong khoảng 15 phút và đem chiên vàng.

Bước 2: Đem xào sắn và cà rốt với ít muối, bột ngọt và hạt nêm.

Bước 3: Xào sơ mì căn cho thơm và săn lại.

– Cho nước tương chấm:

Cho nước cốt dừa vào đun sôi. Sau đó, cho thêm tương đen và bơ đậu phộng vào khuấy đều. Nêm lại với ít muối và đường cho vừa miệng.

– Cho dưa chua:

Đem trộn các nguyên liệu làm dưa chua đã chuẩn bị vào với nhau và để trong khoảng 8 tiếng (Phần này bạn nên làm trước để tiết kiệm thời gian)

Khi dùng, bạn dọn bánh tráng, rau sống, các nguyên liệu mì căn, ham chay, cà rốt xào với bát nước chấm đã cho thêm dưa chua và ít ớt bằm. Cách ăn giống như bánh tráng cuốn. Món ăn vặt này rất ngon và lạ miệng.’

 

(ST)

Cách làm BÁNH GỐI

Bánh gối là một trong những món ăn hàng quyến rũ của đất Hà Thành. Khác với bánh quai vạc miền Nam, bánh gối ăn với nước chấm chua ngọt thanh tao, nhẹ nhàng, ngon nhất vào tiết trời thu hoặc trong mùa đông lạnh.

 

1.Nguyên liệu:

  • Bột mì: nửa kí
  • Thịt heo xay (chọn phần nạc vai sẽ ngon): 3 lạng
  • Giá: 2 lạng
  • Hành củ: vài củ
  • Nấm mèo: vài tai
  • Miến (bún tàu): nửa lạng
  • Cà rốt: 1 củ
  • Dầu ăn (hoặc mỡ), nước mắm, bột ngọt, hạt tiêu, tỏi, dấm, chanh, đường, muối.

2. Thực hiện:

– Cách làm vỏ bánh gối:

Nhanh nhất là đi mua tại các hàng bán đồ khô trong chợ. Còn không thì bạn phải tự làm:

Bột nếp rây mịn cho vô cái thau, rắc chút muối, chế nước sôi vào từ từ nhào tới khi bột mềm mịn, không khô không nhão, không dính tay nữa là được.

Nếu nhão thì thêm bột, khô thì thêm nước.

Sau đó cán bột ra lớp thật mỏng. Dùng mật có miệng tròn đường kính khoảng bằng cái chén (bát con), ịn vào bột để tạo ra những miếng bột tròn nhỏ.

– Xong phần bột, bây giờ làm nhân:

Bước 1: Miến ngâm nước cho mềm, cắt thành cọng chừng 3-4cm.

Bước 2: Nấm mèo ngâm rửa nước ấm cho sạch, thái sợi hoặc băm nhỏ. Hành củ lột vỏ, băm nhỏ.

Bước 3: Trộn chung tất cả nguyên liệu ở 2  bước trên với nước mắm, bột ngọt, tiêu xay. Bắc chảo cho tí dầu ăn, xào qua cho dậy mùi, sau đó để nguội.

– Cách gói bánh: Gói sao cho phần nhân ở trong được phần vỏ bọc kín,  có nhiều kiểu cho bạn chọn:

Cho nhân vô giữa miếng bột, gấp lại thành hình bán nguyệt, rồi gấp mép lại (gấp kiểu nào tùy bạn)

Cuối cùng là bắc chảo dầu nóng, cho từng miếng bánh vào chiên cho chín vàng, sau đó vớt ra để ráo.

 

– Cách pha nước chấm bánh gối:

Tỏi đập dập, ngâm dấm gạo sâm sấp trước chừng 7 phút( để khi pha nước chấm tỏi được ngâm sẽ nổi hết lên trên mặt nhìn sẽ đẹp hơn). Pha đường với nước ấm cho chóng tan. Hòa nước đường, dấm tỏi, vắt thêm chút chanh, cho ớt và hạt tiêu vào, nếm vừa ăn chua ngọt là được.

3. Thành phẩm

Bánh vàng không cháy, vỏ giòn, nhân mềm, tơi, không nhão. Ăn nóng với nước chấm.

 

 

Cách nấu BÚN RIÊU CHAY

Món bún riêu với các nguyên liệu từ thực vật sẽ giúp cho thực đơn bữa chay nhà bạn thêm phong phú, ngon miệng. Món bún này tuy trải qua nhiều công đoạn nhưng khá đơn giản.

Nguyên liệu:

  • – Cho phần nước lèo: 2-3 củ cải trắng, 2 trái táo, 1 trái lê
  • – 2-3 miếng đậu hũ tươi
  • – 1/2 hộp đậu hũ non
  • – 1 thìa canh tương Cự Đà hay tương đậu nành
  • – 200g thanh cua chay (bạn có thể tìm mua tại siêu thị)
  • – 300g nấm đông cô
  • – 300g nấm đùi gà
  • – 3-4 quả cà chua
  • – Đậu phụ rán sẵn
  • – Dấm bỗng hay me chua
  • – Bún ăn kèm
  • – Rau kinh giới, tía tô, giá, có thể dùng thêm rau muống chẻ, hay xà lách xoăn thái nhỏ
  • – Hành barô, rau mùi
  • – 1 thìa canh bột mỳ.

Cách làm:

Bước 1:

– Táo, quả lê, củ cải rửa sạch, gọt vỏ, bỏ hột, cắt vừa ăn, cho tất cả vào nồi, thêm nước lọc và hai thìa nhỏ muối, hầm để lấy nước dùng.

Bước 2:

– Đậu phụ rửa sạch, để ráo, cho đậu phụ tươi, đậu phụ non vào âu sạch.

Bước 3:

– Dùng tay sạch bóp nhuyễn đậu phụ, thêm tương Cự Đà và một thìa nhỏ muối, một thìa nhỏ đường, dùng thìa trộn đều.

Bước 4:

– Thanh cua chay rửa sạch, cắt nhỏ.

Bước 5:

– Dùng dao băm nhuyễn hay dùng máy xay tơi thanh cua.

Bước 6:

– Cà chua rửa sạch, bổ múi cau.

Bước 7:

– Nấm đông cô, nấm đùi gà cắt bỏ chân rửa sạch, để ráo.

Bước 8:

– Rau xà lách xoăn rửa sạch.

– Nấm đùi gà cắt lát vừa ăn.

– Giá đỗ rửa sạch, để ráo.

– Hành barô rửa sạch, lấy phần đầu hành trắng đập dập, phần barô xanh thái nhỏ.

Bước 9:

– Đậu phụ rán để ra bát, bạn có thể dùng đậu phụ rán sẵn hay mua đậu về rán.

Bước 10:

– Rau kinh giới rửa sạch, để ráo.

Bước 11:

– Đun nóng một ít màu dầu điều, phi đầu hành thơm.

Bước 12:

– Cho cà chua vào xào chín, thêm vào một thìa nhỏ muối, một thìa nhỏ đường, xào khoảng 5-7 phút thì đổ cà chua ra bát để riêng.

Bước 13:

– Dùng lại chảo đó, cho hai loại nấm vào xào chín, xào khoảng 5 phút thì tắt bếp, đổ ra bát lớn để riêng.

Bước 14:

– Rưới vào chảo một ít màu dầu điều, cho thanh cua chay vào xào.

Bước 15:

– Cho bát đậu phụ ở bước 3 vào xào cùng với thanh cua, dùng muôi trộn đều.

Bước 16:

– Xào khoảng 5-7 phút cho thấm thì rảy bột mỳ lên bề mặt đậu phụ, dùng muôi đảo đều, bột mỳ có tác dụng kết dính để khi đun sẽ tạo thành mảng riêu nổi lên bề mặt. Nếu bạn muốn dùng phần riêu cứng hơn có thể thêm bột mỳ.

Bước 17:

– Phần nồi nước hầm ở bước 1 sau khi củ quả đã mềm, vớt ra bỏ bã, lọc lại nước dùng cho trong thì cho cà chua, nấm , đậu phụ rán đã xào vào đun cùng, đun khoảng 15 phút.

Bước 18:

– Nêm vào nồi nước dùng một ít giấm bỗng hoặc bột me chua, dùng thìa múc từng muôi hỗn hợp đậu phụ ở bước 16 thả vào nồi nước dùng cà chua, đun lửa nhỏ để mảng riêu đậu phụ nổi lên bề mặt.

Bước 19:

– Khi phần riêu chín sẽ nổi lên bề mặt, nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn, thêm một ít hành barô thái nhỏ vào.

Bước 20:

– Tắt bếp, khi dùng gắp một ít bún vào bát lớn, chan nước dùng có lẫn cà chua, đậu phụ, nấm các loại và múc một ít riêu đậu phụ, rắc thêm một ít hành barô, rau mùi thái nhỏ. Dùng nóng với các loại rau ăn kèm.

Cún Khang (ngoisao.net)

Cách nấu món CƠM CHIÊN KIM CHI

Chút thay đổi trong món cơm rang thường ngày sẽ mang đến cho bữa điểm tâm nhà bạn một hương vị mới mẻ và hấp dẫn.

Nguyên liệu:

  • – 3/4 bát kim chi thái nhỏ
  • – 1/3 bát nước kim chi
  • – 1/2 thìa súp nước tương
  • – 2 thìa nhỏ mè rang
  • – 3 bát cơm trắng
  • – 1 thìa súp dầu ăn
  • – Hành lá thái nhỏ
  • – 1-2 quả trứng.

Thực hiện:

Bước 1: 

Trộn kim chi cùng nước tương cho ngấm đều.

Bước 2:

Bắc chảo cho tí dầu ăn rồi cho kim chi đã ướp vào xào vàng.

Bước 3:

Tiếp theo cho cơm vào đảo cho tới khi có độ giòn ưng ý.

Bước 4:

Cuối cùng cho nước kim chi vào đảo lên thật đều. Cơm chiên thành phẩm phải tơi, khô, màu sắc nhuộm đều hấp dẫn. Cuối cùng rắc hành lá đảo đều.

Ăn nóng. Có thể ăn kèm mè rang, hột gà ốp la.



Tú Độ

Cách nấu món GÀ XÀO CAY

Thịt gà xào săn với vị cay ngọt thơm lừng nóng hổi sẽ là một lựa chọn tuyệt vời trong thực đơn của những ngày mưa.

Nguyên liệu 

Cho 2 người ăn:

  • – Đùi gà: 1 cái to
  • – Ớt ngâm băm: 30g
  • – Gừng: 1 mẩu
  • – Vài tép tỏi, vài cọng hành lá
  • – Rượu trắng, nước tương, đường.

Thực hiện:

Bước 1:

– Gà rửa sạch, lóc xương rồi cắt ra thành miếng vừa ăn.

– Gừng xắt lấy 3 miếng mỏng.

Bước 2:

– Bắc nồi nước, 3 lát gừng và rượu vào nấu sôi, sau đó cho gà vào luộc sơ 2 phút.

Bước 3:

– Tỏi và phần gừng còn lại băm nhỏ. Hành lá thái nhỏ.

Bước 4:

– Bắc chảo cho tí dầu làm nóng rồi cho gừng, tỏi băm vào phi thơm ,tiếp đến cho ớt băm vào xào cùng.

 

Bước 5:

– Cho gà vào xào chung, nêm thêm đường, xì dầu. Xào lửa lớn cho tới khi nước keo lại, thì tắt bếp. Dọn ra ăn nóng.

 

 

 

Theo Vy Trân / MASK Online

Cách làm CƠM CHIÊN BỌC TRỨNG

Cách làm sau đây sẽ giúp cho món cơm chiên quen thuộc trở nên mới mẻ và đầy hấp dẫn.

Nguyên liệu:

  • – 2 chén cơm nguội
  • – 1 quả ớt xanh thái nhỏ; 1 ít dưa chuột thái nhỏ; ngô ngọt đã luộc chín; đậu Hà Lan
  • – 2-3 quả trứng gà
  • – Gia vị: Sốt cà chua, hạt vừng rang chín, muối, hạt tiêu, xì dầu, hành lá, tỏi, dầu ăn vừa đủ

Cách làm:

Bước 1: Làm nóng dầu ăn trong chảo. Lần lượt cho hành lá thái nhỏ, tỏi băm nhỏ, cơm, xì dầu, ngô ngọt, đậu Hà Lan vào chiên. Vừa chiên vừa đảo đều. Khi cơm săn lại, cho dưa chuột, ớt xanh, muối, tiêu vào.

Bước 2: Vừa chiên vừa đảo thật đều tay. Khi các nguyên liệu chín, cơm săn, cho hỗn hợp cơm chiên ra đĩa.

Bước 3: Đập trứng ra bát, thêm hành, gia vị và một ít dầu ăn vào trộn thật đều. Làm nóng dầu ăn trong chảo sau đó đổ bát trứng vào, chiên cho trứng se lại và gần chín. Đổ cơm chiên lên trên trứng rồi cuộn trứng lại để trứng bọc hết phần cơm. Chiên thêm một xíu rồi cho trứng ra đĩa.

Bóp tương ớt hoặc sốt cà chua lên trên rồi thưởng thức!

Chúc các bạn thành công và ngon miệng với cách làm trứng cuộn cơm chiên!

Theo Ngọc Anh

Dou

Khám phá

 

Cách làm NGHÊU HẤP SẢ

Nghêu hấp sả là món ăn quen thuộc ở các hàng nhậu, và được nhiều người đặc biệt ưa thích vì vị thơm nồng hấp dẫn của nó. Cách làm món này khá đơn giản.

Nguyên liệu:

  • – Nửa kí ngao
  • – 2-3 nhánh sả, thái lát;
  • – 2 lát gừng;
  • – 2 tép tỏi bóc vỏ và thái lát;
  • – 2 quả ớt; bỏ hạt; xắt nhỏ;
  • – 30ml nước mắm;
  • – 15g đường; hạt tiêu xay;
  • – húng quế; nước

Cách làm:

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Cho ngao vào rửa sạch. Chà xát vỏ. Sau đó ngâm ngao trong chậu nước có pha chút muối trong 4 giờ. Bạn có thể rửa sạch và thay nước 1-2 lần trong quá trình ngâm.

Bước 2: Đun sôi một ít nước trong một chảo. Tắt bếp và thêm ngào vào nồi nước rồi đậy vung lại. Trong vài giây, ngao sẽ mở miệng sau đó vớt ngao ra khỏi nồi. Nước ngao gạn bỏ sạn.

Bước 3: Cho sả, gừng, tỏi, ớt vào nồi nước ngao, có thể thêm nước nếu thấy ít. Đun sôi nồi nước. Để nhỏ lửa trong 10-15 phút. Thêm gia vị (nước mắm, đường) cho vừa miệng. Cho ngao trở lại nồi, đảo trong 30 giây hoặc hơn cho ngao chín tới. Không để ngao chín quá sẽ teo lại và mất ngọt.

Múc ngao ra bát, rắc chút ớt và trang trí với húng quế!

Theo Như Lan

Travelling

Khám phá

 

Cách nấu BẮP BÒ OM NƯỚC TƯƠNG

Nếu  bạn đã trót ưa thích kết cấu và hương vị tuyệt vời của thịt bắp bò thì bạn không thể bỏ qua món này. Bắp bò om xì dầu sẽ là món ăn kèm cơm hoặc mồi nhậu ưa thích cho tất cả mọi người.

Nguyên liệu:

  • – 2 lạng thịt bò
  • – 100ml nước tương
  • – 500ml nước;
  • – 2-3 bông Hoa hồi, tiêu, gừng, hành lá, 1-2 viên đường phèn;

Thực hiện:

Bước 1: Cho tất cả các nguyên liệu vô nồi, nấu cho sôi sau đó giảm lửa.

Đun liu riu trong 2 tiếng cho đến khi thịt bò mềm.

Bước 2: Cho thịt bò ra đĩa, thái thành các lát mỏng. Nếu chưa dùng đến bạn có thể để vào trong hộp kín cất tủ lạnh nhé!

 

Chúc các bạn thành công và ngon miệng với cách làm bắp bò om xì dầu!

Theo Như Lan

DDC

Khám phá

Cách làm GÀ HẤP RƯỢU

Thay vì đem hấp bia thì ta có thể làm món gà hấp rượu cho đậm đà. Món ăn này rất đơn giản nhưng có lẽ nhờ sự đơn giản đó mà vị ngon đặc trưng của thịt gà ta lại càng thêm nổi bật.

Nguyên liệu:
– Gà ta: con chừng 1,5 kg.
– Rượu trắng: 200ml.
– Hành củ.
– Cà chua: 2 trái.
– Bột ngô, dầu vừng.
– Gia vị: Xì dầu, tiêu xay, nước mắm.

Cách thực hiện:

– Gà nói người bán làm giùm, đem về nhà rửa lại bằng muối cho sạch rồi chặt gà từng miếng vừa ăn cỡ bằng hộp diêm. Ướp gà với hành tím băm, với 1 thìa canh nước mắm + 1 thìa cà phê bột ngọt, trộn đều để 20 phút cho ngấm gia vị.
– Cà chua rửa sạch thái hạt lựu.
– Xếp từng miếng gà ra đĩa tạo thành hình nguyên con, đổ 200 ml rượu trắng vào đĩa rồi đem đi hấp cách thủy khoảng 45 phút.
– Làm nước sốt để chấm: Bắc chảo lên bếp, cho 2 thìa cà phê dầu mè vào đun nóng rồi cho cà chua vào đảo đều đến khi cà chua nát ra thì cho tiếp 1 thìa cafe nước tương và bột bắt vào quấy đều là được.
– Cho đĩa gà ra, rưới nước sốt lên trên cho bắt mắt.

 

 

Cách nấu món BÚN THANG

Bún Thang là món ăn cổ truyền của Việt Nam và nay chủ yếu có ở các tỉnh miền Bắc. Đây là món ăn ngon và bổ dưỡng nhờ sự kết hợp tinh tế giữa các nguyên liệu lại với nhau, tạo nên hương vị hòa quyện hấp dẫn.

 

Cách làm Bún thang khá cầu kỳ nhưng kết quả sẽ không khiến bạn phải thất vọng.

Nguyên liệu:

  • Khoảng 2 lít nước hầm xương gà hoặc heo
  • 300g chả lụa
  • 2 ức gà
  • 4 trứng gà đánh tan với 1/2 muỗng cà phê nước mắm
  • 100g tôm khô
  • 100g nấm hương (nấm đông cô) rửa sạch, ngâm nước cho nở
  • Củ cải sợi muối
  • Mắm tôm, tinh dầu cà cuống
  • Rau răm, hành lá, hành củ, ớt trái
  • Gia vị: muối, nước mắm, bột nêm, đường phèn, tiêu
  • Bún sợi nhỏ luộc chín

Cách làm:

Xương gà hoặc xương heo nấu lấy 2 lít nước dùng, cho hành củ nướng vào cho thơm.

Tôm khô rửa sạch bụi cho vào nước dùng gà nấu cho mềm, vớt ra giã cho tơi.

Chả lụa lạng mỏng, thái chỉ.

 

Ức gà rửa sạch với nước pha chút muối sau đó cho vào nồi nước dùng luộc chín, vớt ra xé sợi.

Trứng sau khi đánh tan với nước mắm, tráng trứng từng đợt thật mỏng, sau đó xếp lại thái chỉ.

Củ cải rửa nước cho bớt mặn, ngâm với dấm và đường cho chua chua, ngọt ngọt. Khi ăn vớt ra vắt ráo.

Nấm hương ngâm nở cắt bỏ gốc cho vào nồi nước dùng lúc luộc gà khi vớt gà ra vớt luôn nấm ra rồi cắt sợi.

Hành lá và rau răm cắt nhỏ, gốc hành chẻ sợi hoặc để làm hành trụng.

Mắm tôm lấy một ít ra nồi nhỏ chưng lên cho bảo đảm an toàn.

Nước lèo nấu sôi nêm nếm gia vị cho vừa ăn để có vị ngọt thanh nhẹ.

Cho bún ra tô trên xếp từng phần nguyên liêu mỗi thứ một ít, nhẹ nhàng chan nước dùng lên.

Dùng nóng với chút mắm tôm và 1, 2 giọt tinh dầu cà cuống thêm ớt cắt khoanh, rắc chút tiêu cho thơm.

 

Theo MỸ AN (DOISONGPHAPLUAT)

Cách làm SỮA CHUA NHA ĐAM, món ăn giúp giảm cân, đẹp da

Sữa chua Nha Đam là món ăn không chỉ bổ dưỡng, hỗ trợ giảm cân, cung cấp canxi, tốt cho tiêu hóa, mà còn rất có ích cho làn da và vẻ tươi trẻ của bạn. 

Sau đây là cách làm Sữa chua nha đam đơn giản mà ngon miệng cho các mẹ:

Nguyên liệu và dụng cụ:

– Sữa đặc có đường: 1 lon ( thông thường người ta sử dụng các lon sữa đặc bán trên thị trường. Ví dụ: sữa Ông Thọ,…)

– Sữa chua: 1 hũ (dùng để làm men cho các hũ sữa chua khác sắp thực hiện)

– Nha đam: 2-3 nhánh (lựa chọn các nhánh nha đam bản to và dày. Các mẹ có thể mua nha đam ở các siêu thị hoặc chợ)

– Hũ đựng: Chuẩn bị hũ đựng đủ với số lượng sữa đã chuẩn bị (Nhiều mẹ phân vân không biết nên dùng loại hũ đựng nhựa hay thủy tinh hay bịch nhỏ. Theo kinh nghiệm của mình thì dùng hũ thủy tinh sẽ đảm bảo chất lượng và an toàn nhất)

Cách làm:

Bước 1: Đầu tiên, các mẹ mở lon sữa đặc ra và đổ hết vào nồi. Dùng nước tráng hết phần sữa con sót lại. Sau đó cho thêm nước, đường với lượng vừa đủ vào nồi đun cho đến lúc hỗn hợp trên bắt đầu sủi bọt.

Bước 2: Nha đam sau khi mua về gọt toàn bộ lớp vỏ bên ngoài. Để sơ chế nha đam khỏi bị đắng và có mùi khó chịu, mẹ có thể pha 1 ca nước muối loãng kèm theo một ít nước cốt chanh. Tránh quá nhiều chanh và muối. Sau khi gọt và cắt nha đam thành từng miếng, mẹ dùng tay xát mẹ các miếng nha đam lại với nhau trong thau có dung dịch muối loãng và chanh để nha đam ra bớt nhựa. Tiếp đến, mẹ rửa sạch nha đam lại với nước lạnh và để cho thật ráo.

Sau khi ráo nước, mẹ thái hạt lựu phần nha đam trên nhé. Khi hỗn hợp sữa đặc-đường-nước bắt đầu xuất hiện bọt, mẹ cho nha đam vào đun cho sôi, sau đó tắt bếp để nguội đến khoảng 40-45 độ C thì cho hũ sữa chua làm men (mồi) vào khuấy đều.

Bước 3: Sau khi hỗn hợp sữa đặc-đường-nha đam-nước này nguội đến nhiệt độ thích hợp thì rót vào các hũ đã chuẩn bị sẵn, sau đó đem ủ khoảng 6-8 tiếng là có thể dùng được.

Các mẹ có thể đặt sữa chua vào tủ lạnh sau khi ủ để ăn ngon hơn.

Chúc các mẹ thành công với cách làm sữa chua nha đam cực dẻo và cực ngon này.

(Sưu tầm)

Cách nấu món GÀ VIÊN SỐT CÀ

Món thịt gà viên sốt cà với vị chua ngọt rất dễ ăn sẽ làm cho bữa cơm gia đình bạn thêm phần hấp dẫn.

Chuẩn bị:

  • – Thịt gà xay: 3 lạng
  • – Cà chua chín: 2 trái, bổ múi cau
  • – Hành lá: vài nhánh, thái nhỏ
  • – Bột năng: 2 muỗng cafe, hòa với chút nước cho tan
  • – Tỏi, dầu ăn, các gia vị thông thường.

Thực hiện:

– Gà đem trộn đều với 2 muỗng cafe nước mắm, 1 muỗng cafe muối, 1/2 muỗng cafe bột nêm, 3 muỗng cafe dầu ăn, chút tiêu, bột năng đã hòa tan. Sau đó cho vào tủ đá cho thịt xốp lại.

– Thịt đông xốp rồi thì lấy ra, dùng cái muỗng lớn quết thịt cho kĩ, nhuyễn để dai thịt (hoặc cho vào máy xay xay mịn).

– Vê thịt thành từng viên tròn.

– Bắc chảo dầu nóng, lần lượt cho thịt vào chiên sơ cho thịt vàng, sau đó gắp ra ngoài.

– Chắt bớt dầu trong chảo, chừa lại một ít, cho tỏi băm vào phi thơm sau đó cho cà chua vào xào cho nhừ để làm sốt cà. Muốn cà chua mau nhừ thì cho vào 1 muỗng cafe muối xào chung.

– Sau đó cho gà viên vào trở lại chảo, châm thêm chút nước lạnh ngập nửa mặt thịt. Đậy nắp, vặn nhỏ lửa nấu tới khi thịt chín. Lúc này nêm vào 1 muỗng cafe muối , 1 muỗng cafe đường, nếm lại cho vừa miệng.

– Thịt chín, nước queo lại thì tắt bếp, rắc hành lá lên trên. Ăn nóng với cơm.

Theo Cún Khang

Cách nấu món THỊT NƯỚNG HẸ

THỊT NƯỚNG HẸ là món ăn ngon miệng, bổ dưỡng và là một hương vị lạ để đổi gió cho bữa cơm gia đình.

 

Nguyên liệu:

Thịt nướng:

  • – Thịt heo: 7 lạng (lựa thịt vai hoặc cổ, có lẫn mỡ)
  • – Hẹ: 1 bó
  • – Tương miso: 1 muỗng súp
  • – Xì dầu: 1 muỗng súp
  • – Đường: 2 muỗng súp
  • – Tỏi: 5 tép, lột vỏ băm nhuyễn
  • – Tiêu xay: 1 muỗngcafe
  • – Bơ: 1 lạng

Rau ăn kèm:

  • – Boa rô: 2 cây
  • – Đường: 1 muỗng cafe
  • – Xì dầu: 2 muỗng cafe
  • – Dấm: 1 muỗng cafe
  • – Dầu mè: 1/2 muỗng cafe
  • – Mè rang: 1 muỗng cafe

Cách làm:


Bước 1:– Hẹ mua về nhặt rửa sạch, xắt nhỏ


Bước 2:– Trộn hỗn hợp gồm 3 muỗng súp tương miso, 1 muỗng súp xì dầu, 2 muỗng súp đường, 1 muỗng cafe  tiêu xay, 1 muỗng cafe tỏi băm.


Bước 3:– Trộn đều hỗn hợp trên với hẹ đã thái nhỏ.


Bước 4:– Thịt mua về làm sạch, để cho thật ráo nước, sau đó ướp cùng với hỗn hợp trên trong 1 tiếng.


Bước 5:– Quét lên vỉ nướng chút dầu ăn và bơ.


Bước 6:– Bật lò 200 độ C sẵn. Cho thịt lên vỉ nướng, sau đó đem bỏ vào lò nướng trong 20 phút.


Bước 7:– Kéo vỉ ra trở mặt thịt, đẩy vào lò nướng tiếp chừng 10 phút cho thịt chín đều hai mặt.


Bước 8:– Boa rô nhặt rửa sạch, cắt lấy phần đầu và lá ra riêng, tách ra và xắt sợi từng phần.


Bước 9:– Cho cả đầu và lá boaro xắt sợi vào nước lạnh ngâm chừng 15 phút cho bớt vị hăng. Sau đó vớt ra để ráo.

 
Bước 10:– Trộn hỗn hợp gồm 1 muỗng cafe đường, 2 muỗng cafe xì dầu, 1 muỗng cafe dấm, 1/2 muỗng cafe dầu mè, 1 muỗng cafe mè rang, khuấy cho tan đường.


Bước 11:– Trộn boa rô với hỗn hợp vừa làm. Để chừng 10 phút cho thấm.


Bước 12:– Thịt nướng chín ăn nóng với cơm hoặc bún. Khi ăn kèm vài miếng boa rô trộn.


Tú Đô
 (theo www.beyondkimchee.com)