Cách nấu bánh canh (dạng nước loãng)

Bánh canh là món ăn phổ biến từ miền trung tới miền nam Việt Nam. Bánh canh dễ ăn, dễ kết hợp nên có rất nhiều cách ăn, cách nấu khác nhau. Hãy cùng MAV.vn làm món Bánh canh khá quen thuộc đó là bánh canh tôm thịt dạng nước loãng nhé! :)

Nguyên liệu

  • Bánh canh
  • Thịt nạc thăn
  • Tôm lột vỏ
  • Mỡ heo
  • Xương gà ,
  • Hành, ngò, rau sống, hành phi

*** Đây là nước dùng căn bản của bánh canh nước loãng, bạn có thể dùng để ăn với tôm thịt, hoặc giò heo, huyết (tiết) luộc… tùy thích.
***Xem thêm Cách làm sợi bánh canh.

Cách làm

-Mỡ heo xắt mỏng rán lên làm tóp mỡ, thái thành miếng nhỏ.
-Tôm lột vỏ, bỏ đầu và chỉ.
-Xương gà chần qua nước sôi sau đó bỏ vô nồi đun cho sôi rồi nhỏ lửa, hớt bọt. Hầm trong 1-3 tiếng tùy thời gian bạn có. Hầm lâu thì nước sẽ ngọt hơn. Hầm xong thì vớt xương đem bỏ.
-Thịt heo chia làm 2 phần, một phần bằm nhuyễn, phần còn lại đem luộc trong nồi nước gà. Thịt chín vớt ra bỏ trong tô nước lạnh, sau đó thái mỏng vừa ăn.
-Làm nóng chảo, cho hành vào khử cho thơm rồi bỏ thịt băm vào xào cho thịt chín, tơi ra.
-Nấu một nồi nước sôi, trụng bánh canh vào tới khi thấy mềm, dẻo thì đổ ra rổ, xả lại qua nước lạnh.
-Nước dùng gà bắc lên bếp cho sôi trở lại, bỏ tôm vào nấu chín rồi vớt ra. Nêm nếm lại gia vị trong nước dùng cho vừa ăn là được.

Trình bày:
-Bỏ bánh canh vào bát trước, tôm thịt để lên trên, rồi tới tóp mỡ, hành phi, hành ngò xắt nhỏ, rồi mới chan nước dùng lên.
-Ăn nóng. Có thể ăn với mắm ớt, sa tế, đều ngon.

Bé Thúi (mav.vn, facebook Món ăn Việt Nam)

Cách nấu XÔI ĐẬU PHỘNG đơn giản dẻo ngon bằng nồi cơm điện

 

Xôi đậu phộng (xôi lạc) là món ăn sáng rât quen thuộc ở khắp ba miền. Và hiện nay thì nấu xôi lạc đã không còn khó nữa với việc ai cũng có nồi cơm điện trong nhà.

Nguyên liệu:

  • Nếp loại dẻo, thơm: 5 lạng
  • Lạc: 2 lạng
  • Nước dừa (nếu không có thì dùng nước lọc)
  • Vừng rang (mè)
  • Muối
  • Dừa nạo sợi (ăn kèm nếu thích)

Cách làm:

Chuẩn bị:
Ngâm lạc khoảng 2 giờ.
Nếp vo với ít muối cho sạch rồi vo lại bằng nước sạch, để cho ráo.
Phần muối vừng ăn kèm: lạc, vừng rang giã nhỏ, trộn với muối đường cho bùi bùi vừa ăn là được.

Thực hiện: Cho lạc và nếp vào nồi cơm điện, trộn lên cho đều. Sau đó cho nước dừa vào ngập mặt nếp.
Bật nồi nấu như bình thường.
Khi xôi cạn nước, nồi cơm chuyển qua chế độ hâm thì để vậy khoảng 5 phút, sau đó bật lên nấu lần nữa cho tới khi nồi cơm chuyển sang chế độ hâm lần 2, thì để tầm 30 phút cho xôi chín.
Khi ăn cho muối vừng vào, rắc dừa sợi lên ăn sẽ ngon hơn.

 

Bé Thúi (mav.vn, facebook Món ăn Việt Nam)

Cách nấu Canh chua gà

Thịt gà khi đem nấu canh chua luôn mang lại cảm giác thích thú đặc biệt, ví dụ như Gà nấu lá giang, Gà nấu canh chua me…

Nguyên liệu:

Gà: 400gr
Dứa: nửa trái
Đậu bắp: 5 trái
Cà chua: 1 trái
Dọc mùng (bạc hà): 1 cây
Rau om, ngò gai, đường, ớt, hành tỏi gia vị.
Nước mắm
Me chín: 1/2 vắt

Cách làm:

Chuẩn bị: Gà rửa sạch, chặt miếng nhỏ vừa ăn, rồi cho vào tô
Hành, tỏi băm nhuyễn rồi bỏ vào gà, ướp với muối, bột ngọt, tiêu trong 15 phút.
Dứa bỏ mắt, chia làm hai phần: 1/3 trái băm nhuyễn, 2/3 trái còn lại xắt miếng tam giác nhỏ vừa ăn. Cà chua xắt múi cau. Bạc hà tước vỏ xắt lát vừa ăn.
Me dầm với nước nóng lấy cốt, phần hạt và bã đem bỏ.

Thực hiện: Làm nóng nồi, cho ít dầu ăn vào, cho dứa băm vào xào cho thơm rồi bỏ gà đã ướp vào xào sơ cho thịt săn. Cho thêm 2-3 chén nước, nấu lửa nhỏ khoảng 25-30 phút cho chín gà. Dùng đũa đâm vào kiểm tra, gà mềm rồi thì cho bac hà, cà chua, phần dứa còn lại và nước cốt me vào. Nêm nếm gia vị chua ngọt vừa ăn rồi nấu tiếp cho sôi lần nữa, tắt bếp, cho ngò gai, rau om vào.

Múc canh ra tô, rắc ít tiêu, có thể chan xíu mắm ớt nếu thích cay.

 

Bé Thúi (mav.vn, facebook Món ăn Viêt Nam)

Cách làm CANH MĂNG NẤU MỌC

Canh măng mọc là cách kết hợp truyền thống, tuy đơn giản nhưng ngon miệng nhờ vị ngọt của nước, cái dai giòn của măng cùng với kết cấu mềm mại hấp dẫn của viên mọc. 

Nguyên liệu:

– 2 lạng măng tươi
– 2 lạng mọc
– Hành tây, hành lá, hành khô, ngò gai
– Nửa quả cà chua
– Gia vị

Cách làm:

Chuẩn bị:
– Hành tây chia hai phần, 1 phần bổ múi cau, 1 phần thái lựu
–  Hành lá, ngò gai xắt nhỏ
– Cà chua bổ ra làm nhiều miếng
– Măng tước sợi, rửa sạch, luộc sơ rồi rửa lại và lần cho bớt chua.
– Mọc cho vào tô, thêm hành khô, tiêu vào rồi quết đều (không thêm gia vị)

Thực hiện:
1. Bắc chảo phi hành cho thơm, cho 1/4 củ hành tây đã thái lựu + xào chừng 3 phút rồi cho măng vào xào cùng. Nêm gia vị: 1 muỗng cafe muối, 1 muỗng cafe đường. Cho cà chua vào xào tiếp 3 phút nữa.
2. Đổ 2-3 chén nước vào nồi, nấu tiếp trong 15 – 20 phút cho tới khi măng mềm ngon vừa ăn, thì bắt đầu dùng muỗng cafe xén mọc thành từng viên nhỏ thả vào nồi đang sôi.
3. Tiếp tục nấu tới khi mọc chín nổi lên bề mặt, nêm lại tùy khẩu vị của bạn, nấu tiếp vài phút.
4. Tắt bếp, cho 1/4 củ hành tây bổ múi cau + hành lá + ngò gai xắt nhỏ. Trước khi ăn rắc tiêu vào tô canh.

 

Bé Thúi (mav.vn, facebook Món ăn Việt Nam

Cách làm RAU CÀNG CUA TRỘN DẦU DẤM THỊT BÒ

 

Rau càng cua vị giòn hăng, tính mát và giàu dinh dưỡng, được nhiều người yêu thích. Rau càng cua trộn dầu giấm thịt bò đơn giản nhưng ngon miệng, là lựa chọn rất hợp lý cho những ngày bận rộn, oi bức.

Nguyên liệu:

  • 500gr rau càng cua
  • Thịt bò tùy ý
  • Hành, tỏi băm nhỏ
  • Dầu ăn, dấm, muối, đường, nước mắm.
  • Đậu phộng giã nhỏ (đừng giã nhuyễn)
  • (có thể thêm hột vịt luộc xắt lát nếu thích)

Cách làm:

Làm dầu giấm: 3 muỗng canh dấm + 2 muỗng canh đường + 1 muỗng canh nước + 1 muỗng canh dầu ăn + 1/2 muỗng cafe muối + ít tiêu cho vào bát, khuấy đều, nếm thử vị hơi mặn, hơi chua là được, đừng ngọt quá.

Chuẩn bị trộn:

– Rau càng cua rửa sạch, lặt cọng vừa ăn.

– Thịt bò thái nhỏ, ướp với hành, tỏi băm, chút mắm muối trong 15 phút, sau đó xào vừa chín.

Chuẩn bị ăn:

– Khi ăn mới bắt đầu đem trộn rau, thịt và dầu dấm lại với nhau.

– Cho ra đĩa, rắc đậu phộng giã nhỏ lên. Măm măm!

*Món này có thể cho thêm cà chua, trứng luộc xắt lát nếu thích.

Bé Thúi (MAV.vn, facebook Món ăn Việt Nam)

Cách làm Bún sứa

Bún sứa là món ăn quen thuộc ở nhiều tỉnh duyên hải miền Trung. 

1. Nguyên liệu

– 100g sứa biển tươi
– 1 quả trứng gà
– 50g tôm sú
– 1,5 lít nước dùng cá
– Hành, ngò, khế, cà chua, thơm
– Rau thơm, hoa chuối, giá, bún tươi dùng kèm
– Gia vị: muối, đường, bột ngọt, nước mắm mặn, nước mắm dẻo Nha Trang pha sẵn

2. Cách làm
– Sứa tươi mua về rửa cho sạch nhớt, ngâm trong nước pha muối, phèn rồi xả lại 4-5 lần cho đến khi sứa nhả hết vị muối biển, rửa lại nhiều lần, cắt miếng vừa ăn nếu sứa to, để ráo.
– Tôm sú rửa sạch, bóc vỏ, bỏ chỉ đen. Nếu thích, có thể nấu thêm cá ngừ.
– Khế, cà chua, thơm cắt lát mỏng. Hành, ngò cắt khúc.
– Bắc nồi nước dùng cá lên bếp (được nấu từ đầu cá, xương cá), nấu sôi.
– Khi nước sôi, cho khế, cà chua, thơm vào nấu để tạo vị thơm chua tự nhiên, nêm muối, đường, nước mắm vừa ăn. Đập trứng gà, đánh tan, cho vào nước lèo, khuấy nhanh để tạo thành sợi, cho tôm, sứa vào nấu khoảng 7 phút là được. Cuối cùng, nêm thêm bột ngọt.
– Khi ăn, cho bún vào tô, xếp sứa, tôm lên rồi chế nước dùng nóng.
– Dùng chung với rau thơm, hoa chuối. Chấm sứa với nước mắm dẻo sẽ ngon hơn

Cách làm Chân Gà Hấp Hành ngon

Chân hấp hành là món ăn mang vẻ ngoài giản dị nhưng lại cực kỳ ngon miệng, là nhờ một số bí quyết trong sơ chế, làm nước hấp.

Nguyên liệu:

  • Nửa ký chân gà sạch
  • 1 bó hành lá
  • Rượu trắng
  • Dầu ăn, tiêu, muối, bột nêm.
  • Chanh

*** Nên chọn chân gà loại nhỏ, chắc ăn sẽ đỡ ngán hơn chân gà to béo.

Cách làm:

– Chân gà mua về rửa sạch, sau đó ngâm trong nước có vắt miếng chanh để loại bỏ mùi hôi, cũng như giữ màu trắng cho chân gà.
– Hành lá lặt rửa sạch, sau đó cắt thành khúc 5cm.
– Bắc nồi nước cho chân gà vào, sau đó đun sôi. Đậy nắp lại nấu khoảng 10 phút rồi nhắc nồi xuống, đổ hết nước ra ngoài.
– Cho hành vào nồi chân gà, cho tiếp 1 muỗng cafe rượu trắng, 1 muỗng cafe dầu ăn, chút bột nêm, 1/2 muỗng cafe muối. Hấp tiếp trong khoảng 5 phút là xong.
– Khi ăn dọn kèm với muối tiêu vắt lát chanh.

Bé Thúi .

Cách làm TÔM RANG ME

Món Tôm rang me là một món ăn đơn giản nhưng rất ngon miệng và trông cũng “sang trọng” không kém cua rang me trên các bàn tiệc.

Nguyên liệu:

  • 3 Lạng tôm – rửa sạch với nước muối pha loãng rồi bóc vỏ, rút chỉ đen trên lưng tôm, để dành lại đuôi tôm cho đẹp.
  • 1 vắt me khô hoặc 1 quả me tươi
  • Hành lá và rau ngò (rau thơm) rửa sạch, thái nhỏ
  • Nước mắm, đường, muối, tiêu, hạt điều tạo màu và tỏi.

Thực hiện:

Bước 1: Ướp tôm với nửa thìa cà phê muối cùng chút hạt tiêu trong khoảng 15 phút.

Bước 2: Me đổ ra bát, dầm với ba thìa súp nước nóng cho me tan thì gạn lấy nước cốt me, bỏ hột me đi. Tỏi bóc vỏ, thái nhỏ hoặc giã nhuyễn.

Bước 3:Làm nóng hai thìa cà phê dầu ăn trong nồi hoặc chảo, đổ ít hạt điều vào đảo khoảng 2 phút để tạo màu cho đẹp. Vớt hạt điều bỏ đi, cho tỏi vào phi thơm.
Đổ tôm vào xào chín rồi cho ra đĩa, để riêng.

Bước 4:Vẫn dùng chảo đã xào tôm, bạn đổ nước cốt me vào, thêm vào khoảng hai thìa cà phê nước mắm và hai thìa cà phê đường.

Đun sôi đến khi nước xốt me sánh đặc thì bạn nêm nếm lại tùy theo khẩu vị, nêm hơi ngọt ngọt, chua chua; thêm ớt bột hoặc ớt tươi xắt lát nếu bạn thích ăn cay.

Bước 5:Nhanh tay đổ tôm vào đảo cho nước xốt bám đều lên tôm.
Thêm hành lá và rau ngò đã thái nhỏ vào đảo đều rồi tắt bếp.

Bước 6. Lấy tôm ra đĩa, dùng nóng với cơm.

Theo Mẹ Bon: aFamily.vn / MASK Online

CÁCH LÀM CANH RIÊU CÁ CHÉP NẤU DƯA

Bát canh cá chép hấp dẫn với vị thơm đặc trưng của riêu cá chép, vị chua thanh của dưa, cà chua và hương thơm của rau thìa là hòa quyện.

Nguyên liệu:

  • – Cá chép: khoảng 4 lạng
  • – Cà chua: 4 quả
  • – Dưa chua: 1 bát con
  • – Gừng: 1 nhánh nhỏ
  • – Hành lá, thì là, rau dăm- 1-2 quả ớt (tùy thích)
  • – Gia vị: dầu ăn, hạt nêm, súp, mì chính.

Cách làm:

Bước 1: Hành, dăm, thì là rửa sạch cắt khúc, gừng gọt vỏ thái chỉ, cà chua rửa sạch bổ múi cau.

Bước 2: Cá chép sau khi làm sạch cắt khúc.

Bước 3: Rán cá chép sơ qua với chút dầu ăn.

Bước 4: Phi thơm hành với dầu ăn cho cà chua vào xào sơ. Nêm ½ thìa súp để cà chua mau nhừ. Sau đó cho phần nước lạnh vào đun sôi. Nêm gia vị vừa miệng.

Bước 5: Khi nồi nước sôi thả cá chép đã rán sơ vào đun nhỏ lửa cho ngọt nước.

Bước 6: Khi nồi riêu gần chín cho phần dưa chua vào. Với cách này dưa chua sẽ không bị chín nhừ. (Nếu thích đậm đà bạn có thể cho dưa vào xào cùng cà chua nhé).

Bước 7: Đun thêm khoảng 4 phút. (Nếu thích cay cho vài lát ớt vào nhé). Thêm hành, thì là rau dăm cùng mì chính, tắt bếp chút canh ra bát.

1397642709-rieu-ca-chep9

Ăn nóng với cơm.

(theo eva.vn)

Cách làm THỊT XIÊN ÁP CHẢO

THỊT XIÊN ÁP CHẢO là món ăn đơn giản, nhưng cũng bởi vì cách làm đơn giản mà hương vị của nó trở nên đặc trưng quyến rũ.

Mềm ngon thơm lừng món thịt xiên áp chảo 2

Bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu sau để làm món thịt xiên áp chảo: 

  • 200g thịt ba chỉ hoặc thịt nạc vai
  • 2 củ sả, 1 củ hành khô to, 3 tép tỏi
  • Dầu hào, nước mắm, hạt tiêu, đường, mật ong, muối hạt

Mềm ngon thơm lừng món thịt xiên áp chảo 3

Mềm ngon thơm lừng món thịt xiên áp chảo 4
Thịt bóp muối hạt rồi rửa sạch, để ráo nước. Việc bóp qua muối hạt làm cho thịt sạch hơn và khi nấu cũng chỉ cần nêm chút gia vị thôi thì thịt sẽ rất ngọt. Thái thịt thành miếng nhỏ vừa để khi áp chảo dễ chín hơn.

Sả, tỏi, hành khô thái khoanh nhỏ rồi cho vào máy xay xay nhuyễn.

Tăm ngâm vào nước để khi chế biến khỏi bị cháy, nếu có que xiên bạn có thể dùng que xiên cũng được nhé, nhưng cá nhân mình thấy dùng tăm sẽ tiện hơn rất nhiều khi ăn.Mềm ngon thơm lừng món thịt xiên áp chảo 8
Ướp thịt với sả, tỏi, hành xay, thêm 2 thìa café nước mắm, 2 thìa café dầu hào, 2 thìa café đường, 3 thìa café mật ong, hạt tiêu trộn thật đều, để ướp ít nhất 2 tiếng cho thịt ngấm gia vị.Mềm ngon thơm lừng món thịt xiên áp chảo 10
Xiên thịt vào từng que tăm, dàn mỏng đều mỗi que.Mềm ngon thơm lừng món thịt xiên áp chảo 12
Sau đó bắc chảo chống dính lên bếp, làm nóng chảo rồi vặn lửa nhỏ vừa, cho thịt vào áp chảo. Khi thịt bắt đầu vàng đẹp thì bạn lật qua các mặt còn lại cho thịt chín hết nhé.Mềm ngon thơm lừng món thịt xiên áp chảo 14
Vì thịt có mật ong nên sẽ rất nhanh chín vàng đấy!Lấy thịt xiên áp chảo ra đĩa, dùng nóng.

(theo afamily.vn)

Cách làm XÔI TRẮNG LẠP XƯỞNG NẤM HƯƠNG

Xôi nếp dẻo thơm ăn với lạp xưởng, điểm chút hương thơm của nấm, vị mặn của tôm khô…chừng đó là đủ cho một bữa sáng chất lượng.

Nguyên liệu: (cho 4 người ăn)

– 4 lạng nếp
– 2 cây lạp xưởng, 16 tai nấm hương khô, non nửa bát tôm khô, 2 củ hành tím.
– Xì dầu, hành phi, muối.

Cách làm:

– Gạo nếp vo sạch rồi ngâm nước khoảng 20 – 30 phút cho mềm. Sau đó cho vào nồi cơm điện cùng với chút muối và nước sao cho cao hơn mặt gạo một chút (khoảng 1/4 đốt ngón tay) rồi bật nút nấu.

– Lạp xưởng thái nhỏ, nấm hương ngâm mềm rửa sạch rồi cắt nhỏ, tôm khô ngâm nước khoảng 10 phút cho hơi mềm rồi để ráo, hành củ bóc vỏ thái mỏng.

– Cho vào chảo chút dầu rồi đun nóng, cho hành củ vào phi thơm rồi cho tiếp nấm hương, lạp xưởng vào xào, nêm vào nhân chút xì dầu.

– Cho tiếp tôm khô vào, thêm chút nước lã để xào nhân cho chín, ráo nhưng không bị khô quá. Khi nhân đã chín đều thì tắt bếp, rắc vào nhân ít hạt tiêu rồi trộn đều.

– Xới xôi trắng ra đĩa, rải nhân lên trên. Có thể dùng kèm với hành phi và xì dầu.

Hà Linh (ngoisao.net)

Cách làm CÀ RI GÀ

Cà ri gà là món ăn rất ngon và bổ dưỡng với vị cà ri thơm nồng hấp dẫn đặc trưng.

Nguyên liệu:

  • 1/2 con gà ta khoảng 600g.
  • 1 củ khoai lang vừa; 1 củ khoai tây; 1 gói bột cà ri Ấn Độ.
  • Các loại gia vị như: đường, hạt nêm, muối….; 1/2 lít sữa tươi; 4 cây sả.

Cách chế biến:

 

– Khoai tây, khoai lang gọt vỏ, rửa sạch, thái khúc rồi để ráo nước. Sau đó chiên vàng sơ bên ngoài.

– Gà ta làm sạch, rửa gà với rượu trắng để khử mùi. Thái gà thành miếng vừa ăn.

 

– Ướp gà với 2 thìa bột cà ri, muối, đường, tiêu, hành tím bằm nhỏ, 1 thìa cà phê ớt bột. Trộng đều rồi để trong khoảng 15 phút cho gà thấm gia vị.

– Đặt nồi lên bếp, làm nóng dầu, cho sả đập dập vào xào sơ. Tiếp đến cho thịt gà đã ướp vào đảo đều. Cho sữa tươi vào ngập mặt nguyên liệu rồi nấu chín. Nấu đến khi gà mềm thì cho khoai vào, tiếp tục đun đến khi món ăn chín mềm, nêm lại gia vị theo ý thích rồi tắt bếp.

 

– Bạn có thể ăn kèm cà ri gà với bánh mì…

…. hoặc bún tươi đều rất thích hợp và ngon miệng.

Khánh Hòa (vnexpress.net)

Nguyên liệu: (Cho 10- 12 cái bánh) 

1) Vỏ bánh:
– 600grs bột bánh dẻo loại đặc biệt (bột bánh dẻo
loại ngon được làm bằng nếp trên sàng, rang chín
rồi xay mịn như phấn thoa mặt)
– 500grs đường loại trắng tinh thượng hạng.
– 1 thìa canh nước hoa bưởi.
– 450 ml nước.
2) Nhân bánh: có thể chia làm 2 loại nhân

*Nhân thập cẩm 

– 200grs đậu xanh cà.
– 200grs đường cát.
– 100grs mứt bí xắt vuông nhỏ như hạt lựu. (có bán sẵn ở hàng phụ liệu làm bánh)
– 100grs hạt dưa bóc vỏ. (có bán sẵn)
– 100grs mứt sen trần. (có bán sẵn)

*Nhân đậu xanh trứng

– 300grs đậu xanh cà.
– 300grs đường.
– 12 trứng muối.
– 1/2 chén rượu trắng.
– 1 nhánh gừng nhỏ.
– 12 cái hộp nhựa trong để chuyên đựng bánh dẻo.

Cách làm: 

Bạn nấu nước đường từ ngày hôm trước để đến ngày hôm sau mới bắt đầu làm.Cứ 500grs đường trắng nấu với 450ml nước cho sôi đều lên và nhắc xuống đổ vào lọ thủy tinh.

*Chuẩn bị nhân thập cẩm 

Đậu ngâm 1 đêm, đãi vỏ và đem nấu với một ít sâm sấp nước, nấu thật khéo sao cho đậu nhừ và chín bằng hơi nóng nhiều hơn là bằng nước thì đậu sẽ dẻo, ráo, không nên dùng loại đậu đã đãi vỏ sẵn sẽ không còn mùi thơm.Khi đậu đã chín bạn bắc nồi đậu xuống, dùng muỗng cán dài đánh nhuyễn đậu lúc còn nóng, bạn cho đường vào đánh tiếp (100grs đậu xanh sống cần 90grs đường). Sau đó bạn bắc nồi đậu lên bếp lửa nho nhỏ, đảo nồi đậu luôn tay bằng đũa cả, cho tới khi thấy nặng tay, đậu ráo và đứng ngọn thì cho chút vanille và nhắc xuống, lúc này đậu đã có một mầu vàng sẫm tự nhiên rất đẹp, bạn đợi cho đậu nguội hẳn rồi mới làm tiếp.
– Hạt dưa đem sàng sẩy sạch rồi cho vào nồi rang vàng.
– Mứt sen xắt làm tư mỗi hạt.
– Nếu bạn thích làm thêm hạt điều thì tách đôi hạt điều lau bụi ở giữa rồi xắt nhỏ tùy thích.
Cho tất cả mứt bí, hạt sen, hạt điều, hạt dưa vào nồi đậu xanh trộn đều các loại, lấy cân chia mỗi phần nhân khoảng 80grs vo tròn.

*Chuẩn bị nhân đậu xanh trứng 

– Đậu xanh cũng làm như cách trên.
– Gừng đem giã vắt lấy nước trộn với rượu trắng, đập 12 trứng muối, lấy lòng đỏ đem ngâm vào nước rượu gừng chừng 10′ sau đó vớt ra đem hấp cách thủy cho lòng đỏ chín.
Khi đậu và trứng muối đã nguội hằn thì lấy cân chia mỗi phần khoảng 6 đến 70grs đậu, cho lòng đỏ trứng vào giữa và vo tròn từng viên nhân.

*Trộn bột, gói nhân:

Nước đường trong veo bạn đã nấu từ ngày hôm trước, để thau nhựa lên cân, chế vào thau 90grs nước đường, cho vào 1/3 thìa cafe nước hoa bưởi, bạn đừng cho nước hoa bưởi nhiều quá sẽ gây nồng hắc, chỉ cho thoảng nhẹ mùi hoa bưởi là vừa. Bạn cân sẵn bột vào chén, mỗi chén 70grs, để rây lên phía trên thau nước đường, đổ bột vào rây lắc nhẹ cho bột xuống hết dưới thau, dùng cây trộn bột khuấy đều cho bột và nước đường quyện dẻo lại.
Bàn cán bánh bạn đã chuẩn bị sẵn, rây lót bàn một khoảng bột áo, lấy đồ vét bột cho khối bột ra bàn chỗ bột áo, rắc lên mặt thêm một chút bột để chày cán bột không bị dính, bạn cán nhanh tay, gấp miếng bột lại rồi cho thật đều, cuối cùng bạn cán miếng bột dày khoảng 3 ly, cắt đôi miếng bột, mỗi miếng bạn cho vào giữa 1 viên nhân, giáp mí lại vo tròn và tiếp tục trộn bột rồi gói nhân cho đến hết nước đường.

*Ra bánh:

– Khuôn rây nhẹ một lớp bột mỏng đều, cho viên bột vào giữa khuôn, phần giáp mí để lên trên, dùng tay ấn mạnh viên bột xuống khuôn để có hoa văn sắc cạnh trên mặt bánh, ấn đều các góc để bánh được đứng và có cạnh đẹp. Chuẩn bị một mâm Inox sạch, úp khuôn bánh xuống mâm, lần lượt gỡ khuôn ra, tiếp tục in bánh khác cho đến hết.
Nếu khuôn có chỗ bị dính bột, bị sát phải xử lý ngay bằng cách bóc sạch chỗ bột bị dính và trước mỗi lần cho nhân vào in thì đều rây nhẹ một lớp bột mỏng, bạn nhớ nếu rây nhiều bột quá bánh sẽ không trong mà các hoa văn của bánh cũng không sắc nét vì bột đã che lấp.
Làm xong bạn để bánh trong mâm sau 24 tiếng cho bánh trở trong dần, sau đó đem xếp vào hộp và dùng trong vòng 3 tuần.

Yêu cầu kỹ thuật :

Bánh có màu trắng trong, hoa văn sắc nét, vỏ bánh ăn dai, dẻo, nhân ráo, có mùi thơm đặc trưng và nhẹ nhàng. Mỗi dịp Lễ Trung Thu, Bánh Dẻo thông thường thưởng thức kèm chung với Bánh Nướng Trung Thu. Chúc bạn thành công mỹ mãn để cùng người thân đón ánh trăng rằm trung thu một cách thú vị và hạnh phúc nhất !

 

Cách làm Sườn non nướng

Sườn non nướng là món ăn chơi hoặc ăn với cơm cũng rất ngon. Có nhiều cách tẩm ướp khác nhau, theo công thức này thì bạn có thể gia giảm lượng đường cho vừa khẩu vị.

Chuẩn bị:

– Sườn thăn non: 1 ký
– Hành củ 3 củ
– Tỏi 4 tép
– Nước mắm, muối, tiêu xay, đường cát, mật ong, sa tế, giấm.
– Mè trắng rang (tùy ý)

Sơ chế:

– Hành, tỏi băm nhuyễn.
– Sườn non mua về rửa sạch, chặt miếng nhỏ vừa ăn. Sau đó rạch một nhát vô miếng thịt để cho hở xương ra.
– Bắc nồi nước vừa đủ ngập sườn, đun sôi, cho thêm 1 muỗng canh dấm rồi thả sườn vào trụng sơ rồi lấy ra.
– Ướp sườn: 1 nửa chén nước mắm, 1 muỗng canh dấm, 1 muỗng cafe tiêu,1 muỗng canh mật ong, 1 muỗng canh sa tế, 1/2 chén đường cát, 1 chút muối, tất cả hành tỏi đã băm, ướp ít nhất 1 tiếng để ngấm gia vị. Nếu để qua đêm (trong tủ lạnh) được thì càng tốt.

Nướng: 

– Bắc cái lò than lên rồi nung than cháy hồng. Cho sườn lên nướng vàng đều là được. Trong lúc nướng thì dùng cái muỗng hoặc cái cọ sơn quét nước ướp thịt lên sườn, như vậy sườn sẽ thơm và không bị khô.
– Nếu nướng bằng lò thì bật lò 180 độ C, nướng trong khoảng 20 phút.
– Nướng xong là ăn được rồi, có thể rắc mè rang lên nếu bạn thích.

Bé Thúi

Ảnh: BBQ Song Mỹ.

Bí quyết làm sườn nướng Cơm Tấm ngon

Sườn nướng là một trong những món được dùng kèm với cơm tấm nhiều nhất. Món sườn này cũng có thể dùng ăn với bún, cơm thường…tùy ý bạn. Sau đây là những cách người ta thường dùng để có món sườn nướng ngon:

Bí quyết làm sườn nướng ngon:

  • Chọn sườn:

Chọn thịt sườn có mỡ sẽ ngọt, béo và mềm hơn.

Bạn có thể chọn loại sườn cốt lết có dính theo xương (thông dụng nhất) hoặc nạc thăn lưng, hoặc sườn non, thịt ba chỉ.

  • Ướp sườn:

Ướp sườn là công đoạn quan trọng nhất. Có nhiều cách khác nhau, nhưng thông thường các tiệm cơm tấm ngon không ướp sườn với muối, vì muối sẽ làm sườn cứng hơn. Nên ướp với xì dầu hoặc nước mắm.

Một số nguyên liệu quan trọng khác để ướp sườn là: Mật ong, mỡ (hoặc dầu ăn), hành / tỏi băm nhuyễn (có thể vắt lấy cốt) và chút chanh hoặc giấm, một chút xíu bột ngũ vị hương, một chút dầu hào. Nên dùng mỡ gà thì sẽ ngon hơn dầu thực vật hoặc mỡ heo.

Có thể thêm vào một ít Coca Cola hoặc Pepsi để sườn dậy chút mùi thơm của quế. Cách này cũng giúp sườn mềm hơn.

Muốn sườn thêm mềm nữa, thì cho thêm sữa đặc hoặc dầu đu đủ vào ướp.

Vắt thêm nước cam vào sườn, đảm bảo chỉ có thơm và mềm hơn chứ không dở hơn được.

(nhớ đừng lạm dụng các nguyên liệu làm mềm sườn kẻo nướng xong miếng sườn mềm nhũn thì chỉ có đem giấu đi)

Thấm lau khô miếng sườn trước khi ướp thì sườn sẽ dễ dàng ngấm gia vị.

Ướp miếng sườn to và nướng, nếu muốn cắt nhỏ thì đợi đến khi ăn hãy dùng kéo cắt.

Ướp trong ít nhất 2-3 tiếng, có thể cho sườn vào tủ lạnh để qua đêm là tốt nhất. Nếu tệ quá thì cũng phải 1 tiếng.

  • Nướng sườn:

Trước khi cho ra nướng, quét dầu ăn lên hai mặt thịt để miếng thịt không bị khô.

Nướng sườn trên than lửa nhỏ vừa.

Trong lúc nướng không ép, ấn miếng thịt mà phải để chín tự nhiên.

Thường xuyên dùng cái chổi sơn hoặc cái muỗng để quết nước sướp thịt lên mặt sườn trong khi nướng.

Tránh trở sườn nhiều lần.

Muốn sườn có màu đẹp thì lúc sườn đã gần chín tới, quét thêm chút mật ong hoặc mật mía pha loãng lên mặt sườn.

Ngoài ra còn có cách nướng hai lần sẽ ngon hơn: Nướng, chần hoặc hấp sườn trên lửa nhỏ cho chín sơ (lần 1) rồi bỏ vào nước ướp, ướp tiếp, nhớ lật qua lật lại cho thấm… Đến khi gần ăn thì mới lấy ra nướng trên lửa lớn cho chín kỹ (lần 2). Như vậy miếng sườn sẽ vừa thơm, vừa đẹp, vừa mềm tự nhiên, không bị khô queo, nguội.

Bé Thúi tổng hợp.

CÁCH LÀM CHANH MẬT ONG ĐỂ DÀNH BẢO VỆ SỨC KHỎE CHO GIA ĐÌNH

Chắc hẳn bạn đã nghe về khả năng phòng chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe của hỗn hợp chanh mật ong. Cách làm thứ thuốc ngon lành bổ dưỡng này rất đơn giản. Bạn có thể làm để dành trong nhà, uống vào mỗi sáng để tránh xa bệnh tật.

Hướng dẫn làm chanh mật ong

  • 1. Chanh tươi xắt lát, cho vào một cái lọ thủy tinh, rồi rót mật ong vào đầy lọ.
  • 2. Đậy kín lọ cho vào tủ lạnh. Để vài ngày là có thể dùng được.

Thông tin thêm:

– Chanh ngâm mật ong có vị chua ngọt thơm cay. Thỉnh thoảng khi bạn có cảm giác mệt mỏi, đau họng, đau đầu, bị cảm hoặc đơn giản hơn là bạn muốn có một ly trà ấm cho thơm miệng thì hãy chọn chanh mật ong. Bạn chỉ cần lấy lọ chanh mật ong trong tủ lạnh ra, cho một thìa vào cốc rồi rót đầy nước nóng, khuấy đều và nhâm nhi thưởng thức.

Đó là thứ hương vị tuyệt vời từ trái cây, từ mật ngọt tự nhiên khiến bạn có cảm giác ấm áp và khỏe khoắn. Loại nước này cũng giúp tăng sức đề kháng cơ thể, phòng ngừa bệnh rất tốt đặc biệt là các bệnh do thời tiết (nóng, lạnh).

– Nếu bạn thích có thể pha trà rồi thêm một thìa chanh mật ong này, trà sẽ thơm ngon hơn mà lại tốt cho sức khỏe.

– Chỉ mất 3 phút thôi bạn vừa có thức uống thơm ngon lại là thứ thuốc tự nhiên kỳ diệu

Bé Thúi  /MAV

Công thức làm BÚN THỊT NƯỚNG

Nếu miền Bắc có món Bún chả thì ở khu vực miền Trung và Nam bộ có món Bún thịt nướng. Đây là một món bún trộn hấp dẫn dễ ăn, và cách làm cũng đơn giản.

Nguyên liệu:

Thực hiện:

Chuẩn bị:

– Thịt heo mua về rửa sạch, xẻ dọc theo chiều dài thành miếng mỏng, rộng khoảng 4cm. Ướp với 1 muỗng cafe hành củ băm, 1 muỗng cafe tỏi băm, 1 muỗng cafe nước màu, nửa muỗng cafe tiêu, nửa muỗng canh đường, 1 muỗng cafe bột ngọt, nửa muỗng canh nước mắm, 1 muỗng canh xì dầu. Ướp trong 30 phút trở lên.

– Các loại rau rửa sạch, để ráo. Thái nhỏ vừa ăn tùy thích.

– Giá rửa sạch.

– Dưa leo xắt lát mỏng rồi thái ngang thành những cọng nhỏ.

– Đậu phộng rang với chút muối cho vàng. Rây hết vỏ. Giã sơ.

– Làm mỡ hành: Hành lá thái nhỏ, bắc cái chảo cho tí dầu vào đun sôi rồi cho hành vào xào qua.

Nướng thịt:

Ghim thịt vào que hoặc sắp vào vĩ nướng, nướng trên than với lửa yếu cho chín vàng đều. Thịt chín lấy ra bôi mỡ hành lên. Vậy là xong.

Trình bày:

Cho một phần bún, một phần dưa leo, một phần giá, một phần rau sống vào tô. Sắp thịt lên mặt trên, rắc đậu phộng, đồ chua lên sẵn. Khi nào ăn thì chan nước mắm chua ngọt. Link hướng dẫn làm đồ chua và nước mắm đã có ở trên.

Khi ăn trộn đều.

Bảo Tố

Cách làm CUA RANG ME

Hầu hết mọi người đều có thể bị quyến rũ bởi món ăn chua chua ngọt ngọt lại nồng nàn vị cua này.

  • Chuẩn bị:

Tùy theo ăn được bao nhiêu mà tăng thêm nguyên liệu nhé! Ở đây ăn 2 con thì…

  • 2 con cua thịt
  • 1 vắt me chua chín.
  • 1 củ hành tây
  • 5 tép tỏi
  • 1 muỗng cà phê bột năng hoặc bột bắp
  • Đường, muối, gia vị
  • Tiêu, gừng (miếng bằng đầu ngón út)
  • Đậu phộng (lạc) rang

Các loại rau ăn kèm & trang trí: Xà lách (rau diếp), cà chua, ớt sừng…tùy thích.

  • Sơ chế:

– Me cho vào cái chén, chế thêm nước nóng cho ngập rồi dùng cái muỗng dằm kỹ cho ra nước me. Vớt bỏ hột và bã.
– Hành tây xắt múi cau rồi gỡ ra từng miếng, hoặc thái quân cờ tùy ý.
– Tỏi, gừng băm nhuyễn
– Bột năng hòa vào nước lạnh cho tan.
– Đậu phộng giã sơ.

  • Làm cua:

– Cua mua về dùng bàn chải chà rửa cho sạch (đừng bỏ xà phòng nha!). Nếu cua còn sống thì lấy cái dao đâm ngược từ dưới đít nó lên cho nó duỗi hai hàng chân cẳng ra rồi thì xử lý tiếp, không là nó kẹp rất đau.
– Lật ngược con cua lên, dùng ngón tay cái bẻ yếm cua đem bỏ. Sau đó tách ngược mai cua ra, móc hết gạch cua cho ra riêng một cái chén.
– Phần thân cua dùng kéo cắt ra làm tư hay làm hai tùy theo con to hay nhỏ, cốt để dễ cho người ăn.
– Phần càng cua dùng vật cứng đập cho rạn, để dễ ăn và khỏi nổ khi chiên.
– Ướp cua và mai cua với 1 muỗng muối, 1/2 muỗng cafe bột ngọt, 1 muỗng cafe dầu ăn, 1/2 muỗng cafe tiêu trong 30 phút.

  • Rang gạch & cua:

– Bắc cái chảo khác, bật lửa nung cho nóng rồi đổ chút xíu dầu vào, phi tỏi thơm rồi đổ gạch cua vào xào chút cho chín, nêm chút nước mắm cho vừa miệng rồi trút hết ra cái chén.
– Cũng cái chảo đó, cho thêm dầu ăn vào (nhiều hơn khi nãy) rồi phi thơm tỏi. Sau đó bỏ cua và mai cua đã ướp vào chiên vài phút cho chín đỏ rồi vớt ra ngoài để ráo.

  • Làm Sốt me:

– Bắc một cái chảo khác nung nóng rồi cho dầu ăn vào, phi thơm tỏi băm, rồi trút hành tây + chén nước me + 1/2 muỗng cafe muối + 1 muỗng cafe bột ngọt + 3 muỗng canh đường cát trắng + 1 muỗng cafe bột năng + chút nước lọc vào, nấu sôi.
– Nhỏ lửa, nêm nếm lại cho chua chua ngọt ngọt, hơi mằn mặn là được, vừa nêm vừa quấy cho gia vị hòa đều.

***Phần nước sốt này làm sao cho hơi sánh là ngon, đừng lỏng hoặc sệt quá.

– Tiếp theo, cho cua và mai cua đã ráo và gừng băm vào nấu khoảng 8-10 phút, xóc cho nước sốt ngấm đều vào cua.

  • Trình bày:

– Xêp mấy miếng xà lách ở dưới đĩa.
– Cho cua lên trên xà lách, xếp hình thân con cua lại như cũ, rồi rưới một lớp nước sốt lên, sau đó úp mai vào, rưới tiếp nước sốt lên mai. Trang trí hành tây đã xào và một ít lát cà chua xắt mỏng xung quanh cho nó có nhiều màu. Rồi rắc đậu phộng giã sơ lên.
– Ăn nóng ngay sau khi làm xong.

Bé Thúi.

BÁNH TRUNG THU NHÂN ĐẬU, DỪA

 
Nguyên liệu:

600 gr bột mì
400 gr nước đường
250gr dầu ăn

– Nhân đậu (đen, đỏ,xanh, sen)
1kg đậu, 700 gr đường, 250 gr mỡ, 100gr bột bánh dẻo,
150 gr bột mì

.- Nhân dừa 
1kg dừa, 800 gr đường, 200gr mỡ, 200 gr bột bánh dẻo,
50gr bột mì, 50 gr hột dưa, vani một chút.


Cách làm bánh trung thu nhân đậu, dừa:

Cách nấu đường
1kg đường, cho ½ chén nước nấu lửa nhỏ khoảng 5 tiếng, cứ để trên bếp, giữ không cho đường trở lại bằng cách thêm nước chút chút, cho 100 gr mạch nha, nấu thêm 5 tiếng nữa, nước đường sệt lên màu hổ phách rất đẹp, cân lại đường vừa đúng 1kg100 gr, để đường này càng lâu càng tốt
(1 năm).

Cách làm bánh 
Bột đổ núi, cho đường dầu vào giữa, trộn nhẹ tay, để bột nghỉ 1tiếng mới bắt bánh.

Cách làm nhân 
Đậu ngâm mềm rửa xẩy cho hết mắt đậu (đen, đỏ) nấu mềm xay nhuyễn, trộn đường khuyấy trên bếp, cho mỡ, bột.
Lòng đỏ hột vịt muối, hấp cách thủy, cho rượu trắng và dầu mè để át mùi trứng.

Đóng bánh
40gr bột, 110 gr nhân = một bánh

Lò nướng 325 độ F – cho bánh vào nướng, nhớ dùng tăm xâm để bánh không bị nổ mặt. Sau khoảng 25 phút, mở lò lấy cọ, phết lòng đỏ trứng lên mặt bánh cho đẹp. Nướng thêm 15 phút nữa là xong. 

(theo Ngô Đồng – dactrung.net)

BÁNH NHÂN THẬP CẨM

Nguyên liệu: 

1) Vỏ bánh :
– 400grs bột mì.
– 300grs nước đường.
– 60grs dầu ăn.
– 100grs bột áo.
– 2 lòng đỏ trứng vịt.
– 1 thìa cafe nước tro tàu.

2) Nước đường :

-1kg đường trắng tinh.
-1kg nước.
-2 thìa cafe nước tro tàu.

3)Thoa mặt bánh :

-1 lòng đỏ trứng vịt.
-1 thìa cafe nước lạnh.
-1 thìa cafe dầu ăn.
-Vài giọt nước màu dừa.

4)Nhân bánh gồm có :

-Hạt dưa, hạt điều, mứt sen, mứt bí, lạp xưởng, jambon, rượu trắng, mè, đường xay, mỡ, bột bánh dẻo, tất cả các loại kể trên mỗi thứ 100grs, 50grs mứt chanh, 50grs mứt gừng, 12 lòng đỏ trứng vịt muối, 1 thìa cafe ngũ vị hương.

Cách làm :

1)Vỏ bánh :

Cho dầu ăn , nước đường, lòng đỏ trứng , nước tro tàu hòa chung quấy cho thật đều, lấy rây lược lại. Rây bột mì vào hỗn hợp trên nhồi cho đều rồi ủ yên bột chừng 30’.

2)Nước đường :

Cho đường và nước vào nồi bắc lên bếp cho đường sôi, để lửa nhỏ cho từ từ nước tro tàu vào, khi đường sôi bùng lên thì tắt bếp, để yên nồi đường không được quấy sẽ bị lại đường, nước đường này để càng lâu mới làm thì vỏ bánh càng mềm.

3)Thoa mặt bánh :

Lòng đỏ trứng vịt, nước , dầu ăn, vài giọt nước màu trộn đều rồi đem lược qua rây để khi phết mặt bánh mịn đều không bị lợn cợn.

4)Nhân bánh :

-Hạt dưa , mè sàng sẩy sach đem rang vàng.
-Hạt điều, mứt bí, sen xắt hạt lựu.
-Mứt gừng , chanh xắt sợi dài 2cm.
-Mỡ heo luộc chín xắt hạt lựu rồi ướp đường đem phơi nắng cho mỡ trong veo.
-Lạp xưởng luộc chin rồi chiên qua cho thơm, đem xắt chỉ.
-Jambon xắt chỉ rồi xào với chút dầu , bột ngọt và hạt tiêu.
-Lòng đỏ trứng (xem bài bánh dẻo )
Cho tất cả những thứ “Nhân bánh gồm có” vào trộn đều, rưới từ từ vào hỗn hợp nhân này khoảng 100grs rượu trắng, khi thấy dẻo vừa nắm là được, cân từng viên nhân nặng 100grs, cho lòng đỏ vào giữa viên nhân rồi vo tròn cho đên hết nồi nhân.

5) Đóng và nướng bánh :

-Lấy thau bột ủ ra, cân từng viên bột 50grs, rây lớp bột áo ra bàn, để miếng bột lên cán thành miếng hơi tròn đủ để bao gọn viên nhân, cho nhân vào gói lại, xoa thêm lớp bột áo bên ngoài rồi đặt vào khuôn đóng giống như bánh dẻo, đóng đủ số bánh đặt vào lò rồi thì dùng kim xâm khoảng chục lỗ đều trên mặt bánh để lúc nướng bánh không bị nứt mặt.
-Mở lò nóng 10’ trứoc khi cho bánh vào, sau 10’ lấy ra, thật nhanh tay xúc từng cái bánh nhúng vào thau nước lạnh lấy ra ngay, xếp lại vào vỉ nướng, lấy cọ phết đều hỗn hợp thoa măt, cho bánh vào lò trở lại nướng tiếp cho tới khi bánh thấy vàng non là bánh đã chín, đem ra khỏi lò và nguội dần bánh sẽ vàng hơn (nếu để bánh vàng đều mới đưa ra khỏi lò thì bánh bị già lửa). Chúc các bạn cho ra lò những chiếc bánh nướng với hoa văn thật sắc sảo, có màu vàng óng và thơm nức mũi.
Bánh nướng có thời hạn bảo quản gấp đôi lần bánh dẻo.
-Nếu bạn thích ăn vị đặm đà hơn thì làm thêm gà quay và thịt chà bông rồi cho vào là đã có vị gà quay xá xíu (gà quay bạn mua thăn gà nạc rồi làm tương tự như thịt chà bông
vậy)

 

 

Cách làm BÁNH PÍA SẦU RIÊNG từng bước một

Chiếc bánh mang hương vị sầu riêng thoang thoảng, từng lớp vỏ mỏng mềm cộng thêm vị bùi có chút mặn của trứng muối thật hấp dẫn.

Trước đây, muốn được ăn bánh pía mang hương sầu riêng hấp dẫn, bạn phải nhờ người quen đặt mua từ trong miền Nam. Dần dần, ở ngoài Bắc cũng đã có bánh pía bán. Tuy nhiên, nếu thích, ngay tại nhà bạn cũng có thể làm món bánh ăn thơm ngon này để đãi cả nhà hoặc đem tặng người thân hay bạn bè.

Nguyên liệu:

Cho phần vỏ bột nước: (3 cái lớn):

  • – 120 gr bột mì
  • – 25 gr đường
  • – 50 ml dầu
  • – 40 ml nước

Cho phần vỏ bột dầu:

  • – 100 gr bột mì
  • – 50 ml dầu

Cho phần nhân:

  • – 150 gr đậu xanh
  • – 150 gr sầu riêng tán nhuyễn
  • – 50-70 gr đường tùy theo khẩu vị các bạn
  • – 1/5 muỗng cà phê muối
  • – 40 ml dầu ăn
  • – 25 gr bột nếp rang
  • – 10 gr bột mì + 10 ml dầu ăn
  • – 1/3 chén mỡ heo đã xào ngọt
  • – 3 trứng vịt muối ngâm chút rượu có gừng và nướng 10 phút ở nhiệt độ 190 độ C
  • – Nếu bạn không thích mỡ heo thì làm mứt bí nhé

Nguyên liệu mực – đóng dấu: Lấy 1 miếng màng bọc thực phẩm bọc lên miệng đĩa. Lấy 1 miếng giấy thầm dấu gấp làm 4 để lên mặt đĩa rồi đổ màu phẩm đỏ lên. Con dấu thì bạn dùng con dấu nào cũng được.

Cho phần trứng: Thoa mặt bánh: Lòng đỏ trứng đánh hơi nổi với 1 muỗng dầu mè, 1 muỗng nước lã  với 1/2 muỗng cà phê nước màu kho cá và 1 giọt màu vàng thực phẩm.

Cách làm:

Thực hiện phần bột nước:Cho tất cả nguyên liệu vào 1 cái âu, và bắt đầu nhồi cho bột dẻo mịn (phần bột này không quá khô nhé các bạn). Nhồi xong để bột nghỉ 30 phút.

Thực hiện phần bột dầu: Cho bột và dầu vào âu và nhồi bột quyện lại 1 khối. (Bột sẽ rất mềm). Cũng để bột nghỉ 30 phút.

Thực hiện phần nhân:

Bước 1: Đậu xanh ngâm vài tiếng, sau đó vo sạch nấu chín. Cho đậu xanh, đường vào máy xay nhuyễn.

Bước 2: Cho đậu xanh vào chảo không dính cùng với dầu, bột nếp rang sên với lửa nhỏ khoảng 15 phút thì cho sầu riêng, chén bột mì dầu vào tiếp tục sên cho đến khi nhân quyện thành 1 khối không dính chảo thì cho mỡ heo hay mứt bí vào sên thêm 5-7 phút nữa là tắt bếp.

Thực hiện phần cán bánh:

Bước 1: Chia phần bột nước làm 3 phần. Chia phần bột dầu làm 3 phần, cân nhân 120gr kể cả lòng đỏ trứng vịt muối vo tròn.

Bước 2: Đè dẹp viên bột nước, cho viên bột dầu vào vo tròn lại.

Bước 3: Cán dài viên bột, rồi cuộn tròn lại.

Tiếp tục cán dọc 1 lần nữa. Sau đó cuộn tròn lại.

Bước 4: Bạn cứ tiếp tục làm 2 phần bột còn lại. Vì bột nước và bột dầu nên khi cán bạn sẽ thấy các lớp bột tách rời nhau. Đó là thành công bạn nhé.

Bước 5: Bây giờ bạn cán tròn cục bột và cho nhân vào giữa túm các mép lại. Xếp bánh vào khay nướng, dùng lòng bàn tay đè nhẹ cho phần phộ dẹp xuống 1 chút cho đẹp.

Bước 6: Mở lò 160 – 170 độ C trước 10 phút. Cho khay bánh vào ngăn giữa nướng 16 phút. Qua 16 phút lấy bánh ra. Lấy con dấu nhúng vào mực đỏ ấn nhẹ vào giữa mặt bánh.

Sau đó cho bánh vào lò nướng tiếp 5 phút nữa. Qua 5 phút lấy khay bánh ra để 2 phút rồi mới quét trứng lên (để 2 phút mới quét trứng thì mực sẽ không bị lem). Cho khay bánh trở vào lò nướng thêm 6 phút nữa là bánh chín. Tắt lò lấy khay bánh ra để nguội.

Với công thức này bánh pía vừa nướng xong ăn đã ngon rồi mà để qua 1 ngày ăn lại càng ngon hơn.

Chúc các bạn thành công và ngon miệng với bánh pía nhân sầu riêng thơm ngon nhé!

(Theo eva.vn)