Cách làm DƯA RAU MUỐNG

Dưa rau muống (RAU MUỐNG MUỐI CHUA) là món ăn không xa lạ ở nhiều vùng quê. Món dưa rất ngon với kết cấu giòn dai đặc trưng của rau muống và sự hấp dẫn của vị chua mặn lên men.

Nguyên liệu:

  • Rau muống (chọn loại cọng to, rỗng)
  • Dấm, đường, muối, tỏi, ớt.

Chuẩn bị:

–  Tỏi, ớt xắt lát rồi đập dập sơ.

– Rau muống bỏ hết lá và cuống lá, chỉ dùng phần cọng. Đem ngâm muối rồi rửa sạch nhiều lần cho ra hết chất bẩn.

Thực hiện:

– Đun nồi nước sôi, cho vào một ít muối & đường rồi trút rau muống vào trụng sơ qua rồi thả ngay vào thau nước nguội có sẵn vài viên đá lạnh (bước này để cho rau muống xanh giòn). Sau đó vớt rau muống ra ngoài, để ráo.

– Sắp rau muống lại ngay ngắn thành hàng rồi cắt thành từng đoạn vừa ăn (7-10cm).

– Pha nước ngâm rau muống theo tỷ lệ: 4 chén (bát con) nước lọc + 4 muỗng súp dấm + 50g đường + 1 muỗng cafe muối. Pha một lượng nước đủ để ngâm ngập rau muống là được.

– Chuẩn bị keo thủy tinh sạch, tráng qua nước sôi rồi xắp rau muống cùng với tỏi, ớt vào. Sau đó trút nước ngâm vào ngập mặt rau muống. Dùng nan tre gài lại (hoặc dùng bịch nilon nước cột túm lại đè lên) cho rau muống chìm hẳn dưới nước ngâm.

– Ngâm khoảng 1-2 ngày là ăn được.

Bé Thúi

Cách làm CHÈ SÂM giải nhiệt

Những ngày hè oi bức, không gì tuyệt vời hơn là một chén chè mát lạnh mà lại còn có tính giải nhiệt, bồi bổ cơ thể.

Nguyên liệu:

  • – 100g hạt sen khô
  • – 50g nhãn nhục (long nhãn)
  • – 100g nho khô
  • – 100g táo đỏ
  • – 1 muỗng nhỏ bột rau câu
  • – 200g đuờng

Cách làm:

– Hạt sen khô đun sôi cho gần mềm, đổ ra rổ để ráo

– Long nhãn ngâm nước nóng cho nở

– Nho khô rửa sơ cho sạch, nếu có sạn thì nhặt sạn ra

– Táo đỏ rửa sơ ngâm nước nóng

– Bắc một nồi nhỏ lên bếp, hòa một muỗng nhỏ bột rau câu vào 200 ml nước, đun sôi sau đó đổ ra tô chờ nguội làm thạch, chú ý không cho đường vào thạch

– Bắc một nồi khác lên, chờ nóng cho 1/2 đường vào tạo caramen, chú ý không để quá vàng sâm sẽ có mùi đắng. Sau đó đổ nước vào, chừng 400ml, cho nốt số đường còn lại vào. Nêm cho ngọt vừa miệng.

– Nước sôi cho hạt sen vào, sau đó là nhãn, nho khô và táo, nêm một chút xíu muối. Để nhỏ lửa cho hạt sen mềm, táo và nhãn ngấm đường, nếm vừa miệng nhấc xuống.

– Lúc này thạch đã đông lại rồi nên lấy ra xắt nhỏ cho vào chè sâm. Để lạnh hoặc chờ cho nguội thêm đá lạnh vào ăn rất ngon

– Món chè sâm này rất tốt cho cơ thể vào ngày hè vì nó vừa cung cấp thêm nước vừa bổ dưỡng sẽ giúp bạn hồi sức rất nhanh.

Theo Loan Trần (ngoisao.net)

Cách làm CÀ RI DÊ

Món cà ri dê có gốc từ Ấn Độ nhưng được cả thế giới ưa chuộng bởi vị thơm nồng của gói bột cà ri. Tại Việt Nam món cà ri cũng rất được ưa thích. Có nhiều cách làm và phối hợp nguyên liệu để có món cà ri ngon. Sau đây là công thức đơn giản nhất.

Nguyên liệu: 

  • Thịt dê: 4 lạng
  • Bột curry: 4 muỗng canh
  • Sữa tươi: 1 lít
  • Lá dứa khô
  • Bột nêm, đường
  • Tỏi, hành tím băm nhỏ, ớt bột
  • Dầu ăn, rượu, gừng

Thực hiện:

1. Gừng nướng sơ rồi đập dập, hòa trong rượu rồi dùng rượu này rửa thịt dê để bớt mùi hăng của thịt. Rửa xong để thịt dê cho ráo, thái miếng vừa ăn.
2. Thịt dê đem ướp với 2 muỗng canh bột cari + 2 muỗng canh dầu ăn + 1 ít lá dứa khô + 1,5 muỗng canh bột nêm + 1/2 muỗng canh đường, ướp trong 20 phút.
3. Bắc chảo sâu, cho vào chút dầu phi thơm một ít hành tỏi băm rồi trút thịt dê đã ướp vào xào trên lửa lớn cho săn lại.
4. Trút nửa lít sữa và 2 muỗng canh bột cari còn lại vào nồi, đun lửa nhỏ và vớt bọt cho tới khi thịt chín, nêm nếm lại gia vị và thêm ớt bột cho vừa miệng. Chừng nào thịt thấm, nước sánh lại một chút là ăn được rồi.

 Bảo Tố

Cách làm BÍ ĐỎ XÀO GAN LỢN

Vào những ngày trời oi bức, những món xào giản dị, mang hương vị đồng quê sẽ giúp khẩu vị của bạn trở nên dễ chịu hơn hẳn.

Nguyên liệu:

  • Bí đỏ: nửa ký
  • Gan lợn: 2 lạng
  • Vài tép tỏi, vài cọng ngò  gai
  • Gia vị nêm

 

Cách làm:

  1. Bí đỏ gọt vỏ rửa sạch cắt miếng mỏng nhỏ vừa ăn. Ngò gai rửa sạch thái nhỏ. Tỏi băm nhuyễn.
  2. Gan lợn rửa qua nước muối rồi xắt lát mỏng nhỏ vừa ăn.
  3. Chuẩn bị chảo cho chút dầu, phi thơm tỏi băm rồi trút bí vào xào chín, sau đó mới cho gan heo vào xào tới khi gan heo chín. Nêm gia vị (hạt nêm) vào cho vừa miệng rồi tắt bếp
  4. Ăn nóng với cơm.

Bảo Tố

 

Cách làm KHỔ QUA XÀO TRỨNG

KHỔ QUA XÀO TRỨNG là món ăn rất quen thuộc ở trong mỗi gia đình người Việt. Sự kết hợp nguyên liệu tuy đơn giản và lạ lẫm nhưng lại mang lại một hương vị khó quên.

Nguyên liệu:

  • Khổ qua (mướp đắng) 2 trái
  • Trứng gà hoặc vịt: 1 quả
  • Hành tím băm
  • Bột nêm, dầu ăn, ngò

Cách làm: 

1) Khổ qua rửa sạch, chẻ đôi moi hết ruột bỏ đi. Sau đó xắt thành lát mỏng. (Nếu muốn khổ qua bớt đắng thì sau khi xắt mỏng bạn ngâm qua nước đá khoảng 10-15 phút)

2) Trứng đập ra chén, nêm chút bột nêm rồi đánh cho nổi bông, lòng đỏ lòng trắng quyện đều.

3) Chuẩn bị chảo đun nóng dầu, phi thơm hành tím rồi cho khổ qua vào xào, nêm bột nêm, gia vị vừa ăn… xào cho khổ qua chín tới thì đổ chén trứng vào xào tiếp tới khi nào trứng ráo, rắc tiêu, tắt bếp.

4) Dọn ra dĩa, xếp vài cọng ngò lên trên. Ăn nóng với cơm.

Bé Thúi

Cách nấu CANH SƯỜN BẮP MỸ

BẮP MỸ (ngô ngọt) kết hợp với thịt sườn thì sao nhỉ? Thật ra đây là cách nấu ăn quen thuộc ở các nước xứ lạnh, và cũng rất ngon miệng đấy!

Nguyên liệu: 

  • Sườn heo: 700g
  • 2 trái bắp Mỹ (lựa quả non)
  • 2 củ cà rốt
  • Hạt nêm
  • Hành xanh thái nhỏ, vài lát gừng

Chuẩn bị:

+ Xương sườn chặt khúc vừa ăn, cho vào chần qua nước sôi cho ra hết bọt bẩn.Đổ sườn ra rửa lại bằng nước lạnh

+ Bắp Mỹ rửa sạch cắt làm 3 – 4 khúc.

+ Cà rốt cạo vỏ thái miếng

Thực hiện:

1. Cho tất cả sườn, cà rốt và bắp vào, đổ nước ngập nguyên liệu, cho vài lát gừng và mấy cọng hành vào cho thơm.

2. Bật bếp đun sôi, vớt bọt bỏ đi. Nêm 3 thìa hạt nêm, nếm cho vừa ăn. Vặn lửa nhỏ đun âm ỉ cho sườn nhừ.

3. Khi sườn chín, cà rốt mềm thì tắt bếp, rắc chút hành xanh thái nhỏ. Múc canh ra bát.

Cách nấu CANH TÔM CHUA THÁI

Vị chua nồng hấp dẫn của món CANH TÔM CHUA THÁI sẽ mang lại cho gia đình bạn một trải nghiệm khó quên. Món canh này ăn với cơm hoặc bún đều ngon.

Nguyên liệu:

  • Tôm sú: 20 con vừa
  • Xương ống: 1kg
  •  Nấm rơm: 200g, cho thêm nấm kim châm nếu thích.
  • 1 củ sả, riềng, hành khô, lá chanh (nếu có lá chanh Thái càng tốt), hành lá, mùi, sa tế, ớt, nửa quả chanh tươi và một quả cà chua.
  • Nước cốt dừa (không bắt buộc).

Chuẩn bị:

+  Xương ống chần qua nước sôi rồi ninh nhừ bằng nồi áp suất, gạn lấy nước trong.

+ Tôm rửa sạch bóc vỏ và phần đầu, để lại phần vỏ đốt cuối cùng cho đẹp. Dùng dao khía lưng tôm hơi sâu một chút, rút bỏ chỉ đen ở sống lưng. Phần đầu cho vào máy xay lọc lấy nước để cho vào nước dùng sẽ thơm và ngọt hơn.

+ Sả rửa sạch cắt đôi đập dập, riềng gọt vỏ thái lát mỏng, lá chanh rửa sạch, hành khô thái lát băm nhỏ, cà chua bổ miếng cau.

+ Nấm rơm ngâm nước muối một lúc rồi gọt bỏ phần gốc bổ làm đôi.

Thực hiện:

1. Cho dầu ăn vào chảo, phi hành cho thơm rồi cho cà chua vào xào tái, tiếp tục cho tôm vào xào chín tới.

2. Chế nước dùng vào nồi cùng với riềng, sả và hành khô, nêm gia vị vào đun sôi rồi cho tôm và cà chua vào. Khi nước sôi lại tiếp tục cho nấm và lá chanh vào, nấu vừa chín tới, nếu đun kỹ quá tôm sẽ bị bở không còn vị ngọt nữa.

3. Cho sa tế/ớt, nước cốt dừa và nước cốt chanh vào đun sôi rắc hành mùi, bắc xuống.

BÍ QUYẾT LUỘC VỊT NGON, MỀM, NGỌT, CHẮC

Thịt vịt không cần chế biến cầu kỳ, chỉ cần luộc lên thôi là ngon lắm rồi. Tuy vậy, làm sao để luộc vịt ngon, chín đều, mềm mà không dai, không bở là một vấn đề với những người nội trợ mới. Sau đây là một số mẹo, bí quyết giúp bạn có được món vịt luộc ngon.

– Điều kiện đầu tiên là phải chọn được con vịt ngon, không già. Tuy nhiên, cách luộc cũng rất quan trọng.

Khử mùi vịt

– Thịt vịt thường có mùi hôi vì thế trong quá trình nấu, nếu không biết cách khử mùi, món thịt vịt sẽ mất đi phần hấp dẫn. Để món vịt không bị hôi, trước khi luộc nên bóp với chút muối, tiêu, gừng đập dập, có thể cả chút rượu trắng, để chừng 30 phút rồi rửa sạch, để ráo, đem luộc. Cho một mẩu gừng đập dập vào nồi luộc. Như vậy vịt sẽ hết mùi hôi mà món vịt của bạn luôn thơm ngon, hấp dẫn.

Nấu vịt

– Bạn không cần phải ninh vịt thật lâu vì như vậy, thịt có mềm nhưng sẽ không ngon do chất ngọt đã thôi ra nước. Thay vì thế, hãy cho con vịt vào nồi khi nước đã sôi sùng sục (khác với thịt gà là cho vào nồi nước lạnh đun nóng dần, do da gà mềm, mỏng, rất dễ bị bục). Chỉ cần đun đến khi chín tới (dùng đũa xiên qua được mà nước đỏ không ứa ra nữa) là vớt ra chặt ăn luôn, thịt sẽ rất mềm (trong khi thịt gà không chặt khi nóng vì miếng thịt sẽ nát do mềm quá). Nếu chưa ăn thì chỉ tắt bếp chứ không vớt vịt ra.

Xử lý vịt già, dai

– Nếu bạn mua phải con vịt già, dai thì cũng có cách luộc làm nó mềm hơn. Đơn giản nhất là sau khi vịt chín tới, bạn không vớt ra mà tắt bếp, tiếp tục để vịt trong nồi cho đến khi nguội. Hoặc vài chục phút trước khi làm thịt vịt, bạn đổ vào miệng vịt một chén rượu. Một số người giảm độ dai cho vịt già bằng cách ướp thịt vịt bằng nước quả lê khoảng 10 phút trước khi luộc. Một số khác lại cho vào nồi luộc vài con ốc hoặc ít tủy lợn, đun sôi lăn tăn một chút rồi tắt bếp, ngâm tiếp.

 

(Nguồn: phununet)

Cách làm 17 loại nước chấm thông dụng

Trong ẩm thực Việt, nước chấm là một thành phần quan trọng và nhiều khi là thành phần quyết định độ ngon cho món ăn. Tùy theo từng món ăn cụ thể mà món nước chấm kèm có sự thay đổi về cách pha chế…

Cùng tham khảo công thức làm 17 loại nước chấm dành riêng cho 17 món ăn Việt nhé!

1. Nước chấm cho món bánh cuốn

+ 300ml nước sôi để nguội

+ 2 lạng rưỡi đường

+ 2 muỗng canh nước mắm nguyên chất

+ ớt tươi băm nhỏ

+ ít giấm gạo

Nếu muốn nước chấm ngọt hơn theo vị của người miền Nam, bạn có thể không dùng giấm chua. Thay vào đó bạn giảm lượng nước và tăng lượng đường trong công thức.

Nếu bạn ăn mặn hơn, có thể thêm nửa muỗng canh nước mắm, tương đương khoảng 30ml.

2. Nước chấm cho món chả giò

+ 200ml nước sôi để nguội

+ 2,5 muỗng canh đường cát trắng

+ 3,5 muỗng canh nước mắm nguyên chất

+ 3 muỗng canh giấm

+ 3 trái ớt đỏ, bỏ hạt và băm nhỏ

+ 1 củ tỏi, lột vỏ và băm nhỏ

Để đơn giản và dễ nhớ hơn bạn có thể pha theo tỷ lệ: 1 nước mắm + 3 nước lọc + 2 đường + tỏi và ớt băm nhỏ.

Nước chấm này phải đặc và đậm mới đạt yêu cầu.

3. Nước giấm đường cho các món chua ngọt

+ 2 lạng rưỡi đường kính trắng

+ nửa lít giấm gạo

Cho đường vào giấm và đun nhỏ lửa hỗn hợp này khoảng 15 phút. Khi giấm nguội, cho vào chai thủy tinh và dùng dần cho các món chua ngọt trong bữa ăn hằng ngày như sườn xào chua ngọt, cá sốt chua ngọt,…

4. Nước chấm cho món bún thịt nướng

Cách 1: Dùng nước giấm trên cho thêm nước mắm và nước đun sôi để nguội. Sau khi nêm nếm vừa ăn cho thêm tỏi băm, ớt băm và ít tiêu xay.

Cách 2: Bạn pha nước chấm theo công thức: 1 giấm + 1 đường + 1/2 mắm + 2 nước (nước đun sôi để nguội) + 1 đến 2 muỗng cà phê nước cốt chanh + tỏi và ớt băm.

Nếu ăn theo kiểu người Bắc, bạn có thể cho ít đu đủ vào. Bạn mua loại đu đủ xanh, cắt miếng vuông mỏng hoặc cắt sợi sóng theo dụng cụ cắt hoa quả. Sau đó, bóp sơ qua phần đu đủ này với muối và trụng sơ qua nước sôi xả lại trước khi ngâm giấm, vắt khô và thả chúng vào bát nước chấm.

5. Nước chấm cho món thịt xá xíu

+ 1/2 chén nước mắm

+ 1 muỗng canh đường

+ 5 củ tỏi, lột vỏ và băm nhỏ

+ 5 trái ớt hiểm, bỏ hạt và băm nhỏ

Pha hỗn hợp theo tỉ lê trên, khuấy đều, sau đó cho tỏi ớt đã băm nhuyễn vào.

6. Nước sốt cho món gỏi cuốn

+ 1 củ hành tím phi vàng

+ 8 muỗng canh tương đen Hoisin (loại tương dùng để ăn phở)

+ 1 muỗng cà phê bơ đậu phộng hoặc đậu phộng rang giã nhuyễn

+ 1 ít muối

Sau khi đã chuẩn bị các nguyên liệu với tỉ lệ như trên, bạn cho tất cả vào một bát vừa và trộn đều cho đến khi sánh, mịn.

7. Nước chấm đậu phộng cho món thịt bò satay

+ 300ml nước cốt dừa

+ 8 muỗng cà phê bơ lạc

+ Nửa củ hành tây băm nhỏ

+ 1 viên đường thốt nốt

+ Nửa muỗng cà phê ớt bột

+ 1 muỗng cà phê nước tương

+ một ít muối

Đem tất cả đun sôi trên ngọn lửa vừa. Tắt bếp, để nguội và sử dụng.

8. Nước mắm tỏi ớt cho các món

+ 3 muỗng canh nước

+ 3 muỗng canh đường

+ 2 muỗng canh nước mắm

+ tỏi và ớt băm nhỏ

+ 2 muỗng cà phê nước cốt chanh

Sau khi trộn chung các hỗn hợp trên lại, khuấy đều cho tỏi và ớt băm nhỏ vào.

9. Nước chấm cho món bánh bột lọc

Giã nát ớt và cho nước mắm vào cùng ít nước chanh. Nếu bạn không muốn nước chấm quá gắt vị nước mắm, bạn có thể thêm nước hoặc đường tùy ý.

10. Nước chấm cho món bánh bèo

Để có nước chấm ngon, bạn nên sử dụng ngay nước luộc tôm (tôm dùng làm ruốc) thay vì nước lọc.

+ 2 chén nước luộc tôm

+ 1 muỗng canh nước mắm

+ 1 ít muối

+ ½ muỗng canh đường

+ nước cốt chanh

+ tỏi và ớt băm nhỏ

Nếu không nhớ, bạn có thể áp dụng tỷ lệ: 1 nước mắm + 1 đường + 1/2 phần nước + 1/2 giấm gạo.

11. Nước chấm thịt vịt

+ 4,5 muỗng canh nước mắm

+ 5 muỗng canh đường

+ 1 muỗng canh gừng băm nhuyễn

+ 2 muỗng cà phê tỏi băm

+ 1 muỗng canh nước lọc

+ 1-2 muỗng cà phê nước cốt chanh

Hòa tan lần lượt đường + nước + nước mắm. Sau đó cho các nguyên liệu còn lại vào và trộn đều.

12. Cách pha nước chấm bò bía

+ 1 chén tương đen Hoisin

+ 1/2 chén tương ớt

+ 1 muỗng canh đậu phộng rang giã nhỏ

Trộn tương ớt và tương đen lại cho đều. Khi ăn rắc đậu phộng lên trên cùng.

13. Cách pha nước chấm ốc

+ 2 muỗng canh nước mắm ngon

+ 1 muỗng canh nước sôi để nguội

+ 1 muỗng cà phê nước cốt chanh

+ 2 muỗng canh đường

+ ½ chén gừng giã nhuyễn

+ ớt băm, tỏi băm

Hòa tan đường với nước trước khi cho nước mắm vào. Trộn đều dung dịch này trước khi cho thêm gừng, ớt và tỏi băm vào. Sau cùng, cho nước cốt chanh vào và hòa thật đều các gia vị.

14. Nước chấm cho các món luộc

+ 2 muỗng cà phê muối rang

+ 1 muỗng cà phê hạt tiêu rang

+ 1 muỗng cà phê nước cốt chanh

+ ớt băm nhuyễn

Trộn đều các nguyên liệu lại là bạn đã có một món chấm ngon cho các món luộc.

15. Nước chấm hải sản

+ 1 muỗng cà phê đường

+ 1 ít muối

+ 1 muỗng canh tương ớt

+ ½ muỗng cà phê nước cốt chanh

Đánh đều tất cả nguyên liệu với nhau đến khi hơi sệt là được.

16. Nước chấm cua, ghẹ

+ 2 muỗng cà phê đường

+ 1 chén nhỏ muối tiêu

+ nước cốt 1 quả tắc

+ vỏ quất thái nhỏ cho luôn vào nước chấm.

Vắt nước tắc vào muối tiêu, trộn đều với đường và cho vỏ quất thái sợi lên trên.

17. Mắm tôm – chanh – ớt

+ 1/2 chén mắm tôm

+ 2 muỗng cà phê nước cốt chanh

+ 2 muỗng cà phê đường

+ ớt băm nhỏ

Đánh kỹ mắm tôm với đường và nước chanh cho đến khi nổi bọt. Sau đó cho thêm ớt băm vào.

18. Nước mắm cơm tấm
½ lít nước mắm thường 15 độ đạm
2 ½ chén trung đường trắng
2 ½ nước lọc
Hòa tất cả vào nhau, khuấy đều cho tan hết đường…. Xong để đó…Ít nhất chờ trong nửa ngày (tốt nhất nên pha trước 1 ngày). Sau đó khuấy đều tay vài ba lần nữa trước khi đun sôi… Đun sôi (lúc đầu cho lửa thiệt mạnh, sau đó riêu đều (cùng lúc nên khuấy khá đều tay))… Để nguội.
Ớt băm nhuyễn (nên băm tay đừng xay bằng máy ớt dập nhìn không ngon và không để lâu được) + đồ chua (cà rốt và củ cải trắng xắt sợi (ngâm nước lạnh trước 1 ngày) sau đó ngâm với ít dấm ăn) pha chung với nước mắm ngọt vừa làm xong…
Ít bí quyết:
+ Phương pháp 1: Có thể pha ít nước dừa xiêm trong nước mắm ngọt (1 trái) trước khi đun.
+ Phương pháp 2: Có thể pha với nước 7Up để tăng độ nồng.

(Tổng hợp)

Cách làm BỘT CHIÊN TRỨNG

BỘT CHIÊN hay BÁNH BỘT CHIÊN là món ăn xuất phát từ những người Hoa ở khu vực Chợ Lớn, Sài Gòn. Ngày nay nó đã trở thành món ăn vặt phổ biến nhiều nơi vì hương vị tuyệt vời và kết cấu thú vị của nó. Bạn có thể thử làm bột chiên tại nhà theo công thức sau đây:

 

Nguyên liệu:

  • – Bột gạo: 250g
  • – Bột năng: 25g
  • – Hột gà: 2 quả
  • – Đu đủ bào sợi
  • – Muối, nước tương, hành lá, đậu phộng rang, gia vị…


Thực hiện:

CHUẨN BỊ: 

Làm đu đủ : Đu đủ bào sợi ngâm với nước lạnh cùng tí xíu muối cho ra hết chất mủ. Xong khi gần ăn thì vớt ra để ráo, nếu ai thích ăn chua thì pha dấm đường rồi ngâm đu đủ vào 10 phút trước khi ăn, với tỉ lệ 1 dấm + 1 đường + 2 nước.

Làm nước chấm : 1 nước tương + 1 đường + 1/2 dấm đỏ + 1 nước nếu thích ăn chan nước tương vô cùng bột chiên, nếu thích chấm từng miếng bột chiên vào chén nước chấm thì pha 1/2 chén nước.

Đậu phộng rang vàng, đập cho tách hạt.

pic1672

1. LÀM BỘT

– Cho bột gạo, bột năng lên nồi, thêm 1/3 muỗng muối cùng một lượng nước xấp xỉ mặt bột, bật lửa nhỏ. Khi bột đủ độ chín, bạn nhấc nồi khỏi bếp, tiếp tục khuấy đều tay cho phần bột đặc lại.

– Nén bột vào mặt khay hoặc thố đã thoa sẵn một lớp dầu bên dưới, hấp cách thủy bột khoảng 30 phút cho bột chín.

– Khi bột chín, bạn hãy lật ngược thố/khay để lấy khối bột ra. Thái bột thành hình khối vuồng đều và đẹp mắt. Bạn hãy cho vào thố đựng các miếng bột đã thái 2 muỗng nước tương để khi chiên chúng có phần đẹp mắt hơn.

2/ CHIÊN BỘT

– Cho lên chảo 4 muỗng dầu, đợi dầu sôi rồi cho phần bột chiên vào chiên vàng 2 mặt. Khi bột chiên đạt độ vàng nhất định, bạn hãy đập 2 quả trứng vào rồi lật nhanh sang mặt còn lại. Rắc phần hành lá (đầu hành là chủ yếu) đã băm nhỏ vào rồi tắt bếp

3/ TRÌNH BÀY

– Cho bột chiên ra dĩa, rải đu đủ lên rồi rắc đậu phộng rang lên trên cùng. Trước khi ăn thì chan nước chấm vào, xịt thêm tương ớt nếu bạn ăn cay.

(Tú Đỗ)

Cách làm ỐC XÀO SẢ ỚT

Vị cay của ớt, vị thơm của sả làm cho món ỐC XÀO vốn đã ngon miệng lại càng thêm kích thích.

Nguyên liệu:

  • 1 ký Ốc nhỏ (có thể chọn ốc vặn, ốc đá hoặc ốc mít)
  • 1 muỗng canh nước mắm
  • 1 muỗng cafe đường
  • 1/2 muỗng cafe bột ngọt
  • Dầu ăn
  • 3 cây sả tươi, bào mỏng
  • 1 củ gừng rửa sạch băm nhỏ
  • 5 quả ớt tươi băm nhỏ hoặc ớt bột

Cách làm:

1. Ốc sống mua về chà rửa sạch rồi đem ngâm trong nước với khoảng 1/2 chén bột gạo (hoặc có thể dùng nước pha dấm ớt), ngâm 3-5 tiếng cho ốc nhả hết bùn và nhớt. Sau đó rửa ốc lại cho sạch. Bạn có thể dùng đồ đập đít vỏ ốc để ốc dễ thấm và khi ăn chỉ cần mút là ra thịt.

2. Bắc chảo cho chút dầu ăn, thêm một chút gừng, ớt, sả vào phi thơm. Sau đó trút ốc vào xào nhanh tay trên lửa to, nêm nước mắm, đường, bột ngọt, ớt và 1/2 chén nước lọc vào nếm lại cho vừa miệng.

3. Đảo đều tay khoảng 5-10 phút ốc gần chín thì trút tất cả chỗ gừng sả còn lại vào. Xào thêm tí nữa ốc chín thì tắt bếp. Ăn nóng, có thể pha thêm mắm gừng chấm cho ngon.

Bé Thúi

Cách làm BẮP XÀO TÔM KHÔ

BẮP XÀO TÔM KHÔ là món ăn đơn giản, rẻ tiền nhưng hương vị lại rất hấp dẫn. Đây là món ăn vặt phổ biến ở Sài Gòn, hấp dẫn mọi lứa tuổi chứ không riêng chi tuổi học trò.

Nguyên liệu:

  • – Bắp nếp tách hạt: 500g (Có thể dùng bắp ngọt)
  • – Tép hoặc tôm khô: 1,5 lạng
  • – Hành lá: vài cọng, thái nhỏ, để riêng phần đầu trắng
  • – Bơ Tường An (bơ lạt): 3-4 muỗng súp
  • – Gia vị: Đường, nước mắm, hạt nêm, tương ớt.

Cách làm:

– Rửa tôm/tép khô qua vài lần nước cho sạch, sau đó ngâm trong nước cho mềm. Vớt ra để ráo.

– Bắc chảo lên bếp, phi thơm phần hành màu trắng với một chút dầu ăn rồi trút tôm/ tép khô vào xào với chút gia vị cho ngấm rồi trút bắp vào xào. Nêm 1 muỗng canh nước mắm, 1/2 muỗng canh đường, 1/2 muỗng cafe hạt nêm, 3-4 muỗng canh bơ Tường An rồi xào cho tôm ngấm gia vị. Nêm nếm lại vừa miệng. Cuối cùng cho hành lá vào đảo đều lên rồi tắt bếp.

– Trước khi ăn xịt tương ớt lên.

Bé Thúi

Cách làm GIÒ HẦM MĂNG KHÔ

GIÒ HẦM MĂNG là món ăn truyền thống của miền Bắc. Vị ngon, thơm của măng khô với cái béo ngon của chân giò là sự kết hợp hoàn chỉnh biến nó thành món “ruột” của nhiều người.

Nguyên liệu:

  • Giò heo 1kg (chân trước)
  • Măng khô 0.5kg,
  • Hành khô 0.2kg,
  • Hành tươi 0.3kg,
  • Nước mắm, muối, tiêu, mì chính.

Cách làm:

– Chân giò làm sạch chặt miếng to, ướp mắm, muối để 15′-20′ cho ngấm.
– Măng ngâm nước gạo 1 đêm cho nở (hoặc ngâm nước ấm cũng được), rửa sạch cho nước vào
luộc, thay nước 2-3 lần cho măng hết đắng, khi thấy nước luộc trong là được, vớt ra thái miếng hơi dầy to bản, rửa lại bằng nước lạnh để ráo nước.
– Hành khô bỏ vỏ đập dập (hoặc mua loại hành khô đã sấy sẵn)
– Hành tươi rửa sạch thái dài (chỉ lấy củ và phần gần củ, bỏ bớt lá).
– Đun dầu ăn nóng già già bỏ hành khô vào phi thơm, cho chân giò vào xào săn bỏ tiếp măng vào xào chung, nêm mắm vào đảo đều cho ngấm, đổ nước ngập măng đun sôi vớt bỏ bọt, rút bớt lửa để sôi âm ỉ 1-2 tiếng đồng hồ.
– Khi chân giò chín nhừ nêm gia vị vừa ăn rồi cho hành tươi bắc ra, múc ra bát to vớt mấy lát củ hành tươi lên trên cho đẹp, rắc hạt tiêu, dọn ra ăn nóng.

Cách làm LẨU CÁ HỒI

Một bữa LẨU CÁ HỒI sẽ rất thích hợp để đổi  vị trong những ngày cuối tuần oi bức. Lẩu có vị cay thơm của s a tế, chua của cà chua rất dễ ăn.

Nguyên liệu:

  • Cá hồi: 1 con
  • Xương hầm: 0,5 kg (xương gà hoặc heo)
  • Đậu hũ Nhật: 1 hộp
  • Sa tế: 1 lọ
  • Đường: 10 g
  • Cải thảo: 0.5 kg
  • Cải xanh: 1 kg
  • Nấm hương: 20g
  • Gừng: 30 g
  • Cà chua: 100g
  • Bún: 1 kg
  • Tiêu , muối, bột ngọt, xì dầu

Cách Làm:

– Xương nấu với 2 lit nước sạch, lọc kỹ.
– Cá hồi làm sạch, bỏ da, phi lê, cắt thành từng miếng vừa ăn.
– Đậu hũ cắt nhỏ.
– Cải thảo, cải xanh, cà chua rửa sạch.
– Nấm hương ngâm nước vo gạo, rửa sạch, cắt chân.
– Đun sôi lại nước dùng, sau đó cho sa tế, gừng thái chỉ, nêm nếm với xì dầu, đường, muối, bột ngọt (tùy ý) cho vừa miệng.
– Cho cá vào nấu sôi ít phút. Sau đó thả nấm hương và cà chua cắt 4 vào.
– Xếp rau ra đĩa, nấu sôi lẩu, trụng rau và ăn kèm với bún. 

 

Cách làm CANH GÀ RAU CẦN

Canh Gà Cần Tây với chất ngọt của thịt gà và hương thơm của cần tây sẽ mang lại cho gia đình bạn một bữa cơm cuối tuần đáng nhớ.

Nguyên liệu:

  • 300g thịt gà (gà nấu canh nên dùng phần nhiều xương, ít thịt sẽ ngon hơn ví dụ cánh, cẳng, chân…)
  • 300g cần tây
  • 100g cà rốt
  • 1 thìa súp hạt nêm
  • 2 thìa cà phê nước mắm ngon
  • 1 thìa cà phê đường
  • ¼ thìa cà phê tiêu
  • Đầu hành lá


Cách Làm:

1.Chuẩn bị
– Gà rửa sạch, chặt miếng vừa ăn, ướp đầu hành, tiêu, hạt nêm
– Cần tây xắt xéo
– Cà rốt tỉa hoa, xắt khoanh mỏng.

2.Chế biến
Đặt nồi lên bếp, cho dầu vào phi thơm đầu hành. Trút thịt gà vào xào săn
– Cho vào nồi khoảng 1,5 lít nước, đợi sôi cho cần tây vào, nêm đường, nước mắm, hạt nêm vừa ăn. Để lửa nhỏ, hớt bọt. Khi gần ăn nêm thêm nước mắm và nhắc xuống

3.Trình bày

Múc canh ra tô, dùng nóng.

Theo MONNGONVIETNAM

CÁCH LÀM 7 MÓN CANH NGON GIÚP GIẢI CẢM

Thời tiết giao mùa khiến nhiều người bị mắc cảm mạo, cảm cúm. Tuy là bệnh không nguy hiểm nhưng cảm luôn gây nhiều khó chịu cho người mắc. Để phòng ngừa và đẩy lùi bệnh cảm, có thể thêm vào thực đơn những món canh sau đây:

1. Canh khổ qua nấu tôm

Nguyên liệu: Mướp đắng bỏ ruột, cắt lát mỏng (3 trái); tôm bạc (50gr) hoặc thịt nghêu hấp (100gr); gia vị (gừng già tươi thát lát, hành hương, hai tép tỏi, nửa muỗng cà phê muối).

Cách nấu: Cho 350ml nước vào nồi, đun sôi bỏ mướp đắng + các nguyên liệu khác vào nấu trong vòng 10 phút. Ăn nóng 3 lần/ ngày, ăn liệu trong 2 ngày. Tác dụng: giúp xuất mồ hôi, thanh nhiệt, trừ khát, lợi tiểu hết viêm họng.

2. Canh trứng cà chua

Nguyên liệu: thăn heo (100gr); cà chua (1 quả); nấm đông cô (10gr); trứng (1 quả trứng); 2 muỗng canh nước tinh bột (dùng 1 muỗng canh nước hòa tan với 1 muỗng canh bột năng), ¼ muỗng cà phê dầu mè; gia vị (hành, mùi tàu, thì là. ¼ muỗng cà phê muối, ¼ muỗng cà phê đường, 1/8 muỗng xà phê tiêu xay)

Cách nấu: Thịt thái miếng mỏng, ướp với muối, dầu mè và 1 thìa cà phê nước tinh bột khoảng 15 phút. Xào nấm và cà chua, nêm nếm gia vị, thêm nước tùy lượng và đun sôi rồi cho thịt vào nấu cùng. Khi nước sôi lại, cho phần nước tinh bột vào. Nước sánh thì rót trứng đã đánh vào, dùng đũa khuấy nhẹ và thêm ít dầu mè, rắc tiêu lên rồi tắt bếp.

3. Canh gừng

Nguyên liệu: Gừng tươi giã nhỏ hoặc thái chỉ (10 – 20gr); nấm hương hoặc nấm rơm, nấm mỡ (10gr); gia vị (hành, muối…).

Cách nấu: Đun nước sôi, cho nấm + gừng nấu chừng 5 – 10 phút. Nhấc xuống nêm nếm gia vị. Ăn khi canh còn nóng, có thể mỗi bữa ăn một bát nhỏ khai vị. Dùng cho người bị cảm hàn với các triệu chứng như gai rét, sợ lạnh, chân tay lạnh, ho khan, ho có đờm trong, nhức đầu, đau mình mẩy, chảy nước mũi, ngạt mũi…

Lưu ý: Món ăn, bài thuốc này có tác dụng giải cảm hàn, chỉ khái (giảm ho), nâng cao miễn dịch…

4. Canh bầu

Nguyên liệu: Bầu (nửa trái); ngải cứu (50gr); tép bạc bỏ đầu đuôi (50gr) hoặc cá lóc (100gr); gia vịhành tím, đập giập; tiêu hạt đen.

Cách nấu: Bầu để vỏ, thái khoanh 3cm nướng vàng 2 mặt trên than hồng. Cho nước vào nồi, nấu sôi rồi cho tất cả nguyên liệu vào nấu chừng 10 phút, nhấc xuống nêm nếm gia vị. Ăn khi còn nóng 3 lần/ ngày, ăn liền 3 – 4 ngày. Tác dụng: món canh này giúp cơ thể hết nóng, giải độc, giải cảm….

5. Canh bí

Nguyên liệu: bí rợ vàng (150gr); nghêu thịt hoặc sò, chem chép (200gr). Có thể dùng thịt gà ác càng tốt. 5gr gừng già thái lát; gia vị (bột nêm, hành củ…).

Cách nấu: Bí rợ vàng gọt bỏ vỏ, bỏ hạt, thái miếng 3cm. Nấu trong 350ml cho sôi sau đó cho nguyên liệu vào. Ăn 2 lần trong ngày. Trị khó tiêu đầy hơi, khó thở, giúp xoa dịu thần kinh não, hết nhức đầu, dễ ngủ…

6. Canh mướp

Nguyên liệu: lá dâu tằm (150gr); lá sen non (5 lá); mướp hương (150gr); chùm bao non (10gr); gừng thái lát (5gr); gia vị

Cách nấu: Mướp hương để cả vỏ, nướng vàng. Nấu nước sôi, sau đó cho tất cả nguyên liệu vào nấu chừng 15 – 20 phút. Ăn 3 lần/ ngày. Tác dụng: chống thiếu máu, lọc máu, cổ họng ngứa gây khạc nhổ, tắt giọng…

7. Canh sườn non củ cải

Nguyên liệu: sườn heo non (300gr); củ cải trắng (1 củ); táo tàu (100gr); gia vị (hành, gừng…)

Cách nấu: Sườn heo chặt khúc nhỏ, rửa sạch. Đun nước sôi, cho sườn vào nấu chừng 20 phút và liên tục vớt bọt để nước trong và thơm hơn. Sau đó cho gừng, hành, táo tàu vào đun tiếp chừng nửa tiếng, tiếp tục cho củ cải trắng vào nấu thêm 20 phút nữa. Nhấc xuống, nêm nếm gia vị, ăn nóng. Tác dụng phòng và chữa viêm đường hô hấp.

Yeutre.vn (Tổng hợp)

Cách làm GÀ NẤU ĐẬU

Gà Nấu Đậu là món ăn được nhiều người ưa chuộng trong các bữa tiệc và cả trong bữa ăn thường ngày. Món này có thể ăn kèm bánh mì hoặc cơm nóng đều ngon. Bạn cũng có thể thay đậu trắng bằng đậu phộng, đậu hòa lan hoặc dùng kết hợp nhiều loại đậu.

Nguyên liệu:

  • Thịt gà: 4 lạng
  • Đậu hà lan/ đậu trắng hoặc đậu phộng: 1 lạng
  • Cà chua: 3 lạng
  • 1 củ cà rốt
  • 100g xốt cà chua
  • 1 thìa cà phê tỏi băm
  • 1 thìa cà phê hạt nêm
  • Dầu để chiên
  • Muối, tiêu, đường, ngò rí

Cách Làm:

1. Chuẩn bị
– Gà chặt miếng vừa ăn, ướp tỏi băm, hạt nêm, tiêu, đường
– Cà rốt gọt vỏ rửa sạch, cắt miếng vừa ăn. Cà chua băm nhuyễn.

2. Chế biến
– Cho dầu vào khoảng ½ chảo, đợi dầu nóng già, cho cà rốt vào chiên sơ. Vớt cà rốt ra, tiếp tục cho gà vào chiên vàng. Vớt gà ra để cho ráo dầu
– Phi thơm tỏi, xào cà chua, cho gà vào, nêm nếm vị vừa ăn. Thêm đậu trắng và nước vào nấu đến khi đậu mềm, sau đó cho cà rốt và xốt cà vào, nêm lại lần nữa. Tiếp tục nấu khoảng 15 phút cho cà rốt chín mềm. Nhắc xuống

3. Trình bày – Múc gà ra dĩa sâu, rắc tiêu, ngò.

mav010

 

Cách làm CÀ TÍM MỠ HÀNH

CÀ TÍM NƯỚNG MỠ HÀNH là món ăn dân dã với nguyên liệu rẻ tiền nhưng hương vị thì tuyệt hảo không chê  vào đâu được. Bạn có thể cho thêm vào món này một ít tôm hoặc thịt heo bằm để thêm hấp dẫn.


Nguyên liệu:

  • 3 trái cà tím
  • 1/4 muỗng cafe muối
  • 1/4 muỗng cafe tiêu
  • 1 muỗng cafe tỏi băm
  • 1 nắm hành lá, bỏ đầu, thái nhỏ.
  • Có thể cho thêm: 10 con tôm thái hạt lựu  hay 100gr thịt heo bằm (tùy ý)

Cách Làm:

– Cà tím mua về rửa sạch, đem nướng cho chín, khi nướng nhớ trở đi trở lại cho chín đều. Cà chín lấy ra lột vỏ, cắt khúc bỏ vô đĩa.

– Bắc chảo lên cho vào chút dầu ăn, dầu nóng cho hành lá, tỏi, tôm, muối và tiêu xào cho chín tôm, múc cho lên trên mặt đĩa cà.

Nước mắm:

Pha nước mắm chan gồm hỗn hợp sau:

  • 6 muỗng cafe nước và 2 muỗng cafe đường nấu sôi để nguội
  • 2 muỗng cafe nước mắm ngon
  • 1 muỗng cafe nước chanh
  • Tỏi băm và ớt tuỳ ý.

Khi ăn chan nước mắm vào đĩa cà, trộn đều. Ăn nóng với cơm rất ngon.

Bảo Tố

Cách làm GỎI KHỔ QUA TÔM THỊT

Khổ qua hay mướp đắng là món ăn ưa thích của nhiều người. Bên cạnh kết cấu giòn sần sật và vị đắng nhẵn kích thích khẩu vị nhiều người, khổ qua còn được biết đến như một vị thuốc bổ với công dụng giải nhiệt, chống viêm, phòng chống ung thư, tiểu đường…

Nguyên liệu:

  • Khổ qua: 2 quả
  • Hành tây: 1/2 củ, bổ ra nhiều múi nhỏ rồi gỡ ra thành từng miếng nhỏ, trộn với dấm và đường để bớt hăng.
  • Tôm tươi: 1 bát con, lột vỏ bỏ đầu rút chỉ đen, luộc chín.
  • Thịt heo luộc thái nhỏ: 1 bát con
  • Nước mắm trộn gỏi: 1/2 chén (hỗn hợp nước mắm + đường + dấm hoặc chanh, liều lượng bằng nhau, không pha nước – thêm 1 muỗng cafe tỏi băm và chút ớt băm vào- cuối cùng nhớ nêm nếm lại cho vừa chua cay ngọt mặn)
  • Đậu phộng rang, mè, rau quế, ớt trái.
  • Hành tím, tỏi, băm nhuyễn.

Cách làm:

– Bắc nồi nước sôi. Chuẩn bị một thau nước bỏ sẵn vài viên đá cho lạnh. Khổ qua rửa sạch, bỏ ruột, thái mỏng, trụng qua nước sôi đảo vài lượt rồi vớt ra trút vào thau nước đá. Bước này để khổ qua xanh và giòn. Lưu ý không trụng kỹ khiến khổ qua hết giòn.

– Sau đó vớt khổ qua ra rổ để cho ráo nước.

– Cho khổ qua vào tô cùng với hành tây, nước mắm trộn gỏi, tất cả trộn đều.

– Bày khổ qua trộn hành tây ra đĩa, trải thịt và tôm lên, rồi tới đậu phộng rang, mè, rau quế, ớt xắt lát nhỏ bỏ lên trên cùng. Sau đó vét nước trộn gỏi chan lên cho thấm vào hết dĩa gỏi.

– Ăn với cơm nóng.

Bảo Tố

Cách làm PHÁ LẤU BÒ

PHÁ LẤU BÒ là món ăn khá phổ biến ở Sài Gòn, nhưng không riêng gì dân Sài Gòn mà có lẽ ai đã từng ăn qua đều phải nhớ mãi hương vị tuyệt vời của món ăn vặt nổi tiếng này.

 
Nguyên liệu:

  • 200g bao tử bò
  • 200g khăn lông bò
  • 200g lá sách bò
  • 2 trái dừa xiêm
  • 1 củ gừng to
  • 1 củ nghệ
  • 1/2 thìa cà phê bột nghệ
  • 4 nhánh tai vị
  • 1 nhánh quế
  • 100g me vắt
  • Sả, tỏi, ớt bằm
  • Rau răm và bánh mì
  • Gia vị: Đường, muối, Hạt nêm

Thực hiện:

– Lòng bò lộn trái, rửa sạch. Vò lòng bò, khăn lông bò và lá sách bò với muối, sau đó rửa lại với nước lạnh rồi cho vào ngâm với nước, một ít rượu trắng và nửa củ gừng đập giập khoảng 20 phút. Vớt tất cả ra rửa lại lần nữa cho sạch.
– Dừa xiêm đập vỏ lấy nước. Me giằm lấy nước cốt.
– Cho tai vị và quế vào nồi rang nhẹ cho thơm. Cho nước dừa và lòng bò vào nấu chung. Nêm đường, muối, Hạt nêm , bột nghệ, củ nghệ và gừng vào nồi. Cho lòng bò, lá sách vào nồi, hầm cho mềm nhưng vẫn giữ độ giòn, khoảng 45 phút.
– Nước xốt me: Phi thơm sả, tỏi và ớt bằm, cho nước cốt me vào nấu sôi, nêm nếm cho có vị chua ngọt.
– Dọn lòng bò ra chén, cắt nhỏ, dùng với bánh mì hoặc dùng xiên tre ghim thành từng xâu. Chấm với nước xốt me. Ăn kèm rau răm cho thơm.