Ý NGHĨA MÂM NGŨ QUẢ CỦA BA MIỀN BẮC – TRUNG – NAM

Ngày Tết, trên bàn thờ gia tiên của người Việt không bao giờ thiếu mâm ngũ quả, trước là thờ cúng tổ tiên, sau là ước mong năm mới được an khang, thịnh vượng hơn năm trước.

Ý nghĩa từng loại quả

Mâm ngũ quả là mâm quả gồm 5 loại khác nhau, mỗi loại tượng trưng cho một ước nguyện của gia chủ, thông qua tên gọi và màu sắc. Ngoài ra, “ngũ” còn thể hiện ước muốn của người Việt đạt được ngũ phúc lâm môn: Phúc, quý, thọ, khang, ninh.

Tùy theo từng vùng miền với đặc trưng về khí hậu, sản vật và quan niệm riêng mà người ta chọn các loại quả khác nhau để bày mâm ngũ quả.

mav047
Mâm ngũ quả thể hiện ước mong năm mới được an khang thịnh vượng

Chuối: Tượng trưng cho con cháu sum vầy, quây quần, đầm ấm, hứng lấy may mắn, bao bọc và chở che.

Phật thủ: Bàn tay phật che chở cho cả gia đình.

Bưởi: Mong muốn an khang, thịnh vượng.

Quả lê hoặc dưa lê: Tượng trưng cho sự thành đạt, thăng tiến.

Cam, quýt: Tượng trưng cho sự thành đạt.

Lê: Vị ngọt thanh, ngụ ý việc gì cũng trơn tru, suôn sẻ.

Lựu: Nhiều hạt, tượng trưng cho con đàn cháu đống.

Đào: Thể hiện sự thăng tiến.

Táo: Phú quý, giàu sang.

Thanh long : Rồng mây hội tụ, thể hiện sự phát tài phát lộc.

Dưa hấu: Căng tròn, mát lành, hứa hẹn sự ngọt ngào, may mắn.

Quả trứng gà: Lộc trời cho.

Sung: Gắn với biểu tượng sung mãn, sức khỏe và tiền bạc.

Đu đủ: Thịnh vượng, đủ đầy.

Xoài (phát âm giống như “xài”): Cầu mong cho việc tiêu xài không thiếu thốn.

Mâm ngũ quả miền Bắc

Người miền Bắc bày mâm ngũ quả theo thuyết Ngũ hành trong văn hóa phương Đông là vạn vật dung hòa cùng trời đất. Vì thế, mâm ngũ quả cũng phải phối theo 5 màu: Kim màu trắng, Mộc màu xanh, Thủy màu đen, Hỏa màu đỏ, Thổ màu vàng. Cách bài trí, sắp xếp màu sắc từng loại quả xen kẽ với nhau để đẹp mắt, hợp phong thủy ngày Tết. Tuy không câu nệ nhiều hay ít, nhưng mọi người đều sắm đủ lễ, đủ loại, hoa quả phải thuận theo ý nghĩa để bày cúng.

mav046
Mâm ngũ quả ngày Tết của người miền Bắc

Mâm ngũ quả miền Bắc thường có 5 loại: Chuối, bưởi, đào, hồng, quýt. Cách trình bày truyền thống là: Chuối ở dưới cùng, đỡ lấy toàn bộ các loại quả khác. Chính giữa là quả bưởi hoặc phật thủ vàng. Các loại quả bày xung quanh. Những chỗ còn trống cài xen kẽ quýt vàng, táo xanh, hoặc những quả ớt chín đỏ.

Do hoa quả, trái cây ngày càng đa dạng nên mâm ngũ quả ngày càng phong phú hơn, người ta cũng không câu nệ cứng nhắc “ngũ quả” nữa mà có thể là bát, cửu, thập quả, thêm chùm nho mọng, thêm táo xanh, ớt đỏ, hồng xiêm… Dù bày biện nhiều loại quả hơn nhưng người ta vẫn gọi là “mâm ngũ quả”.

Mâm ngũ quả miền Trung

Khúc ruột miền Trung nghèo khó, đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt, ít hoa quả nên người dân nơi đây cũng không quá câu nệ hình thức, ý nghĩa mâm ngũ quả ngày Tết, chủ yếu là có gì cúng nấy, thành tâm dâng kính tổ tiên. Bởi thế, mâm ngũ quả mỗi nhà lại khác nhau, quả gì cũng được, miễn là tươi ngon.

mav045
Mâm ngũ quả ngày Tết của người miền Trung

Các loại quả thường thấy là: Thanh long, chuối, dưa hấu, mãng cầu, dứa, sung, cam, quýt…

Mâm ngũ quả miền Nam

Người miền Nam bày mâm ngũ quả theo mong muốn “Cầu sung vừa đủ xài” ước mong năm mới đủ đầy, sung túc, tương ứng với 5 loại quả: Mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài. Ngoài ra, còn có thêm quả thơm (dứa) với mong muốn con cháu đầy nhà và một cặp dưa hấu xanh vỏ đỏ lòng để cầu may mắn.


Mâm ngũ quả ngày Tết của người miền Nam

Mâm ngũ quả của người miền Nam thể hiện rõ tính bình dị, dân dã và hóm hỉnh. Mỗi người một cuộc sống và mong muốn khác nhau, biết là nào là “đủ”, nhưng ai cũng chỉ cần đủ mà thôi.

Người miền Nam kỵ cúng một số loại quả, vì theo phát âm tên gọi mang ý nghĩa không tốt, như:

Chuối: Chúi nhủi, làm ăn không phất lên được.

Lê, táo (bom): Lê lết, đổ bể, dễ thất bại.

Cam, quýt: Quýt làm cam chịu.

Mâm ngũ quả ngày Tết là nét văn hóa đặc trưng của người Việt, dù có khác nhau giữa các vùng miền nhưng trên hết đều thể hiện sự thành kính hướng về nguồn cội, tổ tiên và ước mong một năm mới an khang, hạnh phúc và đủ đầy.

Nguồn: VCA

Cách làm CHÂN GIÒ MUỐI

Chân giò muối là món ăn đặc sắc của miền Bắc, thường có mặt trên bàn cỗ dịp xuân về. Công thức sau đây tuy không phải là cách làm truyền thống, nhưng cũng sẽ mang lại cho bạn hương vị ngon tuyệt của món chân giò muối.

Nguyên liệu:

 

  • Chân giò rút xương
  • Muối tinh / muối trắng hột to
  • Gói gia vị Grill Mates – Hickory BBQ (tạo vị hun khói, có bán ở siêu thị)

 

Thực hiện:

 

Chân giò rút xương làm sạch, sau đó dùng chỉ hoặc dây lạt bó chặt thịt để miếng giò ôm chắc thành cục như ảnh.

 

Chuẩn bị lọ thủy tinh hoặc nhựa, tráng qua nước nóng cho sạch rồi nhét cục giò vào. Đổ thêm hỗn hợp gồm nước sôi để nguội + nửa gói muối tinh + nửa chai Hickory BBQ. Ngâm (và đè) sao cho thịt chìm hẳn trong nước, đậy kín nắp lọ bỏ trong ngăn mát tủ lạnh 1 ngày. Lấy thịt ra ngoài.

Pha một hỗn hợp nước mới, phân lượng giống như nước cũ. Đun sôi nước này cho thịt vào nấu chín với lửa nhỏ, khoảng 1 giờ thịt chín kỹ rồi thì vớt ra ngoài. Để nguội.

Bắc chảo cho vào ít dầu, cho thịt vào chiên sơ cho vàng bì (bước này có thể bỏ qua). Để thịt nguội hẳn rồi cho vào ngăn đá tủ lạnh cho thịt chắc. Khi ăn thì thái lát nhỏ, ăn kèm dưa góp rất ngon.

mav038

mav036

Theo công thức của Mẹ bé Mun 

BÍ QUYẾT LÀM NGON MỘT SỐ MÓN ĂN TRUYỀN THỐNG NGÀY TẾT

Bạn đã từng thử làm các món ăn ngày Tết, và đã từng thất vọng vì thành phẩm không được như mong đợi? Thịt đông quá nát, kiệu quá nhừ hay giò thủ bở rạc là những tai nạn thường  xảy ra đối với những người chưa quen làm những món tưởng chừng đơn giản này. Để hạn chế việc phải đổ bỏ những món ăn tâm huyết, hãy thử xem qua những bí quyết sau đây:

Bí quyết làm kiệu ngâm giòn thơm

Loại kiệu Huế, làm lâu nhưng lại giòn và ngon hơn kiệu trâu. Kiệu Huế có phần thân kiệu nở, thắt eo rõ rệt và đuôi kiệu mảnh. Kiệu trâu có thân hình dài dần, đuôi kiệu to không có nút thắt eo như kiệu Huế. Khi cắt chân kiệu, tuyệt đối không để phạm vào thịt kiệu vì như thế kiệu sẽ bị hư úng.

Muốn món kiệu giòn và để được lâu, khi đã làm kiệu sạch sẽ, cắt chân gọn gàng, bạn cho đường vào trộn sao cho đường thấm kiệu. Khi đó, món kiệu chua của bạn sẽ rất giòn và để lâu không bị chua hay hóa rượu.

Bí quyết muối dưa cải ngon 

Phơi cải qua một nắng cho cải rầu đi thì khi muối sẽ giòn hơn. Dưa cải luôn phải có hành thì mới thơm, dưa vàng và không bị khú. Muối phải canh vừa đủ, luôn thăm chừng nêu thấy dưa bị khú hoặc nổi váng trắng thì thêm muối kịp thời và chẻ thêm đầu hành trắng vào để chữa.

Cách làm dưa góp ngon cho ngày Tết

 

Muốn làm dưa món giòn, ngon trắng và không phải sử dụng đến hàn the, bạn nên mua vật kiệu trước một ngày và chọn thời điểm có nắng gắt để phơi thì dưa sẽ trắng giòn không bị thâm. Không phơi dưa món quá kỹ vì khi ngâm dễ bị dai. Tuy nhiên, phơi dưa vừa đủ nắng thì chỉ nên ngâm ít một và dùng ngay, để lâu sẽ bị chua hoặc hóa rượu.

Làm thịt đông ngon, đẹp

 

Thịt đông nếu nấu đúng cách thì không phải bỏ vào tủ lạnh mới đông. Ngay cả ở miền Nam, thời tiết se lạnh, món thịt đông đã đông cứng. Muốn như thế phải đảm bảo đủ lượng bì trong thịt (khoảng 1/3 so với thịt). Nấu cho bì nhừ ra nhựa thì sẽ tạo phần thạch trong thịt đông và thịt sẽ có độ kết dính tốt. Nấu thịt đông mà thêm một phần thịt gà thì cũng dễ đông hơn.

Có thể thấy rõ khi luộc thịt gà, nước từ thịt gà luộc ra để ngoài trời cũng tự đông lại tương tự thịt đông. Thịt đông khi nấu phải để lửa vừa và thời gian nấu phải dài để thịt ra nhựa , đồng thời nước thịt khi đông lại sẽ trong chứ không đục. Khi luộc thịt xong lần đầu không tận dụng nước luộc thịt đó để nấu thịt đông, vì như thế thịt sẽ không trong. Khi nấu nhớ vớt bọt liên tục, nước thịt đông sẽ trong hơn.

Thịt kho tàu mỡ trong, nhừ mà chắc

 

Muốn cho thịt mỡ trong, nhừ mà không nát thì ngay sau khi rửa thịt ể ráo, bạn ướp thịt với đường, xóc cho đều để khoáng 20 phút – 30 phút rồi mới ướp nước mắm và các gia vị khác. Ướp đường trước như thế phần thịt nạc sẽ luôn có màu hồng đẹp mắt, dù có hâm tới, hâm lùi hiều lần, thịt cũng không bị đen. Phần thịt mỡ sẽ trong, nhừ mà vẫn không bị nát, khi ăn sẽ tan ra trong miệng ăn rất ngon.

Tuyệt đối không cho nước màu khi nấu món này. Cũng không dùng nước để hầm thịt mà phải dùng nước dừa tươi, khi kho nước dừa sẽ tạo nước vàng rất đẹp. Còn trứng thì rửa thật sạch, luộc rồi bỏ cả vỏ cho vào nồi kho cùng với thịt, ăn tới đâu lột bỏ vỏ tới đó, lòng trắng không bị cứng và đen vì hâm nhiều lần mà trứng vẫn thấm rất ngon.

Gìo chả chắc mịn, thơm ngon

Làm giò thủ thì khi đổ khuôn, bạn phải ép thật kỹ cho thịt sát vào nhau không có khoảng trống và ra hết mỡ. Nếu không có khuôn, bạn có thể dùng các vật dùng có sẵn trong nhà như lon nhựa đựng nước suối cũ.

Một cách rất hay là bạn dùng cặp lồng, đặt hai sợi ni -lon hoặc sợi lạt đan chéo dưới đáy, lót lá r

ong hoặc lá chuối lên rồi xúc giò nóng đổ vào. Ép thật chặt, buộc 4 sợi dây lạt lại, để nguội rồi cho vào tủ lạnh. Khi cần ăn thì nắm lấy đầu sợi lạt còn dư tút lên, xắt ra sẽ đẹp như có khuôn.

 

Thúy Anh

(nguồn: Suckhoegiadinh)

Cách làm các loại DƯA MUỐI ăn ngày TẾT

Sự đa dạng, khác biệt về mâm cỗ Tết ba miền còn thể hiện qua món dưa ăn giải ngấy cho bánh chưng, bánh Tét. Trong khi miền Bắc có dưa hành chua thanh nhẹ, thì miền Trung và miền Nam có dưa kiệu, dưa món mặn ngọt. Bài viết sau đây sẽ tổng hợp cách chế biến của 4 loại dưa góp ngon lành và phổ biến trong ngày Tết Việt Nam.

1. DƯA HÀNH (phổ biến ở miền Bắc)

Nguyên liệu:

– 2 kg hành củ

– nửa chén giấm

– nửa chén đường

– 1/4 chén muối

Thực hiện: 

Cho 1 chén muối vào thau nước, bỏ vào một cục phèn chua, khuấy đều. Cho hành nguyên cả vỏ vào thau, ngâm. Sau một tiếng đồng hồ vớt cục phèn chua ra. Đậy kín thau và ngâm hành trong 2 ngày. Sau hai ngày thì làm sạch hành: gọt bỏ vỏ, rửa sạch, để ráo nước.

Trong khi đó thì làm nước trộn.

Cho giấm, đường, muối, nước vào một cái nồi (chừng nửa nồi nước). Đặt nó trên bếp lửa và khuấy tan. Chừng nào hỗn hợp sôi thì nhắc xuống, để nguội.

Cho củ hành vào keo. Rồi đổ hỗn hợp (nước đường muối) đó vào ngập củ hành. Lấy miếng ni-lông sạch (hay cái chén nhỏ) ấn trên mặt củ hành cho nó chìm xuống nước. Đậy kín keo hành.

Sau 10 ngày là ăn được.

2. DƯA KIỆU (phổ biến ở miền Trung và miền Nam)

Nguyên liệu:

– 1 kg kiệu Huế làm sạch (có loại làm sẵn bán ở chợ)

– nửa kg đường

– cục phèn chua (bằng 1 lóng tay)

– 1 muỗng cà phê muối

– một củ tỏi lột vỏ

Thực hiện: 

Kiệu rửa sạch rồi ngâm vào nước với cục phèn và 1 bụm tay muối. Chừng một tiếng, vớt cục phèn ra. Đem thau kiệu có nước này phơi nắng 1 ngày.

Sau đó sả sạch, rải kiệu trên mâm và phơi nắng 1 ngày.

Đem kiệu ướp đường và 1 muỗng cà phê muối với tỏi lột.

Ướp 2 tiếng rồi cho vào keo và đổ giấm vào.

Sau 10 ngày ăn được. Có thể ăn dần suốt năm mà không hư.

3. DƯA MÓN (phổ biến ở miền Trung và miền Nam, nhất là miền Trung)

Nguyên liệu: 

– 300g kiệu, 50g ớt hiểm, 2 củ cà rốt, 2 củ cải trắng, 4 trái dưa leo, 2 củ su hào, nửa trái thơm, 2 chén nước mắm, 4 chén đường

Thực hiện: 

– Kiệu cắt bỏ lá, ngâm nước tro để qua đêm, phơi khô cắt rễ, bóc sạch vỏ. Rửa lại bằng nước muối sau đó phơi khô lần nữa.

– Cà rốt, củ cải trắng, su hào gọt sạch vỏ, thơm thái lát mỏng, xóc muối để 30 phút, rửa sạch lại phơi khô.

– Cho đường và nước lạnh vào nước mắm, sao cho ngọt, mặn vừa phải rồi bắc lên bếp để lửa nhỏ, khuấy đều. Khi đường vừa tan nhắc xuống, tiếp tục khuấy đến khi hỗn hợp nguội hẳn.

– Xếp kiệu, ớt, cà rốt, củ cải trắng, su hào, dưa leo, thơm vào keo, rót nước mắm đường vào ngập nguyên liệu. Ngâm khoảng một ngày là dùng được. Nếu muốn để lâu thì bỏ trong tủ lạnh ăn dần  Ăn kèm với bánh chưng, bánh tét rất ngon

 

4. DƯA GIÁ (phổ biến ở miền Nam, thường ăn với thịt kho tàu)

Nguyên liệu:

– 1 kg giá cọng mập ngắn.

– vài cọng hẹ (tuỳ ý) cắt khúc bằng cọng giá

– 1 củ cà rốt, xắt sợi ngắn bằng cọng giá

– chừng một đốt ngón tay củ gừng, xắt sợi (không giã nát vì nó sẽ làm đục nước).

– chút xíu phèn chua (chừng 1 đốt ngón tay út)

– 1 muỗng cà phê muối

– 3 muỗng cà phê đường

– một chén nước dưa kiệu và một ít củ kiệu chẻ nhỏ. (Nếu không có thì thay thế bằng nửa chén giấm).

Thực hiện: 

Giá rửa sạch, nhặt bỏ các vỏ đậu xanh còn bám vào giá. Cho cục phèn vào thau nước và khuấy tan, rồi ngâm giá và cà rốt xắt sợi vào. Chừng 15 phút, vớt ra rổ cho ráo nước. Đổ nước sạch (không cần nấu chín) vào trong thau, cho muối vào đường vào, khuấy tan. Rồi cho giá, cà rốt, gừng, hẹ, nước dưa kiệu và một ít củ kiệu chẻ nhỏ vào trong thau, sâm sấp mặt nước.

Nếu thiếu nước thì đổ thêm nước sạch vào. Lấy cái dĩa bàn đè trên mặt giá cho nó chìm xuống nước. Đậy kín thau, hôm sau là ăn được.

(Có thể dùng cái keo lớn để chứa, thay vì thau. Nhưng trên mặt giá thì lấy cái dĩa nhỏ hơn miệng keo dằn xuống giá xuống. Cũng có thể lấy miếng nhựa sạch dằn nó xuống.)

(tổng hợp)

Cách làm một số món ăn Tết miền Bắc

Cùng tìm hiểu cách làm các món canh măng, thịt đông, canh bóng thả… để biết thêm những hương vị Tết truyền thống của miền Bắc nhé!

Người miền Bắc gọi bữa ăn Tết là bữa cỗ. Vì không chỉ để ăn, những món ăn này còn dùng dâng cúng tổ tiên, ông bà… chính vì thế các món ăn trong ngày này thường là những món ngon được trình bày đẹp đẽ, trang trọng, các nguyên liệu phù hợp phối hợp với nhau hài hòa theo quan niệm cổ xưa, ít khi có sự phá cách, biến chất.

mav023

Mâm cỗ Tết của miền Bắc thường gồm 4 bát + 8 đĩa. Mỗi bát, đĩa là một món ăn. Trong đó, bát là những món ăn nóng, gồm măng hầm, bóng nấu, mực nấu, nấm thả; còn đĩa thường là những món ăn nguội, gồm: xôi gấc, nộm xu hào, thịt đông, bánh chưng, dưa hành, thịt gà, giò lụa và giò thủ.

Dưới đây, chuyên gia ẩm thực Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân cung cấp cho bạn đọc Thanh Niên Online cách chế biến một số món trong mâm cỗ Tết miền Bắc:

1. Món chân giò ninh măng

Nguyên liệu làm món măng ninh chân giò:

  • Giò heo 1kg (chân trước)
  • Măng khô 0.5kg,
  • Hành khô 0.2kg,
  • Hành tươi 0.3kg,
  • Nước mắm, muối, tiêu, mì chính.

Thực hiện:

Xem CÁCH LÀM CHÂN GIÒ HẦM MĂNG

2. Canh bóng thả (bóng nấu)
Nguyên liệu làm canh bóng thả:+ 100g thịt nạc
+ 50g bóng (da heo khô)
+ 1 củ su hào, 1 củ cà rốt, 5 trái đậu hòa lan, 10 tai nấm hương, 1 củ hành tây nhò, 1 ít ngò
+ Nước mắm, muối, đường, rượu trắng
+ Nước dùng gà hay heo

Thực hiện:

+ Bóng ngâm mềm, rửa bằng rượu trắng pha loãng, xả lại nước lạnh cho sạch, bóp nhẹ cho ráo nước, cắt hình quả trám (hình thoi)

+ Su hào, cà rốt tỉa hoa, cắt miếng dày khoảng 0,5cm.

+ Nấm hương ngâm nở mềm cắt bỏ chân nấm

+ Đậu hòa lan tước sơ hai bên

+ Thịt nạc luộc chín, cắt miếng mỏng

+ Cho cà rốt, su hào nấm hương vào nồi nước dùng, nêm gia vị vừa ăn, nấu đến khi chín, vớt ra tô (phần này còn gọi là chân tẩy)

+ Cho bóng vào nồi nấu đến khi nước dùng sôi

+ Cho các loại quả củ vào nấu cùng với bóng, chín vớt ra tô (trên phần chân tẩy)

+ Xếp thịt lên trên, rắc ngò, hành tây và chan nước dùng thật nóng.

3. Mực nấu

Nguyên liệu:

– Phần chân tẩy cũng tương tự món bóng nấu.

– Các nguyên liệu khác: 200g mực khô, 2 quả trứng gà, 50g giò lụa, 200g tôm tươi.

Thực hiện:

+ Mực khô ngâm mềm, rửa sạch, để ráo, cắt chỉ, xào giòn

+ Trứng gà tráng mỏng, cắt chỉ

+ Giò lụa cắt chỉ

+ Tôm hấp chín, lột vỏ, xé nhỏ

+ Su hào, cà rốt mỗi thứ một ít, cắt chỉ, xào chín.

Các thứ này bày lên trên phần chân tẩy; khi ăn chan nước dùng nóng.

4. Thịt nấu đông

Nguyên liệu:

  • Giò: 1kg
  • Nấm mèo: 25g
  • Nấm đông cô (nấm hương): 25g
  • Hành củ, tiêu
  • Cà rốt, ngò (1 ít để trang trí, cái này tùy chọn không quan trọng)

Thực hiện:

5. Dưa hành:

cach muoi dua hanh ngon don tet banh chung ngon mav

Dưa hành hay Hành muối là món ăn Tết nổi tiếng trong câu: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”… Dưa hành vị thanh, chua dịu, hăng nhẹ để ăn với bánh chưng, rất phổ biến ở miền Bắc, trong khi ở miền Nam thì món này biến thể thành dưa món, dưa kiệu có vị ngọt hơn. Cách làm Dưa hành rất đơn giản.

Nguyên liệu:

  • HÀNH củ: 1kg
  • Muối: 70g
  • Đường: 1 muỗng canh
  • Dấm, rượu, nước, 1 mẩu củ gừng cạo vỏ, đập dập (không thích vị gừng thì khỏi bỏ)

Cách làm DƯA HÀNH http://mav.vn/cach-lam-dua-hanh/

TỔNG HỢP

7 MÓN KHÔNG THỂ THIẾU TRONG NGÀY TẾT Ở MIỀN NAM

Nam bộ là đất mới, nền ẩm thực Nam bộ được hình thành nhờ sự du nhập, pha trộn. Trải qua nhiều năm tháng, bên cạnh những tập tục đã quen thuộc khắp ba miền, nam bộ cũng nảy sinh những tập quán ẩm thực riêng, điều đó thể hiện rõ qua các món ăn ngày Tết.

Thịt kho nước dừa

Món ăn Tết truyền thống nổi tiếng nhất của dân miền Nam có lẽ là thịt kho nước dừa, hay còn gọi là thịt kho riệu, thịt kho hột vịt. Ngày giáp Tết, ngoài việc nấu bánh tét, các gia đình nam bộ còn hay chuẩn bị một nồi to để nấu món thịt kho này. Thịt kho hột vịt trông rất hấp dẫn, ăn ngon miệng, để cho khỏi ngấy, món này thường ăn kèm dưa giá.

Xem CÁCH LÀM THỊT KHO NƯỚC DỪA

Dưa món

Trong khi miền Bắc là dưa hành, thì miền Nam với miền Trung ưa chuộng dưa món như một món dưa góp ăn kèm ngày Tết. Dưa món có thành phần là các loại củ quả (cà rốt, củ cải, su hào, đu đủ…) được muối mặn ngọt trong nước mắm đường qua nhiều ngày. Khi ăn, dưa món thường dùng kèm bánh chưng, các món có thịt để giảm ngấy.

Xem: CÁCH LÀM DƯA MÓN

Củ kiệu tôm khô

Miền Nam cũng chuộng củ kiệu như miền Trung, nhưng đặc biệt củ kiệu ở miền Nam không ăn với bánh tét, mà thường ăn kèm tôm khô thành một món riêng. Củ kiệu được ngâm chua ngọt, khi ăn kèm tôm khô, rắc thêm miếng đường cát, món ăn có đủ vị giòn, dai, mặn, ngọt, hăng, nhâm nhi vừa ngon lành thú vị.

Xem: CÁCH LÀM DƯA KIỆU

Bánh tét

Bánh tét lá cẩm (Cần Thơ)

Bánh tét Trà Cuôn (Trà Vinh)

Trong khi bánh tét ở miền Trung chuộng sự giản dị, chỉ khác bánh chưng truyền thống về hình dáng, thì bánh tét ở miền Nam đã được “cải tiến” rất nhiều. Bánh tét miền Nam có hai loại chính là bánh tét nhân mặn và nhân ngọt. Nhân mặn ngoài loại có đậu và thịt mỡ truyền thống, nhiều nhà gói bánh tét còn có trứng muối, lạp xưởng…cho nhiều khẩu vị khác nhau. Trong khi đó bánh tét nhân ngọt phổ biến với nhân chuối, đậu đỏ, đậu xanh… Bánh Tét miền Nam, nhất là miền Tây nam bộ trông rất bắt mắt, ngoài cách gói vuông vức, chắc đẹp, nếp nấu bánh còn được nhuộm màu rau ngót, lá cẩm để tạo nên màu sắc nổi bật và hấp dẫn. Một địa phương nổi tiếng với món bánh tét thập cẩm rất đẹp và ngon miệng là Trà Vinh với Bánh tét Trà Cuôn.

Canh khổ qua nhồi thịt

Đây là món ăn thường ngày trong mỗi gia đình miền Nam, và cũng được dùng trong những ngày Tết với ý nghĩa giúp đẩy những điều “khổ” đi “qua”. Đây cũng là món ăn giải nhiệt bổ dưỡng cho cơ thể trong những ngày Tết, khi trời miền Nam bắt đầu nắng nóng.

Xem: CÁCH LÀM CANH KHỔ QUA NHỒI THỊT

Lạp xưởng

Lạp xưởng là món ăn rất phổ biến ở miền Nam. Vào dịp Tết, tìm mua lạp xưởng ngon để ăn và đãi khách là nhu cầu không thể thiếu của bà con Nam bộ. Lạp xưởng trong Nam có nhiều loại: lạp xưởng tươi, lạp xưởng khô, lạp xưởng nạc, lạp xưởng tôm, lạp xưởng cá… nhiều địa phương miền Tây nổi danh với món lạp xưởng như Sóc Trăng, Cần Giuộc (Long An), An Giang… Lạp xưởng có thể luộc, chiên, nướng trước khi ăn. Cách được nhiều người ưa chuộng là chiên bằng nước (không dùng dầu), vừa ngon vừa an toàn cho sức khỏe.

Xem: CÁCH LÀM LẠP XƯỞNG

Dưa giá

Dưa giá là món dưa muối rất được ưa thích vì tính mát, vị giòn ngon của nó. Dưa giá ăn với cơm, cuốn bánh tráng nhưng thích hợp nhất vẫn là ăn kèm thịt kho hột vịt trong mấy ngày Tết vì tác dụng giải ngấy rất hiệu nghiệm. Thành phần trong món dưa giá gồm giá, hẹ, cà rốt, rất bổ dưỡng cho cơ thể. Món này có thể muối xổi hoặc muối kỹ.

Xem: CÁCH LÀM DƯA GIÁ

Bé Thúi.

Cách làm MỨT BÍ ĐAO

Mứt bí đao là món mứt khá đắt khách trong dịp Tết, nhờ vào vị ngọt thanh và kết cấu giòn giòn xốp xốp của nó. Công thức sau đây sẽ giúp bạn làm món mứt này một cách đơn giản.

Nguyên liệu:

– Bí đao: 1kg, chọn quả già (bí giàn)
– 500g đường cát trắng
– 5g vôi tôi
– 15g phèn chua
– 1 muỗng cafe nước hoa bưởi (hoặc nước cốt chanh).

Cách làm:

Bước 1:

– Bí đao gọt vỏ, bỏ ruột, thái miếng nhỏ vừa ăn.

mav170

Bước 2:

– Vôi trắng hòa với nước lạnh, để khoảng 15 phút cho lắng bột xuống, chắt lấy phần nước vôi trong ở trên (đổ bỏ cặn). Sau đó cho bí vào ngâm trong nước vôi trong khoảng 4-5 tiếng (nước vôi ngập mặt bí).  Sau đó rửa lại nhiều lần cho sạch vôi. Để ráo.

mav169

Bước 3:

– Lấy 2 lít nước pha với 15g phèn chua, nấu sôi hỗn hợp này cho phèn tan hết. Tắt bếp, trút bí vào, đậy nắp lại chừng 3 phút (đừng để lâu), cho bí lên màu trong. Sau đó lại vớt bí ra ngoài, rửa xả bằng nước lạnh cho hết phèn. Để ráo.

mav168

Bước 4:

– Trút 500g đường cát vào bí, trộn nhẹ cho đường bám đều, sau đó ướp khoảng 5-6 tiếng cho đường chảy thành  sirup bám vào bí.

Bước 5:

mav167

– Bắc chảo lên bếp, cho bí đã ngâm đường vào chảo, vặn lửa lớn đun sôi rồi nhỏ lửa liu riu sên bí cho tới khi nào đường cạn. Khi đường sắp cạn queo thì rắc vani và nước hoa bưởi (hoặc nước cốt chanh) vào, trộn nhè nhẹ cho tới khi đường kết tinh thành bột trắng bám vào bí thì ngưng, tắt lửa.

Bước 8:

mav166

– Trút bí ra tờ báo hoặc cái vỉ, phênh, phơi gió để hong mứt bí cho khô hẳn thì mới  cho vào lọ bảo quản.  Lưu ý khi phơi nên tránh ruồi muỗi.

 Cún Khang (VNexpress)

Bảo Tố

10 loại mứt Tết bổ dưỡng, chữa được bệnh

Tết đến không nhà nào là không có một hộp mứt đủ loại. Bên cạnh việc làm thức ăn chơi, những món mứt này còn có thể là vị thuốc hiệu quả nếu sử dụng đúng cách.

Mứt là món ăn truyền thống của nhân dân ta, nhất là trong dịp Tết. Có bao nhiêu loại hoa củ quả thì có bấy nhiêu loại mứt. Mứt không chỉ là món ăn ngon bổ, biết sử dụng còn là vị thuốc chữa bệnh hiệu quả. Sau đây xin giới thiệu 10 món mứt không chỉ bổ dưỡng còn giàu dược tính phòng trị bệnh.

Mứt gừng: Vị ngọt cay tính ấm. Tác dụng tán hàn giải biểu, ôn trung, lợi thuỷ, tiêu đàm. Mứt gừng ăn rất tốt với những người tỳ vị hư hàn, đau bụng, đầy bụng, buồn nôn, tiêu chảy, cảm ho đàm nghẹt mũi sổ mũi, phong thấp nhức mỏi. Tuy nhiên, hạn chế với người nóng nhiệt, phụ nữ có thai.

Mứt cà rốt: Vị ngọt tính bình. Tác dụng bổ khí, huyết, ích can thận. Chữa trị chứng rối loạn tiêu hoá, tiêu chảy kiết lỵ, phổi yếu ho hen, thấp khớp nhức mỏi, các bệnh về mắt.

Mứt tắc (quất): Vị ngọt cay tính ấm. Tác dụng kiện tỳ vị, hoá đàm, thông phế, giảm ho, ăn rất thích hợp người đang bị ho đàm, đầy bụng, buồn nôn.

Mứt hồng: Vị ngọt chát, tính bình. Tác dụng bổ tỳ thận, nhuận phế, tiêu đờm, ăn rất tốt với những người bị khô miệng, khát nước, đau họng, nhức đầu chóng mặt, ho đàm, thận yếu, tiểu nhiều, tiêu hoá kém, buồn nôn.

Mứt sen: Vị ngọt, tính bình. Tác dụng bổi tâm tỳ, ích thận, dễ ngủ. Chữa trị tỳ vị hư ăn ngủ kém, nhất là trẻ em tiêu hoá kém tiêu chảy, nam giới bị di mộng tinh.

Mứt me: Vị ngọt chua, tính mát. Tác dụng thanh nhiệt, mát gan, lợi mật, giải khát. Chữa trị chứng táo bón, tiểu buốt tiểu gắt, phụ nữ có thai nôn oẹ. Me rất giàu vitamin C, ăn rất tốt người nóng nhiệt.

Mứt dừa: Vị ngọt bùi, bổ béo, tính bình, dừa có chứa nhiều enzym, ăn có lợi cho tiêu hóa. Chữa trị viêm loét dạ dầy, ruột, tuy nhiên hạn chế với người có nguy cơ bị bệnh tim mạch huyết áp cao, người mập phì.

Mứt khoai lang: Vị ngọt tính bình. Tác dụng bổ tỳ, ích thận, nhuận tràng, tiêu viêm, lợi gan mật, sáng mắt… ăn rất thích hợp cho người táo bón, trĩ, tiêu khát, trẻ em cam tích và người táo bón, loãng xương…

Mứt cà chua: Vị ngọt, hơi chua tính mát. Tác dụng dưỡng âm, mát huyết, thanh nhiệt. Chữa trị nóng nhiệt, miệng khô khát, hoa mắt chóng mặt, táo bón, huyết áp cao. Tuy nhiên, tỳ vị hàn hoặc người đang bị tiêu chảy không nên dùng.

Mứt bí: Vị ngọt, tính mát. Tác dụng thanh phế mát vị, sinh tân, hoá đàm, lợi đại tiểu tiện. Chữa trị nóng ruột, phiền khát, ho viêm họng, táo bón, mụn nhọt, rôm sẩy, khô sần da, huyết áp cao.

Theo Kienthuc

CÁCH BẢO QUẢN CÁC MÓN ĂN NGÀY TẾT

Ngày Tết gia đình nào cũng trữ nhiều thức ăn hơn ngày thường, điều đó có thể khiến tủ lạnh quá tải. Lúc này bạn cần đến những phương pháp bảo quản khác để đảm bảo hương vị và chất lượng của các món ăn ngon này.

Bánh chưng

Sau khi luộc xong, vớt bánh ra rửa sạch lá trong nước lạnh cho hết nhựa, để ráo. Xếp bánh thành nhiều lớp, dùng vật nặng đè lên để ép bánh cho ra nước, chắc mịn (để cho rền bánh) và phẳng đều trong vài giờ. Hoàn tất công đoạn ép bánh, bánh được treo lên chỗ khô ráo trong nhà để bảo quản hoặc để bánh ở nơi thoáng mát, không bụi bặm, ẩm thấp để tránh bị mốc và ôi thiu.

Bánh tét

Khi bánh tét mới vớt ra còn nóng thì nên treo bánh nơi thoáng mát, chờ cho bánh nguội. Tránh để bánh trong túi nilon, trong tủ kín vì như thế bánh sẽ bị hầm hơi, mau hỏng. Thời gian sử dụng bánh tét trong vòng 2-3 ngày. Nếu muốn để lâu hơn thì cho bánh vào tủ lạnh, lúc nào ăn đem bánh ra hấp lại. Bánh tét có thể ăn kèm thịt kho, củ kiệu hoặc đem bánh tét chiên giòn lên ăn cũng rất ngon.

Lạp xưởng

Để có thể giữ được lâu hãy lấy một cái hộp lớn, đặt vào giữa một cốc rượu trắng rồi xếp lạp xưởng xung quanh. Hương rượu tỏa ra sẽ ngăn ruồi, muỗi, kiến rất hiệu quả. Nhờ đó lạp xưởng trong và sau Tết vẫn rất thơm ngon.

Các loại mứt

Các loại mứt và trái cây khô thường chứa nhiều đường nên rất dễ chảy nước, làm mất ngon và dễ bị mốc. Muốn bảo quản được lâu, cần để vào lọ đậy kín, ăn đến đâu lấy đến đó, không nên dồn những đồ ăn chưa hết vào trở lại lọ. Những thực phẩm này cũng không nên cất vào tủ lạnh vì khi bỏ ra ngoài rất dễ hút ẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho nấm mốc phát triển.

Dưa hành, củ kiệu

Khi cắt gốc hành, củ kiệu nhớ không cắt vào phần củ. Sau khi rửa để củ thật ráo nước, nếu không sẽ dễ bị hỏng. Đun sôi thật kỹ nước ngâm. Lượng muối vừa đủ, không quá nhạt thì sẽ để được lâu và không nổi váng trên bề mặt. Có thể mang cả vại dưa hành ra phơi nắng, dưa sẽ giòn và bảo quản được lâu hơn.

Giò chả

Để bảo quản cần bỏ hết lớp vỏ gói bên ngoài, tránh để thức ăn đổ mồ hôi. Nên đậy bằng rổ có nhiều lỗ thoáng nhỏ, nhưng tránh hơi gió. Tốt nhất nên dùng giò chả trong vòng 2 ngày, nếu chưa ăn kịp nên luộc lại.

Thịt kho, cá kho

Nấu thật kỹ, khi nhấc xuống bếp cần để ở một nơi cố định, tránh lắc mạnh. Có thể cho vào nồi nước khác lớn hơn, mức nước cách miệng nồi thịt/cá kho khoảng 10 – 15 cm để tránh nước tràn vào, đậy bằng vung đất nung. Nước trong nồi lớn sẽ bốc hơi lên vung, làm tỏa hơi mát xuống nồi thức ăn bên dưới.

Măng khô

Nếu muốn để lâu, cho măng vào nồi nước đun sôi khoảng 30 phút, để lửa nhỏ, đung tiếp một lát rồi vớt ra, cắt bỏ những chỗ già, rửa sạch. Dùng nước gạo hoặc nước đun sôi để nguội ngâm dùng dần. Cứ 2-3 ngày thay nước một lần. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, chỉ nên ngầm từng ít một, ăn trong 2-3 ngày, hết lại nấu tiếp để dùng.

* Lưu ý

Còn các đồ ăn để trong tủ lạnh bạn nên để thức ăn nguội hẳn, đậy kín rồi mới cất vào. Việc bảo quản kín sẽ giúp thức ăn không bị khô, không bốc mùi và lây nhiễm vi sinh vật sang các món ăn khác. Khi để nhiều thức ăn trong tủ lạnh cần tăng độ lạnh, nếu không đủ độ lạnh thức ăn sẽ nhanh bị ôi thiu. Tránh để thức ăn chín gần thức ăn tươi sống, hạn chế nguy cơ ngộ độc thực phẩm trong ngày Tết.

Tuy nhiên tốt nhất không nên tích trữ quá nhiều thực phẩm trong những ngày Tết làm thức ăn kém ngon, dễ hỏng gây lãng phí và ảnh hưởng đến sức khỏe.

Mimi (ngoisao.net) tổng hợp

Nguồn: http://ngoisao.net/tin-tuc/thu-gian/an-choi/cach-bao-quan-cac-mon-an-ngay-tet-3146172.html

9 món ăn ngày Tết của miền Trung

Bánh tổ, bánh nổ, bánh lăn, thịt ngâm mắm… là những món ăn mà mỗi người dân miền Trung xa quê đều rất nhớ vào dịp Tết đến.

Bánh lăn

mav149

Bánh lăn là món bánh không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên của nhiều gia đình miền Trung. Bánh lăn làm từ nếp, các loại rau quả như cà chua, cà rốt, quất, dứa, gừng, chuối… Tất cả được chế biến và nén lại thành khối trụ tròn, dài. Khi ăn, bánh được cắt ra thành miếng tròn. Bánh lăn rẻ tiền, dân dã, nhưng là một hương vị không thể quên được đối với ai đã trải qua ngày xuân xứ Quảng.

Bánh tổ

Nhắc đến những món bánh Tết “bắt buột” phải có trên bàn thờ tổ tiên của người dân xứ Quảng, không thể bỏ qua bánh Tổ. Bánh Tổ có từ khoảng thế kỉ 16-17 và tồn tại đến ngày nay như một phần không thể thiếu của tập quán ẩm thực Quảng Nam. Bánh tổ có nguyên liệu đơn giản: chỉ gồm nếp và đường, chút gừng tươi tăng hương vị. Bánh có vị ngọt dịu, thơm nếp, có thể ăn ngay khi cắt ra hay chiên lên. Đặc biệt bánh để lâu cho cứng, mốc, cạo lớp mốc đi chiên lên ăn thì rất tuyệt hảo.

Bánh tét

mav147

Nếu như miền Bắc có bánh chưng, thì miền Trung và miền Nam có bánh Tét là món bánh không thể thiếu trong ngày Tết. Có thể ví bánh Tét như bánh chưng hình trụ, và gói bằng lá chuối thay vì lá dong. Khi ăn, lột vỏ và dùng dây lạt “tét” bánh ra thành từng miếng. Bánh Tét ở miền Trung rất mộc mạc, đơn giản, chỉ bao gồm nếp, nhân đậu và chút thịt. Nhờ vào sự đơn giản này mà người ăn có thể cảm nhận rõ hơn vị ngon thấm thía của từng nguyên liệu. Bánh Tét thường ăn kèm dưa món. Sau Tết, những đòn bánh Tét thừa thường được chiên giòn lên ăn, rất ngon lành.

Thịt ngâm mắm

Thịt ngâm mắm là cách muối thịt rất phổ biến ở nhiều tỉnh miền Trung dịp Xuân về. Thịt có thể là thịt heo hoặc thịt bò, sơ chế xong được ngâm vào nước mắm đường đã được pha nấu theo tỉ lệ nhất định. Thịt ngâm nguyên miếng trải qua vài ngày, đến khi ăn thì xắt thành lát nhỏ vừa ăn. Thịt ngâm mắm ăn kèm củ kiệu, bánh chưng, dưa món, có thể cuốn bánh tráng ăn rất tuyệt.

*** Xem CÁCH LÀM THỊT NGÂM MẮM

Nem chua

Nem chua là món ăn thường dùng kèm với chả lụa trong mâm tiệc Tết. Địa phương làm nem chua nổi tiếng của miền Trung có thể kể đến Chợ Huyện (Bình Định), Ninh Hòa (Khánh Hòa)… Những cục nem hồng hào hấp dẫn bọc qua lớp lá ổi trước khi gói lại bằng lá chuối. Nem miền trung thường mịn màng, hương vị dịu nhẹ, ăn kèm tép tỏi cho tăng hương vị.

Dưa món

Trong khi miền Bắc có dưa hành, thì miền Trung là dưa món. Dưa món là món dưa muối với các nguyên liệu rau củ như cà rốt, củ kiệu, đu đủ, su hào… và có hương vị ngọt mặn “mạnh” hơn món dưa hành miền Bắc. Dưa món được ăn kèm bánh chưng, bánh tét như một phụ liệu không thể thiếu.

*** Xem CÁCH LÀM DƯA MÓN

Bánh thuẫn

Ngày nay do bận bịu công việc, ít gia đình còn giữ truyền thống đổ bánh thuẫn vào dịp Tết, tuy vậy bánh thuẫn vẫn là món ăn phổ biến trong bàn ăn Tết của người miền Trung từ Huế đổ vào. Bánh thuẫn được làm từ bột (bột bình tinh, bột năng…) pha với trứng, nướng trên than bằng một khuôn đặc biệt giành riêng cho bánh thuẫn. Khi bánh chín tỏa một mùi thơm rất quyến rũ, miếng bánh nở vàng, hấp dẫn.

*** Xem CÁCH LÀM BÁNH THUẪN

Chả bò

Chả bò Đà Nẵng ngày nay đã có tiếng khắp ba miền. Trên thực tế, chả bò cũng là món ăn quý và ngon lành của dân miền Trung vào dịp Tết. Miếng chả đỏ hồng hấp dẫn, kết cấu dai giòn tự nhiên, thơm thơm mùi thịt bò điểm chút cay của tiêu đen, khi ăn kèm với chút rau thơm và miếng tỏi Lý Sơn.

Bánh nổ

Bánh nổ là món ăn rất đồng quê của người miền Trung trong dịp Tết. Bánh làm từ bỏng nếp nở bung, nén chặt với đường, gừng trong khuôn gỗ. Khi ăn bánh được cắt ra thành miếng nhỏ hơn. Bánh có vị thơm của nếp, xốp giòn, tan trong miệng rất ngon lành. Bánh nổ được làm quà cho trẻ em ngày Tết, cũng là món ăn vui miệng trong bàn trà của người lớn, và đồng thời bánh nổ cũng được cung kính dâng lên bàn thờ tổ tiên. Địa phương miền Trung giàu truyền thống làm bánh nổ là Sa Huỳnh (Quảng Ngãi).

Bé Thúi 

Chả phượng đẹp lung linh cho mâm cỗ ngày Tết

Tết đến, việc chuẩn bị một mâm cỗ cho ngon và đẹp mắt là rất cần thiết. Còn gì tuyệt vời hơn khi dọn lên mâm một món ăn chỉ giành cho vua chúa ngày xưa? Hãy cùng xem qua cách làm Chả Phượng của cô Trịnh Thùy Linh nhé! 🙂

Khi nói đến “nem công, chả phượng” bạn nghĩ đó là những món ăn cầu kỳ dùng để tiến vua chúa ngày xưa, nhưng ngày nay bạn có thể tự làm với những nguyên liệu đơn giản mà lại rất đẹp mắt.

Phượng thuộc nhóm tứ linh vì vậy chỉ cần chăm chút thêm cho món ăn này, chả phượng hy vọng sẽ là một món ăn mang lại may mắn, an lành cho gia đình trong mâm cỗ ngày Tết.

PHẦN 1: HƯỚNG DẪN TỈA ĐẦU PHƯỢNG

Để tỉa được đầu Phượng bạn chuẩn bị nguyên liệu sau: 1 củ cà rốt, ½ củ hành tây, một ít rau mùi, 2 hạt tiêu đen.

Dụng cụ tỉa: 1 dao đầu nhọn, 1 dao bào vỏ, 1 xúc hình chữ V nhỏ.

 

Thực hiện:

Bước 1: Bào sạch vỏ cà rốt, cắt một đoạn cà rốt từ gốc lên trên khoảng 12-13cm. Cắt vát chéo hai bên cạnh từ đầu nhỏ xuống đầu to. Phía đầu nhỏ, cắt vát một đoạn tạo hình chữ V, kéo dài khoảng 4cm để tạo phần đầu và mỏ của Phượng.

 

Bước 2: Đặt dao bắt đầu từ phần đầu nhọn, lùi xuống khoảng 6mm, khứa lượn hình chữ C tạo phần thon của cổ Phượng. Ở phần thân, cũng dùng dao nhọn khứa chữ C thon ngược lại với chữ C trước như trong hình để tạo sự uốn lượn của thân Phượng.

 

Bước 3: Dùng dao nhỏ khứa phần mỏ Phượng, phần đầu gọt tròn. Lấy dao bào bào mịn các góc vuông cho mịn màng, hình dáng con công được hình thành như trong hình.

 mav128

Bước 4: Cắt một lát cà rốt dày khoảng 4mm, dùng dao đầu nhọn khứa tạo hình uốn lượn cho phần lông của đầu Phượng.

 

Bước 5: Dùng mẩu tăm nhỏ cắm phần cong vừa tạo lên đầu Phượng. Đầu dao nhọn khoét hốc mắt rồi ấn hạt tiêu đã chuẩn bị để tạo mắt cho chim. Sau đó dùng dao xúc hình chưa V nhọn khắp lên phần thân củ cà rốt để tạo lông vũ cho chim Phượng. Như vậy là hình chú chim Phượng đã được tạo hình xong.

 

Bước 6: Đặt đầu chim phượng vào đĩa bầu dục hoặc đĩa tròn to, cắt vài lát hành tây bao quanh tạo cánh chim Phượng. Đặt vài lát cà rốt bào mỏng phía trước và đặt rau mùi phía sau để tạo độ mềm mại khi tạo hình chim Phượng.

 mav131

PHẦN 2: LÀM CHẢ PHƯỢNG

Nguyên liệu làm chả phượng rất đơn giản dễ kiếm và bạn cần chuẩn bị những thứ sau:

– 4-5 quả trứng vịt, tùy thuộc vào kích cỡ của của trứng
– Giò sống từ 400-500gr
– Một thìa bột năng hòa tan với ít nước
– Cà rốt, đậu cove (hoặc đậu đũa), 4-5 miếng rong biển khô (nếu bạn không thích mùi vị rong biển thì bạn dùng mộc nhĩ ngâm nở, cắt gốc, rửa sạch và để nguyên bản để thay thế).

 

Thực hiện:

Bước 1: Đập trứng ra bát rồi đánh trứng với phần bột năng đã hòa với nước trước đó. Dùng bột năng khi đánh trứng sẽ làm cho lát trứng khi tráng mỏng vẫn có được độ dai, mịn. Nếu bạn thích trứng có màu đậm bạn có thể pha thêm ít dầu điều khi đánh trứng.

 

Bước 2: Cho chảo chống dính lên bếp, chảo nóng, cho dầu ăn láng mặt chảo rồi đổ phần dầu thừa ra bát. Trứng sau khi đánh đã tan hết bọt, bạn múc một thìa trứng sao cho lượng trứng đủ láng một lớp mỏng kín mặt chảo. Để láng được đều trước khi đổ trứng bạn phải hạ nhỏ lửa, cho trứng vào phải cầm cán chảo lắc tròn để trứng chạy láng được kín mặt chảo. Thấy bề mặt trên của trứng khô thì nhấc chảo lắc nhẹ để trứng đổ ra đĩa. Làm tiếp tục như vậy cho đến khi hết trứng.

 mav134

Bước 3: Giò sống bạn trộn đều với một thìa hạt tiêu, một ít hạt nêm, Đậu cove tước sơ, rửa sạch đem luộc chín. Cà rốt gọt vỏ, cắt miếng vuông khổ khoảng 6mm, độ dài bằng đường kính của miếng trứng thì càng tốt và đem luộc chín. Trứng tráng sau như vậy các nguyên liệu đã đầy đủ trước khi bọc chả.

 

Bước 4: Trải miếng trứng tráng mỏng ra đĩa, để phần mịn hơn ra ngoài, múc một thìa con giò sống láng một lớp thật mỏng lên trên để tạo độ kết dính cho các lớp tiếp theo.

 

Bước 5: Đặt miếng rong biển tiếp lên trên rồi quết một thìa giò sống dày hơn vào giữa và đặt miếng cà rốt luộc như trong hình.

 mav137

Bước 6: Phủ lên miếng cà rốt vừa đặt một ít giò sống rồi đặt tiếp lên trên đấy đậu cove luộc.

 mav138

Bước 7: Gập đôi miếng trứng đã được đặt nhân, sao cho cà rốt và đậu cove được bọc kín bởi lớp giò sống. Dùng tay ấn chéo miếng trứng để miếng chả khi cắt ra có hình giọt nước. Làm như vậy cho đến khi hết nguyên liệu. Thông thường 1 lát trứng tráng sẽ dùng 100gr giò sống gói bên trong.

 

Bước 8: Sau khi gói xong cho chả vào nồi hấp từ 15-20 phút thì chín.

 mav140

Bước 9: Chả chín, cắt chả thành từng miếng dày khoảng 1cm để chuẩn bị bày.

 

Bước 10: Xếp các miếng chả chạy dọc hai bên thành đĩa như trong hình. Bạn sẽ thấy màu vàng của trứng, màu xanh của đậu, màu cam của cà rốt cùng với màu sáng của giò sống, màu sẫm của rong biển đan xen nhau sẽ tạo ra hình những chiếc lông chim Phượng vô cùng bắt mắt.

 mav142

Đảm bảo nhờ có món chả phượng này mâm cỗ nhà bạn sẽ thêm lung linh!

 Chỉ cần bạn dành chút thời gian trong kỳ nghỉ Tết của mình cho món chả Phượng thì bạn sẽ thấy mâm cỗ Tết của mình thêm phần trang trọng.

 mav143

Chúc bạn và gia đình thành công với cách làm chả phượng hấp dẫn, bắt mắt trong ngày Tết!

Theo Trịnh Thùy Linh (Khám phá)

Cách muối DƯA HÀNH ngon đón Tết

Dưa hành hay Hành muối là món ăn Tết nổi tiếng trong câu: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”… Dưa hành vị thanh, chua dịu, hăng nhẹ để ăn với bánh chưng, rất phổ biến ở miền Bắc, trong khi ở miền Nam thì món này biến thể thành dưa món, dưa kiệu có vị ngọt hơn. Cách làm Dưa hành rất đơn giản.

Nguyên liệu:

  • HÀNH củ: 1kg
  • Muối: 70g
  • Đường: 1 muỗng canh
  • Dấm, rượu, nước, 1 mẩu củ gừng cạo vỏ, đập dập (không thích vị gừng thì khỏi bỏ)

Cách làm:

mav108

1. Hành để làm dưa hành là hành có củ to. Chọn hành bánh tẻ hoặc hành già. Hành bánh tẻ thì làm nhanh, vị thanh hơn. Hành già vị nặng, làm lâu hơn. Loại nào cũng ngon tùy người.

2. Hành mua về cắt rễ (LƯU Ý chỉ cắt rễ, chừa lại gốc), bỏ lớp áo ngoài, bỏ hết phần lá hành màu xanh, chỉ lấy một khúc ngắn phía đầu. Rửa hành qua vài lần cho sạch đất cát rồi ngâm qua nước gạo vài tiếng (Nếu mua hành già thì ngâm lâu hơn cho hành bớt hăng). Sau đó vớt ra để ráo.

3. Bắc nồi đun sôi 1,5 lít nước với 70g muối, 1 muỗng canh đường, cho gừng vào đun cùng. Nhắc nồi ra để cho nguội bớt rồi bỏ 1 muỗng dấm, 1 muỗng rượu vào. Chờ nguội hẳn.

4. Chuẩn bị keo / lọ có nắp, tráng qua nước sôi cho sạch. Sau đó xếp hành vào lọ, rồi đổ nước muối đường đã nguội vào ngập hành. Dùng 2 nan tre hoặc bịch nilon nước chèn cho hành luôn luôn chìm trong nước.

5. Đậy nắp lại để trong nhiệt độ thường khoảng 1 tuần là bắt đầu ăn được rồi. Nếu trời có nắng thì đem ra nắng phơi, dưa sẽ giòn và nhanh chua hơn.

*** Dưa hành vị hăng nhẹ, thơm, chua dịu, ăn với bánh chưng giúp chống ngấy mà còn tăng hương vị, rất ngon. Trước khi ăn có thể pha chút nước mắm, ớt bột nếu muốn đậm hơn.

*** Dưa hành trước khi ăn có thể rửa qua nước muối, rồi bóc lớp ngoài chừa lại phần trắng cho đẹp mắt. Nếu ăn không hết thì cho vào bát cất tủ lạnh, không đổ lại trong lọ vì như vậy sẽ làm dưa dễ bị hỏng.

Bảo Tố

9 MÓN ĂN KHÔNG THỂ THIẾU TRONG NGÀY TẾT CỔ TRUYỀN TẠI MIỀN BẮC

Ngày Tết hẳn gia đình nào dù có ‘hiện đại’ cách mấy cũng không thể thiếu những món ăn truyền thống. Tùy theo vùng miền mà thực đơn ngày Tết bao gồm những món khác nhau. Sau đây mời các bạn đến với mâm ăn truyền thống của miền Bắc – nơi vẫn giữ gìn những gì cổ truyền nhất trong văn hóa ẩm thực của Việt Nam.

 

Mâm ăn ngày Tết còn là mâm cỗ cúng ông bà, tổ tiên, vì vậy các món ăn miền Bắc vào ngày Tết thường không chỉ ngon mà còn đẹp và tốt cho sức khỏe.

1. Bánh chưng

Bánh chưng. Ảnh: Vietq.

Trong khi miền Nam và miền Trung ăn bánh Tét với dưa món, dưa kiệu thì miền Bắc là kiểu gói bánh chưng truyền thống ăn với dưa hành. Bánh chưng có hình vuông, có thể to bằng bàn tay nhưng với bánh Tết thường gói to. Bánh chưng thường được gói rất vuông vức, và bằng lá dong chứ không bằng lá chuối như gói bánh Tét. Các thành phần trong bánh chưng thường gồm nếp, nhân đậu xanh, thịt mỡ, thịt ba chỉ, tiêu, có thể cho thêm hành.

2. Dưa hành

Dưa hành. Ảnh: Tổ Ấm Việt.

Dưa hành là loại ăn kèm không thể thiếu khi ăn những món béo ngậy của ngày Tết như bánh chưng, thịt đông, thịt kho tàu, chân giò muối… Dưa hành có vị cay nhẹ, hăng, thơm, chua thanh… thật khác với vị đậm ngọt của dưa món, dưa kiệu trong miền Nam. Dưa hành không chỉ giúp cho món ăn ngon, điều hòa hơn mà còn giúp cho cơ thể dễ tiêu hóa.

Xem CÁCH LÀM DƯA HÀNH

3. Giò nạc, giò thủ

Giò nạc, miền trong còn gọi là chả lụa. Ảnh: Citinews.

Giò tai (trong nam gọi Giò thủ)

Mâm cỗ cổ truyền của người miền Bắc không thể thiếu giò, chả. Món ăn này luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong bàn tiệc.

XeM CÁCH LÀM GIÒ THỦ

4. Thịt đông

Xem: CÁCH LÀM THỊT ĐÔNG

Thịt đông. Ảnh: Nauanngon.

Thịt đông (chân giò nấu đông) là món ăn rất ngon, phổ biến ở miền Bắc Việt trong những ngày trời lạnh, nhất là dịp Tết. Khi làm món này, nên nêm hơi nhạt một tí, khi ăn kèm theo nước mắm sẽ ngon hơn.

5. Nem rán

Nem rán. Ảnh: Vietnamonline.

Nem rán một món ăn không chỉ quen thuộc trong bữa cơm gia đình hàng ngày mà còn là món không thể thiếu trong mâm cỗ Tết truyền thống miền bắc. Những miếng nem được chiên vàng với lớp vỏ ngoài giòn rụm, nhân bên trong có thịt, trứng, mộc nhĩ, giá thơm mềm. Nước chấm nem rán phải pha chế thật ngon, khéo điều hòa các vị mặn, ngọt, chua, cay quyện vào nhau cho đậm đà tròn vị.

6. Canh măng khô

Canh măng khô. Ảnh: yeutretho.

Măng khô làm trung hòa vị béo của thịt lợn, tạo nên vị ngọt thanh mà không ngấy cho món ăn cổ truyền này.

7. Canh bóng thả

Canh bóng thả. Ảnh: Tổ Ấm Việt.

Canh bóng không chỉ ngon mà còn hấp dẫn thực khách bởi màu sắc sinh động: Đỏ của cà rốt, xanh bông cải xanh và đậu Hà Lan, trắng trong của bóng bì, nâu sậm của nấm hương, vàng của chả cá…

8. Gà luộc

Gà luộc. Ảnh: Tổ Ấm Việt.

Món gà luộc để cúng trong đêm Giao thừa và ngày đầu năm mới. Người ta tin rằng món ăn này dâng lên đất trời ngày đầu xuân sẽ mang đến một khởi đầu thuận lợi, vạn phúc đong đầy. Khi ăn những miếng thịt gà có màu vàng tươi, rắc thêm lá chanh thái nhỏ chấm với muối tiêu chanh ớt tạo nên một hương vị đặc trưng.

9. Chè kho

Xem CÁCH LÀM CHÈ KHO NGON

Chè kho. Ảnh: Tổ Ấm Việt.

Đây là món ăn ngày Tết ở miền Bắc, quen thuộc nhất với người dân Hà Nội. Chè kho rất giản dị trong việc kết hợp nguyên liệu, chỉ cần đậu xanh, vừng trắng và đường cát là có thể nấu thành nồi chè. Chè có một hương vị đặc biệt thơm thơm mùi của đỗ xanh, chút thoang thoảng của nước hoa bưởi ăn vừa mát vừa mềm mịn tan ngay trong miệng.

Lê Hà Ngọc Trâm (VNexpress.net):

Cách làm GIÒ XÀO (GIÒ THỦ)

 Giò xào (miền Nam gọi là giò thủ) là món ăn truyền thống rất hấp dẫn, thường thấy vào dịp Tết. Cách làm Giò thủ khá dễ dàng.
Nguyên liệu làm món GIÒ XÀO ngon đón Tết

  • 1 cái tai heo độ 500g
  • 300g thịt chân giò, hoặc thịt mũi, thịt thủ nếu bạn ăn được mỡ
  • 50g mộc nhĩ, hạt tiêu, 3 củ hành khô
  • Nước mắm, muối hạt.
Các bước làm GIÒ XÀO (GIÒ THỦ)


Thịt mua về bóp muối hạt, cạo sạch lông rồi rửa thật sạch.

Thái thịt hình con chì cỡ ngón tay.

Phần có mỡ bạn nên thái mỏng hơn 1 chút.

Mộc nhĩ ngâm nở thái sợi.

Đổ nước ngập mặt thịt, đun đến khi sôi sùi hết bọt đen thì tắt bếp.

Cho thịt ra rửa lại bằng nước lạnh cho sạch rồi để ráo nước.

Hành khô thái nhỏ.


Cho dầu ăn vào chảo, phi thơm hành khô.

Sau đó cho thịt vào xào, nêm 2 thìa canh nước mắm (bạn chỉ nên dùng nước mắm thôi cho thịt được thơm nhé).

Đến khi thịt săn lại thì cho mộc nhĩ vào xào chừng 10 phút nữa cho mộc nhĩ chín hẳn, thịt hơi xém cạnh thì rắc hạt tiêu vào, tắt bếp. Ở công đoạn này bạn không nên xào thịt quá kỹ kẻo giò sẽ bị khô, còn nếu xào chưa đủ độ thì giò sẽ kém thơm, vậy nên bạn chỉ xào đến khi thịt bắt đầu tiết mỡ và có màu vàng hơi xém thôi nhé.

mav082
Cho giò vào 1 chai lavi 1,5l đã cắt bỏ miệng, vừa múc giò vào vừa dùng muôi ấn chặt xuống, giò sẽ tiết ra rất nhiều mỡ và bạn có thể gạn ra nhé.
mav083
Đến khi hết thịt thì dùng vật nặng đè lên để giò dính chặt lại với nhau. Ở đây mình dùng một chai rượu để lên, tiếp tục ấn xuống và để yên như vậy đến khi giò đông lại. Khi lấy ra chỉ cần úp ngược chai lên, bóp nhẹ là giò sẽ tự động rời ra.

Với thời tiết lạnh như hiện nay chỉ cần khoảng 4-5 giờ bạn đã có thể cắt giò đển ăn. Món giò xào tự làm rất hợp vệ sinh và thơm ngon, khác hẳn giò mua ngoài chợ đấy!

Sau khi cắt ăn từng khoanh một, số giò còn lại bạn có thể dùng màng bọc thực phẩm bọc quanh thật kín, cất vào tủ lạnh ăn dần.

Những miếng giò giòn sần sật, béo ngậy lại đậm đà sẽ là món rất ngon để bạn trổ tài mỗi khi mùa đông về hoặc làm đem đi biếu trong dịp tết.

Chúc các bạn thành công với cách làm giò xào này nhé!

Theo Panda, ảnh: aFamily.vn / Pháp Luật Xã Hội

Nguồn: http://afamily.vn/an-ngon/me-dau-chia-se-cach-lam-gio-xao-that-ngon-don-tet-20140108095232963.chn

Cách làm BÁNH KHOAI MÔN

Bánh (Mứt) khoai môn ngọt dịu, thơm mùi khoai môn điểm chút vị ngò sẽ là một món ăn lạ và hút khách ngày Tết. Khi ăn nên pha sẵn bình trà nóng sẽ ngon hơn.

Nguyên liệu:

– Khoai môn: 500g

– Đường trắng: 200g

– Ngò (rau mùi) xắt nhỏ (không thích thì khỏi bỏ)

– Muối, vani, dầu ăn.

Cách làm:

mav023

1. Khoai môn rửa sạch, gọt vỏ, sau đó xắt thành từng viên nhỏ vừa ăn. Ngâm với nước muối khoảng 1 tiếng rồi vớt ra, để ráo.

2. Bắc chảo dầu đun nóng, rồi cho khoai vào chiên chín vừa. Khoai chín thì vặn to lửa để khoai không hút dầu. Sau đó vớt ra để lên giấy thấm dầu cho ráo.

3. Phần dầu còn lại trong chảo chắt ra ngoài bớt, rồi cho ngò xắt nhỏ vào phi thơm. Sau đó vớt ngò ra ngoài. (Không ăn ngò thì khỏi làm bước này).

4. Bắc nồi cho tí nước vào rồi cho đường vào đun lửa vừa cho tan đường. Đường quánh lại thì trút khoai cùng với ngò đã phi vào sên. Vặn nhỏ lửa vừa đun vừa đảo nhẹ tay cho tới khi đường kết tinh lại thành bột trắng khô thì tắt bếp. Rải 1/3 muỗng cafe muối và rắc 1 ống vani vào trộn đều.

5. Để mứt nguội hẳn thì cho vào lọ.

Bảo Tố

Cách làm MỨT GỪNG DẺO

Mứt gừng khô thì quá phổ biến rồi, Mứt gừng dẻo ít nhà ăn hơn nhưng đảm bảo là cũng ngon miệng, hấp dẫn chẳng kém.

Nguyên liệu:

  • 500g gừng non
  • 250g dứa (thơm), xay hoặc băm nhuyễn
  • 350g đường
  • Phèn chua: 1/2 muỗng cafe
  • Vài quả chanh
  • Đậu phộng rang (bỏ vỏ, tách đôi hạt) & mè trắng rang (tùy thích)

Thực hiện:

1. Gừng rửa sạch, thái sợi dài (nếu thích đẹp thì cạo vỏ, tuy nhiên gừng không cạo vỏ thì bổ hơn). Sau đó ngâm trong tô nước có vắt 1 trái chanh cho gừng khỏi bị thâm, sau đó xả sạch, để ráo.

2. Bắc nồi nấu nước, cho thêm phèn chua. Nước sôi cho gừng vào luộc sơ khoảng 2-3 phút, sau đó vớt gừng ra rửa sạch bằng nước lạnh cho hết phèn. Sau đó để gừng ráo. Vắt 1,5 quả chanh vào gừng, trút tiếp dứa xay (băm) và đường vào trộn lên cho đều. Ướp khoảng 3-5 tiếng cho tới khi đường chảy ra hết thành si rô.

3. Bắc chảo cho gừng đã ướp vào sên trên lửa nhỏ đến khi gừng chín, trong vàng hấp dẫn, thì tắt bếp. Đợi mứt gừng nguội hẳn.

4. Gắp mứt gừng vào lọ với đậu phộng và mè. Bảo quản tủ lạnh hoặc nơi thoáng mát.

*** Mứt gừng dẻo vị cay ngọt, chua dịu, ăn kèm với đậu phộng rang bùi bùi. Tuy rất ngon, nhưng chỉ nên ăn điều độ kẻo nóng người.

Bảo Tố.

Cách nấu CHÈ KHO

CHÈ KHO là món ăn cổ truyền thường thấy trong ngày Tết ở miền Bắc Việt Nam. Chè kho có vị ngọt, thơm và bổ dưỡng, ăn kèm trà nóng, thích hợp với tiết trời se lạnh của những ngày Tết.

Nguyên liệu:

  • 500g đậu xanh không vỏ
  • 300g đường đỏ
  • Nửa trái thảo quả, sấy khô, tán nhỏ rây thành bột mịn. (mua ở tiệm thuốc Bắc)
  • 1 muỗng cafe mè trắng rang chín, xát bỏ vỏ.

Thực hiện:

1. Đậu xanh ngâm nước khoảng 4-5 tiếng cho nở mềm. Có thể ngâm bằng nước ấm cho nhanh nở. Sau đó vớt ra rửa sạch.

2. Hấp đậu xanh cho chín mềm. Sau đó dùng cái vá hoặc muỗng tán hạt đậu cho nhuyễn (dùng chày giã cũng được), mịn.

4. Bắc nồi nấu 300g đường đỏ với 500ml nước, nấu sôi cho tan đường. Sau đó chắt lấy phần nước đường, bỏ cặn.

3. Cho nước đường vào nồi vặn lửa nấu tiếp. Cho đậu xanh đã đánh nhuyễn vào nấu chung (nước đường sâp sấp mặt đậu), vừa nấu vừa khuấy liên tục kẻo chè bị cháy. Nấu đến khi nào nước cạn, hỗn hợp chè lên sền sệt thì rắc bột thảo quả vào khuấy lên cho đều, rồi tắt bếp.

4. Múc chè kho ra khuôn, ép chặt. Rắc mè lên trên. Chờ cho chè nguội, hơi cứng lại là được. Khi ăn xắt ra thành miếng.

*** Chè kho để ngoài được 2-3 ngày tùy thời tiết. Nếu muốn giữ lâu hơn thì để tủ lạnh.

Bảo Tố

Cách làm MỨT DỨA DẺO

MỨT DỨA với vị thơm ngọt quen thuộc và kết cấu dẻo mềm sẽ mang đến sự hấp dẫn, mới lạ cho mâm cỗ Tết nhà bạn.

Nguyên liệu:

  • 1 trái dứa chín
  • 500g đường
  • Nước cốt chanh
  • Vani, muối, 1 muỗng cafe phèn chua.
Thực hiện:
1. Dứa gọt vỏ, bỏ mắt, khoét bỏ lõi. Xắt thành khoanh tròn, dày khoảng 0,5cm. Rắc 1 muỗng cafe muối vào dứa, ướp khoảng 20 phút, sau đó rửa sạch. Để ráo.
2. Bắc nồi nước đủ luộc dứa, cho vào một chút phèn chua tán mịn, nấu sôi rồi cho dứa vào luộc sơ trong 5-7 phút. Sau đó vớt ra rửa nước lạnh cho sạch phèn.
3. Cho dứa vào thau, rắc hết đường vào dứa, trộn đều rồi phơi nắng khoảng 3 tiếng cho đường chảy ra thành sirup.
4. Bắc chảo lên bếp vặn lửa vừa, trút thau dứa ướp đường vào đun sôi. Sau đó vặn lửa liu riu. Sên tới khi nào nước đường dứa gần khô cạn thì chan vào 1 muỗng canh nước cốt chanh.
5. Tiếp tục đun đến khi đường sệt quánh kéo thành sợi tơ thì rắc 1 ống vani vào, tắt bếp. Gắp mứt bỏ lên vỉ hoặc nan, để ngoài nơi thoáng mát tới khi khô nguội hẳn thì xếp vào lọ.

Cách làm CHÂN GÀ MUỐI CHUA nhâm nhi mãi không chán

Chân gà muối chua với vị chua giòn thanh dịu, rất phù hợp dùng kèm với các món ăn dễ ngấy ngày lễ tết. Ngoài ra đây cũng là món mồi tuyệt vời cho dân nhậu. Công thức sau đây sẽ hướng dẫn bạn làm chân gà muối chua sả ớt, nếu không thích mùi sả thì có thể bỏ sả ra ngoài.

Nguyên liệu:

  • 1kg chân gà
  • Phèn chua: 20g
  • 6 nhánh sả: cắt khúc khoảng 15cm rồi chẻ thành cọng mỏng, vài quả ớt đỏ (tùy ăn)
  • Gừng, tỏi băm, tiêu hột đập bể
  • Muối, đường, giấm trắng, chút rượu trắng

Thực hiện:

1. Pha nước muối loãng rồi ngâm chân gà khoảng 10 phút, sau đó xả lại cho sạch. Bắc nồi nước cho gà vào, đập thêm vài miếng gừng thả vào để khử mùi, bật lửa to nấu cho sôi, rồi vớt chân gà ra xả lại với nước đá ngâm 15 phút cho gà giòn.

2. Thay nước trong nồi, luộc tiếp chân gà với lửa nhỏ tầm 20 phút, chân gà vừa chín tới là được. Tắt bếp. Vớt chân gà ra cho ngay vào thau nước pha phèn chua (khoảng 5g phèn chua cho 1 lít nước). Rửa nhẹ chân gà cho sạch sẽ, hết nhớt, rồi rửa lại với nước cho sạch phèn. Dùng kéo cắt bỏ móng chân gà cho dễ nhìn.

3. Cho chân gà vào hộp hoặc màng bọc, bỏ vào ngăn đá tủ lạnh khoảng 3-4 tiếng. Bước này để chân gà giòn hơn.

 

4. Bắc nồi nước pha theo tỉ lệ: 400ml nước + 400ml giấm + 200g đường + 20g muối. Nấu sôi lên sau đó nhỏ lửa, cho sả, ớt, 1 muỗng canh tỏi băm, vài trái ớt hiểm (tùy khả năng ăn cay của bạn), 1 muỗng cafe tiêu hột vào quấy đều. Tắt bếp chờ nước nguội hẳn.

mav192

5. Lấy chân gà ra khỏi tủ lạnh, xếp vào lọ thủy tinh cùng với sả ớt. Sau đó chế hỗn hợp nước dấm đường đã nấu trên vào ngập chân gà. Cho thêm vào lọ 1/2 muỗng canh rượu trắng cho thơm. Đậy nắp kín, để chỗ thoáng mát, 2-3 ngày là dùng được. Khi ăn làm thêm dĩa muối tiêu chanh chấm cho ngon.

Bảo Tố

Cách làm MỨT ĐẬU TRẮNG

MỨT ĐẬU TRẮNG là món ăn đơn giản nhưng được ưa thích bởi vị thơm bùi của nó. Công thức làm mứt đậu trắng rất đơn giản.

Nguyên liệu:

  • Đậu trắng khô: 250g (ra chợ hỏi đậu hột to để làm mứt)
  • 300g đường
  • Vani
  • Gừng băm nhỏ (tùy thích)
  • Thuốc muối (baking soda, ra chợ hỏi thuốc muối nấu chè…nếu không có cũng không sao, ngâm đậu lâu hơn 1 tí)
  • Chút muối

Cách làm:

1. Đậu ngâm trong 1 lít nước, rắc thêm 1/2 muỗng cafe muối và 1/2 muỗng cafe thuốc muối. Ngâm khoảng 4 tiếng cho nở to. Nếu không có thuốc muối thì ngâm qua đêm. Sau đó rửa lại đậu cho sạch. Để ráo.

2. Cho đậu vào tô, rắc đường vào rồi trộn lên thật nhẹ nhàng kẻo đậu bị nát. Ướp 6-8 tiếng (qua đêm) tới khi nào đường chảy ra hết ôm vô đậu căng bóng, là được.

3. Bắc chảo đổ toàn bộ đậu ướp đường vào chảo, nấu với lửa vừa. Thỉnh thoảng đảo nhẹ tay cho đường quyện đều vào đậu. Thấy đậu hơi khô thì bốc gừng băm rải vào. Sên đến khi nào đường khô ra bột trắng thì rắc 1 ống vani vào. Trộn nhẹ rồi tắt bếp.

4. Kiếm cái vỉ hay tờ báo trải đậu lên để vậy cho tới khi khô hẳn, cất vào lọ dùng dần.

Bảo Tố