10 thương hiệu gắn với người Việt qua 2 thế kỷ

Nước mắm Liên Thành, bột Bích Chi, diêm Thống Nhất,… những thương hiệu đình đám dù không còn lớn mạnh ở Việt Nam nhưng sản phẩm vẫn được một bộ phận người Việt ưa chuộng.

1. Nước mắm Liên Thành

 

Đây là hãng nước mắm trên 100 năm tuổi khởi đầu sự nghiệp kinh tế của nước ta từ thời Pháp thuộc. Năm 1906, hưởng ứng phong trào Duy Tân của cụ Phan Châu Trinh, Công ty Liên Thành được thành lập tại Phan Thiết bởi các sĩ phu yêu nước. Qua bao biến thiên của thời cuộc cũng như nhiều lần chuyển đổi chủ sở hữu, mô hình hoạt động…, nước mắm Liên Thành làm ăn phát đạt, tên tuổi nổi như cồn, song cũng bao phen lao đao, rồi vắng bóng. Năm 1997, sản phẩm xuất hiện trở lại, dù chưa đủ sức cạnh tranh với các thương hiệu mới.

2. Xà bông Cô Ba

Năm 1932, ông Trương Văn Bền, thương gia nổi tiếng Nam Kỳ mở nhà máy làm xà bông lấy tên xà bông Việt Nam. Ông đã dùng hình ảnh “Cô Ba”, một người con gái đậm chất Nam bộ làm đại sứ cho sản phẩm. Xà bông Việt Nam đã đánh “bạt” xà bông thơm Marseille nhập từ Pháp. Nó được dùng rộng rãi ở Lào, Campuchia, xuất khẩu sang Hong Kong và một số nước thuộc địa của Pháp. Tuy nhiên, sau một thời gian, khi liên doanh với tập đoàn P&G, xà bông Cô Ba phải ngừng hoạt động. Mới đây, Công ty cổ phần sản xuất thương mại Phương Đông quyết định làm sống lại thương hiệu này. Nhưng sản phẩm mới chỉ tái xuất âm thầm và có mặt khiêm tốn trong hệ thống siêu thị, lượng bán ra chưa nhiều.

 

3. Bột gạo lứt Bích Chi

Đây là bột ăn dặm hàng đầu của Việt Nam những năm 60-90 của thế kỷ trước. Thời kỳ đỉnh cao của bột Bích Chi (những năm 1970-1975) là khi lần đầu tiên thương hiệu này được quảng bá và phân phối rộng rãi tại các thị trường lớn như TP HCM, các tỉnh miền Tây và Nam Trung Bộ… Đến nay, bột gạo Bích Chi vẫn còn được nhiều người ưa chuộng nhưng không thể cạnh tranh với các ông lớn như Nestlé, Vinamilk,…

 

 

4. Bia Trúc Bạch

Năm 1957 nhà máy bia Việt Nam đi vào hoạt động với tên gọi Nhà máy bia Hà Nội. Ngày 15/8/1958, mẻ bia đầu tiên ra đời, được đặt tên là Trúc Bạch. Nững năm 80, đất nước khó khăn, loại bia cao cấp Trúc Bạch vượt quá khả năng tiêu dùng của người dân, nên việc sản xuất phải dừng lại. Năm 2010, Habeco cho tái xuất bia Trúc Bạch. Tuy nhiên, do không làm rõ được phân khúc của mình nên thương hiệu này rất khó cạnh tranh với các hãng khác.

 

5. Lan Hảo

Từng giữ ngôi vương trong ngành hóa mỹ phẩm, dầu gội Bồ Kết, mỹ phẩm Lan Hảo là thương hiệu quen thuộc một thời. Năm 1968, những sản phẩm mang thương hiệu Thorakao được bán rộng rãi trên toàn miền Nam, có chi nhánh ở Campuchia và mở rộng cung cấp toàn Đông Nam Á. Tuy nhiên, với sự chèn ép của các thương hiệu ngoại, sản phẩm này dù vẫn tồn tại nhưng gần như không chen chân được vào các trung tâm thương mại, và buộc phải sống nhờ thị trường xuất khẩu, chủ yếu là Campuchia.

 

6. Kem đánh răng Dạ Lan

Vào những năm 1993-1994, thương hiệu kem đánh răng Dạ Lan nức tiếng trong khu vực. Nó chiếm tới gần 70% thị phần cả nước. Nhưng sau đó, ông Trịnh Thành Nhơn – người tạo ra thương hiệu này – lại bán Dạ Lan cho Colgate Palmolive với giá 3 triệu USD. Năm 2009, Dạ Lan được chính ông Nhơn đưa trở lại thị trường Việt, và thuộc sở hữu của Công ty Hóa mỹ phẩm Quốc tế (ICC).

7. Kem đánh răng Hynos

Rất nhiều người Sài Gòn sinh ra và lớn lên vào thế kỷ 20 đều biết và nhớ đến kem đánh răng Hynos, với hình người đàn ông da đen nở nụ cười tươi rói, khoe hàm răng trắng sáng. Thương hiệu Việt này cũng từng làm mưa làm gió trên thị trường. Năm 2007, Công ty cổ phần P/S bắt đầu phục hưng lại Hynos, sản phẩm bán ở các vùng nông thôn nhưng đạt doanh thu thấp. Hiện công ty đã đưa Hynos về thành thị, bán tại siêu thị. Tuy nhiên, thương hiệu này vẫn chưa thể nổi trội như thời hoàng kim trước kia.

 

8. Cao Sao Vàng

Những năm 90 của thế kỷ trước, trong bất cứ gia đình người Việt nào cũng có một hộp Cao Sao Vàng. Hiện nay, sản phẩm này được cộng đồng khách hàng thương mại điện tử quốc tế đánh giá cao. Trên trang điện tử eBay, một hộp Cao Sao Vàng được bán với giá 50.000-70.000 đồng, đắt gấp 30 lần so với giá gốc bán ở Việt Nam. Sản phẩm này nhận được nhiều phản hồi tốt và thường cháy hàng trên các website mua bán như eBay hay Amazon. Trong giỏ hàng của người bán luôn cập nhật tình trạng hàng hóa ở mức low stock (còn rất ít) hoặc out of stock (đã hết).

 

9. Mì giấy Miliket

Từng được mệnh danh “Vua mì tôm”, vào những năm 90, Miliket của Công ty cổ phần Lương thực Thực phẩm Colusa – MILIKET, tiền thân là xí nghiệp Lương thực Thực phẩm Colusa và xí nghiệp Lương thực Thực phẩm Miliket, gần như chiếm thị phần tuyệt đối. Đây là mì ăn liền quen thuộc của nhiều thế hệ người Việt. Đến nay, Miliket vẫn được một bộ phận người tiêu dùng Việt ưa thích.

10. Diêm Thống Nhất

Bao diêm có logo truyền thống với hình chú chim bồ câu trắng, phía dưới dòng chữ “Diêm Thống Nhất” cỡ lớn chạy ngang mặt bao cho in nơi sản xuất tại Công ty cổ phần diêm Thống Nhất. Khi những chiếc bật lửa chưa phổ biến, diêm Thống Nhất là sản phẩm không thể thiếu trong sinh hoạt của người Việt. Và hiện nay, nó vẫn được sử dụng rộng rãi trong cả nước.

Theo kenh14

Bí quyết sống lâu của cụ bà cao tuổi nhất thế giới

Cụ bà Nguyễn Thị Trù, ở Bình Chánh, TP HCM đã chính thức được tổ chức kỷ lục thế giới công nhận là người cao tuổi nhất thế giới vào cuối tháng 4 vừa rồi, đây là tin vui không chỉ của bà và gia đình, mà còn là sự bất ngờ, thú vị pha lẫn nể phục của người dân trong cả nước.

Cụ bà Nguyễn Thị Trù 122 tuổi ở TPHCM – người được công nhận cao tuổi nhất thế giới chia sẻ bí quyết sống trường thọ.

Theo đề cử của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) từ năm 2014, ngày 20/4 vừa qua, tại Hong Kong, Hiệp Hội Kỷ lục Thế giới (World Records Association – WRA) đã chính thức công bố: Cụ bà cao tuổi nhất Việt Nam, Nguyễn Thị Trù (sinh năm 1893, tức 122 tuổi), hiện đang cư trú tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TPHCM là cụ bà cao tuổi nhất thế giới.

Cụ Nguyễn Thị Trù – người phụ nữ cao tuổi nhất thế giới.

Liên tiếp lập kỷ lục

 

Sau hai kỷ lục Việt Nam và châu Á, cụ bà Nguyễn Thị Trù tiếp tục xác lập kỷ lục thế giới: “Người phụ nữ cao tuổi nhất Thế giới”. Tính theo thế kỷ, cụ Trù đã sống qua ba thế kỷ (XIX, XX, XXI), tính theo tuổi, nay cụ tròn 122 – cái tuổi mà khó có ai trên đời này hưởng được.

 

Dự kiến, tháng 6/2015, đại diện của Hiệp Hội Kỷ lục Thế giới sẽ đến Việt Nam để trực tiếp trao bằng xác lập kỷ lục thế giới đến cụ bà Nguyễn Thị Trù.

 

Trước đó, theo ghi nhận của thế giới, cụ bà cao tuổi nhất là cụ Misao Okawa (117 tuổi) tại Nhật Bản đã qua đời vào ngày 1/4/2015.

Việt Nam được ghi nhận là đất nước có số lượng người trên 100 tuổi còn sống khỏe mạnh khá nhiều.

Ở cái tuổi cả thế giới phải thèm khát, cụ Trù vẫn luôn tươi cười, nhân hậu.

Bí quyết sống trường thọ

 

Nhà cụ Trù nằm trong con hẻm nhỏ thuộc ấp 5, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh. Khi có khách đến, trên chiếc võng ở góc nhà, cụ nằm đong đưa và đón khách bằng nụ cười móm mém, nhân hậu.

 

Với vóc người nhỏ bé, cụ mặc chiếc áo bà ba (bông tím), quần xa – tanh nâu (trang phục đặc trưng của phụ nữ Nam Bộ). Mái tóc ngắn bạc phơ, gương mặt nhiều vết nhăn nheo in hằn bao thăng trầm của thời gian năm tháng nhưng vẫn còn toát lên vẻ đôn hậu của người phụ nữ Việt Nam. Mặc dù ở tuổi “122 mùa xuân” nhưng đôi mắt cụ vẫn còn linh hoạt, đặc biệt cụ rất hay cười.

 

Cụ có tất cả 11 người con (3 trai, 8 gái) nhưng nay chỉ còn sống 2 người, họ đều đã ngoài 80 tuổi. Bà Nguyễn Thị Ba (76 tuổi) là con dâu út, hiện tại đang sống cùng cụ, sớm hôm phụng dưỡng mẹ chồng với lòng hiếu thảo và sự tôn kính. Những người con của bà Ba (cháu nội của cụ Trù) vẫn thường xuyên về thăm bà với những món quà: bánh, trái cây, sữa…

 

Bà Nguyễn Thị Đê (82 tuổi), con gái thứ 8 của cụ Trù, sau khi tiếp chúng tôi đã đến gần cụ, bóc cho cụ chiếc bánh. Cụ cười, rồi ăn bánh rất ngon lành. Bà Đê cho biết, cụ rất thích ăn bánh và uống sữa. Buổi sáng cụ thường ăn một tô cháo thịt, đến trưa ăn chừng một bát cơm lưng với thức ăn là thịt, cá, rau, củ, quả được nấu mềm và xé nhỏ. Đến chiều cũng thế, xen lẫn trong ba bữa ăn chính luôn có cốc sữa hoặc bánh trái. Cứ như vậy, mấy chục năm nay cụ sống vui cùng con cháu.

 

Bà Đê cho biết thêm, hiện nay cụ Trù không còn nhớ chút gì về thời xưa cũ nữa. “Ba mẹ tôi xưa kia chỉ là những người nông dân thuần túy thôi”, bà Đê tâm sự.

Theo lời kể của bà Đê, thời ấy, hằng ngày, cụ Trù cùng chồng chăm lo mảnh ruộng gần nhà. Sau vụ lúa, cụ lại đi lưới cá dưới sông, cắt bồn bồn, hái rau về ăn và bán. Chính cuộc sống gần gũi thiên nhiên khiến tinh thần của cụ thoải mái và không có nhiều tính toán, lo âu. Bữa ăn của gia đình cụ Trù luôn là những thực phẩm do chính sức lao động của những người trong gia đình làm ra như gạo ở ruộng nhà, rau quả ở trong vườn, cá ở dưới sông… Nhờ vậy mà cụ ít khi bệnh tật, sức khỏe lại được rèn luyện, bồi đắp bởi thói quen lao động hằng ngày.

Bí quyết sống trường thọ của cụ khá đơn giản: không ghen ghét, đố kỵ, không nặng nề toan tính…

Theo bà Ba (con dâu út), điều quan trọng khiến mẹ sống lâu là nhờ tính tình thuần hậu, rộng lượng, không ghen ghét, đố kỵ ai bao giờ. Điều này giúp cụ thanh thản, không nặng nề toan tính với cuộc đời. Cụ cũng không màng đến những thứ xa hoa, vật chất đối với cụ chỉ là vật ngoài thân, lòng cụ nhẹ nhàng, tâm cụ thảnh thơi, thanh thản.

 

Các con cụ cho biết, thời trẻ, cụ là một phụ nữ thôn quê khỏe khoắn, lao động như mấy anh cửu vạn vạm vỡ mà người ta thường thấy ở các bến cảng, khu bốc vác. Hòa chung không khí vừa lao động vừa chiến đấu, cụ cũng tham gia đào hầm, nấu cơm tiếp tế cho bộ đội.

 

Đã 122 tuổi mà răng cụ vẫn còn nhiều cái chưa rụng, chỉ bị mòn, còn lại chân răng. Có lẽ, ngày xưa do cụ nhai trầu nên răng khỏe như vậy. Một điều đặc biệt là từ trước tới nay, cụ chưa một lần nào nhập viện vì bệnh nặng.

Bà con láng giềng xung quanh nơi cụ Trù ở cũng nhận xét, cụ sống rất chan hòa với mọi người, chưa bao giờ thấy cụ bực tức với ai, con cháu trong nhà rất đoàn kết, luôn thương yêu giúp đỡ lẫn nhau. Có lẽ với bí quyết sống giản đơn trong tình yêu thương với mọi người, mà tình cảm đó như sợi dây chắc chắn neo giữ cụ ở lại với gia đình, với cuộc đời cho đến ngày hôm nay.

Theo Dân Trí

KINH HOÀNG BIẾN THÀNH ĐUỐC SỐNG KHI ĐANG ĂN LẨU CỒN

Lẩu nấu trên bếp cồn có vẻ là cách ăn lẩu tiện lợi và ngày càng phổ biến, tuy vậy, khi sử dụng lẩu cồn cần phải thật sự cẩn thận, đề phòng những trường hợp thảm họa có thể gây chết người như trong clip dưới đây.

 

Cư dân mạng đang sôi sục vì video clip do camera giám sát của một quán ăn ở Trung Quốc đã ghi lại hình ảnh của một cô gái bị bùng cháy dữ dội khi đang ăn lẩu cồn. Theo video này ghi nhận, cô gái cùng bạn trai đang thưởng thức món lẩu trên bếp cồn nước thì người phục vụ đến thay cồn cho bếp, nhưng do ẩu hoặc non kinh nghiệm, người phục vụ 18 tuổi này đã đổ cồn trực tiếp vào bếp trong khi không tắt lửa bếp cồn. Ngay lập tức ngọn lửa phụt lên mạnh mẽ, bắt vào cô gái thực khách đang ngồi ăn và nhanh chóng bao trùm khắp người cô gái này.

Người bạn trai và các nhân viên đã cố gắng dập tắt lửa nhưng việc này không diễn ra nhanh như mong đợi. Cuối cùng cô gái phải đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng bỏng độ 2. Người bạn trai và nhân viên quán ăn cũng bị bỏng nhẹ ở tay và cổ.
Cư dân mạng cũng đã tìm ra thông tin nạn nhân, cô là Dung Khiêm, người Thiểm Tây, Trung Quốc. Nhân viên phục vụ gây ra tai nạn chỉ mới vào nhà hàng này làm được 1 tháng. Điều đáng nói nữa là trong quán không hề thấy có một bình cứu hỏa được sử dụng trong khi dập lửa.
Lẩu nấu trên bếp cồn có vẻ là cách ăn lẩu tiện lợi và ngày càng phổ biến, tuy vậy, thời gian gần đây báo chí thường ghi nhận những sự việc đáng tiếc xảy ra trong khi thay cồn cho bếp cồn, như vụ em Thành, học sinh lớp 12 ở Vĩnh Long (bỏng độ 2-3 trên 70% thân thể) do sơ suất của người bạn khi thay cồn làm lửa bắt vào người. 

Gần đây nhất là trường hợp xảy ra vào 8/5/2015, nạn nhân là cô L.T.H.M. (SN 1992, ngụ quận Bình Tân – TPHCM). Nguyên do là nhân viên phục vụ thấy lửa phừng lên mạnh khi thay cồn, đã hoảng hốt ném chai cồn vào người cô H.M khiến cô bị bốc cháy dữ dội. 

Nạn nhân Thành bị phỏng 70% do sơ suất khi thay cồn.
Điều này cảnh báo người sử dụng lẩu cồn cần phải thật sự cẩn thận, đề phòng những trường hợp thảm họa có thể gây chết người.
Lai Dung (T.H)

Nhận biết tôm bơm tạp chất bằng cách nào?

– Thủy sản nói chung và tôm nói riêng khi bị bơm tạp chất  (đặc biệt tạp chất dạng lỏng) là môi trường phù hợp cho nhiều loại vi khuẩn phát triển. Nếu ăn phải sẽ có nguy cơ ngộ độc, mắc các bệnh nguy hiểm như tả, tiêu chảy, thương hàn, rối loạn tiêu hóa..

Cách nhận biết tôm bị bơm tạp chất

Loại tôm được chọn để bơm tạp chất phần lớn là tôm sú.

Khi chọn tôm, nếu thấy con tôm cứng, thẳng đơ thì đó là tôm đã được bơm tạp chất. Bình thường mình tôm mềm, cong.

Mang tôm bơm tạp chất cứng, phồng căng trong khi mang tôm thường mềm, phẳng.


 

Tôm đã bị bơm hóa chất. Hình minh họa

Về màu sắc, gần như không thể phân biệt được tôm bơm và tôm sạch. Mình tôm bơm tạp chất thường mập, căng bất thường, mập đến nỗi các đốt trên thân tôm gần như bị giãn ra, nhất là đốt nối giữa đầu và thân.

Tôm bơm khi mới chết thường bị phù đầu, gai vểnh, xòe đuôi. Đầu và thân nhanh chóng rời nhau.


 

Tôm bơm tạp chất mình thường căng phồng, mập bất thường. Hình minh họa

Tôm bơm khi nấu chảy nhiều nước, thịt tôm bị teo lại. Khi ăn thịt bở, vị nhạt hơn so với bình thường.

Nếu là tôm bị bơm thạch, khi nấu chín, bóc vỏ tôm ra sẽ dễ dàng thấy lớp rau câu nằm giữa lớp thịt và vỏ tôm. Nhất là ở phần đầu, dưới mang.

Cách chọn tôm tươi ngon

Chắc ăn nhất, bạn hãy tìm mua tôm còn “nhảy tanh tách”, không rớt chân càng, đây là cách an toàn nhất để chắc chắn rằng bạn đang mua tôm tươi sống.

Cách tiếp theo là dành cho tôm đông lạnh hoặc đã hấp, bạn hãy bắt tôm lên, cầm phần đầu và phần đuôi tôm để kéo thẳng tôm ra. Nếu các khớp nối giữa các đốt tôm khít thì là tôm mới, còn nếu các khớp này rộng ra tức là tôm  đã bị để đông lạnh quá lâu.


 

Tôm tươi, ngon là tôm còn sống, vỏ sáng bóng, còn nguyên chân, càng. Hình minh họa

Với tôm sú: Không chọn tôm đã chuyển sang màu hồng vì đó là tôm đã ươn. Với tôm he, ngoài đặc điểm còn sống, bạn nên chọn con nào vỏ có màu hồng trắng, mắt xanh đen. Riêng với tôm sắt, không chọn con có màu hồng đậm vì khi đó tôm đã cũ, không còn tươi ngon.

Về mặt cảm quan, khi mua bạn nên chọn những con tôm có vỏ sáng bóng, tươi tắn. Thịt trong gắn chặt vào vỏ.

Người ta bơm tôm bằng những chất gì?

Dung dịch để bơm tôm nhằm tăng trọng lượng chủ yếu là tinh bột như rau câu, a dao, CMC (chất ổn định dùng để kiểm soát độ nhớt của thủy hải sản)… Các chất này thường được nấu chín hoặc hòa với nước thành dung dịch sền sệt. Sau đó dùng ống tiêm chích trực tiếp vào đầu, thân và đuôi tôm.


 

Tạp chất được bơm vào tôm qua đầu, thân và đuôi. Hình minh họa

Ngoài ra, để giữ được vẻ bề ngoài cho tôm tươi lâu hơn, nhiều thương lái còn dùng hàn the, diêm tiêu, ure… để ướp tôm.

Tôm bơm tạp chất có hại như thế nào?

Theo các chuyên gia về thủy, hải sản, khi tôm, cá có chứa tạp chất lạ, nhất là dạng lỏng sẽ trở thành môi trường thuận lợi cho nhiều loại vi khuẩn nguy hiểm phát triển.

Cụ thể, vi khuẩn vibrio cholarae gây bệnh thổ tả, vi khuẩn salmonella gây bệnh thương hàn, ngộ độc, tiêu chảy, nhiễm trùng máu. Vi khuẩn shigella gây bệnh kiết lị, vi khuẩn escheria coli gây tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa…

Ngoài ra, việc ngâm giữ tôm trong hàn the, ure… cũng  làm tăng khả năng người tiêu dùng bị ngộ độc cấp tính. Ure tích tụ trong cơ thể có thể gây ngộ độc mạn tính, mất ngủ, suy nhược cơ thể, giảm trí nhớ, gây bệnh gan, thận…

THANH GIANG (TH)

Nguồn: http://plo.vn/suc-khoe/dinh-duong/nhan-biet-tom-bom-tap-chat-nhu-the-nao-525647.html

Những nước ăn thịt chó, mèo trên thế giới

Trung Quốc có lễ hội giết chó, Hàn Quốc tiêu thụ khoảng 2,5 triệu con chó mỗi năm, còn Indonesia có một khu chợ thực phẩm chuyên giết mổ chó, chuột, khỉ…

Trung Quốc: Thịt chó là món ẩm thực có lịch sử lâu đời. Tại xã Ngọc Lâm, tỉnh Quảng Tây, một lễ hội giết chó được tổ chức hằng năm vào dịp Hạ chí với số lượng khoảng 5.000 đến 15.000 con chó bị giết trong các ngày lễ. Ở các thành phố miền nam Trung Quốc như Quảng Châu, thịt chó rất phổ biến và được chế biến thành nhiều món như lẩu chó, canh thịt chó, hoặc bít tết chó. Người Trung Quốc cho rằng thịt chó rất bổ dưỡng, ăn thịt chó vào mùa hè sẽ giúp toát mồ hôi.
Indonesia: Ăn thịt chó liên quan đến truyền thống Batak Toba của người Indonesia. Ở đảo Sulawesi, Indonesia còn có khu chợ thực phẩm Tomohon chuyên giết mổ chó, chuột, khỉ, trăn…
Philippines: Ở thủ đô Manila, luật pháp đặc biệt nghiêm cấm việc giết mổ và bán chó làm thịt, trừ các trường hợp nghiên cứu, hoặc kiểm soát số lượng động vật. Tuy nhiên, món thịt chó hầm asocena vẫn được bán ở một số tỉnh phía bắc Philippines. Thịt được ướp giấm trước khi rán và đảo đều với nước sốt cà chua. Thành phần không thể thiếu của món ăn này là gan vì giúp món ăn có độ quánh và thơm hơn.
Hàn Quốc: Người dân ở đây rất thích ăn thịt chó, đặc biệt có cả một “phố thịt chó” ở Seoul. Hằng năm, có khoảng 2,5 triệu con chó và mèo bị giết thịt ở Hàn Quốc với doanh thu lên đến 2 tỷ USD. Rất nhiều người Hàn Quốc ở tuổi trưởng thành cho rằng thịt chó là một trong những món ăn ngon nhất đối với họ. Khi mổ chó, họ hay cất giữ tủ lạnh và lấy ra dùng dần bằng cách nấu lẩu với các loại rau, nấm và được trình bày rất đẹp mắt. Tuy nhiên, món ăn này vướng phải sự phản đối gay gắt của các nhóm bảo vệ động vật và giới trẻ Hàn Quốc.
Việt Nam: Chó là món ăn phổ biến ở nhiều nơi, được coi là món ăn giàu đạm và “giải đen”.
Mexico: Chó (được gọi là itzcuintlis) từ lâu được nuôi để làm thịt ở Mexico. Đã từ hàng trăm năm nay, ăn thịt chó là đặc trưng ẩm thực của nước này. Hiện nay, món ăn này vẫn phổ biến, đặc biệt ở những vùng nghèo.
Thụy Sỹ: Thịt chó mèo là món ăn phổ biến của vùng nông thôn nước này, chủ yếu dùng làm xúc xích, hoặc sấy khô. Giống chó được ưa thích ở đây là Rottweiler, có vị giống như thịt bò, phổ biến ở các vùng như Appenzell, St. Gallen, và Rhine Valley. Mỡ chó còn được sử dụng làm thuốc. Tuy nhiên, luật pháp Thụy Sỹ cấm ăn thịt chó, mèo.
Mỹ: Ở một số nơi của nước Mỹ như Hawaii trong nhiều năm, người ta coi việc ăn thịt vật nuôi là bình thường. Các con vật nuôi còn bị bắt trộm làm thức ăn. Chính quyền Hawaii thông qua điều luật cấm ăn thịt mèo trên đảo, nhưng cuối cùng bị xếp xó vì không tìm được bằng chứng kết tội.
Bắc cực: Chó chủ yếu được dùng để kéo xe ở Bắc cực, tuy nhiên, trong những hoàn cảnh khắc nghiệt, người ta vẫn phải biến chúng thành những nồi soup. Trong lịch sử, chó từng được sử dụng như một loại thực phẩm lúc khẩn cấp ở Siberia, Alaska, phía bắc Canada và Greenland trong nhiều thế kỷ.

10 món ăn “dị” nhất thế giới

–  Những món ăn cay nhất, hư hỏng nhất, hay nguy hiểm nhất, tất cả đều khiến bạn có thể chỉ ngắm nhìn mà chưa chắc sẵn sàng thưởng thức chúng. Hãy cùng khám phá 10 món ăn giữ những kỷ lục kỳ quặc nhất trên thế giới dưới đây.

1. Pho mát mùi thối nhất

Năm 2004, các nhà khoa học tại đại học Bedfordshire đã cho phát minh một chiếc “mũi điện tử” để phân tích mùi các loại phô mai, cùng với một bảng điện tử của 19 người đã tìm ra loại phô mai hôi nhất thế giới. Đó là loại phô mai Vieux Boulogne, một loại phô mai mềm từ phía bắc nước Pháp. Vieux Boulogne còn có mùi kinh khủng hơn cả Epoisses de Bourgogne, một loại phô mai hôi đến mức bị cấm mang đi trên các phương tiện công cộng của Pháp.

2. Món ăn cay nhất

Loại ớt cay nhất thế giới được trồng ở Lincolnshire bởi Nicky Woods and vợ anh là Zoe, đồng sáng lập của Fire Foods. Họ đặt tên cho chúng là “Infinity” và ước tính có hơn 1,067,286 quả được chiết xuất làm sốt Scoville Scale (trong khi sốt tabasco chỉ có hơn 5000 quả).

3. Món ăn nguy hiểm nhất

Đây là một món ăn có lâu đời từ Nhật Bản, có tên là Fugu (cá nóc). Món ăn này nếu không được chế biến theo đúng cách, nó hoàn toàn có thể gây chết người. Đây là một loại cá có chứa chất độc có thể gây tử vong cho người trong cơ quan nội tạng của chúng, đặc biệt là trong gan và buồng trứng. Mặc dù các thống kê có số liệu khác nhau, nhưng Fugu có tỉ lệ gây tử vong là 6.8%, với những ngư dân biển tự chế biến để ăn.

4. Món ăn đắt nhất

Cristiano Savini, một thợ săn nấm đến từ Tuscany ở miền Bắc nước Ý, đã có một cuộc thám hiểm đáng giá nhất vào tháng 1/2007 khi tìm ra một loại nấm trắng khổng lồ nặng 3.3 pound. Cristiano cùng với bố đã tìm ra bởi chú chó Rocco, và ngay sau đó đã bán trong một phiên đấu giá tại một casino ở Macao với giá đắt cắt cổ 330.000$. Piedmont là loại nấm mà ở Ý được cho là món ăn bổ dưỡng nhất thế giới.

5. Món ăn “hư hỏng” nhất

Sushi  truyền thống được trình bày với nhiều màu sắc khác nhau, nhưng để hấp dẫn và thu hút thực khách, một số nhà hàng đã “biến tướng” đi cách trình bày sushi. Nyataimori là hình thức bày sushi trên một cơ thể khỏa thân của người phụ nữ. Những nhà hàng phục vụ Nyataimori  (hoặc là trên cơ thể đàn ông, có tên Nantaimori) là rất hiếm, và giá của một bữa ăn như thế có giá rất đắt.

6. Món ăn rẻ nhất

Đó chính là món ăn về chuột đồng, một loài chuột chuyên phá hại ruộng lúa ở Việt Nam. Chuột được bọc trong lá chuối và nướng lên, bày bán rộng rãi ở các khu chợ vùng quê. Đây là một món ăn rẻ nhất, giống như món dơi phổ biến ở Thái Lan.

7. Món ăn “đáng yêu” nhất

Có thể nó trông thật đáng yêu các lớp học, nhưng loài lợn này khi được đặt lên đĩa thì trông chẳng còn dễ thương một chút nào. Các gia đình Peruvian đã nuôi loài lợn này vì nó được coi là một nguồn thực phẩm dồi dào protein ở Andes. Chúng được đặt tên là Cuy, thường được rán lên và còn giữ lại cả chân tay và đầu. Món ăn này tuy ít thịt nhưng da lại rất dai, và mùi vị giống thì như món thịt thỏ.

8. Món ăn “kinh tởm” nhất

Đây là một loại đặc sản của Sardinian mà nó đã được cảnh báo ảnh hưởng đến sức khỏe. Món ăn kinh khủng này chính là những con giòi có trong pho mát đã bị phân hủy và tìm thấy ở gần các thùng rác, nhưng sự phân hủy của loại “pho mát thối” này lại được khuyến khích. Pecorino Sardo là loại pho mát được để thối rữa nhằm tạo môi trường cho các con giòi sản sinh.Những con giòi này hỗ trợ quá trình lên men và tăng mùi thối cho pho mát. Món ăn này đã bị cấm ở EU, pho mát phục vụ cùng với giòi sống, khi ăn có thể chúng còn ngoe nguẩy và nhảy đến hơn 15 cm.

9. Món ăn khó ngửi nhất

Mùi sầu riêng được coi là rất  khó chịu nên nó đã bị cấm hầu hết trên các loại xe từ taxi, phương tiện công cộng, máy bay trên khắp Đông Nam Á. Tuy nhiên, bản thân loại trái cáy này được cho là rất ngon. Tiểu thuyết gia Anthony Burgess đã mô tả ăn sầu riêng  “giống như ăn quả mâm xôi ngọt ngào trong phòng vệ sinh”.

10. Món ăn “dã man” nhất

mav080

Smalahove, món ăn truyền thống của người Na Uy trong dịp lễ Giáng Sinh. Món ăn được chế biến bằng cách đun đầu cừu trong dầu sôi (trừ bộ não và lông) trong 3 giờ. Phong tục ăn bằng cách ăn tai và mắt đầu tiên, như một video trên Youtube cho thấy, trong khi nó vẫn còn nóng, sau đó ăn từ trước ra sau. Các cơ lưỡi và mắt được xem xét để cắt giảm.

 

Vân Anh (anninhthudo.vn)

Việt Nam nằm trong top các quốc gia có nền ẩm thực cuốn hút nhất thế giới

(MAV.vn) Tạp chí du lịch uy tín của Anh Rough Guides đã bình chọn ra 15 quốc gia có nền ẩm thực tuyệt vời nhất thế giới, trong đó có Việt Nam. Hãy cùng MAV điểm lại những nền ẩm thực có trong danh sách này!

  1. Ý: Ý đứng đầu danh sách này với một nền ẩm thực đầy những hương vị tinh tế, các món ăn uống nổi tiếng khắp thế giới của Ý có thể kể đến Pizza, Spaghetti, Pasta, Kem Ý, Cappuccino.
  2. Thái Lan: Sự hòa trộn của thảo dược, gia vị và các nguyên liệu thực phẩm tươi sống qua những phong cách nấu nướng đặc biệt , tạo ra các hương vị cay, chua, ngọt, đắng, đậm đà, hấp dẫn, đã đem đến cho Thái Lan vị trí thứ 2 của danh sách này.
  3. Ấn Độ: Món ăn Ấn Độ đặc trưng bởi sự phối hợp sử dụng các loại gia vị, rau củ quả bản địa. Hương vị “bùng nổ”, màu sắc hấp dẫn, vị ngọt béo của dừa, nồng cay của ớt, cà ri là những điều không ai có thể quên khi nếm qua các món ăn Ấn Độ.
  4. Nhật Bản: Ngược lại với Ấn Độ, ẩm thực Nhật nổi bật như là một nền ẩm thực không lạm dụng nhiều gia vị, mà chú trọng vào sự tươi ngon, tinh khiết của nguyên liệu tự nhiên. Điều này đã làm nên sự độc đáo của ẩm thực Nhật so với các nơi khác trên thế giới. Bên cạnh đó, ẩm thực Nhật còn được ngưỡng mộ bởi cách trình bày tuyệt đẹp.
  5. Việt Nam: Việt Nam có một nền ẩm thực rất phong phú, đa dạng và đôi khi phức tạp, với sự khác biệt rõ ràng trong hương vị món ăn của từng vùng miền. Đặc điểm nổi bật của những món ăn này là sự dung hòa, kết hợp tinh tế giữa các nguyên liệu, gia vị với nhau tạo thành những món ăn hoàn hảo đối với người thưởng thức.mav085
  6. Trung Quốc: Một đất nước rộng lớn và có nền văn minh lâu đời, dĩ nhiên nền ẩm thực cũng đa dạng và phong phú. Ẩm thực Trung Quốc được chia ra làm 8 phong cách theo vùng địa lý, và mỗi phong cách lại có nhiều trường phái khác nhau. Những món ăn của đất nước này thường đặc yếu tố bổ dưỡng lên hàng đầu.
  7. Pháp: Người Pháp rất coi trọng việc thưởng thức ẩm thực. Ngoài những loại rượu như Champagne, Cognac, Sancerre, Bordeuax… Pháp còn nổi tiếng với các món phổ thông khắp thế giới như patê bánh mì, pho mát, bánh crêpe…
  8. Indonesia: Một đất nước có tới 6000 hòn đảo có người sinh sống hẳn sẽ là chốn phiêu lưu ẩm thực kỳ thú với bất kỳ ai. Nhiều món ăn của đất nước này đã phổ biến khắp Đông Nam Á, như Sa tế, Tempeh… Bên cạnh đó, với vị trí nằm trên các con đường hàng hải lớn, ẩm thực Indonesia còn tiếp thu không ngừng các phong cách ẩm thực từ khắp nơi trên thế giới.
  9. Mexico: Ẩm thực Mexico đã phát triển qua hàng ngàn năm, nó là sự kết hợp giữa ẩm thực của thổ dân và di dân, nên rất đa dạng và phong phú. Đặc trưng của các món ăn ở đây là sự kết hợp giữa nhiều loại gia vị, nguyên liệu và vẻ ngoài đầy màu sắc.
  10. Singapore: Quốc đảo nhỏ bé này có một nền ẩm thực phát triển, với sự kết hợp của nhiều nền ẩm thực lớn như Trung Hoa, Indonesia, Ấn Độ, châu Âu… Những món nổi tiếng ở đây có thể kể đến Tôm say rượu, cháo ếch, cua sốt ớt, cà ri laska…
  11. Tây Ban Nha: Thật thiếu sót lớn nếu không nhắc đến nền ẩm thực lừng danh của Tây Ban Nha. Ẩm thực ở quốc gia này rất phong phú, và do vị trí địa lý, nó đầy ắp những món ăn hấp dẫn làm từ hải sản qua hàng ngàn cách chế biến khác nhau. Những nguyên liệu đặc trưng trong nền ẩm thực này có thể kể đến Cà chua, khoai tây, Ớt xanh, hạt đậu, dầu ô liu…
  12. Thổ Nhĩ Kỳ: Có lẽ hiếm ai mà không biết đến món Kebab, một món thịt nướng “kỳ diệu” của Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng không chỉ có thế, đất nước này còn nhiều món đặc biệt ngon như Simit, Mezze,… Thổ là đất nước hảo ngọt nên đừng quên khám phá những món bánh kẹo ngọt ở quốc gia lâu đời này.
  13. Anh: Ẩm thực cổ truyền của Anh thường được coi là không có gì đặc sắc, thậm chí là nhàm chán, vì quá béo hay quá khô khan. Nhưng có lẽ cũng vì lẽ đó mà nhiều người muốn tìm hiểu thêm về nó.
  14. Lebanon: Đại diện thứ 2 cho vùng Trung Đông là Lebanon, một quốc gia nhỏ bé nhưng lại nổi tiếng ngon lành nhờ có một nguồn sản vật phong phú và đa dạng. Điểm hấp dẫn chính ở Lebanon là các món ăn hải sản cùng với các loại trái cây thơm ngọt.
  15. Malaysia: Cũng như nhiều quốc gia đông nam Á khác, Malaysia là một điểm đến nổi bật của các tín đồ ẩm thực với một nền ẩm thực đa dạng cùng các kỹ thuật chế biến độc đáo. Ngoài phong cách ẩm thực bản địa như Ikan bakar, Nasi lemak, Malaysia còn tiếp thu các phong cách ẩm thực của Ấn Độ, Trung Hoa như Nasi Kandar, Mì xào…

Mỹ Mạnh (MAV.vn)

7 món ăn được tranh giành “quyết liệt” trên thế giới

Kimchi, pho mát feta, xúc xích… đều là chủ đề nóng khi nói đến ẩm thực của nhiều quốc gia trên thế giới.

Kimchi là món ăn được nhắc đến như một đại diện của ẩm thực Hàn Quốc. Tuy nhiên, vào năm 1996 kimchi trở thành chủ đề tranh cãi của hai nước Hàn Quốc và Nhật Bản. Đó là thời điểm Nhật Bản đề nghị món kimchi của Nhật (trong tiếng Nhật gọi là kimuchi) làm món ăn chính thức trong Thế vận hội diễn ra năm 2000.

Feta, một loại pho mát truyền thống làm từ sữa dê và sữa cừu, là trung tâm của cuộc tranh giành thương hiệu ẩm thực diễn ra giữa các nước châu Âu gần 20 năm qua. Loại pho mát này từng trở thành chủ thể tranh cãi trước tòa vì Hy Lạp muốn feta trở thành món ăn quốc gia chính thức và có độc quyền sử dụng thương hiệu, trong khi Đan Mạch, Đức, Bulgaria… cũng chỉ ra những luận điểm để đưa món pho mát feta về làm của riêng.

Hummus là một món ăn của vùng Trung Đông và Ả Rập, làm từ đậu chickpea nấu chín, nghiền nhuyễn trộn với xốt tahini, dầu ô liu, nước cốt chanh muối và tỏi. Các đầu bếp Israel đã lập kỷ lục nấu chảo hummus lớn nhất vào tháng 1/2010 từ hơn 4 tấn nguyên liệu. Tháng 5/2010 kỷ lục này đã bị phá vỡ vì các đầu bếp Lebanon nấu hummus đã sử dụng tới hơn 10 tấn nguyên liệu. Cả người Lebanon và người Israel đều tuyên bố hummus là món ăn dân tộc của mình nhưng đến nay vẫn chưa có bên chiến thắng.

 

Australia và New Zealand luôn tranh cãi về nguồn gốc của pavlova, một món ăn tráng miệng xốp phồng, mềm mại. Pavlova được cho là đặt theo tên của Anna Pavlova, một vũ công xinh đẹp người Nga. Từ điển quốc gia Australia mô tả pavlova là món tráng miệng nổi tiếng của nước họ. Bà Helen Leach, nhà nghiên cứu ẩm thực New Zealand, lại chỉ ra rằng có cả một thư viện sách nấu ăn ghi chép lại 667 công thức làm pavlova. Và có tới 21 công thức từ năm 1940, khi người Australia đầu tiên có mặt.

Xúc xích là chủ đề ẩm thực gây tranh cãi giữa hai nước Slovenia và Áo. Thành phố Vienna cho rằng món ngon này lần đầu tiên được làm ra ở Áo và người Áo tạo nên cái tên Keaese Krainer. Slovenia thì nhận định rằng, xúc xích được chế biến lần đầu ở vùng Kranjska (phía bắc Slovenia) vào thế kỷ 19.

Singapore gọi đây là yusheng và khi ở Malaysia thì món ăn có tên yee sang. Món gỏi cá này gồm: củ cải và cà rốt nạo, bưởi, xà lách, lạc rang, vừng bột chiên nước sốt từ quả mận, đồ chua, và cá sống thái lát. Một chuyên gia người Singapore đã lập trang Facebook riêng để đấu tranh cho yusheng là món ăn quốc gia và đăng ký vào danh sách di sản phi vật thể của UNESCO. Bộ trưởng du lịch Malaysia thì cho biết: “Malaysia không thể để mất món ăn của đất nước được”.

Cuộc chiến về nguồn gốc của khoai tây giữa hai nước Chile và Peru bắt đầu từ khi Andres Contreras, giảng viên trường Đại học Chile’s Austral, cố gắng đăng ký cho 280 loại khoai tây ở đảo Chiloe có nguồn gốc từ Chile. Tranh cãi phát triển gay gắt đến mức người Peru còn đưa vụ việc lên cấp Liên Hợp Quốc.

Hương Chi (VNexpress.net: http://dulich.vnexpress.net/photo/am-thuc/7-mon-an-duoc-tranh-gianh-nhieu-nhat-the-gioi-3087148.html)

 

Những tập quán ẩm thực độc đáo trên thế giới

Ở Canada đi ăn muộn là lịch sự còn với người Đức việc đến trễ giờ ăn lại là điều khiếm nhã và khó chấp nhận.

Những phong tục tập quán trên bàn ăn được xem như chuẩn mực và mọi người đều phải được dạy từ khi là một đứa trẻ. Mỗi vùng miền, mỗi đất nước trên thế giới lại có một tập quán ăn uống riêng, tạo nên nhiều nét độc đáo và thú vị.

Afghanistan – Hôn bánh mì đã rơi xuống nền nhà

Ở Afghanistan, khi bánh mì đã rơi xuống nền nhà sẽ được nhặt lên và hôn để tỏ lòng kính trọng.

Nam Mỹ – Đổ rượu để bày tỏ sự tôn kính với “mẹ thế giới”

Ở một số vùng của Peru, Argentina, Chile và Bolivia, bữa ăn tối để dành cho Pachamama, một nữ thần được tôn thờ bởi những người dân địa phương ở dãy Andes. Khi uống trong bữa tối người dân nơi đây thường đổ một chút rượu xuống đất và đọc: “Para la Pachamama” để tiến hành nghi lễ “ch’alla”.

Canada – Đi ăn muộn

Việc đến muộn khi ăn là chuyện được chấp nhận ở Canada, và nếu bạn đến đúng giờ hoặc sớm hơn lại bị xem là điều kỳ quặc.

Chile – Luôn phải ăn bằng dao, dĩa…

Người Chile luôn luôn dùng các đồ như dao, dĩa, thìa… để ăn uống. Trong bữa ăn dù chỉ đụng chạm bất kỳ một đồ ăn nào trên bàn bằng tay cũng bị coi là hành động xấu xa.

Trung Quốc – Làm bừa bộn và ợ

Ở Trung Quốc, người chủ nhà biết rằng bạn thưởng thức bữa ăn rất thoải mái khi thấy bàn ăn đã bị làm cho bừa bộn. Nếu chỉ còn một ít thức ăn thừa trên đĩa thì có nghĩa là bạn đã ăn rất no, nhưng ăn không hết sạch cơm trong bát sẽ bị coi là rất thô lỗ. Ngoài ra, tiếng ợ sau khi dùng bữa là một cách thể hiện lời khen về đồ ăn ngon đối với chủ nhà.

Ai Cập – Rót rượu cho người khác

Người Ai Cập có một tập tục là rót rượu cho người khác và chờ được rót lại vì tự lấy đồ uống rót cho bản thân là điều không thể chấp nhận được ở Ai Cập.. Nếu ly của bạn chưa được rót đầy và người khác quên rót thêm thì bạn nên nhắc họ.

Anh – Đưa rượu vang đỏ sang bên trái

Trên bàn ăn ở nước Anh, rượu vang đỏ liên tục được chuyển sang người ngồi bên trái cho đến khi hết một vòng. Một số người cho rằng đây là truyền thống của hải quân (khi đứng quay mặt vào phía bánh lái, cảng luôn nằm bên trái của thuyền), tuy nhiên vẫn chưa có ai đưa ra lý do chính xác.

Khi chai rượu không được chuyền mà yêu cầu lấy rượu trở thành hành động rất bất lịch sự. Thay vào đó, người kế bên có thể hỏi người đang giữ chai rượu một câu “Anh có biết Bishop của Norwich không?” . Nếu họ trả lời “không biết” thì có nghĩa: Anh chàng đó rất tốt, nhưng anh ta là người thường quên đưa rượu cho người bên cạnh.

Ethiopia – Ăn chung một đĩa

Người Ethiopia thường ăn chung trong một đĩa lớn, thỉnh thoảng lắm họ mới ăn đĩa riêng, vì đĩa riêng đồng nghĩa với lãng phí. Một số vùng của Ethiopia có truyền thống “gursha” nghĩa là người này bón đồ ăn cho người khác.

Pháp – Dùng bánh mì như dụng cụ ăn uống

Người Pháp thường ăn bánh mì và dùng chúng như một chiếc muỗng để lấy đồ ăn từ đĩa cho vào miệng. Ngoài ra bánh mì cũng có thể được sử dụng giống như dao hoặc dĩa.

Georgia – Chúc rượu và uống hết ly trong một hơi

Ở nước Cộng Hòa Georgia, việc chúc rượu mất cả tiếng đồng hồ. Mọi người ngồi quanh một bàn tròn để chúc rượu nhau và khi uống sẽ phải uống hết ly rượu chỉ trong một hơi. Lúc tất cả cùng xong việc chúc rượu, họ sẽ lại đi vòng quanh bàn. 10 đến 15 ly mỗi người là chuyện bình thường trong một bữa tối, người Georgia chỉ chúc rượu bằng vang hoặc vodka.

Đức – Đi ăn đúng giờ

Người Đức thường đi ăn rất đúng giờ vì việc đến muộn bị xem là rất bất lịch sự và cho thấy sự thiếu tôn trọng.

Ấn Độ – Ăn bằng tay phải

Ở Ấn Độ, người dân chỉ dùng tay phải để ăn và đưa đồ vật. Người Ấn Độ quan niệm tay phải đại diện cho cái thiện với tính đúng đắn, công lý, còn tay trái đại diện cho cái ác, nhơ bẩn và xấu xa.

Nhật Bản – Tạo ra tiếng xì xụp khi ăn

Việc tạo ra tiếng động xì xụp khi ăn mì hoặc súp được xem là một dấu hiệu cho thấy sự cảm kích của người ăn đối với người nấu. Tiếng động càng to thì lời cảm ơn càng lớn.

Hàn Quốc – Khoanh tay để đồng ý khi ăn uống

Khi muốn đồng ý bất kể một loại đồ ăn thức uống nào, người Hàn Quốc thường khoanh hai tay lại với nhau.

Mexico – Ăn tacos bằng tay không

Người dân Mexico chỉ cần dùng tay không để cầm nắm và ăn tacos, vì nếu dùng dao, dĩa để ăn tacos sẽ bị xem là hành động ngu ngốc và màu mè.

Nga – Luôn nhận lời mời uống

Mời người khác uống thể hiện sự tin tưởng và tình bạn cho nên việc từ chối lời mời sẽ là rất khiếm nhã.

Tanzania – Giấu lòng bàn chân khi ngồi ăn

Ngồi khoanh chân trên một chiếc thảm hoặc chiếu khi ăn là một phong tục của người Tanzania. Tuy nhiên phải giấu được lòng bàn chân của mình vì nếu để lộ sẽ bị coi là một hành động cực kỳ thô lỗ.

Hương Chi  (Vnexpress.net)

CÓ MỘT ‘XỨ QUẢNG’ NGAY GIỮA LÒNG SÀI GÒN

 

Vùng Bảy Hiền ở Tân Bình, lâu nay được biết tới như một Quảng Nam thu nhỏ giữa lòng Sài Gòn, với làng dệt Bảy Hiền, với chợ Bà Hoa, với mì quảng, bê thui, bánh đập, với những con người tuy sống ở Sài Gòn lâu năm, mà vẫn nói riêng một giọng Quảng Nam khó lẫn lộn.

Địa danh Bảy Hiền có từ xưa. Bảy là thứ bậc trong gia đình, Hiền là tên của một nhân vật, ngày nay chỉ còn được biết tới qua hình tượng một ông cụ nhân hậu, hay giúp đỡ người khác, sống bằng nghề đổi nước sạch tại vùng đất này. Ông Bảy Hiền đã trở thành người thiên cổ từ lâu, nhưng cái cách kêu tên bình dị ấy còn được giữ làm tên đất.

Nếu không tính thời người dân Việt từ Ngũ Quảng vào miền Nam mở đất, do đã quá xa xưa, thì người Quảng hội tụ về vùng Bảy Hiền vào khoảng thập niên 1960 của thế kỉ trước. Họ là cư dân của các vùng Điện Bàn, Duy Xuyên của Quảng Nam, vào Sài Gòn, đem theo nghề dệt truyền thống. Làng dệt Bảy Hiền hình thành từ đó, về sau phát triển mạnh, trở thành một trong những chỗ cung cấp vải vóc chính cho thành phố Sài Gòn. Vùng Bảy Hiền từ một chốn đất rộng người thưa, dần trở nên nhộn nhịp, đông đúc. Người dân từ xứ Quảng, mà nhiều nhất là gốc Quảng Nam, theo đó đổ về đây lập nghiệp, tạo thành một cộng đồng gốc Quảng lớn nhất Sài Gòn, mà có lẽ cũng lớn nhất Việt Nam, nếu không tính xứ Quảng.

 

Ngoài nghề dệt, những con người đất Quảng còn đem tới Bảy Hiền các đặc sản văn hóa của quê mình. Ẩm thực là một điểm mạnh, các tiệm bê thui, mì Quảng mọc lên ngày một nhiều, cạnh tranh nhau về chất lượng. Cho tới nay, tuy mì Quảng đã phổ biến khắp Sài Gòn, nhưng nói ăn mì Quảng người ta vẫn nghĩ tới các tiệm mì Quảng ở khu Bảy Hiền, vì cho rằng mì Quảng ở đây đạt chuẩn, đúng hương vị Quảng nhất. Năm 1967, chợ Bà Hoa thành lập ở trung tâm làng dệt Bảy Hiền, người Quảng nhanh chóng biến chợ này thành một ngôi chợ Quảng Nam, với đầy đủ các đặc sản chính gốc Quảng: bánh tổ, bánh in, bánh đập, kẹo mạch nha, đường phổi, mắm cái, mắm dưa, cá chuồn, dầu phộng, tương ớt Hội An… Chợ Bà Hoa, nhờ giữ phong độ gốc Quảng ấy, cho tới nay đã trở thành điểm mua sắm, tham quan độc đáo của thành phố.

Ngoài văn hóa ẩm thực, các phong tục tập quán của xứ Quảng cũng được cư dân Bảy Hiền gìn giữ và phát huy, tạo thành những điểm nhấn đặc sắc trong một cộng đồng đa văn hóa của thành phố. Tục cúng xóm đầu năm là một ví dụ. Sau tết Nguyên đán, từ ngày mùng 8 tới 12 tháng Giêng, cư dân khu Bảy Hiền cùng đóng góp để làm lễ cúng xóm, với đầy đủ nghi thức trang nghiêm. Bàn cúng được bày ở ngay trên đường, với nhang đèn, cờ hoa, chiêng trống, người làm lễ mặc khăn đóng áo dài truyền thống. Sau lễ, bà con hội tụ với nhau ăn uống liên hoan vui vẻ, thân tình, làm gắn kết thêm tình cảm xóm giềng, mà cũng để chung tay xí xóa những chuyện xích mích lớn nhỏ trong năm cũ. Những sinh hoạt cộng đồng dân gian ấm áp tình làng xóm thế này, thật là hiếm thấy ở giữa Sài thành, nơi nổi tiếng thân thiện, nhưng hầu như nhà nào lo phần nhà nấy.

Bên cạnh các sự kiện lễ cúng, Bảy Hiền còn là nơi để đến tham gia các hoạt động văn nghệ, giải trí dân gian, như hát tuồng, bài chòi. Hấp dẫn nhất trong những ngày tết, đối với cả người lớn lẫn trẻ nhỏ, là lễ hội Bài chòi, thường được tổ chức tại trung tâm văn hóa phường 11. Đây là một trò chơi đậm chất nghệ thuật dân gian của xứ Quảng, người chơi vừa tham gia chơi, vừa được thưởng thức văn nghệ qua những câu hô bài chòi duyên dáng mà hài hước.

Nói đến các đặc sản của xứ Quảng, rồi thì không thể không nói đến giọng Quảng. Người Quảng hiểu rõ sự độc đáo trong chất giọng địa phương của mình, nên cho dẫu tha phương cầu thực, vẫn giữ cho mình cái vốn giọng Quảng đặc trưng, để tự hào về nguồn gốc, mà cũng để nhận đồng hương. Người dân Bảy Hiền, khi giao tiếp với người vùng khác thì tùy cơ ứng biến, nhưng khi nói chuyện với người dân “quê ta”, vẫn dùng giọng Quảng đặc sệt. Đến chợ Bà Hoa, ngoài thưởng thức bê thui, lòng xào nghệ, bánh đập, mì quảng, thì còn được thưởng thức giọng Quảng hiền lành, mộc mạc, không khác gì lạc vào một chợ Quảng Nam cách Sài Gòn gần một ngàn cây số.

Sài Gòn đất lành chim đậu, chuyện người miền trung, miền bắc vào đây sinh cơ lập nghiệp không phải chuyện lạ, nhưng có được một cộng đồng lớn và nhiều ảnh hưởng mà vẫn giữ lại những bản sắc quê hương như ở khu Bảy Hiền, có thể coi là một kì tích. Theo một thống kê, thì cư dân Bảy Hiền có tới 90% là người gốc Quảng, tập trung đông nhất ở các phường 11, 12, 13 của quận Tân Bình. Với đầy đủ các yếu tố về văn hóa, cư dân, ngôn ngữ, nói khu Bảy Hiền là một Quảng Nam thu nhỏ giữa lòng Sài Gòn, không còn là một cách nói ví von bay bổng nữa.

Mỹ Mạnh (MAV.vn)

Những món ăn đã và đang bị cấm trên thế giới

Ngoài pho mát Casu Marzu, trứng cá muối Beluga, chim sẻ rừng, một số loại thực phẩm vì nhiều lý do đã bị cấm ở nhiều quốc gia.
Sữa thô
Trong các loại thực phẩm có chứa nguy cơ ngộ độc, sữa thô là loại thực phẩm nguy hiểm nhất
Sữa được vắt trực tiếp từ động vật cho sữa như bò, dê, cừu… chưa qua giai đoạn tiệt trùng, được các nhà nghiên cứu khẳng định là chứa nhiều vi khuẩn, vi trùng, ký sinh trùng gây hại, có thể gây nên các bệnh về dạ dày, đường ruột. Trong các loại thực phẩm có chứa nguy cơ ngộ độc, sữa thô là loại thực phẩm nguy hiểm nhất, được Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) khẳng định là có khả năng gây bệnh cao hơn 150 lần so với sữa đã tiệt trùng. Đó là lý do vì sao loại sữa này bị cấm ở nhiều quốc gia mà Mỹ là một thí dụ.
Cá nóc
Cá nóc chứa một chuỗi chất cực độc có thể gây chết người
Fugu Sushi là một món ăn truyền thống của Nhật Bản. Theo thống kê, ở đất nước này có đến 1500 tiệm Restaurants Fugu Sushi chuyên bán cá nóc phục vụ cho 26 triệu dân ở Tokyo và các vùng lân cận. Món ăn này được làm từ cá nóc sống và rất được người Nhật ưa thích. Tuy nhiên, chỉ những đầu bếp có bằng cấp chuyên nghiệp mới biết cách làm thịt cá nóc. Mặc dù có hương vị rất ngon, nhưng loại cá này lại chứa một chuỗi chất cực độc có thể gây chết người mà chỉ những người làm bếp có kinh nghiệm mới biết cách loại bỏ. Không ai muốn thử thách với sự sống quý giá. Và kết quả là cá nóc bị cấm gần như ở tất cả mọi quốc gia trên thế giới.
Absinthe
Absinthe còn có tên gọi khác là “Nàng tiên xanh” – Thức uống ưa thích của nhiều danh nhân
Loại đồ uống làm từ thảo mộc, thành phần chính là cây khổ ngải, một chi họ ngải cứu – Absinthe là thức uống ưa thích của nhiều người nổi tiếng. Chính tác dụng gây ảo giác khiến thức uống này có thời gian bị cấm tại nhiều quốc gia do bị cho rằng nguy hại tới thần kinh của con người, bao gồm Pháp, Mỹ, Thụy Sĩ…. Hiện tại, sau khi được “giải oan”, Absinthe đã được “phục hưng” nhưng do định kiến trong lịch sử, thức uống này vẫn bị dè chừng ở một số quốc gia.
Măng cụt
Chính phủ Mỹ từng lo ngại măng cụt sẽ mang mầm mống ruồi giấm xâm nhập đất nước
Mỹ đã ra lệnh cấm nhập khẩu măng cụt từ Nam Á, do lo sợ loại trái cây ngọt ngào này sẽ mang mầm mống ruồi giấm xâm nhập đất nước. Tuy nhiên, lệnh cấm này cũng đã được dỡ bỏ vào năm 2007, với điều kiện măng cụt sẽ được chiếu xạ loại bỏ hoàn toàn trứng và ấu trùng côn trùng, trước khi mang vào nội địa Mỹ.
Gan ngỗng
Tổ chức bảo vệ động vật PETA kêu gọi ngừng sử dụng gan ngỗng
Đi liền với giá cả đắt đỏ, Foie Gras hay còn gọi là gan ngỗng là niềm tự hào của ẩm thực nước Pháp. Tuy nhiên, vì lý do nhân đạo và lời kêu gọi của tổ chức bảo vệ động vật PETA , nhiều quốc gia đã cấm hoàn toàn việc nhập khẩu gan ngỗng cũng như các món ăn từ gan ngỗng. Nguyên do cụ thể là việc đối xử thậm tệ với loài vật này, khi ép buộc chúng theo một thực đơn làm gan nhiễm mỡ, để trở thành một loại bơ đặc biệt. Bắt đầu từ nước Mỹ, hiện tại, gan ngỗng không còn được xuất hiện ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Chocolate hình quả trứng Kinder 
Chocolate hình quả trứng Kinder tưởng chừng vô hại cũng đã bị cấm tại Mỹ
Việc chocolate hình quả trứng Kinder lọt vào danh sách những thực phẩm bị cấm ở Mỹ quả thực là điều đáng ngạc nhiên. Nguyên nhân bị cấm là do chính phủ Mỹ lo ngại loại chocolate có chứa sữa tươi cao cấp đầy quyến rũ này có thể gây nguy hiểm cho trẻ em trong khi ăn, cụ thể là có thể gây nghẹn, nghẹt thở do ăn quá vội vã, ham mê hoặc thiếu kiểm soát.
Súp vây cá mập
Luật bảo tồn nước Mỹ đã lên tiếng về lệnh cấm món súp vây cá mập
Món ăn bắt nguồn từ Trung Quốc bị cấm ở hàng loạt các quốc gia và vùng lãnh thổ như Malaysia, Mỹ, Hồng Kông, Đài Loan… vì lý do nhân đạo, bảo vệ loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng ở đại dương. Mỹ đã cấm đánh bắt cá mập để lấy vây trong lãnh hải nước này từ năm 2000. Luật bảo tồn nước này cũng lên tiếng về lệnh cấm món súp vây cá mập. Năm ngoái, việc Tổng thống Mỹ Barack Obama ghé qua một nhà hàng người Hoa đã dấy lên một cuộc tranh luận, vì thực đơn của nhà hàng này có món súp vây cá mập.
Haggis
Món ăn quốc hồn quốc túy của Scotland bị cấm tại Mỹ
Haggis là một món ăn truyền thống của Scotland, được làm từ phổi, tim, gan cừu băm nhỏ trộn gia vị nhồi vào bao tử cừu, dùng chỉ khâu lại rồi luộc chín. Ở Scotland, món này được xem là một trong những quốc hồn quốc túy. Tuy nhiên, ở Mỹ, một trong những thành phần chính của Haggis – Phổi cừu hoàn toàn bị cấm.
Libero (vietvanhoa)

Hai chàng Tây làm clip ca ngợi Mỳ Quảng

Ca khúc “The Mì Quảng song” kết hợp giữa pop và rap của hai chàng trai tây cùng một số người bạn Việt Nam làm ở Đà Nẵng, sau 1 tuần đăng lên facebook đã thu hút 175 ngàn người xem và con số cũng tiếp tục tăng nhanh mỗi ngày.

Ca khúc do hai chàng Tây trong clip, Jake Schofield và Ashlin Aronin sáng tác, với nội dung bằng tiếng Anh, thỉnh thoảng có vài câu tiếng Việt: đói quá!, cơm, “mì quảng”, chợ, nước mắm, đi ăn sáng phải là mì Quảng ở chợ Phước Mỹ…

Ca khúc, bằng một giọng điệu đầy tinh nghịch, đã ca ngợi món Mỳ Quảng của đất Quảng Nam như một món ăn sáng tuyệt vời, bá đạo, thần thánh nhất nhưng cũng rất rẻ bèo (15 ngàn), dưới góc nhìn của người phương Tây “sành sỏi” các món ăn, nguyên liệu Việt vốn không dễ làm quen.

Tuy nhiên video clip cũng nhận được nhiều chỉ trích khi phần cuối clip, các bạn trêu đùa nhau bằng món ăn và các ý kiến cho rằng điều đó là “lãng phí”, “thô thiển”, thậm chí là “xúc phạm” sợi mì Quảng. Ý kiến phê phán phần cuối clip của Ryan Duy Hùng, một ca sĩ người Mỹ khá nổi tiếng trong cộng đồng youtube, đã nhận được nhiều like đồng tình.

Bên cạnh đó, có những bạn gửi lời cảm ơn đến tác giả ca khúc đã góp phần quảng bá món Mỳ Quảng đến với thế giới.

Mời các bạn cùng xem để đánh giá “The Mì Quảng Song”, có lẽ là ca khúc đầu tiên về món mì nổi tiếng của xứ Quảng:

Bé Thúi (MAV.vn)

11 món tráng miệng đắt nhất thế giới

Được làm từ nguyên liệu hảo hạng, những món tráng miệng này có giá từ vài nghìn đến hàng triệu USD.

11. Bánh nướng – Nhà hàng Sweet Surrender, Las Vegas, Mỹ (750 USD)Bánh nướng Decadence D’Or có trong thực đơn của nhà hàng Sweet Surrender, thuộc khách sạn Palazzo, có giá tới 750 USD. Loại bánh này được phủ chocolate Venezuela, kem bơ vanilla Tahitain, rượu cognac 100 năm và trang trí bằng lá vàng.
10. Bánh vòng – Khách sạn Westin, New York, Mỹ (1.000 USD)Loại bánh vòng này là sản phẩm sáng tạo của đầu bếp Frank Tujague, thuộc khách sạn Westin, New York, và được bán nhằm gây quỹ cho học bổng Les Amis d’Escoffier dành cho sinh viên ngành ẩm thực. Bánh vòng này được phủ pho mát kem nấm trắng, thạch Riesling và lá vàng. Điều khiến bánh có giá đắt đỏ là vì nấm trắng truffle Alba rất quý hiếm.
9. Kem Golden Opulence Sundae – Nhà hàng Serendipity 3, New York, Mỹ (1.000 USD)Kem Golden Opulence Sundae được làm từ kem vanilla Tahitian hảo hạng cùng với đậu vanilla Madagascar và chocolate Chuao quý hiếm từ Venenzuela. Ngoài ra, món tráng miệng này còn được trang trí với lá vàng 23 carat. Không chỉ vậy, Golden Opulence Sundae còn được phủ loại chocolate đắt nhất thế giới Amedei Porcelana, cùng với mứt hoa quả, hạnh nhân, truffle chocolate và cherry. Món ăn 1.000 USD này được đựng trong ly pha lê Baccarat Harcourt và dùng với muỗng vàng 18 carat.
8. Macaroons – Haute Couture (7.414 USD)Pierre Hermé, chuyên gia làm bánh tại Paris, đưa ra cho khách hàng thêm một lựa chọn về loại bánh với các thành phần như giấm thơm, fleur de sel, rượu vang, bơ đậu phộng… Giá loại bánh này lên tới hơn 7.000 USD.
7. Fortress Stilt Fisherman Indulgence – Fortress Resort & Spa, Sri Lanka (14.500 USD)Kem trái cây, hạnh nhân Fortress Stilt Fisherman Indulgence được trang trí lá vàng, cùng kem Ireland và hoa quả tươi. Món kem này được dùng với mứt xoài, lựu và sâm banh Dom Perignon. Ngoài ra, món này còn được trang trí với chocolate làm thủ công Fortress.
6. Kem Chocolate Haute – Serendipity 3, New Yor, Mỹ (25.000 USD)Là một món tráng miệng đắt đỏ khác trong thực đơn của nhà hàng Serendipity 3, Frozen Haute Chocolate được làm từ 28 loại cacao hiếm và đắt đỏ. Món ăn còn được phủ 5 gram vàng 23 carat và đựng trong ly bằng vàng ăn được. Ngoài ra, dưới đế của ly này còn có vòng cổ vàng 18 carat và kim cương trắng 1 carat.
5. Bánh Cannoli vàng – Nhà hàng Jasper, Kansas, Mỹ (26.000 USD)Jasper Mirable, đầu bếp kiêm chủ nhà hàng Jasper, cùng với đội ngũ của hãng trang sức nổi tiếng và nhãn hiệu bánh Sprinkled with Sugar sáng tạo món bánh Cannoli đắt nhất thế giới. Món bánh này được làm từ pho mát ricotta trộn chocolate, mứt vỏ cam, chanh, quả hạnh và lá vàng.
4. Pudding Chocolate – Khách sạn Lindeth Howe Country House Anh (35.000 USD)Đầu bếp Marc Guibert của khách sạn Lindeth Howe Country House đã sáng tạo loại bánh pudding hảo hạng này từ chocolate cao cấp, trứng cá muối vàng và trang trí kim cương 2 carat. Bánh này được làm từ 4 loại chocolate cao cấp nhất của Bỉ, và để thưởng thức, thực khách phải đặt trước 3 tuần.
3. Kem – Nhà hàng Three Twins Ice Cream, Kilimanjaro, Tanzania (60.000 USD)Điều khiến món kem này siêu đắt là bởi nó được làm từ loại băng đang dần biến mất của núi Kilimanjaro, thuộc Tanzania, châu Phi. Giá của món này cũng bao gồm giá vé máy bay hạng nhất Tanzania, cùng phòng nghỉ khách sạn 5 sao, hoạt động leo núi, lượng kem tùy thích và áo lưu niệm làm từ cotton hữu cơ.
2. Strawberries Arnaud – Arnaud’s, New Orleans, Mỹ (1,4 triệu USD)Món tráng miệng này là sự pha trộn độc đáo giữa dâu tây, kem vanilla, sốt rượu vang đỏ, kem tươi và bạc hà. Món này còn đi kèm với viên kim cương 5 carat từng thuộc sở hữu của nhà tài chính người Anh Ernest Cassel.
1. Bánh hoa quả kim cương (1,65 triệu USD)Chuyên gia làm bánh người Nhật Jeong Hong-Yong đã sáng tạo ra chiếc bánh này cùng 223 viên kim cương. Chiếc bánh mất tới 6 tháng để hoàn thành.

Hoài Thu (Zing.vn)

5 món ăn kinh dị nổi tiếng Trung Quốc

 Tại Trung Quốc tồn tại nhiều món ăn khá kỳ lạ, thậm chí là kinh dị mà chỉ cần nghe tên thôi đã làm nhiều thực khách thấy rùng mình.

Món “ba tiếng hét”

Món ăn tươi sống San Zhi Er còn được biết đến với cái tên “ba tiếng hét”. Món ăn được ca ngợi là liều thuốc tăng cường sinh lực của phái mạnh. Món ăn tươi sống “khủng khiếp” này được chế biến từ những con chuột đỏ hỏn chưa kịp mọc lông và mở mắt.

Sau đó dùng những chiếc đũa lạnh lẽo kẹp chặt cơ thể non nớt của chúng nhúng vào nước sốt ăn kèm. Nhiều người đã chết ngất vì cảnh tượng này, thậm chí là đứng tim khi chứng kiến những cơ thể đỏ hỏn run rẩy trút hơi thở cuối cùng trước khi rơi vào miệng của những thực khách bạo gan.

Dù được xem là nguồn lây lan các bệnh truyền nhiễm nhưng “ba tiếng hét” vẫn được tiêu thụ rộng rãi. Họ cho rằng, những chú chuột non rất bổ dưỡng và giúp tăng cường sinh lực phái mạnh.

Món trứng luộc từ… nước tiểu

Đến tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, du khách sẽ được thưởng thức món trứng gà luộc bằng… nước tiểu. Món ăn này còn được xếp vào một loại thực phẩm thuộc văn hóa ẩm thực.

Nước tiểu họ sử dụng để luộc trứng là nước tiểu của trẻ con. Họ sẽ cho trứng vào 1 trong nồi có chứa nước tiểu rồi luộc lên, sau khi trứng chín, họ bóc vỏ và tiếp tục cho vào nồi luộc tiếp trong vòng 1 ngày, 1 đêm nữa. Theo những người dân địa phương thì đây là một phương pháp luộc trứng rất tốt, những quả trứng này tốt cho sức khỏe và giúp nâng cao khả năng tập trung của trí óc.

Món nhau thai người

Người Trung Quốc có niềm tin mạnh mẽ là nhau thai có thể tránh suy nhược sau khi sinh nở, cải thiện nguồn sữa và tăng cường sinh lực. Chính vì vậy, nó trở thành thói quen phổ biến hàng ngàn năm ở đây. Ngay cả những người phụ nữ cũng dễ dàng chấp nhận việc ăn nhau thai của chính mình.

Món mắt cá ngừ

Đây có lẽ là một món ăn khiến không ít người ghê sợ khi nhìn thấy. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy nhãn cầu cá ngừ được bán tại các nhà hàng ở Trung Quốc và Nhật Bản. Những e ngại về hình thái bên ngoài chắc chắn là rào cản đối với thực khách, nhưng hương vị và sự đặc biệt mới chính là điểm hấp dẫn của các món ăn được chế biến từ mắt cá ngừ đại dương.

Những con mắt to bằng quả trứng gà, với hương vị bùi béo và phần thịt thơm ngon ở đáy mắt, như mùi mực luộc là nhận xét mà những thực khách gan dạ đã nếm thử. Hơn nữa, giá trị dinh dưỡng cao với DHA và giàu Omega 3 sẽ là những yếu tố để bạn “thi gan” cùng món ăn này.

Món dương vật của chó

Dương vật của chó được bán rộng rãi trong các nhà hàng sang trọng Bắc Kinh. Món ăn có đầy đủ các chất dinh dưỡng mang lại sức mạnh cho cánh mày râu và có chứa albumin gelatine giúp chị em có thể sở hữu làn da tươi sáng, chống lão hóa.

Món ăn chế biến từ dương vật của khỉ được đặt trên nền rau xà lách xanh, bên cạnh là chú chim được cắt tỉa từ rau củ. Tờ Spiegel cho biết, đối với đàn ông Trung Quốc, việc ăn “của quý” động vật không phải là điều gì quá ghê gớm hay đòi hỏi sự can đảm, mà đơn giản chỉ vì mục đích tăng cường sinh lực.

 

Minh Anh – Dân Trí (tổng hợp)

Chợ nổi Cái Răng lọt tốp những chợ nổi đẹp nhất châu Á

Chợ nổi có lẽ là một trong những điểm đến thú vị nhất của du lịch miền sông nước. Ở châu Á có nhiều khu chợ nổi khiến du khách đến một lần rồi nhớ mãi, trong đó phải kể đến chợ nổi Cái Răng của Việt Nam.

Những khu chợ nổi ở châu Á dù ở Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar hay Việt Nam đều có điểm chung là cảnh mua bán tấp nập, nhộn nhịp trên sông nước. Những phiên chợ nổi cũng bày bán hàng hóa phong phú như trên bờ, chỉ có điểm khác biệt là các gian hàng chính là những con thuyền nhỏ; mọi người đều đi thuyền để giao dịch bán mua…

Trên chợ nổi cũng có những nhà hàng phục vụ ẩm thực vùng miền cho khách với nhiều món ăn đa dạng, hấp dẫn thực khách.

Dưới đây là một số khu chợ nổi được trang du lịch Youramazingplaces bình chọn nằm trong số những chợ nổi đẹp nhất châu Á:

Chợ nổi Cái Răng, Việt Nam

Chợ nổi Cái Răng là chợ nổi chuyên trao đổi, mua bán nông sản, các loại trái cây, hàng hóa, thực phẩm, ăn uống và là điểm tham quan đặc sắc của quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ.

Nét độc đáo và đặc điểm chính của chợ nổi Cái Răng là chuyên buôn bán các loại trái cây, đặc sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Hòa mình vào không khí nhộn nhịp của buổi chợ, du khách có thể quan sát, tìm hiểu sinh hoạt của nhiều gia đình thương hồ với nhiều thế hệ chung sống trên ghe. Có những chiếc ghe như “căn hộ di động” trên sông nước với những chậu hoa kiểng, các loài vật nuôi, các tiện nghi đầy đủ như ti-vi màu, đầu dĩa, dàn âm thanh… có cả xe gắn máy đậu trên ghe.

Chợ nổi Damnoen Saduak, Thái Lan

Đây là chợ nổi không họp trên sông mà họp trên các kênh rạch chằng chịt thuộc huyện Damnoen Saduak, tỉnh Ratchaburi cách Bangkok 105 km về phía Tây Nam. Đây được xem là ngôi chợ khá sầm uất và đa dạng hàng hóa. Chợ là địa điểm thu hút khách du lịch và là chợ du khách có thể mua hàng lưu niệm cũng như khám phá nét đẹp của cuộc sống người dân Thái trên kênh rạch rõ nét nhất.

Khu chợ bắt đầu hoạt động vào năm 1967 và ngày nay nó phát triển, cuốn hút khách du lịch trên toàn thế giới. Ở đây có tất cả mọi thứ để thu hút khách du lịch, từ hàng thủ công mỹ nghệ đến nông sản, trái cây, gia vị, hoa và ngay cả massage Thái cổ truyền tại chợ.

Chợ nổi trên hồ Dal- Srinagar, Ấn Độ

Đây là chợ rau củ nổi tiếng của Ấn Độ và rau củ gần như là mặt hàng duy nhất được buôn bán ở khu chợ này. Đến đây, du khách sẽ bắt gặp một hình ảnh tấp nập, nhộn nhịp của các hàng quán, các mũi ghe lại gần nhau, va chạm vào nhau; tiếng người mua, kẻ bán mặc cả, thỏa thuận giá…

Chợ nổi Nam Pan Market, Myanmar

Khu chợ nổi này nằm trên hồ Inle, Myanmar, bày bán rất nhiều mặt hàng, từ hoa quả, nước uống đến bát đũa, đồ gia dụng. Địa điểm họp của chợ thường không cố định, mỗi lần họp chợ sẽ ngẫu nhiên chọn một địa điểm ở một khu khác nhau trên hồ. Tuy nhiên, gần đây chợ đã họp cố định hơn để tạo điều kiện cho khách tham quan.

Chợ nổi Taling Chan, Bangkok, Thailand

Nằm ở phía tây Bangkok, khu chợ hấp dẫn du khách với món cá nước, cua hấp ngay trên thuyền. Những người bán hàng, thương nhân thường họp từ 9h-16h, bán các món ăn truyền thống của Thái Lan, món tráng miệng và trái cây trên chính chiếc thuyền của họ.

(Theo Dân trí)

Bữa ăn sáng các nước trên thế giới

Bữa sáng ở các nước phương Đông có điểm chung là gì? Khác phương Tây như thế nào? Hãy cùng khám phá những món điểm tâm phổ biến tại các quốc gia trên thế giới qua clip ngắn nhưng thú vị này nhé!

Giới thiệu sơ về một số hình ảnh trong clip:

Phở Việt và bữa ăn sáng của thế giới - 2

 Mỹ: bánh pancake, trứng, thịt muối

Phở Việt và bữa ăn sáng của thế giới - 3

Nhật : súp miso, cơm, rau, một cốc trà

Phở Việt và bữa ăn sáng của thế giới - 4

Ý: bánh mì phết mứt

Phở Việt và bữa ăn sáng của thế giới - 5

Marốc: bánh crepe với mứt và bơ với trà túi lọc

Phở Việt và bữa ăn sáng của thế giới - 7

Trung Quốc: cháo và bao tử.

Có cả Việt Nam nữa, nhưng có lẽ không cần giới thiệu nhỉ? :v

Clip của Buzzfeed:

Bé Thúi (MAV.vn)

NHỮNG MÓN ĂN NỔI TIẾNG LÀM TỪ…CHẤT THẢI

 Khám phá ẩm thực được xem là niềm vui bất tận của nhiều người, tuy vậy, đối với những thực phẩm làm từ chất thải như dưới đây thì không có nhiều người dám mạo hiểm.

Dù có nguồn gốc khá kinh dị, nhưng hầu hết các món ăn từ chất thải của người hoặc động vật đều rất quý hiếm và đắt tiền.

Cà phê Luwak: Thường được biết tới với tên cà phê chồn luôn đứng đầu danh sách các loại cà phê đắt đỏ nhất thế giới. Loại cà phê này có giá thành cao như vậy bởi quy trình sản xuất vô cùng khó khăn và riêng biệt. Đây là loại hạt cà phê được thu nhặt từ… phân của cầy hương. Mọi người cho rằng nhờ quá trình tiêu hóa của cầy hương mà hạt cà phê có hương vị đặc biệt hơn.
Trứng luộc trong nước tiểu trẻ em: Là món ăn có phần kì lạ, nhưng đã được người dân tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc sử dụng hàng ngàn năm nay như một vị thuốc chữa bệnh.
Trứng được luộc với nước tiểu trẻ em nam. Nguồn nước tiểu chủ yếu được lấy từ các trường học địa phương. Món ăn nay được vô cùng ưa thích vì người dân cho rằng chúng tươi ngon và có vị mặn tự nhiên. Tuy nhiên, một số chuyên gia y tế Trung Quốc đã công khai bày tỏ lo ngại về vấn đề vệ sinh trong việc dùng nước tiểu để luộc trứng. Nhưng dù thế nào đi nữa, đây cũng là món ăn đi theo lịch sử cả ngàn năm và là một phần trong di sản ẩm thực độc đáo của Trung Hoa.
Thịt làm từ phân người: Khi mà nhiều nơi trên thế giới vẫn còn trong tình trạng thiếu thốn thức ăn thì giáo sư Ikeda nghĩ rằng, phát minh mới nhất của ông có thể giúp nhiều người. Ông đã tạo ra những miếng thịt từ protein có trong… phân người. Vị giáo sư đến từ phòng nghiên cứu Okayama, Nhật Bản nói rằng, hiện nay, có rất nhiều chất thải mà chúng ta không kiểm soát được, vì thế người ta đã yêu cầu ông thực hiện những phát minh có ích và thiết thực về vấn đề này.
Xúc xích làm từ phân trẻ em: Phân trẻ sơ sinh được các nhà khoa học Tây Ban Nha khẳng định có mùi vị rất tuyệt vời khi chế biến thành món xúc xích. Tất nhiên, những chiếc xúc xích này không hoàn toàn chế biến từ chất thải của các bé. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng trong chất thải của trẻ có chứa rất nhiều các vi khuẩn đường ruột có lợi. Thực chất người ta chỉ tách các vi khuẩn đường ruột có lợi từ đây sau đó đem lên men cùng thịt sống hoặc sử dụng trong quá trình sản xuất. Dù mới thử nghiệm thành công ở phòng thí nghiệm nhưng kết quả trên mở ra cho chúng ta một hướng đi mới trong công nghệ thực phẩm có lợi cho sức khỏe từ các nguồn sẵn có trong tương lai.
Nước tiểu bò: Các tín đồ đạo Hindu tôn sùng bò đến mức, họ tận dụng cả nước tiểu của chúng để làm nước giải khát, ngăn ngừa ung thư. Tuy nhiên, nước tiểu bò bình thường không thể có tác dụng chữa bệnh. Phải là nước thải từ những con bò còn “trinh” mới mang lại hiệu quả như mong đợi. Cầu kỳ hơn, nước tiểu phải được hứng vào trước lúc mặt trời mọc mới có hiệu quả tốt nhất.
Thậm chí, các nhà sản xuất nước giải khát còn hy vọng ra mắt loại nước uống chiết xuất từ nước tiểu bò, xứng tầm với Pepsi và Coca Cola. Nó có khả năng vượt trội hơn so với các loại nước uống thông thường nhờ đặc tính không chứa bất kỳ độc tố nào.
Bia phân voi:  Nhà máy bia Sankt Gallen trụ sở ở Kanagawa, Nhật vừa cho ra mắt loại bia màu đen, có sử dụng những hạt cà phê từ phân voi. Điểm đặc sắc nhất của bia đen Un, Kono Kuro là dùng những hạt cà phê lấy từ phân voi để chế biến.  Giá đắt nhưng sản phẩm này bán hết sạch chỉ sau vài phút đăng thông tin. Bia đen kết hợp với cà phê có mùi mạch nha hơn là hạt cà phê thật. Un, Kono Kuro sử dụng hạt cà phê lấy từ phân voi được sản xuất bởi Golden Triangle Elephant Foundation của Thái Lan. Loại cà phê này mang tên Black Ivory, sau khi voi ăn và thải ra sẽ được giá bán khoảng 104 USD cho 35gram.

Theo T.H/MASK

Chân gà vòng quanh thế giới

Chân gà không chỉ là khoái khẩu của người Việt mà còn là đặc sản của nhiều quốc gia trên thế giới.

Chân gà là thành phần nguyên liệu chế biến món ăn độc đáo của nhiều quốc gia trên thế giới. Dù ít xuất hiện trong ẩm thực phương Tây, các món ăn liên quan tới chân gà cũng góp phần không nhỏ trong việc làm đa dạng văn hóa ẩm thực châu Á, châu Phi hay châu Mỹ.

Việt Nam – Chân gà nướng, chân gà rang muối


Tại Việt Nam, chân gà là món ăn chơi khoái khẩu của nhiều người. Chân gà được người Việt chế biến thành nhiều món ăn ngon như canh gà, chân gà sả ớt, chân gà nướng, chân gà rang muối… Trong đó, chân gà nướng và chân gà rang muối là phổ biến và được nhiều người ưa chuộng hơn cả. Món ăn thường được chọn thưởng thức vào buổi tối, bán chạy hơn cả vào những ngày mát trời.

Trung Quốc – Chân gà hầm


Không chỉ nổi tiếng ở Trung Quốc, món chân gà hầm còn có mặt ở nhiều nền văn hóa ẩm thực chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa khác như Hong Kong, Singapore, Đài Loan… Được coi là một dạng dim sum phổ biến (đồ ăn nhẹ được hấp trong xửng tre), chân gà được hầm cùng nước tương, đinh hương, hạt tiêu, hoa hồi, quế trong một thời gian dài cho tới khi phần da trở nên mềm nhũn và chuyển màu nâu đậm, phần sụn không dai mà dẻo.

Hàn Quốc – Chân gà sốt chua ngọt


Tại Hàn Quốc, chân gà được rán qua với nước sốt cay, sau đó nướng thêm một lần rồi phục vụ kèm sốt chua ngọt. Đây là món nhậu khoái khẩu của cánh mày râu, được bán phổ biến trong các quán rượu vỉa hè cho tới các cửa hàng ăn uống cao cấp.

Malaysia – Chân gà nấu cà ri

 

Tại Malaysia, chân gà thường đậu nấu chín cùng với cà ri Malay, ăn cùng bánh mì dẹt kiểu Ấn Độ. Ở vùng Selangor, chân gà được đun sôi trong nước súp với các loại rau và gia vị đến khi xương mềm nhừ, sau đó được chiên trong dầu cọ. Món chân gà hầm kiểu Trung Quốc cũng được người Malay hết sức ưa chuộng.

Philippines – ‘Adidas’


Món chân gà nướng là món ăn đường phố rất được ưa chuộng ở Philippines. Chân gà được tẩm trong hỗn hợp gia vị, đường nâu trước khi nướng. Điều đặc biệt, món ăn được người địa phương đặt tên theo thương hiệu giày thể thao Adidas, khiến nhiều du khách cảm thấy thú vị.

 

Trinidad – Chân gà ngâm

Trong ẩm thực Trinidad, chân gà được làm sạch, tẩm gia vị, đun sôi rồi ngâm với dưa chuột, hành tây, ớt và gia vị cho tới khi chân gà chuyển màu xanh lá. Đây được coi là món ăn mát và bổ dưỡng.

Nam Phi – Chân gà bụi

Món “chân gà bụi” ở Nam Phi thực chất cũng là món chân gà nướng, nhưng tên gọi có nguồn gốc từ việc chân gà tạo ra bụi trên mặt đất khi đi chuyển. Chân gà được sơ chế bằng cách nhúng vào nước sôi để loại bỏ màng da mỏng bên ngoài, sau đó được tẩm gia vị và nướng chín.

Jamica – Súp chân gà

Trong ẩm thực Jamaica, chân gà được sử dụng chủ yếu làm món súp chân gà, cùng với khoai lang, khoai tây, chuối xanh, bánh bao và các gia vị khác. Các nguyên liệu được hầm chín trong ít nhất hai giờ trước khi phục vụ. Ngoài ra, chân gà cũng được nấu cà ri và là một món chính trong các bữa ăn

.

Những kỷ lục đáng kinh ngạc của ẩm thực thế giới

Sự sáng tạo và những kĩ năng xuất sắc của các đầu bếp tài hoa đều xứng đáng được ghi nhận. Dưới đây là một vài kỷ lục thú vị trong thế giới ẩm thực khắp hành tinh.

Chiếc “hot-dog” lớn nhất: Chiếc bánh mì kẹp xúc xích được sản xuất thương mại lớn nhất thế giới nặng tới 3,18 kg và được bán tại các cửa hàng Gorilla Tango Novelty Meats với mức giá khoảng 40 USD một chiếc vào tháng 3/2011.
Đế bánh Pizza lớn nhất, hoàn thành nhanh nhất: Đầu bếp Tony Gemignani người Mỹ đã sử dụng 500g bột và chỉ mất 2 phút để tạo ra chiếc đế bánh Pizza có đường kính 84,33 cm tại một trung tâm thương mại ở Minneapolis, Minnesota, Mỹ ngày 20/4/2006.
Quả trứng làm từ chocolate đắt nhất: Một quả trứng làm từ chocolate, trang trí trang sức quý giá là tác phẩm của các nghệ nhân William Curley, Amy Rose Curley, Alistair Birt, Sarah Frankland, Melissa Paul, Rhiann Mead (Vương quốc Anh) và Suzue Curley (Nhật Bản) đã được bán với mức giá kỉ lục 11.107 USD (không kèm trang sức) trong cuộc đấu giá tại Tòa án tư pháp Hoàng gia London tháng 3/2012.
Người ăn nhiều bánh hamburger nhất: Một người đàn ông tên Donald A.Gorske quốc tịch Mỹ đã lập kỉ lục thế giới cho người ăn nhiều bánh hamburger Big Mac của McDonald nhất. Tổng cộng, ông đã ăn 26.000 chiếc bánh ở cùng một tiệm McDonald hàng ngày trong 40 năm.
Ly cocktail đắt giá nhất: Cocktail đắt nhất thế giới được bán 8.802 USD và được thực hiện bởi Salvatore Calabrese (người Italy), tại quán bar ở Salvatore, London, Anh, vào ngày 11/10/2012.
Đồng thời mở nắp nhiều chai champagne nhất: 196 người đã tình nguyện tham gia ghi nhận thử thách mở nhiều nắp chai rượu champagne nhất trong một lễ hội rượu được tổ chức tại Garibaldi, Rio Grande, Brazil Fenachamp vào ngày 8/10/2011.
Bức tranh làm từ hạt cà phê lớn nhất: Bức tranh khảm từ hạt cà phê diện tích 25.18 m2 của tác giả Saimir Strati (người Albania) đã được ghi nhận vào kỉ lục Guinness cho tác phẩm tranh từ hạt cà phê lớn nhất thế giới. Hiện, bức tranh được đặt tại khách sạn Rogner Europa Park, Tirana, Albania. Kỉ lục được xác lập ngày 12/12/2011.
Lượng khoai tây nghiền phục vụ cùng lúc nhiều nhất: Các khẩu phần ăn lớn nhất của món khoai tây nghiền được ghi nhận là 1042 kg, là sản phẩm của đầu bếp Joël Robuchon (Pháp) tại uturoscope Poitiers, Pháp vào ngày 29/9/2012.
Chiếc bánh mỳ lớn nhất: Ổ bánh mì lớn nhất thế giới đồng thời cũng đạt trọng lượng lớn nhất 1.571 tấn, được thực hiện bởi đầu bếp Joaquim Goncalves (Brazil) tại Curitiba/Parana, Brazil vào tháng 11/2008.
Lát cắt thịt dài nhất: Tới nay, lát thịt dài nhất được ghi nhận có chiều dài 30,11 m, được thực hiện bởi Francisco Alonso người Tây Ban Nha trong Ngày kỉ lục Guinness thế giới tại Puerto de la Cruz, Tây Ban Nha ngày 15/11/2012.

Theo K.H/Mask

MÓN ĂN CÔN TRÙNG VÒNG QUANH THẾ GIỚI

Đa phần côn trùng gây sợ hãi đối với nhiều người, nhưng khi chế biến thành món ăn, một số đã trở thành đặc sản, không những ngon lành mà còn có hàm lượng dinh dưỡng cao.

Rất nhiều vùng miền trên thế giới, người dân có thói quen và sở thích ăn côn trùng. Tới đây, du khách sẽ ngạc nhiên khi thấy hình ảnh muôn loài côn trùng được tẩm ướp thơm ngon và bày bán khắp nơi.

Theo báo cáo của Liên hợp quốc, hiện nay trên thế giới có khoảng 2 tỷ người coi côn trùng là món ăn không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày. Đây là loại thực phẩm đặc biệt, có giá trị dinh dưỡng cao và đặc biệt không bị tẩm ướp hóa chất. Các nhà khoa học cũng đưa ra nhận định, có khả năng trong tương lai, côn trùng sẽ là một trong những thực phẩm mới của con người. Cùng khám phá những vùng miền trên thế giới đang đặc biệt “ưu ái” món ăn lạ này.

Ăn côn trùng ở Campuchia

 

Côn trùng được bày bán la liệt ở các khu chợ tại Campuchia.

 

Côn trùng là món ăn rất phổ biến ở đất nước chùa tháp. Trước đây, hầu như chỉ có người nghèo mới ăn món đồ này. Nhưng đến nay, côn trùng đã trở thành món ăn đặc sản ở Campuchia. Du khách có thể dễ dàng tìm thấy món ăn này ở mọi nơi từ góc chợ bình dân cho tới những nhà hàng cao cấp.

Tới các khu chợ đêm ở Phnom Penh, du khách càng cảm nhận sự đa dạng các loại côn trùng như dế, châu chấu, cà cuống, bọ cánh cứng, nhện… Đặc biệt, dế và nhện là những món được bày bán phổ biến hai bên đường và xuất hiện nhiều trên bàn nhậu.

 

Những món ăn này đã trở thành “thương hiệu” riêng ở nơi đây.

 

Nhiều người ban đầu còn tỏ ra e dè khi đứng trước hàng loạt các món ăn có hình thù xấu xí. Tuy nhiên mùi vị của côn trùng sau khi làm sạch và tẩm ướp đều rất thơm ngon. Người Campuchia chủ yếu dùng phương pháp nướng hoặc rán để côn trùng có mùi vị thơm ngậy, giòn tan. Côn trùng ở đây còn xuất khẩu sang cả Thái Lan bởi chúng có mùi vị hoàn toàn tự nhiên.

Ăn côn trùng ở Mexico

Tại Mexico, việc chế biến các món ăn từ côn trùng đã thành truyền thống từ nhiều thế kỷ qua. Các nhà nghiên cứu cho rằng, những món côn trùng này có thể xuất hiện từ nền văn minh Aztec. Các loại côn trùng ở đây được chế biến thành món ăn đặc sắc tại nhiều nhà hàng và cũng là lựa chọn của những gia đình bình dân ở Mexico.

 

Người Mexico rất thích ăn các món từ ấu trùng kiến.

 

Đặc biệt, người Mexico ăn rất nhiều các món từ trứng kiến, ấu trùng kiến. Món ăn có tên gọi Escamoles. Nó rất hấp dẫn với màu sắc bắt mắt và hương thơm của phô mai. Thông thường, người dân thưởng thức món ăn này bằng cách phết lên bánh mỳ.

Ăn côn trùng ở Nhật Bản

Các món ăn từ côn trùng đã không còn xa lạ với đất nước mặt trời mọc. Tại Tokyo, một câu lạc bộ có tên gọi “Hiệp hội nghiên cứu ẩm thực từ côn trùng” được thành lập từ năm 1999 để giới thiệu loại thực phẩm mới mẻ này. Ông Shoichi Uchiyama, người sáng lập ra câu lạc bộ còn viết cuốn sách nấu ăn với các công thức chế biến từ côn trùng.

 

Các món sushi côn trùng của người Nhật.
 Món châu chấu Inago no Tsukudani.

 

Nổi tiếng nhất trong ẩm thực côn trùng tại Nhật Bản chính là món Inago no Tsukudani. Đây là món ăn rất phổ biến với dân cư tại các vùng nông thôn của tỉnh Yamagata, tỉnh Nagano và quận Gunma. Inago trong tiếng Nhật có nghĩa là châu chấu. Trước khi chế biến, châu chấu được để qua đêm cho tiêu hóa hết thức ăn rồi luộc và phơi khô dưới ánh nắng. Món ăn được hầm với gia vị tsukudani, nấu nhừ trong nước tương và rượu sake.

Ăn côn trùng ở Thái Lan

 

Món bọ cạp nướng nổi tiếng của người Thái.

 

Người Thái rất thích dùng côn trùng để chế biến thành nhiều món ăn. Côn trùng rán là món hàng rong được bán nhiều nhất ở nước này. Ở Thái Lan, loại thực phẩm này được chế biến thành nhiều món ăn đa dạng hơn với rất nhiều gia vị đặc biệt. Ngoài ra, bọ cạp là món ăn riêng chỉ thấy xuất hiện duy nhất ở “đất nước của những nụ cười”.

Ăn côn trùng ở Việt Nam

 

Đuông dừa ngâm nước mắm là món ăn khoái khẩu của nhiều dân nhậu tại Việt Nam.
Trái ngược với vẻ ngoài, chả rươi sau khi được chế biến đã tạo thành món ăn hấp dẫn.

 

Ở Việt Nam, một số loại côn trùng đã trở thành món ăn đặc sản. Một số loài có hình thù gây sợ như bọ xít, trứng kiến, đuông dừa, ve sầu… nhưng sau khi qua tay những đầu bếp chuyên nghiệp đã trở thành món ăn hấp dẫn. Đi dọc khắp những mảnh đất hình chữ S đều xuất hiện những món ăn đặc sản làm từ thực phẩm đặc biệt này như sâu chít hấp vùng Tây Bắc, chả rươi Hà Nội, sâu xào măng ở Mường Lát – Thanh Hóa, ve sầu rang lá chanh của Nghệ An, đuông dừa ngâm nước mắm béo ngậy ở Bến Tre hay nhộng ong rừng U Minh…

Việt Hà
(Tổng hợp, Dantri.com.vn)