Mùng 3 tháng 3 Âm Lịch là ngày Tết Hàn Thực. Khác với phong tục của Trung Quốc, ở nước ta người dân thường cúng tổ tiên trong ngày này, và làm BÁNH TRÔI, BÁNH CHAY để ăn Tết. Công thức sau đây sẽ hướng dẫn bạn cách làm 2 loại bánh truyền thống đặc biệt này.
CÔNG THỨC (CÁCH LÀM CẢ HAI THỨ BÁNH TRÔI, BÁNH CHAY)
Nguyên liệu:
– Chuẩn bị bột:
- + Trộn bột gạo theo tỉ lệ 8 nếp, 2 tẻ, chút muối. Xay ướt rồi bọc bột vào bịch vải dày, treo lên cho ráo nước. Treo đến chừng nào bột không nhỏ nước nữa, mở bịch thấy bột không dính vào thành túi, bóp thử thấy bột kết mịn, không dính tay hoặc vỡ rời là được.
- + Hoặc xay bột khô, châm nước nhồi cho tới khi nào bột kết mịn, dẻo, không bám tay thì bỏ vô bao nilon ủ chừng 30 phút là có bột làm bánh.
- + Cách nhanh nhất là ra chợ mua bột làm sẵn. Trong những ngày gần Tiết Hàn Thực thì người ta sẽ pha sẵn bột này để mua về làm bánh.
- + Bột này dùng được cho cả bánh trôi và bánh chay, nên ta tùy liều lượng bánh mà chia bột ra làm hai phần, phần làm bánh trôi, phần làm bánh chay.
– Đường: Đường ăn với bánh trôi là đường phên. Chọn đường màu cánh gián nhạt nấu sẽ mau hơn. Mua đường về thì cho vào tô, dùng màng bọc thực phẩm đậy lại khoảng 2 tiếng cho đường đủ ướt. Sau đó mới bắt đầu chặt cục đường ra thành từng viên hạt lựu, nhỏ độ đầu ngón tay út.
– Mè trắng: rang nhanh, đều tới khi nào chuyển màu vàng nhạt thì tắt lửa, rang thêm vài nhát rồi trút ra dĩa, giàn trải vừng ra thành lớp mỏng.
– Bột sắn dây /bột năng: 1 muỗng cafe, hòa tan trong nước.
– Gừng tươi: giã nhuyễn, vắt lấy nước gừng
– Vài giọt tinh dầu hoa bưởi
– Dừa nạo sợi: 1 chén
– Đậu xanh: đậu xanh đem đải vỏ, ngâm nước lạnh tầm 3 tiếng cho nở. Trộn đậu với chút muối rồi đem hấp chín, sau đó chia ra một nửa để nguyên, nửa còn lại giã mịn, trộn với 1 muỗng cafe mè rang, rồi vo thành từng viên làm nhân của bánh chay.
Thực hiện:
– Dùng phần bột dự tính làm cho bánh trôi. Ngắt từng cục bột to cỡ lóng ngón tay cái, vo tròn rồi ấn bẹp trong lòng bàn tay, sau đó đặt viên đường bằng đầu ngón út vào giữa cục bột, rồi đậy các mí bột ôm lại, xoe lại cho thành viên tròn. Lưu ý chỉ xoe nhẹ nhàng 1 vòng, kẻo bánh bị nát khi luộc. Lần lượt làm cho hết lượng bột dự tính làm bánh trôi.
– Chuẩn bị nồi lớn, cho nước vào nấu sôi già rồi thả nhẹ nhàng lần lượt từng viên bánh vào. Vặn nhỏ lửa đun cho tới khi bánh chín nổi lên trên mặt nước, thì đợi chừng 15 giây cho đường tan hết (lưu ý là bánh trôi phải nấu cho đường trong nhân bánh tan ra ăn mới ngon). Sau đó vớt bánh ra cho ngay vào tô nước lạnh, để bánh không bị dính nhau.
– Ngâm bánh trong nước lạnh tới khi nào bánh nguội hẳn rồi thì vớt ra xếp lên dĩa.
– Rắc một ít mè rang lên là ăn được rồi.
– Phần bột dùng làm bánh chay ta cũng ngắt ra từng viên bột như bước đầu tiên khi làm bánh trôi, nhưng viên to gấp đôi. Cũng xoe tròn, ấn dẹp, nhét nhân vào rồi đậy lại và xoe tròn lại, nhưng thay vì làm nhân đường phên thì dùng nhân đậu xanh đã làm ở trên. Còn hình dạng của bánh thì bạn có thể để tròn, hoặc ấn dẹt ở giữa cho lõm xuống, dễ ăn và cũng dễ chín hơn.
– Có thể nấu bánh cùng lúc với bánh trôi. Và nguyên tắc cũng là khi bánh nổi lên thì vớt ra cho ngay vào nước lạnh đến khi nguội…Sau đó gắp ra để riêng.
– Làm phần nước đường ăn với bánh chay:
– Bánh chay không ăn khô như bánh trôi mà phải nấu nước đường.
– Chuẩn bị nồi nấu lượng nước đủ để làm bánh, nấu sôi rồi thả đường phèn vào khuấy tan. Nếm thử có vị ngọt thanh là được. Nước sôi thì trút bột sắn dây đã hòa tan vào, vừa trút vừa khuấy đều. Tới khi nước sôi trở lại, trong veo, sánh nhẹ, thì cho một muỗng nước gừng vào khuấy lên. Nước đường cho bánh chay sẽ có dạng sánh nhẹ, vị ngọt thanh dịu thoang thoảng mùi gừng.
Trình bày:
– Bánh trôi xếp xúm xít nhau trên dĩa nhỏ.
– Bánh chay theo truyền thống chỉ cho vào 3 viên trong 1 bát. Vì vậy ta gắp 3 viên bánh xếp vào bát sau đó đổ nước vào ngập bánh. Lại rắc tiếp một ít đậu xanh nguyên hạt lên. Đến lúc sắp ăn thì rắc mè rang, dừa , tinh dầu bưởi vào cho thơm.
Bảo Tố