Cách làm CÁ NGỪ KHO SA TẾ

Cá Ngừ Sa Tế là món ăn đơn giản. Sự kết hợp giữa vị thơm ngon của cá ngừ và cái cay nồng của sa tế giúp bữa ăn của bạn trở nên hấp dẫn.

mav041

Nguyên liệu:

Cá ngừ: 2 lạng

Ớt đà lạt xanh: 1 lạng, rửa sạch rồi xắt miếng vừa ăn

Dứa: 1/4 trái, xắt lát vừa ăn

Sa tế: 2 muỗng canh.

1 muỗng cafe muối, 1/2 muỗng cafe bột ngọt

1/2 muỗng canh nước mắm,

1 muỗng canh tỏi băm,

2 củ sả, bào mỏng

1 muỗng canh dầu ăn.

Cách Làm:

1. Cá ngừ làm sạch xắt miếng vừa ăn, ướp với muối, bột ngọt, nước mắm.
2. Bắc chảo cho vào chút dầu ăn, phi thơm tỏi và sả, sau đó gắp cá để vào xào nhẹ tay cho chín sơ rồi trút tiếp ớt chuông và dứa vào đảo đều tay.
3. Cá săn thì cho sa tế vào xào tiếp 10 phút nữa cho ngấm. Tắt bếp. Ăn nóng với cơm.

Bé Thúi

Công thức làm BÁNH DÀY

BÁNH DÀY không chỉ là món ăn truyền thống trong lễ, tết, mà nó còn là món ăn vặt độc đáo ở trên mọi nẻo đường Việt Nam. Miếng bánh dai dai, hương vị đơn điệu nhưng lại hấp dẫn rất nhiều người, nhất là khi nó được ăn kèm với miếng giò (chả lụa). Có ít nhất là 2 cách để làm nên món bánh thú vị này:

CÁCH 1: LÀM BẰNG GẠO NẾP

Nguyên liệu:

  • 1kg gạo nếp
  • Chút muối
  • Lá chuối
  • Dầu ăn

Cách làm:

– Gạo nếp nhặt bỏ trấu, thóc, vo kỹ cho sạch để bánh được trắng.
– Ngâm gạo 1 đêm, sớm mai rửa lại vài lần cho hết mùi chua. Để ráo một chút. Trộn với chút xíu muối. Sau đó đem cho vào chõ thổi chín. Khi đang nấu nếu thấy nếp khô thì vẩy thêm nước cho xôi được mềm dẻo. Đồ cho tới khi nếp chín đều.
– Xôi chín đem để ra ngoài cho bốc bớt hơi. Bắt đầu giã xôi khi xôi còn đang nóng:
– Lót cái vỉ buồm dưới nền, thoa một lớp mỏng dầu ăn rồi đổ xôi lên giã. Dùng chày to giã cho xôi nát mịn, nhuyễn mới thôi.
– Giã xong thì chuẩn bị sẵn mấy miếng lá chuối cắt tròn (nếu muốn làm tròn đẹp thì úp cái ly lên rồi nương dao kéo theo mà cắt). Sau đó bốc một nắm xôi đã giã bỏ, vo tròn, bỏ lên lá chuối, nặn vê nhẹ nhàng cho thành miếng bánh dẹp, mịn màng. Để 12 giờ trở lên ăn mới ngon.

CÁCH 2: LÀM BẰNG BỘT

Nguyên liệu:

  • 600g bột nếp
  • 1 muỗng cafe muối.
  • 2 chén nước
  • Dầu ăn
  • Lá chuối.

Thực hiện:

– Bột nếp trộn chung với muối và nước, nhồi cho kỹ. Sau đó để bột nghỉ khoảng 1 giờ là bắt đầu nặn bánh được rồi.
– Nặn bánh tương tự như cách trên: lá chuối ở dưới rồi nặn bột lên trên, nặn dẹp vừa phải vì khi hấp bánh sẽ bè ra thêm. Lần lượt cho hết bột.
– Chuẩn bị nồi hấp nước sôi. Bôi ít dầu ăn lên mặt bánh rồi cho tất cả bánh lên xửng, cho vào nồi hấp. Hấp chừng 7 phút, mặt bánh trong lên là được.
– Hấp xong lấy bánh ra để nguội.

MẸO:

*** Bánh dày để lâu nên dùng màng nylon thực phẩm gói kín để bánh khỏi bị khô.

*** Bánh dày có nhiều cách ăn. Thông dụng nhất là ăn kèm với miếng giò (miền Nam gọi là chả) và chút muối tiêu. Hoặc nếu muốn ăn kiểu nướng hoặc chiên, thì để bánh vài ngày cho bánh tự khô đi (không bọc màng nylon), rồi xắt ra từng miếng nhỏ, cho lên vỉ nướng vàng hoặc cho vào chảo chiên phồng lên. Ăn với đường hoặc cái gì tùy bạn. Rất ngon.

*** Bánh dày nếu bị khô thì đem hấp cách thủy là bánh mềm lại.

Bảo Tố

Công thức làm SƯỜN NẤU ĐẬU

Sườn nấu đậu là món ăn hấp dẫn với mọi người. Khi chế biến, bạn có thể tùy biến các loại đậu (ví dụ có thể dùng đậu phộng), cho thêm khoai tây hoặc cà rốt nếu thích. 

Nguyên liệu (cho 5-6 người)

  • 100g đậu trắng khô (hoặc 300g đậu trắng tươi)
  • 200g đậu Hà Lan
  • 1kg sườn heo
  • 3 trái cà chua: trụng qua nước sôi rồi lột vỏ, sau đó bỏ hạt, xắt nhỏ
  • 3 củ hành tây: bổ múi cau
  • 4 củ cà rốt: xắt miếng vừa ăn
  • 2 cây cần tây, thái nhỏ
  • 2 muỗng canh sốt cà chua
  • Nước của 1 trái dừa
  • Tiêu, tỏi, gia vị các thứ

Cách làm:

– Đậu trắng đem ngâm qua đêm hoặc ít nhất 5 tiếng cho đậu nở. Rửa sạch, để ráo.
– Đậu hòa lan rửa sạch, để ráo.
– Sườn luộc sơ qua nước có chút muối cho sạch. Rửa lại bằng nước, để ráo rồi chặt miếng vừa ăn. Sau đó ướp với 1 muỗng cafe xì dầu, chút muối, để khoảng 20 phút cho ngấm.
– Bắc nồi hoặc chảo sâu, làm nóng dầu, phi thơm tỏi, rồi cho sườn vào chiên thật săn vàng. Chiên xong trút hết sườn ra bỏ lên giấy thấm bớt dầu.
– Tiếp tục cho hành tây vào xào cho xẹp bớt rồi cho tiếp cà chua vào xào cho nhuyễn (sốt cà).
– Đưa sườn trở lại chảo chung với hành tây & sốt cà. Đổ thêm nước dừa vào ngập sườn (nếu chưa ngập thì cho thêm nước lọc), cho đậu trắng vào rồi hầm lửa nhỏ khoảng 30 phút. Cho tiếp cà rốt vào nấu đến khi cà rốt mềm, cuối cùng cho đậu hà lan vào đun sôi lần nữa. Nêm nếm đường muối lại cho vừa miệng. Đun cho tới khi nước sánh là được. Khi lấy ra ăn nhớ rắc ít tiêu.
– Món này ăn nóng với cơm hoặc bánh mì đều ngon. Nếu muốn làm nước sánh đặc để chấm bánh mì, thì bạn có thể cho một chút bột năng đã hòa tan trong nước vào trước khi tắt bếp.

Bảo Tố

Cách làm GÀ NẤU NẤM ĐÔNG CÔ

Gà nấu nấm là một món dễ ăn, nấm đông cô mang lại hương thơm và giúp cho món gà bớt ngán.

Nguyên liệu:

  • Con gà độ 1 ký 2
  • Nấm đông cô (nấm hương): 50g
  • Hành tây: 2 củ
  • Cà rốt: 1,5 củ
  • Dừa xiêm: 1,5 trái
  • Muối, tiêu, đường, nước mắm
  • Hành băm.
  • Bột năng

Cách làm:

– Gà làm sạch thấm cho ráo, chặt miếng vừa ăn. Sau đó ướp với 1,5 muỗng cafe muối, chút tiêu. Để khoảng 30 phút cho ngấm.

– Cà rốt xắt khúc vừa ăn. Hành tây bổ múi cau.

– Nấm đông cô ngâm nước ấm pha muối cho nở, rửa sạch. Sau đó cắt chân. Ướp với 1 muỗng cafe nước mắm & chút đường.

– Bắc cái chảo, phi thơm 1 muỗng cafe hành băm, sau đó cho hành tây, nấm hương và cà rốt vào xào. Nêm 1 mỗng canh nước mắm, 1 muỗng cafe đường. Sau đó trút ra ngoài.

– Bắc chảo phi thơm tiếp 1 muỗng cafe hành băm, rồi cho gà vào xào săn kỹ.

– Bắc một nồi nấu nước dừa cho sôi, rồi trút gà qua nồi này nấu cùng với cà rốt, nấm đông cô, nêm 1/2 muỗng cafe muối, 1 muỗng  cafe đường, nấu cho tới khi nước còn 1/2, cho 1 muỗng canh bột năng (đã hòa tan) vào, nêm 1 muỗng canh nước mắm,  1 muỗng cafe bột ngọt. Nấu tới khi nước còn sền sệt.

– Cho tiếp hành tây vào, nêm nếm lại vừa miệng, nấu khoảng 3 phút rồi tắt bếp.

– Ăn nóng với cơm hoặc bánh mì.

Bé Thúi.

Cách làm THỊT KHO NƯỚC DỪA HỘT VỊT

Thịt kho nước dừa hột vịt là kiểu thịt kho trứng của miền Nam, với nguyên liệu đặc trưng của miền đất này là nước dừa. Món này thường được ăn vào dịp Tết nguyên đán, nhưng cũng rất quen thuộc vào những ngày thường. Thịt kho nước dừa có đủ vị ngọt của dừa, mặn của nước mắm, béo bở của mỡ, dai thơm của nạc, và cái kết cấu giòn chắc, bùi bùi của trứng vịt khi được nước dừa ngấm vào.

Có một số người thích chiên hột vịt trước khi kho. Chiên như vậy thì hột vịt sẽ có lớp vỏ mỏng giòn thơm và nhanh thấm hơn, nhưng phần bên trong lớp vỏ mỏng giòn này thì khó thấm. Nếu không chiên, bạn chịu khó kho trứng vịt lâu một chút, có thể là kho đi kho lại, để có miếng trứng vịt giòn thấm tuyệt hảo.

NGUYÊN LIỆU:

  • 1 ký thịt ba chỉ hoặc thịt bắp đùi (chọn thịt da mỏng, thịt mỡ dính liền nhau)
  • 2 trái dừa xiêm
  • 2 chén dấm trắng
  • 6 quả trứng vịt (hoặc trứng gà)
  • Tỏi, ớt
  • Đường cát, nước mắm, muối, bột ngọt

CÁCH LÀM:

– Trứng vịt luộc chín kỹ, lột vỏ (cẩn thận đừng để bể trứng nhiều quá làm xịt lòng đỏ ra ngoài khi kho, hư nồi thịt).

– Thịt heo cạo nhổ cho sạch lông, rửa sạch. Sau đó xắt miếng vuông to bằng 1 nửa cái iphone 😀 (nhỏ hơn cũng được). Dùng dây chỉ cột lại cho nạc với mỡ dính chắc (không cần kỹ quá thì khỏi cột cũng được).

– Chuẩn bị nồi vừa, cho dấm vào nấu sôi rồi cho thịt vào nấu qua khoảng 1 phút rồi vớt ra, để ráo. Đổ dấm bỏ đi, rửa lại nồi chút nữa kho thịt.

– Ướp thịt với: 4 muỗng canh đường cát, 1/2 muỗng cafe muối, 1 muỗng cafe tỏi băm, 1/2 muỗng cafe bột ngọt, để ít nhất 1 giờ cho ngấm.

– Bắc nồi lên bếp, cho nước dừa vào nấu sôi rồi nêm 1/2 muỗng cafe bột ngọt, 1/2 chén (bát) nước mắm vào, nếm lại thử vị ngọt mặn dịu là vừa.

– Tiếp theo, cho thịt vào nấu. Nếu nước dừa chưa ngập thịt thì cho thêm nước sôi vào cho ngập. Vặn lửa vừa nấu sôi lại, để ý hớt bọt. Khi nước cạn còn phân nửa thì vặn lửa nhỏ riu riu, cho trứng và vài trái ớt đỏ vào kho cùng. Kho tới khi nào trứng thấm, thịt chín mềm thì nêm nếm lại cho vừa miệng là xong.

– Trước khi ăn rắc chút tiêu. Ăn nóng với cơm hoặc bánh chưng. Với dưa giá nữa thì càng đúng điệu.

*** Nếu không có nước dừa hoặc có quá ít, bạn có thể thay bằng nước lã, nhưng khi kho thịt nên cho thêm nước màu để thịt có màu hấp dẫn hơn. Còn nếu có nước dừa đủ thì khỏi bỏ nước màu, vì nước dừa kho xong cũng lên màu rất hấp dẫn.

*** Nếu bạn muốn kho để lâu vài tuần thì thay nước dừa bằng nước lã, vì kho nước dừa không để lâu được.

*** Món này ăn với DƯA GIÁ mới hợp, xem CÁCH LÀM DƯA GIÁ

Bảo Tố

[món chay] CÁCH LÀM GỎI KÈO NÈO

Kèo nèo không chỉ ăn với lẩu, gỏi kèo nèo cũng ngon không kém. Đây sẽ là một món ăn lạ mà hấp dẫn trong những ngày ăn chay của gia đình bạn.


Nguyên liệu:

  • 2 bó rau kèo nèo ( có thể thay bằng rau muống,…)
  • 2 miếng to tàu hũ ky non, 4 miếng tàu hũ.
  • Rau răm, đậu phộng.
  • Ớt, tắc ( hoặc chanh), đường, muối, bột nêm.

Cách làm:


– Kèo nèo rửa sạch, cắt khúc. Cho vào 2 muỗng muối, bóp mạnh tay. Thấy kèo nèo quéo lại, vắt ráo nước.


– Trộn kèo nèo với nước trộn gỏi: Đâm nhuyễn 2 trái ớt, 5 trái tắt vắt lấy nước, 2 muỗng đường, 1 muỗng bột nêm.  Trộn vào quậy cho tan đường, bột nêm. Để 40 phút cho thấm.


– Chiên tàu hũ ki và tàu hũ, cắt miếng mỏng-dài. Nhặt rau răm, rửa sạch, cắt khúc. Đậu phộng rang giòn.
– Trộn tất cả vào gỏi. Nếm lại gỏi có vị chua ngọt là được.

– Chấm với nước tương cay.

Cách làm MẮM CÁ LÓC chưng THỊT BA RỌI

Mắm chưng là món ăn dân dã, ít tốn kém nhưng đảm bảo hao cơm.  Nếu bạn là người thích hương vị của mắm thì không thể bỏ qua món MẮM CÁ LÓC CHƯNG này.

Nguyên liệu:

  • 3 khứa cá lóc
  • 200 gr thịt ba rọi. Nên chọn nhiều mỡ.
  •  1 muỗng hạt nêm từ thịt, 1/2 muỗng bột nêm, 1/2 muỗng đường, 1 nhánh gừng cắt sợi nhỏ, 2 củ hành tím băm nhuyễn,
  • 2 trái ớt, tiêu xay.


Cách làm:


– Thịt rửa sạch, để ráo, cắt lát mỏng.


– Cho mắm cá lóc, thịt và các gia vị như trên trộn đều trong tô thủy tinh.


– Sử dụng nồi có nắp kín (nồi áp suất càng tốt) cho nước vào dưới nồi, để tô mắm vào chưng trong 1-2h, thỉnh thoảng mở nắp ra xem, nước dưới nồi cạn thì thêm nước vào để không bị khét nồi.


– Ăn kèm với rau sống, dưa leo.

Yến Hà / MAV

Cách làm Đậu hũ nhồi thịt băm

Đậu hũ (đậu khuôn, đậu phụ) nhồi thịt là món rất dễ ăn, thịt và đậu hũ không những hợp với nhau về hương vị, còn có tác dụng làm giảm ngấy cho nhau. 

Nguyên liệu:

  • Đậu hũ
  • Thịt băm (ước lượng vừa đủ để nhồi vào đậu hũ)
  • Cà rốt ( thay bằng củ su, khoai tây, … tùy thích, hay trộn nhiều loại cũng ngon)
  • Hành lá, ớt, tiêu.
  • Dầu ăn, nước tương, nước dùng gà (nếu không có dùng nước lọc), muối, đường, bột nêm.

Cách làm:

– Đậu hủ trắng cắt ô vuông, chiên vàng. Dùng dao mũi nhọn lấy phần trong ra để nhồi thịt vào.



– Cà rốt, hành lá rửa sạch, cắt nhỏ.


– Ướp thịt với ít muối, đường, hạt nêm. Trộn chung với cà rốt và hành lá.



– Nhồi thịt vào đậu hủ.


– Cho dầu vào chảo, khi chiên úp phần thịt xuống trước. Chiên vàng đều các mặt.
– Cho nước dùng gà và nước tương vào rim với lửa nhỏ. Lật đều các mặt cho thấm đều.


– Nước sệt cho hành lá vào.


– Bày ra đĩa, rắc ít tiêu cho thơm. Ăn nóng với cơm.

Yến Hà.

Cách làm Thịt ba rọi xào măng với rong biển

Một đĩa thịt xào măng điểm thêm chút vị rong biển sẽ mang lại cho nhà bạn một bữa ăn lạ, ngon và rất khó quên đấy!

Nguyên liệu:

-300g thịt ba rọi

-25g rong mứt khô

-300g măng tươi

-Hành củ, tỏi, tiêu hột.

-Gia vị

-Nước hàng (xem CÁCH LÀM NƯỚC HÀNG)

Cách làm:

– Hành củ và tỏi băm nhuyễn. Tiêu đập bể vụn.
– Rong mứt ngâm trong nước ấm khoảng 5 phút, để ra cái rổ cho ráo nước.
– Thịt ba rọi rửa sạch, ướp với một muỗng cafe hành củ băm, 1/2 muỗng cf tỏi băm, 1/2 muỗng cafe tiêu dập trong 20 phút.
– Măng luộc qua 2-3 lần nước cho bớt đắng, sau đó rửa lại bằng nước sạch, xé sợi nhỏ.
– Bắc chảo đun dầu cho nóng rồi cho hành, tỏi vào phi thơm. Cho thêm 1 muỗng cafe nước hàng. Sau đó trút thịt vào xào cho săn, rồi trút hết măng vào xào chung trong khoảng 3 phút.
– Trút tiếp vào chảo 1 chén nước lạnh, nêm nếm cho vừa miệng. Đun lửa nhỏ cho còn 1/3 nước, thịt thấm mềm thì trút rong biển vào xào tiếp trong 1 phút là xong.
– Ăn với cơm nóng.

Bé Bủm.

Cách làm Trứng chiên rong biển

Một chút kết hợp với rong biển sẽ giúp món trứng chiên thường ngày thêm hấp dẫn và bổ dưỡng.

Nguyên liệu:

– 4 quả trứng

– 1 miếng rong biển to

– 1 ít muối

– Dầu ăn

 Cách làm:

– Đập trứng, đánh đều (Chú ý: Phải đánh trứng cho tới khi lòng trắng và lòng đỏ tan đều). Thêm một ít muối vào trứng, đánh tới khi tan hết muối.

– Chuẩn bị một cái chảo to (đủ để vừa miếng rong biển).

– Làm nóng chảo, cho dầu ăn vào. Đợi dầu nóng, cho 1 nửa trứng vào, nghiêng để trứng trải đều trên chảo.

– Khi trứng đã hơi đông lại (còn ướt ở phần bề mặt), cho miếng rong biển vào.

– Sau đó rưới đều lượng trứng còn lại trong tô lên trên bề mặt miếng rong biển (có thể đậy nắp lại để bề mặt trứng chín mà phần dưới trứng không bị cháy)

– Khi mặt trứng đông lại, nhẹ nhàng cuộn trứng lại.

– Cho trứng ra dĩa. Thái miếng vừa ăn.

 Ngân Thủy (MAV.vn)

Cách làm KIM CHI TÁO với CỦ CẢI

Kim Chi cải thảo thì đã quen thuộc lắm rồi, hôm nay mọi người cùng bếp MAV tập làm Kim Chi Củ Cải và Táo nhé! 

 Nguyên liệu:

  • 2 củ cải trắng to (khoảng 1kg)
  • 1 trái táo
  • Muối, đường, nước mắm, tiêu
  • 100g hành lá (thích nhiều thì thêm nhiều)
  • 1 chén tỏi băm
  • 1 ít gừng hoặc nước cốt gừng
  • 300g ớt bột Hàn Quốc

Cách làm:

– Củ cải trắng gọt vỏ, rửa sạch, cắt khúc vừa ăn (như hình)

– Sau đó xếp củ cải vào to, ướp với muối theo công thức cứ một lớp củ cải là một lớp muối, để trong vòng 1 tiếng cho củ cải thấm gia vị, rồi rửa sạch, để ráo.

– Táo gọt vỏ, bỏ hạt, thái hạt lựu.

– Cho đường, tiêu, tỏi, nước cốt gừng (hoặc gừng giã nhuyễn), một ít nước mắm, táo vào củ cải, trộn đều.

– Để ở nhiệt độ thường để củ cải lên men khoảng 2 ngày. Sau đó phải bảo quản kim chi củ cải ở nhiệt độ thấp (tốt nhất nên để trong ngăn mát tủ lạnh).

 
Ngân Thủy (MAV.vn)

Cách nấu Canh mít non lá lốt

Canh mít non lá lốt là một món ăn dân dã nhưng rất ngon miệng, tuy công thức này có bỏ thêm tôm và thịt ba chỉ, nhưng vẫn không làm mất đi hương vị cây nhà lá vườn của nó.

Nguyên liệu:

  • 200g mít non
  • 100g tôm
  • 100g thịt ba chỉ
  • Một nắm lá lốt
  • Hành củ, chút hành lá
  • Mắm ruốc, gia vị.


Sơ chế:

– Mít gọt vỏ, bỏ cùi, rửa sạch sẽ sau đó xé ra từng miếng nhỏ vừa ăn.
– Lá lốt xắt sợi 0,5cm.
– Múc 1/2 muỗng canh mắm ruốc hòa với nước cho tan, sau đó dùng rây lọc bỏ cát, bụi, giữ phần nước pha lại.
– Hành củ xắt lát mỏng. Hành lá xắt nhỏ.
– Tôm lột vỏ, bỏ đầu đuôi, rút chỉ đen, sau đó chà qua muối rồi rửa lại bằng nước sạch, để ráo.
– Thịt ba rọi rửa sạch cắt thành miếng nhỏ, dài rộng cỡ 2 đốt ngón tay.
– Sau đó ướp tôm + thịt + chút muối + chút nước mắm + chút bột ngọt trong 15 phút.

Thực hiện:

– Bắc cái nồi lên bếp, cho ít dầu ăn vào đun nóng rồi bỏ hành củ thái lát và hành lá xắt nhỏ vào phi thơm. Sau đó cho thịt và tôm vào xào săn.
– Đổ nước lạnh vào một lượng đủ nấu canh, đổ hết nước mắm ruốc vào, đun cho sôi.
– Nước sôi cho mít vào nấu tới khi chín mềm. Nhỏ lửa, nêm nếm lại bằng nước mắm, bột ngọt (hạt nêm) cho vừa ăn.
– Đun sôi lại lần nữa rồi tắt bếp. Cho lá lốt vào khuấy đều là xong.
– Ăn nóng với cơm. Khi ăn làm chén nước mắm ớt ăn kèm để thêm phần kích thích.

Bé Thúi

Cách làm Dưa cải muối chua

Dưa cải muối chua (cải chua) là món ăn phổ biến khắp ba miền. Ngoài việc dùng như một loại thức ăn, dưa cải muối còn là nguyên liệu trong các món canh chua, cá kho, thịt kho… rất ngon và hao cơm. Cùng xem qua cách làm dưa cải muối dưới đây để giành sẵn cho gia đình một hũ dưa chua sạch sẽ, tiện lợi nhé!

Nguyên liệu:

  • 1 ký cải xanh, ra chợ hỏi loại cải lá to để muối dưa
  • 1/2 lít nước vo gạo
  • Nước
  • Muối hột, đường
  • Hành củ, hành lá (số lượng tùy thích)

(Có thể cho thêm ớt, tỏi vào muối nếu bạn thích ăn cay và thích mùi tỏi)

Cách làm:

  • Sơ chế:

– Hành lá rửa sạch, cắt lấy phần đầu hành (chỉ dùng phần này). Hoặc dùng luôn phần lá cũng được nhưng theo mình thì nên cất tủ lạnh làm món khác ngon hơn.
– Hành củ chẻ múi ra làm đôi
– Cải mua về đem cắt ra từng khúc vừa ăn (dài và to 1 tí vì cải sẽ teo lại sau khi phơi và muối). Hoặc để nguyên cây muối cũng được, mỗi lần ăn thì cắt ra.

– Sau đó đem cải và dầu hành ra phơi ngoài trời một tí cho hơi héo. Nếu không có nắng bỏ vô rổ cho ráo nước, để một góc chờ cho héo.
Sau khi cải và hành hơi héo rồi, thì đem rửa sạch.

– Nấu một nồi nhỏ nước sôi rồi lấy 1/2 lít nước bỏ ra riêng để muối dưa. Phần nước còn lại dùng để ngâm tráng hũ muối dưa cho sạch trước khi muối.

  • Pha nước muối dưa:

– Phần nước sôi bỏ ra riêng khi nãy, ta chờ một chút cho nước bớt nóng (còn ấm), sau đó đổ nước vo gạo vào, pha thêm 2,5 muỗng canh muối hột, 1 muỗng canh đường, khuấy cho tan.

  • Muối dưa:

– Cho cải, hành củ chẻ đôi và hành cọng vào lọ, xếp theo lớp cho dễ gắp: 1 lớp dưa, 1 lớp hành…Ép cho chặt xuống rồi mới đổ nước muối dưa lên trên cho ngập dưa. Có thể dùng cái dĩa nhỏ bỏ vào lọ để chặn không cho dưa nổi lên trên. Không thì làm như ngoài tiệm, bỏ nước vô bịch nilon cột lại rồi thả vào đè dưa xuống.

– Sắp xếp chèn ép đâu vào đó rồi thì đậy nắp lại. Để hũ dưa vào nơi khô thoáng khoảng 3-4 ngày là ăn được. Nếu muốn nhanh chua thì mỗi ngày đem hũ dưa ra phơi nắng vài tiếng.

– Dưa thành phẩm sẽ có màu hơi vàng óng nhờ muối bằng nước vo gạo. Dưa ngon là dưa cọng giòn (nhờ đường), đủ độ dai (nhờ phơi héo), không quá chua, cũng không mặn quá không tốt cho sức khỏe.

*** Nước dưa cũ sau khi ăn hết thì chừa lại một ít để cho vào lọ muối dưa mới, làm vậy sẽ muối nhanh chua hơn.

Bé Thúi

Cách làm THỊT KHO TRỨNG CÚT

Không chỉ có vị ngon hấp dẫn, món này còn mang công dụng chữa bệnh, bồi dưỡng cơ thể của trứng cút. 

Nguyên liệu:

  • Trứng cút: 20 quả
  • Thịt ba rọi hoặc sườn non: 300gr
  • Dừa xiêm: 1 trái, chỉ lấy nước
  • Nước mắm, muối, đường, gia vị các thứ
  • Hành tím 3 củ, tỏi 3 tép
  • Hành lá 1 cây.

Cách làm:

  • Chuẩn bị:

– Trứng cút luộc chín, lột hết bỏ (trong lúc bóc vỏ để sẵn chén muối tiêu, vừa lột vừa ăn bớt từ 5-10 trái nhé các bạn, vì trứng cút ăn lúc này là ngon nhất, và cũng vì nếu kho 1 lúc 20 trái thì hơi nhiều, không cân đối so với lượng thịt)
– Lấy 1 củ Hành tím băm nhuyễn, 2 củ còn lại chẻ dọc làm đôi. Tỏi băm nhuyễn. Hành lá xắt nhỏ.
– Thịt ba rọi đem rửa sạch, thái miếng ngang bằng 2 ngón tay, dày 1,5 ngón (vì trứng cút nhỏ nên thái thịt to quá nhìn không đẹp, chủ yếu là đẹp để lên ảnh cho hấp dẫn, nhiều like)
– Ướp với 1 muỗng cafe muối, 1/2 muỗng canh hành tím băm, 1/2 muỗng cafe tỏi. Món này khỏi ướp nước hàng vì nước dừa kho kỹ thì cũng tạo màu nâu cho thịt rồi. Ướp thịt trong ít nhất 15 phút.

  • Thực hiện:

– Bắc một cái nồi hoặc chảo, phi thơm hành tỏi, sau đó cho thịt vào xào cho mặt thịt săn lại.
– Tiếp đó, trút trứng cút vào nồi nhẹ nhàng. Cho mấy củ hành đã cắt đôi còn lại vào nồi.
– Đổ hết nước dừa vào vặn lửa to cho sôi, rồi nhỏ lửa, nêm 1 muỗng canh nước mắm.
– Sau đó kho liu riu tới khi nước dừa ngấm vào thịt, còn khoảng 1/3 so với mặt thì thì nêm nếm lại cho vừa ăn (lúc này có thể nêm đường để gia giảm độ mặn ngọt của nước thịt).
– Nêm nếm cho chuẩn rồi, thì kho tiếp trong 5 phút cho thấm, sau đó rắc tiêu, hành lá lên, đậy nắp lại cho hành lá bị “xìu”, đậm màu, bám vào thịt và trứng ton sur ton rất đẹp.
– Đẹp rồi thì tắt bếp.

  • Măm măm:

– Món này ăn nguội với cơm nóng, hoặc ăn nóng với cơm nguội đều ngon.

*** Các bạn lưu ý là hành lá có thể làm món này thơm và đẹp, hấp dẫn hơn, nhưng mà nếu nhắm ăn hết trong 2 bữa thì hãy bỏ hành trực tiếp vào nồi, vì hành dễ thiu sẽ làm món ăn mau hư hơn. Nếu nhắm ăn hông hết nổi, thì tốt nhất là chỉ rắc hành vào dĩa thịt.
*** Với trứng cút, bạn có thể luộc chín rồi chiên vàng trước khi cho vào kho, như nhiều người thường làm. Làm như vậy thì trứng cút sẽ có vị thơm của trứng chiên, nhưng nước kho sẽ khó thấm vào trong trứng hơn là khi không chiên.

Bé Thúi.

Cách làm SƯỜN XÀO CHUA NGỌT

Sườn xào chua ngọt là món ăn “hoàn hảo” trong khẩu vị nhiều người, nó có đủ cái béo ngọt hấp dẫn của sườn non, vị chua nhẹ mà đậm đà của dấm, vị thơm của tỏi, mặn của nước mắm.

Nguyên liệu:

  • 500g sườn non (sườn sụn càng ngon)
  • Hành củ băm
  • Tỏi băm
  • Dấm, nước mắm, đường, tiêu, ớt.
  • 1 quả cà chua lớn
  • Hành lá thái nhỏ

suon-xao-chua-ngot

Cách làm:

  • Chuẩn bị:

– Cà chua thái nhỏ
– Sườn non mua về chặt khúc nhỏ vừa ăn.
– Chuẩn bị nồi nước lạnh, cho sườn vào kèm theo 1 nhúm muối và 1 củ hành tím đập dập, bật lửa to nấu cho ra bọt.
– Nước sôi khoảng 2 phút thì vớt sườn ra rửa sạch lại bằng nước lạnh. Để ráo.

  • Thực hiện:

– Cà chua trụng qua nước sôi (cho dễ lột vỏ) rồi lột vỏ.
– Ướp sườn với 1 muỗng cafe muối, 1 muỗng cafe dấm, 1/2 muỗng canh hành băm, 2 muỗng cafe tỏi băm, 1/2 muỗng cafe tiêu, để trong 15 phút
– Trong lúc chờ thịt thấm thì bắc cái chảo nhỏ phi thơm hành rồi cho cà chua + một chút nước vào xào. Đậy vung lại 1 phút để cà chua nhừ rồi dùng cái vá dằm nát cà chua ra. Sau đó để qua một bên.
– Lúc này thì thịt đã ngấm. Ta bắc một cái chảo, cho dầu ăn và hành tỏi băm vào phi thơm. Sau đó lấy hết hành tỏi bỏ đi, chừa lại một chút xíu dầu ăn, ta cho sườn vào xào cho cháy cạnh.
– Tiếp theo, đổ nước sốt cà chua làm lúc nãy vào trong chảo sườn, vặn lửa nhỏ nấu trong 20 phút.
– Sườn bắt đầu chín thì ta nêm nếm lại gia vị, chủ yếu là thêm đường và nước mắm để cân bằng độ chua ngọt mặn của món ăn.
– Nêm nếm xong rồi thì xào lên cho đều, đun tiếp 3 phút nữa rồi tắt bếp.

  • Măm măm:

– Cho ra đĩa, rắc chút tiêu và hành lá thái nhỏ lên bề mặt món sườn. Món này ăn nóng mới ngon.

Bé Thúi

Cách làm Chả Mực

Chả Mực là món ăn ngon ở các tỉnh miền biển, trong đó nổi tiếng nhất là chả mực Hạ Long, Quảng Ninh với phần nguyên liệu tuyển chọn và bí quyết chế biến gia truyền. Chả mực có nhiều cách làm, sau đây là một trong những cách làm chả mực đơn giản nhất, chỉ cực ở đoạn giã mực.

Nguyên liệu:

  • Mực nang tươi: nửa ký
  • 100g mỡ gáy heo xay sẵn.
  • Rau thì là.
  • 1 quả trứng gà
  • Nước mắm, tiêu, tỏi băm, dầu ăn.

Mực: chọn con còn tươi sống, mập dày, râu mực còn bám vào tay, da mực còn sáng óng ánh là mực ngon.

Thực hiện:

– Mực làm sạch, lột da, bỏ ruột, dùng dao cạo bỏ phần nhầy, rửa với nước muối cho sạch rồi rửa lại với chút rượu pha rừng cho hết tanh. Dùng giấy thấm dầu thấm cho khô hết nước trên mực. Sau đó chia ra, râu mực để riêng, xắt nhỏ. Thân mực và đầu mực xắt nhỏ.

– Rau thì là thái nhỏ.

– Cho đầu và thân mực vào chung 1 cái cối rồi dùng chày giã nhuyễn. Giã từng ít một, không vội vàng (có máy xay thì cho vào xay cho khỏe, nhưng không ngon bằng giã tay).

– Giã xong thì cho râu mực và mỡ gáy vào, nêm thêm 1 muỗng canh nước mắm, 1 muỗng cafe tỏi băm, 1 muỗng cafe tiêu xay, chút dầu ăn, đập quả trứng gà vào chén đánh cho tan rồi trút vào theo luôn. Cho thêm 1 ít (khoảng 1 muỗng canh) rau thìa là thái nhỏ để có hương thơm thì là, nhớ đừng cho nhiều quá ảnh hưởng đến mùi mực. Đeo bao tay nilon bóp nhuyễn, trộn đều lên. Sau đó để yên trong 5-10 phút cho gia vị ngấm.

– Trộn xong thì nặn chả thành mấy miếng dẹt dẹt vừa ăn.

– Bắc chảo dầu, khi dầu hơi nóng thì bắt đầu thả chả mực vào chiên vàng từng mặt. Dùng chảo to thì có thể chiên tất cả 1 lúc, tiết kiệm thời gian.

Chả chín là có thể ăn được. Pha nước mắm tỏi ớt chua ngọt + vài cọng thìa là, hoặc đơn giản là chấm tương ớt. Ăn với cơm, xôi, hoặc bún.

Bé Thúi (MAV.vn)

Cách nấu THỊT KHO TÀU miền Bắc

Thịt kho tàu kiểu miền Bắc, cũng kho với trứng như thịt kho tàu kiểu miền Nam, nhưng màu sắc và hương vị cũng khác, vì không dùng nước dừa. 

Nguyên liệu:

  • Thịt ba chỉ hoặc thịt mông (nếu bạn không ăn được mỡ – không khuyến khích, vì ăn thịt kho mà không có mỡ sẽ khô, ngán). 3 lạng
  • Trứng vịt hoặc gà: 4-5 quả tùy thích
  • Ngũ vị hương hoặc bột húng lìu
  • Tiêu, đường, muối, tỏi băm, hành băm.
  • Nước màu [ xem CÁCH LÀM NƯỚC MÀU]

Thực hiện:

– Thịt lợn rửa sạch, xắt thành miếng to vừa ăn khoảng 2x4x6 cm. Cho 1 thìa cafe ngũ vị hương vào, ướp cùng 1,5 thìa canh đường, 2 thìa cafe nước mắm, 1/2 thìa cafe muối, tỏi băm, hành băm. Ướp khoảng 30 phút.

– Trứng cho vào nồi luộc chín hoàn toàn, lột vỏ, có thể rán vàng da trứng nếu thích. Xong thì để qua một bên.

– Bắc nồi kho, cho chút dầu ăn hoặc mỡ rán vào, phi thơm ít tỏi băm, sau đó cho thịt vào xào cho săn, đoạn này nhớ xào nhanh và đều tay để cho thịt không bị cháy.

– Thịt chín, cho 2 muỗng canh nước hàng. Cho tất cả trứng vào nồi, châm thêm nước cho sâm sấp thịt. Nấu lên cho sôi rồi văn nhỏ lửa riu riu, nêm gia vị cho vừa ăn, có thể ngắt cuống 2-3 quả ớt để vào nếu thích ăn cay.

thit-kho-tau-21

– Đậy nắp nồi nấu tiếp với lửa nhỏ cho đến khi thịt mềm, dùng đũa đâm thủng được là ok. Nếu cạn nước, thì châm thêm tí nước và nêm lại cho vừa miệng, sao cho lúc thịt mềm, vẫn còn 1 ít nước để chan vào cơm ăn cho ngon.

– Thịt chín: tắt lửa, bỏ ra đĩa, rắc chút tiêu, hành lá. Ăn với cơm hoặc xôi.

Bé Thúi 

Cách nấu Canh Nấm Đậu Hũ

Có nhiều công thức làm Canh Nấm chay khác nhau tùy sở thích mỗi người. Sau đây là cách đơn giản, cốt là để giữ lại mùi thơm và dinh dưỡng của từng loại nấm.

Nguyên liệu:

  • Nấm rơm: 150gr
  • Nấm kim châm: 100gr
  • Nấm hương (đông cô): 50gr
  • Đậu hũ (đậu phụ) non: 1 miếng
  • Cà rốt: 1 củ
  • Rau mùi vài cọng
  • Boa rô, một ít
  • Xì dầu, gia vị

Cách làm:

  • Chuẩn bị:

– Nấm hương khô ngâm vào nước ấm pha chút muối 20-30 phút cho mềm, cọ kỹ phía trong tai nấm cho hết cát.
– Nấm kim châm, nấm rơm ngâm trong nước muối loãng khoảng 30 phút.
– Trong khi ngâm nấm thì xắt cà rốt thành miếng nhỏ vừa ăn, có thể tỉa hoa hòe nếu thích.
– Boa rô băm nhỏ
– Đậu phụ xắt miếng nhỏ vừa ăn.

  • Thực hiện:

– Cho ít dầu ăn vào nồi, dầu nóng cho boa rô băm nhuyễn vào phi thơm.
– Cho các loại nấm vào xào săn, nêm chút xì dầu, muối, hạt nêm chay vào cho vừa miệng, rồi trút hết ra tô để riêng.
– Đổ vào nồi 1 lượng nước vừa đủ nấu canh, cho cà rốt và nấm đông cô vào nấu sôi, sau khi sôi được 10 phút thì bỏ đậu hũ, nấm rơm, nấm kim châm vào, vặn nhỏ lửa, nấu sôi tiếp chừng 5 phút rồi tắt bếp. Nêm lại gia vị cho vừa ăn.
– Khi ăn múc canh ra tô, rải vài cọng ngò cắt ngắn.

Bé Thúi (MAV.vn)

Cách nấu Canh Gà Lá Giang

Canh lá giang, lẩu gà lá giang, nghe tên đã thấy hấp dẫn. Cách nấu món này khá đơn giản, quan trọng là lúc nêm nếm, canh sao cho chua ngọt trung hòa, hương thơm mùi lá giang, mà vị phải đậm đà.

Lá giang thường có ở miền Nam, là một loại cây lá rất bổ, ngoài tác dụng chữa bệnh ngoài da, lá giang khi làm thực phẩm có thể giúp chữa các bệnh về tiêu hóa, dạ dày, đau nhức xương, các bệnh đường tiết niệu…


Nguyên liệu: 

  • 100g lá giang
  • 500g thịt gà ta [Thật sự thì đối với nhiều người, canh này NẤU BẰNG CHÂN / CÁNH GÀ gặm ăn rất ngon, không cần dùng nhiều thịt]
  • Dầu ăn
  • Xả bằm
  • Hành củ, tỏi, đầu hành lá, ngò gai, húng quế, rau ôm (ngò om)
  • Nước mắm, dầu ăn, đường, muối, tiêu, ớt.
  • Sa tế (tùy thích)


Sơ chế: 

  • Hành củ thái lát, tỏi băm nhuyễn, đầu hành lá đập dập.
  • Lá giang nhặt rửa sạch, bỏ lá già hoặc quá non vì già sẽ chát mà non sẽ nhạt, vò cho dập.
  • Gà chặt miếng nhỏ vừa ăn, cho vào cái tô. Ướp với hành lá dập, tỏi băm, 1 muỗng canh nước mắm, 1 muỗng cafe muối, 1 muỗng canh đường. Ướp ít nhất 20 phút cho ngấm.


Thực hiện:

  • Bắc cái chảo lên bếp, cho 1 muỗng canh dầu ăn vào, dầu nóng thì cho 1 muỗng cafe sả vào phi vàng, sau đó cho hành củ xắt lát vào phi tiếp.
  • Hành sả thơm thì cho thịt gà vào xào cho thịt gà thật săn lại.
  • Bắc một nồi nước sôi với lượng nước đủ nấu canh, nấu cho sôi rồi thả gà vào, vặn lửa nhỏ, đậy vung, nấu tiếp trong 10 phút cho gà chín hẳn. Trong lúc nấu thỉnh thoảng mở vung hớt bọt cho nước được trong.
  • Nhỏ lửa, nêm thêm nước mắm, đường, muối, xắt thêm 1 trái ớt hiểm vào nồi canh, nêm sao cho vị vừa đủ mặn.
  • Cho lá giang vào khuấy nhẹ cho lá chín, nêm thêm ít đường rồi nêm cho vừa chua, cay, mặn, ngọt, vị đậm đà là được (nhớ là đừng chua quá vì lá giang càng để lâu càng chua).


Trình bày:

  • Múc canh gà lá giang ra bát, rắc thêm ngò gai, húng quế, ngò om lên mặt canh, rưới 1 muỗng sa tế nếu thích. Lưu ý là sa tế sẽ làm tăng sự kích thích của món ăn nhưng sẽ làm giảm đi phần nào cái thanh dịu của gà và lá giang, vì vậy nên dùng với lẩu thì thích hợp hơn là ăn bữa cơm thường.
  • Ăn nóng với cơm.


Với cách nấu CANH GÀ LÁ GIANG này, các bạn có thể “nâng cấp” lên thành LẨU GÀ LÁ GIANG trong những bữa tiệc, sức hấp dẫn của gà và sự kích thích của các vị chua, cay, mặn, ngọt sẽ mang đến cho cả nhà một bữa ăn ngập tràn “sung sướng”.


Bé Thúi (MAV.vn)

 

 

Cách làm mắm chưng hột vịt

Mắm chưng thịt, hay còn gọi là mắm chưng hột vịt, là một món ăn dân dã, đậm đà hương vị miền Tây mà bất cứ ai đã ăn một lần thì không thể quên được.

Làm món này khá đơn giản, điều bạn cần quan tâm là khả năng ăn mắm của người ăn. Công thức sau đây sẽ cho ra món ăn có hương vị vừa phải, nếu thích nhiều mùi mắm, thì bạn cứ mạnh tay tăng lượng mắm. Nhưng nhớ là thêm mắm thì phải thêm đường, đừng ăn mặn quá không ngon mà cũng không tốt cho sức khỏe!

Công thức làm Mắm chưng thịt:

Nguyên liệu (cho 5 người ăn):

  • 3 muỗng canh mắm cá xay nhuyễn (nên dùng mắm sặc hoặc mắm linh, kẹt quá thì dùng mắm lóc cũng được)
  • 300gr thịt ba rọi bỏ bì, xay nhỏ (lựa thịt rồi biểu người ta xay, đừng có mua thịt xay sẵn)
  • Hành củ băm: 1 muỗng canh
  • Tiêu xay: 1 muỗng cafe
  • Đường: 3 muỗng cafe
  • Trứng vịt hoặc trứng gà: 4 trái
  • 1 muỗng canh dầu ăn
  • 1 trái ớt băm nhỏ

Có thể cho thêm:

  • 1 lọn bún tàu (ngâm nở xong cắt thành cọng 2cm)
  • Vài tai nấm mèo (ngâm nở, băm nhuyễn)
  • 1 củ đậu (còn gọi là củ sắn) cắt càng nhỏ càng tốt, vắt cho ráo nước.
  • (Nếu vậy phải tăng thêm tí mắm).

Cách làm:

  1. 4 quả trứng vịt đập hết ra một cái tô to, vớt lấy 2 lòng đỏ bỏ riêng vô 1 cái chén, phút 89 mới dùng tới.
  2. Phần trứng vịt trong tô đánh cho tan. Sau đó cho tất cả nguyên liệu (thịt, mắm, hành băm, gia vị,…) đã chuẩn bị ở trên vào tô trứng. Trộn đều.
  3. Dùng cái muỗng ém mặt hỗn hợp lại cho chắc, láng mặt cho phẳng phiu.
  4. Bắc một nồi nước để hấp cách thủy (nếu có nồi hấp thì dùng nồi hấp), cho cái tô nguyên liệu vào, mở lửa lớn cho nước sôi rồi nhỏ lửa, đậy nồi lại hấp trong khoảng 40 phút cho chín. Thỉnh thoảng nhớ mở nắp lau nước đọng trên nắp nồi.
  5. Cần phải thử coi mắm chín chưa, bằng cách dùng cây đũa đâm vào mặt mắm, nếu có nước chảy ra là chưa chín, còn khô rồi là đã chín.
  6. Cái chén đựng 2 lòng đỏ ban nãy, bây giờ (khi tô mắm đã chín) đánh cho tan lòng đỏ, rồi tráng lên mặt tô mắm chưng, cốt để làm cho tô mắm đẹp hơn. Có thể trang trí thêm 3 trái ớt (lặt cuống, đề phòng ai thích ăn cay thì xắn vô chén ăn luôn). Sau đó rắc 1 ít tiêu lên bề mặt này.
  7. Đun tiếp khoảng 5 phút không đậy nắp nồi cho mặt trứng ráo.
  8. Vậy là đã xong tô mắm chưng thịt. Ăn với cơm, kèm dưa leo, cà chua xắt lát mỏng.

Bé Thúi (MAV.vn)