Cách làm BÁNH HẸ

 

Bánh Hẹ là món ăn gốc Hoa được nhiều người đặc biệt ưa thích. Món bánh hấp dẫn, ngon miệng nhưng có cách làm và nguyên liệu thật đơn giản.

Chuẩn bị:

  • 600g bột há cảo, có thể tự làm: CÁCH LÀM BỘT HÁ CẢO
  • 1 ký hẹ
  • Vài miếng lá chuối
  • Muối tiêu, nước mắm ớt tỏi
  • Hành lá, tóp mỡ (làm mỡ hành ăn kèm nếu thích)
  • Có thể thêm thịt băm vào phần nhân tùy ý
Cách làm:

Hẹ nhặt rửa sạch, để ráo rồi thái nhỏ, trộn với chút dầu ăn và muối.
Bắc nồi cho 2,5 chén nước vào nấu sôi, vặn nhỏ lửa rồi trút 500g bột há cảo vào (còn 100g để làm bột áo). Khuấy cho thật đều và nhanh tay. Nếu thấy bột khô thì cho thêm ít nước. Bột chín được 6-7 phần thì tắt lửa, nhấc nồi bột ra ngoài nêm 2 muỗng canh dầu ăn và nửa thìa cafe muối.
Đợi bột nguội thì thò tay vào nhồi bột cho mịn, dẻo, châm nước hoặc bột nếu bột khô hoặc quá ướt… Nhồi thấy mịn hết dính tay rồi thì để bột đó nghỉ 15 phút. Sau đó đem nhồi sơ lần nữa.
 
Chia bột ra thành những mẫu to cỡ quả trứng gà. Cán mỏng rồi cho hẹ vào, túm bột lại cho kín. Phần chóp sau khi túm nên ngắt bớt bột để bột không bị dày quá ở chỗ này ăn dễ ớn. Sau đó ép cho bánh dẹp xuống. Làm vậy cho hết bột.
Bắc xửng, lót lá chuối phía dưới, phết ít dầu ăn rồi xếp bánh lên mặt lá chuối.

 Hấp trên lửa to chừng 10 phút là chín bánh. Ta cho bánh ra dĩa.
Nếu xếp bánh đè lên nhau thì ta xoa lên bánh ít dầu ăn để bánh không dính vào nhau. Đợi bánh nguội, đem chiên cho giòn. Ăn nóng với nước mắm ớt tỏi.
Bảo Châu

Cách làm BÁNH XÈO NAM BỘ

Cũng là bánh xèo từ bột gạo, nhưng bánh xèo Nam bộ khác bánh xèo miền Trung ở một số đặc điểm khác biệt: bánh đổ to, các nguyên liệu cũng đa dạng và tùy biến nhiều hơn, còn nước chấm là nước mắm chua ngọt chứ không phải tương gan heo như nhiều tỉnh miền Trung.

Sau đây là cách làm bánh xèo cơ bản, bạn có thể thay thế một số phụ liệu cho vừa ý.

Nguyên liệu làm BÁNH XÈO MIỀN NAM:

  • 4 lạng bột bánh xèo
  • Bột nghệ
  • Tôm: 1,5 lạng
  • Thịt ba chỉ: 1,5 lạng
  • Nấm hương: 10 cái
  • Hành hoa
  • Giá đỗ: 100 g (hoặc củ sắn)
  • Cà rốt: 1 củ
  • Nước lọc: 500 ml
  • Đỗ xanh cà vỏ: 50 g
  • Dầu ăn, nước mắm, đường, ớt, rau diếp, rau thơm các loại.
  • Đồ chua: xem CÁCH LÀM ĐỒ CHUA

Cách làm :

Làm bánh:

Bước 1:

– Cho gói bột bánh xèo vào âu sạch cùng 1 thìa cà phê bột nghệ. Đổ 500 ml nước vào âu cùng hành lá thái nhỏ. Đánh đều để khoảng 30 phút trước khi đổ bánh.

Bước 2: Tôm, thịt rửa sạch. Sau đó, thịt thái mỏng, nấm hương ngâm nở, cắt bỏ chân thái sợi.

Bước 3: Cho 1 ít dầu ăn vào chảo rồi cho thịt vào xào tiếp đến các mẹ cho tôm vào xào cùng nấm hương. Rồi nêm nếm bột nêm cho vừa ăn sau đó cho tôm thịt ra bát.

Bước 4: Với đậu xanh các mẹ nên vo sạch, ngâm nước khoảng 30 phút rồi cho vào chõ hấp chín. Giá đỗ rửa sạch để ráo, cà rốt gọt vỏ bào sợi.

Bước 5: Đặt chảo lên bếp cho chảo nóng lên, rồi láng đều 2-3 muôi bột bánh xèo. Các mẹ nhớ lắc đều để hỗn hợp bánh xèo trải mỏng khắp chảo.

Bước 6: Các mẹ xếp lên bề mặt bánh một vài con tôm, thịt, thêm đỗ xanh, giá đỗ, cà rốt rồi đậy kín nắp chảo lại.

Bước 7: Đun lửa lớn từ 3-4 phút dùng muôi gấp bánh xèo làm đôi, rán đến khi phần vỏ vừa ý thì tắt bếp gắp bánh xèo ra đĩa.

Bước 8: Lần lượt làm như vậy cho đến khi hết bột bánh và phần nhân nhé các mẹ.

Pha nước mắm chấm bánh xèo:

– ¼ chén đường – ½ chén nước ấm – 3 muỗng canh nước chanh – ¼ chén nước mắm – Ớt chín cắt lát – 1 củ tỏi băm nhuyễn – Cho nước mắm, nước ấm, đường và nước chanh vào một bát nhỏ, trộn đều cho đến khi đường tan hoàn toàn. Thêm tỏi và ớt trộn đều.
– Cuối cùng cho đồ chua vào chén nước chấm.

 

Theo Thùy Trang (các món ăn quê nhà)

Cách làm BÁNH GỐI

Bánh gối là một trong những món ăn hàng quyến rũ của đất Hà Thành. Khác với bánh quai vạc miền Nam, bánh gối ăn với nước chấm chua ngọt thanh tao, nhẹ nhàng, ngon nhất vào tiết trời thu hoặc trong mùa đông lạnh.

 

1.Nguyên liệu:

  • Bột mì: nửa kí
  • Thịt heo xay (chọn phần nạc vai sẽ ngon): 3 lạng
  • Giá: 2 lạng
  • Hành củ: vài củ
  • Nấm mèo: vài tai
  • Miến (bún tàu): nửa lạng
  • Cà rốt: 1 củ
  • Dầu ăn (hoặc mỡ), nước mắm, bột ngọt, hạt tiêu, tỏi, dấm, chanh, đường, muối.

2. Thực hiện:

– Cách làm vỏ bánh gối:

Nhanh nhất là đi mua tại các hàng bán đồ khô trong chợ. Còn không thì bạn phải tự làm:

Bột nếp rây mịn cho vô cái thau, rắc chút muối, chế nước sôi vào từ từ nhào tới khi bột mềm mịn, không khô không nhão, không dính tay nữa là được.

Nếu nhão thì thêm bột, khô thì thêm nước.

Sau đó cán bột ra lớp thật mỏng. Dùng mật có miệng tròn đường kính khoảng bằng cái chén (bát con), ịn vào bột để tạo ra những miếng bột tròn nhỏ.

– Xong phần bột, bây giờ làm nhân:

Bước 1: Miến ngâm nước cho mềm, cắt thành cọng chừng 3-4cm.

Bước 2: Nấm mèo ngâm rửa nước ấm cho sạch, thái sợi hoặc băm nhỏ. Hành củ lột vỏ, băm nhỏ.

Bước 3: Trộn chung tất cả nguyên liệu ở 2  bước trên với nước mắm, bột ngọt, tiêu xay. Bắc chảo cho tí dầu ăn, xào qua cho dậy mùi, sau đó để nguội.

– Cách gói bánh: Gói sao cho phần nhân ở trong được phần vỏ bọc kín,  có nhiều kiểu cho bạn chọn:

Cho nhân vô giữa miếng bột, gấp lại thành hình bán nguyệt, rồi gấp mép lại (gấp kiểu nào tùy bạn)

Cuối cùng là bắc chảo dầu nóng, cho từng miếng bánh vào chiên cho chín vàng, sau đó vớt ra để ráo.

 

– Cách pha nước chấm bánh gối:

Tỏi đập dập, ngâm dấm gạo sâm sấp trước chừng 7 phút( để khi pha nước chấm tỏi được ngâm sẽ nổi hết lên trên mặt nhìn sẽ đẹp hơn). Pha đường với nước ấm cho chóng tan. Hòa nước đường, dấm tỏi, vắt thêm chút chanh, cho ớt và hạt tiêu vào, nếm vừa ăn chua ngọt là được.

3. Thành phẩm

Bánh vàng không cháy, vỏ giòn, nhân mềm, tơi, không nhão. Ăn nóng với nước chấm.

 

 

Cách làm BÁNH MÌ TRỨNG KIỂU

Biến tấu với bánh mì sandwich trứng sẽ khiến cho bữa ăn sáng của bạn thêm hấp dẫn và cũng rất chất lượng.

 

Nguyên liệu (cho 1 người ăn):

– 2 lát bánh mì sandwichvuông

– 1 hột gà

– 1 miếng nhỏ jambon (hoặc giò chả, thịt xông khói nào tùy thích)

– 1 lát phô mai mỏng

– Gia vị: Tương ớt, mayonnaise, muối tiêu, mù tạt nếu thích

 

Thực hiện:

Dùng vật có miệng tròn ụp lên miếng bánh để khoét một lỗ tròn lên một lát bánh mì (lát kia để nguyên)

 

Lát còn lại, xịt mayonnaise lên rồi trét ra cho đều.

Ghép hai miếng chồng lại với nhau.

Tiếp tục vẽ sốt mayonnaise lên mặt trên miếng bánh, vừa để ngon vừa để làm điệu.

Rồi đập quả trứng gà nhẹ nhàng vô chỗ đã khoét. Rắc chút muối tiêu lên.

Jambon hoặc thịt nguội xếp lên miếng bánh. Xếp thế nào tùy bạn. Trong ảnh này là xếp kiểu quẻ âm dương cho đẹp

Bật lò sẵn 180 độ, nướng trong 20 phút trứng chín là được. Xịt tương ớt, mù tạt (không phải wasabi nhé! ) lên ăn nếu thích.

(Nguồn: mykoreankitchen)

Cách làm BÁNH RÁN MẶN

Bánh rán mặn nay không chỉ là món quà vặt ưa thích của trẻ em nữa, mà nó là một món ăn không thể không khám phá khi đến với Hà Nội và các tỉnh miền Bắc.

Nguyên liệu:

– Bột nếp: 3 lạng

– Bột gạo tẻ: nửa lạng

– Khoai tây: 1 củ

– Muối: 1/2 muỗng cafe

– Làm nhân: 3 lạng thịt nạc xay, 1 lọn miến khô, 1 củ cà rốt, vài tai nấm mèo, muối, bột nêm, tiêu xay, hành củ.

– Nước chấm: Nước mắm, đường, ớt trái, đu đủ xanh, dấm.

Thực hiện:

Bước 1:

– Khoai tây mua về rửa cho sạch đất rồi đem hấp chín, lột vỏ, nghiền thật nhuyễn.

Bước 2:

– Cho muối, bột nếp, bột tẻ, khoai tây vào chung một cái thau, bóp trộn cho đều.

Bước 3:

– Cho nước nóng chừng 80 độ vào trong hỗn hợp bột, vừa cho vừa dùng vá trộn lên cho đều. Khi thấy bớt nóng thì thò tay vào nhồi bột cho tới khi cảm nhận được bột mịn dẻo, không dính, thì ngưng. Đậy kín ủ bột chừng 30 phút cho bột nở.

Bước 4:

– Nấm mèo ngâm nước ấm cho nở, rửa sạch, bỏ chân, xắt miếng vụn.

– Cà rốt rửa sạch, cạo vỏ, thái thành miếng tròn nhỏ.

Bước 5:

– Miến ngâm cho nở rồi cắt khúc ngắn 5-7 phân.

Bước 6:

– Trộn thịt xay, nấm mèo, hành khô băm, cà rốt, miến, tiêu, hai muỗng cafe muối, nửa muỗng cafe hột nêm, ướp trong 30 phút.

Bước 7:

– Lấy muỗng chia nhân ra thành từng viên nhỏ.

Bước 8:

– Bột sau khi ủ nở thì ta làm bánh. Nắm một nắm nhỏ bột, dàn mỏng ra rồi cho cục nhân vào giữa, đậy mí kín lại rồi xoe lại cho đẹp. Lưu ý là phải bọc bột cho kín nhân không để không khí lọt vào.

Bước 9:

– Làm lần lượt ta có những cái bánh rán hình bầu dục.

Bước 10:

– Bắc chảo cho nhiều dầu, đun sôi rồi thả bánh vào rán ngập dầu. Trở đều và liên tục.

Bước 11:

– Bánh vàng đều thì vớt ra để ráo.

Bước 12:

– Làm nước chấm: 2 muỗng súp nước sôi để nguội, ớt hiểm xắt lát cho vào, 2 muỗng súp đường và một muỗng súp nước mắm, chút giấm, nếm lại cho vừa miệng.

– Đu đủ xanh gọt vỏ, xắt miếng mỏng. Trộn đu đủ này với muối, giấm, đường, ướp chừng 15 phút rồi vắt ráo.

– Khi ăn cho đu đủ này vào bát nước chấm.

Bước 13:

– Cắt bánh thành miếng cho dễ ăn. Ăn với nước chấm đu đủ.

Theo Cún Khang

Cách làm BÁNH KHỌT

Bánh khọt (khoọc) là món bánh khá phổ biến tại các tỉnh miền Trung và miền Nam Việt Nam. Tại mỗi vùng miền, bánh khọt lại có sự khác biệt, tuy vậy vẫn cùng chung đặc điểm đã tạo nên sức hấp dẫn của món bánh này, đó là kết cấu giòn ngoài, mềm trong, và hương vị thơm ngon.

Nguyên liệu:

  • 1 ký bột bánh xèo, pha thêm tí nghệ cho nó vàng lên. Không có bột bánh xèo thì mua 1ký bột gạo rồi pha thêm bột nghệ.
  • 4 lạng thịt băm (lựa nạc dăm)
  • 3 lạng tôm tươi
  • 3 hột vịt
  • 100ml nước cốt dừa để cho vào nhân, và 400ml nước cốt dừa để cho vào bánh, coi CÁCH LÀM NƯỚC CỐT DỪA
  • 3 lạng đậu xanh hột
  • 1 củ cà rốt
  • 1 củ cải nhỏ
  • Hành tây, hành củ, hành lá, chanh, ớt
  • Các loại gia vị thông thường
  • Rau sống bao gồm: rau xà lách (rau diếp), cải xanh, rau thơm rau sống các loại)
  • Khuôn đổ bánh khọt (mua ngoài chợ)

Chuẩn bị:

Nếu dùng khuôn bánh mới, ta đem khuôn để lên bếp nóng, dùng đũa bọc giẻ nhúng dầu ăn quết lên mặt khuôn liên tục chừng 5 – 10 phút. Trong khi đổ bánh cũng nhớ quết để cho khuôn không dính với bánh.

Thoa dầu ăn lên từng lỗ khuôn.

Tôm tươi rút chỉ bỏ vỏ, cắt thành từng miếng nhỏ.

Cà rốt và củ cải thái sợi nhỏ, bóp với tí muối, rửa sạch, vắt ráo để làm đồ chua.

Hành tây thái hột lựu. Hành lá thái nhỏ. Hành tím xắt lát mỏng

Đậu xanh cho  vào nồi luộc vừa chín.

Thực hiện:

Cho bột vô thau, đập hết hột vịt vô, rồi tới hành lá, 400ml nước cốt dừa, cho thêm chút nước ấm rồi trộn lên. Cho thêm chút muối. Khuấy cho đều tay kẻo bị vón cục. Sau đó để bột nghỉ chừng 20-30 phút.

Nếu pha bột bánh xèo theo công thức trên bao bì, thì bạn nhớ giảm chút nước vì sau đó còn cho thêm nước cốt dừa.

Bắc chảo lên bếp, cho dầu ăn vào rồi phi thơm hành củ, cho thịt băm, tôm, đậu xanh đã luộc, hành tây vô xào chung, nêm nếm vừa miệng, sau đó trút hết ra tô, cho phần 100ml nước cốt dừa vô trộn lên đều là thành phần nhân bánh khọt.

Xào nhân bánh.

Đổ bánh:

Bỏ khuôn lên bếp, thoa dầu lên lỗ tráng rồi múc bột đổ vào từng lỗ trên khuôn. Nhớ đổ ít thôi vì bánh sẽ nở lên. Tiếp theo ta cho thêm nhân vô giữa, đậy nắp lại chờ cho bánh nở chín vàng.

Bánh khọt ăn với nước mắm, rau sống.

Vậy là xong món bánh khọt. Ăn với nước mắm chua ngọt bỏ thêm đu đủ, củ cải xắt lát.

Bài và ảnh: Phương Loan

Cách làm HÁ CẢO HẤP ngon đúng chuẩn

 

Há Cảo là món ăn hấp dẫn gốc Hoa rất thịnh hành ở khu vực có nhiều người gốc Hoa sinh sống như Chợ Lớn, Sài Gòn. Món Há Cảo dùng ăn chơi hoặc điểm tâm rất thích hợp.

Nguyên liệu:

Phần vỏ:

  • – Nửa lạng bột nếp
  • – 2 lạng bột gạo
  • – 1 lạng bột năng
  • – 350ml nước lạnh
  • – Dầu ăn, muối
  • – 1 khuôn xắn bột hình tròn, đường kính 5-6cm (hoặc dùng vật gì có miệng tròn và đường kính tương tự).

Phần nhân:

  • – 1 lạng rưỡi thịt nạc heo
  • – 1 lạng rưỡi tôm bạc
  • – 1 lạng củ sắn
  • – 1 lạng cà rốt
  • – 5 tai nấm mèo
  • – 1 muỗng cafe bột năng hòa tan trong tí nước
  • – Dầu ăn
  • – Gia vị các thứ

Thực hiện:

1/ Làm nhân:

– Thịt xắt miếng nhỏ để băm. Tôm bóc vỏ rút chỉ rửa sạch rồi cho vào chung với thịt, băm nhuyễn cả hai cùng lúc. Rắc thêm chút muối, tiêu, bột ngọt, trộn đều rồi ướp khoảng 20 phút.
– Củ sắn, cà rốt xắt nhỏ để băm. Nấm mèo ngâm nước ấm, vừa ngâm vừa rửa, để cho nấm mèo nở to thì vớt ra để ráo, xắt nhỏ rồi băm cho nhuyễn chung với củ sắn, cà rốt.
– Bắc chảo phi thơm 1 muỗng cafe tỏi băm trong dầu ăn, cho tất cả nguyên liệu làm nhân vào xào chín. Nêm nếm lại vừa miệng thì nhắc xuống, đổ bột năng hòa tan vào trộn lên cho đều. Tới khi nào nhân dẻo, dính dính nhau là được.

2/ Làm vỏ bánh:

– Ba loại bột đem hòa tan trong 350ml nước lạnh. Nghiền kĩ đừng để vón cục. Lược qua rây, nêm thêm chút bột ngọt, chút muối. Đổ bột vào chảo cho lên bếp, vặn lửa nhỏ vừa đun vừa khuấy nửa sống nửa chín, sau đó đổ ra mâm, rưới dầu ăn vào vừa rưới vừa nhồi tới khi nào cảm giác được bột thật mịn, không bị khô.

-Cán bột mỏng và đều khoảng 2 milimet, dùng cái đồ xắn bột, xắn thành từng miếng tròn đường kính 5-6cm. (Nếu bột bị khô khó cán nghĩa là bột chưa tới, phải châm nước nhồi lại)

– Lấy miếng bột đã xắn tròn ra, bỏ nhân vô giữa, gấp miếng bột lại rồi dùng tay bóp hai mí bột lại cho dính vào nhau (nếu không dính nghĩa là do nhồi bột chưa tới), nhíu mí bánh cho thành hình gợn sóng quanh rìa bánh cho đẹp (coi ảnh).

– Chuẩn bị xửng hấp, lót lá chuối rồi xếp từng cái bánh lên cho kín mặt xửng rồi đem hấp cách thủy, nước sôi độ 15 phút là bánh chín.

Thưởng thức:

– Dọn bánh ra dĩa, rắc ít thìa là thái nhỏ, ăn với xì dầu ngọt xịt miếng tương ớt, có thể pha thêm đường, chanh vào xì dầu cho dịu vị.

– Yêu cầu bánh trong, vừa dai vừa đủ độ chắc mềm, không bị bể, nhân vừa miệng.

Nguyễn thị Tuyết

Cách làm BÁNH BỘT LỌC GÓI

Bánh bột lọc là món đặc sản đậm chất miền Trung, đã từng được CNN đưa vào danh sách 40 món bánh hấp ngon nhất thế giới. Món ăn hấp dẫn bởi độ dai của bột lọc, mùi thơm của tôm đất, và vị cay ngọt nhẹ nhàng của nước mắm pha.

Nguyên liệu:

Phần vỏ:

  • – 2 chén bột năng khô
  • – 2 chén nước
  • -2 thìa súp dầu ăn
  • – chút muối

Phần nhân:

  • – 2 lạng tôm đất tươi
  • – 3 lạng thịt ba rọi
  • – 1 lạng hành củ
  • – Nửa lạng nấm mèo
  • – Dầu ăn, muối, tiêu, bột ngọt

Nước chấm:

  • – 2 lạng tôm đất tươi
  • – Nước mắm ngon, chanh, ớt, đường

Phần lá chuối gói bánh:

  • – Lá chuối, tước cạnh rìa, rửa sạch, lau khô rồi cắt miếng cỡ 10x 15 phân.

Thực hiện: 

1/ Làm nhân:

– Tôm đất cắt râu, đuôi, rửa sạch, để ráo, ướp muối, tiêu

– Thịt ba rọi thái mỏng, ướp muối, tiêu

– Hành củ thái mỏng

– Nấm mèo rửa sạch, ngâm nước ấm để nở lớn, xắt sợi chỉ

– Bắc chảo lên bếp đun nóng 2 thìa súp dầu ăn, phi thơm hành rồi đổ tôm, thịt, nấm vào xào chín, nêm nếm lại vừa ăn.

2/ Làm bột:

– Đổ bột, nước, dầu ăn, 1/2 muỗng cafe muối vào trong cái nồi, đun nhỏ lửa, vừa đun vừa khuấy đều tay tới khi bột hơi sánh đặc lại nhưng không chảy nhão. Tắt bếp nhắc xuống. Chuẩn bị gói bánh ngay từ lúc này.

3/ Gói bánh:

– Để 1 miếng lá chuối 10×15 phân vô lòng bàn tay,Hơi ôm bàn tay lại cho lá chuối hõm xuống ở giữa theo chiều dọc thớ lá. Đổ vào 1 thìa súp bột đã làm, dàn bột ra một tí rồi đặt vào 1 con tôm, 1 miếng thịt, ít hành, nấm, gấp 2 mép lại theo chiều dọc rồi bẻ ngược đầu ra phía sau là được 1 cái. Cứ làm xong 2 cái thì lại úp lưng vào nhau dùng lá chuối cột lại thành 1 cặp.

– Lần lượt làm  cho hết bột. Xếp lần lượt bánh vào kín mặt xửng, đem hấp cách thủy độ 20 phút là bánh chín.

4/ Làm nước chấm:

– Tôm rửa sạch, để ráo, lột bỏ vỏ; bỏ phần đầu, vỏ tôm đem luộc trong nồi nhỏ với chút nước, để sôi độ 3 phút thì tắt bếp, đổ ra cái rây để lược vỏ bỏ đi, giữ lại phần nước luộc vỏ.

– Nước mắm pha với đường, châm thêm nước luộc vỏ tôm, nếm tới khi nào thấy mặn ngọt thật thanh dịu, vắt vào một miếng chanh, xắt vài ba lát ớt. Nêm nếm lại không vị nào gắt quá là được.

Nguyễn Thị Tuyết

Cách làm BỘT CHIÊN TRỨNG

BỘT CHIÊN hay BÁNH BỘT CHIÊN là món ăn xuất phát từ những người Hoa ở khu vực Chợ Lớn, Sài Gòn. Ngày nay nó đã trở thành món ăn vặt phổ biến nhiều nơi vì hương vị tuyệt vời và kết cấu thú vị của nó. Bạn có thể thử làm bột chiên tại nhà theo công thức sau đây:

 

Nguyên liệu:

  • – Bột gạo: 250g
  • – Bột năng: 25g
  • – Hột gà: 2 quả
  • – Đu đủ bào sợi
  • – Muối, nước tương, hành lá, đậu phộng rang, gia vị…


Thực hiện:

CHUẨN BỊ: 

Làm đu đủ : Đu đủ bào sợi ngâm với nước lạnh cùng tí xíu muối cho ra hết chất mủ. Xong khi gần ăn thì vớt ra để ráo, nếu ai thích ăn chua thì pha dấm đường rồi ngâm đu đủ vào 10 phút trước khi ăn, với tỉ lệ 1 dấm + 1 đường + 2 nước.

Làm nước chấm : 1 nước tương + 1 đường + 1/2 dấm đỏ + 1 nước nếu thích ăn chan nước tương vô cùng bột chiên, nếu thích chấm từng miếng bột chiên vào chén nước chấm thì pha 1/2 chén nước.

Đậu phộng rang vàng, đập cho tách hạt.

pic1672

1. LÀM BỘT

– Cho bột gạo, bột năng lên nồi, thêm 1/3 muỗng muối cùng một lượng nước xấp xỉ mặt bột, bật lửa nhỏ. Khi bột đủ độ chín, bạn nhấc nồi khỏi bếp, tiếp tục khuấy đều tay cho phần bột đặc lại.

– Nén bột vào mặt khay hoặc thố đã thoa sẵn một lớp dầu bên dưới, hấp cách thủy bột khoảng 30 phút cho bột chín.

– Khi bột chín, bạn hãy lật ngược thố/khay để lấy khối bột ra. Thái bột thành hình khối vuồng đều và đẹp mắt. Bạn hãy cho vào thố đựng các miếng bột đã thái 2 muỗng nước tương để khi chiên chúng có phần đẹp mắt hơn.

2/ CHIÊN BỘT

– Cho lên chảo 4 muỗng dầu, đợi dầu sôi rồi cho phần bột chiên vào chiên vàng 2 mặt. Khi bột chiên đạt độ vàng nhất định, bạn hãy đập 2 quả trứng vào rồi lật nhanh sang mặt còn lại. Rắc phần hành lá (đầu hành là chủ yếu) đã băm nhỏ vào rồi tắt bếp

3/ TRÌNH BÀY

– Cho bột chiên ra dĩa, rải đu đủ lên rồi rắc đậu phộng rang lên trên cùng. Trước khi ăn thì chan nước chấm vào, xịt thêm tương ớt nếu bạn ăn cay.

(Tú Đỗ)

Cách làm BÁNH BÈO CHÉN kiểu HUẾ

BÁNH BÈO là món ăn phổ biến ở khu vực miền Trung Việt Nam. Tại Huế, bánh bèo thường được đổ và ăn trong từng cái chén nhỏ. Công thức sau đây sẽ hướng dẫn bạn làm món bánh hấp dẫn này một cách dễ dàng:

Nguyên liệu:

– Bột gạo: 150g
– Bột năng: 25g
– 250ml nước lạnh + 400 ml nước sôi
– Hành củ, hành lá, vài tép tỏi
– Khoảng 30 chén nhỏ, cạn (loại làm bánh bèo)
– Bánh mì hoặc da heo.
– Nguyên liệu làm tôm chấy và nước mắm chua ngọt, xem: CÁCH LÀM TÔM CHẤY CÁCH LÀM NƯỚC MẮM CHUA NGỌT

Cách làm:

Pha bột:

– Trộn bột gạo và bột năng lại với nhau, thêm 1 chút muối. Sau đó đổ nước lạnh vào, khuấy cho đều. Rồi đổ hết phần nước sôi đã chuẩn bị vào, quậy đều tay cho bột tan hết.

– Để bột trong ít nhất 5-6 tiếng (qua đêm càng tốt). Sau khi ngâm bột, trên mặt sẽ có phần nước màu trắng, bạn gạt bỏ đi phần nước này và đổ vào một lượng nước ấm bằng với lượng nước trắng bỏ đi. Khuấy đều.

– Trước khi đổ bánh, ta làm tôm chấy, nước mắm chua ngọt, hành phi và da heo / bánh mì chiên.

– Tôm chấy và nước mắm: xem CÁCH LÀM TÔM CHẤY CÁCH LÀM NƯỚC MẮM CHUA NGỌT

– Còn hành phi thì ta xắt nhỏ hành lá phi với chút dầu ăn cho  thơm là được.

– Da heo (hoặc bánh mì) ta lấy kéo xắt miếng nhỏ cỡ hạt lựu, rồi cho vào chảo dầu chiên giòn.

Đổ bánh: 

– Bắc xửng hấp cách thủy, đổ nước vào, vặn lửa lớn, đun cho sôi.

– Chén thoa một lớp dầu ăn để khỏi dính bánh. Khi nước trong xửng sôi, ta xếp từng cái chén đã bôi dầu ăn vào, đợi chén nóng thì ta múc bột đổ vào từng chén. Đổ sao cho bột ngập 1/2 tới 2/3 chén là được. Sau đó đậy nắp lại hấp cho chín đều (thỉnh thoảng mở nắp ra lau hơi nước trên nắp).

– Hấp khoảng 7-8 phút, bột đã đông và ngả màu trắng đục là chín. Nếu chưa chắc thì lấy cây tăm đâm vào rồi rút ra, không thấy bột dính vào tăm là được.

– Khi ăn rắc một ít tôm chấy, hành phi, vài mẩu bánh mì hoặc da heo chiên giòn lên mặt bánh rồi chan chút nước mắm chua ngọt, lấy muỗng xúc ăn.

Bảo Tố

Cách làm BÁNH PHỒNG TÔM

Bánh phồng tôm là món bánh ăn chơi thú vị, trong dân gian bánh này thường dùng vào dịp cỗ, đám, tiệc. Bánh hấp dẫn bởi kết cấu giòn tan, vị mặn dịu thơm thoang thoảng mùi tôm. Công thức làm bánh này không khó.

Nguyên liệu:

  • Tôm: 500g
  • Bột năng: 500g
  • Hột vịt: 2 lòng trắng (không dùng lòng đỏ)
  • Tỏi: 2 tép
  • Hành lá: 5 cây
  • Muối: 2 muỗng cafe
  • Tiêu hột trắng: 1/2 muỗng cafe
  • Bột ngọt: 1/2 muỗng cafe
  • Đường phèn: 1 muỗng cafe
  • Miếng vải thưa để gói.

Thực hiện:

– Tôm lột vỏ, rửa sạch, chà muối cho trắng. Bóc hết màng quanh tôm. Thấm tôm cho ráo rồi đập dập.

– Hành tỏi cho vào cối giã nát rồi cho tôm vào giã chung cho nhuyễn. Sau đó cho bột ngọt, muối, tiêu, đường vào giã quết tiếp cho mịn.

– Tiếp theo cho lòng trắng trứng và bột năng vào hỗn hợp, dùng tay nhào đều rồi tiếp tục quết cho thật đều.

– Trút hỗn hợp bột tôm ra mặt phẳng, se thành cây hình lăng trụ tròn dài (đường kính khoảng 6 cm). Nhớ se cho kĩ, chắc. Dùng vải bọc lại như bọc bánh tét.

– Bắc xửng hấp cách thủy. Cho đòn bột vào hấp khoảng 1 giờ, rồi lấy ra để nguội rồi cho vào tủ lạnh khoảng 5 tiếng đồng hồ. Sau đó lấy ra cắt thành từng lát thật mỏng.

– Cắt xong thì đem phơi dưới nắng to. Nếu không có nắng thì cất vào tủ lạnh đợi có nắng.

– Bánh phơi xong, chiên giòn nở xốp là ăn được. Có thể ăn với GỎI NGÓ SEN rất ngon. Xem Cách làm Gỏi ngó sen

Bảo Tố

Cách làm BÁNH XÈO MIỀN TRUNG

Bánh xèo là món nhiều người ưa thích. Bánh xèo ăn ngon nhất là lúc trời mưa, tiết mát mẻ, sướng nhất là cả nhà ngồi gần chảo, tráng bánh nghe xèo xèo, ăn nóng tại chỗ.

Bánh xèo miền Trung cũng tương tự bánh xèo miền Nam, khác nhau về kích cỡ và cách ăn. Bánh xèo miền Trung thường đổ trong chảo riêng loại nhỏ, bánh làm nhỏ hơn rất nhiều so với bánh xèo miền tây, và có thể bỏ gọn vô cái bánh tráng để cuộn với rau sống như gỏi cuốn dễ dàng.

Cách làm bánh trong bài này nhìn thì dài nhưng thực ra chỉ có vài công đoạn, chủ yếu là khâu chuẩn bị.

Nguyên liệu:

Phần bột: 1 chén bột gạo + 2 chén nước lọc + chút muối + 1 củ nghệ nhỏ hoặc chút bột nghệ
Phần nhân:

  • Tôm bạc: 1 chén
  • Giá: 1 chén
  • Nấm rơm: 1 chén
  • Thịt ba rọi: 1 chén
  • Đậu xanh: 1 chén
  • Hành lá

(Phần nhân này ngoại trừ hành lá, giá, tôm thịt thì cái gì không thích có thể bỏ qua)
Rau sống ăn kèm: Xà lách (rau diếp), khế, dưa leo, đồ chua, ngò, rau thơm.

Chảo tráng bánh: lựa loại nhỏ đường kính khoảng 15 – 20cm

Nước chấm:

Cách làm:

Làm bột: Nghệ giã nhuyễn hòa với 1/2 chén nước, sau đó hòa chung với 1 chén bột gạo, 2 chén nước, 1/2 muỗng cafe muối. Quấy đều rồi dùng rây lọc sạch. Để đó khoảng 1 giờ đồng hồ cho bột nở hết.

Làm nhân:
– Thịt ba rọi xắt miếng nhỏ, mỏng.
– Hành lá xắt cọng 2cm.
– Giá rửa sạch, bỏ rễ.
– Nấm gọt hết phấn, ngâm nước muối vài phút, rửa sạch rồi xắt lát mỏng hoặc chẻ tư.
– Đậu xanh ngâm nước đãi vỏ, luộc chín rồi để đó.
– Tôm bỏ râu ria, bỏ phân nơi đầu. Để nguyên vỏ, rửa sạch rồi để ráo, ướp với chút muối tiêu.

Đổ bánh:

– Bắc chảo loại nhỏ lên bếp, tráng ít dầu hoặc mỡ cho đều mặt chảo, sau đó cho vài lát thịt vào xào săn, tiếp theo xếp vài con tôm vào rồi đổ một muôi bột vào.  Tráng cho bột trải tròn đều trong lòng chảo. Sau đó rải thêm nấm, nhúm giá, nhúm đậu xanh, hành lá vào. Đậy nắp lại vài phút cho bánh chín. Mở nắp ra thấy bánh chín giòn, dùng vá dẹt gấp đôi bánh lại lấy ra khỏi chảo.

– Lần lượt làm cho hết bột.

Pha nước chấm chua ngọt hoặc tương (đã có link ở phần nguyên liệu) .

Chuẩn bị ăn:

– Chế nước mắm chua ngọt hoặc tương đã pha vào chén, bỏ thêm ít đồ chua vào.

– Bánh xèo miền Trung có thể tráng hơi dày, khi ăn dùng kéo cắt ngang làm ba rồi dùng đũa gắp ăn kèm rau sống. Hoặc tráng mỏng rồi cuốn với bánh tráng, rau sống ăn.

Lưu ý: Lúc tráng bánh coi chừng cháy.

Bảo Tố

Cách làm BÁNH ÍT TRẦN NHÂN MẶN

Bánh ít (bánh ích) trần là món ăn chơi rất hấp dẫn vì cái dai, dẻo mà thơm của bột nếp, hòa quyện với phần nhân tôm thịt và nước mắm chua ngọt.

Nguyên liệu:

Phần vỏ:

  • Bột nếp: 300g
  • Nước ấm: 1 tô
  • Bột ngọt: 1/2 muỗng cf
  • Muối: 1/2 muỗng cf

Phần nhân:

  • Tôm thẻ: 100g
  • Thịt nạc dăm: 100g
  • Nấm mèo: 4 cái
  • Hành lá
  • Bột ngọt, muối, đường, mỗi thứ một chút.

Bánh này ăn kèm với mắm chua ngọt, nên chuẩn bị thêm nước mắm và chanh để làm.

Cách làm:

Làm bột:

– Bột nếp hòa với bột ngọt, muối và nước ấm, khuấy tan rồi để khoảng 20 phút cho bột nghỉ. Sau đó nhồi nhuyễn lại cho  tới khi nào bột mịn, không dính tay nữa là được (Dùng tay cảm nhận nếu Bột nhão thì thêm bột, bột khô thì thêm nước).

Làm nhân:

– Tôm để vỏ (cho ngọt), xắt từng khúc nhỏ cỡ hạt lựu. Thịt băm hơi vụn. Hành xắt nhỏ. Nấm mèo ngâm nước ấm rồi rửa sạch, băm vụn.

– Bắc chảo cho ít dầu, phi thơm hành, tiếp đó cho nấm, tôm, thịt vào xào thơm. Nêm thêm tiêu, muối, bột ngọt, đường, nếm thử vừa miệng là được. Tắt bếp nhắc nồi xuống.

Nặn bánh:

– Ngắt một cục bột nhỏ cỡ trái vải, vo tròn rồi ấn cho bẹp. Cho nhân vào giữa rồi gấp mí bọc kín lại. Xoa qua bên ngoài một chút dầu ăn hoặc mỡ. Làm lần lượt cho hết bột, hết nhân thì xếp vào xửng đem hấp cách thủy. Nhớ lót xửng bằng lá chuối bôi dầu để bánh khỏi dính.

– Hấp 5 phút thì mở nắp để xửng bay bớt hơi. 15 phút là bánh chín.

Bánh ít trần ăn với mắm chua ngọt, rảnh thì làm thêm tôm chấy nữa rất ngon. Xem: CÁCH LÀM MẮM CHUA NGỌTCÁCH LÀM TÔM CHẤY.

Ai thích bỏ thêm đồ chua thì xem: Cách làm ĐỒ CHUA.

Bảo Tố.

CÁCH LÀM BÁNH CÓNG

BÁNH CÓNG hay Bánh Cống, là loại bánh phổ biến ở miền Nam, nhất là Tây nam bộ, ở các tỉnh Sóc Trăng, Cần Thơ. Bánh tuy dễ làm nhưng mà hương vị lại rất đặc biệt nhờ sự kết hợp giữa các loại nguyên liệu với nhau.

Chuẩn bị:

Cho 4 người ăn:

  • Bột gạo: 400g
  • Bột mì: 100g
  • Đậu xanh hột: 200g, ngâm xong rồi nấu chín.
  • Muối: 2 muỗng cafe
  • Đường: 2 muỗng cafe
  • Nước: 500g
  • Tôm: 600g, xắt hạt lựu. Xào sơ.
  • Củ sắn: 2 củ, băm nhuyễn.
  • Hành tây: 2 củ, xắt nhỏ.

Thêm:

Làm đồ chua: đu đủ xanh, cà rốt, dấm, đường, muối.

Làm nước mắm chanh: nước mắm, đường, chanh.

Cái cóng để làm bánh cóng. Nó giống cái vá múc canh thường nhưng sâu hơn. Nếu không mua được thì bạn có thể tự chế, ví dụ lấy cái đồ làm đá bằng nhôm gắn vào cái quai dài.

Cách làm:

– Bột mì và bột gạo đem hòa với nước, quậy cho tan, thêm muối, đường, đậu xanh, hành tây, củ sắn và tôm vào, trộn lên cho đều.

– Bắc chảo nhiều dầu, đun sôi dầu rồi nhúng cái cóng vào chảo cho nóng. Sau đó lấy ra, đổ hỗn hợp bột vào rồi nhúng lại vào chảo chiên cho chín vàng.

– Ăn với rau sống, đồ chua (cà rốt đu đủ xắt sợi ngâm dấm đường), nước mắm chanh.

Xem thêm >>> CÁCH PHA NƯỚC MẮM CHANH CHẤM BÁNH CÓNG, BÁNH XÈO  và CÁCH LÀM ĐỒ CHUA.

Hải Hùng.

Cách làm BÁNH CAY

BÁNH CAY là món ăn được nhiều người ưa thích vì hương vị cay nhẹ và kết cấu giòn dai đặc trưng của nó. Tại Sài Gòn, bánh thường được bán chung với bánh khoai, bánh chuối trên những xe đẩy. Cách làm bánh cay thật ra rất đơn giản.

Nguyên liệu:

  • Khoai mì (củ sắn) 1kg
  • Ớt: 100-200g (tùy ăn cay), băm nhuyễn
  • Muối, đường, bột ngọt.

Cách làm:

– Khoai mì mua về lột vỏ, ngâm nước muối trong 2-3 tiếng.
– Sau đó rửa sạch, bào mịn, rồi vắt khô nước.
– Cho tất cả ớt vào, cùng với nửa muỗng cafe muối, nửa muỗng cafe đường, 1/4 muỗng cafe bột ngọt, trộn lên cho kĩ.
– Tiếp theo nắm khoai mì thành những viên khoảng 5 x 2 cm.
– Bắc một chảo dầu, cho lần lượt từng viên vào chiên, đừng để đụng nhau.
– Tới khi chín giòn, có màu cam, thì vớt ra để cho ráo dầu là ăn được.

Bé Thúi / MAV

CÁCH LÀM BÁNH GIÒ

Bánh giò là món ăn miền Bắc nhưng nay đã có mặt ở khắp ba miền Việt Nam, và ở cả 3 miền thì hương vị của bánh cũng không có khác nhau nhiều lắm. Riêng về phần nguyên liệu, thì bánh giò trong Nam thường có thêm trứng cút.

 

Nguyên liệu:

Phần bánh:

  • 400g gạo tẻ
  • 100g bột năng
  • 2 lít nước (nếu có nước xương thì dùng nước xương sẽ ngon hơn)

Phần nhân:

  • Nửa kí thịt nạc vai, băm vụn
  • 100g nấm mèo – rửa sạch, ngâm trong nước ấm 30 phút, rồi băm vụn.
  • 1 của hành tây, băm vụn
  • 4 củ hành hương, băm vụn
  • Tiêu, nước mắm, gia vị
  • 20 quả trứng cút, luộc chín bóc vỏ.

Ngoài ra:

  • Lá chuối, lạt để gói bánh.

Cách làm:

– Nước hoặc nước xương để nguội, rồi hòa tan tất cả bột vào. Bắc hỗn hợp này lên bếp, đun lửa nhỏ, vừa đun vừa khuấy cho bột khỏi vón cục. Đun đến khi nào bột đặc sánh, có màu trắng đục.

– Bắc chảo phi thơm hành tây với chút dầu ăn, sau đó trút thịt và hành tím vào xào liền tay, cho đến khi thịt chín.
Trút nấm mèo vào xào tiếp khoảng 2 phút. Nêm nước mắm, gia vị cho vừa miệng. Cuối cùng cho 1 muỗng cafe tiêu vào trộn đều.

Cách gói bánh:

Có nhiều cách gói bánh khác nhau miễn sao gói cho kín, đẹp, buộc lạc cho chặt là được. Có thể gói theo cách của Mulan trong blog mulanbepnha.blogspot.com theo ảnh sau:

– Gói xong thì cho bánh vào xửng hấp trong 30 phút là bánh chín.

– Ăn bánh với tương ớt, dưa leo hoặc dưa góp càng ngon. Tại miền Bắc, có chỗ bán bánh giò ăn kèm với chả cốm, giò lụa… rất ngon.

– Trước khi ăn hấp lại cho nóng.

Bé Bủm.

Cách làm BÁNH ĐÚC MẶN

Bánh đúc mặn / BÁNH ĐÚC TÔM THỊT kiểu miền nam với phần nhân đậm đà hấp dẫn của tôm, thịt, nấm hương, rau củ… phần bánh thơm thơm béo béo mùi nước cốt dừa. Trong trường hợp không thích bánh quá béo thơm mùi nước cốt dừa, bạn có thể điều chỉnh lại lượng nước dừa và tăng lượng nước lọc cho vừa ăn.
Sau đây là công thức làm bánh đúc mặn kiểu nam bộ:

Nguyên liệu:

Phần bánh
– 300g bột gạo
– 50g bột năng
– 500ml nước lọc
– 500ml nước cốt dừa (xem CÁCH LÀM NƯỚC CỐT DỪA)
– chút muối

Phần nhân
– 1/2 củ đậu (củ sắn)
– 1/2 củ cà rốt
– 1/2 củ hành tây
– 200g tôm tươi
– 3 cái nấm hương
– 100g thịt nạc bằm
– vài tép tỏi

Cách làm bánh đúc mặn: 

Sơ chế:

– Củ đậu, củ sắn, hành tây thái hột lựu. Tỏi băm nhuyễn. Nấm hương ngâm nước ấm cho nở mềm, rửa sạch rồi xắt vụn nhỏ.
– Chuẩn bị một cái thau, đổ hết bột mì và bột gạo vào thau sau đó cho nước cốt dừa và nước lọc vào, nêm chút muối, đường cho có vị, rồi quấy cho nhuyễn. Để bột trong 20 phút.

Hấp bánh:

– Cho khay to vào nồi hấp cách thủy. Đổ 1 tô bột vào hấp khoảng 7-10 phút cho đông, rồi đổ tiếp lớp thứ 2, dần dần cho tới khi cảm thấy bánh đủ độ dày thì thôi, lớp cuối cùng chờ khoảng 15 phút cho chín đều.

Làm nhân:

– Bắc chảo nóng, cho dầu vào, phi thơm hành rồi cho nấm hương vào xào.
– Tiếp theo cho thịt vào xào săn rồi đến tôm, cà rốt, củ đậu, hành tây.
– Xào chín, nêm chút mắm, đường, tiêu cho vừa miệng.

Trình bày:

– Nhấc khay bánh đã hấp chín ra, trải nhân lên rồi xắn miếng hoặc cắt ra ăn. Pha thêm tô mắm chua ngọt để chấm.

Bé Thúi.