Món Bánh bò bông thịnh hành từ thế kỉ trước, đến nay đã trở thành hiếm hoi trên các đường phố Sài Gòn. Mà tìm được một chỗ ngon lại càng khó khăn hơn nữa, vì vậy những người như ông Đạo ở đây được ví như những người lưu giữ lại phần nào những hương vị mộc mạc thân thương của bánh bò ngày xưa.
Hơn 30 năm nay, người dân trên đường Võ Văn Ngân (Q.Thủ Đức, TP. HCM) dường như đã quen thuộc với tiếng “bíp…bíp…” từ xe bánh bò bông của ông Nguyễn Văn Đạo (78 tuổi, ngụ P.Bình Thọ, TP. HCM). Vì bánh ngon nên có người đến xin học cách làm, nhưng ông Đạo nhất quyết không truyền dạy.
Ông Đạo được biết đến như một người vui tính, cần mẫn và rất yêu nghề.
Với những người bị ông từ chối, họ cho rằng ông ích kỷ, ngạo đời, nhưng ai tiếp xúc nhiều với ông mới biết, ông không dạy không phải vì ông muốn giữ cho riêng mình, mà vì muốn giữ tròn lời hứa với anh vợ ông, người đã truyền hết bí quyết làm bánh cho ông.
Ông Đạo chia sẻ: “Lúc trước tôi làm thợ hồ, nhưng rồi một ngày bị nhồi máu cơ tim, tôi không làm được nữa. Trải qua đủ thứ nghề vẫn không thể mưu sinh. Một lần, tôi năn nỉ anh vợ mấy ngày liền với hy vọng anh sẽ truyền nghề làm bánh bò để có cái nghề nuôi gia đình. Anh tôi mủi lòng dạy cho tôi nhưng với một điều kiện tôi không được truyền bí quyết của dòng họ bên vợ ra ngoài. Thế nên, ai cho tôi trăm triệu tôi cũng không dám dạy nghề”.
Cứ đúng 10h30 mỗi ngày là ông có mặt tại trường Nguyễn Hữu Huân để đón học trò tan trường.
Dù khó khăn vất vả nhưng ông Đạo luôn lạc quan, yêu đời. Ông rất thích nói chuyện và thường kể về những điều ông trải qua trong năm tháng mưu sinh.
Nhờ chịu khó học hỏi, trong thời gian ngắn ông Đạo biết được hết tất cả bí quyết từ chọn bột làm bánh đến thời gian chế biến, cách nhào bột để bánh không nhão, không quá xốp, không nhạt cũng không quá ngọt, làm thế nào để giữ được hương vị bánh bò theo thời gian. Vì thế mà ông có được nhiều “mối ruột” trong suốt 30 năm. Những người học sinh ngày xưa đến bây giờ vẫn thường ghé qua ông để mua bánh bò cho con của họ, trò chuyện với ông vào mỗi buổi sáng, đó là điều không thể quên trong “sự nghiệp” bán bánh bò của ông.
Ông không rõ vì sao người ta lại gọi bánh của ông là bánh bò bông, nhưng ông chắc chắn một điều rằng bánh của ông được làm theo công thức của người Hoa từ rất lâu đời, nên có mùi vị đặc biệt hơn các loại bánh khác.
Vì vậy mà từ học sinh, đến những người lao động, hay tầng lớp khá giả đều “nghiện” vị bánh có một không hai này.
Chị Hoàng Bích Phương (ngụ Thủ Đức) chia sẻ: “Mình ăn bánh của ông đã lâu, ban đầu mình thích nghe tiếng bíp bíp “không giống ai” của xe bánh này, nhưng ăn một lần rồi vẫn nhớ mùi vị bánh bò nơi đây. Ông cụ bán bánh rất vui tính và cởi mở, vì vậy tuần nào mình cũng ghé qua mua ủng hộ cụ vài bịch bánh bò”.
Ngày nào cũng vậy, đúng 2h sáng là ông thức dậy làm bánh, 6h30 là bắt đầu đi bán qua các trường học, xưởng may trên đường Võ Văn Ngân, lên ngã 3 chợ, qua Bắc Ái, Cao Mạnh Trinh rồi cuối cùng đúng 10h30 có mặt ở trường Nguyễn Hữu Huân bán đến khi nào hết mới về. Hôm nào còn dư quá nhiều, ông sẽ ghé qua các trường đại học nhờ sinh viên giúp đỡ, hoặc về ăn cơm, nghỉ ngơi chút ít rồi đi bán tiếp.
Ông Đạo chia sẻ: “Nghề của tôi khó nói lắm, hôm “trúng mánh” nhà người ta có đám tiệc thì bán hết sớm. Hôm nào mưa nhiều thì phải ráng chạy, có hôm vừa ăn cơm xong, châm điếu thuốc chưa kịp hút thì đã ngồi ngủ quên lúc nào không hay. May mắn là các em học sinh thương tôi lắm, biết tôi còn nhiều là rủ nhau mua giúp, những đứa học trò ngày xưa giờ gặp lại vẫn nhận ra tôi và chở con đến ăn”.
Ông Đạo bán bánh bò theo bịch, mỗi bịch gồm hai cái, với giá 3.000 đồng/bịch rất hợp với túi tiền của học sinh, sinh viên, và người lao động. Một ngày ông Đạo bán được khoảng 300 cái bánh, trừ tiền vốn ông lời được hơn 100.000 đồng.
Vì đạp xe đi bán nhiều quá nên ông bị giãn tĩnh mạch, giãn dây chằng, một năm trở lại đây ông để dành tiền mua chiếc xe máy cũ nhưng nó cũng không ít lần “hành hạ” ông. Tuy vất vả là vậy nhưng vì lời hứa với anh rể mà ông không dạy nghề cho người ngoài, nhiều người đến xin học nghề, có người ra giá 5 triệu đồng/tháng, người tranh nhau trả nhiều hơn nhưng ông Đạo nhất quyết không dạy.
Không những bán bánh bò với giá bình dân, ông Đạo còn là người vui tính, ông kể rất nhiều về cuộc đời, hay đơn giản là những mẩu chuyện ông gặp hằng ngày, những người dân nơi đây quý ông ra sao, giúp đỡ ông thế nào. Những câu chuyện chắp nối nhưng thắm đượm nghĩa tình của một người mưu sinh.
Anh Dương An vui mừng khi nhận ra xe bánh bò mà anh nghĩ rằng chỉ còn có thể lưu lại trong ký ức.
Anh Dương An (33 tuổi, ngụ Thủ Đức) cho biết: “Tôi ăn bánh bò của ông Đạo từ năm 1995 , khi đó tôi là học sinh trung học. Hôm nay có dịp đi qua đường này, nghe tiếng bíp bíp tôi nhớ về xe bánh bò ngày nào, nên qua xem thử, không ngờ vẫn là người bán bánh năm xưa, đến nay mùi vị bánh bò vẫn không thay đổi”.
Mặc dù thuộc diện nghèo và thường vay vốn làm bánh nhưng ông Đạo nhất quyết không truyền nghề với bất kỳ giá nào
Con đường Đoàn Kết những trưa hè đã vắng bóng học trò qua lại, nhưng xe bánh bò bông vẫn bíp… bíp…, chốc chốc tiếng rao “bánh bò đây… bánh bò đây…” vang lên phía xa xa. Ông Đạo vẫn cần mẫn trên con đường quen thuộc ngày nào, gợi cho người Sài Gòn nhớ về chút kỷ niệm xưa cũ, kèm theo hình dáng người đàn ông già cõi khuất phía xa cuối con đường.