Cách nấu BÚN GIÒ LƯỠI

Một ngày đẹp trời bạn hãy đổi gió cho cả gia đình bằng món bún giò lưỡi hấp dẫn nhé! 

Nguyên liệu:

– Giò heo: 1kg

– Lưỡi heo: 1 cái

– Sả băm: 1 muỗng súp

– Hành tây: 1 củ, nướng thơm

– 2-3 cây sả

– Đường, muối, hạt nêm, nước mắm

– Hành lá, hành củ, tỏi, chanh, rau sống, rau thơm, bún

Cách làm:

Bước 1:

– Giò heo mua về rửa sạch, lóc xương ra riêng để nấu nước dùng. Thịt lóc xương rồi thì lấy chỉ thực phẩm bó chặt lại. 

Bước 2:

– Giò và xương cùng rửa sạch rồi cho vào nồi, đổ nước ngập, cho thêm ít muối, nấu sôi 5 phút thì vớt giò ra xả lại nước lạnh cho sạch.

– Nước trong nồi đổ đi, thay vào bằng lượng nước đủ nấu nước dùng. 

Bước 3:

– Sả cây bỏ vỏ khô, đập dập. Hành tây nướng chẻ ra làm đôi. Cho hành tây, sả, xương, giò vào nồi, thêm tí muối, nấu sôi rồi vặn nhỏ lửa ninh lấy nước dùng. 

Bước 4:

– Lưỡi heo chần qua nước sôi, rồi cạo bỏ lớp màu trắng cho kỹ để hết hôi. Sau đó cho lưỡi vào nấu chung trong nồi nước dùng. 

Bước 5:

– Bắc chảo nhỏ cho ít dầu điều làm nóng rồi cho hành củ và tỏi sả băm vào phi thơm, nêm 1 muỗng cafe đường, 1 chút muối. Sau đó đổ chảo dầu điều phi hành tỏi này vào nồi nước dùng (vẫn đang nấu). 

Bước 6:

– Thịt chín. Lấy đũa đâm vô miếng thịt chân giò coi đạt độ mềm vừa ý chưa, vừa rồi thì vớt ra để nguội rồi xắt lát mỏng. Không nên nấu lâu quá bị bở mất ngon.

– Lưỡi heo chín thì vớt ra dĩa, để nguội xắt lát vừa ăn.

– Nồi nước dùng nêm nếm lại vừa miệng.

Bước 7:

– Cho bún vô tô, xếp giò, lưỡi rồi rắc hành lá các thứ, chan nước dùng. Vắt ít chanh, ớt, ăn nóng với rau sống rau thơm các thứ.

theo Cún Khang

Cách nấu BÚN RIÊU CUA CHẢ TÔM

Món bún riêu giản dị theo kiểu của người miền Trung sẽ mang lại cho gia đình bạn một bữa “đổi gió” ngon miệng.

Nguyên liệu:

  • 1 ký bún tươi
  • 2 lạng cua đồng xay sẵn
  • 1 lạng thịt xay
  • 50g tôm khô
  • 2 hột gà
  • 3 trái cà chua
  • 3 miếng Đậu phụ chiên sẵn
  • Hành lá, màu điều, mắm tôm, gia vị
  • Rau kinh giới, xà lách, giá, tía tô hoặc thêm rau muống chẻ nếu thích…

Cách làm bún riêu:
– Cà chua bổ múi cau, hành lá xắt nhỏ

– Đậu phụ xắt miếng vừa ăn.– Cua đồng mua về hòa với nước rồi lược bỏ xác (vài lần nước). Sau đó cho cua vô nồi với nước đủ nấu bún, nêm tí muối, hột nêm, chút đường vào nấu cho nước sôi. Khi nấu nhớ nhỏ lửa, hớt bọt, khuấy nhẹ để riêu không dính đáy nồi.
– Riêu chín đóng lại thành tảng, vớt ra tô để đó. Nước vẫn đun tiếp.
– Tôm ngâm nở mềm rồi đem xay nhuyễn. Trộn tôm khô với hột gà, thịt xay, 1/2 muỗng canh đầu hành băm nhỏ, 1/2 muỗng cafe tỏi băm nhỏ, chút hột nêm, đường, rồi trộn lên cho đều.
– Lấy muỗng múc từng phần hỗn hợp tôm thịt thả vào nồi nước đang nấu sôi ban nãy để làm chả tôm.
– Chả tôm chín sẽ nổi lên trên. Lúc này ta cho đậu phụ vào.
– Lấy chảo nhỏ cho ít màu điều rồi cho cà chua vào xào sơ. Sau đó trút chảo này vào nồi nước bún. Nêm lại cho vừa miệng (thay vì nước mắm nên nêm mắm tôm cho thơm). Đổ tô riêu cua vớt ra ban nãy trở lại vào nồi. Đun tiếp vài phút rồi tắt bếp.
– Trước khi ăn nêm tí mắm tôm, chanh ớt cho dậy mùi. Bún riêu ăn nóng với các loại rau sống.
Theo Khánh Hòa

Cách làm BÚN BÌ

Bún bì là món ăn dân dã, dễ làm nhưng được ưa thích vì dễ ăn, ngon miệng.

Chuẩn bị:

– Làm bì thịt: nửa kí nạc mông hoặc nạc vai, 3 lạng bì, tỏi, nước mắm, ớt, đường, tiêu, hạt nêm.

– Làm thính: 1/2 chén nếp

– Làm nước chấm: nước mắm, đường, chanh hoặc dấm, nước lọc

– Rau ăn kèm: 1 củ cà rốt, 1 trái dưa leo, rau thơm, xà lách.

– Hành phi, đậu phộng rang.

Cách làm bún bì:

Bước 1:

– Bì mua về rửa kỹ cho sạch. Bắc nồi nước sôi cho bì vào nấu 7-10 phút tùy theo miếng bì dày hay mỏng. Đậy nắp nồi lại tắt bếp, chờ tới khi hơi nguội thì vớt bì ra ngâm vào nước lạnh cho bì dai, dòn.

– Xắt bì thành sợi. Để ráo.

Bước 2:

– Thịt rửa sạch, xắt miếng bao diêm, ướp với 1/2 muỗng cafe tỏi băm, 2 muỗng súp nước mắm, 2 muỗng súp đường,  1 muỗng cafe muối, 1 muỗng cafe hạt nêm, 1/2 muỗng cafe tiêu, ớt… ướp trong 3-5 tiếng cho ngấm.

Bước 3:

– Bắc chảo cho dầu vào rồi cho thịt cùng nước ướp vào xào cho thịt vàng đều hai mặt. Nếu nước ướp mau cạn thì châm vào ít nước, nấu tới khi nào chín thịt hoàn toàn. Thịt chín rồi thì để nguội, xé sợi hoặc cắt thành cọng nhỏ.

Bước 4:

– Làm thính: nếp đãi sạch, cho vào chảo rang vàng thơm, để nguội rồi xay thật nhuyễn.

Bước 5:

– Trộn thịt đã cắt sợi, bì, thính cho thật đều.

Bước 6:

– Rau nhợ các thứ đem rửa sạch để ráo nước. Thái nhỏ.

Bước 7:

– Dưa leo rửa sạch, gọt sơ vỏ, bỏ ruột, thái sợi.

– Cà rốt cạo vỏ, thái sợi. Ướp cà rốt với 1 muỗng cafe đường, 1/4 muỗng cafe muối, 1 muỗng cafe dấm, ướp trong 15 phút rồi vớt ra vắt ráo.

Bước 8:

– Pha nước trộn: 3 muỗng canh nước lọc + 3 muỗng canh đường hòa tan rồi châm 2 muỗng canh nước mắm, chút dấm hay chanh, nếm lại vừa miệng thì thôi.

 

Bước 9:

– Xếp rau dưới cùng, rồi tới bún, rồi tới bì và cà rốt, dưa leo. Cuối cùng rắc đậu phộng rang giã dập và hành phi lên. Trước khi ăn chan nước chấm, trộn cho đều.

theo Cún Khang

Cách làm BÚN VỊT NƯỚNG

Bún vịt nướng là món trộn dễ ăn, lại hấp dẫn nhờ sự phối hợp của các nguyên liệu phù hợp với nhau. Công thức do Tô Hưng Giang chia sẻ.

Nguyên liệu:
– Vịt: nửa con
– Tỏi: 5 múi, băm nhỏ
– Hành củ: vài củ xắt lát rồi phi vàng
– Đậu phộng rang
– Sả: 2 củ
– Nước dừa tươi: 2 quả
– Đường: 2 muỗng cafe
– Dầu ăn, tiêu, muối, dấm
– Cà rốt, xoài xanh (hoặc đu đủ, củ cải)
– Bún.
– Rau thơm

Thực hiện:
– Cà rốt & xoài thái sợi, ngâm dấm nêm tí bột ngọt 15 phút cho ngấm rồi vắt ráo.
– Vịt chặt làm đôi.
– Tỏi băm nhỏ, cho vào nồi hoặc chảo sâu phi thơm với dầu ăn rồi cho vịt vào xào săn.
– Tiếp theo đổ tất cả nước dừa vào, cho tiếp 2 củ sả đập dập, đường, muối, tiêu, hạt nêm, nếu nước dừa chưa ngập vịt thì cho thêm nước.
– Vặn lửa to nấu sôi rồi vặn nhỏ lại nấu cho vịt chín mềm. Vịt chín tới, nước cạn thì tắt bếp, gắp vịt ra ngoài.
– Cho thịt vào khay nướng không dính, rưới một ít nước nấu ban nãy lên miếng thịt rồi bật lò 200 độ C, nướng tới khi vịt lên màu nâu vàng là ngon.

Pha nước chấm:
– Pha theo tỉ lệ: 8 xì dầu / 2 đường / chút bột ngọt / ớt tỏi thái lát / tiêu.

– Cho rau, bún, thịt, cà rốt, xoài, hành củ phi vàng, đậu phộng, rau thơm tất cả vào tô rồi chan nước chấm lên là xong. Trộn đều lên trước khi ăn.

Theo Tô Hưng Giang.

NGON “KỊCH LIỆT” BÚN NGHỆ XỨ HUẾ

Ai từng ghé qua các hàng quán, hàng chợ xứ Huế ắt hẳn không thể không bị cuốn hút bởi những gánh bún nghệ vàng ươm hấp dẫn. Không  chỉ độc đáo, đây còn được đánh giá là một trong những món bình dân mà ngon khó quên của đất Thần Kinh.

Nghệ tươi để cho vào bún (ảnh: Trần Khiêm)

Bún nghệ là món ăn rất bình dân, thường bán ở các quang gánh với ghế ngồi là những chiếc đòn thấp. Khách ăn bún nghệ ngồi một tay cầm tô, một tay cầm đũa, cứ thế mà ăn hết tô này đến tô khác mà vẫn còn thèm.

Bún nghệ là món ăn cho thấy nghệ thuật pha trộn trong ẩm thực của xứ Huế. Nếu như ai đó đã phải “bái phục” với những món trộn tài tình như cơm Hến, cơm âm phủ, bún Hến… thì đối với bún nghệ, họ cũng sẽ thưởng thức với tâm trạng y như vậy.

Bún cũng đã xào với nghệ. Ảnh: Trần Khiêm.

Một tô bún nghệ có khá nhiều nguyên liệu, nhưng toàn là nguyên liệu dễ kiếm, và ít qua chế biến. Đầu tiên là bún tươi, nghệ tươi, rau răm, ớt, nếu ăn bún nghệ chay thì có thêm nước trộn chao, ăn bún nghệ lòng thì có thêm lòng heo, huyết heo, nước chấm từ nước mắm. Cả bún nghệ chay lẫn bún nghệ lòng đều mang đến cảm giác thích thú kỳ lạ cho người thưởng thức lần đầu.

Tô bún nghệ ngon có những yếu tố: bún tươi mềm, dẻo, nghệ thơm, lòng mềm ngon và nước trộn hấp dẫn, không thể không kể đến ớt là thứ gia vị truyền thống và cần thiết trong các món mặn xứ Huế.

 

Bún nghệ luôn luôn không quá nóng, cũng không nguội, và đặc biệt về hương vị, như tên gọi, luôn nồng nàn mùi thơm the the “đại bổ” của nghệ tươi, được giã nát và cho trực tiếp vào bát bún (thông thường ít có món ăn nào cho trực tiếp nghệ tươi vào). Mùi nghệ tươi nồng nàn như xộc vào mũi, dường như đã được làm dịu lại bởi một thứ nguyên liệu thơm khác là rau răm thái nhỏ.

Một tô bún nghệ hấp dẫn. Ảnh: Trần Khiêm.

Lòng được làm sạch sẽ, xào chín mềm với hành và gia vị cho thật thơm. Bún là loại bún sợi nhỏ, được xào sơ và nhanh tay cho mềm. Có khi bún được cắt nhỏ cho dễ ăn.

Các nguyên liệu được người chủ hàng để riêng mỗi nơi mỗi thứ. Đến khi khách vào ăn, họ chỉ việc gom mỗi thứ một ít, rắc rau răm, muối tiêu, ớt rồi đưa cho khách thưởng thức. Công việc của khách là trộn lên thật đều rồi nhấm nháp sự mềm, thấm của bún, béo dai và ngọt đậm đà của lòng, cũng như hương vị nồng nàn kích thích của nghệ, ớt, rau răm.

Thưởng thức một tô bún nghệ, bạn có cảm giác thỏa mãn vì đủ thứ hương vị và kết cấu hòa quyện với nhau một cách đầy đủ và tự nhiên, khiến cho nhiều giác quan của bạn phải “làm việc” một lúc.

Đến với Huế, bạn có thể tìm thấy hàng bún nghệ ở nhiều chợ, nhiều nơi như chợ Trần Quang Khải, chợ Đông Ba, chợ Vỹ Dạ…

Giá của một tô bún nghệ cũng sẽ gây ấn tượng không nhỏ với bạn: 5.000 – 10.000 đồng.

Bảo Thoa

Xem thêm: CÁCH LÀM BÚN NGHỆ LÒNG

Những lệch lạc trong sở thích ăn uống của người Việt

Chúng ta bây giờ hào hứng ăn một bát bún đầy ốc to, ốc nhỏ, giò tai, thịt bò, đậu phụ, hành phi, thêm một thìa tướng xì dầu, tương ớt mà chả cảm thấy áy náy gì.

Ăn là nhu cầu lớn nhất của con người. Người ta có thể sống không cần yêu nhưng nhất thiết phải ăn. Về tầm quan trọng, chuyện ăn uống luôn đứng đầu và được xếp vào tầng thứ nhất của tháp nhu cầu Maslow. Song chuyện ăn bây giờ có vẻ hời hợt vô cùng.

Ẩm thực Việt Nam được đánh giá cao trên thế giới. Các món ăn đường phố Việt Nam cũng rất phong phú và đa dạng.

Người Việt có lẽ là một trong những dân tộc coi trọng chuyện ăn nhất thế giới. Giở từ điển Tiếng Việt, đề mục Ăn có khoảng 120 đơn vị, bao gồm cả từ ngữ và thành ngữ. Chỉ riêng một mình từ Ăn đã hàm chứa 13 ngữ nghĩa khác nhau. Người Việt coi miếng ăn là Trời (Dĩ thực vi thiên), là nền tảng của Đạo (Có thực mới vực được đạo) nên ăn rất kỹ, rất tinh, rất cầu kỳ chứ không xô bồ, hỗn tạp. Việc nấu và việc ăn dù là các món đơn giản hay phức tạp đều đòi hỏi tuân theo những nguyên tắc nhất định, mặc dù có thể biến thiên theo tập tục ẩm thực của vùng miền hay thời đại.

Chế biến đúng kiểu, ăn đúng cách là yêu cầu tối thiểu trong việc ăn uống, chưa nói gì đến rất nhiều quy định khác nếu muốn nâng tầm lên nghệ thuật thưởng thức ẩm thực như: Đồ ăn ngon phải ăn đúng lúc (Thời gian – Thiên), đúng địa điểm (Không gian – Địa) và cả đúng người – người nấu và người ăn cùng (Nhân).

Song việc ăn uống chưa bao giờ bị biến dạng méo mó như hiện nay. Chúng ta bây giờ hào hứng ăn một bát bún ốc đầy ốc to, ốc nhỏ, giò tai, thịt bò trần tái, đậu phụ, hành phi, trộn thêm một thìa tướng xì dầu, tương ớt mà không cảm thấy áy náy lương tâm.

Một thức đồ ăn đề cao sự đơn giản, thanh nhã, lấy vị chua nhẹ của nước dùng làm nền cho cái ngọt ngon của ốc, cái dẻo thơm của bún gạo lại có thể hòa nhịp của miếng thịt bò, vốn trở nên rất dở trong nước dùng chua. Thế nhưng, người ta vẫn cứ vô tư ăn thịt bò với bún ốc, nếu người bán không phục vụ thì các thượng đế sẵn sàng mang thịt bò từ nơi khác đến nhờ “trần hộ vào bát của em”, vốn là một chuyện rất thường tình ở hàng bún ốc ngõ Hàng Chai (Hà Nội).

Ngoài thịt bò và giò tai, thảm họa của bún ốc và bún riêu cua bây giờ chính là đậu phụ. Thứ đậu phụ để ăn kèm với bún riêu phải là thứ đậu mới, rán vàng vừa lửa, phồng căng, giòn tan và thơm ngậy. Còn đậu phụ dùng trong món bún ốc chuối đậu tuy không rán giòn nhưng cũng phải là đậu mới, được nướng qua hoặc rán sơ rồi với đem nấu cùng chuối, ốc.

Đậu phụ là thứ nguyên liệu rất dễ hỏng, không để được lâu nên khi dùng phải yêu cầu yếu tố tươi thì mới ngon được. Nhưng thứ đậu phụ thảm họa đang tung hoành trong các bát bún ốc, bún riêu khắp chốn kinh kỳ là thứ đậu phụ được rán sẵn, tống vào tủ lạnh dùng dần.

Miếng đậu phụ đó chua loét vì để lâu, khét vì rán nhiều lần, và cực kỳ trơ trẽn bởi không thể ăn nhập cùng với nguyên liệu khác. Thế nhưng, chúng ta vẫn nhẹ dạ mà kêu một bát “đầy đủ”, vẫn nhẹ mồm vừa xơi xì xụp, vừa khen ngon đáo để. Đấy là chưa kể đến thảm họa hành phi vốn ăn vị với miến lươn, đến bánh đa cua nay được tiện thể rắc tứ tung lên bún riêu, bún ốc, sắp tới có thể là cả phở chăng?

Nhiều người đi ăn bún riêu, bún ốc bây giờ vẫn quen gọi “một bát đầy đủ”. Ảnh: NHMX

Ngày xưa, các ông sành ăn như Thạch Lam, Nguyễn Tuân… vốn coi “miếng ăn là miếng cầu kỳ” đã mỏi miệng than trời khi người ta làm phở gà, phở lợn, phở chó, rồi sáng tạo thêm các thứ gia giảm trong phở như vừng rang (chắc để thơm hơn), xì dầu, quẩy (vốn chỉ dùng với cháo của người Tàu) và gọi đó là những thứ phở cải lương.

Ngày nay, nếu còn sống, chắc các ông còn than khi đám hậu thế vắt đến nửa quả chanh vào bát phở bò, chan vài muôi tương ớt hàng chợ (dùng với món gì cũng được) và đánh chén xụp xoạp. Các ông sẽ than rằng: “Ôi giời, thịt bò mà vắt chanh tươi vào thì còn gì là mùi bò nữa? Sao không dùng cái giấm tỏi ớt kia, nó không phá mùi mà còn làm đậm vị, thưa các vị thực khách tân thời”.

Cái tiêu chí “ăn kỹ” tưởng phức tạp nhưng thật ra rất đơn giản. Ví như khi ăn bát bún bò Huế, ta phải ăn bằng cả 5 giác quan. Màu sắc đa dạng của miếng huyết lợn, miếng chả cua, miếng bắp bò luộc, miếng chân giò, màu ớt chưng là để người ăn vui mắt. Mùi thơm của mắm ruốc, của xả, của thịt, của chanh vàng Huế là phục vụ anh mũi. Miếng chân giò sần sật, miếng tiết sột sột, tiếng xuýt xoa, hít hà vì cay vì nóng là để cho tai nghe rộn ràng.

Ăn bún bò Huế phải cầm bát trên tay, vừa xoay vừa húp, vừa lùa bún, vừa nhai, vừa nuốt thế là anh tay, anh miệng được dự phần. Nếu tìm được một gánh bún của o, của mệ để mà ngồi trên vỉa hè xơi nữa thì quả là đúng điệu. Đấy ăn kỹ cũng chỉ đến mức vậy thôi.

Sáng mai ra, nếu xơi quà phở bò, nhớ đừng vắt đẫy chanh, rưới đẫy tương ớt đóng can hoặc gọi bát phở không hành, không màu xanh của rau thơm. Nếu gọi bát bún ốc thì nhớ đừng thêm thịt bò, giò tai làm gì cả, cứ bún ốc to hoặc nhỏ mà thôi, kèm theo rau ghém đầy đủ, tươi xanh.

Như thế đã là yêu chính mình, yêu cái món ăn của nước mình rồi.

Anmustang (ngoisao.net)

Cách nấu BÚN RIÊU CHAY

Món bún riêu với các nguyên liệu từ thực vật sẽ giúp cho thực đơn bữa chay nhà bạn thêm phong phú, ngon miệng. Món bún này tuy trải qua nhiều công đoạn nhưng khá đơn giản.

Nguyên liệu:

  • – Cho phần nước lèo: 2-3 củ cải trắng, 2 trái táo, 1 trái lê
  • – 2-3 miếng đậu hũ tươi
  • – 1/2 hộp đậu hũ non
  • – 1 thìa canh tương Cự Đà hay tương đậu nành
  • – 200g thanh cua chay (bạn có thể tìm mua tại siêu thị)
  • – 300g nấm đông cô
  • – 300g nấm đùi gà
  • – 3-4 quả cà chua
  • – Đậu phụ rán sẵn
  • – Dấm bỗng hay me chua
  • – Bún ăn kèm
  • – Rau kinh giới, tía tô, giá, có thể dùng thêm rau muống chẻ, hay xà lách xoăn thái nhỏ
  • – Hành barô, rau mùi
  • – 1 thìa canh bột mỳ.

Cách làm:

Bước 1:

– Táo, quả lê, củ cải rửa sạch, gọt vỏ, bỏ hột, cắt vừa ăn, cho tất cả vào nồi, thêm nước lọc và hai thìa nhỏ muối, hầm để lấy nước dùng.

Bước 2:

– Đậu phụ rửa sạch, để ráo, cho đậu phụ tươi, đậu phụ non vào âu sạch.

Bước 3:

– Dùng tay sạch bóp nhuyễn đậu phụ, thêm tương Cự Đà và một thìa nhỏ muối, một thìa nhỏ đường, dùng thìa trộn đều.

Bước 4:

– Thanh cua chay rửa sạch, cắt nhỏ.

Bước 5:

– Dùng dao băm nhuyễn hay dùng máy xay tơi thanh cua.

Bước 6:

– Cà chua rửa sạch, bổ múi cau.

Bước 7:

– Nấm đông cô, nấm đùi gà cắt bỏ chân rửa sạch, để ráo.

Bước 8:

– Rau xà lách xoăn rửa sạch.

– Nấm đùi gà cắt lát vừa ăn.

– Giá đỗ rửa sạch, để ráo.

– Hành barô rửa sạch, lấy phần đầu hành trắng đập dập, phần barô xanh thái nhỏ.

Bước 9:

– Đậu phụ rán để ra bát, bạn có thể dùng đậu phụ rán sẵn hay mua đậu về rán.

Bước 10:

– Rau kinh giới rửa sạch, để ráo.

Bước 11:

– Đun nóng một ít màu dầu điều, phi đầu hành thơm.

Bước 12:

– Cho cà chua vào xào chín, thêm vào một thìa nhỏ muối, một thìa nhỏ đường, xào khoảng 5-7 phút thì đổ cà chua ra bát để riêng.

Bước 13:

– Dùng lại chảo đó, cho hai loại nấm vào xào chín, xào khoảng 5 phút thì tắt bếp, đổ ra bát lớn để riêng.

Bước 14:

– Rưới vào chảo một ít màu dầu điều, cho thanh cua chay vào xào.

Bước 15:

– Cho bát đậu phụ ở bước 3 vào xào cùng với thanh cua, dùng muôi trộn đều.

Bước 16:

– Xào khoảng 5-7 phút cho thấm thì rảy bột mỳ lên bề mặt đậu phụ, dùng muôi đảo đều, bột mỳ có tác dụng kết dính để khi đun sẽ tạo thành mảng riêu nổi lên bề mặt. Nếu bạn muốn dùng phần riêu cứng hơn có thể thêm bột mỳ.

Bước 17:

– Phần nồi nước hầm ở bước 1 sau khi củ quả đã mềm, vớt ra bỏ bã, lọc lại nước dùng cho trong thì cho cà chua, nấm , đậu phụ rán đã xào vào đun cùng, đun khoảng 15 phút.

Bước 18:

– Nêm vào nồi nước dùng một ít giấm bỗng hoặc bột me chua, dùng thìa múc từng muôi hỗn hợp đậu phụ ở bước 16 thả vào nồi nước dùng cà chua, đun lửa nhỏ để mảng riêu đậu phụ nổi lên bề mặt.

Bước 19:

– Khi phần riêu chín sẽ nổi lên bề mặt, nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn, thêm một ít hành barô thái nhỏ vào.

Bước 20:

– Tắt bếp, khi dùng gắp một ít bún vào bát lớn, chan nước dùng có lẫn cà chua, đậu phụ, nấm các loại và múc một ít riêu đậu phụ, rắc thêm một ít hành barô, rau mùi thái nhỏ. Dùng nóng với các loại rau ăn kèm.

Cún Khang (ngoisao.net)

Cách nấu món BÚN THANG

Bún Thang là món ăn cổ truyền của Việt Nam và nay chủ yếu có ở các tỉnh miền Bắc. Đây là món ăn ngon và bổ dưỡng nhờ sự kết hợp tinh tế giữa các nguyên liệu lại với nhau, tạo nên hương vị hòa quyện hấp dẫn.

 

Cách làm Bún thang khá cầu kỳ nhưng kết quả sẽ không khiến bạn phải thất vọng.

Nguyên liệu:

  • Khoảng 2 lít nước hầm xương gà hoặc heo
  • 300g chả lụa
  • 2 ức gà
  • 4 trứng gà đánh tan với 1/2 muỗng cà phê nước mắm
  • 100g tôm khô
  • 100g nấm hương (nấm đông cô) rửa sạch, ngâm nước cho nở
  • Củ cải sợi muối
  • Mắm tôm, tinh dầu cà cuống
  • Rau răm, hành lá, hành củ, ớt trái
  • Gia vị: muối, nước mắm, bột nêm, đường phèn, tiêu
  • Bún sợi nhỏ luộc chín

Cách làm:

Xương gà hoặc xương heo nấu lấy 2 lít nước dùng, cho hành củ nướng vào cho thơm.

Tôm khô rửa sạch bụi cho vào nước dùng gà nấu cho mềm, vớt ra giã cho tơi.

Chả lụa lạng mỏng, thái chỉ.

 

Ức gà rửa sạch với nước pha chút muối sau đó cho vào nồi nước dùng luộc chín, vớt ra xé sợi.

Trứng sau khi đánh tan với nước mắm, tráng trứng từng đợt thật mỏng, sau đó xếp lại thái chỉ.

Củ cải rửa nước cho bớt mặn, ngâm với dấm và đường cho chua chua, ngọt ngọt. Khi ăn vớt ra vắt ráo.

Nấm hương ngâm nở cắt bỏ gốc cho vào nồi nước dùng lúc luộc gà khi vớt gà ra vớt luôn nấm ra rồi cắt sợi.

Hành lá và rau răm cắt nhỏ, gốc hành chẻ sợi hoặc để làm hành trụng.

Mắm tôm lấy một ít ra nồi nhỏ chưng lên cho bảo đảm an toàn.

Nước lèo nấu sôi nêm nếm gia vị cho vừa ăn để có vị ngọt thanh nhẹ.

Cho bún ra tô trên xếp từng phần nguyên liêu mỗi thứ một ít, nhẹ nhàng chan nước dùng lên.

Dùng nóng với chút mắm tôm và 1, 2 giọt tinh dầu cà cuống thêm ớt cắt khoanh, rắc chút tiêu cho thơm.

 

Theo MỸ AN (DOISONGPHAPLUAT)

6 MÓN BÚN ĐẶC TRƯNG NHẮC LÀ NGHĨ ĐẾN MIỀN TÂY SÔNG NƯỚC

Miền Tây Nam Bộ là vùng đất mới, ẩm thực ở đây mang nét giao thoa của nhiều nền văn hóa khác nhau, tạo nên một hương vị rất độc đáo, lạ miệng nhưng khó quên đối với bất kì ai đã từng thưởng thức qua.

Bún kèn dừa, bún nước lèo, bún mắm, bún tôm khô, bún bì, bún cá… là những món ăn mang hương vị đặc trưng của mảnh đất phương Nam.

Trong ẩm thực Việt Nam, bún là loại thực phẩm dạng sợi tròn, trắng mềm, được làm từ tinh bột gạo tẻ. Bún được xem là thành phần chủ yếu để chế biến nhiều món ăn ngon và phổ biến, chỉ xếp sau cơm, phở. Mỗi vùng miền có những loại bún đặc trưng riêng. Chẳng hạn như miền Trung có món bún bò Huế, bún chả cá, bún sứa… trứ danh; miền Bắc lại nổi tiếng với món bún thang, bún chả, bún mọc… Món bún của miền Nam mang một nét đặc rất trưng riêng, đặc biệt là các món bún của miền Tây sông nước luôn gắn liền với văn hóa ẩm thực dân dã, nhưng lại đậm đà khó quên.

Bún kèn dừa


Bún mắm

Món bún này được xem là đặc trưng ở miệt vườn Châu Đốc và Kiên Giang, vốn ít được nhiều người biết đến và cũng ít được người chế biến bán rộng rãi. Món ăn này mang tính địa phương với nguyên liệu rất đơn giản gồm nước cốt dừa, thịt cá, ngũ vị hương, bột điều, sả để nấu thành một nồi nước màu vàng đục, có vị béo và mùi thơm thoang thoảng. Loại bún dùng cho món bún kèn là loại nhỏ sợi và các loại rau ăn kèm không thể thiếu gồm giá, dưa leo sắt nhỏ, rau thơm, đu đủ thái sợi. Để có tô bún kèn hấp dẫn, trước hết cho một ít bún vào tô, giá sống, chan nước bún kèn ở giữa, chan một muỗng nước mắm ớt cay lên trên, kế tiếp là cho ít tôm khô. Mùi thơm của cá biển, tôm khô, vị nồng nàn của bột điều, cay thơm của các loại rau… mang đến cho thực khách một món bún thơm ngon, đậm chất miền Tây.


Bún mắm miền Tây là món ăn nổi tiếng, từ lâu đã được xem là đặc sản của miền Tây, phổ biến ở Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau hay Bạc Liêu… Món ăn hấp dẫn từ sợi bún trắng trong, tròn tròn, mềm và ngon hơn nữa nhờ nước lèo đậm đà mùi  mắm. Nước lèo được chế biến từ mắm cá linh hoặc cá sặc, nấu cho rã thịt, lược lấy phần nước trong, nêm ít gia vị cho vừa miệng. Vắt thêm một miếng chanh cho có vị chua chua, tô bún sẽ thêm thơm ngon. Món được ăn kèm là bún tươi và các loại rau có trong vườn như rau đắng, cọng bông súng… Khi du nhập vào Sài Gòn, món ăn được kết hợp thêm nhiều nguyên liệu khác như thịt heo quay, mực… làm cho bát bún mắm trở nên hấp dẫn hơn. Đặc biệt, món ăn sẽ kém phần thú vị nếu thiếu chén nước mắm nguyên chất, ớt tươi thái mỏng. Để có thể thưởng thức tô bún mắm đúng chất miền Tây, bạn có thể ghé 190/19, Sư Vạn Hạnh, phường 9, quận 5, TP HCM.

Bún nhâm


Bún nhâm được xem là một đặc sản của xứ Hà Tiên, gồm có bún, rau thơm, giá, gỏi đu đủ, rắc tôm khô xay nhuyễn, chan thêm chút xíu nước chấm được làm từ nước cốt dừa và nước mắm pha chua cay. Thưởng thức món ăn, bạn sẽ cảm nhận được vị mặn và thơm của tôm khô và vị béo từ nước cốt dừa. Bún nhâm chỉ cần rau gồm xà lách, tía tô, rau thơm, giá, dưa leo, đu đủ thái sợi. Thành phần làm nên vị độc đáo cho món ăn chính là nước mắm mặn vừa để hãm cái béo của nước cốt dừa. Vị đậm ngọt của tôm, giá, chất xơ của rau, chất béo của nước cốt dừa tươi, vị mặn của mắm pha ớt tỏi… hòa lẫn vào nhau tạo nên vị ngon khó cưỡng.

Bún bì


Bún bì được bán tương đối phổ biến vào buổi sáng như một món điểm tâm nhẹ ở một vài tỉnh thuộc miền Tây Nam bộ. Một tô bún bì ngon đòi hỏi ở khâu trộn bì cho vừa ăn và nước chấm pha cho ngon. Thịt để làm bì phải chọn là loại thịt heo nạc đùi ngon, ướp gia vị đều tay và ram cho vàng thơm. Da heo luộc chín và xắt thật nhuyễn thành từng sợi nhỏ. Cho da heo và thịt ram xắt sợi trộn đều vào nhau bởi một lượng thính gạo vừa đủ. Tỏi phi dầu vàng vào trộn chung cho bì được thơm. Ngoài bún, bì trộn, món ăn không thiếu giá sống, rau thơm, dưa leo băm, mỡ hành, lạc rang… Món ăn cùng với nước mắm pha chua ngọt. Tùy theo sở thích mà người ăn cho vào lượng nước mắm vừa đủ để có thể thưởng thức trọn vẹn hương vị của món. Ở TP HCM, món ăn được bán trong lòng chợ Bàn Cờ trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3.

Bún nước lèo


Trong quá trình giao thoa văn hóa giữa các dân tộc Việt, Hoa và Khmer, bún nước lèo trở thành món ăn không chỉ của riêng người dân Sóc Trăng, mà còn là món ăn phổ biến của các dân tộc miền Nam. Món ăn này được bán trong lòng chợ Bàn Cờ trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP HCM.Ở các tỉnh miền Tây có nhiều món bún nước lèo rất ngon, nhưng nổi tiếng phải nhắc tới bún nước lèo Sóc Trăng. Để nấu món này, trong thành phần gia vị nên có cây ngải bún vì đây là gia vị khử mùi tanh của mắm và làm thơm nước lèo. Nét đặc biệt của nước lèo Sóc Trăng là không lợn cợn mà trong veo, bởi nó được nấu bằng một công thức khá lạ. Đặc biệt, nước lèo được nấu cùng nước dừa tươi nên có vị ngọt thanh tự nhiên. Chính vì thế mà nước lèo mới trong và ngọt thanh. Món được ăn kèm chung với cá lóc được xử lý hết xương cắt vừa ăn… Rau sống thì có rau muống bào, hoa chuối thái mỏng, giá, chanh và ớt… Đặc biệt, chính nước chấm được nấu từ me, nước mắm ngon, hòa cùng đường tạo nên hỗn hợp hấp dẫn cho món ăn.

Bún cá


Bún cá miền Tây được nhiều người biết đến là món bún từ Kiên Giang. Thành phần chính của món ăn là cá lóc đồng, làm sạch, giữ lại bộ lòng luộc lấy nước lèo, kèm với đó là tôm tươi. Sau khi nấu chín, đầu bếp lấy hết xương, tách từng miếng nhỏ, chuẩn bị thêm tôm tươi bóc vỏ, mang rim với gạch tôm để giữ màu sắc tự nhiên. Bún cá muốn ngon không thể thiếu nước lèo. Không nấu từ xương lợn hay gà, nước lèo ở đây nấu từ cá tươi để vừa có vị ngọt thanh, vừa giữ được vị mặn vốn có. Món bún này dùng với rau muống, thân chuối thái mỏng, giá, rau thơm, rau răm. Đặc biệt, bún cá chỉ ăn với nước mắm trong, cùng một ít ớt tươi, tạo nên một món chấm mang đậm hương vị đất phương Nam. Ở Sài Gòn, món được bày bán trong một con hẽm của đường Vườn Chuối (quận 3), đi vào khoảng 400m, bạn sẽ thấy bảng hiệu bún cá Kiên Giang nằm bên tay phải.

Hà Lâm (NGOISAO.NET)

Nguồn: http://ngoisao.net/tin-tuc/thu-gian/an-choi/6-mon-bun-dac-trung-vung-tay-nam-bo-3133192.html

Cách nấu BÚN GÂN BÒ VIÊN

Tô bún với vị ngọt của bò viên, dai dai của gân, thơm mùi sả và nước dùng ngon từ xương ống sẽ mang đến cho gia đình bạn một bữa ăn ngon miệng.

Nguyên liệu:

  • – Bò viên ngon loại to: nửa kí
  • – Gân bò: nửa kí
  • – Xương ống bò: 1 kí
  • – Gừng: 1 nhánh
  • – Hành tây: 2 củ
  • – Sả băm, rau răm, ớt, giá đỗ, chanh, ngò, hành lá, tỏi… và các gia vị thông thường.

Thực hiện:

Bước 1:

– Bò viên cắt đôi.

Bước 2:

– Gân bò và xương ống rửa sạch. Bắc nồi nước sôi chần hai thứ sơ qua để loại bỏ chất bẩn.

Bước 3:

– Gừng rửa sạch. Hành tây lột vỏ. Nướng cả hai thứ này cho cháy xém. Sau đó cho xương ống, gân bò, hành tây và gừng vào chung một nồi to, châm nước lọc để nấu nước dùng, cho thêm 1 muỗng canh muối. Đun lửa vừa cho sôi, ninh tới khi gân bò mềm, nhớ vớt bọt cho nước trong.

Bước 4:

– Hành ngò rửa sạch, xắt nhỏ. Giá rửa sạch. Rau răm (hoặc rau thơm) nhặt rửa sạch.

Bước 5:

– Rũ bún cho sợi tơi ra.

Bước 6:

– Bắc nồi nhỏ cho vào tí dầu điều, cho 1 muỗng cafe tỏi băm vào phi thơm, sau đó cho sả, ớt vào phi chung. Nêm vào nồi 1 muỗng cafe nước mắm, chút đường, xào chừng 5 phút, tắt bếp.

Bước 7:

– Chuyển qua nồi nước dùng: sau khi gân bò mềm rồi thì vớt gân bò ra dĩa, xắt miếng nhỏ vừa ăn. Tiếp tục đun nồi nước dùng với xương, sau đó trút nồi nhỏ đã phi thơm ở trên vào nấu chung, nêm nếm vừa miệng. Nấu tới khi nào nước xương bò ngọt thì bỏ bò viên vô nấu chung chừng 10-15 phút cho bò viên chín. Nêm nếm lại lần cuối cùng, vặn lửa riu riu để khi ăn được nóng.

Bước 8:

– Xắp bún, gân bò, bò viên vào tô, chan nước dùng rồi rắc hành ngò vô, ăn nóng với rau, giá, vắt miếng chanh, nêm tí ớt.

Theo Cún Khang

Cách nấu CANH BÚN miền Nam

Canh bún là món ăn có nguồn gốc từ miền Bắc, nhưng hiện nay, trong khi món ăn này trở nên rất hiếm hoi ở các hàng quán miền Bắc, thì nó đã trở thành một trong những món nổi tiếng nhất của miền Nam. Canh bún miền Nam là một biến tấu khác lạ – nếu không muốn nói là có hương vị khác lạ hoàn toàn – so với canh bún miền Bắc. 

Món canh bún rất được nhiều người ưa thích này thích hợp nhất vào những ngày mưa, mát…

Chuẩn bị nguyên liệu làm canh bún:

  • – Nửa kí xương heo (hoặc sườn non)
  • – Nửa chén tôm khô
  • – Nửa chén thịt heo xay [có thể thêm vào đây tôm tươi hoặc cua tùy thích]
  • – 2 hột gà
  • – 2 muỗng cafe dầu màu điều
  • – 2-3 trái cà chua chín
  • – Đậu hũ, huyết heo (số lượng tùy ăn), chả lụa (tùy thích)
  • – Rau ăn chung: rau muống, hẹ (hoặc hành lá), (kèm rau thơm nếu thích)
  • – Hành củ băm, tiêu, Ớt băm, 2 muỗng canh mắm tôm, me vắt, và các gia vị thông thường

Thực hiện:

Bước 1:

– Xương heo mua về chặt thành khúc, rửa sạch. Bỏ vô nồi nước sôi sẵn chần sơ cho ra chất bẩn. Đồ nước đó đi. Xương đem xả lại vài lần nữa cho sạch. Bắc nồi nước lần nữa cho xương vào đun sôi hầm lấy nước lèo.

Bước 2:

– Hòa mắm tôm với chút nước lạnh, lọc hết cát bẩn. Chế mắm tôm này vào nồi nước lèo, nấu sôi rồi nêm vào nồi 2 muỗng cafe muối, 1 muỗng cafe đường.

Bước 3:

– Tôm khô cho vô nước ấm ngâm nở, rửa sạch, sau đó xay nhuyễn hoặc giã nát.

– Nếu nấu với tôm tươi thì lột vỏ, rút chỉ đen, bỏ đầu, giã nát.

Bước 4:

– Trộn thịt xay, tôm khô giã nát, tôm tươi giã nát (nếu có), hột gà, hành củ xắt lát, 1 muỗng cafe mắm tôm, một chút tiêu, 1 muỗng cafe muối, 1 muỗng cafe đường, trộn lên cho đều. Ướp 20 phút cho ngấm.

Bước 5:

– Rau muống mua về nhặt rửa sạch (bỏ cọng già đi). Bắc nồi nước sôi cho vào 1 nhúm muối rồi bỏ rau muống vào nấu cho sôi.

Bước 6:

– Nước sôi thì gắp rau muống ra cho ngay vào thau nước có bỏ sẵn đá lạnh để rau muống giòn xanh. Sau đó gắp rau muống ra rổ để ráo.

Bước 7:

– Đậu hũ chiên vàng rồi xắt miếng nhỏ vừa ăn

– Huyết heo rửa sạch, chần qua nước sôi cho chín rồi xắt thành miếng vừa ăn.

Bước 8:

– Hẹ / Hành lá xắt nhỏ.

Bước 9:Cà chua bổ múi cau.

Bước 10:

– Bắc nồi nhỏ lên bếp, cho 2 muỗng cafe dầu điều và ít hành củ xắt lát vào phi thơm, sau đó đổ 1/2 chén nước từ nồi nước lèo hầm bên kia qua. Sau đó đổ nồi này vào lại nồi nước lèo.

Bước 11:

– Đun nước lèo cho sôi, lấy muỗng múc từng muỗng hỗn hợp tôm thịt đã ướp ở trên thả vào nồi, múc lần lượt cho hết tô… Chờ cho nước sôi. Khi nào thấy tôm thịt nổi lên (riêu) là chín.

– Cuối cùng cho cà chua, huyết heo, đậu hũ vào nấu chung tới khi tất cả chín hết. Nêm nếm lại cho vừa miệng.

 

Bước 12:

– Khi ăn cho bún sợi to dưới tô rồi chan nước cùng với nguyên liệu trong nồi nước dùng vào. Ăn với rau muống luộc và rau nhợ gì tùy bạn. Món này điểm chút vị chua mới ngon, bạn dùng me dầm ra lấy nước cốt, không thì dùng chanh cũng được. Và nhớ nêm thêm một ít ớt và mắm tôm cho dậy mùi trước khi ăn.

Bảo Tố

Cách nấu GỎI BÚN TÔM THỊT

Bún khô trộn tôm thịt là món ăn đơn giản, dễ ăn, phù hợp với thời tiết oi bức.

 

Nguyên liệu món ăn.

Chuẩn bị:

  • – Bún khô: 2 lạng
  • – Nạc vai: 3 lạng
  • – Tôm: 1,5 lạng
  • – Ớt chuông đỏ, dưa chuột: mỗi thứ 1 quả
  • – Ớt hiểm, tỏi, ngò
  • – 1 chén nước mắm, 1/3 chén đường. 1 chén dấm trắng
  • – Chút đậu phộng rang đập sơ

Sau khi sơ chế.

Cách làm:

– Thịt mua về rửa sạch, luộc chín, nhúng nước lạnh rồi để ráo nguội, xắt thành sợi nhỏ.

– Tôm lột vỏ bỏ đầu,  bỏ chỉ đen, luộc vừa chín.

– Ớt chuông rửa sạch, bỏ hột, xắt nhỏ rồi ngâm chút dấm cho đỡ hăng.

– Dưa leo rửa sạch, bỏ ruột, xắt cọng nhỏ.

– Tỏi: băm 1 củ.

– Bún cho vào nồi nước sôi trụng khoảng 5 phút cho mềm, rồi vớt ra chuyển ngay qua tô nước nguội, để chừng 3 phút cho nguội rồi vớt ra rổ đợi ráo. Lưu ý là nên giữ cho bún không bị bung lọn ra.

– Pha nước chấm: bắc nồi cho vào 1 chén nước mắm, 1/3 chén đường, nấu sôi lăn tăn rồi lại nhấc ra ngoài, để nguội.  Cho tỏi và dấm vào quậy cho đều. Cho ớt đà lạt và ớt hiểm vào hỗn hợp này.

– Trộn gỏi: cho thịt, tôm, ớt chuông, dưa leo vô một cái tô, rưới vào 1/3 hỗn hợp nước chấm ở trên vào trộn đều, chờ 15 phút cho ngấm rồi mới cho ngò vô trộn chung.

– Xếp bún ra dĩa, chan phần nước chấm còn lại lên. Rồi cuối cùng gắp gỏi tôm thịt lên trên bún, rắc chút đậu phộng.

Món ăn hoàn thành.

Lưu Thu Hồng

Cách làm BÚN LÒNG XÀO NGHỆ Huế

 

Những ai đã từng đi dạo các chợ trong thành phố Huế ắt sẽ không thể không biết món bún nghệ nổi tiếng. Bún nghệ lòng hấp dẫn bởi cái béo dai của lòng, vị nồng của nghệ, cay của ớt hòa quyện trong sợi bún xào mềm mại.


Nguyên liệu:

  • -3 lạng bún tươi
  • – 2,5 củ nghệ tươi
  • – 2 lạng núm đuôi heo (phần trên ruột già), có thể thay bằng lòng hoặc ruột cũng được.
  • – nửa lạng gan heo
  • – 1 miếng huyết heo
  • – Rau răm, hành tây, hẹ, ớt hiểm

Núm đuôi (hoặc lòng phèo) mua về bóp muối cho sạch, hết nhớt. Xả lại dưới nước lạnh rồi xắt thành miếng dày chừng 5-10mm. Huyết heo rửa sạch rồi xắt miếng vừa ăn. Gan rửa sạch rồi thái mỏng vừa ăn.

Rau răm rửa sạch rồi băm nhỏ. Hành tây lột vỏ, xắt thành cọng nhỏ. Hẹ thái khúc 5 phân. Ớt cắt xéo.

Nghệ rửa sạch, gọt bỏ vỏ, sau đó cho vào cối giã nhuyễn. Chia ra 3 phần.

Bún tươi thọt cây kéo vào cắt ngắn thành cọng 5-10 phân để cho dễ trộn.

Bắc chảo cho vào ít dầu đun nóng rồi cho ít hành củ băm vào phi thơm. Cho núm đuôi và gan heo vào xào săn, nêm tí muối, nước mắm, bột ngọt vô xào lên cho gia vị ngấm đều. Sau đó cho huyết heo vào đảo nhẹ.

Tiếp tục trút 2 phần nghệ vào xào chung. Sau đó cho tất cả hành tây, hẹ, rau răm vào. Nêm nếm lại cho vị hơi mặn mà một chút (vì sẽ cho bún vào nữa).

Cuối cùng cho bún vào, vặn nhỏ lửa, trộn nhẹ nhàng cho đều. Ăn nóng. Khi ăn cho thêm một ít nghệ tươi giã nát còn lại vào ăn chung, kèm theo chút ớt nữa mới ngon.

Theo Jolie 

Cách nấu BÚN SƯỜN HẦM SẤU

Món bún sườn hầm sấu chua dịu, thanh mát nhưng không kém phần hấp dẫn sẽ rất thích hợp trong những ngày hè oi bức như hiện nay.

Chuẩn bị (cho 3 người):

– Nửa kí sườn non (chọn loại ít hoặc không mỡ)

– Cà chua: 3 trái, rửa sạch bổ múi cau

– Sấu: dăm bảy trái tùy theo thích ăn chua nhiều hay ít. Rửa sạch, cạo vỏ.

– Hành, mùi tàu, ớt.

– Các loại gia vị thông thường.

Cách nấu Bún Sườn Hầm Sấu:

Bước 1:

– Thịt sườn rửa sạch, ướp với chút gia vị, hạt nêm.

– Bắc chảo phi thơm ít hành củ rồi cho sườn vào xào sơ cho săn.

Bước 2:

– Bắc nồi to, cho ít hành củ vào phi thơm rồi trút sườn, sấu, cà chua vào xào đều tới khi cà chua hơi nhũn ra.

Bước 3:

– Trút nước vào nồi, nấu với lửa nhỏ trong 30 phút cho sườn chín mềm là xong.

Bước 4:

– Chuẩn bị tô, cho vào ít bún, sắp sườn, cà chua, hành, ngò gai (mùi tàu) lên trên mặt rồi đổ nước dùng lên. Ăn nóng.

Theo công thức của Linh Phạm

CÁCH LÀM BÚN NGHỆ XÀO ĐUÔI BÒ

Món ăn Bún xào nghệ với đuôi bò có màu sắc hấp dẫn, hương vị thơm nồng đậm chất miền trung, sẽ mang lại cho gia đình bạn bữa “đổi món” đầy thỏa mãn.

Chuẩn bị:

  • – Đuôi bò: nửa kí
  • – Nghệ: khoảng 5-6 củ nghệ tươi (nhiều hơn cũng được)
  • – Bún tươi (không có thì dùng bún khô ngâm mềm)
  • – Ngò, giấm, ớt, tỏi, các gia vị thông thường.

Thực hiện:

Bước 1:

– Đuôi bò mua về rửa sạch, cho vào nồi nước sôi nấu cho sôi lại chừng 5 phút cùng với ít giấm, muối…rồi vớt ra ngoài, dội rửa lại cho thật sạch.

– Bắc nồi nước khác, cho đuôi bò vào hầm tới khi chín mềm (nếu có nồi áp suất thì dùng nồi áp suất cho nhanh).

Bước 2:

– Sau khi đuôi bò chín mềm thì vớt ra ngoài.

Bước 3:

– Nghệ rửa sạch, cạo vỏ rồi băm nhuyễn. Chia ra hai phần.

Bước 4:

– Bún giũ cho tơi ra không dính chùm.

Bước 5:

– Bắc chảo đun nóng dầu rồi cho tỏi vào phi thơm, tiếp đó cho một phần nghệ vào xào.

Bước 6:

– Tiếp tục cho đuôi bò vào xào săn, nêm 1 muỗng súp nước mắm, chút muối, ớt, bột nêm, nước lọc, xào đều cho ngấm vào đuôi bò, đun tới khi nước ngấm, cạn đi thì ta cho bún vào xào chung.

Bước 7:

– Xào nhẹ tay kẻo bún bị nát. Nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn. Cuối cùng cho phần nghệ tươi băm còn lại vào trộn đều lên để hương vị thêm kích thích và món  bún có màu nghệ tươi đẹp mắt. Rắc rau thơm vào ăn nóng.

Theo  Cún Khang.

Cách làm BÚN ỐC miền Bắc

 

 Nhiều người ở miền Nam mê món Bún ốc miền Bắc vì hương vị thanh nhẹ, ít pha tạp, tuy nhiên để tìm được một tiệm bún ốc Bắc ngon không phải là đơn giản… Trong khi đó, bạn hoàn toàn có thể làm bún ốc tại nhà theo kiểu truyền thống miền Bắc, với hương vị đặc trưng của ốc, rau tía tô, cà chua…rất nhanh, đơn giản và rẻ tiền. 

Bát bún ốc nấu theo kiểu Khương Thượng, Hà Nội.

Nguyên liệu (cho 5 tô bún):

  • – Bún sợi nhỏ: 1kg
  • –  Ốc nhồi: 4 lạng, ốc nhỏ: 4 lạng (tùy ăn thế nào)
  • – Xương ốc heo: 3 lạng
  • – Cà chua: 2 trái, bổ múi cau
  • – Dấm bỗng: 5 muỗng cafe
  • – Hành lá, hành củ (thái nhỏ – xắt lát)
  • – Rau thơm: tía tô, rau răm, rau diếp, kinh giới, rau ngò —> Một phần thái nhỏ, một phần để nguyên lá.
  • – Mắm tôm, ớt bột, gia vị thông thường
  • – Đậu phụ rán (đậu hũ, đậu khuôn chiên)

Thực hiện:

– Ốc mua về ngâm qua nước gạo 1 đêm cho sạch, rồi luộc chín, moi ruột ra ngoài (ngắt bỏ không dùng phần gan đen đen ở đuôi)

– Xương ống rửa sạch rồi cho vào nồi nước ninh cho ngọt nước, vớt bọt bẩn. Sau đó vớt bỏ xương ống, nước để lại làm nước dùng.
– Bắc nồi lớn lên bếp, cho chút dầu ăn vào rồi phi thơm vài củ hành khô xắt lát mỏng. Cho cà chua vào xào cho chín. Tiếp đến cho dấm bỗng vào.
– Trút nước dùng vào, nêm nếm cho vừa miệng rồi nấu cho sôi.

Ăn:

– Chuẩn bị tô để ăn. Cho vào đáy tô 1 muỗng mắm tôm, rồi cho bún lên (bún đã trụng sơ qua nước nóng cho rời ra), tiếp đến rắc các loại rau thơm thái nhỏ lên trên. Cuối cùng rải ốc, đậu phụ rán lên mặt rồi chan nước dùng ngập bún.

– Ăn nóng kèm ớt chưng. Rau sống.

Cách làm ớt chưng:

– Bắc chảo dầu đun nóng, sau đó cho ớt bột vào đảo đều tay cho dầu sôi rồi cho dấm ăn vào xào sơ rồi trút ra chén.

Theo Út Liên.

Cách làm BÚN NEM NƯỚNG

 

BÚN NEM NƯỚNG là món ăn phổ biến ở các tỉnh duyên hải miền Trung Việt Nam. Tùy theo vùng miền mà nem nướng có cách làm, cách ăn khác nhau. Ở đây hướng dẫn làm món bún nem dễ ăn và dễ làm.

Nguyên liệu:

Cách làm:

– Bắc nồi luộc chín mỡ gáy rồi xắt hột lựu, ướp với chút đường để chừng 20 phút cho đường ngấm, mỡ trong và giòn.

– Chuẩn bị cối giã, cho giò sống, thịt nạc xay, nước mắm, gia vị, mỡ gáy đã ướp vào cối rồi dùng chày quết cho mịn.

– Sau đó nặn nem thành từng khúc tròn, dài (có thể đắp quanh đầu đũa) rồi đem nướng trên lửa than. Vừa nướng vừa xoay trở cho thịt chín vàng đều, bốc mùi thơm là được.

– Nem chín rồi thì chỉ chuẩn bị ăn. Cho rau thơm, chuối, khế xắt nhỏ vào tô, sau đó lần lượt cho bún, đồ chua, nem nướng, mỡ hành, rắc đậu phộng rang giã nhỏ. Khi ăn chan nước mắm chua ngọt vào rồi trộn đều lên.

Bảo Tố

Cách nấu BÚN CÁ NGỪ

BÚN CÁ NGỪ là món ăn dân dã quen thuộc với người dân ở miền Biển, mà bất cứ ai đã ăn qua cũng khó mà quên được hương  vị biển mộc mạc của nó. 

Nguyên liệu:
– 1 con cá ngừ bò khoảng 1-1.2 kg thái khoanh
– 2 trái cà chua
– 1/4 trái thơm

Gia vị:
– Nước mắm + ớt + tỏi (*)
– Rau sống (xà lách, húng lủi, ngò, búp chuối
thái sợi, giá sợi dài, diếp cá)
– Hành lá
– 1,5 kg bún sợi nhỏ


Cách chế biến
:

– Ướp cá với hỗn hợp gia vị (hành băm, tỏi băm, tiêu, ớt màu, đường, bột ngọt (tùy ý) mỗi thứ một muỗng cafe, nêm muối vừa ăn) để khoảng 15 phút.
– Khử dầu (*) sau đó cho vào nồi khoảng 2 lít nước đun sôi.
– Cho cá đã ướp vào cùng với cà chua thái múi cam, thơm thái lát đun sôi.
– Nêm thêm đường, bột ngọt (tùy ý), nước mắm mỗi thứ một muỗng cafe, muối vừa ăn.

Cách dùng:

Cho bún vào tô sau đó chan nước cá ngừ kho cùng với cá ngừ vào thêm hành lá thái nhỏ, tiêu vào. Chuẩn bị sẵn bên cạnh chén nước mắm ớt tỏi, nêm thêm nước mắm + ớt + tỏi cho vừa miệng.

Ghi chú:
Gia vị: củ nén, hành, tỏi, sả bằm, tiêu, ớt màu, đường, bột ngọt, muối, nước mắm, bột sả, dầu hào (chỉ có mì quảng dùng sả bằm, bột sả và dầu hào) các món còn lại không sử dụng.
Rau sống: xà lách, húng lủi, ngò, búp chuối thái sợi, giá sợi dài, diếp cá. mỗi thứ 100g.
Khử dầu (*) cho dầu vào nồi (một muỗng canh) đun nóng, sau đó cho nén đập nhuyễn vào tiếp tục cho hành bằm, tỏi bằm, (sả bằm món mì quảng) khuấy đều sau đó cho vào một muỗng cafe ớt màu.
Chén nước mắm ớt tỏi: đập nhuyễn ớt và tỏi cùng với bột ngọt (một muỗng cafe), đường (một muỗng canh) sau đó cho vào một quả chanh vắt nước, khuấy đều, tiếp tục cho nước mắm vào khoảng một chén cơm. Ta có món nước mắm ớt tỏi.

Cách nấu BÚN RIÊU ỐC

 Công thức sau đây sẽ hướng dẫn bạn cách làm bún riêu ốc giò heo đặc trưng theo kiểu MIỀN NAM, không sử dụng dấm bỗng như bún ốc miền Bắc.

Nguyên Liệu:

  • Bún: 2 ký
  • Giò heo: 1 ký
  • Ốc bươu: 20 – 25 con
  • Cà chua chín: 500g
  • Đậu hũ: 2 miếng, chiên vàng rồi xắt miếng nhỏ vừa ăn.
  • Huyết heo: 300g
  • Cua đồng: 1kg
  • Tôm khô: 200g
  • Hành lá, tỏi, ngò
  • Màu điều
  • Mắm tôm & các gia vị thông thường
  • Bắp chuối, rau tía tô, kinh giới, rau muống chẻ, giá sống
  • Có thể thêm chả cây nếu thích.

Cách Làm:

Chuẩn bị: 

– Cua mua về rửa sạch, xé bỏ mai,  gỡ gạch ra để riêng. Rửa cua lại cho sạch rồi để ráo. Sau đó cho cua vào cối giã nát. Cho tất cả cua vào đồ đựng, chế thêm 3 bát tô nước. Dùng rây lọc cua 2 lần cho ra hết thịt, còn bã. Gạn nhẹ nước cua lần cuối cho sạch sạn.

– Hành củ  & tỏi : băm nhỏ. Hành lá & ngò : xắt nhỏ.

– Tôm khô ngâm mềm rồi giã dập.

– Cà chua bổ múi cau. Chuẩn bị cái chảo cho dầu ăn vào phi hành tỏi cho thơm rồi trút cà vào xào, thêm ít muối & bột ngọt & 3 muỗng canh dầu điều. Xào chín thì tắt bếp.

– Giò heo cạo sạch lông, rửa sạch. Chặt miếng vừa ăn.

– Ốc bươu gỡ lấy thịt, chà xát bằng muối cho hết nhớt. Rửa lại bằng nước. Xắt nhỏ vừa nhai. Bắc chảo phi thơm hành tỏi rồi xào sơ ốc, nêm mắm muối cho vừa miệng.

Thực hiện:

– Đổ nước giã cua đã lọc xác lúc nãy vào nồi, nấu sôi rồi cho giò vào ninh cho tới khi hơi mềm. Tiếp tục trút huyết heo, tôm khô, mắm, muối, đường, bột ngọt vào nếm cho vừa khẩu vị (hơi lạt một tí để khi ăn còn nêm tiếp). Nấu tới khi nào huyết heo và cua nổi lên thành mảng thì vặn nhỏ lửa, trút cà chua xào màu điều vào, đun nhỏ lửa tới khi ăn để giữ nóng.

– Chuẩn bị cái chảo khác phi thơm hành tỏi rồi cho vào xào thơm, tiếp theo cho ốc vào xào chung, nêm nếm lại vừa miệng. Để nguyên trong chảo cho nóng.

Trình bày:

– Cho bún vào sẵn trong tô. Khi nào ăn thì xếp ốc, giò heo, huyết heo, riêu cua, hành ngò… lên mặt bún, rồi chan nước lèo cua vào. Ăn nóng với rau sống, mắm tôm, chanh, ớt.

Bảo Tố

 

Cách nấu BÚN CÁ RÔ DỌC MÙNG

Bún cá rô dọc mùng là một món bún ngon của miền Bắc. Hấp dẫn bởi hương vị ngọt thanh của nước dùng, thơm của rau thìa là, rau cần, và nhất là những miếng cá rô rán vàng giòn rụm hết ý.

CÔNG THỨC LÀM BÚN CÁ RÔ DỌC MÙNG

Nguyên liệu:

  • Cá rô phi: con khoảng 1kg
  • Dọc mùng: vài cây tùy thích ăn nhiều hay ít
  • Xương ống hoặc xương đuôi lợn: 1kg
  • Dấm bỗng
  • Cà chua: 2 trái
  • Gừng: 1 mẩu, đập dập
  • Rượu trắng (để rửa cá)
  • Rau cần, thìa là, hành củ, hành lá
  • Gia vị: tiêu, muối, bột ngọt, nước mắm
  • Bột chiên giòn.
  • Bún.

Cách làm:

– Rau cần cắt khúc vừa ăn. Thì là, hành lá thái nhỏ.

– Bắc nồi nước, cho xương vào luộc qua rồi đổ nước đi, vớt xương ra rửa sạch, rồi cho nước mới và xương vào lại để nấu nước dùng. Khi nấu nhớ hớt bọt.

– Cá rô rửa sạch bằng rượu pha với gừng đập dập. Sau đó lóc lấy thịt, xương để riêng. Cạo màng đen bên trong bụng cá để khỏi tanh. Xắt thịt cá thành từng miếng mỏng vừa ăn. Sau đó ướp với 1 muỗng súp dầu ăn, 1 muỗng súp hạt nêm, chút tiêu và hành củ băm. Ướp khoảng 1 tiếng trong ngăn mát tủ lạnh.

– Trong khi ướp cá, ta dùng phần xương khi nãy cho vào nồi nước dùng đang sôi để nấu chung với xương lợn. Đập thêm củ hành nướng thả vào nồi nước dùng để loại bỏ mùi tanh.

– Dọc mùng bỏ vỏ, xắt cọng vừa ăn. Ngâm trong nước muối đậm 2 lần, rồi rửa sạch, bóp cho khỏi ngứa. Để ráo nước.

mav035

– 2 trái cà chua đem bổ múi cau. Bắc chảo phi thơm hành với chút dầu ăn rồi cho 1 trái vào xào cho cà chua chín nhừ để có nước màu. Đổ nguyên chảo này vào nồi nước dùng.

– Nêm gia vị cho vừa miệng. Cho một chút dấm bỗng vào cho có vị chua. Cuối cùng cho dọc mùng và phần cà chua còn lại vào nấu sôi.

– Bột chiên giòn đem pha loãng với nước. Bắc sẵn cái chảo. Cho cá đã ướp nhúng qua lớp bột rồi đem chiên vàng, thật giòn. Sau đó cho ra đĩa có giấy thấm dầu.

Vậy là xong. Trước khi ăn ta trụng rau cần vào nước sôi cho chín, rồi xắp lên mặt bún cùng với cá chiên giòn, dọc mùng, cà chua, thìa là, hành lá, rồi chan nước dùng vào thưởng thức.

Bảo Tố