Cách làm CANH GIÒ HẦM KIM CHI

Món canh chua cay giò heo là lựa chọn hợp lý trong những ngày mưa, lạnh. Món canh có màu đỏ bắt mắt, kim chi giòn cay ăn với đậu hũ và giò heo beo béo sẽ rất tuyệt vời.

Nguyên liệu:

– Giò heo: nửa kí, chặt khúc vừa ăn

– 2 lạng kim chi

– 2 cây tàu hũ non Nhật bản, hoặc 3 miếng tàu hũ non bình thường.

Cách làm:

– Giò mua về rửa sạch, bắc nồi nước nấu sôi chừng 2 phút. Đổ bỏ nước đi, rửa giò lại cho sạch, rồi lại đổ nước mới hầm giò trong 30 phút.

– Đậu hũ non xắt miếng vừa ăn cho vào nồi canh giò hầm.

– Nước sôi lại, cuối cùng ta cho kim chi vào nồi, nêm nếm lại cho vừa miệng rồi tắt bếp.  Ăn nóng với cơm.


Theo Khánh Hòa (VNexpress.net)

Cách làm CƠM RƯỢU MIỀN BẮC

Món cơm rượu là quá quen thuộc ở chợ trong những ngày lễ, Tết, nhất là Tết Đoan Ngọ. Bạn cũng có thể tự làm, rất dễ dàng. Công thức sau đây hướng dẫn bạn làm cơm rượu kiểu miền Bắc.

Những gì bạn cần

Nửa ký nếp lức

Men ngọt 5 đến 8 viên

1. Nếp mua về nhặt sạch hạt lép, hạt đen và lúa còn lẫn trong nếp, vo kỹ. Cho nước vừa đủ (như nấu cơm) nấu chín, đổ ra rá hoặc mẹt tre để thật nguội.

2. Xay hoặc giã men nhỏ mịn.

3Đổ nếp vào rổ hoặc rá (loại dễ thoát nước), rây trộn một nửa men vào nếp, sau đó tãi nhẹ nếp cho đều mặt và rắc đều hết chỗ men còn lại lên trên mặt nếp.

4. Đặt dĩa sâu lòng hoặc tô lớn ở dưới rá nếp để hứng nước cơm rượu. Cho tất cả vào thùng đậy kín (có thể cho vào bao nylon lớn và cột kín lại), để vào nơi nóng ấm.

Nếu trời mùa hè chỉ khoảng 30 giờ thì dỡ được. Tiết trời lạnh có thể để thêm vài giờ.

 

Cách làm BÁNH MEN

Bánh men nước cốt dừa là món ăn vặt ưa thích của trong tuổi thơ của nhiều người, và nó cũng là món thức cúng phổ biến trong những dịp lễ tiết, điển hình là Tết đoan ngọ. Món ăn này rất dễ làm, nếu ngại ra chợ bạn có thể tự làm như hướng dẫn dưới đây.

Cách làm Bánh men nước cốt dừa

Nguyên liệu:

  • – 300g bột năng khô, có thể dùng bột sắn dây nghiền thật mịn
  • – 2 thìa nhỏ bột gạo
  • – 1 thìa nhỏ bột nở hay còn gọi là bột nổi
  • – 100g đường cát trắng
  • – 130ml nước cốt dừa . Xem Cách làm nước cốt dừa
  • – 1 ống vani.

Cách làm:

– Trộn lẫn bột gạo khô, bột năng và bột nở vào âu sạch.

– Thêm đường cát trắng, dùng muôi trộn đều, châm từ từ nước cốt dừa vào âu bột, vừa trộn vừa châm nước cốt dừa, hỗn hợp bột lúc này sẽ rời rạc và khô, bạn vừa châm nước cốt dừaa đến khi hỗn hợp bột thành một khối đồng nhất, tiếp tục dùng tay nhồi bột thành hỗn hợp bột dẻo, ấn nhẹ vào không dính tay.

– Bột sau khi nhồi thì dùng khăn hay nilon phủ kín âu bột, để từ 4 đến 5 tiếng cho bột nở.

– Bột sau khi ủ sẽ hơi khô, nhưng khi nắm lại thì tạo thành một khối, thêm vani vào, dùng tay ngắt thành từng viên nhỏ, vo tròn, xếp vào khay có lót giấy nướng để chống dính.

– Cho khay bột vào lò nướng, lò đã bật nóng trước 5 phút, nướng khoảng 20-25 phút ở nhiệt độ 160 độ C.

– Bạn có thể dùng đũa lật phần đáy bánh, nhìn phần đáy bánh có màu vàng cánh gián nhẹ thì lấy ra khỏi lò. Để nguội, cất vào lọ dùng dần.

Cách làm CƠM RƯỢU NẾP CẨM

Cơm rượu nếp cẩm là món ăn hấp dẫn với vị thơm, độ bùi dai nhẹ của nếp hòa trong men rượu thơm ngọt. Món ăn này có thể thay thế cơm rượu truyền thống trong ngày Tết Đoan Ngọ.

Nguyên liệu:

  • – 1kg nếp cẩm
  • – 1 lạng men ngọt (khoảng 3 viên)
  • – 1 muỗng canh đường
  • – Lá sen.

Cách làm:

Bước 1:

Nếp vo sạch, ngâm qua đêm.

Bước 2:

Cho nếp vào xửng đồ chín.

Bước 3:

Khi nếp chín, cho ra mâm hoặc 1 cái nia tãi đều ra.

Bước 4:

Chuẩn bị 1 nồi to, cho vào xửng hay dùng để hấp xôi, lót 1 lớp lá sen lên trên, đục thủng ở giữa để nước rượu có thể chảy xuống dưới rồi rải cơm nếp cẩm lên trên. Lúc này nếp vẫn còn hơi âm ấm bạn nhé!

Bước 5:

Men tán nhuyễn, rải một lớp lên nếp. Tiếp tục với các lớp nếp và men cho đến hết.

Bước 6:

Gói kín lá sen lại, đặt vào nơi kín gió.

Mình phủ thêm một lớp lá sen lên trên cho kín rồi cất vào lò nướng, với tiết trời mùa hè nắng nóng thì khoảng 3 – 4 ngày sau là ăn được rồi!

 

Cách làm CƠM RƯỢU MIỀN NAM

Cơm rượu nếp miền Nam cũng làm từ gạo nếp và rượu, tuy nhiên ở cách chế biến và tạo hình có khác so với các miền khác, đồng thời hương vị cũng khác biệt. Cùng tập làm món ăn truyền thống này để hiểu thêm về phong tục và khẩu vị của người miền Nam nhé! 🙂

Nguyên liệu:

  • Nếp: 1 ký
  • Nước: 1 lít
  • Khoảng 5 thìa cafe men tán nhuyễn
  • Lá chuối

Cách làm:

Bước 1:  Lá chuối mua về rửa lau sạch, để ráo.

Gạo nếp vo vài lần cho sạch rồi để ráo.

Bắc nồi nấu sôi 1 lít nước, sau đó đổ nước sôi này vào nồi cơm điện cùng với nếp, nấu chín.

Bước 2: Cơm nếp chín thì xới ra khay dàn thành lớp mỏng cho mau nguội.

Bước 3: Chuẩn bị thố đựng, dùng lá chuối lót dưới đáy

Bước 4: Cơm nếp nguội hẳn thì rắc đều men tán nhuyễn lên mặt cơm nếp. Lưu ý là chỉ làm việc này khi cơm nếp nguội hẳn kẻo men bị chết là hỏng.

Chuẩn bị sẵn chén nước pha ít muối để thoa tay cho khỏi dính.

Bước 5: Bốc một nắm cơm nếp đã trộn men, vê thành viên nhỏ vừa ăn, nắm cho chặt tay, sau đó quấn lá chuối quanh viên cơm nếp này (để ngăn từng viên khi xếp cùng). Làm lần lượt cho hết cơm nếp.

Bước 6: Xếp từng viên cơm nếp vào thố, đậy một lớp lá chuối lên trên rồi đậy nắp thổ, dùng 2 lớp nylon bịt kín thố. Ủ trong khoảng 4 ngày là được (tùy thời tiết, nóng thì cơm rượu nhanh tới hơn). Bạn có thể mở thố ra coi thử sau 3 ngày, nếu có mùi men rượu thơm ngát tỏa ra, viên cơm rượu ngấm mềm, nước rượu tiết ra ở dưới thố…nếu nước rượu nồng vừa ăn là được.

Bước 7: Khi cơm rượu được rồi thì ra lấy hết lá chuối ra, xếp cơm rượu và nước rượu vào thố khác, để cất trong tủ lạnh bảo quản. Nếu bạn thích ăn ngọt hơn, thì nấu ít nước đường cho vào cũng được.

Lãng Nhân

Cách làm BÁNH GIO (BÁNH TRO)

Bánh tro hay bánh gio (người Hoa gọi là tống tử) là loại bánh truyền thống trong ngày tết Đoan ngọ (đoan dương, tức mồng 5 tháng 5 AL). Bánh tro có nhiều hình thức khác nhau nhưng nói chung về hương vị vẫn không có khác biệt, đó là vị nếp hòa lẫn với mùi tro, rất độc đáo và ngon miệng, nhất là khi ăn với mật mía.

CÁCH LÀM BÁNH TRO

Nếp gói bánh

Người ta thường dùng nếp cũ đã để qua ít nhất một năm, bảo quản tốt. Nếp cũ hột bở, cho bánh ngon hơn là làm bằng nếp mới.

Vật liệu ngâm nếp

Người Bắc hay dùng tro (gọi là gio) bếp. Tro có được sau khi dùng củi, rơm… để nấu bếp, để nguội, sàng sẩy sạch, lấy phần tro mịn. Độ nồng của tro tùy thuộc vào loại cây củi, rơm… đã sử dụng. Còn người miền Trung hay dùng vôi ăn trầu trắng hoặc đỏ. Nếu dùng tro hoặc vôi trắng, bánh sẽ có sắc xanh trong của lá gói bánh; nếu dùng vôi đỏ, bánh sẽ có sắc hổ phách đục. Phân lượng thông thường – không tuyệt đối đúng – là 1 lít nước + 20gr vôi hoặc 50gr tro, hoà tan, để lắng trong, dùng nước trong này để ngâm nếp.

Ngâm nếp

Nếp vo sạch, ngâm với nước tro vôi qua một ngày hoặc cho đến khi thử bằng cách lấy vài hột nếp đã ngâm, để giữa hai đầu ngón tay, bóp nhẹ lại, thấy bể vụn ra dễ dàng là nếp đã “bục” – nói theo cách nói chuyên dùng là nếp đã ngâm đúng mức để nấu. Xả lại nước nhiều lần cho nếp đã ngâm vôi tro thật sạc rồi để cho ráo trước khi gói. Thời gian ngâm nếp không thể nào xác định đúng là bao lâu vì tùy thuộc vào nồng độ của vôi tro, độ mới cũ của gạo cho nên phải thăm chừng cho nếp vừa “bục” là được, nếu ngâm lâu quá, bánh sẽ bị nồng mùi vôi tro.

Nhân bánh

Bánh tro được biết theo cổ truyền là không có nhân. Bánh sau khi gói chỉ là một khối bột trong, rất lạt, tùy thích dùng chấm mật ong, mật đường, đường cát… Phần nhân làm thêm sau này là do tùy người, tùy vùng. Nhân thường được làm với hai loại:

Đậu xanh cà, không vỏ, vo sạch, nấu chín như cơm, trong khi đậu còn nóng, tán nhuyễn mịn với một lượng đường nhất định. Thí dụ như 200gr đậu xanh + 50gr đường.

Cơm dừa nhồi đường: Dừa già dùng bàn nạo thành cơm nhuyễn. Nấu nước đường theo tỷ lệ: 1 nước + 1 đường. Thí dụ 3 muỗng súp nước + 3 muỗng súp đường, nấu nhỏ lửa cho vừa tan đường là được. Tùy thích làm ít nhiều, thí dụ dùng chừng 200gr dừa nạo, châm nước đường vào từ từ nhồi thành khối dẻo mịn là được.

Vật liệu gói bánh

Theo truyền thống là dùng lá tre bương hay còn gọi là tre lồ ồ. Loại tre này có lóng dài, ống lớn… hay dùng để chứa nước. Chọn lá có bản lớn chừng 5 – 6cm và dài chừng 30cm. Về sau ở thành phố khó tìm ra lá tre, người ta dùng lá chuối và rọc ra với kích cỡ tương tự lá tre. Rửa sạch lá, để ráo. Bẹ thân cây chuối phơi khô tước thành sợi nhỏ dùng để gói hoặc dây nylon nhỏ.

Bánh gio ngon nhất khi ăn cùng mật mía

Gói bánh

Cuốn một đầu lá thành hình phễu chỉ với một lần lá, múc nếp cho vào và thường chỉ từ 2 đến 3 muỗng cà phê vun, nếu dùng nhân thì cho vào trước 1 muỗng cà phê nếp, đến 1 muỗng cà phê nhân, rồi lại 1 muỗng cà phê nếp. Sau đó tiếp tục gấp hết phần còn lại của lá chung quanh khối hình phễu cho thành một khối tam giác cho thật kín. Dùng dây ràng cạnh lại thành một hình chữ thập cho vừa chắc tay là được. Gói được mười cái thì xâu lại thành một xâu với một sợi dây ràng thòng lọng ra ngoài xâu bánh để có thể nhấc cả xâu bánh dễ dàng, sẽ rất tiện khi cho vào cũng như lấy ra khỏi nồi luộc.

Nấu bánh

Dùng một nồi vừa đủ lượng bánh đã gói, lót vào đáy nồi một lớp lá tre hay lá chuối cho khỏi sít nồi, cho bánh vào, dùng một cái thúng thưa mắt hay rổ lớn chụp lên bánh rồi lấy một vật nặng dằn lên vừa đủ cho bánh không nổi lên khi cho nước vào, châm nước cao hơn mặt bánh ít nhất một gang tay. Bánh tro nấu không lâu, trung bình chỉ trong khoảng 45 phút đến 1 giờ sau khi nước sôi là bánh chín, Trong khi nấu nếu thấy nước cạn xuống thì châm thêm nước sôi vào. Khi bánh chín, tắt bếp, múc bớt nước trong nồi ra để có thể lấy bánh ra cho dễ, thả ngâm bánh vào trong một thau nước lạnh sạch chừng mươi phút cho bánh mau nguội rồi treo lên chỗ thoáng gió cho bánh mau khô lá. Nếu làm nhiều phải thay nước ngâm bánh cho sạch.

Tại miền trung và miền nam, bánh tro được gói dạng bánh ú và gọi là bánh ú tro

Thành phẩm

Bánh tro nấu đạt yêu cầu thì khi mở ra, nếp không còn ở dạng hột mà cả cái bánh trở thành một khối bột trong, mịn chắc như một khối thạch, không nồng vôi tro. Được như vậy là đã dùng đúng nếp cũ và ngâm vôi tro đúng mức. Vị bánh tro – nếu không có nhân – rất lạt, người ta thường chấm bánh tro với đường cát trắng hoặc đường thẻ băm nhỏ, mật ong hoặc mật đường. Tại vùng Nha Trang, Phú Yên, Bình Định… bánh tro còn được gói thành dạng đòn dài, bánh khi mở ra có chiều dài hơn 20cm, đường kính chừng 3 – 4cm, khi ăn cắt thành khoanh mỏng.

(Sưu tầm)

Cách làm BÁNH Ú TRO cho ngày Tết Đoan Ngọ

Ngày Tết đoan ngọ, dân ta thường có tục cúng bánh tro để bày tỏ lòng tưởng nhớ tới ông bà. Bánh Tro là món ăn giản dị mang hương vị đậm chất làng quê khiến ai ăn rồi cũng nhớ mãi.

Bánh ú tro thường có ở miền Trung và miền Nam vào dịp mùng 5/5 (tết Đoan Ngọ). Đây là biến thể của bánh gio miền Bắc. Trong khi bánh gio hình dạng dài, không nhân, thì bánh ú tro thường có nhân và làm theo hình dạng giống bánh Ú.

Chuẩn bị:

(cho khoảng 20  cái bánh ú tro)

  • – Nửa ký nếp
  • – Nửa chén đậu xanh đã xát vỏ
  • – Đường, muối, nước tro
  • – Lá lồ ô (nếu không có thì dùng lá tre)
  • – Dây lạt để buộc bánh, không có thì dùng dây nilon hoặc dây thừng nhỏ cũng được.

Cách làm:

Bước 1:

– Nếp mua về đãi nhiều lần cho sạch, ngâm trong nước có hòa tí muối khoảng 5-6 tiếng, sau đó lại đãi lần nữa cho sạch.

Bước 2:

– Nước tro đổ ra bát, để tiện lợi bạn có thể mua sẵn nước tro làm sẵn, một thìa canh nước tro bạn hòa với 1 lít nước lọc.

Bước 3:

– Cho gạo nếp vào âu sạch, thêm nước lọc đã hòa với nước tro, mực nước phải ngập mặt gạo nếp, ngâm 20-22 tiếng.

– Thỉnh thoảng khi ngâm bạn có thể thử bằng cách lấy vài hạt nếp đã ngâm, để giữa hai đầu ngón tay, bóp nhẹ thấy hạt nếp vỡ nhẹ ra thì nếp đã ngấm đủ nước tro.

Bước 4:

– Nếp sau khi ngấm đủ nước tro, bạn xả lại nhiều lần nước lạnh cho thật sạch, xóc thêm muối vào, để lên rổ cho ráo nước.

Bước 5:

– Đỗ xanh đã xát vỏ đãi sạch, ngâm vào âu nước ấm khoảng 1-2 tiếng. Tiếp theo cho đỗ xanh vào nồi, thêm một ít nước lọc nấu cho đỗ xanh chín mềm.

Bước 6:

– Khi đỗ vẫn đang còn nóng trên bếp, thêm đường vào, dùng muôi gỗ khuấy thật nhanh tay để hạt đỗ tơi mịn ra, hoặc có thể cho đỗ xanh vào máy sinh tố, xay thật mịn.

– Cho đỗ xanh vào chảo, sên lửa nhỏ để mặt đỗ hơi se khô lại, nêm đường tùy theo bạn thích ăn ngọt nhiều hay ít, tắt bếp, để nguội.

Bước 7:

– Lá tre rửa sạch, đun nồi nước sôi, cho lá tre vào nồi nước chần sơ qua nước sôi để lá mềm thì sẽ dễ gói hơn, để ráo nước.

Bước 8:

– Phần đỗ xanh sau khi sên, vo viên tròn nhỏ.

Bước 9:

– Xếp chồng hai lá tre vào với nhau, cuốn đầu lá thành hình cái phễu.

Bước 10:

– Dùng thìa múc một phần nếp, đặt 1-2 viên nhỏ đỗ xanh vào giữa và múc một ít gạo nếp che phủ đỗ xanh, dùng thìa ấn nhẹ phần nếp xuống cho thật chặt.

 Bước 11:

– Gấp hết phần góc còn lại của lá cho thật kín, dùng lạt buộc hoặc có thể dùng dây thừng sợi nhỏ để buộc lại.

– Tiếp tục làm cho hết phần gạo nếp và đỗ xanh, dùng dây buộc thành từng chùm khoảng 5-8 cái.

Bước 12:

– Dùng một nồi vừa đủ với lượng bánh đã gói, thêm nồi lạnh, đun sôi nước, thả từng chùm bánh vào nồi luộc chín, mực nước cao hơn mặt bánh một gang tay, thỉnh thoảng cạn nước thì bạn châm vào nước sôi nóng, không thêm nước lọc vì phần gạo nếp sẽ bị sượng.

Bước 13:

– Đun từ 1,5 đến 2 tiếng, tùy theo bánh bạn gói lớn hay bé, bánh chín bạn lấy ra xả lại nước lạnh, rồi treo lên chỗ thoáng mát.

– Yêu cầu: hạt gạo nếp trong, ăn dẻo và bùi bùi, ngọt của đỗ xanh, có thể chấm thêm với đường hoặc mật ong.

theo Cún Khang (ngoisao.net)

Cách làm CƠM CHÁY THỊT BẰM MỠ HÀNH

Món cơm cháy thịt bằm với  sức hấp dẫn không giới hạn đến từ cái giòn ngon của cơm cháy và thơm bùi của thịt bằm. 

Nguyên liệu:

  • – Nạc heo: 2 lạng
  • – Cơm cháy
  • – Nước mắm, hạt nêm, đường, xì dầu
  • – Sả và ớt bằm nhuyễn,
  • – Mỡ hành: XEM Cách làm MỠ HÀNH

Cách làm:


– Cơm nấu bằng nồi thường, nấu cho chín vàng (đừng để cháy đen). Xúc cơm trắng ra riêng, còn phần cơm cháy vàng cho vào lò vi sóng sấy khô (hoặc phơi khô).

– Bắc chảo dầu nóng, cho cơm cháy vô chiên vàng rồi gắp ra dĩa.



– Thịt heo bằm đem ướp với nước mắm, đường, bột nêm khoảng 10 phút. 

– Bắc chảo cho vào chút dầu, phi thơm ớt và sả bằm, xong trút thịt vào xào cho chín. 

 

Khi ăn rắc thịt bằm lên cơm cháy, quệt thêm mỡ hành. Ăn với nước mắm hay nước tương đều ngon nhưng ngon nhất vẫn là nước mắm.

 


Theo Khánh Hòa 

Cách làm THỊT CHIÊN GIÒN MỠ HÀNH

Món thịt lần này được chiên giòn, tẩm thêm mỡ hành, xịt thêm tương ớt, đậu phộng, tạo nên một hương vị hấp dẫn, kết cấu hài hòa mà ai cũng muốn thưởng thức.

Chuẩn bị:

– Thịt heo: chọn 3 miếng nạc vai dày chừng 1 phân

– Bột mì, bột chiên xù, 1 quả trứng

– Dầu ăn, muối tiêu, bột nêm, hành lá.

Cách làm:

Thịt mua về rửa sạch, khứa mỗi cạnh miếng thịt chừng 5 – 7 khứa có độ sâu vừa phải, bước này để làm miếng thịt không bị cong queo khi chiên.

Dùng sống dao dần thịt cho mềm. Khi dần miếng thịt sẽ bị bẹt ra, bạn dùng tay gom lại cho nó nhỏ như ban đầu.

Cho thịt vào tô ướp với chút muối, tiêu.

Trứng đập ra cho vào cái bát đánh tan. Cái bát khát đựng bột mì, cái bát nữa đựng bột chiên xù. Sau đó lăn thịt qua lần lượt: bột mì, trứng rồi tới bột chiên  xù.

Bắc chảo dầu đợi cho dầu nóng già thì gắp thịt cho vào chiên vàng đều từng mặt.

Cuối cùng là làm mỡ hành. Xem Cách làm MỠ HÀNH

Trước khi ăn rưới mỡ hành lên thịt ,có thể xịt thêm tương ớt, rắc đậu phộng rang giã dập lên ăn cho ngon.

Món ăn tuy đơn giản nhưng đảm bảo hao cơm.

Bảo Tố

CÁCH LÀM KIM CHI HẸ

Như chúng ta đã biết, hẹ là loại rau gia  vị đồng thời là loại thảo dược chữa yếu sinh lý hiệu quả, đồng thời có nhiều tác dụng rất tốt khác. Để bổ sung vào thực đơn bao gồm loại thực phẩm bổ dưỡng này, mời các bạn tham khảo thêm công thức làm Kim chi hẹ.

Nguyên liệu:

  • – Khoảng 450- 500g hẹ.
  • – 4 thìa súp ớt bột Hàn Quốc (gia giảm tùy khẩu vị)
  • – 3 thìa súp nước mắm
  • – 1 thìa súp tôm muối Hàn Quốc (còn gọi là tép Hàn, có vị mặn và thơm, nếu không có ta có thể tăng lượng nước mắm)
  • – 1 thìa súp đường
  • – 1 thìa súp bột nếp
  • – 1 thìa cafe mè

Cách làm:

Bột gạo nếp trộn với 1/2 chén nước, đun cho nóng, vừa đun vừa quậy đều tới khi bột dày lên thành dạng hồ và đặc lại, đợi nguội.

Hẹ mua về lặt rửa sạch, để ráo, cắt mỗi cọng hẹ ra làm 2-3 khúc theo chiều dài.

Trộn đều bột nếp cùng các loại gia vị còn lại với 1/2 bát con nước. Sau đó cho hẹ vào trộn nhẹ nhàng cho gia vị bám vào lá hẹ. Để đó khoảng 2-4 tiếng.

Sau đó chuẩn bị lọ sạch, cho tất cả hẹ và nước ngâm vào rồi cất vào tủ lạnh. Kim chi hẹ có thể ăn ngay lúc này, nhưng nên để 2-3 ngày cho ngon hơn. Bảo quản được 2-3 tuần.

Bảo Trợ

Cách làm RAU MUỐNG XÀO KIỂU THÁI

Rau muống xào là món ăn giản dị nhưng hấp dẫn, quen thuộc với tất cả người Việt. Hôm nay chúng ta sẽ thử xào rau muống theo khẩu vị Thái nhé!

Nguyên liệu:

  • – Rau muống: 1 bó
  • – Tỏi: 4 tép
  • – Ớt tươi: vài ba quả tùy ăn
  • – Chút muối
  • – 1 muỗng súp tương đậu nành
  • – 1 muỗng súp xì dầu
  • – 1/2 muỗng súp đường
  • – 1 muỗng súp dầu hào.

Cách làm:

– Rau muống nhặt rửa cho sạch, sau đó ngâm vào thau có vài viên đá lạnh và chút muối để rau được xanh giòn. Sau đó để ráo.

– Tỏi lột vỏ, ớt bỏ hột, giã nhuyễn cả hai thứ.

– Cho tương đậu nành, nước tương, đường vô trộn chung với rau muống.

– Bắc chảo dầu nóng rồi thả tỏi ớt vào phi thơm, tiếp đến trút rau muống vô xào cho rau muống chín tới. Nêm nếm lại vừa ăn, tắt bếp. Ăn nóng với cơm.

Theo Hạt Tiêu/Vnexpress.net

Cách làm THỊT KHO ĐẬU PHỤ

Thịt kho đậu phụ là món ăn dễ làm mà ngon miệng, dễ ăn. Nếu ngán thịt bạn có thể cho ít thịt lại, tăng lượng đậu phụ lên ăn rất ngon. 

Chuẩn bị:
  • – 3 lạng thịt ba rọi
  • – 2 miếng đậu hủ sống
  • – Nước màu (coi Cách làm nước hàng)
  • – Tỏi, hành, gia vị thông thường

Thực hiện:

– Thịt ba rọi làm lông, chần sơ qua nước sôi rồi xả lại với nước cho sạch. Xắt miếng nhỏ hơn thịt kho tàu 1 tí, cỡ 3 phân.

– Đậu hũ rửa qua nước, để ráo, xắt mỗi miếng thành 6 miếng vuông. Bắc chảo dầu lên bếp làm nóng rồi nhẹ nhàng cho đậu vào chiên vàng rất cả các mặt. Sau đó vớt đậu ra ngoài.

– Cho ít tỏi và hành băm vào chảo phi thơm, trút thịt vào chảo xào tới khi thịt chín, hơi xém cạnh thì cho tiếp vào 2 muỗng canh nước màu vào xào cùng, sau đó trút nước lọc vào xâm xấp mặt thịt, nêm nếm lại vừa miệng.

– Đun lửa vừa tới khi nước kho thịt sôi thì trút đậu hũ đã rán vàng vào, vặn nhỏ lửa, cho tiếp phần hành tỏi băm còn lại vào kho cùng tới khi nào thịt và đậu ngấm, nước cạn sánh lại là xong.

– Ăn với cơm nóng rất ngon.

Bảo Tố

Cách làm THỊT QUAY GIÒN BÌ CHAY

Với vẻ ngoài bắt mắt và hương vị độc đáo, món THỊT QUAY CHAY sẽ mang lại cho bữa chay nhà bạn một nét mới lạ đầy hấp dẫn.

Nguyên liệu:
– Bánh mì: 1 ổ
– Chả lụa chay: 1 lạng rưỡi
– Bột năng: nửa lạng
– Nước cốt dừa: 1 chén (xem CÁCH LÀM NƯỚC CỐT DỪA)
– 1/4 muỗng cafe ngũ vị hương
– 2 muỗng cafe màu điều
Thực hiện: 
Bắc nồi cho nước cốt dừa vào, cho thêm bột năng rồi khuấy tới khi hỗn hợp trở nên quánh đặc. Hỗn hợp này để giả làm mỡ heo.
 Bánh mì cắt hai đầu, rạch một đường dọc bụng bánh mì rồi moi hết ruột ra, cán cho dẹt phần vỏ bánh. Phần này để làm bì giòn.
Chả lụa chay xắt miếng mỏng cỡ 1,5 phân. Chả chay dùng để giả làm nạc heo.
Bây giờ ta trải miếng vỏ bánh mì ra, quét nước cốt dừa đã đun khi nãy lên rồi ghép miếng chả chay vào sau cùng cho giống miếng thịt tự nhiên.

 Lấy lá chuối gói lại rồi cho vào xửng hấp 15 phút. Sau đó lấy ra ngoài.
  Màu điều và ngũ vị hương ta hòa thành hỗn hợp màu vàng, dùng dụng cụ quét màu này lên mặt vỏ bánh mì, bước này để tô màu bánh mì cho lên màu giống miếng bì thịt quay.
 Sau đó cho thịt vào chảo chiên áp chảo cho giòn, vàng.

Cách làm BAO TỬ CÁ XÀO DƯA

Thay vì làm lòng xào dưa, bạn có thể đổi khẩu vị cho gia đình bằng món bao tử cá xào dưa, rất ngon và hấp dẫn. Món này có thể ăn trong bữa cơm thường ngày hoặc là trở thành thứ mồi “lạ” rất bén trong bữa nhậu.

Chuẩn bị:

– 4 lạng bao tử cá Basa
– 6 lạng cải chua (xem Cách làm Dưa cải muối)
– 2 trái cà chua (bổ múi cau)
– Ớt, tỏi, đường, các gia vị thông thường

Thực hiện:

– Dưa chua rửa kĩ với nước cho bớt chua, sau đó xắt miếng vừa ăn (không nên xắt nhỏ quá vì khi xào sẽ bị nát)
– Bao tử vò qua với muối, rửa kĩ lại bằng nước sạch rồi để ráo

– Bắc chảo cho dầu vào, phi thơm vài tép tỏi đập dập sau đó cho bao tử cá vào xào cho chín rồi trút ra chén.

– Tiếp tục cho dầu ăn vào chảo, trút cà chua bổ múi cau vào xào cho cà chua ra nước, rồi tiếp tục trút dưa vào xào cho chín. Nêm nếm đường và các gia vị cho chua nhẹ vừa miệng, cho thêm ớt để hương vị được kích thích…

– Cuối cùng trút bao tử cá trở lại chảo đảo đều.

– Ăn nóng.

Bảo Tố

 

 

Cách làm GÀ BÓP RAU RĂM

Thịt gà ta xé phay rồi bóp với rau răm, thêm chút chanh, giấm, tiêu, ớt… nữa là một món ăn rất quen thuộc với hầu hết mọi miền quê. Tuy quen là vậy nhưng hễ nhắc đến ai nấy cũng đều thèm chảy nước miếng – chỉ những người đã quá no bụng mới có thể hững hờ với món này mà thôi.

Món này còn được gọi là: Gà xé phay, gà trộn hành tây, gỏi gà Hội An – Quảng Nam…

Nguyên liệu:

  • Lườn gà: 1 cái
  • Hành tây: 1 củ, xắt lát mỏng, trộn với ít giấm, đường cho ngấm rồi vắt ráo nước
  • Rau răm: 1 nắm, nhặt rửa sạch, chia hai nửa: một nửa thái nhỏ, một nửa để lá
  • Ớt sừng: 1 trái: giã nát với chút đường
  • Giấm: 1 chén, chạnh: 1 trái
  • Hành củ: 3 củ, tỏi: vài tép, tiêu: một ít
  • Các loại gia vị thông thường

Ảnh: Afamily.vn

Thực hiện:

– Gà mua về chà qua muối rồi rửa lại bằng nước cho sạch, để ráo.

– Bắc nồi nấu gà, đổ vào nồi 2 lít nước, nêm 1 thìa cafe đường, nửa thìa cafe muối, nửa thìa cafe bột ngọt. Đun sôi nước rồi thả gà vào luộc cho chín.

– Gà chín thì vớt ra ngâm ngay vào nước nguội, bước này giúp gà trắng và da gà vàng. Tiếp đó lọc xương xé hết thịt ra thành từng sợi, từng miếng nhỏ vừa ăn.

– Hành tím lột vỏ, xắt lát mỏng sau đó cho vào chảo dầu phi vàng thơm.

– Trộn gà, rau răm, hành tây, hành tím phi vàng vào với nhau.

 

Pha nước mắm trộn:

+ Pha hỗn hợp gồm đường, tỏi, ớt băm, chanh, tiêu, nước mắm, nếm lại cho hương vị không bị gắt và quan trọng là không bị lạt (thà mặn một chút còn hơn bị nhạt) là được. Hỗn hợp này đem rưới lên phần gà đã trộn với hành, rau răm rồi thò tay sạch vào trộn đều. Món này chịu khó trộn bằng tay mới đều, mới ngấm.

DSC01144-1_zps932aa7c2

– Ăn với cơm, xôi,  hoặc dùng như một món nhậu.

Bảo Thoa

 

Cách làm MÌ TRỘN KEM

Bạn là tín đồ của mì gói? Bạn là con nghiện kem? Vậy có khi nào bạn muốn thỏa mãn cùng một lúc 2 niềm đam mê đó chưa?

Hãy thử món mì trộn kem kiểu Hàn Quốc sau đây nhé!

 

Nguyên liệu:

  • 1 gói mì ăn liền Hàn Quốc
  • 2 cây kem ốc quế hương vani

 

 

Thực hiện:

– Nấu mì ăn liền với gói gia vị như bình thường (với mì Hàn Quốc loại dai có thể bạn phải cho mì vào nồi nấu nó mới chịu mềm).

– Khi mì chín mềm, bạn nhẹ tay thả hai cây kem vào. Hơi nóng của mì sẽ làm kem tan chảy.

– Chờ cho tới khi kem và ốc quế chảy ra hoàn toàn.

– Lúc này bạn chỉ cần trộn lên và ăn thôi!

*** Nếu muốn bữa ăn thêm giàu dinh dưỡng, bạn có thể cho thêm vào tô mì một ít cơm hoặc pho mát, thịt nguội…

*** Món mì trộn kem có vị ngọt hòa quyện với vị mặn, chút chua cay của gói gia vị sẽ mang đến cho bạn một hương vị rất khác biệt so với ngày thường.

 

Bảo Tố

 

Cách nấu XÔI SẮN

XÔI SẮN MỠ HÀNH có lẽ ít người không biết, món ăn tuy chân quê nhưng có được sự hấp dẫn khó chối từ.

Nguyên liệu:
Khoai mì (sắn): củ tầm nửa kí
Gạo nếp: nửa kí
Hành lá, mỡ heo, bột ngọt, đường, muối, đậu phộng, mè.

Xôi sắn bùi thơm cho bữa sáng ấm bụng 2

Xôi sắn bùi thơm cho bữa sáng ấm bụng 3

Sắn mua về gọt bỏ vỏ rồi ngâm trong nước lạnh ít nhất 4 tiếng để ra hết nhựa độc.

Gạo nếp vo sạch, ngâm tầm 5 tiếng đồng hồ, sau đó để ráo.

 

Xôi sắn bùi thơm cho bữa sáng ấm bụng 6

Trộn vào gạo nếp 1/2 muỗng súp đường, 1 muỗng cafe bột ngọt, ướp trong 10 phút. Sau đó cho gạo này vào chõ để đồ xôi. Cho sắn vào đồ cùng tới khi nào nếp chín, sắn mềm.

Xôi sắn bùi thơm cho bữa sáng ấm bụng 8

Làm mỡ hành bằng cách phi thơm hành lá trong mỡ heo.

Xôi sắn bùi thơm cho bữa sáng ấm bụng 10
Sau đó trút mỡ hành vào nồi xôi sắn, trộn đều tất cả xôi, sắn, mỡ hành lại với nhau.
Xôi sắn bùi thơm cho bữa sáng ấm bụng 12

Cuối cùng là ăn với muối mè (gồm muối, đường, mè rang (hoặc đậu phộng rang giã dập) trộn đều với nhau)

 

Theo công thức của Panda (MASK online)

Cách nấu BÚN SƯỜN HẦM SẤU

Món bún sườn hầm sấu chua dịu, thanh mát nhưng không kém phần hấp dẫn sẽ rất thích hợp trong những ngày hè oi bức như hiện nay.

Chuẩn bị (cho 3 người):

– Nửa kí sườn non (chọn loại ít hoặc không mỡ)

– Cà chua: 3 trái, rửa sạch bổ múi cau

– Sấu: dăm bảy trái tùy theo thích ăn chua nhiều hay ít. Rửa sạch, cạo vỏ.

– Hành, mùi tàu, ớt.

– Các loại gia vị thông thường.

Cách nấu Bún Sườn Hầm Sấu:

Bước 1:

– Thịt sườn rửa sạch, ướp với chút gia vị, hạt nêm.

– Bắc chảo phi thơm ít hành củ rồi cho sườn vào xào sơ cho săn.

Bước 2:

– Bắc nồi to, cho ít hành củ vào phi thơm rồi trút sườn, sấu, cà chua vào xào đều tới khi cà chua hơi nhũn ra.

Bước 3:

– Trút nước vào nồi, nấu với lửa nhỏ trong 30 phút cho sườn chín mềm là xong.

Bước 4:

– Chuẩn bị tô, cho vào ít bún, sắp sườn, cà chua, hành, ngò gai (mùi tàu) lên trên mặt rồi đổ nước dùng lên. Ăn nóng.

Theo công thức của Linh Phạm

CÁCH NẤU CÁ THU KHO THỊT BA RỌI

Miếng cá thu nướng săn chắc thơm ngon, rim với thịt ba chỉ béo ngậy sẽ mang lại cho gia đình bạn một hương vị mới lạ và hấp dẫn.

Chuẩn bị:

  • Cá thu: 2-3 lạng, cắt lát
  • Thịt ba rọi: 1,5 – 2 lạng tùy ăn
  • Hành củ
  • Nước hàng
  • Các gia vị thông thường.

Thực hiện:

– Cá thu rửa sạch, ướp với hành củ băm cho thơm, sau đó đem nướng trên than hoa hoặc lò nướng cho cá chín vàng 2 mặt là được (nếu không nướng được có thể đem chiên)

– Thịt ba rọi làm sạch, xắt miếng vừa ăn.

– Cho thịt vào nồi, đổ nước ngập mặt thịt nấu sôi rồi đổ nước đi. Tiếp tục cho nước vào ngập thịt, đun tiếp với lửa vừa. Nồi thịt sôi thì nêm nếm nước mắm, hột nêm, đường cho hơi nhạt miệng (vì khi kho xong vị sẽ đậm hơn là vừa).

– Tiếp tục nấu tới khi thịt chín mềm, nước xâm xấp mặt thịt thì cho vào một muỗng canh nước hàng,  xóc nhẹ đều cho thịt ngấm nước hàng. Cuối cùng cho cá thu nướng vào kho chung, cho thêm vài củ hành khô vào nồi.

– Vặn lửa nhỏ riu riu, đậy nắp kho tiếp, thỉnh thoảng trở mặt cá cho cá ngấm đều. Tới khi nào nước trong nồi cạn còn sền sệt là được.

 

Tiện Nhân

Theo công thức của Cẩm Anh

CÁCH LÀM BÚN NGHỆ XÀO ĐUÔI BÒ

Món ăn Bún xào nghệ với đuôi bò có màu sắc hấp dẫn, hương vị thơm nồng đậm chất miền trung, sẽ mang lại cho gia đình bạn bữa “đổi món” đầy thỏa mãn.

Chuẩn bị:

  • – Đuôi bò: nửa kí
  • – Nghệ: khoảng 5-6 củ nghệ tươi (nhiều hơn cũng được)
  • – Bún tươi (không có thì dùng bún khô ngâm mềm)
  • – Ngò, giấm, ớt, tỏi, các gia vị thông thường.

Thực hiện:

Bước 1:

– Đuôi bò mua về rửa sạch, cho vào nồi nước sôi nấu cho sôi lại chừng 5 phút cùng với ít giấm, muối…rồi vớt ra ngoài, dội rửa lại cho thật sạch.

– Bắc nồi nước khác, cho đuôi bò vào hầm tới khi chín mềm (nếu có nồi áp suất thì dùng nồi áp suất cho nhanh).

Bước 2:

– Sau khi đuôi bò chín mềm thì vớt ra ngoài.

Bước 3:

– Nghệ rửa sạch, cạo vỏ rồi băm nhuyễn. Chia ra hai phần.

Bước 4:

– Bún giũ cho tơi ra không dính chùm.

Bước 5:

– Bắc chảo đun nóng dầu rồi cho tỏi vào phi thơm, tiếp đó cho một phần nghệ vào xào.

Bước 6:

– Tiếp tục cho đuôi bò vào xào săn, nêm 1 muỗng súp nước mắm, chút muối, ớt, bột nêm, nước lọc, xào đều cho ngấm vào đuôi bò, đun tới khi nước ngấm, cạn đi thì ta cho bún vào xào chung.

Bước 7:

– Xào nhẹ tay kẻo bún bị nát. Nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn. Cuối cùng cho phần nghệ tươi băm còn lại vào trộn đều lên để hương vị thêm kích thích và món  bún có màu nghệ tươi đẹp mắt. Rắc rau thơm vào ăn nóng.

Theo  Cún Khang.