Cách làm MỨT ĐẬU TRẮNG

MỨT ĐẬU TRẮNG là món ăn đơn giản nhưng được ưa thích bởi vị thơm bùi của nó. Công thức làm mứt đậu trắng rất đơn giản.

Nguyên liệu:

  • Đậu trắng khô: 250g (ra chợ hỏi đậu hột to để làm mứt)
  • 300g đường
  • Vani
  • Gừng băm nhỏ (tùy thích)
  • Thuốc muối (baking soda, ra chợ hỏi thuốc muối nấu chè…nếu không có cũng không sao, ngâm đậu lâu hơn 1 tí)
  • Chút muối

Cách làm:

1. Đậu ngâm trong 1 lít nước, rắc thêm 1/2 muỗng cafe muối và 1/2 muỗng cafe thuốc muối. Ngâm khoảng 4 tiếng cho nở to. Nếu không có thuốc muối thì ngâm qua đêm. Sau đó rửa lại đậu cho sạch. Để ráo.

2. Cho đậu vào tô, rắc đường vào rồi trộn lên thật nhẹ nhàng kẻo đậu bị nát. Ướp 6-8 tiếng (qua đêm) tới khi nào đường chảy ra hết ôm vô đậu căng bóng, là được.

3. Bắc chảo đổ toàn bộ đậu ướp đường vào chảo, nấu với lửa vừa. Thỉnh thoảng đảo nhẹ tay cho đường quyện đều vào đậu. Thấy đậu hơi khô thì bốc gừng băm rải vào. Sên đến khi nào đường khô ra bột trắng thì rắc 1 ống vani vào. Trộn nhẹ rồi tắt bếp.

4. Kiếm cái vỉ hay tờ báo trải đậu lên để vậy cho tới khi khô hẳn, cất vào lọ dùng dần.

Bảo Tố

 

Cách làm DƯA GIÁ

Tết ở miền Nam ngoài bánh chưng bánh tét còn có thịt kho hột vịt, và để ăn thịt kho hột vịt được ngon, thì phải kèm theo món dưa giá này nữa.

Nguyên liệu:

  • 1kg giá
  • 1 củ cà rốt
  • Vài cây hẹ
  • Mẩu riềng (tùy thích)
  • 1 thìa cafe muối
  • 1 thìa canh đường

Cách làm:

1. Giá rửa sạch. Cà rốt bào vỏ, xắt thành sợi. Hẹ rửa sạch cắt thành khúc độ 7 phân. Riềng băm nhỏ.

2. Chuẩn bị hũ hay vại gì đó có nắp đậy. Tráng qua nước sôi cho sạch rồi trút hết rau củ vào.

3. Nấu nồi nước sôi, để còn hơi ấm thì cho muối và đường vào, nêm lại sao cho cảm thấy hơi mặn là được. Để nước nguội hẳn. Sau đó đổ nước này vào lọ cho vừa ngập mặt rau củ.

4. Kiếm đồ đè rau củ xuống chìm trong nước ngâm, gài kĩ không cho giá nổi hoặc bơi trong nước.

5. Để khoảng 2 ngày là dưa giá đã chua, ăn được rồi.

Bảo Tố

Cách làm MỨT CÀ RỐT

Mứt cà rốt là món ăn ngon, vui miệng trong những ngày Tết. Ở đây sẽ giới thiệu 2 cách làm, 1 là dạng sợi và 1 là dạng miếng. 

Kiểu 1: MỨT CÀ RỐT SỢI

Nguyên liệu:

  • 1kg Cà rốt
  • 500g đường
  • Vani

Thực hiện:

1. Cà rốt mua về rửa sạch, cạo vỏ. Sau đó dùng đồ bào, bào thành lát mỏng.

2. Rắc đường lên cà rốt, trộn lên xong để im như vậy qua đêm cho đường chảy thành sirup và ngấm vào cà rốt.

3. Bắc nồi hoặc chảo, cho cà rốt đã ngấm đường vào sên. Vặn lửa lớn cho sôi, rồi nhỏ lửa liu riu lại, sên đến khi nào đường khô, trắng lại, thì rắc 1 ống vani vào rồi đảo đều đến khi mứt khô hẳn.

*** Mứt cà rốt sợi dẻo mềm, màu cam tươi có lớp đường trắng bọc bên ngoài rất hấp dẫn.

Kiểu 2: MỨT CÀ RỐT MIẾNG

Chuẩn bị: 1kg cà rốt, 500g đường, 1 cục vôi nhỏ, 1 ống vani.

Thực hiện:

1. Cà rốt cạo sạch vỏ, sau đó xắt thành đồng tiền, bông hoa hoặc que, lát dài, tùy bạn, có độ dày 0,5cm.

2. Vôi pha vào thau nước, khuấy đều đợi cho lắng rồi gạn lấy phần nước vôi trong. Cho cà rốt vào ngâm trong nước vôi trong khoảng 2-3 tiếng để miếng cà rốt được cứng chắc. Ngâm xong thì lấy ra rửa cà rốt vài lần để hết mùi vôi.

3. Bắc nồi nước sôi, rồi cho cà rốt vào trụng sơ qua, sau đó vớt cà rốt ra để ráo. Ráo rồi thì cho đường vào trộn đều với cà rốt, để vậy tới khi nào đường chảy ra hết là được (vài tiếng, qua đêm càng tốt).

4. Bắc chảo lên bếp nung cho nóng già, rồi trút cà rốt ngâm đường vào, lửa vừa, đảo đều tay cẩn thận bị cháy. Khi đường chảy tan còn sền sệt thì vặn lửa riu riu, tiếp tục đảo đến khi đường khô lại, bám thành bột trắng vào miếng cà rốt thì rắc vani vào, đảo đều, tới khi nào cà rốt khô hẳn là được.

*** Bảo quản trong kẹo lọ có nắp đậy.

Bảo Tố

Cách làm MỨT VỎ CAM

Mứt vỏ cam là món mứt tuy mới phổ biến gần đây, nhưng rất được lòng nhiều người.

Nguyên liệu:

  • Cam vàng: 4 quả
  • 350g đường
  • Muối, mật ong
  • 1/4 ống vani
  • Đường bột mịn để áo mứt.
  • Chocolate đen (nếu muốn làm mứt bọc chocolate)

Cách làm:

1. Cam rửa sạch. Dùng dao xẻ ra làm 6 miếng đều nhau, sau đó tách vỏ ra [coi chừng rách] (hoặc lấy vỏ theo cách nào tùy bạn). Đem ruột 1 quả cam vắt lấy nước. Phần ruột còn lại không dùng đến.

2. Vỏ cam dùng dao gọt bớt lớp màu trắng. Sau đó xắt tiếp lần nữa thành sợi có chiều ngang khoảng 1-2cm (có thể dùng đồ xắn củ cải xắn hình răng cưa cho đẹp). Cho vào nước, nấu sôi rồi vớt ra, rửa lại bằng nước lạnh. Thay nước mới, nấu và rửa tiếp 2 lần nữa. Sau đó để cho ráo nước (nấu nhiều lần vậy cho vỏ cam bớt đắng, còn nếu muốn ăn đắng cho bổ thì bớt số lần nấu lại).

3. Vỏ cam ráo nước cho vào tô, ướp với phần nước của 1 trái cam đã vắt khi nãy + 350g đường + 1/4 muỗng cafe muối + 3 muỗng cafe mật ong, ướp khoảng 2-3 giờ cho ngấm.

4. Bắc nồi hoặc chảo. Trút tô vỏ cam cùng với nguyên liệu ướp vào, đổ thêm 1/2 chén nước lã cho ngập vỏ cam, vặn lửa to nấu cho sôi rồi vặn liu riu để sên, vừa sên vừa đảo đều cho tới khi đường tan chảy kéo thành sợi tơ, nước khô đi, vỏ cam lên màu trong, thì tắt bếp, vẩy vani vào.

5. Gác cái vỉ lên bếp vặn thật nhỏ lửa (hoặc bếp tro âm ỉ), xếp mứt vỏ cam lên hong cho tới khi mứt khô hẳn (nếu có lò thì đem sấy ở nhiệt độ 100 độ C, còn nếu không có gì cả thì cứ để mứt lên vỉ, từ từ 1-2 ngày mứt sẽ tự khô dần). Mứt khô rồi thì ta tẩm qua một lớp đường bột mịn nhìn cho hấp dẫn. Sau đó cho vào lọ đậy nắp để bảo quản.

*** Bạn cũng có thể nấu chảy Chocolate rồi nhúng mứt vào, để cho chocolate khô lại là thành mứt vỏ cam Chocolate như ảnh dưới đây:

Bảo Tố

Cách làm TAI HEO NGÂM GIẤM

Không chỉ là món mồi ưa thích của dân nhậu, Tai heo ngâm dấm chua ngọt còn là món ăn hiện diện ở trên các bàn tiệc của nhiều gia đình. Vào dịp Tết, tai heo ngâm dấm cùng với dưa món, củ kiệu tạo nên một sức hấp dẫn khó chối từ.

Nguyên liệu:

  • 2 cái tai heo
  • 500ml giấm gạo
  • 400g đường cát trắng
  • Tỏi, hành tím
  • Lọ có nắp

Cách làm:

1. Tai lợn mua về rửa kỹ. Ngâm lướt qua nước sôi rồi cạo sạch lông. Xả lại bằng nước lạnh.

2. Bắc nồi nước sôi, cho vào vài củ hành tím đập dập rồi cho tai heo vào luộc. Luộc đến khi nào tai heo mềm, vừa chín là đủ. Đừng luộc chín quá khi làm sẽ bị chảy nhớt. Luộc xong thì vớt tai heo ra cho ngay vào thau nước lạnh, để cho nguội hẳn. Rửa lại lần nữa.

3. Bắc nồi, cho 500ml giấm vào nấu chung với 400g đường trắng, đun sôi, quấy cho đường tan hết, sau đó cho một nắm tỏi đập dập vào rồi tắt bếp. Chờ cho nước này nguội.

4. Chuẩn bị lọ, tráng qua nước nóng cho sạch. Rồi xếp tai heo vào lọ, sau đó đổ nước dấm đường tỏi vừa nấu ban nãy vào ngập thịt. Dùng nan tre hoặc bịch nilon nước để ép cho thịt chìm hẳn, không bị trồi khỏi mặt nước.

5. Khoảng 4-5 ngày là ăn được rồi. Khi ăn xắt thành miếng hoặc sợi mỏng. Ăn kèm củ kiệu với cơm, bánh chưng, xôi hoặc cuốn bánh tráng rau sống đều ngon ác đạn.

Bảo Tố

Cách làm BÁNH THUẪN

BÁNH THUẪN (có nơi kêu là bánh thửng) là món ăn Tết phổ biến ở các tỉnh miền Trung. Cách làm bánh thuẫn bằng bột bình tinh sẽ cho ra bánh có vị mát ngậy, nặng tay, mang hương vị cổ truyền, chứ không có nhẹ hều và ăn xốp rộp như bánh làm bằng bột mì ngoài chợ.

Nguyên liệu:

  • 10 hột vịt (hoặc gà)
  • 800g bột bình tinh mịn
  • 200g bột năng rây mịn
  • 1kg đường
  • 1 ống vani
  • Khuôn đúc bánh thuẫn (ra chợ mua, 1 khuôn thường làm được 6-8 bánh 1 lần)
  • Dầu phộng hoặc dầu ăn
  • Lò than

Cách làm:

1. Hột vịt đánh mạnh tay cho nổi bông, sau đó cho đường vào đánh tan đường, sao cho hỗn hợp nổi bông đặc, nhỏ thử 1 giọt vào chén nước thấy không bị tan là được. Tiếp theo cho tất cả bột và vani vào quậy đều theo 1 chiều tới khi nào tất cả nguyên liệu hòa quyện vào nhau mịn màng.

2. Để khuôn lên lò than đã đỏ, đậy nắp lại, gắp than nóng để lên nắp để làm cho nóng cả 2 mặt khuôn. Mở nắp ra, lấy miếng vải cột vô đầu đũa (hoặc dùng cọ sơn, cọng lá chuối đập dập đầu) nhúng tí dầu phộng (dầu ăn) rồi quết lên mấy lỗ đúc bánh trên mặt khuôn cho trơn.

3. Khi khuôn nóng, ta múc bột đổ vào hết lỗ làm bánh trên khuôn, canh đổ sao cho bột vừa tới mép khuôn là được, rồi đậy nắp khuôn lại. Tiếp tục lấy kẹp gắp than đang đỏ dưới lò bỏ lên nắp cho cái bánh chín đều. Khoảng 4-5 phút là bánh chín. Thử bằng cách đâm cây tăm vô coi bột có dính đầu tăm không, không dính là chín. Bánh chín dùng cây nhọn khều ra.


4. Lúc này bánh đã ăn ngon rồi. Tuy nhiên để bảo quản bánh được lâu ta cần xếp bánh lên nong rồi hong lên bếp nhỏ lửa hoặc bếp tro nóng tới khi nào vỏ bánh khô giòn. Làm vậy bánh săn chắc ngon miệng mà còn khó bị mốc hơn.

5. Bảo quản bánh trong túi kín.

*** Nếu muốn bánh nở bung xòe ra thì cho thêm xíu bột nổi khi quậy bột.

*** Pha bột năng vô để bánh có độ giòn xốp, nếu không thích thì khỏi dùng bột năng, tất cả bằng bột bình tinh cũng không sao, thậm chí là nhiều người thấy ngon hơn.

Bảo Tố

Cách làm THỊT HEO NGÂM NƯỚC MẮM

Thịt heo ngâm nước mắm là món ăn tết ưa thích của người miền Trung, tuy vậy không chỉ người miền Trung mới thèm món ăn rất hấp dẫn này. Thịt ngâm để càng lâu càng mặn, vì vậy nếu muốn để lâu bạn hãy cho thêm đường vào khi nấu hỗn hợp nước ngâm.

Nguyên liệu:

  • Thịt heo: 1kg (chọn thịt chân giò, mông hoặc đùi đều ngon, lựa chỗ nào mỡ không dày, da mỏng)
  • Nước mắm ngon: 500ml (nước mắm dở nấu lên dễ bị hôi)
  • Đường: 500g (nếu muốn để lâu thì tăng thêm lượng đường)
  • Tỏi băm: 2 muỗng cafe.
  • Lọ có nắp.

Cách làm:

– Thịt heo mua về cạo rửa cho sạch. Chặt ra thành những cục vừa đủ 1 bữa ăn rồi dùng chỉ ràng chặt lại vài vòng cho mỡ nạc được dính chắc, rồi đem luộc trong khoảng 30 phút cho thịt chín. Vớt ra xả lại liền bằng nước lạnh. Thịt để nguyên miếng.

– Bắc nồi nấu hỗn hợp gồm nước mắm, đường chừng 20 phút cho tới khi đường tan, nước hơi queo sánh lại rồi để nguội hẳn. (Khi nấu nhớ hớt bọt) Nếm lại coi có mặn gắt hay ngọt gắt không thì nêm lại cho vừa miệng.

– Chuẩn bị lọ thủy tinh hoặc nhựa có nắp, tráng cho sạch rồi cho nguyên miếng thịt heo vào. Rắc tỏi băm vào chung. Sau đó chế nước mắm đường đã nguội hẳn vào rồi lấy nan tre gài lại sao cho thịt chìm hẳn trong nước mắm. Đậy lại để đó 3 ngày là ăn được.

mav032

– Khi ăn xắt thịt ra lát mỏng. Ăn kèm dưa món với bánh chưng, cơm hoặc cuốn bánh tráng rau sống ngon hết sảy con bà Bảy.

mav034

Bảo Tố

Cách làm DƯA MÓN

Dưa món là món ăn kèm không thể thiếu trong dịp Tết ở khu vực miền trung và miền nam. Dưa món truyền thống thường có nguyên liệu là đu đủ, kiệu, cà rốt, su hào… nhưng bạn có thể tùy biến một chút theo sở thích của người trong gia đình.

Nguyên liệu:

  • Mua 1KG nguyên liệu gồm những loại sau: Đu đủ, cà rốt, củ kiệu Huế, ớt hiểm, hành tím, su hào (tùy bạn cân chỉnh số lượng hoặc số loại)
  • 600g đường
  • 600ml nước mắm
  • Muối, bột ngọt

Cách làm:
– Hành tím & kiệu ngâm rửa nhiều lần cho sạch, lột lớp ngoài, bỏ rễ. 2 loại này để nguyên củ không thái nhỏ.

– Các nguyên liệu khác gọt vỏ rồi thái đồng tiền, cọng, hoặc dùng đồ xắn nhỏ vừa ăn. Đừng nhỏ quá vì phơi xong sẽ teo lại.

– Cho tất cả nguyên liệu vào ngâm trong nước muối khoảng 20 phút, rồi vớt ra xả cho sạch. Bóp cho ra bớt nước. Làm vậy khoảng 2-3 lần để cho củ quả hết bị hăng.

– Đem tất cả ra phơi 3 nắng (khoảng 20 giờ). Phơi trải mỏng ra cho khô đều. Khi nguyên liệu khô queo, teo tóp lại thì đem vào nhà.

– Bắc nồi nấu 500ml nước mắm với 500g đường cho sôi, rồi nêm thêm 2 muỗng cafe bột ngọt vào, đợi tan hết đường thì tắt bếp. Để nguội hẳn.

– Củ quả phơi khô xong đem vô nhà trụng qua nước sôi để rửa sạch bụi dơ. Sau đó vớt ra để ráo.

– Chuẩn bị hũ thủy tinh có nắp, ngâm tráng qua nước nóng cho sạch rồi xếp nguyên liệu vào, xếp sao cho gắp chỗ nào cũng được nhiều loại, chứ không phải gắp tới nửa hũ rồi mới thấy dưa kiệu.

– Xếp xong thì đổ hỗn hợp nước mắm đường (đã nguội hẳn) vào, dùng bịch nilon nước hoặc nan tre gài lại, chèn sao cho rau củ chìm hẳn xuống nước mắm là được. Đậy nắp lại 2-3 ngày là ngấm, ăn được.

Bảo Tố

CÁCH LÀM DƯA KIỆU KIỂU TRUYỀN THỐNG

Trong khi miền Bắc thường ăn dưa hành, thì miền Trung và miền Nam thường có dưa kiệu vào dịp Tết. Dưa hành có vị thơm thanh nhẹ, chua dịu, còn dưa kiệu vị chua ngọt đậm đà.

Công thức sau đây sẽ hướng dẫn bạn làm Dưa kiệu

Nguyên liệu:

  • Củ Kiệu: 1kg Chọn kiệu Huế ngon hơn các loại khác.
  • Tro bếp: 1 chén
  • Muối: 50gr
  • Đường: 500gr
  • 800ml dấm trắng

Thực hiện:

– Kiệu bỏ lá, để lại phần rễ. Ngâm rửa nhiều lần cho sạch đất cát tới khi nước rửa trong thì thôi.

– Ngâm kiệu vào thau với một lượng nước ngập mặt kiệu. Cho thêm chén tro bếp vào. Ngâm khoảng 1 ngày.

– Xả lại kiệu cho sạch sẽ. Sau đó cắt hết rễ. Phơi nắng 3 lượt cho kiệu khô hẳn.

– Đem vào cắt kĩ đầu kiệu cho hết rễ, lột luôn lớp vỏ lụa. Ngâm ngập kiệu trong nước cùng với 50g muối trong nửa ngày. Sau đó vớt kiệu ra để ráo.

– Bắc nồi đổ dấm, đường và 1 muỗng cafe muối nấu sôi, hớt bọt kĩ, rồi tắt bếp. Để nước này nguội hẳn.

– Chuẩn bị keo thủy tinh, ngâm tráng qua nước nóng cho sạch. Sau đó sắp kiệu vào rồi đổ nước dấm ngập kiệu. Dùng một túi nilon nước cột chặt đè lên mặt ngâm cho kiệu không bị nổi lên khỏi nước.

– Để khoảng 20 ngày là ăn được.

Bảo Tố

Cách làm BÁNH SẮN (KHOAI MÌ) NƯỚNG – kiểu bánh 2 –

Bánh khoai mì nướng hình như có từ Nam ra Bắc, và chủ yếu bán ở quán vỉa hè…Bánh rất ngon bởi vị thơm hòa quyện của khoai mì (củ sắn), dừa và đường sau khi nướng lên… 

Nguyên liệu:

  • 1,2 kg khoai mì (củ sắn)
  • Đường: 150-200 gr
  • Cơm dừa: 1 bát
  • Lá dứa: vài nhánh

Cách làm:

– Khoai mì mua về lột vỏ, cắt khúc, ngâm trong thau nước muối loãng qua đêm.
– Cho khoai mì vào nồi hấp cùng với vài nhánh lá dứa, hấp cho chín hẳn. Sau đó nhấc xuống để nguội.
– Tách từng khúc khoai mì ra rút sợi xơ bên trong lõi vứt đi, rồi cho khoai mì vào tô nghiền cho nát, sau đó trộn đều với cơm dừa nạo và đường.
– Bây giờ nặn hỗn hợp khoai mì – đường-dừa kia thành từng cái bánh nhỏ vừa ăn (nặn chặt tay), rồi cho lên vỉ nướng, hoặc ép vào khuôn rồi cho vào lò nướng ở 200 độ C.
– Nướng tới khi bánh 2 mặt vàng đều,  tỏa mùi thơm phức là bạn đã có một món ăn vặt ngon hết ý.

Bảo Tố

BÁNH KHOAI MÌ NƯỚNG CÒN KIỂU KHÁC, XEM Ở ĐÂY: CÁCH LÀM BÁNH KHOAI MÌ NƯỚNG KIỂU 1

banh-khoai-mi_F7TK1nobvTdTRDCNsT8B

Cách làm THỊT THƯNG

Thịt thưng là món ăn đơn giản nhưng rất ngon miệng và bắt mắt. Món này thường được người miền Trung, nhất là Bình Định, làm trong dịp Tết.

Nguyên liệu:

  • Thịt heo ba rọi rút sườn / thịt đùi heo hoặc thịt bắp bò: 500g
  • 1 chén nước dừa xiêm
  • Tỏi băm

 

Gia vị ướp thịt:

  • 3 muỗng canh xì dầu
  • 1 muỗng canh đường
  • Tỏi ép lấy nước cốt: 1 muỗng cà phê
  • Tiêu: nửa muỗng cà phê
  • Ngũ vị hương: nửa muỗng cafe


Cách làm:

mav007

– Thịt mua về làm sạch rồi để nguyên miếng to, ướp với tất cả gia vị ở trên trong 1 -2 tiếng.

– Bắc chảo dầu phi thơm tỏi, rồi chiên cho thịt vàng đẹp các bề mặt.

– Chế nước dừa vào ngập thịt (chưa ngập thì thêm nước vào) đun lửa nhỏ cho tới khi thịt mềm. Khi đun lật qua lật lại thịt cho ngấm đều.  Đun tới khi nào thịt chín, nước dừa cạn còn khoảng 1/3 thì nêm nếm lại rồi tắt bếp.

– Gắp thịt ra xắt thành từng phần đủ cho 1 bữa ăn. Cho thịt vào lọ, đổ nước thịt còn lại vào chung. Rồi cất tủ lạnh để trữ mấy ngày Tết. Khi ăn chiên hoặc hâm lại cho nóng rồi mới xắt thịt thành miếng nhỏ.

– Thịt thưng ăn với cơm, bánh chưng hoặc là cuốn bánh tráng rau sống đều rất ngon.

Bảo Tố

Cách làm KẸO CHANH DÂY (CHANH LEO)

Mứt chanh leo (gọi kẹo cũng được) có vị chua, không những giải ngấy hiệu quả sau khi bạn ăn quá nhiều thức ngọt khác. Mứt này còn rất đẹp và hấp dẫn.

Nguyên liệu:

  • 4 quả chanh leo, mua về lấy được khoảng 100ml nước cốt
  • 100g đường
  • Nửa quả chanh, vắt lấy nước
  • 10g bột Pectin (mua ở tiệm làm bánh)
  • Khuôn nhựa hay gì cũng được.

Thực hiện:

– Nước chanh leo + nước chanh + đường cho vào nồi nhỏ, bắc lên bếp đun lửa nhỏ vừa đun vừa khuấy cho tan hết đường.

– Bột pectin hòa với tí xíu nước quấy lên cho tan rồi đổ vào trong hỗn hợp trên (bột này giúp đông thành kẹo).

– Đun thật nhỏ lửa trong 10 phút, hỗn hợp sẽ dần keo lại.

– Chuẩn bị cái khuôn, quét một lớp mỏng dầu ăn dưới khuôn để lát nữa dễ lấy ra. Sau đó đổ hỗn hợp trong nồi vào khuôn, để trong điều kiện tự nhiên 1 ngày là kẹo đông chắc lại. Lúc này có thể xắt nhỏ ra thành từng miếng vừa ăn.

– Có thể áo lớp đường mịn quanh kẹo cho giống kẹo dẻo.

Bảo Tố

Cách nấu CÁ NỤC KHO MĂNG TƯƠI

Cá nục kho măng là món ăn dân dã nhưng rất ngon miệng. Măng giúp cá bớt tanh, vị cá lại ngấm vào măng giúp măng bớt nhạt nhẽo. Công thức sau đây sẽ hướng dẫn bạn kho cá kiểu miền Trung, có mắm ruốc.

Nguyên liệu:

  • Cá nục: 2 con
  • Măng tươi: 200g (có thể mua loại làm sẵn ở chợ)
  • Tỏi băm: 1 muỗng canh
  • Hành lá: vài cây, lấy phần trắng.
  • Nước hàng (xem CÁCH LÀM NƯỚC HÀNG)
  • Nước mắm, muối, đường, tiêu, ớt bột, ớt trái.
  • Mắm ruốc (tùy chọn).

Chuẩn bị:

– Cá mua về làm sạch, bỏ vây. Để nguyên con hoặc chặt khúc vừa ăn. Sau đó ngâm cá vào hỗn hợp nước đá + chút muối + chút đường trong 10 phút, cho cá chắc và bớt tanh. Ướp với 1/2 muỗng canh tỏi băm, 1/2 muỗng cafe muối, 1 muỗng cafe đường, 1/2 muỗng cafe tiêu trong 30 phút – 60 phút (càng lâu cá càng ngon).

– Măng tươi nếu mua loại làm sẵn ngoài chợ (coi chừng trúng măng ngâm hóa chất) thì rửa lại rồi xắt nhỏ vừa ăn thôi. Còn nếu tự mua măng tươi về làm, thì đầu tiên xắt nhỏ vừa ăn. Sau đó luộc măng 2-3 lần (mỗi lần luộc đều thay nước) để măng khỏi độc.

Kho cá:

– Bắc chảo làm nóng dầu rồi phi thơm 1/2 muỗng canh tỏi còn lại với dầu ăn, cho phần đầu hành vào xào sơ. Trút cá vào chảo kho lửa vừa 2 phút.

– Tiếp theo cho măng vào kho chung với cá (đẩy măng xuống dưới chảo cho ngấm gia vị), nêm thêm 1 muỗng canh nước mắm, 1 muỗng cafe ớt bột, 1 muỗng cafe mắm ruốc. Vặn lửa lớn nấu cho nước sôi rồi trút nước vào ngập khoảng 1/3 mình cá. Cho thêm vài trái ớt đỏ vô cho đẹp. Nấu sôi lại rồi vặn nhỏ lửa, nêm nếm lại gia vị và chan thêm 1 muỗng cafe nước hàng. Nấu tiếp khoảng 5 phút, rắc tiêu rồi tắt bếp.

– Ăn với cơm nóng.

Bảo Tố

Cách nấu THỊT QUAY KHO DƯA CHUA

Thịt heo quay với dưa chua là sự kết hợp được nhiều người ưa thích. Món thịt quay kho dưa chua là một trong những cách làm phổ biến.

Nguyên liệu:

  • 400g heo quay (lựa phần thịt ba chỉ càng ngon)
  • 200g cải chua (xem CÁCH LÀM CẢI CHUA)
  • 1/2 chén nước dừa
  • 1 muỗng canh xì dầu
  • 1 muỗng canh đường
  • 1/3 muỗng cafe muối
  • Vài tép tỏi, băm nhuyễn
  • Tiêu

Cách làm:

– Cải chua lấy ra rửa lại bằng nước nhiều lần cho bớt mặn.

– Thịt quay xắt miếng vừa ăn. Ướp với muối, xì dầu, đường nêu trên trong 15 phút.

– Bắc chảo dầu, phi tỏi cho thơm rồi cho thịt quay vào xào săn nhẹ. Sau đó đổ nước dừa vào nấu sôi, rồi vặn nhỏ lửa cho cải chua vào kho khoảng 10-15 phút cho gia vị thấm là được.

– Trước khi ăn thì rắc tiêu lên. Ăn với cơm nóng. Hơi bị ngon.

Bảo Tố.

Cách làm MỨT TẮC

MỨT TẮC (quất) là loại mứt hấp dẫn nhiều người. Bên cạnh vị ngọt, mứt tắc có vị chua, đắng và thơm, bên trong một kết cấu dẻo, dai, giòn và màu sắc bắt mắt. Đây cũng là một món mứt Tết rất được ưa chuộng vào dịp Tết vì ngoài hương vị lạ miệng còn giúp giải ngán hiệu quả.

Nguyên liệu:

  • 1 ký tắc xanh hanh vàng, còn 1 núm ở cuống. (dùng tắc vàng cũng được, đẹp hơn, nhưng không thơm bằng)
  • 700g đường cát
  • Vôi trắng (ăn trầu): 1 cục bằng ngón cái
  • Phèn chua: 1 chút, giã nhỏ
  • Muối
  • Vani: 1 ống

Cách làm:

– Tắc rửa kỹ. Sau đó dùng lưỡi lam gọt nhẹ lớp vỏ xanh (gọt thật mỏng, nhẹ tay coi chừng rớt cuống…Không gọt cũng được nhưng gọt thì bớt đắng và ngấm hơn). Chuẩn bị thau nước pha 1 muỗng canh muối, gọt quả nào xong thì thả quả đó vào nước muối ngâm khoảng 30 phút.

– Dùng dao khứa xung quanh vỏ tắc (khứa đều một tí để bóp xong ra bông hoa 5 cánh đẹp) rồi bóp nhẹ cho ra bớt nước, khều bỏ hết hạt.

– Vôi trắng hòa vào nước, lắng lấy nước trong. Sau đó ngâm tắc vào trong nước vôi qua đêm, rồi vớt tắc ra, rửa thật sạch bằng nước.

– Bắc chảo lên bếp, cho phèn chua và nước vào hòa tan, nấu sôi rồi trút hết tắc vào. Đậy nắp lại, tắt bếp, để ngâm vài giờ.

– Vớt tắc ra rửa lại lần nữa cho sạch vôi, rồi để ráo nước.

– Cho tắc trở lại chảo cùng với đường và muối, đem phơi nắng tới khi đường tan ra hết thì lại rinh vào nhà bếp. Đun tắc trên lửa nhỏ khoảng 10 phút rồi lại tắt bếp. Rinh chảo ra nắng phơi tiếp phát nữa (phơi nhiều tắc sẽ lên màu hổ phách). Phơi xong đem vô bếp trở lại.

– Bắc chảo lên bếp, sên trên lửa nhỏ. Vừa sên vừa múc nước đường trong chảo rưới lên tắc. Sên đến khi nước đường đặc lại kéo thành tơ dẻo quánh thì vớt tắc ra, sắp lên cái vỉ hay cái khay nào đó, đem phơi nắng lần 3 cho tới khi nào nước đường queo lại.

– Phơi nắng xong tắc sẽ đủ độ dẻo, dòn, dai… Lúc này cho vào lọ thủy tinh bảo quản để ăn dần được rồi.

Bảo Tố.

Cách làm MẺ CHUA

Mẻ chua là nguyên liệu phổ biến khi nấu các món ăn miền Bắc. Cách làm mẻ (gầy mẻ) rất đơn giản.

Nguyên Liệu:

  • Gạo và nước

Cách Làm 1 :

– Gạo và nước đem nấu như nấu cơm (nấu nhiều nước cho cơm nhão nát). Tới khi nước sôi được vài phút thì chắt nước cơm vào một cái hũ thủy tinh. Cơm chín thì để nguội, lấy cơm bỏ vào chung với nước cơm sao cho nước sâm sấp. Đậy nắp lại. Hai tuần là có mẻ chua (mẻ là phần nước cơm trong lọ, mùi nồng, vị chua chua)

Cách Làm  2:

– Nấu một ít gạo với nước sao cho ra cơm nhão nát, sau đó để nguội. Cho cơm vào trộn với ít nước ấm, dùng tay bóp đều, cho vào hũ đậy lại khoảng 1 tuần cơm lên men là có mẻ dùng. Mẻ này khi sử dụng hòa với ít nước rồi chắt lấy nước dùng.

*** Nếu có cục mẻ đã làm sẵn, thì bỏ cục mẻ vào ủ chung với cơm, thời gian lên men sẽ nhanh hơn.

Bảo Tố

Cách nấu GIẢ CẦY

GIẢ CẦY là món thịt hầm nổi tiếng của miền Bắc. Món ăn đặc biệt hấp dẫn với lớp da giòn, thịt béo chắc và nhất là mùi riềng mẻ rất đặc trưng. Món này thường ăn với bún, gọi là bún giả cầy.

Nguyên liệu:

  • Móng giò lợn: nửa ký (ai lười gặm thì dùng thịt ba chỉ)
  • Riềng: 1 củ
  • Sả: 1 nhánh
  • Mẻ: xem CÁCH LÀM MẺ
  • Quế miếng hoặc bột quế (khỏi cũng được)
  • Mật mía (nếu không có thì thay bằng nước hàng, xem CÁCH LÀM NƯỚC HÀNG)
  • Bột nghệ
  • Mắm tôm, nước mắm, các gia vị thông thường.
  • Hành lá, rau răm, rau thơm, bún ăn kèm.

Chuẩn bị:

– Hành lá rửa sạch, xắt nhỏ. Các loại rau rửa sạch.
– Riềng giã nát, sả đập dập, xắt nhỏ.
– Chân giò rửa sạch bằng nước muối loãng, sau đó đem thui rơm cho da vàng, cháy xém (thui xém thôi, không thui chín), rồi chặt miếng nhỏ vừa ăn (nếu không có rơm thì nướng than hoa hoặc thui giấy bằng cách bọc  vài lớp giấy trắng quanh giò rồi đốt cháy hết giấy đi là xong). Ướp giò với riềng, sả, 1 muỗng canh mắm tôm, 2 muỗng canh mẻ, 1 miếng quế nhỏ hoặc 1/2 muỗng cafe bột quế, 1 muỗng canh nước mắm, 1,5 muỗng canh mật mía hoặc nước hàng, 1/2 muỗng cafe bột nghệ, 1/2 muỗng cafe muối, 1 muỗng cafe bột ngọt. Ướp tầm 3-4 tiếng cho ngấm.

Thực hiện:

– Bắc nồi hoặc chảo sâu, Trút móng giò vào đảo sơ.
– Đổ một chút nước vào nồi thịt. Đậy kín nắp nấu lửa nhỏ.
– Tới khi nước ngấm cạn dần vào thịt rồi thì lại đổ tiếp nước ngập 1/2 mặt thịt (nếu ăn với bún thì cho nhiều nước tí để chan), ninh khoảng 30 phút trên lửa nhỏ đến khi giò chín hẳn, nước còn sền sệt, thì nêm nếm lại cho vừa miệng, nấu tiếp vài phút nữa rồi tắt bếp. Lưu ý là không nấu quá nhừ, chỉ cần thịt chín, mềm chắc, da còn giòn là được.
– Khi ăn rắc hành lá và các loại rau vào.

Bảo Tố

Cách làm CÚT LỘN XÀO ME – VỊT LỘN XÀO ME

Vịt lộn xào me, cút lộn xào me là những món ăn mới phổ biến trong vài năm trở lại đây, nhưng rất hấp dẫn đối với nhiều người bởi hương vị hòa trộn rất tuyệt diệu của nó.

Nguyên liệu:

  • 30 quả trứng cút lộn (hoặc 10 hột vịt lộn)
  • 1 lạng me chín
  • Đậu phộng rang giã sơ
  • Rau răm
  • Tỏi băm nhuyễn
  • Hành củ: một phần băm nhuyễn, một phần thái lát.
  • Đường, nước mắm, gia vị
  • Mẩu gừng và chút ớt, giã nhuyễn

Cách làm:

– Hành củ thái lát đem phi vàng với ít dầu rồi để ráo, chờ khi ăn mới dùng đến.
– Me cho vào chén với chút nước ấm, dằm cho ra nước me rồi bỏ xác và hột đi.
– Cút lộn /vịt lộn rửa cho sạch vỏ. Sau đó luộc chín trong nước.
– Trứng chín rồi thì nhẹ nhàng lột vỏ trứng.
– Bắc chảo lên bếp, phi thơm hành tỏi băm rồi cho trứng lộn chín vào xào săn.
– Tiếp đó cho nước cốt me vào, xào tới khi sôi được vài phút thì nêm đường, nước mắm và các gia vị khác cho vừa miệng (quan trọng là nêm đủ đường để cân bằng vị chua ngọt).
– Cho tiếp gừng giã nhuyễn vào, nấu tiếp vài phút nữa là xong.
– Tắt bếp, múc trứng lộn xào me ra dĩa, rưới sốt me trong chảo lên rồi rắc đậu phộng, rau răm. Ăn không hoặc chấm bánh mì đều ngon.

*** Món này chế biến nhanh và ăn ngay lúc nóng để không tanh, cho nên khi nào gần ăn thì mới bắt đầu làm.

Bảo Tố

Cách làm MỨT CHÙM RUỘT

MỨT CHÙM RUỘT là món quà vặt tuổi thơ rất ngon đến mức mà sau này nhiều người vẫn không kiềm chế được khi nhìn lại. Tuy vậy hiện nay nhiều nơi làm mứt chùm ruột không đảm bảo, nên để an tâm hơn, người ta thường mua chùm ruột về nhà tự làm. Công thức sau đây sẽ hướng dẫn bạn làm một trong những món mứt “đắt hàng” nhất dịp Tết này.

Nguyên liệu:

  • 2kg chùm ruột (chọn trái to, tròn, ít khía cạnh để khó bị nát)
  • 1kg đường thẻ, giã nhỏ
  • Gia vị:
    – Nếu làm chua – cay – ngọt: Thêm 1 gừng to để nguyên vỏ giã nhuyễn và ớt bột
    – Nếu làm chua ngọt: Thêm ống vani.

Cách làm:

– Chùm ruột mua về nhặt lại quả sâu, bỏ cuống rồi làm ngay không để lâu.

– Lấy một nắm chùm ruột bỏ vô cái rổ, dưới rổ hứng cái thau để hứng nước chua. Lấy một vật có bề mặt tròn (ví dụ cái gáo dừa, hay cái thau nhỏ) đè lên chùm ruột, ép và xoay nhẹ để làm sao cho chùm ruột bị dập, ra nước chua mà không nát. Làm lần lượt cho hết nguyên liệu.

– Làm xong rồi, thì lại cho chùm ruột đã nhừ vào ngâm với nước chua qua đêm.

– Hôm sau vớt chùm ruột ra, rửa lại vài lần với nước. Tiếp tục cho từng nắm chùm ruột vào cái khăn vải, túm lại một đầu, bóp nhẹ và đều cho chùm ruột tiết ra hết nước (từ 2kg chùm ruột, vắt xong cân lại còn 1kg).

*** Các công đoạn ép – xả nước – vắt phải làm kỹ để chùm ruột ra hết nước, kẻo khi làm xong có vị chát.

– Đường thẻ đem hòa với 2 muỗng canh nước, cho lên bếp nấu cho tan đường. Lọc kĩ lại cho sạch nước đường. Sau đó cho chùm ruột vào ngâm trong nước đường khoảng 2-3 giờ.

– Tiếp theo vớt hết chùm ruột ra. Cho nước đường lên bếp đun tới khi nào nước đường dẻo dẻo, thì bỏ chùm ruột vào sên trên lửa vừa (không sên lửa nhỏ như các loại mức khác).

– Sên tới khi đường tan hết, chảo chùm ruột bắt đầu sôi thì ta nhỏ lửa, bắt đầu nêm gia vị: Cho gừng và ớt bột vào nếu thích làm vị cay ngọt. Nếu muốn làm vị chua ngọt thì cho vani vào. Sau khi cho gia vị vào thì nhớ là đảo đều tay, nhẹ nhàng. Đảo tới khi nào chùm ruột chuyển màu cam đỏ, đường ráo là được. Tắt bếp, nhấc xuống, vẫn đảo đều tay.

– Chùm ruột nguội hẳn thì cho vào lọ thủy tinh để bảo quản.

Bảo Tố

BÍ QUYẾT LUỘC GÀ NGON NGỌT BẰNG NỒI CƠM ĐIỆN

Nồi cơm điện không chỉ dùng để nấu cơm, mà nó còn có thể dùng cho nhiều việc khác như hấp bánh, quay thịt, nấu xôi, luộc gà… Hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu cách luộc gà bằng nồi cơm điện.

Nguyên liệu:

  • Gà ta: 1 con
  • Hành lá, gừng, hành củ
  • Muối hột

Cách nấu:
– Gà mua về làm sạch, dùng muối hột chà xát lên mình gà cho sạch. Rửa lại bằng nước, để ráo.

– Lấy mẩu gừng xắt nhỏ, đập dập. Hành lá rửa sạch. Nắm 2 thứ lại với nhau nhét vô trong bụng con gà.

– Cho nước vào nồi cơm điện, mực nước chừng 10cm. Bốc một nhúm muối cho vào chung. Nhấn nút nấu khoảng 3 phút thì cho tiếp vài mẩu gừng và hành lá vào, nấu tiếp.

– Nước nồi sôi, thì mới cho gà vào (nồi phải to vừa con gà), nước chưa ngập gà cũng không sao. Đậy nắp nấu tiếp chừng 10 phút, bật qua chế độ hâm và để khoảng 25 phút nữa.

– Chuẩn bị sẵn thau nước sạch có bỏ vài cục đá.

– Mở nắp nồi lấy tăm hoặc đũa đâm vô mình gà coi có chảy nước hồng không, nếu không có nước hồng là gà đã chín. Nhấc gà ra nhúng vào thau nước đá. Bước này để da gà được giòn. Nhúng tới khi cảm thấy phần da gà nguội thì lấy ra ngoài.

– Bây giờ chặt gà ra ăn được rồi.

BẢO TỐ