Cách làm Cơm gà Hải Nam

Cơm gà Hải Nam là món ăn nổi tiếng của Trung Quốc nhưng khá phổ biến ở vùng Đông Nam Á. Tại Việt Nam, món cơm gà Hải Nam đã nỏi tiếng với cộng đồng người gốc Hoa ở Chợ Lớn Sài Gòn từ lâu. 

Nguyên liệu:

  • Gà ta hoặc gà đi bộ: 1 con
  • Gạo: đủ 1 bữa cơm
  • Gừng: 1 củ to, xắt lát 2mm
  • Hành lá xắt nhỏ.
  • Hành củ, tỏi băm nhuyễn
  • Xì dầu, tiêu, gia vị
  • Bơ Tường An.
  • Rau tùy chọn để nấu canh ăn kèm.

Cách làm:

  • Luộc gà:

– Thịt gà rửa sạch, để ráo. Lạng bớt một phần mỡ ra để riêng. Lấy muối hột chà lên mình gà cho sạch.
– Mở bụng gà nhét mấy miếng gừng & hành lá vào rồi đậy lại. Bước này là để gà luộc được thơm.
– Bắc một nồi nước đủ ngập con gà để luộc gà, bốc 1 nhúm muối thả vào nồi (chưa bật lửa), cho gà vào rồi mới đậy nắp nồi, bật lửa lớn. Nước sôi thì hớt bọt. Sôi chừng 5 phút thì vặn nhỏ riu riu nấu tiếp chừng 30 phút đồng hồ. Lấy cây tăm đâm vô gà soi coi có còn màu hồng không, nếu còn hồng thì nấu tiếp cho chín hẳn.
– Sau khi gà chín, bắt ra khỏi nồi và nhúng ngay vào cái chậu có chứa nước đá, nhúng cho tới khi cảm thấy da gà nguội rồi thì lấy ra. Như vậy sẽ có gà luộc da giòn.
– Để gà cho ráo, rồi chặt ra từng miếng vừa ăn.
– Phần nước luộc gà để đó chút nữa dùng tới.

  • Nấu cơm:

– Gạo vo sạch rồi để cho ráo nước.
– Chuẩn bị cái nồi bự, cho phần mỡ gà khi nãy vào, kèm theo 1 muỗng canh bơ Tường An, nấu cho tan hết ra rồi cho hành tỏi băm vào phi thơm.
– Trút gạo đã ráo vào nồi, xào trong khoảng 5 phút cho gạo hơi trong, thì hớt phần mỡ vàng trên nước luộc gà cho vào nồi.
– Đổ thêm 1 lượng nước luộc gà vào nồi sao cho xâm xấp mặt cơm, vừa đủ nấu cơm (nhiều quá coi chừng nhão). Vặn lửa vừa nấu tiếp cho tới khi cơm chín (khoảng 30 phút).
– Cơm chín thì xới lên cho tơi.

  • Phần nước ăn kèm:

Chấm gà: Pha muối, đường, ớt, vắt miếng tắc thành một hỗn hợp sền sệt cay nồng để chấm thịt gà.
Nước chan vào cơm: Làm nước mắm gừng, hoặc xì dầu.
Canh: Dùng loại rau gì tùy thích, cho vào nấu trong nước dùng gà.

Xong! Nấu món này hơi mệt, bạn nên chuẩn bị trước từ sớm rồi khi ăn mới bắt tay vào làm các bước cuối, như vậy đỡ mệt, ăn ngon miệng hơn.

Bé Thúi

Cách làm món Bún tôm Hải Phòng

Món bún tôm đẹp mắt và ngon miệng rất thích hợp trong những ngày trời nóng nực, chán cơm thèm bún.

Nguyên liệu:

  • Tôm sú hoặc tôm giảo: 3 lạng
  • Cà chua: 2 quả
  • Thịt ba chỉ: 200gr
  • Nấm mèo (mộc nhĩ): 2 cái
  • Nấm hương: 5 cái
  • Thìa là: 1 bó
  • Rau cần: 1 bó
  • Hành củ
  • Bún
  • Xương gà hoặc xương heo để nấu nước xương (không dùng xương đầu vì sẽ dễ hôi).

Cách làm:

  • Chuẩn bị:

Nấu nước xương: Bắc nồi nước sôi, cho xương chần qua rồi đổ nước đó đi. Xong lại đổ vào nồi một lượng nước vừa đủ ăn với bún. Cho vào chút muối. Nấu với lửa to cho tới khi sôi thì vặn nhỏ lại. Hớt bọt và váng béo cho nước trong. Đun nhỏ lửa từ 2-3 giờ. Xong thì trút ra để riêng phút cuối cùng mới dùng tới.

– Tôm rửa sạch, rút chỉ đen vứt đi, lột đầu và vỏ bỏ qua một bên. Phần thân tôm đem ướp với 1 muỗng cafe muối. Phần đầu và vỏ đem rang cho chín khô, sau đó cho vào cối giã nát. Trút vỏ tôm đã giã này vào cái rây rồi lọc lấy nước tôm.

– Thịt heo thái miếng mỏng, to vừa ăn.

– Mộc nhĩ rửa vò nhẹ nhiều lần bằng nước muối cho sạch. Ngâm mộc nhĩ và nấm hương vào nước ấm, cho thêm tí đường (1 đường + 4 nước), thời gian ngâm từ 20-30 phút, thấy mềm vừa đủ ăn thì lấy ra, thái sợi to bản khoảng 1cm.

– Nhặt rửa rau cần cho sạch, cắt khúc vừa đủ bỏ vô tô bún ăn. Chần sơ qua nước sôi cho mềm, để qua một bên.

– Cà chua bổ múi cau.

– Hành củ lột vỏ, xắt lát mỏng

– Thìa là rửa sạch, cắt thành cọng nhỏ vừa ăn.

  • Thực hiện:

– Bắc cái nồi to vừa đủ nấu nước dùng lên bếp, cho một ít hành củ xắt nhỏ vào phi thơm, sau đó cho tôm đã lột vỏ vào xào chừng 3 phút, tôm chín, săn thì vớt ra ngoài.

– Cho tiếp 1 ít hành củ xắt lát vào nồi, phi tiếp cho thơm rồi cho thịt vào xào, nêm chút nước mắm, bột ngọt, muối cho có vị. Phần thịt này săn chín thì trút ra bỏ vào chung với phần tôm vừa xào trước đó.

– Tiếp tục cho 2 loại nấm đã thái sợi vào nồi, xào khoảng 3 phút, nêm chút nước mắm. Nấm săn, ngấm thì trút ra 1 cái chén riêng.

– Phần hành củ xắt lát còn lại cho hết vào nồi, phi thơm rồi cho cà chua vào xào cho chín, ra nước, thì đổ nước dùng đã nấu ở bước chuẩn bị vào. Trút hết nước lọc tôm khi nãy vào trong nồi luôn.

– Đun sôi nước, sau đó nhỏ lửa nêm nếm lại. Nêm sao cho hơi nhạt một tí vì tôm thịt nấm khi nãy đã hơi mặn rồi.

  • Trình bày:

– Trước khi ăn thì trụng sơ bún qua nước sôi.

– Cho bún vào tô, xếp rau, tôm, thịt, nấm, thìa là lên mặt bún rồi chan nước dùng vào ăn nóng.

– Món này không quá phức tạp, chỉ là chuẩn bị nhiều nguyên liệu nên mới thành ra nhiều công đoạn. Nếu có nhiều thời gian chuẩn bị, bạn có thể thêm cá rô chiên giòn, chả lá lốt vào ăn chung, rất ngon nhé!

Bé Thúi.

Cách làm Bánh Da Lợn

Tuy tên là Bánh Da Lợn, không gọi Bánh Da Heo (theo phương ngữ miền trung và miền nam), nhưng đây là một món ăn đặc trưng, phổ biến ở miền Trung và miền Nam Việt Nam. Đây là món đặc sản của nhiều tỉnh, thường dùng trong dịp lễ, cúng chay cũng như ăn vặt. Mỗi nhà, mỗi tỉnh thường có một cách làm bánh riêng hơi khác nhau, nhưng về cơ bản, bánh da lợn phải có độ mịn, dai, thơm thơm mùi dứa.

Nguyên liệu:

Phần vỏ:

  • Bột năng: 300gr
  • Bột gạo: 50gr
  • Đường cát: 100gr
  • Lá dứa: 1 bó
  • Va ni: 1 ống
  • Nếu cần xanh bắt mắt thì thêm giọt màu thực phẩm xanh lá nhé!

Phần nhân:

  • Bột năng: 100gr
  • Bột nếp: 30gr
  • Đậu xanh cà vỏ: 200g – ngâm qua đêm (nhân này màu vàng, muốn làm màu trắng thì làm bằng đậu trắng)
  • Đường: 100gr
  • Muối: 1/3 muỗng cafe

Làm nước cốt dừa:

  • Dừa nạo: 300gr

Cách làm:

Công thức làm bánh da lợn này có 4 công đoạn chính:

1/ Làm nước cốt dừa và nước dảo dừa.

– Click vào xem CÁCH LÀM NƯỚC CỐT DỪA VÀ NƯỚC DẢO DỪA.

– Làm xong thì để nước cốt riêng, nước dảo riêng.

2/ Làm bột bánh (lớp màu xanh):

– Lá dứa rửa sạch cắt ngắn rồi giã cho nát, sau đó đổ 1,5 bát con (chén) nước vào, nhồi cho ra nước. Chế nước dão dừa vào đó, khuấy đều.

– Bỏ hết bã lá dứa ra ngoài, rồi dùng rây lược kĩ. Sau đó cho đường vào khuấy tan. Cho thêm 1 ống va ni tạo mùi thơm.

– Rồi đổ hỗn hợp trên vào chung với phần bột năng, bột gạo đã chuẩn bị. Vừa đổ vừa khuấy cho đều, cho kỹ, đổ đến khi nào bột khuấy lên nghe HƠI HƠI sệt, mềm mại, hơi lõng bõng, thì thôi, đừng có để khô hoặc quá loãng. Nếu mà khô quá thì đổ thêm nước lọc vào khuấy tiếp.

3/ Làm phần nhân bánh (lớp màu vàng):

– Đậu xanh cà sau khi ngâm qua đêm, thì đãi cho sạch vỏ, sau đó cho vào nồi đổ nước xâm xấp mặt, bỏ thêm chút muối, rồi bắc lên bếp hoặc hoặc cho vào nồi cơm điện nấu cho chín. Đậu chín xới tơi rồi dùng chày giã cho nát nhuyễn.

– Cho phần bột năng, bột nếp và nước cốt dừa vào trong chỗ đậu xanh này, Quấy đều, lược qua rây cho mịn.

4/ Hấp bánh:

– Chuẩn bị khuôn hấp (1 khuôn to hoặc nhiều khuôn nhỏ tùy bạn, có thể dùng khuôn bánh flan). Trét một lớp dầu ăn vào khuôn (để dễ lấy bánh ra sau khi hấp).

– Cố định khuôn trong xửng hấp, sau đó thì bắt đầu rưới 1 lớp hỗn hợp bột bánh lên, lớp này dày khoảng 3mm (càng mỏng càng mềm dễ ăn, nhưng mà càng cực vì phải làm nhiều lớp).

– Hấp cho tới khi thấy được được, bột gần chín (khoảng 5 – 7 phút tùy), thì nhỏ thử một tí hỗn hợp nhân đậu xanh lên lớp bột bánh, nếu như không bị lẫn vào lớp màu xanh là ok. Ta bắt đầu trét tiếp lớp bột nhân đậu xanh lên, độ dày cũng tương tự lớp bột bánh.

– Tiếp tục khi bột đậu xanh gần chín thì rưới tiếp lớp bột bánh vào…cứ thế cho đến khi nào gần hết bột, thì kết thúc bằng một lớp bột bánh ở trên cùng.

– Đợi bánh nguội thì lấy ra cẩn thận.

– Cắt bánh bằng sợi chỉ, KHÔNG CẮT BẰNG DAO.

– Chúc cả nhà ngon miệng nhé! 🙂

Bé Thúi

Món ngon tẩm bổ thức đêm cùng World Cup

Với tần suất thức đêm xem World Cup liên tục như mấy ngày qua, chắc chắn sức khỏe của anh xã, thậm chí là cả bạn bị giảm sút. Một số món ăn vặt sau có thể giúp bạn vừa tỉnh táo xem bóng, vừa đảm bảo sức khỏe cho mình.

 Cứ mỗi mùa World Cup là một mùa thức đêm về của những người hâm mộ quả bóng trònvà các cầu thủ tài năng thế giới. Thức đêm nhiều dĩ nhiên sẽ đói và ảnh hưởng đến sức khỏe. Nếu là một người vợ tâm lý, chiều chồng, chắc hẳn bạn sẽ không ngại chế biến những món ăn đêm cho ông xã vừa hào hứng xem bóng vừa vẫn đảm bảo sức khỏe. Một số món ăn gợi ý sau chắc chắn sẽ khiến ông xã nhà bạn mê ly:

1. Chân gà nướng

Vừa xem bóng đá, vừa uống bia nhắm chân gà nướng thì còn gì bằng. Hãy trổ tài nội trợ đãi chồng bằng món chân gà nướng mật ong mê ly nhé.

Nguyên liệu:

– Chân gà công nghiệp.

– Mật ong, hạt nêm, dầu hào, dầu ăn, tỏi băm nhỏ.

Thực hiện:

– Chân gà sau khi mua về ngâm 10 phút với nước muối pha loãng rồi bóp rửa thật sạch, đem chần qua với nước gừng cho thơm rồi vớt ra để ráo.

– Pha nước sốt để ướp gà gồm các gia vị ở phần nguyên liệu, quấy đều cho các gia vị tan và hòa quyện vào nhau.

– Ướp nước sốt với chân gà trong 30 phút đến 1 tiếng cho ngấm.

– Nướng chân gà bằng than hoa hoặc lò nướng (nếu nhà bạn có).

– Thêm ít tương ớt hoặc đĩa muối chanh ớt là bạn đã có món chân gà nướng mật ong thơm, ngon cho ông xã cháy cùng trận bóng rồi.

2. Chân gà luộc

Đơn giản hơn chân gà nướng mật ong, bạn có thể làm món chân gà luộc.

Cũng công đoạn ngâm bóp rửa sạch chân gà như trên, sau đó bạn đun sôi nồi nước, cho chân gà vào luộc chín.

Sau đó, vớt chân gà ra đĩa và cho vào ngăn mát tủ lạnh. Cách này giúp chân gà ngon, giòn hơn.

Thêm một đĩa muối chanh ớt nữa là đã có món nhậu cho “fan hâm mộ bóng đá” của bạn rồi.

3. Bò khô

Nếu lo ngại chất lượng bò khô bẩn, tẩm hóa chất ngoài hàng thì bạn có thể tự tay chế món này đãi chồng.

Chuẩn bị:

– Thịt bò thăn

– Sả, tỏi, đường, bột ngũ vị hương, ớt bột hoặc ớt tươi, dầu hào, muối.

Thực hiện:

– Thịt bò thái thành miếng mỏng khoảng 3-4mm, dọc thớ, bản to.

– Băm nhỏ sả, tỏi, ớt.

– Cho thịt bò vào ướp cùng các gia vị chuẩn bị, sau đó để ngăn mát khoảng 8 tiếng.

– Cho tất cả thịt cùng nước ướp tiết ra từ thịt vào nồi đun nhỏ lửa, đậy kín vung. Thỉnh thoảng bạn nhớ lật đều các mặt thịt. Đun đến khi cạn nước thì tắt bếp. Đem thịt ra để nguội rồi dùng chày cán mềm, mỏng. Sau đó, bạn có thể xé sợi hoặc để nguyên miếng tùy ý.

– Tiếp tục cho thịt lên khay nướng, sấy ở nhiệt độ 110 độ C, 10 phút bạn lại đảo đều 1 lần đến khi đạt độ như ý muốn. Hoặc nếu không có lò nướng thì bạn có thể cho lên chảo đảo khô, để lửa nhỏ để tránh thịt bị cháy.

4. Nem tai

Chuẩn bị:

– Tai lợn.

– Bột gạo thính, riềng, tỏi, ớt, lá chanh, húng lá, húng bạc hà, kinh giới, lá sung.

Thực hiện :

– Tai lợn cạo sạch lông, bóp với muối, dấm, chanh để khử hết mùi hôi rồi luộc chín.

– Sau khi luộc, bạn vớt ra cho vào bát nước sôi để nguội thì tai sẽ trắng giòn hơn.

– Sau đó thái mỏng tai.

– Riềng, tỏi giã nhỏ, các loại rau thơm đem cắt khúc, ớt thái lát, lá chanh thái chỉ.

– Phần tai lợn bạn bóp trộn với riềng, tỏi, lá chanh và bột canh cho vừa miệng. Khi tai đã ngấm các gia vị thì từ từ rắc thính gạo vào, vừa rắc vừa trộn đến khi thính bám, phủ đều thì dừng lại.

– Cuối cùng cho rau và ớt vào.

– Bày lá sung và nem tai ra đĩa, thêm nước chấm mắm,

Như vậy là bạn đã có đĩa nem tai đãi chồng xem bóng đá rồi.

5. Mì tôm trứng

Có lẽ mì tôm trứng là món nhanh, gọn nhất cho ông xã và bạn xem bóng.

– Chỉ vần chuẩn bị thùng mì tôm cho cả mùa giải, trứng gà, hành, cà chua, hoặc thêm ít rau chần qua là đã có bát mì tôm thơm, ngon, đủ chất rồi.

Cách làm:

– Đảo thơm hành, cà chua rồi cho nước vào.

– Chần chín trứng gà, rau.

– Cho mì tôm và gia vị vào vừa sôi nước thì tắt bếp.

– Thêm ít hành lá nữa là bạn đã có tô mì tôm thơm, ngon, đủ chất xem bóng đá rồi.

6. Lạc rang tẩm muối

Chuẩn bị: 

– Lạc

– muối

 Cách làm:

– Làm nóng chảo, cho ít dầu ăn vào đun nóng.

– Cho lạc vào rang chín.

– Khi thấy vỏ lạc nứt, tách vỏ ra, màu nhân lạc vàng và dậy mùi thơm là lạc đã chín rồi.

– Đổ lạc ra bát để khoảng 2-5 phút, rắc thêm muối gia vị trộn đều.

– Bạn có thể trữ trong hộp để lai rai trong những trận sau.

Chúc các bạn thực hiện thành công những món ăn này nhé

Theo Hạ Vy (Đời sống & Pháp luật)

Cách gói Nem chua

Nem chua là một món ăn độc đáo của Việt Nam từ thịt lên men. Món ăn hấp dẫn nhờ vị ngọt ngọt chua chua dậy mùi thơm của thịt lên men, và kết cấu dai của nạc, giòn của bì…

Nem chua ăn kèm với bánh tét, bánh chưng vào ngày Tết hay làm mồi nhậu rất ngon.

Nguyên liệu:

– Thịt thăn lợn: 600g
– Thịt thăn bò: 300g
– Bì lợn: 300g
– Thính gạo: 2 thìa ăn cơm
– Đường: 50g
– Gia vị làm nem chua của thái (Nam powder seasoning mix): 1 gói
– Hạt nêm: 2 thìa cà phê
– Nước mắm ngon: 2 thìa ăn cơm
– Rượu nếp: 2 thìa cà phê
– Hạt tiêu: 1 thìa cà phê
– Tỏi (5 củ to), ớt, bột canh, màng bọc thức ăn (hoặc lá chuối)

Thực hiện:

Bước 1: Bì lợn mua về cạo rửa thật sạch, cho vào nồi luộc chín tới với một ít muối, sau đó thái sợi thật nhỏ (nếu không có thời gian thì mua bì lợn thái sẵn ở những hàng bán nem thính tại các chợ). Cho vào bát bì lợn một ít rượu, dùng đũa trộn đều rồi xả nhanh qua nước nóng để bì lợn bớt hôi. Để cho bì ráo nước rồi cắt ngắn khoảng 2- 3cm.

Bước 2: Thịt bò và thịt lợn rửa sạch với nước đun sôi có pha chút muối loãng. Sau đó thái miếng nhỏ rồi cho vào ngăn đá tủ lạnh khoảng 3- 4 tiếng cho thịt thật lạnh và đông đá. Lấy thịt ra khỏi tủ lạnh cho vào máy xay thịt, xay cho thật nhuyễn.

Bước 3: Tỏi bóc vỏ, một nửa đem băm nhuyễn còn một nữa thái lát mỏng. Chia chỗ tỏi đã băm nhỏ làm 2 phần, 1 phần đem phi vàng. Ớt thái lát.

Bước 4: Cho tất cả các nguyên liệu: thịt xay, bì lợn, thính gạo, đường, mắm, rượu, hạt tiêu, tỏi phi vàng, tỏi sống băm nhỏ, hạt nêm, bột canh, 1 gói gia vị làm nem chua (gói to) vào chung 1 âu lớn. Dùng đũa đảo đều tất cả các nguyên liệu để cho các nguyên liệu quyện đều vào nhau.

Bước 5: Dùng màng bọc thực phẩm bọc lấy miệng âu rồi để khoảng 1 tiếng lại cho tiếp 1 gói gia vị làm nem chua nhỏ (gói nhỏ có trong gói lớn) vào trộn đều.

Bước 6: Khi này hãy nhanh tay cho thịt vào khuôn làm giò xào rồi vặn vít thật chặt để cho thịt kết dính với nhau. Dùng màng bọc thực phẩm bọc quanh , kín khuôn nem. Nếu khỏe tay có thể cho thịt vào 1 đầu của miếng giấy bạc hoặc lá chuối rồi gói lại như cuốn giò nhỏ (vừa gói vừa bóp thật chặt tay để cuốn nem chua được chặt và thịt kết dính với nhau).

Bước 7: Để khuôn nem chua ở nhiệt độ phòng, chỗ thoáng mát trong tầm 24 tiếng. Lúc này nem đã chín, chúng ta chỉ cần lấy nem ra khỏi khuôn, cắt thành từng miếng nhỏ.

Có thể ăn ngay nem chua hoặc đem chiên tùy ý nhé!

Muốn để ăn dần thì nên cất nem vào tủ lạnh để bảo quản.

Chúc bạn thành công và ngon miệng cùng món nem chua!

Thùy Nguyễn
Nguồn: http://eva.vn/bep-eva/tu-tay-lam-nem-chua-nhau-tet-c162a165395.html