Cách làm NEM NƯỚNG NHA TRANG

Nem nướng là món ăn không thể thiếu khi nhắc đến đặc sản Nha Trang. Tại Nha Trang – Khánh Hòa có nhiều nơi làm món này nhưng nổi tiếng nhất là nem nướng ở Ninh Hòa. Cách làm nem thì mỗi nhà khác nhau, sau đây mời các bạn cùng đến với một trong những cách làm nem nướng phổ biến ở Nha Trang.

Nguyên liệu:

– Thịt xay: 6 lạng (nạc mông hoặc vai)

– Mỡ heo: 1 lạng

– Gia vị ướp: 3 muỗng súp nước mắp, 1 muỗng cafe muối, 3 muỗng súp đường, nửa muỗng cafe bột nở, 1 muỗng cafe tiêu xay, 2 muỗng súp bột năng, 2 muỗng cafe dầu màu điều, 1 muỗng canh hành củ băm.

– Nước chấm: 1 lạng rưỡi tôm, 1 lạng rưỡi thịt nạc xay, 1 lạng gan heo, nửa chén gạo nếp, nửa chén tương đậu nành (hay tương đen ăn phở), muối, đường, dầu màu điều, hành khô, nước mắm. Hoặc bạn có thể làm nước chấm chua ngọt, xem: CÁCH PHA NƯỚC MẮM CHUA NGỌT

– Rau sống ăn kèm: rau răm, húng lủi, dưa chuột, rau thơm, khế chua xắt lát, chuối xanh xắt lát…

– Bún, bánh tráng để cuốn ăn, ớt trái, đậu phộng rang vàng giã sơ

– Que hoặc đũa tre để nướng thịt.

Cách làm:

Bước 1:

– Mỡ heo mua về rửa sạch rồi xắt hột lựu.

Bước 2:

– Trộn mỡ với thịt băm và gia vị ướp cho đều, dùng cái muỗng canh quết nhuyễn để nem sau khi nướng được dai chắc. Bọc hoặc đậy kín rồi bỏ vô tủ lạnh để ít nhất 5 tiếng cho ngấm.

Bước 3:

– Tay rửa sạch, thoa một ít dầu ăn, nắm một nắm nhỏ thịt đã ướp rồi đắp vào đầu cây tre. Đem nướng than hoa cho chín vàng. Nếu nướng bằng lò thì bật lò sẵn ở 160 độ, nướng mỗi mặt 12 phút. Trong lúc nướng nhớ quết ít dầu ăn lên mặt thịt cho khỏi bị khô.

Bước 4:

– Nếp đãi nhiều lần cho sạch, ngâm vô thau nước lạnh ít nhất 5 tiếng. Sau đó cho nếp vô nồi, thêm một chén nước lọc, nấu sôi tới khi gạo mềm thì đổ ra chén, lấy muỗng đánh cho nát nhuyễn.

Bước 5: Làm tương

– Tôm rút chỉ đen, bỏ vỏ, giã sơ. Thịt xay đổ ra chén. Gan heo rửa sạch bằng sữa tươi, rồi rửa lại bằng nước. Băm nhuyễn gan.

Bước 6:

– Bắc chảo cho vào ít dầu điều, sau đó trút hành củ băm vô phi thơm. Tiếp theo cho tôm vào xào chung chừng 3-5 phút.

Bước 7:

– Trút tiếp thịt heo xay, gan heo vô xào  chung cho chín. Đỗ hỗn hợp này ra máy  xay sinh tố hoặc cối xay thịt, xay cho nhuyễn mịn.

Bước 8:

– Đổ lại hỗn hợp đã xay vào chảo, vừa đổ vừa quấy cho hòa đều. Nêm nếm gia vị cho vừa miệng của bạn. Đun tiếp từ 10 – 20 phút tới khi hỗn hợp sánh đặc thì tắt bếp.

Bước 9:

– Múc tương ra chén nhỏ, rắc ít đậu phộng giã dập vào, bỏ thêm ớt nếu thích cay.

Bước 10:

– Các loại rau lặt rửa sạch, ngắt lá cho dễ ăn.

Bước 11:

-Dưa leo rửa sạch xắt cọng dài.

Bước 12:

– Có thể trộn bún, nem nướng, tương và rau vô ăn như ăn bún thịt nướng, hoặc cuộn tất cả trong bánh tráng thành cuộn rồi chấm vô nước chấm.

theo Cún Khang

Cách làm BÁNH MEN

Bánh men nước cốt dừa là món ăn vặt ưa thích của trong tuổi thơ của nhiều người, và nó cũng là món thức cúng phổ biến trong những dịp lễ tiết, điển hình là Tết đoan ngọ. Món ăn này rất dễ làm, nếu ngại ra chợ bạn có thể tự làm như hướng dẫn dưới đây.

Cách làm Bánh men nước cốt dừa

Nguyên liệu:

  • – 300g bột năng khô, có thể dùng bột sắn dây nghiền thật mịn
  • – 2 thìa nhỏ bột gạo
  • – 1 thìa nhỏ bột nở hay còn gọi là bột nổi
  • – 100g đường cát trắng
  • – 130ml nước cốt dừa . Xem Cách làm nước cốt dừa
  • – 1 ống vani.

Cách làm:

– Trộn lẫn bột gạo khô, bột năng và bột nở vào âu sạch.

– Thêm đường cát trắng, dùng muôi trộn đều, châm từ từ nước cốt dừa vào âu bột, vừa trộn vừa châm nước cốt dừa, hỗn hợp bột lúc này sẽ rời rạc và khô, bạn vừa châm nước cốt dừaa đến khi hỗn hợp bột thành một khối đồng nhất, tiếp tục dùng tay nhồi bột thành hỗn hợp bột dẻo, ấn nhẹ vào không dính tay.

– Bột sau khi nhồi thì dùng khăn hay nilon phủ kín âu bột, để từ 4 đến 5 tiếng cho bột nở.

– Bột sau khi ủ sẽ hơi khô, nhưng khi nắm lại thì tạo thành một khối, thêm vani vào, dùng tay ngắt thành từng viên nhỏ, vo tròn, xếp vào khay có lót giấy nướng để chống dính.

– Cho khay bột vào lò nướng, lò đã bật nóng trước 5 phút, nướng khoảng 20-25 phút ở nhiệt độ 160 độ C.

– Bạn có thể dùng đũa lật phần đáy bánh, nhìn phần đáy bánh có màu vàng cánh gián nhẹ thì lấy ra khỏi lò. Để nguội, cất vào lọ dùng dần.

Cách làm CƠM CHÁY THỊT BẰM MỠ HÀNH

Món cơm cháy thịt bằm với  sức hấp dẫn không giới hạn đến từ cái giòn ngon của cơm cháy và thơm bùi của thịt bằm. 

Nguyên liệu:

  • – Nạc heo: 2 lạng
  • – Cơm cháy
  • – Nước mắm, hạt nêm, đường, xì dầu
  • – Sả và ớt bằm nhuyễn,
  • – Mỡ hành: XEM Cách làm MỠ HÀNH

Cách làm:


– Cơm nấu bằng nồi thường, nấu cho chín vàng (đừng để cháy đen). Xúc cơm trắng ra riêng, còn phần cơm cháy vàng cho vào lò vi sóng sấy khô (hoặc phơi khô).

– Bắc chảo dầu nóng, cho cơm cháy vô chiên vàng rồi gắp ra dĩa.



– Thịt heo bằm đem ướp với nước mắm, đường, bột nêm khoảng 10 phút. 

– Bắc chảo cho vào chút dầu, phi thơm ớt và sả bằm, xong trút thịt vào xào cho chín. 

 

Khi ăn rắc thịt bằm lên cơm cháy, quệt thêm mỡ hành. Ăn với nước mắm hay nước tương đều ngon nhưng ngon nhất vẫn là nước mắm.

 


Theo Khánh Hòa 

Cách làm ỔI DẦM XÍ MUỘI

Ổi là một loại quả hấp dẫn tuy nhiên cũng như bao loại quả chua khác, chúng phải kết hợp với cái gì đó thì cái ngon mới phát tiết hết. Trong phần lớn trường hợp, người ta dùng muối ớt, mắm ruốc để chấm…Còn hôm nay, chúng ta sẽ làm món ổi dầm với xí muội và ớt bột.

Món này quyến rũ từ vẻ ngoài cho đến hương vị.

Nguyên liệu:

  • – Ổi: 4 lạng
  • – 1 muỗng canh bột xí muội (hoặc xí muội viên đã bỏ hạt)
  • – 1/2 muỗng cafe ớt bột

Thực hiện:

– Rửa sạch ổi, sau đó chẻ đôi, chẻ bốn cho vừa ăn, tùy theo loại ổi bạn làm.

– Cho ổi vào rổ để cho ráo, sau đó chuyển qua cái thau / âu đựng.

– Rắc bột xí muội và ớt bột vào cùng với ổi, trộn đều lên rồi bỏ tủ lạnh tầm 2-3 tiếng là ngấm. Lúc này có thể ăn được rồi.

– Bạn có thể giã thêm muối ớt ăn kèm cho “đã” miệng.

Bảo Tố

Theo cách làm của mẹ Cún Khang.

Cách làm MUỐI TÂY NINH

Muối Tây Ninh (muối tôm) là món đặc sản không thể bỏ qua khi đi qua đất Tây Ninh nắng gió…Có nhiều cách làm muối Tây Ninh nhưng chủ yếu là đảm bảo hương vị mặn, ngọt, thơm tôm phải hòa hợp. Muối này chấm trái cây hoặc ăn với bánh tráng, cơm đều ngon tuyệt.

Chuẩn bị:

  • – Muối hột: 200g
  • – Tôm khô: 200g***
  • – Ớt sừng đỏ: 10 trái
  • – Ớt bột: 50g
  • – Tỏi: 2 tép
  • – Tiêu: 1 muỗng cà phê

Lưu ý: Nếu muốn đặc sắc hơn, bạn có thể thêm vào thịt nạc heo, củ cải đỏ, tất cả xay nhuyễn… Quan trọng là lượng muối phải bằng phân nửa tất cả các nguyên liệu. Và phải có nhiều vị tôm khô mới gọi là muối tôm được.

Cách làm:

– Tôm khô lựa tôm ngon, mua về đem ngâm cho nở mềm, sau đó rửa sạch dưới nước rồi bỏ vô cối giã nát (hoặc cho vào máy xay nát).

– Ớt rửa sạch, bỏ hột, xay nhuyễn cùng với tỏi.

– Trộn đều tôm khô, ớt tỏi, muối, tiêu lại với nhau.

– Bắc chảo nóng, trút hỗn hợp trên vào rang lửa vừa cho tới khi khô lại là được.

– Bảo quản trong hũ đậy nắp. Để nơi thoáng mát.

Bảo Tố

Cách làm BÌ ăn Cơm tấm

Bì thính là món ăn kèm quen thuộc trong các món BÚN BÌ, CƠM TẤM, BÁNH MÌ BÌ, BÁNH BÈO BÌ, BÁNH TẰM BÌ của miền Nam. Nếu muốn có món bì trong bữa cơm nhà, bạn có thể mua ở chợ tuy nhiên để an tâm thì bạn có thể tự làm theo công thức rất đơn giản sau đây.

Nguyên liệu

  • 300g thịt nạc vai
  • 150g bì lợn (da heo)
  • 1/2 chén gạo nếp
  • 150ml nước dừa
  • 1 muỗng cà phê tỏi băm
  • 1 muỗng cà phê hành tím băm
  • Gia vị: 1/2 muỗng cà phê muối, 1 muỗng cà phê hạt nêm, 1 muỗng cà phê tiêu, 1/2 muỗng canh đường, 1 muỗng canh nước mắm, 2 muỗng canh dầu ăn.

Thực hiện

– Bì cạo sạch lông, lạng bỏ hết mỡ, rửa sạch, luộc chín, để nguội, xắt sợi thật mỏng.

– Thịt nạc rửa sạch, cắt làm 2, ướp với tỏi, hành tím băm, nước mắm, đường, muối, tiêu, hạt nêm trong 2 giờ. Cho dầu ăn vào chảo, dầu nóng trút thịt vào chiên sơ, đổ nước dừa vào, khi nước sôi hạ nhỏ lửa, đậy nắp ram đến khi thịt chín vàng, vớt ra để nguội, xắt sợi.

– Gạo cho vào chảo, rang lửa vừa đến khi gạo vàng đều, xay nhuyễn làm thính. Trộn thính, bì và thịt thật đều.

Theo Phunuonline.com.vn

3 cách làm MỠ HÀNH ngon – gọn – lẹ

Mỡ hành tuy là một phụ liệu nhưng rất ảnh hưởng đến vị ngon của nhiều món ăn như CƠM TẤM, BÚN THỊT NƯỚNG, BÁNH HỎI, BẮP NƯỚNG, NGAO SÒ NƯỚNG…Cách làm mỡ hành thật đơn giản.

Chuẩn bị:

  • Hành lá
  • Mỡ heo (hoặc dầu thực vật)
  • Gia vị (muối, đường, hạt nêm, có thể thêm tóp mỡ, tỏi phi vào cho thơm)

Cách làm:

– Làm mỡ hành là cốt cho hành lá chín trong dầu ăn, mà hành lá không khô, cháy, giữ được màu xanh. Có ba cách làm mỡ hành thường thấy:

1. Hành lá thái nhỏ, cho vào chén (có thể nêm thêm ít gia vị tùy thích). Đun một ít dầu ăn trong chảo cho sôi già rồi trút dầu ăn đang sôi này vào chén hành. Hành sẽ chín và khi đó ta có món mỡ hành.

2. Hành lá thái nhỏ (có thể nêm thêm gia vị). Bắc chảo cho vào tí dầu nấu sôi rồi trút hành vào chảo xào cho tới khi nào hành chín vừa ý là được. Cách này bạn có thể kiểm soát được độ chín tới hay chín già của hành.

3. Cũng xắt nhỏ hành lá cho vào chén, nêm gia vị, rồi chế dầu mỡ vào cho ngập hành lá, sau đó cho vào lò vi sóng quay trong 1 phút cho hành chín là được.

Bé Thúi

 

 

Cách làm BỘT CHIÊN TRỨNG

BỘT CHIÊN hay BÁNH BỘT CHIÊN là món ăn xuất phát từ những người Hoa ở khu vực Chợ Lớn, Sài Gòn. Ngày nay nó đã trở thành món ăn vặt phổ biến nhiều nơi vì hương vị tuyệt vời và kết cấu thú vị của nó. Bạn có thể thử làm bột chiên tại nhà theo công thức sau đây:

 

Nguyên liệu:

  • – Bột gạo: 250g
  • – Bột năng: 25g
  • – Hột gà: 2 quả
  • – Đu đủ bào sợi
  • – Muối, nước tương, hành lá, đậu phộng rang, gia vị…


Thực hiện:

CHUẨN BỊ: 

Làm đu đủ : Đu đủ bào sợi ngâm với nước lạnh cùng tí xíu muối cho ra hết chất mủ. Xong khi gần ăn thì vớt ra để ráo, nếu ai thích ăn chua thì pha dấm đường rồi ngâm đu đủ vào 10 phút trước khi ăn, với tỉ lệ 1 dấm + 1 đường + 2 nước.

Làm nước chấm : 1 nước tương + 1 đường + 1/2 dấm đỏ + 1 nước nếu thích ăn chan nước tương vô cùng bột chiên, nếu thích chấm từng miếng bột chiên vào chén nước chấm thì pha 1/2 chén nước.

Đậu phộng rang vàng, đập cho tách hạt.

pic1672

1. LÀM BỘT

– Cho bột gạo, bột năng lên nồi, thêm 1/3 muỗng muối cùng một lượng nước xấp xỉ mặt bột, bật lửa nhỏ. Khi bột đủ độ chín, bạn nhấc nồi khỏi bếp, tiếp tục khuấy đều tay cho phần bột đặc lại.

– Nén bột vào mặt khay hoặc thố đã thoa sẵn một lớp dầu bên dưới, hấp cách thủy bột khoảng 30 phút cho bột chín.

– Khi bột chín, bạn hãy lật ngược thố/khay để lấy khối bột ra. Thái bột thành hình khối vuồng đều và đẹp mắt. Bạn hãy cho vào thố đựng các miếng bột đã thái 2 muỗng nước tương để khi chiên chúng có phần đẹp mắt hơn.

2/ CHIÊN BỘT

– Cho lên chảo 4 muỗng dầu, đợi dầu sôi rồi cho phần bột chiên vào chiên vàng 2 mặt. Khi bột chiên đạt độ vàng nhất định, bạn hãy đập 2 quả trứng vào rồi lật nhanh sang mặt còn lại. Rắc phần hành lá (đầu hành là chủ yếu) đã băm nhỏ vào rồi tắt bếp

3/ TRÌNH BÀY

– Cho bột chiên ra dĩa, rải đu đủ lên rồi rắc đậu phộng rang lên trên cùng. Trước khi ăn thì chan nước chấm vào, xịt thêm tương ớt nếu bạn ăn cay.

(Tú Đỗ)

Cách làm ỐC XÀO SẢ ỚT

Vị cay của ớt, vị thơm của sả làm cho món ỐC XÀO vốn đã ngon miệng lại càng thêm kích thích.

Nguyên liệu:

  • 1 ký Ốc nhỏ (có thể chọn ốc vặn, ốc đá hoặc ốc mít)
  • 1 muỗng canh nước mắm
  • 1 muỗng cafe đường
  • 1/2 muỗng cafe bột ngọt
  • Dầu ăn
  • 3 cây sả tươi, bào mỏng
  • 1 củ gừng rửa sạch băm nhỏ
  • 5 quả ớt tươi băm nhỏ hoặc ớt bột

Cách làm:

1. Ốc sống mua về chà rửa sạch rồi đem ngâm trong nước với khoảng 1/2 chén bột gạo (hoặc có thể dùng nước pha dấm ớt), ngâm 3-5 tiếng cho ốc nhả hết bùn và nhớt. Sau đó rửa ốc lại cho sạch. Bạn có thể dùng đồ đập đít vỏ ốc để ốc dễ thấm và khi ăn chỉ cần mút là ra thịt.

2. Bắc chảo cho chút dầu ăn, thêm một chút gừng, ớt, sả vào phi thơm. Sau đó trút ốc vào xào nhanh tay trên lửa to, nêm nước mắm, đường, bột ngọt, ớt và 1/2 chén nước lọc vào nếm lại cho vừa miệng.

3. Đảo đều tay khoảng 5-10 phút ốc gần chín thì trút tất cả chỗ gừng sả còn lại vào. Xào thêm tí nữa ốc chín thì tắt bếp. Ăn nóng, có thể pha thêm mắm gừng chấm cho ngon.

Bé Thúi

Cách làm BẮP XÀO TÔM KHÔ

BẮP XÀO TÔM KHÔ là món ăn đơn giản, rẻ tiền nhưng hương vị lại rất hấp dẫn. Đây là món ăn vặt phổ biến ở Sài Gòn, hấp dẫn mọi lứa tuổi chứ không riêng chi tuổi học trò.

Nguyên liệu:

  • – Bắp nếp tách hạt: 500g (Có thể dùng bắp ngọt)
  • – Tép hoặc tôm khô: 1,5 lạng
  • – Hành lá: vài cọng, thái nhỏ, để riêng phần đầu trắng
  • – Bơ Tường An (bơ lạt): 3-4 muỗng súp
  • – Gia vị: Đường, nước mắm, hạt nêm, tương ớt.

Cách làm:

– Rửa tôm/tép khô qua vài lần nước cho sạch, sau đó ngâm trong nước cho mềm. Vớt ra để ráo.

– Bắc chảo lên bếp, phi thơm phần hành màu trắng với một chút dầu ăn rồi trút tôm/ tép khô vào xào với chút gia vị cho ngấm rồi trút bắp vào xào. Nêm 1 muỗng canh nước mắm, 1/2 muỗng canh đường, 1/2 muỗng cafe hạt nêm, 3-4 muỗng canh bơ Tường An rồi xào cho tôm ngấm gia vị. Nêm nếm lại vừa miệng. Cuối cùng cho hành lá vào đảo đều lên rồi tắt bếp.

– Trước khi ăn xịt tương ớt lên.

Bé Thúi

Cách làm PHÁ LẤU BÒ

PHÁ LẤU BÒ là món ăn khá phổ biến ở Sài Gòn, nhưng không riêng gì dân Sài Gòn mà có lẽ ai đã từng ăn qua đều phải nhớ mãi hương vị tuyệt vời của món ăn vặt nổi tiếng này.

 
Nguyên liệu:

  • 200g bao tử bò
  • 200g khăn lông bò
  • 200g lá sách bò
  • 2 trái dừa xiêm
  • 1 củ gừng to
  • 1 củ nghệ
  • 1/2 thìa cà phê bột nghệ
  • 4 nhánh tai vị
  • 1 nhánh quế
  • 100g me vắt
  • Sả, tỏi, ớt bằm
  • Rau răm và bánh mì
  • Gia vị: Đường, muối, Hạt nêm

Thực hiện:

– Lòng bò lộn trái, rửa sạch. Vò lòng bò, khăn lông bò và lá sách bò với muối, sau đó rửa lại với nước lạnh rồi cho vào ngâm với nước, một ít rượu trắng và nửa củ gừng đập giập khoảng 20 phút. Vớt tất cả ra rửa lại lần nữa cho sạch.
– Dừa xiêm đập vỏ lấy nước. Me giằm lấy nước cốt.
– Cho tai vị và quế vào nồi rang nhẹ cho thơm. Cho nước dừa và lòng bò vào nấu chung. Nêm đường, muối, Hạt nêm , bột nghệ, củ nghệ và gừng vào nồi. Cho lòng bò, lá sách vào nồi, hầm cho mềm nhưng vẫn giữ độ giòn, khoảng 45 phút.
– Nước xốt me: Phi thơm sả, tỏi và ớt bằm, cho nước cốt me vào nấu sôi, nêm nếm cho có vị chua ngọt.
– Dọn lòng bò ra chén, cắt nhỏ, dùng với bánh mì hoặc dùng xiên tre ghim thành từng xâu. Chấm với nước xốt me. Ăn kèm rau răm cho thơm.

Cách nấu BÚN CÁ NGỪ

BÚN CÁ NGỪ là món ăn dân dã quen thuộc với người dân ở miền Biển, mà bất cứ ai đã ăn qua cũng khó mà quên được hương  vị biển mộc mạc của nó. 

Nguyên liệu:
– 1 con cá ngừ bò khoảng 1-1.2 kg thái khoanh
– 2 trái cà chua
– 1/4 trái thơm

Gia vị:
– Nước mắm + ớt + tỏi (*)
– Rau sống (xà lách, húng lủi, ngò, búp chuối
thái sợi, giá sợi dài, diếp cá)
– Hành lá
– 1,5 kg bún sợi nhỏ


Cách chế biến
:

– Ướp cá với hỗn hợp gia vị (hành băm, tỏi băm, tiêu, ớt màu, đường, bột ngọt (tùy ý) mỗi thứ một muỗng cafe, nêm muối vừa ăn) để khoảng 15 phút.
– Khử dầu (*) sau đó cho vào nồi khoảng 2 lít nước đun sôi.
– Cho cá đã ướp vào cùng với cà chua thái múi cam, thơm thái lát đun sôi.
– Nêm thêm đường, bột ngọt (tùy ý), nước mắm mỗi thứ một muỗng cafe, muối vừa ăn.

Cách dùng:

Cho bún vào tô sau đó chan nước cá ngừ kho cùng với cá ngừ vào thêm hành lá thái nhỏ, tiêu vào. Chuẩn bị sẵn bên cạnh chén nước mắm ớt tỏi, nêm thêm nước mắm + ớt + tỏi cho vừa miệng.

Ghi chú:
Gia vị: củ nén, hành, tỏi, sả bằm, tiêu, ớt màu, đường, bột ngọt, muối, nước mắm, bột sả, dầu hào (chỉ có mì quảng dùng sả bằm, bột sả và dầu hào) các món còn lại không sử dụng.
Rau sống: xà lách, húng lủi, ngò, búp chuối thái sợi, giá sợi dài, diếp cá. mỗi thứ 100g.
Khử dầu (*) cho dầu vào nồi (một muỗng canh) đun nóng, sau đó cho nén đập nhuyễn vào tiếp tục cho hành bằm, tỏi bằm, (sả bằm món mì quảng) khuấy đều sau đó cho vào một muỗng cafe ớt màu.
Chén nước mắm ớt tỏi: đập nhuyễn ớt và tỏi cùng với bột ngọt (một muỗng cafe), đường (một muỗng canh) sau đó cho vào một quả chanh vắt nước, khuấy đều, tiếp tục cho nước mắm vào khoảng một chén cơm. Ta có món nước mắm ớt tỏi.

Cách làm GỎI RAU MUỐNG THỊT BÒ

Rau muống với kết cấu giòn giòn kết hợp với thịt bò dai dai và nước sốt chua ngọt sẽ chinh phục khẩu vị của tất cả mọi người.

Nguyên liệu:

  • Rau muống: 1 bó
  • Hành tây: 1 củ
  • 250g thịt bò xắt lát mỏng
  • Nước mắm ngon, giấm, chanh đường, tỏi băm, ớt băm
  • Rau thơm, đậu phộng rang giã sơ.

Cách Làm:

1. Rau muống bỏ phần lá xanh và khúc rau muống già cứng, chẻ nhỏ sau đó ngâm rửa qua nước muối cho sạch.

2. Hành tây xắt lát mỏng ngâm qua nước giấm đường cho bớt mùi hăng.

3. Thịt bò ướp với 1 muỗng cafe tỏi băm, 1/2 muỗng cafe tiêu, 1 muỗng cafe nước mắm.

4. Pha nước trộn gỏi theo tỉ lệ 1 muỗng canh nước chanh thì pha với 1 muỗng canh đường + 1 muỗng canh nước mắm + 1 muỗng cafe dấm. Cho thêm tỏi ớt băm vào quậy lên rồi nếm thấy mặn ngọt chua vừa phải là được. Nước mắm nhớ cho từ từ vào sau cùng để dễ kiểm soát vị mặn.

5. Bắc chảo lên bếp cho chút dầu ăn rồi cho thịt bò vào xào vừa chín tới (đừng xào kỹ kẻo dai), thì trút thịt bò ra ngoài.

6. Rau muống chẻ và hành tây sau khi ngâm nước thì vớt ra để ráo. Cuối cùng trộn rau muống, hành tây, rau thơm các thứ với 1 phần nước gỏi, nếm lại lần nữa coi vừa miệng không. Sau đó trút ra dĩa, xếp thịt bò lên trên rồi rưới phần nước mắm trộn gỏi còn lại vào. Cuối cùng rắc đậu phộng rang sơ lên.

7. Trộn đều trước khi ăn.

Bé Thúi

Cách làm MỨT ĐẬU TRẮNG

MỨT ĐẬU TRẮNG là món ăn đơn giản nhưng được ưa thích bởi vị thơm bùi của nó. Công thức làm mứt đậu trắng rất đơn giản.

Nguyên liệu:

  • Đậu trắng khô: 250g (ra chợ hỏi đậu hột to để làm mứt)
  • 300g đường
  • Vani
  • Gừng băm nhỏ (tùy thích)
  • Thuốc muối (baking soda, ra chợ hỏi thuốc muối nấu chè…nếu không có cũng không sao, ngâm đậu lâu hơn 1 tí)
  • Chút muối

Cách làm:

1. Đậu ngâm trong 1 lít nước, rắc thêm 1/2 muỗng cafe muối và 1/2 muỗng cafe thuốc muối. Ngâm khoảng 4 tiếng cho nở to. Nếu không có thuốc muối thì ngâm qua đêm. Sau đó rửa lại đậu cho sạch. Để ráo.

2. Cho đậu vào tô, rắc đường vào rồi trộn lên thật nhẹ nhàng kẻo đậu bị nát. Ướp 6-8 tiếng (qua đêm) tới khi nào đường chảy ra hết ôm vô đậu căng bóng, là được.

3. Bắc chảo đổ toàn bộ đậu ướp đường vào chảo, nấu với lửa vừa. Thỉnh thoảng đảo nhẹ tay cho đường quyện đều vào đậu. Thấy đậu hơi khô thì bốc gừng băm rải vào. Sên đến khi nào đường khô ra bột trắng thì rắc 1 ống vani vào. Trộn nhẹ rồi tắt bếp.

4. Kiếm cái vỉ hay tờ báo trải đậu lên để vậy cho tới khi khô hẳn, cất vào lọ dùng dần.

Bảo Tố

 

Cách làm CÚT LỘN XÀO ME – VỊT LỘN XÀO ME

Vịt lộn xào me, cút lộn xào me là những món ăn mới phổ biến trong vài năm trở lại đây, nhưng rất hấp dẫn đối với nhiều người bởi hương vị hòa trộn rất tuyệt diệu của nó.

Nguyên liệu:

  • 30 quả trứng cút lộn (hoặc 10 hột vịt lộn)
  • 1 lạng me chín
  • Đậu phộng rang giã sơ
  • Rau răm
  • Tỏi băm nhuyễn
  • Hành củ: một phần băm nhuyễn, một phần thái lát.
  • Đường, nước mắm, gia vị
  • Mẩu gừng và chút ớt, giã nhuyễn

Cách làm:

– Hành củ thái lát đem phi vàng với ít dầu rồi để ráo, chờ khi ăn mới dùng đến.
– Me cho vào chén với chút nước ấm, dằm cho ra nước me rồi bỏ xác và hột đi.
– Cút lộn /vịt lộn rửa cho sạch vỏ. Sau đó luộc chín trong nước.
– Trứng chín rồi thì nhẹ nhàng lột vỏ trứng.
– Bắc chảo lên bếp, phi thơm hành tỏi băm rồi cho trứng lộn chín vào xào săn.
– Tiếp đó cho nước cốt me vào, xào tới khi sôi được vài phút thì nêm đường, nước mắm và các gia vị khác cho vừa miệng (quan trọng là nêm đủ đường để cân bằng vị chua ngọt).
– Cho tiếp gừng giã nhuyễn vào, nấu tiếp vài phút nữa là xong.
– Tắt bếp, múc trứng lộn xào me ra dĩa, rưới sốt me trong chảo lên rồi rắc đậu phộng, rau răm. Ăn không hoặc chấm bánh mì đều ngon.

*** Món này chế biến nhanh và ăn ngay lúc nóng để không tanh, cho nên khi nào gần ăn thì mới bắt đầu làm.

Bảo Tố

Cách làm MỨT DỪA KHÔ

Mứt dừa là món mứt không thể thiếu trong dịp tết cổ truyền. Mứt làm từ dừa khô không dẻo mềm như dừa non, mà dai giòn vừa phải, nhẩn nha hoài không ngán. Đây cũng là loại mứt dễ làm.

Nguyên liệu:

  • Dừa già: 1kg (hoặc 2-3 trái dừa khô về tự lấy cùi)
  • Đường: 300g
  • Sữa tươi: 300ml [có thể chọn sữa có màu như sữa cam, sữa dâu, sữa socola để tạo màu cho mứt]
  • Vani: 1 ống

Thực hiện:

– Dừa già bỏ vỏ nạy vỏ nâu bên ngoài đi, còn lại phần cơm màu trắng. Đục một lỗ to trên trái dừa, rồi dùng dao nương theo cạnh xắt thành miếng dài, mỏng đều.

– Đun ấm nước ấm đổ vô thau dừa. Ngâm khoảng 15 phút rồi vớt ra rửa lại cho bớt dầu dừa, để ráo, sau đó chuyển dừa vào chảo.

– Trút sữa tươi và đường vào chung với dừa, quậy đều rồi để 4-5 tiếng (qua đêm) cho đường ngấm vào dừa. Lúc này sợi dừa đã hơi trong.

– Bắc chảo lên bếp,  xên mứt dừa với lửa nhỏ khoảng 1 tiếng là sữa cạn, dừa cũng kịp khô. Lúc sên nhớ canh chừng, đảo nhẹ và đều tay, vì dừa rất dễ bị cháy.

– Tiếp theo cho vani vào xóc lên cho đều rồi tắt bếp. Trút hết dừa ra nong, nia để nơi thoáng mát cho dừa nguội, khô hẳn, rồi mới bỏ vô lọ để trữ.

*** Nếu muốn mứt dừa có màu sắc,  bạn cho sữa có màu, hoặc màu thực phẩm, màu tự nhiên vào cùng lúc với lúc cho sữa tươi & đường. Nếu làm nhiều màu thì chia ra ngâm riêng từng màu.

Bảo Tố

Cách làm KEM CHUỐI ÉP BỊCH

Kem chuối là món ăn chơi rất dân dã nhưng ngon lành và là hương vị không thể quên trong tuổi thơ nhiều người. Vì thành phần chính của kem là chuối nên cách làm cũng không có gì phức tạp.

Nguyên liệu (cho 20 cái):

  • 1 lạng dừa non nạo
  • 400g dừa già nạo + 500ml nước để làm nước cốt dừa / hoặc xem CÁCH LÀM NƯỚC CỐT DỪA
  • 20 trái chuối sứ
  • 100g đậu phộng rang vàng, giã nhỏ.
  • 4 muỗng canh bột năng, hòa với ít nước

Thực hiện:

– Cho 400g dừa nạo vào xay chung với 500ml nước rồi vắt lấy nước cốt. Cho nước cốt này lên bếp nấu lửa nhỏ, nêm thêm 1 muỗng cafe muối, 3 tới 5 muỗng canh đường (tùy độ ngọt của chuối bạn có) và cho thêm bột năng đã hòa tan vào rồi quậy đều trên lửa, tạo thành hỗn hợp cốt dừa sền sệt. Tắt bếp để nguội.

– Chuẩn bị thớt, lót miếng nilon rồi cho quả chuối đã lột bỏ vỏ lên. Dùng một miếng nilon khác đậy lên quả chuối sau đó dùng dao to hoặc dụng cụ nào cũng được, ép dẹp chuối (như khi làm bánh chuối chiên).

– Sau đó dùng hỗn hợp nước cốt dừa ban nãy trét lên mặt chuối. Rồi rắc tiếp đậu phộng rang giã nhỏ và vài cọng dừa non nạo lên.

– Cho cả miếng vào bao nilon nhỏ, rồi làm tiếp những miếng khác. Làm xong xếp vào tủ đá cho đông cứng lại là xong.

Bảo Tố

Ảnh: Khánh Hòa@VNexpress

Cách làm BẠCH TUỘC NƯỚNG SA TẾ

BẠCH TUỘC NƯỚNG SA TẾ là món ăn chơi hấp dẫn, thích hợp trong các buổi tiệc, cỗ và đặc biệt có thể dùng làm mồi nhậu rất ngon.

CÔNG THỨC LÀM BẠCH TUỘC NƯỚNG SA TẾ

Nguyên liệu:

  • 2 con bạch tuộc
  • Sa tế (nửa hũ), dầu ăn, đường, bột nêm, củ hành tím
  • Ăn kèm muối tiêu chanh

Cách làm:

– Bạch tuột làm sạch, để ráo nước. Khía xéo xéo tạo thành hình thoi.


– Ướp với nửa hũ sa tế nhỏ, 1 củ hành tím băm, 1/3 muỗng đường, 1/3 muỗng bột nêm trong 30 phút cho thấm.


– Nướng trên than hoa đến khi thịt săn, các râu quéo lại.


– Cắt nhỏ, chấm với muối tiêu chanh có tí ớt.

mav106

Yến Hà

Cách làm BÁNH PHỒNG TÔM

Bánh phồng tôm là món bánh ăn chơi thú vị, trong dân gian bánh này thường dùng vào dịp cỗ, đám, tiệc. Bánh hấp dẫn bởi kết cấu giòn tan, vị mặn dịu thơm thoang thoảng mùi tôm. Công thức làm bánh này không khó.

Nguyên liệu:

  • Tôm: 500g
  • Bột năng: 500g
  • Hột vịt: 2 lòng trắng (không dùng lòng đỏ)
  • Tỏi: 2 tép
  • Hành lá: 5 cây
  • Muối: 2 muỗng cafe
  • Tiêu hột trắng: 1/2 muỗng cafe
  • Bột ngọt: 1/2 muỗng cafe
  • Đường phèn: 1 muỗng cafe
  • Miếng vải thưa để gói.

Thực hiện:

– Tôm lột vỏ, rửa sạch, chà muối cho trắng. Bóc hết màng quanh tôm. Thấm tôm cho ráo rồi đập dập.

– Hành tỏi cho vào cối giã nát rồi cho tôm vào giã chung cho nhuyễn. Sau đó cho bột ngọt, muối, tiêu, đường vào giã quết tiếp cho mịn.

– Tiếp theo cho lòng trắng trứng và bột năng vào hỗn hợp, dùng tay nhào đều rồi tiếp tục quết cho thật đều.

– Trút hỗn hợp bột tôm ra mặt phẳng, se thành cây hình lăng trụ tròn dài (đường kính khoảng 6 cm). Nhớ se cho kĩ, chắc. Dùng vải bọc lại như bọc bánh tét.

– Bắc xửng hấp cách thủy. Cho đòn bột vào hấp khoảng 1 giờ, rồi lấy ra để nguội rồi cho vào tủ lạnh khoảng 5 tiếng đồng hồ. Sau đó lấy ra cắt thành từng lát thật mỏng.

– Cắt xong thì đem phơi dưới nắng to. Nếu không có nắng thì cất vào tủ lạnh đợi có nắng.

– Bánh phơi xong, chiên giòn nở xốp là ăn được. Có thể ăn với GỎI NGÓ SEN rất ngon. Xem Cách làm Gỏi ngó sen

Bảo Tố

Cách làm BÁNH XÈO MIỀN TRUNG

Bánh xèo là món nhiều người ưa thích. Bánh xèo ăn ngon nhất là lúc trời mưa, tiết mát mẻ, sướng nhất là cả nhà ngồi gần chảo, tráng bánh nghe xèo xèo, ăn nóng tại chỗ.

Bánh xèo miền Trung cũng tương tự bánh xèo miền Nam, khác nhau về kích cỡ và cách ăn. Bánh xèo miền Trung thường đổ trong chảo riêng loại nhỏ, bánh làm nhỏ hơn rất nhiều so với bánh xèo miền tây, và có thể bỏ gọn vô cái bánh tráng để cuộn với rau sống như gỏi cuốn dễ dàng.

Cách làm bánh trong bài này nhìn thì dài nhưng thực ra chỉ có vài công đoạn, chủ yếu là khâu chuẩn bị.

Nguyên liệu:

Phần bột: 1 chén bột gạo + 2 chén nước lọc + chút muối + 1 củ nghệ nhỏ hoặc chút bột nghệ
Phần nhân:

  • Tôm bạc: 1 chén
  • Giá: 1 chén
  • Nấm rơm: 1 chén
  • Thịt ba rọi: 1 chén
  • Đậu xanh: 1 chén
  • Hành lá

(Phần nhân này ngoại trừ hành lá, giá, tôm thịt thì cái gì không thích có thể bỏ qua)
Rau sống ăn kèm: Xà lách (rau diếp), khế, dưa leo, đồ chua, ngò, rau thơm.

Chảo tráng bánh: lựa loại nhỏ đường kính khoảng 15 – 20cm

Nước chấm:

Cách làm:

Làm bột: Nghệ giã nhuyễn hòa với 1/2 chén nước, sau đó hòa chung với 1 chén bột gạo, 2 chén nước, 1/2 muỗng cafe muối. Quấy đều rồi dùng rây lọc sạch. Để đó khoảng 1 giờ đồng hồ cho bột nở hết.

Làm nhân:
– Thịt ba rọi xắt miếng nhỏ, mỏng.
– Hành lá xắt cọng 2cm.
– Giá rửa sạch, bỏ rễ.
– Nấm gọt hết phấn, ngâm nước muối vài phút, rửa sạch rồi xắt lát mỏng hoặc chẻ tư.
– Đậu xanh ngâm nước đãi vỏ, luộc chín rồi để đó.
– Tôm bỏ râu ria, bỏ phân nơi đầu. Để nguyên vỏ, rửa sạch rồi để ráo, ướp với chút muối tiêu.

Đổ bánh:

– Bắc chảo loại nhỏ lên bếp, tráng ít dầu hoặc mỡ cho đều mặt chảo, sau đó cho vài lát thịt vào xào săn, tiếp theo xếp vài con tôm vào rồi đổ một muôi bột vào.  Tráng cho bột trải tròn đều trong lòng chảo. Sau đó rải thêm nấm, nhúm giá, nhúm đậu xanh, hành lá vào. Đậy nắp lại vài phút cho bánh chín. Mở nắp ra thấy bánh chín giòn, dùng vá dẹt gấp đôi bánh lại lấy ra khỏi chảo.

– Lần lượt làm cho hết bột.

Pha nước chấm chua ngọt hoặc tương (đã có link ở phần nguyên liệu) .

Chuẩn bị ăn:

– Chế nước mắm chua ngọt hoặc tương đã pha vào chén, bỏ thêm ít đồ chua vào.

– Bánh xèo miền Trung có thể tráng hơi dày, khi ăn dùng kéo cắt ngang làm ba rồi dùng đũa gắp ăn kèm rau sống. Hoặc tráng mỏng rồi cuốn với bánh tráng, rau sống ăn.

Lưu ý: Lúc tráng bánh coi chừng cháy.

Bảo Tố