NẤU SỮA ĐẬU NÀNH NGON CHỈ TRONG 30 PHÚT

Sữa đậu nành thường đứng hàng đầu trong danh sách những thực phẩm lành mạnh và bổ dưỡng cho cơ thể. Tuy vậy không phải ai cũng dễ dàng mua được sữa đậu nành ngon và an toàn, hay mua một máy làm sữa đậu nành. Bài viết sau đây sẽ hướng dẫn bạn làm sữa đậu nành một cách dễ dàng chỉ cần 30 phút.
Nguyên liệu:
140g đậu nành, 2 lít nước sôi để nguội, máy xay sinh tố, xoong nồi, vải màn, ly.

Đầu tiên là ngâm đậu nành trong nước sôi để nguội từ 6-12 tiếng (qua đêm)

.

Ngâm xong thì xả đậu qua nước lạnh vài lần cho sạch và không còn mùi chua.

Sau đó cho đậu vào máy xay, châm nước rồi xay trong 3 phút cho nát.

Trộn đậu lên cho đều rồi châm thêm 1 lít nước lạnh, xay 3 phút cho mịn.

Dùng vải thưa trải lên một cái thau rồi chế đậu nành vào để lọc lấy nước.

Nước sữa lọc ra rồi thì đem đun sôi rồi chờ tiếp 5 phút cho đậu nành chín hẳn, không còn chất độc.

Bây giờ bạn đã có thể pha sữa với đường hoặc sữa tươi, lá dứa, nước cốt dừa để uống, bổ sung dinh dưỡng cho một ngày làm việc.

Cách làm GỎI CHÂN GÀ NGÓ SEN

Nghe đến chân gà với ngó sen, các tín đồ ăn nhậu không khỏi háo hức khi tưởng tượng đến kết cấu giòn dai của chân gà, giòn rụm của ngó sen hòa trong nước trộn chua cay ngọt mặn cực kì hấp dẫn.

Đây cũng là một món rất đưa cơm cho gia đình bạn.

Chuẩn bị:

  • – Chân gà: 5 cái
  • – Ngó sen: 1 lạng rưỡi
  • – Cà rốt: 1 củ, gừng: 1 mẩu, rau thơm, rau răm
  • – Nước mắm loại ngon, chanh, ớt, tỏi, muối tinh, dấm trắng, đường.
  • – Đậu phộng rang giòn, giã dập

Thực hiện:

– Chân gà mua về bóp muối, gừng rồi rửa lại bằng nước nhiều lần cho sạch và hết hôi.

– Bắc nồi nước cho chân gà vào luộc, không đậy nắp, nước sôi chừng 10 phút thì tắt bếp, vớt chân gà ra ngâm ngay vào chậu nước có pha dấm và vài viên đá lạnh.

– Dùng dao nhọn rạch một đường dọc theo chân gà, dùng mũi dao tách xương ra vứt đi.

– Ngó sen và cà rốt rửa sạch, ngó sen xé sợi, cà rốt thái sợi nhỏ, sau đó cho vào tô trộn với chút dấm, đường, muối. Ướp chừng 20 phút rồi dùng tay vắt cho ra hết nước.

– Các loại rau răm, rau thơm thái nhỏ.

– Pha nước trộn: 2 muỗng canh nước mắm, 2 muỗng canh đường, 2 muỗng canh nước lọc hòa tan với nhau, rồi cho tỏi ớt băm vào, nêm nếm lại cho  vừa miệng.

– Trộn gỏi: trộn ngó sen, cà rốt, chân gà, rau răm, rau thơm lại với nhau rồi châm nước trộn vào, đeo bao tay nilon rồi thò tay vào trộn lên cho kỹ đều, nêm nếm vừa miệng. Trước khi ăn vắt chút chanh vào cho thơm, rồi rắc đậu phộng lên, trộn đều.

theo Cún Khang

Cách làm BÒ NHÚNG DẤM

Bò nhúng dấm là món ăn ưa thích của nhiều người với cái mềm ,dai nhẹ của thịt bò hòa lẫn với vị chua dịu của nước dấm cùng các thứ gia vị và nguyên liệu khác.

Cách làm Bò Nhúng Dấm / lẩu Bò nhúng dấm

Nguyên liệu:

  • – 6 lạng thịt bò (chọn thịt thăn), xắt mỏng, bản to
  • – Hành tây: 1 củ, xắt ngang thành cọng mỏng
  • – Giấm trắng: nửa lít
  • – Khế chua: 2 trái, xắt lát mỏng
  • – Chuối chát: 2 trái, xắt lát mỏng
  • – 1 trái thơm nhỏ
  • – Sả, ớt, tỏi, tất cả bằm nhuyễn
  • – Giá, dưa leo xắt lát, rau sống các thứ,
  • – Bánh tráng để cuốn (nếu ăn bánh tráng)
  • – 1kg bún tươi
  • – Mắm nêm
  • – Tiêu, chanh, bột nêm, đường…
  • – Có thể thêm đậu phụ xắt nhỏ rán giòn vào nước dùng để ăn kèm cũng ngon.

Cách làm:

– Thơm gọt vỏ bỏ mắt, bổ đôi: 1 phần thái chỉ, 1 phần băm nhỏ.

– Chuối và khế ngay sau khi xắt lát mỏng thì ngâm vào nước pha ít giấm và chanh để khỏi thâm.

Pha Nước dùng: dấm + chút nước (có thể thay bằng nước dừa thì ngon hơn) + 3 thìa nhỏ đường + 1 thìa nhỏ dầu ăn + 1 thìa nhỏ bột nêm + 1/2 chỗ hành tây (xắt lát). Nêm lại chua ngọt không gắt là được.

Pha nước chấm:
– 1 củ tỏi, 5 củ sả, 4 trái ớt tất cả băm nhuyễn.
– Bắc chảo cho chút dầu rồi phi thơm tỏi + sả + ớt.
– Pha 1 muỗng mắm nêm với 1 chén nước lọc, rồi trút vào chảo nấu sôi, hớt bọt. Nêm tiếp 2 muỗng đường cho vừa miệng (vừa đủ mặn ngọt) là được. Tắt bếp.
– Trút ra chén, trộn với phần thơm băm nhuyễn, khuấy đều.

Nếu không thích ăn mắm nêm thì pha nước mắm: 4 thìa súp nước mắm + 6 thìa nhỏ đường, tỏi, ớt, 1/2 trái thơm băm nhuyễn, chanh và chút nước sôi, nếm lại vừa đủ mặn ngọt chua là được.

– Cách ăn: Cho nước dùng vào nồi nấu sôi, nhúng thịt bò vào cho tái chín, rồi cuốn ăn cùng với các loại rau, bún…

Bảo Tố

Cách làm Mỳ Ý sốt thịt bò

Công thức mì Ý này có hơi thiên về khẩu vị Việt Nam một chút cho dễ ăn, nhưng không kém ngon miệng nhé!

Nguyên liệu:

  • 1 gói mỳ ý
  • 150gr thịt bò băm
  • 150gr thịt bò cắt lát mỏng
  • 3 quả cà chua, 1 củ cà rốt to, 1/2 củ hành tây, 1 nhánh cần tây, tỏi
  • Muối, đường, bột nêm, tiêu, dầu olive.
  • Xúc xích


Cách làm:


– Thả mỳ vào nồi (để cách nhau ra cho mỳ tơi) khi mỳ hoàn toàn nở trong nước vẫn đảo đều cho mỳ không dính. Thời gian luộc mỳ được ghi trên bao bì gói mỳ. Sau khi vớt ra để ráo nước, trộn mỳ với chút dầu olive cho mỳ không dính.
– Thịt bò ướp với 1/2 muỗng cà phê muối, 1 muỗng dầu, ít tiêu trộn đều.
– Cà rốt, cần tây, củ hành tây thái hạt lựu, tỏi băm nhỏ
– Cà chua bỏ hạt, xay nhuyễn
– Để lửa vừa cho dầu vào, cho cà rốt, hành tây vào đảo đều khoảng 1′ rồi cho tỏi băm vào. Để lửa nhỏ, đậy vung khoảng 5′.


– Cho thịt bò vào trộn đều, để khoảng 10′, cho cà chua vào, nêm nếm lại. Đậy vung nấu trong 1h rồi mở nắp ra nấu đến khi nước sốt có độ sánh như ý muốn.
– Bày mỳ ra đĩa, rưới sốt lên.



Yến Hà.

Cách làm XÍU MẠI SỐT CÀ CHUA

 Xíu mại sốt cà là món ăn hấp dẫn có thể dùng làm điểm tâm ăn kèm bánh mì, hoặc ăn với cơm đều rất ngon.

Nguyên liệu:

– 3 lạng thịt nạc dăm xay nhuyễn;

– ½ củ hành tây bằm nhuyễn. Bạn cũng có thể cắt hạt lựu nhỏ nhưng khi trộn với thịt sẽ làm thịt không kết, ít dai;
– 2 củ hành tím, bằm nhuyễn;
– 1 muỗng cà phê tiêu nguyên hạt;
– 3 tai nấm mèo hoặc 3 tai nấm đông cô, ngâm nở, bỏ chân và cắt hạt lựu nhỏ. Nấm đông cô mềm và dẻo nhưng mùi thơm hơi nồng so với một số người, trong khi đó nấm mèo giòn nhưng khô hơn;
– Nguyên liệu làm sốt cà chua gồm: 2 trái cà chua, 1 muỗng cà phê bột năng, 1 củ hành tím, vài tép tỏi.

Thực hiện:

– Trộn đều thịt, hành tây, hành tím, nấm trong một cái tô lớn, sau đó nêm 1 muỗng cà phê muối, 1,5 muỗng đường. “Đập thịt” cho nhuyễn và kết lạị bằng cách các mẹ khép các ngón tay lại, hớt toàn bộ số thịt nằm gọn gàng trong lòng bàn tay rồi quật mạnh tảng thịt xuống đáy tô, làm như vậy vài lần thịt sẽ rất dẻo và thơm hơn.

– Chia thịt thành nhiều phần bằng nhau, lớn bằng quả trứng gà ta. Nhét vào mỗi viên thịt khoảng 3 hạt tiêu rang rồi dùng tay vo tròn viên thịt lại, mang đi hấp cách thủy trong vòng 10 phút là thịt chín.

– Ta tranh thủ thời gian hấp thịt để chuẩn bị nước sốt cà chua. Cà chua gọt vỏ, bỏ hạt, bằm hoặc xay nhuyễn; bột năng hòa với chút nước (theo tỉ lệ 1 muỗng cà phê bột năng hòa với 2 muỗng súp nước); phi dầu ăn với hành, tỏi băm cho thơm rồi cho cà chua vào xào cho sôi lại; nêm nếm một chút nước mắm, đường cho vừa miệng rồi từ từ đổ bột năng vào chảo, vừa đổ vừa quấy lên cho đến khi nước sốt hơi sệt lại thì ngừng ngay.

– Chờ thịt hấp vừa đúng 10 phút, bạn đổ nước sốt cà vào thịt, hấp thêm 5 -10 phút nữa cho thịt ngấm sốt cà chua là được.

Nếu muốn món xíu mại thơm hơn, bạn có thể thêm một bước thực hiện nữa là phi hành lá với một ít tóp mỡ và đổ hành phi lên mặt tô/dĩa xíu mại vừa lấy ra khỏi xửng hấp. Sau một tiếng “xèo” của dầu nóng gặp thức ăn, mùi thơm của nước sốt và thịt quyện với mùi hành sẽ bốc lên ngào ngạt. 

Món xíu mại sốt cà ăn với bánh mì là ngon nhất, có thể chấm hoặc kẹp trong bánh mì ăn đều rất tuyệt.

Chúc cả nhà ta ngon miệng! 

(Theo Phamngochoa)