CÙNG KHÁM PHÁ 7 MÓN NGON TẠI HÀ GIANG

Đến Hà Giang không chỉ để ngắm hoa tam giác mạch, ruộng bậc thang mùa lúa chín, mà còn để thưởng thức rất nhiều món ăn ngon.

Dưới đây là 7 món ăn mà du khách nên thử khi ghé thăm Hà Giang

1. Thắng dền

Thắng dền có vị ngọt đặc trưng của đường hoa mai cô đặc. Ảnh: Cảnh Nguyễn Đức.

Thắng dền là một loại bánh ăn chơi khá phổ biến tại thành phố Hà Giang. Nhiều người nhầm tưởng đây là món bánh trôi miền xuôi nhưng thắng dền lại có cách chế biến hoàn toàn khác. Bánh làm từ bột nếp, đường và được nặn thành viên tròn, Chỉ khi có khách gọi, chủ quán mới cho bánh vào luộc rồi chan nước bao gồm đường hoa mai cô đặc, dừa và gừng. Đây là món ăn khá hợp vào khí trời mát mẻ ở Hà Giang, đặc biệt trong những ngày đông. Vị cay cay của gừng sẽ khiến du khách nhớ mãi không thôi.

2. Thắng cố

Mang đậm nét văn hóa vùng cao, thắng cố là món ăn được nhiều du khách tìm tới khi ghé thăm Hà Giang. Được chế biến từ nội tạng và xương trâu, bò, thắng cố không hấp dẫn du khách ngay từ cái nhìn đầu tiên nhưng với những ai sành ăn thì món ăn này vẫn để lại ấn tượng khó quên. Được ninh kỹ với các loại thảo quả và gia vị đặc trưng của miền núi, thắng cố có vị ngậy, bùi khác lạ. Du khách có thể tìm cho mình một bát thắng cố ở bất kỳ đâu nhưng tới các chợ phiên và nhâm nhi cùng cốc rượu ngô của người dân tộc sẽ là lựa chọn tốt nhất.

3. Rêu nướng

Là một món ăn độc đáo của người Tày tại Hà Giang, rêu nướng có hương vị rất riêng. Để có món rêu nướng ngon, người Tày thường lựa chọn những đám rêu non nhất, rồi khéo léo tách phần nhớt phù sa bên ngoài đem trộn với một số loại gia vị như muối, mì chính, lá mùi tàu… sau đó gói vào lá đem nướng. Món rêu nướng của người Tày có tác dụng chữa bệnh nên được nhiều người yêu thích.

4. Rau trộn

Món rau trộn ngon hơn nhờ có lơ khoải. Ảnh: Cảnh Nguyễn Đức.

Được chế biến từ các loại rau phổ biến tại Hà Giang như cải bắp, cải ngọt hay quả đậu và một số thành phần phụ khác như xúc xích, bánh bao và bánh lơ khoải, dưới đôi bàn tay khéo léo của những con người ở cao nguyên đá, món ăn này trở nên đặc biệt hơn hết. Cách chế biến cũng khá đơn giản. Sau khi chiên riêng từng nguyên liệu, chủ quán sẽ trộn lại cùng một loại tương đặc biệt. Chính loại tương này đã làm nên vị cay lạ của rau trộn. Vị mềm mềm của bánh lơ khoải cùng vị giòn tan của các loại rau quả đã tạo nên sức hấp dẫn riêng cho món ăn này.

5. Bánh cuốn trứng

Cũng là bánh cuốn nhưng ở Hà Giang món ăn này lại không dùng cùng nước chấm như nhiều người vẫn nghĩ. Thay vào đó, khi tráng trên bếp, bánh sẽ được đập thêm trứng rồi dùng chính lớp bột trắng ngần bên ngoài gói lại. Khi thưởng thức, thực khách sẽ ăn kèm với một bát nước lèo thả giò trắng thơm ngon ở trong. Món ăn này ăn lạnh hay nóng đều ngon vì vị ngậy của trứng cùng hương thơm đậm đà của nước lèo.

6. Bánh tráng

Ít ai ngờ Hà Giang cũng có món bánh tráng nổi tiếng

Bánh tráng có lẽ là món ăn không còn xa lạ với nhiều người. Tại cao nguyên đá Hà Giang, nhiều du khách đã dễ dàng tìm được món ăn khoái khẩu này. Cũng được làm từ bột gạo, trứng, hành tươi, bánh tráng Hà Giang có hương vị đặc biệt bởi thứ gạo trồng nơi đây.

7. Cháo ấu tẩu

“Chưa ăn cháo ấu tẩu thì chưa đến Hà Giang”, câu nói này quả thực không sai. Món ăn này không chỉ có mùi thơm ngậy, bùi cay mà còn có vị đắng đặc trưng của củ ấu tẩu, thành phần chính của cháo. Khi mới ăn bạn sẽ hơi khó nuốt nhưng nếu đã quen thì lại trở thành món ăn gây nghiện. Được coi là món cháo giữ nhiệt do vậy thời điểm phù hợp nhất mà du khách có thể thưởng thức món ăn này là mùa đông.

Đỗ Huyền (vnexpress.net)

NHỮNG MÓN ĂN NỔI TIẾNG THẾ GIỚI ÍT NGƯỜI DÁM THỬ

 Khám phá ẩm thực là một cuộc phiêu lưu kỳ thú. Và trong cuộc phiêu lưu đó, có nhiều lúc bạn bắt gặp những món ăn rất bình thường đối với người bản xứ, nhưng lại là một thử thách quá kinh dị đối với du khách.

Tiết canh – Việt Nam

 

Món tiết canh độc đáo của Việt Nam có nguyên liệu chính là máu tươi của động vật, sau đó được pha với nước mắm hoặc muối để cho máu chậm đông lại. Trong khi đó, người ta trộn thêm sụn, thịt, nội tạng băm nhỏ vào. Đây được coi là đặc sản của Việt Nam và là món ăn quen thuộc trong các chầu nhậu của người Việt. Tuy vậy, với du khách, phải là người chịu chơi, can đảm lắm mới dám ăn bát máu đỏ lòm này.

Natto (đậu nành lên men) – Nhật Bản

Natto là món ăn kèm vào buổi sáng rất quen thuộc với người dân Nhật Bản. Nó làm từ đậu nành, mù tạt, sau khi trộn kỹ bằng đũa, một hỗn hợp keo nhầy bao quanh hạt đậu. Hỗn hợp này rất dính đến mức tạo thành một sợi dây kết nối giữa đũa gắp và miệng bạn, và độ dài của sợi dây cũng là tiêu chí để đánh giá chất lượng của Natto. Bên cạnh vẻ nhầy nhụa, hương vị rất nặng mùi của Natto cũng là một thử thách lớn đối với du khách muốn khám phá ẩm thực Nhật.

Hongeo – Hàn Quốc

Hongeo là món ăn làm từ thịt cá đuối lên men. Những người đầu bếp đặt cá đuối trong nhiều chiếc tủ lạnh có nhiệt độ khác nhau cho đến khi cá đuối bốc một mùi amoniac rất nặng nề. Khi đó cá được để sống và xắt lát ra ăn. Mùi hương của món ăn này có sức công phá rất mạnh mẽ, không chỉ lưu giữ trong miệng rất lâu mà còn tạm trú ở trên quần áo, tóc tai thực khách.

Surstromming  – Thụy Điển

Surstromming là một món lên men khác làm từ cá trích. Những con cá trích được ủ trong hộp trong một thời gian dài, đến mức những cái hộp phình lên muốn nổ tung. Món ăn rất nặng mùi, ngay cả người Thụy Điển cũng chỉ ăn nó ở ngoài trời vì sợ đóng mùi vào phòng. Tuy vậy, món này được coi như một trong những món đặc trưng nhất của đất nước Thụy Điển, họ có hẳn những bảo tàng riêng cho Surstromming.

Thắng cố – Việt Nam

Thắng Cố là biến âm của “Thoảng cố”, nghĩa là “nồi nước” theo tiếng Hmong. Món ăn khá đơn giản, nhưng cần có bí quyết để trở nên ngon miệng. Nguyên liệu chính của món ăn là nội tạng, thịt, xương của trâu, bò hay ngựa… nấu ong chảo cùng với những gia vị đặc trưng của miền cao. Người dân Tây Bắc thường ăn Thắng cố, uống rượu ngô trong những phiên chợ như một tập quán không thể thiếu của họ.

Casu marzu – Ý

Người dân ở khu Sardinia, nước Ý nổi tiếng với món pho mát có dòi bò lúc nhúc này. Casu Marzu nhìn xa không khác gì những cục pho mát khác, nhưng nhìn gần chúng ta sẽ thấy đầy ắp những con dòi được sinh ra từ những con ruồi mà họ cho phép chui vào. Và cứ như vậy mà ăn, mà cảm nhận sự ngọ nguậy, lợn cợn của hàng trăm ấu trùng ruồi trong miệng.

Sannakji – Hàn Quốc

Món Bạch tuột sống của Hàn Quốc từng gây cơn sốt trên youtube, tuy vậy, ngoài đời rất ít ai muốn tìm đến món ăn quá kì dị này. Bạch tuộc được nuôi trong nhà hàng, sống cho đến khi có ai gọi đến chúng. Người đầu bếp cắt nhỏ chúng ra, ướp gia vị, sau đó đưa ra cho thực khách cùng với lời nhắc nhở: nhai nhanh và ngay kẻo những xúc tu ngọ nguậy ấy dính vào họng. Món ăn này khó nuốt theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, nếu không có kinh nghiệm ăn, bạn rất dễ bị nghẹn.

Caloo de Caroan – Bolivia

Caloo de Caroan – Súp dương vật và tinh hoàn bò tót là món ăn khoái khẩu của người Bolivia. Món ăn này hơi dai và khó nuốt, nhưng người dân bản địa tin rằng nó có tác dụng bổ dưỡng theo kiểu “ăn gì bổ nấy”, ngoài ra còn giúp chữa thiếu máu, phục hồi sinh lực.

Đầu cá thối – món ăn của người Eskimo

Món ăn này rất dễ làm, chỉ cần cắt đầu cá hồi thành miếng nhỏ rồi bọc trong cỏ và chôn dưới hố rêu trong khoảng 1 đến 1 tháng rưỡi. Sau đó đầu cá được đào lên và ăn. Đầu cá thối không những trông đáng sợ, mà còn có mùi vị thuộc loại “đỉnh của thối”, vì vậy rất ít du khách nào dám lại gần, chứ đừng nói nếm thử món ăn này.

 

Ếch sống  – Nhật Bản

Đây là một loại Sashimi làm nhiều tín đồ Sashimi phát hoảng. Ếch được nuôi ngay rong bếp cho đến khi có người gọi. Đầu bếp mổ bụng, lột da, vứt đi những phần không ăn được – và khi dọn ra bàn, tim ếch còn đập, mắt ếch còn chớp, cơ thể còn co giật… VÀ để tăng phần ấn tượng, người ta thường làm thịt ếch ngay trước mặt thực khách.

Bạnh Bư tổng hợp.

 

 

 

 

 

 

 

 

Cách làm Sữa bắp

 Bắp (ngô) là loại quả thân thiện và bổ dưỡng cho tất cả mọi người. Một trái bắp mỗi ngày, có thể đẩy lùi hàng tá bệnh: táo bón, các bệnh đường ruột, mắt, tim mạch, thiếu máu, stress, suy giảm trí nhớ… nó cũng có tác dụng hỗ trợ tốt cho thai phụ.
Với những lý do trên, không có lý nào chúng ta lại bỏ qua được công thức làm món sữa bắp vừa ngon vừa bổ sau đây:

Nguyên liệu:

  • Bắp ngô: 3 trái
  • Sữa tươi: 5 lít, hoặc sữa đặc pha ra.
  • Đường

Cách làm sữa ngô:

– Dùng dụng cụ tách hạt ra khỏi cùi bắp, có thể dùng dao nạy hoặc gọt.

– Rửa sạch hạt bắp rồi để ráo.

– Trút hột bắp vào máy say sinh tổ, cho thêm nước sôi để nguội vừa đủ, tùy theo bạn muốn uống loãng hay đặc.

– Sau khi xay thì lọc bã, cặn bằng rây lọc. Sau đó cho phần nước xay bắp đã lọc vào nồi, nấu sôi.

– Vừa nấu vừa dùng vá khuấy đều để cho phần bột bắp không bị bám dưới đáy nồi.

– Khi sôi thì bắt đầu đổ sữa tươi và đường vào, khuấy đều. Nếm cho vừa miệng.

– Đợi nồi sữa sôi lại lần nữa là xong. Uống khi còn nóng rất ngon. Nhưng nếu nguội rồi thì bỏ tủ lạnh uống dần chứ không là nó hư.

Bé Thúi

Cách làm Cơm gà Hải Nam

Cơm gà Hải Nam là món ăn nổi tiếng của Trung Quốc nhưng khá phổ biến ở vùng Đông Nam Á. Tại Việt Nam, món cơm gà Hải Nam đã nỏi tiếng với cộng đồng người gốc Hoa ở Chợ Lớn Sài Gòn từ lâu. 

Nguyên liệu:

  • Gà ta hoặc gà đi bộ: 1 con
  • Gạo: đủ 1 bữa cơm
  • Gừng: 1 củ to, xắt lát 2mm
  • Hành lá xắt nhỏ.
  • Hành củ, tỏi băm nhuyễn
  • Xì dầu, tiêu, gia vị
  • Bơ Tường An.
  • Rau tùy chọn để nấu canh ăn kèm.

Cách làm:

  • Luộc gà:

– Thịt gà rửa sạch, để ráo. Lạng bớt một phần mỡ ra để riêng. Lấy muối hột chà lên mình gà cho sạch.
– Mở bụng gà nhét mấy miếng gừng & hành lá vào rồi đậy lại. Bước này là để gà luộc được thơm.
– Bắc một nồi nước đủ ngập con gà để luộc gà, bốc 1 nhúm muối thả vào nồi (chưa bật lửa), cho gà vào rồi mới đậy nắp nồi, bật lửa lớn. Nước sôi thì hớt bọt. Sôi chừng 5 phút thì vặn nhỏ riu riu nấu tiếp chừng 30 phút đồng hồ. Lấy cây tăm đâm vô gà soi coi có còn màu hồng không, nếu còn hồng thì nấu tiếp cho chín hẳn.
– Sau khi gà chín, bắt ra khỏi nồi và nhúng ngay vào cái chậu có chứa nước đá, nhúng cho tới khi cảm thấy da gà nguội rồi thì lấy ra. Như vậy sẽ có gà luộc da giòn.
– Để gà cho ráo, rồi chặt ra từng miếng vừa ăn.
– Phần nước luộc gà để đó chút nữa dùng tới.

  • Nấu cơm:

– Gạo vo sạch rồi để cho ráo nước.
– Chuẩn bị cái nồi bự, cho phần mỡ gà khi nãy vào, kèm theo 1 muỗng canh bơ Tường An, nấu cho tan hết ra rồi cho hành tỏi băm vào phi thơm.
– Trút gạo đã ráo vào nồi, xào trong khoảng 5 phút cho gạo hơi trong, thì hớt phần mỡ vàng trên nước luộc gà cho vào nồi.
– Đổ thêm 1 lượng nước luộc gà vào nồi sao cho xâm xấp mặt cơm, vừa đủ nấu cơm (nhiều quá coi chừng nhão). Vặn lửa vừa nấu tiếp cho tới khi cơm chín (khoảng 30 phút).
– Cơm chín thì xới lên cho tơi.

  • Phần nước ăn kèm:

Chấm gà: Pha muối, đường, ớt, vắt miếng tắc thành một hỗn hợp sền sệt cay nồng để chấm thịt gà.
Nước chan vào cơm: Làm nước mắm gừng, hoặc xì dầu.
Canh: Dùng loại rau gì tùy thích, cho vào nấu trong nước dùng gà.

Xong! Nấu món này hơi mệt, bạn nên chuẩn bị trước từ sớm rồi khi ăn mới bắt tay vào làm các bước cuối, như vậy đỡ mệt, ăn ngon miệng hơn.

Bé Thúi

Cách làm món Bún tôm Hải Phòng

Món bún tôm đẹp mắt và ngon miệng rất thích hợp trong những ngày trời nóng nực, chán cơm thèm bún.

Nguyên liệu:

  • Tôm sú hoặc tôm giảo: 3 lạng
  • Cà chua: 2 quả
  • Thịt ba chỉ: 200gr
  • Nấm mèo (mộc nhĩ): 2 cái
  • Nấm hương: 5 cái
  • Thìa là: 1 bó
  • Rau cần: 1 bó
  • Hành củ
  • Bún
  • Xương gà hoặc xương heo để nấu nước xương (không dùng xương đầu vì sẽ dễ hôi).

Cách làm:

  • Chuẩn bị:

Nấu nước xương: Bắc nồi nước sôi, cho xương chần qua rồi đổ nước đó đi. Xong lại đổ vào nồi một lượng nước vừa đủ ăn với bún. Cho vào chút muối. Nấu với lửa to cho tới khi sôi thì vặn nhỏ lại. Hớt bọt và váng béo cho nước trong. Đun nhỏ lửa từ 2-3 giờ. Xong thì trút ra để riêng phút cuối cùng mới dùng tới.

– Tôm rửa sạch, rút chỉ đen vứt đi, lột đầu và vỏ bỏ qua một bên. Phần thân tôm đem ướp với 1 muỗng cafe muối. Phần đầu và vỏ đem rang cho chín khô, sau đó cho vào cối giã nát. Trút vỏ tôm đã giã này vào cái rây rồi lọc lấy nước tôm.

– Thịt heo thái miếng mỏng, to vừa ăn.

– Mộc nhĩ rửa vò nhẹ nhiều lần bằng nước muối cho sạch. Ngâm mộc nhĩ và nấm hương vào nước ấm, cho thêm tí đường (1 đường + 4 nước), thời gian ngâm từ 20-30 phút, thấy mềm vừa đủ ăn thì lấy ra, thái sợi to bản khoảng 1cm.

– Nhặt rửa rau cần cho sạch, cắt khúc vừa đủ bỏ vô tô bún ăn. Chần sơ qua nước sôi cho mềm, để qua một bên.

– Cà chua bổ múi cau.

– Hành củ lột vỏ, xắt lát mỏng

– Thìa là rửa sạch, cắt thành cọng nhỏ vừa ăn.

  • Thực hiện:

– Bắc cái nồi to vừa đủ nấu nước dùng lên bếp, cho một ít hành củ xắt nhỏ vào phi thơm, sau đó cho tôm đã lột vỏ vào xào chừng 3 phút, tôm chín, săn thì vớt ra ngoài.

– Cho tiếp 1 ít hành củ xắt lát vào nồi, phi tiếp cho thơm rồi cho thịt vào xào, nêm chút nước mắm, bột ngọt, muối cho có vị. Phần thịt này săn chín thì trút ra bỏ vào chung với phần tôm vừa xào trước đó.

– Tiếp tục cho 2 loại nấm đã thái sợi vào nồi, xào khoảng 3 phút, nêm chút nước mắm. Nấm săn, ngấm thì trút ra 1 cái chén riêng.

– Phần hành củ xắt lát còn lại cho hết vào nồi, phi thơm rồi cho cà chua vào xào cho chín, ra nước, thì đổ nước dùng đã nấu ở bước chuẩn bị vào. Trút hết nước lọc tôm khi nãy vào trong nồi luôn.

– Đun sôi nước, sau đó nhỏ lửa nêm nếm lại. Nêm sao cho hơi nhạt một tí vì tôm thịt nấm khi nãy đã hơi mặn rồi.

  • Trình bày:

– Trước khi ăn thì trụng sơ bún qua nước sôi.

– Cho bún vào tô, xếp rau, tôm, thịt, nấm, thìa là lên mặt bún rồi chan nước dùng vào ăn nóng.

– Món này không quá phức tạp, chỉ là chuẩn bị nhiều nguyên liệu nên mới thành ra nhiều công đoạn. Nếu có nhiều thời gian chuẩn bị, bạn có thể thêm cá rô chiên giòn, chả lá lốt vào ăn chung, rất ngon nhé!

Bé Thúi.

Cách làm Chả cá trứng bắc thảo

Sự kết hợp giữa hai món rất hấp dẫn và đậm chất Á Đông là chả cá và trứng bắc thảo sẽ mang đến cho gia đình bạn một bữa ăn đầy phấn khích và thỏa mãn.
Nguyên liệu:

Cách làm:

– Chả cá thác lác mua về nếu đã nêm rồi thì làm luôn. Chưa nêm thì nêm 1/2 muỗng cafe muối, 1/2 muỗng canh nước mắm, 1/2 muỗng cafe bột ngọt, 1/2 muỗng cafe tiêu, rồi quết nhuyễn.
– Hột vịt bắc thảo rửa sạch tro trấu, luộc chín rồi lột vỏ.
– Chả cá đem ôm chung quanh trứng một lớp mỏng tầm 6mm.
– Chuẩn bị chảo lên bếp, đun dầu hơi nóng thì sắp trứng đã bọc chả cá vào chiên lửa vừa. Chiên vàng đều các mặt.

Vậy là xong :v

Trước khi ăn bày ra đĩa, bổ trứng ra làm tư sao cho thấy phần lòng đen của trứng bắc thảo, cốt để cho đẹp mắt và ai cũng ăn được cái phần nồng nàn hấp dẫn này.

Món này pha mắm chua ngọt, ăn với cơm rất ngon, cũng có thể xịt tương ớt lên ăn như món nhậu hoặc ăn vặt, tiệc liên hoan như cá viên, bò viên, nem chua rán…Khi ăn kèm vài sợi rau đinh lăng thì rất ok!

Chúc cả nhà ngon miệng nhé!

Bé Thúi.

Sự tích món Phở

Theo Alain Guillmin, người Pháp, món phở Việt Nam là kết quả đầy sáng tạo của Thi Ba – tình nhân của Francois Pierre Vidcoq – một hạ sĩ quan hải quân từng sống ở Sài Gòn từ 1910-1914, ông ngọai của tác giả -khi cô phải chế biến món pot au feu của Pháp cho ông ăn.

Bằng những hương thơm tinh tế của các lọai rau Việt Nam, Thi Ba đã làm ra món phở và nhanh chóng được nhiều người Sài Gòn thời đó biết đến. Đây chỉ là một trong nhiều sự tích về món phở, xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo.

Còn có cái gì đặc thù Việt Nam hơn phở, món ăn ngon lành mà Bích, đã nấu thật khéo léo khiến vị giác của chúng tôi đều thích thú. Cùng với trống đồng, đàn bầu và Truyện Kiều, không nghi ngờ gì nữa, đó là một trong những đóng góp chủ yếu của Việt Nam vào văn minh nhân lọai. Đến mức việc bàn luận về giá trị của những lọai phở khác nhau trở nên một lối thử bút mà những nhà văn lớn của Việt Nam thể hiện với sự khóai trá chẳng kém gì khi bình những câu thơ hay nhất của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du hay Xuân Diệu.

Chẳng hạn, trong cuốn Cát bụi chân ai, Tô Hòai kể lại chi tiết cho chúng ta một cuộc tranh cãi, nếu có thể gọi thế, giữa Nguyễn Tuân và Thạch Lam:”Những cái thích và vui ẩm thực của Nguyễn Tuân không chỉ dễ dãi vì miếng ăn miếng uống sang trọng, mà là hợp khẩu vị, và ngon theo ý mính…Bài bút ký Phở đã đưa tác giả vào hàng những tay cực thạo món quà này. Ít ai biết Nguyễn Tuân chỉ ăn một thứ phở, phở chín, phở thịt bò chín. Không đụng đũa vào bất cứ thứ phở nào khác. Thịt bò chín, nạm hay mỡ, bánh vừa phải không nẫu vồng lên -bánh thái sẵn hay thái máy như ở Sài Gòn, Nguyễn Tuân gọi đùa là vằn thắn phở. Xúc bánh xong, thái thịt rồi bày lên, rắc hành hoa và hạt tiêu – không ớt, mặc dầu thích ớt cay…Lùa thật nhanh, ăn thật nóng, lên hết chất phở, thú nhất. Không hành tây, mùi tàu, húng chó, không thêm nước mắm, dấm ớt, tương ớt, không mỡ váng, không mì chính cốt thưởng thức cái tinh túy của nước dùng xương. Tập ký “36 phố phường” của Thạch Lam khen cái ngon của một hàng phở gánh đỗ cạnh cây hương trong sân nhà thương Phủ Dõan, bát phở rỏ mấy giọt cà cuống. Cả thành phố chỉ có một hàng phở cà cuống ấy. Nguyễn Tuân thường cười: “Cái nước chè tươi nóng bỏng môi, cái bánh đậu xanh ngọt xít cổ, lại đến phở cà cuống, cái sự thích của anh nghiện vừa buông dộc tẩu xuống, kể cũng đáng viết cho ra nhẽ”.

Còn gì Việt Nam hơn phở! Nhưng không! Cần phải khôi phục lại sự thật, cho dù đó là niềm tự hào dân tộc. Phở là một trong những sản phẩm của thới Pháp thuộc, kết quả của một sự cộng tác chắc chắn là miễn cưỡng, giữa thực dân với bản xứ (hay nói đúng hơn, giữa một tay thực dân với một người đàn bà bản xứ). Tôi không dám úp mở thêm để làm mất thời gian của bạn đọc, chính ông ngọai tôi, Francois Pierre Vidcoq, một hạ sĩ quan hải quân từng sống ở Sài Gòn từ 1910 đến 1914, cùng với cô Thi Ba xinh đẹp của ông đã nghĩ ra cách nấu phở. Chính ông đã kể cho tôi, kể lén bà ngọai, một Bà Đầm, nghe chuyện này. Tôi sẽ cố gắng truyền đạt trung thành những lời ông kể. Xin nói thêm, ngay cả cái tên của món ăn tuyệt khẩu này chẳng qua cũng chỉ là cách phiên âm sang tiếng Việt của cụm từ Pháp:”pot au feu” – pô-tô-phơ – như các bạn dễ dàng hiểu sau khi đọc những dòng dưới đây…

“Pot au feu” của người Pháp

 

Chuyện thế này: Sau khi đã ổn định tại Sài Gòn, xa tấm thân đang thời xuân sắc của cô vợ người xứ Normandie, Francois Pierre chẳng bao lâu lại tràn trề ham muốn. Ngay cả dưới cái nóng nhiệt đới, thân xác cũng cần khóai cảm, nhà cửa cũng cần dọn dẹp và bàn ăn cũng cần phải có món ăn! Francois Pierre kiếm được một cô gái, đưa về sống trong căn nhà của mình. Mấy tháng trôi qua cũng chẳng đến nỗi nào: Francois Pierre không phải là một người đàn ông độc ác, anh không chửi mắng cô gái để chứng tỏ quyền uy với người da trắng, không đánh đập cô cho hả những lúc bực mình, còn Thi Ba phục vụ những nhu cầu hàng ngày của ông Tây. Ông ta cho phép cô thỉnh thỏang ra ngòai với chúng bạn, còn chuyện kia thì cũng không quá tuần một đôi lần, cốt làm dịu những đòi hỏi xác thịt bình thường.

Nhưng sau đó đột nhiên Francois Pierre ngã bệnh nhớ nhà. Anh trở nên ủ rũ, cáu kỉnh và dễ nổi xung. Những lúc không chỉ mắng Thi Ba hay thượng cẳng chân hạ cẳng tay với cô vì những lí do vớ vẩn, anh lại chúi mũi vào chai rượu ngải, mắt kiếm tìm vô vọng vệt xanh lơ của dãy Vosges, điều không thể nào làm được từ mảnh đất Nam Kỳ xa xôi này. Trong trạng thái lơ mơ say như thế, một câu nói cứ dai dẳng bên tai anh không lúc nào ngừng:”Du pot au feu, tôi thèm pô-tô-phơ, ước gì lúc này được một bữa pô-tô-phơ!”.

 

“Phơ, phơ, phơ ” Thi Ba chỉ nghe được có vậy và chẳng biết phải làm gì. Cô bạn của Thi Ba từng làm con ở trong nhà một viên quan Pháp, một viên quan to xa xỉ khó tưởng tượng nổi, đến mức đem theo đến Đông Dương cả một bà đầu bếp người Pháp, giải thích cho Thi Ba hiểu ra đầu đuôi mọi chuyện. Cái thứ pô-tô-phơ đang làm anh lính thủy đánh bộ kgổ sở hóa ra chỉ là một món súp, mà món súp thì Thi Ba biết nấu. Nếu như biết công thức của nó. Thi Ba chỉ bập bẹ tiếng Pháp bồi, Francois Pierre biết không quá hai chục từ tiếng Việt.

Phở Hà Nội

Cuối cùng, nhờ có một con chiên annamite trẻ tuổi biết thứ tiếng của Voltaire-nhân tiện cũng nói thêm rằng tác giả này bị những nhà truyền đạo chính thức cấm đọc- Thi Ba đã hình dung ra được những việc phải làm. Nguyên liệu, pha chế, cách nấu và gia vị, chẳng có gì giống với nghệ thuật nấu ăn của người Việt, thêm nữa, Francois Pierre khăng khăng muốn Thi Ba nấu sao cho giống hệt món pot au feu mà mẹ anh ta vẫn nấu. Rốt cuộc, sau vô số những lần thử nghiệm, những thất bại, cãi cọ, những nồi súp hỏng đổ xuống kênh, Thi Ba đã đi đến một kết quả tạm được Francois Pierre chấp nhận. Dĩ nhiên, món phở của Thi Ba khác hẳn món pot au feu ở quê anh, nhưng, như ngạn ngữ Pháp thường có câu:”Faute de grives on mange des merles!”. Dịch sang tiếng Việt, có nghĩa là:”không có cá lấy tôm làm trọng”.

Thay cho các gia vị truyền thống của nghệ thuật nấu ăn Normandie, Thi Ba sử dụng hương thơm tinh tế của các lọai rau Việt Nam. Món ăn mới này ban đầu được hai người say mê thưởng thức, sau đó đến các bạn bè, rồi bè bạn của bè bạn. Tất cả những người lính thủy từng ghé vào lấy thực phẩm tại cảng Sài Gòn trứơc chiến tranh thế giới lần thứ nhất đều sẽ nói với bạn, một cách thi vị về món súp của nàng Thi Ba xinh đẹp, cô gái của Francois Pierre Vidcoq.

Ông ngọai tôi sau đó đã trở về Normandie, để lại cho Thi Ba khỏan phụ cấp giải ngũ ít ỏi của mình. Với số tiền này, Thi Ba trở về Hà Nội, nơi chôn rau cắt rốn, mở một tiệm ăn và nó nhanh chóng trở thành nơi ưa thích của những tay sành ăn Hà Nội vốn đông đảo và hay chuyện. Danh tiếng của bà và của món phở ngày một lan xa. Khi ông ngọai tôi mất, bà ngọai tôi tìm thấy trên cổ ông một cái túi bằng lụa nhỏ, bên trong có ảnh một người đàn bà Annamite mặc quần áo cổ truyền cùng một ít lá thơm. Bà khóc suốt đêm và chôn ông cùng với chiếc bùa hộ mệnh ấy.

Câu chuyện về nàng Thi Ba xinh đẹp, Francois Pierre Vidcoq và món phở là như vậy. Chẳng biết đó là chuyện thật hay là chuyện bịa? Điều quan trọng là nó làm cho bạn thích thú và nhớ đến mỗi khi mũi bạn ngửi thấy mùi thơm ngào ngạt từ một bát phở lớn nóng hổi bay lên.

Alain Guillmin (Pháp)

 

Ngô Tự Lập (dịch từ nguyên bản tiếng Pháp).

Cách làm KEM CAM

 Kem vị cam rất dễ ăn và ngon miệng. Cách làm cũng không khó. Các bạn cùng thử nhé! 🙂

Nguyên liệu
Làm sữa đông vị cam:
• 2 trứng gà
• 3 lòng đỏ trứng gà
• 1 chén đường
• 3 muỗng canh bột bắp
• 1-1/4 chén nước cam vắt
• 1 lạng bơ không muối, dạng khối, để ở nhiệt độ bình thường
• 1 chút màu thực phẩm (hồn, cam, đỏ tùy ý)

Làm kem:
• 1,5 chén sữa đông, làm lạnh
• 1,5 chén kem tươi đậm đặc, làm lạnh
• 5 muỗng canh đường

Cách làm

• Đánh bông trứng, lòng đỏ và đường với nhau trong chảo. Đánh đều bột bắp với một chút nước ép cam để tạo thành hỗn hợp hơi sệt. Trộn đều nước ép và hỗn hỗn hợp này vào hỗn hợp trứng ở trên. Nếu cần, có thể sử dụng màu thực phẩm.

• Đun chảo, đánh đều hỗn hợp với lửa vừa cho đến khi hỗn hợp dày đặc hơn, bạn sẽ mất khoảng 15 phút. Cần phải đảo đều cả đáy chảo để tránh bị cháy. Tắt bếp và đánh đều trong bơ. Vậy là bạn đã làm xong phần sữa đông.

• Cho sữa đông vào tô và cho vào tủ lạnh. Hỗn hợp sẽ tiếp tục dày lên. Cho thêm sữa đông được bọc trong bao nhựa vào tủ lạnh, để trực tiếp đẩy ngược lại sữa đông ban đầu.

screenshot.581

• Đánh bông phần sữa đông và kem với nhau cho đến khi chúng được trộn đều. Rải đều một muỗng súp đường trong lúc đang đánh bông. Chuẩn bị theo hướng dẫn trên hộp.

Theo Sheknows

Cách làm Thịt bò xào rau cần

Món này dễ nấu, dễ ăn với mùi thơm đặc trưng của rau cần nước và vị ngon của thịt bò.

Nguyên liệu:

  • Thịt bò: 2 lạng
  • Cần nước: 1/2 bó (tùy)
  • Hành tây: 1 củ
  • Cà chua: 1 trái
  • Bột năng
  • Hành củ, tỏi, ớt
  • Xì dầu, muối, đường, bột ngọt, tiêu, giấm gạo

Cách làm Cần nước xào bò:

  • Chuẩn bị:

– Hành củ, tỏi băm nhuyễn.

– Thịt bò ngâm qua rượu trắng khoảng 10 phút rồi rửa sạch lại để khử mùi. Xắt lát mỏng ngang sớ, ướp với 1 muỗng cafe xì dầu, 1 muỗng cafe muối, 2/3 muỗng cafe đường, 1 phần hành tỏi băm, 1/2 muỗng cafe bột năng. Trộn đều rồi ướp trong 15 phút cho thấm.

– Rau cần làm sạch, ngâm trong nước vo gạo 5 phút cho ra hết rêu bám, rồi rửa lại bằng nước, cắt khúc khoảng 5cm. Chia ra cọng riêng lá riêng.

– Củ hành tây và cà chua mỗi loại bổ ra làm 6.

– Ớt xắt lát mỏng nhỏ.

  • Thực hiện:

– Bắc cái chảo, cho chút dầu ăn, 1 tí muối, phi thơm 1 phần hành tỏi băm. Cho cọng cần vào xào 1 phút rồi cho lá vào xào tiếp nhanh tay, rau hơi mềm thì trút ra đĩa đừng để nhũn.

– Tiếp tục cho phần hành tỏi băm còn lại vào chảo phi thơm trong lửa lớn, rồi cho thịt và cà chua vào xào nhanh tay, tới khi thịt vừa tai tái thì cho hành tây và ớt xắt lát vào xào nhanh vài phát rồi tắt bếp.

– Trút chảo thịt bò hành tây lên đĩa rau cần lúc nãy. Rắc thêm ít tiêu rồi dọn ra ăn nóng với cơm.

Bé Thúi

5 LỜI KHUYÊN VỀ ĂN UỐNG CHO NGƯỜI BỊ BỆNH TIM

Hiện nay, phần lớn người có nguy cơ mắc bệnh tim chỉ chú ý làm sao để hạ cholesterol máu ở mức ổn định trong chế độ dinh dưỡng, Nên hàng ngày đành phải từ bỏ các món ăn khoái khẩu. Song các chuyên gia về tim mạch lại khuyên rằng: để có một trái tim khỏe mạnh, không nhất thiết phải kiêng khem quá khắt khe, mà cần phải điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hàng ngày sao cho đầy đủ và hợp lý.


Giảm lượng muối ăn

Để phòng ngừa bệnh tăng huyết áp, trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày cần phải hạn chế lượng muối ăn.

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo lượng muối ăn tối đa trong chế độ ăn mỗi ngày là 3g, nhưng thông thường chúng ta ăn gấp đôi số này. Vì trong thức ăn chế biến sẵn và các loại thực phẩm tự nhiên cũng đã có một lượng muối khoáng nhất định. Do đó, chú ý hạn chế các thức ăn chế biến sẵn có nhiều muối.

Giảm chất béo trong chế độ ăn

Để phòng ngừa bệnh lý tim mạch, trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày cần phải hạn chế sử dụng chất béo với cơ cấu lượng mỡ dưới 30% tổng năng lượng, nhất là lượng chất béo bão hòa. Chất béo bão hòa cần phải hạn chế dưới 10% vì nó là nguyên nhân chính và trực tiếp làm tăng cholesterol máu và cholesterol tăng cao là một yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra chứng xơ vữa động mạch và bệnh lý mạch vành. Do đó, cần phải thực hiện chế độ ăn giảm đến mức tối đa lượng cholesterol. Và phải thực hiện việc điều trị triệt để tình trạng tăng cholesterol

Tăng lượng chất bột chiếm 50 – 55% tổng số năng lượng

Chất bột là chất cần gia tăng trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày nhưng chỉ dừng lại ở mức 50 – 55%, loại chất bột có trong các loại trái cây. Các loại rau quả, trái cây và hạt nguyên vỏ ngoài việc cung cấp tinh bột nó còn chứa nhiều chất rất có ích cho sức khỏe tim mạch và ung thư như chất xơ, chất chống oxy hóa…

Tinh bột còn có trong các sản phẩm như: ngũ cốc, cơm, các loại mì ống và bánh mì.

Hạn chế lượng đạm ở khoảng 15% tổng số năng lượng

Theo các chuyên gia về dinh dưỡng, trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày của người bình thường, lượng chất đạm chiếm 30% khẩu phần và đối với người mắc bệnh tim mạch, trong khẩu phần ăn, lượng đạm chỉ nên chiếm 15% tổng nhu cầu năng lượng.

Cần tránh xa bia, rượu

Các chuyên gia về dinh dưỡng cho rằng rượu có tác dụng phức tạp đối với sức khỏe tim mạch. Do đó, cần phải tránh xa bia rượu. Mặt khác, các chuyên gia tim mạch lại cho rằng việc uống một ít rượu vang đỏ làm giảm nguy cơ lên cơn đau tim, vì các lý do như sau:

Thứ nhất, rượu làm tăng nồng độ loại cholesterol tốt (HDL) trong máu, giúp giảm nguy cơ bệnh tim.

Thứ hai, vài loại rượu có khả năng hạn chế sự đông máu, đây là quá trình chính dẫn đến cơn đau tim.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa xác định chính xác chất nào có trong rượu vang đỏ có tác dụng hạn chế đông máu nói trên.

Kiểm soát trọng lượng

Béo phì, thừa cân là yếu tố nguy cơ gây nên nhiều bệnh lý như: đái tháo đường, tim mạch. Do vậy, trong chế độ ăn hàng ngày việc giảm cung cấp năng lượng sẽ làm giảm nguy cơ béo phì. Ngoài ra, còn phải tập thể dục thể thao để cơ thể duy trì cân nặng ở mức lý tưởng

Tóm lại, để có thể phòng ngừa các bệnh lý tim mạch, ngoài việc phải tập luyện thể dục thể thao thì chế độ ăn đầy đủ chất trong phạm vi nhất định theo tỉ lệ nhất định có vai trò rất lớn.

Theo BS. HỒ VĂN CƯNG/SK&ĐS

ĂN DƯA MUỐI MANG LẠI NHỮNG TÁC DỤNG GÌ?

Tuy là loại thực phẩm phổ biến tại Việt Nam, rất ít người quan tâm thực sự đến giá trị dinh dưỡng đích thực mà dưa muối mang lại. 

Các món dưa muối trong ẩm thực dân gian được chế biến theo quy kinh: chua, cay, mặn, đắng kết hợp vị ngọt nhạt của tương, cơm canh hay củ quả khác làm tăng tiết nước bọt; dưa muối thường nhai ròn sần sật, màu sắc và hương thơm quyến rũ mắt (can), lưỡi (tâm), miệng (tỳ), mũi (phế) và tai (thận) làm tăng hương vị và tăng chất lượng của bữa ăn – nguồn cung cấp năng lượng chính cho sự sống. Món dưa muối thường ít chú ý trong bữa ăn gia đình, thật tiếc nếu ta hiểu được giá trị đích thực của nó.

Dưa cải muối

Kỹ thuật muối dưa cải:Lá cảI 10 kg, phèn chua 50 – 100g, muối ăn 600 – 700g. Chọn lá cải hơi già và bánh tẻ (cây sắp có ngồng – sắp ra hoa và chưa có xơ) rửa sạch, phơi cho héo, dội qua bằng nước sôi, cho vào hũ. Đậy vỉ (tre) lên để rau không nổi trên mặt nước muối. Hòa tan muối và phèn trong nước nóng (khoảng 3 – 5 lít), lọc, để nguội, đổ vào hũ (âu, vại) có rau. Nước muối phải ngập trên vỉ. Đậy hũ kín. Sau vài ngày, rau cảI chuyển sang màu cỏ úa, nước chua là được dưa chua. Để hạn chế dưa chua quá, có thể vớt dưa cho vào hộp nhựa hay liễm, cho vào tủ lạnh để dùng dần.

2013-04-25.01.36.52-c5

. Khi muối dưa, ở môi trường thiếu oxy và nồng độ muối khoảng ≥ 4% là điều kiện thuận lợi cho khuẩn lactobacilii phát triển. Trong nước dưa chua có acid lactic và men lactic có tác dụng tích cực ức chế men thối rữa có hại trong đường ruột, có thể dùng nước dưa trong bữa ăn; nhưng phải đảm bảo vệ sinh và muối dưa đúng kỹ thuật.

Dưa khú: Do rau rửa không sạch, rau không ngập trong nước muối và nồng độ muối thấp. Vì vậy rau cần rửa sạch, phơi cho héo để rau hút nước muối và không làm giảm nồng độ muối; luôn luôn dìm rau trong nước muối. Ăn dưa khú dễ bị đau bụng, muốn ăn dưa khú phải nấu chín. Điều kỳ lạ là nấu dưa khú với cá nước ngọt, loại cá càng tanh (cá mại, đòng đong, cá thiểu, cá mè, cá trê…) thì canh dưa cá càng ngon, nên có câu: “Chồng chê thì mặc chồng chê. Dưa khú nấu với cá trê ngọt lừ”.

Cách muối dưa trên, dân gian gọi là muối sổi. Cách muối thường thấy của người dân miền Bắc trong mùa đông gần Tết âm lịch: Rau rửa sạch, phơi héo, xếp 1 lượt lá, rắc một lượt muối biển lên… cuối cùng đặt vỉ có đè vật nặng (hòn đá, cục đất nung), đổ nước muối ngập rau và đậy kín. Cách làm này làm cho dưa muối mặn hơn; nhưng dưa muối ăn với thịt đông hay thịt mỡ thì ngon tuyệt, là món ăn đặc sản trong những ngày tết âm lịch.

Cải bắp muối: Cách làm cũng như trên, nhưng dưa cải bắp thường muối sổi. Rửa sạch lá già hay bánh tẻ, thái phiến, phơi cho héo. Cho nước có muối như dưa cải canh. Dưa cải bắp muối thường dùng trong 3 – 5 ngày giống món Kim chi truyền thống. Dưa cải bắp muối có giá trị như dưa cải thảo muối hay món kim chi.

Dưa chuột muối: Chọn quả dưa non (dưa nụ, ít ruột, không có hạt và 1 phần hoa còn dính dưới quả). Rửa sach dưa, ngâm trong nước sôi 3 – 5 phút, lấy ra, ngâm vào giấm có pha 1% phèn chua; hoặc sau khi ngâm trong nước sôi, lấy ra, ngâm trong nước muối 5 – 7% có pha phèn chua đến khi dưa chua, tháo bỏ nước muối và thay bằng nước sạch vài lần để giảm bớt lượng muối. Sau đó ngâm lại trong giấm 2%. Để khoảng 1 tuần là ăn được. Dưa chuột có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, lợi tiểu tiện và tiêu phù. Dưa chuột ngâm giấm còn có tác chữa phù thũng.

Cà muối:

Cà muối sổi: Cà pháo 5 kg, muối 250g, tỏi 3 – 5 củ. Cà cắt bỏ núm (phần lá đài và cuống quả), rửa sạch; tỏi bóc bỏ vỏ cứng, giã nát. Cho cà, muối và tỏi giã vào hũ (âu, vại), đảo đều, đậy kín, để 4 – 6 giờ. Đặt vỉ có đè vật nặng lên trên, đổ nước sạch ngập vỉ. Để 3 – 5 ngày là ăn được.

Cà muối mặn: Dùng cà bát, cắt bỏ núm, rửa sạch, phơi héo, cho vào vại; cứ mỗi lượt cà rải lượt muối, lượng muối sử dụng khoảng 15 – 25 %. Đặt vỉ, đổ nước sạch gần ngập vỉ và đổ lên trên phần muối còn lại, đặt lên trên một vật nặng. Sau 15 ngày -1 tháng mới dùng được. Cà muối theo cách này thường mặn chát nên trước khi ăn phải ngâm trong nước rất lâu mới bớt mặn.

Cà có vị ngọt, tính hàn; có tác dụng nhuận tràng, lợi tiểu, tiêu thũng, trừ ôn dịch, hoạt huyết, tiêu viêm chỉ thống; là tác nhân kích thích chuyển hóa cholesterol ở gan. Cà có chất solanin, một alcaloid độc, có nhiều khi quả còn non xanh, do đó không ăn nhiều cà sống. Cà chọn để muối thường quả già nên lượng chất solanin giảm; hơn nữa khi muối, lượng acid lactic tăng trong quá trình lên men kết hợp chất kiềm – solanin thành muối làm giảm độc. Mâm cơm gia đình thường có món canh (luộc, sào), món mặn (thịt hay cá), nước chấm và món dưa muối; nên món cà muối trong mâm cơm chỉ là món kích thích tăng nước bọt, tăng hương vị trong bữa ăn.

Cà muối chấm tương là món ăn khoái khẩu. Tương được chế biến từ đậu nành với ngũ cốc qua quá trình đồ chín lên men; chế tác với nhiều công đoạn. Ở nước ta, tương Bần Hưng Yên, tương Nam Đàn đã có truyền thống lâu đời. Tương giàu chất dinh dưỡng, hương vị thơm ngon, dễ tiêu, có tác dụng giảI độc, vừa làm phụ liệu gia vị để chế biến nấu ăn nên kết hợp với cà muối có tác dụng tiêu thực, bổ tỳ vị và giải độc.

Hành muối, củ kiệu muối: Hai món này ăn với thịt mỡ làm tăng hương vị và đỡ ngán mỡ. Hành, tỏi kiệu có mùi thơm, vị cay, tính ấm, không độc, có tác dụng phát tán giải cảm, ôn trung, thông dương, hoạt huyết, giải được chứng uất do bên ngoài gây nên. Khi lên men làm mất vị cay, loại bỏ tính phát tán mà giữ lại tính tiêu thực, ôn trung, giải uất; sau chế biến có thể đáp ứng nhu cầu ăn thịt mỡ.

Củ tỏi muối: Tỏi vị cay, tính ôn, hơi có độc; vào kinh phế, can, vị. Tác dụng giảI độc, thông khiếu, tiêu đờm, tiêu nhọt, trị đầy trướng trùng tích, tả, lỵ, bí đại tiện và hạ huyết áp. Tỏi tươi có allin, khi đập dập, men allinase chuyển allin thành allixin có vị cay, mùi khó chịu. Trong quá trình muối chua, vị cay mất đi làm giảm tính thăng (đi lên) và phát tán nên chủ yếu tác dụng vào kinh can vị.

Nhút: Nhút được chế biến từ quả mít xanh (loại mít bở, hạt trong các múi chưa có vỏ cứng dai). Gọt bỏ lớp vỏ có gai, tháI thành sợi từ ngoài vào trong sao cho xơ, múi đều được xắt thành sợi dài. Ngâm nước gạo cho hết nhựa và làm sợi trắng, để ráo (có thể phơi cho héo), trộn muối để làm sợi mít mềm, thêm ớt, gừng và vài khúc mía nhỏ; cho vào hũ (âu, vại), thêm ít nước; dùng phên tre ép trên và có viên gạch hay cục đá sạch nén để cho nhút không nổi trên mặt nước dễ thâm đen. Đậy kín, sau 5 – 7 ngày là ăn được. Nhút chấm tương Nam Đàn là đặc sản xứ Nghệ. Nhút còn được nộm với thịt ba chỉ, thịt thủ, thịt thăn, ăn với bánh đa vừng, lạc rang hoặc nấu cá chua.

Kim chi: Kim chi có nguồn gốc từ Triều Tiên. Kim chi truyền thống được chế biến đơn giản từ cải thảo (cải bẹ trắng) với muối, ớt, gừng tỏi; đặc biệt nhiều ớt nên rất cay. Có thể dùng củ cải, bắp cải, dưa chuột… làm món này. Món ăn có thể sử dụng từ 1 – 5 ngày sau khi chế biến, không để lâu được. Để giảm bớt cay, sau này người ta pha trộn với rau củ quả khác để có chua, ngọt, mặn với màu trắng đỏ (tỏi, ớt, hành, gừng, muối đường…). Kim chi cải tiến có mùi vị khác hẳn kim chi truyền thống, nhưng lại hợp với khẩu vị người Việt Nam. Kim chi nghĩa gốc là rau củ ngâm (chua và mặn), trong khi ngâm, men lactobacilii hoạt hóa làm lượng acid lactic trong sản phẩm tăng; bên cạnh đó còn có các men vi khuẩn có ích. Sự lên men trên rau cải bẹ trắng, rau cải, dưa chuột cùng nhiều ót, tỏi, rau thơm đều có lợi cho sức khỏe.

Theo Lương y Thảo Nguyên/SK&ĐS

 

Ăn thì là, ngừa ung thư

Nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy chất anethole đặc biệt có trong cây thì là có thể làm giảm viêm nhiễm và có khả năng ngăn ngừa ung thư. Rau thìa là (thì là) tên khoa học là Anethum graveolens, Mỹ ngữ gọi là “dill”, họ hoa tán.

Người ta thường dùng lá, quả và hạt để làm hương liệu, chế biến thức ăn, dùng lá thìa là làm rau hoặc gia vị, nhất là các món như canh cá, canh lươn, ốc, cháo cá… vừa thơm ngon vừa át được mùi tanh.

Khi ăn loại gia vị này, cơ thể sẽ hấp thu được lượng lớn chất dinh dưỡng cũng như chất chống oxy hóa. Các bà nội trợ có thể tận dụng lợi ích của thì là bằng cách chế biến súp cà chua, thì là và tỏi; sử dụng thì là cho các bữa canh cá.Ngoài tác dụng làm gia vị trong ẩm thực, lá, quả và hạt thìa là còn được dùng để làm hương liệu chế biến thức ăn và làm thuốc.

Thì là cho vào một số món canh làm món ăn thêm hấp dẫn.

Loại rau này rất quen thuộc trong các món ăn của người Ý và người dân vùng Địa Trung Hải, nó rất dễ chế biến và có nhiều chất dinh dưỡng.

Có thể ăn được mọi thứ trên cây thì là từ gốc, thân, lá cho đến hạt, nó giòn, ngọt và có vị như cam thảo. Thì là chứa rất nhiều dưỡng chất thực vật, ngoài ra có còn có vitamin C, chất xơ, folate và kali.

Nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy chất anethole đặc biệt có trong cây thì là có thể làm giảm viêm nhiễm và có khả năng ngăn ngừa ung thư.

Gốc cây thì là trông như một củ hành lớn có bẹ lá, có thể lột các lớp vỏ bên ngoài ra và sử dụng như củ hành.

Lá cây có thể dùng làm món rau trộn, nấu canh hoặc để trang trí món cá nướng. Ngoài ra, thì là cất trong tủ lạnh vẫn còn tươi tốt và dùng được sau nhiều tuần.

Thì là giúp kích thích sản xuất tăng tiết sữa cho những phụ nữ đang cho con bú và làm giảm trọng lượng cơ thể.

Loại thảo dược này có chứa nhiều khoáng chất Fennel và các vitamin: vitamin C, chất xơ, mangan, kali, magiê, canxi, sắt, vitamin B3… giúp kháng khuẩn và rất hữu ích cho hệ thống miễn dịch.

Cây thì là chứa nhiều vitamin C cần thiết cho những hoạt động của hệ thống miễn dịch, đồng thời bảo vệ các động mạch khỏi lão hóa.

Hơn nữa do có chứa nhiều chất xơ nên thì là giúp giảm mức độ cholesterol trong cơ thể. Ngoài ra, các chất xơ có trong thì là còn ngăn ngừa ung thư đường ruột do nó có tác dụng loại bỏ độc tố và chất gây ung thư từ ruột.

Chất xơ có trong thì là có tác dụng ngăn ngừa ung thư đường ruột, do nó có thể loại bỏ độc tố và chất gây ung thư từ ruột.

Kali có trong thìa là còn là một khoáng chất cần thiết giúp làm giảm huyết áp cao cho những người bị bệnh tim.

Với nhiều công dụng trong chữa bệnh, rất tốt cho sức khỏe con người, bạn hãy áp dụng trong gia đình mình thật đơn giản khi dùng thì là làm gia vị cho những món ăn cần dùng tới thì là để tăng hương vị cho món ăn gia đình bạn.

Cùng với đó, là loại rau với giá thành rẻ, dễ mua, hãy đảm bảo hơn cho sức khỏe gia đình bạn với một bước thật đơn giản này nhé!

Theo Phunutoday

Thực phẩm cho người thức khuya

Thức khuya là một thói quen không tốt cho sức khỏe vì chúng gây ra nhiều tác động tiêu cực như mệt mỏi, lão hóa sớm, suy giảm miễn dịch, da thô sần, giảm thị lực… Vì vậy, muốn giữ gìn sức khỏe để làm việc khuya, bạn cần chú ý nhiều hơn đến chế độ ăn uống hàng ngày với những thực phẩm giàu dinh dưỡng dưới đây.

1. Cà rốt

Có thể nói, mắt là một trong những bộ phận bị căng thẳng nhất trong mùa hè này. Đáng lẽ phải được nghỉ ngơi sau một ngày làm việc, mắt lại tiếp tục phải phục vụ cho sở thích xem bóng đá của bạn vào ban đêm.

Việc liên tục nhìn chăm chú vào chiếc ti vi trong nhiều giờ liền sẽ khiến “cửa sổ tâm hồn” của bạn rơi vào trạng thái mệt mỏi vì hoạt động quá sức.

Cà rốt là thực phẩm mà mắt đang cần vì chúng chứa nhiều carotene. Khi được hấp thu vào trong cơ thể, carotene sẽ được chuyển hóa thành vitamin A, có tác dụng ngăn ngừa tình trạng suy giảm thị lực. Do đó, hãy ăn nhiều cà rốt hơn để giúp mắt bớt mệt mỏi và cải thiện thị lực tốt hơn.

2. Chuối

Không chỉ giàu ka-li, chuối còn cung cấp nhiều ma-giê. Các kết quả nghiên cứu cho thấy ka-li giúp hỗ trợ việc duy trì sự ổn định của huyết áp và nhịp tim, ngăn ngừa chứng cao huyết áp và tình trạng co thắt các cơ. Trong khi đó, ma-giê lại có khả năng hạn chế mệt mỏi.

Một số thành phần dinh dưỡng trong quả chuối sẽ biến đổi nhanh chóng thành đường glucose – vốn được hấp thu ngay nên sẽ cung cấp năng lượng kịp thời để bạn đủ sức theo dõi các trận đấu suốt đêm.

3. Cá

Thực phẩm này rất giàu các vitamin nhóm B, có tác dụng ngăn ngừa tình trạng suy giảm thị lực, hạn chế căng thẳng, bảo vệ gan. Thức đêm thường xuyên khiến cơ thể và mắt đều mệt mỏi, căng thẳng… dẫn đến những triệu chứng như mất ngủ, hay quên, giận dữ hoặc lo lắng.

Vì thế, hãy ăn cá nhiều hơn trong giai đoạn bạn xem bóng đá liên tục để bổ sung thêm các vitamin nhóm B cho cơ thể, hạn chế được những triệu chứng kể trên.

Ngoài ra, cá còn cung cấp nhiều protein và khoáng chất, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng mà cơ thể cần, tăng cường hệ miễn dịch.

4. Gan

Gan là nguồn thực phẩm tuyệt vời cho những ai muốn bảo vệ sức khỏe trong khi phải thức khuya nhiều.

Lượng vitamin A dồi dào trong gan giúp ngăn ngừa tình trạng khô mắt, căng thẳng ở mắt do phải hoạt động nhiều và liên tục. Người thức khuya thường gặp phải những bệnh về nội tiết do khả năng bài biết độc tố của cơ thể bị suy giảm. Trong gan có chứa vitamin B không chỉ tốt cho mắt mà còn bổ sung thêm coenzyme, hỗ trợ việc loại thải độc tố ra khỏi cơ thể.

Tuy nhiên, cũng không nên ăn quá nhiều gan vì những thực phẩm có nguồn gốc từ nội tạng động vật có thể gây ra một số tác động tiêu cực cho sức khỏe.

5. Hẹ

Là một loại rau có giá trị dinh dưỡng cao, hẹ chứa nhiều carotene sẽ được chuyển hóa thành vitamin A sau khi cơ thể hấp thu.

Do đó, những người thức khuya nên ăn nhiều hẹ để giữ gìn sức khỏe cho gan và mắt. Bên cạnh đó, loại rau này còn có ích trong việc cải thiện màu sắc của da, giúp da trắng sáng hơn. Nhờ đó, tình trạng sạm và thô sần da do thức khuya sẽ được cải thiện rõ rệt.

Lưu ý: hẹ cung cấp nhiều chất xơ nên nếu ăn quá nhiều cùng một lúc có thể gây đầy bụng, khó tiêu hoặc tiêu chảy.

Theo Hồng Xuân/PNO

ĂN GÌ ĐỂ TRỊ DỨT NHỮNG CƠN ĐAU NỬA ĐẦU?

Đau nửa đầu là triệu chứng rất “quen thuộc ” trên thế giới. Ước tính có khoảng 1 tỉ người phải thường xuyên gánh chịu những cơn đau khó chịu này. Khi bị đau nửa đầu, nhiều người thường tìm đến những liều thuốc giảm đau, tuy nhiên đó không phải là cách để trị dứt bệnh.

Người bị đau nửa đầu nên ăn thực phẩm giàu enzyme, chất chống oxy hóa và vitamin
Người bị đau nửa đầu nên ăn thực phẩm giàu enzyme, chất chống oxy hóa và vitamin

 

Thay vì chữa đau theo kiểu… chữa cháy bằng cách dùng những viên thuốc giảm đau đầy “thế lực”, sao bạn không thử đi tìm căn nguyên để mà ngăn chặn chúng trước khi chúng xuất hiện? Dưới đây là một số cách, vốn không chỉ giúp trị đau nửa đầu một cách tự nhiên mà còn giúp bạn ngăn chặn những cơn đau triền miên mà không cần phải nhờ vào những loại thuốc kê toa

Tránh xa các loại thực phẩm có chứa monosodium glutamate hay còn gọi là MSG. Đây là loại phụ gia có rất nhiều trong các loại thực phẩm, súp, thức ăn chế biến sẵn… MSG cũng là một “nghi phạm” gây ra “Hội chứng quán ăn Tàu” (Chinese Restaurant Syndrome). Ngoài MSG, cũng nên tránh các loại thực phẩm có chứa aspartame, nitrates, sulfites. Những hóa chất kể trên sẽ làm “ngòi nổ” cho những cơn đau nửa đầu xảy ra liên tu bất tận. Rất nhiều bệnh nhân đau nửa đầu giảm được nhiều tần số và cường độ của các cơn đau nửa đầu chỉ theo một cách đơn giản là tránh xa những loại thực phẩm có chứa những hóa chất kể trên.
Những thực phẩm giàu enzyme giúp hạn chế các cơn đau nửa đầu gồm các loại rau hoa quả, gia vị như quả bơ, đu đủ, dứa, lô hội, dưa chuột, tỏi, gừng, giá đỗ, dừa,…Ăn những loại thức ăn chứa nhiều dinh dưỡng, cần tránh xa các thức ăn có chứa những tác nhân gây dị ứng. Chú trọng những loại thực phẩm có chứa nhiều chất dinh dưỡng thực vật (phytonutrient), các loại thực phẩm giàu enzyme, các chất chống oxy hóa, các loại thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất… Những loại thực phẩm kể trên có tác dụng “tân trang” lại hệ thống thần kinh, nhờ đó sẽ cải thiện được tình trạng đau nửa đầu.

Cần phải được kiểm tra lượng hoóc-môn. Rất nhiều người không để ý rằng hàm lượng hoóc-môn trong cơ thể có tác động sâu sắc lên sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần. Đối với chứng đau nửa đầu, hàm lượng hoóc-môn “trồi lên, trụt xuống” cũng là một trong những nguyên nhân. Riêng đối với phụ nữ thì cần phải được kiểm tra thường xuyên khi bước vào giai đoạn mãn kinh. Cũng cần nên biết rằng nếu lượng estrogen quá nhiều thì càng làm cho tình trạng đau nửa đầu càng trở nên “bát nháo” hơn. Cần chú trọng hơn đến những khẩu phần dinh dưỡng có tác dụng hoặc hỗ trợ việc cân bằng hoóc-môn. Cần chú ý đén những lại thực phẩm có chỉ số đường huyết (glycemic index) thấp và những loại giàu chất dinh dưỡng thực vật như rau cải ăn sống, các loại hạt, thịt các loại động vật được nuôi bằng cỏ, các loại đậu…

Cần bổ sung cho cơ thể khoáng tố magnesium. Trong xã hội công nghiệp hiện nay, sự thiếu hụt khoáng tố magnesium là điều khó tránh khỏi, sự thiếu hụt này lại càng gây “khó dễ” hơn cho những bệnh nhân bị vướng đau nửa đầu. Những loại thực phẩm giàu magnesium bao gồm: rau cải xanh, cá, trái bơ, các loại hạt…

Uống nước tinh khiết, nước có tính kiềm, tránh các loại nước uống có chứa nhiều fluoride, cũng nên hạn chế cà phê, soda, các loại nước ngọt vô lon. Nước uống có chứa nhiều fluoride được cho là có khuynh hướng làm gián đoạn hoặc xáo trộn sự tiết hoóc-môn trong cơ thể. Fluoride cũng được xem là thủ phạm gây rối loạn chức năng tuyến giáp, thường gây ra những cơn đau mãn tính, rối loạn chức năng thần kinh và những đề khác của sức khỏe, tất nhiên sẽ càng gây bất lợi cho những bệnh nhân đau nửa đầu.

Theo DS. NGUYỄN BÁ HUY CƯỜNG/SK&ĐS

 

RỦ NHAU VỀ MIỀN TÂY ĂN MÓN NƯỚNG

Về miền sông ăn cá nướng thơm ngày mưa” (nhạc Phạm Duy)

Ẩm thực miền tây vẫn còn mang đậm nét sơ khai, dân dã của những người đi mở cõi, và đây cũng là nét hấp dẫn du khách đến thăm vùng đất này từ bao lâu nay. Mùa mưa, mùa nước nổi, cũng là mùa miền tây có nhiều món ngon, nhất là những món nướng…

Cá lóc nướng trui
Cá lóc nướng trui là món ăn được người nông dân Nam bộ chế biến nên sau những buổi làm đồng. Cá bắt lên chỉ cần rửa sạch, um rơm nướng chín là có thể cùng nhau thưởng thức ngay giữa cánh đồng rộng gió.Từ món ăn đơn giản đó, cá lóc nướng trui nhanh chóng trở thành một đặc sản mà du khách khi đến Nam bộ đều muốn được một lần thưởng thức. Theo người dân Nam bộ, món ăn muốn ngon thì cá lóc nhất thiết phải là loại sống trong môi trường tự nhiên.Chế biến cá lóc nướng trui không hề khó nhưng nó cũng đòi hỏi sự khéo tay cũng như kinh nghiệm của người làm bếp. Cá nướng chín được bày ra trên lá chuối, cạo bỏ phần vảy cháy đen bên ngoài để lộ ra phần da chín vàng ươm thơm nức đầy hấp dẫn. Món ăn này phải thưởng thức với một rổ rau sống tươi ngon.
Rắn bông súng nướng mọi
Rắn bông súng là một loại rắn lành, thường sống ở đầm, lung, ao, hồ, ruộng ngập nước. Rắn bông súng nướng mọi trên lửa than hồng, khi mùi thơm phảng phất bay lên, da rắn phù ra rồi nứt bung là rắn đã chín tới. Để rắn trên lá chuối xanh, cầm lên bẻ thành khúc, chấm muối ớt ăn kèm với rau răm, diếp cá rất ngọt, rất hấp dẫn.
Gà nướng đất sét
Gà nướng đất sét là một trong những món nướng không thể thiếu khi người Tây Nam Bộ chiêu đãi khách phương xa khi họ tới nhà.
Gà nướng đất sét. Ảnh: Hanhtrangphuot
Với con gà được đắp đầy đất sét với bùn nhão bên ngoài, thui bằng rơm theo đúng cách chế biến nguyên bản của nó. Gà được thui tới khi đất sét khô nứt, bóc đất ra là sạch cả lông. Với cách chế biến này, các chất dinh dưỡng trong gà được giữ nguyên trong từng thớ thịt, có giá trị dinh dưỡng cao. Sự hòa hơp từ vị béo của mỡ gà, mùi thơm của rau cùng với vị mặn chua của miếu tiêu chanh, muối ớt cộng với mùi thơm thoang thoảng của rơm giúp người ăn cảm nhận được sự khác biệt của khẩu vị món ăn đồng quê.Hiện nay, trong các quán nướng, món này đã được thay đổi để thích hợp với không gian quán. Gà cũng được đắp đất sét nhưng bọc bên ngoài một lớp giấy bạc rồi nướng trên bếp than hồng nhưng cũng vẫn là một trong những món hút hồn từ người già cho đến trẻ nhỏ.
Ốc đồng nướng 
Ốc lác, ốc bươu ở Tràm Chim, Tam Nông rất chắc, cầm nặng tay. Sắp ốc lên vỉ nướng trên lửa than. Vỏ ốc rám khô, miệng ốc hở mi mí là ốc đã chín. Đợi ốc bớt nóng, người ta dùng tăm tre lể ốc chấm với nước mắm sả ớt bằm hoặc nước mắm chanh tỏi ớt.
Chuột nướng
Chuột lột da, bỏ đầu và bộ lòng, rửa sạch, để trong rổ chừng 10 phút cho ráo nước. Ướp chuột với nước mắm, tỏi đâm, tiêu giã dập, ít đường, chút bột ngọt, nếu có bột ngũ vị hương thì càng tốt. Sắp chuột lên vỉ nướng với lửa than hồng thật đượm. Khi thịt chuột ngả màu vàng nhạt, khô, cháy xem xém rìa là chuột đã chín. Sắp chuột ra dĩa, chấm thịt chuột với nước tương dầm tỏi, ớt. Đây là một món ăn ngon, dễ ăn, rất được nhiều người ưa thích.
Theo dantri.com.vn

10 món ăn Việt đạt giá trị ẩm thực châu Á

Đây là những món ăn đặc sản có sự độc đáo riêng biệt của các vùng miền của Việt Nam được so sánh đối chiếu với các món ăn đặc sản của các quốc gia trong toàn châu Á.

Những món ăn, đặc sản này sẽ được Tổ chức Kỷ lục châu Á tiến hành quảng bá trên các phương tiện truyền thông của nhiều quốc gia trong khu vực.

Dự kiến, đại diện Tổ chức Kỷ lục châu Á sẽ đến Việt Nam trao bằng xác lập 10 món ăn đặc sản này nhân dịp Hội ngộ kỷ lục Việt Nam lần thứ 27 vào tháng 2/2014.

10 món ăn, đặc sản Việt Nam đạt giá trị ẩm thực châu Á:

1. Chả cá Lã Vọng – Hà Nội

Chả cá được làm từ thịt cá quả, ướp với nước riềng, nghệ, mẻ, hạt tiêu, nước mắm, kẹp vào cặp tre nướng trên lò than hoa. Chả cá ăn nóng kèm với các loại rau thơm ở Láng (Hà Nội), bún Thanh Trì hoặc bánh đa, mắm tôm hoặc nước mắm.

2. Bún cá rô đồng – Hải Dương

Cá rô đồng luộc gỡ lấy thịt, đem rim khô để trong tô bún hoặc bánh đa, thêm rau xanh rồi cho nước dùng. Nước dùng được lọc từ đầu cá, xương cá, tuy nhiên mỗi quán có một bí quyết riêng để nấu nước dùng, để tạo nên vị thơm, ngọt đặc trưng của tô bún.

3. Chả Mực Hạ Long – Quảng Ninh

Mực tươi vừa mới đánh bắt lên từ biển, làm sạch, giã trong cối đá đến khi dẻo quánh, kết dính với nhau. Chả chín vàng ruộm chấm tương ớt, ăn nóng.

4. Cao lầu Hội An – Quảng Nam

Cao lầu có sợi mì màu vàng ươm do được trộn với tro củi tràm lấy từ cù lao Chàm. Mì dùng với tôm, thịt heo, các loại rau sống và một ít nước dùng. Cao lầu thường được bày bán trong các quán ăn 2 tầng, trên có treo đèn lồng xanh đỏ, thực khách có thể vừa thưởng thức món ăn vừa thưởng ngoạn không khí cổ kính phố cổ Hội An.

5. Bánh canh chả cá Quy Nhơn – Bình Định

Nổi tiếng ngon do được làm từ các loại cá tươi: cá thu, mối, rựa, chuồn…, chả cá Quy Nhơn gồm hai loại chả hấp và chả chiên, dùng chung với bánh canh bằng bột gạo hoặc bột lọc, có thêm hành lá, hành củ xát nhỏ, tiêu…

6. Gỏi lá – Kon Tum

Gỏi Lá Kom Tum đúng nghĩa phải có từ 40 đến 50 loại lá cây rất tốt cho sức khỏe, trong đó có 3 loại lá không thể thiếu được là mơ lông, đinh lăng và lá sung. Trên mâm gỏi lá có các món đi kèm là bì heo trộn thính, đĩa thịt heo ba chỉ thái mỏng, đĩa tôm sông xào thơm lựng, ít muối hạt, tiêu hạt, ớt hiểm…

7. Bánh Bèo bì – Bình Dương

Bánh bèo bì chợ Búng (Bình Dương) làm từ gạo đỏ, có vị thịt khìa trộn thính ăn cùng mắm ớt. Khác với các loại bánh bèo khác, bánh bèo bì chợ Búng đổ bằng gạo nguyên được vo đãi thật kỹ, làm bột, quấy với nước cốt dừa rồi đổ vào khuôn đem hấp chín. Đậu xanh đãi vỏ nấu nhừ làm nhân phết trên mặt bánh. Thịt heo nạc khìa với nước dừa, đem thái đều thành sợi nhỏ cỡ cọng bún, rải thính vào cho thơm và thấm đều. Tô nước mắm chua ngọt tỏi, ớt, chanh được pha sẵn. Khi ăn, sắp bánh bèo vào đĩa kèm thêm dưa chua, rau thơm, giá, rắc đậu phộng giã nhuyễn, chan nước mắm.

8. Bún suông (đuông) – Trà Vinh

Chả tôm tươi cho vào bao ni lông cắt một đầu nhỏ để nặn suông vào nồi nước dùng (nước lèo) đang sôi hoặc chiên sơ rồi cho vào nồi nước dùng khi ăn. Nước dùng nấu bằng xương lợn (heo), ít me, tương hạt.

9. Hủ tiếu Mỹ Tho – Tiền Giang

Khác với các hủ tiếu khác, Hủ tiếu Mỹ Tho khác với các loại hủ tiếu là dùng bánh khô, cọng nhỏ, hơi dai và hơi chua, được sản xuất từ gạo Gò Cát, Mỹ Tho. Ngoài thịt, lòng heo, tôm để trên mặt, tô hủ tiếu còn có thêm thịt bằm, trứng cút, cua hay sườn heo, ăn kèm giá sống, hẹ, ớt cắt lát mỏng, chanh. Nước nấu bằng xương lợn (heo), khô mực, tôm khô.

10. Bún cá Châu Đốc – An Giang

Bún cá Châu Đốc là món ăn được coi là khá đơn giản với cá lóc (cá quả), nước lèo và bún tươi. Nước dùng nấu bằng xương ống heo. Cá lóc đồng làm sạch, đầu cá được cắt rời nhưng vẫn giữ nguyên bộ lòng, luộc chín với một ít sả và củ nghệ đập dập giúp nước dùng sẽ có màu vàng đẹp mắt, không có mùi tanh của cá. Cá luộc chín, gỡ thịt, ướp gia vị, xào sơ với nghệ. Gia vị gồm có mắm cá linh, mắm ruốc hòa tan, củ nghệ giã nhỏ, lược bỏ xác cho vào nồi nước dùng. Bún cá ăn kèm rau diếp cá, húng quế, bắp chuối rau muống…

Theo cand.com.vn

Huffington Post: 7 lý do để bắt đầu ăn món Việt

[MAV] Tờ HuffingtonPost của Anh đã liệt kê 7 lý do để ăn món ăn Việt. Bài báo khá hot và hiện nay đã nhận được tới 16 ngàn lượt like, chúng tôi xin dịch lại cho mọi người tiện tham khảo và chia sẻ.
ĂN KHỎE: BẢY LÝ DO ĐỂ BẮT ĐẦU ĂN ĐỒ VIỆT
-The Huffington Post UK-

Không chỉ ngon, món ăn Việt còn thực sự bổ dưỡng.

Ít chất béo, không có gluten, đầy ắp các loại chất sinh tố và khoáng chất, đó thực sự là những món hoàn hảo để tăng cường hệ miễn dịch của bạn, đồng thời, để hỗ trợ giảm cân và cung cấp năng lượng.
Chúng tôi đã tìm hiểu từ nhà hàng Phở để rút ra được 7 lý do vì sao tất cả chúng ta đều nên chọn món ăn Việt:


1. Trẻ lâu hơn…

…nhờ các chất chống oxy hóa có tác dụng ngăn chặn tiến trình lão hóa. Các món gỏi và canh của dân Việt Nam có chứa nhiều sinh tố E và A, nhờ sử dụng các loại rau củ tươi, gia vị và thịt nạc.

Sinh tố E giúp chống lại các gốc tự do trong cơ thể bạn (một trong những nguyên nhân chính làm mau già), còn sinh tố A giúp phục hồi các vết xước, vết sẹo, xóa mờ nếp nhăn.

2. Giúp bạn sung sức, ít bệnh…

…qua việc cung cấp đủ vitamin và khoáng chất trong ngày chỉ bằng một cái bát. Món nước dùng mất tới hơn 10 giờ đồng hồ để chuẩn bị, và nó cũng là một nguồn cung ứng dồi dào cho bạn 10 loại sinh tố và khoáng chất, như là vitamin C, B3, B6, folate, sắt và magiê – những thứ đồng thời còn có tác dụng làm giảm mệt mỏi.

Rau trộn các thứ kiểu Việt Nam cũng rất chất: món gỏi đu đủ tôm ở nhà hàng Phở cung cấp tới 50% lượng dinh dưỡng cần thiết mỗi ngày từ sinh tố C cũng như B1, B6, B3, folate, biotin, kẽm, đồng, ma giê và kali. Tuy bổ như vậy, nhưng chúng chỉ có 200 calo và ít hơn 2g chất béo trong mỗi dĩa, cho nên chúng tôi đã phải gọi món salad đó là “món ăn đỉnh”.

3. Điều hòa lượng đường trong máu…

…nhờ việc hạn chế những thứ làm từ bột mì. Những món ăn làm từ loại ngũ cốc tinh chế dễ dàng được tiêu hóa, dẫn theo việc giảm một lượng đường đáng kể trong máu, đồng thời cũng làm bạn mau đói hơn. Món ăn Việt hầu như không chứa gluten, vì các món thường có nguyên liệu từ gạo, chẳng hạn bún, bánh tráng, bột gạo… chứ không làm từ lúa mì. Một vài món của Việt Nam làm với nước tương, nhưng có thể thay thế bằng một loại nước chấm khác không có gluten.

4. Cải thiện hệ tiêu hóa…

…từ việc ăn các loại thảo dược như rau mùi, bạc hà. Mỗi tô phở của Việt Nam thường đi kèm với một dĩa đầy những loại rau để bạn chọn và thêm vào tô của mình. Trong đó bạn có thể dễ dàng tìm thấy những loại rau bổ dưỡng, ví dụ như rau mùi, bạc hà, hai loại rau thường được coi là thuốc bổ cho gan đồng thời giúp thoát khỏi chứng khó tiêu, buồn nôn (và cả đau đầu).

5. Giúp cho mái tóc khỏe mạnh…

…với sắt, protein và sinh tố C. Ăn nhiều chất sắt và protein từ thịt nạc sẽ tốt cho sự phát triển và nuôi dưỡng của mái tóc. Còn nữa, vitamin C hỗ trợ hấp thu chất sắt, vì vậy khi ăn các món chiên xào của hoặc bún của Việt Nam (thường kèm theo nhiều thịt nạc và rau), thì bạn lợi cả đôi đường.

6. Giảm lượng đường…

…như những gì chúng ta đề ra trong năm 2014. Đầu năm nay, các chuyên gia y tế đã cảnh báo rằng đường cũng nguy hiểm như rượu và thuốc lá. Nhiều món canh và cuộn như nem rán, gỏi cuốn của Việt Nam thường có ít đường (ít hơn 5g muỗi phần ăn). Ăn đồ Việt sẽ giúp bạn căt giảm bớt nhiều đường trong tuần.

7. Giảm cân…

…với việc giảm lượng calo và chất béo. Các món ăn Việt thường dùng tới nhiều loại thảo dược và gia vị (thay vì dùng dầu hoặc bơ sữa) và thường có nhiều rau quả tươi, nên bạn sẽ tìm thấy rất ít calo và chất béo trong chúng. Một tô phở hoành tráng cũng chỉ có từ 300 tới 600 calo, và ít hơn 3g chất béo, như vậy bạn có thể ăn một phần như vậy vào buổi trưa hoặc tối trong ngày như là cách để điều chỉnh việc thu nạp calo, chất béo vào cơ thể.

Bạnh Bư dịch.
Theo Huffington Post UK.

UỐNG SỮA ĐẬU NÀNH TRONG ĐÊM ĐÀ LẠT

Đêm Đà Lạt uống sữa đậu nành, đó là những thứ gần như đã gắn liền với nhau trong tâm thức của người yêu thành phố ngàn hoa. Đêm Đà Lạt được thiên nhiên ban cho cái lạnh quanh năm suốt tháng, và từ đó, người Đà Lạt đã thêm vào cho đêm những dòng sữa nóng, thanh tao, ngọt ngào. 

Tất nhiên theo thời gian, Ðà Lạt bây giờ đã có nhiều thay đổi, chuyện thay đổi để tốt hơn hay xấu hơn còn tùy theo cách nhìn cá nhân. Nhưng có một thứ bình dị của Ðà Lạt đó là món sữa đậu nành, một thức uống bình dị tới mức không cần khen hay chê, không cần phải khoe hay giấu; một thứ tuy không được xếp hạng hay được trưng trên các phương tiện truyền thông nhưng chắc chắn nếu món sữa đậu nành mà vắng bóng hoặc không được ưa chuộng thì Ðà Lạt sẽ không còn là Ðà Lạt!

Sữa đậu nành Ðà Lạt có gì lạ?

Không ai cất công đi ngược thời gian để tìm lịch sử một thức uống bình thường như sữa đậu nành. Nhưng khí hậu và cảnh quan Ðà Lạt là cái nôi tạo cho món sữa đậu nành vị trí “xuất thân” khác biệt hẳn với mọi ly sữa đậu nành ở các vùng miền khác. Có người cho rằng sữa đậu nành Ðà Lạt được biết tới nhờ ăn theo “địa vị sang trọng” xứ cao nguyên, nhưng cũng có người cho biết sữa đậu nành là món quà quí, rất riêng mà văn minh của “thành phố Châu Âu nhiệt đới” này đã may mắn tìm thấy.

Mỗi du khách đến Ðà Lạt về đêm không thể không nhớ đến, không thể không rủ nhau đi uống sữa đậu nành. Và từ xưa Ðà Lạt hiểu được nhu cầu này nên những quầy, những quán, những gánh sữa đậu nành bày bán có khi nhiều hơn cả những điểm các mặt hàng khác.

Một bà có gánh sữa đậu nành nói. “Không chọn nghề này thì thôi chớ khi bán rồi thì dù ế hay đắt hàng cũng cứ chung thủy miết.” Thật khó có thể phân tích tại sao phải “chung thủy miết với sữa đậu nành.”

Trời lạnh cầm ly sữa nóng trao cho khách có khi cái cảm giác ấm bàn tay cũng khó bỏ, có khi hương sữa đậu nành bay đặc trong khí lạnh cũng là thứ mùi hương ngửi lâu đâm ghiền, có khi thích nhìn khách áp hai bàn tay vào ly để sưởi còn miệng thì hớp từng ngụm nhỏ như một đứa trẻà Nhiều người cho rằng nhu cầu uống sữa đậu nành của dân Ðà Lạt và của du khách, cùng với cung cách phục vụ ân cần của người bán sữa cũng đủ làm nên một nét văn hóa đặc sắc của Ðà Lạt.

Một nhà văn mê Ðà Lạt đến mức nếu trong tháng mà không có ít nhất một lần lên thăm là sẽ bị bệnh, ông này hùng hồn nói như bảo vệ tác phẩm trước hội đồng xét chọn, “Tôi không phản đối bắt chước Tàu uống trà, bắt chước Tây tạo phong cách cà phê nhưng cứ kiểu đó thì chúng ta có gì riêng nào, thí dụ chúng ta sẽ bổ sung sáng tạo thêm được gì vào cung cách Trà Ðạo của Nhật nào? Sao chúng ta không cùng nhau làm ra giá trị văn hóa sữa đậu nành. Không đùa đâu. Không chỉ vì sữa đậu nành gắn bó lâu đời với Ðà Lạt, mà xét về góc cạnh dinh dưỡng không thức uống nào có thể mang tính bổ dưỡng – văn minh hợp thời đại bằng sữa đậu nành.”

Ðêm Ðà Lạt, du khách có thể uống sữa đậu nành mọi lúc mọi nơi. Nếu thích uống sữa đậu nành gánh ở bờ Hồ Xuân Hương thì du khách sẽ được “khuyến mãi” thêm vài mẫu chuyện vui, buồn về đời tha hương cầu thực của dân nhập cư bán sữa đậu nành.

Ở phố đi bộ thì sữa đậu nành được bày bán trong mấy chiếc xe bán hàng bằng nhôm có treo đèn màu nên bàn ghế sáng choang, sữa đậu nành ở đây có “khuyết điểm” là giống mấy xe bán hủ tíu, bán bánh ướt ở Sài Gòn, để có một chỗ bán sữa đậu nành ở phố này nghe đâu người bán phải mua chỗ gần cả chục triệu đồng. Nhưng đích thị sữa đậu nành Ðà Lạt là ở những tiệm chỉ bán sữa đậu nành, có tiệm chỉ rộng vài mét vuông nhưng cũng đàng hoàng bày bán ở mặt tiền đường lớn hoặc hẻm nhỏ.

Ở phố Tăng Bạt Hổ có tiệm sữa đậu nành bán rất đắt hàng, vào những ngày cuối tuần du khách ngồi tràn ra chật một đoạn đường để uống sữa. Có du khách thích uống sữa đậu nành pha với sữa bò đặc, sữa đậu phộng, sữa đậu xanh hoặc thích ăn thêm vài cái bánh sừng trâu, bánh hạnh nhânà Nhưng đa số khách chỉ thích ngồi trên các ghế nhỏ, tay “ôm” ly sữa đậu nành rồi đưa lên chu miệng hớp từng ngụm sữa nóng. Có người sành sữa đậu nành cho biết là sữa ở tiệm trên phố Tăng Bạt Hổ ngon, rẻ nhưng không phải là ngon nhất Ðà Lạt. Theo họ sữa đậu nành trước đây ở chợ Âm Phủ, ở đầu dốc chợ Hòa Bình hay sữa đậu nành bà Lan mới là sữa ngon nhất… Ở phố Phan Ðình Phùng cũng có vài tiệm sữa thuộc loại ngon, nhưng nói chung sữa đậu nành ở Ðà Lạt chỗ nào bán cũng ngon, còn nếu muốn chỉ ra một tiệm một gánh, một xe bán sữa nào đó để gọi là “Ðệ nhất sữa đậu nành” thì có lẽ nên tổ chức bầu chọn, mà tại sao không bầu chọn ra sữa đậu nành Ðà Lạt số 1 giống như cách bầu chọn tổng thống nhỉ!

Một câu chuyện trong quán sữa đậu nành

Hôm chúng tôi đến Ðà Lạt trúng vào lúc có áp thấp nhiệt đới, bình thường mùa Thu Ðà Lạt luôn mưa dầm dề, gặp lúc biển duyên hải miền Trung động mưa lại càng thê thảm hơn. Chúng tôi ngồi co ro trong tiệm sữa đậu nành ở số 98 phố Phan Ðình Phùng, cùng co ro “ôm” ly sữa với chúng tôi có một cặp vợ chồng tuổi trung niên và một ông già còn quắc thước. Sữa nóng, thơm lừng, phố phường vắng ngắt, đó đúng là một cảnh buồn theo đúng phong cách Ðà Lạt.

Bỗng nhiên phía bàn của cặp vợ chồng tuổi trung niên có tiếng nói, người đàn ông quay sang hỏi chuyện ông già, “Bác chắc là dân ở đây?” Ông già đáp, “Tôi ở đây từ năm sáu mươi, lúc Ðà Lạt vẫn còn thấy cọp về.” Người đàn ông trung niên nói, “cháu trước đây cũng ở Ðà Lạt, năm sáu tám thì dời đi, mấy chục năm nay mới trở lại, nơi này bây giờ khác quá.” Ông già hỏi, “Trước đây anh làm gì, rồi đi đâu?” Người đàn ông nói, “Trước đây cháu là lính Biệt Ðộng Quân, sau năm sáu tám chuyển lên Pleiku, sau đó đi “học tập cải tạo”, khi về bận đi làm ăn, nay mới có dịp đi với bà xã thăm lại Ðà Lạt.”

Ông già hỏi, “Anh đi học tập bao lâu, trước đây cấp bậc gì?” Người đàn ông dè dặt nói, “Dạ chín năm, mà thôi đừng nói chuyện đó, nói làm gì hả bác.” Ông già vẫn cứ thản nhiên “Anh ngại không nói cấp bậc thì thôi, chớ tôi xưa cũng dạy ở trường sĩ quan Ðà Lạt.” Người đàn ông dè dặt hỏi, “Thế bác dạy gì?” Ông già nói “Dạy võ. Anh có quen ai từng học ở trường sĩ quan Ðà Lạt cứ hỏi Phạm Xuân Việt chắc có người còn nhớ.”

Người đàn ông không hỏi gì thêm. Ðược một lúc, người đàn ông lên tiếng gọi thêm sữa đậu nành, đây là ly sữa thứ ba của ông. Bà chủ quán đi vào hỏi ông già rằng ông có ăn bánh ngọt như mọi ngày không, rồi bất chợt bà quay sang nói với người đàn ông, “Nếu tôi không nhầm thì anh là Việt kiều, mấy ông mấy bà Việt kiều mỗi khi vào chỗ em là uống mỗi người hai ba ly sữa, có dùng gì thêm thì giúp cho quán em.”

Sữa đậu nành Ðà Lạt vẫn nóng thơm, như để an ủi người đàn ông trung niên, người không dám thừa nhận đầy đủ lịch sử bản thân và sưởi ấm thêm cho tính minh bạch của một ông già Ðà Lạt cố cựu.

Ðêm Ðà Lạt mù mưa, ai chui vào tiệm sữa đậu nành cũng thấy sướng. Và chúng tôi kể lại câu chuyện tình cờ được nghe ở trên cũng là cách chúng tôi muốn bày tỏ rằng, có khi vào một ngày nào đó, Ðà Lạt thiếu vắng ly sữa và những tiệm sữa đậu nành thì ngày đó sẽ không có sự kết nối lành lặn giữa một Ðà Lạt tuyệt đẹp trong ký ức và một Ðà Lạt có nhiều cái mới nhưng chưa có hồn.

Bài viết của Trần Tiến Dũng – Người Việt

NHỮNG ĐIỀU AI CŨNG NÊN NHỚ KHI UỐNG SỮA ĐẬU NÀNH

Sữa đậu nành là thức uống ngon và quen thuộc với tất cả chúng ta. Sữa đậu nành giúp cung cấp canxi phòng loãng xương, còn tăng sức đề kháng, bảo vệ hệ tiêu hóa, ngừa ung thư, đặc biệt tốt cho phụ nữ và người già. Tuy vậy cũng còn tùy người và tùy lúc, không phải khi nào uống sữa đậu nành cũng tốt.

Sữa đậu nànhỗ tương) hay còn gọi là Nước đậu, làm từ hạt đậu nành xay nhuyễn. Theo Đông y, đậu này có tính thiên hàn, hoạt lợi, cho nên không thích hợp với những người bị hư thận, tiểu đêm, di tinh vì sẽ làm nặng thêm các triệu chứng. Ngoài ra những người tỳ vị hư hàn uống sữa này thì dễ bị tiêu chảy.

Không ăn cam quýt ngay trước và sau khi uống sữa đậu nành: Nhiều người đã chịu những cơn tiêu chảy nhớ đời vì uống sữa đậu nành gần lúc ăn những loại quả như cam, quýt, bưởi. Thủ phạm là các acid và sinh tố có trong những loại quả này khi tác dụng lên protein trong sữa rồi kết khối ở ruột non, dẫn đến đầy hơi, đau bụng, tiêu chảy. Tốt nhất là uống trước hoặc sau khi ăn những loại quả này ít nhất 1 giờ.

Không dùng sữa đậu nành nhiều và thường xuyên: Cũng như các loại thực phẩm khác, sữa đậu nành nên được dùng với lượng vừa phải. Nếu dùng nhiều và thường xuyên, sẽ gây táo bón, ảnh hưởng hệ tiêu hóa.

Đun sôi kỹ rồi mới uống: Nếu uống sữa đậu nành chưa được đun sôi kỹ, các chất ức chế men trypsin, saponin và nhiều chất có hại khác sẽ gây tiêu chảy, buồn nôn, ngộ độc.

Không uống quá nhiều một lúc: Dù đói khát nhưng cũng không nên uống quá nhiều sữa đậu nành trong một lần, vì điều đó sẽ dẫn đến việc các chất dinh dưỡng không được tiêu thụ hết, khiến bạn đau bụng ỉa chảy. Lượng sữa đậu nành thích hợp cho người lớn mỗi lần uống là khoảng nửa lít.

Không dùng thay cho sữa: Mỗi loại sữa có một công dụng, hàm lượng protein trong sữa đậu tương đương với trong sữa tươi, nhưng lượng sinh tố B12 chỉ bằng 1/3, bên cạnh đó sữa đậu nành không có sinh tố A, C, và lượng canxi cũng thấp hơn phân nửa so với sữa tươi. Bên cạnh đó, lượng lecithin, sinh tố E và sắt trong sữa đậu nành lại cao hơn sữa.

Không đựng sữa đậu nành trong bình giữ ấm: Đây là lỗi nhiều người mắc phải. Sữa đậu nành nếu để lâu nên giữ ở nhiệt độ nguội. Vì các vi khuẩn trong sữa sẽ dễ dàng phát triển ở nhiệt độ ấm và nhanh chóng làm sữa hư hỏng.

Không pha với đường đỏ: Đường đỏ có nhiều acid hữu cơ có thể kết hợp với protid, canxi tạo thành những chất hủy hoại dinh dưỡng trong sữa, bên cạnh đó nó còn ảnh hưởng đến tiến trình tiêu hóa và hấp thu của cơ thể.

Uống sữa đậu nành nên kèm theo ăn tinh bột: Các chất dinh dưỡng trong sữa đậu nành sẽ được hấp thụ, tiêu hóa tốt nếu như dùng kèm các món ăn chứa tinh bột như bánh mì, bánh ngọt…. Nếu chỉ uống sữa mà không ăn kèm, thì các chất bổ trong sữa sẽ chuyển hóa thành nhiệt lượng rồi tiêu thụ mất.

Không uống chung với trứng: Chất men trypsin trong sữa đậu nành nếu kết hợp với tròng trắng trứng sẽ tạo thành kết tủa làm khó hấp thu, và làm mât đi nhiều chất dinh dưỡng trong sữa và trứng.

Bé Bủm tổng hợp.

10 MẸO HỮU ÍCH CHO CÔNG VIỆC BẾP NÚC

Sau đây là 10 mẹo vặt hay giúp công việc nội trợ của bạn trở nên dễ dàng hơn nhiều.

1. Trước khi xắt hoặc băm ớt, hãy bôi một chút dầu ăn lên tay. Da tay sẽ không hấp thụ ớt cay nữa.

2. Nếu bạn quá tay nêm mặn khi nấu canh, chỉ cần thả vào nồi một miếng khoai tây để nó hấp thụ bớt lượng muối dư thừa.

3. Khi luộc trứng hãy cho muột chút muối, vỏ trứng sẽ không bị nứt nữa.

4. Không bao giờ đặt trái cây và cà chua trong tủ lạnh nếu bạn không muốn mất đi những lợi ích sức khỏe của nó. Nhiệt độ thấp làm giảm mùi thơm cũng như hương vị củ các loại trái cây.

5. Khi nồi cơm bị cháy, hãy đặt một miếng bánh mì trắng vào nồi cơm trong vòng 5 đến 10 phút để nó hấp thụ mùi.

6. Sau khi xắt hành tỏi, tay thường bị ám mùi tỏi rất khó mất. Lúc này bạn lấy một cái thìa bằng thép không gỉ chà lên tay khoảng 30 giây rồi rửa lại bằng nước. Thép sẽ “hút” mùi hành tỏi ra cho bạn. Bạn cũng có thể khử mùi hành tỏi bằng cách đắp bột hoặc bã cà phê lên rồi rửa sạch.

7. Nếu bạn không xác định được trứng của mình có tươi hay không, hãy đăt chúng vào cái chậu có khoảng 10 cm nước. Trứng chìm nghĩa là nó tươi, nếu nổi là đã qua giai đoạn tươi. Và việc của bạn là hãy ăn trước những quả trứng không còn tươi nữa.

8. Loại bỏ vết trà hay cà phê trên cốc sứ của bạn bằng cách dùng hỗn hợp được tạo từ baking soda với nước chanh và kem cao răng. Vết bẩn sẽ đi dễ dàng.

9. Không bảo quản chuối chung với các hoa quả khác. Bởi chuối sẽ giải phóng khí làm quả khác chín nhanh. Việc tách này giúp hoa quả tươi lâu hơn.

10. Để giữ cho khoai tây không nảy mầm trong túi, hãy cho một quả táo vào với nó.

 Bảo Thoa (sưu tầm)