Cách làm VỊT OM SẤU

Món Vịt om sấu là món ăn hấp dẫn của miền Bắc, với nguyên liệu đặc trưng là quả sấu. Tuy nhiên hiện nay ở các nơi khác cũng có thể tìm quả sấu này dễ dàng tại siêu thị. Nên bất cứ ai cũng có thể dễ dàng làm cho gia đình một bữa vịt om sấu ngon miệng.

 

Nguyên liệu:

  • Thịt vịt: 5 lạng
  • Sả: 2 củ
  • Gừng: 1 mẩu
  • Sấu: 4-5 quả
  • Nước của 1 quả dừa
  • Gia vị thông thường.
  • Bạn cũng có thể cho thêm vào món này khoai môn, đậu phụ sống, ăn kèm rau muống giống món Vịt nấu chao của miền Nam.
Thực hiện:
Món ngon cuối tuần: Vịt om sấu 4
Sả đập dập, thái thành cọng dài cỡ cm

Gừng xắt miếng mỏng

Sấu cạo sạch vỏ nhám bên ngoài.

Món ngon cuối tuần: Vịt om sấu 6
Vịt bóp muối, xát với tí gừng rồi rửa sạch. Chặt miếng vừa ăn.

Ướp vịt với sả, gừng, hạt nêm, nước mắm, chút đường, thả sấu vào ướp trong 30 phút.

Món ngon cuối tuần: Vịt om sấu 8

Nước dừa chuẩn bị sẵn.

Món ngon cuối tuần: Vịt om sấu 10
Bắc nồi vặn lửa to, cho thịt đã ướp cùng các nguyên liệu ướp (kể cả sấu) vào xào cho cạn nước thì thêm nửa muỗng súp dầu ăn vào nồi.
Món ngon cuối tuần: Vịt om sấu 12
Thịt vịt săn, thơm, thì ta trút hết nước dừa vào nấu sôi. VẶn nhỏ lửa om tầm 30 phút cho thịt chín mềm là ăn được.

Ăn nóng với cơm hoặc bún.

Vĩ Độ

Các bài thuốc chữa bệnh từ quả sấu

Quả sấu là loại quả thân thuộc ở miền Bắc vào mùa hè. Không chỉ được sử dụng để làm các món ăn hấp dẫn mang hương thơm và vị chua đặc trưng, sấu còn được dùng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh cũng như tẩm bổ cơ thể. 

Cây sấu có danh pháp khoa học là Dracontomelon duperreanum thuộc họ Đào lộn hột (Anacardiaceae). Là loại cây sống lâu năm lá thường xanh, bán rụng. Sấu còn tên gọi là sấu trắng, long cóc…

Chúng ta thường chỉ có thói quen dùng quả sấu để nấu ăn, làm mứt, nước uống, ít ai biết sấu có thể làm thuốc, ngay cả hoa, lá và vỏ sấu.

Quả sấu chín chứa 80% nước, 1% acid hữu cơ, 1,3% protid, 8,2% glucid, 2,7% cellulose, 0,8% tro, 100mg% calcium, 44mg% phosphor, với sắt và 3mg% vitamin C.

Đông y cho rằng quả sấu lúc xanh có vị chua hơi chát, khi quả chín có vị chua, ngọt, tính mát, có công năng kiện vị sinh tân, tiêu thực chỉ khát, chỉ ho, tiêu đờm, sử dụng trị nhiều bệnh chứng như nhiệt miệng khô khát, ngứa cổ, đau họng, nôn do thai nghén, say rượu, nổi mẩn, sưng, lở ngứa…, mỗi lần uống từ 4 – 6g cùi quả.

Các bài thuốc chữa bệnh từ quả sấu

Chữa nôn nghén ở phụ nữ mang thai: Quả sấu xanh nấu với cá diếc hoặc thịt vịt: Cá diếc 2 con, moi ruột, rửa sạch để ráo nước, ướp gia vị, đem nấu với 2 bát nước, khi nước sôi cho khoảng 1-3 quả sấu đã nạo vỏ, đun trong 7-10 phút bắc ra rồi dầm sấu, nêm gia vị cho vừa ăn.

Ăn lúc nóng hoặc có thể thay canh ăn với cơm. Mỗi tuần nên ăn khoảng 3-5 lần.

Chữa chứng ho: Dùng 400g cùi sấu ngâm với ít muối hoặc sắc lấy nước cho chút đường đủ ngọt, uống 2-3 lần trong ngày. Hoặc lấy hoa, quả sấu sắc với 300ml nước còn lại 100ml, chia ra 2-3 lần uống trong ngày.

Chữa ho cho trẻ em: Lấy hoa sấu hấp cùng mật ong cho trẻ uống ngày vài lần sẽ hiệu nghiệm.

Chữa say rượu: Dùng 4-6g cùi quả sấu sắc lấy nước uống hoặc hãm với nước sôi mà uống.

Chứng nhiệt miệng khô khát, ngứa cổ, đau họng: Lấy từ 4-6g cùi quả sấu khô đem sắc với 2 bát nước còn nửa bát, uống sau bữa ăn sáng. Hoặc 8g cùi quả sấu hãm với nước sôi uống trong ngày. Dùng trong một tuần liền. Hoặc có thể lấy quả sấu chín đem dầm với muối hay đường ăn trong ngày.

Chữa lở ngứa: Lá sấu rửa sạch, sắc lấy nước để chữa mụn loét, hoại tử, vết thương lâu lành.

Tăng cường tiêu hóa, giúp ăn ngon miệng: 200g quả sấu tươi đã cạo vỏ đem hấp với đường, khi dùng pha với nước uống trong ngày. Ngày uống 2-3 lần.

Hoặc có thể dùng quả sấu để nấu canh chua với thịt nạc băm hoặc thái miếng nhỏ mỏng, món này vừa dễ làm, bổ dưỡng có thanh nhiệt và kích thích tăng cường tiêu hóa, giúp ăn ngon miệng.

Theo Sức Khỏe & Đời Sống

Cách nấu BÚN SƯỜN HẦM SẤU

Món bún sườn hầm sấu chua dịu, thanh mát nhưng không kém phần hấp dẫn sẽ rất thích hợp trong những ngày hè oi bức như hiện nay.

Chuẩn bị (cho 3 người):

– Nửa kí sườn non (chọn loại ít hoặc không mỡ)

– Cà chua: 3 trái, rửa sạch bổ múi cau

– Sấu: dăm bảy trái tùy theo thích ăn chua nhiều hay ít. Rửa sạch, cạo vỏ.

– Hành, mùi tàu, ớt.

– Các loại gia vị thông thường.

Cách nấu Bún Sườn Hầm Sấu:

Bước 1:

– Thịt sườn rửa sạch, ướp với chút gia vị, hạt nêm.

– Bắc chảo phi thơm ít hành củ rồi cho sườn vào xào sơ cho săn.

Bước 2:

– Bắc nồi to, cho ít hành củ vào phi thơm rồi trút sườn, sấu, cà chua vào xào đều tới khi cà chua hơi nhũn ra.

Bước 3:

– Trút nước vào nồi, nấu với lửa nhỏ trong 30 phút cho sườn chín mềm là xong.

Bước 4:

– Chuẩn bị tô, cho vào ít bún, sắp sườn, cà chua, hành, ngò gai (mùi tàu) lên trên mặt rồi đổ nước dùng lên. Ăn nóng.

Theo công thức của Linh Phạm

5 ĐẶC SẢN TỪ SÂU TUYỆT NGON CỦA ẨM THỰC VIỆT

Ẩm thực Việt rất đa dạng và đặc sắc, và dĩ nhiên trong đó có không ít những món khó làm quen. Những món từ sâu sau đây là một ví dụ.

Rươi

Rươi là một giống hải trùng có nhiều ở Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình… Tuy vậy, món ăn lại nổi tiếng và quen thuộc với người Hà Nội. Về hình dáng, rươi trông gần giống đỉa lai rết bởi thân hình nhũn nhũn nhưng rất nhiều chân. Khi sống, rươi mềm mềm đủ mầu xanh, đỏ, vàng, xám vằn vện trong lớp nhớt quánh như hồ, sặc mùi tanh. Với hình dáng đó, nó không chỉ khiến trẻ em mà du khách cũng phải xanh mặt.

Thế nhưng, sau khi qua chế biến, kết hợp cùng một số nguyên phụ liệu khác, con rươi đáng sợ chuyển mình thành đặc sản thơm ngon khó quên với các món như chả rươi, rươi hấp, rươi xào củ niễng, rươi kho, mắm rươi, rươi khô, rươi đúc trứng…

Những con rươi sống đủ sức làm xanh mặt người “yếu vía”.
 

Thế nhưng món chả rươi ngon lành lại có mãnh lực khó cưỡng.

Sâu măng

Sâu măng là loại sâu sống trên cây măng và là đặc sản của huyện Mường Lát (Thanh Hóa). Sâu măng to bằng đầu đũa, dài cỡ 2 đốt ngón tay. Cách săn sâu khá đơn giản, vào khoảng tháng 9, tháng 10, người săn sâu chỉ cần mang theo dao và giỏ đi một vòng quanh rừng nứa. Những bụi nứa có cây măng nào cao khoảng đầu người có biểu hiện héo ngọn, thân cong, mắt u thì hạ xuống, rồi đổ sâu trong ống nứa vào giỏ.

Có nhiều cách chế biến sâu măng nhưng món ngon nhất, đơn giản và hấp dẫn là xào lá chanh. Giá bán sâu măng ngay tại thị trấn Mường Lát vào mùa thu hoạch có giá từ 150.000 – 200.000 đồng/kg.

Sâu măng có màu trắng đục, thon dài.
 

Không chỉ hấp dẫn ở vị ngọt, béo, đặc sản kinh dị này còn “lôi cuốn” thực khách ở hương thơm, vị giòn khó cưỡng.

Sâu chít

Sâu chít là côn trùng sống trong cây chít và là niềm tự hào về đặc sản đặc biệt địa phương của người dân Tây Bắc. Với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, sâu chít được xưng tụng là “đông trùng hạ thảo của Việt Nam”.

Cách bắt sâu chít khá đơn giản. Người thu hái sẽ lựa chọn những cây chít có dấu hiệu bệnh, không thể ra hoa, chẻ đôi ngọn để moi sâu ra, thả vào chậu rượu nhạt để sâu không bị biến chất. Cách sử dụng phổ biến nhất của sâu chít là ngâm rượu, ngoài ra còn có thể sao khô, nấu cháo.

Ngọn chít có sâu được bày bán để giữ nguyên hương và chất của đặc sản.
 

“Đông trùng hạ thảo của Việt Nam” không chỉ dành riêng cho đàn ông.

Sâu cát (sá sùng)

Gọi là sâu cát vì nó thường sống sâu trong cát và có hình dáng giống với loài giun, còn gọi là trùn biển, sá sùng. Sâu cát được tìm thấy nhiều ở vùng bờ biển Quảng Ninh, nhất là các xã Minh Châu, Quan Lạn.

Muốn bắt được sá sùng, bạn phải ra biển thật sớm, rồi lần theo hàng triệu vết bò ngoằn ngoèn đến hang và đào đào sâu từ 10 – 20 cm là có (gần trưa có lúc phải đào sâu tới 60 – 70 cm). Khi còn sống, trùn biển màu nâu đỏ có ánh bạc; con to dài khoảng 4 tấc, con nhỏ dài hơn 2 tấc; trên thân có nhiều bó cơ nên di chuyển linh hoạt.

Thoạt trông con trùn biển còn sống ngọ ngoậy trong thùng, chưa chắc ai dám ăn song sau khi qua chế biến như sá sùng xào với tỏi tươi, người dân vùng biển Hạ Long gọi là mồi xào hay rang chấm với tương ớt, điểm thêm rau dấp cá, rau thơm và uống với bia thì ăn hoài không ngán. Nếu không thích các món sá sùng tươi sống, bạn có thể phơi khô rồi chế biến tùy ý.

Sâu cát đã được sơ chế sạch…
 

  
Và những món ăn ngon lành từ loại đặc sản không ai muốn ăn sống này.

Đuông

Đuông, ấu trùng của sâu, là một trong những đặc sản khó cưỡng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Có hai loại đuông là đuông dừa và đuông chà là với kích thước và màu sắc khác nhau.

Cách bắt đuông khá đơn giản, cứ thấy cây dừa nào héo ngọn, vàng lá chặt đi là sẽ tìm thấy đuông. Mỗi cây dừa/chà là như thế có hàng trăm con đuông. Cách thưởng thức kinh dị nhất của đặc sản này là đuông sống “tắm” nước mắm – dành cho những tay sành ăn hay “kiên gan”. Riêng với những người mới tập ăn hay “yếu vía”, các món như đuông lăn bột chiên, đuông nướng, đuông luộc nước dừa, đuông hầm… là món tủ.

Đuông “tắm” nước mắm là cách thưởng thức đặc biệt của đặc sản này.

Theo Infonet

7 món ăn “kinh dị” nhưng rất bổ dưỡng

Ngày càng có nhiều chuyên gia cho rằng, con người sẽ sớm không còn lựa chọn nào ngoài việc tiêu thụ các loài côn trùng béo ngậy.

 

Khi dân số tăng lên đến gần 8 tỷ người, việc lấp đầy những cái miệng đói thật sự là một điều khó khăn. Ngày càng có nhiều chuyên gia cho rằng con người sẽ sớm không còn lựa chọn nào ngoài việc tiêu thụ các loài côn trùng.

7. Sâu bướm Mopane

Sâu bướm Mopane – giai đoạn ấu trùng của sâu bướm hoàng đế (Imbrasia belina) – sống trên khắp phía nam của châu Phi. Khai thác sâu mopane là một ngành công nghiệp triệu đô trong khu vực này, nơi mà phụ nữ và trẻ em thường làm công việc thu thập các côn trùng nhỏ kiếm sống.

Sâu bướm thường được luộc trong nước muối, sau đó phơi khô, giữ trong vài tháng mà không cần làm lạnh. Chúng cung cấp một lượng lớn các nguồn dinh dưỡng. Hàm lượng sắt trong thịt bò là 6mg/100 gram trọng lượng khô, trong khi sâu bướm mopane cung cấp tới 31 mg sắt trên 100 gram. Nó cũng rất giàu các chất khác như kali, natri, canxi, phốt pho, magiê, kẽm, mangan, đồng….

 

6. Mối

Những người ở Nam Mỹ và châu Phi thường ăn loại côn trùng này bằng cách chiên, phơi khô, hun khói hoặc hấp trong lá chuối.

Mối thường chứa đến 38% protein, và một loài đặc biệt ở Venezuela, Syntermes aculeosus còn có tới protein 6%. Nó cũng rất giàu sắt, canxi, axit béo thiết yếu và các axit amin như tryptophan.

5. Ấu trùng Witchetty

Với những người thổ dân Úc, ấu trùng witchetty là một thứ thiết yếu trong chế độ ăn uống. Khi ăn sống, các ấu trùng có hương vị như hạnh nhân, trong than nóng, chúng có hương vị của thịt gà nướng. Chúng chứa rất nhiều các axit oleic, omega-9 không bão hòa Omega-9 rất có lợi cho sức khỏe.

Các ấu trùng được thu hoạch từ dưới lòng đất, nơi chúng sống nhờ vào các rễ cây của Úc như bạch đàn và cây keo đen.

4. Chapulines

Chapulines là loài châu chấu thuộc chi Sphenarium, và được coi là món ăn phổ biến trên toàn miền nam Mexico. Chúng thường được rang và pha thêm hương vị tỏi, nước cốt chanh và muối, bột ớt khô. Những con châu chấu được biết là nguồn giàu protein, một số cho rằng loài côn trùng này chứa hơn 70% protein.

3. Mọt cọ Châu Phi

Một món ăn của nhiều bộ lạc châu Phi, sâu đục cọ (Rhychophorus phoenicis) được thu từ các thân cây cọ. Cơ thể của mọt có nhiều chất béo nên chiên rất ngon, mặc dù chúng cũng có thể để ăn sống.

Một báo cáo năm 2011 từ Tạp chí Khoa học phát hiện ra rằng côn trùng sâu đục cọ châu Phi là một nguồn tuyệt vời của nhiều chất dinh dưỡng như kali, kẽm, sắt và phốt pho, cũng như một số axit amin và không bão hòa đơn lành mạnh và các axit béo không bão hòa đa.

2. Bọ xít

Bọ xít được tiêu thụ trên toàn châu Á, Nam Mỹ và châu Phi. Những con côn trùng này là một nguồn giàu các chất dinh dưỡng quan trọng, bao gồm protein, sắt, kali và phốt pho.

Vì mùi hôi phát ra là một mùi hương khó chịu nên không thể ăn sống trừ khi loại bỏ chất tiết hương thơm trên cơ thể của chúng. Thường thì chúng được rang, hoặc ngâm trong nước và phơi khô. Nước ngâm sẽ hấp thụ các chất tiết mùi hôi – có thể được sử dụng như một loại thuốc trừ sâu, mối ra khỏi nhà.

1. Ấu trùng bọ cánh cứng

Ấu trùng của bọ cánh cứng (Tenebrio Molitor) là một trong những loài côn trùng chỉ tiêu thụ trong thế giới phương Tây. Chúng được nuôi ở Hà Lan để làm thức ăn cho con người (cũng như cho động vật) một phần vì loài này sinh trưởng rất mạnh mẽ trong thời tiết ôn hòa.

Giá trị dinh dưỡng của mealworms rất lớn: giàu đồng, natri, kali, sắt, kẽm và selen. Ấu trùng cũng có thể sánh ngang với thịt bò về phạm trù protein, nhưng lại nhiều hơn thịt bò về số lượng các chất béo không bão hòa đa có lợi cho sức khỏe.

Theo Đẹp plus