Cách làm CÁ BA SA KHO TÀU

Một chút biến đổi từ món thịt kho tàu để trở thành món cá ba sa kho tàu. Kho làm sao cho cá cứng lại, ăn rất ngon và có lẽ là khó ngán hơn thịt kho tàu, nhất là trong những ngày trời nóng như thế này.

Chuẩn bị: 

  • – Cá ba sa (đừng lộn với cá sa ba): 400g
  • – Thịt ba rọi: 100g (cho vào ít thịt cho béo)
  • – Nước của 1 trái dừa xiêm hoặc 1 chén nước dừa. (Không có nước dừa thì dùng nước lọc, chịu khó nêm nếm gia vị và cho thêm chút nước hàng để cho đẹp mắt. Xem CÁCH LÀM NƯỚC HÀNG KHO CÁ)
  • – Trứng cút hoặc trứng vịt hoặc trứng gà, luộc chín kỹ, lột vỏ: 10 quả (cút) hoặc 3 quả (vịt)
  • – Hành lá phần đầu màu trắng: 4 cái, rửa sạch rồi xắt cọng khoảng 3-4 phân.
  • – Hành củ băm, ớt trái, ớt bột, các gia vị thông thường.

Sơ chế

– Cá rửa sạch với muối, xát tro bếp lên rồi rửa lại cho cá bớt nhầy (bước này để loại bỏ chất nhớt trên mình cá). Nếu không có tro thì rưới nước ấm lên mình cá rồi lấy dao cạo sạch nhớt.

– Chặt cá thành lát dày khoảng 2 phân. Ướp cá với chút muối và mẩu gừng giã dập trong 10 phút cho bớt tanh. Sau đó bắc chảo cho tí dầu chiên sơ cho cá rám vàng 2 mặt.

– Thịt ba rọi xắt lát nhỏ. Sau đó cho thịt với cá ở chung, ướp cùng 1,5 muỗng cafe nước mắm, 1 muỗng cf hột nêm, 1 muỗng cf hành củ băm, 1 muỗng cà phê ớt bột, chút gừng đập dập.

Thực hiện:

– Bắc nồi kho lên bếp, cho cá, thịt, trứng luộc vào nồi, bỏ thêm 3-4 trái ớt hiểm nếu bạn thích ăn ớt, rồi đổ nước dừa vô ngập hoặc sâm sấp mặt nguyên liệu (nếu ít thì châm thêm nước). Kho lửa hơi nhỏ tới khi nào nước còn 1/3 ban đầu thì nêm nếm nắm muối cho vừa miệng. Trút phần đầu hành cắt khúc vào kho tiếp 2 -3 phút rồi tắt bếp.

– Múc cá kho tàu ra dĩa rắc tí tiêu rồi ăn với cơm nóng.

Bảo Tố

Cách làm CÁ TRÍCH KHO RỤC

Món CÁ TRÍCH KHO RỤC hầu như ai cũng mê, phần vì hương vị mộc mạc đậm chất quê, phần vì kết cấu mềm ngon và hương vị khó quên của nó.
Cá trích là một trong những loại cá tốt nhất cho cơ thể. Cá trích ít mỡ nhưng ăn có vị béo vì chứa nhiều dầu omega 3 tốt cho trí não, phòng bệnh tim, huyết áp. Cá trích còn có tác dụng phòng chống ung thư nhờ selen, kẽm… bên trong thịt cá.

Nguyên liệu:

  • Cá trích: 7 lạng
  • Nước dừa xiêm: Nửa lít
  • Tỏi băm, ớt (bỏ hạt) băm, hạt tiêu
  • Các loại gia vị thông thường

Cách chế biến món cá trích kho rục

– Cá trích làm sạch vảy, bỏ đầu, đuôi, rạch bụng moi ruột, làm sạch sẽ… xong để cho ráo nước.

– Đem cá trích ướp với 1/2 muỗng cafe muối, 2 muỗng súp nước mắm, 2 muỗng cafe hột nêm, 1  muỗng cafe đường, 1 muỗng cafe tỏi băm, một ít ớt băm tùy khẩu vị…  Ướp trong ít nhất 15 phút cho cá ngấm.

– Nước dừa tươi cho vào nồi đun sôi.

– Bắc nồi khác, xắp cá vào ngay ngắn sau đó rưới lên cá 2 muỗng canh dầu ăn, bật lửa nấu sôi chừng 15 phút thì đổ nước dừa tươi vào nồi, vặn nhỏ lửa nấu riu riu tới khi nước còn 1/3 thì nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn. Cuối cùng rải lên cá chút tiêu xay rồi tắt bếp. Đoạn kho cá này nếu kho càng lâu thì càng ngon vì xương cá sẽ mềm rục, thịt cá chắc hơn, ăn rất sướng.

– Cá ăn nóng với cơm.

Bảo Tố

Cách làm CÁ RÔ KHO THỊT BA CHỈ

Cá rô kho chín mềm, thấm thía với mấy miếng thịt beo béo sẽ là một món rất hấp dẫn cho gia đình bạn.

Nguyên liệu:

  • – Cá rô: 2con: làm sạch, đánh sạch vảy.
  • – Thịt ba rọi: 1 lạng: rửa sạch, xắt lát vừa ăn
  • – Sa tế: 2 muỗng cafe
  • – Đầu hành lá: thái cọng mỏng
  • – Đường, hột nêm, nước mắm, ớt tươi

Thực hiện:

– Cá rô đem rửa với rượu trắng, sau đó rửa lại qua nước sạch. Dùng khăn hoặc đồ thấm khô cá. Sau đó đem ướp với đường, nước mắm, ớt trái, tiêu, bột nêm trong ít nhất 15 phút cho ngấm. Xóc đều lên, rồi cho vào nồi kho cùng lúc với thịt.

– Châm thêm ít nước lọc vào cá, đợi nước sôi ta cho thêm 2 muỗng sa tế vào. Chuyển thịt, cá qua nồi đất kho đến khi nào thịt chín mềm, nước cạn sánh lại là xong.

Theo Khánh Hòa (VNexpress.net)

Cách làm BẮP BÒ NẤU NGŨ VỊ

Thịt bắp bò hầm ngũ vị là món ăn hấp dẫn với vị ngon của thịt bò với 5 hương vị của đinh hương, quế, hồi, tỏi, ớt… Món này dọn ăn với cơm hay để chấm bánh mì đều ngon.

mav070

Nguyên liệu:

  • Bắp bò: 1 ký
  • Cà chua: 5 trái
  • 1 hộp sốt cà (có thể lấy cà chua nhúng nước sôi rồi lột vỏ, nấu nhừ ra thành tương)
  • Ớt Đà Lạt xanh, đỏ, vàng (mỗi thứ 1/2 trái, nếu không đủ loại thì dùng 1-2 loại thôi cũng được) thái miếng vừa ăn
  • 4 củ hành tây
  • Gia vị thông thường, hạt nêm, đường
  • Ngũ vị hương bao gồm: Gừng xắt lát, tỏi băm, đinh hương, quế, hồi,
  • Nước lọc: 1 tô to

Cách làm:

Cà chua rửa cho sạch, xắt miếng nhỏ rồi băm nhuyễn.

Hành tây rửa sạch, thái múi cau hoặc vuông vừa ăn.

Bắp bò xắt miếng vừa ăn. Cho vào nồi luộc với mẩu gừng đập dập, nước sôi đem đổ đi, cho nước mới vào đun tiếp cho tới khi thịt chín mềm.

Bắc chảo phi thơm tỏi, trút thịt bò vào cùng với đinh hương, quế, hồi, cà chua băm lúc nãy vào xào.

Đổ tô nước dùng vào, nêm đường, hạt nêm, gia vị vừa miệng, nấu cho ngấm. Thịt ngấm và mềm thì cho tiếp ớt Đà Lạt, hành tây và tương cà hộp vào kho tiếp khoảng 5 phút rồi tắt bếp.

 

(ST)

Cách làm THỊT KHO RUỐC SẢ

THỊT KHO RUỐC SẢ (BA RỌI XÀO MẮM RUỐC) là món ăn quá quen thuộc ở những miền quê từ miền Trung trở vào. Tuy vậy món ăn này chưa bao giờ mất đi sức hấp dẫn của nó. Vào những ngày trời mưa có tô cơm nguội và vài miếng ruốc thịt thì cảm giác còn hơn cả ăn sơn hào hải vị trên đời.

Món ăn “nhà quê” này có cách làm hết sức đơn giản.

Chuẩn bị:

  • 400g thịt ra rọi,
  • 4 thìa canh mắm ruốc.
  • 1 chén sả bằm,
  • 5 trái ớt sừng đỏ.

Các bước kho:

Thịt ba rọi rửa sạch bằm thô. Các nguyên liệu như sả bằm, mắm ruốc, ớt sừng chuẩn bị sẵn. Mắm ruốc đánh tan với nước lọc, để lắng cặn.Làm nóng dầu, cho sả vào phi vàng, tiếp đến cho ớt bằm vào.

Cho thịt băm  vào trộn đều đến khi thịt hơi vàng.


Cho mắm ruốc đã hòa tan vào, để lửa nhỏ kho cho thấm thịt. Thêm hai thìa cà phê ớt sa tế, trộn đều rồi nêm lại gia vị cho vừa ăn.Kho đến khi mắm kẹo lại, tỏa mùi thơm nức là được.


Thịt kho mắm ruốc thơm ngon thích hợp nhất là dung với cơm nóng, dưa leo và cà chua thái lát.

Theo KHÁNH HÒA (VNEXPRESS)

Cách làm VỊT NẤU CHAO

VỊT NẤU CHAO là một trong những cách chế biến vịt hấp dẫn, ngon lành nhất. Cách làm món ăn ngon này tuy vậy lại rất đơn giản.

Chuẩn bị:

  • Vịt: con khoảng 1kg (Chọn vịt cỏ là ngon nhất)
  • Chao đỏ 5 miếng chao trắng 5 miếng.
  • 1 củ khoai môn to
  • Nước dừa xiêm: 1 trái
  • Rau muống ăn kèm
  • Các loại gia vị thông thường: đường, hạt nêm, tỏi, ớt, tiêu, hành, dầu hạt điều…

mav208

Sơ chế nguyên liệu:

+ Rau muống rửa sạch, ngắt bỏ hết cọng già và lá. Chỉ giữ lại cọng ngon.

+  Khoai môn gọt vỏ, thái quân cờ, ngâm khoai trong nước sạch để cho hết nhựa và không bị thâm đen.

+  Vịt rửa sạch, rửa lại với rượu trắng và gừng để khử mùi. Chặt vịt thành từng khúc vừa ăn, ướp với các loại gia vị như hành tím, tỏi, ớt băm nhuyễn, đường, tiêu, dầu hạt điều, chao đỏ và chao trắng, hạt nêm trong khoảng 40 phút đến 1 tiếng cho ngấm gia vị.

Các bước nấu vịt

1.Cho thịt vịt đã ướp gia vị vào xào sơ cho thịt vịt hơi săn lại.

2. Cho nước dừa tươi vào nấu nhỏ lửa đến khi vịt chín mềm.

3.Cuối cùng cho khoai môn vào nấu đến khi khoai chín, nêm lại gia vị cho vừa ăn là được.

Vịt nấu chao ngon nhất là dùng ngay khi còn nóng và ăn kèm với bún tươi. Khi ăn nhúng rau muống vào nước nấu vịt cho mềm rồi ăn.

 

Mẹo làm giảm độ mặn của Cá khô, thủy sản khô

Hải sản khô là loại thực phẩm ưa thích của nhiều người, nó còn được dùng làm nguyên liệu trong chế biến các món ăn khác. Tuy vậy, việc đầu tiên khi đưa hải sản khô vào xào nấu là xử lý độ mặn của nó. Và đây là 4 mẹo bạn có thể áp dụng:
Ngâm đồ khô trong nước vo gạo

Sau khi vo gạo nấu cơm xong, bạn hãy giữ lại nước vo gạo đó để ngâm đồ khô. Nước vo gạo sẽ có tác dụng giúp làm giảm lượng mặn đáng kể. Bạn hãy ngâm chúng khoảng 30 phút rồi vớt ra để khô.

Ngâm đồ khô trong nước chanh loãng

Nước chanh được pha theo tỉ lệ 1 chén nước + 1/3 nước cốt canh sẽ giúp làm giảm lượng mặn trong đồ khô. Ngâm trong 30 phút rồi vớt ra để ráo.

Nếu nước chanh làm ảnh hưởng đến vị của món ăn bạn chế biến sau đó, bạn có thể pha nước chanh loãng hơn.

Ướp nguyên liệu với gia vị chua, ngọt

Trước khi nấu, bạn hãy ướp đồ khô với ít đường cùng vài giọt chanh hoặc giấm để làm giảm vị mặn của chúng.

Thời gian ướp khoảng 15 phút để gia vị được ngấm vào trong nguyên liệu. Bạn có thể thay đường bằng mật ong để cân bằng vị cho chúng.

Ngâm đồ khô trong nước muối loãng

Ngâm đồ khô khoảng 30 phút trong nước muối pha loãng, sau đó bạn rửa đi và làm lại như thế lần nữa sẽ có tác dụng làm giảm độ mặn của món ăn. Nồng độ muối cao trong đồ khô sẽ lan sang nước muối pha loang để hòa tan nên sẽ giúp đồ khô của bạn giảm được lượng mặn đáng kể.

Những mẹo nhỏ trên sẽ giúp bạn gạt bỏ được nỗi lo đồ khô quá mặn ảnh hưởng đến món ăn khi chế biến của bạn.

(Theo Xinh xinh )

 

Cách làm CÁ NGỪ KHO SA TẾ

Cá Ngừ Sa Tế là món ăn đơn giản. Sự kết hợp giữa vị thơm ngon của cá ngừ và cái cay nồng của sa tế giúp bữa ăn của bạn trở nên hấp dẫn.

mav041

Nguyên liệu:

Cá ngừ: 2 lạng

Ớt đà lạt xanh: 1 lạng, rửa sạch rồi xắt miếng vừa ăn

Dứa: 1/4 trái, xắt lát vừa ăn

Sa tế: 2 muỗng canh.

1 muỗng cafe muối, 1/2 muỗng cafe bột ngọt

1/2 muỗng canh nước mắm,

1 muỗng canh tỏi băm,

2 củ sả, bào mỏng

1 muỗng canh dầu ăn.

Cách Làm:

1. Cá ngừ làm sạch xắt miếng vừa ăn, ướp với muối, bột ngọt, nước mắm.
2. Bắc chảo cho vào chút dầu ăn, phi thơm tỏi và sả, sau đó gắp cá để vào xào nhẹ tay cho chín sơ rồi trút tiếp ớt chuông và dứa vào đảo đều tay.
3. Cá săn thì cho sa tế vào xào tiếp 10 phút nữa cho ngấm. Tắt bếp. Ăn nóng với cơm.

Bé Thúi

Cách nấu CHÈ KHO

CHÈ KHO là món ăn cổ truyền thường thấy trong ngày Tết ở miền Bắc Việt Nam. Chè kho có vị ngọt, thơm và bổ dưỡng, ăn kèm trà nóng, thích hợp với tiết trời se lạnh của những ngày Tết.

Nguyên liệu:

  • 500g đậu xanh không vỏ
  • 300g đường đỏ
  • Nửa trái thảo quả, sấy khô, tán nhỏ rây thành bột mịn. (mua ở tiệm thuốc Bắc)
  • 1 muỗng cafe mè trắng rang chín, xát bỏ vỏ.

Thực hiện:

1. Đậu xanh ngâm nước khoảng 4-5 tiếng cho nở mềm. Có thể ngâm bằng nước ấm cho nhanh nở. Sau đó vớt ra rửa sạch.

2. Hấp đậu xanh cho chín mềm. Sau đó dùng cái vá hoặc muỗng tán hạt đậu cho nhuyễn (dùng chày giã cũng được), mịn.

4. Bắc nồi nấu 300g đường đỏ với 500ml nước, nấu sôi cho tan đường. Sau đó chắt lấy phần nước đường, bỏ cặn.

3. Cho nước đường vào nồi vặn lửa nấu tiếp. Cho đậu xanh đã đánh nhuyễn vào nấu chung (nước đường sâp sấp mặt đậu), vừa nấu vừa khuấy liên tục kẻo chè bị cháy. Nấu đến khi nào nước cạn, hỗn hợp chè lên sền sệt thì rắc bột thảo quả vào khuấy lên cho đều, rồi tắt bếp.

4. Múc chè kho ra khuôn, ép chặt. Rắc mè lên trên. Chờ cho chè nguội, hơi cứng lại là được. Khi ăn xắt ra thành miếng.

*** Chè kho để ngoài được 2-3 ngày tùy thời tiết. Nếu muốn giữ lâu hơn thì để tủ lạnh.

Bảo Tố

Cách nấu CÁ THU NHẬT KHO CÀ CHUA

CÁ KHO CÀ CHUA là món ăn dân dã nhưng bắt cơm và khó ngán. 

Nguyên liệu:

  • 2 con cá thu Nhật (hoặc loại cá biển nào bạn thích)
  • 3 trái cà nhỏ
  • Dầu ăn, nước mắm, củ hành tím, ớt, bột nêm, đường, hành lá, tiêu.

Cách làm:

– Cá làm sạch, cắt 2-3 khúc, ướp với 2 củ hành tím băm, 4 muỗng nước mắm, 1/2 muỗng dầu ăn, 1/2 muỗng đường, 1/2 muỗng bột nêm, ớt. Ướp khoảng 30 phút.


– Chiên cá cho vàng 2 bên, phần nước ướp cứ để trong tô. Với cách làm này cá thơm, ngọt, ăn không bị tanh.


– Cho ít dầu vừa chiên cá vào nồi, cà chua cắt múi cau cho vào xào với 1 muỗng đường.


– Xào khoảng 2 phút cho cá vào, đổ tô nước ướp vào chung. Kho khoảng 15-20phút, nêm nếm vừa ăn. Cho hành lá cắt khúc vào.


– Xúc ra dĩa sâu lòng, rắc tiêu ăn nóng với cơm. Nếu có rau sống, dưa leo càng ngon.

Yến Hà / MAV

Cách nấu GÀ KHO GỪNG

Gà kho gừng là món dễ ăn. Vị cay nồng của gừng sẽ làm món gà bớt ngán. Thích hợp nhất vào tiết trời mát, lạnh.

Nguyên liệu:

  •  Thịt gà: 400g
  •  Gừng tươi, già: 15g
  • Hành củ: 20g
  • Gia vị thông thường

Cách làm:

1. Chuẩn bị

– Gừng rửa sạch, xắt dọc thành cọng.

 

– Hành củ lột vỏ băm nhuyễn

– Gà rửa sạch, thấm ráo nước, chặt miếng nhỏ vừa ăn. Sau đó cho gừng và 1/2 chỗ hành băm vào ướp, thêm 1 muỗng cafe muối, 1/2 muỗng cafe bột ngọt. Ướp trong 30 phút.

2. Thực hiện

– Bắc chảo cho dầu và phần hành còn lại vào phi thơm, sau đó cho gà đã ướp vào xào săn, rồi đổ chén nước vào xâm xấp mặt gà. Vặn nhỏ lửa, đậy nắp đun đến khi còn 1/2 nước thì thêm vào 1 muỗng canh nước mắm, chút đường, nêm lại vừa miệng. Cho thêm 1/2 muỗng canh dầu ăn vào rồi đảo đều.

– Kho tiếp khoảng 5 phút, nước còn ít hơi quánh lại thì tắt bếp. Ăn nóng với cơm.

Mỹ Lạo

Cách làm THỊT KHO NƯỚC DỪA HỘT VỊT

Thịt kho nước dừa hột vịt là kiểu thịt kho trứng của miền Nam, với nguyên liệu đặc trưng của miền đất này là nước dừa. Món này thường được ăn vào dịp Tết nguyên đán, nhưng cũng rất quen thuộc vào những ngày thường. Thịt kho nước dừa có đủ vị ngọt của dừa, mặn của nước mắm, béo bở của mỡ, dai thơm của nạc, và cái kết cấu giòn chắc, bùi bùi của trứng vịt khi được nước dừa ngấm vào.

Có một số người thích chiên hột vịt trước khi kho. Chiên như vậy thì hột vịt sẽ có lớp vỏ mỏng giòn thơm và nhanh thấm hơn, nhưng phần bên trong lớp vỏ mỏng giòn này thì khó thấm. Nếu không chiên, bạn chịu khó kho trứng vịt lâu một chút, có thể là kho đi kho lại, để có miếng trứng vịt giòn thấm tuyệt hảo.

NGUYÊN LIỆU:

  • 1 ký thịt ba chỉ hoặc thịt bắp đùi (chọn thịt da mỏng, thịt mỡ dính liền nhau)
  • 2 trái dừa xiêm
  • 2 chén dấm trắng
  • 6 quả trứng vịt (hoặc trứng gà)
  • Tỏi, ớt
  • Đường cát, nước mắm, muối, bột ngọt

CÁCH LÀM:

– Trứng vịt luộc chín kỹ, lột vỏ (cẩn thận đừng để bể trứng nhiều quá làm xịt lòng đỏ ra ngoài khi kho, hư nồi thịt).

– Thịt heo cạo nhổ cho sạch lông, rửa sạch. Sau đó xắt miếng vuông to bằng 1 nửa cái iphone 😀 (nhỏ hơn cũng được). Dùng dây chỉ cột lại cho nạc với mỡ dính chắc (không cần kỹ quá thì khỏi cột cũng được).

– Chuẩn bị nồi vừa, cho dấm vào nấu sôi rồi cho thịt vào nấu qua khoảng 1 phút rồi vớt ra, để ráo. Đổ dấm bỏ đi, rửa lại nồi chút nữa kho thịt.

– Ướp thịt với: 4 muỗng canh đường cát, 1/2 muỗng cafe muối, 1 muỗng cafe tỏi băm, 1/2 muỗng cafe bột ngọt, để ít nhất 1 giờ cho ngấm.

– Bắc nồi lên bếp, cho nước dừa vào nấu sôi rồi nêm 1/2 muỗng cafe bột ngọt, 1/2 chén (bát) nước mắm vào, nếm lại thử vị ngọt mặn dịu là vừa.

– Tiếp theo, cho thịt vào nấu. Nếu nước dừa chưa ngập thịt thì cho thêm nước sôi vào cho ngập. Vặn lửa vừa nấu sôi lại, để ý hớt bọt. Khi nước cạn còn phân nửa thì vặn lửa nhỏ riu riu, cho trứng và vài trái ớt đỏ vào kho cùng. Kho tới khi nào trứng thấm, thịt chín mềm thì nêm nếm lại cho vừa miệng là xong.

– Trước khi ăn rắc chút tiêu. Ăn nóng với cơm hoặc bánh chưng. Với dưa giá nữa thì càng đúng điệu.

*** Nếu không có nước dừa hoặc có quá ít, bạn có thể thay bằng nước lã, nhưng khi kho thịt nên cho thêm nước màu để thịt có màu hấp dẫn hơn. Còn nếu có nước dừa đủ thì khỏi bỏ nước màu, vì nước dừa kho xong cũng lên màu rất hấp dẫn.

*** Nếu bạn muốn kho để lâu vài tuần thì thay nước dừa bằng nước lã, vì kho nước dừa không để lâu được.

*** Món này ăn với DƯA GIÁ mới hợp, xem CÁCH LÀM DƯA GIÁ

Bảo Tố

Cách nấu GÀ KHO NGHỆ

Các món kho từ gà nên làm đơn giản để giữ được vị ngọt ngon của thịt gà. Ví dụ như món gà kho nghệ này.


Nguyên liệu:

  • 500gr thịt gà
  • Nghệ, củ hành tím, nước mắm, đường, bột nêm.


Cách làm:

– Gà mua về làm sạch, chặt miếng vừa ăn, để ráo.

– Ướp với 6 muỗng nước mắm, 1 muỗng nghệ đâm nhuyễn, 1 củ hành tím băm, 1/2 muỗng đường, 1/2 muỗng bột nêm, 1 muỗng dầu ăn, ít ớt bột. Trộn đều để 30 phút.

– Bắc lên bếp, kho thịt săn lại, đổ 1 chén nước vào kho đến gần cạn thì tắt bếp cho tiêu vào (Nếu chấm rau thì chừa lại nước)

Yến Hà / MAV

Cách nấu món CÁ CƠM KHO TIÊU

Món ăn tuy dân dã nhưng lại hao cơm vô cùng!

Nguyên liệu:

  • 200gr cá cơm
  • Ướp cá: 3 muỗng nước mắm, 1 ít ớt bột (không có thì dùng ớt tươi băm nhuyễn), 1/2 muỗng cà phê bột nêm, 1/3 muỗng cà phê đường, 1 tép tỏi băm nhuyễn, 1 muỗng cà phê nước màu.
  • ớt trái, tiêu.

Cách làm:

– Cá cơm cắt bỏ đầu và ruột, rửa sạch để ráo nước.

– Ướp cá khoảng 15 phút cho thấm.

– Kho cá với lửa nhỏ, đảo nhẹ tay để cá không nát. Cạn nước nêm nếm lại cho vừa ăn. Nhắc xuống bỏ tiêu vào.

pic4090

– Trời lạnh ăn cá cơm kho tiêu với cơm nóng vừa ngon vừa ấm bụng.

 

Yến Hà / MAV

Cách làm Đậu hũ nhồi thịt băm

Đậu hũ (đậu khuôn, đậu phụ) nhồi thịt là món rất dễ ăn, thịt và đậu hũ không những hợp với nhau về hương vị, còn có tác dụng làm giảm ngấy cho nhau. 

Nguyên liệu:

  • Đậu hũ
  • Thịt băm (ước lượng vừa đủ để nhồi vào đậu hũ)
  • Cà rốt ( thay bằng củ su, khoai tây, … tùy thích, hay trộn nhiều loại cũng ngon)
  • Hành lá, ớt, tiêu.
  • Dầu ăn, nước tương, nước dùng gà (nếu không có dùng nước lọc), muối, đường, bột nêm.

Cách làm:

– Đậu hủ trắng cắt ô vuông, chiên vàng. Dùng dao mũi nhọn lấy phần trong ra để nhồi thịt vào.



– Cà rốt, hành lá rửa sạch, cắt nhỏ.


– Ướp thịt với ít muối, đường, hạt nêm. Trộn chung với cà rốt và hành lá.



– Nhồi thịt vào đậu hủ.


– Cho dầu vào chảo, khi chiên úp phần thịt xuống trước. Chiên vàng đều các mặt.
– Cho nước dùng gà và nước tương vào rim với lửa nhỏ. Lật đều các mặt cho thấm đều.


– Nước sệt cho hành lá vào.


– Bày ra đĩa, rắc ít tiêu cho thơm. Ăn nóng với cơm.

Yến Hà.

Cách làm SƯỜN NON KHO THƠM

Sườn non có nhiều cách kho, nếu bạn đã chán kho mặn, kho tiêu, kho chua ngọt, thì hôm nay thử thêm vào công thức một miếng thơm (dứa, khóm) xắt mỏng vào, để tận hưởng sự mới mẻ kì diệu.

Nguyên liệu:

Cho 5-6 người ăn:

  • 500g sườn non
  • Nửa trái thơm
  • Hành củ, hành lá, tỏi
  • Nước mắm, muối, đường
  • Nước hàng

Sơ chế:

– Chuẩn bị nồi nước sôi, cho sườn vào trụng sơ cho ra bọt bẩn rồi đổ nước đó đi.
– Băm nhuyễn hành, tỏi. Cắt nhỏ hành lá.
– Thơm chẻ dọc làm đôi, xắt miếng nhỏ vừa ăn.
– Ướp sườn với hành, tỏi băm, chút muối. Để trong 30 phút.

Kho sườn:

– Bắc chảo cho hành tỏi băm vào phi thơm.
– Cho sườn + nước ướp vào xào cho sườn săn, đổi màu. Thì chan tiếp 1 muỗng canh nước hàng, cho thơm vào xào cho xìu.
– Đổ nước lọc xâm xấp mặt sườn, vặn nhỏ lửa kho cho tới khi còn 1/3 lượng nước.
– Nêm thêm 1,5 muỗng canh nước mắm, 2 muỗng canh đường. Nếm thử nước mặn ngọt vừa khẩu vị bạn là được.
– Kho tiếp tới khi nước gần cạn thì tắt lửa. Rắc 1 muỗng cafe tiêu và 1 nhúm hành lá lên, trộn đều cho tiêu hành ngấm nước rồi múc ra dĩa.
– Ăn với cơm nóng.

Có thể thay nước lọc bằng nước dừa, món ăn sẽ thơm béo mùi dừa.

Bé Thúi (MAV.vn)

Cách làm THỊT KHO TRỨNG CÚT

Không chỉ có vị ngon hấp dẫn, món này còn mang công dụng chữa bệnh, bồi dưỡng cơ thể của trứng cút. 

Nguyên liệu:

  • Trứng cút: 20 quả
  • Thịt ba rọi hoặc sườn non: 300gr
  • Dừa xiêm: 1 trái, chỉ lấy nước
  • Nước mắm, muối, đường, gia vị các thứ
  • Hành tím 3 củ, tỏi 3 tép
  • Hành lá 1 cây.

Cách làm:

  • Chuẩn bị:

– Trứng cút luộc chín, lột hết bỏ (trong lúc bóc vỏ để sẵn chén muối tiêu, vừa lột vừa ăn bớt từ 5-10 trái nhé các bạn, vì trứng cút ăn lúc này là ngon nhất, và cũng vì nếu kho 1 lúc 20 trái thì hơi nhiều, không cân đối so với lượng thịt)
– Lấy 1 củ Hành tím băm nhuyễn, 2 củ còn lại chẻ dọc làm đôi. Tỏi băm nhuyễn. Hành lá xắt nhỏ.
– Thịt ba rọi đem rửa sạch, thái miếng ngang bằng 2 ngón tay, dày 1,5 ngón (vì trứng cút nhỏ nên thái thịt to quá nhìn không đẹp, chủ yếu là đẹp để lên ảnh cho hấp dẫn, nhiều like)
– Ướp với 1 muỗng cafe muối, 1/2 muỗng canh hành tím băm, 1/2 muỗng cafe tỏi. Món này khỏi ướp nước hàng vì nước dừa kho kỹ thì cũng tạo màu nâu cho thịt rồi. Ướp thịt trong ít nhất 15 phút.

  • Thực hiện:

– Bắc một cái nồi hoặc chảo, phi thơm hành tỏi, sau đó cho thịt vào xào cho mặt thịt săn lại.
– Tiếp đó, trút trứng cút vào nồi nhẹ nhàng. Cho mấy củ hành đã cắt đôi còn lại vào nồi.
– Đổ hết nước dừa vào vặn lửa to cho sôi, rồi nhỏ lửa, nêm 1 muỗng canh nước mắm.
– Sau đó kho liu riu tới khi nước dừa ngấm vào thịt, còn khoảng 1/3 so với mặt thì thì nêm nếm lại cho vừa ăn (lúc này có thể nêm đường để gia giảm độ mặn ngọt của nước thịt).
– Nêm nếm cho chuẩn rồi, thì kho tiếp trong 5 phút cho thấm, sau đó rắc tiêu, hành lá lên, đậy nắp lại cho hành lá bị “xìu”, đậm màu, bám vào thịt và trứng ton sur ton rất đẹp.
– Đẹp rồi thì tắt bếp.

  • Măm măm:

– Món này ăn nguội với cơm nóng, hoặc ăn nóng với cơm nguội đều ngon.

*** Các bạn lưu ý là hành lá có thể làm món này thơm và đẹp, hấp dẫn hơn, nhưng mà nếu nhắm ăn hết trong 2 bữa thì hãy bỏ hành trực tiếp vào nồi, vì hành dễ thiu sẽ làm món ăn mau hư hơn. Nếu nhắm ăn hông hết nổi, thì tốt nhất là chỉ rắc hành vào dĩa thịt.
*** Với trứng cút, bạn có thể luộc chín rồi chiên vàng trước khi cho vào kho, như nhiều người thường làm. Làm như vậy thì trứng cút sẽ có vị thơm của trứng chiên, nhưng nước kho sẽ khó thấm vào trong trứng hơn là khi không chiên.

Bé Thúi.

Cách làm SƯỜN XÀO CHUA NGỌT

Sườn xào chua ngọt là món ăn “hoàn hảo” trong khẩu vị nhiều người, nó có đủ cái béo ngọt hấp dẫn của sườn non, vị chua nhẹ mà đậm đà của dấm, vị thơm của tỏi, mặn của nước mắm.

Nguyên liệu:

  • 500g sườn non (sườn sụn càng ngon)
  • Hành củ băm
  • Tỏi băm
  • Dấm, nước mắm, đường, tiêu, ớt.
  • 1 quả cà chua lớn
  • Hành lá thái nhỏ

suon-xao-chua-ngot

Cách làm:

  • Chuẩn bị:

– Cà chua thái nhỏ
– Sườn non mua về chặt khúc nhỏ vừa ăn.
– Chuẩn bị nồi nước lạnh, cho sườn vào kèm theo 1 nhúm muối và 1 củ hành tím đập dập, bật lửa to nấu cho ra bọt.
– Nước sôi khoảng 2 phút thì vớt sườn ra rửa sạch lại bằng nước lạnh. Để ráo.

  • Thực hiện:

– Cà chua trụng qua nước sôi (cho dễ lột vỏ) rồi lột vỏ.
– Ướp sườn với 1 muỗng cafe muối, 1 muỗng cafe dấm, 1/2 muỗng canh hành băm, 2 muỗng cafe tỏi băm, 1/2 muỗng cafe tiêu, để trong 15 phút
– Trong lúc chờ thịt thấm thì bắc cái chảo nhỏ phi thơm hành rồi cho cà chua + một chút nước vào xào. Đậy vung lại 1 phút để cà chua nhừ rồi dùng cái vá dằm nát cà chua ra. Sau đó để qua một bên.
– Lúc này thì thịt đã ngấm. Ta bắc một cái chảo, cho dầu ăn và hành tỏi băm vào phi thơm. Sau đó lấy hết hành tỏi bỏ đi, chừa lại một chút xíu dầu ăn, ta cho sườn vào xào cho cháy cạnh.
– Tiếp theo, đổ nước sốt cà chua làm lúc nãy vào trong chảo sườn, vặn lửa nhỏ nấu trong 20 phút.
– Sườn bắt đầu chín thì ta nêm nếm lại gia vị, chủ yếu là thêm đường và nước mắm để cân bằng độ chua ngọt mặn của món ăn.
– Nêm nếm xong rồi thì xào lên cho đều, đun tiếp 3 phút nữa rồi tắt bếp.

  • Măm măm:

– Cho ra đĩa, rắc chút tiêu và hành lá thái nhỏ lên bề mặt món sườn. Món này ăn nóng mới ngon.

Bé Thúi

Đi chợ Campuchia ngay giữa Sài Gòn

 

Đối với dân ở các tỉnh giáp biên với Campuchia, có lẽ những món ăn như mắm bò hóc, bún nước lèo, chè xôi xiêm, lá sầu đâu không đến nỗi lạ lùng, nhưng với cư dân Sài thành thì đó vẫn còn là những gì rất mới mẻ. Có lẽ vì cái sự mới lạ đó, mà hằng ngày luôn có nhiều người rủ nhau đến ngôi chợ nằm sâu trong hẻm nhỏ, để cùng thưởng thức thử những hương vị Chùa Tháp đặc trưng.

Chợ Campuchia là cách người ta gọi chợ Lê Hồng Phong, nằm trong hẻm 374 đường Lê Hồng Phong, phường 1, quận 10. Địa bàn của khu chợ còn được gọi là phố Campuchia, hay phố Việt Kiều, vì nơi đây có một cộng đồng lớn dân cư là người Việt hồi hương từ Campuchia sau cuộc đảo chính hồi năm 1970 ở Campuchia. Người Việt hồi hương, phần vì nhớ mùi vị quê người, phần vì mưu sinh, đã không quên đem theo những món đặc sản Campuchia về với Sài Gòn, ban đầu chỉ là một nhóm kinh doanh nhỏ lẻ, lâu dần đã hình thành nên khu chợ không giống bất cứ khu chợ nào khác trong thành phố.

Khu chợ nằm khuất trong hẻm, với nhà lồng chợ và những hẻm chợ trời bao quanh. Đi tới khu vực này là nhận ra ngay, vì bắt đầu được thấy những bảng hiệu bằng tiếng Campuchia, những nhà làm dịch vụ du lịch đi Nam Vang, Xiêm Riệp, tiếp đến là những quán ăn bày đầy những món lạ mắt. Tới khu vực nhà lồng chợ, thấy treo đầy cá khô đủ loại: cá trèn, cá kìm, và cả cá tra biển Hồ nổi tiếng… Vào trong nhà lồng, không khó để tìm mua các thứ gia vị cũng như đặc sản trong ẩm thực Campuchia: trái chúc, trái xăng, ngải búng, mắm bò hóc, đọt sầu đâu…

Món Campuchia được lưu ý nhất ở khu này, phải kể đến bún Num Bò Chóc. Đây là loại bún cá nước lèo rất phổ biến của xứ Campuchia, với phần nước lèo có mùi vị đặc trưng nấu từ mắm bò hóc và ngải búng, cá là cá lóc ăn kèm với các loại rau như đậu đũa, ngó súng, và ăn với muối ớt chứ không phải nước mắm. Quán Tư Xê, ở ngay cổng chợ, bán bún Num Bò Chóc đã 30 năm, là nơi dân tình thường kéo đến để thưởng thức. Thực khách ban đầu còn hơi ớn lạnh vì nghe mắm Bò Hóc, nhưng sau khi ăn vài lần, thì có kẻ đã sinh ghiền. Ngày nay, đi chợ Lê Hồng Phong mà không ăn bún Num Bò Chóc, coi như chưa biết mùi chợ.

Sau bún Num Bò Chóc, tên lạ, hương vị lạ, phải kể đến món ăn rất quen, là hủ tiếu Nam Vang. Hủ tiếu Nam Vang thì ở chỗ khác cũng có, nhưng người ta thích ăn hủ tiếu Nam Vang ở đây, vì cho rằng đúng chất. Nhắc đến hủ tiếu Nam Vang ở đây, người ta thường nhắc quán Phú Quý, nhưng ngoài quán này còn hàng chục quán khác cũng rất ngon, bằng chứng là không có quán nào vắng khách. Các chủ quán hủ tiếu Nam Vang hầu hết là Việt kiều Campuchia hồi hương, chỉ riêng điều đó đủ tạo niềm tin cho thực khách là ăn không sợ lạc điệu.

Rồi thì phải kể đến đồ ăn vặt. Không dễ dàng gì mà một khu chợ khuất nẻo, lụp xụp, đường sá bất tiện lại cuốn hút được nhiều bạn trẻ, nếu như không có những hàng ăn độc đáo. Đó là những xâu chuối nướng kiểu Campuchia, nhìn thì hơi khô khan, nhưng ai ăn quen mới hiểu, vì sao cái món ăn có vẻ cục mịch, ít hấp dẫn này lại dám lặn lội ra tới xứ người. Rồi thì phá lấu, bánh khọt, bánh lọt, cháo đậu làm kiểu Campuchia, với đặc điểm là thường nấu với nước cốt dừa, lá dứa, đường thốt nốt, đường phèn…

Nhưng loại đồ ăn được nhiều bạn trẻ tìm tới nhất ở chợ này, là chè. Chè Campuchia ở đây nấu bằng đường thốt nốt, thường béo và không quá ngọt, và tạo hình rất bắt mắt. Món chè bí chưng, tiếng Campuchia kêu là Num À Pơi, làm từ trái bí ngô non bỏ hết ruột, trong có hỗn hợp sữa bột, sữa đặc, nước cốt dừa, lòng đỏ trứng, nguyên liệu mua từ Campuchia, nhìn rất quyến rũ, mà hương vị cũng được nhiều người khen ngợi. Món chè bí chưng này có thể ăn riêng thành một món chè, hoặc cắt một miếng nhỏ bỏ chung với các nguyên liệu như thốt nốt, sầu riêng, nước cốt dừa… thành món chè thập cẩm kiểu Campuchia, ăn dễ liên tưởng tới chè Thái đã phổ biến mạnh ở Sài Gòn, nhưng tất nhiên mùi vị có khác. Rồi thì chè xôi xiêm, chè bà ba, chè thốt nốt, đậu xanh, đậu trắng, đậu đen, đậu đỏ… có tên lạ, tên quen, nhưng tất cả đều được chế biến theo phong cách Campuchia. Các quán chè thường bán nhiều loại, tập trung ở gần cổng chợ, bà chủ sẵn lòng giới thiệu đặc điểm từng món cho các thực khách mới tới lần đầu.

Cứ như vậy, qua mấy chục năm tồn tại và phát triển, khu chợ len lỏi trong hóc hẻm một cách bí mật đã dần dần được biết đến như một tụ điểm ăn uống thú vị. Người ta đến chợ để ăn chè, ăn bún Num Bò Chóc, để mua các loại khô cá, các gia vị nấu món Campuchia, mà cũng để tìm hiểu đôi nét về văn hóa ẩm thực của một đất nước vừa rất quen vừa rất lạ.

 

Mỹ Mạnh (MAV.vn)

Cách làm Cá bống kho tiêu


Món ăn dân dã nhưng cực kỳ hao cơm. Mỗi người có một kiểu kho, miễn sao con cá chắc, đậm đà, không bị khô cũng không bị bở.

Nguyên liệu: 

  • 300gr Cá bống sông
  • 150gr thịt ba rọi
  • Nước dừa: 1 trái
  • Hành lá, hành khô, ớt hiểm, tiêu, tỏi, gia vị

Sơ chế:

  1. Cá bống làm sạch, cạo vảy, chặt đầu chà muối cho hết nhớt rồi rửa lại bằng nước ấm vài lần, để ráo nước
  2. Thịt xắt miếng mỏng, hoặc thái miếng dày nhưng nhỏ bằng hạt lựu
  3. Hành củ, tỏi băm nhuyễn
  4. Riềng thái chỉ
  5. Hành lá ắt nhỏ

Thực hiện

  1. bỏ vào 1 cái tô, ướp với hành tỏi băm, 1 muỗng cf đường, 1 muỗng cf dầu ăn, 1,5 muỗng cf nước mắm, 1 muỗng cf tiêu, 1/2 muỗng cf bột ngọt. Để 30 phút cho ngấm.
  2. Chuẩn bị nồi kho hoặc tộ, cho 2 muỗng canh đường thắng (xem: CÁCH LÀM ĐƯỜNG THẮNG KHO CÁ) với 1 muỗng canh dầu ăn đun cho sôi.
  3. Cho cá vào lật qua lật lại để cá nhuộm màu nước hàng, sau đó xắp lại ngay ngắn, xắp thịt ba rọi lên trên, 3 trái ớt hiểm xung quanh, riềng lên trên cùng.
  4. Nêm thêm 1 muỗng canh nước mắm, 1/2 muỗng cf bột ngọt, 1 muỗng đường vào nước kho. Kho với lửa nhỏ
  5. Thấy cá hơi săn lại, thì đổ nước dừa vào ngập cá. Đậy nồi kho lửa chỏ tới khi cá chuyển qua màu cánh gián đậm hấp dẫn, nước sền sệt vừa ăn, thì tắt bếp.
  6. Rắc hành lá, chút tiêu, dọn ra ăn với cơm nóng.

Bé Thúi (MAV.vn)