Cách nấu BÚN BÒ TÁI GÂN

Vào những ngày tiết trời nóng nảy ngột ngạt, một tô bún bò với hương vị nhẹ nhàng theo công thức sau đây sẽ là lựa chọn hợp lý cho gia đình bạn.


Nguyên liệu: (4 người ăn)

  •  200 gr thịt đùi bò, 100gr gân mềm bò.
  • 1kg bún tươi.
  • Hành lá, quế, giá, rau muống, kèo nèo.
  • Bột nêm, đường, muối, hạt nêm từ thịt, tiêu, tỏi.
  • Ớt, chanh, tương ớt ( nếu thích)


Cách làm:


– Nhặt rau muống và kèo nèo, rửa sạch bào mỏng, nếu có thời gian thì ngâm nước quăn lại cho đẹp mắt.
– Nhặt quế, giá, rửa sạch để riêng.


– Hành lá rửa sạch cắt khúc.


– Tỏi băm nhuyễn, phi vàng.
– Thịt nạc bò cắt lát mỏng, gân bò cắt vừa ăn.
– Nấu nước sôi, nêm nếm vừa ăn. Trụng phần thịt bò chín tái vớt ra dĩa, rồi đến phần gân bò( vì gân bò không dai nên để luôn trong nồi)

mav026
– Bún gắp 1 phần vừa ăn ra tô, cho vào ít giá, đổ nước sôi vào nhanh tay chắt bỏ nước ngay. Xếp thịt bò, rau, hành lá lên. Cho vào ít tiêu và tỏi phi. Chan nước dùng vào và thưởng thức.

Yến Hà / MAV

Cách nấu Bún Măng Vịt

Bún măng vịt là món ăn được nhiều người ưa thích với cái dai giòn lựt xựt của măng, kết cấu và hương vị hấp dẫn của vịt luộc, điểm thêm vị cay nồng ngọt ngào của mắm gừng.

Nguyên liệu:

  • Vịt: con khoảng 800g – 1000g
  • Nửa ký măng khô.
  • 1 củ hành tây
  • 2 củ gừng lớn
  • Rượu trắng
  • Hành lá, hành củ, ngò gai (mùi tàu), rau răm
  • Gia vị thông thường
  • Bún.

mang-vit

Cách làm:

Xào măng (đối với măng khô):

– Ngâm măng khô cho nở mềm. Sau đó xé sợi, cắt đoạn già dai, rồi ngâm vào nước lạnh từ 2-3 ngày, thay nước thường xuyên cho tới khi nước trong, để măng hết chua.

– Chuẩn bị nồi nước, đun sôi, sau đó cho măng vào luộc sôi khoảng 3-4 lần. Mỗi lần luộc xong thì thay nước luộc tiếp. Sau đó cho măng ra rổ, để ráo.

– Bắc cái chảo, cho hành củ  vào phi thơm. Sau đó cho măng vào xào chín, nêm 2 muỗng cafe muối, 1 muỗng cafe đường, 1 muỗng canh nước mắm. Châm thêm chút nước xào lửa nhỏ cho măng ngấm gia vị.

– Sau đó đậy kín nắp chảo, để qua đêm.

Luộc vịt, làm nước dùng:

– Hành tây đem nướng thơm.

– Lấy 1 củ gừng, cạo vỏ, giã nhuyễn.

– Vịt rửa và nhổ lại lông tơ cho thật sạch. Chà hỗn hợp gừng và 2 thìa canh rượu trắng lên khắp trong và ngoài thân vịt, để yên khoảng 30 phút – 1 tiếng rồi rửa lại một lần nữa.

– Đổ nước ngập mặt vịt, luộc sơ rồi bỏ nước luộc vịt đó đi, rửa lại.

– Dùng tiếp củ gừng thứ 2, rửa sạch, để nguyên vỏ, nướng sơ cho thơm, thêm hành tây thả vào nồi nước, cho vịt vào đun sôi.

– Trong khi luộc thỉnh thoảng hớt bọt cho nước dùng được trong, nêm 2 thìa cà phê muối, nửa thìa hạt nêm, 2 thìa nhỏ đường.

– Đun khoảng 20 – 30 phút bạn dùng đũa đâm xuyên qua chỗ đùi vịt, nếu không thấy chảy ra nước màu hồng là vịt đã chín, bạn vớt ngay ra thố nước lạnh để khoảng 5 – 10 phút thì vớt ra dĩa, dùng dao sắcchặt thành từng miếng vừa ăn.

– Nồi nước dùng sau khi vớt vịt, bạn thả măng vào, tiếp tục đun sôi đến khi măng mềm thì nêm nếm lại gia vị tùy theo khẩu vị.

Rau sống:

– Hành lá, ngò gai rửa sạch, để ráo.

– Đầu hành trắng thái sợi mỏng, phần hành xanh thái khúc nhỏ.

– Ngò gai thái nhỏ.

– Rau răm nhặt sạch.

Mắm gừng:

– Giã nhuyễn 2 – 3 nhánh gừng cùng vài tép tỏi, 2 thìa canh đường và 2 – 3 quả ớt.

– Nước mắm đổ ra bát, thêm hỗn hợp gừng tỏi đã giã, dùng thìa khuấy đều.

Thưởng thức:

Lấy bún ra bát, bên trên rắc hành lá, ngò gai thái nhỏ, thêm măng, xếp vài miếng thịt vịt lên bề mặt, chan nước dùng. Dùng kèm với rau răm.

 

Cách làm BÚN BÒ XÀO

Bún bò xào hay Bún bò Nam bộ, Bò bún là món ăn rất ngon miệng, dễ ăn, thích hợp ở xứ nóng vì là món trộn nguội, ít nước nhiều rau.

Nguyên liệu:

Cho 5-6 người ăn.

  • 350g thịt bò mềm
  • 700g bún tươi
  • 70g sả băm
  • 100ml Dầu hào
  • 10 ml dầu mè
  • 1 củ hành tây
  • Tỏi, dầu ăn để xào
  • Đậu phộng rang.
  • Rau ăn kèm (nhiều một chút): Giá, dưa leo, quế, húng, đồ chua, xà lách (rau diếp), hành lá.
  • Tương ớt

Cách làm:

– Thịt bò thái nhỏ, ướp với một phần sả, dầu hào, dầu mè, chút muối.
– Rau nhợ rửa kỹ cho sạch. Sau đó xắt nhỏ các loại: xà lách, húng, quế. Dưa leo bổ dọc làm 2 rồi xắt mỏng hoặc xắt thành cọng nhỏ.
– Hành lá thái nhỏ, phi với dầu ăn.
– Bắc cái chảo nhỏ lên bếp, làm nóng dầu rồi cho sả vào phi trước, rồi đến tỏi. Sả vàng rồi thì vặn lửa lớn, trút thịt vào xào nhanh tay cho săn, nêm nước mắm lại vừa ăn rồi cho hành tây vào xào nhanh cho hành mềm và thịt chín. Tắt lửa.
– Làm nước mắm chua ngọt:
– Cho nước sôi để nguội vào chén (khoảng 2/3 chén), sau đó cho thêm 2 muỗng canh nước mắm, 2 muỗng canh đường, vắt 1/2 quả chanh. Khuấy đều, nêm lại vừa miệng rồi thì cho thêm ớt và tỏi băm vào.

Trước khi ăn:

– Chuẩn bị tô. Bốc một nhúm giá, bóp cho gãy rồi cho vào tô trước. Sau đó cho các lọai rau, rồi tới bún, thịt, hành tây… rắc đồ chua và đậu phộng lên trên cùng. Trước khi ăn chan nước mắm chua ngọt lên rồi trộn đều.

Bé Thúi / MAV

Cách làm GỎI CUỐN

Gỏi cuốn hay Bánh tráng cuốn tôm thịt là một món ăn chơi hấp dẫn, nhưng cũng có thể dùng để ăn no với thành phần nguyên liệu đầy đủ dinh dưỡng trong một cuốn: bún, tôm, thịt, rau… Công thức sau đây để làm những cuốn gỏi cơ bản, bạn có thể thay đổi nguyên liệu và nước chấm cho phù hợp.

Nguyên liệu:

  • Bánh tráng.
  • Tôm.
  • Thịt ba rọi.
  • Bún tươi.
  • Rau : Xà lách, rau sống, hẹ.
  • Đồ chua, đậu phộng rang giã nát.
  • Nước chấm: Tương hột xay, ớt. Bạn cũng có thể xem cách làm khác tại đây: CÁCH LÀM 17 LOẠI NƯỚC CHẤM THÔNG DỤNG
  • Đường, muối, bột nêm.

Cách làm:

– Rửa sạch tôm, để ráo. Ướp với đường, bột nêm, muối. Cho vào nồi với ít nước ( tôm ra nước) đậy nắp lại nấu đến khi tôm đổi màu đỏ. Vớt tôm ra rổ, lột vỏ, xẻ đôi tôm bỏ chỉ lưng.

– Thịt ba rọi cạo sạch lông, luộc với ít muối, đường cho đậm đà. Thịt chín cắt lát mỏng.
– Rau rửa sạch để ráo nước.
– Làm ướt bánh tráng, để rau bên dưới, xếp bún, thịt, tôm, bẻ đôi cọng hẹ, cuốn chặt tay.
– Nước chấm: Tương hột xay + đường, bột nêm + ớt băm nhuyễn + đồ chua + đậu phộng. Nếm lại cho vừa miệng là được.

Yến Hà (MAV.vn)

Cách nấu Bún bò Đà Nẵng – Quảng Nam

Bên cạnh Bún bò Huế nổi tiếng thì miền Trung còn có bún bò Quảng Nam Đà Nẵng cũng là một món ăn rất đặc sắc. Bún bò Quảng Nam- Đà Nẵng thường ăn bún sợi nhỏ, với thịt tái hoặc bắp bò, thoảng mùi sả và điểm chút hương mắm ruốc, nhưng không dậy mùi như bún bò Huế. Khi ăn cho thêm hành chua, ớt ngâm vào để kích thích khẩu vị.

Cách làm Bún bò giò heo:

Nguyên liệu:

Cho 5 tô:

  • 1 kg xương ống
  • Nửa ký bắp (nếu ăn tái thì mua thịt thăn hoặc mông, thái mỏng, trụng cho tái trước khi ăn)
  • Giò heo, huyết heo đủ ăn.
  • Có thể thêm ít bò gân (loại nấu ragu, bò kho)
  • 5 cây sả
  • Một củ gừng nướng
  • Hành củ, hành lá, tỏi, ớt, tiêu, hạt điều.
  • Mắm ruốc
  • 1/2 trái dứa
  • Bún sợi nhỏ, chanh…

Người Quảng Nam- Đà Nẵng thường ăn món này với Hành chua, xem: CÁCH LÀM HÀNH NGÂM KIỂU QUẢNG NAM – ĐÀ NẴNG.

Thực hiện:

  • Các bước ban đầu:

– Chuẩn bị 1 tô nước, pha 2 muỗng mắm ruốc vào rồi quậy lên cho tan, sau đó để yên cho mắm lắng xuống (khoảng vài giờ).
– Bắc một nồi nước nhỏ nấu sôi, sau đó bỏ giò và xương vào nấu 5-10 phút cho ra chất bẩn. Sau đó đổ nước đi, rửa giò và xương lại bằng nước sạch.
– Chặt giò heo thành khoanh vừa ăn.
– Nồi nhỏ sau khi đổ nước thì cho huyết vào luộc với tí muối, đường. Sau đó đổ nước, vớt cục huyết ra để riêng.
– Tiếp tục cho giò heo đã chặt khúc vào nồi nhỏ, nấu với tí muối cho tới khi nào da heo trong là ok, vớt ra ngoài. (Trong lúc nấu giò heo thì nấu nước bún & bắp bò).

  • Nấu nước bún & bắp bò:

– Bắc một nồi to đủ nấu nước dùng, cho xương ống vào rồi bật lửa nấu sôi.
– Nước sôi, cho tiếp bắp bò vào, kèm theo cục gừng nướng chín (cho thịt đỡ nặng mùi) và nửa trái thơm (cho thịt mau mềm). Nấu cho sôi lại.
– Hầm khoảng 1 tiếng rưỡi đồng hồ trong lửa vừa, không đậy nắp, thỉnh thoảng vớt bọt cho nước trong.

Trong lúc hầm thịt thì làm nước màu.

Làm nước màu điều:
– Chuẩn bị cái chảo, cho ít dầu rồi cho hành, tỏi băm và hạt điều vào xào lên cho có lớp màn màu đỏ. Vớt hết xác hạt điều ra. Phần nước điều đã xào để ra riêng chút nữa dùng tới.

Quay về cái nồi hầm:

– Ta thử dùng cái đũa đâm vào cục bò bắp coi có đâm xuyên được không, xuyên được thì lấy ra cho vào cái thau chứa nước lạnh + vài viên đá lạnh. Chưa được thì hầm tiếp.
– Sau đó cột 5 cây sả đập dập cho vào nồi.
– Vặn nhỏ lửa, bắt đầu nêm:
+ Tô nước pha mắm ruốc hồi nãy chắc lấy phần nước trong, đổ vào nồi nước dùng. Còn phần cặn bỏ đi.
+ Nêm tiếp nước mắm, muối, tiêu cho hơi mặn (tới lúc ăn còn chan nước mắm nữa). Nếu muốn ngòn ngọt thì cho thêm mật ong, hoặc bột ngọt, không cho đường.
– Cắt huyết heo thành miếng vừa ăn cho vào nồi.
– Nấu tiếp 15 phút nữa. Cuối cùng đổ nước dầu điều đã làm lúc nãy vào nồi cho có màu.
– Vậy là xong nồi nước lèo.

  • Chuẩn bị ăn thôi:

– Xắt thịt bò bắp thành từng lát mỏng.
– Hành lá và ngó thái nhỏ.
– Sắp bún vào tô, trải thịt lên, thêm khoanh giò, miếng huyết, rắc hành ngò lên, rồi chan nước dùng vô, vắt miếng chanh cho thơm, là ăn được.

*** Khi ăn cho thêm mấy lát hành chua ngâm ăn cho ngon, nêm thêm tí nước mắm cho dậy mùi.
*** Người Quảng – Đà ăn bún bò không thường bỏ rau sống, tuy nhiên nếu muốn ăn có rau sống thì bỏ thêm rau chuối, xà lách, húng quế, bạc hà… cho ra kiểu miền Trung.
*** Có thể ăn tô nhỏ chấm kèm ổ bánh mì rất ngon. Đây là kiểu ăn bún chỉ có ở miền trung.

Bé Thúi.

9 món ăn phải thử ở Việt Nam

Ba Đầu bếp danh tiếng Ed Lee, Stuart Brioza và Bryan Caswell đã có một chuyến ngao du tuyệt vời tại Việt Nam dưới sự tổ chức của hiệu nước mắm Red Boat. Từ chuyến đi này, đầu bếp Lee – chủ nhà hàng 610 Magnolia và MilkWood ở Louisville, Kentucky – đã liệt kê ra danh sách 9 món ăn mà ông ấy sẽ nhớ nhất, 9 lý do chính để ổng xách ba lô lên và đi. 

1. Phở khô Gia Lai

Phở là món quốc hồn của Việt Nam và được bán ở khắp mọi chỗ từ nhà hàng cho đến những ngã ba, nơi mấy bà già đã chỉnh sửa lại thành một cái nhà bếp dã chiến. Nhưng còn Phở khô, thì nó hơi khác, khi mà tất cả các thành phần từ sợi, nước dùng bò, rau thơm, ớt đều được bày ra riêng. Sau khi ngắm nghía cái cách mà người bản xứ đã dùng để ăn món này, tôi ngộ ra phương pháp ăn ngon lành nhất là mỗi lần ăn thì phải kèm theo một chút nước lèo và thịt để sợi phở nó ẩm, rồi nuốt nó nhanh trong khi hành phi và rau nhợ đang mềm dần khi trụng trong nước lèo. Ồ de! Ở Việt Nam không có tương ớt Con Gà (Sriracha) và bạn sẽ trông giống như thằng hai lúa nếu yêu cầu cái thứ đó – vụ này tôi đã thử.



2. Bún riêu

Món ăn với sợi và nước là cái thể loại cơ bản nhất ở trong ẩm thực đường phố, và một trong những loại sợi nước ngon lành nhất theo ý của tôi, là ở trong một quán nhỏ nhen xiêu vẹo với một vài cái ghế nhựa tí hon bên vỉa hè một con đường trên đảo Phú Quốc. Bryan Caswell, lão này cao mét tám tám và to bự như tiểu bang Texas, nên có một chút gì đó giống như gã khổng lồ đến dự tiệc trà của những Hobbit. Nước dùng – cũng như như trong Phở – là thành phần quan hệ nhất của tô Bún Riêu. Bên trong nó có mấy thứ làm từ tôm khô, cà chua, giò heo và ăn kèm với các gia vị như đinh hương, sả. Nó được ăn chung với bún, thịt quay, cà chua xắt lát. Cái sự tham gia của cà chua trong tô bún này thực là một sự có mặt rất đáng giá vì nó đã đánh bại cái cảm giác ngán ngẩm khi người ta ăn thịt heo béo ngậy. Và một bữa ăn cùng 6 lon bia Sài Gòn như rứa, có giá chỉ 5 đồng Mỹ.



3. Gỏi cá trích

Mấy ông đầu bếp ở khu nghỉ dưỡng Blue Lagoon, Phú Quốc thực là đã dụ dỗ được chúng tôi bằng cái món khai vị nhỏ xinh này. Cá trích tươi rói mới bắt lên, được phi lê một cách chuyên nghiệp, rồi bày trên một cái bánh tráng siêu mỏng cùng với rau xà lách, húng quế, dứa tươi, dừa nạo và nước chanh. Ăn nó bằng cách cuộn lại và chấm trong nước chấm pha từ nước mắm với chanh. Mặn, ngọt, chua, thơm và tất cả phối hợp với nhau để tác động lên khẩu vị, khiến cho nó trở thành miếng ăn không thể quên trong suốt cả tuần.



4. Đậu rồng

Nghĩa của nó là cái loại đậu có hình dáng như con rồng, với bốn cạnh có khứa dễ thương. Vị của nó hơi giống đậu tuyết và măng tây nhưng bên trong lại mọng nước. Hầu như người ta đều chế biến đậu rồng này theo cách xào với nước mắm, hành lá, và một chút xíu chanh. Cái thứ đậu này có khả năng trở thành thứ đậu bá đạo nhất xứ xở Quê Kỳ (Mỹ) nếu mà người ta biết cách nuôi trồng chúng cho ngon lành. Tôi, ít nhất cũng sẽ là một fan trung thành của nó.



5. Bò lá lốt

Thứ lá nguyên liệu hiếm hoi tại Mẽo, nhưng rất phổ biến ở Việt Nam là lá lốt, hay còn gọi là lá lốp. Lá lốt bình thường có nhiều loại vị, nhưng khi đã nướng lên, thì hương vị của nó bỗng dưng biến ảo, trở nên một cái gì đó tương tự như vị củ cải hòa với vị tía tô. Bò lá lốt bao gồm thịt bò ướp với tỏi, nước mém, sau đó bọc trong cái lá lờ ốt lốt này, rồi nướng trên than củi. Sau đó ăn kèm với chút ngò và đậu pộng rang. Đúng lý ra nó được bán kèm trong thực đơn BÒ BẢY MÓN (nghĩa là Bảy kiểu đồ ăn từ thịt bò), nhưng bạn có thể tìm ở trong nhiều hàng quán khác bằng cách hửi coi nơi đó có thoang thoảng cái mùi thơm hấp dẫn không thể lẫn lộn của than và chút chi ngọt ngọt.



6. Đầu gà chiên

Không biết người Việt họ gọi món này là chi, vì mấy hàng quán ở chợ Tân Định bán chớ không có giới thiệu tên. Nhưng tôi đoán là tên của nó không ngoài ba chữ “đầu gà chiên”, hoặc sến hơn một chút thì phải là: “Mũ miện Bóng Tối Ngọt Ngào của Loài Gia Cầm Siêu Dị”, túm lại là không quan trọng. Đơn giản nhưng gây nghiện. Xì dầu đã làm cho lớp da gà ngọt như kẹo. Thịt chỗ cổ thì mềm và gặm một phát là tới phần xương. Mỏ, mắt, óc não và lưỡi,… tất cả giòn tan trong miệng bạn và cảm giác này chắc phải mô tả là “giống như đang ăn bắp-gà-rang-bơ”.



7. Hột vịt lộn:

Món ăn này thường được biết tới với tên balut hoặc hột dzịt lộn. Nó là trứng vịt đã thụ thai và được ấp ở mô đó trong tầm 18-21 ngày, vừa đủ để lòng đỏ trứng phát triển thành một phôi thai với đầy đủ mỏ mắt, thân thể và lông lá. Trứng được luộc trong 20 phút và được dọn ra nguyên trái chưa lột vỏ, kèm theo chút muối tiêu, chanh và rau răm. Có thể tưởng tượng là hương vị của nó sẽ nằm chơi vơi đâu đó ở khoảng giữa trứng và thịt vịt. Và phải ăn mới biết. Nó có hương vị rất là đặc trưng, tôi muốn nói là có dạng như hormonal và thủy sản. Cái miếng ăn của nó thì từa tựa như nhím biển với lòng trắng luộc và mấy thứ dai dai. Có khó nuốt không? Dĩ nhiên! Nhưng muối tiêu đã giải quyết được vấn đề. Món này chắc chắn không hợp với tất cả, nhưng còn với tôi, phải thú nhận là tôi đã được thưởng thức một vị ngon làm từ phôi con vịt.



8. Cơm tấm:

Cơm tấm với thịt heo nướng thì đã quá quen thuộc ở các nhà hàng Việt Nam tại Mỹ, nhưng thú thực là tôi chưa bao giờ ăn được cái dĩa cơm tấm nào ngon như lần này. Sườn nướng được ướp bằng nước mắm, mật ong và tiêu trắng, miếng chả cua được bọc lớp trứng mỏng và phần bì lợn mềm dai quyến rũ. Nhưng cái nổi bật nhất trong món này là cơm: dẻo, ngọt, thơm tho và cấu trúc không đều đặn của gạo tạo nên sự thú vị bất ngờ cho cái miệng. Trong lịch sử, gạo tấm từng được coi là đồ thứ phẩm, chỉ giành cho nông dân nghèo. Nhưng với bàn tay của mình, họ đã biến thứ gạo thứ phẩm này thành một món ăn hết sức gợi tình.



9. Chè vải hột sen.

Phần lớn mấy cái món tráng miệng ở Việt Nam là không làm tôi ấn tượng, nhưng có một món ở quán Cục Gạch tại Sài Gòn đã trở thành một trong những món tráng miệng ngon lành nhất mà tôi được bỏ vô miệng. Món ăn này có bề ngoài thật đơn giản với màu đơn sắc trong một cái chén sứ nhạt nhẽo, với ba thành phần chuẩn không phải chỉnh: vải tươi, hột sen trong nước đường phèn mát lạnh.

Bài và ảnh: theo Ed Lee (foodandwine.com)
Bé Bủm dịch.

15 món ăn làm rạng danh ẩm thực Việt trên thế giới

Gỏi cuốn, cơm tấm, phở… lọt vào danh sách những món ăn Việt phải nếm của các tạp chí trên thế giới.

Chuối nếp nướng

Từng được vinh danh trong Lễ hội ẩm thực đường phố thế giới 2013 diễn ra tại Singapore, chuối nếp nướng khiến không ít người ngỡ ngàng vì mức độ thu hút của nó đối với bạn bè quốc tế tại liên hoan này. Vị ngọt từ chuối, bùi từ nếp và beo béo từ nước cốt dừa cùng chút đậu phộng rang đã làm nên một chuối nếp nướng độc đáo, chỉ từ các nguyên liệu đơn giản mà thành.

Bánh khọt Vũng Tàu

Là một trong những món ăn đạt giải thưởng Giá trị ẩm thực Châu Á, bánh khọt Vũng Tàu đã trở thành lựa chọn không thể thiếu đối với nhiều thực khách sành ăn. Bánh ngon phải có độ giòn nhất định, vàng ruộm. Ăn cùng nhiều loại rau tươi, nước mắm pha chua ngọt.

Bánh mì

Sài Gòn được mệnh danh là cái nôi của bánh mì Việt với đủ hương vị từ cơ bản đến biến tấu đa dạng, trong đó có bánh mì gà. Là sự kết tinh của phong cách ẩm thực Âu và Á nhưng mỗi ổ bánh mì lại có giá rất bình dân, chỉ từ 8 – 15k/phần. Mới đây, bánh mì gà cùng bún thịt nướng vinh dự lọt vào top 10 Món ăn siêu ngon tại Đông Nam Á.

Phở

“Pho” trở thành một danh từ riêng trong các tài liệu, từ điển thế giới là điều khiến hết thảy người Việt tự hào. Được xem là nét tinh tuý nhất của nền ẩm thực Việt, phở phù hợp cho việc dùng tại bất cứ thời điểm nào trong ngày mà không gây trở ngại mặc dù phải phục vụ khi món ăn còn nóng đến bốc khói.

Bún chả Hà Nội

Món ăn này là một đặc sản của xứ kinh kì xưa đạt được sự công nhận của quốc tế làm rang danh nền ẩm thực Việt. Bún chả Hà Nội có nguyên liệu tương tự như bún thịt nướng nhưng cách chế biến lại công phu, cầu kì hơn hẳn.

Gỏi cuốn Sài Gòn

Sự kết hợp hài hoà giữa bún tươi, thịt, tôm và các loại rau cùng nước chấm đậm đà khiến không chỉ thực khách Việt Nam mà hết thảy du khách nước ngoài đều lựa chọn gỏi cuốn là món thứ hai phải nếm thử, sau phở.

Cơm tấm

Từ những hạt gạo vỡ bị bỏ đi, cơm tấm dần trở thành món ăn quen thuộc của người dân Sài Gòn, có mặt tại hầu hết các bữa ăn bất kể khuya muộn hay sớm tinh mơ. Linh hồn của món này chính là nước mắm pha sền sệt ngòn ngọt, không quá mặn.

Bún bò Huế

Là đại diện cho nét tinh tuý của ẩm thực Huế trong đại gia đình món ăn Việt, bún bò được xem là “kẻ kế nhiệm” cho món phở trong việc truyền bá văn hoá nước nhà. Tại mỗi vùng miền, bún bò Huế được điều chỉnh hương vị sao cho phù hợp với người dân tại địa phương đó, nhưng vẫn đầy đủ nguyên liệu cơ bản là nước lèo từ xương hầm bò thơm mùi sả.

Mỳ Quảng

Món mì đặc trưng xứ Quảng sẽ khiến teen thổn thức chút đỉnh vì độ ngon khó cưỡng của nó đấy. Với các nguyên liệu phong phú, mỗi tô mì Quảng có thể khác nhau về hình thức một chút nhưng hương vị được quyết định chính hương dầu phộng và nước dùng được nấu sắc lại, vừa ăn. Để trọn hương, trọn vị khi dùng mì Quảng, teen nhớ ăn thêm rau được lấy từ làng Trà Cổ gần đó nhé.

Chả cá Lã Vọng

Là một món đặc sản của Hà Nội, chả thường được làm từ cá lăng, nướng chín trên than, sau đó được rán lại rồi bày ra ăn cùng bún rối hoặc bánh đa, chấm mắm tôm. Để món ăn thêm ngon, mắm tôm sau khi vắt chanh, đánh sủi lên thì cho vào vài giọt tinh dầu cà cuống và rượu trắng, một ít nước mỡ và đường.

Bún cá rô đồng

Xuất xứ từ Hải Dương, bún cá rô đồng được chọn là một trong 22 món ăn Việt tạo nên giá trị ẩm thực Châu Á. Những miếng cá được rút xương và chiên trong chảo dầu đầy khiến chúng giòn rụm trong miệng người ăn, húp cùng muỗng nước dùng thoảng nhẹ mùi gừng là khiến thực khách xuýt xoa không ngơi.

Cao lầu Hội An

Tuy không rõ xuất xứ và tên gọi, cách làm cao lầu vẫn được lưu giữ chính xác. Nếu không dùng nước giếng Bá Lễ cùng tro nấu bởi củi lấy từ Cù Lao Chàm thì không thể làm nên sợi mì dai dai sựt sựt – linh hồn của món ăn này được. Nét tinh tuý và chắt lọc nguyên liệu để được chất lượng tốt nhất khiến cao lầu trở thành một thức đặc sản không chỉ đẹp mắt mà còn ngon miệng của riêng phố cổ.

Hủ tíu Mỹ Tho

Món hủ tíu này  nằm trong danh sách 22 món ăn việt được tôn vinh tại Giá trị ẩm thực Châu Á. Với nước lèo đậm đà và ngọt thơm từ xương hầm, sợi hủ tíu to và trong được làm từ gạo Gò Cát nổi tiếng đã làm nên hương vị đặc trưng khiến món hủ tíu Mỹ Tho khác biệt với hủ tíu Nam Vang (nguồn gốc Campuchia) hoặc hủ tíu người Hoa.

Bún cá Châu Đốc

Bún cá Châu Đốc là món ăn đòi hỏi sự tỉ mỉ và công phu bởi nguyên liệu chính của món này là cá. Món này đòi hỏi nước lèo phải trong, có vị ngọt từ cá và thơm mùi ruốc đặc trưng. Vì thế, khâu chọn nguyên liệu phải kĩ càng bởi cá không tươi sẽ không thể có nước lèo ngon.

Bún suông

Bún suông, hay còn gọi là bún đuông, có xuất xứ từ Trà Vinh. Nhiều người lầm tưởng món này có nguyên liệu từ con đuông (sống trong các đọt hay thân dừa) nhưng thực chất là chả tôm, được tạo hình giống mà thôi. Cũng nằm trong top những món ngon châu Á, bún đuông được xem là đặc sản đáng tự hào của người Trà Vinh. \

Theo Ione.Vnexpress.net

Những món không thể bỏ qua khi tới Nha Trang

Không chỉ “hút” khách du lịch nhờ những bãi biển tuyệt vời, Nha Trang còn nổi tiếng với những món ăn khiến thực khách xiêu lòng.

1. Hải sản làng chài

Là thành phố ven biển, hải sản ở Nha Trang vô cùng phong phú và tươi ngon. Bạn có thể thưởng thức hải sản ở các nhà hàng hay các quán ven biển. Tuy nhiên, ngon và thú vị nhất chính là ghé qua làng chài và ăn sản sản tươi vừa bắt dưới biển. Dân làng chài sẽ đưa bạn đến những nhà hàng trên biển bằng phà. Tại đây, bạn có thể chọn hải sản tươi sống hay tự tay lựa chọn tôm, cá từ dưới biển và nhờ nhà hàng chế biến chúng và chờ đợi để thưởng thức thôi. Ngoài các loại tôm, mực, sò huyết, ốc…, bạn cũng nên thử qua món cá nướng tại Nha Trang. Món cá tắc kè nướng chấm muối ớt rất nổi tiếng tại Nha Trang với vị phần thịt dai thơm và ngọt.

2. Bún chả cá

Bún cá trong văn hóa ẩm thực của người dân biển Nha Trang thân thuộc như món phở với người Hà Nội hay tô mì Quảng với người Quảng Nam. Cùng tên nhưng bún cá Nha Trang có nhiều điểm khác biệt với bún cá vùng miền khác, làm nên đặc trưng riêng cho món ăn này. Món này khá độc đáo với nước dùng được ninh bằng cá cờ và xương cá thu. Chính điều đó khiến nước dùng của món bún này có vị thanh ngọt, mát đặc biệt. Một tô bún chả cá Nha Trang đặc biệt còn có thêm sứa và cá dầm, tức phần thịt cá cờ hấp được xé ra từng miếng, ăn vừa thơm, ngọt thịt, lại dai dai.

Một tô bún với nước lèo trong, thơm phức, bốc khói, với những lát chả cá chiên vàng, những lát chả cá hấp trắng xám dai dai, vài miếng thịt cá thơm ngọt, đuôi hành lá được xắt dọc cùng với miếng sứa giòn sật tạo nên vị là lạ nhưng rất kích thích. Thêm vào đó là một đĩa rau xanh xắt nhỏ và một chén nước mắm thơm lựng, thật cay, tất cả quyện vào nhau sẽ tạo cho bạn một hương vị khó quên. Bún chả cá Nha Trang với các nguyên liệu chế biến từ cá rất phù hợp với những người muốn ăn kiêng.

3. Thịt bò nướng Lạc Cảnh

Thịt bò nướng cũng là một trong những đặc sản của Nha Trang. Dân sành ăn vẫn kháo nhau rằng: “Đến Nha Trang chưa ăn bò nướng Lạc Cảnh là mới biết Nha Trang có một nửa”. Tuy đó chỉ là câu đùa nhưng thực ra cũng không phải quá lời. Trong cẩm nang ẩm thực của du khách nước ngoài luôn có địa chỉ của quán bò Lạc Cảnh.

Bí quyết làm nên vị ngon của món thịt bò này nằm ở các công thức trộn thịt bò với mật ong cùng hơn 10 gia vị của quán. Thịt bò nướng Lạc Cảnh được thái quân cờ và nướng trên than hoa. Tại quán có khá nhiều loại bò nướng để bạn lựa chọn. Món này thường được ăn kèm với rau sống, tuy nhiên bạn cũng có thể gọi thêm bánh mỳ hoặc bánh tráng để ăn kèm.

4. Bánh căn

Bánh căn là một món ăn phổ biến ở khu vực miền Trung và miền Nam. Ngồi xung quanh bếp than ấm nóng, xem người thợ làm bánh khéo léo đổ bột vào khuôn, sau đó thưởng thức bánh căn nóng trong một ngày nhiều gió là trải nghiệm thú vị cho bất cứ ai khi đến với Nha Trang.

Loại bánh này bao gồm bột gạo, mỡ, hành lá và trứng. Ngày nay, bánh căn có nhiều loại nhân như tôm, mực. Bánh căn được ăn với rau sống và nước chấm chua ngọt được pha từ nước mắm Nha Trang cùng các nguyên liệu như hành, ớt, tỏi và xíu mại. Bạn có thể thưởng thức món bánh căn trên đường Lê Thánh Tôn hay Nguyễn Thiện Thuật.

5. Nem nướng Nha Trang

Nhắc đến ẩm thực Nha Trang, người ta không thể không nhắc đến món nem nướng Ninh Hòa hay nem nướng Nha Trang. Nguyên liệu gồm nem chua hay nem nướng. Tuy nhiên, hầu hết các khách du lịch đều chọn nem nướng để thưởng thức và mua nem chua về làm quà cho mọi người.

Nem Ninh Hòa cũng sử dụng da heo thái sợi như nem chua Thanh Hóa nhưng thay vì gói bằng lá chuối, nem ở đây được gói bằng lá chùm ruột hoặc lá khế còn non để để tạo mùi thơm. Ăn nem Ninh Hòa, bạn sẽ cảm nhận được mùi thơm của thịt, vị chua dịu, ngọt, giòn, cay nhẹ quyện lẫn nhau rất thú vị. Đặc biệt, món nem nướng được ăn kèm với nộm từ đu đủ xanh mang lại một hương vị khá mới lạ.

6. Mực rim chợ Đầm

Khô mực được chọn loại mềm dễ tẩm ướp. Khô được tẩm đường, me tươi, ớt và nước mắm cho thấm, đưa lên bếp lửa liu riu, đảo đi đảo lại nhiều lần để gia vị càng thấm hơn. Nghe đơn giản như vậy nhưng không phải ai cũng làm được ngon. Làm cho mực thấm đều, không bị dai, không bị mềm là bí quyết của người Nha Trang. Người ta luôn có kinh nghiệm canh lửa sao cho vừa phải, đủ thời gian để mực thấm gia vị và có được độ giòn, hơi dai khi dùng.

Mực rim có thể dùng làm đồ nhắm, ăn chung với dưa hành, củ kiệu tương tự như dùng tôm khô ở miền Tây vào ngày Tết. Có thể dùng mực rim ăn với cơm trắng, kèm theo rau sống, dưa leo… Vị chua, ngọt, mặn của món ăn hòa quyện với nhau tạo hương vị đặc biệt kích thích mọi giác quan của thực khách.

7. Chả cá Nha Trang

Chả cá Nha Trang nổi tiếng ngon vì làm từ cá tươi. Miếng chả cá chiên vàng, thơm phức khiến khách ăn rồi vẫn thèm. Khi làm chả, người ta thường dùng cá mối, cá thu, cá thởn, cá rựa, cá nhồng, cá chuồn, cá cờ… nhưng ngon nhất là chả cá nhồng hương, giờ rất hiếm.

8. Vịt Cầu Dứa

Món vịt Cầu Dứa nổi tiếng khắp nơi, món vịt ở đây được chế biến từ vịt Ninh Hoa được nuôi thả ngoài những cánh đồng phì nhiêu, giàu tôm, cua, cá nên rất béo. Phổ biến và được ưa chuộng nhất là món vịt luộc và nướng. Dù chế biến theo kiểu gì thịt thịt vịt ở đây cũng rất mềm, nạc và tuyệt đối không có mùi hôi đặc trưng của vịt.

Vịt Cầu Dứa, nằm trên quốc lộ 1A, cách trung tâm thành phố 3-4km về phía Nam. Nơi đây được biết đến như một “khu phố Vịt” với san sát nhà hàng phục vụ các món vịt cực kì hấp dẫn.

9. Bún sứa Nha Trang

Bún sứa Nha Trang – là một món ăn đặc trưng miền biển, không chỉ những người dân địa phương yêu thích mà nhiều khách du lịch đến đây cũng không quên thưởng thức. Đặc biệt, khi thời tiết bắt đầu nóng lên, sứa là món ăn ngon, bổ, mát và có tính giải nhiệt cao. Món bún sứa xuất hiện ở nhiều nơi, nhưng bún sứa Nha Trang từ xưa đến nay là nổi tiếng nhất. Người dân biển xa quê lâu ngày, trở về Nha Trang nhất định phải tìm bún sứa, không câu nệ phải tìm đến những nơi nổi tiếng, bởi vì bản chất của món bún này đã đậm đà vị biển – hương vị quê nhà.

10. Bánh ướt Diên Khánh

Bánh ướt Diên Khánh là một món ăn khá nổi tiếng ở Nha Trang. Món ăn này ở phố bánh ướt Diên Khánh. Tuy gọi là phố nhưng thực chất nơi đây là một con đường nơi tụ tập rất nhiều các hàng bán bánh ướt, những hàng quán này được mở từ 4 giờ sáng đến tận đêm khuya. Do đó, khách muốn có thể dùng món này bất cứ khi nào.

Loại bánh này ăn nóng mới ngon nên khi có khách vào, người tráng bánh mới bắt đầu công việc của mình với lò nước sôi sẵn. Họ chỉ việc dùng chiếc gáo dừa múc bột, nhẹ tay tráng đều trên khuôn vải đã căng thẳng trên vung. Thời gian bánh chín tùy thuộc vào độ dày của bánh. Bánh chín, người tráng sẽ dùng cây ghim tre luồn dưới chiếc bánh mỏng vớt lên xếp vào đĩa, chiếc bánh được cây ghim xẻ ra làm bốn phần cho một đĩa bánh.

Đĩa bánh được trình bày rất đẹp mắt. Trên đĩa bánh sẽ có một ít mỡ hành, chà bông tôm khô (hoặc thay bằng đậu xanh chín giã nhỏ). Đĩa bánh trông như một bức tranh rực rỡ sắc màu: màu trắng của bánh, màu hồng đỏ của tôm, màu xanh của lá hành, óng ánh dầu mỡ. Thưởng thức bánh ướt với giá trần và chả lụa Diên Khánh thì không còn gì tuyệt vời bằng.

11. Bánh tráng xoài

Bánh tráng xoài – cái tên nghe vừa lạ lại vừa quen. Bởi bánh có hình dạng giống chiếc bánh tráng, nhưng nguyên liệu chế biến chỉ có xoài chín và một chút đường cùng với bàn tay khéo léo của con người đã tạo nên một loại bánh dân dã và trở thành “thương hiệu” nổi tiếng của Nha Trang.

Xoài cát ở Khánh Hòa rất nhiều, ăn và bán quả tươi không hết người ta tận dụng làm bánh xoài, vừa thơm ngon lại có thể để được lâu. Bánh xoài còn độc đáo ở chỗ nó giữ được rất lâu mà không cần sử dụng bất kì hóa chất nào bởi vị chua của xoài và cách chế biến dựa vào nắng tự nhiên.

Ăn bánh tráng xoài không cần chế biến hay kết hợp thêm nguyên liệu ăn kèm. Bánh có vị chua thanh, ngòn ngọt và mùi thơm thơm tự nhiên của xoài, hơi dai và mùi thơm đặc trưng của cái nắng gắt Nha Trang.

(Theo Yan)

Cách làm Bún Chả

Bún chả là món ăn nổi tiếng của miền Bắc Việt Nam. Bún chả khá giống bún thịt nướng ở miền Trung và Nam bộ, vì cùng là bún ăn với thịt nướng, khác biệt ở chỗ vị nước chấm của bún chả thanh dịu hơn, về nguyên liệu và cách ăn, có thể thấy là đặc điểm của bún thịt nướng là ở sự pha trộn mạnh mẽ các nguyên liệu, còn ở bún chả, là sự kết hợp nhẹ nhàng của các hương vị.

Công thức làm bún chả thì lúc nào nhìn vào cũng thấy dài dòng, nhưng thật ra làm rất đơn giản.

 

Nguyên liệu:

  • Bún: 1kg
  • Thịt ba rọi: 500gr, bỏ bì, xắt miếng mỏng
  • Thịt nạc vai xay nhỏ: 500gr
  • Cà rốt, su hào (hoặc đu đủ) số lượng tùy thích
  • Chanh
  • Sả băm
  • Hành củ, hành lá, tỏi, sữa đặc, nước mắm, nước hàng, đường, gia vị
  • Rau xà lách, rau húng, tía tô, kinh giới…để làm rau sống ăn kèm.

Cách làm:

Chuẩn bị:

  • Sả băm hoặc xay nhuyễn, vắt lấy nước, chia làm hai phần.
  • Hành củ và tỏi băm nhuyễn.
  • Hai loại thịt xay và thịt miếng để ra hai cái tô riêng. Mỗi loại ướp với một phần nước sả, 1 muỗng cafe tiêu, 2 muỗng cafe sữa đặc, hành tỏi đã băm, 1 muỗng cafe muối, 2 muỗng cafe đường, 1 muỗng canh dầu hào, 2 muỗng cafe nước mắm, 1 muỗng cafe nước hàng (click vào xem CÁCH LÀM NƯỚC HÀNG), nếu có mật ong thì thêm 1 muỗng mật ong.
  • Ướp thịt trong khoảng 30 phút (nếu có điều kiện thì ướp qua đêm sẽ ngon hơn nhiều). Sau đó xắt 1 miếng chanh, vắt mỗi loại thịt 1 nửa miếng chanh để thịt nướng mềm hơn.
  • Ướp tiếp trong vòng 30 phút. Trong khoản thời gian này thì lo chuẩn bị làm đồ chua và nước chấm.

Làm đồ chua (dưa góp), nước chấm:

  • Su hào, cà rốt gọt vỏ, xắt miếng mỏng, nhỏ như đồng xu 1000 là vừa, sau đó cho 1 nhúm muối vào trộn lên cho ra bớt nước. Rửa lại bằng nước. Để ráo. Cho vào cái tô, trộn với đường, chanh, dấm, ớt, chút tỏi băm, sao cho vừa đủ mặn, ngọt, chua là được, đừng trộn lạt quá vì chút nữa lại bỏ vô nước chấm.
  • Trong khi chờ đồ chua ngấm, thì làm nước chấm.
  • Chuẩn bị một tô to, thêm vào 1,5 chén nước lọc (nếu có thời gian chuẩn bị, thì nên dùng nước xương gà, bấm vào đây >>> Xem cách làm nước chấm bún chả công phu hơn), 1/2 chén nước mắm, 3 muỗng canh đường, 2 miếng chanh, chút tỏi ớt, bột ngọt… rồi hòa ra cho đều. Vừa pha vừa nếm, nêm lại cho vừa ăn, Nên pha các nguyên liệu kia trước rồi mới châm nước mắm sau cùng, như vậy dễ điều tiết được vị mặn. Lưu ý nước chấm bún chả miền Bắc không giống nước chấm bún thịt nướng ở miền Nam, mà nên làm cho vị được thanh nhẹ, chua dịu, ngọt dịu, không nặng mùi mắm như nước bún thịt nướng.

Nướng chả:

  • Lúc này thịt đã ngấm, ta lấy thịt băm ra vo viên to vừa ăn, kích cỡ tùy thích. Sau đó bắt đầu nướng: Có thể nướng bằng lò nướng, nhưng không ngon bằng nướng than. Trong lúc nướng lật đều tay, thỉnh thoảng quết 1 lớp dầu ăn lên thịt để thịt khỏi khô. Khi thịt sắp vàng, quết 1 lớp mật ong (nếu có), chờ tí cho vàng đều rồi lấy xuống.
  • Tiếp tục nướng hết phần thịt còn lại.

Măm măm:

  • Trước khi ăn, đem nước chấm hâm lên cho vừa nóng (đừng hâm nóng quá). Múc nước chấm ra tô, thả thịt nướng, đồ chua làm lúc nãy vào đó. Bún để riêng trong một dĩa khác. Rau sống cũng riêng một dĩa.
  • Khi ăn, thường là gắp 1 miếng bún chấm qua nước chấm rồi ăn kèm với chút thịt, rau sống. Ai làm biếng thì đổ bún vào nước chấm húp ăn xùm xụp như ăn bún riêu luôn, nhưng cách này không ngon, vì bún ngâm lâu ăn dễ ngán.

Bé Thúi (MAV.vn)

Xem thêm:

Đi chợ Campuchia ngay giữa Sài Gòn

 

Đối với dân ở các tỉnh giáp biên với Campuchia, có lẽ những món ăn như mắm bò hóc, bún nước lèo, chè xôi xiêm, lá sầu đâu không đến nỗi lạ lùng, nhưng với cư dân Sài thành thì đó vẫn còn là những gì rất mới mẻ. Có lẽ vì cái sự mới lạ đó, mà hằng ngày luôn có nhiều người rủ nhau đến ngôi chợ nằm sâu trong hẻm nhỏ, để cùng thưởng thức thử những hương vị Chùa Tháp đặc trưng.

Chợ Campuchia là cách người ta gọi chợ Lê Hồng Phong, nằm trong hẻm 374 đường Lê Hồng Phong, phường 1, quận 10. Địa bàn của khu chợ còn được gọi là phố Campuchia, hay phố Việt Kiều, vì nơi đây có một cộng đồng lớn dân cư là người Việt hồi hương từ Campuchia sau cuộc đảo chính hồi năm 1970 ở Campuchia. Người Việt hồi hương, phần vì nhớ mùi vị quê người, phần vì mưu sinh, đã không quên đem theo những món đặc sản Campuchia về với Sài Gòn, ban đầu chỉ là một nhóm kinh doanh nhỏ lẻ, lâu dần đã hình thành nên khu chợ không giống bất cứ khu chợ nào khác trong thành phố.

Khu chợ nằm khuất trong hẻm, với nhà lồng chợ và những hẻm chợ trời bao quanh. Đi tới khu vực này là nhận ra ngay, vì bắt đầu được thấy những bảng hiệu bằng tiếng Campuchia, những nhà làm dịch vụ du lịch đi Nam Vang, Xiêm Riệp, tiếp đến là những quán ăn bày đầy những món lạ mắt. Tới khu vực nhà lồng chợ, thấy treo đầy cá khô đủ loại: cá trèn, cá kìm, và cả cá tra biển Hồ nổi tiếng… Vào trong nhà lồng, không khó để tìm mua các thứ gia vị cũng như đặc sản trong ẩm thực Campuchia: trái chúc, trái xăng, ngải búng, mắm bò hóc, đọt sầu đâu…

Món Campuchia được lưu ý nhất ở khu này, phải kể đến bún Num Bò Chóc. Đây là loại bún cá nước lèo rất phổ biến của xứ Campuchia, với phần nước lèo có mùi vị đặc trưng nấu từ mắm bò hóc và ngải búng, cá là cá lóc ăn kèm với các loại rau như đậu đũa, ngó súng, và ăn với muối ớt chứ không phải nước mắm. Quán Tư Xê, ở ngay cổng chợ, bán bún Num Bò Chóc đã 30 năm, là nơi dân tình thường kéo đến để thưởng thức. Thực khách ban đầu còn hơi ớn lạnh vì nghe mắm Bò Hóc, nhưng sau khi ăn vài lần, thì có kẻ đã sinh ghiền. Ngày nay, đi chợ Lê Hồng Phong mà không ăn bún Num Bò Chóc, coi như chưa biết mùi chợ.

Sau bún Num Bò Chóc, tên lạ, hương vị lạ, phải kể đến món ăn rất quen, là hủ tiếu Nam Vang. Hủ tiếu Nam Vang thì ở chỗ khác cũng có, nhưng người ta thích ăn hủ tiếu Nam Vang ở đây, vì cho rằng đúng chất. Nhắc đến hủ tiếu Nam Vang ở đây, người ta thường nhắc quán Phú Quý, nhưng ngoài quán này còn hàng chục quán khác cũng rất ngon, bằng chứng là không có quán nào vắng khách. Các chủ quán hủ tiếu Nam Vang hầu hết là Việt kiều Campuchia hồi hương, chỉ riêng điều đó đủ tạo niềm tin cho thực khách là ăn không sợ lạc điệu.

Rồi thì phải kể đến đồ ăn vặt. Không dễ dàng gì mà một khu chợ khuất nẻo, lụp xụp, đường sá bất tiện lại cuốn hút được nhiều bạn trẻ, nếu như không có những hàng ăn độc đáo. Đó là những xâu chuối nướng kiểu Campuchia, nhìn thì hơi khô khan, nhưng ai ăn quen mới hiểu, vì sao cái món ăn có vẻ cục mịch, ít hấp dẫn này lại dám lặn lội ra tới xứ người. Rồi thì phá lấu, bánh khọt, bánh lọt, cháo đậu làm kiểu Campuchia, với đặc điểm là thường nấu với nước cốt dừa, lá dứa, đường thốt nốt, đường phèn…

Nhưng loại đồ ăn được nhiều bạn trẻ tìm tới nhất ở chợ này, là chè. Chè Campuchia ở đây nấu bằng đường thốt nốt, thường béo và không quá ngọt, và tạo hình rất bắt mắt. Món chè bí chưng, tiếng Campuchia kêu là Num À Pơi, làm từ trái bí ngô non bỏ hết ruột, trong có hỗn hợp sữa bột, sữa đặc, nước cốt dừa, lòng đỏ trứng, nguyên liệu mua từ Campuchia, nhìn rất quyến rũ, mà hương vị cũng được nhiều người khen ngợi. Món chè bí chưng này có thể ăn riêng thành một món chè, hoặc cắt một miếng nhỏ bỏ chung với các nguyên liệu như thốt nốt, sầu riêng, nước cốt dừa… thành món chè thập cẩm kiểu Campuchia, ăn dễ liên tưởng tới chè Thái đã phổ biến mạnh ở Sài Gòn, nhưng tất nhiên mùi vị có khác. Rồi thì chè xôi xiêm, chè bà ba, chè thốt nốt, đậu xanh, đậu trắng, đậu đen, đậu đỏ… có tên lạ, tên quen, nhưng tất cả đều được chế biến theo phong cách Campuchia. Các quán chè thường bán nhiều loại, tập trung ở gần cổng chợ, bà chủ sẵn lòng giới thiệu đặc điểm từng món cho các thực khách mới tới lần đầu.

Cứ như vậy, qua mấy chục năm tồn tại và phát triển, khu chợ len lỏi trong hóc hẻm một cách bí mật đã dần dần được biết đến như một tụ điểm ăn uống thú vị. Người ta đến chợ để ăn chè, ăn bún Num Bò Chóc, để mua các loại khô cá, các gia vị nấu món Campuchia, mà cũng để tìm hiểu đôi nét về văn hóa ẩm thực của một đất nước vừa rất quen vừa rất lạ.

 

Mỹ Mạnh (MAV.vn)

Cách nấu bún nước lèo chay

Bạn đừng nghĩ rằng bỏ một ngày ăn chay thì có quyền dành cho ngày hôm đó một thực đơn qua loa “lót bụng”. Công việc và hoạt động trong ngày của bạn đòi hỏi một nguồn năng lượng dồi dào, vì thế, dù chỉ ăn chay 1 ngày, bạn cũng cần quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng cũng như khẩu vị để có 1 ngày ăn chay thực sự có ích.

Món bún nước lèo chay rất đơn giản từ khâu mua nguyên liệu đến khâu chế biến, bạn tham khảo nhé:

Bước 1: Chọn mua nguyên liệu

– Bún tươi.

– Tàu hũ non hoặc tàu hũ chiên (tùy ý).

– 1 củ sắn to.

– 1 củ su su.

– Nấm rơm + nấm đông cô tươi.

 

– Củ cải trắng + củ cải đỏ.

 

– Rau tần ô.

 

– 1 chai nước mắm chay + hạt nêm chay + đường + muối + dầu ăn + tiêu + ớt + hẹ + rau ngò.

Bước 2: Làm sạch và chuẩn bị nguyên liệu

– Củ sắn, su su, củ cải trắng, củ cải đỏ: bào vỏ, rửa sạch, cắt cục vừa ăn.

– Nấm rơm, nấm đông cô tươi: gọt bỏ phần đất và phần cuống nấm, rửa thật sạch, ngâm nước muối pha loãng khoảng 10 phút rồi vớt ra, để ráo.

 

– Rau tần ô: lặt khúc vừa ăn, rửa sạch, ngâm qua nước muối pha loãng.

– Tàu hũ: cắt cục vừa ăn.

– Hẹ rửa sạch, cắt khúc 2cm.

– Nước mắm chay nguyên chất bỏ thêm nhiều ớt cắt lát.

Bước 3: Chế biến

– Bắc nồi lên bếp (nồi to một chút cho dễ nấu), đun 2 lít nước với lửa lớn.

– Nước sôi, bỏ củ sắn + củ cải đỏ + củ cải trắng + su su vào, chờ sôi dạo lại rồi vặn lửa liu riu, hầm từ từ cho ra nước ngọt. Bạn có thể bỏ củ cải trắng và su su vào sau vì 2 loại này nhanh mềm hơn.

– Hầm đến khi thấy các loại củ có độ mềm vừa phải (đừng để rục quá không ngon nữa), sau đó thêm nấm rơm và nấm đông cô vào, chờ sôi cho nấm chín.

– Cho tàu hũ vào cuối cùng, tránh khuấy mạnh làm nát tàu hũ. Nêm vào nồi nước lèo một ít nước mắm chay + muối + hạt nêm chay + đường, nếm lại thấy vừa ăn là được.

– Chờ nồi nước lèo sôi dạo lại lần cuối rồi tắt bếp.

Bước 4: Thưởng thức

 

– Cho bún tươi vào tô, chan nước lèo nóng hổi lên trên, rắc thêm hẹ, ngò và tiêu.

– Rau tần ô trụng qua nước sôi cho chín, ăn kèm với bún.

– Thêm chén nước mắm ớt chay để nêm vào tô bún hoặc chấm các loại nấm và rau củ, ăn rất ngon.

Chúc bạn có một ngày chay thật an lạc!

MÈO ĐEN

(Theo Thanhnien.com.vn)

Cách nấu BÚN MẮM – BÚN NƯỚC LÈO

 

Bún mắm (một số nơi gọi là bún nước lèo, tuy vậy cũng có một số chỗ gọi bún nước lèo cho một món khác) là món ăn đặc biệt hấp dẫn với mọi người, nhưng cách làm thì không phải khó. Quan trọng là khâu chuẩn bị nguyên liệu.

Nguyên liệu: 

-1/2 ký bún sợi vừa
-1 lạng mắm cá linh
-3 lạng cá lóc
-3 lạng tôm sú
-2 lạng heo quay
-3 cây sả
-1 củ ngải bún
-1 trái dừa xiêm

-Giá, hẹ, bắp chuối bào, húng cây, đường, chanh, ớt, gia vị

Thực hiện:
-Cá lóc làm sạch, lạng phi lê, xắt miếng vừa ăn. Tôm bóc vỏ làm sạch, rút chỉ đen. Bỏ vào 1 lít nước luộc chín, rồi vớt cá với tôm ra, còn lại nước luộc để làm nước dùng.
-Cho mắm linh vào nồi nước, nấu sôi lại, nhớ khuấy đều cho tan mắm, rồi vớt hết xương xẩu ra để cho nước trong.
-Cho sả cây đập dập, nước dừa, ngải bún, chút ớt bột vào trong nồi, cho thêm gia vị (đường, muối, nước mắm…) vào nêm cho vừa miệng.
-Bún tươi trụng qua nước sôi, để ráo. Heo quay chăt miếng vừa ăn. Hẹ cắt khúc 2cm. Húng cây, bắp chuối, giá, nhặt rửa sạch. Bắp chuối bào sợi.
-Bún sắp vào tô, rồi tới tôm, cá lóc, heo quay, hẹ, rồi chan nước dùng lên, ăn với rau đã chuẩn bị, nhớ thêm chanh ớt.

Ngải bún là gia vị không thể thiếu trong bún nước lèo. Tại Sài Gòn có thể mua ngải bún ở các chợ lớn của quận, hoặc chợ Bến Thành, muốn chắc ăn thì ra chợ Campuchia (Lê Hồng Phong, Q10).

Bé Thúi (MAV.vnfacebook Món ăn Việt Nam)

 

Cách nấu Bún mọc

Bún mọc là món bún dễ làm, dễ ăn và quen thuộc với mọi miền đất nước. Tùy theo khẩu vị từng miền, mà hương vị bún mọc có thể biến đổi: miền Bắc vị nhẹ nhàng, ăn với dọc mùng, miền Nam thì nước bún ngọt vì cho thêm đường, ăn kèm rau thơm, điểm chút sa tế hoặc mắm tôm… Nhưng về cơ bản thì phần nguyên liệu chính là giò sống vẫn không thay đổi và vị thơm, dai của giò sống trong tô bún nước ngọt ngào nóng hổi chính là sức hấp dẫn chính của món này.

1. Nguyên liệu

– Giò sống (mọc) 3 lạng
– 4 lạng sườn non
– 3 lạng xương gà hoặc xương heo
– Nấm mèo, nấm đông cô (nấm hương)
– Chả lụa, chả quế (tùy điều kiện)
– 1 củ cải to

– Rau sống, rau thơm
– Gia vị.
– Hành phi, hành tươi
– Mắm tôm, sa tế (tùy ý)


2. Cách làm

-Củ cải xắt khúc. Xương và sườn non rửa sạch rồi luộc qua một lần nước, sau đó xả lại bằng nước lạnh rồi bỏ vào nồi nước để hầm cùng củ cải. Khi thịt mềm thì vớt bỏ củ cải (để ăn cũng được nếu thích), nêm lại cho vừa miệng.

-Nấm mèo, nấm hương ngâm trong nước lạnh 3-4h, hoặc không có thời gian thì ngâm trong nước nóng tới khi mềm. Nấm mềm lấy ra  xắt vụn.

-Giò sống trộn chung với nấm vụn, ướp 1 muỗng cafe nước mắm, 1/2 muỗng cafe bột ngọt, 1/2 muỗng cafe tiêu. Vì giò sống thường được ướp sẵn nên không cần ướp nhiều. Trộn đều, để 10 phút cho ngấm gia vị.

-Dùng muỗng xắn giò sống ra vo thành từng viên mọc. Nếu thích cầu kỳ mà ngon hơn nữa, thì chia giò sống ra làm hai phần, một phần chiên vàng, một phần để thả vào nồi nấu.

-Thả giò sống đã viên vào nồi nước sôi, cho đến khi giò nổi lên lại thì chờ khoảng 3 phút rồi tắt bếp.

Trình bày:

-Bún xắp vào tô, cho chả lụa, chả quế xắt lát, rắc hành phi và hành tươi lên rồi chan nước với mọc lên. Ăn với rau sống, tương ớt, nước mắm, có thể thêm sa tế hoặc mắm tôm sẽ ra hai vị khác biệt mà đều ngon.

Bé Thúi (MAV.vn, facebook Món ăn Việt Nam)

Cách làm Bún sứa

Bún sứa là món ăn quen thuộc ở nhiều tỉnh duyên hải miền Trung. 

1. Nguyên liệu

– 100g sứa biển tươi
– 1 quả trứng gà
– 50g tôm sú
– 1,5 lít nước dùng cá
– Hành, ngò, khế, cà chua, thơm
– Rau thơm, hoa chuối, giá, bún tươi dùng kèm
– Gia vị: muối, đường, bột ngọt, nước mắm mặn, nước mắm dẻo Nha Trang pha sẵn

2. Cách làm
– Sứa tươi mua về rửa cho sạch nhớt, ngâm trong nước pha muối, phèn rồi xả lại 4-5 lần cho đến khi sứa nhả hết vị muối biển, rửa lại nhiều lần, cắt miếng vừa ăn nếu sứa to, để ráo.
– Tôm sú rửa sạch, bóc vỏ, bỏ chỉ đen. Nếu thích, có thể nấu thêm cá ngừ.
– Khế, cà chua, thơm cắt lát mỏng. Hành, ngò cắt khúc.
– Bắc nồi nước dùng cá lên bếp (được nấu từ đầu cá, xương cá), nấu sôi.
– Khi nước sôi, cho khế, cà chua, thơm vào nấu để tạo vị thơm chua tự nhiên, nêm muối, đường, nước mắm vừa ăn. Đập trứng gà, đánh tan, cho vào nước lèo, khuấy nhanh để tạo thành sợi, cho tôm, sứa vào nấu khoảng 7 phút là được. Cuối cùng, nêm thêm bột ngọt.
– Khi ăn, cho bún vào tô, xếp sứa, tôm lên rồi chế nước dùng nóng.
– Dùng chung với rau thơm, hoa chuối. Chấm sứa với nước mắm dẻo sẽ ngon hơn

Công thức làm BÚN THỊT NƯỚNG

Nếu miền Bắc có món Bún chả thì ở khu vực miền Trung và Nam bộ có món Bún thịt nướng. Đây là một món bún trộn hấp dẫn dễ ăn, và cách làm cũng đơn giản.

Nguyên liệu:

Thực hiện:

Chuẩn bị:

– Thịt heo mua về rửa sạch, xẻ dọc theo chiều dài thành miếng mỏng, rộng khoảng 4cm. Ướp với 1 muỗng cafe hành củ băm, 1 muỗng cafe tỏi băm, 1 muỗng cafe nước màu, nửa muỗng cafe tiêu, nửa muỗng canh đường, 1 muỗng cafe bột ngọt, nửa muỗng canh nước mắm, 1 muỗng canh xì dầu. Ướp trong 30 phút trở lên.

– Các loại rau rửa sạch, để ráo. Thái nhỏ vừa ăn tùy thích.

– Giá rửa sạch.

– Dưa leo xắt lát mỏng rồi thái ngang thành những cọng nhỏ.

– Đậu phộng rang với chút muối cho vàng. Rây hết vỏ. Giã sơ.

– Làm mỡ hành: Hành lá thái nhỏ, bắc cái chảo cho tí dầu vào đun sôi rồi cho hành vào xào qua.

Nướng thịt:

Ghim thịt vào que hoặc sắp vào vĩ nướng, nướng trên than với lửa yếu cho chín vàng đều. Thịt chín lấy ra bôi mỡ hành lên. Vậy là xong.

Trình bày:

Cho một phần bún, một phần dưa leo, một phần giá, một phần rau sống vào tô. Sắp thịt lên mặt trên, rắc đậu phộng, đồ chua lên sẵn. Khi nào ăn thì chan nước mắm chua ngọt. Link hướng dẫn làm đồ chua và nước mắm đã có ở trên.

Khi ăn trộn đều.

Bảo Tố

Cách làm món Bún tôm Hải Phòng

Món bún tôm đẹp mắt và ngon miệng rất thích hợp trong những ngày trời nóng nực, chán cơm thèm bún.

Nguyên liệu:

  • Tôm sú hoặc tôm giảo: 3 lạng
  • Cà chua: 2 quả
  • Thịt ba chỉ: 200gr
  • Nấm mèo (mộc nhĩ): 2 cái
  • Nấm hương: 5 cái
  • Thìa là: 1 bó
  • Rau cần: 1 bó
  • Hành củ
  • Bún
  • Xương gà hoặc xương heo để nấu nước xương (không dùng xương đầu vì sẽ dễ hôi).

Cách làm:

  • Chuẩn bị:

Nấu nước xương: Bắc nồi nước sôi, cho xương chần qua rồi đổ nước đó đi. Xong lại đổ vào nồi một lượng nước vừa đủ ăn với bún. Cho vào chút muối. Nấu với lửa to cho tới khi sôi thì vặn nhỏ lại. Hớt bọt và váng béo cho nước trong. Đun nhỏ lửa từ 2-3 giờ. Xong thì trút ra để riêng phút cuối cùng mới dùng tới.

– Tôm rửa sạch, rút chỉ đen vứt đi, lột đầu và vỏ bỏ qua một bên. Phần thân tôm đem ướp với 1 muỗng cafe muối. Phần đầu và vỏ đem rang cho chín khô, sau đó cho vào cối giã nát. Trút vỏ tôm đã giã này vào cái rây rồi lọc lấy nước tôm.

– Thịt heo thái miếng mỏng, to vừa ăn.

– Mộc nhĩ rửa vò nhẹ nhiều lần bằng nước muối cho sạch. Ngâm mộc nhĩ và nấm hương vào nước ấm, cho thêm tí đường (1 đường + 4 nước), thời gian ngâm từ 20-30 phút, thấy mềm vừa đủ ăn thì lấy ra, thái sợi to bản khoảng 1cm.

– Nhặt rửa rau cần cho sạch, cắt khúc vừa đủ bỏ vô tô bún ăn. Chần sơ qua nước sôi cho mềm, để qua một bên.

– Cà chua bổ múi cau.

– Hành củ lột vỏ, xắt lát mỏng

– Thìa là rửa sạch, cắt thành cọng nhỏ vừa ăn.

  • Thực hiện:

– Bắc cái nồi to vừa đủ nấu nước dùng lên bếp, cho một ít hành củ xắt nhỏ vào phi thơm, sau đó cho tôm đã lột vỏ vào xào chừng 3 phút, tôm chín, săn thì vớt ra ngoài.

– Cho tiếp 1 ít hành củ xắt lát vào nồi, phi tiếp cho thơm rồi cho thịt vào xào, nêm chút nước mắm, bột ngọt, muối cho có vị. Phần thịt này săn chín thì trút ra bỏ vào chung với phần tôm vừa xào trước đó.

– Tiếp tục cho 2 loại nấm đã thái sợi vào nồi, xào khoảng 3 phút, nêm chút nước mắm. Nấm săn, ngấm thì trút ra 1 cái chén riêng.

– Phần hành củ xắt lát còn lại cho hết vào nồi, phi thơm rồi cho cà chua vào xào cho chín, ra nước, thì đổ nước dùng đã nấu ở bước chuẩn bị vào. Trút hết nước lọc tôm khi nãy vào trong nồi luôn.

– Đun sôi nước, sau đó nhỏ lửa nêm nếm lại. Nêm sao cho hơi nhạt một tí vì tôm thịt nấm khi nãy đã hơi mặn rồi.

  • Trình bày:

– Trước khi ăn thì trụng sơ bún qua nước sôi.

– Cho bún vào tô, xếp rau, tôm, thịt, nấm, thìa là lên mặt bún rồi chan nước dùng vào ăn nóng.

– Món này không quá phức tạp, chỉ là chuẩn bị nhiều nguyên liệu nên mới thành ra nhiều công đoạn. Nếu có nhiều thời gian chuẩn bị, bạn có thể thêm cá rô chiên giòn, chả lá lốt vào ăn chung, rất ngon nhé!

Bé Thúi.