Cách làm BÁNH GIO (BÁNH TRO)

Bánh tro hay bánh gio (người Hoa gọi là tống tử) là loại bánh truyền thống trong ngày tết Đoan ngọ (đoan dương, tức mồng 5 tháng 5 AL). Bánh tro có nhiều hình thức khác nhau nhưng nói chung về hương vị vẫn không có khác biệt, đó là vị nếp hòa lẫn với mùi tro, rất độc đáo và ngon miệng, nhất là khi ăn với mật mía.

CÁCH LÀM BÁNH TRO

Nếp gói bánh

Người ta thường dùng nếp cũ đã để qua ít nhất một năm, bảo quản tốt. Nếp cũ hột bở, cho bánh ngon hơn là làm bằng nếp mới.

Vật liệu ngâm nếp

Người Bắc hay dùng tro (gọi là gio) bếp. Tro có được sau khi dùng củi, rơm… để nấu bếp, để nguội, sàng sẩy sạch, lấy phần tro mịn. Độ nồng của tro tùy thuộc vào loại cây củi, rơm… đã sử dụng. Còn người miền Trung hay dùng vôi ăn trầu trắng hoặc đỏ. Nếu dùng tro hoặc vôi trắng, bánh sẽ có sắc xanh trong của lá gói bánh; nếu dùng vôi đỏ, bánh sẽ có sắc hổ phách đục. Phân lượng thông thường – không tuyệt đối đúng – là 1 lít nước + 20gr vôi hoặc 50gr tro, hoà tan, để lắng trong, dùng nước trong này để ngâm nếp.

Ngâm nếp

Nếp vo sạch, ngâm với nước tro vôi qua một ngày hoặc cho đến khi thử bằng cách lấy vài hột nếp đã ngâm, để giữa hai đầu ngón tay, bóp nhẹ lại, thấy bể vụn ra dễ dàng là nếp đã “bục” – nói theo cách nói chuyên dùng là nếp đã ngâm đúng mức để nấu. Xả lại nước nhiều lần cho nếp đã ngâm vôi tro thật sạc rồi để cho ráo trước khi gói. Thời gian ngâm nếp không thể nào xác định đúng là bao lâu vì tùy thuộc vào nồng độ của vôi tro, độ mới cũ của gạo cho nên phải thăm chừng cho nếp vừa “bục” là được, nếu ngâm lâu quá, bánh sẽ bị nồng mùi vôi tro.

Nhân bánh

Bánh tro được biết theo cổ truyền là không có nhân. Bánh sau khi gói chỉ là một khối bột trong, rất lạt, tùy thích dùng chấm mật ong, mật đường, đường cát… Phần nhân làm thêm sau này là do tùy người, tùy vùng. Nhân thường được làm với hai loại:

Đậu xanh cà, không vỏ, vo sạch, nấu chín như cơm, trong khi đậu còn nóng, tán nhuyễn mịn với một lượng đường nhất định. Thí dụ như 200gr đậu xanh + 50gr đường.

Cơm dừa nhồi đường: Dừa già dùng bàn nạo thành cơm nhuyễn. Nấu nước đường theo tỷ lệ: 1 nước + 1 đường. Thí dụ 3 muỗng súp nước + 3 muỗng súp đường, nấu nhỏ lửa cho vừa tan đường là được. Tùy thích làm ít nhiều, thí dụ dùng chừng 200gr dừa nạo, châm nước đường vào từ từ nhồi thành khối dẻo mịn là được.

Vật liệu gói bánh

Theo truyền thống là dùng lá tre bương hay còn gọi là tre lồ ồ. Loại tre này có lóng dài, ống lớn… hay dùng để chứa nước. Chọn lá có bản lớn chừng 5 – 6cm và dài chừng 30cm. Về sau ở thành phố khó tìm ra lá tre, người ta dùng lá chuối và rọc ra với kích cỡ tương tự lá tre. Rửa sạch lá, để ráo. Bẹ thân cây chuối phơi khô tước thành sợi nhỏ dùng để gói hoặc dây nylon nhỏ.

Bánh gio ngon nhất khi ăn cùng mật mía

Gói bánh

Cuốn một đầu lá thành hình phễu chỉ với một lần lá, múc nếp cho vào và thường chỉ từ 2 đến 3 muỗng cà phê vun, nếu dùng nhân thì cho vào trước 1 muỗng cà phê nếp, đến 1 muỗng cà phê nhân, rồi lại 1 muỗng cà phê nếp. Sau đó tiếp tục gấp hết phần còn lại của lá chung quanh khối hình phễu cho thành một khối tam giác cho thật kín. Dùng dây ràng cạnh lại thành một hình chữ thập cho vừa chắc tay là được. Gói được mười cái thì xâu lại thành một xâu với một sợi dây ràng thòng lọng ra ngoài xâu bánh để có thể nhấc cả xâu bánh dễ dàng, sẽ rất tiện khi cho vào cũng như lấy ra khỏi nồi luộc.

Nấu bánh

Dùng một nồi vừa đủ lượng bánh đã gói, lót vào đáy nồi một lớp lá tre hay lá chuối cho khỏi sít nồi, cho bánh vào, dùng một cái thúng thưa mắt hay rổ lớn chụp lên bánh rồi lấy một vật nặng dằn lên vừa đủ cho bánh không nổi lên khi cho nước vào, châm nước cao hơn mặt bánh ít nhất một gang tay. Bánh tro nấu không lâu, trung bình chỉ trong khoảng 45 phút đến 1 giờ sau khi nước sôi là bánh chín, Trong khi nấu nếu thấy nước cạn xuống thì châm thêm nước sôi vào. Khi bánh chín, tắt bếp, múc bớt nước trong nồi ra để có thể lấy bánh ra cho dễ, thả ngâm bánh vào trong một thau nước lạnh sạch chừng mươi phút cho bánh mau nguội rồi treo lên chỗ thoáng gió cho bánh mau khô lá. Nếu làm nhiều phải thay nước ngâm bánh cho sạch.

Tại miền trung và miền nam, bánh tro được gói dạng bánh ú và gọi là bánh ú tro

Thành phẩm

Bánh tro nấu đạt yêu cầu thì khi mở ra, nếp không còn ở dạng hột mà cả cái bánh trở thành một khối bột trong, mịn chắc như một khối thạch, không nồng vôi tro. Được như vậy là đã dùng đúng nếp cũ và ngâm vôi tro đúng mức. Vị bánh tro – nếu không có nhân – rất lạt, người ta thường chấm bánh tro với đường cát trắng hoặc đường thẻ băm nhỏ, mật ong hoặc mật đường. Tại vùng Nha Trang, Phú Yên, Bình Định… bánh tro còn được gói thành dạng đòn dài, bánh khi mở ra có chiều dài hơn 20cm, đường kính chừng 3 – 4cm, khi ăn cắt thành khoanh mỏng.

(Sưu tầm)

Cách làm BÁNH Ú TRO cho ngày Tết Đoan Ngọ

Ngày Tết đoan ngọ, dân ta thường có tục cúng bánh tro để bày tỏ lòng tưởng nhớ tới ông bà. Bánh Tro là món ăn giản dị mang hương vị đậm chất làng quê khiến ai ăn rồi cũng nhớ mãi.

Bánh ú tro thường có ở miền Trung và miền Nam vào dịp mùng 5/5 (tết Đoan Ngọ). Đây là biến thể của bánh gio miền Bắc. Trong khi bánh gio hình dạng dài, không nhân, thì bánh ú tro thường có nhân và làm theo hình dạng giống bánh Ú.

Chuẩn bị:

(cho khoảng 20  cái bánh ú tro)

  • – Nửa ký nếp
  • – Nửa chén đậu xanh đã xát vỏ
  • – Đường, muối, nước tro
  • – Lá lồ ô (nếu không có thì dùng lá tre)
  • – Dây lạt để buộc bánh, không có thì dùng dây nilon hoặc dây thừng nhỏ cũng được.

Cách làm:

Bước 1:

– Nếp mua về đãi nhiều lần cho sạch, ngâm trong nước có hòa tí muối khoảng 5-6 tiếng, sau đó lại đãi lần nữa cho sạch.

Bước 2:

– Nước tro đổ ra bát, để tiện lợi bạn có thể mua sẵn nước tro làm sẵn, một thìa canh nước tro bạn hòa với 1 lít nước lọc.

Bước 3:

– Cho gạo nếp vào âu sạch, thêm nước lọc đã hòa với nước tro, mực nước phải ngập mặt gạo nếp, ngâm 20-22 tiếng.

– Thỉnh thoảng khi ngâm bạn có thể thử bằng cách lấy vài hạt nếp đã ngâm, để giữa hai đầu ngón tay, bóp nhẹ thấy hạt nếp vỡ nhẹ ra thì nếp đã ngấm đủ nước tro.

Bước 4:

– Nếp sau khi ngấm đủ nước tro, bạn xả lại nhiều lần nước lạnh cho thật sạch, xóc thêm muối vào, để lên rổ cho ráo nước.

Bước 5:

– Đỗ xanh đã xát vỏ đãi sạch, ngâm vào âu nước ấm khoảng 1-2 tiếng. Tiếp theo cho đỗ xanh vào nồi, thêm một ít nước lọc nấu cho đỗ xanh chín mềm.

Bước 6:

– Khi đỗ vẫn đang còn nóng trên bếp, thêm đường vào, dùng muôi gỗ khuấy thật nhanh tay để hạt đỗ tơi mịn ra, hoặc có thể cho đỗ xanh vào máy sinh tố, xay thật mịn.

– Cho đỗ xanh vào chảo, sên lửa nhỏ để mặt đỗ hơi se khô lại, nêm đường tùy theo bạn thích ăn ngọt nhiều hay ít, tắt bếp, để nguội.

Bước 7:

– Lá tre rửa sạch, đun nồi nước sôi, cho lá tre vào nồi nước chần sơ qua nước sôi để lá mềm thì sẽ dễ gói hơn, để ráo nước.

Bước 8:

– Phần đỗ xanh sau khi sên, vo viên tròn nhỏ.

Bước 9:

– Xếp chồng hai lá tre vào với nhau, cuốn đầu lá thành hình cái phễu.

Bước 10:

– Dùng thìa múc một phần nếp, đặt 1-2 viên nhỏ đỗ xanh vào giữa và múc một ít gạo nếp che phủ đỗ xanh, dùng thìa ấn nhẹ phần nếp xuống cho thật chặt.

 Bước 11:

– Gấp hết phần góc còn lại của lá cho thật kín, dùng lạt buộc hoặc có thể dùng dây thừng sợi nhỏ để buộc lại.

– Tiếp tục làm cho hết phần gạo nếp và đỗ xanh, dùng dây buộc thành từng chùm khoảng 5-8 cái.

Bước 12:

– Dùng một nồi vừa đủ với lượng bánh đã gói, thêm nồi lạnh, đun sôi nước, thả từng chùm bánh vào nồi luộc chín, mực nước cao hơn mặt bánh một gang tay, thỉnh thoảng cạn nước thì bạn châm vào nước sôi nóng, không thêm nước lọc vì phần gạo nếp sẽ bị sượng.

Bước 13:

– Đun từ 1,5 đến 2 tiếng, tùy theo bánh bạn gói lớn hay bé, bánh chín bạn lấy ra xả lại nước lạnh, rồi treo lên chỗ thoáng mát.

– Yêu cầu: hạt gạo nếp trong, ăn dẻo và bùi bùi, ngọt của đỗ xanh, có thể chấm thêm với đường hoặc mật ong.

theo Cún Khang (ngoisao.net)