Không chỉ “hút” khách du lịch nhờ những bãi biển tuyệt vời, Nha Trang còn nổi tiếng với những món ăn khiến thực khách xiêu lòng.
1. Hải sản làng chài
Là thành phố ven biển, hải sản ở Nha Trang vô cùng phong phú và tươi ngon. Bạn có thể thưởng thức hải sản ở các nhà hàng hay các quán ven biển. Tuy nhiên, ngon và thú vị nhất chính là ghé qua làng chài và ăn sản sản tươi vừa bắt dưới biển. Dân làng chài sẽ đưa bạn đến những nhà hàng trên biển bằng phà. Tại đây, bạn có thể chọn hải sản tươi sống hay tự tay lựa chọn tôm, cá từ dưới biển và nhờ nhà hàng chế biến chúng và chờ đợi để thưởng thức thôi. Ngoài các loại tôm, mực, sò huyết, ốc…, bạn cũng nên thử qua món cá nướng tại Nha Trang. Món cá tắc kè nướng chấm muối ớt rất nổi tiếng tại Nha Trang với vị phần thịt dai thơm và ngọt.
2. Bún chả cá
Bún cá trong văn hóa ẩm thực của người dân biển Nha Trang thân thuộc như món phở với người Hà Nội hay tô mì Quảng với người Quảng Nam. Cùng tên nhưng bún cá Nha Trang có nhiều điểm khác biệt với bún cá vùng miền khác, làm nên đặc trưng riêng cho món ăn này. Món này khá độc đáo với nước dùng được ninh bằng cá cờ và xương cá thu. Chính điều đó khiến nước dùng của món bún này có vị thanh ngọt, mát đặc biệt. Một tô bún chả cá Nha Trang đặc biệt còn có thêm sứa và cá dầm, tức phần thịt cá cờ hấp được xé ra từng miếng, ăn vừa thơm, ngọt thịt, lại dai dai.
Một tô bún với nước lèo trong, thơm phức, bốc khói, với những lát chả cá chiên vàng, những lát chả cá hấp trắng xám dai dai, vài miếng thịt cá thơm ngọt, đuôi hành lá được xắt dọc cùng với miếng sứa giòn sật tạo nên vị là lạ nhưng rất kích thích. Thêm vào đó là một đĩa rau xanh xắt nhỏ và một chén nước mắm thơm lựng, thật cay, tất cả quyện vào nhau sẽ tạo cho bạn một hương vị khó quên. Bún chả cá Nha Trang với các nguyên liệu chế biến từ cá rất phù hợp với những người muốn ăn kiêng.
3. Thịt bò nướng Lạc Cảnh
Thịt bò nướng cũng là một trong những đặc sản của Nha Trang. Dân sành ăn vẫn kháo nhau rằng: “Đến Nha Trang chưa ăn bò nướng Lạc Cảnh là mới biết Nha Trang có một nửa”. Tuy đó chỉ là câu đùa nhưng thực ra cũng không phải quá lời. Trong cẩm nang ẩm thực của du khách nước ngoài luôn có địa chỉ của quán bò Lạc Cảnh.
Bí quyết làm nên vị ngon của món thịt bò này nằm ở các công thức trộn thịt bò với mật ong cùng hơn 10 gia vị của quán. Thịt bò nướng Lạc Cảnh được thái quân cờ và nướng trên than hoa. Tại quán có khá nhiều loại bò nướng để bạn lựa chọn. Món này thường được ăn kèm với rau sống, tuy nhiên bạn cũng có thể gọi thêm bánh mỳ hoặc bánh tráng để ăn kèm.
4. Bánh căn
Bánh căn là một món ăn phổ biến ở khu vực miền Trung và miền Nam. Ngồi xung quanh bếp than ấm nóng, xem người thợ làm bánh khéo léo đổ bột vào khuôn, sau đó thưởng thức bánh căn nóng trong một ngày nhiều gió là trải nghiệm thú vị cho bất cứ ai khi đến với Nha Trang.
Loại bánh này bao gồm bột gạo, mỡ, hành lá và trứng. Ngày nay, bánh căn có nhiều loại nhân như tôm, mực. Bánh căn được ăn với rau sống và nước chấm chua ngọt được pha từ nước mắm Nha Trang cùng các nguyên liệu như hành, ớt, tỏi và xíu mại. Bạn có thể thưởng thức món bánh căn trên đường Lê Thánh Tôn hay Nguyễn Thiện Thuật.
5. Nem nướng Nha Trang
Nhắc đến ẩm thực Nha Trang, người ta không thể không nhắc đến món nem nướng Ninh Hòa hay nem nướng Nha Trang. Nguyên liệu gồm nem chua hay nem nướng. Tuy nhiên, hầu hết các khách du lịch đều chọn nem nướng để thưởng thức và mua nem chua về làm quà cho mọi người.
Nem Ninh Hòa cũng sử dụng da heo thái sợi như nem chua Thanh Hóa nhưng thay vì gói bằng lá chuối, nem ở đây được gói bằng lá chùm ruột hoặc lá khế còn non để để tạo mùi thơm. Ăn nem Ninh Hòa, bạn sẽ cảm nhận được mùi thơm của thịt, vị chua dịu, ngọt, giòn, cay nhẹ quyện lẫn nhau rất thú vị. Đặc biệt, món nem nướng được ăn kèm với nộm từ đu đủ xanh mang lại một hương vị khá mới lạ.
6. Mực rim chợ Đầm
Khô mực được chọn loại mềm dễ tẩm ướp. Khô được tẩm đường, me tươi, ớt và nước mắm cho thấm, đưa lên bếp lửa liu riu, đảo đi đảo lại nhiều lần để gia vị càng thấm hơn. Nghe đơn giản như vậy nhưng không phải ai cũng làm được ngon. Làm cho mực thấm đều, không bị dai, không bị mềm là bí quyết của người Nha Trang. Người ta luôn có kinh nghiệm canh lửa sao cho vừa phải, đủ thời gian để mực thấm gia vị và có được độ giòn, hơi dai khi dùng.
Mực rim có thể dùng làm đồ nhắm, ăn chung với dưa hành, củ kiệu tương tự như dùng tôm khô ở miền Tây vào ngày Tết. Có thể dùng mực rim ăn với cơm trắng, kèm theo rau sống, dưa leo… Vị chua, ngọt, mặn của món ăn hòa quyện với nhau tạo hương vị đặc biệt kích thích mọi giác quan của thực khách.
7. Chả cá Nha Trang
Chả cá Nha Trang nổi tiếng ngon vì làm từ cá tươi. Miếng chả cá chiên vàng, thơm phức khiến khách ăn rồi vẫn thèm. Khi làm chả, người ta thường dùng cá mối, cá thu, cá thởn, cá rựa, cá nhồng, cá chuồn, cá cờ… nhưng ngon nhất là chả cá nhồng hương, giờ rất hiếm.
8. Vịt Cầu Dứa
Món vịt Cầu Dứa nổi tiếng khắp nơi, món vịt ở đây được chế biến từ vịt Ninh Hoa được nuôi thả ngoài những cánh đồng phì nhiêu, giàu tôm, cua, cá nên rất béo. Phổ biến và được ưa chuộng nhất là món vịt luộc và nướng. Dù chế biến theo kiểu gì thịt thịt vịt ở đây cũng rất mềm, nạc và tuyệt đối không có mùi hôi đặc trưng của vịt.
Vịt Cầu Dứa, nằm trên quốc lộ 1A, cách trung tâm thành phố 3-4km về phía Nam. Nơi đây được biết đến như một “khu phố Vịt” với san sát nhà hàng phục vụ các món vịt cực kì hấp dẫn.
9. Bún sứa Nha Trang
Bún sứa Nha Trang – là một món ăn đặc trưng miền biển, không chỉ những người dân địa phương yêu thích mà nhiều khách du lịch đến đây cũng không quên thưởng thức. Đặc biệt, khi thời tiết bắt đầu nóng lên, sứa là món ăn ngon, bổ, mát và có tính giải nhiệt cao. Món bún sứa xuất hiện ở nhiều nơi, nhưng bún sứa Nha Trang từ xưa đến nay là nổi tiếng nhất. Người dân biển xa quê lâu ngày, trở về Nha Trang nhất định phải tìm bún sứa, không câu nệ phải tìm đến những nơi nổi tiếng, bởi vì bản chất của món bún này đã đậm đà vị biển – hương vị quê nhà.
10. Bánh ướt Diên Khánh
Bánh ướt Diên Khánh là một món ăn khá nổi tiếng ở Nha Trang. Món ăn này ở phố bánh ướt Diên Khánh. Tuy gọi là phố nhưng thực chất nơi đây là một con đường nơi tụ tập rất nhiều các hàng bán bánh ướt, những hàng quán này được mở từ 4 giờ sáng đến tận đêm khuya. Do đó, khách muốn có thể dùng món này bất cứ khi nào.
Loại bánh này ăn nóng mới ngon nên khi có khách vào, người tráng bánh mới bắt đầu công việc của mình với lò nước sôi sẵn. Họ chỉ việc dùng chiếc gáo dừa múc bột, nhẹ tay tráng đều trên khuôn vải đã căng thẳng trên vung. Thời gian bánh chín tùy thuộc vào độ dày của bánh. Bánh chín, người tráng sẽ dùng cây ghim tre luồn dưới chiếc bánh mỏng vớt lên xếp vào đĩa, chiếc bánh được cây ghim xẻ ra làm bốn phần cho một đĩa bánh.
Đĩa bánh được trình bày rất đẹp mắt. Trên đĩa bánh sẽ có một ít mỡ hành, chà bông tôm khô (hoặc thay bằng đậu xanh chín giã nhỏ). Đĩa bánh trông như một bức tranh rực rỡ sắc màu: màu trắng của bánh, màu hồng đỏ của tôm, màu xanh của lá hành, óng ánh dầu mỡ. Thưởng thức bánh ướt với giá trần và chả lụa Diên Khánh thì không còn gì tuyệt vời bằng.
11. Bánh tráng xoài
Bánh tráng xoài – cái tên nghe vừa lạ lại vừa quen. Bởi bánh có hình dạng giống chiếc bánh tráng, nhưng nguyên liệu chế biến chỉ có xoài chín và một chút đường cùng với bàn tay khéo léo của con người đã tạo nên một loại bánh dân dã và trở thành “thương hiệu” nổi tiếng của Nha Trang.
Xoài cát ở Khánh Hòa rất nhiều, ăn và bán quả tươi không hết người ta tận dụng làm bánh xoài, vừa thơm ngon lại có thể để được lâu. Bánh xoài còn độc đáo ở chỗ nó giữ được rất lâu mà không cần sử dụng bất kì hóa chất nào bởi vị chua của xoài và cách chế biến dựa vào nắng tự nhiên.
Ăn bánh tráng xoài không cần chế biến hay kết hợp thêm nguyên liệu ăn kèm. Bánh có vị chua thanh, ngòn ngọt và mùi thơm thơm tự nhiên của xoài, hơi dai và mùi thơm đặc trưng của cái nắng gắt Nha Trang.