Hiện nay nhiều người thường dùng khăn giấy, thậm chí giấy vệ sinh cuộn để lau miệng và các dụng cụ ăn uống như chén, đũa, ly. Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu, Giảng viên Khoa Kỹ thuật Hóa học, Đại học Bách Khoa TP HCM, khuyến cáo, thói quen này vừa không hợp vệ sinh vừa tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe.
Nghiên cứu của các chuyên gia môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội ghi nhận, hầu hết các loại khăn giấy trên thị trường đều có chứa policlobiphenyl (PCBs). Dù với hàm lượng rất thấp, chỉ nhỏ hơn vài microgam trong một kg giấy thành phẩm, chất này cũng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dùng, thậm chí tích tụ theo thời gian sẽ gây nên đột biến tế bào dẫn đến ung thư, quái thai…
PCBs là nhóm hóa chất cấu tạo bởi các nguyên tử cacbon, hydro và clo. Ở nhiệt độ cao, chất này có thể cháy, tạo ra các sản phẩm phụ rất độc như dioxin. Sau khi các nhà khoa học cảnh báo về tác hại của PCBs, một số nước đã ban hành lệnh cấm hoặc hạn chế chất sự có mặt của chất này trong các sản phẩm gia dụng.
Dùng giấy vệ sinh lau chén, đũa tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại đến sức khỏe. Ảnh:Thi Ngoan. |
Theo ông Hiếu, trong quá trình sản xuất giấy, các chất độc policlobiphenyl vô tình được sản sinh ra. Để tẩy trắng nguyên liệu, nhà sản xuất phải dùng đến clo. Các phân tử chất thơm và phenol có trong quá trình này bị clo hóa đã tạo ra policlobiphenyl.
Phương pháp tẩy trắng nguyên liệu giấy bằng clo được áp dụng phổ biến vì hiệu quả cao mà chi phí thấp. Hiện nay tại Việt Nam chưa cơ quan nào kiểm soát hàm lượng polyclobiphenyl trong giấy ăn. Bên cạnh đó, nhiều hóa chất phụ gia độc khác như xút, javen, cao lanh, xenlolo, keo… cũng được tìm thấy tồn dư trong các loại khăn giấy.
Theo ông Hiếu, nhiều hàng quán bình dân thường sử dụng giấy lau kém chất lượng, không có nhãn mác, màu tối, bở và dễ rách, bằng mắt thường có thể quan sát thấy nhiều tạp chất lợn cợn. Các loại này thường được tái chế từ giấy đã qua sử dụng, dù không được tẩy trắng nhiều nhưng bản thân nó đã tích lũy chất policlobiphenyl có thể gây ngộ độc, cộng với việc chế biến lậu tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh, chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh.
Việc sử dụng giấy tái chế để lau tay, miệng hoặc chén, đũa, mùn giấy và tạp chất có thể bám lại trên bề mặt gây độc cho người dùng khi tiếp xúc qua da hoặc nuốt vào. Về lâu dài, giấy tái chế có thể gây bệnh về hô hấp, da và mắt. Mặt khác dùng giấy kém chất lượng lau chùi vệ sinh vùng kín có thể dẫn đến viêm nhiễm, bệnh trĩ.
Ông Hiếu khuyên, để bảo vệ sức khỏe, mọi người nên thay đổi thói quen và tốt nhất hạn chế sử dụng các sản phẩm khăn giấy. “Không nên dùng giấy lau miệng hay dụng cụ ăn uống, đối với chén, đũa chỉ cần rửa sạch, phơi khô là đã diệt được vi khuẩn”, ông nói.
Trong trường hợp cần dùng giấy, hãy sử dụng đúng mục đích, không lấy giấy vệ sinh toilet (giấy cuộn) để lau miệng mà nên dùng giấy ăn vì dù sao loại này cũng sạch hơn. “Nên chọn loại giấy mịn, không thấy ánh bạc của hóa chất hay màu mực trên bề mặt, đồng thời phải có độ dẻo, khó rách, không để lại mùn giấy khi chà tay lên. Không nên mua các loại giấy tái chế giá rẻ, kém chất lượng, không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ”, tiến sĩ Hiếu lưu ý.
Thi Ngoan (VNexpress.net)