9 TÁC DỤNG TUYỆT VỜI CỦA NƯỚC VO GẠO

Hãy tận dụng nước vo gạo sau mỗi lần thổi cơm để giúp việc nội trợ của bạn tiện lợi hơn như khử mùi tanh hay đánh bóng xoong nhé.

1. Hạn chế độc tố ở rau xanh

Để hạn chế ngộ độc thuốc trừ sâu ở rau, bạn hãy ngâm rau vào nước vo gạo khoảng nửa giờ, sau đó rửa rau lại vài lần bằng nước sạch.

2. Khử mặn cho cá khô

Để món cá khô không bị mặn chát, trước khi chế biến chị em nên rửa chúng bằng nước gạo thay vì sử dụng nước sạch thông thường. Bằng cách này, bạn có thể khiến chúng bớt mặn, giảm tanh, loại bỏ được lớp bụi bẩn bám trên bề mặt lâu ngày.

3. Khử mùi tanh

Rửa cá kỹ vài ba lần, nếu cá có mùi tanh nhiều có thể ngâm cá trong nước vo gạo hoặc nước muối 15 phút, sau đó rửa lại bằng nước sạch, để ráo trước khi nấu.

4. Giải độc măng

Măng chứa hàm lượng cyanide cao (khoảng 230 mg/kg) nên nếu hấp thu nhiều, dưới tác động của các enzym đường tiêu hóa, cyanide sẽ chuyển hóa thành acid cyanhydric gây độc. Để yên tâm sử dụng, các bà nội trợ nên luộc măng khoảng 2 – 3 lần rồi tiếp tục ngâm nước gạo trong vòng hai ngày (lưu ý phải thay nước gạo 2 lần/ngày).

5. Làm sạch nhớt ốc

Cách hay nhất để loại bỏ chất nhờn và bùn đất trong ốc là ngâm chúng trong nước vo gạo. Sử dụng một thau đựng đầy nước vo gạo và ngâm ốc trong khoảng 1 – 2 tiếng, tất cả chất bùn trong miệng ốc sẽ tự động nhả ra và vón thành từng mảng chất nhầy.

6. Đánh bóng xoong nồi

Những chiếc nồi chất liệu nhôm, gang, inox sau thời gian dài sử dụng dễ bị xỉn màu. Để giúp chúng trở nên sáng bóng, bạn không nên dùng cọ sắt vừa mất sức vừa dễ gây xước bề mặt. Thay vào đó, nên dùng nước vo gạo cho vào nồi, đun sôi nhỏ lửa khoảng 10 phút rồi rửa lại là được.

7. Làm sạch vết dầu

Muốn tẩy sạch các vết dầu còn lại trong chai, bạn hãy đổ nước gạo vào ngâm khoảng 5-10 phút, sau đó lắc mạnh chai nhiều lần. Dầu sẽ nhanh chóng hòa tan trong nước gạo giúp chai trở nên sạch bóng mà không cần đến sự trợ giúp của các loại nước tẩy rửa.

8. Rửa bát

Sử dụng nước vo gạo không chỉ có tác dụng làm sạch phần dầu mỡ bám trên bát mà còn giúp khử mùi tanh do thức ăn một cách dễ dàng, không độc hại.

9. Khử độc và tẩy trắng sắn

Muốn sắn trắng và khử bớt chất độc, khi lột vỏ bạn nên ngâm chúng vào nước gạo.

Mimi tổng hợp (NGOISAO.NET)

10 NGUYÊN TẮC NÊN BIẾT KHI ĂN SUSHI

Ngày nay sushi không còn là món ăn quá xa lạ  với người Việt Nam. Món “quốc hồn” của Nhật Bản đã đi vào những nhà hàng, quán ăn, thậm chí là vỉa hè ở một số con phố Sài Gòn để đáp ứng cho lượng người tìm ăn ngày càng đông. Thật dễ hiểu khi bạn là fan của thể loại món ăn tuyệt ngon này, nhưng có bao giờ bạn tự hỏi mình ăn sushi đã đúng cách? Đã giống với người Nhật chưa?

Hãy tham khảo bài viết sau đây để có thêm kinh nghiệm nhé!

1. Ăn các món trong bữa sushi theo thứ tự nhất định

Ăn sushi theo trình tự không chỉ cho thấy sự hiểu biết của bạn, mà nó còn giúp bạn tận hưởng được hương vị, kết cấu món ăn một cách hoàn hảo hơn. Lý tưởng nhất là bắt đầu với món sushi cá có hương vị nhẹ nhàng, rồi đi dần đến cá có hương vị mạnh hơn.

2. Không cọ xát hai chiếc đũa vào nhau

3. Cách chấm nước sốt sushi:

Hãy nhúng sushi vào sốt một cánh nhanh nhẹn, kẻo làm hỏng hương vị của miếng cá. Hãy nhớ là sốt để làm nổi bật sushi, chứ không phải bạn dùng sushi để múc sốt.

Và để cho đúng cách, bạn cần lộn ngược miếng sushi lại (thay vì đặt úp như lúc mới dọn ra) rồi chấm mặt có cá vào trong nước sốt.

4. Dùng tay cầm sushi

Trường hợp không biết dùng đũa, bạn hoàn toàn có thể dùng tay để cầm sushi ăn và nói là: Tôi đang ăn theo cách truyền thống của Nhật bản.

5. Tác dụng của miếng gừng ngâm

Bạn nghĩ miếng gừng ngâm cũng như dưa góp ăn kèm sushi? Cũng hay! Nhưng quan trọng hơn, nó giúp khử sạch mùi trong miệng bạn, giúp bạn lấy lại vị giác ban đầu. Vì vậy, hãy ăn gừng ngâm trước khi ăn một miếng sushi có hương vị khác với miếng trước đó.

6. Làm gì nếu bị xộc hơi mù tạt?

Những người chưa quen ăn sushi, vì nhiều lý do, có thể bị hương mù tạt xộc lên mũi và nếu không kiềm chế, có thể gây ho, sặc, chảy nước mắt rất khó coi. Ngay lúc cảm thấy mùi hương xộc lên mũi, hãy nhanh chóng ngưng thở bằng miệng và tập trung thở bằng mũi, khoảng vài giây sau, cảm giác khó chịu sẽ hết.

7. Dùng súp miso 

Cách ăn súp miso hay nhất là bưng lên kê vào miệng mà húp. Cách này sẽ giúp bạn thấy ngon hơn là dùng thìa. Và nên nhớ miso không phải món khai vị, bạn hãy dùng nó sau khi ăn món chính.

8. Cá ngừ và cá ngừ béo có phải là một?

Đúng vậy, đó chỉ là cách gọi của những phần khác nhau trên mình con cá.

9. Ăn sushi rất tốt cho sức khỏe

Các nhà nghiên cứu đã công nhận về tác dụng của sushi với sức khỏe, nhưng đó là loại sushi truyền thống tự nhiên với các nguyên liệu cá sống sạch và cơm.

10. Ăn sao cũng được

Và nếu bạn thấy 9 nguyên tắc trên là rườm rà, rắc rối, thì bạn hoàn toàn có thể ăn theo cách của mình. Chẳng ai chê cười bạn cả. Vì không có cách nào đúng hơn là cách ăn giúp bạn có một trải nghiệm ngon lành, thoải mái và thỏa mãn!

Tố Tâm  (Theo Infographicstation  và VnExpress)

 

CHỮA MỤN NHỌT BẰNG CÂY SUNG

Cây sung là loại cây quen thuộc trên khắp ba miền ở nước ta. Ngoài những công dụng thường gặp trong nấu nướng, cây sung còn có tác dụng về y học rất hiệu quả trong dân gian.

Để chữa mụn nhọt, sưng vú, cần rửa sạch mụn nhọt, lau khô, lấy nhựa sung bôi trực tiếp vào chỗ sưng (để hở đầu vú). Cũng có thể trộn nhựa sung với lá đắp lên chỗ đau.

Cây sung mọc hoang và được trồng khắp nơi ở nước ta, là vị thuốc thường được dùng trong nhân dân. Lá, quả sung làm gia vị, nhựa sung được nhân dân dùng chữa nhức đầu và một số bệnh ngoài da, nhọt sưng đau, tụ máu.

Một số ứng dụng:

– Khi bị xây xát, đắp nhựa lá sung lên trên chỗ sưng đỏ hoặc tím.

– Nếu mụn có ngòi muốn lấy ngòi ra, giã 1 củ hành với nhựa và lá sung đắp lên trên, để hở miệng.

– Chữa nhức đầu: Phết nhựa sung lên giấy bản dán vào hai thái dương, kết hợp uống 5 ml nhựa hòa nước trước khi đi ngủ.

– Chữa hen: Hòa nhựa sung với mật ong uống trước khi đi ngủ.

– Phụ nữ ít sữa hay tắc tia sữa: Dùng quả sung, quả mít non nấu cháo gạo nếp hay nấu canh với chân giò lợn ăn.

– Trên mặt nổi cục sưng đỏ: Dùng lá sung tật (có u) nấu nước nóng xông rửa mặt hàng ngày.

– Trẻ em ghẻ lở: Lá sung non giã nhỏ xát vào, bong vẩy là được.

BS Trường Giang, Sức Khỏe & Đời Sống

Cách nhận biết măng tươi được làm trắng bằng hóa chất tẩy rửa

Măng ngâm hóa chất có màu trắng phau, giòn và dễ bẻ gãy; còn măng tự nhiên màu vàng nhạt hoặc hơi thâm đen do ngâm muối, dai.

Măng tươi được tẩy trong chất rửa công nghiệp trước khi đưa ra thị trường. Ảnh: H. Lê

Công an tỉnh Bình Thuận vừa bắt quả tang cơ sở sản xuất măng của bà Dương Thị Lập dùng hóa chất công nghiệp để tẩy trắng măng trước khi đưa ra thị trường. Theo đó, cơ sở này đang dùng hóa chất để tẩy trắng măng, sau đó ngâm vào phẩm màu để có màu vàng tươi. Lực lượng chức năng đã lập biên bản tạm giữ hóa chất và 200 kg măng đã qua ngâm tẩm.

Cơ sở sản xuất măng này hoạt động không phép 3 năm nay, mỗi ngày bán ra thị trường 150 kg măng đã được ngâm phẩm màu.

Măng tươi lâu ngày bị thâm đen được chủ cơ sở ngâm hóa chất tẩy rửa để làm trắng. Ảnh: H Lê

Theo một cán bộ trinh sát môi trường Công an tỉnh Bình Thuận, có 3 đặc điểm để phân biệt măng bình thường và loại bị ngâm hóa chất. Theo đó măng không hóa chất do được ngâm muối nên có màu hơi thâm đen, trong khi hàng ngâm hóa chất có màu trắng phau. Bình thường măng vàng nguyên thủy có màu vàng nhạt, còn măng hóa chất thì màu vàng đậm. Ngoài ra măng không ngâm hóa chất thường dai, không giòn; còn măng bị ngâm hóa chất giòn, bẻ dễ gãy.

Giáo sư tiến sĩ Võ Tòng Xuân cũng cho rằng, dựa vào cảm quan có thể phân biệt được măng tươi tự nhiên và măng ngâm hóa chất. Theo đó măng tươi tự nhiên thường có màu vàng tươi nhạt, còn măng ngâm hóa chất màu trắng nhợt nhạt hoặc màu vàng đậm do được ngâm bột vàng. Khi chọn măng, nếu ngửi thấy mùi hóa chất hoặc măng không có mùi tự nhiên thì không nên mua.

H. Lê – Thi Ngoan

http://doisong.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/tu-van/nhan-biet-mang-tuoi-duoc-lam-trang-bang-hoa-chat-tay-rua-3220074.html

Giảm cân “dễ không ngờ” bằng việc ăn chuối của người Nhật

Giảm cân là chủ đề ngày càng quan trọng trong thời đại ngày nay. Cân nặng không chỉ ảnh hưởng đến vẻ ngoài của bạn, mà việc cân nặng quá mức còn kéo theo nhiều vấn đề về sức khỏe. Nếu ở vào tình trạng đó, việc đầu tiên là bạn cần tìm hiểu một liệu pháp giảm cân hợp lý, an toàn.

Các bạn bị bệnh đau dạ dày không được áp dụng cách giảm cân này nhé!

Cách làm đẹp đến từ xứ mặt trời mọc
Giảm cân bằng chuối – Morning Banana Diet – rất phổ biến ở Nhật, liên tục dẫn đến sự thiếu hụt chuối trong hàng loạt cửa hàng vào năm 2008. Chế độ ăn này bắt nguồn từ một dược sĩ đến từ Osaka, Nhật Bản – bà Sumiko Watanabe. Bà dùng chế độ ăn kiêng bằng chuối để giúp chồng bà là ông Hitoshi Watanabe giảm 16,8kg trong một thời gian ngắn. Sau khi ông Hitoshi Watanabe viết về phương pháp này trên trang mạng xã hội Mixi, phương pháp giảm cân bằng chuối đã trở thành một cơn sốt thật sự ở Nhật Bản.
Chuối có khả năng đẩy nhanh tốc độ oxy hóa của cơ thể, giúp đốt cháy mỡ thừa nhanh chóng. Do đó khi ăn kiêng bằng phương pháp này, bạn không cần kiêng khem hay luyện tập nặng, vừa có đủ năng lượng hoạt động cho một ngày, vừa giảm cân hiệu quả. Một điều thú vị của phương pháp giảm cân bằng chuối là bạn có thể từ bỏ và bắt đầu lại bất kỳ khi nào bạn muốn.
 
Phương pháp thực hiện
Vào buổi sáng, bạn có thể ăn một lượng chuối tùy thích cùng với một cốc nước ấm từ 250 – 350 ml hoặc một ly sữa tươi. Bạn cũng có thể xay chuối và sữa thành sinh tố để uống dễ hơn. Không dùng thêm bất kỳ thức ăn gì ngoài chuối, sữa và nước lọc.
Vào buổi trưa và buổi tối, chế độ giảm cân này cho phép chúng ta chọn món ăn tùy thích, nhưng tốt nhất trước khi ăn ít khoảng 30 phút, bạn nên dùng một quả chuối và cắt giảm 30% khẩu phần ăn thường lệ.
Trong ngày, chúng ta có thể dùng từ một đến hai quả chuối làm bữa ăn xế.
Một số lưu ý khi giảm cân bằng chuối
  1. Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày (tương đương 8 cốc nước).
  2. Ăn 10 – 12 quả chuối chín/ngày (tương đương trên 1000 calo), đồng thời uống 3 cốc sữa không béo vào buổi sáng, trưa, tối để cơ thể đủ năng lượng hoạt động.
  3. Nếu muốn giữ dáng lâu dài, sau khi kết thúc thời gian giảm cân bằng chuối, bạn có thể duy trì thói quen ăn sáng với 2 – 3 quả chuối chín cùng 1 cốc sữa không béo.
  4. Trong thời gian ăn kiêng, nên uống bổ sung thêm các khoáng chất, các loại vitamin vì chuối chín và sữa không thể cung cấp đầy đủ vitamin cho cơ thể.
  5. Tránh ăn nhiều vào bữa tối, tránh vận động nặng nhưng tăng cường đi bộ, chạy bộ, leo cầu thang, làm việc nhà để quá trình giảm cân diễn ra nhanh hơn.
  6. Nếu cảm thấy chán ăn, bạn có thể làm sinh tố chuối nhưng không thêm bất kỳ hoa quả nào khác lẫn đường, sữa.
  7. Người có acid vị quá nhiều, đau ruột, tiêu hóa không tốt hoặc tiêu chảy nên hạn chế sử dụng phương pháp này.

Theo Jinilyn / Trí Thức Trẻ

ĐẬU NÀNH KHÔNG ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỨC KHỎE SINH LÝ NAM

Đậu nành rất lành mạnh, có lợi cho sức khỏe nhưng một số nam giới ngại dùng vì nghĩ là thực phẩm dành cho phái nữ, sử dụng nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng và nhà khoa học Việt Nam, Mỹ, Nhật Bản tham gia hội thảo quốc tế “Dinh dưỡng đậu nành và sức khỏe nam giới” vừa được tổ chức tại TP HCM, hiện nay vẫn còn những quan niệm sai lầm về giá trị của đậu nành đối với nam giới và những quan niệm này vẫn tiếp tục được nhiều người đồn thổi một cách thiếu kiểm chứng khoa học.

Thông tin truyền miệng đậu nành ảnh hưởng đến sức khỏe sinh lý nam giới xuất phát từ yếu tố đậu nành là thực phẩm giàu Isoflavones hay còn biết dưới tên gọi phytoestrogen có cấu trúc gần giống estrogen của nữ nên bị lầm tưởng sẽ ảnh hưởng đến nội tiết tố của nam, nhưng thực chất Isoflavones không phải là estrogen.

Tiến sĩ Mark Messina khẳng định việc uống đậu nành không khiến nam giới bị nữ tính hóa, đậu nành là thực phẩm tốt cho cả nam lẫn nữ.

Tại hội thảo, Tiến sĩ Mark Messina đến từ Đại học Loma Linda (California, Mỹ) đồng thời là Giám đốc Viện Dinh dưỡng Đậu nành Mỹ đã công bố một số kết quả phân tích tổng hợp các nghiên cứu khẳng định đậu nành và thực phẩm cung cấp Isoflavones đều không làm thay đổi nồng độ Testosterone khả dụng ở nam giới.

“Điều này này có nghĩa dùng Isoflavones đậu nành không gây nữ hóa ở nam giới bởi không có bằng chứng nào cho thấy tiêu thụ Isoflavones tác động đến nồng độ estrogen tuần hoàn ở nam giới. Những nghiên cứu can thiệp ở nhóm nam giới trong độ tuổi từ 18-35 cho thấy Isoflavones không tác động lên tinh trùng và tinh dịch ở cả 5 khía cạnh gồm lượng xuất tinh, mật độ tinh trùng, số lượng tinh trùng, tinh trùng di động và hình thái tinh trùng”, ông Mark Messina nhấn mạnh.

Đáng chú ý, trong một nghiên cứu điều trị trên cặp vợ chồng vô sinh bị tinh trùng ít do suy giảm một phần tinh trùng trưởng thành, kết quả cho thấy Isoflavones có vai trò trong việc điều trị chứng tinh trùng ít. Đây là một tín hiệu mới để khoa học tiếp tục nghiên cứu lợi ích của đậu nành trong lĩnh vực hỗ trợ điều trị vô sinh.

Ông Mark Messina cũng cho rằng thực phẩm từ đậu nành sẽ góp phần giảm thiểu nguy cơ phát triển 4 trong 10 nguyên nhân tử vong hàng đầu tại Việt Nam là ung thư, đột quỵ, tim mạch và tiểu đường.

Hàm lượng tinh bột thấp trong đậu nành phù hợp cho bệnh nhân tiểu đường đang cần hạn chế hấp thu tinh bột. Chất béo trong đậu nành rất có lợi cho tim nhờ hàm lượng chất béo bão hòa thấp và giàu chất béo không bão hòa đa vốn giúp giảm nồng độ cholesterol máu. Đạm đậu nành giúp giảm trực tiếp nồng độ cholesterol máu và giảm huyết áp. Một phân tích các nghiên cứu dịch tễ học châu Á phát hiện mức tiêu thụ đậu nành cao giúp giảm đến 48% nguy cơ phát triển ung thư tiền liệt tuyến.

“Một điều lý thú là với những người đàn ông muốn tăng cơ khi tập gym thì đạm đậu nành là một lựa chọn tốt. Một nghiên cứu trên những người đàn ông lớn tuổi cho thấy sự tăng cơ tốt hơn trong nhóm có chế độ ăn có 60% đạm đậu nành so với nhóm có 60% đạm thịt bò. Còn ở những người đàn ông trẻ, bổ sung thêm đạm đậu nành vào đạm sữa giúp tăng cơ tốt hơn so với chỉ dùng đơn thuần đạm sữa. Tất cả nam giới nên dùng ít nhất hai khẩu phần thực phẩm đậu nành mỗi ngày”, Tiến sĩ Mark Messina chia sẻ.

Bác sĩ Chuyên khoa II Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM.

Còn Bác sĩ Chuyên khoa II Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM cho biết đậu nành có giá trị dinh dưỡng cao, trong thành phần có cả 3 loại chất dinh dưỡng sinh năng lượng là protein, lipid, glucid. Hàm lượng protein trong đậu nành cao và có đến 18 loại acid amin, trong đó có đủ tất cả các loại acid amin thiết yếu.

Lipid trong đậu nành chủ yếu là acid béo không no nhiều nối đôi, không có cholesterol. Đậu nành có nhiều vitamin nhóm B, E, K cùng chất khoáng như K, Ca, P, Sắt, Mg, Mn, Zn, Cu, Se. Một số loại chất khoáng có rất cần thiết cho sức khỏe thần kinh, xương và tim mạch như Mn, Ca, sắt đạt hàm lượng cao trong đậu nành.

“Tiêu thụ đậu nành giúp chống lão hóa, bảo vệ da, kiểm soát cân nặng, giảm nguy cơ ung thư vú ở nữ và ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới, giảm nguy cơ bệnh tim mạch như xơ mỡ động mạch, tăng huyết áp, đột quỵ, giảm nguy cơ loãng xương. Đậu nành hoàn toàn không gây tác động đến chức năng sinh dục của nam giới”, bác sĩ Ngọc Diệp khẳng định.

Tiến sĩ Bác sĩ Chisato Nagata trình báo cáo tại hội thảo khoa học quốc tế cho biết tiêu thụ đậu nành không ảnh hưởng đến nội tiết tố nam giới.

Tiến sĩ Bác sĩ Chisato Nagata đến từ Khoa Dịch tễ và Y tế Dự phòng Đại học Y khoa Gifu, Nhật Bản cũng đưa ra nhiều nghiên cứu có ý nghĩa tích cực về việc sử dụng đậu nành với sức khỏe nam giới tại đất nước mặt trời mọc.

Người Nhật dùng nhiều thực phẩm từ đậu nành có chứa Isoflavones, đàn ông từ 15 tuổi trở lên tiêu thụ khoảng 76mg mỗi ngày. Thai nhi Nhật Bản sớm được tiếp xúc với lượng Isoflavones cao trong hệ tuần hoàn của mẹ. Trẻ nhũ nhi tại đây được cai sữa, tập làm quen với các sản phẩm đậu nành từ 6-12 tháng tuổi. Kể từ đó mức tiêu thụ của chúng tiếp tục tăng dần, đạt mức bình thường ở người trưởng thành.

Tiến sĩ Chisato Nagata cho biết đến nay đã có hai nghiên cứu về tác động của đậu nành lên nồng độ hormone sinh sản ở nam giới Nhật Bản và kết quả không gây ảnh hưởng gì lên nồng độ estradiol và testosterone trong máu. Một nghiên cứu khác cũng cho thấy tiêu thụ đậu nành không liên quan đến việc chưa có con. Nếu tiêu thụ đậu nành có thể làm giảm sinh tinh, vậy có nhiều khả năng số lượng tinh trùng hoặc chất lượng tinh dịch ở nam giới Nhật Bản sẽ thấp hơn so với các nhóm dân số khác.

“Tuy nhiên, đàn ông Nhật Bản lại có số lượng tinh trùng tương đương hoặc cao hơn so với đàn ông Bắc Âu. Một nghiên cứu khác cũng cho thấy nồng độ testosterone ở nam giới Nhật Bản cũng tương tự như nam giới Mỹ. Nhìn chung, không có bất kỳ bằng chứng gì về tác dụng phụ của đậu nành đối với sức khỏe sinh sản ở nam giới đất nước chúng tôi”, Tiến sĩ Chisato Nagata dẫn chứng.

Các nghiên cứu đã chứng minh rõ Isoflavones không ảnh hưởng đến nội tiết tố của nam giới mà còn góp phần nâng cao chất lượng sức khỏe. Từ đó các nhà khoa học tham dự hội thảo mong muốn cộng đồng hãy chia sẻ thông tin theo nghiên cứu khoa học thay vì truyền miệng thông tin không chính xác để tất cả mọi người được thụ hưởng giá trị dinh dưỡng tốt đậu nành.

Minh Trí (VNexpress.net)

http://doisong.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/dan-ong/dau-nanh-khong-anh-huong-suc-khoe-sinh-ly-nam-3221860.html

9 LOẠI TRÁI CÂY GIÚP ‘KÉO DÀI TUỔI TRẺ’

Để có làn da tươi trẻ, nhiều người lựa chọn mỹ phẩm cao cấp nhưng cách này rất tốn kém. Trong khi đó, rất nhiều loại hoa quả chứa các thành phần chống lão hóa giúp cải thiện độ đàn hồi cho da, giảm nếp nhăn, đồi mồi, không đều màu… mà không phải tốn nhiều chi phí.

Vậy thì còn chần chừ gì nữa, hãy xem qua công dụng của các loại quả dưới đây và áp dụng vào chế độ ăn của mình.

Kiwi

Các nghiên cứu đã chứng minh chất chống ôxy hóa có trong kiwi giúp da săn chắc và làm chậm sự hình thành nếp nhăn. Chúng làm giảm thiểu quá trình ôxy hóa do nhạy cảm với ánh sáng và hạn chế tổn thương do tiếp xúc với tia cực tím có hại. Vitamin C và E là các chất chống ôxy hóa đặc biệt giúp da tránh khỏi sự tấn công của các gốc tự do.

Lựu

Quả lựu giàu vitamin và các khoáng chất như Vitamin B2, phốt-pho… làm đẹp da. Thoa chiết xuất từ lựu lên da có công dụng cung cấp dưỡng chất cho tế bào, thúc đẩy tiết ra elastin, collagen… giúp da săn chắc và đàn hồi. Ngoài ra, chiết xuất từ lựu còn cải thiện đáng kể chức năng của tế bào da.

Dưa hấu

Dưa dấu cung cấp một nguồn chất dinh dưỡng lớn cho da, giúp da không xuất hiện nếp nhăn và các chỗ da không đều màu. Bạn có thể xay cả vỏ và hạt dưa hấu để làm sinh tố vì chúng chứa các vitamin cần thiết để chống ôxy hóa như Vitamin A, B và C. Hạt dưa hấu còn là nguồn kẽm, selen và vitamin E dồi dào.

Vitamin E và B trong bơ sẽ nuôi dưỡng da từ bên trong. Vitamin E giúp da khỏe mạnh còn kali giúp duy trì lượng nước thích hợp trong cơ thể. Glutathione tăng cường mức độ miễn dịch và làm chậm quá trình lão hóa.

Măng cụt

Hợp chất Xanthones trong măng cụt đem lại nguồn dinh dưỡng lành mạnh cho cơ thể. Các chất chống ôxyhóa như Catechin chống lại các gốc tự do. Ngoài ra măng cụt còn chứa Vitamin C giúp da sáng mịn.

Đu đủ

Đu đủ chứa nhiều Vitamin A, E và C làm sạch da, cung cấp nguồn dinh dưỡng thích hợp cho da, thúc đẩy quá trình tái tạo da và tẩy tế bào chết nhờ enzim papian. Đắp mặt nạ đủ đủ giúp làn da đẹp hơn và xóa mờ nếp nhăn.

Táo

Phần bã táo tươi rất tốt cho da và cơ thể. Táo chứa các hợp chất hữu cơ và enzim giúp làm giảm mỡ và giữ nước để da tươi trẻ và khỏe mạnh hơn. Bạn có thể thoa giấm táo pha loãng lên da để điều chỉnh độ pH thích hợp.

Chuối

Lượng lớn Vitamin C và B6 trong chuối giúp điều chỉnh độ đàn hồi và gắn kết của da. Mangan và nhiều chất chống ôxy hóa khác nhau trong loại quả này giúp chống lại quá trình lão hóa sớm, che chắn cho làn da khỏi tổn thương và giữ ẩm da.

Nho

Mangan và vitamin C trong nho giúp chống lại các tia cực tím độc hại, đồng thời các chất chống ôxy hóa sẽ chống lại các gốc tự do làm tổn thương làn da.

Nguồn 24h

[mẹo] THÊM 10 MẸO VẶT HAY GIÀNH CHO NGƯỜI LÀM BẾP

Trong công việc nội trợ, bên cạnh những quan niệm chế biến thông  thường  thì những mẹo vặt rút từ kinh nghiệm luôn giúp cho công việc của bạn trở nên hiệu quả và dễ dàng hơn. Sau đây sẽ là 10 mẹo hay giành cho các việc bếp núc thông thường.
1. Nấu cơm bằng nước máy:Nếu nấu cơm với nước máy, nên đun sôi nước trước rồi cho vào với gạo để nấu, vì trong nước máy có chất clo làm phá hủy vitamin B1 trong gạo.

2. Nấu cháo: Cho vào nồi cháo một ít dầu ăn sẽ giúp món cháo ngon hơn, dầu ăn cũng làm cháo không bị trào ra khi sôi.

3. Luộc mì:Thay vì nấu nước sôi ùng ục rồi cho mì vào luộc, bạn nên cho mì vào lúc nước bắt đầu sủi bọt lăn tăn, dùng đũa đảo vài nhát rồi đậy vung tới khi nước sôi, châm thêm nước lạnh, chờ nước sôi lại thì tắt bếp. Bạn sẽ có món mì chín đều.
4. Nêm muối đúng lúc:Với các loại củ, nên nêm muối từ sớm. Với rau, nêm muộn hơn, cụ thể là trước khi tắt bếp, đây là cách để dinh dưỡng trong rau không mất đi đồng thời giữ trạng thái giòn cho rau.

5. Nêm xì dầu đúng lúc:

 

Xì dầu nếu nêm sớm và nấu lâu sẽ khiến lượng đường trong xì dầu bị phân giải, tạo ra vị chua. Hãy nêm xì dầu lúc gần nấu xong.

6. Nêm bột ngọt đúng lúc:Bột ngọt cũng không nên nêm sớm quá vì có thể sinh ra chất có hại cho sức khỏe, tốt nhất là hòa bột ngọt tan ra, rồi nêm khi đã gắp món ăn ra đĩa.
7. Nguyên tắc nêm gia vị:Thông thường, có 1 nguyên tắc là nêm loại lâu ngấm vào trước, theo thứ tự: Đường, muối, dấm, nước tương, nước mắm, cuối cùng mới nêm bột ngọt. Đối với những thứ dễ bị biến đổi mùi vị như xì dầu, nước mắm, nên nêm vào giai đoạn cuối.

8. Chiên, xào với chút nước:Xào thịt nhanh tay đồng thời châm thêm ít nước sẽ giúp thịt mềm, giòn ngon hơn. Đối với món chiên, có thể cho nước vào trước nấu sôi rồi cho dầu vào, chờ cho dầu nổi lên trên nước rồi mới bắt đầu cho đồ vào chiên.
9. Chưng, hấp cá ngon hơn:

Đập quả trứng, hòa tan rồi thoa đều lên mình cá trước khi đem hấp. Trứng sẽ ngấm vào mình cá khi hấp, giúp món ăn bổ và ngon hơn.

10. Xào thức ăn:

Với các nguyên liệu tanh như thịt cá, nên xào bằng dầu thực vật vì dầu này có thể khử tanh. Với rau thì nên xào bằng mỡ heo, giúp món ăn trông hấp dẫn, vị ngon và thơm hơn.

‘ĐIỂM DANH’ 10 THỨC ĂN PHỔ BIẾN CÓ TÁC DỤNG NGỪA UNG THƯ

Ung thư là chứng bệnh ai cũng muốn tránh càng xa càng tốt, và thực ra có những thực phẩm quen thuộc có thể hỗ trợ chúng ta trong việc này.

Hành tây, tỏi cô đơn, khoai lang, ớt, trà, rau đắng… được chứng minh giúp phòng chống ung thư.

Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ (Khoa Y học cổ truyền, ĐH Y Dược TP HCM) khuyến cáo, một trong những yếu tố dẫn đến bệnh ung thư là do ăn uống. Theo Tổ chức Y tế thế giới, 30% người mắc bệnh ung thư được cho rằng có liên quan đến thói quen ăn uống không lành mạnh.

Nhiều bằng chứng cho thấy việc hấp thụ thường xuyên thực phẩm chứa nhiều mỡ, sữa nguyên bơ, thịt hun khói hay ướp muối có thể dẫn đến ung thư, đặc biệt ung thư đại tràng và trực tràng. Ngược lại, các loại rau xanh, củ, quả tươi chứa nhiều hoạt chất chống ôxy hóa, vitamin, chất xơ góp phần làm giảm tỷ lệ mắc bệnh.

Theo các chuyên gia, ăn uống hợp lý có thể làm giảm 35% ca tử vong do ung thư. “Một chế độ ăn uống lành mạnh không phải nạp ít hay nhiều một loại thức ăn mà cơ bản là duy trì chế độ ăn uống hợp lý có đầy đủ các loại thực phẩm cơ bản như gạo, thịt, rau và trái cây”, bác sĩ Tấn Vũ lưu ý. Ông gợi ý một số loại trái cây, rau củ phổ biến ở Việt Nam được chứng minh tốt cho sức khỏe, có khả năng phòng ngừa bệnh tật, đặc biệt là ung thư, các gia đình nên bổ sung thêm vào khẩu phần ăn như:

1. Hành tây

Hành tây được chứng minh có tác dụng phòng ngừa ung thư dạ dày. Ảnh: Health.

Hành tây chứa vescalin (C27H20O8) là hoạt chất tự nhiên chống ung thư. Nghiên cứu cho thấy những người thường xuyên ăn loại củ này, tỷ lệ bị ung thư dạ dày thấp hơn 25% so với nhóm ăn ít hoặc hoàn toàn không ăn. Riêng những trường hợp đã bị ung thư dạ dày mà áp dụng chế độ ăn bổ sung thêm hành tây thì tỷ lệ tử vong thấp hơn 30% so với nhóm còn lại.

2. Tỏi cô đơn

Tỏi cô đơn trước và sau khi lên men thành tỏi đen. Ảnh: Leo’s black garlic.

Các nhà khoa học thuộc Viện Ung thư Quốc gia Mỹ chứng minh tỏi có thể làm giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt và các ung thư khác như đại tràng, dạ dày, vú. Những người ăn mỗi ngày một tép tỏi, nguy cơ ung thư sẽ giảm một nửa so với người không ăn.

Bác sĩ Tấn Vũ cho biết, ở miền Trung Việt Nam có loại tỏi hiếm là tỏi cô đơn (còn gọi là tỏi một nhánh) ở Lý Sơn, Phan Rang, được Đông y xếp loại là thảo dược quý vì chứa nhiều hoạt chất giúp phòng và chữa bệnh. Loại củ này có mùi hăng nồng không phải ai cũng ăn được. Các nhà khoa học đã nghiên cứu cách khử mùi mà vẫn giữ lại những dược chất tốt bằng phương pháp lên men tự nhiên trong 60 ngày để tạo ra tỏi đen có vị ngọt và dẻo giống trái cây sấy khô.

Quá trình lên men không làm mất các hoạt chất có lợi mà còn tăng sinh các chất này với hàm lượng cao gấp từ 10 lần so với tỏi tươi. Ăn từ một đến hai củ tỏi đen hàng ngày rất tốt cho người bị huyết áp cao, mỡ máu, suy giảm chức năng gan, mất ngủ kinh niên.

3. Măng tây

Măng tây có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon miệng và bổ dưỡng. Ảnh:phunukieuviet.

Loại măng này có hàm lượng vitamin, rutin cao, có tác dụng nhất định với các bệnh ung thư da, ung thư bàng quang… Măng tây có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon miệng, bổ dưỡng mà có lợi cho sức khỏe.

4. Ớt

Chất capsaicin trong ớt giúp tăng cường sức khỏe tim mạch bằng cách cải thiện khả năng hòa tan máu đông, chống viêm nhiễm. Chất này còn làm chậm sự phát triển, thậm chí giết chết tế bào ung thư mà không gây tổn hại đến các tế bào xung quanh.

5. Trà

Trà chứa phenylpolyphenol có tác dụng chống ung thư. Uống nước trà có thể phòng chống một số bệnh như ung thư gan, dạ dày. Nghiên cứu cho thấy, phụ nữ uống trà xanh hàng ngày giảm 60% khả năng bị ung thư buồng trứng. Hầu hết các loại trà đều tốt, song trà xanh có tác dụng chống ung thư mạnh nhất.

6. Rau đắng

Các chất chống oxy hóa trong rau đắng giúp loại bỏ các gốc tự do là sản phẩm phụ nguy hiểm của quá trình trao đổi chất làm cho tế bào chết hoặc đột biến thành ung thư. Bổ sung rau này vào chế độ ăn hàng tuần giúp duy trì chất lượng cuộc sống và tăng cường quá trình trao đổi chất. Chất chống oxy hóa cũng giúp ngăn ngừa một số loại ung thư. Nghiên cứu đang tiếp tục chứng minh các thành phần trong rau đắng có thể ngăn ngừa hoặc làm chậm sự lây lan của bệnh này.

Lưu ý: Việc bổ sung liên tục bất kỳ loại thảo dược nào trong thời gian dài đều không được khuyến khích và rau đắng cũng không ngoại lệ. Chỉ nên bổ sung khi cần giảm bớt triệu chứng hoặc bệnh, không nên ăn thường xuyên trong hơn 12 tuần. Riêng bệnh nhân hen suyễn, nhiễm trùng đường tiết niệu, giảm nhịp tim hoặc tăng đường huyết không nên dùng rau này.

7. Cà rốt

Cà rốt chứa caroten, protid, lipid, glucid, nước, cenluloz, các muối khoáng và vitamin C, D, E, B1, B2. Nước ép của cà rốt bôi ngoài da chữa một số bệnh như mụn nhọt, nấm, chàm, bỏng, vết thương lỏ loét, bổ trợ điều trị ung thư vú, ung thư biểu mô. Cà rốt và các loại rau màu xanh, vàng cũng có tác dụng phòng ngừa ung thư. Theo nghiên cứu, củ cà rốt sống chứa một lượng lớn các chất có khả năng chống lại bệnh ung thư đại tràng, trực tràng, vú.

8. Nấm

Các nhà khoa học Mỹ và Nhật đã phát hiện rất nhiều loại nấm như nấm hương, nấm đông, nấm rơm, mộc nhĩ đen, mộc nhĩ trắng, nấm búp có chứa hoạt chất chống ung thư. Chẳng hạn như chất pholysaccharide trong nấm đông cô, pholysaccharide trong mộc nhĩ trắng và mộc nhĩ đen cũng là chất chống ung thư khá hiệu quả.

9. Khoai lang

Loại củ này chứa chất chống ôxy hóa beta carotene, vitamin, chất khoáng và xơ giúp phòng bệnh tim mạch, đột quỵ, ung thư. Ăn khoai lang mỗi ngày giúp giảm 22% nguy cơ nhồi máu cơ tim ở nữ giới, giảm từ 40 đến 70% nguy cơ đột quỵ.

10. Cà chua

Cà chua có lycopene và beta caroten (vitamin A tự nhiên) có tác dụng chống ôxy hóa tế bào, nhờ đó giúp phòng chống ung thư vú, dạ dày và ung thư đường tiêu hóa. Để ngừa các bệnh ung thư, đặc biệt là tuyến tiền liệt, nên ăn nguyên trái cà chua chưa chế biến.

Thi Ngoan (VNexpress.net)

Nguồn: http://doisong.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/tu-van/10-loai-rau-cu-pho-bien-co-tac-dung-ngua-ung-thu-3218597.html

TOP 10 LOẠI THỰC PHẨM TƯỞNG LỢI HÓA RA HẠI

Chúng ta thường được nghe quảng cáo về một số loại thực phẩm thay thế vừa ngon miệng, bổ dưỡng cho sức khỏe…mà ít nói tới tác hại của chúng.

Nước ép đóng hộp, đồ ăn ít béo, bơ thực vật… là thực phẩm tưởng tốt nhưng thực ra không có lợi cho sức khỏe.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng trên trang Fitnea, 10 loại thực phẩm sau đây thường được cho là có lợi cho cơ thể nhưng thực tế có thể gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, đặc biệt khi tiêu thụ thường xuyên.

1. Thức ăn đóng gói với mác “ít béo”

Nhiều người tiêu dùng nghĩ rằng họ sẽ được khỏe mạnh, giảm cân nếu dùng những loại thực phẩm với nhãn mác “ít béo”. Tuy nhiên theo các chuyên gia dinh dưỡng, hầu hết thực phẩm đóng gói với ít chất béo thường được cho thêm vào một số loại hóa chất khác để bù đắp. Thông thường những hóa chất này rất có hại cho cơ thể, thậm chí gây ra những vấn đề sức khỏe nghiệm trọng nếu dùng trong thời gian dài.
Ảnh minh họa: Fitnea.

2. Bơ thực vật

Thông thường người tiêu dùng thích chọn bơ thực vật hơn bơ sữa bởi không có cholesterol. Tuy nhiên theo các chuyên gia dinh dưỡng, trong thành phần bơ thực vật thường có lượng chất béo chuyển hóa rất cao. Loại chất béo này có hại cho cơ thể, gây tổn thương mạch máu, thậm chí còn làm tăng lượng cholesterol trong máu.

3. Nước ép đóng hộp

Nhiều người nghĩ rằng nước ép trái cây đóng hộp cũng có lợi như nước ép tự nhiên. Tuy nhiên thực tế hoàn toàn ngược lại. Nước ép đóng hộp gồm tất cả các sản phẩm được làm từ hương liệu tổng hợp và hương liệu tự nhiên, đều được đóng gói với hàm lượng đường cao và cho thêm vào các chất hóa học, chất bảo quản. Chính các chất phụ gia ấy có thể là nguyên nhân gây ra béo phì và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác. Vì thế cách tốt nhất để cơ thể có đủ vitamin, bạn nên ăn trái cây tươi hoặc tự làm nước ép tại nhà thay vì uống nước ép đóng gói.

4. Các loại thịt chế biến sẵn

Trong thành phần của các loại thịt chế biến sẵn thường được thêm vào các chất hóa học, chất bảo bảo quản. Những hóa chất này được chứng minh có thể gây ung thư ruột kết và nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Ngoài ra các loại thịt này thường được đóng gói với nhiều đường, muối và chất béo là những chất có thể gây béo phì và bệnh đái tháo đường. Vì thế lời khuyên cho bạn, nên tự nấu nướng ở nhà, tránh dùng các loại thịt chế biến sẵn.

5. Các món ăn nhanh 

Các món ăn nhanh dù được quảng cáo là đầy đủ dinh dưỡng, giúp bạn có thân hình cân đối, có lợi cho người muốn giảm cân, đều được chế biến với rất nhiều đường và chất béo. Những chất phụ gia này không có lợi cho cơ thể.

6. Thức ăn đông lạnh

Khi bạn không có thời gian đi lại thì việc dùng thức ăn đông lạnh sẽ rất thuận tiện. Tuy nhiên những loại đồ ăn đông lạnh này thường có hàm lượng calo thấp và nhiều natri. Thức ăn dạng này được chế biến rất kỹ nên rất khó tiêu hóa đòi hỏi cơ thể bạn phải tốn rất nhiều năng lượng để tiêu thụ hết.

7. Ăn sáng với ngũ cốc chế biến sẵn

Ngũ cốc có thể là loại thực phẩm tốt cho bữa sáng. Ngũ cốc chế biến sẵn thì chưa hẳn là vậy. Ngay cả các loại ngũ cốc được gắn mác “tốt cho sức khỏe” cũng được đóng gói với lượng đường và chất béo cao, cùng với một số chất hóa học, chất bảo quản có hại cho cơ thể.

8. Các loại bánh chiên

Nhiều người có thói quen ăn sáng bằng một chiếc bánh ngọt chiên. Các loại bánh này có mùi vị ngon, nhưng chứa một lượng lớn đường, chất béo, chất chuyển hóa có hại. Trung bình một chiếc bánh rán có thể chứa trên 300 calo. Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tăng cân nhưng ít ai nhận ra.

9. Nước ngọt, soda

Nước ngọt thường có lượng đường cao và nhiều loại hóa chất, chất bảo quản được chứng minh liên quan đến một số loại bệnh ung thư. Nước ngọt đóng chai không những không có giá trị dinh dưỡng mà còn có thể gây ra bệnh tiểu đường. Bên cạnh đó, ngay cả với những loại đồ uống giảm béo cũng mang lại nhiều rủi ro, vì nó được chế biến từ nhiều hóa chất có thể gây bệnh và ung thư

10. Khoai tây chiên

Khoai tây chứa nhiều chất béo và calo. Trong thành phần khoai tây chiên chứa nhiều acrylamide, một hóa chất được sinh ra trong quá trình chiên thực phẩm ở nhiệt độ cao. Hóa chất này được chứng minh có thể gây ung thư, thậm chí dẫn đến tử vong nếu tiêu thụ nhiều.
Thi Trân – Vnexpress.net (Theo Fitnea)
Nguồn: http://doisong.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/cac-thuc-pham-tuong-loi-hoa-hai-2862537.html

MẸO HAY CHỮA MÓN ĂN NÊM QUÁ TAY

Trong công việc nội trợ, không ít lần bạn gặp phải trường hợp nêm nếm quá tay, làm món ăn quá mặn, quá ngọt hay quá béo, không thể nuốt nổi. Với người mới làm quen bếp núc, tưởng đâu đây là những trường hợp “bất khả kháng”, tuy nhiên, với một chút kinh nghiệm, bạn có thể xử lý dễ dàng.

1 Lỡ nêm quá mặn:

Ban đầu, nhiều người thường nghĩ rằng đơn giản chỉ cần cho thêm nước vào món canh, súp khi lỡ tay nêm mặn. Cách này đúng nhưng sẽ khiến cho nồi nước trở nên loãng và mất vị đậm đà lúc đầu.

Cách mà nhiều người đầu bếp khuyên bạn dùng, đó là dùng lòng trắng trứng: Chỉ cần nhẹ nhàng cho lòng trắng trứng vào nồi canh / súp, nấu sôi, chín rồi vớt lòng trắng ra bỏ đi…Lòng trắng có tác dụng hút mặn rất tốt.

 

– Bạn có thể dùng khoai tây rửa rửa sạch, xắt thành một hai cục to to bỏ vào nồi / chảo nấu chung, khoai tây cũng có tác dụng hút mặn như lòng trắng trứng, tuy rằng chậm hơn một tí, bù lại là dễ vớt ra hơn đối với người ít kinh nghiệm.

– Gạo: Hãy cho một nắm gạo vào túi, cột lại rồi thả vào nồi. Nấu tới khi gạo nở, chất mặn trong món ăn sẽ được hút bớt vào gạo. Lúc này bạn chỉ việc bỏ túi gạo ra ngoài và nêm nếm lại thức ăn trong nồi.

– Chanh tươi cũng có tác dụng làm loại bỏ vị mặn rất tốt. Ngay khi đang ăn món bún, phở mà thấy quá mặn, bạn có thể vắt miếng chanh vào. Cách này cũng áp dụng cho nồi thức ăn đang nấu, tương tự như với khoai tây, trứng và gạo.

– Sữa chua: Vị chua của sữa chua có tác dụng làm vị mặn của món ăn giảm bớt. Khi làm các món như phô mai, kem tươi… bạn có thể áp dụng cách này, rất tốt, không những làm món ăn bớt mặn mà còn giúp nó ngon hơn.

– Ngoài ra, cà chua cũng là một nguyên liệu giúp giảm mặn hiệu quả.

2. Loại bớt chất béo

Món ăn quá béo làm chúng ta cảm thấy ngán ngẩm, thậm chí sợ sệt. Lúc đó bạn làm cách sau:

– Lấy vài lá xà lách xoăn thả lên mặt nồi canh / súp đang nấu. Loại rau này sẽ giúp hút bớt chất béo (rau này miền Bắc gọi là rau diếp xoăn)

– Một vài cục đá nhỏ cũng có tác dụng hút béo tương tự. Nhớ là với đá thì nên làm nhanh gọn kẻo sức nóng c ủa món ăn làm nó tan hết cả vào nồi món ăn.

– Xé một ít màng bọc thực phẩm, vò lại thành cục và dùng cái cục này quét qua bề mặt váng mỡ của nồi thức ăn. Chất béo sẽ bám vào miếng màng bọc rất nhanh chóng.

– Nếu không cần ăn nóng ngay, thì bạn có thể để món ăn cho nguội rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh. Sau vài tiếng, váng mỡ sẽ đông lại và lúc này bạn chỉ việc vớt chúng ta bỏ đi.

3. Chữa thức ăn nêm quá ngọt

Với thức ăn nêm quá ngọt, bạn có thể dùng muối như cách mà ai cũng nghĩ ra, hoặc có thể dùng dấm táo. Giấm táo có thể giảm bớt độ ngọt hiệu quả.

 

Sào Anh tổng hợp.

NHỮNG MẸO NÊN BIẾT KHI SỬ DỤNG TỎI

 Tỏi là một gia vị, nguyên liệu và cũng là một vị thuốc chữa bệnh rất quen thuộc trong đời sống hàng ngày. Để sử dụng tỏi một cách hợp lý, hiệu quả, không gì cần thiết hơn là tìm hiểu thêm về các đặc tính của chúng.

Chọn lựa và lưu trữ
Khi mua tỏi, bạn nên lựa những củ tỏi có vỏ bám chặt vào nhánh, không chọn củ có vỏ xốp, rời rạc. Cần tránh những củ tỏi đã lên mầm xanh.
Khi bảo quản,  nếu tỏi bị lên mầm, bạn có thể cắt bỏ mầm đi để sử dụng. Mầm tỏi có thể gây vị đắng khó chịu cho món ăn.
Lưu trữ tỏi ở nơi khô ráo, thoáng mát. Không khí ẩm sẽ khiến tỏi mọc mầm hoặc bị thối, mốc.
– Tỏi xắt lát có thể được bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh tới 5 tuần với điều kiện bạn cho chúng vào hộp đậy kín; điều này cũng đúng với tỏi đã bóc vỏ.
 
Chế biến tỏi
 
Trong các công thức nấu ăn, nếu bạn thấy 1 thìa cà phê tỏi bằm có nghĩa là 1 nhánh tỏi cỡ trung bình được bằm nhỏ; và 1 thìa canh tỏi bằm tương đương với 3 nhánh tỏi cỡ trung bình.
– Nếu muốn món ăn dậy mùi tỏi, bạn nên bằm nhỏ hoặc nghiền nhuyễn tỏi trong dụng cụ ép thay vì xắt lát chúng.
– Có một lớp vỏ tỏi mỏng dính sát với lõi của tỏi; nếu dùng dụng cụ ép tỏi bạn không cần thiết phải loại bỏ lớp vỏ mỏng này trước khi ép tỏi.
– Khi phi thơm tỏi, tốt nhất bạn nên cho tỏi vào chảo dầu khi chảo còn chưa nóng và để tỏi nóng dần lên theo nhiệt độ của chảo; việc này tránh cho tỏi khỏi bị cháy – khiến cho món ăn có vị đắng.
Mùi vị của tỏi trở nên dịu hơn khi tỏi được nấu với các món súp, hầm; thời gian nấu càng lâu thì mùi tỏi càng dễ chịu.
– Muốn làm dịu mùi tỏi trong các món trộn, gỏi hay nước chấm, bạn có thể chần tỏi đã bóc qua nước sôi rồi mới tiếp tục bằm nhỏ hoặc xắt lát.
– Để khử hết mùi tỏi ra khỏi hơi thở của bạn, có thể nhai một lá mùi tây hoặc một hạt cà phê.
– Nếu sau khi chế biến đồ ăn mà tay bạn bị bám đầy mùi tỏi, hãy rửa tay với ít nước cốt chanh; hoặc đơn giản hơn – hãy cọ xát tay bạn vào đáy một chiếc thìa inox dưới vòi nước đang chảy một lúc, mùi tỏi sẽ được khử sạch hoàn toàn.


Theo Emily – MASK Online

Suy thận vì uống quá nhiều trà đá

Các bác sĩ Mỹ xác định nguyên nhân khiến một người đàn ông 56 tuổi suy thận là thói quen mỗi ngày uống 16 cốc trà đá của ông ta.

Báo cáo về bệnh nhân này được đăng hôm qua (1/4) trên tạp chí New England Journal of Medicine. Chức năng thận của người đàn ông này không thể hồi phục. Ông phải duy trì việc chạy thận nhân tạo, tiến sĩ Alejandra Mena-Gutierrez, Trung tâm y tế, Đại học Arkansas (Mỹ) – người điều trị cho bệnh nhân, viết trong báo cáo. Tiến sĩ nhấn mạnh, điều độ là điều quan trọng nhất cần lưu ý khi nói về thói quen uống trà.

“Chúng tôi không khuyên mọi người đừng uống trà. Nếu bạn khỏe mạnh và uống trà vừa phải, nó sẽ không gây hại gì cho thận của bạn”, bác sĩ Mena-Gutierrez nói.

Tháng 5/2014, người đàn ông nói trên phải vào Bệnh viện Arkansas trong tình trạng mệt mỏi, đau nhức. Kết quả các xét nghiệm cho thấy nước tiểu của ông có nồng độ cao tinh thể canxi oxalat – các thành phần của sạn thận. Ông ta không có tiền sử gia đình về bệnh thận và trước đây cũng chưa từng có sạn thận. Để điều trị tình trạng suy thận của ông, các bác sĩ cho bệnh nhân chạy thận.

Bệnh nhân này nói với bác sĩ rằng ông đã uống 16 cốc trà đá mỗi ngày. Trà đen – trong nước trà đá mà ông ta đã uống – là một nguồn rất giàu oxalat, một thành phần góp phần gây các vấn đề về thận nếu tiêu thụ nhiều. Các bác sĩ kết luận rằng việc sử dụng quá mức oxalat trong trà đá ở bệnh nhân này dẫn tới suy thận là một quá trình diễn ra rất nhanh. Tình trạng của ông ta “không thể giải thích bởi các nguyên nhân nào khác”, bác sĩ Mena-Gutierrez nói.

Theo báo cáo, trung bình một người ở Mỹ tiêu thụ khoảng 152-511 mg oxalat mỗi ngày. Mức này cao hơn 40-50 mg một ngày theo khuyến cáo của Viện dinh dưỡng và chế độ ăn uống Mỹ. Các nhà nghiên cứu cho biết, có khoảng 50-100 mg oxalat trong mỗi 100 ml nước trà đen. Với 16 cốc trà mỗi ngày, mức tiêu thụ oxalat của bệnh nhân là hơn 1500 mg – cao hơn mức nạp vào của một người trung bình khoảng 3-10 lần.

Trong một báo báo khác đăng tải năm 2013 trên tạp chí y khoa Anh New England Journal of Medicine, các nhà nghiên cứu đã mô tả một trường hợp bệnh hiếm gặp gọi là “nhiễm độc fluor ở xương”. Bệnh nhân là một phụ nữ uống mỗi ngày một bình trà pha từ 100 túi trà, suốt trong 17 năm.

Ở trường hợp bệnh nhân này, bệnh xương của bà có khả năng do sử dụng quá nhiều fluor, một loại khoáng chất có trong trà và nước uống.

Vương Linh (theo Livescience.com)

Nguồn: http://doisong.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/tu-van/suy-than-vi-uong-qua-nhieu-tra-da-3176619.html

9 thói quen tưởng tốt hóa ra có hại

Uống thuốc bổ, dùng xà phòng kháng khuẩn, nước súc miệng sát khuẩn… tiềm ẩn nhiều mối nguy hại cho sức khỏe của bạn.

1. Uống viên bổ sung dinh dưỡng

Theo Lolwot, nhiều nghiên cứu đã chứng minh, việc bổ sung một lượng lớn các chất bổ như vitamin B6, magiê và sắt làm tăng tỷ lệ tử vong ở phụ nữ lớn tuổi. Tự ý tăng cường vitamin E có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới.

2. Ngâm mình trong bồn nước nóng

Bồn tắm nước nóng có thể giúp bạn thư giãn rất hiệu quả, nhưng nó lại là nơi trú ngụ của vô số vi khuẩn, có thể dẫn đến tình trạng phát ban, tổn thương da.

3. Sử dụng nước súc miệng sát khuẩn

Một nghiên cứu công bố trên tạp chí Free Radical Biology Medicine cho thấy việc sử dụng nước súc miệng sát khuẩn hai lần một ngày có thể làm huyết áp tăng đến 3,5 mm Hg, gia tăng nguy cơ đau tim.

4. Tập thể dục ở phòng gym

Một số cuộc khảo sát cho thấy các phòng tập thể dục có lượng bụi, formaldehyde và carbon dioxide trong không khí khá cao. Khi đạt đến một nồng độ nhất định, những chất này có thể gây bệnh hen suyễn và các vấn đề về hô hấp. Nồng độ cao carbon dioxide được chứng minh là gây ra sự mệt mỏi thể chất và làm hạn chế khả năng nhận thức.

5. Luôn chọn thực phẩm ít chất béo

Ăn những thực phẩm ít chất béo có thể giúp bạn giảm cân. Tuy nhiên, việc cắt giảm các axit béo omega-3 sẽ gây tổn hại cho sức khỏe. Các axit béo omega-3 được tìm thấy trong hạt lanh, quả óc chó và dầu cá, giúp giữ cho làn da săn chắc, hạn chế nếp nhăn. Ngoài ra, axit béo omega-3 cũng rất cần thiết cho sức khỏe tim mạch.

6. Uống sữa

Nhiều người cho rằng hấp thụ nhiều sữa có thể giúp ngăn ngừa gãy xương. Nhưng theo một nghiên cứu công bố trên Tạp chí Y học Anh cho, không có mối liên hệ nào giữa việc tiêu thụ sữa và nguy cơ gãy xương. Kết quả nghiên cứu cho thấy những người uống nhiều sữa có khả năng chết sớm hơn so với những người uống ít hoặc không uống sữa.

7. Vận động mạnh vào buổi sáng

Việc tập luyện thường xuyên rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, đôi lúc việc dậy sớm tập thể dục không tốt như bạn nghĩ. Một nghiên cứu của Đại học Brunel đã phát hiện ra rằng việc tập luyện nặng nhọc vào buổi sáng làm tăng nguy cơ lây nhiễm virus và vi khuẩn ở các vận động viên.

8. Ăn chay

Chỉ ăn các loại thực phẩm chay làm tăng nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng. Những người ăn chay có khả năng mắc nhiều bệnh mãn tính hơn so với những người có chế độ ăn uống đầy đủ thịt, cá.

9. Dùng xà phòng kháng khuẩn

Xà phòng kháng khuẩn có thể làm phát sinh các vi khuẩn kháng thuốc. Hơn nữa, nó cũng không mang lại hiệu quả làm sạch cao hơn so với việc tắm rửa bằng xà phòng thông thường và nước sạch.

Thanh Hiền (VNexpress.net) Nguồn: http://doisong.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/tu-van/9-thoi-quen-tuong-tot-hoa-ra-co-hai-3218477.html

5 SAI LẦM TRONG ĂN UỐNG LÀM BẠN MAU GIÀ

Có thể bạn không biết nhưng chính những thói quen ăn uống của bạn lại gây hại cho sức khỏe và thậm chí còn khiến bạn nhanh già hơn.

 

1. Bỏ bữa sáng 
Bữa sáng là bữa quan trọng nhất trong ngày. Cơ thể sau khi ngủ dậy để sẵn sàng chào đón một ngày làm việc học tập, cần nạp đủ dinh dưỡng để ứng phó với sự tiêu hao năng lượng của cả ngày.
Theo phân tích của các chuyên gia, bữa sáng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp năng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể con người trong suốt cả ngày. Nếu bạn không ăn sáng, cơ thể con người tiêu thụ glycogen và protein được lưu trữ trong cơ thể. Thời gian trôi qua, nó sẽ gây khô da, hình thành nếp nhăn và thiếu máu, đẩy nhanh quá trình lão hóa của con người. Thậm chí, nghiêm trọng hơn nó còn có thể gây ra thiếu hụt dinh dưỡng.
2. Ăn quá no 
Ăn quá no vô cùng gây hại cho sức khỏe, nó dẫn tới các bệnh về đường tiêu hóa, rắc rối trong trao đổi chất, hơn nữa còn đẩy nhanh tốc độ lão hóa, khiến buồng trứng suy thoái sớm. Các chuyên gia chỉ ra rằng, ăn quá no trong thời gian dài khiến thức ăn trong dạ dày không kịp tiêu hóa và bị vi khuẩn phân hủy thành độc tố. Những độc tố này sau sẽ gây hại cho hệ thần kinh trung ương, dẫn đến tư duy chậm chạp, IQ và EQ đều giảm sút.
Ngoài ra, việc ăn uống có ít calo, giàu protein chất lượng cao, ít đường, ít chất béo có thể kích thích giải phóng hormone tăng trưởng và tăng cường các chức năng cơ thể, khích lệ tinh thần. Ăn hơi đói một chút sẽ có lợi hơn việc ăn no, nó giúp làm chậm sự lão hóa.
3. Ăn kiêng quá mức
Ăn kiêng quá mức cũng đẩy nhanh quá trình lão hóa. Do các chị em ăn kiêng quá mức, sức khỏe của họ cũng có thể bị đe dọa nghiêm trọng. Việc bổ sung protein và chất béo không có thể được cung cấp đầy đủ, có thể làm tổn thương tóc.
Thậm chí có thể được gây ra rụng tóc vì thiếu chất dinh dưỡng thiết yếu như sắt. Quá trình tạo ra estrogen trong cơ thể nữ với trọng lượng nhẹ sẽ thiếu. Tiếp theo, sự tích hợp của canxi và xương sẽ bị ảnh hưởng gây ra loãng xương, nhanh già.

4. Thích các món chiên xào
Rất nhiều người thích ăn các món chiên xào nhiều dầu mỡ mà không biết rằng, sau khi ăn đồ chiên xào, chất dinh dưỡng sẽ bị phá hủy, còn sinh ra chất gây ung thư. Hơn nữa lượng calo trong thức ăn chiên xào khá cao, chất béo khó tiêu hóa không thích hợp ăn trong thời gian dài.
Ngoài ra, chất béo còn biến thành peroxy lipid trong cơ thể, hình thành cácgốc tự do, chỉ có thể nạp calo. Do đó bạn nên hạn chế tần suất và số lượng ăn đồ chiên rán. Đặc biệt là đối với phụ nữ, ăn đồ chiên rán quá lâu, các chất độc trong cơ thể sẽ gia tăng, lão hóa sẽ đẩy nhanh hơn.

5. Ăn uống nghèo chất dinh dưỡng
Muốn làm chậm tốc độ lão hóa nên chú ý tới dinh dưỡng trong chế độ ăn uống, duy trì sự cân bằng dinh dưỡng. Theo các chuyên gia, mỗi ngày tối thiểu phải ăn 14 loại thực phẩm mới đạt được chế độ ăn uống cân bằng. Chẳng hạn như khoáng chất và các nguyên tố vi lượng, số lượng lên tới mấy chục loại, phân bổ rất rộng.
Thức ăn hàng ngày giống nhau không chỉ ảnh hưởng tới vị giác, giảm cảm giác thèm ăn mà còn gây mất cân bằng thành phần dinh dưỡng, thậm chí còn suy dinh dưỡng, ẩn giấu nhiều mầm mống bệnh.

SAI LẦM NGUY HIỂM NHIỀU NGƯỜI MẮC KHI DÙNG MÀNG BỌC THỰC PHẨM

Từ khi có màng bọc thực phẩm, việc bảo quản thức ăn của người nội trợ trở nên dễ dàng hơn nhiều, nhưng không phải lúc nào người ta cũng dùng loại màng này đúng cách. Nhất là trong những trường hợp sau.
Màng bọc thực phẩm giúp chúng ta bảo quản thực phẩm sạch sẽ, lại rất tiện dụng. Tuy nhiên, không phải loại nào cũng nên sử dụng màng bọc để bảo quản.

Dùng bảo quản thịt và đồ ăn thừa

Những thực phẩm đã qua chế biến, có chứa hàm lượng mỡ, nhiều gia vị khi tiếp xúc với màng bảo quản thực phẩm sẽ khiến những thành phần hóa học từ màng bọc thẩm thấu vào thức ăn, tạo ra các phản ứng hóa học gây hại cho sức khỏe của bạn.

 Không nên sử dụng màng bọc để bảo quản thịt luộc

Dùng bảo quản cà rốt, dưa chuột, đậu đũa

Một nghiên cứu chỉ ra rằng nếu dùng màng bọc thực phẩm để bọc các loại củ, quả như cà rốt, dưa chuột, đậu đũa sẽ khiến hàm lượng vitamin C bị giảm lớn.

Sau 1 ngày sử dụng màng bọc để bảo quản 100g cà rốt thì hàm lượng vitamin C mất đi là 3,4mg, đậu đũa giảm 3,8mg, dưa chuột giảm xuống tương đương với 5 quả táo tàu.

Hâm nóng thức ăn khi còn màng bọc

Hâm nóng thức ăn khi còn màng bọc thực phẩm là thói quen của hầu hết những người sử dụng lò vi sóng.

Đây là một sai lầm tai hại. Bởi màng bọc thực phẩm có thể chứa các chất hóa học như Phthalates và DEHA khi gặp nhiệt độ cao sẽ khiến chúng tan chảy và biến thành chất gây ung thư vô cùng nguy hiểm.

Điều này khuyến cáo với những hộp thức ăn bằng nhựa không đảm bảo chất lượng, không chịu được nhiệt cao trong lò vi sóng.

Sử dụng màng bọc thực phẩm thế nào cho đúng?

Để hạn chế những tác hại không đáng có mà màng bọc thực phẩm có thể mang lại cho sức khỏe, hãy chú ý đến cách lựa chọn và sử dụng dưới đây:

– Lựa chọn những thương hiệu có uy tín, đảm bảo chất lượng, không nên ham rẻ.

– Nên chọn màng PE vì nó chứa ít chất phụ gia gây hại.

– Khi bảo quản đồ ăn cần bọc cách thực phẩm ít nhất là 2,5 cm.

– Không dùng cho thực phẩm chin, nhiều dầu mỡ, các thực phẩm có hàm lượng vitamin C cao.

– Lựa chọn màng bọc PE cho thức ăn đã chế biến, PVC cho đồ ăn sống, chưa qua chế biến, không dung màng nhôm để bảo quản thực phẩm chứa nhiều axit.

– Bỏ màng bọc ra khi hâm nóng.

– Bảo quản màng bọc ở nhiệt độ phòng. Không dùng những màng bọc đã bị mốc, rúm, để quá lâu.

Cách nhận biết màng PE và PVC

Màng PE: Trắng, trong suốt, ít dính tay, dai, dễ bóc tách. Dễ cháy, lửa đều màu, không tắt, không có mùi hôi.

Màng PVC: Màu trắng hay vàng ngà, trong suốt, hay dính tay, khó bóc tách. Khó cháy, chỉ cháy khi có lửa đốt, mùi hôi.

Theo Tri thức trẻ

7 cách đơn giản để phòng ngừa ung thư

Thay khoai tây chiên bằng cà rốt, tăng cường làm việc nhà, bỏ thói quen ăn bánh mì trắng… giúp giảm nguy cơ ung thư.

Nhiều người phải nhận chẩn đoán mắc ung thư vào một thời điểm nào đó trong đời. Điều này một phần do tuổi thọ tăng cao, một phần ảnh hưởng từ béo phì, hút thuốc lá. 1/3  trường hợp ung thư có thể ngăn chặn thông qua chế độ ăn uống lành mạnh, vận động hợp lý và duy trì trọng lượng lý tưởng.

Hướng dẫn mới của Quỹ nghiên cứu ung thư thế giới đã đưa ra những khuyến nghị nhằm góp phần ngăn ngừa nguy cơ ung thư.

1. Làm việc nhà

Ảnh minh họa: Ivillage.

Hoạt động thể chất, ngay cả những việc đơn giản như lau nhà có thể làm giảm nguy cơ ung thư, đặc biệt là ung thư ruột và vú. Các nghiên cứu chỉ ra rằng hoạt động thường xuyên có thể giúp hàm lượng hormone khỏe mạnh trong cơ thể duy trì ở mức lý tưởng.

2. Nhai cà rốt

Chỉ cần ăn vượt quá nhu cầu hơn 100 calo mỗi ngày có thể dẫn đến tăng 5 kg một năm. Thừa cân, béo phì là nguyên nhân góp phần dẫn đến 10 loại ung thư bao gồm đường ruột, vú và gan.

Bạn không nhất thiết phải từ bỏ các bữa ăn nhẹ, chỉ cần thay thế chúng bằng những thực phẩm ít calorie. Chẳng hạn nên thay khoai tây chiên bằng các loại rau như cà rốt. Nếu không thể từ bỏ thói quen ăn ngọt, hãy thay thế bằng một thanh chocolate nhỏ dưới 100 calo.

3. Bỏ thói quen ăn bánh mì trắng

Nên thay thế bánh mì trắng, mì ống bằng ngũ cốc nguyên hạt để tăng lượng chất xơ. Ảnh: Newsrt.

Nên thay thế bánh mì trắng, mì ống bằng ngũ cốc nguyên hạt để tăng lượng chất xơ. Một lát bánh mì làm từ bột nguyên chất chứa 2,5 g chất xơ, trong khi bánh mì trắng chỉ chứa 1 g.

Chất xơ giúp no lâu, dễ dàng duy trì trọng lượng khỏe mạnh và giảm nguy cơ ung thư liên quan đến thừa cân, béo phì. Nó cũng giúp quá trình tiêu hóa thuận lợi, hạn chế nguy cơ ung thư đường ruột.

4. Giảm muối

Ăn quá nhiều muối không chỉ làm tăng huyết áp mà còn tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Theo các nhà khoa học, lý do là muối có thể gây hại niêm mạc dạ dày. Nên sử dụng các loại gia vị, rau thơm, tỏi, chanh, hạt tiêu đen, gừng… để tăng hương vị món ăn mà không cần phải dựa vào muối.

5. Ăn chay mỗi tuần một ngày

Nhiều bằng chứng khoa học cho thấy ăn nhiều thịt đỏ làm tăng nguy cơ ung thư ruột. Cách chế biến thịt như xông khói, dăm bông có nhiều ảnh hưởng sức khỏe. Chất gây ung thư có thể được hình thành trong quá trình bảo quản thịt bằng hóa chất, phơi hay muối.

Lựa chọn chế độ ăn không có thịt một ngày mỗi tuần hoặc thêm cá vào thực đơn mang đến nhiều lợi ích sức khỏe.

Nên duy trì ăn chay mỗi tuần một ngày. Ảnh: Newsrt.

6. Đi lại trong khi nói chuyện trên điện thoại

Chỉ cần 30 phút hoạt động thể lực mỗi ngày thực sự có thể giúp giảm nguy cơ ung thư. Hãy đảm bảo đủ thời gian hoạt động hàng ngày bằng cách tranh thủ việc nhỏ như đi bộ trong khi chat trên điện thoại, sử dụng thang bộ thay cho thang máy, hoặc đỗ xe xa hơn một chút…

7. Đi bộ vào buổi tối

Bớt thời gian cho các hoạt động tĩnh như xem tivi, đọc sách vào buổi tối để có nhiều thời gian ra ngoài đi bộ, giúp hạn chế đáng kể nguy cơ ung thư.

Lê Phương (Theo Newsrt) – Nguồn: http://doisong.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/tu-van/7-cach-don-gian-de-phong-ngua-ung-thu-3210641.html

Những thực phẩm trở thành độc dược nếu ăn vào buổi tối

Thỉnh thoảng bạn “lên cơn” thèm ăn vào buổi tối, và ăn ngay…nhưng sau đó, cơ thể trở nên khó chịu, mệt mỏi, ảnh hưởng đến giấc ngủ và thậm chí đến cả ngày hôm sau. Lúc đó, có thể là do bạn đã sử dụng phải những nhóm thực phẩm sau đây.

Caffein

Caffein là tác nhân gây mất ngủ hàng đầu

Đương nhiên rồi, đây là tác nhân gây mất ngủ hàng đầu. Nếu như uống cà phê buổi sáng giúp bạn minh mẫn và sảng khoái trong công việc thì ban đêm, cà phê là một loại độc dược. Vì uống cà phê nhiều vào buổi tối hoặc đêm khuya có thể làm tăng nguy cơ các bệnh như: tăng huyết áp, mất ngủ, làm răng ố vàng, tăng cholesterol và gây hại cho dạ dày.

Thức ăn nhanh

Thức ăn nhanh là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến béo phì.

Thức ăn nhanh, thức ăn chứa nhiều dầu mỡ hay bơ đều làm bạn ậm ạch vì nó làm cho dạ dày của bạn làm việc quá sức để tiêu hóa. Hơn nữa, những thực phẩm này là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến béo phì. Nếu bạn đang giảm béo hay muốn giữ cơ thể cân đối thì hãy tránh xa nó nhé!

Thức ăn nhiều đường

Bạn đói và chỉ cần một vài viên kẹo nhỏ hay một lát bánh kem trong tủ lạnh có thể làm bạn dịu đi cơn đói nhanh chóng. Nhưng đừng mở tủ ra, những thực phẩm này sẽ làm lượng đường trong máu tăng cao, gây thừa năng lượng và dẫn đến mất ngủ.

Đồ ăn cay nóng

Ớt, hạt tiêu…sẽ làm thức ăn ngon hơn, vừa miệng hơn, nhưng đừng lạm dụng nó quá bởi đó là tác nhân hàng đầu gây đau dạ dày, khiến bạn mất ngủ và dễ dàng tăng cân.

Đồ ăn lạnh

Đừng ăn kem trước khi bạn đi ngủ vì nó sẽ làm bạn không muốn ngủ nữa.

Một cốc kem lạnh sẽ giúp bạn tỉnh táo hơn, vậy thì làm sao có thể đi ngủ. Đừng ăn kem trước khi bạn đi ngủ vì nó sẽ làm bạn không muốn ngủ nữa. Ngoài ra, chất ngọt nhân tạo làm tăng lượng calo làm cơ thể bạn không thể tiêu hao hết được. Đây chính là nguyên nhân khiến bạn béo lên.

Có rất nhiều đồ ăn tốt buổi sáng nhưng lại có hại vào ban đêm. Hãy lưu ý để bạn có một giấc  ngủ ngon và vóc dáng đẹp./.

Hải Yến (Sức khỏe cộng đồng)

VÌ SAO ĂN VÀI TRÁI ỔI TRONG MÙA SẼ KHÔNG CẦN GẶP BÁC SĨ CẢ NĂM?

Ổi là loại trái cây nhiệt đới rất thông dụng ở nước ta. Ngoài vị ngon, giòn đặc trưng rất hấp dẫn, ổi còn có tác dụng rất tốt cho cơ thể.

Người Ấn Độ có câu: “Vài trái ổi trong mùa sẽ không cần gặp bác sĩ cả năm”. Hãy cùng khám phá những điều kỳ diệu trong loại quả này!

Ổi là loại cây rất quen thuộc trong đời sống người dân nước ta, đặc biệt ở các vùng nông thôn. Thực ra cây ổi có nguồn gốc từ miền nhiệt đới châu Mỹ, sau được trồng phổ biến ở khắp các miền nhiệt đới châu Á và châu Phi.

Ở ta, ổi mọc hoang tại nhiều vùng rừng núi hoặc được trồng trong vườn, quanh nhà để lấy quả ăn. Ngoài ra các bộ phận của cây ổi như búp non, lá non, vỏ rễ và vỏ thân còn được dùng làm thuốc.

Trái ổi là một loại quả bổ dưỡng, là nguồn cung cấp sinh tố A và C, đa số sinh tố tập trung ở phần thịt, lớp vỏ mỏng bên ngoài quả. Ổi được thể ăn sống, chế thành kem hoặc nước giải khát. Ổi là nguồn vitamin C làm lành da tuyệt vời nhất.

Bên cạnh đó, quả ổi cũng có rất nhiều tác dụng trong ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị một số bệnh hiệu quả!

Ngừa cao huyết áp

Những nghiên cứu y học cho thấy nếu cơ thể chúng ta tiêu thụ những loại thực phẩm không có chất xơ thì dễ bị “dính” chứng cao huyết áp, thực phẩm được tiêu thụ sẽ mau chóng chuyển thành đường.

Do ổi có nhiều chất xơ, có chỉ số đường huyết (glycemic index) thấp nên cũng có tác dụng hạ huyết áp.

Quả ổi giúp làm giảm cholesterol trong máu, ngăn ngừa quá trình làm máu trở nên đặc, vì vậy làm tăng tính linh động của máu, giúp máu thoát khỏi họa “kẹt xe” và lưu thông trong cơ thể một cách dễ dàng hơn.

Ngăn ngừa ung thư

Các nghiên cứu y học đã cho thấy rằng thành phần chiết xuất từ lá ổi có thể giúp ngăn ngừa bệnh ung thư. Hơn nữa, ruột quả ổi cũng chứa chất lypocene cao, tác dụng chống ung thư. Đặc biệt folate trong ổi cũng giúp ngăn ngừa ung thư dạ dày.

Ngăn ngừa bệnh tim

Trong ổi đặc biệt là ổi đào có lượng lycopen nhiều hơn cà chua 26%, có thể giảm bớt nguy cơ bệnh tim.

Ngăn ngừa vi trùng

Trong quả ổi có chứa hàm lượng lớn chất chống oxy hóa, chất chống độc tố như Vitamin C, Vitamin E, iso- flavanoids, carotenoid, polyphenol…

Những dưỡng chất này sẽ giúp cơ thể chống lại vi trùng, vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể, đồng thời giúp mẹ bầu tránh xa bệnh tật.

Ngừa béo phì

Ổi chứa ít chất béo nên ăn ổi có thể giảm béo, giúp cơ thể thon gọn hơn.

Đặc biệt trong trái ổi ruột đỏ (ổi đào) còn có chất lycopen nhiều hơn trong cà chua không chỉ có tác dụng chống những bệnh liên quan tới béo phì mà còn những bệnh khác như bênh tiểu đường cấp 1, giảm bớt nguy cơ bệnh tim mạch.

Ngừa bệnh tiểu đường

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Ấn Độ, lá và quả ổi có khả năng giảm thiểu lượng đường gluco trong máu. Tuy nhiên, nếu ăn cả vỏ ổi sẽ không tốt cho lượng đường trong máu của bạn. Cách tốt nhất khi ăn ổi để điều trị bệnh tiểu đường là gọt bỏ vỏ.

Ngừa cảm lạnh

Một ly nước ép ổi tươi có thể giúp bạn giảm các triệu chứng cảm lạnh như giảm ho, tẩy đàm, thông đường hô hấp do trong ổi chứa nguồn vitamin C cao, các chất chống oxy hóa và điện giải…

Trị ho

Nước ép trái ổi hoặc nước sắc lá ổi rất có lợi trong việc làm giảm ho, trị cảm, đồng thời có tác dụng “dọn dẹp” hệ hô hấp. Thịt quả ổi chứa rất nhiều vitamin và sắt, nhờ đó có tác dụng ngăn ngừa bệnh cảm và các trường hợp bị nhiễm siêu vi.

Món ăn từ trái ổi

Ổi ướp lạnh: Giúp giải nhiệt khi thời tiết nắng nóng

– Lấy phần nạc của ổi, xắt nhỏ và xay nhuyễn.

– Cho nước chanh tươi, rượu vodka và đường xay thêm cho đều.

– Cho hỗn hợp vào tủ lạnh trong khoảng 45-60 phút. Ngoài ra, có thể cho hỗn hợp vào tủ làm đông để ăn như kem thông thường.

Ổi trộn: Giúp giảm cân và bồi dưỡng thể lực

– Gọt vỏ ổi, chỉ lấy phần nạc và xắt thành từng lát vừa ăn, cam gọt vỏ xắt từng lát mỏng, chuối xắt khoanh tròn sau đó trộn đều ba loại với nhau.

– Rưới nước chanh tươi vào hỗn hợp, trộn đều.

– Trước khi ăn, rưới thêm mật ong.

– Bạn có thể cho vào tủ lạnh khoảng một giờ trước khi dùng.

Nước ép ổi: Tăng cường sức khoẻ

– Ổi bỏ vỏ, moi bỏ hạt, ép lấy nước, cho thêm ít muối và đường.

– Ngon hơn khi uống lạnh.

theo Khỏe & Đẹp

CÁCH SỬ DỤNG MÌ ĂN LIỀN ĐÚNG ĐỂ KHÔNG HẠI SỨC KHỎE

 

Mì gói (mì tôm) là loại thức ăn nhanh phổ biến vào bậc nhất ở nước ta. Ưu điển của mì gói là rẻ tiền, ngon miệng, dễ ăn, dễ làm và nhanh chóng, nhưng bên cạnh đó, ăn mì tôm lâu dài cũng là cách làm hại sức khỏe nhanh chóng. Để đảm bảo tô mì ăn liền vẫn ngon lành nhưng hạn chế được tác hại đến mức tối thiểu, ta cần phải nấu mì đúng cách.

Bài viết sau đây sẽ liệt kê một số tác hại của mì gói đã được các nhà nghiên cứu công bố. Sau đó sẽ hướng dẫn bạn cách nấu mì đảm bảo an toàn cho cơ thể.

Vì sao mì gói gây hại? 

Mì gói thường được chiên qua dầu chứ không hề sử dụng “chất bảo quản” để bảo quản. Tuy nhiên, trong dầu lại có chất chống lên men thực phẩm (BHT) – loại chất có thể dẫn làm suy giảm chức năng sinh sản, gây bệnh gan và nhiễm sắc thể dị thường.
Gói gia vị mì: Ăn nhiều sẽ làm ảnh hưởng không tốt đến gan, làm cơ thể bị giữ nước và tăng huyết áp bởi chúng chứa chất chống oxy hóa và hàm lượng cao muối Natri.
Chất liệu làm bát, cốc: nếu sử dụng 0,001 mg chất Polystyrene một ngày có thể gây nguy hiểm cho cơ thể. Tuy nhiên, nhà sản xuất nhằm tránh tình trạng bị biến hình khi gặp nước nóng nên có thể đã sử dụng tới 0.015 mg chất này

Ăn mì lâu dài làm tăng nguy cơ ung thư, tim mạch

Nghiên cứu chứng minh, việc dung nạp lượng chất xơ và canxi phù hợp sẽ giúp phòng chống ung thư trực tràng. Mì tôm được tạo ra từ bột mì tinh, bản thân mỳ tôm ít chất xơ, trong quá trình chế biến còn mất đi chất xơ và khoáng chất.

Nếu ăn mì tôm trong thời gian dài, cơ thể do thiếu vitamin và canxi nên dễ bị ung thư trực tràng. Ăn nhiều mì tôm cũng làm cho bệnh táo bón thêm trầm trọng, phân lưu lại thời gian dài trong đại tràng, cũng là một yếu tố dẫn đến ung thư trực tràng.
Ngoài ra, thường xuyên dùng mì ăn liền, bạn có nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch như cao huyết áp, xơ vữa động mạch, đột quỵ cao hơn bình thường. Nguyên nhân nằm ở thành phần chất béo có trong hầu hết các loại mì ăn liền. Loại chất béo này là transfat và chất béo bão hòa, chúng vô cùng có hại cho sức khỏe, đặc biệt đối với những người cao tuổi hay người có tiền sử bệnh tim mạch.
  • Cách nấu mì thông dụng: không hề an toàn 

Thường thì mì tôm là món ăn được ưa chuộng của những người bận rộn. Chính vì thế, “tác phong” nấu mì cũng rất nhanh chóng. Chúng ta thường cho mì vào nước sôi, cho đầy đủ gia vị vào nồi rồi đun khoảng 3 phút là đem ra ăn. Hoặc khi bận hơn, chúng ta chỉ cho mì vào bát hoặc để mì trong cốc mỹ sẵn, rồi cho đầy đủ gia vị, đổ nước sôi, đậy nắp chờ trong khoảng 3 -5 phút là ăn.

Đây là cách làm không đúng bởi nó gây hại cho sức khỏe của bạn. Bạn có biết sợi mì ăn liền cần mất 4 -5 ngày mới tiêu hóa hết được vì nó được phủ bởi một lớp sáp. Hơn nữa, bột ngọt trong gia vị mì sẽ bị biến dạng thành chất độc khi bị đun sôi.

Các bước để chế biến mì an toàn, khoa học
  • – Bước 1: Đun sôi nước cùng mì tôm. Bước này là bước bạn trần qua mì tôm, để lọc chất xám cũng như lớp dầu chiên mì. Bạn hãy, đợi khi các sợi mì rời nhau và chín đều thì bạn hãy đổ bỏ nước sôi và trút mì ra bát.
  • – Bước 2: Tiếp tục đun sôi một nồi nước mới rồi đổ phần mì vừa gắp ra bát vào lại nồi nước. Nhanh tay tắt bếp để mì không bị nát. Sau đó, bạn cho gói gia vị mì vào. Còn nếu muốn ăn mì khô, bạn có thể bỏ nước mì đi và trộn mì với các gói gia vị như bình thường.
  • – Bước 3: Nếu muốn ăn thêm trứng gà hoặc thịt, cá, tôm, rau xanh… thì bạn hãy chế biến chúng riêng rồi thêm vào mì.

Trên đây là cách chế biến mì ăn liền đúng cách không hại cho sức khỏe vừa ngon, vừa không gây hại cho cơ thể. Bây giờ các bạn có thể yên tâm khi ăn mì thường xuyên rồi.

N.Vy (Tổng hợp)