RỦ NHAU VỀ MIỀN TÂY ĂN MÓN NƯỚNG

Về miền sông ăn cá nướng thơm ngày mưa” (nhạc Phạm Duy)

Ẩm thực miền tây vẫn còn mang đậm nét sơ khai, dân dã của những người đi mở cõi, và đây cũng là nét hấp dẫn du khách đến thăm vùng đất này từ bao lâu nay. Mùa mưa, mùa nước nổi, cũng là mùa miền tây có nhiều món ngon, nhất là những món nướng…

Cá lóc nướng trui
Cá lóc nướng trui là món ăn được người nông dân Nam bộ chế biến nên sau những buổi làm đồng. Cá bắt lên chỉ cần rửa sạch, um rơm nướng chín là có thể cùng nhau thưởng thức ngay giữa cánh đồng rộng gió.Từ món ăn đơn giản đó, cá lóc nướng trui nhanh chóng trở thành một đặc sản mà du khách khi đến Nam bộ đều muốn được một lần thưởng thức. Theo người dân Nam bộ, món ăn muốn ngon thì cá lóc nhất thiết phải là loại sống trong môi trường tự nhiên.Chế biến cá lóc nướng trui không hề khó nhưng nó cũng đòi hỏi sự khéo tay cũng như kinh nghiệm của người làm bếp. Cá nướng chín được bày ra trên lá chuối, cạo bỏ phần vảy cháy đen bên ngoài để lộ ra phần da chín vàng ươm thơm nức đầy hấp dẫn. Món ăn này phải thưởng thức với một rổ rau sống tươi ngon.
Rắn bông súng nướng mọi
Rắn bông súng là một loại rắn lành, thường sống ở đầm, lung, ao, hồ, ruộng ngập nước. Rắn bông súng nướng mọi trên lửa than hồng, khi mùi thơm phảng phất bay lên, da rắn phù ra rồi nứt bung là rắn đã chín tới. Để rắn trên lá chuối xanh, cầm lên bẻ thành khúc, chấm muối ớt ăn kèm với rau răm, diếp cá rất ngọt, rất hấp dẫn.
Gà nướng đất sét
Gà nướng đất sét là một trong những món nướng không thể thiếu khi người Tây Nam Bộ chiêu đãi khách phương xa khi họ tới nhà.
Gà nướng đất sét. Ảnh: Hanhtrangphuot
Với con gà được đắp đầy đất sét với bùn nhão bên ngoài, thui bằng rơm theo đúng cách chế biến nguyên bản của nó. Gà được thui tới khi đất sét khô nứt, bóc đất ra là sạch cả lông. Với cách chế biến này, các chất dinh dưỡng trong gà được giữ nguyên trong từng thớ thịt, có giá trị dinh dưỡng cao. Sự hòa hơp từ vị béo của mỡ gà, mùi thơm của rau cùng với vị mặn chua của miếu tiêu chanh, muối ớt cộng với mùi thơm thoang thoảng của rơm giúp người ăn cảm nhận được sự khác biệt của khẩu vị món ăn đồng quê.Hiện nay, trong các quán nướng, món này đã được thay đổi để thích hợp với không gian quán. Gà cũng được đắp đất sét nhưng bọc bên ngoài một lớp giấy bạc rồi nướng trên bếp than hồng nhưng cũng vẫn là một trong những món hút hồn từ người già cho đến trẻ nhỏ.
Ốc đồng nướng 
Ốc lác, ốc bươu ở Tràm Chim, Tam Nông rất chắc, cầm nặng tay. Sắp ốc lên vỉ nướng trên lửa than. Vỏ ốc rám khô, miệng ốc hở mi mí là ốc đã chín. Đợi ốc bớt nóng, người ta dùng tăm tre lể ốc chấm với nước mắm sả ớt bằm hoặc nước mắm chanh tỏi ớt.
Chuột nướng
Chuột lột da, bỏ đầu và bộ lòng, rửa sạch, để trong rổ chừng 10 phút cho ráo nước. Ướp chuột với nước mắm, tỏi đâm, tiêu giã dập, ít đường, chút bột ngọt, nếu có bột ngũ vị hương thì càng tốt. Sắp chuột lên vỉ nướng với lửa than hồng thật đượm. Khi thịt chuột ngả màu vàng nhạt, khô, cháy xem xém rìa là chuột đã chín. Sắp chuột ra dĩa, chấm thịt chuột với nước tương dầm tỏi, ớt. Đây là một món ăn ngon, dễ ăn, rất được nhiều người ưa thích.
Theo dantri.com.vn

UỐNG SỮA ĐẬU NÀNH TRONG ĐÊM ĐÀ LẠT

Đêm Đà Lạt uống sữa đậu nành, đó là những thứ gần như đã gắn liền với nhau trong tâm thức của người yêu thành phố ngàn hoa. Đêm Đà Lạt được thiên nhiên ban cho cái lạnh quanh năm suốt tháng, và từ đó, người Đà Lạt đã thêm vào cho đêm những dòng sữa nóng, thanh tao, ngọt ngào. 

Tất nhiên theo thời gian, Ðà Lạt bây giờ đã có nhiều thay đổi, chuyện thay đổi để tốt hơn hay xấu hơn còn tùy theo cách nhìn cá nhân. Nhưng có một thứ bình dị của Ðà Lạt đó là món sữa đậu nành, một thức uống bình dị tới mức không cần khen hay chê, không cần phải khoe hay giấu; một thứ tuy không được xếp hạng hay được trưng trên các phương tiện truyền thông nhưng chắc chắn nếu món sữa đậu nành mà vắng bóng hoặc không được ưa chuộng thì Ðà Lạt sẽ không còn là Ðà Lạt!

Sữa đậu nành Ðà Lạt có gì lạ?

Không ai cất công đi ngược thời gian để tìm lịch sử một thức uống bình thường như sữa đậu nành. Nhưng khí hậu và cảnh quan Ðà Lạt là cái nôi tạo cho món sữa đậu nành vị trí “xuất thân” khác biệt hẳn với mọi ly sữa đậu nành ở các vùng miền khác. Có người cho rằng sữa đậu nành Ðà Lạt được biết tới nhờ ăn theo “địa vị sang trọng” xứ cao nguyên, nhưng cũng có người cho biết sữa đậu nành là món quà quí, rất riêng mà văn minh của “thành phố Châu Âu nhiệt đới” này đã may mắn tìm thấy.

Mỗi du khách đến Ðà Lạt về đêm không thể không nhớ đến, không thể không rủ nhau đi uống sữa đậu nành. Và từ xưa Ðà Lạt hiểu được nhu cầu này nên những quầy, những quán, những gánh sữa đậu nành bày bán có khi nhiều hơn cả những điểm các mặt hàng khác.

Một bà có gánh sữa đậu nành nói. “Không chọn nghề này thì thôi chớ khi bán rồi thì dù ế hay đắt hàng cũng cứ chung thủy miết.” Thật khó có thể phân tích tại sao phải “chung thủy miết với sữa đậu nành.”

Trời lạnh cầm ly sữa nóng trao cho khách có khi cái cảm giác ấm bàn tay cũng khó bỏ, có khi hương sữa đậu nành bay đặc trong khí lạnh cũng là thứ mùi hương ngửi lâu đâm ghiền, có khi thích nhìn khách áp hai bàn tay vào ly để sưởi còn miệng thì hớp từng ngụm nhỏ như một đứa trẻà Nhiều người cho rằng nhu cầu uống sữa đậu nành của dân Ðà Lạt và của du khách, cùng với cung cách phục vụ ân cần của người bán sữa cũng đủ làm nên một nét văn hóa đặc sắc của Ðà Lạt.

Một nhà văn mê Ðà Lạt đến mức nếu trong tháng mà không có ít nhất một lần lên thăm là sẽ bị bệnh, ông này hùng hồn nói như bảo vệ tác phẩm trước hội đồng xét chọn, “Tôi không phản đối bắt chước Tàu uống trà, bắt chước Tây tạo phong cách cà phê nhưng cứ kiểu đó thì chúng ta có gì riêng nào, thí dụ chúng ta sẽ bổ sung sáng tạo thêm được gì vào cung cách Trà Ðạo của Nhật nào? Sao chúng ta không cùng nhau làm ra giá trị văn hóa sữa đậu nành. Không đùa đâu. Không chỉ vì sữa đậu nành gắn bó lâu đời với Ðà Lạt, mà xét về góc cạnh dinh dưỡng không thức uống nào có thể mang tính bổ dưỡng – văn minh hợp thời đại bằng sữa đậu nành.”

Ðêm Ðà Lạt, du khách có thể uống sữa đậu nành mọi lúc mọi nơi. Nếu thích uống sữa đậu nành gánh ở bờ Hồ Xuân Hương thì du khách sẽ được “khuyến mãi” thêm vài mẫu chuyện vui, buồn về đời tha hương cầu thực của dân nhập cư bán sữa đậu nành.

Ở phố đi bộ thì sữa đậu nành được bày bán trong mấy chiếc xe bán hàng bằng nhôm có treo đèn màu nên bàn ghế sáng choang, sữa đậu nành ở đây có “khuyết điểm” là giống mấy xe bán hủ tíu, bán bánh ướt ở Sài Gòn, để có một chỗ bán sữa đậu nành ở phố này nghe đâu người bán phải mua chỗ gần cả chục triệu đồng. Nhưng đích thị sữa đậu nành Ðà Lạt là ở những tiệm chỉ bán sữa đậu nành, có tiệm chỉ rộng vài mét vuông nhưng cũng đàng hoàng bày bán ở mặt tiền đường lớn hoặc hẻm nhỏ.

Ở phố Tăng Bạt Hổ có tiệm sữa đậu nành bán rất đắt hàng, vào những ngày cuối tuần du khách ngồi tràn ra chật một đoạn đường để uống sữa. Có du khách thích uống sữa đậu nành pha với sữa bò đặc, sữa đậu phộng, sữa đậu xanh hoặc thích ăn thêm vài cái bánh sừng trâu, bánh hạnh nhânà Nhưng đa số khách chỉ thích ngồi trên các ghế nhỏ, tay “ôm” ly sữa đậu nành rồi đưa lên chu miệng hớp từng ngụm sữa nóng. Có người sành sữa đậu nành cho biết là sữa ở tiệm trên phố Tăng Bạt Hổ ngon, rẻ nhưng không phải là ngon nhất Ðà Lạt. Theo họ sữa đậu nành trước đây ở chợ Âm Phủ, ở đầu dốc chợ Hòa Bình hay sữa đậu nành bà Lan mới là sữa ngon nhất… Ở phố Phan Ðình Phùng cũng có vài tiệm sữa thuộc loại ngon, nhưng nói chung sữa đậu nành ở Ðà Lạt chỗ nào bán cũng ngon, còn nếu muốn chỉ ra một tiệm một gánh, một xe bán sữa nào đó để gọi là “Ðệ nhất sữa đậu nành” thì có lẽ nên tổ chức bầu chọn, mà tại sao không bầu chọn ra sữa đậu nành Ðà Lạt số 1 giống như cách bầu chọn tổng thống nhỉ!

Một câu chuyện trong quán sữa đậu nành

Hôm chúng tôi đến Ðà Lạt trúng vào lúc có áp thấp nhiệt đới, bình thường mùa Thu Ðà Lạt luôn mưa dầm dề, gặp lúc biển duyên hải miền Trung động mưa lại càng thê thảm hơn. Chúng tôi ngồi co ro trong tiệm sữa đậu nành ở số 98 phố Phan Ðình Phùng, cùng co ro “ôm” ly sữa với chúng tôi có một cặp vợ chồng tuổi trung niên và một ông già còn quắc thước. Sữa nóng, thơm lừng, phố phường vắng ngắt, đó đúng là một cảnh buồn theo đúng phong cách Ðà Lạt.

Bỗng nhiên phía bàn của cặp vợ chồng tuổi trung niên có tiếng nói, người đàn ông quay sang hỏi chuyện ông già, “Bác chắc là dân ở đây?” Ông già đáp, “Tôi ở đây từ năm sáu mươi, lúc Ðà Lạt vẫn còn thấy cọp về.” Người đàn ông trung niên nói, “cháu trước đây cũng ở Ðà Lạt, năm sáu tám thì dời đi, mấy chục năm nay mới trở lại, nơi này bây giờ khác quá.” Ông già hỏi, “Trước đây anh làm gì, rồi đi đâu?” Người đàn ông nói, “Trước đây cháu là lính Biệt Ðộng Quân, sau năm sáu tám chuyển lên Pleiku, sau đó đi “học tập cải tạo”, khi về bận đi làm ăn, nay mới có dịp đi với bà xã thăm lại Ðà Lạt.”

Ông già hỏi, “Anh đi học tập bao lâu, trước đây cấp bậc gì?” Người đàn ông dè dặt nói, “Dạ chín năm, mà thôi đừng nói chuyện đó, nói làm gì hả bác.” Ông già vẫn cứ thản nhiên “Anh ngại không nói cấp bậc thì thôi, chớ tôi xưa cũng dạy ở trường sĩ quan Ðà Lạt.” Người đàn ông dè dặt hỏi, “Thế bác dạy gì?” Ông già nói “Dạy võ. Anh có quen ai từng học ở trường sĩ quan Ðà Lạt cứ hỏi Phạm Xuân Việt chắc có người còn nhớ.”

Người đàn ông không hỏi gì thêm. Ðược một lúc, người đàn ông lên tiếng gọi thêm sữa đậu nành, đây là ly sữa thứ ba của ông. Bà chủ quán đi vào hỏi ông già rằng ông có ăn bánh ngọt như mọi ngày không, rồi bất chợt bà quay sang nói với người đàn ông, “Nếu tôi không nhầm thì anh là Việt kiều, mấy ông mấy bà Việt kiều mỗi khi vào chỗ em là uống mỗi người hai ba ly sữa, có dùng gì thêm thì giúp cho quán em.”

Sữa đậu nành Ðà Lạt vẫn nóng thơm, như để an ủi người đàn ông trung niên, người không dám thừa nhận đầy đủ lịch sử bản thân và sưởi ấm thêm cho tính minh bạch của một ông già Ðà Lạt cố cựu.

Ðêm Ðà Lạt mù mưa, ai chui vào tiệm sữa đậu nành cũng thấy sướng. Và chúng tôi kể lại câu chuyện tình cờ được nghe ở trên cũng là cách chúng tôi muốn bày tỏ rằng, có khi vào một ngày nào đó, Ðà Lạt thiếu vắng ly sữa và những tiệm sữa đậu nành thì ngày đó sẽ không có sự kết nối lành lặn giữa một Ðà Lạt tuyệt đẹp trong ký ức và một Ðà Lạt có nhiều cái mới nhưng chưa có hồn.

Bài viết của Trần Tiến Dũng – Người Việt

NHỮNG MÓN ĂN SẼ KHIẾN BẠN PHẢI LUI TỚI ĐẮK LẮK NHIỀU LẦN

Đến với Dak Lak, du khách không chỉ hòa mình trong cuộc sống gần gũi với thiên nhiên, tìm hiểu nét văn hóa đậm bản sắc của các dân tộc nơi đây. Chuyến du lịch đến vùng đất đại ngàn còn là dịp để bạn khám phá những món ăn tuyệt vời mang đậm hương vị rừng núi.

Sau đây là danh sách một số món ăn có hương vị độc đáo, ngon lành sẽ khiến bạn phải lui tới vùng đất này thêm nhiều lần nữa.

1. Gà nướng sa lửa

Combo tuyệt vời cho món gà nướng này là cơm lam và muối sả

Gà nướng sa lửa là một trong những biến tấu của món gà nướng Bản Đôn. Nguyên liệu chính là những con gà ta chính hiệu cùng cách chế biến nướng trên lửa than. Khách cũng chấm gà với muối ớt hoặc muối sả. Tuy nhiên, gà nướng sa lửa dùng kẹp tre thay vỉ nướng. Bên cạnh đó, gà không được tẩm ướp hay trước khi nướng. Cách nướng này khiến thịt gà thơm hơn, chắc hơn và vẫn giữ nguyên vị ngọt của thịt.

2. Gỏi lá

Với sự hiện diện của hơn 40 loại lá rừng khác nhau, người ta gọi món ăn này là gỏi lá song nếu xét về cách thưởng thức là kẹp đủ các loại lá, bỏ vào đó thịt, tôm, da heo và các gia vị như tiêu nguyên hạt, muối hạt, ớt cay xanh… sau đó chấm với nước dùng, nói món ăn này thuộc họ cuốn chấm sẽ chính xác hơn.

 

Ngoài cái đặc biệt của việc hơn 40 loại lá cây tham gia vào món ăn, nước chấm của gỏi lá được làm từ hèm rượu, được khử qua dầu ăn, lẫn cùng trứng vịt thành loại nước chấm sền sệt. Món ăn có hương vị khá lạ.

3. Lẩu lá rừng

Gọi là lẩu song lẩu rau rừng giống món canh hơn, với 10 loại lá rừng được chọn lọc nấu cùng tôm khô hoặc thịt các loại.

Món “lẩu” lá rừng này được chế biến đầu tiên bởi những người dân tộc Ê đê khi phải đối diện với cuộc sống khó khăn. Để có thức ăn hàng ngày, họ đã vào rừng để hái những loại lá khác nhau về nấu canh. Trải qua thời gian, “lẩu” lá rừng đã trở thành món đặc sản của người dân tộc bản địa và du khách.

4. Thịt nai

Thịt nai tươi khác thịt bò ở chỗ ít gân, mỡ màu trắng ngà, mềm hơn cả thịt bê non. Nai được chế biến thành nhiều món như nai xào làn, nai nhúng giấm, nai lúc lắc, sườn nai rán, cháo bao tử…

Bạn có thể thưởng thức món thịt nai tại nhà hàng đặc sản tại trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột. Giá cả khá mềm và chất lượng ổn.

5. Rượu cây

Xét về cách ủ, lên men, rượu cây không khắc biệt với các loại rượu khác của Tây Nguyên. Điểm đặc biệt của loại rượu này là tên gọi xuất phát từ thói quen uống rượu dưới gốc cây cùng tập tục lang thang trong rừng sâu của người Bahnar, Xê Đăng, Jrai… trong tháng Ninh Nơng (tháng sau khi kết thúc mùa rẫy).

Dù không phải thật sự là loại rượu đặc sắc, song cái thú nhắm rượu cùng các món thịt rừng nướng nóng hôi hổi trong cái mát mẻ, hoang sơ tại một gốc cây nào đó trong rừng sâu sẽ mang đến cho bạn những trải nghiệm tuyệt vời.

Theo Huỳnh Hằng (Infonet)

HÌNH ẢNH XƯA VỀ ẨM THỰC SÀI GÒN [Phần 1: Giải khát]

Bạn có bao giờ tự hỏi cách đây tầm một thế kỉ, hoặc năm bảy chục năm, dân Sài Gòn có thói quen ăn uống như thế nào? Có những gì giống, những gì khác so với bây giờ? Hãy cùng xem lại những hình ảnh dưới đây nhé! 


Xe bán nước dạo thập niên 1940

Cô hàng nước nhỏ tuổi với nụ cười chất phác, ô kìa, phía sau có phải là Cầu Mống?


Nước ngọt Con Cọp lừng lẫy một thời, nay đã là dĩ vãng

Bia Lade Trái thơm từng rất được ưa chuộng. Gọi “Lade trái thơm” nhưng món bia này chẳng dính dáng gì tới trái thơm cả, chỉ vì hai dây hoa trên nhãn hiệu có hình giống …trái thơm, nên dân ta gọi vậy cho dễ nhận diện.

Bia 33, sau đó vài chục năm, nó mọc thêm số 3 trong tên gọi.


Nước ngọt Con Cọp, bia 33 hay bia La De (Larue) đều là sản phẩm của công ty BGI (viết tắt của Brasseries & Glacières De L’Indochine)

Một cửa hàng bán bia và nước ngọt các loại vào những năm 60. Chữ “Lave Larue” ở góc trái cũng là lý do vì sao bia Larue hay được gọi là bia “La De”


Nước ngọt Coca Cola thâm nhập thị trường Việt Nam vào đầu thập niên 1960


Phút nghỉ ngơi của anh bán nước


Nước cam không ga Bireley’s rất được nữ giới ưa chuộng

Xe nước mía, chẳng khác ngày nay là mấy


Một xe nước mía ép tay

Bà con ăn chè bên xe chè của người Hoa. Xe chè người Hoa làm cầu kỳ, nhiều họa tiết điển tích rất đẹp mắt.


Xe đẩy bán rau má, nước ngọt. Có thể thấy người bán đang chặt đá, kế bên là thanh gỗ để làm đá bào (dành cho món xi rô đá bào mà học sinh rất yêu thích)


Xe bán sinh tố trên đường Nguyễn Cư Trinh (quận 01)

Nước ngọt đóng bịch, bánh tổ, và cô gái có phong cách rất mô-đen sành điệu.

Xe bán nước giải khát và quán cà phê nhỏ xíu bên vỉa hè.

Tiếng đồn MÌ QUẢNG PHÚ CHIÊM…

Ít ai biết rằng “cái nôi” của mì Quảng là ở làng Phú Chiêm, xã Điện Phương (Điện Bàn – Quảng Nam), nơi mà tô mì vẫn giữ nguyên truyền thống, hương sắc dân dã, không lẫn vào đâu được.

Ngày nay, món mì Quảng theo chân các cư dân Quảng Nam – Đà Nẵng lan toả khắp vùng miền đất nước từ Nam chí Bắc. Nhưng ít ai biết rằng “cái nôi” của mì Quảng là ở làng Phú Chiêm, xã Điện Phương (Điện Bàn – Quảng Nam), nơi mà tô mì vẫn giữ nguyên truyền thống, “hương sắc” dân dã, không lẫn vào đâu được. Ai đã một lần ăn thì không thể nào quên.

Chúng tôi đến làng Phú Chiêm vào một ngày cuối tuần, khi nắng vàng trải dài trên ruộng đồng, nơi làng mạc của một miền quê nghèo miền Trung đầy nắng gió. Làng Phú Chiêm nép mình bên con đường nhựa nhỏ, vẫn những hàng cau, khóm chuối, bụi bờ.

Nồi nước nhưn hấp dẫn

Nơi đây, bạn có thể thấy được các bà, các chị với quang gánh quảy đi bán dạo món mì Quảng hoặc ngồi bán ở dưới gốc cây đa hay một quán cóc bên đường. Sau khi dạo một vòng quanh làng, chúng tôi vào “gánh mì” của bà Bà Ngô Thị Tài (78 tuổi) ở bên đường. Miệng đang ăn trầu, bà Tài vui vẻ đọc thơ: “Thương nhau múc chén chè xanh, làm tô mì Quảng để anh ăn cùng”.

Đọc xong, bà cho biết chỉ còn lại 3 tô mì cuối cùng thôi. Trong lúc dọn mì phục vụ, bà Tài tâm sự:

“Tôi theo nghề bán mì từ thời còn con gái, khoảng 60 năm rồi. Lúc bấy giờ, đôi chân còn mạnh khoẻ, tôi gánh mì đi bán tứ xứ: gần thì Điện Thắng, Điện Bàn, Vĩnh Điện xa thì đi ô tô đến Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ để bán.

Nhờ mì Quảng Phú Chiêm có sẵn thương hiệu, giá cả lại bình dân nên được khách hàng ưa chuộng. Hằng ngày, tôi thức dậy lúc 3 giờ sáng, chế biến đến 6 giờ là gánh đi bán, bán đến 10 giờ thì hết mì. Mỗi ngày bán khoảng 8 kg mì, lãi khoảng 70.000 đồng.

Ngày trước, chế biến món mì Quảng khá lâu, bây giờ máy móc, dịch vụ về tới nông thôn, nên mỗi làng có vài nhà chuyên tráng mì để cung ứng cho cả trăm gánh mì trong thôn. Đến rau sống, đậu phụng rang cũng do một người chuyên cung cấp. Chúng tôi chỉ lo nấu nồi nước nhưn cho đậm đà, thi vị mà thôi”.

Nhìn tô mì Phú Chiêm của bà khá đẹp mắt với màu đỏ của nhưn tôm, màu vàng của đậu phụng giã dập, màu nâu của bánh tráng nướng vàng, màu xanh non rau sống và ớt trái… Chúng tôi ăn hết 3 tô mì của bà, mà vẫn còn thòm thèm giữa khung cảnh làng quê. Giá rất đỗi bình dân: 12.000 đồng/tô.

Bà Tài cho biết bí quyết để có tô mì ngon thì khâu đầu tiên là sợi mì được làm từ gạo xay thật mịn và phải là gạo xiệc ngon từ những cánh đồng phù sa ven sông Thu Bồn, khi đúc mì mới có những lá mì mềm mướt, trắng nõn, dai dẻo.


Bà Tài đang giới thiệu mì Quảng Phú Chiêm truyền thống do bà chế biến.

Sau khi tráng một lớp dầu phộng đã khử củ nén cho thơm lên lá mì, gấp lại rồi xắt thành từng cọng như cọng phở; Nồi nước nhưn có thể được nấu bằng nhiều loại nguyên liệu khác nhau như thịt heo, bò, gà vịt, tôm, cá lóc, ếch, mỗi thứ nguyên liệu lại mang đến một hương vị riêng.

Nhưng theo những bậc sành ăn ở xứ Quảng thì nước nhưn mì Quảng truyền thống chỉ nấu với thịt heo (ba chỉ) và tôm. Đó là nét đặc trưng chỉ có làng Phú Chiêm vẫn trung thành với nồi nước nhưng đó; Rau sống ăn kèm với mì khá phong phú, thường là rau muống chẻ mỏng, búp chuối, thân cây chuối non xắt mỏng, các loại rau thơm.

Ăn mì Quảng không thể thiếu ớt xanh, loại ớt sừng trâu phải cắn từng miếng ớt giòn tan, thơm nồng cay đáo để, còn nếu muốn ngon hơn thì phải kèm theo bánh tráng nướng vàng ươm. Bánh tráng được tráng từ bột gạo xay mịn. trộn thêm mè, tỏi, nước mắm, bột ngọt, khi nướng lên thơm lừng hương đồng cỏ nội.

Mì quảng là món có thể ăn bất cứ chỗ nào, lúc nào. Đất Quảng Nam, trong những dịp lễ lạt, cưới hỏi, tang tế, việc làng, tộc họ, đãi thợ thầy, ăn nửa buổi ngoài đồng bao giờ cũng có mì Quảng. Khách đến lúc nào dọn ăn cũng được, không đòi hỏi phải nóng sốt như phở, bún bò.

mi-quang-phu-chiem2Mì Quảng “chính gốc” đã sẵn sàng cho thực khách thưởng thức.

Ăn mì Quảng phải ăn nhanh và càng đông người ăn càng ngon miệng, cách ăn ấy bộc lộ một phần cá tính của người Quảng Nam là bình dị, dân dã và có tính cộng đồng làng, xã rất cao.

Ngày nay, quanh khu vực làng Phú Chiêm như Thanh Chiêm, Triêm Nam, Đông Khương (xã Điện Phương) có gần 200 phụ nữ hằng ngày thức dậy từ 1 giờ khuya để chế biến mì Quảng đến 3giờ sáng, sau đó lên Quốc lộ 1A đón xe ra Đà Nẵng, xuống Hội An, vào Tam Kỳ để bán.

Khoảng 5g sáng là xe ra tới Đà Nẵng. Các bà, các chị lại tỏa xuống chuẩn bị thúng mủng, gióng mây. Họ quảy gánh trên vai, một đầu là thúng đựng sợi mì xắt sẵn, đầu kia là nồi nước nhưn đỏ lửa, tỏa khói và thơm nức, miệng cất tiếng rao lanh lảnh: “Ai “en” mì Quảng Phú Chiêm đây”. Tiếng rao trên đường phố nghe sao mà dân dã, thấm đậm tình quê, khiến những kẻ xa quê thấy cồn cào, nôn nao tất dạ.

Các bà, các chị cho biết: Những gánh mì Phú Chiêm thường chỉ bán mỗi buổi sáng. Hôm nào lời nhiều khoảng 70.000 đồng. Buổi sáng rong ruổi với gánh mì, buổi chiều những người phụ nữ lại trở về tảo tần với bao nhiêu công việc nhà cửa, ruộng đồng, heo quéo. Khuya đến các bà, các chị lại tất bật lo chuẩn bị gánh mì Quảng để ngày mai dậy sớm ra Đà Nẵng rong ruổi gánh đi bán.

Mì Quảng Phú Chiêm bây giờ đã theo chân những người con tha hương của huyện Điện Bàn (Quảng Nam) đến khắp các vùng miền của cả nước, nhiều nhất ở khu vực ngã tư Bảy Hiền (TP.HCM).

Theo Hòa Vang (Dân Việt)

 

Những quán bún đậu nổi tiếng Hà Thành


– Một món ăn dân dã nhưng không kém phần hấp dẫn đó chính là bún đậu mắm tôm Hà Nội. Nếu từng một lần được thưởng thức món ăn dậy mùi, đa sắc này, chắc hẳn bạn sẽ không thể nào quên.

Nếu đến các hàng bún đậu vỉa hè, nguyên liệu chính của món ăn này chỉ là bún, mắm tôm, đậu rán, rau thơm hoặc thêm vài lát chả giò. Cũng bởi thế nên giá cả phải chăng, khoảng 10-15.000 đồng/đĩa, thu hút sinh viên, người lao động thu nhập thấp.

Tuy nhiên, nếu là một người sành ăn, bạn có thể ghé vào các quán “sang chảnh” hơn chút đỉnh để thưởng thức bún đậu cùng các món ăn đi kèm như chả cốm, nem tai, chân giò luộc, lòng luộc, nem… Gọi là sang chảnh nhưng cũng chỉ thêm mấy chiếc ghế tựa lưng, ngồi trong nhà hay chỉ là ngõ hẻm mà không phải gánh hàng rao trên phố.

Cùng ghé thăm một số địa điểm bún đậu nức tiếng Hà thành để nhớ, để thương món ăn dân dã ấy.

1. Bún đậu mắm tôm Nghĩa Tân

Quán nằm ở 104 C3 khu Nghĩa Tân, Cầu Giấy với không gian đậm chất dân dã với những mẹt bún đầy ắp, dậy mùi thơm phức. Món bún đậu ở đây được bày cả ra một mẹt, với bún lá cùng mùi thơm của đậu rán giòn, xen lẫn tiếng lèo xèo rộn rã của chảo dầu nóng, cùng chả cốm chiên, thịt ba chỉ, chân giò sẽ khiến bất cứ thực khách nào cũng phải… nao lòng.

Mắm tôm ở đây được pha theo khẩu vị miền Bắc, đặc sệt, đánh lên thành bọt trắng thơm nức. Rau sống được rửa kỹ càng và diệt khuẩn bằng thiết bị ozon giúp người ăn yên tâm. Ngoài ra, thực khách còn có thể gọi thêm nhiều món ăn khác được treo ngay ngoài quán với giá cả dễ chịu từ 15.000 đồng.

Tới đây, bạn có thể gọi thêm một đĩa lòng luộc gồm đầy đủ lòng non, dạ dày, lưỡi và thịt chân giò hay chả cốm thơm nức. Ngoài ra thực khách còn có thể gọi đồ uống tự chế như nước râu ngô, nước chanh hoặc sữa ngô có giá từ 5000 đến 12.000 đồng.

2. Bún đậu đầu phố Phan Phù Tiên

Quán bún đậu mắm tôm đầu phố Phan Phù Tiên, Đống Đa có lẽ là một trong những quán bún đậu đông khách nhất ở Hà Nội. Quán chỉ bán buổi trưa và nếu khách ra tầm 12h thì có thể sẽ phải đứng chờ khá lâu. Thế nhưng quán vẫn luôn đông khách. Bởi chủ quán khôngbao giờ rán sẵn đậu, chỉ khi khách gọi mới rán, vì thế đĩa đậu mang ra luôn nóng, giòn, ráo mỡ, không còn cảm giác ngấy. Mắm tôm ở đây được đặt từ Thanh Hóa, rưới thêm chút mỡ nóng, thêm chanh tươi, ớt cắt lát mỏng, đánh bông lên, thơm nức.

Không chỉ có bún đậu đơn thuần, bún đậu đầu phố Phan Phù Tiên còn có thêm chả cốm, thịt chân giò và lưỡi luộc. Chả cốm cũng được rán giòn lên, nóng hổi mới đưa ra. Còn thịt chân giò và lưỡi luộc trái lại để nguội và thái ra thành từng miếng nhỏ vừa miệng.

Bún đậu mắm tôm ở đây dù không phải cao sang, cầu kỳ nhưng vẫn có sức hấp dẫn kỳ lạ. Dù là một quán vỉa hè nhưng bạn vẫn có thể bắt gặp tại đây nhiều “trai thanh, gái lịch” hay quý ông, quý bà sang trọng tới thưởng thức.

3. Bún đậu Việt, Hàng Khay

Điểm gây ấn tượng đầu tiên ở bún đậu Việt là không gian nhỏ hẹp và khách sành ăn phải thực sự… kiên nhẫn mới có thể chờ tới lượt thưởng thức món ăn dân dã mà thanh tao của Hà thành này.

Bún đậu sạch sẽ, được đặt trong cái mẹt xinh xinh có lót lá chuối có thể làm hài lòng bất cứ thực khách khó tính nào. Đi riêng mẹt nhỏ, còn đi đôi là mẹt to hơn. Nếu gọi suất đầy đủ, bạn sẽ được sắp đủ bún, đậu, thịt chân giò, ba chỉ, chả cốm, giò tai, dồi chiên, rau sống và cả kẹo cao su.

Xem clip các bạn trẻ Hà thành giới thiệu món bún đậu Hàng Khay nổi tiếng:

Dù khách có đông mấy nhưng bao giờ, đồ ăn ở đây cũng được “chăm sóc” cẩn thận. Giò tai, chả cốm luôn được chiên già, vàng rộm. Đậu được cắt thành từng miếng nhỏ rồi mới chiên, giòn tan tứ phía. Nhìn thế thôi cũng đủ làm khách thòm thèm, đã mắt.

Đậu rán ở bún đậu Việt được các thực khách sành ăn đánh giá là “ngon hiếm thấy” với hương vị bùi ngậy, giòn ngoài mềm trong. Mắm tôm cũng thơm phức, dậy mùi nên khách chỉ ăn không thôi cũng đủ xuýt xoa, thích thú.

Ngon, vất vả và không hề rẻ với giá 45.000 đồng một suất chưa kể gửi xe và công “chầu chực” nhưng bún đậu Việt, Hàng Khay vẫn được xem là “đệ nhất bún đậu” được dân Hà thành ưa thích.

4. Bún đậu lòng nướng Hoàng Cầu

Quán bún đậu nằm trong một ngõ nhỏ, nếu là khách vãng lai khó lòng tìm ra nhưng với dân công sở và dân sống quanh khu Hoàng Cầu thì hiếm người không biết đến.

Đến đây, chỉ cần ngó vào khu bếp với than hoa đỏ rực và thơm phức, tỏa khói nghi ngút là khách đã bị hút hồn. Vậy nên, hầu như bàn khách nào gọi bún đậu cũng phải kèm theo một đĩa nướng với dồi, thịt dải…

Đồ ăn ở đây từ mắm tôm, đậu rán, chả cốm đến lòng nướng đều là những món quen thuộc, phổ biến. Mắm tôm dậy mùi, đậu rán cắt nhỏ rồi chiên giòn tứ phía và dồi nướng mềm ngọt là những điểm thu hút thực khách nơi đây.

Ngoài các địa điểm trên, thực khách cũng có thể thưởng thức món ăn dân dã này ở một số địa chỉ nổi tiếng khác của Hà Nội như:

– Bún đậu Trung Hương số 49 ngõ Phất Lộc, Hàng Bạc, Hoàn Kiếm.

– Bún đậu Gốc Đa, số 4 Ngõ Gạch, Hoàn Kiếm.

– Bún đậu ở 39A Lý Quốc Sư, Hoàn Kiếm.

– Bún đậu chị Thoa số 31 Láng Hạ, Đống Đa.

– Bún đậu chị Nga đầu dốc Hàng Than, Ba Đình.

Hạ Vy (Doisongphapluat.com)