CÁCH LÀM CHANH MẬT ONG ĐỂ DÀNH BẢO VỆ SỨC KHỎE CHO GIA ĐÌNH

Chắc hẳn bạn đã nghe về khả năng phòng chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe của hỗn hợp chanh mật ong. Cách làm thứ thuốc ngon lành bổ dưỡng này rất đơn giản. Bạn có thể làm để dành trong nhà, uống vào mỗi sáng để tránh xa bệnh tật.

Hướng dẫn làm chanh mật ong

  • 1. Chanh tươi xắt lát, cho vào một cái lọ thủy tinh, rồi rót mật ong vào đầy lọ.
  • 2. Đậy kín lọ cho vào tủ lạnh. Để vài ngày là có thể dùng được.

Thông tin thêm:

– Chanh ngâm mật ong có vị chua ngọt thơm cay. Thỉnh thoảng khi bạn có cảm giác mệt mỏi, đau họng, đau đầu, bị cảm hoặc đơn giản hơn là bạn muốn có một ly trà ấm cho thơm miệng thì hãy chọn chanh mật ong. Bạn chỉ cần lấy lọ chanh mật ong trong tủ lạnh ra, cho một thìa vào cốc rồi rót đầy nước nóng, khuấy đều và nhâm nhi thưởng thức.

Đó là thứ hương vị tuyệt vời từ trái cây, từ mật ngọt tự nhiên khiến bạn có cảm giác ấm áp và khỏe khoắn. Loại nước này cũng giúp tăng sức đề kháng cơ thể, phòng ngừa bệnh rất tốt đặc biệt là các bệnh do thời tiết (nóng, lạnh).

– Nếu bạn thích có thể pha trà rồi thêm một thìa chanh mật ong này, trà sẽ thơm ngon hơn mà lại tốt cho sức khỏe.

– Chỉ mất 3 phút thôi bạn vừa có thức uống thơm ngon lại là thứ thuốc tự nhiên kỳ diệu

Bé Thúi  /MAV

BÁNH TRUNG THU NHÂN ĐẬU, DỪA

 
Nguyên liệu:

600 gr bột mì
400 gr nước đường
250gr dầu ăn

– Nhân đậu (đen, đỏ,xanh, sen)
1kg đậu, 700 gr đường, 250 gr mỡ, 100gr bột bánh dẻo,
150 gr bột mì

.- Nhân dừa 
1kg dừa, 800 gr đường, 200gr mỡ, 200 gr bột bánh dẻo,
50gr bột mì, 50 gr hột dưa, vani một chút.


Cách làm bánh trung thu nhân đậu, dừa:

Cách nấu đường
1kg đường, cho ½ chén nước nấu lửa nhỏ khoảng 5 tiếng, cứ để trên bếp, giữ không cho đường trở lại bằng cách thêm nước chút chút, cho 100 gr mạch nha, nấu thêm 5 tiếng nữa, nước đường sệt lên màu hổ phách rất đẹp, cân lại đường vừa đúng 1kg100 gr, để đường này càng lâu càng tốt
(1 năm).

Cách làm bánh 
Bột đổ núi, cho đường dầu vào giữa, trộn nhẹ tay, để bột nghỉ 1tiếng mới bắt bánh.

Cách làm nhân 
Đậu ngâm mềm rửa xẩy cho hết mắt đậu (đen, đỏ) nấu mềm xay nhuyễn, trộn đường khuyấy trên bếp, cho mỡ, bột.
Lòng đỏ hột vịt muối, hấp cách thủy, cho rượu trắng và dầu mè để át mùi trứng.

Đóng bánh
40gr bột, 110 gr nhân = một bánh

Lò nướng 325 độ F – cho bánh vào nướng, nhớ dùng tăm xâm để bánh không bị nổ mặt. Sau khoảng 25 phút, mở lò lấy cọ, phết lòng đỏ trứng lên mặt bánh cho đẹp. Nướng thêm 15 phút nữa là xong. 

(theo Ngô Đồng – dactrung.net)

BÁNH NHÂN THẬP CẨM

Nguyên liệu: 

1) Vỏ bánh :
– 400grs bột mì.
– 300grs nước đường.
– 60grs dầu ăn.
– 100grs bột áo.
– 2 lòng đỏ trứng vịt.
– 1 thìa cafe nước tro tàu.

2) Nước đường :

-1kg đường trắng tinh.
-1kg nước.
-2 thìa cafe nước tro tàu.

3)Thoa mặt bánh :

-1 lòng đỏ trứng vịt.
-1 thìa cafe nước lạnh.
-1 thìa cafe dầu ăn.
-Vài giọt nước màu dừa.

4)Nhân bánh gồm có :

-Hạt dưa, hạt điều, mứt sen, mứt bí, lạp xưởng, jambon, rượu trắng, mè, đường xay, mỡ, bột bánh dẻo, tất cả các loại kể trên mỗi thứ 100grs, 50grs mứt chanh, 50grs mứt gừng, 12 lòng đỏ trứng vịt muối, 1 thìa cafe ngũ vị hương.

Cách làm :

1)Vỏ bánh :

Cho dầu ăn , nước đường, lòng đỏ trứng , nước tro tàu hòa chung quấy cho thật đều, lấy rây lược lại. Rây bột mì vào hỗn hợp trên nhồi cho đều rồi ủ yên bột chừng 30’.

2)Nước đường :

Cho đường và nước vào nồi bắc lên bếp cho đường sôi, để lửa nhỏ cho từ từ nước tro tàu vào, khi đường sôi bùng lên thì tắt bếp, để yên nồi đường không được quấy sẽ bị lại đường, nước đường này để càng lâu mới làm thì vỏ bánh càng mềm.

3)Thoa mặt bánh :

Lòng đỏ trứng vịt, nước , dầu ăn, vài giọt nước màu trộn đều rồi đem lược qua rây để khi phết mặt bánh mịn đều không bị lợn cợn.

4)Nhân bánh :

-Hạt dưa , mè sàng sẩy sach đem rang vàng.
-Hạt điều, mứt bí, sen xắt hạt lựu.
-Mứt gừng , chanh xắt sợi dài 2cm.
-Mỡ heo luộc chín xắt hạt lựu rồi ướp đường đem phơi nắng cho mỡ trong veo.
-Lạp xưởng luộc chin rồi chiên qua cho thơm, đem xắt chỉ.
-Jambon xắt chỉ rồi xào với chút dầu , bột ngọt và hạt tiêu.
-Lòng đỏ trứng (xem bài bánh dẻo )
Cho tất cả những thứ “Nhân bánh gồm có” vào trộn đều, rưới từ từ vào hỗn hợp nhân này khoảng 100grs rượu trắng, khi thấy dẻo vừa nắm là được, cân từng viên nhân nặng 100grs, cho lòng đỏ vào giữa viên nhân rồi vo tròn cho đên hết nồi nhân.

5) Đóng và nướng bánh :

-Lấy thau bột ủ ra, cân từng viên bột 50grs, rây lớp bột áo ra bàn, để miếng bột lên cán thành miếng hơi tròn đủ để bao gọn viên nhân, cho nhân vào gói lại, xoa thêm lớp bột áo bên ngoài rồi đặt vào khuôn đóng giống như bánh dẻo, đóng đủ số bánh đặt vào lò rồi thì dùng kim xâm khoảng chục lỗ đều trên mặt bánh để lúc nướng bánh không bị nứt mặt.
-Mở lò nóng 10’ trứoc khi cho bánh vào, sau 10’ lấy ra, thật nhanh tay xúc từng cái bánh nhúng vào thau nước lạnh lấy ra ngay, xếp lại vào vỉ nướng, lấy cọ phết đều hỗn hợp thoa măt, cho bánh vào lò trở lại nướng tiếp cho tới khi bánh thấy vàng non là bánh đã chín, đem ra khỏi lò và nguội dần bánh sẽ vàng hơn (nếu để bánh vàng đều mới đưa ra khỏi lò thì bánh bị già lửa). Chúc các bạn cho ra lò những chiếc bánh nướng với hoa văn thật sắc sảo, có màu vàng óng và thơm nức mũi.
Bánh nướng có thời hạn bảo quản gấp đôi lần bánh dẻo.
-Nếu bạn thích ăn vị đặm đà hơn thì làm thêm gà quay và thịt chà bông rồi cho vào là đã có vị gà quay xá xíu (gà quay bạn mua thăn gà nạc rồi làm tương tự như thịt chà bông
vậy)

 

 

Cách làm BÁNH PÍA SẦU RIÊNG từng bước một

Chiếc bánh mang hương vị sầu riêng thoang thoảng, từng lớp vỏ mỏng mềm cộng thêm vị bùi có chút mặn của trứng muối thật hấp dẫn.

Trước đây, muốn được ăn bánh pía mang hương sầu riêng hấp dẫn, bạn phải nhờ người quen đặt mua từ trong miền Nam. Dần dần, ở ngoài Bắc cũng đã có bánh pía bán. Tuy nhiên, nếu thích, ngay tại nhà bạn cũng có thể làm món bánh ăn thơm ngon này để đãi cả nhà hoặc đem tặng người thân hay bạn bè.

Nguyên liệu:

Cho phần vỏ bột nước: (3 cái lớn):

  • – 120 gr bột mì
  • – 25 gr đường
  • – 50 ml dầu
  • – 40 ml nước

Cho phần vỏ bột dầu:

  • – 100 gr bột mì
  • – 50 ml dầu

Cho phần nhân:

  • – 150 gr đậu xanh
  • – 150 gr sầu riêng tán nhuyễn
  • – 50-70 gr đường tùy theo khẩu vị các bạn
  • – 1/5 muỗng cà phê muối
  • – 40 ml dầu ăn
  • – 25 gr bột nếp rang
  • – 10 gr bột mì + 10 ml dầu ăn
  • – 1/3 chén mỡ heo đã xào ngọt
  • – 3 trứng vịt muối ngâm chút rượu có gừng và nướng 10 phút ở nhiệt độ 190 độ C
  • – Nếu bạn không thích mỡ heo thì làm mứt bí nhé

Nguyên liệu mực – đóng dấu: Lấy 1 miếng màng bọc thực phẩm bọc lên miệng đĩa. Lấy 1 miếng giấy thầm dấu gấp làm 4 để lên mặt đĩa rồi đổ màu phẩm đỏ lên. Con dấu thì bạn dùng con dấu nào cũng được.

Cho phần trứng: Thoa mặt bánh: Lòng đỏ trứng đánh hơi nổi với 1 muỗng dầu mè, 1 muỗng nước lã  với 1/2 muỗng cà phê nước màu kho cá và 1 giọt màu vàng thực phẩm.

Cách làm:

Thực hiện phần bột nước:Cho tất cả nguyên liệu vào 1 cái âu, và bắt đầu nhồi cho bột dẻo mịn (phần bột này không quá khô nhé các bạn). Nhồi xong để bột nghỉ 30 phút.

Thực hiện phần bột dầu: Cho bột và dầu vào âu và nhồi bột quyện lại 1 khối. (Bột sẽ rất mềm). Cũng để bột nghỉ 30 phút.

Thực hiện phần nhân:

Bước 1: Đậu xanh ngâm vài tiếng, sau đó vo sạch nấu chín. Cho đậu xanh, đường vào máy xay nhuyễn.

Bước 2: Cho đậu xanh vào chảo không dính cùng với dầu, bột nếp rang sên với lửa nhỏ khoảng 15 phút thì cho sầu riêng, chén bột mì dầu vào tiếp tục sên cho đến khi nhân quyện thành 1 khối không dính chảo thì cho mỡ heo hay mứt bí vào sên thêm 5-7 phút nữa là tắt bếp.

Thực hiện phần cán bánh:

Bước 1: Chia phần bột nước làm 3 phần. Chia phần bột dầu làm 3 phần, cân nhân 120gr kể cả lòng đỏ trứng vịt muối vo tròn.

Bước 2: Đè dẹp viên bột nước, cho viên bột dầu vào vo tròn lại.

Bước 3: Cán dài viên bột, rồi cuộn tròn lại.

Tiếp tục cán dọc 1 lần nữa. Sau đó cuộn tròn lại.

Bước 4: Bạn cứ tiếp tục làm 2 phần bột còn lại. Vì bột nước và bột dầu nên khi cán bạn sẽ thấy các lớp bột tách rời nhau. Đó là thành công bạn nhé.

Bước 5: Bây giờ bạn cán tròn cục bột và cho nhân vào giữa túm các mép lại. Xếp bánh vào khay nướng, dùng lòng bàn tay đè nhẹ cho phần phộ dẹp xuống 1 chút cho đẹp.

Bước 6: Mở lò 160 – 170 độ C trước 10 phút. Cho khay bánh vào ngăn giữa nướng 16 phút. Qua 16 phút lấy bánh ra. Lấy con dấu nhúng vào mực đỏ ấn nhẹ vào giữa mặt bánh.

Sau đó cho bánh vào lò nướng tiếp 5 phút nữa. Qua 5 phút lấy khay bánh ra để 2 phút rồi mới quét trứng lên (để 2 phút mới quét trứng thì mực sẽ không bị lem). Cho khay bánh trở vào lò nướng thêm 6 phút nữa là bánh chín. Tắt lò lấy khay bánh ra để nguội.

Với công thức này bánh pía vừa nướng xong ăn đã ngon rồi mà để qua 1 ngày ăn lại càng ngon hơn.

Chúc các bạn thành công và ngon miệng với bánh pía nhân sầu riêng thơm ngon nhé!

(Theo eva.vn)

Cách nấu CHÈ ĐẬU NGỰ

CHÈ ĐẬU NGỰ là món ăn chơi ưa thích với vị ngọt bùi của đậu ngự, và mùi thơm thanh dịu của hoa bưởi. Món chè này có nhiều cách làm, trong đó kiểu làm truyền thống Huế đơn giản mang lại món chè có vị ngọt thanh khiết được nhiều người ưa chuộng.

Nguyên liệu:

  • Đậu ngự tươi: 500g
  • 1 muỗng cà phê nước hoa bưởi
  • Đường.

Cách làm:

6512AFDLchehhue4_db1df

– Đậu ngự đem ngâm trong nước ấm chừng 10 phút cho mềm rồi lột bỏ vỏ.

– Chuẩn bị nồi nước, cho đậu ngự vào luộc khi nước chuẩn bị sôi thì chắt hết nước, cho nước mới vào luộc tiếp. Nước sôi lại khoảng 5-10 phút là đậu chín, tắt bếp. Vớt đậu ra ngoài.

– Chuẩn bị nồi nước khác trên bếp (đây là nước chính để nấu chè), nấu sôi, hòa với lượng đường vừa miệng cho tan rồi tắt bếp. Để nguội rồi cho vào muỗng nước hoa bưởi.

– Cho phần đậu đã vớt ra ngoài vào nước đường, ngâm khoảng nửa tiếng cho ngấm vậy là xong món chè.

Bé Thúi.

Cách làm RAU CÂU DỪA

Rau câu dừa là món ăn chơi rất được ưa thích của các bạn tuổi teen cũng như mãn teen, vị ngọt mát, thơm tho của dừa và kết cấu mịn màng của rau câu là những gì khiến cho món này không bao giờ bị ngán.

Nguyên liệu làm thạch rau câu dừa

  • Dừa xiêm: 3 trái
  • 1/2 chén nước cốt dừa (Xem CÁCH LÀM NƯỚC CỐT DỪA)
  • Bột rau câu dẻo loại 25g
  • Đường: 100g
  • Sữa tươi có đường: 10ml
  • 1 ống vani
  • Khuôn làm rau câu.

Sơ chế nguyên liệu

  • Dừa xiêm: bổ lấy nước và nạo cùi dừa thành từng sợi dài để riêng.
  • Gói nước cốt dừa: khuấy tan với một ít nước lạnh.
  • Trộn đều bột rau câu dẻo với đường.

Thực hiện làm thạch rau câu dừa

  • Hòa nước dừa tươi với 200ml nước lạnh, đun sôi trên bếp rồi cho hỗn hợp bột rau câu + đường vào, tiếp tục đun sôi đến khi đường và rau câu tan hết vào trong nước rồi tắt bếp.
  • Múc ½ lượng nước trong nôi vào một soong khác, ở phần nước rau câu này bạn cho nước cốt dừa đã khuấy tan với nước lạnh và sữa tươi vào, đun sôi trên bếp và nêm lại cho vừa ăn, bạn có thể cho thêm đường tùy thích rồi tắt bếp nhé.
  • Phần rau câu còn lại, bạn cho 2 ống vani và một ít dừa nào vào, rồi để khoảng 10 phút cho rau câu bớt nóng, bạn đổ ra các khuôn làm rau câu nhưng chỉ đổ ở mức ½ khuôn thôi nhé.
  • Khi phần rau câu này đông lại (bạn có thể kiểm tra bằng cách dùng tăm đâm vào mà thấy rau câu không bị kết dính vào tăm là được, bạn cũng có thể dùng tay để thử, khi bạn đụng tay vào mà lớp rau câu vẫn nguyên vẹn là rau câu đã đông rồi đấy.
  • Bạn tiếp tục nhẹ nhàng đổ phần rau câu có pha nước cốt dừa và sữa tươi lên trên, để đến khi lớp này đông lại bạn có thể cho thêm đá để ăn hoặc để vào tủ lạnh dùng dần nhé.

Yêu cầu món ăn và cách ăn

  • Món rau câu dừa có vị ngọt nhẹ vừa ăn, được trình bày bắt mắt theo 2 lớp rõ ràng, các lớp không bị trộn lẫn vào nhau.
  • Khi ăn rau câu, bạn sẽ cảm nhận được vị thanh của nước dừa tươi, vị béo của sữa và hương vani, mùi thơm của nước cốt dừa rất hấp dẫn đấy nhé.
  • Để món ăn thêm phần thơm ngon, khi ăn bạn nên cắt rau câu ra thành từng miếng vừa ăn, bày ra đĩa, cho thêm ít đá bào, một vài loại trái cây yêu thích, rưới nhẹ một ít sữa đặc có đường và ½ thìa nước cốt chanh là bạn đã có món rau câu vô cùng thơm ngon, hấp dẫn, bổ dưỡng để thưởng thức rồi đấy.

Trên đây là hướng dẫn làm thạch rau câu dừa ngon mát mùa hè rất đơn giản mà bạn có thể tự tay thực hiện ở nhà để cho cả gia đình cùng thưởng thức món ăn ngọt mát, thơm ngon này. Không những thế, kết hợp thêm một ít trái cây và cách bày biện đẹp mắt là bạn cũng có thể đưa món rau câu dừa này vào thực đơn tráng miệng đãi khách vào những bữa tiệc của gia đình rồi đấy. Chúc bạn chế biến thành công nhé.

(st)

Cách làm Sữa bắp

 Bắp (ngô) là loại quả thân thiện và bổ dưỡng cho tất cả mọi người. Một trái bắp mỗi ngày, có thể đẩy lùi hàng tá bệnh: táo bón, các bệnh đường ruột, mắt, tim mạch, thiếu máu, stress, suy giảm trí nhớ… nó cũng có tác dụng hỗ trợ tốt cho thai phụ.
Với những lý do trên, không có lý nào chúng ta lại bỏ qua được công thức làm món sữa bắp vừa ngon vừa bổ sau đây:

Nguyên liệu:

  • Bắp ngô: 3 trái
  • Sữa tươi: 5 lít, hoặc sữa đặc pha ra.
  • Đường

Cách làm sữa ngô:

– Dùng dụng cụ tách hạt ra khỏi cùi bắp, có thể dùng dao nạy hoặc gọt.

– Rửa sạch hạt bắp rồi để ráo.

– Trút hột bắp vào máy say sinh tổ, cho thêm nước sôi để nguội vừa đủ, tùy theo bạn muốn uống loãng hay đặc.

– Sau khi xay thì lọc bã, cặn bằng rây lọc. Sau đó cho phần nước xay bắp đã lọc vào nồi, nấu sôi.

– Vừa nấu vừa dùng vá khuấy đều để cho phần bột bắp không bị bám dưới đáy nồi.

– Khi sôi thì bắt đầu đổ sữa tươi và đường vào, khuấy đều. Nếm cho vừa miệng.

– Đợi nồi sữa sôi lại lần nữa là xong. Uống khi còn nóng rất ngon. Nhưng nếu nguội rồi thì bỏ tủ lạnh uống dần chứ không là nó hư.

Bé Thúi

Cách làm KEM CAM

 Kem vị cam rất dễ ăn và ngon miệng. Cách làm cũng không khó. Các bạn cùng thử nhé! 🙂

Nguyên liệu
Làm sữa đông vị cam:
• 2 trứng gà
• 3 lòng đỏ trứng gà
• 1 chén đường
• 3 muỗng canh bột bắp
• 1-1/4 chén nước cam vắt
• 1 lạng bơ không muối, dạng khối, để ở nhiệt độ bình thường
• 1 chút màu thực phẩm (hồn, cam, đỏ tùy ý)

Làm kem:
• 1,5 chén sữa đông, làm lạnh
• 1,5 chén kem tươi đậm đặc, làm lạnh
• 5 muỗng canh đường

Cách làm

• Đánh bông trứng, lòng đỏ và đường với nhau trong chảo. Đánh đều bột bắp với một chút nước ép cam để tạo thành hỗn hợp hơi sệt. Trộn đều nước ép và hỗn hỗn hợp này vào hỗn hợp trứng ở trên. Nếu cần, có thể sử dụng màu thực phẩm.

• Đun chảo, đánh đều hỗn hợp với lửa vừa cho đến khi hỗn hợp dày đặc hơn, bạn sẽ mất khoảng 15 phút. Cần phải đảo đều cả đáy chảo để tránh bị cháy. Tắt bếp và đánh đều trong bơ. Vậy là bạn đã làm xong phần sữa đông.

• Cho sữa đông vào tô và cho vào tủ lạnh. Hỗn hợp sẽ tiếp tục dày lên. Cho thêm sữa đông được bọc trong bao nhựa vào tủ lạnh, để trực tiếp đẩy ngược lại sữa đông ban đầu.

screenshot.581

• Đánh bông phần sữa đông và kem với nhau cho đến khi chúng được trộn đều. Rải đều một muỗng súp đường trong lúc đang đánh bông. Chuẩn bị theo hướng dẫn trên hộp.

Theo Sheknows

UỐNG SỮA ĐẬU NÀNH TRONG ĐÊM ĐÀ LẠT

Đêm Đà Lạt uống sữa đậu nành, đó là những thứ gần như đã gắn liền với nhau trong tâm thức của người yêu thành phố ngàn hoa. Đêm Đà Lạt được thiên nhiên ban cho cái lạnh quanh năm suốt tháng, và từ đó, người Đà Lạt đã thêm vào cho đêm những dòng sữa nóng, thanh tao, ngọt ngào. 

Tất nhiên theo thời gian, Ðà Lạt bây giờ đã có nhiều thay đổi, chuyện thay đổi để tốt hơn hay xấu hơn còn tùy theo cách nhìn cá nhân. Nhưng có một thứ bình dị của Ðà Lạt đó là món sữa đậu nành, một thức uống bình dị tới mức không cần khen hay chê, không cần phải khoe hay giấu; một thứ tuy không được xếp hạng hay được trưng trên các phương tiện truyền thông nhưng chắc chắn nếu món sữa đậu nành mà vắng bóng hoặc không được ưa chuộng thì Ðà Lạt sẽ không còn là Ðà Lạt!

Sữa đậu nành Ðà Lạt có gì lạ?

Không ai cất công đi ngược thời gian để tìm lịch sử một thức uống bình thường như sữa đậu nành. Nhưng khí hậu và cảnh quan Ðà Lạt là cái nôi tạo cho món sữa đậu nành vị trí “xuất thân” khác biệt hẳn với mọi ly sữa đậu nành ở các vùng miền khác. Có người cho rằng sữa đậu nành Ðà Lạt được biết tới nhờ ăn theo “địa vị sang trọng” xứ cao nguyên, nhưng cũng có người cho biết sữa đậu nành là món quà quí, rất riêng mà văn minh của “thành phố Châu Âu nhiệt đới” này đã may mắn tìm thấy.

Mỗi du khách đến Ðà Lạt về đêm không thể không nhớ đến, không thể không rủ nhau đi uống sữa đậu nành. Và từ xưa Ðà Lạt hiểu được nhu cầu này nên những quầy, những quán, những gánh sữa đậu nành bày bán có khi nhiều hơn cả những điểm các mặt hàng khác.

Một bà có gánh sữa đậu nành nói. “Không chọn nghề này thì thôi chớ khi bán rồi thì dù ế hay đắt hàng cũng cứ chung thủy miết.” Thật khó có thể phân tích tại sao phải “chung thủy miết với sữa đậu nành.”

Trời lạnh cầm ly sữa nóng trao cho khách có khi cái cảm giác ấm bàn tay cũng khó bỏ, có khi hương sữa đậu nành bay đặc trong khí lạnh cũng là thứ mùi hương ngửi lâu đâm ghiền, có khi thích nhìn khách áp hai bàn tay vào ly để sưởi còn miệng thì hớp từng ngụm nhỏ như một đứa trẻà Nhiều người cho rằng nhu cầu uống sữa đậu nành của dân Ðà Lạt và của du khách, cùng với cung cách phục vụ ân cần của người bán sữa cũng đủ làm nên một nét văn hóa đặc sắc của Ðà Lạt.

Một nhà văn mê Ðà Lạt đến mức nếu trong tháng mà không có ít nhất một lần lên thăm là sẽ bị bệnh, ông này hùng hồn nói như bảo vệ tác phẩm trước hội đồng xét chọn, “Tôi không phản đối bắt chước Tàu uống trà, bắt chước Tây tạo phong cách cà phê nhưng cứ kiểu đó thì chúng ta có gì riêng nào, thí dụ chúng ta sẽ bổ sung sáng tạo thêm được gì vào cung cách Trà Ðạo của Nhật nào? Sao chúng ta không cùng nhau làm ra giá trị văn hóa sữa đậu nành. Không đùa đâu. Không chỉ vì sữa đậu nành gắn bó lâu đời với Ðà Lạt, mà xét về góc cạnh dinh dưỡng không thức uống nào có thể mang tính bổ dưỡng – văn minh hợp thời đại bằng sữa đậu nành.”

Ðêm Ðà Lạt, du khách có thể uống sữa đậu nành mọi lúc mọi nơi. Nếu thích uống sữa đậu nành gánh ở bờ Hồ Xuân Hương thì du khách sẽ được “khuyến mãi” thêm vài mẫu chuyện vui, buồn về đời tha hương cầu thực của dân nhập cư bán sữa đậu nành.

Ở phố đi bộ thì sữa đậu nành được bày bán trong mấy chiếc xe bán hàng bằng nhôm có treo đèn màu nên bàn ghế sáng choang, sữa đậu nành ở đây có “khuyết điểm” là giống mấy xe bán hủ tíu, bán bánh ướt ở Sài Gòn, để có một chỗ bán sữa đậu nành ở phố này nghe đâu người bán phải mua chỗ gần cả chục triệu đồng. Nhưng đích thị sữa đậu nành Ðà Lạt là ở những tiệm chỉ bán sữa đậu nành, có tiệm chỉ rộng vài mét vuông nhưng cũng đàng hoàng bày bán ở mặt tiền đường lớn hoặc hẻm nhỏ.

Ở phố Tăng Bạt Hổ có tiệm sữa đậu nành bán rất đắt hàng, vào những ngày cuối tuần du khách ngồi tràn ra chật một đoạn đường để uống sữa. Có du khách thích uống sữa đậu nành pha với sữa bò đặc, sữa đậu phộng, sữa đậu xanh hoặc thích ăn thêm vài cái bánh sừng trâu, bánh hạnh nhânà Nhưng đa số khách chỉ thích ngồi trên các ghế nhỏ, tay “ôm” ly sữa đậu nành rồi đưa lên chu miệng hớp từng ngụm sữa nóng. Có người sành sữa đậu nành cho biết là sữa ở tiệm trên phố Tăng Bạt Hổ ngon, rẻ nhưng không phải là ngon nhất Ðà Lạt. Theo họ sữa đậu nành trước đây ở chợ Âm Phủ, ở đầu dốc chợ Hòa Bình hay sữa đậu nành bà Lan mới là sữa ngon nhất… Ở phố Phan Ðình Phùng cũng có vài tiệm sữa thuộc loại ngon, nhưng nói chung sữa đậu nành ở Ðà Lạt chỗ nào bán cũng ngon, còn nếu muốn chỉ ra một tiệm một gánh, một xe bán sữa nào đó để gọi là “Ðệ nhất sữa đậu nành” thì có lẽ nên tổ chức bầu chọn, mà tại sao không bầu chọn ra sữa đậu nành Ðà Lạt số 1 giống như cách bầu chọn tổng thống nhỉ!

Một câu chuyện trong quán sữa đậu nành

Hôm chúng tôi đến Ðà Lạt trúng vào lúc có áp thấp nhiệt đới, bình thường mùa Thu Ðà Lạt luôn mưa dầm dề, gặp lúc biển duyên hải miền Trung động mưa lại càng thê thảm hơn. Chúng tôi ngồi co ro trong tiệm sữa đậu nành ở số 98 phố Phan Ðình Phùng, cùng co ro “ôm” ly sữa với chúng tôi có một cặp vợ chồng tuổi trung niên và một ông già còn quắc thước. Sữa nóng, thơm lừng, phố phường vắng ngắt, đó đúng là một cảnh buồn theo đúng phong cách Ðà Lạt.

Bỗng nhiên phía bàn của cặp vợ chồng tuổi trung niên có tiếng nói, người đàn ông quay sang hỏi chuyện ông già, “Bác chắc là dân ở đây?” Ông già đáp, “Tôi ở đây từ năm sáu mươi, lúc Ðà Lạt vẫn còn thấy cọp về.” Người đàn ông trung niên nói, “cháu trước đây cũng ở Ðà Lạt, năm sáu tám thì dời đi, mấy chục năm nay mới trở lại, nơi này bây giờ khác quá.” Ông già hỏi, “Trước đây anh làm gì, rồi đi đâu?” Người đàn ông nói, “Trước đây cháu là lính Biệt Ðộng Quân, sau năm sáu tám chuyển lên Pleiku, sau đó đi “học tập cải tạo”, khi về bận đi làm ăn, nay mới có dịp đi với bà xã thăm lại Ðà Lạt.”

Ông già hỏi, “Anh đi học tập bao lâu, trước đây cấp bậc gì?” Người đàn ông dè dặt nói, “Dạ chín năm, mà thôi đừng nói chuyện đó, nói làm gì hả bác.” Ông già vẫn cứ thản nhiên “Anh ngại không nói cấp bậc thì thôi, chớ tôi xưa cũng dạy ở trường sĩ quan Ðà Lạt.” Người đàn ông dè dặt hỏi, “Thế bác dạy gì?” Ông già nói “Dạy võ. Anh có quen ai từng học ở trường sĩ quan Ðà Lạt cứ hỏi Phạm Xuân Việt chắc có người còn nhớ.”

Người đàn ông không hỏi gì thêm. Ðược một lúc, người đàn ông lên tiếng gọi thêm sữa đậu nành, đây là ly sữa thứ ba của ông. Bà chủ quán đi vào hỏi ông già rằng ông có ăn bánh ngọt như mọi ngày không, rồi bất chợt bà quay sang nói với người đàn ông, “Nếu tôi không nhầm thì anh là Việt kiều, mấy ông mấy bà Việt kiều mỗi khi vào chỗ em là uống mỗi người hai ba ly sữa, có dùng gì thêm thì giúp cho quán em.”

Sữa đậu nành Ðà Lạt vẫn nóng thơm, như để an ủi người đàn ông trung niên, người không dám thừa nhận đầy đủ lịch sử bản thân và sưởi ấm thêm cho tính minh bạch của một ông già Ðà Lạt cố cựu.

Ðêm Ðà Lạt mù mưa, ai chui vào tiệm sữa đậu nành cũng thấy sướng. Và chúng tôi kể lại câu chuyện tình cờ được nghe ở trên cũng là cách chúng tôi muốn bày tỏ rằng, có khi vào một ngày nào đó, Ðà Lạt thiếu vắng ly sữa và những tiệm sữa đậu nành thì ngày đó sẽ không có sự kết nối lành lặn giữa một Ðà Lạt tuyệt đẹp trong ký ức và một Ðà Lạt có nhiều cái mới nhưng chưa có hồn.

Bài viết của Trần Tiến Dũng – Người Việt

NHỮNG ĐIỀU AI CŨNG NÊN NHỚ KHI UỐNG SỮA ĐẬU NÀNH

Sữa đậu nành là thức uống ngon và quen thuộc với tất cả chúng ta. Sữa đậu nành giúp cung cấp canxi phòng loãng xương, còn tăng sức đề kháng, bảo vệ hệ tiêu hóa, ngừa ung thư, đặc biệt tốt cho phụ nữ và người già. Tuy vậy cũng còn tùy người và tùy lúc, không phải khi nào uống sữa đậu nành cũng tốt.

Sữa đậu nànhỗ tương) hay còn gọi là Nước đậu, làm từ hạt đậu nành xay nhuyễn. Theo Đông y, đậu này có tính thiên hàn, hoạt lợi, cho nên không thích hợp với những người bị hư thận, tiểu đêm, di tinh vì sẽ làm nặng thêm các triệu chứng. Ngoài ra những người tỳ vị hư hàn uống sữa này thì dễ bị tiêu chảy.

Không ăn cam quýt ngay trước và sau khi uống sữa đậu nành: Nhiều người đã chịu những cơn tiêu chảy nhớ đời vì uống sữa đậu nành gần lúc ăn những loại quả như cam, quýt, bưởi. Thủ phạm là các acid và sinh tố có trong những loại quả này khi tác dụng lên protein trong sữa rồi kết khối ở ruột non, dẫn đến đầy hơi, đau bụng, tiêu chảy. Tốt nhất là uống trước hoặc sau khi ăn những loại quả này ít nhất 1 giờ.

Không dùng sữa đậu nành nhiều và thường xuyên: Cũng như các loại thực phẩm khác, sữa đậu nành nên được dùng với lượng vừa phải. Nếu dùng nhiều và thường xuyên, sẽ gây táo bón, ảnh hưởng hệ tiêu hóa.

Đun sôi kỹ rồi mới uống: Nếu uống sữa đậu nành chưa được đun sôi kỹ, các chất ức chế men trypsin, saponin và nhiều chất có hại khác sẽ gây tiêu chảy, buồn nôn, ngộ độc.

Không uống quá nhiều một lúc: Dù đói khát nhưng cũng không nên uống quá nhiều sữa đậu nành trong một lần, vì điều đó sẽ dẫn đến việc các chất dinh dưỡng không được tiêu thụ hết, khiến bạn đau bụng ỉa chảy. Lượng sữa đậu nành thích hợp cho người lớn mỗi lần uống là khoảng nửa lít.

Không dùng thay cho sữa: Mỗi loại sữa có một công dụng, hàm lượng protein trong sữa đậu tương đương với trong sữa tươi, nhưng lượng sinh tố B12 chỉ bằng 1/3, bên cạnh đó sữa đậu nành không có sinh tố A, C, và lượng canxi cũng thấp hơn phân nửa so với sữa tươi. Bên cạnh đó, lượng lecithin, sinh tố E và sắt trong sữa đậu nành lại cao hơn sữa.

Không đựng sữa đậu nành trong bình giữ ấm: Đây là lỗi nhiều người mắc phải. Sữa đậu nành nếu để lâu nên giữ ở nhiệt độ nguội. Vì các vi khuẩn trong sữa sẽ dễ dàng phát triển ở nhiệt độ ấm và nhanh chóng làm sữa hư hỏng.

Không pha với đường đỏ: Đường đỏ có nhiều acid hữu cơ có thể kết hợp với protid, canxi tạo thành những chất hủy hoại dinh dưỡng trong sữa, bên cạnh đó nó còn ảnh hưởng đến tiến trình tiêu hóa và hấp thu của cơ thể.

Uống sữa đậu nành nên kèm theo ăn tinh bột: Các chất dinh dưỡng trong sữa đậu nành sẽ được hấp thụ, tiêu hóa tốt nếu như dùng kèm các món ăn chứa tinh bột như bánh mì, bánh ngọt…. Nếu chỉ uống sữa mà không ăn kèm, thì các chất bổ trong sữa sẽ chuyển hóa thành nhiệt lượng rồi tiêu thụ mất.

Không uống chung với trứng: Chất men trypsin trong sữa đậu nành nếu kết hợp với tròng trắng trứng sẽ tạo thành kết tủa làm khó hấp thu, và làm mât đi nhiều chất dinh dưỡng trong sữa và trứng.

Bé Bủm tổng hợp.

Cách làm Bánh Da Lợn

Tuy tên là Bánh Da Lợn, không gọi Bánh Da Heo (theo phương ngữ miền trung và miền nam), nhưng đây là một món ăn đặc trưng, phổ biến ở miền Trung và miền Nam Việt Nam. Đây là món đặc sản của nhiều tỉnh, thường dùng trong dịp lễ, cúng chay cũng như ăn vặt. Mỗi nhà, mỗi tỉnh thường có một cách làm bánh riêng hơi khác nhau, nhưng về cơ bản, bánh da lợn phải có độ mịn, dai, thơm thơm mùi dứa.

Nguyên liệu:

Phần vỏ:

  • Bột năng: 300gr
  • Bột gạo: 50gr
  • Đường cát: 100gr
  • Lá dứa: 1 bó
  • Va ni: 1 ống
  • Nếu cần xanh bắt mắt thì thêm giọt màu thực phẩm xanh lá nhé!

Phần nhân:

  • Bột năng: 100gr
  • Bột nếp: 30gr
  • Đậu xanh cà vỏ: 200g – ngâm qua đêm (nhân này màu vàng, muốn làm màu trắng thì làm bằng đậu trắng)
  • Đường: 100gr
  • Muối: 1/3 muỗng cafe

Làm nước cốt dừa:

  • Dừa nạo: 300gr

Cách làm:

Công thức làm bánh da lợn này có 4 công đoạn chính:

1/ Làm nước cốt dừa và nước dảo dừa.

– Click vào xem CÁCH LÀM NƯỚC CỐT DỪA VÀ NƯỚC DẢO DỪA.

– Làm xong thì để nước cốt riêng, nước dảo riêng.

2/ Làm bột bánh (lớp màu xanh):

– Lá dứa rửa sạch cắt ngắn rồi giã cho nát, sau đó đổ 1,5 bát con (chén) nước vào, nhồi cho ra nước. Chế nước dão dừa vào đó, khuấy đều.

– Bỏ hết bã lá dứa ra ngoài, rồi dùng rây lược kĩ. Sau đó cho đường vào khuấy tan. Cho thêm 1 ống va ni tạo mùi thơm.

– Rồi đổ hỗn hợp trên vào chung với phần bột năng, bột gạo đã chuẩn bị. Vừa đổ vừa khuấy cho đều, cho kỹ, đổ đến khi nào bột khuấy lên nghe HƠI HƠI sệt, mềm mại, hơi lõng bõng, thì thôi, đừng có để khô hoặc quá loãng. Nếu mà khô quá thì đổ thêm nước lọc vào khuấy tiếp.

3/ Làm phần nhân bánh (lớp màu vàng):

– Đậu xanh cà sau khi ngâm qua đêm, thì đãi cho sạch vỏ, sau đó cho vào nồi đổ nước xâm xấp mặt, bỏ thêm chút muối, rồi bắc lên bếp hoặc hoặc cho vào nồi cơm điện nấu cho chín. Đậu chín xới tơi rồi dùng chày giã cho nát nhuyễn.

– Cho phần bột năng, bột nếp và nước cốt dừa vào trong chỗ đậu xanh này, Quấy đều, lược qua rây cho mịn.

4/ Hấp bánh:

– Chuẩn bị khuôn hấp (1 khuôn to hoặc nhiều khuôn nhỏ tùy bạn, có thể dùng khuôn bánh flan). Trét một lớp dầu ăn vào khuôn (để dễ lấy bánh ra sau khi hấp).

– Cố định khuôn trong xửng hấp, sau đó thì bắt đầu rưới 1 lớp hỗn hợp bột bánh lên, lớp này dày khoảng 3mm (càng mỏng càng mềm dễ ăn, nhưng mà càng cực vì phải làm nhiều lớp).

– Hấp cho tới khi thấy được được, bột gần chín (khoảng 5 – 7 phút tùy), thì nhỏ thử một tí hỗn hợp nhân đậu xanh lên lớp bột bánh, nếu như không bị lẫn vào lớp màu xanh là ok. Ta bắt đầu trét tiếp lớp bột nhân đậu xanh lên, độ dày cũng tương tự lớp bột bánh.

– Tiếp tục khi bột đậu xanh gần chín thì rưới tiếp lớp bột bánh vào…cứ thế cho đến khi nào gần hết bột, thì kết thúc bằng một lớp bột bánh ở trên cùng.

– Đợi bánh nguội thì lấy ra cẩn thận.

– Cắt bánh bằng sợi chỉ, KHÔNG CẮT BẰNG DAO.

– Chúc cả nhà ngon miệng nhé! 🙂

Bé Thúi

Cách làm CHÈ ĐẬU TRẮNG NẤU NẾP

Món chè đậu trắng nấu với nếp rất quen  thuộc trên các mâm cỗ của người miền Trung, miền Nam. Món ăn có vị ngọt dịu, thơm ngon của đậu và nếp.

  Nguyên liệu: 

  • 500g đậu trắng (đậu mắt cua)
  • 150g nếp
  • 250g đường
  • 10g lá dứa
  • 1 muỗng canh bột năng
  • 1 muỗng cafe bột nổi
  • Mè rang giã nát.
  • Nước cốt dừa (xem CÁCH LÀM NƯỚC CỐT DỪA)

Cách làm:

 

– Vo sạch đậu rồi ngâm trong nước + 1 muỗng cafe bột nổi, ngâm ít nhất 3 tiếng cho đậu bong vỏ. Vớt bỏ những hạt nổi lên mặt nước.

– Đậu ngâm xong cho nước xâm xấp vào nấu tới khi đậu chín nhừ, do đã ngâm bột nổi nên đậu rất mau chín.

– Đậu chín vớt ra để ráo, ướp với đường trong 2 tiếng.

– Lá dứa rửa sạch, để ráo.

– Bắc một nồi với khoảng 700ml nước, nấu sôi, rồi cho nếp vào nấu tới khi nào nếp nở bung ra. Cho lá dứa vào nấu tiếp khoảng 10 phút.

– Tiếp tục trút đậu đã ướp đường vào nồi, khuấy đều, vặn nhỏ lửa, nêm nếm lại vừa miệng, nấu tiếp 5 phút là xong.

– Nước cốt dừa ta pha với chút nước & bột năng, đun trên lửa, vừa đun vừa khuấy đều tới khi vừa sôi, hỗn hợp quyện lại là ok. Cái này để rắc lên chén chè. Rắc thêm mè giã nát nữa cho thơm.

Hải Hùng.

VÌ SAO AI CŨNG NÊN UỐNG MẬT ONG CHANH VÀO SÁNG SỚM?

Mật ong pha với nước chanh ấm luôn được coi là một loại thức uống tốt cho sức khỏe để bắt đầu một ngày mới. Sau đây là một số lý do:

Giải độc, lợi tiểu

Mật ong chanh còn là một bài thuốc lợi tiểu hữu hiệu. Một ly mật ong chanh vào buổi sáng sẽ làm sạch sẽ hệ thống đường tiết niệu của bạn, giúp nó khỏe mạnh hơn.

Khử hôi miệng

Hỗn hợp nước ấm, mật ong và chanh giúp tiêu diệt những vi khuẩn có hại đã sinh sôi trong răng miệng bạn sau một giấc ngủ, giúp bảo vệ răng miệng và khử mùi hôi. Bạn thậm chí còn có thể uống một ly nước mật ong chanh thay vì đánh răng buổi sáng.

Làm đẹp da

Mật ong chanh giúp da mặt bạn bớt tiết chất nhờn, điều này là hữu ích trong việc ngăn chặn mụn trứng cá. Uống hoặc bôi mật ong chanh vào mỗi sáng sẽ giúp cải thiện dung nhan của bạn rõ ràng.

Bảo vệ hệ miễn dịch

Cả chanh mật ong đều có tính kháng khuẩn cao, và còn chứa nhiều chất chống oxy hóa và vitamin C, giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể. Đây là thức uống rất có ích khi trời trở lạnh, hoặc là mùa cúm bắt đầu.

Giảm béo:

Một ly nước ấm pha mật ong chanh trước khi ăn sáng 30 phút, là bí quyết giảm cân an toàn hiệu quả được nhiều người khuyên áp dụng.

Cho hệ tiêu hóa khỏe mạnh

Hỗn hợp chanh mật ong với lượng khoáng chất, sinh tố bên trong sẽ giúp khử độc khỏi dạ dày. Uống nước mật ong chanh vào mỗi sáng, dạ dày bạn sẽ đỡ bị hành hạ bởi lượng thức ăn chưa tiêu hóa hết từ đêm hôm trước.

Nên nhớ mật ong chanh tốt nhất khi pha với lượng mật ong, chanh vừa phải và pha trong nước ấm. Chúc các bạn khỏe mạnh và thêm xinh đẹp với bài thuốc đơn giản này!

Xem CÁCH LÀM CHANH MẬT ONG

Bạnh Bư tổng hợp.