Cách nấu CHÈ NHÃN HẠT SEN

Mùa hè là mùa người ta thèm chè nhất, đồng thời cũng là mùa nhãn và mùa sen…và từ đó, món chè nhãn hạt sen ra đời…

Món ăn này có tác dụng làm da mềm, mịn, giúp an thần, ngủ ngon, bổ khí huyết.

 

Chuẩn bị:

– Nhãn lồng: 5 lạng

– Hột sen tươi: 2 lạng (nếu không có thì mua hạt sen khô về ngâm cho nở)

– Đường: 1 lạng

Thực hiện:

– Nhãn lột vỏ, lấy dao nhọn thò vào đỉnh trái nhãn rồi lách từ từ tách hết hột ra. Nhớ cẩn thận không làm rách phần cơm nhãn.

– Hột sen ngâm nở nếu là sen khô…Sau đó rửa sạch.

– Cho hột sen vô nồi nước, hầm chừng 30 phút thấy hột sen chín mềm vừa ăn là đủ (nếu dùng hột sen tươi có khi chỉ cần 10 phút là sen chín mềm).

– Sen mềm rồi thì trút đường vô nồi, khuấy nhẹ tay và đều, vặn nhỏ lửa đun chừng 5 phút cho hột sen ngấm đường.

– Vớt hột sen ra tô (giữ lại nồi nước).

– Bây giờ bạn nhét từng hột sen vô trong phần cơm nhãn đã bỏ hạt.

– Vặn lửa đun sôi lại nồi nước đường, sau đó cho hết nhãn đã lồng hột sen vô nấu chừng 2 phút.

– Tắt bếp. Ăn nóng hoặc nguôi, hoặc cho thêm đá vô nếu thích lạnh.

– Món ăn này rất ngon và bổ, giúp ngủ ngon, an thần.

*** Công đoạn tách hột nhãn và lồng hột sen vô nhãn hơi mất thì giờ, vì vậy nếu muốn làm nhanh bạn có thể không cần lồng vô cũng được. Cái đoạn nhét sen vô nhãn chủ yếu cho đẹp mà thôi.

Bảo Tố

Cách nấu CHÈ BẮP

Chè bắp (chè ngô) là món chè ngon miệng, hấp dẫn rất phổ biến ở các tỉnh miền Trung. Món chè có vị ngọt dịu, thơm dẻo của bắp nếp, bột sắn dây…đã trở thành món đặc sản khó quên trong lòng mỗi người.

Nguyên liệu:

  • – 4 trái bắp nếp (không non cũng không quá già)
  • – 1 muỗng cf bột năng, 1 muỗng cf bột sắn dây
  • – Đường phèn bột: 80g
  • – Nước cốt dừa: 300ml (Xem CÁCH LÀM NƯỚC CỐT DỪA)
  • – Lá dứa, muối, sữa tươi, vani.

Cách làm Chè bắp Hội An:

– Bắp lột vỏ, bào mỏng hạt cho tới sát cùi bắp. Cho cùi bắp vào nồi nước luộc lên cho sôi để có nước bắp…

– Vớt cùi bắp bỏ đi. Tiếp theo cho bắp đã bào vào đun trong lửa nhỏ, vừa đun vừa khuấy, tới khi bắp chín.

– Tiếp theo cho đường phèn vào khuấy tan. Cho tiếp bột sắn dây & bột năng (đã hòa tan trong chút nước) vào nồi chè đang sôi, vừa nấu vừa khuấy đều tới khi nào nước chè sánh lại vừa ăn là được.

– Cuối cùng rắc 1 ống vani vào nồi chè khuấy đều lên. Vậy là xong nồi chè, ta bắt đầu pha nước cốt dừa ăn kèm:

– Cho nước cốt dừa vào nồi nấu với 1-2 lá dứa, thêm sữa tươi vừa ý và một chút muối cho đậm vị. Vừa nấu vừa khuấy đều, tới khi nước cốt dừa sôi thì tắt bếp là xong.

– Chè bắp thường chan nước cốt dừa lên trên rồi ăn. Ăn nóng rất ngon nhưng bạn có thể để nguội rồi thêm đá nếu thích ăn lạnh.

Bảo Tố

Cách làm CHÈ ĐẬU XANH NẤU PHỔ TAI

CHÈ ĐẬU XANH tính mát, giải độc, rất tốt và ngon miệng cho mọi người. Phổ tai vị sần sật hấp dẫn lại có tác dụng thanh nhiệt, lợi thủy, cầm máu lúc bị chảy máu động mạch và còn giúp giảm huyết áp…Ngoài ra các nguyên liệu như trần bì, gạo tẻ, đường đỏ trong món chè này đều là những vị thuốc tốt. Món ăn bổ dưỡng và ngon miệng, có tác dụng hỗ trợ rất tốt cho người bị bướu cổ, mỡ trong máu, cao huyết áp, rối loạn tiêu hóa…

Nguyên liệu:

– 1 lạng đậu xanh nguyên vỏ (vỏ đậu xanh giúp thanh nhiệt), nửa lạng phổ tai ngâm nở, 1 lạng gạo tẻ, vài miếng trần bì (vỏ quýt), đường đỏ đủ ăn.

Thực hiện:

– Phổ tai ngâm nở rửa sạch rồi thái sợi nhỏ.

– Đậu xanh và gạo tẻ vo sạch.

– Bắc chảo lên bếp, cho gạo tẻ, phổ tai, đậu xanh rồi đổ nước vào nấu chung đến khi đậu nở mềm, thì cho đường đỏ vào khuấy đều, đường tan hết, nếm vừa miệng là xong.

Bảo Tố

Cách nấu CHÈ ĐẬU VÁN NƯỚC CỐT DỪA

Chè đậu ván nước cốt dừa với cái bùi bùi của đậu ván, béo béo của nước dừa là thứ chè đã làm say lòng bao nhiêu thế hệ trẻ em. Chè đậu ván có hai kiểu, kiểu loãng (ăn với đá) và kiểu đặc, sau đây là công thức làm kiểu chè đậu ván đặc.

Chuẩn bị:

  • –  Đậu ván khô: 250g
  • –  Nước cốt dừa: xem CÁCH LÀM NƯỚC CỐT DỪA
  • – Đường cát
  • – Bột năng: 2 muỗng súp, pha loãng với chút nước.
  • – Một ít lá dứa.

Thực hiện:

– Đậu ván đem ngâm cho nở mềm, sau đó luộc chín qua rồi đải vỏ. Đậu sạch vỏ thì đem hấp cho mềm.

– Bắc nồi cho đường cát vào nấu với lượng nước lạnh đủ ngập đậu (nếm cho vừa đủ độ ngọt), nêm thêm ít muối, cho vào ít lá dứa đã rửa sạch. Sau đó chế bột năng pha loãng vào nồi, khuấy đều.

– Nhẹ nhàng trút đậu ván vào, khuấy nhè nhẹ cho đậu chia đều trong nước (khuấy nhẹ kẻo nát). Nếm lại nước chè lần cuối coi có vừa ngọt chưa. Trước khi tắt bếp rắc vào một ống vani nữa là xong.

– Để cho chè nguội thì ăn được rồi. Trước khi ăn chan  chút nước cốt dừa lên. Riêng chè đậu ván dẻo thì phải có nước cốt dừa ăn mới ngon.

Theo Khánh Hòa

Cách làm CHÈ KHÚC BẠCH

CHÈ KHÚC BẠCH là món ăn lạ, ngon và vui miệng, từng tạo nên một cơn sốt vào khoảng năm 2013, nhưng sau đó nhiều người đã chuyển sang e ngại món chè này khi ngày càng có nhiều thông tin về những nguyên liệu kém an toàn được người bán sử dụng làm chè Khúc bạch. Dù gì đi nữa, không thể phụ nhận đây là loại chè đặc biệt, có tác dụng giải nhiệt tốt và thích hợp với mùa hè. Nếu e ngại về chất lượng chè hàng quán, bạn hoàn toàn có thể tự làm theo công thức sau đây để có món chè thơm ngon, bổ dưỡng. 
Nguyên liệu:

  • Sữa tươi không đường: 250 ml
  • Kem tươi: 250ml
  • Đường: 50-80g (tùy thích ngọt nhiều hay ít)
  • Bột gelatin: 6 muỗng cà phê
  • Vani chiết xuất: 1,5 muỗng cà phê
  • Bột trà xanh: 1,5 muỗng cà phê, hòa với 1 muỗng canh nước sôi. Xem CÁCH LÀM BỘT TRÀ XANH
  • Hạnh nhân loại xắt lát
  • Quả vải (tùy lượng ăn, có thể thay bằng nhãn)
  • Bột sắn dây ướp hoa bưởi, nước lọc, đường

Cách làm:
Bước 1:  Nấu 250 ml sữa, kem tươi, đường cho thêm nước trà xanh, khuấy cho đều. Cho 3 thìa cà phê gelatin đã ngâm nở vào khuấy tan rồi bắc xuống để nguội đổ vào khuôn.

Bước 2: Hạnh nhân nướng trong lò ở 110-120 độ C trong 4-5 phút, khi nào nhìn thấy hạnh nhân vàng thơm là được.

Bước 3: Đun nước với đường (tùy khẩu vị) khuấy cho đường tan đều. Hòa bột sắn dây với nước rồi đổ vào nồi nước đường, đun cho đến khi nước trong trở lại, để nguội hẳn.

Chú ý: Chỉ cho ít bột sắn dây để tạo độ hơi sánh một chút và mùi thơm. Nước dùng vẫn phải loãng để ăn cùng với chè. Nước dùng phải để thật nguội trước khi bày ra ăn.
Bước 4: Khúc bạch đã đông nhấc ra, xắt miếng vừa ăn.

Bước 5: Vải bóc vỏ bỏ hạt.

Bước 6: Cho khúc bạch 2 vị vào bát, cho tiếp vải, đá viên rồi chan nước dùng, rắc chút hạnh nhân lên trên.

Thế là bạn đã có bát chè khúc bạch thanh mát, giải nhiệt rồi đó.

Chúc bạn thành công với món chè khúc bạch!

 

Theo: EVA.vn

Cách làm CHÈ BÀ BA

Món CHÈ BÀ BA với “đủ thứ” nguyên liệu, được nhiều người rất ưa thích bởi vị ngọt bùi của nước cốt dừa hòa quyện với cái giòn của đậu phộng, dai của phổ tai, nấm mèo, bở của khoai lang, khoai sắn…Công thức sau đây sẽ giúp bạn có được nồi chè bà ba ngon chiêu đãi người thân.

Nguyên liệu:

  • Đậu phộng (lạc): nửa chén (có thể dùng đậu phộng tươi hoặc khô)
  • Củ sắn (khoai mì) 1 củ nhỏ, bỏ vỏ, ngâm nước muối qua đêm để loại bỏ độc tố
  • Khoai lang: 2 củ nhỏ, gọt vỏ, ngâm nước muối vài tiếng cho ra bớt nhựa
  • Đậu xanh cà: 1 chén
  • Hột sen khô: nửa chén
  • Đường cát trắng: 3 lạng
  • Nước cốt dừa: 1 lon (xem CÁCH LÀM NƯỚC CỐT DỪA)
  • Bột năng: 3 muỗng canh
  • Bột báng: 2 muỗng canh
  • Lá nếp (lá dứa): 1 bó
  • Phổ tai khô (hoặc nấm mèo): 1 ít, ngâm mềm, rửa sạch rồi thái sợi

Phổ tai sau khi thái sợi:

Cách làm:

Bước 1:

– Đậu phộng, đậu xanh, bột báng đem ngâm trong nước qua một đêm (đậu phộng tươi thì không cần ngâm). Hôm sau rửa lại các loại đậu cho sạch.

– Trút đậu xanh vào nồi, đổ nước ngập mặt đậu rồi nấu trên lửa nhỏ đến khi đậu nhừ, múc ra chén.

Bước 2:

– Đậu phộng ngâm xong cho vào nồi với nước, luộc chín tới, rồi múc ra để riêng.

– Hột sen rửa sạch, cho vào nồi nước hầm mềm kỹ, sau đó vớt ra để riêng.

Bước 3:

– Khoai mì và khoai lang xắt thành miếng vuông nhỏ.

 

Bước 4:

– Chuẩn bị nồi, cho chừng 2 lít nước vào nấu với lon nước cốt dừa. Nước sôi thả bó lá dứa vô nấu chung, đến khi sôi kỹ thì cho tiếp củ sắn, khoai lang vào nấu chung.

– 2 loại khoai chín mềm nhừ, thì cho tiếp hột sen, bột báng, đậu phộng đã nấu lúc nãy vào nấu chung. Nấu tới khi nào bột báng chín đổi qua màu trắng trong nổi lềnh bềnh trên mặt nồi chè là ăn được rồi. Lúc này bạn nêm thêm đường cho vừa ngọt. Cuối cùng cho phổ tai vô, quậy đều rồi tắt bếp.

– Chè này ăn nóng rất ngon.

Bảo Tố

Cách làm CHÈ SÂM giải nhiệt

Những ngày hè oi bức, không gì tuyệt vời hơn là một chén chè mát lạnh mà lại còn có tính giải nhiệt, bồi bổ cơ thể.

Nguyên liệu:

  • – 100g hạt sen khô
  • – 50g nhãn nhục (long nhãn)
  • – 100g nho khô
  • – 100g táo đỏ
  • – 1 muỗng nhỏ bột rau câu
  • – 200g đuờng

Cách làm:

– Hạt sen khô đun sôi cho gần mềm, đổ ra rổ để ráo

– Long nhãn ngâm nước nóng cho nở

– Nho khô rửa sơ cho sạch, nếu có sạn thì nhặt sạn ra

– Táo đỏ rửa sơ ngâm nước nóng

– Bắc một nồi nhỏ lên bếp, hòa một muỗng nhỏ bột rau câu vào 200 ml nước, đun sôi sau đó đổ ra tô chờ nguội làm thạch, chú ý không cho đường vào thạch

– Bắc một nồi khác lên, chờ nóng cho 1/2 đường vào tạo caramen, chú ý không để quá vàng sâm sẽ có mùi đắng. Sau đó đổ nước vào, chừng 400ml, cho nốt số đường còn lại vào. Nêm cho ngọt vừa miệng.

– Nước sôi cho hạt sen vào, sau đó là nhãn, nho khô và táo, nêm một chút xíu muối. Để nhỏ lửa cho hạt sen mềm, táo và nhãn ngấm đường, nếm vừa miệng nhấc xuống.

– Lúc này thạch đã đông lại rồi nên lấy ra xắt nhỏ cho vào chè sâm. Để lạnh hoặc chờ cho nguội thêm đá lạnh vào ăn rất ngon

– Món chè sâm này rất tốt cho cơ thể vào ngày hè vì nó vừa cung cấp thêm nước vừa bổ dưỡng sẽ giúp bạn hồi sức rất nhanh.

Theo Loan Trần (ngoisao.net)

Cách làm MỨT BÍ ĐAO

Mứt bí đao là món mứt khá đắt khách trong dịp Tết, nhờ vào vị ngọt thanh và kết cấu giòn giòn xốp xốp của nó. Công thức sau đây sẽ giúp bạn làm món mứt này một cách đơn giản.

Nguyên liệu:

– Bí đao: 1kg, chọn quả già (bí giàn)
– 500g đường cát trắng
– 5g vôi tôi
– 15g phèn chua
– 1 muỗng cafe nước hoa bưởi (hoặc nước cốt chanh).

Cách làm:

Bước 1:

– Bí đao gọt vỏ, bỏ ruột, thái miếng nhỏ vừa ăn.

mav170

Bước 2:

– Vôi trắng hòa với nước lạnh, để khoảng 15 phút cho lắng bột xuống, chắt lấy phần nước vôi trong ở trên (đổ bỏ cặn). Sau đó cho bí vào ngâm trong nước vôi trong khoảng 4-5 tiếng (nước vôi ngập mặt bí).  Sau đó rửa lại nhiều lần cho sạch vôi. Để ráo.

mav169

Bước 3:

– Lấy 2 lít nước pha với 15g phèn chua, nấu sôi hỗn hợp này cho phèn tan hết. Tắt bếp, trút bí vào, đậy nắp lại chừng 3 phút (đừng để lâu), cho bí lên màu trong. Sau đó lại vớt bí ra ngoài, rửa xả bằng nước lạnh cho hết phèn. Để ráo.

mav168

Bước 4:

– Trút 500g đường cát vào bí, trộn nhẹ cho đường bám đều, sau đó ướp khoảng 5-6 tiếng cho đường chảy thành  sirup bám vào bí.

Bước 5:

mav167

– Bắc chảo lên bếp, cho bí đã ngâm đường vào chảo, vặn lửa lớn đun sôi rồi nhỏ lửa liu riu sên bí cho tới khi nào đường cạn. Khi đường sắp cạn queo thì rắc vani và nước hoa bưởi (hoặc nước cốt chanh) vào, trộn nhè nhẹ cho tới khi đường kết tinh thành bột trắng bám vào bí thì ngưng, tắt lửa.

Bước 8:

mav166

– Trút bí ra tờ báo hoặc cái vỉ, phênh, phơi gió để hong mứt bí cho khô hẳn thì mới  cho vào lọ bảo quản.  Lưu ý khi phơi nên tránh ruồi muỗi.

 Cún Khang (VNexpress)

Bảo Tố

Cách nấu CHÈ KHO

CHÈ KHO là món ăn cổ truyền thường thấy trong ngày Tết ở miền Bắc Việt Nam. Chè kho có vị ngọt, thơm và bổ dưỡng, ăn kèm trà nóng, thích hợp với tiết trời se lạnh của những ngày Tết.

Nguyên liệu:

  • 500g đậu xanh không vỏ
  • 300g đường đỏ
  • Nửa trái thảo quả, sấy khô, tán nhỏ rây thành bột mịn. (mua ở tiệm thuốc Bắc)
  • 1 muỗng cafe mè trắng rang chín, xát bỏ vỏ.

Thực hiện:

1. Đậu xanh ngâm nước khoảng 4-5 tiếng cho nở mềm. Có thể ngâm bằng nước ấm cho nhanh nở. Sau đó vớt ra rửa sạch.

2. Hấp đậu xanh cho chín mềm. Sau đó dùng cái vá hoặc muỗng tán hạt đậu cho nhuyễn (dùng chày giã cũng được), mịn.

4. Bắc nồi nấu 300g đường đỏ với 500ml nước, nấu sôi cho tan đường. Sau đó chắt lấy phần nước đường, bỏ cặn.

3. Cho nước đường vào nồi vặn lửa nấu tiếp. Cho đậu xanh đã đánh nhuyễn vào nấu chung (nước đường sâp sấp mặt đậu), vừa nấu vừa khuấy liên tục kẻo chè bị cháy. Nấu đến khi nào nước cạn, hỗn hợp chè lên sền sệt thì rắc bột thảo quả vào khuấy lên cho đều, rồi tắt bếp.

4. Múc chè kho ra khuôn, ép chặt. Rắc mè lên trên. Chờ cho chè nguội, hơi cứng lại là được. Khi ăn xắt ra thành miếng.

*** Chè kho để ngoài được 2-3 ngày tùy thời tiết. Nếu muốn giữ lâu hơn thì để tủ lạnh.

Bảo Tố

Cách làm MỨT DỨA DẺO

MỨT DỨA với vị thơm ngọt quen thuộc và kết cấu dẻo mềm sẽ mang đến sự hấp dẫn, mới lạ cho mâm cỗ Tết nhà bạn.

Nguyên liệu:

  • 1 trái dứa chín
  • 500g đường
  • Nước cốt chanh
  • Vani, muối, 1 muỗng cafe phèn chua.
Thực hiện:
1. Dứa gọt vỏ, bỏ mắt, khoét bỏ lõi. Xắt thành khoanh tròn, dày khoảng 0,5cm. Rắc 1 muỗng cafe muối vào dứa, ướp khoảng 20 phút, sau đó rửa sạch. Để ráo.
2. Bắc nồi nước đủ luộc dứa, cho vào một chút phèn chua tán mịn, nấu sôi rồi cho dứa vào luộc sơ trong 5-7 phút. Sau đó vớt ra rửa nước lạnh cho sạch phèn.
3. Cho dứa vào thau, rắc hết đường vào dứa, trộn đều rồi phơi nắng khoảng 3 tiếng cho đường chảy ra thành sirup.
4. Bắc chảo lên bếp vặn lửa vừa, trút thau dứa ướp đường vào đun sôi. Sau đó vặn lửa liu riu. Sên tới khi nào nước đường dứa gần khô cạn thì chan vào 1 muỗng canh nước cốt chanh.
5. Tiếp tục đun đến khi đường sệt quánh kéo thành sợi tơ thì rắc 1 ống vani vào, tắt bếp. Gắp mứt bỏ lên vỉ hoặc nan, để ngoài nơi thoáng mát tới khi khô nguội hẳn thì xếp vào lọ.

Cách làm KẸO CHANH DÂY (CHANH LEO)

Mứt chanh leo (gọi kẹo cũng được) có vị chua, không những giải ngấy hiệu quả sau khi bạn ăn quá nhiều thức ngọt khác. Mứt này còn rất đẹp và hấp dẫn.

Nguyên liệu:

  • 4 quả chanh leo, mua về lấy được khoảng 100ml nước cốt
  • 100g đường
  • Nửa quả chanh, vắt lấy nước
  • 10g bột Pectin (mua ở tiệm làm bánh)
  • Khuôn nhựa hay gì cũng được.

Thực hiện:

– Nước chanh leo + nước chanh + đường cho vào nồi nhỏ, bắc lên bếp đun lửa nhỏ vừa đun vừa khuấy cho tan hết đường.

– Bột pectin hòa với tí xíu nước quấy lên cho tan rồi đổ vào trong hỗn hợp trên (bột này giúp đông thành kẹo).

– Đun thật nhỏ lửa trong 10 phút, hỗn hợp sẽ dần keo lại.

– Chuẩn bị cái khuôn, quét một lớp mỏng dầu ăn dưới khuôn để lát nữa dễ lấy ra. Sau đó đổ hỗn hợp trong nồi vào khuôn, để trong điều kiện tự nhiên 1 ngày là kẹo đông chắc lại. Lúc này có thể xắt nhỏ ra thành từng miếng vừa ăn.

– Có thể áo lớp đường mịn quanh kẹo cho giống kẹo dẻo.

Bảo Tố

Cách làm MỨT CHÙM RUỘT

MỨT CHÙM RUỘT là món quà vặt tuổi thơ rất ngon đến mức mà sau này nhiều người vẫn không kiềm chế được khi nhìn lại. Tuy vậy hiện nay nhiều nơi làm mứt chùm ruột không đảm bảo, nên để an tâm hơn, người ta thường mua chùm ruột về nhà tự làm. Công thức sau đây sẽ hướng dẫn bạn làm một trong những món mứt “đắt hàng” nhất dịp Tết này.

Nguyên liệu:

  • 2kg chùm ruột (chọn trái to, tròn, ít khía cạnh để khó bị nát)
  • 1kg đường thẻ, giã nhỏ
  • Gia vị:
    – Nếu làm chua – cay – ngọt: Thêm 1 gừng to để nguyên vỏ giã nhuyễn và ớt bột
    – Nếu làm chua ngọt: Thêm ống vani.

Cách làm:

– Chùm ruột mua về nhặt lại quả sâu, bỏ cuống rồi làm ngay không để lâu.

– Lấy một nắm chùm ruột bỏ vô cái rổ, dưới rổ hứng cái thau để hứng nước chua. Lấy một vật có bề mặt tròn (ví dụ cái gáo dừa, hay cái thau nhỏ) đè lên chùm ruột, ép và xoay nhẹ để làm sao cho chùm ruột bị dập, ra nước chua mà không nát. Làm lần lượt cho hết nguyên liệu.

– Làm xong rồi, thì lại cho chùm ruột đã nhừ vào ngâm với nước chua qua đêm.

– Hôm sau vớt chùm ruột ra, rửa lại vài lần với nước. Tiếp tục cho từng nắm chùm ruột vào cái khăn vải, túm lại một đầu, bóp nhẹ và đều cho chùm ruột tiết ra hết nước (từ 2kg chùm ruột, vắt xong cân lại còn 1kg).

*** Các công đoạn ép – xả nước – vắt phải làm kỹ để chùm ruột ra hết nước, kẻo khi làm xong có vị chát.

– Đường thẻ đem hòa với 2 muỗng canh nước, cho lên bếp nấu cho tan đường. Lọc kĩ lại cho sạch nước đường. Sau đó cho chùm ruột vào ngâm trong nước đường khoảng 2-3 giờ.

– Tiếp theo vớt hết chùm ruột ra. Cho nước đường lên bếp đun tới khi nào nước đường dẻo dẻo, thì bỏ chùm ruột vào sên trên lửa vừa (không sên lửa nhỏ như các loại mức khác).

– Sên tới khi đường tan hết, chảo chùm ruột bắt đầu sôi thì ta nhỏ lửa, bắt đầu nêm gia vị: Cho gừng và ớt bột vào nếu thích làm vị cay ngọt. Nếu muốn làm vị chua ngọt thì cho vani vào. Sau khi cho gia vị vào thì nhớ là đảo đều tay, nhẹ nhàng. Đảo tới khi nào chùm ruột chuyển màu cam đỏ, đường ráo là được. Tắt bếp, nhấc xuống, vẫn đảo đều tay.

– Chùm ruột nguội hẳn thì cho vào lọ thủy tinh để bảo quản.

Bảo Tố

Cách làm KEM CHUỐI ÉP BỊCH

Kem chuối là món ăn chơi rất dân dã nhưng ngon lành và là hương vị không thể quên trong tuổi thơ nhiều người. Vì thành phần chính của kem là chuối nên cách làm cũng không có gì phức tạp.

Nguyên liệu (cho 20 cái):

  • 1 lạng dừa non nạo
  • 400g dừa già nạo + 500ml nước để làm nước cốt dừa / hoặc xem CÁCH LÀM NƯỚC CỐT DỪA
  • 20 trái chuối sứ
  • 100g đậu phộng rang vàng, giã nhỏ.
  • 4 muỗng canh bột năng, hòa với ít nước

Thực hiện:

– Cho 400g dừa nạo vào xay chung với 500ml nước rồi vắt lấy nước cốt. Cho nước cốt này lên bếp nấu lửa nhỏ, nêm thêm 1 muỗng cafe muối, 3 tới 5 muỗng canh đường (tùy độ ngọt của chuối bạn có) và cho thêm bột năng đã hòa tan vào rồi quậy đều trên lửa, tạo thành hỗn hợp cốt dừa sền sệt. Tắt bếp để nguội.

– Chuẩn bị thớt, lót miếng nilon rồi cho quả chuối đã lột bỏ vỏ lên. Dùng một miếng nilon khác đậy lên quả chuối sau đó dùng dao to hoặc dụng cụ nào cũng được, ép dẹp chuối (như khi làm bánh chuối chiên).

– Sau đó dùng hỗn hợp nước cốt dừa ban nãy trét lên mặt chuối. Rồi rắc tiếp đậu phộng rang giã nhỏ và vài cọng dừa non nạo lên.

– Cho cả miếng vào bao nilon nhỏ, rồi làm tiếp những miếng khác. Làm xong xếp vào tủ đá cho đông cứng lại là xong.

Bảo Tố

Ảnh: Khánh Hòa@VNexpress

CÁCH LÀM DÂU TÂY BỌC CHOCOLATE

Chỉ với vài trái dâu tây và một ít chocolate, bạn đã có thể mang đến cho gia đình và bạn bè một món quà Noel thật dễ thương rồi đó!

Nguyên liệu:

200g dâu tây
100g chocolate đen
100g chocolate trắng
Vài chiếc nĩa tre (hay que tre đều được)
Nylon dùng để bắt bông kem.

Bước 1:

Dâu tây ngâm rửa sạch với nước muối, để ráo rồi dùng khăn giấy thấm khô. Tiếp đó bạn dùng que tre cắm vào từng tráidâu tây như hình cây kẹo.

Bước 2:

Chuẩn bị nồi nước nóng già, bạn đặt tô chocolateđen vào giữa nồi nước, nhớ là đừng để nước vấy vào chocolate, khuấy đều từ từ cho tới khichocolate tan chảy hết thì tắt bếp.

Lấy những que tre đã cắm sẵn dây tây nhúng vào chocolate sao cho bề mặt trái dâu phủ đầychocolate rồi bạn lấy ra và cắm vào một miếng xốp lớn hoặc một chiếc cốc để chocolate nguội và khô đi.
Bước 3:

Tiếp tục thực hiện tương tự cho phần chocolatetrắng.

Nhúng một vài que dâu tây đã chuẩn bị sẵn vàochocolate trắng nóng chảy.
Bước 4:

Lấy chỗ chocolate đen và trắng còn thừa cho vào 2 túi nylon, cắt ở đầu mỗi túi nilon một lỗ thật nhỏ để chuẩn bị trang trí lên các trái dâu.

Một tay cầm que dâu tây đã được áo sẵnchocolate, một tay cầm túi bắt bông kem, bắt theo nhiều vòng tròn, thêm vào đó là một vài chấm bi nhỉ, rồi đợi tí cho chocolate khô lại là được.

Thật là đơn giản và đẹp mắt đúng phải không bạn? Chỉ với vài trái dâu tâyvà một ít chocolate, bạn đã có thể đem đến cho gia đình và bạn bè một món quà Noel thật dễ thương rồi đó!

Chúc các bạn thành công và ngon miệng!

Theo Vy Trân, Afamily.vn

CÁCH LÀM KEM SỮA LẮC CHOCOLATE ĐEN

Một cốc kem sữa lắc trông thật hấp dẫn mà lại ngon miệng, nhưng thật ra không khó làm đâu nhé! Chỉ là phối hợp các nguyên liệu lại với nhau thôi.

Nguyên liệu:

  • Chocolate dạng nước dẻo (nấu chảy Chocolate thỏi hoặc dùng sữa đặc chocolate cũng được): nửa ly, thêm 1 muỗng để trang trí
  • Sữa tươi 1 ly
  • Vài muỗng Kem vani hoặc kem dừa
  • Chocolate đen xắt vụn.

Cách làm :

– Cho ly sạch vào tủ lạnh trước để làm lạnh.

– Trong lúc đó, cho hỗn hợp chocolate dạng nước dẻo, sữa tươi và kem vào máy xay sinh tố, xay lên cho quyện đều.

– Lấy ly từ trong tủ lạnh ra, lúc này ly đã lạnh. Ta vừa xoay ly vừa chế 1 muỗng Chocolate nước vào phía trong thành ly, Chocolate sẽ bám vào thành ly tạo thành những đường nét ngẫu nhiên.

– Sau đó đổ nhẹ nhàng hỗn hợp đã xay trong máy xay sinh tố vào ly. Cuối cùng múc muỗng kem vào ly rồi rắc tiếp một ít chocolate vụn lên mặt ly cho hấp dẫn.

Bảo Tố.

Cách nấu CHÈ TRÔI NƯỚC

Chè trôi nước trong miền Nam và Bánh trôi Tàu ngoài Bắc có cách làm khá tương tự, thường là chỉ khác ở phần nhân, phần phụ gia và cách nêm nếm của người nấu.

Nguyên liệu:

  • Bột nếp:350g
  • Bột tẻ: 50g
  • Đậu xanh không vỏ: 200g
  • Dừa nạo vụn: 50g
  • Nước cốt dừa: 200g (xem CÁCH LÀM NƯỚC CỐT DỪA)
  • 1 củ gừng, chia ra vừa xắt lát, vừa thái cọng, cho đẹp.
  • Mè (vừng) và đậu phọng giã dập
  • Hành củ băm nhuyễn: 2 muỗng canh
  • Đường vàng (nếu được thì dùng đường thốt nốt), muối, dầu ăn

Cách làm Chè trôi nước:
– Đậu xanh cho vào nồi, thêm nước vào nấu cho chín mềm, sau đó cho vào cối giã nát bằng chày, cho thêm 1/2 muỗng cafe muối, 1 muỗng cafe đường vào trộn đều.

– Bột nếp trộn với bột tẻ, hòa với tầm 300ml nước sôi, trộn cho thấm kĩ, đậy kín nắp khoảng 1 tiếng cho bột nở. Trong lúc đó ta làm nhân:

– Bắc cái nồi hoặc chảo sâu, cho tí dầu rồi cho tất cả hành phi vào phi thơm (hơi vàng), rồi cho đậu xanh vô xào chung. Xào đều và mạnh tay trong khoảng 5 phút, cho hành phi, dầu ăn và đậu xanh quyện đều với nhau. Sau đó trút ra ngoài.

– Vo thành từng viên nhỏ bằng trái táo ta. Vo xong thì nhào bột:

– Trút hết bột ra mặt phẳng, nhồi cho kỹ, dùng tay trần cảm nhận nếu bột nhão dính tay thì xoa thêm bột nếp vào nhồi, nếu thấy khô thì cho thêm nước. Nhồi đến khi nào cảm thấy bột mịn mềm dễ chịu là được.

– Ngắt bột ra thành những viên nhỏ bằng trái táo ta, sau đó ấn bẹp, rồi cho viên nhân vào giữa, gấp các mép bột lại gói kín, rồi vo lại lần nữa cho tròn đều. Lưu ý gói cẩn thận sao cho lớp bột ôm khít vào nhân, để khi nấu viên trôi nước không bị vỡ. Làm lần lượt cho hết bột và nhân.

– Phần bột còn dư ta vo thành những viên nhỏ cỡ viên bi ve, vì không có nhân nên vo nhỏ cho dễ ăn. Cuối cùng là bắc tay vào nấu chè:

– Chuẩn bị nồi nước to, nấu cho sôi, sau đó thả lần lượt từng viên bột đã vo vào nước (từ nay gọi viên bột là trôi nước), nấu tới khi nào viên trôi nước nổi lên mặt nước trở lại, thì ta vớt ra cho vào thau nước lạnh để không bị dính. Làm lần lượt cho hết.

– Chuẩn bị một nồi nước khác, cho 400ml nước vào nấu với 5 muỗng canh đường vàng, nấu tới khi nào đường tan, nếm thấy ngọt dịu là ok, ngọt quá thì phải cho thêm nước.

– Nước đường sôi, ta cho gừng cọng đã đập dập vào. Tiếp theo cho tất cả viên trôi nước ban nãy vào nồi nấu tiếp trên lửa nhỏ, cho tới khi nào nước sôi nhẹ trở lại thì tắt bếp.

– Bây giờ bạn có thể múc ra chén ăn nóng được rồi. Nếu hảo nước dừa thì khi múc ra chén, chan thêm một muỗng nước dừa nữa nhé! Và nhớ đừng quên rắc dừa vụn, mè & đậu phộng giã dập lên trên cùng, hương vị của các loại phụ gia này cũng rất quan trọng!

Bé Thúi / MAV

Cách nấu CHÈ ĐẬU ĐEN HẠT SEN thanh nhiệt, giải độc, ngủ ngon

Phối hợp hai loại đậu, cùng với chút trần bì (có vị cay) sẽ làm món chè trở nên khó ngán hơn. Chè đậu đen hạt sen là món ăn ngon miệng và bổ dưỡng, thích hợp với những ngày trời nóng nực. Món này còn có tác dụng trị đau lưng, mất ngủ, giúp an thần, thanh nhiệt, giải độc…Chè đậu đen hạt sen còn là một món tẩm bổ rất tốt cho bà bầu với tác dụng giúp an thai, tránh khuyết tật ở thai nhi.

Nguyên liệu:

  • 150g đậu đen
  • 150g hạt sen khô
  • Trần bì (mua ở tiệm thuốc Bắc, hoặc là lấy vỏ quýt thái chỉ rồi phơi khô queo lại)
  • Đường (đường đen càng ngon và bổ)

Cách nấu:

– Đậu đen nhặt rửa sạch, sau đó đem ngâm nước trong 2 giờ.
– Hạt sen khô mua về đem ngâm vào nước khoảng 1 giờ.
– Mỗi loại cho vào một cái nồi, đổ ngập nước rồi nấu cho tới khi mềm.
– Sau đó cho 2 loại vào chung 1 nồi, thêm đường vừa ngọt đủ ăn (đừng ngọt quá không tốt và cũng không cảm nhận được vị đậu).
– Cho thêm trần bì vào.
– Đun sôi rồi vặn nhỏ lửa cho tới khi đường ngấm vào hai loại hạt trên.

Bé Thúi / MAV

CÁCH LÀM BỘT TRÀ XANH (MATCHA) CỰC ĐƠN GIẢN

Một ký lá trà tươi cho ra khoảng 100gr bột trà xanh nguyên chất, cách làm đơn giản, không lo bị mua nhầm bột trà xanh bị pha trộn. Yên tâm làm ra những chiếc bánh ngon, ly trà thơm lừng, lại còn có thể chăm sóc sức khỏe và làm đẹp. 

Nguyên liệu:

  • 1kg lá trà xanh, lựa lá vừa và hơi già,không quá non, không bị dập nát, hư hỏng.
  • Ít muối.

Cách làm:

– Nhặt bỏ cành, lấy lá đem rửa sạch với muối.

– Sau khi ráo nước xếp lá ra phơi 2-3 nắng, lá trà giòn rụm là được. Chú ý: lá ướt sũng đem phơi dể bị cháy nắng, thành phẩm không đẹp mắt. Và cũng không phơi nắng to, tốt nhất là phơi ngoài trời nơi nắng không chiếu vào, vì nắng mạnh sẽ làm lá có màu vàng úa không đẹp.

 

-Tước bỏ cuống, xơ của lá để thành phẩm mịn hơn.
– Bỏ lá đã được tước cuống vào máy xay, lọc qua rây, phần còn to bỏ vào máy xay lại.


– Bột mịn bỏ vào hũ dùng dần.

– Với bột trà xanh, bạn có thể dùng làm đẹp, làm bánh, nấu ăn hoặc pha trà uống đều rất tốt.

Yến Hà (MAV.vn)

Cách làm BÁNH FLAN mềm mịn thơm ngon

Bánh flan (hay kem caramel) là món ăn chơi luôn luôn hấp dẫn đối với mọi người, nhờ vào hương vị thơm ngon và kết cấu béo mịn, mềm đặc trưng của trứng và sữa khi hấp lên. Cách làm bánh flan không quá phức tạp nhưng đòi hỏi bạn phải cẩn thận ở các công đoạn khuấy hỗn hợp, hấp bánh để bánh được mịn ngon. Công thức sau đây của Huyền Trân sẽ giúp bạn có được món bánh flan ngon lành và đẹp mắt để chiêu đãi người thân, bạn bè.

Nguyên liệu:

  • 8 trứng gà ta
  •  300ml whipping cream
  •  600ml sữa tươi không đường
  •  5 muỗng canh sữa đặc có đường
  •  2 muỗng canh đường

* Nếu không có gà ta bạn có thể dùng gà công nghiệp, nhưng chỉ dùng 8 lòng đỏ, 4 lòng trắng để bánh không bị tanh.
** Whipping cream giúp bánh béo hơn, nguyên liệu này có bán ở các siêu thị hoặc tiệm làm bánh, nếu không mua được hoặc không thích béo, bạn có thể bỏ qua whipping cream, thay bằng sữa tươi.
*** Lượng đường này giành cho khẩu vị hơi ngọt, nếu bạn không ăn ngọt thì có thể giảm bớt.

Chuẩn bị hỗn hợp:

– Đầu tiên cho hết lượng trứng đã chuẩn bị vào cái tô lớn, dùng cây đánh trứng đánh cho tan. Đánh nhẹ tay, không đánh mạnh kẻo nổi bọt làm bánh bị rỗ.
– Dùng rây lược vài lần để trứng mịn. Sau đó để đó một lúc cho bớt bọt (không làm ngay sau khi đánh trứng vì bánh sẽ bị rỗ do bọt còn nhiều. Tốt nhất là bạn đi làm việc gì đó một lát rồi làm tiếp).
– Bắc cái nồi đun hỗn hợp gồm sữa tươi, whipping cream, sữa đặc và đường cho ấm lên (đừng nóng quá kẻo đổ trứng vào làm trứng bị chín luôn là hỏng).
– Dùng cái rây hứng, đổ hỗn hợp trứng đã đánh qua rây vào chung với hỗn hợp sữa, vừa đổ vừa quấy đều, nhẹ tay.

Thắng caramel:

– Cho khoảng 5 muỗng canh đường và chút nước xâm xấp, nấu cho tới khi lên màu cánh gián thì cho tiếp chút nước, đợi đường tan hết thì tắt bếp. (Cho nhiều đường để cho caramel mau đông lại, đổ vào khuôn sẽ không bị hòa vào hỗn hợp trứng sữa làm bánh bị rỗ).
– Đổ caramel vào khuôn thành một lớp mỏng dưới đáy khuôn, chờ cho cứng lại.
– Tiếp theo, nhẹ nhàng đổ hỗn hợp trứng sữa đã hòa tan ban nãy vào từng khuôn đã tráng caramen. Sau đó chuẩn bị hấp bánh.

Hấp bánh:

– Chuẩn bị cái nồi để hấp cách thủy, lưu ý đun cho nước sôi, vặn lửa nhỏ nhất rồi mới cho bánh vào hấp.
– Dùng một cái khăn đậy lên nắp vung khi hấp để hơi nước không bị nhỏ vào bánh.
– Hấp khoảng 10-20 phút tùy theo khuôn bánh to hay nhỏ, bánh dày hay mỏng. Kiểm tra xem bánh se mặt lại là chuẩn bị chín, lúc này ta lấy cây tăm đâm vào thử, nếu thấy bánh không dính vào tăm là được rồi.
– Nhấc bánh ra, để nguội, nếu có tủ lạnh thì cho vào tủ lạnh làm mát trước khi ăn.

Huyền Trân Nguyễn.

Nguyên liệu: (Cho 10- 12 cái bánh) 

1) Vỏ bánh:
– 600grs bột bánh dẻo loại đặc biệt (bột bánh dẻo
loại ngon được làm bằng nếp trên sàng, rang chín
rồi xay mịn như phấn thoa mặt)
– 500grs đường loại trắng tinh thượng hạng.
– 1 thìa canh nước hoa bưởi.
– 450 ml nước.
2) Nhân bánh: có thể chia làm 2 loại nhân

*Nhân thập cẩm 

– 200grs đậu xanh cà.
– 200grs đường cát.
– 100grs mứt bí xắt vuông nhỏ như hạt lựu. (có bán sẵn ở hàng phụ liệu làm bánh)
– 100grs hạt dưa bóc vỏ. (có bán sẵn)
– 100grs mứt sen trần. (có bán sẵn)

*Nhân đậu xanh trứng

– 300grs đậu xanh cà.
– 300grs đường.
– 12 trứng muối.
– 1/2 chén rượu trắng.
– 1 nhánh gừng nhỏ.
– 12 cái hộp nhựa trong để chuyên đựng bánh dẻo.

Cách làm: 

Bạn nấu nước đường từ ngày hôm trước để đến ngày hôm sau mới bắt đầu làm.Cứ 500grs đường trắng nấu với 450ml nước cho sôi đều lên và nhắc xuống đổ vào lọ thủy tinh.

*Chuẩn bị nhân thập cẩm 

Đậu ngâm 1 đêm, đãi vỏ và đem nấu với một ít sâm sấp nước, nấu thật khéo sao cho đậu nhừ và chín bằng hơi nóng nhiều hơn là bằng nước thì đậu sẽ dẻo, ráo, không nên dùng loại đậu đã đãi vỏ sẵn sẽ không còn mùi thơm.Khi đậu đã chín bạn bắc nồi đậu xuống, dùng muỗng cán dài đánh nhuyễn đậu lúc còn nóng, bạn cho đường vào đánh tiếp (100grs đậu xanh sống cần 90grs đường). Sau đó bạn bắc nồi đậu lên bếp lửa nho nhỏ, đảo nồi đậu luôn tay bằng đũa cả, cho tới khi thấy nặng tay, đậu ráo và đứng ngọn thì cho chút vanille và nhắc xuống, lúc này đậu đã có một mầu vàng sẫm tự nhiên rất đẹp, bạn đợi cho đậu nguội hẳn rồi mới làm tiếp.
– Hạt dưa đem sàng sẩy sạch rồi cho vào nồi rang vàng.
– Mứt sen xắt làm tư mỗi hạt.
– Nếu bạn thích làm thêm hạt điều thì tách đôi hạt điều lau bụi ở giữa rồi xắt nhỏ tùy thích.
Cho tất cả mứt bí, hạt sen, hạt điều, hạt dưa vào nồi đậu xanh trộn đều các loại, lấy cân chia mỗi phần nhân khoảng 80grs vo tròn.

*Chuẩn bị nhân đậu xanh trứng 

– Đậu xanh cũng làm như cách trên.
– Gừng đem giã vắt lấy nước trộn với rượu trắng, đập 12 trứng muối, lấy lòng đỏ đem ngâm vào nước rượu gừng chừng 10′ sau đó vớt ra đem hấp cách thủy cho lòng đỏ chín.
Khi đậu và trứng muối đã nguội hằn thì lấy cân chia mỗi phần khoảng 6 đến 70grs đậu, cho lòng đỏ trứng vào giữa và vo tròn từng viên nhân.

*Trộn bột, gói nhân:

Nước đường trong veo bạn đã nấu từ ngày hôm trước, để thau nhựa lên cân, chế vào thau 90grs nước đường, cho vào 1/3 thìa cafe nước hoa bưởi, bạn đừng cho nước hoa bưởi nhiều quá sẽ gây nồng hắc, chỉ cho thoảng nhẹ mùi hoa bưởi là vừa. Bạn cân sẵn bột vào chén, mỗi chén 70grs, để rây lên phía trên thau nước đường, đổ bột vào rây lắc nhẹ cho bột xuống hết dưới thau, dùng cây trộn bột khuấy đều cho bột và nước đường quyện dẻo lại.
Bàn cán bánh bạn đã chuẩn bị sẵn, rây lót bàn một khoảng bột áo, lấy đồ vét bột cho khối bột ra bàn chỗ bột áo, rắc lên mặt thêm một chút bột để chày cán bột không bị dính, bạn cán nhanh tay, gấp miếng bột lại rồi cho thật đều, cuối cùng bạn cán miếng bột dày khoảng 3 ly, cắt đôi miếng bột, mỗi miếng bạn cho vào giữa 1 viên nhân, giáp mí lại vo tròn và tiếp tục trộn bột rồi gói nhân cho đến hết nước đường.

*Ra bánh:

– Khuôn rây nhẹ một lớp bột mỏng đều, cho viên bột vào giữa khuôn, phần giáp mí để lên trên, dùng tay ấn mạnh viên bột xuống khuôn để có hoa văn sắc cạnh trên mặt bánh, ấn đều các góc để bánh được đứng và có cạnh đẹp. Chuẩn bị một mâm Inox sạch, úp khuôn bánh xuống mâm, lần lượt gỡ khuôn ra, tiếp tục in bánh khác cho đến hết.
Nếu khuôn có chỗ bị dính bột, bị sát phải xử lý ngay bằng cách bóc sạch chỗ bột bị dính và trước mỗi lần cho nhân vào in thì đều rây nhẹ một lớp bột mỏng, bạn nhớ nếu rây nhiều bột quá bánh sẽ không trong mà các hoa văn của bánh cũng không sắc nét vì bột đã che lấp.
Làm xong bạn để bánh trong mâm sau 24 tiếng cho bánh trở trong dần, sau đó đem xếp vào hộp và dùng trong vòng 3 tuần.

Yêu cầu kỹ thuật :

Bánh có màu trắng trong, hoa văn sắc nét, vỏ bánh ăn dai, dẻo, nhân ráo, có mùi thơm đặc trưng và nhẹ nhàng. Mỗi dịp Lễ Trung Thu, Bánh Dẻo thông thường thưởng thức kèm chung với Bánh Nướng Trung Thu. Chúc bạn thành công mỹ mãn để cùng người thân đón ánh trăng rằm trung thu một cách thú vị và hạnh phúc nhất !