Cách làm Thịt kho dừa

Thịt kho dừa, món ăn dân dã, đậm đà, béo thơm mà không ngán. Tùy mỗi nhà, có thể thêm trứng cút, hoặc thay nước bằng nước dừa để kho.

Nguyên liệu:

  • Thịt ba chỉ hoặc thịt vai có mỡ: 4 lạng
  • Cùi dừa: 2 lạng (chọn dừa vừa không non không già)
  • Nước mắm, đường, hành củ, hành lá, tiêu

Thực hiện:

  1. Thịt ba chỉ xắt miếng vừa ăn. Ướp với hành củ băm nhỏ, một chút tiêu, 1 muỗng canh nước mắm, 1 muỗng cafe đường trong 20 phút.
  2. Dừa cạo phần áo nâu, xắt cọng dày khoảng 0,5cm.
  3. Bắc cái nồi kho, cho 2 muỗng canh nước hàng (có thể làm nước hàng trực tiếp trên nồi kho, làm xong thả thịt vào nấu ngay, xem CÁCH LÀM NƯỚC HÀNG). Nấu tí cho nóng rồi cho thịt vào, xào sơ cho thịt nhuộm màu nước hàng, nấu lửa vừa khoảng 10 phút.
  4. Nhỏ lửa, trút dừa vào nấu tiếp khoảng 20 phút, thấy dừa nhuộm màu nước hàng là thấm.
  5. Nêm lại cho vừa ăn, đợi tới khi nước thịt sền sệt gần cạn thì tắt bếp, rắc hành lá, tiêu.
  6. Lấy thịt ra dĩa, ăn với cơm nóng.

Bé Thúi (MAV.vn)

Cách làm Cá lóc kho dứa

Món ăn dân dã nhưng có thể làm hài lòng bất kì cái miệng ham ăn nào! 🙂

Nguyên liệu:

  • Cá lóc: 1 con
  • Dứa chín: 300gr
  • Hành, tỏi băm nhuyễn.
  • 3 trái ớt.
  • Mỡ nước
  • Nước mắm, đường, muối, tiêu, bột ngọt

Cách làm:

  1. Bắc chảo không dính lên bếp lửa nhỏ, cho chút xíu đường (đường vàng thì tốt) + nước, nấu cho tới khi đường tan hết, ngả màu nâu vàng. Chú ý màu nâu vàng là được, đừng để thành màu nâu sậm là bị cháy rồi. Nước này là nước hàng dùng để kho cá, nếu làm dư thì bỏ vô lọ để dùng dần.
  2. Dứa gọt vỏ, khứa bỏ mắt, xắt bỏ lõi, chẻ làm tư rồi cắt ngang miếng dày 1,5 cm. Ướp với chút nước mắm, đường trong 10 phút.
  3. Cá lóc đánh vảy, bỏ mang, rửa bằng nước cho sạch rồi rửa tiếp qua rượu trắng để bớt tanh (bước này có thể bỏ qua nếu không có rượu). Sau đó chặt cá thành từng khoanh vừa ăn, cho vào tô ướp cùng 1 muỗng canh nước hàng, 1 muỗng canh nước mắm, 1 muỗng cf muối, 2 muỗng cf đường, hành tỏi băm nhuyễn, để chừng 20-30phút cho ngấm.
  4. Làm nóng tộ / nồi kho, bỏ vào chút dầu ăn, phi thơm chút tỏi băm, rồi bắt đầu xếp cá vào, đảo nhẹ tay. Rưới phần nước ướp cá lên cá. Cho thêm chút nước vào nồi cho sâm sấp mặt cá rồi xếp dứa vào mấy chỗ trống còn lại trong nồi. Ớt bỏ cuống thả vào 3 trái. Cho thêm chút mỡ nước, rồi vặn nhỏ lửa đun cho tới khi còn 1/3 nước thì nếm lại nước coi vừa ăn chưa (đừng để mặn là được, mặn thì đổ thêm nước). Sau đó đun tiếp cho còn chút xíu nước sền sệt.
  5. Lấy ra rắc tí tiêu, ăn với cơm.

Bé Thúi (MAV.vn)

Cách làm Mít trộn tôm thịt

Gỏi Mít trộn tôm thịt, món ăn xứ Quảng nổi tiếng với hương vị đậm đà mà mộc mạc, đã chinh phục được tất cả mọi người. Tuy nhiên cách làm thì khá đơn giản, chủ yếu ở khâu chuẩn bị nguyên liệu.

Nguyên liệu:

– Mít non: 1/2kg
– Tôm đất: 250gr
– Thịt ba chỉ: 250gr
– Rau răm, rau húng, mè rang, đậu phộng, chanh, ớt, tỏi băm
– Nước mắm, đường, dầu ăn.

Cách Làm:

  • Mít non bỏ vỏ, cắt khúc, rửa bằng nước muối rồi luộc chín. Sau đó rửa lại bằng nước lạnh, bỏ hột, dùng dao cắt thành cọng nhỏ (hoặc xé sợi). Lưu ý đừng cắt/ xé nhỏ hoặc mỏng quá, ăn không đã.
  • Tôm luộc chín, lột vỏ bỏ chỉ đen.
  • Thịt luộc chín cắt thành cọng.
  • Rau răm, rau húng xắt nhỏ

–> Tất cả những thứ trên cho vào cái tô to, trộn đều.

  • Nước mắm pha với đường, chanh, chút tỏi băm nhuyễn, nêm thấy vừa ăn.
  • Bắc chảo bỏ vào 1 ít dầu ăn, phi thơm tỏi, rồi đổ tỏi phi vào nước mắm đã pha. Quấy đều.

–> Chan từ từ vào cái tô mít đã trộn với tôm thịt. Vừa chan vừa trộn vừa nếm, đến khi thấy vừa ăn thì ngưng. Không đổ ào 1 lúc chua mặn rất khó chữa.

  • Cho ra đĩa ,rắc mè đậu phộng rang giã sơ lên. Ăn với cơm nóng, bún hoặc xúc bánh tráng.

Bé Thúi (MAV.vn)

Cách nấu Canh rau đắng cá lóc

Rau đắng nấu canh, món ăn dân dã mà ngon miệng trong ký ức của nhiều người. Canh rau đắng nên nấu nước trước, khi ăn đun lại cho sôi rồi mới bỏ rau đắng vào rồi múc ra tô ăn, như vậy rau đắng sẽ giòn, thơm, không bị đắng gắt.

Nguyên liệu

  • 3 lạng rau đắng
  • 1 con cá lóc vừa
  • 50g mắm sặc (hoặc mắm cá lóc, cá linh)
  • 2 tép tỏi, gia vị

Thực hiện

  • Cá lóc làm sạch, chặt khúc vừa ăn, ướp với muối, đường, bột ngọt.
  • Tỏi đập dập, bắc nồi cho dầu ăn vào phi vàng, xong đổ thêm 3 bát con nước, cho cá vào nấu sôi bằng lửa vừa.
  • Mắm cho vô cái chén đổ nước sôi vào rỉa cho ra hết thịt rồi bỏ xương, không thì bỏ vô cái rây nhỏ đun trực tiếp trong nồi nước dùng cho rã thịt, bỏ xương.
  • Cá chín thì nêm lại cho vừa ăn.
  • Cuối cùng cho rau đắng vào đảo đều vài lượt, rồi tắt lửa múc ra tô, rắc tiêu lên ăn liền.

Bé Thúi (MAV.vn)

Cách nấu Canh cua đồng thiên lý

Thương chồng nấu cháo le le / Nấu canh thiên lý, nấu chè hạt sen (Ca dao).  

Hoa thiên lý chứa rất nhiều vitamin E, kẽm và một số khoáng vi lượng có tác dụng cải thiện chức năng sinh lý của nam giới, trong đó có điều trị vô sinh.  Ngoài ra loại rau này còn có tác dụng chữa rất nhiều bệnh: thanh nhiệt, lợi gan, lợi tiểu, làm sáng mắt, chữa giun kim, chữa đau nhức xương cốt, giúp trị táo bón cho bà bầu, và là vị thuốc an thần tốt để điều trị chứng mất ngủ. Lá non, ngọn và hoa thiên lý đều có ích đối với sức khỏe con người, nhiều chất bổ dưỡng, giàu vitamin và khoáng chất quan trọng giúp trẻ mau lớn, già khỏe mạnh, tăng sức đề kháng cho mọi người.

Trong cua đồng rất giàu canxi, sắt và các vitamin B1, B2, PP có thế giúp giảm đau nhức cơ xương khớp, rất có lợi cho sức khỏe.

Nguyên liệu:

  1. Cua đồng xay: 500gr (gạch cua để riêng)
  2. Hoa thiên lý: 300gr
  3. Muối, tiêu, nước mắm, gia vị

Cách làm:

Chuẩn bị:

  • Hoa lý rửa sạch, để ráo.
  • Thịt cua cho vào bát, hòa với 1/2 lít nước, bóp nhẹ để thịt cua tan đều. Dùng rây lược bỏ vụn cua vài lần cho kỹ.
  • Gạch cua cho vào 1 chút nước rồi gạn hết nước ra cho bớt mùi ngái.

Thực hiện:

  • Nước cua lọc xong đổ vào nồi, thêm 1 muỗng nhỏ muối, khuấy nhẹ cho tan.
  • Để lửa vừa, bắc nồi nước cua lên nấu. Nước sôi thì dùng vá múc nhẹ đáy nồi cho thịt cua trồi lên thành 1 mảng (không đâm nát).
  • Đổ gạch cua vào nhẹ nhàng.
  • Cuối cùng cho hoa thiên lý vào nấu vừa chín. Nêm lại gia vị vừa ăn.

Bé Thúi (MAV.vn)

Cách làm XÍU MẠI SỐT CÀ CHUA

 Xíu mại sốt cà là món ăn hấp dẫn có thể dùng làm điểm tâm ăn kèm bánh mì, hoặc ăn với cơm đều rất ngon.

Nguyên liệu:

– 3 lạng thịt nạc dăm xay nhuyễn;

– ½ củ hành tây bằm nhuyễn. Bạn cũng có thể cắt hạt lựu nhỏ nhưng khi trộn với thịt sẽ làm thịt không kết, ít dai;
– 2 củ hành tím, bằm nhuyễn;
– 1 muỗng cà phê tiêu nguyên hạt;
– 3 tai nấm mèo hoặc 3 tai nấm đông cô, ngâm nở, bỏ chân và cắt hạt lựu nhỏ. Nấm đông cô mềm và dẻo nhưng mùi thơm hơi nồng so với một số người, trong khi đó nấm mèo giòn nhưng khô hơn;
– Nguyên liệu làm sốt cà chua gồm: 2 trái cà chua, 1 muỗng cà phê bột năng, 1 củ hành tím, vài tép tỏi.

Thực hiện:

– Trộn đều thịt, hành tây, hành tím, nấm trong một cái tô lớn, sau đó nêm 1 muỗng cà phê muối, 1,5 muỗng đường. “Đập thịt” cho nhuyễn và kết lạị bằng cách các mẹ khép các ngón tay lại, hớt toàn bộ số thịt nằm gọn gàng trong lòng bàn tay rồi quật mạnh tảng thịt xuống đáy tô, làm như vậy vài lần thịt sẽ rất dẻo và thơm hơn.

– Chia thịt thành nhiều phần bằng nhau, lớn bằng quả trứng gà ta. Nhét vào mỗi viên thịt khoảng 3 hạt tiêu rang rồi dùng tay vo tròn viên thịt lại, mang đi hấp cách thủy trong vòng 10 phút là thịt chín.

– Ta tranh thủ thời gian hấp thịt để chuẩn bị nước sốt cà chua. Cà chua gọt vỏ, bỏ hạt, bằm hoặc xay nhuyễn; bột năng hòa với chút nước (theo tỉ lệ 1 muỗng cà phê bột năng hòa với 2 muỗng súp nước); phi dầu ăn với hành, tỏi băm cho thơm rồi cho cà chua vào xào cho sôi lại; nêm nếm một chút nước mắm, đường cho vừa miệng rồi từ từ đổ bột năng vào chảo, vừa đổ vừa quấy lên cho đến khi nước sốt hơi sệt lại thì ngừng ngay.

– Chờ thịt hấp vừa đúng 10 phút, bạn đổ nước sốt cà vào thịt, hấp thêm 5 -10 phút nữa cho thịt ngấm sốt cà chua là được.

Nếu muốn món xíu mại thơm hơn, bạn có thể thêm một bước thực hiện nữa là phi hành lá với một ít tóp mỡ và đổ hành phi lên mặt tô/dĩa xíu mại vừa lấy ra khỏi xửng hấp. Sau một tiếng “xèo” của dầu nóng gặp thức ăn, mùi thơm của nước sốt và thịt quyện với mùi hành sẽ bốc lên ngào ngạt. 

Món xíu mại sốt cà ăn với bánh mì là ngon nhất, có thể chấm hoặc kẹp trong bánh mì ăn đều rất tuyệt.

Chúc cả nhà ta ngon miệng! 

(Theo Phamngochoa)

Canh thịt bò nấu khế

Vị chua của khế tạo nên hương vị đặc biệt cho món canh thơm ngon.

Nguyên liệu:

– 2 trái khế chua, 100 g cà chua bi.

– 100 g thịt bò, 50 g giò sống.

– Ngò ôm, ớt trái, tiêu, hạt nêm, đường và muối.

Cách chế biến:

mav116

– Khế gọt rìa, rửa sạch thái lát vừa ăn. Cà chua bi rửa sạch, bổ đôi. Ngò ôm rửa sạch, thái nhỏ.

– Thịt bò bằm nhuyễn rồi trộn đều với giò sống, tiêu, đường, hạt nêm, hành…

– Đun sôi nước lọc, thịt bò vo viên cho vào. Khi nước vừa sôi lại, cho cà chua bi, khế vào. Nêm gia vị vừa ăn.

mav117– Tắt bếp, cho ngò ôm vào rồi dùng nóng.

– Canh thịt bò nấu khế có vị chua nhẹ không chỉ lạ miệng mà còn rất ngon.

Khánh Hòa (VNexpess.net)

Cách nấu XÔI KHÚC NHÂN TRỨNG MUỐI

Món XÔI KHÚC được thay đổi một chút với trứng muối và lá dứa, sẽ là một khẩu vị mới trong bữa điểm tâm của gia đình bạn.

Nguyên liệu:

  • Nửa ký nếp, 1 bó lá dứa, 2 lạng bột nếp,
  • Hành tím băm, hành phi, muối, đậu phộng rang, mè rang
  • – Phần nhân:  8 hột vịt muối đem luộc chín lấy lòng đỏ.
  • 2 lạng thịt băm ướp với hành tím băm, 1 muỗng cafe hạt nêm, nửa muỗng đường, 2 muỗng cafe tiêu xay. Trộn lên cho đều rồi ướp trong 20 phút.

Chuẩn bị:

– Lá dứa rửa sạch sẽ rồi cho vào máy xay cùng với khoảng 400ml nước lọc, xay lấy nước rồi lọc qua rây  bỏ cặn bã, chỉ lấy phần nước màu xanh.

– Nếp đem ngâm qua đêm, vo cho sạch rồi để ráo. Trộn vào nếp 1 muỗng cafe muối và một nửa lượng nước lá dứa ban nãy.  Để tầm 30 phút.

– Nửa phần nước lá dứa còn lại đem trộn với bột nếp nhồi kĩ tới khi bột mềm, dẻo mịn là được.

Nặn bánh:

– Xoe bột nếp thành viên cỡ lòng bàn tay, ấn cho dẹp rồi xếp nhân vào giữa, rồi lấp lại. Vo tròn. Sau đó lăn viên bột qua nếp cho có một lớp nếp dày bám ở ngoài.

Hấp xôi:

– Xếp từng viên xôi đã lăn qua nếp vào xửng hấp, hấp khoảng 40 phút là nếp chín mềm. Xôi (bánh) khúc ăn nóng cùng với muối đậu phộng, mè rang giã nhỏ. Có thể thêm ít hành phi cho thơm.

Theo KHÁNH HÒA

Cách nấu món Vịt khìa

1. Chuẩn bị:

Vịt: khoảng 1kg

– Củ cải : 400g

– Hành củ, tỏi, gừng, tiêu

– Gia vị, nước mắm

2.Cách thực hiện:

– Vịt rửa sạch, chặt miếng vừa ăn, dần mềm, ướp với gừng, muối, tiêu, hành.

– Củ cải rửa sạch, gọt vỏ, sau đó thái khoanh mỏng nhưng không đứt hẳn mà vẫn dính với nhau thành một dây, ngâm vào nước muối, rửa sạch vắt ráo. Pha giấm, đường, nước mắm rồi cho củ cải vào ngâm.

– Bắc chảo mỡ đun nóng, cho thịt vịt vào chiên vàng, thêm 100ml nước dùng, nêm mắm, đường, vặn nhỏ lửa đun tới khi vịt chín mềm, thêm tiêu, bột ngọt vào. Khi nước còn sệt, lấy vịt ra bỏ bớt xương to, bày ra đĩa, dội sốt lên trên.

– Ăn với nước mắm, ớt giấm, tỏi, kèm theo củ cải thấu.

 Bé Thúi (MAV.vn)

Cách làm xôi gà nướng vị dừa

Xôi nướng với hạt xôi thơm dẻo, thoang thoảng vị dừa, rất khó để từ chối.

Nguyên liệu:

Phần xôi:

  •     Gạo nếp loại ngon: 1kg
  •     Nước dừa tươi: 1 quả
  •     Dừa nạo: 2 lạng

Phần gà:

  •     Đùi gà – 5 cái
  •     Xì dầu – 3 thìa súp
  •     Dầu hào – 2 thìa súp
  •     Hạt nêm – 1 thìa súp
  •     Mật ong – 1 thìa súp
  •     Ớt khô (cho bạn thích ăn cay) – 1 thìa nhỏ
  •     Hành hương – 4 – 5 củ giã nhuyễn

Phụ:

  •     Hành khô, đồ chua

Hướng dẫn:

Làm gà:
– Đùi gà lau khô bằng giấy thấm. Bỏ vào nồi.
– Xì dầu, dầu hào, hạt nêm, mật ong, ớt khô, củ hành băm nhuyễn trộn đều, rồi cho vào nồi gà. Dùng mũi dao đâm sơ để gà mau thấm gia vị, trộn lên cho quyện.
– Sau đó cho hết gà vào tủ lạnh, để qua đêm.
– Bật lò 180 độ C để nướng gà, đặt đùi gà nằm úp, nướng được 25 phút thì trở ngược lại, nướng tiếp 15 phút nữa là gà chín đều, không bị cháy.

Làm xôi:
-Nếp ngâm 6-8 tiếng. Sau đó chắt nước để ráo, xóc muối
-Dừa nạo giã nát, đổ 1 bát con nước nóng vào, bóp cho dừa ra nước cốt. Chắt phần nước cốt đặc được khoảng 1 bát con.
-Phần bã còn lại, đổ nước nóng vào, bóp đều. Pha phần nước cốt loãng cùng bã dừa này vào với nước dừa tươi để làm nước đồ xôi.

Cách đồ xôi:

-Đổ nếp vào chõ. Đậy kín, bắc lên bếp. Dùng nước đồ xôi đã chế biến từ trên.
-Xôi chín dùng đũa đánh đều, vừa đánh vừa rưới nước cốt dừa đặc ban đầu cho quyện đều vào xôi. Đồ trên bếp thêm chừng 10 phút nữa là được.

Xôi ăn với đùi gà, hành khô, thêm nước tương, dưa chua sẽ ngon hơn.

 Bé Thúi (MAV.vn)

 

CÁCH NƯỚNG GÀ BẰNG NỒI CƠM ĐIỆN

 Nếu bạn chỉ dùng nồi cơm điện với nhiệm vụ nấu cơm thì có lẽ bạn đã bỏ phí một số khả năng tuyệt vời khác của nồi đấy. Ví dụ như cách nướng gà bằng nồi cơm điện sau đây:
Nguyên liệu cho món gà nướng bằng nồi cơm điện:

  • 300g đùi gà
  • 1 mẩu gừng
  • 2 gốc hành
  • Mè rang
  • Gia vị: 1 muỗng nước tương, 2 muỗng nước tương nhạt, 1 muỗng nước mắm, 1 muỗng mật ong

Cách nướng gà bằng nồi cơm điện:

Cho nước tương, nước mắm và mật ong vào bát nhỏ, khuấy đều.

 


Rửa sạch gà, dùng giấy ăn thấm cho ráo nước, sau đó cho gà vào chung với nước tương bên trên, xoa đều rồi cho vào tủ lạnh ướp nửa tiếng đồng hồ trở lên, để gà dễ thấm vị bạn có thể dùng tăm hoặc nĩa xiên vài lỗ trên gà.


Thái lát gừng và cắt khúc hành lá.

 


Đặt gừng và một ít hành lá ở dưới đáy nồi, sau đó cho gà và nước ướp vào.


Sau khi nồi chuyển qua chế độ hấp thì lật ngược gà lại, thêm khoảng 2 muỗng nước sạch vào, bật nút nấu lần nữa.


Sau khi nồi chuyển qua chế độ hấp lần nữa, thì bạn cho phần hành lá còn lại vào, bật nút nấu và đợi đến khi nồi chuyển hấp là gà đã chín.Trước khi dùng, bạn xé gà ra nhiều miếng nhỏ rồi rắc mè rang vào và chừa lại phần nước xốt trong nồi ăn kèm ít rau xanh cũng rất ngon.

 

Theo afamily.vn

Cách làm Tôm nướng phô mai

Mùi thơm của phomai, của tôm nướng kết hợp với vị béo ngậy của phomai, độ dai của thịt tôm sẽ làm các thực khách không thể cưỡng lại được.

Món này rất thích hợp để làm trong các bữa tiệc của gia đình vậy bạn hãy thử nhé!

Nguyên liệu:

  • Tôm sú tươi
  • Phomai bột parmesan
  • Phomai mozzarella
  • Kem tươi (whipping cream)
  • Thìa cà phê bơ nhạt
  • Tỏi muối tiêu và một ít bột bắp (hoặc bột mì).

Thực hiện:

Bước 1: Tôm sau khi rửa qua, cắt bớt phần nhọn trên đầu tôm, bạn bóc bỏ phần vỏ ở thân tôm, để lại phần đầu và đuôi tôm cho đẹp mắt. Dùng dao xẻ dọc lưng tôm để lấy phần chỉ tôm. Mình có cách giữ đầu tôm nhưng vẫn lấy được phần bẩn đầu tôm ra như sau. Dùng chuôi thìa loại như trong hình, luồn phần chuôi này dưới phần vỏ ở đầu tôm như trong hình, khều nhẹ tay bạn sẽ lôi được chất bẩn ở phần đầu tôm ra dễ dàng mà không làm tôm rụng đầu. Sau đó rửa qua lại cho sạch.

Bước 2: Cho tôm lên đĩa chịu được nhiệt, bạn có thể bọc giấy bạc lên đĩa cho cẩn thận, bày tôm lên đĩa và rắc muối tiêu lên bề mặt tôm.

Bước 3: Cách làm sốt phomai như sau: Đầu tiên bạn cho thìa bơ vào chảo, tiếp đến cho tỏi bằm vào đảo cùng. Xào trong lửa nhỏ.

Bước 4: Cho tiếp một thìa bột bắp vào để xào cùng bơ tỏi. Đổ tiếp 100 ml kem tươi vào đảo cùng.

Bước 5: Rắc tiếp 3 gạt thìa phomai bột parmesan (loại dùng lúc làm tôm ở hình trên) vào chảo, ngoáy đều rồi bắc ra khỏi bếp là bạn đã chuẩn bị xong hỗn hợp phomai mềm để nướng tôm.

Bước 6: Rưới hỗn hợp phomai mềm lên từng con tôm, sau đó đặt lên trên cùng một lớp phomai mozzella lên trên. Sở dĩ dùng phomai mozzella lên trên cùng vì mình thích phomai này khi cho vào lò nướng sẽ tạo một lớp phomai nướng dai trên bề mặt. Nếu không thích thì bạn có thể rắc ngay phomai bột parmesan lên trên cùng trước khi cho tôm vào lò nướng.

Bước 7: Cho đĩa tôm vào lò nướng. Nhớ làm nóng lò trước. Nướng tôm ở nhiệt độ 220 độ C và trong vòng 15 phút cho đến khi tôm chín và lớp phomai trên bề mặt hơi chuyển màu vàng nâu là được. Nhiệt độ mỗi lò nướng có thể khác nhau vì vậy khi nướng tôm bạn nhớ để ý để tôm không bị cháy nhé!

Bước 8: Cho tôm ra khỏi lò, trang trí để đĩa tôm thêm bắt mắt. Món tôm nướng phomai này bạn có thể dùng kèm với bánh mỳ nướng vì quanh tôm có lớp phomai mềm ngậy có thể dùng bánh mỳ để quết lớp sốt này.

Chúc các bạn và gia đình ngon miệng với tôm nướng phô mai giòn thơm nhé!

(Theo Eva)

Cách nấu XÔI BẮP

XÔI BẮP (ngô) là món ăn thân thuộc với mọi người. Thỉnh thoảng được ăn lại món này, không những ngon miệng với hương vị đặc trưng của bắp mà còn gợi lại cho bạn những cảm xúc thời ấu thơ.

Nguyên liệu (cho khỏang 4-5 phần ăn):

  • 350g gạo nếp ngon (mình dùng nếp cái hoa vàng)
  • 3-4 trái bắp luộc, tách hạt, rửa sạch (nếu đã để ngăn đá như mình thì khi nào dùng, cho bắp vào nồi, thêm chút nước & muối rồi luộc bắp lên cho nóng & mềm, để ráo là có thể dùng được)
  • Chút muối
  • 200g đậu xanh cà, vo sạch rồi ngâm nở mềm
  • Hành phi
  • Dầu hành phi
  • Đường cát trắng

Cách làm:

xoi-bap-1-posted
– Gạo nếp vo sạch, ngâm trong nước ấm khỏang 1h rồi vớt ra để ráo (vì mình nấu vội nên ngâm nước ấm cho nhanh. Nếu có thời gian thì ngâm nước lạnh khỏang 2-3h là được). Xóc gạo với chút muối để xôi có vị đậm đà.

– Cho gạo vào nồi cơm điện, thêm nước & nấu chín như nấu cơm (lượng nước nấu gạo nếp bao giờ cũng ít hơn gạo tẻ nhé. Ngòai ra cũng còn tuỳ lọai nếp nữa).

– Đậu xanh ngâm nở mềm, vo lại cho sạch rồi để ráo. Cho gạo vào nồi cơm điện cùng chút muối, nấu đậu như nấu cơm (nhưng ít nước thôi, lượng nước chỉ vừa ngập mặt đậu) cho chín mềm. Khi đậu chín thì dùng 1 cái muỗng to, đánh nhuyễn đậu (có thể dùng chày để giã cũng được, miễn là đậu nhuyễn thì thôi)

– Vo đậu thành từng nắm tròn to nhỏ tùy thích. Để nguội.

– Khi xôi đã cạn nước thì mở nắp nồi ra, cho bắp luộc lên trên để “ghế”. Đậy nắp nồi lại, khỏang 20′ sau là đã có xôi bắp nóng hổi để măm.

– Sau 20′, dùng đũa xới đều nồi xôi để xôi & bắp quyện vào nhau.

– Xới xôi ra đĩa. Dùng dao thật bén cắt đậu xanh thành từng lát mỏng rải lên trên xôi. Rưới thêm ít dầu hành (dầu phi hành còn dư) rồi rắc thêm chút đường, hành phi.

Xôi này ăn nóng mới cảm nhận được vị dẻo ngọt của hạt bắp. Sau lần thử nghiệm này, mình “kết” món xôi bắp “tuơi” này hơn là xôi bắp “khô”. Từ giờ trong danh sách các món xôi sẽ có thêm món này.

(Theo Bếp Nhà Ù) 

TỰ LÀM XÚC XÍCH THẬT ĐƠN GIẢN

Nguyên liệu

5m ruột non heo

1,5kg thịt đùi heo

1,5kg thịt đùi bê

100g mỡ thăn

3 thìa cà phê muối, 2 thìa cà phê đường, 2 thìa cà phê tiêu, 3 thìa cà phê hạt thì là, 3 thìa cà phê ngò tây băm nhuyễn.

 

Thực hiện

-Thịt và mỡ rửa sạch, để ráo, cho vào tủ đá 1-2 tiếng tới khi lạnh cứng. Thái thịt, mỡ thành miếng nhỏ. Ruột non bóp sạch với muối, giấm, tách bỏ lớp màng ngoài, rửa sạch, để ráo.

-Trộn thịt, mỡ cùng với các loại gia vị với nhau và cho vào tủ đá để khoảng 30 – 60 phút. Cho luôn các dụng cụ xay thịt vào tủ để giữ lạnh.

 

– Khi thịt đã đủ lạnh, lấy ra đem xay nhuyễn. Lưu ý không xay quá lâu vì sẽ khiến xúc xích thành phẩm bị bở. Nếu muốn xúc xích nhuyễn mịn, dai ngon thì sau khi xay lần 1, cho thịt trở lại vào tủ đá khoảng 30 phút sau đó lấy ra xay tiếp.

 

-Thoa chút dầu ăn vào lòng phễu, đút phần ruột non vào máy nhồi thịt, thắt nút phần đuôi lại. Nếu không có máy dồn thịt có thể làm thủ công bằng cách dùng một chiếc phễu. Lưu ý vừa nhồi vừa thuôn để tránh rách lòng.

 

-Cho thịt vào máy nhồi thịt, dồn thịt từ từ vào ruột non. Khi dồn chú ý làm nhẹ, đều tay để miếng xúc xích được đều và tránh làm ruột non bị rách.

 

-Khi nhồi thịt vào để ý thấy dây lòng còn khoảng 10cm thì ngưng. Chừa khoảng 4cm tạo một nút thắt để cố định. Lưu ý không cột quá chặt, xúc xích khi hấp hoặc chiên sẽ bị nứt, vỡ.

 

-Canh xúc xích thành đoạn ngắn từ 10-15 cm tùy thích, sau đó xoắn lại, lấy chỉ hoặc dây mỏng buộc thành từng đoạn vừa ăn.

 

-Sau đó, cho xúc xích vào nồi hấp khoảng 15 – 20 phút, lấy ra cắt theo từng khúc, bỏ chỉ. Trong khi hấp, để xúc xích không bị vỡ nên lấy tăm hoặc dao nhọn xăm vài lỗ lên trên.

 

-Hấp xong lấy xúc xích ra để nguội, nếu chưa ăn ngay có thể cho vào tủ đông để dùng dần; còn nếu ăn liền thì chiên hoặc nướng đều ngon.

 

Với món xúc xích này bạn có thể đem hun khói hay luộc sơ lại, dọn ra với khoai tây chiên, tương cà, nước xốt sẽ là món ngon cho cả trẻ con và người lớn.

(Theo Wikihow/PNO)

Cách làm CHẢ LÁ LỐT

Chả lá lốt thịt lợn, món ăn phổ biến ngoài Bắc, dịch ra tiếng miền Nam, là “thịt heo cuốn lá lốt chiên”. Một món ăn dễ làm, nhưng cũng dễ ghiền.

Cách làm món chả lá lốt thịt lợn:

Nguyên liệu:

Cho gia đình 5 người ăn trong 1 bữa:

  • -1 bó lá lốt
  • -350gr thịt lợn ba chỉ (heo ba rọi) xay
  • -Hành lá, hành củ 4 tép, tỏi 1 tép
  • -Tiêu, nước mắm, bột ngọt.

Cách làm:

– Hành lá thái nhỏ. Hành củ và tỏi đem băm nhuyễn
– Thịt lợn ướp với 1,5 thìa súp (muỗng canh) nước mắm, 1/2 thìa cafe bột ngọt + 1/2 thìa cafe tiêu + hành tỏi băm nhuyễn + hành lá thái nhỏ, trộn đều, ướp trong 20 phút.
– Lá lốt rửa sạch. Chọn lá to, đẹp (còn cuống lá) đem chần sơ qua nước nóng cho mềm, rồi bỏ vô nước lạnh.
– Lá xấu, nhỏ ngắt cuống lá bỏ đi, phần lá đem thái chỉ, rồi trộn đều vào phần thịt đã ướp.

Cuốn chả:

– Lá lốt to đẹp đem trải xuống mâm hoặc thớt. Đặt lá nằm úp (phần lưng lá ngửa lên). Cho một ít thịt lên giữa lá, sau đó cuộn từ phần ngọn lá lên cuốn lá, tới gần cuống lá thì gấp hai bên cuốn lá lại cho kín, rồi cuộn tròn lên. Dùng một que tăm đục lỗ vào thân cuộn, rồi đâm cuống lá vào, ghim cho khỏi tuột ra là được (làm vài lần sẽ quen).

  • Nếu lá nhỏ quá, có thể xếp hai, ba lá lại với nhau rồi cuộn.
  • Thật ra là có nhiều kiểu cuộn, có kiểu bịt kín mít, có kiểu hở 2 đầu, các bạn cứ cuộn sao cho ra hình trụ, mà chắc gọn, không bị bung ra là được

– Lần lượt làm cho hết thịt và lá.

Rán chả: Làm xong rồi thì đem rán:

– Bắc một chảo, to càng tốt, đổ dầu vừa phải. Đun nóng dầu (đừng để bốc khói, có hại), rồi xếp thịt vào rán lửa thật nhỏ cho đến khi thấy được thì lật qua mặt kia rán tiếp.

  • Rán ngập dầu sẽ giúp lá lốt có màu đẹp hơn, thịt cũng không bị khô.

– Chín thì gắp ra cho vào đĩa. Chuẩn bị măm măm thôi!

  • Thường thì nếu nêm vừa miệng rồi thì không cần làm nước chấm. Còn nhạt thì chấm nước mắm chua ngọt, ăn với đu đủ chua ngọt.
  • Còn có cách ăn khác, là ăn kết hợp với canh bí đao, chan chút nước mắm ớt lên (đừng nước mắm ớt tỏi, vì tỏi tươi làm ảnh hưởng đến vị thịt và lá lốt, chứ không tôn vị lên như nước mắm)

Yêu cầu: Chả lá lốt thơm, chín đều, thịt còn mềm, lá lốt không bị khô. Màu sắc xanh đen, bóng. Là đạt chuẩn!

  • Đây là món ăn dân dã nhưng cực ngon, rất phổ biến ở ngoài Bắc bộ. Trong khi miền Nam thường làm bò lá lốt nướng chấm mắm nêm, ăn ngon nhưng ngon kiểu khác, không đậm đà và béo bở như chả lá lốt thịt lợn kiểu này.

Chúc các bạn ngon miệng!

Bé Thúi 

 

Cách làm mắm chưng thịt

Nguyên liệu:

– 100g mắm cá linh; 100g mắm cá lóc, 200g thịt ba rọi bằm. 1 quả trứng vịt, 1 quả trứng gà.

– 1 củ hành tây; 5 củ hành tím, 5 trái ớt tươi. Đường, bột ngọt, tiêu bột.

Cách chế biến:

 

– Thịt ba rọi rửa sạch, bằm nhuyễn. Mắm cá linh, cá lóc xay nhuyễn. Hành tây, hành tím, ớt trái bằm nhuyễn. Cho tất cả các thành phần đó vào chiếc bát lớn rồi trộn đều với đường, bột ngọt và tiêu bột.


– Tiếp đến cho trứng gà vào, tiếp tục trộn đều.

 

– Trứng vịt lấy lòng đó cho vào chén rồi đánh tan với ít mà hạt điều.


– Cho mắm vào khuôn, thoa ít hỗn hợp lòng đỏ trứng và màu hạt điều lên bề mặt để khi mắ chưng chín có màu vàng đẹp mắt.


– Thái vài lát ớt cho lên bề mặt rồi hấp chín. Mắm chưng thịt vàng ươm, thích hợp khi ăn kèm với cơm trắng.

Khánh Hòa (Vnexpress.net)

Cách làm Đậu phụ nhồi thịt

Đậu phụ nhồi thịt là món ăn quen thuộc ở nhiều gia đình và cả…các quán cơm. Đây là món dễ ăn và khá đơn giản. Bạn có thể biến tấu nó một chút để mang lại sự mới mẻ cho mâm cơm hàng ngày. 

Nguyên liệu:

 

20 miếng đậu phụ vuông rán sẵn, nếu không dùng loại này bạn có thể mua đậu bình thường về cắt miếng vuông rồi rán vàng.
100g thịt lợn xay hoặc băm nhuyễn
2-3 cây nấm
1 củ cà rốt
Ít hành lá
1 quả trứng
1 bát con nước dùng
Gia vị: Muối, tiêu, xì dầu, dầu mè, dầu hàog

 

Thực hiện:

1
Trộn đều thịt băm với chút xíu muối, nước tương, tiêu, dầu mè và một quả trứng.
Cà rốt, nấm thái miếng nhỏ rồi băm nhỏ cùng với đầu hành. Nếu có máy xay thì bạn có thể cho tất cả vào để xay nhỏ thì sẽ nhanh hơn.

 

2
Cho phần rau củ vừa xay vào bát thịt và trộn đều lại một lần nữa.
Dùng dao nhỏ có mũi nhọn khoét một hốc nhỏ ở phía trên miếng đậu, sau đó nhồi thịt vào.

 

3
Làm nóng chảo với một chút dầu ăn, xếp đậu nhồi thịt vào chiên nhỏ lửa cho đến khi đậu ngả màu vàng nâu, phần thịt nhồi cũng chín. Đổ nước dùng gà vào chảo đậu, nước dùng sôi thì hạ nhỏ lửa, đun liu riu thêm vài phút cho đậu thấm thì tắt lửa.Gắp đậu ra đĩa sâu lòng, rưới lên trên mặt một muỗng canh nước sốt dầu hào trộn xì dầu. Rắc chút hành lá thái nhỏ cho bắt mắt và ít tiêu xay cho thơm là có thể thưởng thức được rồi.

 

(Theo bepEVA)

Cách nấu Canh chua gà

Thịt gà khi đem nấu canh chua luôn mang lại cảm giác thích thú đặc biệt, ví dụ như Gà nấu lá giang, Gà nấu canh chua me…

Nguyên liệu:

Gà: 400gr
Dứa: nửa trái
Đậu bắp: 5 trái
Cà chua: 1 trái
Dọc mùng (bạc hà): 1 cây
Rau om, ngò gai, đường, ớt, hành tỏi gia vị.
Nước mắm
Me chín: 1/2 vắt

Cách làm:

Chuẩn bị: Gà rửa sạch, chặt miếng nhỏ vừa ăn, rồi cho vào tô
Hành, tỏi băm nhuyễn rồi bỏ vào gà, ướp với muối, bột ngọt, tiêu trong 15 phút.
Dứa bỏ mắt, chia làm hai phần: 1/3 trái băm nhuyễn, 2/3 trái còn lại xắt miếng tam giác nhỏ vừa ăn. Cà chua xắt múi cau. Bạc hà tước vỏ xắt lát vừa ăn.
Me dầm với nước nóng lấy cốt, phần hạt và bã đem bỏ.

Thực hiện: Làm nóng nồi, cho ít dầu ăn vào, cho dứa băm vào xào cho thơm rồi bỏ gà đã ướp vào xào sơ cho thịt săn. Cho thêm 2-3 chén nước, nấu lửa nhỏ khoảng 25-30 phút cho chín gà. Dùng đũa đâm vào kiểm tra, gà mềm rồi thì cho bac hà, cà chua, phần dứa còn lại và nước cốt me vào. Nêm nếm gia vị chua ngọt vừa ăn rồi nấu tiếp cho sôi lần nữa, tắt bếp, cho ngò gai, rau om vào.

Múc canh ra tô, rắc ít tiêu, có thể chan xíu mắm ớt nếu thích cay.

 

Bé Thúi (mav.vn, facebook Món ăn Viêt Nam)

Cách làm CANH MĂNG NẤU MỌC

Canh măng mọc là cách kết hợp truyền thống, tuy đơn giản nhưng ngon miệng nhờ vị ngọt của nước, cái dai giòn của măng cùng với kết cấu mềm mại hấp dẫn của viên mọc. 

Nguyên liệu:

– 2 lạng măng tươi
– 2 lạng mọc
– Hành tây, hành lá, hành khô, ngò gai
– Nửa quả cà chua
– Gia vị

Cách làm:

Chuẩn bị:
– Hành tây chia hai phần, 1 phần bổ múi cau, 1 phần thái lựu
–  Hành lá, ngò gai xắt nhỏ
– Cà chua bổ ra làm nhiều miếng
– Măng tước sợi, rửa sạch, luộc sơ rồi rửa lại và lần cho bớt chua.
– Mọc cho vào tô, thêm hành khô, tiêu vào rồi quết đều (không thêm gia vị)

Thực hiện:
1. Bắc chảo phi hành cho thơm, cho 1/4 củ hành tây đã thái lựu + xào chừng 3 phút rồi cho măng vào xào cùng. Nêm gia vị: 1 muỗng cafe muối, 1 muỗng cafe đường. Cho cà chua vào xào tiếp 3 phút nữa.
2. Đổ 2-3 chén nước vào nồi, nấu tiếp trong 15 – 20 phút cho tới khi măng mềm ngon vừa ăn, thì bắt đầu dùng muỗng cafe xén mọc thành từng viên nhỏ thả vào nồi đang sôi.
3. Tiếp tục nấu tới khi mọc chín nổi lên bề mặt, nêm lại tùy khẩu vị của bạn, nấu tiếp vài phút.
4. Tắt bếp, cho 1/4 củ hành tây bổ múi cau + hành lá + ngò gai xắt nhỏ. Trước khi ăn rắc tiêu vào tô canh.

 

Bé Thúi (mav.vn, facebook Món ăn Việt Nam

Cách làm RAU CÀNG CUA TRỘN DẦU DẤM THỊT BÒ

 

Rau càng cua vị giòn hăng, tính mát và giàu dinh dưỡng, được nhiều người yêu thích. Rau càng cua trộn dầu giấm thịt bò đơn giản nhưng ngon miệng, là lựa chọn rất hợp lý cho những ngày bận rộn, oi bức.

Nguyên liệu:

  • 500gr rau càng cua
  • Thịt bò tùy ý
  • Hành, tỏi băm nhỏ
  • Dầu ăn, dấm, muối, đường, nước mắm.
  • Đậu phộng giã nhỏ (đừng giã nhuyễn)
  • (có thể thêm hột vịt luộc xắt lát nếu thích)

Cách làm:

Làm dầu giấm: 3 muỗng canh dấm + 2 muỗng canh đường + 1 muỗng canh nước + 1 muỗng canh dầu ăn + 1/2 muỗng cafe muối + ít tiêu cho vào bát, khuấy đều, nếm thử vị hơi mặn, hơi chua là được, đừng ngọt quá.

Chuẩn bị trộn:

– Rau càng cua rửa sạch, lặt cọng vừa ăn.

– Thịt bò thái nhỏ, ướp với hành, tỏi băm, chút mắm muối trong 15 phút, sau đó xào vừa chín.

Chuẩn bị ăn:

– Khi ăn mới bắt đầu đem trộn rau, thịt và dầu dấm lại với nhau.

– Cho ra đĩa, rắc đậu phộng giã nhỏ lên. Măm măm!

*Món này có thể cho thêm cà chua, trứng luộc xắt lát nếu thích.

Bé Thúi (MAV.vn, facebook Món ăn Việt Nam)