Cách làm món GÀ KHÔNG LỐI THOÁT

Gà không lối thoát hay còn gọi là gà bọc xôi, gà bó xôi chiên giòn.Món ăn kết hợp một cách “chặt chẽ” xôi nếp và gà, tuy lạ nhưng rất hấp dẫn và ngon miệng.

Nguyên liệu cho món Gà không lối thoát:

  • – 1 chú gà ta
  • – Gạo nếp nương: 1 ký
  • – 1 bó hành lá, 4 củ hành tím, 1 củ gừng
  • – 1 lon nước cốt dừa. Xem CÁCH LÀM NƯỚC CỐT DỪA
  • – Hạt nêm gà, gia vị các thứ .

Cách làm món Gà không lối thoát:

– Gà làm sạch, ngâm nước muối loãng 10 phút rồi rửa lại lần nữa cho kĩ, sạch.
– Bắc chảo cho chút dầu, cho gừng vào phi thơm rồi vớt gừng ra, cho tiếp hành lá thái nhỏ vào phi nhanh. Tắt bếp.
– Nếp đem ngâm nước lạnh ngập mặ, cho thêm lon nước cốt dừa, chút muối, khi nếp ngậm đủ nước thì chắt nước, vớt nếp ra ngoài rổ để ráo.
– Nếp ráo thì đem trộn với gừng phi, bột nêm gà, chút muối.
– Gà ráo rồi thì ướp với 1/2 muỗng cafe tiêu, 1 muỗng cafe bột nêm gà, 1 muỗng cafe đường, 1 muỗng cafe muối.

– Bắc nồi hấp cách thủy lên bếp, đun cho nước sôi rồi rải nếp dưới đáy nồi, sau đó cho gà lên trên hấp trong 15 phút cho gà chín tới, sau đó gắp gà ra để ráo. Chờ cho nếp chín.

 

– Trải lên mặt phẳng lớp màng thực phẩm hoặc nylon, giấy bạc, sau đó trải xôi đã chín lên, bề dày khoảng 1,5 phân, dàn cho đều, ép cho chặt.

– Quết hành lá đã phi lúc đầu lên mặt xôi. Sau đó đặt gà vào giữa mặt xôi rồi bọc kín gà bằng xôi theo cách của bạn. Nhớ bọc cho kín, chặt.

– Tháo bỏ màng bọc. Chờ cho xôi nguội.

– Cho gà bó xôi vào nướng ở nhiệt độ 2000độ C, nướng trong vòng 10 phút, nhớ trở đều các mặt.

– Bắc chảo cho dầu vào vừa đủ ngập gà (hoặc ngập phân nửa), rán nhanh tay cho gà vàng đều các mặt.

– Vậy là đã xong món “Gà không lối thoát” hay còn gọi là Gà bó xôi. Khi ăn bổ phần vỏ xôi ra rồi lấy miếng xôi ăn kèm miếng gà bên trong.

 

Bảo Tọa

Cách nấu món XÔI XOÀI NẾP CẨM

Xôi xoài nếp cẩm tuy trông khá lạ lùng đối với phần đông mọi người, nhưng đây lại là món ăn thật sự ngon miệng mà ai từng đi Thái Lan đều phải ăn thử.

Nguyên liệu:

– 400g Nếp cẩm

– Xoài chín: 2 trái to

– Sữa tươi (loại không đường, nếu không có thì dùng có đường và bớt đường đi): 250ml

– Nước cốt dừa: 250ml (xem CÁCH LÀM NƯỚC CỐT DỪA)

– 100-200G đường tùy khẩu vị.

 

Thực hiện:

– Xoài rửa sạch, gọt bỏ vỏ, xắt thành miếng tùy thích.

– Gạo nếp mua về ngâm nước lạnh từ 5- 8 tiếng. Ngâm xong vo cho tới khi thấy nước vo gạo trong, hết bụi bẩn là được. Sau đó cho gạo vào nồi hấp chừng nửa tiếng.

Làm nước sốt sữa dừa:

– Bắc nồi, cho sữa và đường (nếu dùng sữa có đường thì không cần cho đường) vào nấu lửa vừa. Khi thấy chuẩn bị sôi thì trút nước cốt dừa vào khuấy đều. Nước sôi lại thì tắt bếp.

– Khi ăn cho xôi ra dĩa,xếp vài miếng xoài kế bên rồi rưới nước sốt lên.

– Rất đơn giản mà ngon không thể cản.

 

Bảo Tố

Cách nấu XÔI NGŨ SẮC

Xôi ngũ sắc là sự phối hợp giữa những loại đậu quen thuộc tạo nên một hương vị “đầy đủ”, ngon miệng và cũng thật bổ dưỡng.

Nguyên liệu:

  • – Nếp: 1kg
  • – 2 lạng hạt sen
  • – 2 lạng lạc
  • – 2 lạng đỗ đen
  • – 2 lạng đỗ xanh cà còn vỏ
  • – 2 lạng đỗ xanh cà không vỏ
  • – 1 kg dừa nạo, vắt lấy nước cốt
  • – 200g dừa tươi nạo sợi
  • – 1 lít nước dừa
  • – Hành phi, lạc rang giã dập, vừng rang, lá chuối

Cách làm:

– Nếp ngâm qua đêm, đãi sạch rồi ngâm nước dừa chừng 30 phút. Vớt ra để ráo, xóc với tí muối.

– Đậu xanh không vỏ luộc chín, chia làm 2 phần bằng nhau. 1 phần tán nhuyễn, trộn với ít muối, đường. 1 phần để đó.

– Bốn loại đậu còn lại đem ngâm rửa sạch rồi luộc chín.

– Đậu phộng và mè rang giã sơ để làm muối đậu.

– Dừa sợi chuẩn bị sẵn.

– Chia nếp làm 5 phần, trộn với 5 loại đậu. Đem tất cả vào xửng hấp chín. Trong khi hấp nhớ rưới nước cốt dừa đều cho xôi chín mềm ngon.

– Xôi chín rắc muối mè đậu, hành phi, dừa nào lên, ăn nóng cho ngon.

theo Khánh Hòa

Cách nấu XÔI SẮN

XÔI SẮN MỠ HÀNH có lẽ ít người không biết, món ăn tuy chân quê nhưng có được sự hấp dẫn khó chối từ.

Nguyên liệu:
Khoai mì (sắn): củ tầm nửa kí
Gạo nếp: nửa kí
Hành lá, mỡ heo, bột ngọt, đường, muối, đậu phộng, mè.

Xôi sắn bùi thơm cho bữa sáng ấm bụng 2

Xôi sắn bùi thơm cho bữa sáng ấm bụng 3

Sắn mua về gọt bỏ vỏ rồi ngâm trong nước lạnh ít nhất 4 tiếng để ra hết nhựa độc.

Gạo nếp vo sạch, ngâm tầm 5 tiếng đồng hồ, sau đó để ráo.

 

Xôi sắn bùi thơm cho bữa sáng ấm bụng 6

Trộn vào gạo nếp 1/2 muỗng súp đường, 1 muỗng cafe bột ngọt, ướp trong 10 phút. Sau đó cho gạo này vào chõ để đồ xôi. Cho sắn vào đồ cùng tới khi nào nếp chín, sắn mềm.

Xôi sắn bùi thơm cho bữa sáng ấm bụng 8

Làm mỡ hành bằng cách phi thơm hành lá trong mỡ heo.

Xôi sắn bùi thơm cho bữa sáng ấm bụng 10
Sau đó trút mỡ hành vào nồi xôi sắn, trộn đều tất cả xôi, sắn, mỡ hành lại với nhau.
Xôi sắn bùi thơm cho bữa sáng ấm bụng 12

Cuối cùng là ăn với muối mè (gồm muối, đường, mè rang (hoặc đậu phộng rang giã dập) trộn đều với nhau)

 

Theo công thức của Panda (MASK online)

Cách làm Xôi đậu chiên

Một trong những biến tấu hấp dẫn nhất của xôi đó là xôi chiên. Miếng xôi chiên giòn ở mặt ngoài, thơm dẻo mùi nếp ở trong là một thứ thật khó chối từ trong những ngày trời lạnh.

Nguyên liệu:

  • 700g nếp ngon
  • 200g đậu xanh
  • Nước, nhiều dầu ăn, đường, muối.
  • Thịt chà bông, tương ớt ăn kèm.

Cách làm:

– Đậu xanh ngâm nước, đãi sạch vỏ.
– Nếp vo sạch, để ráo.
– Trộn đậu xanh và nếp lại với nhau, cho 700ml nước lạnh vào nấu chín.
– Khi nếp và đậu xanh chín, cho ra tô quết nát (lúc nóng dễ làm hơn nguội), nát khoảng 8/10 là được. Cho 100g đường, 1 ít muối, 3 muỗng dầu ăn vào trộn đều.
– Chia xôi thành nhiều phần bằng nhau (lớn nhỏ tuỳ bạn), vo tròn rồi ép dẹp xuống độ 1cm.
– Chảo dầu sôi, cho bánh vào chiên với lửa nhỏ, trở cho bánh vàng đều.
– Ăn với ít thịt chà bông và tương ớt.

Yến Hà (MAV.vn)

ĐẾN HÀ NỘI NGÀY LẠNH, ĐỪNG QUÊN NHỮNG MÓN BÁNH NÀY

Cũng như các tỉnh miền Bắc khác, Hà Nội có bốn mùa phân chia rõ ràng. Và đúng với câu thành ngữ “mùa nào thức nấy”, quà vặt Hà Nội cũng được cư dân biến đổi cho phù hợp với khẩu vị và tiết trời. Ở lâu tại Hà Nội, bạn không lạ lùng gì khi chỉ sau một trận gió mùa, các góc phố ngày thường vắng vẻ lại hiện ra một loạt những hàng bánh khoai, bánh gối… 

  • BÁNH KHOAI – BÁNH NGÔ – BÁNH CHUỐI

Đây có thể là bộ ba đầu tiên phải nhắc đến trong những món bánh mùa lạnh ở Hà Nội. Một góc phố đêm, một cái lò rán bánh, vài cái ghế nhựa xung quanh là đủ cho một không gian ăn vặt tuyệt vời. Ba loại bánh này làm từ khoai, ngô, chuối, tùy theo nơi mà thái nhỏ hoặc đâm nhuyễn, thái cọng, thái sợi… nhúng vào một hỗn hợp bột mì, bột gạo và các nguyên liệu tùy biến khác, sau đó rán giòn tại chỗ trên lửa. Những miếng bánh thành phẩm có đủ vị thơm của nguyên liệu, giòn tan của lớp vỏ ngoài, mềm của phần bên trong, và sự nóng hổi của toàn cái bánh, khiến không ai có thể chối từ vào những đêm gió mùa.

Tại miền Nam và miền Trung có biến thể của bánh này là bánh chuối chiên, bánh khoai chiên, nhưng cách pha bột và sơ chế nguyên liệu hơi khác và thường được bán vào ban ngày hơn là ban đêm.

  • BÁNH GỐI

Tại Sài Gòn có món bánh tai dạt (quai vạc) với phần lớp vỏ ngoài chiên giòn, phía trong có nhân rau củ. Hà Nội cũng có món bánh tương tự, nhưng gọi là bánh gối và chấm với nước dùng, ngồi thưởng thức tại bàn chứ không vừa đi vừa ăn. Phần nhân của bánh gối Hà Nội thường có miến, mộc nhĩ, cà rôt, củ đậu, thịt xay… Phần vỏ làm bằng bột mì. Và nước chấm là loại chua cay mặn ngọt, thanh dịu, có thả vài lát đu đủ, cà rốt ngâm, tương tự như nước chấm nem, bún chả.

Và cũng giống như những món chiên rán khác, bánh gối là loại quà không thể thiếu trong tiết đông Hà Nội.

  • BÁNH RÁN MẶN

Bánh rán mặn có lớp vỏ tương tự bánh rán ngọt thông thường, nhưng phần nhân có thịt, miến, nấm mèo … và khuôn dạng bánh có hình bầu dục. Bánh rán mặn được chiên tại chỗ trong chảo và ngon nhất khi ăn nóng. Lúc ăn, người bán sẽ dùng kéo cắt bánh ra cho nhỏ, để lộ phần nhân bên trong cho dễ ăn cũng như dễ chấm. Nước dùng ăn với bánh rán mặn cũng tương tự như bánh gối.

  • BÁNH QUẨY

Quẩy ở Hà Nội không chỉ ăn với cháo lòng như ở miền Nam, mà còn được dùng ăn không, ăn với phở, cháo hay những món có nước khác. Bánh quẩy miền Bắc nhỏ hơn nhưng giòn và chắc hơn hơn so với miền trong. Vào mùa Đông, một bát cháo sáng được phủ kín bằng bánh quầy là lựa chọn tuyệt vời của nhiều người.

  • BÁNH ĐÚC NÓNG

Các hàng bánh đúc nóng trở nên phổ biến hơn khi Hà Nội vào Đông. Bánh đúc được nấu sẵn trong nồi. Khi khách gọi, người bán chỉ cần múc một thìa to bánh quánh đặc vào bát, chan thêm nước chấm mặn ngọt, ăn kèm thịt băm, hành khô, rau mùi… Thưởng thức bánh đúc nóng giữa lúc trời lạnh là trải nghiệm tuyệt vời không thể bỏ qua khi đến Hà Nội.

  • BÁNH GIÒ

Bánh giò gói kín, hấp chín và khi ăn thì người bán sẽ trải ra đĩa, cắt bớt lá đi, điểm thêm rau dưa ngâm vào, có khi là chả cốm, giò lụa…. xịt tương ớt lên. Người ăn chỉ việc dùng thìa xắn từng miếng cho vào miệng. Miếng bánh giò nóng kéo theo sự thơm ngon của bột, nhân, cái giòn lực xực của mộc nhĩ… đi từ cổ họng vào dạ dày một cách nhẹ nhàng, thấm thía.

pic2766

Và trong khi tập trung vào độ nóng của chiếc bánh mềm mại, người ta đã quên hẳn cái tiết trời đông giá buốt xung quanh.

  • BÁNH TRÔI TÀU

Là loại bánh trôi có nhân đỗ xanh hoặc vừng đen, to bằng lòng nắm tay, ăn nóng trong nước đường vị gừng, rắc thêm chút lạc rang. Khi ăn dùng thìa xắn lớp ngoài bánh cho tới phần nhân bên trong, đưa vào miệng. Cái dẻo ngon của bột nếp, vị ngọt dịu của nước đường pha lẫn hương thơm cay ấm của gừng, bùi bùi của lạc và ngậy nhẹ của đỗ xanh cùng nhau làm hài lòng vị giác của bạn. Và không gì hợp lý hơn là ăn bánh trôi tàu vào lúc trời rét.

  • BÁNH KHÚC

Không thể bỏ qua Bánh khúc trong danh sách những món bánh mùa đông Hà Nội. Bánh khúc ở Hà Nội thường được bán ở các hàng rong, với câu rao đặc trưng: “Xôi nóng bánh khúc đê, ai bánh khúc nào!”… Mà mỗi lần nghe tới, nhiều người lại thấy cồn cào trong bụng vì nghĩ tới món bánh có lớp vỏ thơm mùi rau khúc, với phần nhận mặn ngọt làm từ đỗ xanh trộn thịt ba chỉ và các loại gia vị.

Bánh khúc thường hấp cùng với nếp theo kiểu đồ xôi, nên ở miền Nam còn gọi là xôi cúc (“cúc” là trại ra từ “khúc”). Cũng có khi bánh khúc được gói trong lá chuối rồi hấp, nhưng kiểu này ít phổ biến.

Mỹ Lạo.
Ảnh: sưu tầm Internet.

Cách nấu XÔI KHÚC NHÂN TRỨNG MUỐI

Món XÔI KHÚC được thay đổi một chút với trứng muối và lá dứa, sẽ là một khẩu vị mới trong bữa điểm tâm của gia đình bạn.

Nguyên liệu:

  • Nửa ký nếp, 1 bó lá dứa, 2 lạng bột nếp,
  • Hành tím băm, hành phi, muối, đậu phộng rang, mè rang
  • – Phần nhân:  8 hột vịt muối đem luộc chín lấy lòng đỏ.
  • 2 lạng thịt băm ướp với hành tím băm, 1 muỗng cafe hạt nêm, nửa muỗng đường, 2 muỗng cafe tiêu xay. Trộn lên cho đều rồi ướp trong 20 phút.

Chuẩn bị:

– Lá dứa rửa sạch sẽ rồi cho vào máy xay cùng với khoảng 400ml nước lọc, xay lấy nước rồi lọc qua rây  bỏ cặn bã, chỉ lấy phần nước màu xanh.

– Nếp đem ngâm qua đêm, vo cho sạch rồi để ráo. Trộn vào nếp 1 muỗng cafe muối và một nửa lượng nước lá dứa ban nãy.  Để tầm 30 phút.

– Nửa phần nước lá dứa còn lại đem trộn với bột nếp nhồi kĩ tới khi bột mềm, dẻo mịn là được.

Nặn bánh:

– Xoe bột nếp thành viên cỡ lòng bàn tay, ấn cho dẹp rồi xếp nhân vào giữa, rồi lấp lại. Vo tròn. Sau đó lăn viên bột qua nếp cho có một lớp nếp dày bám ở ngoài.

Hấp xôi:

– Xếp từng viên xôi đã lăn qua nếp vào xửng hấp, hấp khoảng 40 phút là nếp chín mềm. Xôi (bánh) khúc ăn nóng cùng với muối đậu phộng, mè rang giã nhỏ. Có thể thêm ít hành phi cho thơm.

Theo KHÁNH HÒA

Cách làm xôi gà nướng vị dừa

Xôi nướng với hạt xôi thơm dẻo, thoang thoảng vị dừa, rất khó để từ chối.

Nguyên liệu:

Phần xôi:

  •     Gạo nếp loại ngon: 1kg
  •     Nước dừa tươi: 1 quả
  •     Dừa nạo: 2 lạng

Phần gà:

  •     Đùi gà – 5 cái
  •     Xì dầu – 3 thìa súp
  •     Dầu hào – 2 thìa súp
  •     Hạt nêm – 1 thìa súp
  •     Mật ong – 1 thìa súp
  •     Ớt khô (cho bạn thích ăn cay) – 1 thìa nhỏ
  •     Hành hương – 4 – 5 củ giã nhuyễn

Phụ:

  •     Hành khô, đồ chua

Hướng dẫn:

Làm gà:
– Đùi gà lau khô bằng giấy thấm. Bỏ vào nồi.
– Xì dầu, dầu hào, hạt nêm, mật ong, ớt khô, củ hành băm nhuyễn trộn đều, rồi cho vào nồi gà. Dùng mũi dao đâm sơ để gà mau thấm gia vị, trộn lên cho quyện.
– Sau đó cho hết gà vào tủ lạnh, để qua đêm.
– Bật lò 180 độ C để nướng gà, đặt đùi gà nằm úp, nướng được 25 phút thì trở ngược lại, nướng tiếp 15 phút nữa là gà chín đều, không bị cháy.

Làm xôi:
-Nếp ngâm 6-8 tiếng. Sau đó chắt nước để ráo, xóc muối
-Dừa nạo giã nát, đổ 1 bát con nước nóng vào, bóp cho dừa ra nước cốt. Chắt phần nước cốt đặc được khoảng 1 bát con.
-Phần bã còn lại, đổ nước nóng vào, bóp đều. Pha phần nước cốt loãng cùng bã dừa này vào với nước dừa tươi để làm nước đồ xôi.

Cách đồ xôi:

-Đổ nếp vào chõ. Đậy kín, bắc lên bếp. Dùng nước đồ xôi đã chế biến từ trên.
-Xôi chín dùng đũa đánh đều, vừa đánh vừa rưới nước cốt dừa đặc ban đầu cho quyện đều vào xôi. Đồ trên bếp thêm chừng 10 phút nữa là được.

Xôi ăn với đùi gà, hành khô, thêm nước tương, dưa chua sẽ ngon hơn.

 Bé Thúi (MAV.vn)

 

Cách nấu XÔI BẮP

XÔI BẮP (ngô) là món ăn thân thuộc với mọi người. Thỉnh thoảng được ăn lại món này, không những ngon miệng với hương vị đặc trưng của bắp mà còn gợi lại cho bạn những cảm xúc thời ấu thơ.

Nguyên liệu (cho khỏang 4-5 phần ăn):

  • 350g gạo nếp ngon (mình dùng nếp cái hoa vàng)
  • 3-4 trái bắp luộc, tách hạt, rửa sạch (nếu đã để ngăn đá như mình thì khi nào dùng, cho bắp vào nồi, thêm chút nước & muối rồi luộc bắp lên cho nóng & mềm, để ráo là có thể dùng được)
  • Chút muối
  • 200g đậu xanh cà, vo sạch rồi ngâm nở mềm
  • Hành phi
  • Dầu hành phi
  • Đường cát trắng

Cách làm:

xoi-bap-1-posted
– Gạo nếp vo sạch, ngâm trong nước ấm khỏang 1h rồi vớt ra để ráo (vì mình nấu vội nên ngâm nước ấm cho nhanh. Nếu có thời gian thì ngâm nước lạnh khỏang 2-3h là được). Xóc gạo với chút muối để xôi có vị đậm đà.

– Cho gạo vào nồi cơm điện, thêm nước & nấu chín như nấu cơm (lượng nước nấu gạo nếp bao giờ cũng ít hơn gạo tẻ nhé. Ngòai ra cũng còn tuỳ lọai nếp nữa).

– Đậu xanh ngâm nở mềm, vo lại cho sạch rồi để ráo. Cho gạo vào nồi cơm điện cùng chút muối, nấu đậu như nấu cơm (nhưng ít nước thôi, lượng nước chỉ vừa ngập mặt đậu) cho chín mềm. Khi đậu chín thì dùng 1 cái muỗng to, đánh nhuyễn đậu (có thể dùng chày để giã cũng được, miễn là đậu nhuyễn thì thôi)

– Vo đậu thành từng nắm tròn to nhỏ tùy thích. Để nguội.

– Khi xôi đã cạn nước thì mở nắp nồi ra, cho bắp luộc lên trên để “ghế”. Đậy nắp nồi lại, khỏang 20′ sau là đã có xôi bắp nóng hổi để măm.

– Sau 20′, dùng đũa xới đều nồi xôi để xôi & bắp quyện vào nhau.

– Xới xôi ra đĩa. Dùng dao thật bén cắt đậu xanh thành từng lát mỏng rải lên trên xôi. Rưới thêm ít dầu hành (dầu phi hành còn dư) rồi rắc thêm chút đường, hành phi.

Xôi này ăn nóng mới cảm nhận được vị dẻo ngọt của hạt bắp. Sau lần thử nghiệm này, mình “kết” món xôi bắp “tuơi” này hơn là xôi bắp “khô”. Từ giờ trong danh sách các món xôi sẽ có thêm món này.

(Theo Bếp Nhà Ù) 

Cách nấu XÔI ĐẬU PHỘNG đơn giản dẻo ngon bằng nồi cơm điện

 

Xôi đậu phộng (xôi lạc) là món ăn sáng rât quen thuộc ở khắp ba miền. Và hiện nay thì nấu xôi lạc đã không còn khó nữa với việc ai cũng có nồi cơm điện trong nhà.

Nguyên liệu:

  • Nếp loại dẻo, thơm: 5 lạng
  • Lạc: 2 lạng
  • Nước dừa (nếu không có thì dùng nước lọc)
  • Vừng rang (mè)
  • Muối
  • Dừa nạo sợi (ăn kèm nếu thích)

Cách làm:

Chuẩn bị:
Ngâm lạc khoảng 2 giờ.
Nếp vo với ít muối cho sạch rồi vo lại bằng nước sạch, để cho ráo.
Phần muối vừng ăn kèm: lạc, vừng rang giã nhỏ, trộn với muối đường cho bùi bùi vừa ăn là được.

Thực hiện: Cho lạc và nếp vào nồi cơm điện, trộn lên cho đều. Sau đó cho nước dừa vào ngập mặt nếp.
Bật nồi nấu như bình thường.
Khi xôi cạn nước, nồi cơm chuyển qua chế độ hâm thì để vậy khoảng 5 phút, sau đó bật lên nấu lần nữa cho tới khi nồi cơm chuyển sang chế độ hâm lần 2, thì để tầm 30 phút cho xôi chín.
Khi ăn cho muối vừng vào, rắc dừa sợi lên ăn sẽ ngon hơn.

 

Bé Thúi (mav.vn, facebook Món ăn Việt Nam)

Những thực phẩm quen thuộc nhưng kỵ với thịt gà

Thịt gà là loại thực phẩm ưa thích của nhiều người, nhưng nó cũng kỵ với một số thực phẩm. Trong nhiều trường hợp, kết hợp thịt với những món kỵ sẽ gây hại tới sức khỏe.

Theo y học cổ truyền, gà có vị ngọt, tính ấm, làm bổ tinh tủy, ôn trung ích khí. Thịt gà được coi là món đại bổ, thường dùng bồi bổ cơ thể ốm o,  sút ký, xuống sức, khó tiêu, kén ăn, ỉa chảy, phù nề, đái rắt, đái hạ, di kiết lỵ, huyết trắng, tiểu đường và bổ sung sữa cho bà mẹ ít sữa.Tuy vậy không phải lúc nào ăn thịt gà cũng an toàn, có những món rất quen thuộc mà lại kỵ với thịt gà, chúng ta phải lưu tâm.

Tôm: Cả tôm và gà đều cam ôn, dễ động phong. Ăn chung dễ sinh ngứa ngáy khắp cơ thể. Muốn giải độc hãy nấu nước rau kinh giới uống.

– Cá chép: Thịt gà ngọt ấm, cá chép ngọt lạnh, ăn chung sẽ sinh ra nổi mụt nhọt hoặc phát trường ung. Nếu bị, nấu nước đậu đen uống để giải.

Cơm nếp: Cơm nếp cũng vị ngọt tính ấm, theo danh y An Nhân, nếu kết hợp cơm nếp với gà sẽ là điều kiện thuận lợi để sản sinh sán sơ mít, do vậy nên hạn chế ăn 2 thứ này 1 lúc.

Tỏi, cải và hành sống:  Thịt gà vị ngọt tính ẩm, trong khi tỏi thì đại nhiệt, cải và hành sống tính ngọt lạnh, nếu dùng phối hợp sẽ sinh nhiệt hoặc hàn nhiệt giao tranh trong cơ thể, làm dễ bị lỵ, tổn thương khí huyết.

– Muối mè và rau kinh giới: Thịt gà thuộc phong mộc về tạng gan. Mè vị cam, có tác dụng dưỡng gan, dưỡng huyết khu phong, rau kinh giới có vị cay tính ôn phá kết khí (ngăn không cho phong khí tụ) hạ ứ huyết. Cho nên khi dùng kết hợp những món này sẽ ảnh hưởng đến can phong, làm cho chóng mặt, ù tai, run rẩy khắp mình mẩy và ngứa vùng đầu não.

Chú ý: Người có cơ địa thuộc dạng mẫn cảm, dễ dị ứng như là bị phong thấp, hen suyễn thường hay có triệu chứng mẩn ngứa, nổi ban, khó thở khi ăn da gà hay gan gà. Theo kinh nghiệm dân gian, khi làm các món gà nên đập giập củ gừng hoặc thái lát củ gừng bỏ vào, vừa làm tăng hương vị vừa giải mẫn cảm cho những người này.

Bạnh Bư – Tổng hợp.

Đến với vùng đất Kontum, nơi có “ngã ba biên giới”, vùng đất núi rừng còn mang đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc, bạn đừng quên tìm hiểu những món ăn độc đáo chỉ có ở nơi đây, mà xôi măng là một ví dụ.

Chỉ là món xôi nấu từ gạo nếp quen thuộc, kết hợp khéo léo với măng rừng nhưng đã trở thành món điểm tâm sáng thân thuộc với mỗi người  Kontum.

Với nhiều người sinh sống và làm việc tại Kon Tum, xôi măng quen thuộc bao nhiêu thì với những khách đường xa lần đầu đặt chân tới, xôi măng lại trở thành món ăn lạ lẫm bấy nhiêu. Có lẽ phần vì đã quen thuộc với những loại xôi truyền thống như xôi ngô, xôi xéo, xôi đậu xanh… nên khi nghe tới xôi măng ai nấy đều cảm thấy tò mò.

Xôi măng được nấu từ gạo nếp thơm và măng tươi lấy từ rừng. Thế nên mỗi bát xôi măng nhìn khá đơn giản, chỉ bao gồm xôi đồ chín và măng xào bên trên. Người Kon Tum thích ăn cay nên mỗi bát còn có thêm một quả ớt đỏ, không cầu kỳ nhưng bắt mắt và hấp dẫn. Theo nhiều người dân tại Kon Tum, cả thành phố chỉ có hai hàng xôi, quán của bà mẹ người Huế bán đã được hơn 30 năm nay và quán của người con gái mới mở. Mặc dù không cùng một người chế biến nhưng món xôi măng ở cả hai hàng ngon chẳng kém nhau, khiến ai nấy đều thích thú và hài lòng.

Một phần xôi măng hấp dẫn.

Cách làm xôi măng khá đơn giản và chẳng mấy cầu kỳ. Măng tươi sau khi được đào trên rừng về lột bỏ vỏ ngoài, rửa sạch và thái miếng vừa ăn. Qua công đoạn sơ chế để làm mất mùi ngái, măng được đem xào qua với gia vị để trở nên đậm đà. Gạo nếp chọn loại ngon đem ngâm trong nước muối loãng có pha thêm bột nghệ để lên màu khoảng 8 tiếng thì mang ra đồ chín.

Sáng sớm, người bán đặt cạnh mẹt xôi lớn còn nóng nồi măng xào cùng mấy tập lá chuối tươi để gói cho khách có nhu cầu mang đi. Người đến mua chỉ cần bỏ ra 7.000 đồng, ai ăn nhiều thì mua chừng 10.000 đồng là có bữa sáng lót dạ vừa rẻ vừa ngon. Tuy nhiên nếu chỉ có vậy thì món xôi măng ở Kon Tum vẫn chưa đủ để hấp dẫn. Bên cạnh măng xào, người bán còn khéo léo chế biến thêm cá kho và cháo măng cho thêm phần đa dạng. Vậy là hàng xôi có thêm thực đơn để khách tha hồ lựa chọn. Người thích ăn chay thì chọn xôi măng, thích thập cẩm thì gọi thêm cá kho cùng măng hay trẻ nhỏ có thể điểm tâm sáng bằng cháo măng cùng bố mẹ.

Một hàng xôi măng Kontum ở Sài Gòn

Vào những ngày rằm hay ngày ăn chay, cá kho được thay thế bằng đậu phụ. Khách đến có thể gọi xôi măng cùng đậu hay cháo đậu để đổi vị cũng ngon và không kém phần hấp dẫn. Nếu như vị giòn giòn của măng quyện cùng vị dẻo của xôi, vị ngậy của cá kho đã đủ để quyến rũ thực khách thì khi thay cá bằng đậu, hương vị ấy lại trở nên lạ lẫm hơn nữa. Chẳng thế mà khoảng 7 giờ sáng hàng ngày, xôi đã hết, chỉ còn lại cháo măng. Và món ngon này cũng chỉ bán thêm chừng một tiếng đồng hồ nữa. Khi ấy ai muốn thử lại phải chờ sang ngày hôm sau.

Mang nét đặc trưng riêng trong vẻ quyến rũ của màu sắc với đôi chút vàng tươi của măng rừng, đặt trên bát xôi nếp màu nghệ, xôi măng hấp dẫn người qua lại bằng cả mùi thơm đặc biệt, khiến biết bao người đều nán lại chỉ để mua cho được gói xôi kịp giờ đi làm. Vô tình món ngon ấy trở thành thứ để níu chân người một lần qua phố núi Tây Nguyên.

Đỗ Huyền (vnexpress.net)