Cách làm CÁ BỐNG TRẮNG KHO NƯỚC DỪA

Món ăn dân dã nhưng rất đưa cơm, ngon nhất khi ăn vào những ngày mưa trong bữa cơm gia đình.

Nguyên liệu:

– Cá bống trắng: 3 lạng
– Nước dừa tươi: 1 trái
– Màu dầu điều, hành lá, hành củ, nước mắm

– Gia vị

Cách làm:

Bước 1:

– Cá mua về bỏ đầu, moi ruột bỏ đi, rửa sạch rồi để ráo. Cho vào cá 1/2 mcf muối xốc đều, ướp 15 phút cho ngấm.

Bước 2:

– Bắc nồi kho, cho vào 2 mcf dầu điều, cho hành củ xắt lát vào phi thơm, chan vào nồi 2 muỗng súp nước mắm, 1 muỗng súp đường, khoảng 200ml nước dừa. Cho thêm ớt bột hoặc quả ớt nếu ăn cay. Nấu cho sôi.

 Bước 3:

– Sôi rồi thì ta cho cá vào, vặn lửa thật nhỏ để cá kho không bị nát .

 Bước 4:

– Đun tới khi nào cá săn, thấm gia vị. Khi đun thỉnh thoảng lắc, đảo nhẹ cho cá quyện đều.

Bước 5:

–  Kho khoảng 45-60 phút thì nêm nếm lại cho vừa miệng, tiếp tục kho tới khi nước queo lại, cá cứng thịt thì tắt bếp. Rắc hành lá.

– Ăn với cơm.

Theo mẹ Cún Khang

ÔNG CỤ 114 TUỔI TIẾT LỘ THỰC ĐƠN ‘BỔ, RẺ’

 

Bernando LaPallo sinh năm 1901 tại Brazil, nhưng nay đang ở Mỹ. Không riêng gì ông mà gia đình ông cũng có nhiều người sống hơn 100 tuổi. Hiện nay ông vẫn tự nấu ăn, chăm sóc cơ thể, đi lại đây đó mà không cần đến người giúp đỡ.

Bernando năm 1924 (23 tuổi). Ảnh: thelivingconnection

Sức khỏe và tuổi tác của Bernando khiến ông trở nên nổi tiếng và đáng ngưỡng mộ. Ông thường được mời lên truyền hình để nói về bí quyết sống lâu, sống khỏe.

…Và năm 114 tuổi. Ảnh: s2smagazine

Ông cho biết, bên cạnh việc thừa hưởng gene tốt từ dòng tộc, ông còn giữ cho mình những thói quen sinh hoạt như đọc sách, chơi giải ô chữ, sống điều độ… và đồng thời tiết lộ những thực phẩm ông thường ăn nhất.

Danh sách này đặc biệt ở chỗ nó …không có món nào đặc biệt, chỉ toàn thứ bình dân có trong nhà bếp của mọi gia đình:

Tỏi

Tỏi là vị thuốc quý ở nhiều quốc gia châu Á, nó còn có tác dụng giảm cholesterol, huyết áp. Tỏi giúp chống ung thư, ngăn các vấn đề về tim mạch như xơ cứng động mạch, đau tim. Ăn sống tỏi là cách để tận dụng hết ích lợi của loại củ này.

Mật ong

Mật ong được coi là một thứ “siêu thực phẩm” nhờ tính chống oxy hóa giúp phòng nhiều bệnh nan y. Mật ong còn giúp cho vẻ ngoài cơ thể trẻ hơn so với tuổi.

Quế

Quế là loại thuốc bổ được dùng trong y học cổ truyền. Nó có khả năng giảm cholesterol và giảm đường huyết, cũng như thúc đẩy tiêu hóa, trị viêm sưng, nhiễm độc. Quế Ceylan từ Sri Lanka được cho là loại quế tốt nhất trong các loại quế.

Sô cô la đen

Trong sô cô la đen có ít nhất 70% cacao, thành phần rất tốt cho cơ thể khi được dùng điều độ. Ăn sô cô la đen giúp bạn phòng chống oxy hóa, ngăn ngừa tim mạch, giảm cholesterol cũng như hạ huyết áp. Loại đồ ăn ngon miệng này còn giúp giảm căng thẳng, tăng lưu lượng máu.

Dầu olive

Dầu olive luôn được coi là một trong những thực phẩm tốt nhất thế giới nhờ tác dụng hạ huyết áp, ngăn sự phát triển của nhiều loại ung thư, giảm triệu chứng của thấp khớp, phòng xơ xứng động mạch. Loại dầu này cũng giúp da mịn màng, tươi trẻ. Ông Bernando thường dùng dầu này thoa lên da để hạn chế nhăn da, và điều này dường như có tác dụng rõ ràng vì nhìn mặt ông rất ít nếp nhăn.

Bên cạnh những thực phẩm trên, ông cụ còn ăn nhiều cá, trái cây, và thường đều đặn tập thể dục.

 

Hà Quang (tổng hợp)

 

8 MẸO CHIÊN RÁN KHÔNG SỢ DẦU BẮN RA NGOÀI

 

Nhiều người thiếu kinh nghiệm rất ngại chiên rán, khi phải đối mặt với nguy cơ bị dầu bắn ra người, ra bếp… gây bỏng da, dơ nhà và cũng hao dầu. Nếu bạn là một trong những người đó, hãy tham khảo một số mẹo dưới đây:

Làm ráo nước rồi mới chiên

Chiên thực phẩm vừa rửa xong và dầu nổ đôm đốp là điều nhiều người được trải nghiệm. Hãy để cho thực phẩm định chiên ráo nước rồi mới chiên, điều này không chỉ giúp đỡ bị bắn dầu mà còn khiến món ăn ngon hơn.

Dùng bìa cứng

Nếu không tìm mua được màn chắn, bạn có thể dùng bìa cứng. Bìa cứng đậy kín mặt chảo giúp dầu không bắn ra ngoài, lại còn hút được hơi, giúp thức ăn giòn như chiên không đậy nắp.

Một loại màn ngăn bắn dầu.

Dùng chanh

Chà một lát chanh vào đáy chảo rồi mới đổ dầu vào chiên cũng giúp hạn chế hiện tượng dầu bắn ra khỏi chảo rất nhiệu quả.

Dùng màn ngăn

Các cửa hàng dụng cụ bếp thường bán loại màn chắn bắn dầu, những lỗ li ti trên dụng cụ này đảm bảo chảo vẫn thoát hơi nước, mà dầu không bị bắn. Nên nhớ khi chiên không nên đậy kín nắp vì hơi không thoát được sẽ làm giảm độ giòn của thực phẩm.

Dùng muối

Muối giúp hạn chế dầu bắn ra ngoài.

Đun dầu cho sôi rồi rắc một ít muối tinh vào trước khi chiên, đây là mẹo hiệu quả để hạn chế bắn dầu ra ngoài. Muối còn giúp khử độc tố trong dầu ăn.

Hoa tiêu

Với những thức ăn như cá, thịt, nhất là khi mới rã đông, hiện tượng dầu bắn luôn làm bạn e ngại. Hãy thử thả vài hoa tiêu vào chảo rồi đón nhận tác dụng.

Thành chảo cao hơn mặt dầu càng nhiều, lượng dầu bắn ra sẽ càng ít.

Chọn chảo thành cao

Chảo có thành cao hơn lượng dầu 4-5 cm sẽ hạn chế rất nhiều việc dầu bắn ra ngoài. Ngoài ra nếu bạn chọn chảo chống dính, mọi thao tác sẽ dễ dàng hơn, hạn chế bị dính thức ăn vào chảo, cháy thức ăn.

Không dùng dầu ăn cũ

Dầu ăn đã chiên qua một lần không chỉ để lại mùi lạ cho thức ăn, mà còn dễ gây cháy, tăng mức độ dầu bắn ra ngoài.

Bảo Nhi (tổng hợp)

 

Cách làm GÀ XÀO LÁ LỐT

Các món ăn với lá lốt thường dậy mùi thơm hấp dẫn. Không chỉ vậy, lá lốt còn có nhiều tác dụng tốt cho cơ thể, nhất là người đang bị đau nhức xương. 

Nguyên liệu:

– Đùi gà: 3-4 cái

– 10 lá lốt

– Hành củ, ớt, tỏi, các gia vị thông thường.

Thực hiện:

Bước 1:

– Gà mua về rửa sạch, chặt miếng vừa ăn. Nếu không muốn ăn béo thì gỡ da bỏ đi.

– Hành củ lột vỏ băm nhuyễn.

– Ướp gà với hành băm, 1 muỗng cafe muối, 1/2 muỗng cafe tiêu, 1 muỗng cafe nước mắm, 1 muỗng cafe đường. Ướp trong 2-3 giờ đồng hồ cho ngấm.

Bước 2:

– Lá lốt rửa sạch, bỏ cuống, xắt sợi.

Bước 3:

– Bắc chảo cho ít dầu vào làm nóng rồi cho gà vào chiên vàng đều.

Bước 4:

– Vớt gà ra dĩa có giấy thấm dầu. Chắt bớt dầu ra khỏi chảo.

– Cho tỏi băm vào phi thơm, cho thêm 2 muỗng cafe nước mắm, ớt bột, 1 muỗng cafe đường, chút nước lọc, hòa cho đều, nấu cho sôi.

Bước 5:

– Cho gà vào trở lại chảo, đảo đều cho mọi thứ trong chảo bám vào thịt gà, nêm nếm cho vừa miệng. Cuối cùng cho lá lốt vào xào cho chín tới, tắt bếp. Ăn nóng với cơm.

Theo  Cún Khang

Cách nấu CANH GHẸ RAU MUỐNG

Canh ghẹ nấu rau muống không chỉ có hai màu xanh đỏ hấp dẫn mà còn rất ngon ngọt nhờ vị đặc trưng của nước nấu ghẹ và rau muống.

Nguyên liệu:

– Ghẹ tươi: 3 con
– Rau muống: 1 bó
– Gia vị các thứ

Cách làm:

2-7942-1406277579.jpg
Bước 1:

–  Rau muống mua về nhặt rửa sạch, ngắt khúc vừa ăn.

– Ghẹ làm sạch rồi cắt làm đôi.

3-9233-1406277579.jpg

Bước 2:

– Bắc nồi cho dầu và hành vào phi thơm hành, tiếp tục cho ghẹ vào xào, nêm thêm 1 muỗng cà phê hột nêm, xào tới khi ghẹ chuyển màu thì trút nước đủ nấu canh vào, nêm chút muối, nấu sôi.

1-8210-1406277579.jpg

Bước 3:

– Cuối cùng trút rau muống vào nấu cho nước sôi trở lại. Nêm nước mắm và gia vị cho vừa miệng. Tắt bếp.

– Ăn nóng với cơm.

Theo Bếp Nhà Béo

18 MÓN ĐẶC SẢN CHỜ BẠN KHÁM PHÁ TẠI BẮC KẠN (PHẦN 2)

Tiếp theo bài trước, mời các bạn đến với những món ăn ngon của Bắc Kạn, miền đất xinh tươi ở miền núi cao phía Bắc của đất Việt.

Phần 1: 18 MÓN ĐẶC SẢN CHỜ BẠN KHÁM PHÁ TẠI BẮC KẠN (PHẦN 1)

Rau dớn

Rau dớn là một loại cây thuộc họ quyết, giống như cây dương xỉ, cành dài lá nhỏ, mặt lá có màu xanh nhẵn, cuống lá có lông. Ở Bắc Kạn, rau dớn thường mọc ở vùng núi cao, nơi ngọn nguồn của các con sông, con suối và thường mọc ở bờ suối, bờ khe, nơi có độ ẩm ướt cao. Rau dớn ăn ngon nhất là sau mùa lụt đến cuối mùa xuân. Lá rau dớn non uốn cong như vòi voi, có nhựa nhớt, cây xanh tươi tốt quanh năm. Đồng bào thường chỉ hái ngọn cong non, lá bánh tẻ để ăn.

Đồng bào dân tộc ở Bắc Kạn có thể chế biến các món ăn độc đáo từ rau dớn như: Rau dớn xào tỏi, rau dớn xào cùng nước măng chua… nhưng món ngon nhất phải kể đến món nộm. Món nộm rau dớn chỉ cần vài mớ rau, lạc rang giã nhỏ, chanh và một số loại rau thơm như húng, mùi tàu, ớt, tỏi và một chút muối, mì chính. Sau khi sơ chế, bỏ rau vào bát to, cho rau thơm, ớt, gừng, tỏi, nước chanh tươi, mì chính và muối trắng trộn đều. Để khoảng 5 phút cho ngấm gia vị, sau đó cho lạc rang giã nhỏ vào là có thể ăn ngay được. Món nộm rau dớn khi ăn sẽ cảm nhận được mùi thơm đặc trưng của các loại rau, vị bùi của rau dớn, vị chua ngọt xen lẫn một chút vị cay của ớt. Rau dớn còn có tính mát, lợi tiểu, chống táo bón, làm ngưng các cơn đau âm ỉ do viêm đại tràng, giúp dễ ngủ, giúp cơ thể khoẻ mạnh.

Rau sắng

Không giống như các loại rau khác chỉ cần trồng ngày một ngày hai là được hái lá, rau sắng từ khi trồng đến khi được hái lá lần đầu tiên phải sau ít nhất là 3-5 năm, và sau 10 năm mới được thu hoạch với số lượng lớn. Cây sắng cao hơn đầu người, cành lá sum sê. Cuối mùa đông cây ngót rụng hết lá già, mùa xuân, khoảng tháng tháng 2, cây bắt đầu ra những đọt lá non đầu tiên, và đến tháng 3 tháng 4 là mùa thu hoạch ngọn, lá và cả những chùm hoa.

Lá rau dùng để nấu canh với thịt hoặc cá. Mùi vị của loại rau này rất đậm đà, chỉ cần một vài cọng cũng đã đủ để có thể nấu bát canh thơm ngon cho 4 người ăn.Theo kinh nghiệm của người dân, phải ăn canh rau sắng nấu suông, nêm một chút muối, chậm rãi nhai kỹ từng chiếc lá nhỏ, thưởng thức thật sâu, thật kỹ vị ngọt, vị bùi khó tả của nó thì mới cảm nhận được hương vị đặc biệt của cây rau sắng. Những cây rau sắng đực cho những chùm rồng rồng. Loại này có thể nấu canh và ngon hơn nữa là xào với thịt bò.

Quả sắng hình bầu dục, to như quả nhót, khi chín có mầu vàng sẫm, ăn có vị ngọt đượm như mật ong. Hạt của quả sắng sau khi bóc vỏ đem ninh với xương rất thơm ngon, có vị ngọt, bùi.

Mèn mén

Mỗi dân tộc đều có những món ăn đặc sắc, mang đậm nét truyền thống của dân tộc mình. Khi nhắc tới những đặc sản truyền thống của đồng bào dân tộc Mông, không thể không kể tới món “Mèn mén”.

Mèn mén khi đã chín có vị thơm, dẻo, rất đậm đà. Ăn mèn mén bao giờ cũng kèm thêm một bát canh. Người Mông thường ăn món này với canh bí để tăng thêm phần hấp dẫn cho món ăn.
Ngày nay, khi cuộc sống của người Mông đã đầy đủ hơn, món Mèn mén đã không còn là món ăn chính trong bữa ăn hàng ngày nhưng mỗi dịp lễ tết, hội hè… vẫn không thể thiếu món ăn truyền thống Mèn mén.

Bánh gio Bắc Kạn

Bánh gio đã có ở Bắc Kạn hàng trăm năm, làm bánh gio cầu kì đòi hỏi người làm phải khéo tay, tinh mắt . Muốn làm bánh được ngon ta phải bắt đầu từ khâu chọn loại cây đốt thành gio trắng mịn đem hoà với nước vôi có nồng độ thích hợp, quan trọng nhất là khâu thử độ đậm nhạt của nước gio trước khi ngâm gạo .Bánh gio ngon là phải mịn, dẻo, dai và có vị đậm đặc trưng, mát, lành và để được rất lâu .Trưa hè oi bức bóc chiếc bánh gio chấm mật mới cảm nhận được hết hương vị của đặc sản này.

Bánh Coóc Mò

Coóc mò cũng là một loại bánh được bà con các dân tộc Bắc Kạn hay làm. Mới nhìn qua nhiều người nhầm là bánh gio vì hình thức bánh coóc mò cũng giống như vậy . Bánh cũng được gói theo hình chóp nhưng lá gói bánh lại là lá chuối . Bánh coóc mò ăn có vị đậm và thơm bởi được làm từ gạo nếp nương và lạc nhân đỏ . Ăn không ngán vì dễ ăn và mùi vị hợp với nhiều người, bánh coóc mò rất hợp với những bữa điểm tâm buổi sáng. Bóc chiếc bánh xanh rền, ăn dẻo, thơm bạn mới thấy hết ý nghĩa của món bánh này. Nếu ghé Bắc Kạn bạn đừng quên thưởng thức món ăn giản dị mà hấp dẫn này.

Bánh Khẩu Thuy

Vào mỗi dịp lễ hội Lồng Tồng, thứ bánh ngon không thể thiếu để dâng lên trời đất, để cúng thần linh cầu mùa màng bội thu, mưa thuận gió hoà là bánh Khẩu Thuy. Bánh tròn như quả trứng chim cút, vàng óng vì được tẩm mật mía, ăn vừa ngọt, vừa thơm, giòn tan nơi đầu lưỡi với hương vị mang bản sắc riêng của người Tày.

Để làm được bánh ngon phải cần nhiều nguyên liệu, nhiều công đoạn và khá cầu kỳ. Họ lấy bèo tây đun lên lấy nước, lại lấy cây vông hoa đỏ đốt lên lấy tro. Dùng nước bèo tây và nước tro để ngâm gạo nếp. Ngâm cho gạo nở to rồi đem lên đồ. Một thứ không thể thiếu được khi làm Khẩu Thuy là khoai sọ. Khoai sọ cũng đồ lên cùng với gạo nếp, cho thêm một chút rượu vào. Bèo tây, tro vông để làm cho bánh nở được to, khoai sọ để bánh lên màu, rượu để bánh có vị thơm.

Tại các hội Lồng Tồng của người Tày, thứ bánh Khẩu Thuy này vẫn được bày bán để khách thập phương mua làm quà cho người thân. Từ lâu, nó đã trở thành một đặc sản dân tộc nói chung và là đặc sản rất riêng của Bắc Kạn.

Bánh Pẻng phạ

Bánh pẻng phạ bên trong dẻo, do tác động nhiệt lớn bột bánh bên trong chưa kịp ngấu nhiệt lớp bên ngoài đã cứng giòn nên bánh giống như có nhân ăn rất thú vị.Bánh pẻng phạ chế biến không cầu kỳ nhưng mùi vị thơm ngon thích hợp với mọi lứa tuổi từ người già cả răng yếu cho tới tụi trẻ con ưa thích quà vặt, do vậy hầu như nhà nào cũng làm món bánh này trong những dịp ăn mừng. Nguyên liệu chính để làm bánh là gạo nếp.

Mỗi túi bánh nếu bảo quản tốt có thể để hơn một tháng mà vẫn giữ được vị thơm, giòn của bột, của chè nên nhân lúc rảnh rỗi hoặc nhà chuẩn bị có việc người ta làm trước bánh rồi cất trong những túi kín để dùng dần hoặc làm quà cho người phương xa. Món quà tính về giá trị vật chất thì không lớn nhưng nó cũng làm cho người con phương xa vơi bớt nỗi nhớ quê nhà.

Bánh ngãi

Mỗi dân tộc đều sáng tạo ra những loại bánh có hương vị khác nhau, có một loại bánh mà chỉ người Tày mới có đó là bánh ngải. Bánh ngải có màu xanh đặc trưng của thiên nhiên, hình thù và cách làm gần giống với bánh dày của người miền xuôi.

Muốn bánh thơm, dẻo phải chọn loại nếp nương và không được lẫn dù chỉ một hạt gạo tẻ. Bánh ngải là thứ bánh rất dễ ăn, mát và không ngấy, nếu ai đã từng ăn một lần sẽ không quên mùi vị của loại bánh dân dã này. Vị hăng hăng, thơm thơm là lạ của lá ngải như dung hòa cái dẻo, cái ngọt của nếp, của đường, miếng bánh có sự tươi non của đồi nương, cái hoang dã của lá rừng như gói cả mùa xuân trong mát.

Mứt mận

Món mứt mận ở Bắc Kạn được người dân coi là đặc sản. Vì nó có những hương vị đặc trưng riêng và rất hấp dẫn. Hầu như người dân Bắc Kạn đi đâu xa đều mang món mứt mận để làm quà biếu và giới thiệu sản phẩm của quê hương mình.

NHỮNG BÀI THUỐC HAY TỪ MƯỚP

Mướp là loại quả quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày, đây cũng là một vị thuốc chữa bệnh, bồi bổ rất tốt cho cơ thể.

Mướp có vị ngọt, tính bình, không độc. Trong quả mướp chứa rất nhiều dinh dưỡng. Theo đông Y, tất cả các bộ phận dây, xơ, lá, quả của mướp đều có thể dùng chữa bệnh. Tuy vậy, người bị đau bụng, phân nát, yếu sinh lý, tỳ vị kém thì nên hạn chế sử dụng.

Sau đây là một số bài thuốc rất đơn giản từ mướp mà bạn có thể áp dụng để trị bệnh:

Trị đau, viêm họng

Hái lá mướp hương đem rửa sạch, giã nát nhỏ với chút muối, thêm nước rồi hòa đều, gạn lấy nước uống.

Chữa viêm xoang

Mướp sao khô, đem rang cho teo lại, tán thành bột thật mịn, pha 6g với nước ấm uống vào buổi sáng khi chưa ăn gì, uống 8 ngày.

Điều hòa kinh nguyệt

Mướp khô đem đốt tồn tính, nghiền thành bột mịn, pha 10g với nước uống vào lúc sáng khi bụng còn trống rỗng. Uống trong 10 ngày.

Chữa đi ngoài ra máu vì bệnh trĩ

Có hai bài thuốc:
– 30g hoa mướp nấu nước uống 1 lần mỗi ngày.
– 250g mướp tươi đem cắt khúc, nấu với 2 lạng thịt nạc heo thành canh ăn hàng ngày đến khi khỏi.

Trị ho, hen lâu không khỏi:

Lấy 15g lá mướp hương nấu với nước để uống.

Chữa đau nhức thần kinh

Mướp ép lấy nước, đem hâm lên cho nóng rồi uống khoảng 100ml một ngày.

Cũng có thể lấy lá mướp xay nhuyễn đem bôi lên chỗ đau.

Trị đau đầu, nóng sốt

Lấy 1 lạng đậu xanh nguyên vỏ ninh nhừ rồi chắt lấy khoảng 400ml nước cốt, cho thêm 20g hoa mướp thái nhỏ, nấu sôi trong 5-10 phút, để nguội, gạn lấy nước uống 2-3 lần trong ngày đến khi khỏi bệnh.

Chữa nổi mề đay

Lấy 1 nắm lá mướp tươi nghiền nát, cho vào chút băng phiến, trộn lên rồi bôi vào vết mề đay.

Điều trị huyết áp

3 lạng mướp tươi gọt vỏ thái vụn + 2 lạng táo ta gọt vỏ bỏ hạt thái vụn + 50g chanh + đường phèn, hòa tan làm nước giải khát uống trong 10 ngày.

Bảo Tố (tổng hợp)

UỐNG RƯỢU VANG ĐỎ ĐỂ PHÒNG CHỐNG SÂU RĂNG

Sâu răng là bệnh đáng sợ phổ biến trên khắp thế giới, trong khi việc đi khám nha sĩ thường xuyên không phải là điều dễ dàng.

Theo các nhà nghiên cứu công bố trên tạp chí Journal of Agricultural and Food Chemistry của Anh quốc, chúng ta có thể phòng chống sâu răng bằng phương pháp ít ai ngờ: uống rượu vang đỏ.

Trong răng miệng chúng ta có tới hàng trăm kiểu vi sinh vật cùng sinh sống, những cư dân không ai mong muốn này cùng các vi khuẩn có hại tích tụ trên răng, tạo nên những mảng bám gây hại. Nếu bạn không chăm sóc răng miệng thật đúng cách và thường xuyên, các mảng bám có thể gây ra nhiều bệnh răng miệng trong đó có sâu răng.

Ước tính, có từ 60% đến 90% con người sống chung với bệnh răng miệng.

Qua nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học khẳng định rằng chất polyphenol – loại chất có trong trà xanh, nam việt quất và các chiết xuất từ nho, rượu có thể làm ức chế sự nảy nở của các chủng vi khuẩn streptococcus – chủng vi khuẩn sinh ra nhờ quá trình lên men thức ăn còn sót lại trong khoang miệng.

Nghiên cứu cho thấy, sự kết hợp giữa chiết xuất từ hạt của quả nho với rượu vang sẽ là một biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa cũng như chống lại các vi khuẩn gây hại trong răng miệng. Việc uống rượu vang đỏ với một lượng vừa phải, điều độ, sẽ là cách dễ dàng làm ức chế sự tăng trưởng của nhiều chủng loài vi khuẩn có hại cho răng miệng.

Tuân Húc
(theo Journal of Agricultural and Food Chemistry)

HẦU HẾT CHÚNG TA ĐỀU CẮT BÁNH GATO SAI CÁCH

 

Bánh gato là món ăn thông dụng trong những bữa tiệc trên khắp thế giới, tuy vậy hầu hết mọi người đều cắt bánh sai phương pháp.

Cụ thể là cách cắt bánh thành những miếng tam giác thông thường khiến cho bánh bị hở. Sau một thời gian để ngoài không khí hoặc để vào tủ lạnh, không khí, khí lạnh sẽ tiếp xúc với phần trong của bánh khiến cho bánh trở nên khô khốc, mất đi kết cấu mềm xốp mà người làm bánh đã dày công tạo nên.

Không nên áp dụng kiểu cắt bánh này nếu bạn không ăn hết bánh một lần.

Vậy có cách nào cắt bánh mà làm giảm thiểu tối đa nguy cơ làm “dở” phần bánh còn lại khi ăn không hết?

Thực tế, giải pháp đã được đưa ra cách đây…hơn 100 năm, bởi nhà bác học Anh Francis Galton.

Vào năm 1906, Francis Galton đã gửi một bức thư lên tạp chí Nature để đề xuất phương pháp cắt bánh do mình nghiên cứu ra.

Trích lá thư của nhà bác học Francis Galton.

Lá thư được đăng lên báo, sau đó nhiều người đã áp dụng theo, kết quả là những chiếc bánh cắt theo cách này còn giữ được độ mềm ngon trong một thời gian dài sau khi cắt.

Vậy cách cắt đó như thế nào? Hãy nhìn tranh minh họa dưới đây:

Đầu tiên, chúng ta cắt lấy phần giữa dọc theo cái bánh để ăn, sau đó đẩy hai phần hai bên của bánh lại “giáp mí”, khít với nhau, như vậy bánh sẽ không còn một chỗ hở nào.

Nếu muốn ăn tiếp, chúng ta lại cắt lấy phần giữa ngang vuông góc với nhát cắt trước đó, rồi tiếp tục đẩy các phần bánh còn lại cho khít với nhau.

Như vậy, chúng ta sẽ không bao giờ để hở bánh ra quá lâu, điều này giúp bảo vệ kết cấu mềm mại bên trong của bánh, kể cả khi bạn cho vào tủ lạnh cất giữ.

Tất nhiên, nếu bạn ăn hết cái bánh trong một lúc, thì cắt thế nào cũng được. Nhưng nếu ăn không hết, thì tốt nhất là áp dụng cách của nhà khoa học trên để có bánh ngon ăn dài dài!

Bảo Tố

 

LÝ DO ĐỂ SỬ DỤNG VỪNG ĐEN THƯỜNG XUYÊN HƠN

Trong Đông y, Mè đen gọi là Chi ma, hồ ma, có tác dụng bổ gan thận, ngũ tạng, dưỡng huyết, nhuận trường, tăng khí lực, sáng mắt, phát triển cơ bắp…nên được coi là vị thuốc bổ đối với cơ thể.

Nhờ những chất dinh dưỡng giàu có trong hạt mè, những lợi ích của mè đen còn được khoa học công nhận, trong đó đáng kể là những tác dụng sau:

Ngăn ngừa hen suyễn

Trong mè có magnesium làm ngăn các rối loạn hô hấp, giảm nguy cơ hen suyễn.

Giảm cholesterol

Trong mè đen có chứa phytosterol, có thể giúp điều hòa insulin, glucose đồng thời giảm cholesterol trong cơ thể.

Ngừa tiểu đường

Trong mè đen có magnesium cùng nhiều dưỡng chất có thể ngăn ngừa tiểu đường, giúp cải thiện đường huyết. Mè có tác dụng điều hòa nồng độ insulin, chống lại các triệu chứng của tiểu đường.

Giúp tim khỏe hơn

Trong mè có nhiều chất chống viêm và chất chống oxy hóa có tác dụng ngăn ngừa xơ vữa động mạch, giúp tim khỏe, ngừa đột quỵ, đau tim. Mè đen chứa nhiều magie, là chất có thể làm giảm huyết áp. Mè cũng giúp tim hoạt động tích cực, ngăn ngừa các bệnh về tim.

Tốt cho tiêu hóa

Tác dụng này có được là nhờ lượng chất xơ cao trong mè. Đây là vị thuốc giúp bạn tránh xa táo bón, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa.

Bổ sung sắt

Người thiếu máu nên ăn mè, vì mè rất giàu chất sắt là chất giúp tăng lượng máu.

Giúp da căng mịn

Ăn mè, da bạn sẽ được bảo vệ tốt hơn trước tia cực tím, mè còn giúp ngăn chặn lão hóa, giúp da bạn trông trẻ hơn.

Ngừa loãng xương

Trong mè có phốt pho, kẽm, calci có thể giúp tăng mật độ xương, cho xương khỏe ,chắc, ngừa loãng xương. Nếu bạn bị chấn thương xương, mè cũng giúp xương mau lành.

Phòng chống ung thư

Việc có mè đều đặn trong khẩu phần mang lại nhiều tác dụng tích cực lâu dài, trong đó có chống ung thư nhờ vào các hợp chất acid phytic, phytosterol, magie.

Bảo Tố (theo BOLDSKY.com)

NHỮNG ‘VỊ THUỐC BỔ’ THƯỜNG BỊ VỨT BỎ KHI CHẾ BIẾN RAU QUẢ

Khi chế biến rau quả, chúng ta thường cắt bỏ những phần thực phẩm không ngon hoặc cảm thấy không ăn được. Tuy vậy, nếu biết đến lợi ích của những phần này ở một số loại rau quả, có lẽ bạn phải suy nghĩ lại.

 

VỎ CAM

Hẳn bạn biết vỏ cam bổ dưỡng, nhưng không rõ là bổ tới mức nào. Thực tế thì lượng chất xơ và vitamin C rất dồi dào trong vỏ cam giúp bạn phòng chống được nhiều bệnh. Nếu cảm thấy khó ăn, hãy xắt vỏ cam thành sợi, thành bột rồi rắc vào món ăn, điều này giúp món ăn trở nên thơm và lạ miệng hơn.

HẠT DƯA LƯỚI

Cắt bỏ vỏ dưa lưới là đúng, vì phần vỏ xù xì này là nơi trú ngụ an toàn cho các loại vi khuẩn ngay cả khi bạn cố gắng rửa sạch chúng đi. Nhưng còn phần hạt? Đó là nơi chứa đựng nhiều chất xơ, vitamin E, protein, magie, là những thứ bổ ích cho cơ thể. Đừng bỏ hạt dưa lưới, mà bạn có thể rang, nướng lên và thưởng thức.

VỎ DƯA HẤU

Ngoại trừ một số vùng quê nước ta, người dân tận dụng cùi dưa hấu làm mắm dưa, thì hầu như ai ai cũng vứt bỏ phần vỏ này sau khi cạp hết phần thịt dưa hấu màu đỏ. Như vậy là rất uổng, vì trong vỏ dưa có chứa các acid amin citrulline giúp máu lưu thông tốt hơn. Bạn hãy xay nhuyễn nó như món sinh tố, hoặc đơn giản là chấm muối ớt ăn để bổ sung những dưỡng chất quý báu từ cùi dưa vào cơ thể.

VỎ HÀNH TÂY

Trông có vẻ vô dụng, nhưng vỏ hành tây lại rất bổ dưỡng. Nó có khả năng làm hạ huyết áp, giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn nhờ vào quercetin bên trong.

NGỌN RAU CẦN TÂY

Ngọn rau cần tuy vẫn được sử dụng trong món ăn và nó rất ngon, nhưng cũng có những người không biết đến điều này mà tiện tay ngắt bỏ. Sự thật thì không chỉ ngon, ngọn cần tây còn chứa nhiều vitamin C, calci, magie làm chắc xương, tăng trưởng cơ bắp.

LÁ SÚP LƠ XANH

Người ta thường ăn phần bông mà không nghĩ rằng phần lá xanh của súp lơ là một “kho” vitamin A, vitamin C, calci… Cách ăn: như tất cả những loại rau khác.

Bảo Tố (theo www.menshealth.com)

ĐẾN HÒA BÌNH NHỚ ĂN ĐẶC SẢN MIỀN SƠN CƯỚC

Đến với xứ Mường, ngoài việc chiêm ngưỡng những cảnh quan tươi đẹp và làm quen với những con người hiền hòa, mến khách, bạn còn phải thưởng thức những món ăn ngon và độc đáo.

Lợn thui luộc

Ảnh: maichautravel.

Như tên gọi, thịt lợn được thui đều rồi luộc cho chín tới. Điểm đặc biệt là lợn vừa thui vừa làm lông, sau đó rửa sạch, bỏ nội tạng rồi treo lên cho ráo. Lợn ở đây là lợn nuôi thả rông nên thịt rất ngon, mỡ giòn chắc. Món thịt này ngon nhất khi chấm với muối rang hạt dổi và một số loại rau thơm trong rừng. Đây là một trong những món hấp dẫn khách du lịch nhất của xứ Mường.

Rau rừng đồ

Ảnh: dulichthungnai

Vì là miền núi cao, nên Hòa Bình có rất nhiều loại rau rừng rất ngon và bổ dưỡng: rau beo, tầm bóp, đốm, đu đủ, the hởi, hoa chuối, quả quạnh… tất cả đều có thể đem đồ lên làm rau đồ. Món này thường ăn cùng bánh dày, nước chấm.

Cá nướng đồ

Ảnh: eva

Cá ở đây là cá sống ở sông Đà, khỏe mạnh, chắc thịt. Cá được bắt về xiên thành xâu nếu cá nhỏ, và xiên dọc thân nếu cá lớn, sau đó được nướng trên than hồng. Sau khi nướng, cá được rắc muối rồi được gói trong lá chuối, đồ lên như đồ xôi, rồi thưởng thức. Món ăn này kết hợp với cơm lam tạo thành hương vị đặc trưng khó quên đối với những ai ghé qua miền sơn cước.

Thịt trâu nấu lá lồm

Ảnh: dulichhoabinh

Đây là một món ăn cổ truyền của người Mường, hấp dẫn khách thập phương bởi thịt trâu thui hầm nhừ chung với lá lồm (có vị chua) và gạo tấm. Món ăn thường điểm thêm những lát ớt đỏ tạo nên hương vị chua ngọt, cay mặn tự nhiên hấp dẫn.

Măng chua nấu gà

Ảnh: dulichthungnai

Loại gà ngon nhất để nấu món này là gà Lạc Sơn, chuyên sống và kiếm ăn trên núi đá vôi, thịt ngọt thơm và dai. Khi nấu cùng măng chua, gà được chọn là gà nhỡ, nấu với măng cho nhừ rồi nêm thêm hạt từ cây dổi – một loại hạt gia vị độc đáo của tây bắc. Hạt dổi vị rất thơm, khi ăn cùng với thịt nó tạo nên một vị ngon lạ lùng hấp dẫn.

Măng đắng nướng

Ảnh: sinhcafe

Măng ở đây là măng sặt mới nhú, được nướng củi cho cháy xém, queo lại. Chỉ vậy thôi. Khi ăn, người ta lột bỏ lớp vỏ ngoài, cầm từng bẹ măng chấm với “Chẩm chéo”, một loại đồ chấm đậm hương vị tây bắc làm từ muối, mắc khén, ớt, lá gừng, tỏi, lá tỏi… Cái ngon mộc mạc đơn sơ của măng đắng khi kết hợp với chẩm chéo tạo nên một hương vị hấp dẫn khó chối từ.

Chả nướng lá bưởi

Ảnh: dulichthungnai

Chả ở đây là miếng thịt ba chỉ thái nhỏ, nêm với chút mắm, hành rồi cuốn trong lá bưởi sau đó xiên thành xiên, nướng chín trên than hoa. Mộc mạc là vậy nhưng món ăn lại mang một hương vị ấn tượng từ mùi thơm ngọt của thịt quyện với dầu lá bưởi cay nhẹ. Khách đã ăn món này thì khó mà quên được.

Chả rau đáu

Ảnh; dulichdantri

Món ăn được coi là “quý” của người Mường, chỉ giành cho khách quý. Sở dĩ gọi “quý” vì muốn làm món này phải chuẩn bị nhiều ngày trời, chủ yếu là đi tìm lá đáu tươi ngoài suối. Lá đáu được coi là một vị thuốc bổ dưỡng, vị thanh mát, dễ ăn.

Cam Cao Phong

Ảnh: lamchame

Đất Cao Phong trồng được nhiều loại cam ngon, nhưng cam Canh là được đánh giá cao nhất vì vị ngọt sâu hấp dẫn, múi cam mọng căng nước. Đến thị trấn Cao Phong bạn có thể tìm mua loại cam này, tuy nhiên nên tìm mua tại các vườn cam để có cam ngon.

Canh Loóng

Ảnh: vtc

Món canh nghe lạ tai này được làm từ nõn chuối rừng nấu với nước luộc thịt, nêm hạt dổi, điểm thêm vài lá lốt rừng thái nhuyễn. Món ăn giản dị nhưng hấp dẫn bởi mùi hương rừng núi.

Thịt chua

Ảnh: dulichthungnai

Đồng bào miền cao thường có món thịt muối chua, và người Mường Hòa Bình cũng vậy. Món thịt lợn muối làm khá công phu. Khi ăn phải ăn cùng với nhiều loại lá rừng, toàn là lá thuốc, không chỉ ngon mà còn bổ dưỡng.

Bảo Tố (tổng hợp)

ĐỘC ĐÁO CƠM GÀ “ĂN TỚI ĐÂU, TRẢ TỚI ĐÓ” Ở PHAN RANG

Nếu bạn từng có dịp đi đến đất Phan Rang nắng gió, ắt hẳn sẽ biết đến món “Cơm gà Phan Rang”. Cho dù chưa ghé quán ăn nhưng bạn sẽ thấy những bảng hiệu cơm gà lớn nằm ở ngay cửa ngõ thành phố.

Đất Phan Rang – Ninh Thuận nổi tiếng là nơi còn giữ lại nhiều tháp Chàm – kiệt tác kiến trúc của những triều đại Champa từng hùng cứ nơi đây. Phan Rang còn là nơi hấp dẫn du khách bởi những vườn nho rộng lớn, đẹp đẽ cũng như những bãi biển xanh biếc mời gọi. Khách đã đến với Phan Rang lại càng nhớ vùng đất này hơn qua những món đặc sản như Bánh xèo, bánh căn, bánh canh chả cá… cùng một món ăn độc đáo không thể không kể đến đó là cơm gà Phan Rang.

Tháp Chàm Po Klong Garai, di tích Champa nổi tiếng nhất Phan Rang. Ảnh: Trần Khiêm.

Cơm gà Phan Rang là món ăn khá “sang” ở miền đất này. Một phần tạo nên “đẳng cấp” của món ăn đó là nhờ vào sự cầu kỳ trong khâu chọn lựa, chế biến của nó. Theo nhiều người sành ăn, món cơm gà Phan Rang có thể có nguồn gốc từ món cơm gà Hải Nam nổi tiếng của dân đảo Hải Nam, Trung Quốc. Tuy vậy, cơm gà Phan Rang đã tạo ra được những nét riêng đủ để thỏa lòng người muốn khám phá, trải nghiệm.

Cầu kỳ trong chế biến…

Để có vị ngọt, kết cấu mềm, thì món gà trong dĩa cơm gà Phan Rang phải làm từ gà mái đẻ lứa đầu. Gà phải là giống gà ta nuôi thả vườn. Thịt gà được luộc với lượng nước vừa đủ, để khi nấu xong nước đạt độ sánh quyện để dùng làm nước nấu cơm.

Gạo được ướp với tỏi, gừng cho thơm sau đó xào sơ cho bóng màu và chắc hạt, trước khi nấu chung với nước luộc gà đến khi nước vừa cạn. Công đoạn tiếp theo là chuyển cơm qua nồi hấp. Phương pháp nấu khá cầu kỳ này mang lại cho món cơm kết cấu chắc, rời hạt nhưng vẫn mềm mại, và còn có màu vàng ươm bắt mắt.

Một phần quan trọng trong món cơm gà này là nước chấm. Có nhiều loại nước chấm để dùng kèm món gà này tùy theo nơi chế biến. Nhưng thường thấy nhất là muối chiêu chanh, muối ớt hành và nước mắm pha hèm rượu – một loại nước chấm khá đặc biệt.

Thịt gà trong món cơm gà Phan Rang. Ảnh: Huấn Phan.

Khi bạn gọi cơm gà, phục vụ sẽ bưng ra khá nhiều dĩa: Dĩa đựng cơm, dĩa đựng gà, dĩa đựng rau bao gồm rau răm và dưa leo, cùng vài dĩa nhỏ đựng đồ chấm. Sau đó là đến lượt thưởng thức của bạn.

Bạn sẽ cảm nhận sự khác biệt ngay khi cắn miếng gà đầu tiên: phần da gà không dai mà rất mềm, cắn nhẹ là ngập răng ngay, trong khi thịt gà mềm, hơi dai và có vị ngọt rất tự nhiên, hòa quyện với chút vị mặn điểm trên miếng da gà. Chấm gà vào mỗi loại đồ chấm bạn sẽ cảm nhận sự thay đổi về hương vị. Phần cơm có hạt rời nhưng dẻo mềm, thơm thoang thoảng mùi gừng, tỏi và vị ngọt của nước luộc gà. Phần ăn tuy để riêng từng loại, nhưng rất cả đều quan hệ, cộng hưởng với nhau, từ miếng gà, hạt cơm, cọng rau răm hay nước chấm, điều đó tạo nên sự ngon miệng khiến bạn khó mà dừng đũa.

…và độc đáo trong cách phục vụ

Tuy nhiên, có một điều bạn cần lưu ý khi ăn món cơm gà đặc biệt này tại các hàng quán ở Phan Rang. Đó là khi dọn cơm cho khách, trong đĩa gà có nhiều miếng gà chặt vừa vặn, đều đặn, lượng gà hơi nhiều một chút so với khả năng ăn của thực khách. Nhiều người mới ăn lần đầu, thấy vậy không nghĩ gì, cố ăn cho hết, nhưng đến khi tính tiền thì lại giật mình khi phải thanh toán số tiền gấp đôi, gấp ba số tiền một đĩa cơm.

Chủ quán sẽ không đợi bạn nổi nóng, mà nhẹ nhàng giải thích cho bạn rằng cơm gà ở đây bán theo kiểu “ăn tới đâu, trả tới đó”, bạn ăn một miếng thì sẽ tính theo đúng giá ghi trên bảng giá. Nhưng nếu ăn thêm miếng thứ hai, thứ ba, số tiền sẽ được cộng lên, trong khi giá một miếng gà cũng gần bằng đĩa cơm. Nếu bạn chỉ ăn một miếng, phần gà còn lại sẽ không tính tiền, để rồi sau khi bạn ăn xong, phần thịt gà đó được dọn đi để phục vụ người khác.

Một phần cơm gà Phan Rang. Trong đĩa gà có tới 3 miếng gà, ăn tới đâu tính tiền tới đó. Ảnh: Trần Khiêm.

“Quy luật” độc đáo này không hề được giải thích từ đầu hoặc ghi trên bảng giá của quán ăn, khiến cho nhiều khách mới tới ăn lầm tưởng là quán bán rẻ, dọn nhiều gà, bỏ thì tiếc nên phải cố ăn hết, để rồi phải thanh toán giá tiền cao bất ngờ. Nhiều khách du lịch vừa ăn ngon xong lại phải “tức ngực” vì vấn đề này.

Lạ và dễ “hiểu lầm” như vậy, nhưng tìm hiểu nhiều nơi mới biết, đối với món Cơm gà Phan Rang, kiểu bán này là rất bình thường.

Bỏ qua cách phục vụ khá lạ lẫm nhưng cũng khá dễ gây ngộ nhận đối với ai chưa biết, thì cơm gà Phan Rang là một món ăn ngon lành và đặc biệt. Nếu có dịp đến Phan Rang, hãy ghé thử một trong những quán cơm gà nổi danh như Khánh Kỳ, Phước Thành hoặc các quán đông khách nào bạn phát hiện được để thưởng thức món ăn trứ danh này…

Mẹo: Các quán cơm gà thường tập trung ở trên đường Trần Quang Diệu, Phan Rang – Tháp Chàm.

Gia Hân.

Cách làm THỊT HEO XÀO LĂN

Thịt rừng rất ngon nhờ thịt chắc, lớp da dày nhưng giòn, xào với gia vị sả ớt dậy mùi thơm khó cưỡng.

Thịt heo rừng không nên ăn heo hoang dã để khỏi tiếp tay cho thợ săn trộm. Hiện tại các chợ thường bán heo rừng nuôi F2 F3 ăn vẫn ngon, nhưng cẩn thận kẻo mua nhầm thịt heo rừng giả từ thịt lợn nái.

Nguyên liệu
– 3 lạng thịt heo rừng (nếu không có thì chọn thịt heo nhiều nạc ít mỡ cũng được)
– 4 cái mộc nhĩ
– Cà rốt: 1 củ
– Hành tây: 1 củ
– Miến: 30g
– Nước cốt dừa: 1/2 chén. Coi CÁCH LÀM NƯỚC CỐT DỪA
– Đậu phộng rang, mè rang, ngò gai, ngò om, đầu hành, gừng, ớt sừng, sả, tỏi băm.

 

Thực hiện:

Sơ chế

– Nấm mèo ngâm nước ấm cho nở, rửa sạch rồi cắt sợi nhỏ.
– Miến ngâm nở, cắt cọng 10cm
– Hành tây bổ múi cau
– Cà rốt gọt vỏ, xắt miếng nhỏ mỏng vừa ăn
– Ớt xắt lát mỏng.
– Thịt heo rửa sạch thái mỏng, ướp cà ri, đường, muối, tỏi băm 20 phút cho ngấm.
Thực hiện

– Làm nóng chảo rồi cho dầu ăn vào đun sôi rồi cho 1 muỗng cà phê tỏi băm vào phi thơm. Tiếp theo trút thịt vào đảo đều tay cho thơm, vặn nhỏ lửa. Cho nước vào xâm xấp mặt thịt, nấu cho tới lúc thịt mềm, nước cạn.
– Trút đầu hành, cà rốt, sả, nấm mèo, miến, ớt, nước cốt dừa vào đảo đều, nấu tới khi nước sánh lại. Nêm gia vị cho vừa miệng.
– Trút thịt ra đĩa, rắc lạc rang, mè rang, ngò om, ngò gai, ớt… lên mặt thịt.
– Ăn nóng.

Bảo Tố

Cách làm CANH MỰC NẤU DƯA

 

Tô canh chua dịu hấp dẫn sẽ là món ăn ưa thích cho bữa cơm gia đình bạn.

Chuẩn bị:

– 200g mực
– Dưa chua: 1 chén
– Cà chua, ớt, tỏi, gừng, cần tây

Cách làm
Sơ chế
– Mực rửa sạch, bỏ mắt, yếm, để ráo nước.
– Dưa rửa qua vài lần với nước cho bớt chua. Vắt lấy nước.
– Tỏi gừng đập dập, cà chua bổ múi cau
Thực hiện
– Bắc nồi lên bếp cho vào ít dầu ăn rồi phi thơm tỏi, trút cà chua vào xào sơ rồi trút mực vào xào thật nhanh tay cho mực săn, nêm chút nước mắm và gia vị.
– Đổ vào nồi lượng nước đủ nấu canh rồi đổ tiếp nước dưa chua vào. Nấu tới khi dưa chín mềm.
– Nêm đường vào cho vừa đủ chua ngọt. Xắt thêm vài lát ớt nếu ăn cay.
– Cuối cùng cho gừng và cần tây vào, múc ra tô ăn nóng với cơm.

 

Bảo Tọa (ảnh: Eva.vn)

10 MẸO HAY VỚI TRỨNG KHÔNG NÊN BỎ QUA

 

Trứng là loại thực phẩm phổ biến ở hầu như mọi nơi trên thế giới. Sử dụng trứng đã là điều quen thuộc với mọi người, nhưng ắt hẳn nhiều người sẽ thấy thú vị khi biết thêm những mẹo dưới đây:

Luộc trứng không nứt vỏ

Có nhiều cách để luộc trứng không bị nứt, chẳng hạn cho chút muối vào nồi luộc, hoặc chà chanh quanh trứng rồi mới luộc.

Luộc trứng đã nứt

Với trứng đã nứt vỏ, hiện tượng trứng bị rỉ ra ngoài hoặc nước xâm nhập vào trứng rất dễ xảy ra. Để khắc phục, ta cho vào nước luộc một chút dấm.

Luộc trứng cho lòng đỏ chính giữa

Khi luộc, thò cây đũa vào khuấy tròn phần nước luộc quanh trứng, lòng đỏ trứng sẽ được “canh” vào giữa quả trứng.

Nấu các món trứng lên màu đẹp

Để các món từ trứng lên màu hấp dẫn, khi đánh trứng, chỉ nên dùng đồ sành, thủy tinh, không bao giờ dùng đồ nhôm vì đồ nhôm khiến trứng bị chuyển màu xám sau khi nấu chín.

Đánh trứng không dính tô

Tráng qua một lớp nước lã rồi mới cho trứng vào đánh, như vậy trứng sẽ không dính vào tô, có dính cũng dễ lau rửa hơn.

Đánh trứng nhanh nổi

Cho vào một chút muối rồi mới đánh trứng, trứng sẽ rất mau nổi.

Lau vết trứng trên nền

Rắc một lớp muối dày lên chỗ trứng bị rơi vãi xuống sàn, để 20 phút rồi dùng khăn sạch lau rất nhanh gọn.

Cắt trứng đẹp mắt

Cắt trứng mà muốn đẹp thì lòng đỏ trứng không được nát. Để làm được vậy, nhúng dao vào nước trước mỗi nhát cắt, làm vậy lòng đỏ sẽ không thể bám vào dao.

Nhận biết trứng cũ, mới:

Trứng mới thường có vỏ màu thô ráp, trong khi trứng cũ thường có vỏ bóng mịn.

Nhận biết trứng cũ, mới (2)

Có một cách khác hơi mất công nhưng dễ chính xác hơn, đó là cho trứng vào tô nước muối, nếu trứng chìm hẳn thì đó là trứng mới, càng nổi cao là trứng càng cũ.

Bảo Tận 

 

Cách làm BÚN VỊT NƯỚNG

Bún vịt nướng là món trộn dễ ăn, lại hấp dẫn nhờ sự phối hợp của các nguyên liệu phù hợp với nhau. Công thức do Tô Hưng Giang chia sẻ.

Nguyên liệu:
– Vịt: nửa con
– Tỏi: 5 múi, băm nhỏ
– Hành củ: vài củ xắt lát rồi phi vàng
– Đậu phộng rang
– Sả: 2 củ
– Nước dừa tươi: 2 quả
– Đường: 2 muỗng cafe
– Dầu ăn, tiêu, muối, dấm
– Cà rốt, xoài xanh (hoặc đu đủ, củ cải)
– Bún.
– Rau thơm

Thực hiện:
– Cà rốt & xoài thái sợi, ngâm dấm nêm tí bột ngọt 15 phút cho ngấm rồi vắt ráo.
– Vịt chặt làm đôi.
– Tỏi băm nhỏ, cho vào nồi hoặc chảo sâu phi thơm với dầu ăn rồi cho vịt vào xào săn.
– Tiếp theo đổ tất cả nước dừa vào, cho tiếp 2 củ sả đập dập, đường, muối, tiêu, hạt nêm, nếu nước dừa chưa ngập vịt thì cho thêm nước.
– Vặn lửa to nấu sôi rồi vặn nhỏ lại nấu cho vịt chín mềm. Vịt chín tới, nước cạn thì tắt bếp, gắp vịt ra ngoài.
– Cho thịt vào khay nướng không dính, rưới một ít nước nấu ban nãy lên miếng thịt rồi bật lò 200 độ C, nướng tới khi vịt lên màu nâu vàng là ngon.

Pha nước chấm:
– Pha theo tỉ lệ: 8 xì dầu / 2 đường / chút bột ngọt / ớt tỏi thái lát / tiêu.

– Cho rau, bún, thịt, cà rốt, xoài, hành củ phi vàng, đậu phộng, rau thơm tất cả vào tô rồi chan nước chấm lên là xong. Trộn đều lên trước khi ăn.

Theo Tô Hưng Giang.

UỐNG NƯỚC ÉP BÍ ĐỎ SỐNG: ĐẸP DA, PHÒNG CHỐNG NHIỀU LOẠI BỆNH

 

Bí đỏ (bí ngô, bí rợ) là loại thực phẩm quen thuộc của mọi người trên khắp thế giới. Nếu không nấu chín mà dùng như một loại hoa quả để làm nước ép, món này có thể mang lại những lợi ích trên cả mong đợi.

Trong bí ngô chứa nhiều vitamin B1, B2, B6, C, D, Beta carotene, lutein, zeaxanthin… ngoài ra trong loại quả này còn nhiều chất chống oxy hóa, chất xơ cùng các chất khoáng như canxi, kẽm, đồng, sắt, kali.

Bí rợ có nhiều màu vỏ khác nhau, nhưng đều mang lại lợi ích quý giá cho cơ thể.

Nước ép bí ngô không chỉ là loại nước ép ưa thích trong truyện Harry Potter. Bạn có thể dùng nó để mang lại những tác dụng tuyệt vời sau cho cơ thể:

Đẹp da:

Nước ép bí rợ sẽ bổ sung những chất chống viêm giúp bảo vệ cơ thể khỏi các chứng viêm do côn trùng, môi trường thường gây ra mụn, mủ, sưng tấy. Sử dụng loại nước này đều đặn giúp cơ thể thanh lọc, qua đó giúp da khỏe mạnh. Vitamin C, E, A và kẽm trong loại nước này giúp da bạn mau lành các tổn thương do nóng trong.

Tăng cường miễn dịch

Trong nước ép bí ngô chứa nhiều khoáng chất, sinh tố C, giúp cơ thể bạn đủ sức đề kháng để chống lại bệnh tật.

Nước ép bí đỏ rất ngon miệng và bổ dưỡng.

Ngăn xơ cứng động mạch

Động mạch sẽ lưu thông tốt hơn nếu bạn uống nước ép bí ngô. Sử dụng nước này đều đặn làm giảm nguy cơ đột quỵ hay các cơn đau tim.

Trị táo bón

Nếu bị táo bón do stress hay do ăn uống, hãy uống một ly nước ép bí ngô trước khi đi ngủ hoặc trước khi ăn sáng. Bí ngô giàu chất xơ, rất tốt cho tiêu hóa.

Ngăn loét dạ dày, tá tràng

Bí ngô giúp ruột tiêu hóa thực phẩm nhanh, loại bỏ chất động khỏi đường tiêu hóa, qua đó ngăn ngừa và chữa lành các vấn đề về dạ dày, tá tràng cũng như các nhiễm trùng trong ruột.

Làm mát cơ thể

Khi bị nóng, nhiệt, một cốc nước ép bí ngô là cách làm hạ nhiệt cơ thể hiệu quả vì tính mát của loại bí này.

Bổ gan

Gan cũng sẽ được bảo vệ, thanh lọc nếu bạn uống nửa cốc nước ép bí ngô mỗi ngày 3 lần.

Bổ mắt

Beta-carotene, lutein, zeaxanthin trong bí ngô rất có lợi cho sức khỏe cơ mắt cũng như hoạt động của dây thần kinh liên quan đến mắt. Đây là thực phẩm rất tốt để bảo vệ mắt không bị viêm nhiễm. Người lớn tuổi bị đục thủy tinh thể, loạn thị, thoái hóa điểm vàng là những đối tượng nên dùng loại nước ép này thường xuyên.

Bổ tim

Bí ngô giúp loại trừ cholesterol xấu, làm sạch động mạch, giúp kiểm soát huyết áp, làm trái tim hoạt động khỏe hơn. Đây là thực phẩm rất tốt cho người bị gặp các vấn đề về tim.

Sơ chế bí đỏ trước khi ép, xay

Tốt cho người hen suyễn dị ứng

Trong bí ngô có chất giảm đau và chất chống oxy hóa làm ngăn và giảm các chứng hen suyễn dị ứng.

Bổ thận

Nước ép bí ngô đã được chứng minh là rất tốt cho bệnh nhân thận. Với trường hợp sỏi thận nhẹ, người bị sỏi thận có thể khỏi mà không cần điều trị nếu uống một ly nước ép bí ngô hàng ngày cho đến khi hết sỏi. Nước ép bí cũng giúp loại bỏ độc tố khỏi thận, giúp thận khỏe mạnh.

Trị trầm cảm

Nếu bạn lúc nào cũng cảm thấy muốn sụp đổ, hãy thử dùng nước ép bí ngô. Bí ngô làm tăng mức L-tryptophan trong cơ thể giúp lấy lại cảm giác hạnh phúc, vực dậy tinh thần của bạn.

Trị mất ngủ

Khi ép nước ép bí ngô, cho thêm một nửa thìa mật ong, nó sẽ trở thành một liều thuốc giúp dễ ngủ, ngủ ngon.

CÁCH LÀM NƯỚC ÉP BÍ ĐỎ:

Bí ngô (bí đỏ, bí rợ) mua về gọt bỏ vỏ, lấy hạt ra để giành (vì hạt bí rất bổ không nên vứt), phần thịt bí ta thái nhỏ rồi đem cho vào máy ép trái cây ép lấy nước. Có thể pha nước này với sữa, sữa chua hay đường để dễ uống.

Bạn cũng có thể xay bí đỏ thành sinh tố cùng với sữa, đường.

Bảo Thoa (tổng hợp từ Boldsky.com, Health.com)

Cách làm GIÒ KHO KEO

 

Giò kho keo là món ăn hấp dẫn và giàu dinh dưỡng cho bữa cơm gia đình của bạn.

Nguyên liệu:

– Chân giò lợn: 1 cái, 1 mẩu gừng tươi để khử mùi
– Đường nâu
– Hành củ băm, tỏi băm, ớt tươi
– Nước dừa (có thể dùng nước lọc)
– Gia vị

Thực hiện:

– Giò mua về làm lông kĩ, rửa sạch sau đó xát muối lên, rửa lại nước lạnh.
– Chuẩn bị nồi nước sôi, cho giò vào cùng với vài lát gừng tươi đập dập, nấu cho nước sôi, khi nấu nhớ vớt bọt. Nấu 5 phút thì tắt bếp, vớt giò ra rửa lại nước lạnh cho sạch.
– Chặt giò heo thành khúc vừa ăn.
– Ướp giò với 1mcf tỏi băm, 1mcf hành củ băm, 1/2 mcf tiêu, 1 mcf nước tương, 2 mcf nước mắm trong 30 phút cho ngấm.
– Bắc nồi vặn lửa vừa, cho 2 thìa đường nâu vào khuấy đều cho đường chảy ra vàng cánh gián thì cho giò vào đảo nhanh tay. Tiếp đến cho 1/4 chén nước dừa vào, vặn nhỏ lửa, đậy nắp lại kho cho sôi.
– Nước đầu cạn thì ta châm thêm nước dừa và nêm chút nước mắm, kho khoảng 45 phút tới khi giò chín, nước keo lại, ngấm màu vào thịt.
– Giò chín thì cho ớt tươi xắt lát cùng với hành lá vào.

Bảo Tố

(theo tuminhblog)

Cách làm THỊT XÀO SẢ ỚT

Thịt xào sả ớt là món ăn đơn giản, nhờ vậy kết cấu và hương vị của thịt heo vẫn được giữ lại, cộng với mùi thơm của sả, cay của ớt khiến cho món ăn trở nên hấp dẫn.

Chuẩn bị:

– Thịt nạc thăn: 3 lạng, chọn thịt toàn nạc
– Sả: 2 củ
– Ớt: 2 quả
– Các gia vị thông thường
– Mè rang

Thực hiện:

– Ớt rửa sạch, băm nhuyễn.
– Sả rửa sạch, băm nhuyễn.
– Thịt mua về rửa sạch, xắt từng miếng nhỏ cỡ đốt ngón tay rồi ướp cùng chút nước mắm, dầu ăn, đường.
– Bắc chảo cho ít dầu ăn vào làm nóng sôi rồi cho sả, ớt vào phi vàng thơm.
– Tiếp đến trút thịt đã ướp vào xào lửa vừa tới khi thịt săn lại thì vặn to lửa, nêm gia vị vừa miệng, xào cho thịt thật ráo.
– Rắc mè rang lên thịt, trộn đều.

Món này ăn nóng cùng cơm. Nấu thêm một món canh rau nữa là đủ một bữa ngon.

Bảo Tố