Cách làm TRỨNG CÚT RIM MẶN

Nếu bạn muốn một món ăn đơn giản, ít nguyên liệu, mà lại bổ dưỡng, ngon miệng, hấp dẫn mọi người nhất là trẻ con, thì trứng cút rim mặn là một lựa chọn thích hợp.

e

Nguyên liệu:

-20 quả trứng cút

– Hành lá, hành củ, màu điều, Dầu hào, nước tương, nước mắm, gia vị

Cách làm:

Bước 1:

– Trứng luộc chín, lột vỏ.

Bước 2:

– Bắc chảo bỏ dầu điều vào đun nóng, cho trứng vô rán áp chảo, nhớ thỉnh thoảng đảo đều. (nếu muốn trứng se mặt ngoài thì chiên trứng bằng dầu ăn).

– Vớt trứng ra ngoài.

Bước 3:

– Cho vào chảo 3 muỗng súp nước lọc, 2 muỗng súp nước mắm, hai muỗng súp đường, một muỗng cafe nước tương, chút dầu hào, nấu hỗn hợp cho sôi thì cho trứng cút vào nấu chung.

Bước 4:

– Vặn nhỏ lửa, nấu chừng 10 phút thì nêm nếm lại cho hơi nhạt là vừa, vì tí nữa nước keo lại sẽ mặn hơn.

Thành quả: Trứng kiểu áp chảo

pic5003

Thành quả: Trứng kiểu chiên dầu ăn

– Rim tới khi nước sánh keo lại là được. Rắc hành lá, ăn với cơm.

theo Cún Khang

Cách làm BÁNH SẮN HẤP

Món bánh với lớp vỏ ngoài thơm mềm của sắn và bên trong bùi bùi nhân đậu xanh sẽ là món ăn thú vị trong bàn trà đãi khách của bạn.

Nguyên liệu:

  • – 1 củ khoai mì
  • – 1/4 chén đậu xanh không vỏ
  • – 2 muỗng súp bột nếp
  • – 2 muỗng súp đường trắng
  • – 1 muỗng cà phê muối
  • – Hành củ, đường, muối, mè rang, dừa vụn, lá chuối để lót nồi.

Cách làm:

Bước 1:

– Đậu đem đãi qua nhiều nước cho hết chất bẩn, sau đó ngâm 1-2 tiếng trong nước lạnh.

Bước 2:

– Hấp chín đậu xanh, tán cho nhuyễn.

– Bắc chảo cho ít dầu ăn rồi cho hành khô xắt nhỏ vài phi thơm, rồi cho đậu xanh đã tán nhuyễn vô xào 5-10 phút cho đậu khô, nêm chút đường, muối cho vừa miệng, trộn đều.

Bước 3:

– Để đậu xanh nguội rồi vo thành những viên tròn.

Bước 4:

– Sắn bỏ vỏ, cắt đôi, ngâm nước lạnh pha chút muối trong ít nhất 6 tiếng để hết chất độc. Sau đó rửa sắn lại cho sạch, bào mịn, được khoảng 200g.

– Vắt cho ráo nước, rắc bột nếp và đường vào trộn đều tới khi thành hỗn hợp dẻo mềm, không bị dính tay.

Bước 5:

– Ngắt hỗn hợp bột thành viên nhỏ, ấn dẹt.

Bước 6:

– Rồi cho viên nhân vào, đậy kín lại rồi vo tròn cho đẹp.

Bước 7:

– Làm cho hết nguyên liệu.

Bước 8:

– Xếp lá chuối vô xửng, quét lên mặt lá đã xếp một ít dầu ăn để khỏi dính. Xắp mấy cục bánh vào, hấp 10-15 phút, nhớ lau nước đọng trong nồi.

Bước 9:

– Hấp tới khi vỏ chuyển màu trắng đục ngon mắt là chín.

Bước 10:

– Mè rang vàng rồi giã với chút đường, muối.

Bước 11:

– Bánh chín, để cho nguội bớt rồi lăn qua lớp dừa vụn. Khi ăn chấm muối mè.

theo Cún Khang

9 MÓN ‘QUAN TRỌNG’ PHẢI KHÁM PHÁ Ở LÀO CAI

Đến với Lào Cai là đến với mảnh đất đầy ắp những sản vật độc đáo từ núi rừng, đến với những phong tục, tập quán từ nhiều dân tộc khác nhau…Những đặc điểm đó tạo nên sự khác biệt đầy hấp dẫn của những món ăn nơi đây.

Sau đây là những món ăn lạ lẫm bạn nên tìm ăn khi đến với mảnh đất Lào Cai:

Phở chua Bắc Hà

Bắc Hà là một huyện vùng cao ở phía Đông Bắc của tỉnh. Đến đây du khách không chỉ được khám phá đời sống thường nhật của các dân tộc miền cao Tây Bắc (chưa bị “du lịch hóa” nhiều như Sapa), mà còn được khám phá những món ăn lạ lẫm, trong đó có phở chua.

Phở chua là một loại phở trộn, dùng sợi phở nóng mới làm, trộn cùng thịt xá xíu, rau sống, lạc, gia vị, trong một hỗn hợp nước chua hơi đặc được chắt lọc từ nước ngâm rau cải.

Cuốn sủi

Cuốn sủi hay phở khan là món ăn độc đáo với sợi phở trắng mềm, điểm thêm những sợi mì củ dong chiên giòn thơm, ăn cùng thịt bò, nước sốt sền sệt là sự cộng hưởng của nhiều hương liệu khác nhau. Các hàng cuốn sủi như vậy có nhiều ở Lào Cai, dễ tìm nhất là quán ở gần ga Lào Cai

.

Quả Tỳ Bà

Tỳ bà hay nhót tây là loại đặc sản khá “hot” của Lào Cai hay Lạng Sơn. Quả này có mùi thơm, vị chua chua ngọt ngọt, hái từ những cây tỳ bà trồng trong vườn của người dân miền cao. Quả này có nhiều công dụng trong đó phổ biến nhất là trị viêm họng, phòng các bệnh cảm lạnh.

Thắng cố ngựa 

Là một món nổi tiếng nhất nhì Lào Cai, tuy vậy không phải ai cũng làm quen được với Thắng Cố ngay, vì món ăn này rất độc đáo từ hình thức, cách làm cho đến hương vị. Tuy vậy, những người có kinh nghiệm đều cho rằng đây là một món ăn tuyệt hảo. Thắng cố thường làm từ nội tạng ngựa, nấu với rất nhiều loại gia vị bổ dưỡng trên rừng núi như địa liền, thảo quả, hạt dổi, củ sả, quế chi…. Một bát thắng cố nóng giữa trời se lạnh nhấm với rượu San Lùng, rượu ngô Bản Phố… là tất cả những gì sẽ khiến bạn nhớ mãi miền đất núi rừng.

Lợn cắp nách

Gọi lợn cắp nách vì đây là giống lợn bé, có thể cắp vào nách mang đi. Lợn được người dân nuôi thả rông ở nơi địa hình phức tạp, tự mò mẫm kiếm ăn, do đó thịt lợn chắc, ngon vô cùng. Từ những con lợn cắp nách như thế, người dân ở miền núi Lào Cai đã tạo ra rất nhiều món: lợn nướng, luộc, quay, hun khói… hay các sản phẩm đặc biệt như dồi, lạp xường… tất cả đều trông rất hấp dẫn, mà đã ăn vào một miếng thì khó mà không ăn cho đến khi no kềnh mới thôi.

Nem măng đắng

Măng đắng là loại măng từ cây vầu, được đồng bào miền cao lấy về nấu chín rồi lột lấy miếng lá bánh tẻ mềm, dai để cuốn với nhân làm từ thịt, xương gà cùng các thứ gia vị. Sau khi cuốn lại thành nem, món này được rán vàng rồi bày ra dĩa. Đây là một món rất độc đáo không thể bỏ qua khi có dịp đến thăm những vùng dân cư trên núi cao Lào Cai.

Nấm chân chim

Một loại nấm có vẻ ngoài đẹp lạ lùng, và hương vị hấp dẫn. Nấm chân chim mọc ở các thân cây trên núi, được người H’mong hái cả gùi đem đến chợ, tập trung lại một dãy để bán. Nấm không chỉ ngon, còn là một loại thuốc chữa bệnh.

Thịt lợn muối

Thịt lợn muối luôn nằm trong sách hướng dẫn về các món ăn phải thử khi đến Lào Cai. Thịt lợn muối khô, dai, có vị mặn đậm đà hòa lẫn với vị chua và nhiều hương vị núi rừng khác rất thơm và lạ miệng, có khả năng ‘lấy lại vị giác’ sau khi người ta đã ăn quá nhiều thứ béo bở khác. Đây là món ăn quen thuộc ở nhiều gia đình các dân tộc tại Lào Cai, đặc biệt là dân tộc Tày ở Bảo Yên.

Rượu San Lùng

Đây là một món rượu đặc sản, được làm rất công phu từ những nguyên liệu tuyển chọn: nếp sữa trồng trên nương, các loại thảo dược quý của núi rừng… Rượu có mùi thơm dễ chịu, vị đậm đà, nhẹ nhàng mà lan tỏa… Không chỉ dùng để đãi khách, làm quà, rượu San Lùng còn được coi là một vị thuốc giúp máu lưu thông tốt, giảm đau nhức.

Táo Tàu tổng hợp

5 LOẠI QUẢ BỔ TỪ VỎ ĐẾN RUỘT

Đa phần người ta chỉ ăn phần thịt bên trong vỏ quả, nhưng như vậy sẽ là một sự phung phí vì rất nhiều loại vỏ quả mang lại những công dụng tốt cho cơ thể cũng như diện mạo của bạn.

Sau đây là những loại quả rất thông dụng bạn nên tận dụng cả ruột lẫn vỏ vì những lợi ích quý của chúng:

Chanh

Nước chua trong quả chanh rất tốt cho người tắc nghẽn cơ tim, cao huyết áp. Trong thành phần nước chanh có nhiều acid citric, muối, có thể phòng sỏi thận, giảm kết sỏi thận mãn. Ăn chanh còn có lợi cho người bị thấp khớp, tiểu đường, tiêu hóa kém. Uống nước chanh thường dùng kết hợp trong việc chữa tiêu chảy.

Trong khi đó, vỏ chanh là một hương liệu, dược liệu phổ biến. Có thể phơi khô vỏ chanh rồi nghiền thành bột để làm chất dưỡng ẩm da, hoặc chữa đau đầu.

Quả táo

Người xưa có câu: “Mỗi ngày một quả táo, khỏi đi gặp bác sĩ”. Khoa học cũng chúng minh táo là một trong những loại quả bổ dưỡng nhất với tác dụng dinh dưỡng, phòng và đẩy lùi bệnh tật. Táo còn giúp giảm cân, trị táo bón, giảm đau đầu, nhiễm khuẩn, giảm nguy cơ đột quỵ ở người lớn tuổi.

Còn vỏ táo, thứ thường bị gọt đi, thậm chí còn “bổ” hơn phần ruột. Bên cạnh những tác dụng đối với cơ thể và giúp giải quyết bệnh tật, vỏ táo còn có thể dùng làm mỹ phẩm mọc tóc, chống rụng tóc. Hãy xay nhuyễn vỏ táo bôi lên đầu rồi xả sạch sau 20 phút.

Bơ là loại trái cây giàu dinh dưỡng bậc nhất. Bơ có thể giúp phòng ngừa các bệnh ung thư vú, ung thư thận… Bơ giúp sáng mắt, giảm cholesterol nếu ăn đều đăn.

Vỏ bơ cũng có hiệu quả làm đẹp rất cao. Có thể dưỡng ẩm cho da bằng cách chà nhẹ mặt trong của vỏ bơ lên da mặt.

Cam

Cam có nhiều vitamin C giúp tăng đề kháng, tăng hấp thu sắt, thực vật. Cam còn chứa nhiều limonoid giúp giải độc, lợi tiểu và đặc biệt là ngăn ngừa ung thư, nhất là các bệnh ung thư dạ dày, phổi…

Ít ai ngờ trong vỏ cam có thể cung cấp calci cho cơ thể. Bên cạnh đó, vỏ cam quýt thường được dùng làm thuốc, nhất là trị ho có đàm, giải rượu. Về mặt mĩ phẩm, vỏ cam chăm sóc sắc đẹp bằng cách tẩy tế bào chết trên da. Cách đơn giản nhất: đâm những lỗ vào mặt vỏ cam, ngâm vào nước ấm qua đêm, rồi sớm mai rửa mặt bằng nước này, sau đó lau khô.

Chuối

Chuối là “kho tàng” vitamin B, vì thế nó được coi là loại quả “an thần”, giúp bạn yêu đời và giữ bình tĩnh. Trong chuối còn có nhiều sắt giúp ngừa thiếu máu. Kali trong chuối tốt cho trí não. Chuối còn nhiều vitamin, khoáng chất có thể đẩy lui tình trạng mệt mỏi, đau đầu thường gặp.

Vỏ chuối có những tác dụng bất ngờ trong làm đẹp. Hãy chà mặt trong vỏ chuối lên răng để răng chắc và sáng hơn. Cũng mặt trong vỏ chuối, thêm một ít đường nâu, bôi lên da để tẩy tế bào chết.

Tào Khang

Cách làm CÁ NỤC CHUỐI KHO HÚNG QUẾ

Những con cá nục thơm ngon mặn mòi kho cùng lá húng quế tạo nên món ăn đậm đà hấp dẫn cho bữa cơm gia đình. Rau húng rất tốt để bảo vệ sức khỏe cho gia đình, ngoài ra nó còn có tác dụng lợi sữa cho bà mẹ.

Nguyên liệu:

  • – Cá nục chuối (còn gọi là cá nục suôn): khoảng 4 lạng
  • – Húng quế: 1 bó
  • – Màu điều, hành củ, ớt, gia vị…

Cách làm:

Bước 1:

– Rau húng nhặt rửa sạch, để vô rổ cho ráo nước. 

Bước 2:

– Cá bỏ ruột, rửa sạch, để ráo nước rồi ướp cùng 1/2 muỗng cafe muối trong 15 phút. 

Bước 3:

– Chuẩn bị nồi hoặc tộ kho, xếp rau húng dưới đáy nồi một lớp rồi xếp cá lên, rồi xếp một lớp húng quế, nếu còn cá thì xếp cá tiếp rồi lại xếp lớp trên cùng bằng lá húng quế. 

Bước 4:

– Hành tỏi lột vỏ băm nhỏ.

– Cho hành, tỏi, ớt trái, 2 muỗng cafe dầu màu điều, 2 muỗng súp nước mắm, 2 muỗng súp đường, xóc đều để gia vị bám vô cá. Đậy nắp ướp 1 tiếng cho gia vị ngấm vô cá. 

Bước 5:

– Bỏ nồi lên bếp, vẫn đậy nắp, nấu sôi chừng 15 phút thì mở nắp, vặn nhỏ lửa cho cá ngấm.

Bước 6:

– Sau 30-45 phút, nêm nếm lại vừa miệng, kho tới khi nước cá queo lại thì tắt bếp, rắc tiêu.

– Ăn với cơm.

Theo Cún Khang

Cách làm MỰC XÀO DƯA CHUA

Hãy thay đổi hương vị cho món mực xào bằng cách xào cùng dưa chua, bạn sẽ mang lại một bữa ăn mới lạ, ngon lành cho gia đình.

Nguyên liệu:

– Mực ống: 300g

– Dưa chua: 150g xem CÁCH LÀM DƯA CẢI CHUA

– Cà rốt: 1 củ

– Hành củ, hành lá, tiêu, gia vị…

Cách làm:

Bước 1:

– Mực mua về bỏ túi, nội tạng rồi rửa sạch, cắt khoanh vừa ăn, để ráo. Ướp mực cùng 1/2 muỗng cafe hột nêm, 1/2 muỗng cà phê muối trong 15 phút.

Bước 2:

– Dưa chua rửa vài lần nước cho đỡ vị mặn chua, cắt khúc vừa ăn, bóp nhẹ cho ra nước. Để ráo.

– Cà rốt gọt vỏ, xắt khoanh vừa ăn.

Bước 3:

– Bắc chảo cho vào ít dầu ăn đun nóng rồi phi thơm hành củ băm, cho mực vào xào vừa chín tới thì trút mực và hành tây ra tô để riêng. Lưu ý không xào mực lâu kẻo bị nhũn ăn dở.

Bước 4:

– Cũng cái chảo đó ta cho cà rốt vào xào cùng chút nước mắm.

Bước 5:

– Cà rốt chín thì trút dưa vào xào chung khoảng 8-10 phút cho ngấm và chín đều thì lại trút mực vào, vặn lửa lớn, xào nhanh tay cho mực vừa đủ nóng thì nêm nếm lại cho vừa miệng. Tắt bếp. Rắc hành lá, tiêu vào.

– Ăn nóng với cơm.

theo Cún Khang

Cách nấu BÚN GIÒ LƯỠI

Một ngày đẹp trời bạn hãy đổi gió cho cả gia đình bằng món bún giò lưỡi hấp dẫn nhé! 

Nguyên liệu:

– Giò heo: 1kg

– Lưỡi heo: 1 cái

– Sả băm: 1 muỗng súp

– Hành tây: 1 củ, nướng thơm

– 2-3 cây sả

– Đường, muối, hạt nêm, nước mắm

– Hành lá, hành củ, tỏi, chanh, rau sống, rau thơm, bún

Cách làm:

Bước 1:

– Giò heo mua về rửa sạch, lóc xương ra riêng để nấu nước dùng. Thịt lóc xương rồi thì lấy chỉ thực phẩm bó chặt lại. 

Bước 2:

– Giò và xương cùng rửa sạch rồi cho vào nồi, đổ nước ngập, cho thêm ít muối, nấu sôi 5 phút thì vớt giò ra xả lại nước lạnh cho sạch.

– Nước trong nồi đổ đi, thay vào bằng lượng nước đủ nấu nước dùng. 

Bước 3:

– Sả cây bỏ vỏ khô, đập dập. Hành tây nướng chẻ ra làm đôi. Cho hành tây, sả, xương, giò vào nồi, thêm tí muối, nấu sôi rồi vặn nhỏ lửa ninh lấy nước dùng. 

Bước 4:

– Lưỡi heo chần qua nước sôi, rồi cạo bỏ lớp màu trắng cho kỹ để hết hôi. Sau đó cho lưỡi vào nấu chung trong nồi nước dùng. 

Bước 5:

– Bắc chảo nhỏ cho ít dầu điều làm nóng rồi cho hành củ và tỏi sả băm vào phi thơm, nêm 1 muỗng cafe đường, 1 chút muối. Sau đó đổ chảo dầu điều phi hành tỏi này vào nồi nước dùng (vẫn đang nấu). 

Bước 6:

– Thịt chín. Lấy đũa đâm vô miếng thịt chân giò coi đạt độ mềm vừa ý chưa, vừa rồi thì vớt ra để nguội rồi xắt lát mỏng. Không nên nấu lâu quá bị bở mất ngon.

– Lưỡi heo chín thì vớt ra dĩa, để nguội xắt lát vừa ăn.

– Nồi nước dùng nêm nếm lại vừa miệng.

Bước 7:

– Cho bún vô tô, xếp giò, lưỡi rồi rắc hành lá các thứ, chan nước dùng. Vắt ít chanh, ớt, ăn nóng với rau sống rau thơm các thứ.

theo Cún Khang

NHỮNG MÓN NGON TRÊN ĐƯỜNG VỀ MIỀN TÂY NAM BỘ

Miền tây không  chỉ nổi tiếng là nơi đất đai trù phú, lòng người rộng mở, chân thành… Miền tây còn là nơi để bạn tha hồ khám phá những món ăn ngon, lạ. Một chuyến hành trình về miền Tây là dịp để bạn bổ sung thêm rất nhiều món hấp dẫn cho kiến thức ăn uống của mình.

Sau đây là danh sách những món hấp dẫn bạn có thể dễ dàng tìm thấy trên hành trình về miền Tây:

1. Bánh xèo chảo

Bánh xèo chảo là món ăn có nguồn gốc từ miền Tây Nam Bộ. Món ăn có thành phần như chiếc bánh xèo miền Trung với tôm, thịt, giá đỗ và bột… Sở dĩ có tên gọi là bánh xèo chảo vì khuôn bánh được làm bằng những chiếc chảo lớn. Nguyên liệu quan trọng nhất để làm bánh xèo chính là bột gạo. Bột được pha với các thành phần khác như bia, nước cốt dừa, muối, bột nghệ… Chiếc chảo được làm nóng, tôm thịt cho vào xào sơ rồi rưới đều bột vào chảo, tráng nhẹ để bột dàn trải đều ra. Khi phần bột vừa chín đến thì cho giá đỗ vào. Bánh xèo chảo được ăn kèm với nước chấm có vị chua ngọt được làm từ nước mắm ngon, pha với chanh, ớt, tỏi, đường… cùng một đĩa rau xà lách, cải bẹ xanh, húng quế, húng thơm..

2. Cháo cá lóc

Cháo cá lóc ở miền Tây thường được chia làm hai loại là cháo cá lóc rau đắng hoặc cháo cá lóc rau mồng tơi. Nguyên liệu chính của món này là cá lóc đồng. Cá lóc đồng sau khi làm sạch, đem luộc chín, lột da và lấy hết xương, thịt cá trắng tinh được xếp gọn gàng trên đĩa. Tùy sở thích mà người ta có thể ăn kèm món này với nấm rơm, thêm rau đắng hoặc rau mồng tơi, cải xanh. Trong những ngày nắng nóng, cháo cá lóc không chỉ là món ăn ngon miệng mà còn có tác dụng giải nhiệt rất tốt.

3. Cơm tấm miền Tây

Không chỉ có món cơm tấm sườn bì như ở Sài Gòn. Nếu có dịp đến An Giang, du khách sẽ được nếm thử món cơm tấm Long Xuyên vừa ngon vừa lạ miệng. Không giữ nguyên miếng sườn to bản, sườn ở đây được thái thành từng lát mỏng, nhỏ vừa miệng. Ngoài thịt, đĩa cơm tấm ở đây còn có trứng kho thái thành từng lát mỏng giúp người ăn không bị ngấy. Ngoài ra, còn có bì, một ít mỡ hành, dưa chua thường làm bằng rau muống, cải, dưa leo… Ăn kèm là nước mắm pha hơi sánh (nước mắm nấu với đường theo một tỷ lệ nhất định cho đến khi đường tan hết là được) có vị cay nhẹ, đậm đà, ngon miệng.

Nếu đến Bạc Liêu, du khách sẽ được thưởng thức món cơm tấm phá lấu rất lạ miệng ở đây. Tuy không có gì đặc biệt, chỉ với một đĩa cơm tấm, bên trên là phá lấu được thái lát vừa ăn, thêm một ít đồ chua, mỡ hành và chén nước chấm, chỉ đơn giản như vậy thôi nhưng khi thưởng thức bạn mới cảm nhận được hết cái ngon của nó. Cái giòn giòn và hơi dai của phá lấu kết hợp với vị chua ngọt của đồ chua, thêm cái béo của mỡ hành tổng hòa vào nhau khiến thực khách mê mẩn khi thưởng thức.

4. Các món hủ tiếu

Như món phở của người miền Bắc hay bún bò của người miền Trung, hủ tiếu là niềm tự hào trong ẩm thực của người dân miền Tây. Món ăn có nguồn gốc của người Hoa, du nhập vào miền Tây Nam bộ. Trải qua thời gian, sự pha trộn, chế biến giữa các nguyên liệu đã hình thành nên ba thương hiệu hủ tiếu nổi tiếng ở miền Nam: Hủ tiếu Mỹ Tho, Nam Vang và Sa Đéc. Mỗi loại hủ tiếu mang đến cho bạn những hương vị khác nhau khi thưởng thức, tuy nhiên cả ba thương hiệu trên đều nổi tiếng và là món ăn quen thuộc với nhiều người.

5. Các món bún

Có thể nói, bún là một món ăn phong phú nhất ở miền Tây, có thể kể ra đây các món bún như: bún mắm, bún nước lèo, bún cá, bún gỏi già, bún tiêu giò, bún bò cay Bạc Liêu… Mỗi món bún có một hương vị khác nhau, vị đậm đà của bún mắm, vị cay của bún bò cay hay vị cay nồng đặc trưng của tiêu trong món bún tiêu giò, thoang thoảng vị mắm của bún nước lèo… mang đến hương vị phong phú cho người ăn.

6. Các món bánh canh

Danh sách của món ăn này khá phong phú với nhiều loại như: Bánh canh giò heo, bò viên, cua, ghẹ, tôm nước cốt dừa… Chính nhờ sự phong phú đó mà món ăn này trở nên quen thuộc đời sống ẩm thực của người miền Tây.

Sợi bánh canh thường được làm từ bột gạo hoặc bột mì. Nước dùng của món ăn này thường nấu sánh, hơi sền sệt có vị đậm đà. Bánh canh là món rất dễ ăn nên người dân miền Tây có thể ăn vào bất cứ thời điểm nào trong ngày.

7. Lẩu cua đồng

Trong thời tiết nắng nóng như hiện nay thì món lẩu cua đồng thích hợp nhất cho du khách trên bước đường khám phá miền Tây của mình. Món ăn là sự kết hợp giữa vị nồng của cua đồng, vị thơm của hành hoa chưng gạch cua, nước dùng có màu nâu đậm được điểm xuyết thêm màu đỏ của cà chua, xanh non của hành lá, thoang thoảng hương thơm của ngò rí. Tùy vào từng địa phương mà món lẩu được kết hợp với các nguyên liệu khác như tôm, ghẹ, mực, cá bống mú, chả cá… các loại rau vườn như đọt nhãn lồng, rau trai, bông bí, rau mồng tơi, nấm… Ăn kèm với lẩu có thể là bún tươi hoặc mì đều thích hợp.

8. Lẩu mắm

Lẩu mắm là món ăn rất nổi tiếng ở Cần Thơ cũng như các tỉnh lân cận. Từ các loại cá đồng, cá sông cùng nhiều loại rau có sẵn trong vườn nhà, người dân xứ miệt vườn đã làm nên món lẩu mắm độc đáo được nhiều người ưa thích. Cái tên gọi đã nói lên thành phần của món ăn, trong đó mắm là hương vị chính, ngoài ra còn có các nguyên liệu khác như: thịt heo, tôm, mực, các loại cá như: cá lóc, cá kèo, cá bông lau…cùng các loại rau vùng miệt vườn như: bông súng, kèo nèo, bắp chuối, cải xanh, rau đắng, cà tím, rau nhút, bông bí…

9. Lẩu cá linh bông điên điển

Đây là món ăn phổ biến vào mùa nước nổi (khoảng từ tháng 8 đến tháng 11 hằng năm). Để làm món ăn này, người ta chọn những con cá linh còn tươi rói, béo tròn, làm sạch mang, móc bỏ ruột, rửa lại bằng nước rồi để ráo. Bông điên điển chọn loại còn tươi, chưa bung cánh, khi ăn vừa giòn vừa có hương thơm nhẹ. Tùy theo từng vùng mà nước dùng của món lẩu này được nấu bằng nhiều cách khác nhau. Có người ninh xương heo, xương cá để lấy vị ngọt, nhưng cũng có nơi nấu bằng nước dừa tươi để nước lẩu vừa trong vừa có vị ngọt thanh dễ chịu. Là món ăn hương đồng gió nội nhưng lẩu cá linh bông điên điển chinh phục người ăn ngay từ màu sắc, hương thơm thoang thoảng cùng vị chua thanh của nước dùng, bên cạnh đó là thịt cá béo ngọt ăn kèm nước mắm nguyên chất, càng làm cho món lẩu này trở nên đậm đà.

10. Các món bánh

Các loại bánh ở miền Tây đươc chia làm hai loại là bánh ngọt và bánh mặn. Về bánh mặn, có cách loại như bánh tằm bì, bánh củ cải, bánh tét lá cẩm, bánh cóng, bánh hỏi, bánh xếp…

Riêng các loại bánh ngọt, nổi tiếng nhất là bánh pía, ngoài ra còn có bánh ống lá dứa, bánh ít, bánh chuối, bánh tai yến… Bên cạnh các món bánh, các món chè của miền Tây cũng rất phong phú như chè bà ba, chè bưởi, chè chuối nước cốt dừa…

Theo Huấn Phan (ngoisao)

Cách nấu BÚN RIÊU CUA CHẢ TÔM

Món bún riêu giản dị theo kiểu của người miền Trung sẽ mang lại cho gia đình bạn một bữa “đổi gió” ngon miệng.

Nguyên liệu:

  • 1 ký bún tươi
  • 2 lạng cua đồng xay sẵn
  • 1 lạng thịt xay
  • 50g tôm khô
  • 2 hột gà
  • 3 trái cà chua
  • 3 miếng Đậu phụ chiên sẵn
  • Hành lá, màu điều, mắm tôm, gia vị
  • Rau kinh giới, xà lách, giá, tía tô hoặc thêm rau muống chẻ nếu thích…

Cách làm bún riêu:
– Cà chua bổ múi cau, hành lá xắt nhỏ

– Đậu phụ xắt miếng vừa ăn.– Cua đồng mua về hòa với nước rồi lược bỏ xác (vài lần nước). Sau đó cho cua vô nồi với nước đủ nấu bún, nêm tí muối, hột nêm, chút đường vào nấu cho nước sôi. Khi nấu nhớ nhỏ lửa, hớt bọt, khuấy nhẹ để riêu không dính đáy nồi.
– Riêu chín đóng lại thành tảng, vớt ra tô để đó. Nước vẫn đun tiếp.
– Tôm ngâm nở mềm rồi đem xay nhuyễn. Trộn tôm khô với hột gà, thịt xay, 1/2 muỗng canh đầu hành băm nhỏ, 1/2 muỗng cafe tỏi băm nhỏ, chút hột nêm, đường, rồi trộn lên cho đều.
– Lấy muỗng múc từng phần hỗn hợp tôm thịt thả vào nồi nước đang nấu sôi ban nãy để làm chả tôm.
– Chả tôm chín sẽ nổi lên trên. Lúc này ta cho đậu phụ vào.
– Lấy chảo nhỏ cho ít màu điều rồi cho cà chua vào xào sơ. Sau đó trút chảo này vào nồi nước bún. Nêm lại cho vừa miệng (thay vì nước mắm nên nêm mắm tôm cho thơm). Đổ tô riêu cua vớt ra ban nãy trở lại vào nồi. Đun tiếp vài phút rồi tắt bếp.
– Trước khi ăn nêm tí mắm tôm, chanh ớt cho dậy mùi. Bún riêu ăn nóng với các loại rau sống.
Theo Khánh Hòa

NHỮNG QUAN NIỆM SAI LẦM VỀ ĂN CHAY NHIỀU NGƯỜI MẮC

Ăn chay ngày nay không chỉ là một nghi thức tôn giáo. Việc ăn chay còn được coi là lựa chọn để bớt gây tổn thương cho các loài động vật, và đặc biệt, ăn chay thường được coi là chế độ ăn rất tốt cho sức khỏe, giúp phòng tránh được nhiều bệnh nan y như ung thư, bệnh tim mạch…

Tuy vậy, bên cạnh đó, vẫn còn phổ biến những quan niệm chưa đúng về ăn chay:

“Ăn chay không giành cho trẻ em”

Nhiều quan niệm cho rằng trẻ em cần thịt để phát triển, trên một cơ sở khác, họ cho rằng protein thực vật không giúp phát triển cơ thể tốt như protein động vật. Tuy nhiên, các loại đạm đều như nhau. Trẻ em nếu ăn chay đúng cách, thì vẫn có đủ 10 loại acid amin để phát triển cơ thể.

“Ăn chay sẽ thiếu đạm”

Các nhà dinh dưỡng học xưa kia từng cho rằng cơ thể sẽ không được cung cấp đủ đạm khi ăn chay trường. Tuy vậy, các nghiên cứu hiện đại cho thấy ăn chay vẫn cung cấp đủ đạm cho cơ thể qua các loại rau, hạt, quả đa dạng. Người ăn chay sẽ tránh được tình trạng thừa đạm thường thấy ở người ăn thịt.

“Ăn chay kiêng sữa sẽ thiếu calci”

Có những trường phái ăn chay trường kiêng sữa, và những trường hợp này bị coi là không cung cấp đủ calci cần thiết cho cơ thể. Tuy vậy, calci không chỉ có trong sữa. Cơ thể có thể hấp thu tốt calci qua các loại rau màu xanh. Thậm chí người ăn chay còn dễ dàng tránh nguy cơ loãng xương hơn nhờ vào việc calci trong thức ăn chay rất dễ được tiêu hóa.

“Ăn chay không cân bằng dinh dưỡng”

Nếu bạn ăn chay đúng cách, thì tỉ lệ 3 chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể là protein, tinh bột, chất béo sẽ luôn cân bằng. Rau củ thậm chí tốt lành và ít gây tác dụng phụ như thịt. Người ăn thịt thậm chí dễ bị mất cân bằng dinh dưỡng hơn ở những người ngại ăn rau.

“Con người sinh ra để ăn thịt”

Dù loài người tiêu hóa tốt thịt cá, và có truyền thống ăn thịt, nhưng qua các nghiên cứu cho thấy rằng cơ thể người phù hợp với chế độ ăn rau quả hơn. Hệ tiêu hóa của loài người rất gần với các loại động vật ăn cỏ, và khác với các loài thú ăn thịt. Con người có răng nanh nhưng nhiều loài thú ăn cỏ cũng có răng nanh, và chỉ động vật ăn cỏ mới có xương hàm mở theo cả chiều dọc lẫn chiều ngang. Cuối cùng: nếu con người vốn là động vật ăn thịt, chúng ta sẽ không bao giờ bị những bệnh như bệnh tim, ung thư, tiểu đường, gút, loãng xương…

Bảo Hòa (theo indiatimes.com)

IARC CÔNG BỐ 116 TÁC NHÂN UNG THƯ: CÓ TỤC ĂN TRẦU CỦA VIỆT NAM

Cách đây vài tuần, WHO đã gây bất ngờ khi liệt kê thịt muối, thịt đỏ, xúc xích, jambon,…vào những tác nhân ung thư hàng đầu, ngang với thuốc lá, thạch tín, rượu…

Mới đây, Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) tiếp tục đưa ra danh sách 116 tác nhân gây nên bệnh ung thư. Ngoài những tác nhân quen thuộc như hút thuốc, hút thuốc thụ động, rượu, thịt đỏ…, danh sách này còn khiến nhiều người ngạc nhiên khi liệt kê những tập quán dân gian quen thuộc như ăn trầu với cau, trầu với thuốc lào…hay những tác nhân còn “lạ” như thuốc lá xông khói, làm giày dép, nội thất…


Thịt đỏ (bò, heo, dê, cừu…) tiếp tục bị coi là tác nhân gây ung thư.

Ăn trầu với cau bị liệt vào nguyên nhân gây ung thư hàng đầu.

DANH SÁCH 116 TÁC NHÂN GÂY UNG THƯ CỦA IARC

1. Hút thuốc lá

2. Tia tử ngoại, tắm nắng

3. Sản xuất nhôm

4. Nước uống chứa Asen

5. Sản xuất chất huỳnh quang

6. Sản xuất và sửa chữa giày dép, bốt.

7. Hoạt động cạo ống khói

8. Than khí hóa

9. Than chưng cất

10. Nhiên liệu sản xuất than cốc.

11. Làm đồ nội thất và tủ

12. Khai thác mỏ ngầm (tiếp xúc với khí phóng xạ)

13. Hút thuốc thụ động

14. Luyện sắt và thép

15. Sản xuất rượu isopropanol

16. Sản xuất thuốc nhuộm

17. Thợ sơn

18. Lát sàn và lợp mái nhà bằng nhựa đường

19. Cao su công nghiệp

20. Nghành nghề tiếp xúc với axit vô cơ mạnh (như axit sulfuric)

21. Hỗn hợp độc tố aflatoxins trong tự nhiên

22. Thức uống có cồn

23. Ăn trầu với cau

24. Ăn trầu với thuốc lào

25. Ăn trầu không

26. Các loại nhựa than đá

27. Nhựa đường

28. Khí phát thải trong nhà do việc đun bằng than đá

29. Khí thải diesel

30. Dầu khoáng chất chưa qua xử lý hoặc chỉ xử lý sơ qua

31. Thuốc giảm đau, hạ sốt Phenacetin

32. Cây có chứa acid aristolochic (được sử dụng trong y học thảo dược Trung Quốc)

33. Chất Polychlorinated biphenyls (PCBs) – vốn sử dụng rộng rãi trong các thiết bị điện trước đây và hiện bị cấm ở nhiều quốc gia

34. Cá kho kiểu Trung Quốc

35. Dầu đá phiến

36. Bồ hóng

37. Các sản phẩm thuốc lá không khói

38. Bụi gỗ

39. Thịt qua chế biến

40. Acetaldehyd

41. 4-Aminobiphenyl

42. Axit aristolochic và thực vật có chứa chúng

43. Chất amiăng

44. Asen và các hợp chất asen

45. Azathioprine

46. ​​Benzen

47. Benziđin

48. Benzo [a] pyrene

49. Beryllium và các hợp chất beryllium

50. Chlornapazine (N, N-Bis (2-chloroethyl) -2-naphthylamine)

51. Bis (chloromethyl) ether

52. Clometyl methyl ether

53. 1,3-butadien

54. 1,4-butanediol dimethanesulfonate (Busulphan, Myleran)

55. Hợp chất Cadmium và cadmium

56. Chlorambucil

57. Methyl-CCNU (1- (2-Chloroethyl) -3- (4-methylcyclohexyl) -1-nitrosourea; Semustine)

58. Các hợp chất Crom (VI)

59. Ciclosporin

60. Các biện pháp tránh thai kết hợp hoóc môn chứa cả oestrogen và progestogen

61. Thuốc viên tránh thai dạng sử dụng hoóc môn theo trình tự (một giai đoạn chỉ dùng oestrogen và sau đó là giai đoạn dùng cả oestrogen và progestogen)

62. Cyclophosphamide

63. Diethylstilboestrol

64. Thuốc nhuộm chuyển hóa benziđin

65. Virus Epstein-Barr

66. Oestrogen không steroid

67. Oestrogen, steroid

68. Liệu pháp điều trị oestrogen sau mãn kinh

69. Ethanol trong đồ uống có cồn

70. Erionite

71. Ethylene oxide

72. Etoposide đơn chất và trong dạng kết hợp với cisplatin và bleomycin

73. Formaldehyde

74. Chất bán dẫn gallium arsenide

75. Vi khuẩn gây loét hệ tiêu hóa Helicobacter pylori

76. Nhiễm Virus viêm gan B mãn tính

77. Nhiễm Virus viêm gan C mãn tính

78. Phương thuốc thảo dược có chứa các loài thực vật của chi Aristolochia

79. Virut suy giảm miễn dịch tuýp 1

80. Papillomavirus ở người tuýp 16, 18, 31, 33, 35, 39, 45, 51, 52, 56, 58, 59 và 66

81. Virut tế bào Lympho T tuýp 1

82. Thuốc chữa ung thư Melphala

83. Methoxsalen (8-Methoxypsoralen) kết hợp với tia cực tím bức xạ A

84. 4,4′-methylene-bis (2-chloroaniline) (MOCA)

85. MOPP và hóa trị liệu kết hợp khác bao gồm thuốc alkyl hóa

86. Khí độc lưu huỳnh mù tạt

87. 2-Naphthylamine

88. Bức xạ Neutron

89. Các hợp chất nickel

90. 4- (N-Nitrosomethylamino) -1- (3-pyridyl) -1-butanone (NNK)

91. N-nitrosonornicotine (NNN)

92. Sán lá gan

93. Ô nhiễm không khí ngoài trời

94. Các hạt vật chất gây ô nhiễm không khí ngoài trời

95. Photpho-32, phosphate

96. Plutonium-239 và các sản phẩm phân rã của nó

97. Vũ khí hạt nhân

98. Nuclide phóng xạ, phát tỏa hạt α, tích tụ bên trong

99. Nuclide phóng xạ, , phát tỏa hạt β, tích tụ bên trong

100. Radium-224 và các sản phẩm phân rã của nó

101. Radium-226 và các sản phẩm phân rã của nó

102. Radium-228 và các sản phẩm phân rã của nó

103. Radon-222 và các sản phẩm phân rã của nó

104. Nhiễm sán lá ký sinh trong máu

105. Tinh thể silica (trong thạch anh)

106. Bức xạ mặt trời

107. Phấn

108. Thuốc điều trị ung thư vú Tamoxifen

109. 2,3,7,8-tetrachlorodibenzo-para-dioxin

110. Thuốc gây độc tế bào Thiotepa (1,1 ‘, 1’-phosphinothioylidynetrisaziridine)

111. Thori-232 và các sản phẩm phân rã của nó

112. Treosulfan

113. Ortho-toluidine

114. Khí độc Vinyl chloride

115. Bức xạ tia cực tím

116. Bức xạ tia X và bức xạ gamma

Theo Trí thức trẻ

 Gừng tươi không chỉ là một loại gia vị hấp dẫn cho các món ăn, nó còn mang lại những thay đổi tích cực trên cơ thể bạn, từ trong ra ngoài. Nên có sẵn gừng tươi ở nhà để sử dụng như một vị thuốc đề kháng, phòng chữa bệnh, và làm đẹp hiệu quả.

Sau đây là những tác dụng và phương pháp làm đẹp từ gừng tươi:

 

Giúp da trẻ lại

Gừng giúp làm ấm cơ thể, tạo sinh lực mới, tràn trề sức sống hơn. Bạn có thể sử dụng để tẩy da chết mỗi tuần 2 lần giúp làn da tươi mới, sáng mịn hơn.

Hỗn hợp gồm 1/2 chén đường, 1/4 chén dầu oliu, 2 thìa gừng xắt nhỏ, 1 quả chanh tươi. Trộn đều hỗn hợp trong một bát nhỏ và mát xa cơ thể đã được làm ướt trong vòng 15 phút. Sau đó rửa lại với nước ấm bạn sẽ có kết quả bất ngờ.

 

Làm mờ sẹo 

Thái gừng tươi thành từng lát mỏng rồi chà lên vùng da bị sẹo. Sau đó đắp gừng lên vết sẹo thâm từ 3 – 5 phút. Áp dụng phương pháp trên 2 – 3 lần/ngày, sau 2 tuần phần da bị thâm sẽ bình thường trở lại.

Đánh bay gàu

Gừng được xem là chất khử trùng đặc biệt, vì vậy có thể dùng nước gừng ấm thay thế dầu gội đầu để khắc phục vấn đề này. Trước tiên nên thái gừng tươi thành những miếng nhỏ hoặc giã nát, sau đó đắp đều lên da đầu khoảng 10-15 phút, cuối cùng dùng nước gừng ấm gội lại thật sạch. Nếu muốn diệt gàu triệt để, nên áp dụng 3 lần/tuần.

Trị nám da

Trộn đều nước ép gừng tươi, mật ong, nước hoa hồng theo tỷ lệ 1:1:1, rửa sạch da mặt, dùng bông sạch thấm đều hỗn hợp này massage nhẹ nhàng lên mặt, đặc biệt là vùng da bị nám để da hấp thụ dễ dàng hơn, khi hỗn hợp khô trên da, bạn tiếp tục thoa thêm 1 lớp khác, làm liên tục trong 20 phút rồi rửa mặt sach với nước ấm sau đó là nước lạnh, thực hiện 2 ngày 1 lần sẽ giúp trị nám hiệu quả.

Giúp da săn mịn

 

Sử dụng gừng tươi, làm sạch, xay nhuyễn trộn với muối tắm và massage nhẹ nhàng cơ thể 3 lần 1 tuần, mỗi lần 20 phút để giúp da săn chắc hơn, trẻ trung hơn, căng tràn sức sống, đẩy lùi các dấu hiệu lão hóa hiệu quả hơn nhé, đây cũng là biện pháp hiệu quả giúp bạn đánh tan những vùng mỡ thừa trên cơ thể nữa đấy.

Giảm cân bằng gừng

Hòa 1 muỗng mật ong, 1 miếng gừng đập dập vào 200ml nước nóng là bạn đã có một ly nước ấm áp khi trời lạnh và thật kì diệu nó còn trợ giúp bạn giảm cân hữu hiệu.

Ăn gừng ngâm dấm hay một thìa con nước dấm còn có tác dụng tiêu mỡ, đốt sạch chất béo, lọc và đào thải chất cặn bã ra ngoài cơ thể. Ngoài ra, còn tốt cho gan, ngăn triệu chứng rụng tóc, nhất là khi thời tiết đang giao mùa.
Trị chứng hôi nách, hôi chân

Gừng tươi chứa 20-25% là tinh dầu và 20-30% là chất cay. Các chất này có tác dụng ngăn ngừa quá trình ra mồ hôi và giúp vùng nách chân khô thoáng hơn cũng như chữa trị mùi hôi nách hôi chân hiệu quả. Bạn có thể rửa sạch một củ gừng tươi, ép lấy nước và bôi vào nách, chân ngày vài lần, thực hiện đều đặn sẽ giúp bạn loại bỏ được mùi hôi, cho nách được khô thoáng dễ chịu.

Theo Khoe & Dep

Cách làm CHUỐI NẾP NƯỚNG

Chuối nếp nướng (CHÈ CHUỐI NƯỚNG) là món ăn vặt hấp dẫn và nổi tiếng đến từ miền Tây Nam Bộ. Món ăn này ngon bởi hương thơm của nếp nướng, vị ngon của  chuối, béo ngọt của nước cốt dừa.

Nguyên liệu:

  • – Nếp: 1/4 chén
  • – Chuối tây: 5 trái
  • – Đường: 2 muỗng súp
  • – Nước cốt dừa: 200ml
  • – Đậu phộng rang giã sơ
  • – Bột năng, muối, đường, bột báng
  • – Lá chuối.

Cách làm chuối nếp nướng nước dừa:

Bước 1:

– Nếp đãi nhiều lần cho sạch, ngâm ít nhất 7 tiếng, sau đó cho ra rổ để ráo nước. Trộn vào nếp 1 muỗng cà phê muối, rồi đem lên xửng hấp chín (hoặc nấu bằng nồi cơm điện). Trong khi hấp thỉnh thoảng xới cho đều, rưới vào đó 50ml nước cốt dừa. Nếp chín thì nêm thêm 2 muỗng canh đường vào rồi trộn nhẹ, đều. Nấu tới khi nếp chín mềm thì nhấc ra để cho nguội, xới ra riêng.

Bước 2:

– Bột báng ngâm nước lạnh 15 phút rồi vớt ra rổ để ráo.

– Phần nước cốt dừa còn lại (150ml) ta đổ ra nồi, nêm đường, chút muối, 1 muỗng cà phê bột năng, cho bột báng đã vớt ra khi nãy vào luôn, vừa nấu vừa quậy cho quyện đều, tới khi hỗn hợp sánh lại, bột báng nổi trong là tắt bếp.

Bước 3:

– Chuối bỏ vỏ, tước gân.

Bước 4:

– Trải miếng nylon lên mặt phẳng rồi lấy vá múc một ít nếp đã hấp chín ban nãy, trét lên mặt nylon.

Bước 5:

– Bỏ một quả chuối vô giữa.

Bước 6:

– Cuộn lại cho nếp bọc lấy chuối, rồi tháo nylon ra.

Bước 7:

– Lá chuối cắt một miếng nhỏ, trải ra mặt phẳng rồi cho chuối bọc nếp lên, cuộn lại.

– Làm lần lượt cho hết nguyên liệu.

Bước 8:

– Đem tất cả chuối nếp bỏ lên vỉ nướng than hoa nướng cho lớp nếp vàng, giòn, phần chuối bên trong chín mềm.

– Có thể nướng lò nướng ở 180 độ trong 30 -40 phút.

Bước 9:

– Nướng chín rồi thì cho ra dĩa, cắt thành miếng vừa ăn. Chan hỗn hợp nước cốt dừa, bột báng, rắc đậu phộng rang sơ lên. Ăn nóng rất ngon.

theo Cún Khang

Cách nấu CHÈ KHOAI MÌ

Khoai mì (củ sắn) là loại nguyên liệu quen thuộc ở nông thôn Việt Nam. Từ nguyên liệu những củ khoai hiền lành, dân dã, người ta đã tạo nên những món ăn ngon lành, hấp dẫn. Chè khoai mì là một trong số đó.

Chuẩn bị:

  • – 300g khoai mì
  • – 1 bó lá dứa (lá nếp)
  • – 2 muỗng súp bột gạo nếp
  • – 1/4 chén đường trắng
  • – 1 muỗng súp bột báng
  • – Đậu phộng rang giã sơ
  • – Dừa bào sợi
  • – 200ml nước cốt dừa
  • – Muối, vani

Cách làm CHÈ CỦ SẮN

Bước 1:

– Lá dứa mua về rửa sạch, xắt khúc, cho vào máy xay mịn, lọc bỏ bã, giữ lại phần nước cốt.

– Bột báng ngâm trong nước lạnh chừng 15 phút cho nở, đổ ra rổ để ráo.

Bước 2:

– Sắn gọt vỏ, bổ đôi, ngâm nước muối ít nhất 7 tiếng cho hết chất độc.

– Bào thật mịn, vắt cho ráo nước.

Bước 3:

– Trộn sắn, nước lá dứa, bột nếp, chút xíu muối, 2,5 muỗng canh đường.

Bước 4:

– Nhào trộn cho đều rồi ngắt ra, vo thành viên tròn bằng nhau. Làm cho hết bột.

Bước 5:

– Bắc nồi cho nước cốt dừa, một chút nước lọc, và lượng đường còn lại vào nấu sôi.

Bước 6:

– Cho mấy viên bột sắn đã làm ban nãy vào, cho tiếp trân châu đã ngâm nở vào nấu tới khi trân châu trong mềm, sắn chín, nêm nếm cho vừa miệng ăn. Cuối cùng rắc vani, tắt bếp.

– Múc chè ra chén, rắc đậu phộng rang, dừa nạo vào. Ăn nóng.

Theo Cún Khang

Cách làm GỎI XOÀI XANH GÂN BÒ

Gỏi xoài chua cay, lại thêm cái dai dai, giòn giòn của gân bò, tất cả tạo nên một món ăn độc đáo và hấp dẫn.

i

Chuẩn bị:

–  Xoài xanh: 1 trái (lựa loại chua)

– Gân chân bò: nửa kí

– Gừng, ớt, rau thơm, gia vị.

Cách làm:

Bước 1:

– Gân bò mua về rửa sạch, cho vào nồi nấu ngập nước với chút muối cho sôi.

Bước 2:

– Xoài rửa sạch, gọt vỏ, xắt cọng nhỏ.

Bước 3:

– Cho tỏi, ớt vô chén, giã nhuyễn. Cho thêm 2 muỗng súp đường, 2 muỗng súp nước mắm vào trộn đều, nêm nếm vừa ý.

– Gân bò sau khi nấu được 25 phút thì tắt bếp, vẫn đậy nắp nồi cho gân chín. Đợi cho gân nguội thì lấy ra cắt từng miếng nhỏ, trộn với chén mắm tỏi ớt đã pha ở trên. Ướp trong 20 phút.

Bước 4:

– Trộn gân bò, xoài vào với nhau, nêm nếm vừa miệng. Khi ăn rắc thêm rau thơm thái nhỏ.

– Ăn với cơm hoặc làm mồi nhậu.

Theo Cún Khang

Cách làm CÁ BỐNG KHO CỦ KIỆU

Một món ăn dân dã, hao cơm, thích nhất là ăn vào những ngày trời mưa, lạnh.

Nguyên liệu:

– Cá bống cát: 3 lạng

– Củ kiệu tươi: 1/4 chén (có thể dùng kiệu ngâm)

– Dầu điều, gia vị

– Ớt trái, tỏi, hành củ, tiêu xanh.

Cách làm:

Bước 1:

– Cá mua về đánh sạch vảy, móc bỏ mật, rửa kĩ rồi để ráo nước, sau đó ướp với 1/2 muỗng cafe muối trong 15 phút.

– Cho tiêu xanh, tỏi, hành củ vào cối, giã nhuyễn.

Bước 2:

– Kiệu mua về bỏ rễ, rửa sạch, để ráo. Nếu dùng kiệu ngâm thì rửa nhiều lần nước cho bớt mặn, bớt chua.

Bước 3:

– Bắc nồi kho, cho vào 1 muỗng súp nước mắm + 1 muỗng súp đường nấu sôi cho đường chuyển màu cánh gián, lại cho chỗ tỏi – hành – tiêu giã nhuyễn ban nãy vào nồi trộn đều.

Bước 4:

– Gắp từng con cá cho vào nồi, xếp ngay ngắn. Xóc nồi đều nhẹ cho gia vị bám khắp cá. Đậy nắp nồi, tắt bếp để ướp tiếp cá trong 30 phút.

Bước 5:

– Ướp xong thì lại bật bếp, chan vào nồi cá một muỗng súp nước mắm, 1 muỗng cafe dầu màu điều, vài trái ớt. Đậy nắp lại nấu cho sôi 10 phút rồi mở nồi, vặn nhỏ lửa đun riu riu cho cá thấm.

Bước 6:

– Kho lửa nhỏ 25-30 phút rồi cho kiệu vào kho cùng, lắc đều cho ngấm. Nêm nếm lại cho vừa miệng. Lưu ý kho cá không cho thêm nước lọc kẻo tanh cá.

Bước 7:

– Để nắp he hé (vì kho kiệu nếu đậy nắp sẽ làm kiệu mất độ giòn) kho tiếp tầm 10-15 phút cho nước cá cạn bớt, tắt bếp. Gắp ra dĩa, rắc hành lá lên cá, ăn với cơm.

Theo Cún Khang

BẮT QUẢ TANG CƠ SỞ SẢN XUẤT ‘KHÔ BÒ’ TỪ PHỔI HEO THỐI TẨM HÓA CHẤT

Khô bò là món ăn được ưa chuộng đối với giới học sinh, sinh viên, vậy nhưng nhiều người vẫn nghi ngờ chất lượng của loại đồ ăn vặt rẻ tiền này. Mới đây, một cơ sở chế biến ‘khô bò’ tại Bình Chánh, TP. HCM đã bị bắt quả tang khi đang “hô biến” phổi heo thành khô bò để bán ra thị trường.

Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh, TP HCM vừa đưa ra quyết định xử phạt 12,5 triệu đồng đối với cơ sở sản xuất khô bò của bà Thạch Thị Sa Rương (quê Trà Vinh), vì hành vi sản xuất khô bò trái phép từ…phổi heo.

Khô bò (trong thau) nằm ở nơi bẩn thỉu, rác rưởi. Ảnh: Trạm thú y Bình Chánh

 

Theo đó, cách đây hai tuần, Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Bình Chánh đã cho kiểm tra bất ngờ cơ sở làm khô bò của bà Rương tại xã An Phú Tây. Đoàn đã phát hiện một nồi nhôm loại lớn đang dùng để nấu hàng chục ký phổi heo bốc mùi hôi thối. Kế đó là một thau lớn bằng nhựa đựng phổi heo sống bốc mùi, ruồi nhặng bu đầy. Dưới nền đất là những thau nhựa đựng hàng chục kí “bò khô” thành phẩm màu đen. Những thau này nằm xen lẫn với nước bẩn, rác rến.

Đáng lưu ý là cơ quan chức năng đã thu giữ được những chai bằng nhựa chứa một loại nước màu đen, có mùi tương tự mùi thịt bò. Bao ghi toàn chữ nước ngoài, đựng một loại bột màu trắng. Cùng với đó là một nồi nhôm to đựng một loại nước sền sệt màu đen bốc khói.

Ghi nhận tại thời điểm kiểm tra, nơi này đang có 47 ký “khô bò” đã hoàn thành, 27kg phổi heo sống và 31 kg phổi heo đang nấu. Cơ sở này cũng không đưa ra được bất cứ giấy tờ, chứng từ nào liên quan đến việc sản xuất.

Nồi nấu “khô bò” và túi chất bảo quản ghi toàn tiếng nước ngoài. Ảnh: Trạm thú y Bình Chánh

 

Theo khai báo của chủ cơ sở, phổi heo được mua từ các chợ, về nấu chín rồi cho vào nồi nước đen pha chế từ chất tạo màu, mùi bò, chất bảo quản để nấu thành “khô bò”. “Khô bò” này được bà Rương đem bán cho các tiểu thương ngoài chợ hoặc người bán gỏi đu đủ (gỏi bò khô) với giá chỉ 30 ngàn đồng một kí.

Đoàn kiểm tra quyết định tiến hành lấy mẫu “khô bò” để đem về phân tích, xét nghiệm. Nhưng ngay sau đó, bà Rương thừa nhận hành vi sai trái rồi làm tự nguyện làm đơn tiêu hủy toàn bộ nguyên liệu chế biến và khô bò thành phẩm. Trong đơn cho biết bà chịu toàn bộ phí tiêu hủy.

Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp – Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM cho biết, phổi heo vốn đã không tốt cho cơ thể vì nhiều cholesterol xấu. Phổi heo hư thối khi dùng làm thực phẩm không mang lại giá trị dinh dưỡng, thêm với những hóa chất không rõ nguồn gốc, khả năng sẽ gây nguy hại đến gan, thận, hoặc ngộ độc cho người dùng.

Toàn Chân (tổng hợp)

NHỮNG THỰC PHẨM TỐT NHẤT CHO TRÍ NHỚ

Cho dù bạn có hoạt động trí óc liên tục hay không, thì việc duy trì một não bộ khỏe mạnh, trí nhớ tốt là một điều quan trọng. Những thực phẩm sau đây không chỉ giúp não bộ hoạt động tốt, nhận thức minh mẫn, nó còn giúp phòng ngừa những bệnh liên quan đến não bộ như parkinson, alzeihmer, mất trí.

Cải bó xôi

Cải bó xôi là loại rau đặc biệt nhiều chất kali, nên nó được coi là loại thức ăn có ích nhất cho não. Kali duy trì tính dẫn điện của não bộ, ngăn tổn thương ở tế bào não, giảm thiểu nguy cơ bị mất trí nhớ.

Nghệ

Nghệ có tính kháng viêm cao, cùng với các chất chống oxy hóa trong củ nghệ, nó hỗ trợ rất tốt cho những người gặp chấn thương não. Nghệ cũng chống lại sự suy giảm khả năng nhận thức.

Táo

Trong táo có quercetin flavinoid là một chất chống oxy hóa mạnh giúp bảo vệ tốt cho não, chống các bệnh parkinson, alzeheimer, đồng thời phòng ngừa các bệnh về phổi và ung thư tuyến tiền liệt ở nam.

Cà chua

Trong cà chua có chứa lycopene, một chất chống oxy hóa với các tác dụng tốt cho não.

Bơ là loại trái cây siêu bổ dưỡng cho não với hàng loạt khoáng chất giúp tăng cường lượng oxy trong máu. Các chất chống oxy hóa trong quả này còn ngăn oxy hóa, viêm do các gốc tự do.

Trong cá, đặc biệt là cá hồi có acid béo omega 3 là chất rất bổ ích cho não. Nó ngăn được mất trí, alzeheimers, đột quỵ.

Trà xanh

Trong trà xanh cũng có nhiều chất chống oxy hóa có tác dụng loại trừ các gốc tự do. Polyphrnols giúp ngăn protein tụ trong não bộ, làm giảm nguy cơ mất trí. Trà xanh được uống thường xuyên sẽ giúp tăng kết nối não, làm cải thiện bộ nhớ của bạn.

Thần Châu (theo boldsky.com)

MẸO CHỌN MUA HẢI SẢN TƯƠI NGON

Món ăn từ hải sản không chỉ ngon mà còn mang lại nhiều dinh dưỡng quý báu cho cơ thể. Tuy vậy, ngày nay hải sản nhiễm hóa chất, tẩm ure… đã xâm nhập vào thị trường hải sản, khiến cho việc chọn mua hải sản không còn là điều đơn giản.

Sau đây là những mẹo hay để người nội trợ chọn mua được những nguyên liệu tươi ngon nhất cho món ăn hải sản của mình:

Mẹo chọn mua cá biển

Nhìn mắt cá: cá tươi mắt lồi và trong, giác mạc có độ đàn hồi khi ấn vào. Cá không tươi hoặc ươn mắt lõm, màu đục, giác mạc nhăn nhúm hoặc rách rưới.

Nhìn mang cá: Mang cá tươi có màu đỏ hồng, dính chặt với hoa khế, không hôi, không nhớt. Cá ươn mang màu xám, lỏng lẻo không dính chặt hoa khế, thường có nhớt và mùi hôi.

Nhìn vảy cá: Cá tươi vảy đẹp óng ánh, bám chặt, không có niêm dịch và mùi hôi. Cá ươn vây thường mờ, dễ tróc, màu không óng ả, thường có mùi hôi.

Nhìn hậu môn cá: Cá tươi hậu môn thường thụt vào trong, màu trắng nhạt, bụng cá lép. Cá ươn hậu môn thường có màu hồng hoặc bầm đỏ, lồi ra, bụng cá thường trương phình.

Nhìn miệng cá: Cá tươi thường ngậm kín miệng, cá ươn ôi miệng luôn hé mở.

Ấn vào mình cá: Cá tươi thịt chắc, ấn vào sẽ đẩy ra (đàn hồi), không để lại vết lõm. Cá ươn thì ngược lại.

Mẹo chọn tôm ngon

Muốn mua được tôm ngon, nên lựa con thân săn chắc, vỏ cứng, trắng trong chứ không ngả màu đục, vàng hoặc đỏ. Đầu tôm phải dính chắc vào mình, các càng tôm còn nguyên càng tốt. Ngoài ra ngửi thử nếu tanh lạ, hôi hôi thì không nên mua.

Ngoài ra ngày nay có “công nghệ” bơm tạp chất vào tôm sú cho tôm mập, nặng ký, để tránh tôm bơm tạp chất, nên chọn tôm có thân cong, hơi mềm (không cứng thẳng đơ vì đó là tôm đã bị bơm), đầu và thân dính chặt không dễ tách rời. Tôm bị bơm thường phù đầu, vểnh gai, đuôi xòe ra. Nên tránh kẻo tiền mất tật mang.

Mẹo chọn sò tươi 

Với các loại sò, chỉ cần chọn sò tươi. Nên chọn chỗ nào bán sò có nhiều con thè lưỡi ra ngoài. Nếu sò đã ngậm miệng, hửi thử coi hôi thì đừng nên mua. Sò ngon là sò cỡ vừa, không to quá không nhỏ quá, vì nhỏ quá thì bị teo hết thịt, to quá thịt dễ bị dai.

Mẹo chọn mua mực

Mực ngoài thị trường có nhiều loại như mực ống, mực nang, mực sim… Thông thường mực tươi con sẽ to, thịt dày chắc, màu trắng trong. Mực nang tươi luôn có lớp màng nâu phủ quanh. Mực ổng chọn con đầu dính chặt mình, túi mực chưa vỡ, thịt màu sáng hồng hào.

Mực không tươi hoặc ươn là mực có màu ngả xanh, thịt mềm nhão, đầu không dính chặt thân, mùi rất tanh.

Mẹo chọn cua ngon

Thông thường ngoài chợ có bán 3 loại cua: cua nước, cua thịt, cua gạch. Cua gạch và cua thịt mỗi thứ ngon một kiểu, đều bổ cả. Muốn chọn mua cua tươi ngon, đầu tiên ấn vào yếm cua, nếu yếm cứng chắc là cua dày thịt, ăn ngon. Nếu thường lựa cua bạn có thể ngó vào que càng của cua, nếu thấy mọng nước thì cua thịt xốp không ngọt không ngon.

Cua ngon có thể nhìn thấy bằng mắt thường: vỏ xám đục, yếm to.

Mẹo chọn ghẹ ngon

Cách chọn ghẹ không giống cách chọn cua. Muốn mua ghẹ tươi nên chọn ghẹ có yếm màu đỏ, chân co lại. Ghẹ thịt thì ấn ngón tay vào sát cái yếm dưới ức, gần chân mái chèo của ghẹ, nếu cảm thấy lõm thì đó là ghẹ óp ăn rất chán.

Cuối cùng, bạn nên nhớ tránh mua ghẹ, tôm, cua vào những ngày rằm hoặc gần rằm (giữa tháng âm lịch), vì lúc đó hải sản không được ngon.

Bảo Thoa (tổng hợp)

ĂN VÀO THỜI ĐIỂM NÀO LÀ TỐT?

 

Ăn uống đúng giờ giấc là lời khuyên bạn thường được nghe thấy khi muốn nghe tư vấn bảo vệ sức khỏe. Tuy vậy nếu không rõ “đúng giờ giấc” là như thế nào, hãy tham khảo những chỉ dẫn sau đây;

Ăn sáng

– Nên ăn sáng trong vòng 30 phút sau khi thức giấc.

– 7h sáng là thời điểm tuyệt vời để ăn sáng.

– Đừng để bữa ăn sáng diễn ra sau 10 giờ sáng.

– Bữa ăn sáng phải có protein.

Ăn trưa

– Bữa trưa của bạn nên bắt đầu lúc 11h 45 phút.

– Nên ăn trưa sau khi ăn sáng khoảng 4 tiếng tới 4 tiếng rưỡi đồng hồ.

– Đừng để bữa trưa diễn ra sau 4 giờ chiều.

Ăn tối

– Thời điểm tốt nhất để ăn tối là 7 giờ tối.

– Bữa ăn tối nên trước giấc ngủ 3 tiếng. Nếu ăn sát giờ ngủ sẽ ảnh hưởng đến tiêu hóa cũng như giấc ngủ.

– Đừng ăn tối sau 10 giờ đêm.

Ăn nhẹ trước khi tập luyện

– Trước khi tập luyện, nhất là tập nâng tạ, hãy chắc là bạn không bị đói bụng.

– Trước giờ tập, có thể ăn ổ bánh mì kẹp (thịt, trứng, cá).

Theo indiatimes.com