Sau tự điển Oxford của Anh, từ điển American Heritage (AHD) đã đưa thêm “Banh mi” vào danh mục từ của mình.
Trong bản in năm 2014, bộ tự điển tiếng Anh Mỹ danh tiếng này đã đưa thêm 500 từ mới vào kho từ ngữ của dân Mỹ. Trong đó có từ “banh mi”.
Đây là niềm vui của người hâm mộ bánh mì cũng như người hâm mộ ẩm thực Việt Nam nói chung, nó có nghĩa là hai từ “banh mi” đã trở thành một phần chính thức của ngôn ngữ, văn hóa Hoa Kỳ. Để trở thành như vậy, đầu tiên, từ này phải được dùng một cách thật thông dụng và thành thạo bởi dân bản địa một thời gian dài. Sự phổ biến của từ ngữ đó được thể hiện qua ngôn ngữ đời thường, truyền thông, web, blog.
Trong những năm gần đây, có thể dễ dàng nhận thấy là Bánh mì đã trở thành một đại diện ẩm thực lớn của Việt Nam trên thế giới. Hàng loạt phương tiện truyền thông lớn như BBC, CNN đã cho ra mắt những bài viết ca ngợi bánh mì như một món ăn đường phố ngon nhất thế giới. Nhiều kênh du lịch, văn hóa của Mỹ cũng đã đưa bánh mì vào top những món ăn đường phố ngon nhất thế giới. Ví dụ như Bánh mì hẻm 37 Nguyễn Trãi ở Sài Gòn được Condé Nast Traveler gọi là “Bánh kẹp ngon nhất thế giới”. Bánh mì bà Phượng ở Hội An thì có lẽ không một du khách nào đến Việt Nam mà không tìm đến. Đầu bếp Robert Danhi ca ngợi món bánh mì nướng ở Bắc Ninh. Còn đầu bếp Geoffrey Deetz ca ngợi bánh mì phố Huế ở Hà Nội. Trong khi đó, ký giả của tờ National Geographic ca ngợi bánh mì Nha Trang là một trong 11 món ăn đường phố ngon nhất thế giới…
Có thể thấy, bánh mì từ khắp các tỉnh thành được khám phá và ngợi khen về chất lượng chứ không chỉ ở Sài Gòn hay Hà Nội. Điều này khẳng định bánh mì là một đề tài ẩm thực nổi tiếng, nóng hổi và hấp dẫn đối với những người ngoại quốc. Và thật sự không cần phải quá ngạc nhiên, khi “Banh mi” được đưa vào những cuốn tự điển uy tín nhất, như Oxford của Anh hay American Hertitage của Mỹ.
Mỹ Mạnh (tổng hợp)