10 LÝ DO VÌ SAO BẮP CẢI ĐƯỢC GỌI LÀ ‘THUỐC QUÝ’

Bắp cải không chỉ là một thực phẩm lành mạnh, nó còn mang lại nhiều lợi ích bất ngờ cho cơ thể. Ngoài giúp phòng chống ung thư, bắp cải còn giúp phòng và trị nhiều bệnh thường gặp khác.

Sau đây là 10 công dụng khiến cho bắp cải luôn được coi như một vị thuốc quý:

1. Bảo vệ hệ tiêu hóa, chữa loét dạ dày, tá tràng

Các chuyên gia Ấn Độ chứng minh qua nội soi rằng một số hoạt chất trong bắp cải tươi có tác dụng tích cực cho sự hình thành một lớp màng giúp che chở, tái tạo niêm mạc ở dạ dày. Qua đó, nước ép bắp cải được khuyên sử dụng để cho mau lành chứng loét ở dạ dày, tá tràng. Một nghiên cứu trên 40 bệnh nhân loét dạ dày tá tràng cho thấy những người uống mỗi ngày một ly nước ép bắp cải (1/4 lít) trong 3 tuần, vết loét sẽ nhanh chóng được phục hồi.

2. Phòng đái tháo đường và béo phì

Các chất trong bắp cải có tác dụng làm giảm quá trình đồng hóa glucid và giảm đường huyết, vì thế có tác dụng phòng bị tiểu đường tuýp 2. Mặt khác, rau bắp cải có tác dụng ngăn chặn glucid chuyển hóa thành lipid (chất béo) là một trong những nguyên nhân gây tăng cân, béo phì.

3. Phòng chống ung thư

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tất cả các loại rau cải đều có tác dụng phòng chống ung thư, trong đó rau bắp cải nổi trội hơn cả.

Nghiên cứu cho thấy, mỗi tuần ăn rau bắp cải 3  đến 4 lần có tác dụng giảm nguy cơ ung thư dạ dày, ung thư ruột, ung thư bàng quang và ung thư tiền liệt tuyến.

Điều lưu ý bắp cải chứa một lượng chất goitrin, chất này có tác dụng chống ô-xy hóa nhưng không tốt đối với rối loạn tuyến giáp hoặc bướu cổ vì thế, với những người này nên hạn chế ăn rau bắp cải.

Phòng ung  thư vú: Nghiên cứu mới nhất của nhà khoa học Mỹ cho thấy, phụ nữ mỗi tuần ăn 2 – 3 lần rau bắp cải dưới dạng luộc, ăn sống, sẽ làm giảm nguy cơ ung thư vú 20% so với những người chỉ ăn loại rau này vài lần/tháng. Lý do, trong rau bắp cải còn chứa hoạt chất indol có tác dụng phòng chống ung  thư vú. Tại Ba Lan, trung bình mỗi phụ nữ ăn khoảng 12kg rau bắp cải/1 năm, trong khi đó phụ nữ Mỹ chỉ tiêu thụ 4,5kg/năm đó cũng là một trong những nguyên nhân vì sao tỉ lệ phụ nữ Mỹ mắc ung thư vú cao hơn phụ nữ Ba Lan.

Bắp cải giúp phòng chống nhiều loại ung thư, đặc biệt là ung thư vú.

4. Diệt khuẩn, giảm ngứa

Nếu ai hay bị mắc các căn bệnh ngoài da thì có thể yên tâm bổ sung bắp cải vào thực đơn hàng ngày bởi bắp cải có chứa một lượng lớn lưu huỳnh và tác dụng chính là diệt vi khuẩn và giảm ngứa. Chính vì vậy mà nếu ngay từ nhỏ, chúng ta ăn nhiều bắp cải sẽ giúp bé có được làn da đẹp sau này.

5. Cải thiện tâm trạng, tinh thần

Bắp cải có chứa tryptophan, một thành phần của protein. Thành phần hóa học có thể làm dịu các dây thần kinh và thúc đẩy việc sản xuất serotonin, đó là một loại hoóc môn hạnh phúc. Ngoài ra, cũng chứa selen không chỉ là nguyên tố vi lượng mà còn có tác dụng cải thiện cảm xúc của con

6.Chống viêm, giảm đau

Giống như thuốc, bắp cải không chỉ có thể làm giảm các triệu chứng đau khớp mà còn có thể ngăn ngừa và điều trị đau họng do cúm. Do đó những bệnh nhân bị viêm khớp thường có thể ăn bắp cải. Đồng thời, để ngăn chặn sự viêm cổ họng do cúm, bạn có thể ăn bắp cải nhiều hơn.

7. Phòng chữa táo bón

Nếu bạn đang bị chứng táo bón hành hạ thì hãy bổ sung rau bắp cải vào chế độ ăn hàng ngày. Bắp cải rất nhiều chất xơ, một loại chất đặc biệt tốt cho hệ tiêu hóa. Vì vậy mà bắp cải là loại thực phẩm trị chứng táo bón hiệu quả.

8. Giảm cân

Bắp cải là sự lựa chọn tuyệt vời đối với những người đang giảm cân. Một chén cải bắp nấu chín chỉ chứa 33 calo. Chính vì vậy, mà bạn có thể ăn thật nhiều cải bắp để tránh cảm giác đói. Ăn cải bắp vừa giúp bạn không tăng cân lại vừa giúp bạn tránh tình trạng thiếu chất.

9. Tăng cường hệ miễn dịch

Bắp cải giàu vitamin C. Hàm lượng của vitamin C chứa trong 200 gam bắp cải là gấp hai lần vitamin C chứa trong cam. Ngoài ra, bắp cải cũng có thể cung cấp một số nhất định chất chống oxy hóa, trong đó có một vai trò quan trọng trên cơ thể con người, chẳng hạn như vitamin E và tiền vitamin A (β-carotene). Những chất chống oxy hóa có thể bảo vệ cơ thể khỏi những thiệt hại của các gốc tự do và có thể thúc đẩy việc cập nhật của các tế bào.

10. Đẩy lùi cơn ho

Theo Đông Y, cải bắp vị ngọt tính hàn, làm mát phổi, thanh nhiệt, trừ đàm thấp, giải độc vì thế có thể trị ho, nhất là ho có đờm. Cách làm: Dùng 80-100g cải bắp, nửa lít nước, sắc còn 1/3, cho thêm mật ong uống trong ngày, kết hợp ăn bắp cải sống.

Bảo Trung (suckhoedoisong)

LÝ DO ĐỂ SỬ DỤNG VỪNG ĐEN THƯỜNG XUYÊN HƠN

Trong Đông y, Mè đen gọi là Chi ma, hồ ma, có tác dụng bổ gan thận, ngũ tạng, dưỡng huyết, nhuận trường, tăng khí lực, sáng mắt, phát triển cơ bắp…nên được coi là vị thuốc bổ đối với cơ thể.

Nhờ những chất dinh dưỡng giàu có trong hạt mè, những lợi ích của mè đen còn được khoa học công nhận, trong đó đáng kể là những tác dụng sau:

Ngăn ngừa hen suyễn

Trong mè có magnesium làm ngăn các rối loạn hô hấp, giảm nguy cơ hen suyễn.

Giảm cholesterol

Trong mè đen có chứa phytosterol, có thể giúp điều hòa insulin, glucose đồng thời giảm cholesterol trong cơ thể.

Ngừa tiểu đường

Trong mè đen có magnesium cùng nhiều dưỡng chất có thể ngăn ngừa tiểu đường, giúp cải thiện đường huyết. Mè có tác dụng điều hòa nồng độ insulin, chống lại các triệu chứng của tiểu đường.

Giúp tim khỏe hơn

Trong mè có nhiều chất chống viêm và chất chống oxy hóa có tác dụng ngăn ngừa xơ vữa động mạch, giúp tim khỏe, ngừa đột quỵ, đau tim. Mè đen chứa nhiều magie, là chất có thể làm giảm huyết áp. Mè cũng giúp tim hoạt động tích cực, ngăn ngừa các bệnh về tim.

Tốt cho tiêu hóa

Tác dụng này có được là nhờ lượng chất xơ cao trong mè. Đây là vị thuốc giúp bạn tránh xa táo bón, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa.

Bổ sung sắt

Người thiếu máu nên ăn mè, vì mè rất giàu chất sắt là chất giúp tăng lượng máu.

Giúp da căng mịn

Ăn mè, da bạn sẽ được bảo vệ tốt hơn trước tia cực tím, mè còn giúp ngăn chặn lão hóa, giúp da bạn trông trẻ hơn.

Ngừa loãng xương

Trong mè có phốt pho, kẽm, calci có thể giúp tăng mật độ xương, cho xương khỏe ,chắc, ngừa loãng xương. Nếu bạn bị chấn thương xương, mè cũng giúp xương mau lành.

Phòng chống ung thư

Việc có mè đều đặn trong khẩu phần mang lại nhiều tác dụng tích cực lâu dài, trong đó có chống ung thư nhờ vào các hợp chất acid phytic, phytosterol, magie.

Bảo Tố (theo BOLDSKY.com)

RAU LANG: MÓN NGON CHỮA ĐƯỢC NHIỀU BỆNH

 

Rau lang là món rau quen thuộc trong bữa cơm của người Việt. Không chỉ ngon, mát, rẻ tiền, đây còn là loại rau bổ dưỡng, có những tác dụng chữa bệnh.

Theo Đông y, rau khoai lang tính bình, không độc, vị cam, bổ hư tổn, tốt cho khí lực, giúp tì vị khỏe mạnh, tư thận âm. Rau lang chữa được chứng kén ăn, tỳ hư, thận âm không ổn định. Trong dân gian, rau lang còn được gọi là “sâm nam” vì tác dụng chữa bệnh của nó.

Sau đây là những tác dụng của rau lang với cơ thể:

Rau lang xào tỏi cũng ngon không kém gì rau muống (Ảnh: phunutoday)

Tốt cho người bị tiểu đường

Rau lang được khuyên nên dùng trong các bữa ăn của người bị tiểu đường do đặc tính làm giảm đường trong máu. Lưu ý là với người tiểu đường nên ăn rau lang chứ không ăn củ, vì trong củ có chứa tinh bột nhiều.

Ngọn rau lang non, màu đỏ có chứa chất gần giống insulin (chất này không có ở lá già), rất tốt cho người tiểu đường.

Chữa buồn nôn, ốm nghén, chán ăn

Vitamin B6 trong rau lang có thể làm giảm chứng buồn nôn ở phụ nữ ốm nghén khi mang thai giai đoạn đầu. Rau lang cũng giúp chữa kén ăn, làm ăn uống ngon miệng hơn.

Thanh nhiệt, giải độc

Bữa ăn rau lang thường được dân gian áp dụng để giải nhiệt cơ thể trong thời tiết nóng, hoặc cơ thể đang bị nhiệt. Rau lang có thể thanh nhiệt, làm mát cơ thể và giải độc tố hiệu quả.

Chữa táo bón

Rau lang có nhiều chất xơ, vị ngọt, tính mát, đặc biệt có chất nhựa tẩy chừng 1,95% trong lá rau, nên ăn vào sẽ tốt cho tiêu hóa, nhuận trường.

LƯU Ý KHI ĂN RAU LANG:

– Rau lang kiêng kị với người bị tiêu chảy, thấp trệ, đường huyết thấp, viêm dạ dày đa toan.

– Không nên ăn rau lang (và cả khoai lang) khi quá đói, vì lúc này đường huyết đang thấp, ăn vào lại làm giảm đường huyết, khiến bạn dễ bị mệt đuối.

– Rau lang luộc chín có tác dụng nhuận trường, chữa táo bón, trong khi rau lang sống lại khiến bạn bị táo bón. Nên lưu ý điều này.

– Để cân bằng dưỡng chất, nên ăn rau lang với nước mắm, mắm, hoặc chất đạm động thực vật.

– Nếu dùng nước rau lang, nên dùng nước thứ hai, vì nước đầu hay bị chát, hăng.

– Rau lang chứa nhiều calci, nếu ăn quá thường xuyên có thể sinh sỏi thận.

Bảo Hòa (tổng hợp)

4 ĐỐI TƯỢNG KHÔNG NÊN ĂN GỪNG

Gừng thường được coi là loại thuốc bổ giúp phòng chống được nhiều bệnh tật cho cơ thể. Tuy vậy, nếu dùng không đúng nơi, đúng chỗ, gừng có thể mang lại những tác hại không mong muốn.

Việc đầu tiên chúng ta cần nhớ là một người trưởng thành không nên ăn quá 4g gừng mỗi ngày, vì có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, gây ợ chua hoặc buồn nôn.

Ngoài ra, cần tránh ăn gừng nếu bạn nằm trong nhóm đối tượng sau đây:

1. Thai phụ

Tuy rằng gừng có chức năng giảm đau, giảm cảm giác buồn nôn, nhưng thai phụ nên thận trọng ăn Gừng vì nó có tính kích thích mạnh có thể dẫn đến đẻ non. Thai phụ vì vậy nên tránh ăn gừng, hoặc ăn theo chỉ dẫn của bác sĩ.

2. Người muốn lên cân

Trong khi gừng tỏ ra có tác dụng giảm cân với người béo vì nó giúp bớt thèm ăn và đốt cháy chất béo. Chúng ta có thể nhận ra là nó không nên được dùng cho người cần tăng cân, vì lý do trên.

Gừng tốt cho sức khỏe, nhưng cũng tùy đối tượng.

3. Người mắc bệnh máu

Gừng giúp thúc đẩy lưu thông máu, không tốt cho người bị rối loạn máu, vì có thể làm cho sự rối loạn trở nên nặng nề hơn. Bên cạnh đó, tác dụng của gừng còn có thể biến những loại thuốc chữa bệnh về máu trở nên vô dụng.

4. Người đang trị bệnh bằng thuốc

Nếu bạn đang trong thời gian trị tiểu đường hoặc cao huyết áp bằng thuốc, thì nên tránh tự ý dùng gừng để không ảnh hưởng đến tác dung của thuốc. Đáng nói, gừng có thể trở nên nguy hiểm khi kết hợp với thuốc ngăn đông máu, chẹn beta hay các thứ thuốc giành cho người tiểu đường.

Trên đây là 4 đối tượng nên tránh sử dụng gừng nếu không có hướng dẫn của bác sĩ. Nếu cần chút cay nóng, bạn có thể dùng tiêu, tiêu cũng có nhiều tác dụng của gừng, lại lành tính hơn.

Đề Oanh (theo www.santeplusmag.com)

9 LOẠI HOA QUẢ CHO NGƯỜI BỊ TIỂU ĐƯỜNG

Đối với người bị tiểu đường, chế độ ăn uống là rất quan trọng. Việc lựa chọn những thực phẩm tốt đồng thời có tác dụng kiểm soát bệnh là thực sự cần thiết.

Các bác sĩ thường khuyến khích bệnh nhân tiểu đường ăn vài loại trái cây đặc biệt, vốn không chỉ có lợi cho cơ thể mà còn giúp kiểm soát insulin. Dưới đây là các loại trái cây thân thiện với bệnh nhân tiểu đường, theo trang tinhealthmeup.com dẫn nguồn từ các chuyên gia sức khỏe Ấn Độ.

Bưởi đỏ. Bệnh nhân tiểu đường được khuyến khích nên ăn nửa quả bưởi đỏ mỗi ngày. Các loại quả mọng như quả việt quất, mâm xôi giàu chất chống ô xy hóa giúp cải thiện sức khỏe người bị tiểu đường. Đây còn là nguồn phong phú chất xơ, vitamin các loại song lại có hàm lượng carbohydrate thấp.

Dưa. Trời nóng, ăn dưa hấu, dưa lưới… không chỉ giúp giải khát mà còn bổ sung vitamin B, C, beta-carotene, kali và lycopene. Một lát dưa sẽ cung cấp cho bạn các sinh tố cần thiết.

Cherry. Giàu chất chống ô xy hóa, hàm lượng carbohydrate cũng như đường huyết đều thấp. Bệnh nhân tiểu đường nên ăn 12 trái cherry mỗi ngày.

Đào. Quả đào không thể thiếu trong chế độ ăn uống của bệnh nhân tiểu đường vì lượng carbohydrate không nhiều song lại giàu vitamin A, C, kali và chất xơ.

Quả mơ. Ăn mơ tốt cho người bệnh tiểu đường vì ít carbohydrate nhưng lại cao chất xơ, vitamin A.

Táo. Khi ăn táo, không nên gọt vỏ. Vỏ táo giàu chất chống ô xy hóa trong khi ruột táo chứa nhiều chất xơ và vitamin C.

Kiwi. Một quả kiwi mỗi ngày đủ để cải thiện sức khỏe của bạn. Kiwi không chỉ chứa nhiều kali, chất xơ và vitamin C, mà lại có lượng carbohydrate thấp, cần thiết cho bệnh nhân tiểu đường.

Quả lê. Hạn chế lượng carbohydrate nạp vào cơ thể song lại giúp bổ sung kali và chất xơ, đó là công dụng của quả lê.

Cam. Hàm lượng vitamin C, kali cao và ít carbohydrate, an toàn cho bệnh nhân tiểu đường.

Huỳnh Thiềm (Thanhnien.com.vn)

ĂN CAY “GIÚP SỐNG LÂU”

Theo nghiên cứu của viện khoa học Y học Trung Quốc, nếu bạn biết ăn cay có nghĩa là bạn đã có thêm một phương thức bảo vệ sức khỏe, tăng cường tuổi thọ hiệu quả.

Học viện Khoa học Y học Trung Quốc mới đây đã cho công bố một công trình nghiên cứu lớn, qua đó cho thấy rằng những thực phẩm cay nóng giúp tăng khả năng kéo dài tuổi thọ.

Ớt được cho là có nhiều công dụng tốt đối với cơ thể

 

Cụ thể, những ai có thực đơn bao gồm những món ăn có nhiều vị cay nồng chẳng hạn cà ri, tikka masala, vindaloo hay jalfrezi… một tới hai lần trong tuần sẽ tránh được 10% nguy cơ tử vong so với những người không ăn cay trong tuần. Con số này tăng lên thành 14% đối với những người ăn món cay nóng hàng ngày.

Theo viện Hàn Lâm Khoa học Y Trung Quốc, nhiều trường hợp được kéo dài sự sống nhờ ăn cay. Nhất là những trường hợp bệnh nhân ung thư, bệnh tim, tiểu đường và các bệnh về hô hấp.

Trong những thành phần hoạt tính sinh trong các gia vị cay có capsaicin (có trong quả ớt), chất này được cho là có khả năng chống lại béo phì, oxy hóa, viêm nhiễm và ung thư.

Tuy vậy, các nhà khoa học cũng cho biết thêm là, để có được những tác dụng tốt từ việc ăn cay, cần tránh thói quen “be bét”, vì rượu có thể phá hủy tất cả những lợi ích trên.

Anh Ngọc,

Theo MIRROR

10 CÔNG DỤNG KHIẾN BẠN CÀNG THÊM YÊU RAU MUỐNG

Rau muống là loại rau bình dân và phổ biến khắp nơi trên nước ta. Rau muống được dùng làm ra những món ăn ngon, hay rau sống ăn kèm… rất hấp dẫn. Tuy vậy ít ai biết rau muống cũng là một loại thuốc chữa bệnh rất tốt.

1. Làm giảm cholesterol

Rau muống là lựa chọn phù hợp cho những ai muốn giảm cân và lượng cholesterol tự nhiên. Một nghiên cứu được tiến hành trên chuột đã chứng minh rau muống còn giúp hạn chế triglycoside (chỉ số mỡ máu)

2. Điều trị vàng da và các vấn đề về gan

Theo Medical Health Guide, rau muống được sử dụng trong y học cổ truyền Ấn Độ để điều trị vàng da và các vấn đề về gan.

Một nghiên cứu đã chứng minh rằng loại rau này giúp chống lại các hóa chất gây hại và quá trình oxy hóa nhờ enzym giải độc, đồng thời loại bỏ các gốc tự do.

3. Điều trị thiếu máu

Sắt là khoáng chất quan trọng đối với cơ thể, đặc biệt là các tế bào máu đỏ. Vì vậy, hàm lượng sắt cao trong lá rau muống rất có lợi cho những người bị thiếu máu cũng như phụ nữ mang thai.

4. Điều trị chứng khó tiêu và táo bón

Do giàu chất xơ, rau muống giúp hỗ trợ và điều trị các chứng rối loạn tiêu hóa tự nhiên. Đặc tính nhuận tràng của loại rau này mang nhiều lợi ích cho những người bị chứng khó tiêu và táo bón.

Thậm chí, nước luộc rau cũng có thể chữa các bệnh này. Ngoài ra, rau muống còn được sử dụng để điều trị nhiễm giun đường ruột rất hiệu quả.

5. Ngăn ngừa bệnh tiểu đường

Các nghiên cứu đã chứng minh rằng ăn rau muống thường xuyên kích thích phát triển các chất đề kháng chống lại bệnh tiểu đường. Đồng thời, nó cũng được sử dụng để điều trị đái tháo đường ở phụ nữ mang thai.

6. Bảo vệ tim

Rau muống chứa nhiều dinh dưỡng thiết yếu như vitamin A, C và beta-carotene. Chúng đóng vai trò quan trọng, giúp làm giảm các gốc tự do, chống oxy hóa cholesterol.

Bên cạnh đó, folate trong rau muống giúp chuyển đổi homocysteine, một loại hóa chất khi ở mức độ cao có khả năng gây đau tim hoặc đột quỵ.
Khoáng chất magiê trong rau muống giúp giảm huyết áp và ngăn ngừa bệnh tim.

7. Ngăn ngừa ung thư

Rau muống bao gồm 13 hợp chất chống oxy hóa khác nhau, thích hợp để phòng ngừa ung thư (trực tràng, dạ dày, vú, da). Các chất này có tác dụng loại bỏ các gốc tự do ra khỏi cơ thể, giúp thay đổi điều kiện sinh sôi của các tế bào ung thư và tăng cường môi trường tế bào tự nhiên.

8. Có lợi cho mắt

Rau muống rất giàu carotenoid, vitamin A và lutein, những dưỡng chất cần thiết giúp bảo vệ đôi mắt. Nó cũng làm tăng nồng độ glutathione, hợp chất đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh đục thủy tinh thể.

9. Tăng cường miễn dịch

Ăn rau muống thường xuyên giúp tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể, thúc đẩy xương phát triển, góp phần tăng cường sức khỏe bằng cách trung hòa và loại bỏ độc tố.

10. Lợi ích sức khỏe khác

Ngoài những lợi ích nêu trên, rau muống còn có hiệu quả trong điều trị đau bụng kinh, đau răng, chảy máu mũi… Nó cũng là loại thuốc an thần cho những người mất ngủ hoặc khó ngủ, thúc đẩy nôn trong trường hợp bị ngộ độc.

Bên cạnh đó, bạn có thể hạ sốt bằng cách sử dụng thấm nước ép rau muống vào miếng gạc lạnh.

Theo Phương Mai (Zing.vn)

VÌ SAO ĂN VÀI TRÁI ỔI TRONG MÙA SẼ KHÔNG CẦN GẶP BÁC SĨ CẢ NĂM?

Ổi là loại trái cây nhiệt đới rất thông dụng ở nước ta. Ngoài vị ngon, giòn đặc trưng rất hấp dẫn, ổi còn có tác dụng rất tốt cho cơ thể.

Người Ấn Độ có câu: “Vài trái ổi trong mùa sẽ không cần gặp bác sĩ cả năm”. Hãy cùng khám phá những điều kỳ diệu trong loại quả này!

Ổi là loại cây rất quen thuộc trong đời sống người dân nước ta, đặc biệt ở các vùng nông thôn. Thực ra cây ổi có nguồn gốc từ miền nhiệt đới châu Mỹ, sau được trồng phổ biến ở khắp các miền nhiệt đới châu Á và châu Phi.

Ở ta, ổi mọc hoang tại nhiều vùng rừng núi hoặc được trồng trong vườn, quanh nhà để lấy quả ăn. Ngoài ra các bộ phận của cây ổi như búp non, lá non, vỏ rễ và vỏ thân còn được dùng làm thuốc.

Trái ổi là một loại quả bổ dưỡng, là nguồn cung cấp sinh tố A và C, đa số sinh tố tập trung ở phần thịt, lớp vỏ mỏng bên ngoài quả. Ổi được thể ăn sống, chế thành kem hoặc nước giải khát. Ổi là nguồn vitamin C làm lành da tuyệt vời nhất.

Bên cạnh đó, quả ổi cũng có rất nhiều tác dụng trong ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị một số bệnh hiệu quả!

Ngừa cao huyết áp

Những nghiên cứu y học cho thấy nếu cơ thể chúng ta tiêu thụ những loại thực phẩm không có chất xơ thì dễ bị “dính” chứng cao huyết áp, thực phẩm được tiêu thụ sẽ mau chóng chuyển thành đường.

Do ổi có nhiều chất xơ, có chỉ số đường huyết (glycemic index) thấp nên cũng có tác dụng hạ huyết áp.

Quả ổi giúp làm giảm cholesterol trong máu, ngăn ngừa quá trình làm máu trở nên đặc, vì vậy làm tăng tính linh động của máu, giúp máu thoát khỏi họa “kẹt xe” và lưu thông trong cơ thể một cách dễ dàng hơn.

Ngăn ngừa ung thư

Các nghiên cứu y học đã cho thấy rằng thành phần chiết xuất từ lá ổi có thể giúp ngăn ngừa bệnh ung thư. Hơn nữa, ruột quả ổi cũng chứa chất lypocene cao, tác dụng chống ung thư. Đặc biệt folate trong ổi cũng giúp ngăn ngừa ung thư dạ dày.

Ngăn ngừa bệnh tim

Trong ổi đặc biệt là ổi đào có lượng lycopen nhiều hơn cà chua 26%, có thể giảm bớt nguy cơ bệnh tim.

Ngăn ngừa vi trùng

Trong quả ổi có chứa hàm lượng lớn chất chống oxy hóa, chất chống độc tố như Vitamin C, Vitamin E, iso- flavanoids, carotenoid, polyphenol…

Những dưỡng chất này sẽ giúp cơ thể chống lại vi trùng, vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể, đồng thời giúp mẹ bầu tránh xa bệnh tật.

Ngừa béo phì

Ổi chứa ít chất béo nên ăn ổi có thể giảm béo, giúp cơ thể thon gọn hơn.

Đặc biệt trong trái ổi ruột đỏ (ổi đào) còn có chất lycopen nhiều hơn trong cà chua không chỉ có tác dụng chống những bệnh liên quan tới béo phì mà còn những bệnh khác như bênh tiểu đường cấp 1, giảm bớt nguy cơ bệnh tim mạch.

Ngừa bệnh tiểu đường

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Ấn Độ, lá và quả ổi có khả năng giảm thiểu lượng đường gluco trong máu. Tuy nhiên, nếu ăn cả vỏ ổi sẽ không tốt cho lượng đường trong máu của bạn. Cách tốt nhất khi ăn ổi để điều trị bệnh tiểu đường là gọt bỏ vỏ.

Ngừa cảm lạnh

Một ly nước ép ổi tươi có thể giúp bạn giảm các triệu chứng cảm lạnh như giảm ho, tẩy đàm, thông đường hô hấp do trong ổi chứa nguồn vitamin C cao, các chất chống oxy hóa và điện giải…

Trị ho

Nước ép trái ổi hoặc nước sắc lá ổi rất có lợi trong việc làm giảm ho, trị cảm, đồng thời có tác dụng “dọn dẹp” hệ hô hấp. Thịt quả ổi chứa rất nhiều vitamin và sắt, nhờ đó có tác dụng ngăn ngừa bệnh cảm và các trường hợp bị nhiễm siêu vi.

Món ăn từ trái ổi

Ổi ướp lạnh: Giúp giải nhiệt khi thời tiết nắng nóng

– Lấy phần nạc của ổi, xắt nhỏ và xay nhuyễn.

– Cho nước chanh tươi, rượu vodka và đường xay thêm cho đều.

– Cho hỗn hợp vào tủ lạnh trong khoảng 45-60 phút. Ngoài ra, có thể cho hỗn hợp vào tủ làm đông để ăn như kem thông thường.

Ổi trộn: Giúp giảm cân và bồi dưỡng thể lực

– Gọt vỏ ổi, chỉ lấy phần nạc và xắt thành từng lát vừa ăn, cam gọt vỏ xắt từng lát mỏng, chuối xắt khoanh tròn sau đó trộn đều ba loại với nhau.

– Rưới nước chanh tươi vào hỗn hợp, trộn đều.

– Trước khi ăn, rưới thêm mật ong.

– Bạn có thể cho vào tủ lạnh khoảng một giờ trước khi dùng.

Nước ép ổi: Tăng cường sức khoẻ

– Ổi bỏ vỏ, moi bỏ hạt, ép lấy nước, cho thêm ít muối và đường.

– Ngon hơn khi uống lạnh.

theo Khỏe & Đẹp

LÝ DO ĐỂ BẠN ĂN DƯA HẤU KHÔNG NÊN BỎ HẠT

Ăn dưa hấu bỏ hạt là điều mà nhiều người cho là đương nhiên, nhưng làm như vậy là họ đã bỏ qua một lượng chất dinh dưỡng rất tốt cho cơ thể. Các nghiên cứu cho thấy rằng hạt dưa hấu có thể chữa nhiều bệnh, trong đó có tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường.

Dưa hấu là loại hoa quả ngon miệng, dễ ăn, phù hợp với nhiều người. Dưa hấu có thể cung cấp một lượng nước lớn cho cơ thể đồng thời bổ sung nhiều vitamin cũng như các nguyên tố vi lượng. Dưa hấu tính mát có thể giúp thanh nhiệt, giải độc, trừ được các chứng mụt nhọt, đái tháo đường, viêm loét vùng miệng, cao huyết áp, chữa say nắng, bệnh ly… ngoài ra đây cũng được coi là chất giải độc rượu rất tốt.

Dưa hấu tốt là điều ai cũng biết, nhưng ít ai quan tâm đến phần hạt của loại quả này. Nhiều nghiên cứu cho thấy phần hạt thường bị nhằn bỏ đi này cũng là một vị thuốc tuyệt vời cho cơ thể.

Trong hột dưa hấu có chứa nhiều acid béo không bão hòa, như acid linoleic giúp giảm lượng chất béo cũng như cholesterol trong máu, có tác dụng ngăn ngừa và điều trị tim mạch. Acid béo trong no trong loại hạt này khá phong phú, có thể giúp phòng ngừa xơ cứng động mạch, làm hạ huyết áp. Thành phần Protein, vitamin B và Magie trong dưa hấu giúp chuyển đổi thực phẩm thành năng lượng trong mọi chức năng của cơ thể.

 
So sánh thành phần dinh dưỡng trong hạt dưa hấu với hạt hạnh, hạt hướng dương.

Qua những tác dụng rất quý giá của hạt dưa hấu, mọi người được khuyên là không nên nhả hạt dưa khi ăn dưa hấu mà hãy tập ăn để phòng ngừa bệnh tật cho cơ thể. Hoặc bạn có thể dùng hạt dưa hấu dưới dạng hạt dưa rang – loại hạt dưa phổ biến ngày Tết truyền thống.

Theo Thanh Loan –  HUFFINGTONPOST.COM

MÙI VỊ LẠ TRONG MIỆNG CÓ THỂ LÀ BIỂU HIỆN CỦA BỆNH TẬT

Mặc dù bạn thường xuyên vệ sinh răng miệng, nhưng đôi khi trong miệng lại xuất hiện những mùi vị bất thường. Điều đó có thể làm bạn rất khó chịu và thiếu tự tin trong giao tiếp. Và bạn hãy thận trọng hơn vì đó có thể là dấu hiệu của một số căn bệnh nguy hiểm.

Đắng miệng

Đây là một dấu hiệu rõ ràng nhất về hiệu quả hoạt động của gan và túi mật. Đặc biệt là sau những bữa tiệc trong các ngày nghỉ, ngày cuối tuần, và ăn nhiều thực phẩm gây mùi và nóng. Ngoài cảm giác khô và đắng miệng nếu bạn cảm thấy bồn chồn, lo lắng và tức ở phần gan và dạ dày thì cần phải nhanh chóng đi kiểm tra sức khỏe để tránh nguy cơ gây bệnh. Loại bỏ chế độ ăn nhiều dầu mỡ, quá cay hoặc quá mặn, đồ hộp và bỏ rượu vì rất có thể khiến gan bạn bị tổn thương.

Chua miệng

Có thể đây là dấu hiệu cảnh báo của bệnh viêm loét dạ dày. Các triệu chứng trào ngược axit vào buổi sáng, chỉ số axit clohydric quá cao trong dạ dày dẫn tới dư thừa gây trào ngược, ợ nóng khiến chúng ta rất khó chịu. Nguyên nhân của chứng bệnh này có thể là do ăn quá nhiều, hệ tiêu hóa không tốt khiến thức ăn không được vận chuyển tới dạ dày và không được lên men. Một nguyên nhân khác là do xuất hiện một số kim loại có khả năng ôxy hóa trong khoang miệng có thể gây ra vị chua đặc trưng. Ngoài ra, tác dụng phụ khi sử dụng một số loại thuốc cũng gây ra vị chua trong miệng, kích thích tăng nồng độ axit trong dạ dày và chắc chắn sẽ phát triển các triệu chứng viêm ở dạ dày.

Khô miệng và mặn

Thiếu nước chính là nguyên nhân gây ra tình trạng này. Khi đó, cơ thể thiếu độ ẩm và chất dịch trong cơ thể chúng ta nên sẽ gây ra cảm giác luôn khát nước và có vị mặn trong miệng. Trong thành phần của nước bọt có chứa muối, nếu cơ thể thiếu nước nồng độ muối sẽ cao hơn thậm chí khiến chúng ta khát và khó thở. Và để tuyến nước bọt không bị ảnh hưởng và hoạt động tích cực bạn không nên ăn nhiều đồ ăn mặn và uống khoảng 2-2,5 lít nước mỗi ngày.

Ngọt lợ trong miệng

Một dấu hiệu của căn bệnh nguy hiểm-bệnh tiểu đường. Đối với bệnh nhân tiểu đường thì lượng đường trong máu cao sẽ làm cho miệng chúng ta có vị ngọt lợ. Ngoài ra, viêm tụy mãn tính và dùng thuốc tránh thai cũng gây nên vị ngọt trong miệng vì nó ảnh hưởng đến quá trình sản sinh insulin. Lưu ý rằng, bệnh tiểu đường xuất hiện ở mọi lứa tuổi và có xu hướng di truyền nên bạn cần xét nghiệm để tránh nguy cơ mắc bệnh.

Mùi trứng thối

Với một người “bẩm sinh” bị mắc chứng bệnh này, nguyên do là không sản xuất đủ lượng axit trong dạ dày trong khi cần tiêu hóa thức ăn và nồng độ của H2S sẽ tăng gây ra một mùi vị rất khó chịu như trứng thối. Do vậy, bạn cần xử lý, chế biến các món ăn của mình phù hợp với hệ tiêu hóa để tránh tình trạng khiến bạn mất tự tin.

Mùi tanh

Một mùi vị tanh tanh như “sắt” xuất hiện là dấu hiệu của chảy máu chân rằng, nướu vì trong máu có một lượng lớn hemoglobin mà thành phần chính là sắt. Mùi tanh xuất hiện cũng cảnh báo chức năng hoạt động bị giảm của hệ tuần hoàn, trao đổi chất, thay đổi nội tiết tố, các bệnh về dạ dày, đường ruột và bệnh tiểu đường.

Theo Trần Biên (An ninh thủ đô)
Nguồn: http://m.24h.com.vn/suc-khoe-doi-song/doan-benh-qua-mui-vi-la-trong-mieng-c62a546160.html

8 LOẠI VỎ QUẢ CHỮA BỆNH NÊN ĂN

Chúng ta thường nghe về tác dụng của vỏ quả đối với cơ thể. Đó là những tác dụng nào?

Vỏ táo: giàu vitamin C, chất xơ, chống oxy hóa

Vỏ táo được coi như là loại thuốc cho tiêu hóa vì hàm lượng chất thơ phong phú. Trong vỏ táo còn có rất nhiều vitamin C: chiếm tới 1/2 lượng vitamin C của cả quả. Hàm lượng chất chống oxy hóa của vỏ táo hơn gấp nhiều lần so với thịt táo và một số loại hoa quả khác. Vì những tác dụng đó, nhiều nhà sản xuất thực phẩm chức năng đã chọn vỏ táo làm nguyên liệu.

Vỏ lê: thanh lọc tim phổi, hạ nhiệt cơ thể, trị viêm họng  

Vỏ lê là loại vỏ được chú trọng trong Y học Trung Quốc với tác dụng làm sạch phổi, tim và giảm nhiệt trong cơ thể. Vỏ lê có thể dùng làm nguyên liệu thêm vào các món ăn như gỏi, trộn. Nếu bị viêm họng, bạn có thể trộn vỏ lê với đường, hấp cách thủy rồi ăn, công hiệu sẽ khiến bạn bất ngờ.

Vỏ nho làm giảm mỡ máu, giảm huyết khối, tăng miễn dịch

Chất resveratrol giúp giảm mỡ máu, ngăn chặn huyết khối, chống bệnh động mạch và tăng cường chức năng miễn dịch. Chất này có nhiều trong vỏ nho hơn tất cả các thành phần khác. Trong vỏ nho còn có chất flavonoids làm giảm huyết áp. Vỏ nho hiện nay đã được đưa vào nghiên cứu trong việc điều trị cholesterol quá cao, tiểu đường, và làm thức ăn.

Vỏ quýt tiêu đàm, trị ho 

Vỏ quýt cũng rất được trọng dụng trong y học cổ truyền phương đông. Về thành phần dinh dưỡng, vỏ quýt chứa nhiều sinh tố C, carotene, protein…giúp nó có hương vị dễ chịu. Hương thơm của vỏ quýt có thể trị đầy bụng, ho, đờn. Vỏ quýt có thể cho vào nồi nước dùng nấu ăn của bạn để tăng hương vị, giảm lượng dầu.

Vỏ dưa hấu giúp giải nhiệt, hạ huyết áp

Vỏ dưa hấu là phần thường bị bỏ đi, nhưng thực chất nó chứa nhiều lượng đường, khoáng chất, sinh tố… với tác dụng hạ nhiệt cơ thể, đẩy lùi mệt mỏi, giảm huyết áp. Trong dân gian, vỏ dưa hấu có thể được chế biến thành các món dưa, nộm, nấu canh, xào.

Vỏ dưa gang tốt cho người tiểu đường 

Vỏ dưa gang có tác dụng lợi tiểu, giảm sưng phù, rất thích hợp cho người bị tiểu đường. Trong lớp vỏ này có nhiều vitamin, khoáng chất… giúp ích cho cơ thể.

Vỏ dưa vàng giải độc, giúp hấp thụ sinh tố C, kháng khuẩn, tiêu viêm

Tuy hơi khó ăn vì cứng và có vị đắng, nhưng những công dụng của vỏ dưa vàng thì rất dễ chịu. Nó giúp bạn dễ dàng hấp thụ sinh tố C, giải độc cơ thể, kháng khuẩn tiêu viêm… Một chức năng khác của vỏ dưa vàng là giảm béo, khi được chế biến thành các món ăn.

Vỏ cà chua ngừa bệnh tim, tăng miễn dịch, chống ung thư

Những tác dụng tuyệt vời mà vỏ cà chua có được nhờ vào lượng chất lycopene trong lớp vỏ này. Lycopene có tác dụng chống oxy hóa mạnh, ngừa được bệnh tim mạch, tăng miễn dịch, phòng chống ung thư.

Hoài Nhân

10 TÁC DỤNG SẼ KHIẾN BẠN KHÔNG THỂ BỎ QUA ĐẬU BẮP

Đậu bắp là loại rau khá quen thuộc trong bữa ăn của người Việt. Với nhiều người, đây là loại rau ban đầu lạ miệng nhưng dễ gây nghiện bởi kết cấu đặc biệt của nó (ngoài dòn, trong dẻo), bên cạnh đó, đậu bắp còn được coi là loại thuốc bổ với nhiều tác dụng bất ngờ.

 Hàm lượng chất xơ phong phú, cũng như cung cấp dồi dào folate, pyridoxine, thiamin, Vitamin C, A, K, đồng, canxi, kali, sắt, magiê, mangan, kẽm, phốt pho… đậu bắp được xem là một trong những thực phẩm ngon-bổ-rẻ của các bà nội trợ. Ở Việt Nam, đậu bắp được trồng ở nhiều nơi, nhưng tập trung ở các tỉnh phía Nam và được chế biến thành nhiều món như: từ ăn sống đến luộc, xào, nướng, tẩm bột chiên, nấu canh chua…

1. Giúp giảm cân

Chứa ít calorie nhưng giàu hàm lượng chất xơ, đậu bắp là thực phẩm lý tưởng để giảm cân. Hàm lượng chất xơ phong phú sẽ giúp bạn cảm thấy no trong một thời gian.

2. Giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường

Eugenol – một loại chất xơ có trong đậu bắp có công dụng làm chậm quá trình tiêu hóa và hấp thụ đường từ máu, giúp cân bằng lượng đường sau mỗi bữa ăn.

3. Chữa bệnh hen suyễn

Đậu bắp được xem là một trong những thực phẩm tốt để trị bệnh hen suyễn. Vì thế mà các bác sĩ thường khuyên các bệnh nhân tiêu thụ đậu bắp hàng ngày để hạn chế những cơn suyễn.

4. Tốt cho tim mạch

Chất xơ hòa tan pectin được tìm thấy trong đậu bắp góp phần hiệu quả trong việc giảm cholesterol xấu, cũng như ngăn ngừa xơ vữa động mạch thường gặp ở những người cao tuổi.

5. Chống dị tật thai nhi 

Đậu bắp rất giàu axit folic, vì thế bổ sung đậu bắp trong khẩu phần ăn hằng ngày là cách tốt để giúp các thai phụ giải quyết vấn đề cung cấp lượng axit folic – dưỡng chất có lợi cho tử cung, giảm sẩy thai, dị tật thai nhi và tốt cho sức khỏe của bé.

Mặt khác, trong quá trình mang thai cũng như sau sinh, nhiều phụ nữ thường gặp phải tình trạng rụng tóc, da nổi mụn, kém mịn màng… nếu đưa món đậu bắp vào khẩu phần dinh dưỡng sẽ giúp đẩy lùi chứng này.

6. Cải thiện khả năng miễn dịch

Vitamin C được xem là yếu tố cần thiết để cải thiện khả năng miễn dịch vì vậy nếu bạn vừa ốm khỏi và khả năng miễn dịch của bạn đang “xuống cấp”, một lời khuyên là hãy bổ sung đậu bắp (giàu vitamin C) để phục hồi nhanh chóng.

7. Phòng chống ung thư ruột kết

Đậu bắp có nhiều chất xơ và đó là lý do nó trở nên hữu ích để ngăn chặn ung thư ruột kết bằng cách xoa dịu hệ thống tiêu hóa và giúp nó hoạt động trơn tru.

8. Cải thiện thị lực

Vitamin A được xem là chất dinh dưỡng quan trọng nhất trong việc cải thiện thị lực. Đậu bắp là một nguồn giàu vitamin A và beta carotene, do đó nó sẽ giúp bạn trong việc duy trì sức khỏe đôi mắt.

9. Tốt cho người bị thiếu máu

Sắt, folate và vitamin K trong đậu bắp thật sự hữu ích trong điều trị bệnh thiếu máu.

10. Cải thiện hệ thống tiêu hóa

Nếu bạn có bất kỳ vấn đề đường ruột nào thì việc ăn đậu bắp hàng ngày sẽ giải quyết được điều đó. Chất pectin tìm thấy trong đậu bắp, giúp loại bỏ vi khuẩn có hại trong đường ruột. Đặc biệt, chất nhầy trong loại quả này còn có tác dụng bôi trơn hệ thống ruột, ngăn ngừa táo bón, bệnh trĩ và tăng cường sức khỏe đường tiêu hóa.

Huyền Châu – Phụ nữ online (Theo WhatThaFact.com)

Quả Na đặc biệt tốt đối với bệnh nhân tiểu đường

(Dân trí) – Na có chứa một lượng lớn các chất acetogenins giúp chống ung thư và mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, đặc biệt tốt với bệnh nhân tiểu đường.

 

1. Chống bệnh tiểu đường

Na có những đặc tính giúp kiểm soát mức độ glucose và tăng cường hấp thu lượng glucose ở cơ bắp, từ đó điều chỉnh quá trình sử dụng glucose của cơ thể.

Những bệnh nhân tiểu đường sẽ có thể cải thiện tình trạng bệnh nếu tiêu thụ quả na ở mức vừa phải.

 

2. Vitamin C

Một trong các yếu tố cơ bản giúp kiểm soát được lượng đường trong cơ thể là cung cấp đủ vitamin C.

Na rất giàu vitamin C, khi ăn có thể giúp bệnh nhân tiểu đường kiểm soát bệnh tốt hơn cả thuốc điều trị. Đây là một cách rất đơn giản gặt nhưng có thể mang lại hiệu quả cao cho bệnh nhân tiểu đường.

 

3. Ma-giê

Đây là chất khoáng quan trọng thứ ba trong cơ thể của con người. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng lượng ma-giê thấp trong cơ thể có thể dẫn đến nguy cơ mắc tiểu đường.

Ma-giê có trong quả na sẽ thúc đẩy quá trình sản xuất insulin trong cơ thể và giúp điều tiết lượng glucose.

 

4. Kali

Khi không cung cấp đầy đủ kali, cơ thể sẽ có nguy cơ cao về bệnh tiểu đường. Ngược lại, cung cấp một lượng kali vừa đủ sẽ giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường.

Kali thường hữu ích trong các quá trình hoạt động của tế bào, dồng thời giúp điều chỉnh mức độ insulin trong cơ thể. Đây là điều hết sức cần thiết với bệnh nhân tiểu đường.

5. Sắt

Quả na mang lại lợi ích cho bệnh nhân tiểu vì nó có một hàm lượng sắt rất cao giúp chống lại bệnh thiếu máu và sẽ giúp bệnh nhân tiểu đường kiểm soát bệnh.

Tuy nhiên, cung cấp quá nhiều sắt có thể gây ra các vấn đề khác ở bệnh nhân tiểu đường. Do đó, cần phải có sự chỉ dẫn của bác sĩ để bổ sung vừa phải. Sắt cũng giúp quá trình sản xuất máu và rất tốt cho tim mạch.

 

An Nhiên

Theo Boldsky, Dantri.com.vn

ĂN HÀNH: GIẢI ĐỘC CƠ THỂ, PHÒNG UNG THƯ

Hành có thuộc tính phòng bệnh và kháng khuẩn làm sạch giải độc cơ thể, giúp phòng ngừa nhiều bệnh hiểm nghèo như tim mạch, ung thư, hen suyễn, tiểu đường.

Với hơn 100 hợp chất chứa lưu huỳnh là nguyên nhân gây cay chảy nước mắt, hành có thể giúp dự phòng và điều trị nhiều bệnh như tiểu đường và bệnh tim nếu ăn hàng ngày.

Hành có tác dụng kháng histamine nhờ có quercetin, một chất chống oxy hóa đóng vai trò giống như chất kháng histamine và chống viêm. Trong ống nghiệm, quercetin cho thấy có khả năng ngăn ngừa các tế bào miễn dịch giải phóng histamine, là các chất gây phản ứng dị ứng. Dựa trên quan sát này, các nhà nghiên cứu tin rằng những chất chống oxy hóa có thể giảm histamine và chất gây dị ứng hoặc gây viêm khác trong cơ thể và là một phương pháp điều trị bệnh hen đầy hứa hẹn.

1. Hen suyễn

Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu trên người để kiểm tra xem nó có hiệu quả hay không. Hành được cho là giúp giảm bệnh hen vì nó hoạt động như một chất chống oxy hóa mạnh mẽ. Các nghiên cứu chỉ ra rằng quercetin mở rộng hệ thống phế quản của đường hô hấp.

2. Ung thư

Hành có thể giúp giảm nguy cơ ung thư khi được kết hợp với nghệ, nhờ các chất hóa học được tìm thấy trong 2 loại gia vị này. Một nghiên cứu được đăng trên tờ Clinical Gastroenterology and Hepatology năm 2006 chỉ ra rằng kết hợp hành và nghệ tạo ra một tác dụng hiệp đồng làm giảm cả kích thước và số lượng vật chủ tiền ung thư trong ruột, nhờ đó giảm nguy cơ ung thư đại tràng.

Hơn nữa, thường xuyên ăn hành có thể giúp đào thải các chất sinh ung thư tiềm ẩn vì hành chứa hợp chất organosulfur. Những hợp chất này được tìm thấy trong thành tế bào của hành và được giải phóng khi nó được cắt nhỏ hoặc nhai.

3. Bệnh tiểu đường

Ăn nhiều hành có thể giảm lượng đường huyết. Tinh dầu hành, allyl propyl disulphide được cho là tạo ra tác dụng này và giảm mức đường huyết bằng cách tăng lượng insulin tự do sẵn có.

Một nghiên cứu được công bố năm 1975 trên tờ Clinica Chimica Acta; International Journal of Clinical Chemistry chỉ ra rằng tinh dầu hành làm giảm đáng kể lượng đường huyết và tăng đáng để hàm lượng huyết thanh insulin sau khi được sử dụng trên 6 người tự nguyện bình thường sau khi nhịn ăn 12 giờ.

4. Bệnh tim

Khi kể đến thực phẩm có lợi cho sức khỏe tim, hành thường không được nghĩ đến. Nhưng theo một nghiên cứu năm 2007 trên tờ The Journal of Nutrition quercetin, hành làm giảm đáng kể chỉ số huyết áp ở những người trưởng thành bị cao huyết áp.

Hơn nữa, loại rau củ này được coi là có khả năng bảo vệ tim cao hơn rượu vang đỏ. Hành có liên quan tới việc duy trì huyết áp bình thường, ngăn chặn xơ cứng động mạch và duy trì sự đàn hồi mạch.

5. Sâu răng

Hành sống có thể khiến hơi thở của chúng ta có mùi, nhưng trên thực tế chúng có thể cải thiện sức khỏe đường miệng. Chỉ cần nhai hành sống có thể làm răng khỏe hơn và loại trừ các vi khuẩn gây sâu răng. Theo tờNaturalsociety, nhai hành 2 đến 3 phút có thể giết chết hầu hết vi khuẩn trong miệng.

Hải Ngân (Theo Medicaldaily)

6 MÓN ĂN CHỮA BỆNH TỪ THỊT ẾCH

Ếch không chỉ là món mồi hấp dẫn, món ăn ngon miệng đưa cơm. Thịt ếch còn rất bổ dưỡng với nhiều thành phần cần thiết cho cơ thể. Ngoài ra, ếch phối hợp với một số nguyên liệu có thể trở thành món ăn bài thuốc chữa bệnh rất hiệu quả.

Theo các nhà dinh dưỡng, trong ếch rất giàu dinh dưỡng. Trong miếng thịt ếch có chứa nhiều protein, canxi, photpho, đường, béo, natri, kali, đồng, sắt, kẽm, magie, selen, vitamin nhóm A, B, D, E, biotin, caroten…  Còn theo đông y, thịt ếch vị cam, tính hàn, không độc hại, ăn thịt ếch giúp bồi bổ cơ thể, lợi tiểu, cường tráng, chữa suy dinh dưỡng, ngứa lở, hư lao…

Bên cạnh đó, có thể chế biến thịt ếch thành những món ăn ngon miệng để tẩm bổ và chữa bệnh:

Bồi dưỡng người yếu mệt, mới ốm xong: 1 lạng ếch làm sạch, chặt nhỏ rồi xào hành tây. Hoặc lấy 1 lạng ếch ướp xì dầu, gừng, đường rồi mở nồi cơm lúc cơm sắp cạn, đem hấp chung với cơm cho cạn. Ăn cơm với ếch, ngày 1 lần trong 1 tuần.

Giải độc cơ thể, chữa mụn nhọt ở trẻ em, thanh nhiệt: 1 lạng thịt ếch, 5g bột sa nhân, 1 cái lá sen, 150g gạo tẻ. Bắc nồi nấu cháo cho ếch vào nấu chín rồi cho sa nhân vào, đậy nồi bằng lá sen. Nấu thêm 5 phút tắt bếp, đợi cháo nguội thì bỏ lá sen, nêm lại vừa miệng. Cho trẻ ăn vào lúc sáng dậy.

Chữa suy nhược ở trẻ, đầy bụng, ăn không tiêu: 1 lạng ếch rửa sạch chặt miếng ướp gia vị rồi nấu chín. Tiếp theo cho 1 lạng gạo tẻ vào nấu nhừ thành cháo, nêm thêm gia vị, rắc hành, ăn nóng. Ăn ngày 1 bát trong 1 tuần.

Bổ thận, chữa tiểu đêm: 1 lạng ếch, 9g tang phiêu diêu, 9g ba kích, 30g sơn thù nhục, 15g câu kỷ tử. Ếch bỏ đầu, bỏ bàn chân, lột da, bỏ lòng rồi chặt nhỏ đem hầm với các nguyên liệu còn lại cho nhừ, nêm lại vừa miệng ăn với cơm. Lưu ý món này không giành cho người có thấp nhiệt ở bàng quang.

Bổ thận, tráng dương: 1 lạng ếch, 1 lạng nấm rơm, 1 lạng chim sẻ xào lên cho chín, nêm nếm gia vị ăn với cơm. Món này có thể ăn hàng ngày.

Hỗ trợ điều trị tiểu đường vì gan thận âm hư: 1 lạng ếch, 2 lạng bí đỏ, tỏi, gia vị. Bí đỏ đem gọt vỏ xắt miếng vừa ăn. Bắc chảo dầu phi tỏi cho thơm rồi cho bí đỏ và ếch vào, châm nước xâm xấp nấu lửa nhỏ trong 30 phút rồi nêm nếm lại. Ăn nóng với cơm hoặc ăn không. Tuần ăn 2-3 lần. Món này giúp dưỡng âm ích khí, giải khát, giảm đường trong máu.

Lưu ý quan trọng khi ăn ếch: 

Ếch sống ở chỗ bùn lầy nên thường chứa ấu trùng giun sán, khi nấu cần coi và xử lý kĩ: moi ruột cho sạch sẽ, rút bỏ đường gân ếch vứt đi, rửa thịt ếch sạch với muối và quan trọng nhất là phải nấu cho chín hoàn toàn.

Theo Bác sĩ Thúy An

Bơ, loại trái cây bổ nhất thế giới

không chỉ là món ăn khoái khẩu của nhiều người, mà nó còn có tác dụng như một loại thuốc bổ. Sách kỷ lục Guiness đã chọn bơ là trái cây nhiều dinh dưỡng nhất. Những công dụng đặc biệt của bơ là tốt cho hệ tiêu hóa, phòng bệnh, làm cân bằng hệ thần kinh và cải thiện chức năng sinh lý.

Quả bơ xuất phát từ miền nhiệt đới châu Mỹ. Tại nước ta, bơ xuất hiện từ đầu thế kỉ 20, nay được trồng phổ biến ở các tỉnh tây nguyên như Lâm Đồng, Đăk Lăk. Bơ rất bổ dưỡng, theo phân tích, trong 1 lạng bơ chín có 2,08g protid, 60g nước, 7,4g glucid, 20g lipid, 1,26g tro, các chất khoáng: Canxi 12mg, Phốt pho 26mg, Sắt 0,6 mg, sinh tố C 20mg, B1 0,05mg, A 205mg, aminacid: cystin, tryptophan, và nhiều chất kháng khuẩn hữu ích. Với lượng chất bổ như thế, sách kỷ lục Guiness đã chọn bơ là trái cây nhiều dinh dưỡng nhất.

Quả bơ ngon miệng, bổ, lại dễ tiêu hóa. Có thể ăn bơ chín không, ăn với đường, sữa, chanh hoặc xay sinh tố, đánh thành kem, đều tốt. Bơ có tác dụng làm cân bằng hệ thần kinh, kích thích tình dục, tăng sức đề kháng cho cơ thể. Trong bơ có ít đường nên người bị tiểu đường có thể ăn tốt. Bơ còn làm tăng độ acid của nước tiểu, hạ cholesterol trong máu. Người bị ốm, lao lực, mệt mỏi do lao động trí óc, đều có thể hồi phục nhờ ăn bơ. Bơ còn có tác dụng giải độc do ngộ độc thức ăn.

Vỏ bơ là phương thuốc dân gian trị giun sán.

Lá, vỏ, cành non của bơ có thể làm thuốc giảm họ, trị tiêu chảy, lị, ngộ độc do ăn uống: Dùng 20 – 40g lá hoặc vỏ cành non bơ, sắc với 750ml ra 300ml nước thuốc, chia làm 3 uống trước mỗi bữa ăn trong ngày. Lưu ý: Phụ nữ mang thai không nên dùng bài thuốc này vì có thể gây sảy thai, kích thích kinh nguyệt.

Dầu từ hạt bơ có tác dụng làm mềm, mịn da. Nếu xoa lên đầu có thể kích thích mọc tóc.

Dùng bơ để ổn định thần kinh: 200g bơ, 50g hoa lài, 30g mật ong. Bơ hấp chín rồi sấy khô, hoa nhài đem phơi khô, tán cả hai thứ này thành bột mịn, trộn với mật ong rồi vo thành từng viên bằng đầu ngón tay. Ngày uống 10 viên, chia làm 2 lần, uống với nước.

Chữa đau bao tử: 3 lạng bơ, 150g nghệ vàng, 50 ml mật ong. Bơ đem hấp chín rồi sấy khô, nghệ vàng phơi khô, hai thứ tán nhuyễn rồi dùng mật ong vo thành viên to bằng hột bắp, phơi khô rồi cho vào lọ dùng dần. Ngày uống 10 viên với nước nguội, chia làm 2 lần như trên.

Trị tiểu đường: hái lá bơ tươi trên cây xuống, cho vào nước nấu sôi, cạn 1 nửa nước thì chiết vô chai, bỏ tủ lạnh ngăn mát. Uống hàng ngày giúp điều trị tiểu đường.

Mỹ Lạo tổng hợp