Cách nấu món GÀ KHO MĂNG TƯƠI

Gà kho với măng tươi sẽ là món mặn hấp dẫn và ‘đắt hàng’ trong mâm cơm nhà bạn.

Nguyên liệu:

– Thịt gà: 3-4 cái ức hoặc đùi

– 1,5 lạng măng tươi

– Hành lá, hành củ, tỏi, dầu điều, gia vị…

Cách làm:

– Gà làm sạch, rửa lại với nước pha tí muối rồi để ráo nước. Sau đó chặt thành miếng vừa ăn.

– Ướp gà với hành củ băm, 1 muỗng cafe nước mắm, 1/2 muỗng hột nêm, chút tiêu… ướp trong 1 giờ đồng hồ cho ngấm.

– Măng bỏ chỗ già, xắt khúc vừa ăn. Sau đó cho măng vào nước lạnh nấu sôi từ 5-10 phút cho ra chất chua, chất độc. Nấu xong thì xả lại nước lạnh, để ráo.

– Bắc nồi cho 2 muỗng cafe dầu điều vào, phi tỏi cho thơm rồi trút gà vào chiên vàng mặt.

– Sau đó trút măng vào, châm nước lạnh xâm xấp. Nêm 1 muỗng cafe nước mắm, 1 muỗng cafe muối, 1/2 muỗng cafe hạt nêm, chút ớt bột. Đậy nắp, vặn nhỏ lửa kho tới khi gà và măng chín mềm, nước cạn đặc lại thì nêm nếm lại lần nữa cho vừa miệng.

– Tắt bếp, rắc hành lá thái nhỏ và tiêu vào. Ăn nóng với cơm.

Theo Cún Khang

9 TÁC DỤNG TUYỆT VỜI CỦA NƯỚC VO GẠO

Hãy tận dụng nước vo gạo sau mỗi lần thổi cơm để giúp việc nội trợ của bạn tiện lợi hơn như khử mùi tanh hay đánh bóng xoong nhé.

1. Hạn chế độc tố ở rau xanh

Để hạn chế ngộ độc thuốc trừ sâu ở rau, bạn hãy ngâm rau vào nước vo gạo khoảng nửa giờ, sau đó rửa rau lại vài lần bằng nước sạch.

2. Khử mặn cho cá khô

Để món cá khô không bị mặn chát, trước khi chế biến chị em nên rửa chúng bằng nước gạo thay vì sử dụng nước sạch thông thường. Bằng cách này, bạn có thể khiến chúng bớt mặn, giảm tanh, loại bỏ được lớp bụi bẩn bám trên bề mặt lâu ngày.

3. Khử mùi tanh

Rửa cá kỹ vài ba lần, nếu cá có mùi tanh nhiều có thể ngâm cá trong nước vo gạo hoặc nước muối 15 phút, sau đó rửa lại bằng nước sạch, để ráo trước khi nấu.

4. Giải độc măng

Măng chứa hàm lượng cyanide cao (khoảng 230 mg/kg) nên nếu hấp thu nhiều, dưới tác động của các enzym đường tiêu hóa, cyanide sẽ chuyển hóa thành acid cyanhydric gây độc. Để yên tâm sử dụng, các bà nội trợ nên luộc măng khoảng 2 – 3 lần rồi tiếp tục ngâm nước gạo trong vòng hai ngày (lưu ý phải thay nước gạo 2 lần/ngày).

5. Làm sạch nhớt ốc

Cách hay nhất để loại bỏ chất nhờn và bùn đất trong ốc là ngâm chúng trong nước vo gạo. Sử dụng một thau đựng đầy nước vo gạo và ngâm ốc trong khoảng 1 – 2 tiếng, tất cả chất bùn trong miệng ốc sẽ tự động nhả ra và vón thành từng mảng chất nhầy.

6. Đánh bóng xoong nồi

Những chiếc nồi chất liệu nhôm, gang, inox sau thời gian dài sử dụng dễ bị xỉn màu. Để giúp chúng trở nên sáng bóng, bạn không nên dùng cọ sắt vừa mất sức vừa dễ gây xước bề mặt. Thay vào đó, nên dùng nước vo gạo cho vào nồi, đun sôi nhỏ lửa khoảng 10 phút rồi rửa lại là được.

7. Làm sạch vết dầu

Muốn tẩy sạch các vết dầu còn lại trong chai, bạn hãy đổ nước gạo vào ngâm khoảng 5-10 phút, sau đó lắc mạnh chai nhiều lần. Dầu sẽ nhanh chóng hòa tan trong nước gạo giúp chai trở nên sạch bóng mà không cần đến sự trợ giúp của các loại nước tẩy rửa.

8. Rửa bát

Sử dụng nước vo gạo không chỉ có tác dụng làm sạch phần dầu mỡ bám trên bát mà còn giúp khử mùi tanh do thức ăn một cách dễ dàng, không độc hại.

9. Khử độc và tẩy trắng sắn

Muốn sắn trắng và khử bớt chất độc, khi lột vỏ bạn nên ngâm chúng vào nước gạo.

Mimi tổng hợp (NGOISAO.NET)

Cách nhận biết măng tươi được làm trắng bằng hóa chất tẩy rửa

Măng ngâm hóa chất có màu trắng phau, giòn và dễ bẻ gãy; còn măng tự nhiên màu vàng nhạt hoặc hơi thâm đen do ngâm muối, dai.

Măng tươi được tẩy trong chất rửa công nghiệp trước khi đưa ra thị trường. Ảnh: H. Lê

Công an tỉnh Bình Thuận vừa bắt quả tang cơ sở sản xuất măng của bà Dương Thị Lập dùng hóa chất công nghiệp để tẩy trắng măng trước khi đưa ra thị trường. Theo đó, cơ sở này đang dùng hóa chất để tẩy trắng măng, sau đó ngâm vào phẩm màu để có màu vàng tươi. Lực lượng chức năng đã lập biên bản tạm giữ hóa chất và 200 kg măng đã qua ngâm tẩm.

Cơ sở sản xuất măng này hoạt động không phép 3 năm nay, mỗi ngày bán ra thị trường 150 kg măng đã được ngâm phẩm màu.

Măng tươi lâu ngày bị thâm đen được chủ cơ sở ngâm hóa chất tẩy rửa để làm trắng. Ảnh: H Lê

Theo một cán bộ trinh sát môi trường Công an tỉnh Bình Thuận, có 3 đặc điểm để phân biệt măng bình thường và loại bị ngâm hóa chất. Theo đó măng không hóa chất do được ngâm muối nên có màu hơi thâm đen, trong khi hàng ngâm hóa chất có màu trắng phau. Bình thường măng vàng nguyên thủy có màu vàng nhạt, còn măng hóa chất thì màu vàng đậm. Ngoài ra măng không ngâm hóa chất thường dai, không giòn; còn măng bị ngâm hóa chất giòn, bẻ dễ gãy.

Giáo sư tiến sĩ Võ Tòng Xuân cũng cho rằng, dựa vào cảm quan có thể phân biệt được măng tươi tự nhiên và măng ngâm hóa chất. Theo đó măng tươi tự nhiên thường có màu vàng tươi nhạt, còn măng ngâm hóa chất màu trắng nhợt nhạt hoặc màu vàng đậm do được ngâm bột vàng. Khi chọn măng, nếu ngửi thấy mùi hóa chất hoặc măng không có mùi tự nhiên thì không nên mua.

H. Lê – Thi Ngoan

http://doisong.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/tu-van/nhan-biet-mang-tuoi-duoc-lam-trang-bang-hoa-chat-tay-rua-3220074.html

Cách làm GỎI MĂNG TÔM THỊT

Gỏi măng hấp dẫn bởi miếng măng non giòn giòn, ăn với tôm thịt ba rọi lựt xựt, rắc thêm miếng đậu phộng rang dập bùi bùi… thêm nước mắm cay ngọt.

Nguyên liệu:

 

  • – 1 búp măng non
  • – 2 lạng thịt ba rọi
  • – 1 lạng tôm
  • – 1 củ hành
  • – Đậu phộng rang giã sơ
  • – 1 củ hành
  • – Tỏi, ớt, tiêu, nước mắm, dầu ăn

 

Thực hiện:

– Măng xắt lát mỏng rồi xắt sợi nhỏ. Đem luộc măng cho chín rồi vớt ra, đổ nước đó đi, vắt măng cho khô.

– Tôm lột vỏ. Thịt ba chỉ thái nhỏ.

– Bắc chảo cho vào ít tỏi băm phi thơm rồi cho tôm thịt vào xào săn, nêm thêm tiêu, nước mắm muối cho vừa ăn. Châm vào chảo tôm thịt vài muỗng canh nước, đun cho sôi rồi trút măng vào trộn, cho thêm 1 muỗng cafe tỏi băm trộn cùng.

– Măng thấm vị thì nhắc xuống, trộn với ớt xắt nhỏ và đậu phộng rang dập.

– Múc ra dĩa, thêm vài cọng ngò. Ăn kèm bánh tráng nướng trong chầu nhậu hoặc ăn với cơm.

Cách làm ẾCH XÀO MĂNG

ẾCH XÀO MĂNG là món ăn bổ dưỡng, hấp dẫn không chỉ đối với dân nhậu mà còn để đổi khẩu vị trong bữa cơm gia đình. Yêu cầu đầu tiên của món này là thịt ếch và măng phải thấm gia vị, vừa chín, không tái mà cũng không chín kĩ quá mất ngon. Để cho thịt ếch không bị tanh thì nên ăn từ lúc nóng.

Nguyên liệu

  • Ếch: 7 lạng
  • Măng củ: 2 lạng
  • Bột nghệ, tỏi băm, ớt tươi xắt lát
  • Hành lá, ngò gai: rửa sạch, xắt khúc
  • Sa tế: 1 muỗng cafe.
  • Dầu hào và các loại gia vị thông thường

Sơ chế

– Măng cho vào nồi với tí muối, luộc sơ trong 15 phút, sau đó xả qua nước lạnh rồi để ráo. Sau đó xé sợi nhỏ vừa ăn.

– Ếch mua về đem lọc da, rửa sạch thịt ếch với muối, sau đó chặt thành miếng vừa ăn.

Chế biến

– Thịt ếch đem ướp với bột nghệ, tỏi băm, hạt nêm trong khoảng 30 phút cho ngấm gia vị.

– Bắc chảo làm nóng dầu, cho ít tỏi băm vào phi vàng rồi trút ếch vào chiên đến khi thịt vàng, da giòn thì gắp ra dĩa, để đó.

– Cho tiếp một ít tỏi vào chảo, trút măng vào xào, nêm chút gia vị cho ngấm. Măng săn lại thì cho thịt ếch vào xào chung, nêm thêm sa tế, ớt, gia vị và 1 muỗng cafe dầu hào vào cho đậm đà, kích thích khẩu vị.

– Thịt ếch chín tới thì Rắc hành, ngò gai vào đảo đều rồi tắt bếp.

Bảo Tố

Cách làm GIÒ HẦM MĂNG KHÔ

GIÒ HẦM MĂNG là món ăn truyền thống của miền Bắc. Vị ngon, thơm của măng khô với cái béo ngon của chân giò là sự kết hợp hoàn chỉnh biến nó thành món “ruột” của nhiều người.

Nguyên liệu:

  • Giò heo 1kg (chân trước)
  • Măng khô 0.5kg,
  • Hành khô 0.2kg,
  • Hành tươi 0.3kg,
  • Nước mắm, muối, tiêu, mì chính.

Cách làm:

– Chân giò làm sạch chặt miếng to, ướp mắm, muối để 15′-20′ cho ngấm.
– Măng ngâm nước gạo 1 đêm cho nở (hoặc ngâm nước ấm cũng được), rửa sạch cho nước vào
luộc, thay nước 2-3 lần cho măng hết đắng, khi thấy nước luộc trong là được, vớt ra thái miếng hơi dầy to bản, rửa lại bằng nước lạnh để ráo nước.
– Hành khô bỏ vỏ đập dập (hoặc mua loại hành khô đã sấy sẵn)
– Hành tươi rửa sạch thái dài (chỉ lấy củ và phần gần củ, bỏ bớt lá).
– Đun dầu ăn nóng già già bỏ hành khô vào phi thơm, cho chân giò vào xào săn bỏ tiếp măng vào xào chung, nêm mắm vào đảo đều cho ngấm, đổ nước ngập măng đun sôi vớt bỏ bọt, rút bớt lửa để sôi âm ỉ 1-2 tiếng đồng hồ.
– Khi chân giò chín nhừ nêm gia vị vừa ăn rồi cho hành tươi bắc ra, múc ra bát to vớt mấy lát củ hành tươi lên trên cho đẹp, rắc hạt tiêu, dọn ra ăn nóng.

Cách nấu CÁ NỤC KHO MĂNG TƯƠI

Cá nục kho măng là món ăn dân dã nhưng rất ngon miệng. Măng giúp cá bớt tanh, vị cá lại ngấm vào măng giúp măng bớt nhạt nhẽo. Công thức sau đây sẽ hướng dẫn bạn kho cá kiểu miền Trung, có mắm ruốc.

Nguyên liệu:

  • Cá nục: 2 con
  • Măng tươi: 200g (có thể mua loại làm sẵn ở chợ)
  • Tỏi băm: 1 muỗng canh
  • Hành lá: vài cây, lấy phần trắng.
  • Nước hàng (xem CÁCH LÀM NƯỚC HÀNG)
  • Nước mắm, muối, đường, tiêu, ớt bột, ớt trái.
  • Mắm ruốc (tùy chọn).

Chuẩn bị:

– Cá mua về làm sạch, bỏ vây. Để nguyên con hoặc chặt khúc vừa ăn. Sau đó ngâm cá vào hỗn hợp nước đá + chút muối + chút đường trong 10 phút, cho cá chắc và bớt tanh. Ướp với 1/2 muỗng canh tỏi băm, 1/2 muỗng cafe muối, 1 muỗng cafe đường, 1/2 muỗng cafe tiêu trong 30 phút – 60 phút (càng lâu cá càng ngon).

– Măng tươi nếu mua loại làm sẵn ngoài chợ (coi chừng trúng măng ngâm hóa chất) thì rửa lại rồi xắt nhỏ vừa ăn thôi. Còn nếu tự mua măng tươi về làm, thì đầu tiên xắt nhỏ vừa ăn. Sau đó luộc măng 2-3 lần (mỗi lần luộc đều thay nước) để măng khỏi độc.

Kho cá:

– Bắc chảo làm nóng dầu rồi phi thơm 1/2 muỗng canh tỏi còn lại với dầu ăn, cho phần đầu hành vào xào sơ. Trút cá vào chảo kho lửa vừa 2 phút.

– Tiếp theo cho măng vào kho chung với cá (đẩy măng xuống dưới chảo cho ngấm gia vị), nêm thêm 1 muỗng canh nước mắm, 1 muỗng cafe ớt bột, 1 muỗng cafe mắm ruốc. Vặn lửa lớn nấu cho nước sôi rồi trút nước vào ngập khoảng 1/3 mình cá. Cho thêm vài trái ớt đỏ vô cho đẹp. Nấu sôi lại rồi vặn nhỏ lửa, nêm nếm lại gia vị và chan thêm 1 muỗng cafe nước hàng. Nấu tiếp khoảng 5 phút, rắc tiêu rồi tắt bếp.

– Ăn với cơm nóng.

Bảo Tố

NHỮNG NGƯỜI KHÔNG NÊN ĂN MĂNG

Măng là loại thực phẩm quen thuộc trong bữa cơm người Việt. Tuy là một món ngon, bổ dưỡng, nhưng măng cũng sẽ gây hại khi dùng không đúng lúc, nhất là khi bạn đang mắc một số bệnh.

Trong măng có chứa nhiều chất xơ, giúp cơ thể tránh chứng táo bón. 100 g thịt măng có chứa 5,5 g bột đường, 0,8-2 g chất đạm, 0,1 g chất béo, 15 mg calci, 0,6 mg sắt và nhiều sinh tố (B1: 0,07 mg, B2: 0,1mg, PP: 0,7 mg, C: 8 mg).

Trong một số trường hợp, những người bệnh dưới đây không nên ăn măng vì sẽ không tốt cho sức khỏe.

Người bị đau dạ dày không nên ăn măng

Bệnh đau dạ dày thường chuyển thành mãn tính, hay tái đi tái lại và ít người kiên trì chữa trị hết hẳn. Người bệnh đau dạ dày cần kiêng cữ khá nhiều trong việc ăn uống ngay cả sau khi đã chữa trị, để giúp dạ dày có thể hoạt động tốt trở lại và hạn chế sự tái phát.

Không ăn măng vì nó có chứa một hàm lượng acid cyanhydric (khoảng 230 mg trong một kg măng củ) là chất độc hại cho dạ dày.

Người bị bệnh gút không nên ăn măng

Khi bị bệnh gút, bạn cần phải cẩn trọng với chế độ ăn vì có thể làm tăng lượng acid uric trong máu, làm bệnh gout trở nên trầm trọng hơn. Các loại thực phẩm có tốc độ tăng trưởng nhanh như: măng tre, măng trúc, măng tây sẽ làm gia tăng tốc độ tổng hợp acid uric trong cơ thể, vì thế bệnh nhân gút cần tránh.

Người bị bệnh thận không nên ăn măng

Bệnh thận đôi khi là do vi khuẩn streptocoques gây nên. Nhưng thông thường là do những bệnh ảnh hưởng đến thành mạch máu làm tổn hại đến thận, như bệnh cao huyết áp và bệnh đái tháo đường. Khi bị bệnh thận, chế độ ăn uống cần được chú ý đặc biệt. Măng tây, măng tre là thực phẩm giàu canxi không có lợi cho bệnh thận mãn tính và suy thận.

Theo Phương Vũ – Gia đình Việt Nam

Cách nấu Bún Măng Vịt

Bún măng vịt là món ăn được nhiều người ưa thích với cái dai giòn lựt xựt của măng, kết cấu và hương vị hấp dẫn của vịt luộc, điểm thêm vị cay nồng ngọt ngào của mắm gừng.

Nguyên liệu:

  • Vịt: con khoảng 800g – 1000g
  • Nửa ký măng khô.
  • 1 củ hành tây
  • 2 củ gừng lớn
  • Rượu trắng
  • Hành lá, hành củ, ngò gai (mùi tàu), rau răm
  • Gia vị thông thường
  • Bún.

mang-vit

Cách làm:

Xào măng (đối với măng khô):

– Ngâm măng khô cho nở mềm. Sau đó xé sợi, cắt đoạn già dai, rồi ngâm vào nước lạnh từ 2-3 ngày, thay nước thường xuyên cho tới khi nước trong, để măng hết chua.

– Chuẩn bị nồi nước, đun sôi, sau đó cho măng vào luộc sôi khoảng 3-4 lần. Mỗi lần luộc xong thì thay nước luộc tiếp. Sau đó cho măng ra rổ, để ráo.

– Bắc cái chảo, cho hành củ  vào phi thơm. Sau đó cho măng vào xào chín, nêm 2 muỗng cafe muối, 1 muỗng cafe đường, 1 muỗng canh nước mắm. Châm thêm chút nước xào lửa nhỏ cho măng ngấm gia vị.

– Sau đó đậy kín nắp chảo, để qua đêm.

Luộc vịt, làm nước dùng:

– Hành tây đem nướng thơm.

– Lấy 1 củ gừng, cạo vỏ, giã nhuyễn.

– Vịt rửa và nhổ lại lông tơ cho thật sạch. Chà hỗn hợp gừng và 2 thìa canh rượu trắng lên khắp trong và ngoài thân vịt, để yên khoảng 30 phút – 1 tiếng rồi rửa lại một lần nữa.

– Đổ nước ngập mặt vịt, luộc sơ rồi bỏ nước luộc vịt đó đi, rửa lại.

– Dùng tiếp củ gừng thứ 2, rửa sạch, để nguyên vỏ, nướng sơ cho thơm, thêm hành tây thả vào nồi nước, cho vịt vào đun sôi.

– Trong khi luộc thỉnh thoảng hớt bọt cho nước dùng được trong, nêm 2 thìa cà phê muối, nửa thìa hạt nêm, 2 thìa nhỏ đường.

– Đun khoảng 20 – 30 phút bạn dùng đũa đâm xuyên qua chỗ đùi vịt, nếu không thấy chảy ra nước màu hồng là vịt đã chín, bạn vớt ngay ra thố nước lạnh để khoảng 5 – 10 phút thì vớt ra dĩa, dùng dao sắcchặt thành từng miếng vừa ăn.

– Nồi nước dùng sau khi vớt vịt, bạn thả măng vào, tiếp tục đun sôi đến khi măng mềm thì nêm nếm lại gia vị tùy theo khẩu vị.

Rau sống:

– Hành lá, ngò gai rửa sạch, để ráo.

– Đầu hành trắng thái sợi mỏng, phần hành xanh thái khúc nhỏ.

– Ngò gai thái nhỏ.

– Rau răm nhặt sạch.

Mắm gừng:

– Giã nhuyễn 2 – 3 nhánh gừng cùng vài tép tỏi, 2 thìa canh đường và 2 – 3 quả ớt.

– Nước mắm đổ ra bát, thêm hỗn hợp gừng tỏi đã giã, dùng thìa khuấy đều.

Thưởng thức:

Lấy bún ra bát, bên trên rắc hành lá, ngò gai thái nhỏ, thêm măng, xếp vài miếng thịt vịt lên bề mặt, chan nước dùng. Dùng kèm với rau răm.

 

Cách làm Thịt ba rọi xào măng với rong biển

Một đĩa thịt xào măng điểm thêm chút vị rong biển sẽ mang lại cho nhà bạn một bữa ăn lạ, ngon và rất khó quên đấy!

Nguyên liệu:

-300g thịt ba rọi

-25g rong mứt khô

-300g măng tươi

-Hành củ, tỏi, tiêu hột.

-Gia vị

-Nước hàng (xem CÁCH LÀM NƯỚC HÀNG)

Cách làm:

– Hành củ và tỏi băm nhuyễn. Tiêu đập bể vụn.
– Rong mứt ngâm trong nước ấm khoảng 5 phút, để ra cái rổ cho ráo nước.
– Thịt ba rọi rửa sạch, ướp với một muỗng cafe hành củ băm, 1/2 muỗng cf tỏi băm, 1/2 muỗng cafe tiêu dập trong 20 phút.
– Măng luộc qua 2-3 lần nước cho bớt đắng, sau đó rửa lại bằng nước sạch, xé sợi nhỏ.
– Bắc chảo đun dầu cho nóng rồi cho hành, tỏi vào phi thơm. Cho thêm 1 muỗng cafe nước hàng. Sau đó trút thịt vào xào cho săn, rồi trút hết măng vào xào chung trong khoảng 3 phút.
– Trút tiếp vào chảo 1 chén nước lạnh, nêm nếm cho vừa miệng. Đun lửa nhỏ cho còn 1/3 nước, thịt thấm mềm thì trút rong biển vào xào tiếp trong 1 phút là xong.
– Ăn với cơm nóng.

Bé Bủm.

Cách làm CANH MĂNG NẤU MỌC

Canh măng mọc là cách kết hợp truyền thống, tuy đơn giản nhưng ngon miệng nhờ vị ngọt của nước, cái dai giòn của măng cùng với kết cấu mềm mại hấp dẫn của viên mọc. 

Nguyên liệu:

– 2 lạng măng tươi
– 2 lạng mọc
– Hành tây, hành lá, hành khô, ngò gai
– Nửa quả cà chua
– Gia vị

Cách làm:

Chuẩn bị:
– Hành tây chia hai phần, 1 phần bổ múi cau, 1 phần thái lựu
–  Hành lá, ngò gai xắt nhỏ
– Cà chua bổ ra làm nhiều miếng
– Măng tước sợi, rửa sạch, luộc sơ rồi rửa lại và lần cho bớt chua.
– Mọc cho vào tô, thêm hành khô, tiêu vào rồi quết đều (không thêm gia vị)

Thực hiện:
1. Bắc chảo phi hành cho thơm, cho 1/4 củ hành tây đã thái lựu + xào chừng 3 phút rồi cho măng vào xào cùng. Nêm gia vị: 1 muỗng cafe muối, 1 muỗng cafe đường. Cho cà chua vào xào tiếp 3 phút nữa.
2. Đổ 2-3 chén nước vào nồi, nấu tiếp trong 15 – 20 phút cho tới khi măng mềm ngon vừa ăn, thì bắt đầu dùng muỗng cafe xén mọc thành từng viên nhỏ thả vào nồi đang sôi.
3. Tiếp tục nấu tới khi mọc chín nổi lên bề mặt, nêm lại tùy khẩu vị của bạn, nấu tiếp vài phút.
4. Tắt bếp, cho 1/4 củ hành tây bổ múi cau + hành lá + ngò gai xắt nhỏ. Trước khi ăn rắc tiêu vào tô canh.

 

Bé Thúi (mav.vn, facebook Món ăn Việt Nam