BÍ QUYẾT LUỘC GÀ CHÍN ĐỀU, SĂN CHẮC, MỀM NGỌT

Luộc gà là hình thức chế biến gà đơn giản như bao sự “luộc” khác, tuy nhiên để luộc gà được ngon mà không phải do may mắn, chúng ta cần đến rất nhiều kinh nghiệm. Sau đây là một số kinh nghiệm để có món gà săn, chắc, chín đều và mềm ngọt.

Để thịt gà được ngọt tự nhiên, chắc thịt, mà vẫn giữ được độ mềm, dai của gà, quan trọng là thịt gà phải chín tới và chín đều.

Luộc gà chín đều:

Gà tươi sau khi rửa sạch, cho vào nồi, ngập nước, thêm một dúm muối nhỏ. Đun sôi ở nhiệt độ bình thường (không quá to hoặc quá nhỏ lửa). Khi nước sôi, vặn nhỏ lửa liu riu, đun thêm 15 phút là tắt bếp. Tiếp tục để nguyên gà trong nồi thêm 10 phút (nhớ đậy nắp) rồi bắc vào đĩa cho ráo. Lúc chặt ra, bạn đã có một đĩa gà ngon vừa chín tới.

Nếu luộc 10 phút, hãy để om gà trong nồi thêm 15 phút hoặc ngược lại, bạn sẽ không bao giờ lo gà luộc bị quá sống hoặc quá chín. Ảnh: sybaritica.

– Nếu là gà tơ hoặc gà cỡ nhỏ, bạn chỉ cần đun sôi 10 phút trên bếp, sau đó tắt và để nguyên gà trong nồi nước nóng thêm 15 phút. Bắc ra và chặt gà.

– Mẹo này cũng áp dụng tương tự với vịt, ngan.

– Nếu bạn chỉ luộc nửa con gà hoặc vịt, bạn hãy rút ngắn thời gian đun xuống còn 7 phút, và để om nguyên trong nồi thêm 10 phút.

– Trường hợp luộc con gà quá to, hoặc quá dầy mình, khi chặt ra bên trong còn hơi đỏ, hãy gắp các miếng thịt đỏ này vào đĩa rộng vành, bọc màng thực phẩm (chuyên dùng cho lò vi sóng), và cho vào lò vi sóng quay ở chế độ rã đông thêm vài phút. Thịt sẽ chín đều như bình thường.

– Nếu bạn đổ không ngập nước, thì trong quá trình luộc và om trên bếp, nhớ trở gà 1-2 lần.

Cho gừng vừa đủ sẽ làm gà ngọt, ngon hơn, nhưng đừng cho quá tay.

– Luộc 1 con tại gia đình: ấn tay xem gà già hay non, nồi luộc dày hay mỏng từ đó sẽ căn nhiệt độ luộc, vệ sinh thật sạch trong ngoài con gà, cho nước ngập gà, chút bột canh hoặc nước mắm, để tẩy mùi hôi và tăng vị ngọt, có thể cho thêm mẩu gừng đập dập (nướng sơ cũng tốt), không cho nhiều gừng sẽ làm hỏng nước luộc – đun gần sôi khoảng 90 độ thì vặn bếp để thật lăn tăn 5 phút gà non, 10 phút gà già (có thể đun sôi) sau đó tắt hẳn bếp ngâm 20-30 phút, nồi dày thì đun ở nhiệt độ thấp hơn nồi mỏng, sau khi ngâm thấy nước luộc thơm, trong là gà đã chín

– Luộc nhiều con: phân loại gà non, gà già và luộc riêng, cho vào nồi to luộc, chỉ luộc một lớp, điều chỉnh nhiệt như cách luộc 1 con nhưng để nhiệt độ thấp hơn – do nồi lớn nhiệt lượng lớn nếu để bằng nhiệt ở cách luộc 1 thì gà sẽ bị chín quá.

Chú ý: trong thời gian vặn lửa luộc ko được làm việc khác, phải hết sức tập trung chỉ sao nhãng một phút có thể hỏng, không bao giờ để nước luộc sôi to, trong trường hợp sôi to thì cho thêm nước lạnh để giảm nhiệt, nước sôi to sẽ làm bay chất dinh dưỡng của gà ăn không còn ngon

Bí quyết cho da gà vàng mọng

Để gà luộc da vàng trông mọng, màu da vàng tươi tắn, sau khi vớt ra, nên nhúng ngay vào nồi nước sôi để nguội, nên nhớ nước lạnh càng tốt. Đến lúc gà nguội hẳn các bạn mới lấy ra đĩa. Nếu không làm như vậy, da gà sẽ bị khô và xỉn màu không đẹp. Sau đó, để thịt ráo nước một chút, dùng dùng 1 củ nghệ gọt vỏ rồi giã nhỏ vắt lấy nước trộn với phần mỡ gà đã chiên lên ra mỡ quét một lớp lên da gà, chúng ta sẽ có món gà luộc màu vàng bóng và căng mượt.

 

Xem thêm: MẸO LUỘC GÀ NGON BẰNG NỒI CƠM ĐIỆN

Mẹo luộc lòng lợn ngon, trắng giòn

Lòng lợn luộc tuy là món ăn đơn giản, nhưng để có được dĩa lòng luộc ngon, giòn, trắng, người nấu phải có bí quyết. Ngoài ra công đoạn làm lòng sao cho sạch cũng cần phải có ít nhiều kinh nghiệm.

Tuy món lòng lợn ngon là vậy nhưng nhiều chị em mua về rất ngại sơ chế lòng hoặc không biết làm sao để làm lòng cho sạch. Song thực tế, nếu biết cách, làm sạch lòng heo lại cực kỳ đơn giản.

Mẹo làm sạch lòng lợn

– Lòng heo chị em mua về đem lộn trái, lấy hết màng mỡ, sau đó cho một nắm bột mì trộn chút muối vào bóp kỹ, rửa lại bằng nước. Cuối cùng chị em dùng chanh chà xát để những gì còn sót lại sẽ ra hết, rồi xả nước thật mạnh. Với cách này lòng heo vừa sạch và trắng.

– Khi rửa ruột già, chị em cho vào nước một ít dấm ăn và một thìa phèn chua, bóp vài lần rồi rửa kỹ bằng nước sạch.

– Ngoài ra, chị em còn có thể dùng nước gạo để rửa hay nước dưa chua. Cách này có thể khử hết mùi hôi.

Luộc lòng heo sao cho trắng, giòn

Cách 1: Để luộc lòng heo trắng, giòn, sau khi luộc chín, chị em vớt lòng ra ngâm vào một bát nước sôi để nguội đã vắt thêm vài giọt chanh.

Cách 2:

– Khi luộc, chị em không nên thả lòng heo vào vào nồi nước lã ngay từ đầu, mà phải làm sạch, chờ nước thật sôi mới thả lòng vào.

– Trước đó, chị em dùng nước lạnh pha với một chút phèn chua (phèn chua đã được nướng phồng), đun sôi rồi để nguội.

– Khi lòng heo vừa chín tới (khoảng 10 phút sau khi thả lòng vào nước) thì vớt lòng ra, thả ngay vào chậu nước phèn chua đã chuẩn bị. Ngâm cho đến khi lòng nguội thì vớt ra, xắt miếng vừa ăn. Làm như thế, lòng vừa giòn vừa có màu trắng đẹp mắt, không bị thâm đen.

(Tổng hợp)

BÍ QUYẾT LUỘC VỊT NGON, MỀM, NGỌT, CHẮC

Thịt vịt không cần chế biến cầu kỳ, chỉ cần luộc lên thôi là ngon lắm rồi. Tuy vậy, làm sao để luộc vịt ngon, chín đều, mềm mà không dai, không bở là một vấn đề với những người nội trợ mới. Sau đây là một số mẹo, bí quyết giúp bạn có được món vịt luộc ngon.

– Điều kiện đầu tiên là phải chọn được con vịt ngon, không già. Tuy nhiên, cách luộc cũng rất quan trọng.

Khử mùi vịt

– Thịt vịt thường có mùi hôi vì thế trong quá trình nấu, nếu không biết cách khử mùi, món thịt vịt sẽ mất đi phần hấp dẫn. Để món vịt không bị hôi, trước khi luộc nên bóp với chút muối, tiêu, gừng đập dập, có thể cả chút rượu trắng, để chừng 30 phút rồi rửa sạch, để ráo, đem luộc. Cho một mẩu gừng đập dập vào nồi luộc. Như vậy vịt sẽ hết mùi hôi mà món vịt của bạn luôn thơm ngon, hấp dẫn.

Nấu vịt

– Bạn không cần phải ninh vịt thật lâu vì như vậy, thịt có mềm nhưng sẽ không ngon do chất ngọt đã thôi ra nước. Thay vì thế, hãy cho con vịt vào nồi khi nước đã sôi sùng sục (khác với thịt gà là cho vào nồi nước lạnh đun nóng dần, do da gà mềm, mỏng, rất dễ bị bục). Chỉ cần đun đến khi chín tới (dùng đũa xiên qua được mà nước đỏ không ứa ra nữa) là vớt ra chặt ăn luôn, thịt sẽ rất mềm (trong khi thịt gà không chặt khi nóng vì miếng thịt sẽ nát do mềm quá). Nếu chưa ăn thì chỉ tắt bếp chứ không vớt vịt ra.

Xử lý vịt già, dai

– Nếu bạn mua phải con vịt già, dai thì cũng có cách luộc làm nó mềm hơn. Đơn giản nhất là sau khi vịt chín tới, bạn không vớt ra mà tắt bếp, tiếp tục để vịt trong nồi cho đến khi nguội. Hoặc vài chục phút trước khi làm thịt vịt, bạn đổ vào miệng vịt một chén rượu. Một số người giảm độ dai cho vịt già bằng cách ướp thịt vịt bằng nước quả lê khoảng 10 phút trước khi luộc. Một số khác lại cho vào nồi luộc vài con ốc hoặc ít tủy lợn, đun sôi lăn tăn một chút rồi tắt bếp, ngâm tiếp.

 

(Nguồn: phununet)