Cách nấu Gà xào sả ớt

Gà xào sả ớt là món ăn đơn giản, dễ làm nhưng sẽ là một món ăn được ưa thích trong mâm cơm gia đình bạn.

Chuẩn bị:

  • 2 cái đùi gà
  • 1 nhánh sả
  • ớt hiểm
  • 1 muỗng canh dầu ăn
  • 2 muỗng cafe đường
  • 1 muỗng canh nước mắm
  • 1 muỗng cafe tiêu xay

mav111

Thực hiện:

  • Đùi gà rửa sạch, lau cho ráo, chặt khúc vừa ăn.

  • Sả cắt khoanh 1mm, ớt băm nhỏ.

  • Mở lửa vừa, bắc nồi cho 1 muỗng cafe đường & 1 muỗng canh dầu ăn vào quấy cho tới khi đường tan, lên màu cánh gián, rồi cho thịt gà vô xào chừng 5 phút.

  • Trút hết sả ớt vào nồi, nêm 1 muỗng canh nước mắm, rồi đảo cho đều. Sau đó đậy nắp lại đun khoảng 10 phút cho gà chín. Nếu hết nước mà gà chưa chín thì có thể thêm ít nước vào nấu tiếp cho chín gà.

  • Cho muỗng đường còn lại vào xào tiếp cho đường tan, nước sánh. Nêm gia vị lần cuối cho vừa ăn.

  • Tắt lửa, rắc tiêu xay vào trộn đều.

  • Ăn nóng với cơm.

Bé Thúi (MAV.vn)

Cách nấu món Bò kho ngon

kho là món ăn phổ miến trong miền Nam. Miền Bắc có một món tương tự là sốt vang, nhưng không hoàn toàn giống. Bò kho có nhiều cách ăn và cách làm, quan trọng là miếng bò phải mềm, ngấm, nước dùng màu điều bắt mắt, thơm vị hồi, quế…

Nguyên liệu làm món bò kho bánh mì ngon:

– Chính:

  • 600gr thịt (Bắp bò, nạm, gân, tùy ý bạn)
  • 400gr cà rốt.

– Gia vị:

  • 3 nhánh sả
  • 3 bông bát giác hồi hương (còn gọi là đại hồi, hoa hồi, mua ở tiệm gia vị nào cũng có)
  • 1/4 muỗng cafe bột quế hoặc 1 miếng quế
  • 1 củ gừng, 1 muỗng canh hành củ, 1 muỗng cafe tỏi (tất cả băm nhỏ)
  • Dầu điều
  • Bột cà ri
  • Đường, muối, tiêu, chanh.
  • Bột ngũ vị hương hoặc 1 gói gia vị bò kho

– Thêm:

  • Rượu trắng để khử thịt
  • 1 muỗng canh bột năng pha với nước (cái này để thêm vào nồi bò kho nếu bạn muốn cho hỗn hợp sệt lại chấm bánh mì)
  • Ngò gai, rau om, húng quế…để ăn kèm.

Cách nấu món ngon BÒ KHO :

  • Sơ chế:

– Cà rốt xắt khúc có độ dày vừa ăn.
– Dùng 1 phần gừng băm hòa vào rượu trắng rồi xát lên thịt bò, để ngâm như vậy khoảng 5 phút để thịt bò hết hôi.
– Sau đó rửa lại bằng nước sạch, trụng qua nước sôi.
– Sau đó bỏ ra thớt cắt thành miếng vuông dày vừa ăn.
– Cho thịt bò vào cái tô, ướp với 2 muỗng cafe muối, 1 muỗng cafe đường, 1 muỗng cafe màu điều, 2 muỗng cafe bột cà ri, 1 muỗng cafe ngũ vị hương. Ướp trong ít nhất 1 tiếng (để qua đêm được thì càng tốt, vì thịt phải ngấm mới ngon.)

  • Thực hiện:

– Bắc cái nồi để kho lên bếp, cho 1 muỗng canh dầu màu điều vào rồi cho hành tỏi và gừng băm vào phi thơm.
– Đổ tô thịt bò đã ướp vào xào cho săn mặt ngoài, sau đó đổ 1 lượng nước lọc vừa đủ ngập mặt thịt, rồi cho 3 nhánh sả + hoa hồi, bột quế vào nồi (hoa hồi và quế cây nên cho vào túi vải cho dễ lấy ra) .
– Đun nước cho sôi rồi vớt bọt, nhỏ lửa.
– Hầm với lửa nhỏ cho khoảng 30 phút, sau đó nêm nếm lại cho vừa ăn (nêm gia giảm bằng muối, đường, ngũ vị hương nhé). Nếu thấy vị quế hồi đã đủ ăn thì vớt quế và hồi ra ngoài, còn nếu chưa thì hầm tiếp.
– Hầm đến khi thịt bò chín mềm, thì cho cà rốt vào hầm tiếp cho đến khi cà rốt mềm vừa ăn.

*** Nếu muốn nước dùng sệt thì bạn cho bột năng pha nước vào khuấy lên cho tới khi sền sệt.

ScreenHunter_010

  • Trình bày:

– Múc bò kho ra tô, điểm thêm chút ngò gai, bạc hà, rau om… thái nhỏ, vắt miếng chanh cho thơm…
– Có thể chuẩn bị thêm dĩa muối tiêu chanh để chấm thịt bò ăn sẽ đã cái miệng hơn.
– Bò kho ăn nóng, với bánh mì, cơm, phở, mì gói, hủ tiếu hoặc bún tùy bạn.

***Lưu ý: Quế và hồi mua ở tiệm gia vị, nhưng nếu không có, thì bạn tăng lượng ngũ vị hương lên là đươc, vì ngũ vị hương cũng có thành phần chính là quế và hồi.

Bé Thúi

Cách làm món Cá hồi kho tộ

Cá hồi hiện nay không còn là của hiếm ở Việt Nam. Các món ăn từ cá hồi ngày càng quen thuộc trong bữa cơm gia đình của người Việt.

Nguyên liệu:

Cách làm:

– Hành củ băm nhuyễn.
– Cá rửa sạch, xát muối vào thân cá rồi để khoảng 30 phút.
– Bắc nồi kho lên bếp, cho vào 2 muỗng canh nước hàng.
– Sắp cá ngay ngắn vào nồi, nêm 1/2 muỗng cafe muối, 2 muỗng cafe nước mắm, hành băm, cho thêm 1 lượng nước sâm sáp mặt cá. Rồi bật lửa đun sôi.
– Sôi rồi thì vặn nhỏ lửa, nêm 2 muỗng cafe đường, nếm lại cho vừa miệng, kho cho tới khi nước cá sền sệt, cá chín, thì nếm lại lần nữa, nếu mặn quá thì châm thêm nước kho tiếp.
– Cá được rồi thì tắt bếp, rắc tiêu vào.
– Ăn cá kho với cơm nóng.

Bé Thúi

TẢN MẠN VỀ THỊT KHO TÀU – món ngon ngày Tết

Tôi dám chắc rằng rất nhiều người cũng nhầm như tôi, tưởng rằng tên món này xuất phát từ Trung Quốc, là của người Tàu.

Nhưng rồi tôi cứ thắc mắc rằng ít khi thấy người Tàu ăn món này, mà nguyên liệu để dùng cho món thịt kho tàu, là thịt ba rọi, cái loại thịt có cả nạc, cả mỡ, cả bì, xếp từng lớp khéo léo cứ như người ta cố tình tạo ra nó, thì chắc chỉ có dân Việt.

Mãi cho đến khi đọc tài liệu về thịt kho tàu, mới thấy có cách giải thích hợp lý hơn cả: theo ông nhà văn Nam Bộ Bình Nguyên Lộc, chữ ‘tàu’, ở đây, theo nghĩa của người “miền dưới” là ‘lạt’, như sông Cái Tàu Thượng, sông Cái Tàu Hạ là hai con sông nước lợ. Như vậy thịt kho tàu không phải là thịt kho của người Trung Hoa, mà chỉ đơn giản là món thịt kho lạt.

Cũng có thuyết rằng, món thịt kho bên Tàu từ cái ông tể tướng Vương An Thạch đời Tống nghĩ ra, nhưng xem lại thì cái món thịt kho của ông, chả giống gì cái cách mà chúng ta thấy ở miếng thịt kho tàu xứ Việt. Vậy hóa ra cái món thịt kho mà được cả Bắc Nam hâm mộ ấy, đúng như lời giáo sư Trần Văn Khê nói: món thịt kho “tàu” hóa ra lại là “ta” hoàn toàn, món Việt trăm phần trăm.

Thịt kho tàu, cùng với bánh tét, dưa hấu, canh khổ qua dồn thịt, đã trở thành món không thể thiếu trong thực đơn ngày Tết của người Nam Bộ. Miếng thịt mềm rục có cả màu đỏ au của thịt nạc, trong trong của mỡ, nâu nâu của bì hầm nhừ, sóng sánh vàng ươm của nước màu chưng đường, kèm vị bùi của nước dừa xiêm, vị mặn của nước mắm đã được làm thanh đi bằng đường, thi thoảng có thêm vị hắc của chút xì dầu, điểm xuyết thêm mấy hột vịt luộc mà nước thịt ngấm đều từ trong lòng đỏ đến lòng trắng, đặt cạnh bát cơm trắng thơm nức trên bàn thờ ông bà, bên cạnh đĩa dưa chua, dường như đã thành truyền thống trong mâm cơm cúng tưởng nhớ ông bà tổ tiên.

Ở ngoài Bắc, có lẽ để phù hợp với khí hậu lạnh, món thịt kho tàu đã được thay thế bằng đĩa thịt đông trong mâm cơm cúng ngày Tết. Tuy nhiên trong bữa ăn hằng ngày mùa lạnh, thì món thịt kho tàu vẫn là một trong những món được ưa chuộng nhất. Thịt kho tàu ở ngoài Bắc, ít có nước dừa xiêm, nhưng vẫn không thể thiếu vị hành khô, nước mắm, vị của đường cháy tạo ra vị hơi ngọt, làm giảm cái mặn khát của các món kho thông thường, tạo màu vàng óng cánh gián quyến rũ.

Thịt kho tàu cũng như bao món kho khác, được nấu như món ăn để lưu trữ dài ngày. Nấu thịt kho tàu không khó, nhưng để nấu ngon, cũng không dễ chút nào. Miếng thịt mềm nhừ mà không nát, không bị quắt lại, màu thịt đỏ au ánh lên màu cánh gián, trứng vịt thấm đẫm nước thịt mà không đen, nước thịt vàng trong, không quá lõng bõng nước nhưng cũng không quá cạn làm khô miếng thịt.

Mỗi lần ăn có thể mang ra đun lại, càng nhiều lửa, thịt càng rục, càng mềm, càng ngon. Thịt kho tàu có thể được ăn với nhiều món, cơm trắng, dưa kiệu, dưa giá nhưng có lẽ phổ biến nhất là ăn kèm với dưa cải chua. Có lẽ vì mặn, vị ngọt, vị bùi béo của thịt kho tàu kết hợp với vị chua xen lẫn cay cay của dưa cải muối xối, tạo nên hương vị quyến rũ đến bất ngờ.

Nước thịt kho tàu chấm dưa cải, hay rưới vào bát cơm gạo mới nóng hổi, không cần ăn thêm gì cũng thấy ngon. Không chỉ có vì bùi béo của thịt, nước thịt kho ngấm vào trứng luộc đã bóc vỏ, tạo nên vẻ quyến rũ lạ kỳ cho quả trứng, khác hẳn với vị ngán rất khó nuốt của trứng luộc thông thường.

Có một món nữa chắc sẽ làm xiêu lòng người thích thịt kho tàu, là xôi trắng ăn với thịt kho tàu. Buổi sáng, làm bát xôi trắng, với mấy miếng thịt kho tàu, chan ít nước thịt kho tàu lên, đảm bảo chắc dạ đến trưa.

Người Nam bộ còn có món bánh tráng ăn với thịt kho tàu, vừa là món ăn chơi, nhưng khi kèm với thịt kho tàu, nó cũng trở thành món chính từ lúc nào. Miếng bánh tráng trụng qua nước, gói với rau thơm, đồ chua, kèm thịt, nhúng vào bát nước thịt đã dầm trứng, nêm thêm ít chanh với vài lát ớt cay, vừa ăn vừa xúyt xoa, còn gì bằng!

Có lần một chị bạn thốt lên với tôi “Sao đàn ông ông nào cũng thích ăn thịt kho tàu vậy ta ?”. Tất nhiên không chỉ đàn ông, mà rất nhiều người thích ăn thịt kho tàu, nhưng bảo là đàn ông ăn thịt kho tàu cũng có lý của nó. Không biết có ai đó nói với tôi rằng, dường như có cái gì đó liên tưởng giữa cái vị mềm mềm, ngọt thanh thanh dìu dịu của miếng thịt kho tàu với sự dịu dàng, giản dị trong tính cách của người phụ nữ trong gia đình.

Có thể người đó vì yêu món thịt kho Tàu mà nói quá lên đó thôi, nhưng rõ ràng là không phải là không có lý. Và có lẽ vì thế mà hầu hết đàn ông Việt, đều thích món thịt kho tàu chăng?

(Nguồn Tuoitre online)

Cách nấu Chân giò kho sả ớt

Móng giò kho sả ớt là món ăn ngon miệng, rất thích hợp tẩm bổ cho mọi người, nhất là bà mẹ cho con bú.
Nguyên liệu:
  • Giò heo: nửa ký
  • Sả: 2 củ
  • Hành củ, ớt tươi
  • Nước mắm, đường, dầu hào, bột ngọt, tiêu, tương ớt.
  • Nước hàng (xem CÁCH LÀM NƯỚC HÀNG)

Cách làm:

– Giò heo chặt khoanh tròn vừa ăn. Cho vào nồi ngập nước, thêm 1 nhúm muối, nấu chín rồi vớt ra rửa lại cho hết bọt và xương bể. Để cho thật ráo nước.

– Lấy 1 củ sả, 1 củ hành ra băm nhuyễn. Ướp chỗ hành sả băm này với giò heo, thêm 1 muỗng súp dầu hào, 1 muỗng súp ớt tương, 1 muỗng súp nước hàng, 2 muỗng cafe đường, 1/2 muỗng súp nước mắm. Trôn đều rồi ướp ít nhất 1 tiếng.

– Củ hành và củ sả còn lại xắt thành miếng nhỏ. Bắc nồi, cho dầu ăn vào phi thơm hành sả.

– Trút hết giò đã ướp vào xào. Khi thịt đã săn lại, cho thêm 2 trái ớt, đổ nước vừa mặt thịt, vặn lửa nhỏ, kho cho tới khi giò mềm nhừ, đâm đũa xuyên qua được, nước cạn còn 1/3 thì tắt bếp.

– Ăn với cơm nóng.

Bé Thúi

Cách nấu Vịt kho gừng

Vịt kho gừng, món ăn ngon quen thuộc ở tất cả các miền quê. Cực kỳ ngon miệng, hao cơm, tuy nhiên cũng như các món ăn có gừng khác, bạn nên tránh làm món này vào bữa tối để khỏi bị nóng ruột, khó chịu sau khi ăn.

Nguyên liệu:

Cách làm:

– Vịt mua ở chợ bắt họ vặt lông giùm mình. Đem về nhà thì rửa kỹ với rượu trắng để loại bỏ mùi hôi lông. Sau đó chặt ra từng miếng nhỏ vừa ăn.
– Gừng chọn củ nào không non, gọt vỏ, xắt mỏng, chia ra làm 2 phần.
– Hành củ, tỏi băm nhuyễn.
– Ướp thịt vịt + 1 phần gừng + 1/2 thìa canh nước mắm + 2 thìa cà phê đường + hành tỏi băm.
– Bắc chảo lên bếp, cho chút dầu hoặc mỡ, phi thơm 1 tép tỏi rồi cho phần gừng kia vào xào.
– Trút tiếp tô thịt ướp vào chảo, xào lửa lớn và nhanh tay cho thịt săn lại.
– Cho thêm 1 thìa canh nước hàng + 2 thìa canh nước mắm + 1 thìa canh đường, xào tiếp và nêm lại cho vừa ăn.
– Cho nước vào vừa ngập mặt thịt, vặn nhỏ lửa. Cho thêm 3 trái ớt hiểm vào rồi kho riu riu với lửa nhỏ.
Kho tới khi nước sền sệt, thịt đủ mềm là được, nếu chưa mềm mà hết nước thì thêm nước kho tiếp.
– Nếm lại cho vừa ăn.
– Ăn với cơm nóng rất ngon.

Bé Thúi