CÁCH LÀM HỦ TIẾU MÌ XÀO

Nếu thèm hủ tiếu mà đã ngán húp nước, thì bạn hãy thử làm HỦ TIẾU MÌ XÀO xem? 🙂

Nguyên liệu:

  • Cho 6 người ăn.
  • 200g hủ tiếu
  • 200g mì
  • 300G tôm bạc
  • 2 hột vịt
  • 100g thịt ba rọi
  • 100g đậu phộng rang, giã nát
  • 2 muỗng cafe dầu mè
  • 2 cây cần tàu, 1 trái cà chua, 2 trái ớt, 150g giá sống
  • 1 nắm hẹ, 1 nắm hành lá, vài tép tỏi, vài củ hành
  • ớt, chanh, đường, nước mắm, tiêu, dầu ăn, ngò, dấm

Cách làm:

Vì đây là món xào trộn, nên công đoạn chuẩn bị sẽ nhiều hơn là nấu:

– Hủ tiếu và mì đem chần sơ qua nước sôi rồi để ráo.

– Tỏi và hành củ băm nhỏ. Hành lá xắt nhỏ.

– Cần, hẹ cắt khúc khoảng 5cm.

– Cà chua xắt lát mỏng, ớt tỉa hoa.

– Tôm bóc vỏ, để ráo nước, sau đó ướp với chút hành tỏi băm, tiêu, muối, đường, bột ngọt và chút dầu mè trong 30 phút.

– Bắc chảo cho tí dầu, cho hột vịt vào tráng mỏng rồi xắt chỉ rộng khoảng 0,3cm.

– Thịt ba rọi xắt lát mỏng.

Xào mì:

– Bắc chảo dầu, phi thơm tỏi rồi cho thịt ba rọi xào lửa vừa tầm 10 phút cho thịt teo bớt, rồi mới cho tôm vào xào chung cho tới khi tôm thịt chít hẳn, nêm chút mắm muối cho vừa ăn, rồi trút ra đĩa.

– Tiếp tục cho dầu ăn v ào phi thơm hành tỏi, rồi cho mì, hủ tiếu vào xào khoảng 10 phút, rồi cho giá, hẹ, cần tàu, 1/2 lượng tôm thịt vừa xào lúc nãy vào xào đều, nêm mắm, đường, tiêu, bột ngọt cho vừa miệng, rồi nhắc xuống, cho 1 ít dầu mè vào trộn lên là xong.

Thưởng thức:

– Khi ăn cho hủ tiếu mì ra đĩa, tôm thịt lên trên, rồi cà chua ớt tiêu ngò đậu phộng rắc lên. Thêm một chén nước mắm chua ngọt để gia giảm trong lúc ăn.

Hải Hùng

Cách nấu HỦ TIẾU NAM VANG

HỦ TIẾU NAM VANG, món ăn gốc Campuchia nhưng rất phổ biến ở các tỉnh miền Nam Việt Nam vì hương vị đặc biệt, dễ ăn của nó. Có hai cách thưởng thức món này: ăn nước và ăn khô.

Nguyên liệu:
Cho 6 tô

  • Nửa ký xương ống
  • 150g thịt heo xay
  • 200g tôm sú
  • Gan & lòng lợn: 200g
  • Trứng cút: 1 chục
  • Sợi hủ tiếu bột lọc (hủ tiếu dai) – không có thì ăn đỡ hủ tiếu khô bình thường
  • Gia vị: xì dầu và các gia vị thông thường, 3 muỗng canh tỏi băm.
  • Cà rốt, củ cải, hành tây mỗi thứ 1 củ
  • Rau sống: Cần tây, hẹ, tần ô, xà lách, ngò gai.
  • 1 mẩu gừng

Cách làm:

  • Nấu nước dùng:

– Bắc một nồi nước sôi, cho xương ống vào luộc sơ cho ra bọt bẩn rồi đem rửa lại bằng nước lạnh cho sạch. Nước luộc đầu đem đổ đi, tráng lại nồi cho sạch rồi đổ nước khác vào làm nước dùng. Ninh xương ống trong nồi nước này.

– Cà rốt và củ cải rửa sạch, gọt vỏ, xắt miếng nhỏ vừa ăn. Hành tây xắt múi cau. Cho ba thứ này vào nồi nước dùng. Ninh cho tới khi mềm cái ngọt nước.

  • Làm đồ ăn kèm:

– Trứng cút luộc chín kỹ, lột vỏ.

– Tôm luộc chín, bóc vỏ, bỏ đầu.

– Lòng heo mua về bóp muối, rửa kỹ cho sạch (sạch vừa vừa thôi không cần sạch quá hết ngon).

– Chuẩn bị nồi nước nhỏ, nấu sôi rồi cho lòng và gan heo vào luộc. Sau 10 phút vớt lòng heo lấy ra ngoài. Gan heo thì nấu cho tới khi nào vừa chín, chọt cây đũa vào không ra nước đỏ hồng là được rồi, vớt ra. Để nguội rồi xắt lòng và gan thành những miếng vừa ăn.

– Chuẩn bị một cái chảo dầu nhỏ, cho tất cả tỏi băm vào phi thơm, sau đó vớt một nửa số tỏi và dầu ra riêng (phút cuối mới đụng tới).

– Cho thịt xay vô xào với phần tỏi còn trong chảo, xào tới khi thịt săn chín tới là được. Nhớ xào đều tay để thịt tơi ra không dính cục.

– Tiếp theo trút nguyên cái chảo này vào nồi nước dùng, nêm gia vị (muối, đường, nước mắm) lại cho vừa ăn. Nấu tiếp khoảng 10 phút rồi tắt bếp.

– Hủ tiếu khô đem trụng qua nước sôi cho mềm.

  • Trình bày:

– Chuẩn bị tô, cho hủ tiếu vào trước, rồi cho tôm, gan, lòng, 1-2 trái trứng cút lên trên. Sau đó rưới nước dùng ngập hủ tiếu, kèm theo một ít thịt xay [ nếu ăn khô thì không chan nước, mà chan nước sốt hủ tiếu, coi đoạn cuối cùng ]. Cuối cùng rưới 1 muỗng tỏi phi (lúc nãy lấy ra riêng) lên trên cùng cho thơm.

– Khi ăn vắt chanh, nêm thêm xì dầu hay nước mắm, ớt tùy. Ăn với rau sống bao gồm: hẹ cắt khúc, cần tây, tần ô, ngò gai, xà lách… Có thể thêm giá nếu thích.

  • Nước sốt cho hủ tiếu khô:

– 1/3 chén xì dầu + 1 muỗng canh hắc xì dầu + 1 muỗng canh đường + 3 muỗng dầu hào, trộn đều.

Chuẩn bị cái chảo cho tỏi vào phi thơm, vớt tỏi ra chừa lại dầu, sau đó trút hỗn hợp trên vào nấu cho sôi, tan đường, nước hơi sệt lại, rồi nêm nếm lại cho vừa miệng (nếu mặn quá thì thêm nước), tắt bếp.

Khi ăn chan một ít vô hủ tiếu khô. Lấy 1 cái tô khác chan nước dùng nóng vào, vừa ăn hủ tiếu khô vừa húp nước dùng cho ngon.

Bé Thúi / MAV

Những món đặc sản phải thử khi đến Đồng Tháp

Tháp Mười đẹp và hồn hậu với những món đặc sản dân dã đã thành thương hiệu riêng.

Đồng Tháp Mười đẹp xinh đón chào khách phương xa bằng những cánh rừng tràm bạt ngàn, những hồ sen mênh mông, những vườn cò thanh bình, sân chim vời vợi đầy hoang sơ của miệt vườn đặc sắc.

Không chỉ được tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên kỳ thú, tìm hiểu lịch sử qua một loạt các di tích như thế, đến đây, chúng ta còn có cơ hội được thử những món ngon đặc sắc đầy hương vị đồng quê.

Bánh phồng tôm Sa Giang

Đồng Tháp Mười cò bay thẳng cánh/Nước Tháp Mười lóng lánh cá tôm”. Chính từ tôm cá thiên nhiên ban tặng, người dân Sa Giang, Đồng Tháp đã chế biến ra loại phồng tôm ngon bậc nhất.

Cũng là bột, thịt tôm xay nhuyễn và một ít hạt tiêu giã nhỏ, cộng thêm vài thành phần nguyên liệu khác, nhưng phồng tôm Sa Giang – món ngon Đồng Tháp này vẫn cứ nổi bật và khiến người ta chú ý nếu đã thử qua một lần.

Nó không bị cứng, dai mà trở nên giòn, xốp. Cắn một miếng, thấy tan trong miệng với hương tôm thơm, béo ngậy và cay cay rất tuyệt vời. Bánh phồng tôm ăn không cũng ngon, ăn chơi cùng các món gỏi càng đậm vị.

Phồng tôm Sa Giang kết hợp với món khác cũng ngon, mà ăn chơi mình nó cũng tuyệt! (Ảnh: Internet)

Chẳng thế mà nó đã được quảng bá rộng rãi, có mặt khắp nơi và ngày nay còn trở thành một trong những mặt hàng thực phẩm xuất khẩu rất được ưa chuộng.

Chơi Đồng Tháp, không mấy ai không mang theo về làm quà cho người thân, bạn bè món bánh dễ chế biến, ngon lành và dễ ăn này.

Nem Lai Vung

Không phải là vùng duy nhất làm nem ở Đồng Tháp, nhưng Lai Vung tự tạo cho nó thành thương hiệu bởi duy trì được nghề nem truyền thống với những “bí kíp” riêng. Làng nghề này đã có trên 60 năm nay và ngày càng nổi tiếng.

Nem Lai Vung “chua mà ngọt, thơm nồng mà say” (Ảnh: Internet)

Nem Lai Vung – món ngon Đồng Tháp làm từ thịt và bì heo như nhiều nơi khác. Cũng có các gia vị như tiêu, ớt, tỏi được bọc trong những lớp lá chuối xanh mướt, nhưng nem ở đây lại thơm ngon đặc biệt. Đến nỗi có câu ca dao cứ truyền đi như một niềm tự hào: “Lai Vung là xứ lạ lùng/ Nem chua mà ngọt, thơm nồng mà say”.

Mỗi miếng nem là chắt chiu của bao nhiêu công sức người làm, qua các công đoạn phức tạp, nghiêm ngặt với tỉ lệ thịt, bì, gia vị riêng, đảm bảo cân đối, hài hòa. Vì thế, xưa kia, nem chỉ được làm khi nhà có tiệc, giỗ, lễ tết, cúng kiếng mà thôi.

Theo thời gian, nem Lai Vung theo chân người ra khỏi Đồng Tháp, đến với nhiều vùng đất và trở thành đặc sản mà ai khi đến đây cũng phải tìm mua để nếm, để làm quà, để lưu luyến vị chua chua, ngọt ngọt, cay nồng đặc trưng của nó.

Chuột đồng, chuột cống nhum Cao Lãnh

Nghe nói đến chuột, hẳn nhiều người, đặc biệt là các chị em le lưỡi lắc đầu. Nhưng  vđến Cao Lãnh mà chưa ăn món này thì đúng phí cả chuyến đi. Bạn cứ nghĩ thịt chuột đồng, chuột cống nhum ở đây cũng như thịt ếch, thịt gà ở các nơi khác thôi, bởi nó cực kỳ nổi tiếng và phổ biến.

Chuột có nhiều cách chế biến khác nhau : chuột xào lăn, xé phay, chuột nướng, chuột xối mỡ, chiên rôti, luộc cơm mẻ, thịt chuột bằm nhỏ xào sả ớt gói với rau sống và bánh tráng… Mỗi món là một hương vị khác nhau nhưng tựu chung là ngon khỏi nói. Người ta vẫn quen với câu: “Cần chi cá lóc cá trê, thịt chuột thịt rắn nhậu mê hơn nhiều” là vì thế.

Chuột đồng khiến các ông hay nhậu thòm thèm, còn các chị em dè dặt gật đầu khen ngon (Ảnh: Internet)

Người ta hay nướng chuột tươi trên than hồng bằng cách ướp tỏi và rượu đơn giản. Sau đó, cứ thế cho lên bếp đều lửa, nướng đến khi chín vàng là được. Chuột nướng xong cho vào đĩa có lót sẵn rau răm, rau thơm, dọn ra chấm với nước mắm dằm xoài hoặc muối tiêu chanh.

Cầu kỳ hơn một chút là chuột quay lu. Chuột làm sạch, ướp với một hỗn hợp gồm hơn chục loại gia vị khác nhau rồi cho vào lu quay đến gần chín thì quết thêm mật ong phía ngoài. Khi chuột vàng dậy, phồng lên là được.

Thịt chuột nướng lu ngon ngọt, cực kỳ thơm. Món này hợp nhất với rau càng cua trộn giấm và cà chua, chấm nước mắm dằm xoài sống, nhâm nhi với rượu thuốc hoặc mật ong.

Cá lóc nướng trui cuốn lá sen non

Cá lóc phương Nam có mặt ở khắp các ao, đầm, lạch… nhỏ nhỏ nhưng thịt chắc, thơm là nguyên liệu tuyệt vời sáng tạo ra nhiều món ngon của người dân bản địa. Món ăn chất chứa tinh hoa của miệt sông nước, đậm chất Đồng Tháp là cá lóc nướng trui cuốn lá sen non.

Cá lóc nướng trui cuốn lá sen non là món ăn quy tụ đủ vị của đất trời miệt vườn Nam Bộ (Ảnh: Internet)

Cá lóc tươi vừa bắt lên được làm sạch qua rồi cứ thế nướng sao cho cá chín đều, không bị khét cháy. Cá nóng hổi, cho ra khỏi bếp rồi xẻ làm đôi, rắc lên ít hạt đậu phộng rang, rưới  thêm chút mỡ hành. Cá ăn cùng lá sen non còn ngậm sương, cuốn chặt lại, tươi roi rói và nước mắm me.

Khi ăn, dùng lá sen để cuốn rau thơm, dưa leo, khế chua, giá đỗ, bún tươi cùng với cá lóc chấm cùng mắm me.

Giữa cảnh trời sông nước, cò bay, gió hát mà được thưởng thức vị ngọt ngon của thịt cá hòa cũng bùi bùi đậu phộng, beo béo mỡ hành, mướt mát rau thơm, và chua chua mặn mặn mắm me, cùng với mùi thơm mát lá sen quả như thời gian ngừng trôi. Chỉ một món ăn thôi, nhưng cứ như đang cảm nhận hết cả đất trời miệt vườn Nam Bộ vậy.

Hủ tiếu Sa Đéc

Ngoài làng hoa Sa Đéc – món ngon Đồng Tháp nổi tiếng, nơi đây còn có món hủ tiếu được lòng bao khách đến, đi. Hủ tiếu Sa Đéc có nước dùng ngọt thơm xương heo, bánh hủ tiến dai, trắng tươi, mềm mịn.

Rất nhiều thành phần tạo nên tô Hủ tiếu Sa Đéc ngon, lạ và “đáng của” (Ảnh: Internet)

Không chỉ có thịt heo, đầu bếp còn cho vào tô hủ tiếu thịt nạc băm, chả vàng, tim, gan, phèo… được làm kỹ, nóng hổi, ngon lành. Phía trên cùng là hành lá xắt nhuyễn với mấy cọng ngò xanh non. Đặc biệt, tô nào cũng có “tăng xại” – cải xắt nhỏ ướp hương vị đặc trưng của người Hoa.

Mỗi phần hủ tiếu được phục vụ kèm đĩa giò cháo quẩy, rau sống gồm giá, hẹ, cần tây và xà lách. Ngoài ra, còn có xì dầu, lọ ớt sừng trâu xắt lát ngâm giấm. Khi ăn, khách trộn tất những thành phần ấy lại rồi từ từ thưởng thức, sẽ thấy hủ tiếu Sa Đéc quả thật đáng đồng tiền bát gạo.

Khô cá lóc

Khác với món cá lóc nướng trui, cá lóc làm khô phải là những con to. Sau khi làm sạch, cá lóc được xẻ thịt, bỏ đầu, bỏ xương, ướp các loại gia vị: muối, ớt, bột ngọt… rồi đem phơi. Kỹ thuật phơi như thế nào thì người làm giữ riêng cho mình bí quyết.

Do vậy, khô cá lóc rất nhiều nơi có nhưng không phải chỗ nào cũng ngon được như ở Đồng Tháp.

Khô cá lóc dù chiên, nướng hay làm gỏi cũng đều ngon và nhiều hương vị (Ảnh: Internet)

Khô cá thường dùng để ăn dần. Dù để lâu nhưng hương vị thơm ngon thì không đổi. Người ta có thể chế biến thành nhiều món khác nhau, nào chiên, nào nướng, thậm chí còn làm nên các loại gỏi như gỏi xoài, gỏi lá sầu đau… Cá lóc khô ăn cùng nước mắm me dằm ớt hay mắm xoài rất đưa cơm.

Món ăn dung dị thế thôi nhưng khiến người đi xa nhớ mãi, người mới ăn sẽ thèm khi nghĩ đến.

Ngoài ra, Đồng Tháp còn rất nhiều đặc sản khác chờ du khách đến và tự khám phá, đó là rượu sen, quýt hồng Lai Vung, quýt đường Hòa An, xoài Cao Lãnh, bánh xèo…

Tạ Ban (EVA.vn)

Cách làm Hủ tiếu hoành thánh

Sau đây là một cách làm Hủ tiếu hoành thánh do bạn Tiểu Hồ chia sẻ trên group Facebook Hội Ăn Uống

 

Nguyên liệu (cho 8 người ăn):

  • 20k xương ống
  • 1 lạng bánh hoành thánh .
  • 2 lạng thịt băm ( thịt xay vừa nạc vừa mỡ ). Khi đi chợ các bạn nên lựa thịt rồi nhờ người bán xay cho chứ đừng mua thịt xay sẵn vì không ngon đâu nhé .
  • 30 trứng cút tuỳ nhà có thích ăn hay không .
  • Thịt bó giò .
  • Hủ tíu + giá + hẹ + cần tây + ớt .

Công đoạn chế biến:

Chuẩn bị:

  1. Giá + hẹ + cần tây rửa sạch và thái khúc 3 phân.
  2. Hành củ thái nhỏ, cho chút dầu ăn vào phi vàng rồi lấy ra, hành này để rưới vào hủ tíu cho thơm.
  3. Và dầu ăn khi phi hành cũng để ra riêng, lát nữa dùng để trộn với hoành thánh.
  4. Thịt bó giò luộc chín để nguội cho vào ngăn đá để khi thái thịt có thể thái mỏng và không bị nát thịt .

Nước dùng:

  1. Đun 1 nồi nước sôi rồi cho xương vào chừng 5p thì lấy xương ra ( công đoạn này để rửa xương không bị hôi).
  2. Đổ nồi nước cũ sau đó bắc 1 nồi nước mới, cho xương vào lại, cho 1 ít muối để xương được ngọt nước, có thể thêm củ cải nữa nếu thích.
  3. Sau khi hầm xương chừng 30p thì nêm nếm lại cho vừa ăn.

Hoành thánh:

  1. Thịt băm + hành tím & tỏi băm + tiêu + muối + bột ngọt (1 chút xíu cho có vị thôi nhé) mỗi thứ một ít trộn đều với nhau làm nhân .
  2. Rồi dùng bánh hoành thánh cuộn lại vừa đủ ăn, đừng cuộn to quá khi ăn sẽ ngán.
  3. Cho vào nước dùng đến khi nào bánh hoành thánh nổi lên bề mặt nước là chín, vớt ra tô chứa sẵn dầu ăn khi phi hành lúc nãy để không bị dính và nát .

Hủ tíu:

  1. Trước khi ăn trụng nước sôi cho mềm.
  2. Sắp chút giá vào tô, rồi tới hũ tiếu, thịt, trứng cút, sau cùng là hẹ, cần tây
  3. Chan nước dùng vào, rải chút hành phi ban nãy vào là ăn được rồi.

Theo Tiểu Hồ (MAV.vn) 

 

Hủ tiếu gõ, ngõ Sài Gòn

Đã từ lâu, hình ảnh cái xe hủ tiếu còi cọc đậu nơi hè phố với một dáng vẻ khiêm nhường hết cỡ, đã trở thành một cái gì đó không thể thiếu trong những câu chuyện ăn uống Sài Gòn.

Người ta dùng mấy tiếng: Hủ tiếu gõ, gọn lẹ hơn: Mì gõ… để gọi và cũng là để mô tả cái biểu tượng giản dị nhưng cũng đầy cá tính riêng biệt đó. Cá biệt, ở cách bán, cách ăn, cho tới hương vị. Xa xăm, hoài niệm hơn một chút: cá biệt ở cái tiếng gõ. Hơn chục năm trước, tiếng gõ lóc cóc, hoặc leng keng, hoặc lạch cạch, thay cho tiếng rao mời hủ tiếu bằng miệng, vẫn rất thịnh hành. Tiếng gõ có tiết điệu, hình như mang theo tâm trạng người gõ, lúc vui vẻ, lúc buồn bã, khi hững hờ, khi hớn hở… và thường mang đến cho người nghe cảm giác…đoi đói. Để cho tới hôm nay, người ta sẽ cảm thấy lao xao quá đỗi, mỗi khi nghe ra tiếng gõ hũ tiếu trong một khoảng lặng mịt mờ nào đó của đời sống thành thị. Vì bây giờ, không mấy ai đi gõ nữa, có lẽ tại Sài Gòn đã quá ồn ả cho những tiếng gõ đó chăng?

Hết gõ, nhưng vẫn gọi hủ tiếu gõ, chính là vì chưa một ai vội quên đi cái âm điệu mộc mạc đáng yêu đó. Ừ thì hết người đi gõ, nhưng xe hủ tiếu vẫn còn đâu đó thôi. Ừ thì, tạm biệt một thứ dư âm lãng mạn, ta đi ăn hủ tiếu, ăn sợi hủ tiếu phơi khô rồi lại trụng nước, ta ăn miếng bò viên thái mỏng hết cỡ, ta húp muỗng nước lèo ngòn ngọt thơm mùi hẹ ớt xì dầu, chớ đâu có ăn âm thanh lóc cóc leng keng, tuy rằng, nói thật thì vẫn hơi buồn một chút.

Có ai đã thống kê có bao nhiêu xe hủ tiếu gõ ở Sài Gòn? Cái sự thống kê thực khá là thơ mộng, ngộ nghĩnh và có lẽ không khả thi mấy. Mỗi xe hủ tiếu gõ lặng thầm hùng cứ một góc phố, một ngõ hẻm, Sài Gòn có bao nhiêu con phố, bao nhiêu con hẻm, thì hãy gom lại đi, rồi cộng với một con số dễ thương nào đó cho dư ra, càng nhiều càng tốt, để tạm gọi là biết số lượng xe hủ tiếu đang ngang dọc, dọc ngang.

Tính sơ sơ như vậy, để thấy sự gắn bó vô địch của hủ tiếu gõ đối với mảnh đất Sài Gòn. Tại sao có hiện tượng trên? Là bởi đất Sài Gòn, tuy lắm khi mang tiếng đắt đỏ, phồn hoa lấp lánh chi chi đó, nhưng không hề, Sài Gòn thực chất rất giản dị, bụi bặm, và rẻ rề. Ai chưa tin, thì cứ ghé vô một quán hủ tiếu gõ – không tốn kém gì hết, kể cả xăng, vì nó cách nhà bạn quá lắm vài trăm thước.

Gọi là quán cho dễ gọi, chứ chỉ là mấy cái bàn kèm theo mấy bộ ghế cóc. Ngay cạnh đó là xe hủ tiếu bốc khói, thoang thoảng mùi nước lèo. Gọi là quán, nhưng người ngồi ăn luôn ở tình trạng lộ thiên hết cỡ, may mắn mới có cái bạt che, lỡ mà gặp trời mưa, tấm bạt èo uột kia không đỡ nổi, nước bắn vô tô hủ tiếu từ vài chục đến vài trăm giọt, gọi là nêm thêm đôi chút hương vị Sài Gòn. Vậy đó, để cho biết bao người, nói mê mẩn thì hơi quá, nhưng gần thì ăn, xa thì nhớ, nhớ thì thèm. Cái hương vị đặc trưng của hủ tiếu gõ, của Sài Gòn, mà không một quán ăn hoàn chỉnh nào tái hiện nổi, nó cứ nhẹ nhàng, bâng quơ… như một bài thơ, một tiếng hát giang hồ không cầu kỳ gọt dũa, vậy mà ngấm, nhiều khi ngấm tới trái tim, nói hơi quá, nhưng còn biết nói sao? Còn biết nói làm sao cho nó bớt tình cảm hơn, khi mà cái tô hủ tiếu được cả Sài Gòn công nhận về độ dễ ăn ấy, chỉ có giá là… mà thôi, không ai nỡ nói giá tiền của một món quà, ở đây, là món quà giành cho những người yêu Sài Gòn.

Nói về hủ tiếu gõ thì còn nhiều chuyện lắm, nhưng rồi, nói chỉ là nói, nghe chỉ là nghe, không thay thế được cho hành động. Hôm nay, ngày mai, ngày mốt, hoặc ngày kia, bạn sẽ phải đi ăn một tô, cho nhớ. Nhớ rồi thì để giành đó, sau này sẽ có lúc dùng tới, đó là khi bạn được một người bạn đầy thú vị nào đó gợi nhắc về một Sài Gòn mà ai cũng ưa thích, đó là một Sài Gòn rất dân dã, chịu chơi mà gần gũi vô cùng…

 Trần Khiêm