7 LOẠI NƯỚC ÉP CHO CƠ THỂ KHỎE – ĐẸP

Không chỉ là nước giải khát, những loại nước ép sau đây hoàn toàn có thể mang đến cho bạn những kết quả khả quan nhờ tăng cường đề kháng, thanh lọc cơ thể và đẩy lùi bệnh tật.

Nước ép rau xanh: giảm béo

Hỗn hợp nước ép với thành phần 10g cải xoăn, 5g cải bó xôi, 5g dưa leo, 5g rau xà lách pha với nước cho loãng, sẽ có tác dụng làm giảm mỡ eo và đùi nếu uống đều đặn vào lúc sáng sớm khi dạ dày trống rỗng.

Nước ép nho xanh – cải xoăn: cho xương chăc khỏe

Trong loại nước ép này có nhiều sắt và vitamin K tốt cho hệ thống xương và lưu thông máu.

Nước ép cà rốt: kiểm soát cholesterol

Trong loại nước ép này có chứa potassium và magnesium, giúp giảm cholesterol trong máu, hỗ trợ điều trị cao huyết áp, kiểm soát đường huyết. Đây là loại nước ép khuyên dùng cho người bị cao huyết áp và tiểu đường.

Nước ép củ cải: giảm acid uric

Các tinh thể của acid uric nếu tích lũy trong khớp có thể gây đau đớn, tấy đỏ, sưng ngứa… Dùng nước ép cà củ cải, có thể pha cùng cà rốt và dưa chuột sẽ là cách làm giảm acid uric trong máu, giúp giảm viêm đau.

Nước ép rau củ: chống lão hóa

Có một cách làm chậm quá trình lão hóa da, ngăn sự xuất hiện của nếp nhăn, đốm đen, đó là sử dụng loại nước ép từ 5g bắp cải, 4g cà rốt, 3g ớt đỏ. Đây là loại nước ép tốt cho nhiều mặt trong đó có làm chậm tiến trình già đi.

Nước ép dưa leo – xà lách: giảm căng thẳng

Đây là loại nước ép tốt để làm thần kinh của bạn dịu đi, giảm lo lắng, căng thẳng.

Nước ép cải xoong: chữa rụng tóc

Nếu ép rau cải xoong thành nước và bôi lên tóc, đầu, để đó 15 phút rồi rửa lại sạch với nước ấm, bạn sẽ giảm thiểu được chứng rụng tóc.

Huyền Trân (theo boldsky.com)

5 MÓN SINH TỐ GIÚP NGƯỜI GẦY TĂNG CÂN

 

Nếu như giảm cân là một bước đường gian khó đối với người béo, thì ở chiều ngược lại, tăng cân cũng là một nỗi nhọc nhằn của người gầy. Nếu bạn muốn tăng cân, ngoài việc chăm chỉ ăn uống, tập luyện, còn có thể thúc đẩy cân nặng bằng cách bồi bổ cho cơ thể những món xay nhuyễn dễ hấp thu như sau:

1. SINH TỐ LÊ, YẾN MẠCH

ảnh: vegan-drinks.blogspot.com

Xay nhuyễn yến mạch, lê, có thể thêm hạnh nhân, bột quế và 1/4 muỗng cafe gừng, sau đó cho chút sữa chua hoặc sữa tươi vào, nêm nếm cân bằng vị chua ngọt rồi xay thêm 2 phút, bạn đã có một món sinh tố “vỗ béo” ngon lành.

2. SINH TỐ BƠ DỪA

Nói đến tăng cân là phải nói đến sinh tố bơ dừa. Dùng thịt bơ và cơm dừa thái nhỏ, cho vào máy xay cùng với sữa, nước dừa rồi xay nhuyễn.

3. SINH TỐ CHUỐI MẬT ONG

Chuối kết hợp với mật ong rất tốt để bồi dưỡng và vỗ béo cho người gầy. Chuối chín bỏ vỏ, thái nhỏ, cho vào xay cùng với 2 muỗng cafe mật ong, sữa tươi tùy thích, cho thêm đá bào vào nếu muốn uống lạnh. Xay mịn và thưởng thức.

4. SINH TỐ XOÀI

Xoài chín chứa nhiều calo giúp bạn tăng cân “vù vù”. Hãy thái nhỏ xoài (bỏ vỏ), trộn với sữa và đá bào rồi đem xay thật mịn. Ăn vài lần trong tuần và bạn sẽ thấy công hiệu.

5. SINH TỐ MÍT

Mít bỏ hạt, tách múi, thái nhỏ, trộn với sữa tươi rồi xay thật mịn. Món này không chỉ giúp tăng cân mà còn rất tốt cho cơ thể.

 

Bảo Tố (tổng hợp)

KINH HÃI TRÁI CÂY ‘ĂN’ HÓA CHẤT

Chuyện hoa quả cũng như các thực phẩm bị người bán tiêm hóa chất để làm lợi bất chính là chuyện có từ rất lâu. Tuy vậy, vấn nạn này chưa có dấu hiệu lắng xuống mà dường như ngày càng nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng.

– Thịt heo bị tiêm thuốc an thần, rau củ quả tàn dư hóa chất độc hại, sầu riêng bị nhúng hóa chất làm chín sau một đêm, nguy hiểm không?

Khó phân biệt trái cây chín tự nhiên và trái cây bị nhúng, tiêm hóa chất gây chín – Ảnh: Thuận Thắng

Câu chuyện những công nhân ở huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) ngất xỉu vì ảnh hưởng trong quá trình nhúng sầu riêng vào hóa chất làm chín trái cây, một lần nữa làm hàng ngàn bạn đọc lo lắng, đặt câu hỏi về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm ngày nay.

Sau thịt lợn bị tiêm thuốc an thần, rau củ quá tàn dư hóa chất độc hại, sầu riêng bị nhúng hóa chất để làm chín sẽ là gì?

Người nội trợ lo lắng

Chị Tân Thanh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) kể chị thường mua trái cây ở một chỗ quen. Một hôm vì thèm ăn mít nên chị ra hỏi mua thì người bán bảo “hôm nay đừng ăn, mai có mít chín cây tui bán cho”. Nghi ngờ, chị Thanh hỏi lại vậy hôm nay mít bị làm sao thì người này trả lời mít không ngọt, không thơm lắm vì được làm chín bằng thuốc.

“Là chỗ quen biết nên họ nói thì mình mới biết, nếu không chẳng cách nào phân biệt được. Người bán hàng còn chỉ mình là khi mua mít phải nhìn cái cuống, nếu thấy những lỗ li ti thì chắc chắn mít đó chín bằng thuốc thúc chín rồi”, chị Thanh kể.

Phóng viên Tuổi Trẻ đến một cửa hàng bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ở huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) hỏi mua thuốc ép chín sầu riêng thì được nhân viên đưa ngay một chai thuốc dung tích 0,5 lít với dòng chữ “phân bón lá cao cấp” trên bao bì.

Theo lý giải của nhân viên ở đây thì việc ghi nhãn “phân bón lá” là để lách sự kiểm tra của cơ quan chức năng.

Các công nhân đang sơ chế sầu riêng tại cơ sở của của Công ty TNHH MTV Kim Quý (Krông Pắk, Đắk Lắk) sáng 24-8 – Ảnh: TRUNG TÂN

Mắt thường khó phân biệt

Thạc sĩ Bùi Thị Minh Thủy, giảng viên khoa công nghệ hóa học và thực phẩm Đại học Nguyễn Tất Thành, TP.HCM, cho biết bằng mắt thường rất khó phân biệt trái cây chín cây và trái cây chín bằng cách tiêm hóa chất.

Tuy nhiên, dựa vào những kinh nghiệm có được, cô Minh Thủy cho biết có thể nhìn vào màu sắc và hình dáng của quả để phán đoán.

“Ví dụ như chuối, chuối ủ thường có màu sắc rất đẹp, căng bóng, trong khi chuối chín tự nhiên thì màu hơi lem nhem, da không bóng. Sầu riêng hay mít thì nên chọn loại gai nở, mắt nở.

Mít chín tự nhiên sẽ có vị ngọt, mít chín bằng cách ngâm hóa chất thì không ngọt được như vậy. Sầu riêng cũng vậy, nếu chín bằng cách ngâm hay tiêm hóa chất để chín liền thì múi sầu riêng sẽ không mềm, ăn vào hơi sượng sượng”, cô Thủy chia sẻ.

Táo, lựu, hồng Trung Quốc được bày bán tại một sạp trái cây ở chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức, TP.HCM – Ảnh: Hữu Khoa

Tiến sĩ (TS) Phạm Văn Tấn, phó giám đốc Phân viện cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch, cho biết trái cây được ủ chín bằng đất đèn hay khí ethylene sẽ chín đồng đều hơn không chỉ trong phạm vi một trái mà cả một lô trái cây so với để chín tự nhiên.

Ví dụ, chuối hay xoài hoặc cam khi được ủ chín sẽ có màu vàng ươm và rất đồng đều về màu sắc. Thịt của trái cũng có độ cứng rất đồng đều. Chín tự nhiên sẽ không được như vậy.

Một thương lái bật mí: sầu riêng bị chấm hóa chất làm chín hay bị đen thâm phần đít trái.

Hóa chất có thể gây ngộ độc, ngất xỉu, hỏng mắt

TS Võ Thái Dân, trưởng khoa nông học Trường đại học Nông Lâm TP.HCM, cho biết về bản chất, chín là quá trình chuyển từ tinh bột thành đường trong trái cây.

“Hôm nay xử lý để ngày mai trái cây chín liền thì rõ ràng tinh bột chưa chuyển hóa kịp, chất lượng quả sẽ bị dở đi”, TS Võ Thái Dân nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Phạm Văn Tấn cho biết các nước thường dùng ethylene để làm chín trái cây.

Chất này không độc nhưng lại đắt tiền nên ở nhiều người ở Việt Nam thường sử dụng loại rẻ tiền hơn là acetylene và ethephon để làm chín trái cây.

TS Nguyễn Văn Phong, trưởng phòng công nghệ sau thu hoạch, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, đánh giá nguồn tạo ra khí ethylene ngoại sinh (như ethephon) để làm chín phải được kiểm định rõ ràng và có quy định về liều lượng được sử dụng trên trái cây sau thu hoạch bởi “nếu sử dụng những nguồn ethephon trôi nổi trên thị trường, dòng ethephon sử dụng trước thu hoạch và đã trộn với nhiều loại thuốc khác nhau nữa thì rõ ràng là có nguy cơ đối với sức khỏe con người”, ông Phong nhận định.

Kéo dài tuổi thọ trái cây bằng hóa chất – Ảnh Khương Văn

Theo TS Phạm Văn Tấn thì việc sử dụng acetylene để làm chín trái cây là phương pháp mà nhiều người ở Việt Nam, Ấn Độ… thường sử dụng. Cùng một lượng trái cây, tính về nồng độ, nếu chỉ cần dùng 1 phần khí ethylene thì cần đến 10 phần Acetylene để ủ trái cây chín được như nhau.

Acetylene hay còn gọi là “khí đá”, được sinh ra từ phản ứng của đất đèn với nước. Khí acetylene có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con người trong một thời gian dài.

Nếu tiếp xúc với khí acetylene ở nồng độ trên 33%, con người có thể bị ngất xỉu. Các triệu chứng của ngộ độc acetylene thường là khát nước, khó nuốt, cảm thấy yếu, ói mửa đôi khi có máu, cảm giác ngứa ngáy ở miệng, cổ họng hay mũi; cảm giác cháy rát da và có thể làm hỏng vĩnh viễn mắt và một số triệu chứng khác nữa.

“Mặc dù ủ chín trái cây bằng khí acetylene rẻ hơn và dễ tìm nhưng nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và sự an toàn cho người sử dụng nếu không biết dùng đúng cách”, TS Tấn nói.

Do đất đèn có chứa hợp chất của hydro với phosphorus nên có mùi hôi và rất độc. Do đó, nó đã bị cấm sử dụng ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, Ấn độ, Pakistan, Bangladesh, Nepal, Việt Nam và một số nước khác vẫn còn dùng chất này để ủ chín trái cây.

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương thì điều đáng lo ngại chính là làm sao kiểm soát được liều lượng, nồng độ mà người tiêm tiêm vào trái cây để làm chín.

Ăn vào có thể gây ảnh hưởng gan, mật, các triệu chứng về tim mạch

Bên cạnh đó, nếu bơm liều lượng lớn vào trái cây thì ethephon có thể kết hợp với nitrate có sẵn trong trái cây và tạo ra ethylene glycol dinitrate.

“Ngưỡng an toàn của ethylene glycol dinitrate thấp hơn của ethephon và có thể gây ra các triệu chứng về tim mạch như tim đập nhanh, loạn nhịp tim hoặc nhức đầu, chóng mặt và thậm chí là ảnh hưởng gan, mật”, bác sĩ Phương nói.

Bạn đọc Cay Tram chia sẻ việc bơm hóa chất làm chín trái cây có thể giết chết thương hiệu Việt vừa làm suy giảm sức khỏe người tiêu dùng.

“Cần phải có quy định nghiêm ngặt những người bán các loại thuốc bảo vệ thực vật, ghi tên địa chỉ người mua, và có nhật ký bán hàng để đối chiếu với hàng tồn kho và hàng nhập, truy nguồn gốc, phạt nặng những cơ sở không chấp hành …”, bạn đọc viết.

VÕ HƯƠNG – AN NHIÊN – TÀI PHONG

Nguồn: http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/tieu-diem/20150826/kinh-hai-trai-cay-an-hoa-chat/958281.html

ĂN BAO NHIÊU HOA QUẢ MỖI NGÀY LÀ ĐỦ?

Mọi người thường được khuyên ăn nhiều hoa quả để tăng cường sức đề kháng cơ thể cũng như tránh các nguy cơ béo phì. Tuy  vậy cũng có khuyến cáo là ăn quá nhiều hoa quả cũng gây hại về nhiều mặt. Vậy ăn bao nhiêu hoa quả trong ngày là đủ?

Theo các nhà nghiên cứu ở Mỹ, mỗi người lớn (từ 19 tới 50 tuổi) cần ăn 2 cup (đơn vị đo lường của Mỹ, 1 cup tương đương với 450g) hoa quả mỗi ngày. Sau tuổi 50, con số này có thể giảm xuống còn 1,5 cup.

Cụ thể: 1 trái chuối lớn tương đương nửa cup. Nghĩa là 1 ngày bạn ăn 4 quả chuối là đủ.

1 quả cam to cũng bằng nửa cup. 1 trái bưởi cũng vậy.

90 trái Việt Quốc bằng nửa cup.

64 trái nho bằng 1 cup.

1 trái đào to bằng khoảng 1/2 cup.

1 trái lê cũng bằng 1/2 cup.

16 trái dâu lớn bằng 1 cup.

 1 trái dứa bằng 1 cup.

1 trái dưa lưới bằng 2 cup. 1 trái cà chua lớn bằng nửa cup.

2 trái xoài mới được 1 cup.

 1 trái dưa leo bằng 1 cup.

Trí Thâm (theo Popsugar)

13 điều không nên làm sau khi ăn

Sau khi ăn nên làm gì? Câu trả lời tốt nhất là ngồi yên bất động, nhưng nếu có muốn làm gì, thì hãy tránh những điều sau đây:

Hút thuốc

Sau khi ăn người hút thuốc thường thèm thuốc. Tuy vậy, sau khi ăn là lúc máu tuần hoàn nhanh hơn, hút thuốc lúc này sẽ khiến cho chất độc trong thuốc lá xâm nhập vào máu nhanh và nhiều hơn gấp nhiều lần.

Ngủ

Tuy rằng Căng da bụng, chùng da mắt, bạn không nên đi ngủ ngay sau khi ăn. Giấc ngủ sẽ ép buộc toàn bộ cơ thể giảm công suất hoạt động. Theo đó, hệ tiêu hóa sẽ không tiêu hết được thức ăn, thậm chí thức ăn trong ruột qua đêm còn có khả năng nhiễm khuẩn, gây hại dạ dày và ruột.

Đi bộ

Chúng ta có thói quen hoạt động nhẹ nhàng sau khi ăn để dễ tiêu. Thật ra, bất cứ hoạt động nào sau khi ăn đều làm chậm đi quá trình tiêu hóa. Đặc biệt, những người bị viêm loét ruột, dạ dày, nếu hoạt động ngay sau khi ăn sẽ làm cho bệnh nặng thêm. Với người già, đi bộ sau khi ăn có thể gây đột quỵ. Tốt nhất là sau khi ăn, tùy khối lượng thức ăn mà bạn nạp vào, nên nghỉ ngơi từ 30 phút tới 1 tiếng.

Dùng trái cây

Sau một bữa ăn no, tuy rằng bạn vẫn thấy thèm và muốn ăn uống thêm nhiều trái cây, nhưng dạ dày của bạn thật ra đã rất đuối. Ngoài ra các loại đường, acid, glucose, fructose, tinh bột trong trái cây còn có tác dụng làm thức ăn khó tiêu hơn. Bên cạnh đó, chất plavon trong nhiều loại trái cây quen thuộc có thể bị vi khuẩn đường ruột phân giải thành acid tioxianic, về lâu dài sẽ gây bệnh ở tuyến giáp trạng.

Uống trà

Rất khó bỏ uống trà sau bữa ăn nếu bạn đã quen thói. Tuy vậy, hãy cố gắng đợi sau khi ăn 30 phút. Nếu uống ngay sau khi ăn, chất tatin trong trà kết hợp với các loại chất trong thức ăn sẵn sàng khiến cho thức ăn khó hấp thụ thêm. Chất tatin và chất theocin trong trà cũng không tốt cho tiêu hóa.

“Xếp hình”

Muốn chơi “xếp hình”, bạn phải chuẩn bị nhiều thể lực, tuy vậy không nên ăn thật no trước khi lâm trận. Cũng vì máu đang tập trung vào hệ tiêu hóa, nên sau khi ăn, máu trên não giảm đi đáng kể. Nếu bạn nổi hứng “xếp hình” vào lúc này, nhẹ sẽ bị tăng nhịp tim, nhức đầu, nặng có thể bị thượng mã phong.

Đọc sách, lên mạng

Bạn có thể hình dung ra thiệt hại kép của việc này, khi mà máu phải chia ra hai phía để làm nhiệm vụ: mắt để đọc và dạ dày để tiêu hóa. Khi cả hai cơ quan đều không đủ máu để hoạt động, có thể gây nên các bệnh về mắt và các vấn đề về dạ dày.

Hoạt động mạnh

Sau khi ăn từ 1 đến 3 tiếng, máu của bạn đang dồn về cơ quan tiêu hóa để tập trung nhiệm vụ tiêu hóa thức ăn. Trong lúc này, nếu vận động mạnh, máu sẽ phải phân phát ra các cơ bắp, làm dạ dày hoạt động kém hiệu quả đi, và thế là đau dạ dày.

Tháo nịt

Tháo thắt lưng ngay sau khi ăn là một thói quen có hại ít ai ngờ tới. Vì khi dạ dày đang nặng nề, tháo dây lực làm phình bụng, áp lực trong bụng hạ thấp xuống, làm ảnh hưởng đến tác dụng hỗ trợ của đường tiêu hóa cũng như dây chằn khiến cho các cơ quan tiêu hóa đẩy nhanh co bóp, có thể gây xoắn, nghẽn ruột, thậm chí là thòng dạ dày.

Hát karaoke

Ngay sau bữa ăn, một chương trình hát hò với âm lượng lớn có thể là cực hình với tất cả mọi người, nhưng cũng có tác hại đối với bản thân người hát. Vì lúc này, thể tích dạ dày lớn, lưu lượng máu tăng lên. Hát sẽ làm cho áp lực dạ dày tăng thêm, có thể ảnh hưởng – thậm chí gây bệnh dạ dày, đường ruột. Bên cạnh đó, nếu bữa ăn có nhậu rượu bia, việc hát làm máu dồn về cuống họng, thanh quản, làm tăng xung huyết, rất dễ dẫn dến viêm họng mãn tính.

Uống nước lạnh

Những người già hay những người “nhạy bụng”, nếu sau khi ăn no mà dùng thức ăn lạnh ngay, sẽ gây co bóp mạnh ở dạ dày, gây đau bụng, đi ngoài, có hại cho tiêu hóa.

Đánh răng

Cố gắng chờ sau khi ăn 45-60 phút rỗi hẵng đánh răng. Vì sau khi ăn là lúc răng yếu đuối nhất, việc chà sát, động chạm vào răng có thể gây tổn thương trực tiếp đến răng, nhất là phần men răng.

Tắm

Khi tắm rửa kỳ cọ, mạch máu giãn nở, máu sẽ lưu thông mạnh hơn đến các chi, chứ không tập trung về các cơ quan tiêu hóa và nội tạng, khiến cho quá trình tiêu hóa bị ảnh hưởng. Về lâu dài, thói quen này sẽ hại dạ dày.  Còn nếu bạn mắc mỡ trong máu, bệnh tim, cao huyết áp… tắm sau khi ăn có thể gây biến chứng.

Mỹ Lạo (tổng hợp)