Cách làm MỰC XÀO DƯA CHUA

Hãy thay đổi hương vị cho món mực xào bằng cách xào cùng dưa chua, bạn sẽ mang lại một bữa ăn mới lạ, ngon lành cho gia đình.

Nguyên liệu:

– Mực ống: 300g

– Dưa chua: 150g xem CÁCH LÀM DƯA CẢI CHUA

– Cà rốt: 1 củ

– Hành củ, hành lá, tiêu, gia vị…

Cách làm:

Bước 1:

– Mực mua về bỏ túi, nội tạng rồi rửa sạch, cắt khoanh vừa ăn, để ráo. Ướp mực cùng 1/2 muỗng cafe hột nêm, 1/2 muỗng cà phê muối trong 15 phút.

Bước 2:

– Dưa chua rửa vài lần nước cho đỡ vị mặn chua, cắt khúc vừa ăn, bóp nhẹ cho ra nước. Để ráo.

– Cà rốt gọt vỏ, xắt khoanh vừa ăn.

Bước 3:

– Bắc chảo cho vào ít dầu ăn đun nóng rồi phi thơm hành củ băm, cho mực vào xào vừa chín tới thì trút mực và hành tây ra tô để riêng. Lưu ý không xào mực lâu kẻo bị nhũn ăn dở.

Bước 4:

– Cũng cái chảo đó ta cho cà rốt vào xào cùng chút nước mắm.

Bước 5:

– Cà rốt chín thì trút dưa vào xào chung khoảng 8-10 phút cho ngấm và chín đều thì lại trút mực vào, vặn lửa lớn, xào nhanh tay cho mực vừa đủ nóng thì nêm nếm lại cho vừa miệng. Tắt bếp. Rắc hành lá, tiêu vào.

– Ăn nóng với cơm.

theo Cún Khang

Cách làm ẾCH XÀO SA TẾ

Ếch nấu sa tế là món ăn đơn giản hấp dẫn, có thể làm món đãi tiệc, món nhậu hoặc dùng với cơm trong bữa ăn hàng ngày.

Nguyên liệu:

– 800g thịt ếch

– 3 muỗng canh sa tế

– 300g khoai tây

– 1 củ hành tây, vài tép tỏi, một nhúm ngò thái nhỏ

– Ngũ vị hương, rượu đế, bột ngọt, muối, tiêu

– Bơ hoặc dầu mè để xào cho thơm

– Gừng hoặc riềng băm.

Cách làm:

1 Ếch làm sạch, chặt miếng vừa ăn rồi ướp với sa tế, ngũ vị hương, hành tỏi băm, đường, bột ngọt, muối, gừng băm, chút rượu trong 10 phút.

2 Khoai rửa sạch, luộc chín, lột vỏ, bổ vừa ăn. Lấy vài củ đem tán nhuyễn. Hành tây chẻ múi cau

3 Bắc chảo dầu cho tỏi và hành vào phi thơm, sau đó cho ếch vào xào cho săn. Tiếp theo cho nước lã vào xâm xấp mặt thịt, Đun lửa vừa tới khi thịt ếch chín, thì cho khoai tây miếng, khoai tây nghiền, hành tây  vào xào chung.

4 Bơ cho vào chảo nhỏ đun chảy. Xào thịt tới khi nước hơi sánh queo lại thì cho bơ vào trộn đều, rắc tiêu, ngò.

5 Ăn nóng.

Bảo Nhân

8 MẸO CHỮA BỆNH BẰNG HÀNH TÂY

Hành tây không chỉ là nguyên liệu giòn ngon cho các món trộn. Loại củ có vị hăng này còn được coi là loại thuốc mang lại nhiều tác dụng bảo vệ cơ thể. Sau đây là 7 cách trị bệnh từ hành tây bạn có thể áp dụng tại nhà.

 

Trị nứt chân

Đắp hành tây vào chân rồi bịt bít tất lại trước khi ngủ. Bạn sẽ thấy mọi thứ cải thiện sau một thời gian áp dụng
Giải cảm

Cho vài lát hành tây vào trà, uống khi trà còn ấm, cách này sẽ giúp bạn giảm những triệu chứng sổ mũi, viêm họng, và mau khỏi bệnh.

Cầm máu khi bị đứt tay

Hãy đắp một lát hành tây lên vết thương, tác dụng của việc này là giảm đau và cầm máu.

Giảm cơn sốt:

Đắp một lát hành tây vào lòng bàn chân rồi đeo vớ vào trước khi đi ngủ, sáng dậy bạn sẽ cảm thấy tác dụng.
Làm mờ vết thẹo
Thoa nước cốt hành tây lên chỗ sẹo cũng giúp mau liền sẹo.
Trị viêm, đau tai
Nhét một miếng hành tây nhỏ vào lỗ tai  sẽ giúp giảm đau do viêm nhiễm, ứ nước.
Xử lý vết ong đốt
Bị ong đốt: hãy hút nọc ra và đắp một lát hành tây lên chỗ bị đốt để ngăn nọc phát tán cũng như làm lành vết thương.
Chữa bỏng nước sôi, côn trùng
Đắp hành tây lên chỗ bỏng để làm dịu cơn đau và mau lành vết thương.

Thám Duyên – tổng hợp

ĐIỀU GÌ SẼ XẢY RA NẾU BẠN ĐỂ MỘT LÁT HÀNH TÂY TRONG TẤT CHÂN KHI NGỦ?

Bên cạnh việc là một loại rau, gia vị ngon lành, Hành tây luôn được coi là một loại thuốc bổ với rất nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, nó còn được coi là một loại củ thần kì với những tác dụng đầy bất ngờ.

1. Từ câu chuyện về cách dùng hành tây làm “hàng rào” chống dịch cúm

Câu chuyện này có lẽ xuất phát từ Tây Ban Nha, được kể lại theo kiểu truyền miệng. Vào năm 1919, thời điểm diễn ra đại dịch cúm nghiêm trọng nhất trong lịch sử nhân loại, theo ước tính, khoảng 50 – 100 triệu người đã bị chết.Đại dịch này được giới y học xếp ngang hàng với trận dịch hạch làm chết gần 2/3 số dân châu Âu vào thế kỷ 14. Đối với giới y học lúc này, dịch cúm là cơn ác mộng không gì có thể khống chế được.

Tuy nhiên, trong một lần bác sĩ đến thăm và khảo sát tại một làng quê thì thấy có 1 gia đình nông dân vẫn sống khỏe mạnh trong khi những nhiều gia đình xung quanh họ đã nhiễm bệnh và chết.

Khi được hỏi về bí quyết phòng chống cúm, người nông dân đã chỉ vào một củ hành tây không lột vỏ để trên bàn. Mỗi phòng đều có một củ như vậy.

Không thể tin vào điều đó, người bác sĩ đã xin củ hành tây về soi dưới kính hiển vi. Thật ngạc nhiên, bên trong củ hành tây bám đầy siêu vi trùng.

Điều đó lý giải vì sao gia đình bác nông dân đều sống khỏe mạnh. Đơn giản vì củ hành tây đã hút hết siêu vi trùng vào trong nó nên những người trong gia đình không còn bị nhiễm bệnh.

Hành tây có những tác dụng kỳ diệu mà bạn không ngờ tới được.

2. Tác dụng của hành tây trên hệ hô hấp

Theo các nhà khoa học, hành tây thuộc chi hành, là một họ thuộc các chi thực vật như tỏi, hẹ, hành lá, tỏi tây.

Hành tây có chứa một số phytoncide như allicin có tính kháng khuẩn mạnh, tác dụng tiêu diệt các vi khuẩn lây nhiễm, bao gồm cả vi khuẩn E. coli và Salmonella.

Khi hành tây được cắt lát, chúng sẽ phát ra những phân tử nhỏ có tác dụng diệt khuẩn, làm sạch không khí.

Hành tây có tác dụng rất tốt trong việc điều trị các chứng bệnh do lạnh, sổ mũi, nghẹt mũi, sốt siêu vi, cảm gió, cảm sốt kèm hắt hơi, sổ mũi… Với những người đã sử dụng hành tây thì coi loại thực phẩm này là phương thuốc hiệu quả nhất.Với tính chống viêm mạnh mẽ, giảm triệu chứng ho, hen, giảm phù nề thanh quản, giảm xuất tiết dịch phế quản. Tại một số nước, sirô có nước ép hành tây dùng để trị ho và các bệnh hô hấp cho trẻ em.Thành phần của hành tây chứa các chất chống viêm và ức chế Histamin- một chất hóa học chính gây bệnh hen, nó có tác dụng tốt trên bệnh nhân hen, giảm một nửa nguy cơ tái phát của các cơn hen.

Vì thế, hành tây cũng có những tác dụng cực kỳ tích cực trong việc điều trị bệnh hen suyễn và viêm phế quản.

3. Cách dùng hành tây phòng và chữa bệnh “thần kỳ”:

– Dùng hành tây hạ sốt: Cắt lát hành tây dùng để lau trán và đắp lên trán trong vòng 30 phút, khi kiểm tra sẽ thấy thân nhiệt hạ xuống vì hành tây có công dụng hạ sốt rất hiệu quả.

Một cách khác nữa là bạn có thể uống nước ép hành tây hoặc canh hành tây nóng để ra mồ hôi và hạ sốt.

– Chữa tắc mũi: Nhỏ vài giọt nước ép hành tây vào mũi sẽ giúp mũi đang bị tắc trở nên thông thoáng.

– Tiêu đờm và giảm tiết đờm trong cổ họng: Uống 3 – 4 thìa cà phê hành tây pha với mật ong để làm tiêu đờm và ngăn chặn sự tạo đờm trong cơ thể.

– Chữa cảm lạnh: Cách chữa cảm lạnh phổ biến ở Châu Âu, Mỹ và Israel cũng là hỗn hợp nước ép hành tây và mật ong.

– Phòng ngừa các bệnh cảm cúm và cảm lạnh: Người ta có thể thu được một số lợi ích tốt nhất của hành tây nếu nó được đưa vào thông qua các con đường thần kinh ở bàn chân của chúng ta.

Bởi vậy trước khi đi ngủ, bạn nên buộc một lát hành tây dưới gan bàn chân hoặc lồng nó vào trong bít tất để giữ chúng lại dưới gan bàn chân cả đêm sẽ có tác dụng phòng ngừa các bệnh cảm cúm và cảm lạnh.

Theo Trí Thức Trẻ

Cách làm DƯA CÀ RỐT ỚT CHUÔNG

Món dưa xổi này có những thành phần chính khá là đặc biệt như ớt chuông, hành tây, cà rốt… Nhưng nhờ sự đa dạng đó món ăn trở nên hấp dẫn và thú vị, rất đưa cơm. Cách làm rất đơn giản.

Nguyên liệu:

 

  • Ớt Đà Lạt xanh: 6 trái, xắt lát nhỏ, bỏ hột
  • Cà rốt: 1 củ, gọt vỏ, xắt thành miếng dày tầm 0,5cm
  • Hành tây: 1 củ, lột vỏ, xắt khoanh
  • Tỏi: 6 củ, bóc vỏ, đập dập.
  • Giấm trắng: nửa chén
  • Nước lọc: nửa chén
  • Quế: 1 lá
  • Muối: 2 muỗng canh
  • Mật ong: 2 muỗng cf
  • Ớt bột: 2 muỗng cf

Cách làm:

  • Cho tất cả nguyên liệu vào chảo, trộn đều rồi bật lửa vừa nấu cho sôi, nấu thêm chút nữa cho chuyển màu rồi tắt bếp, để nguội.
  • Vậy là ăn được rồi. Nếu muốn trữ lâu bạn cho vào lọ thủy tinh sạch đậy nắp lại, rồi bỏ tủ lạnh ăn dần.
  • Món này ăn với cơm, mì gói …đều ngon.

Bảo Tố

THÓI QUEN ĂN HÀNH TÂY RẤT TỐT CHO SỨC KHỎE

Hành tây không chỉ là loại rau ưa thích trong các món trộn, xào, mà nó còn được biết đến như một loại thuốc trị được nhiều bệnh.

Ổn định đường huyết. Trong hành tây có allicin – một hợp chất lưu huỳnh tạo nên mùi hăng gây chảy nước mắt nếu tiếp xúc trực tiếp, hợp chất này được chứng minh làm giảm lượng đường trong máu và mức cholesterol. Hành tây còn là nguồn cung cấp khoáng chất crôm, cần thiết cho việc điều tiết lượng đường trong máu. Chất xơ, kali, và các chất dinh dưỡng thực vật khác trong hành tây cũng hỗ trợ việc sản xuất insulin.

Phòng chống ung thư. Các hợp chất lưu huỳnh điều tiết lượng đường trong máu cũng có tác dụng ức chế sự tăng trưởng của tế bào ung thư. Một cuộc nghiên cứu trong suốt 13 năm được tiến hành tại Ý và Thụy Sĩ cho thấy hành tây và tỏi có hiệu quả đáng kể trong việc bảo vệ nguy cơ bị các bệnh liên quan đến thực quản, đại tràng, trực tràng, thanh quản, ung thư vú, buồng trứng, thận và ung thư tuyến tiền liệt.

Làm sáng da. Cắt và chà hành tây trực tiếp lên da có thể làm mờ các đốm thâm đen. Chất flavone (một chất chống ô xy hóa còn gọi là quercetin) trong hành tây có tác dụng làm mờ các đốm đen, trả lại sắc tố bình thường cho da.

Giải độc. Chất lưu huỳnh trong hành tây thúc đẩy quá trình sản xuất glutathione, một chất chống ô xy hóa cực mạnh, kích hoạt các enzym trong gan giúp tuôn các độc tố ra ngoài. Allicin kết hợp với quercetin được chứng minh có thể làm giảm bớt độc tính trong cơ thể.

Hỗ trợ miễn dịch. Ngoài việc chứa nhiều chất chống ô xy hóa, hành tây còn là nguồn phong phú của vitamin C. Vitamin này được biết đến với công dụng tiêu diệt các loại vi rút. Với đặc tính kháng khuẩn hiệu quả, ăn hành tây có thể ngăn ngừa viêm loét dạ dày bằng cách ngăn chặn sự tăng trưởng của heliobacter pylori, một loại vi khuẩn gây ra chứng này.

Giảm đau bụng khi hành kinh. Hành tây chứa a xít amin cysteine, làm tiền đề cho việc sản xuất glutathione. Glutathione là chất chống ô xy hóa tuyệt vời liên quan đến nhiều chức năng như làm dịu sự đau nhức, giảm căng thẳng, ngăn ngừa tổn thương tế bào và hỗ trợ chức năng gan. Ăn hành tây trước thời gian hành kinh từ 4 – 5 ngày có thể giảm bớt các triệu chứng đau bụng kinh.

Bảo vệ sức khỏe răng miệng. Hương vị hăng hắc, cay nồng của hành tây có thể diệt các vi khuẩn có hại trong miệng, ngăn ngừa sâu răng và nhiễm trùng.

Ngăn ngừa mụn. Chà hành tây lên mặt mỗi ngày có thể chữa lành vết thâm và ngăn ngừa mụn. Ngoài ra, chiết xuất từ củ hành còn được tìm thấy giúp làm mờ các vết sẹo hiện hữu.

Hạ Yên (THANH NIÊN online)

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/suc-khoe/cong-dung-hanh-tay-510148.html

12 THỰC PHẨM CÓ TÍNH NĂNG SÁT KHUẨN QUÝ GIÁ

Thực phẩm không chỉ giúp cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể, một số loại thực phẩm còn mang lại khả năng phòng chống bệnh tật rất tốt, thậm chí không thua gì các loại thuốc đề kháng. Sau đây là những thực phẩm quý mà bạn nên sử dụng, vì nó mang lại khả năng sát khuẩn, ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể:

 

Hành tây:

Thuộc họ thực vật allium, cung cấp hương vị hăng và cay cho các món ăn. Chúng chứa nhiều chất flavonoid giúp kích thích sản xuất các chất chống ôxy hóa, do đó có đặc tính kháng khuẩn và tăng cường miễn dịch mạnh mẽ.

Sữa chua:

Một nghiên cứu của Trường Đại học Vienna (Áo) cho biết mỗi ngày trẻ ăn 1 hộp sữa chua có tác dụng tương đương với tiêm một ống thuốc tăng sức đề kháng

Các kết quả nghiên cứu cho thấy probiotic, một loại vi khuẩn có tác dụng tuyệt vời trong việc tăng cường hệ miễn dịch và ngăn chặn sự xâm nhập của virus, được tìm thấy trong sữa chua. Dù nhiều loại thực phẩm khác cũng có probiotic nhưng sữa chua được coi là nguồn probiotic dồi dào nhất cho trẻ nhỏ.

Chính vì vậy, các bà mẹ đừng quên cho con ăn sữa chua để phòng tránh dịch sởi. Bé từ 6 tháng tuổi trở lên có thể ăn được sữa chua mỗi ngày với “tiêu chuẩn”: Trẻ ở độ tuổi 6-10 tháng là 50 g/ngày, 1-2 tuổi: 80 g/ngày, trên 2 tuổi: 100 g/ngày.

Hạt đu đủ: 

Các loại axít béo có trong hạt đu đủ được cho là giúp cơ thể phòng chống ung thư. Hạt đu đủ cũng giúp loại bỏ khỏi cơ thể các loại ký sinh trùng đường ruột nhờ hàm lượng enzyme cao. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng hạt đu đủ cũng có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm mạnh mẽ ở hệ tiêu hóa và đặc biệt hiệu quả trong việc tiêu diệt E.coli, Salmonella, tụ cầu khuẩn. Chúng ta có thể ăn hạt đu đủ thô với mục đích chữa bệnh hoặc chế biến thành món ăn bằng cách làm khô và nghiền, dùng thay cho hạt tiêu.

Yến mạch:

Chứa beta-glucan, một loại sợi có khả năng kháng khuẩn và chống ôxy hóa. Khi động vật ăn hợp chất này, chúng ít có khả năng bị cúm, bệnh Herpes và nhiều bệnh lây nhiễm khác. Yến mạch không những có khả năng tăng cường hệ miễn dịch mà còn có thể giúp thuốc kháng sinh phát huy tác dụng tốt hơn. Bà mẹ nên cho trẻ ăn yến mạch khoảng 3 lần/tuần xen kẽ với ăn cơm và các loại thực phẩm tinh bột khác.

Tỏi:

Chứa rất nhiều allicin, một chất giúp chống nhiễm trùng và ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập cơ thể. Các nhà nghiên cứu Anh đã cho 146 người sử dụng tỏi và các thực phẩm chiết xuất từ tỏi trong 12 tuần, nhận thấy những người này rất ít nguy cơ bị lây nhiễm cúm hay cảm lạnh. Cho trẻ ăn 1 tép tỏi mỗi ngày xào cùng thịt bò, heo hay gà có thể giúp tăng sức đề kháng.

Canh thịt gà:

Chất cysteine axít amin sản sinh từ thịt gà nấu canh có tác dụng ngăn chặn sự di cư của các tế bào viêm. Bổ sung gia vị tự nhiên như hành và tỏi vào món canh gà, súp gà cho trẻ có thể giúp tăng sức mạnh hệ miễn dịch của bé.

Atisô: 

Chứa hợp chất thực vật chống ôxy hóa gọi là axít caffeoylquinic, được sử dụng để điều trị rối loạn hoạt động gan nhờ khả năng kích thích dòng chảy của mật. Dòng chảy này được điều hòa sẽ giúp cơ thể tiêu hóa chất béo, góp phần làm sạch các chất gây viêm cho cơ thể có trong thức ăn nhiều dầu mỡ.

Súp lơ xanh:

Là một trong những loại rau họ cải, được biết đến nhờ đặc tính chống ôxy hóa mạnh mẽ. Khoa học đã chỉ ra rằng một chế độ ăn giàu các loại rau xanh họ cải sẽ làm giảm nguy cơ ung thư. Các loại rau họ cải khác bao gồm bắp cải, cải bruxen, cải xoăn…

Trái bơ:

Cung cấp các axít đơn không no tốt cho tim và glutathione, một hợp chất có tác dụng ngăn chặn sự hấp thu các chất béo trong ruột dẫn đến quá trình ôxy hóa. Ngoài ra, chúng cũng giúp làm sạch các độc tố tích tụ tại gan, giúp tăng cường chức năng gan trong cơ thể.

Củ cải đường:

Chứa betalain, một sắc tố thực vật khiến củ cải đường có màu đỏ đậm, có đặc tính chống viêm và diệt nấm mạnh mẽ. Betalain thúc đẩy quá trình cấu trúc tế bào, giúp sửa chữa và tái tạo các cơ quan, đặc biệt là gan – trung tâm thải độc chính của cơ thể.

Rễ cây bồ công anh:

Hoạt động như một thuốc lợi tiểu bằng cách tăng sản xuất nước tiểu, từ đó giúp lọc máu và đào thải độc tố. Ngoài ra, các nhà khoa học đang nghiên cứu một chất chiết xuất từ rễ bồ công anh có khả năng khiến các tế bào ung thư máu “tự chết”.

Cây thì là:

Giàu vitamin và các chất chống viêm. Thì là có chứa hóa chất giúp kích hoạt các glutathione – một chất chống ôxy hóa trong gan có thể vô hiệu hóa các gốc tự do. Thì là còn rất giàu vitamin C và chất kháng sinh vô cùng cần thiết đối với cơ thể. Thì là cũng là một thực phẩm giàu chất xơ nhưng ít calo, rất lý tưởng cho quá trình làm sạch bên trong các cơ quan cơ thể.

Theo BS Hoàng Tuấn Linh (Người lao động)